ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI & NHÂN VĂN
NGUYỄN SINH PHÚC
CÁC TRƯỜNG PHÁI TRONG
TÂM LÝ HỌC LÂM SÀNG
HÀ NỘI - 2011
ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI & NHÂN VĂN
NGUYỄN SINH PHÚC
CÁC TRƯỜNG PHÁI TRONG
TÂM LÝ HỌC LÂM SÀNG
(GIÁO TRÌNH)
HÀ NỘI - 2011
MỤC LỤC
Tr
Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Lời nói đầu
3
Mở đầu
5
Trường phái Phân tâm học
Phân tâm Cổ điển của Freud
Các lí thuyết Tâm lí học Cái Tôi
Các lí thuyết quan hệ đối tượng và gắn bó
Phân tâm học Lacan
Các phương pháp phóng chiếu trong lâm sàng
Sự phát triển của trị liệu phân tâm
Lí thuyết nét và kiểu nhân cách
Lí thuyết nét nhân cách của G. Allport
Lí thuyết Cattell
Lí thuyết 5 yếu tố
Kiểu nhân cách
Kiểu nhân cách bệnh lí
Ứng dụng trong lâm sàng
Trường phái Hành vi
Hành vi cổ điển của Watson
Hành vi thao tác của Skinner
Hành vi nhận thức
Các phương pháp đánh giá hành vi
9
9
39
54
85
92
106
114
114
126
133
136
145
153
166
166
168
181
200
Liệu pháp hành vi
Tâm lí học Hiện sinh và Nhân văn
Rollo May
Maslow
Lí thuyết Cá nhân-Trọng tâm của Carl Rogers
Tâm lí bệnh học
Đối tượng, nhiệm vụ của Tâm lí Bệnh học
Phương pháp nghiên cứu của Tâm lí Bệnh học
Một số đặc điểm rối loạn tâm lí bệnh
Tài liệu tham khảo
203
211
211
215
224
242
242
247
259
276
MỞ ĐẦU
Ngay từ thời xa xưa, kể từ khi con người có ý thức thì họ đã ý thức về sự
tồn tại của chính con người không chỉ dưới dạng vật chất mà còn cả dưới dạng
tinh thần. Mối quan hệ giữa thể xác và tinh thần là vấn đề được quan tâm cũng
từ rất sớm và thậm chí cho đến bây giờ vẫn còn đang được bàn cãi, lí giải.
Nhìn từ góc độ Tâm lí Lâm sàng có thể nhận thấy những phương pháp trị
liệu và đánh giá tâm lí cũng đã có cội nguồn sâu xa. Không ai có thể phủ nhận
được tính chất phóng chiếu của những hình vẽ trên các hang động cũng như
không thể bác bỏ được yếu tố liệu pháp tâm lí trong những biện pháp chữa bệnh
mang mầu sắc tín ngưỡng, tôn giáo.
Trong các tài liệu Tâm lí học (TLH) cũng như Y học và nhiều lĩnh vực
khoa học khác ở nhiều nước Châu Âu, khi phải viện dẫn những tài liệu cổ,
chúng ta thường thấy thời kì Hy Lạp – La Mã cổ đại (khoảng thế kỉ thứ 5 trước
Công Nguyên) được coi là cổ nhất. Cũng trong những tài liệu này, người được
vinh danh “Ông tổ của nghề Y” chính là Hyppocrate, một thầy thuốc Hy Lạp
nổi tiếng. Hyppocrate đưa ra lí giải những sự khác biệt về tâm lí của con người
là do sự kết hợp khác nhau của các thể dịch trong cơ thể. Ông cũng là người
khẳng định rằng hành trang chữa bệnh của thầy thuốc gồm 3 công cụ: con dao
mổ, ngọn cỏ và lời nói.
