Tải bản đầy đủ (.doc) (23 trang)

Phát huy tiềm năng sức mạnh của văn hóa Việt Nam ở thành sức mạnh mềm trong hội nhập và phát triển

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (197.31 KB, 23 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH

VIỆN VĂN HÓA NGHỆ THUẬT VIỆT NAM

TÊN HỌC PHẦN
LỊCH SỬ VĂN HÓA VIỆT NAM

TÊN TIỂU LUẬN
Phát huy tiềm năng sức mạnh của văn hóa Việt Nam
trở thành sức mạnh mềm trong hội nhập và phát triển

Chuyên ngành

: Quản lý văn hóa

Mã số

: 62310642

Tên giảng viên

: GS.TS. Nguyễn Chí Bền

Tên NCS

: Hoàng Thị Bình


2


Hà Nội, 2016
LỜI MỞ ĐẦU
Việt Nam có một nền văn hóa đặc sắc, phong phú, đa dạng hợp thành
bởi nền văn hóa của các tộc người sinh sống trên cùng một lãnh thổ, quốc
gia rất lâu đời được thừa hưởng của cha ông những giá trị văn hóa tinh thần
vô giá và để lại những giá trị lớn. Trải qua hàng nghìn năm Bắc thuộc, văn
hóa Việt Nam không bị đồng hóa. Ngược lại, nó tiếp thu, sáng tạo ra những
giá trị mới phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của Việt Nam, có khả năng
tạo ra sức mạnh mềm không thua kém quốc gia nào.
Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa
xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), một trong những nội dung quan trọng
được thông qua tại Đại hội XI là Đảng ta đã nêu lên định hướng về văn hóa
với nội hàm toàn diện, sâu sắc:“Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản
sắc dân tộc, phát triển toàn diện, thống nhất trong đa dạng, thấm nhuần sâu
sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ; làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ
và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành sức mạnh nội sinh quan
trọng của phát triển”. Văn hóa biểu hiện sức sống, sức sáng tạo, sức mạnh
tiềm tàng và vị thế, tầm vóc dân tộc. Thực tế đã chứng minh, một quốc gia
muốn phát triển bền vững, ngoài dựa vào các “yếu tố cứng” như quân đội, tài
nguyên thiên nhiên, tiền vốn, cơ sở vật chất,…thì cần phải biết tận dụng, khai
thác “yếu tố mềm”, đó chính là nguồn nhân lực con người với vai trò là nhân
cách văn hóa năng động, sáng tạo nhất, đóng góp quyết định nhất đến sự
hùng mạnh, phồn vinh của xã hội. Hay nói cách khác, văn hóa là một “nguồn
lực mềm” làm động lực và đòn bẩy thúc đẩy kinh tế phát triển và làm “hài
hòa hóa” các mối quan hệ xã hội và “lành mạnh hóa” môi trường xã hội.


3
Quan điểm của Đảng ta luôn quan tâm xây dựng văn hóa thực chất
là coi trọng và đề cao “sức mạnh mềm” của đất nước. “Sức mạnh mềm” là

sức mạnh bắt nguồn, xuất phát điểm từ bên trong được kết tinh từ trí tuệ, ý
chí, tâm hồn, cốt cách, truyền thống lịch sử vẻ vang, tinh thần anh dũng, quật
cường, mưu trí, sáng tạo của dân tộc Việt Nam từ hàng ngàn đời nay. Để
đánh thức những “tiềm năng” còn tiềm ẩn trong dân tộc và mỗi người VN và
kết nối những tiềm năng ấy thành sức mạnh vật chất trong cuộc chiến chống
đói nghèo, lạc hậu; trong xây dựng xã hội văn minh; trong tôi luyện thành
những con người mới XHCN chính là nhiệm vụ của văn hóa; đồng thời thể
hiện sức mạnh nội sinh của văn hóa thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội.
Vậy, cần phải làm gì, làm như thế nào để văn hóa thực sự “trở thành sức
mạnh nội sinh quan trọng của phát triển”theo tinh thần Nghị quyết Đại hội
XI của Đảng.
Với ý nghĩa đó, trong khuôn khổ của học phần “Lịch sử Văn hóa Việt
Nam” nghiên cứu sinh chọn vấn đề “Phát huy tiềm năng sức mạnh của văn
hóa Việt Nam trở thành sức mạnh mềm trong hội nhập và phát triển” nhằm
đề xuất một số ý kiến góp phần phát triển mạnh mẽ sức mạnh văn hóa Việt
Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để ngày càng nâng cao vị thế của Việt
Nam trên trường quốc tế trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu
rộng của đất nước ta hiện nay.


4

PHÁT HUY TIỀM NĂNG SỨC MẠNH
CỦA VĂN HÓA VIỆT NAM TRỞ THÀNH SỨC MẠNH MỀM
TRONG HỘI NHẬP VÀ PHÁT TRIỂN
1. Các khái niệm
I.1. Khái niệm Văn hóa Việt Nam
Văn hóa Việt Nam được hiểu và trình bày dưới các quan niệm khác nhau:
- Quan niệm thứ nhất: đó là đồng nhất văn hóa Việt Nam với văn hóa
của người Việt, trình bày lịch sử văn hóa Việt Nam chỉ như là lịch sử văn

minh của người Việt.
- Quan niệm thứ hai: Văn hóa Việt Nam là toàn bộ văn hóa các dân
tộc Việt Nam cư trú trên mảnh đất Việt Nam, chỉ có văn hóa từng tộc người,
không có văn hóa dân tộc/quốc gia.
- Quan niệm thứ ba: Văn hóa Việt Nam là cộng đồng văn hóa dân
tộc/quốc gia, đây là nền văn hóa dân tộc thống nhất trên cơ sở đa dạng sắc
thái văn hóa tộc người. Khái niệm dân tộc/quốc gia chỉ một quốc gia có chủ
quyền, trong đó phần lớn công dân gắn bó với nhau bởi những yếu tố tạo nên
một dân tộc. Quan niệm thứ ba này hiện nay đang là quan niệm chiếm số
đông bởi các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý trong lĩnh vực văn hóa Việt
Nam, vì vậy nội dung về văn hóa Việt Nam sẽ được trình bày theo quan niệm
thứ ba, văn hóa Việt Nam theo hướng văn hóa dân tộc (Một hướng tiếp cận
văn hóa Việt Nam, Hồ Liên, NXB Văn Học 2008)
Văn hóa Việt Nam dưới quan niệm là văn hóa dân tộc thống nhất trên
cơ sở đa sắc thái văn hóa tộc người được thể hiện ở ba đặc trưng chính:
Đặc trưng thứ nhất: Việt Nam có một nền văn hóa phong phú và đa
dạng trên tất cả các khía cạnh, người Việt cùng cộng đồng 54 dân tộc có