Sang đến thời kì trung cổ cũng đã có những quan niệm tiến bộ về rối loạn
tâm lí, bệnh tâm thần. Mercury (1556 - 1606) cho rằng trầm cảm do nguyên
nhân thực thể, hoặc do tổn thất tình cảm gây ra.
Sang thế kỷ 17, tư tưởng về phản xạ của Descartes (1596 - 1650) và
khuynh hướng quyết định luận bắt đầu thâm nhập vào Y học. Van Gehmont đã
đề cập đến vai trò của những sang chấn tâm lí trong sự phát sinh, phát triển
bệnh tâm thần.
Thế kỷ 18 được đặc trưng bởi cuộc cách mạng lần thứ nhất về sức khoẻ
tâm lí, tâm thần mà người khởi xướng chính là Pinel- bác sĩ tâm thần người
Pháp. Ông là người đầu tiên đã giải phóng bệnh nhân tâm thần khỏi xiềng xích.
Theo Pinel, người lãnh đạo bệnh viện tâm thần phải là một bác sĩ, một nhà tâm
lí và một nhà quản lí hành chính.
Khi đề cập đến sự hình thành TLH Lâm sàng với góc độ là một chuyên
ngành của TLH, một sự kiện không thể không nhắc đến, đó là sự ra đời của
TLH với tư cách là một ngành khoa học độc lập: thành lập phòng thí nghiệm
tâm lí đầu tiên trên thế giới vào năm 1879 của W. Wund. Sau thời điểm này,
các lĩnh vực nghiên cứu của TLH, trong đó Tâm lí Lâm sàng có những bước
phát triển đáng kể. Tuy nhiên đó chỉ là sự kiện khai sinh của TLH. Vậy còn của
TLH Lâm sàng? Xung quanh vấn đề này chưa có sự thống nhất cao giữa các tác
giả. Theo một số tài liệu (Plate T.G., 2005; Trull T.J., Phares E.J., 2001), sự
kiện đánh dấu sự ra đời của TLH Lâm sàng là việc thành lập Phòng khám tâm lí
tại Đại học Pennsylvania vào năm 1896. Người phụ trách phòng khám này là
Lightner Witmer (1867-1956). Witmer tốt nghiệp Đại học Pennsylvania năm
1888 sau đó làm nghiên cứu sinh tại Đại học Leipzig dưới sự hướng dẫn của W.
Wund. Năm 1892, sau khi nhận bằng tiến sĩ, Witmer lại trở về Đại học
Pennsylvania làm việc. Sau khi phòng khám tâm lí được thành lập, Witmer đã
có những đề xuất quan trọng với Hội Tâm lí học Mĩ (APA) cũng vừa mới được
thành lập (1892). Witmer cho rằng phòng khám tâm lí cần phải thực hiện các
công việc như: chẩn đoán và đánh giá tâm lí; trị liệu cá nhân; dịch vụ xã hội;
nghiên cứu và đào tạo sinh viên. Tuy nhiên đề xuất của Witmer không thu hút
được sự quan tâm của các nhà TLH trong Hội Tâm lí học Mĩ.
Mặc dù Witmer có rất nhiều đóng góp cho Tâm lí Lâm sàng: ông là
người đưa ra thuật ngữ Clinical Psychology (Tâm lí học Lâm sàng); duy trì hoạt
động của phòng khám tâm lí; tiến hành trị liệu trẻ em có các vấn đề về học tập;
là người đầu tiên dạy môn Tâm lí học Lâm sàng; người sáng lập, biên tập tạp
chí tâm lí lâm sàng đầu tiên trên thế giới The Psychological Clinic (Lâm sàng
Tâm lí học) vào năm 1907 cho đến khi đình bản vào năm 1935, song theo Trull
T.J., Phares E.J. (2001), Witmer không có ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển
của Tâm lí học Lâm sàng sau này. Đơn giản vì khi đó người ta cho rằng TLH
không nên quan tâm đến những vấn đề lâm sàng, rằng TLH cần quan tâm đến
hành vi của người bình thường. Hơn thế nữa, những công việc của Witmer chủ
yếu là thực hành. Cho dù ông có xây dựng và duy trì hoạt động của tạp chí
nhưng chẳng có một lí thuyết nào mang tên Witmer.
Phần lớn các tác giả ở Châu Âu khi bàn đến sự khởi đầu của Tâm lí học
Lâm sàng thường đề cập đến Sigmund Freud. Freud đã thực sự tạo ra một cuộc
cách mạng trong khoa học tâm lí. Trọng tâm, cốt lõi của cuộc cách mạng đó
chính là Tâm lí Lâm sàng: Freud đã đưa ra cách lí giải hoàn toàn mới về các
vấn đề rối nhiễu tâm lí và phương pháp điều trị cũng hoàn toàn mới: phương
pháp phân tích tâm lí.
Ngay sau khi ra đời, Phân tâm học đã trở thành xu hướng chủ đạo trong
Tâm lí học Lâm sàng. Không chỉ ở Châu Âu mà ngay ở Châu Mĩ, nơi mà đầu
thế kỉ 20, TLH đồng nghĩa với Chủ nghĩa Hành vi/TLH Hành vi thì Tâm lí Lâm
sàng vẫn là “cơ sở ” của Phân tâm. Mãi đến giữa thế kỉ 20, Tâm lí học Hành vi
với xâm nhập sâu vào Tâm lí Lâm sàng. Tuy nhiên Tâm lí học Hành vi chính là
“lực lượng thứ ba” trong Tâm lí Lâm sàng bởi trước đó đã có sự hiện diện của
Tâm lí học Nhân văn với gương mặt tiêu biểu là Carl Rogers. (Trong TLH ở
Mĩ, người ta thường gọi TLH Nhân văn-Hiện sinh là “lực lượng thứ ba” bởi nó
xuất hiện sau Hành vi và Phân tâm).
Như vậy có thể nhận thấy ba cuộc cách mạng – ba dòng TLH của cuối
thế kỉ 19 đầu thế kỉ 20 gồm Phân tâm học, TLH Gestal, TLH Hành vi thì chỉ có
TLH Phân tâm và TLH Hành vi là có ảnh hưởng lớn trong Tâm lí học Lâm
sàng.
Vào những năm 1920-1930, trong TLH xuất hiện một xu hướng mới:
TLH Xô viêt. Hoàn toàn có đủ cơ sở để gọi đây là một cuộc cách mạng khác.
Nếu Phân tâm học coi vô thức là đối tượng nghiên cứu, TLH Hành vi cho rằng
hành vi mới là đối tượng thì TLH Xô viết khẳng định chính hoạt động là đối
tượng nghiên cứu của TLH. Trong lĩnh vực lâm sàng, TLH Thần kinh với tên
tuổi của Luria đã khẳng định vị thế của mình. Một chuyên ngành khác: Tâm lí
học Bệnh học (Pathopsychology) cũng có những bước phát triển đáng kể.
Nhìn theo tiến trình phát triển, chúng ta có thể nhận thấy sự hiện diện của
các trường phái khác nhau, các khuynh hướng khác nhau, thậm chí các luận
điểm khác nhau trong Tâm lí học Lâm sàng nói riêng và TLH nói chung. Nói
một cách khác, không có một ngành TLH chung, một chuyên ngành Tâm lí học
Lâm sàng chung cho mọi xã hội, cho mọi thời kì. Ngay cả xu hướng hiện thời
nhất hiện nay: xu hướng tích hợp cũng phải khai thác những khía cạnh được
cho là hợp lí của một trường phái, quan điểm nào đó.
Tài liệu CÁC TRƯỜNG PHÁI TRONG TÂM LÍ HỌC LÂM SÀNG
cũng là nhằm trang bị cho sinh viên những luận điểm chính của từng trường
phái lớn.