5
những phong tục đúng đắn, tốt đẹp từ lâu đời, có những lễ hội nhiều ý nghĩa
sinh hoạt cộng đồng, những niềm tin bền vững trong tín ngưỡng, sự khoan
dung trong tư tưởng giáo lý khác nhau của tôn giáo, tính cặn kẽ và ẩn dụ
trong giao tiếp truyền đạt của ngôn ngữ, từ truyền thống đến hiện đại của văn
học, nghệ thuật.
Đặc trưng thứ hai: Sự khác biệt về cấu trúc địa hình, khí hậu và phân
bố dân tộc, dân cư đã tạo ra những vùng văn hoá có những nét đặc trưng
riêng tại Việt Nam. Từ cái nôi của văn hóa Việt Nam ở đồng bằng sông
Hồng của người Việt chủ đạo với nền văn hóa làng xã và văn minh lúa nước,
đến những sắc thái văn hóa các dân tộc miền núi tại Tây bắc và Đông bắc. Từ

các vùng đất biên viễn của Việt Nam thời dựng nước ở Bắc Trung bộ đến sự
pha trộn với văn hóa Chăm Pa của người Chăm ở Nam Trung Bộ. Từ những
vùng đất mới ở Nam Bộ với sự kết hợp văn hóa các tộc người Hoa, người
Khmer đến sự đa dạng trong văn hóa và tộc người ởTây Nguyên.
Đặc trưng thứ ba: Với một lịch sử có từ hàng nghìn năm của người
Việt cùng với những hội tụ về sau của các dân tộc khác, từ văn hóa bản địa
của người Việt cổ từ thời Hồng Bàng đến những ảnh hưởng từ bên ngoài
trong trong hàng nghìn năm nay. Với những ảnh hưởng từ xa xưa của Trung
Quốc và Đông Nam Á đến những ảnh hưởng của Pháp từ thế kỷ 19, phương
Tây trong thế kỷ 20 và toàn cầu hóa từ thế kỷ 21. Việt Nam đã có những thay
đổi về văn hóa theo các thời kỳ lịch sử, có những khía cạnh mất đi nhưng
cũng có những khía cạnh văn hóa khác bổ sung vào nền văn hóa Việt Nam
hiện đại.
Một số yếu tố thường được coi là đặc trưng của văn hóa Việt Nam khi
nhìn nhận từ bên ngoài bao gồm tôn kính tổ tiên, tôn trọng các giá trị cộng
đồng và gia đình, thủ công mỹ nghệ, lao động cần cù và hiếu học. Phương


6
Tây cũng cho rằng những biểu tượng quan trọng trong văn hóa Việt Nam bao
gồm rồng, rùa, hoa sen và tre
I.2. Khái niệm Sức mạnh mềm
1. Quyền lực, hiểu một cách đơn giản, là quyền năng chỉ huy, sai
khiến, gây ảnh hưởng lên người khác để đạt được hiệu quả mình mong
muốn. Có nhiều cách để tác động lên hành vi của người khác: như đe dọa,
cưỡng ép hay dụ dỗ, mua chuộc, hoặc là kết hợp cả hai.
2. Theo GS Joseph Nye - giáo sư Đại học Harvard của Hoa kỳ-người
được coi là cha đẻ của thuyết “sức mạnh mềm”, thì sức mạnh tổng hợp của
một quốc gia gồm có “sức mạnh cứng” (hard power, gồm sức mạnh quân sự,
kinh tế, khoa học- công nghệ,…) và “sức mạnh mềm” (soft power, gồm sức

mạnh của văn hóa, thể chế xã hội và các chính sách đối nội, đối ngoại của
quốc gia đó).
3. Sức mạnh cứng chi phối, tác động, chinh phục các quốc gia khác
bằng cây gậy hay củ cà rốt. Sức mạnh mềm là khả năng lôi cuốn, thu phục,
cảm hóa người khác bằng sức hấp dẫn của cácgiá trị về văn hóa, về thể chế,
chính sách được thực thi hiệu quả ở nước mình, thông qua đó mà nhận được
cảm tình, sự nể phục và hợp tác bền vững của các nước khác.
4. Ngoài ba yếu tố cơ bản nói trên (các giá trị văn hóa quốc gia, thể
chế quốc gia và chính sách quốc gia), sức mạnh mềm còn có thể được tạo lập
bởi một vài yếu tố khác nữa, ví như sự thành công kỳ diệu về kinh tế của
Trung Quốc; như hải quân Mỹ tham gia cứu trợ nạn nhân sóng thần ở Ấn Độ
Dương và động đất ở Nam Á; hoặc danh vọng, ảnh hưởng của những danh
nhân quốc gia có tài năng, uy tín lớn…với nhân loại,… cũng có thể đem lại
sức hấp dẫn cho đất nước ấy.
5. Ở thời đại hiện nay, sức mạnh mềm đang là nhân tố cơ bản để nâng cao
sức cạnh tranh quốc gia cũng như để mở rộng phạm vi ảnh hưởng của một nước


7
trong khu vực và trên thế giới; nếu chỉ dựa vào sức mạnh cứng về quân sự để
thực hiện đường lối đối ngoại, theo “chủ nghĩa đơn phương”, theo chính sách
“ngoại giao pháo hạm” như trước đây thì dù sức mạnh cứng có ưu việt đến đâu,
cũng sẽ không thể giải quyết được vấn đề mà có khi còn để lại những hậu quả
phức tạp, khó lường. Vì vậy, để đạt thắng lợi trên bàn cờ liên quốc gia hiện nay,
đòi hỏi các nước phải biết phát huy sức mạnh mềm của mình.
2. Mối quan hệ giữa sức mạnh cứng và sức mạnh mềm
Là mối quan hệ giữa cái hữu hình và cái vô hình. Sức mạnh mềm là thể
hiện sự nối dài và mở rộng của sức mạnh cứng. Một quốc gia đã yếu kém về
kinh tế và quốc phòng sẽ khó có thể có sức mạnh mềm đáng kể; ngược lại, sức
mạnh mềm sẽ làm tăng sức mạnh cứng, ví như tính thống nhất dân tộc, sự

đồng thuận quốc gia, sự ổn định chính trị của đất nước, sức hấp dẫn về văn
hóa và thể chế xã hội,…là những yếu tố quan trọng tạo nên sức mạnh mềm, nó
sẽ góp phần làm tăng sức mạnh cứng, nhờ đó mà “bất chiến tự nhiên thành”.
Ngược lại, nếu sức mạnh cứng khỏe, nhưng sức mạnh mềm yếu kém,
không có sức hấp dẫn về thể chế, chính sách và văn hóa,…thì cũng không
gây được cảm tình, không cạnh tranh được với ai. Nói cách khác, sức mạnh
cứng và sức mạnh mềm phải dựa vào nhau, thúc đẩy lẫn nhau để tạo ra sức
mạnh tổng hợp quốc gia, nên cần phải tăng cường cả hai. Hiện nay, các nước
lớn trong khi tăng cường sức mạnh cứng vẫn đang rất chú trọng phát huy sức
mạnh mềm của mình, nhất là về văn hóa.
Có thể minh chứng điều này qua hình ảnh của đất nước Nhật Bản và
Hàn Quốc .
Nhật Bản cũng đất hẹp người đông, tài nguyên không có, thiên nhiên
khắc nghiệt (động đất, sóng thần), lại không nằm trên trục giao thông đường
biển như nước ta,…thế mà đã từng là một cường quốc quân sự, hiện đang là
cường quốc kinh tế, vươn lên từ sức mạnh mềm: tinh thần võ sĩ đạo, ý chí


8
mãnh liệt, tinh thần kỷ luật, tính cộng đồng cao, lòng trung thành, ý thức tôn
trọng truyền thống, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc (là một quốc gia hiện đại
kiểu phương Tây mà có bản sắc dân tộc đậm nét phương Đông: từ nhà ở, y
phục đến ẩm thực, trà đạo,…)
Để quảng bá sức mạnh mềm của mình, Nhật Bản đã có rất nhiều nỗ lực:
- Viện trợ kinh tế ODA cho các nước đang phát triển, như cho Việt
Nam ta, mỗi lần hàng trăm tỷ Yên; viện trợ cho Quỹ tiền tệ IMF để giúp các
nước đang gặp khó khăn.
- Nhật Bản tham gia tích cực vào các hoạt động giữ gìn hòa bình của
LHQ, như ở Afganistan, ở Irak; vào các chương trình phát triển của LHQ,
như đầu tư giúp các nước châu Phi về thay đổi khí hậu, đem tàu tuần dương

hộ tống tàu buôn các nước chống lại bọn hải tặc Somalie,…
- Thực hiện chiến lược ngoại giao công chúng thông qua các hoạt động
truyền thông, văn hóa đại chúng, qua các sản phẩm công nghệ văn hóa mang
nhãn hiệu Japanese.
- Phát huy quyền lực mềm văn hóa: họ mở hàng trăm trung tâm dạy
tiếng Nhật cho người nước ngoài, tài trợ cho sinh viên các nước sang du học
tại Nhật Bản, tăng số sinh viên Nhật ra nước ngoài học, đưa sản phẩm văn
hóa Nhật sang phương Tây: như truyện tranh Đôremôn, búp bê Hello Kitty,..
- Thực hiện đường lối ngoại giao đa cực, v.v..
Kết quả là Nhật Bản đã lột xác từ một tên quân phiệt trong thế chiến 2
trở thành nhà từ thiện, nhà buôn, nhà ngoại giao với hình ảnh đẹp đẽ, hấp
dẫn, in dấu ấn sâu đậm trong tâm trí người nước ngoài.
Hàn Quốc vào những thập niên 50, 60 thế kỷ trước cũng là một nước
nghèo như ta, nay đã vươn lên như một cường quốc châu Á, thông qua xuất
khẩu văn hóa và các sản phẩm công nghiệp văn hóa, như:


9
- Điện ảnh Hollywood: họ tiếp thu tinh hoa điện ảnh thế giới để sáng
tạo ra một phong cách làm phim riêng. Do nắm bắt được tâm lý giới trẻ trong
nước đã chán ngán dòng phim xã hội đen, phim chính luận khô khan,…Hàn
Quốc tung ra những bộ phim có nội dung nhẹ nhàng, lấy bối cảnh chính từ xã
hội hiện đại, giải quyết những mâu thuẫn gần gũi với cuộc sống đời thường,
xoay quanh chữ hiếu, tình yêu chung thủy và các giá trị gia đình châu Á,
song họ lại rất chú trọng đến ngoại hình của diễn viên, cảnh quay đẹp, nhạc
phim hay, có sức cạnh tranh với phim nước ngoài, đã biến Liên hoan phim
Pusan trở thành một dạng Liên hoan phim Cannes của châu Á.
- Truyền thông: được coi là một phương tiện quảng bá hình ảnh Hàn
Quốc ra toàn cầu, trở thành một ngành kinh tế truyền thông mũi nhọn. Hàn
Quốc có rất nhiều hãng truyền hình tư nhân, cạnh tranh quyết liệt với Đài

truyền hình TƯ KBS của Chính phủ. Các thông tin truyền tải trên các hãng
này không bao giờ lấy lại của nhau, nhưng nội dung đều nhằm mục tiêu
quảng bá ra thế giới hình ảnh văn hóa, đất nước và con người Hàn Quốc vừa truyền thống, vừa hiện đại.
- Ngành công nghiệp giải trí rất phát triển, như âm nhạc, gam-show,
talk-show,…với hình ảnh các ca sĩ, diễn viên đẹp - nhờ công nghệ lăng xê tạo ra các thần tượng, góp phần Hàn hóa thanh thiếu niên nhiều nước, trong
đó có cả Trung Quốc và Việt Nam.
- Thời trang và mỹ phẩm của Hàn Quốc đều có sức cạnh tranh mạnh
mẽ, bỏ xa nhiều đối thủ, như Nhật Bản, mang lại lợi nhuận lớn với các
thương hiệu như De Bon, E 100, Double Rich,…
- Du lịch: do ảnh hưởng của phim ảnh Hàn Quốc, du khách đổ sang
Hàn Quốc ngày càng nhiều, để được thăm các cảnh đẹp trong phim, thăm các
trường quay, các danh thắng,…Trong năm 2011, họ thu hút được 8,8 triệu du
khách nước ngoài, nhất là từ Trung Quốc.