Chương 1
TRƯỜNG PHÁI PHÂN TÂM HỌC
Chương 1 đề cập đến Phân tâm cổ điển của Freud và một số
tác giả nổi bật sau Freud, tập trung trong TLH Cái tôi như:
A. Freud, K. Horney, A. Adler, và Lí thuyết quan hệ gắn bó:
D. Winnicott, M. Klein và J. Bowlby. Ở mỗi tác giả, giáo trình đề
cập đến những luận điểm TLH chính; các luận điểm về tâm bệnh,
phương pháp đánh giá và trị liệu. Trong những mục tiếp theo, giáo
trình giới thiệu các phương pháp phóng chiếu và sự phát triển của
kĩ thuật trị liệu theo xu hướng phân tâm
1. PHÂN TÂM CỔ ĐIỂN CỦA FREUD
1.1. Tiểu sử của S. Freud
Sigmund Freud sinh ngày 06 tháng 5 (có tài liệu ghi tháng ngày 6 tháng 3
nhưng nhiều học giả không tán thành ngày này vì nó chỉ cách đám cưới của cha
mẹ Freud có 8 tháng) năm 1856 tại Freiberg, Moravia, trước kia thuộc Áo, nay
là thành phố Pribor thuộc Cộng hòa Sec. Cha ông là Jacob –một nhà buôn còn
mẹ là Amalie Nathanson, kém cha ông 20 tuổi. Trước khi lấy Amalie, Jacob đã
có 2 con trai từ cuộc hôn nhân đầu là: Emanuel và Phillip. Jacob và Amalie có
với nhau 7 con nhưng Sigmund là người được Amalie yêu mến và cưng chiều
nhất. Bản thân Sigmund cũng là người quyến luyến với mẹ nhiều nhất. Có lẽ vì
thế sau này mà Freud cho rằng quan hệ mẹ – con là quan hệ hoàn hảo nhất
trong các quan hệ con người – con người.
Khi Sigmund được 1 tuổi thì mẹ cậu sinh em bé. Sự kiện này ảnh hưởng
rất lớn đến tâm lí của Freud: trong lòng chú bé chứa chất sự căm thù đối với
em, chỉ mong em chết đi. Và như một sự trớ trêu, em của Sigmund đã chết khi
mới được 8 tháng tuổi. Một mặc cảm khác, mặc cảm tội lỗi trong cái chết của
em. Sau này Freud với hiểu được rằng mong muốn em chết là hiện tượng chung
ở trẻ con và mong muốn đó không phải là nguyên nhân của cái chết. Tuy nhiên
cũng phải mất nhiều năm, khi Freud đã ở độ tuổi trưởng thành ông mới nhận ra
được điều này. Cũng bằng sự phân tích của mình, Freud cho rằng mặc cảm tội
lỗi đó đã ảnh hưởng tới sự phát triển tâm lí của ông sau này.
Thuở nhỏ, Freud chơi thân với 2 cháu con nhà anh trai Emanuel là John
và Pauline. Là cháu nhưng John hơn Sigmund 1 tuổi, còn Pauline thì nhỏ hơn.
Kí ức sâu đậm nhất mà Freud nhớ thời nhỏ, đó là cảnh 2 chú cháu: Sigmund và
John cướp giật bó hoa trong tay Pauline làm cho cô bé đuổi theo và khóc, nước
mắt đầm đìa.
Khi Sigmund lên 3 tuổi thì hai gia đình nhà Freud rời Freiberg do công
việc làm ăn khó khăn. Nhà Emanuel và Phillip thì sang Anh còn nhà Jacob thì
đến Leipzig và 1 năm sau chuyển sang Viên – thủ đô của Áo. Sigmund Freud
đã gắn bó với Viên gần 80 năm. Mãi đến năm 1938 ông mới di cư sang Anh để
tránh nạn phát xít đang bài trừ Do Thái. Một năm sau, ngày 23 tháng 9 năm
1939 ông qua đời.