10
Điều đó cho thấy vai trò quan trọng của văn hóa trong chiến lược
“ngoại giao sức mạnh mềm” trên thế giới hiện nay.
3. Văn hóa là một “nguồn lực mềm” làm động lực và đòn bẩy thúc
đẩy kinh tế phát triển và làm “hài hòa hóa” các mối quan hệ xã hội và
“lành mạnh hóa” môi trường xã hội.
Một trong những nội dung quan trọng trong Cương lĩnh xây dựng đất
nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm
2011) thông qua tại Đại hội XI là Đảng ta đã nêu lên định hướng về văn hóa
với nội hàm toàn diện, sâu sắc: “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản
sắc dân tộc, phát triển toàn diện, thống nhất trong đa dạng, thấm nhuần sâu
sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ; làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ
và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành sức mạnh nội sinh quan
trọng của phát triển”.
Đây là thành quả của tư duy không ngừng tìm tòi, sáng tạo và ngày

càng hoàn thiện lý luận về văn hóa trong lịch sử hơn 80 năm của Đảng Cộng
sản Việt Nam. Đó là: Từ việc xác định “văn hóa là một trong ba mặt trận mà
người cộng sản phải quan tâm” (Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943),
“một trong ba cuộc cách mạng phải tiến hành đồng thời” (Đại hội IV), cho
đến “Văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, vừa là động lực vừa là mục tiêu
thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội” (Hội nghị Trung ương 5, Khóa VIII),
và được nâng tầm “xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển
toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân
văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững
chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền
vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân
chủ, công bằng, văn minh” đến khẳng định “Đảm bảo sự gắn kết giữa nhiệm
vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng, chỉnh đốn đảng là then chốt với
không ngừng nâng cao văn hoá- nền tảng tinh thần của xã hội; tạo nên sự


11
phát triển đồng bộ cả ba lĩnh vực trên chính là điều kiện quyết định để bảo
đảm cho sự phát triển toàn diện bền vững của đất nước” (Hội nghị Trung
ương 10, Khóa IX) và chỉ rõ “Văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh quan
trọng của phát triển” (Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011).
Văn hóa biểu hiện sức sống, sức sáng tạo, sức mạnh tiềm tàng và vị
thế, tầm vóc dân tộc. Thực tế đã chứng minh, một quốc gia muốn phát triển
bền vững, ngoài dựa vào các “yếu tố cứng” như tài nguyên thiên nhiên, tiền
vốn, cơ sở vật chất,…thì cần phải biết tận dụng, khai thác “yếu tố mềm”, đó
chính là nguồn nhân lực con người với vai trò là nhân cách văn hóa năng
động, sáng tạo nhất, đóng góp quyết định nhất đến sự hùng mạnh, phồn vinh
của xã hội. Hay nói cách khác, văn hóa là một “nguồn lực mềm” làm động
lực và đòn bẩy thúc đẩy kinh tế phát triển và làm “hài hòa hóa” các mối quan
hệ xã hội và “lành mạnh hóa” môi trường xã hội. Không phải ngẫu nhiên mà

Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO)
từng khuyến cáo các nước trên thế giới: “Tiếp thêm sức mạnh của nền văn
hóa đương thời và nâng nó lên ngang tầm với sự phát triển kinh tế và sự
phồn vinh của xã hội” (Trích theo cuốn sách: Phạm Văn Đồng- Đổi mới và
văn hóa, Nxb CHTG, HN, 1995, trang 14) Và: “Từ nay trở đi văn hóa cần
coi mình là một nguồn bổ sung trực tiếp cho phát triển và ngược lại phát
triển cần thừa nhận văn hóa giữ một vị trí trung tâm, một vai trò điều tiết xã
hội” (Ủy ban quốc gia về Thập kỷ quốc tế phát triển văn hóa: Thập kỷ thế giới
phát triển văn hóa. Bộ Văn hóa -Thông tin và Thể thao, HN, 1992, trang 23).
Sinh thời, Thủ tướng Phạm Văn Đồng là người rất quan tâm đến vai
trò của văn hóa. Ông khẳng định: “Cách mạng là đổi mới, một quá trình đổi
mới cho đến đích cuối cùng cho nên cách mạng càng cần văn hóa…Văn hóa
là cội nguồn sức mạnh và tài năng làm nên chiến thắng” (Phạm Văn ĐồngĐổi mới và văn hóa, Nxb CHTG). Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhấn
mạnh: Văn hoá không chỉ là kết quả của phát triển nhanh, bền vững mà còn


12
là yếu tố tạo nên sự phát triển nhanh, bền vững. Phải đặt yêu cầu phát triển
văn hóa ngang tầm và hài hòa với phát triển kinh tế.
Việc Đảng ta luôn quan tâm xây dựng văn hóa thực chất là coi trọng
và đề cao “sức mạnh mềm” của đất nước. “Sức mạnh mềm” là sức mạnh bắt
nguồn, xuất phát điểm từ bên trong được kết tinh từ trí tuệ, ý chí, tâm hồn,
cốt cách, truyền thống lịch sử vẻ vang, tinh thần anh dũng, quật cường, mưu
trí, sáng tạo của dân tộc Việt Nam từ hàng ngàn đời nay.
4. Tiềm năng sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam
Việt Nam ta hiện nay, sức mạnh cứng (hard power, gồm sức mạnh
quân sự, kinh tế, khoa học- công nghệ,…) chưa đủ mạnh, mà sức mạnh mềm
(soft power, gồm sức mạnh của văn hóa, thể chế xã hội và các chính sách đối
nội, đối ngoại,…) cũng đang yếu, khả năng tác động quốc tế chưa nhiều, sức
hấp dẫn về văn hóa cũng chưa đáng kể. Tuy nhiên, Văn hóa là một lợi thế của

Việt Nam, chúng ta hoàn toàn có thể tăng cường và phát huy sức mạnh mềm
của mình, bắt đầu từ văn hóa.
Cứng tạo ra lực, mềm tạo ra thế. Nếu khéo làm, ta có thể chuyển thế
thành lực. Lực ta hiện còn yếu (cả về kinh tế, quân sự, KH-CN), ta không thể
dùng lực để đạt mục tiêu, nên phải sớm tạo ra thế bằng sức mạnh mềm của
văn hóa.
Nước ta có một nền văn hóa đặc sắc và lâu đời, được thừa hưởng của
cha ông những giá trị văn hóa tinh thần vô giá. Bản sắc văn hóa dân tộc Việt
Nam là những giá trị bền vững, những tinh hoa của cộng đồng các dân tộc
Việt Nam, được vun đắp nên qua lịch sử hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước
và giữ nước. “Đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh
thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân-gia đình-làng xã-Tổ quốc;
lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý, đức tính cần cù, sáng tạo
trong lao động, sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống”. Bản sắc
văn hóa dân tộc là cơ sở để liên kết xã hội và liên kết các thế hệ, tạo nên sức


13
mạnh tinh thần của dân tộc, có khả năng tạo ra sức mạnh mềm không thua
kém quốc gia nào.
Ví như, khi Tổ quốc lâm nguy, vua quan nhà Trần đã biết cùng các bô
lão mở Hội nghị Diên Hồng, thống nhất ý chí “cả nước một lòng, toàn dân
đánh giặc”, nêu cao tư tưởng “lấy nhân nghĩa làm gốc, trí dũng làm nền”,
“đem đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo”, “dĩ đoản binh
chế trường trận”. “mưu phạt, tâm công, bất chiến tự khuất”,…Khi kẻ thù đã
vẫy đuôi xin hàng, ta sẵn lòng mở đường hiếu sinh, cấp cho họ năm trăm
chiến thuyền, vài nghìn cỗ ngựa để họ về nước, bởi ta chỉ cốt “dập tắt muôn
đời chiến tranh, mở nền thái bình muôn thuở”.
Trong thời bình thì lo “an dân, trị quốc”, vì thế đã kiên quyết “trừ độc,
trừ tham, trừ bạo ngược”, để sao cho khắp “thôn cùng, xóm vắng không còn

tiếng hờn giận, oán sầu” như Nguyễn Trãi đã nói. Ở thời đại Hồ Chí Minh,
đó là các tư tưởng “dân là chủ”,“phải dựa vào dân, lấy dân làm gốc”, “có dân
là có tất cả”, cho nên “việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm; việc gì hại
đến dân, ta phải hết sức tránh”, vì dân bất tín thì vô lập… Đó là những tinh
hoa muôn thưở của sức mạnh mềm, không thể để bị mai một, muốn thu phục
lòng dân hay bạn bè, chúng ta phải tìm mọi cách kế thừa và phát huy nó lên,
tạo ra sức mạnh mềm để bảo vệ Tổ quốc và hội nhập, phát triển thành công.
- Trở lại thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước
trong thế kỷ vừa qua, nhân dân ta đã nêu một tấm gương sáng chói về tinh
thần yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần dũng cảm, trí tuệ
sáng tạo,…trong chiến tranh, nhờ đó chúng ta đã thu phục được lòng yêu
mến và cảm phục của nhân loại tiến bộ yêu hòa bình, công lý, dân chủ và
nhân đạo trên toàn thế giới.
Ở thời điểm đó, chúng ta được coi là biểu tượng của lương tâm, vinh
dự của thời đại, một dân tộc nhỏ dám kiên cường đương đầu, chống lại những


14
đế quốc lớn, vì các mục tiêu cao cả: độc lập dân tộc, dân chủ, nhân quyền - mà
cao nhất là quyền được sống trong độc lập, tự do, theo con đường lựa chọn của
mình. Chính điều đó là sức mạnh mềm tạo nên lực hấp dẫn của Việt Nam, vì
thế mới có người mơ ước sau một đêm ngủ dậy thành người Việt Nam; mới có
những cuộc biểu tình rầm rộ trên thế giới phản đối chiến tranh xâm lược của
Mỹ; mới có phong trào hiến máu cho Việt Nam , phong trào tình nguyện sang
Việt Nam chiến đấu,… Sự ủng hộ vật chất và tinh thần to lớn đó đã góp phần
làm nên chiến thắng vĩ đại của Việt Nam mùa xuân năm 1975.
Tiếc rằng ta đã không tranh thủ nắm lấy cơ hội ấy để phát triển lên
thành một quốc gia độc lập, thống nhất, giàu mạnh, có vị thế quốc tế trong
khu vực và thế giới. Trái lại, ngay sau đó chúng ta đã mắc phải một số sai
lầm trong chính sách đối nội và đối ngoại, làm cho hình ảnh Việt Nam đang

huy hoàng, rực rỡ bỗng trở nên méo mó trong con mắt của loài người, đất
nước lâm vào thế bị bao vây, cô lập, suy thoái, tụt hậu hàng mấy chục năm so
với các nước xung quanh.
Lòng yêu nước, tinh thần xả thân vì nước là một giá trị vô cùng quý
báu, nhưng “không phải để cất giấu trong rương, trong hòm” mà phải có cơ
chế, chính sách, biện pháp biến nó thành động lực, khiến cho người dân sẵn
sàng đem tài năng, sức lực, tiền của ra sản xuất, kinh doanh, góp phần vào
xây dựng và phát triển đất nước. Muốn thế, Nhà nước phải là nhà nước của
dân, phải tạo được niềm tin trong dân, khi đó dân sẽ sẵn sàng sẻ nhà, sẻ cửa
để góp phần với nhà nước, như nhân dân ta đã từng đóng góp vào Tuần lễ
Vàng và Quỹ đảm phụ quốc phòng sinh thời Hồ Chí Minh năm 1946.
- Sức mạnh mềm của Việt Nam còn được thể hiện ở tinh thần khoan
dung văn hóa. Con người Việt Nam không hề hẹp hòi, kỳ thị mà sẵn sàng
thâu hóa những giá trị khác nhau của nhân loại, làm phong phú thêm cho văn