Năm 1873 Freud vào học đại học y không phải vì thích nghề y mà là
muốn tìm hiểu bản chất con người. Do đó, năm 1881, sau khi tốt nghiệp, ông
cũng không hành nghề y mà tiếp tục theo đuổi mục đích ban đầu: nghiên cứu
sinh lí và giảng dạy. Tuy nhiên rồi Freud cũng phải chuyển sang thực hành vì lí
do kinh tế và còn một lí do khác: rất khó có cơ hội phát triển trong trường đại
học cho những người Do Thái như ông.
Freud làm việc tại Bệnh viện đa khoa Viên trong 3 năm và đã thu được
nhiều kinh nghiệm thuộc các chuyên khoa khác nhau, trong đó có tâm thần và
thần kinh. Năm 1885, Freud được nhận một khoản học bổng tu nghiệp nước
ngoài của Đại học Viên. Ông quyết định sang Pari, theo học chỗ bác sĩ thần
kinh nổi tiếng của Pháp là Jean-Martin Charcot.
Bốn tháng ở Pari, Freud đã học được kĩ thuật thôi miên để điều trị
hysteria. Cũng qua thôi miên, ông đã hiểu được căn nguyên tâm lí của hysteria.
Trong cuộc đời của con người có những quãng thời gian và những việc
làm mà người ta rất muốn quên đi. Freud cũng vậy. Khi còn là sinh viên, Freud
đã dùng thử cocain và thấy thực sự hứng khởi với cảm giác mà cocain đưa lại.
Thậm chí năm 1884 ông còn viết bài ca ngợi cocain, khuyên mọi người dùng,
và ông cũng dùng cho cả vợ chưa cưới. Hậu quả thật khôn lường. Sau này
Freud bị lên án là đã tuyên truyền và khởi động cho một nạn dịch nghiện cocain
ở châu Âu và Mĩ. Chính Freud đã kê đơn cocain để điều trị nghiện morphin cho
một người bạn. Người bạn này hết nghiện morphin nhưng lại chuyển sang
nghiện cocain.
Theo một số tác giả (Feist & Feist, 1998), ngay từ khi còn trẻ, Freud đã
mơ ước có được những phát minh vĩ đại. Trong thời gian làm việc với Chacot ở
Pari, Freud đã nghiên cứu về hysteria nam giới. Ông tin rằng những hiểu biết về
lĩnh vực này sẽ đem lại cho ông danh tiếng trong Hội thầy thuốc Hoàng gia
Viên. Tuy nhiên khi Freud trình bày báo cáo ở Hội thì hầu hết số bác sĩ ở đây
không thấy bất ngờ. Họ đã biết về hysteria và nghĩ rằng bệnh này cũng có thể
có ở nam giới.
Thất vọng vì những nỗ lực bị thất bại và đau khổ vì bị giới chuyên môn
phản đối xung quanh chuyện cocain, Freud cho rằng cần phải liên minh với
người nổi tiếng để tiếp tục theo đuổi mục đích. Freud lại đến gặp Breuer. Khi
còn là sinh viên y khoa, Freud đã có mối quan hệ gần gũi với J. Breuer, một bác
sĩ tâm thần nổi tiếng ở Viên và nhiều hơn Freud 14 tuổi. Khi đó Breuer đã dạy
cho ông kĩ thuật xả trừ (Catharsis) đối với hysteria. Lần này Breuer có những
buổi thảo luận khá chi tiết với Freud về trường hợp Anna O, người bệnh
hysteria đã được ông điều trị trong vòng mấy năm trời.
Để nhằm lấy lại sự tôn trọng của giới khoa học sau những gì đã xảy ra,
Freud thuyết phục Breuer cùng công bố nghiên cứu về Anna O và các trường
hợp khác. Breuer lúc đầu không tán thành, nhưng sau đó cũng đã đồng ý công
bố một số trường hợp mà thôi. Ngay sau Những nghiên cứu về hysteria ra đời
(1885), quan hệ của 2 người lại bị đổ vỡ.