15
hoá của mình (văn hóa Trung Hoa, Ấn Độ, Chămpa,…cũng như văn hóa
phương Tây sau này).
Ví như, về chữ viết, chúng ta chưa có, hoặc có nhưng sớm bị mai một,
chúng ta đã học chữ Hán, rồi dựa vào nó mà chế tạo ra chữ Nôm; hay sau này
sẵn sàng tiếp thu chữ cái latinh. Về văn hóa tâm linh, ta đã có đạo thờ cúng tổ
tiên, nhưng vẫn tiếp thu Phật giáo, Đạo giáo, Thiên chúa giáo, Tin
Lành,...cũng như sau này tiếp thu chủ nghĩa Mác-Lênin và kinh nghiệm cách
mạng của các nước anh em,…Đó là sức mạnh mềm của Việt Nam : khả năng
dung hóa, thâu hóa cái hay, cái tốt, cái đúng, cái đẹp của văn hóa nhân loại,
để nâng cao và làm giàu cho văn hóa của mình.
Người Mỹ rất khâm phục và ca ngợi tinh thần bao dung, nhân ái của
người Việt Nam. Trong chiến tranh, họ đã gây ra cho đất nước và nhân dân ta
bao tội ác trầm trọng (sự tàn phá, chết chóc, thương tật, trẻ mồ côi, di hại của

chất độc da cam,…). Nhưng chỉ vài năm sau khi chiến tranh kết thúc, nhiều
cựu binh Mỹ đã sang thăm Việt Nam , lúc đầu họ cũng sợ bị nhân dân ta lên
án, xua đuổi, nhưng ngược lại, họ đã được đón tiếp tử tế. Chính các Tổng
thống Mỹ Bill Clinton, G. W. Bush sang thăm Việt Nam cũng ngạc nhiên
trước lòng khoan dung, hiếu khách của người Việt chúng ta, họ có được cảm
giác thật sự an toàn, thoải mái khi đi dạo trên đường phố Hà Nội, Tp Hồ Chí
Minh, thăm Văn Miếu, vào lễ Nhà thờ Cửa Bắc, chơi Chợ Bến Thành,
thưởng thức món Phở nổi tiếng của Việt Nam ngay trong chợ, không chút e
ngại. Đó là một hiện tượng khó diễn ra ở một quốc gia cựu thù nào khác của
nước Mỹ.
- Sức mạnh mềm của Việt Nam còn thể hiện ở truyền thống đoàn kết,
cộng đồng, sẵn sàng gạt bỏ mọi dị biệt và lợi ích riêng tư để tập trung cứu nước
và dựng nước; là truyền thống lá lành đùm lá rách, cưu mang lẫn nhau trong
hoạn nạn (thủy, hỏa, đạo, tặc). Lịch sử đã ghi lại không ít những trang viết cảm


16
động, sâu sắc về truyền thống cao đẹp này. Ai cũng biết: sự thống nhất dân tộc,
sự đồng thuận xã hội là nhân tố cơ bản tạo nên sự ổn định chính trị của quốc
gia, tạo nên sức mạnh mềm, có sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.
- Việt Nam có vị trí địa lý thuận lợi, với hơn 3.200 km bờ biển, lại nằm
ở ngã tư đường giao thông hàng hải từ bắc xuống nam, từ đông sang tây; tài
nguyên thiên nhiên không đến nỗi nghèo nàn; nhân dân ta vốn có truyền
thống lao động cần cù và sức mạnh vượt khó đáng ngạc nhiên. Với dân số 90
triệu, phần đông là lao động trẻ, năng động, có chí tiến thủ - một nguồn lao
động đầy tiềm năng,…nhưng sao đất nước vẫn không vượt lên được để trở
thành một quốc gia phát triển, trái lại, sau một số năm đổi mới thành công,
nay lại đang rơi vào trì trệ, suy thoái?
Người Trung Quốc, hơn ba chục năm trước đây từng nêu ra câu hỏi: vì
sao 20 triệu người Hoa ở khắp thế giới lại tạo ra được số của cải nhiều lần

hơn 1 tỷ người Hoa ở lục địa? Lời giải đã được làm sáng tỏ bằng cuộc cải
cách, chuyển đổi sang kinh tế thị trường mang đặc sắc Trung Quốc, theo tư
duy thực dụng: “Mèo trắng, mèo đen không quan trọng, miễn là bắt được
chuột”. Kết quả là sau vài chục năm phát triển ngoạn mục, Trung Quốc đã
nổi lên như là một thị trường, một công xưởng lớn nhất thế giới, có sức mạnh
kinh tế vượt xa Nhật Bản, chỉ còn thua nước Mỹ!
Vậy nguyên nhân giầu nghèo là ở đâu? - do tài nguyên thiên nhiên, vị
trí địa lý, văn hóa, thể chế kinh tế-xã hội hay con người? Nếu nghiên cứu kỹ
hiện tượng thần kỳ của Nhật Bản vào thập niên 60-70 thế kỷ trước hay sự
vươn lên của các con rồng châu Á như Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông và
Singapore, ta có thể tự tìm được câu trả lời.
Năm 2014, nhân dân ta đón xuân với thông điệp đầu năm của Thủ
tướng Nguyễn Tấn Dũng - một thông điệp chứa đựng nhiều quan điểm có
tính đột phá - trong đó nhấn mạnh đến vấn đề cải cách thể chế: “tập trung nỗ
lực xây dựng nhà nước pháp quyền, phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của