Cuối những năm 1890 là thời kì Freud rơi vào cô đơn và khủng hoảng.
Freud bắt đầu tự phân tích các giấc mơ của mình và nhất là sau cái chết của
cha, năm 1896, ông tự phân tích hằng ngày. Thời kì này, như Freud tự trào: tôi
là người bệnh tốt nhất của mình. Theo người viết tiểu sử của Freud, Ernest
Jones, thời kì này Freud bị nhiễu-loạn tâm nặng.
Cũng chính trong thời kì khó khăn này, Freud đã hoàn thành công trình
nổi tiếng: Phân tích các giấc mơ. Sách được hoàn thành năm 1899 và in năm
1900. Trong quãng thời gian 5 năm sau khi Phân tích các giấc mơ được công
bố, Freud lại liên tiếp hoàn thành nhiều công trình nghiên cứu khác, tạo cơ sở
vững chắc cho Phân tâm học. Mùa thu năm 1902, một nhóm 5 bác sĩ ở Viên
gồm: Freud, Alfred Adler, Wilhelm Stekel, Max Kahane và Rudolf Reitler đã
thành lập Hội TLH Thứ tư do Freud cầm đầu. Năm 1908, Hội được đổi thành
Hội Phân tâm học Viên. Năm 1910, Hội Phân tâm học Quốc tế được thành lập
do C. Jung làm chủ tịch. Có thể nói Phân tích các giấc mơ đã mở đầu của giai
đoạn phát triển mạnh mẽ của Phân tâm học cũng như của Freud. Năm 1909 ông
có chuyến đi Mỹ, giảng bài và gặp gỡ với nhiều nhà TLH nổi tiếng lúc bấy giờ
như : W. James, E. Tichener, Mc.Cattell…Uy tín cũng như tiếng tăm của Freud
và Phân tâm học càng được lan rộng.
Những năm chiến tranh thế giới lần thứ nhất lại là một quãng thời gian
khó khăn nữa của Freud. Sự chia rẽ trong nội bộ của Phân tâm học, Adler tách
ra và thành lập TLH Cá nhân, Hoàng thái tử Jung li khai với Freud và xây dựng
TLH Phân tích…Sau chiến tranh ông lại phải trải qua 33 lần phẫu thuật vì căn
bệnh ung thư vòm họng. Cũng chính trong thời gian này, ông bổ sung thêm
những luận điểm về bản năng chết và bản năng sống; chèn ép như là một cơ chế
phòng vệ của Cái Tôi.
Đầu năm 1938, khi Áo sáp nhập vào Đức quốc xã, Freud chạy sang
London và một năm sau ông qua đời (ngày 23 tháng 9 năm 1939).
1.2. Các luận điểm tâm lí học chính của Freud
1.2.1. Vô thức
Như nhiều tác giả nhận xét, một trong những công lao lớn nhất của Freud
đối với TLH chính là luận điểm của ông về vô thức. Lẽ đương nhiên Freud
không phải là người đầu tiên đề cập đến vô thức. Trước Freud, nhiều nhà TLH
cũng đã đề cập đến vô thức, song vô thức được xem như là một cái gì đó không
quan trọng, thậm chí đối với một số người, đó không phải là tâm lí vì tâm lí là
những hiện tượng có thể nhận biết được. Chúng ta cũng nên lưu ý rằng vào thời
kì bấy giờ, TLH đồng nghĩa với TLH Ý thức: chỉ có ý thức là đối tượng nghiên
cứu (của TLH) mà thôi. Cùng với việc hướng TLH vào nghiên cứu vô thức,
Freud đã thực sự tạo ra cuộc cách mạng trong TLH vào đầu thế kỉ 20.