17
nhân dân, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
và tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới”. Thông điệp đã
đề cập đến một khái niệm mới: chức năng kiến tạo phát triển của nhà nước.
Nhà nước không làm thay dân mà phải tập trung xây dựng khuôn khổ thể chế
phù hợp và tạo điều kiện cần thiết để mọi người phát huy năng lực và sức
sáng tạo vì lợi ích của chính mình… Thông điệp đã phản ánh đúng nguyện
vọng bấy lâu của người dân, nên được đa số nhân dân vui mừng đón nhận.
- Người Việt Nam vốn được tiếng là thông minh và hiếu học. Chỉ số IQ
và EQ cùng những giải thưởng giành được trong các kỳ thi quốc tế đã chứng
minh điều này. Đó là một lợi thế của chúng ta. Ngày nay, nhân loại đã đạt
được những thành tựu lớn lao về khoa học-công nghệ, nhất là công nghệ
thông tin. Nhiều quốc gia lân bang vào nửa cuối thế kỷ trước vốn có trình độ

phát triển không mấy hơn ta, thậm chí có mặt còn thua ta, nhưng do biết tận
dụng cơ hội thời đại mang đến, họ đã bứt lên trong cuộc cạnh tranh, đem lại
phồn vinh và hạnh phúc cho dân tộc mình.
Lịch sử mỗi nước tùy thuộc rất nhiều vào sự lựa chọn định hướng của
các nhà lãnh đạo nước đó. Ông Lý Quang Diệu trong cuốn “Bí quyết hóa
rồng” đã cắt nghĩa rõ bài học thành công của Singapore. Từ khá sớm ông Lý
từng phát biểu với các nhà lãnh đạo Việt Nam: “Thắng cuộc đua trong giáo
dục thì mới thắng cuộc đua trong kinh tế”. Đến nay, chúng ta mới thật thấm
thía bài học này. Kinh tế của chúng ta trì trệ, kém phát triển vì giáo dục của
chúng ta quá lạc hậu, cũ kỹ cả về nội dung lẫn phương pháp, không nâng cao
được chất lượng đào tạo con người, mà con người mới là nhân tố quyết định
của phát triển.
Giáo dục Việt Nam xưa vốn chịu ảnh hưởng nặng nề của giáo dục Nho
giáo: hiếu cổ (sùng bái cái cũ, “xưa bày, nay làm”), chủ trương chỉ chuộng từ
chương, háo danh hiệu, bằng cấp, coi nhẹ thực tiễn, khoa-kỹ,…cho nên các
nhà nho xưa hầu như không có vai trò, tác dụng gì đối với sản xuất.


18
Khi đi vào xây dựng nền giáo dục mới, chúng ta đã phê phán những
tàn dư này, đề cao vai trò của thực tiễn, xem thực tiễn là tiêu chuẩn cao nhất
của chân lý. Tuy nhiên trong thực tế nghiên cứu-giảng dạy, chúng ta vẫn
chưa thoát khỏi căn bệnh kinh viện, giáo điều, mà chưa xuất phát từ đòi hỏi
của đời sống thực tế. Vì vậy, trong nội dung và phương pháp giảng dạy, ta
thường chỉ chú trọng truyền thụ, áp đặt một chiều, không khuyến khích tư
duy độc lập, không cho phép nêu phản đề, tranh luận, phản biện,…để tìm ra
cái mới. Tư duy triết học đã sơ cứng thì không những khoa học xã hội không
tiến lên được, mà cả khoa học tự nhiên cũng không thể phát triển.
Bản chất của giáo dục không phải chỉ là lưu giữ, truyền bá tri thức cũ,
rồi đóng khung lại, “vô vi vô cải”, mà cái chính là phải nghiên cứu, tìm tòi,

thử nghiệm, phát minh,…để sản xuất ra tri thức mới (nhất là giáo dục ở bậc
đại học), biến tri thức khoa học thành công nghệ, tạo ra năng suất cao hơn,
sản phẩm nhiều hơn, chất lượng tốt hơn, thúc đẩy kinh tế phát triển, tiến tới
hình thành nền kinh tế tri thức. Đến lượt nó, sự phát triển của khoa học-công
nghệ lại thúc đẩy cuộc đua tranh sản xuất tri thức mới lên một tầm cao hơn.
Khoa học ngày nay vừa kế thừa vừa phủ định lẫn nhau để không
ngừng tiến lên, cái hôm nay được coi là đúng, hôm sau có thể không còn
đúng nữa. Lý thuyết hố đen của A. Einstein vừa được nhà vật lý thiên tài tật
nguyền người Anh Stephen Hawking chứng minh là không tồn tại, nghĩa là
không có đường chân trời cho các sự kiện. Mọi tinh tú, vật thể và con người
tồn tại, tương tác với nhau trong một vũ trụ bao la, không có giới hạn không
gian và thời gian.
Việt Nam ta hầu như hiện vẫn đang đứng bên ngoài của sự đua tranh
quyết liệt về phát triển tri thức khoa học. Vì vậy, để tiến cùng thời đại, chúng
ta phải bắt đầu lại từ giáo dục, phải thay đổi triết lý giáo dục, trên nền tảng đó
mà xác định lại mục tiêu, cơ cấu lại nội dung, chương trình, sách giáo khoa,


19
đổi mới phương châm, phương pháp dạy và học, có chính sách đãi ngộ xứng
đáng đối với vai trò, vị trí của người thầy giáo,…chỉ có như vậy mới nhanh
chóng đưa giáo dục của ta thoát ra khỏi khủng hoảng, tạo ra động lực mới,
sức mạnh mới làm thay đổi vị thế của đất nước.
Nêu ra một số điều như trên để muốn nói rằng sức mạnh mềm của văn
hóa Việt Nam tuy dồi dào, nhưng hiện nay chủ yếu vẫn đang tồn tại ở thế
tiềm năng, ta phải tìm cách làm cho nó trở thành hiện hữu. Mong rằng các
nhà hoạch định chính sách sẽ có những phương án khơi dậy, nâng cao, phát
huy những giá trị đó song song với việc ra sức học hỏi, trau giồi những giá trị
văn hóa-tinh thần tiên tiến của thời đại, để Việt Nam có thể sớm cất cánh
trong một tương lai gần.

5. Một số giải pháp phát huy tiềm năng sức mạnh của văn hóa
Việt Nam trở thành sức mạnh mềm trong hội nhập và phát triển
Đánh thức những “tiềm năng” còn tiềm ẩn trong mỗi con người và kết
nối những tiềm năng ấy thành sức mạnh vật chất trong cuộc chiến chống đói
nghèo, lạc hậu; trong xây dựng xã hội văn minh; trong tôi luyện thành những
con người mới XHCN chính là nhiệm vụ của văn hóa; đồng thời thể hiện sức
mạnh nội sinh của văn hóa thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội. Làm như
thế nào để văn hóa thực sự “trở thành sức mạnh nội sinh quan trọng của phát
triển” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng. Trước hết cần thực
hiện một số giải pháp cơ bản sau:
Thứ nhất, cần kiên trì, tích cực tiến hành một “cuộc cách mạng” về
nhận thức, làm cho mọi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, các cấp,
cách ngành hiểu biết đầy đủ và thấm nhuần sâu sắc về vị trí, vai trò và tầm
quan trọng của văn hóa trong quá trình phát triển đất nước.
Trên cơ sở đó, vận dụng nhuần nhuyễn, sáng tạo yếu tố văn hóa trong
sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, lấy văn hóa là một trong những đòn


20
bẩy chủ yếu để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm tiến bộ và công bằng
xã hội. Kiên quyết khắc phục cho được các quan niệm hời hợt, phiến diện,
coi văn hóa chỉ là “cờ, đèn, kèn, trống” hay là yếu tố “bên ngoài, đi sau” kinh
tế, hoặc chỉ chạy theo sự tăng trưởng kinh tế thuần túy, mà thiếu quan tâm
đúng mức đến các giá trị, truyền thống, bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Thứ hai, tiếp tục duy trì, đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả
thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn
hóa” và tiếp tục “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Kết
hợp hài hòa, đồng bộ và thực hiện bền bỉ hai cuộc vận động này thực chất là
tạo điều kiện cho mọi người dân được “tắm mình” trong môi trường văn hóa

lành mạnh, được thưởng thức đời sống văn hóa tinh thần phong phú, sinh động
và luôn hướng đến một nhân cách văn hóa tiêu biểu, mẫu mực để từng bước
xây dựng, hoàn thiện phẩm chất văn hóa của chính mình.
Đó cũng là giải pháp căn bản nhất để xây dựng con người Việt Nam có
đủ các tiêu chuẩn “Giàu lòng yêu nước, ý thức làm chủ, trách nhiệm công
dân; có tri thức, sức khỏe, lao động giỏi, có văn hóa và có tinh thần quốc tế
chân chính” như Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa VIII) đã xác định.
Thứ ba, trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay, văn hóa không chỉ là sức
mạnh nội sinh của một dân tộc, mà còn là phương tiện, công cụ quảng bá
hình ảnh dân tộc, vị thế đất nước ra thế giới rất hữu hiệu.
Cùng với mở rộng hợp tác quốc tế về văn hóa và nâng cao nguồn nhân
lực văn hóa, cần có những chính sách, giải pháp đồng bộ để phát triển ngành
công nghiệp văn hóa đúng hướng, phù hợp với sự phát triển của thời đại mới.
Trong đó, đặc biệt quan tâm đến công nghiệp văn hóa nhất là đối với lĩnh vực
phim ảnh, ca múa nhạc, sách báo, truyền thông…để vừa tạo ra những tác
phẩm bổ ích, phong phú đáp ứng nhu cầu thưởng thức đa dạng của công


21
chúng trong nước; vừa chủ động giới thiệu, quảng bá hình ảnh văn hóa Việt
Nam với bạn bè quốc tế và đẩy mạnh xuất khẩu các “sản phẩm văn hóa Việt”
ra thị trường văn hóa khu vực và thế giới.
Làm tốt công việc này chính là đưa văn hóa vào trong kinh tế và trực
tiếp tạo động lực thúc đẩy kinh tế đất nước ngày càng phát triển.
Thứ tư, tăng cường đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, hạ tầng cơ
sở văn hóa trong cả nước, trong đó đặc biệt quan tâm đến các địa bàn miền
núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ kháng chiến cũ. Văn
hóa gắn liền với con người, do con người, của con người và vì con người.
Phải nắm vững vấn đề cốt tử đó để cùng với việc nâng cao dân sinh,
dân trí, luôn tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người dân được tiếp cận, thưởng

thức đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, phong phú. Đây không chỉ là việc
làm nhân văn, mà còn thiết thực góp phần bảo đảm công bằng xã hội- một
trong năm yếu tố của mục tiêu phát triển bền vững ở nước ta là “Dân giàu,
nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Thứ năm, văn hóa là lĩnh vực rất phong phú nhưng cũng không kém
phần phức tạp, nhạy cảm. Trong điều kiện và bối cảnh hội nhập quốc tế hiện
nay, để văn hóa không đi “chệch hướng”, nhất thiết phải nâng cao năng lực
lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý về văn hóa của các cấp ủy, chính quyền và cơ quan
chức năng từ trung ương đến cơ sở.
Sự lãnh đạo, quản lý này vừa nhằm xây dựng những cơ chế, chính sách
thông thoáng cho mọi hoạt động văn hóa phát triển toàn diện, lành mạnh; vừa
góp phần tạo ra “bức tường lửa” ngăn ngừa các loại “vi rút xấu độc” thâm
nhập vào môi trường xã hội và đời sống văn hóa của nhân dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Văn hóa soi đường cho quốc
dân đi”. Thấm nhuần lời dạy của Bác và những quan điểm văn hóa tiến bộ
của Đảng cũng như thực hiện những giải pháp trên đây, là chúng ta đang
chung tay góp sức đưa văn hóa ngày càng trở thành “sức mạnh nội sinh”
phục vụ đắc lực công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước; quyết


22
tâm phát triển nền văn hóa Việt Nam với mục tiêu cao cả: “Tổ quốc ta mãi
mãi là một quốc gia văn hiến, dân tộc ta là một dân tộc văn hóa, nền văn hóa
nước ta không ngừng phát triển, xứng đáng với tầm vóc dân tộc ta trong lịch
sử và trong thế giới hiện đại” như Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa VIII) của
Đảng đã chỉ ra.


23
TÀI LIỆU THAM KHẢO

Phạm Văn Đồng- Đổi mới và văn hóa, Nxb CHTG, HN, 1995, tr 14.
• Ủy ban quốc gia về Thập kỷ quốc tế phát triển văn hóa: Thập kỷ thế giới


phát triển văn hóa. Bộ Văn hóa -Thông tin và Thể thao, HN, 1992, trang 23.
• Phạm Văn Đồng- Đổi mới và văn hóa, Nxb CHTG
• Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa VIII)
• Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 Hội nghị Trung ương 9 khóa
XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu
phát triển bền vững đất nước
• Nghị quyết Đại hội XI của Đảng
• Một hướng tiếp cận văn hóa Việt Nam, Hồ Liên, NXB Văn Học, 2008



×