Trước Freud, các nhà TLH quan niệm tâm lí gồm: ý thức, tiềm thức và
vô thức. Tiềm thức: đó là những hiện tượng vừa ở trên bình diện ý thức, đang
“chìm” vào cõi vô thức. Nó chưa phải là vô thức thực sự bởi sự trở lại ý thức
của nó dễ dàng hơn rất nhiều so với những cái đang nằm sâu trong vô thức.
Freud cho rằng tâm lí gồm 2 hiện tượng chính là vô thức và ý thức. Cái
mọi người gọi là tiềm thức thì Freud gọi là tiền ý thức. Ở đây có hai điểm lưu ý:
sự khác nhau giữa tiền ý thức và tiềm thức là ở chiều hướng: tiềm thức là cái
vừa từ ý thức đi xuống vô thức còn tiền ý thức là cái đang từ vô thức đi lên ý
thức. Hai là, tiền ý thức vẫn là vô thức. Nó chỉ là phần vô thức chuẩn bị đạt đến
tầng bậc ý thức.
Freud cũng đã có ví dụ, gần như thành kinh điển, để minh họa cho tiền ý
thức: có 2 phòng thông nhau bằng một hành lang hẹp. Một phòng là của vô
thức và một phòng là chứa đựng ý thức. Các xung năng vô thức luôn tìm cách
lọt sang phòng của ý thức. Lối đi thì hẹp mà lại có người gác. Chúng cần phải
lọt sang phòng ý thức. Chừng nào mà các xung năng này còn đang trong hành
lang và chưa lọt sang ý thức thì chừng đó chúng vẫn chỉ là tiền ý thức.
Mặc dù có đề cập đến sự ảnh hưởng của các tác động từ phía môi trường
song về cơ bản, theo Freud, vô thức gắn liền với những bản năng, mang tính di
truyền. Nội dung của vô thức rất phong phú đồng thời cũng khá phức tạp. Có
thể nói việc nghiên cứu, nắm bắt nó phải bằng cách gián tiếp. Như trong ví dụ ở
trên, các xung năng vô thức luôn có xu hướng lọt sang phòng của ý thức. Tuy
nhiên do có người gác cửa nên chúng phải tìm các cách khác nhau: có thể lợi
dụng lúc người gác mệt mỏi hoặc không đủ tỉnh táo (ví dụ, khi ngủ), hoặc có
thể gắn kết, tạo thành một biểu trưng/tượng trưng (symbol) để lọt qua một cách
“hợp pháp”.
Mặc dù là vô thức, có nghĩa là không ý thức song chúng ta vẫn nhận biết
được sự tồn tại của vô thức. Theo Freud, vô thức được thể hiện qua các giấc
mơ, trong các hành vi “lỡ”: lỡ lời, lỡ quên, lỡ viết...và đặc biệt trong các rối
loạn tâm thần.
Mơ là một chủ đề rất được Freud quan tâm. Có nhiều giấc mơ mà khi
tỉnh dậy, con người không thể nhớ được rằng mình đã mơ thấy gì. Theo Freud,
có thể chia tách được nội dung của các giấc mơ làm 2 phần:
- Nội dung thể hiện: những gì đã thể hiện trong giấc mơ. Ví dụ, mơ thấy
mình bay đi rất nhanh như một con chim.
- Nội dung tiềm ẩn: sự thể hiện của vô thức, của những ham muốn, dục
vọng bị dồn nén, chèn ép. Việc chuyển hóa từ nội dung tiềm ẩn sang nội dung
thể hiện được thực hiện nhờ có các cơ chế: cô đặc, chuyển di, tượng trưng hóa,
kịch hóa, chế biến lần 2. Trong những cơ chế này, tượng trưng hóa là liên quan
nhiều nhất đến những xung năng tính dục và các rối loạn tâm thần.
Nếu như trong Phân tích các giấc mơ, Freud đã đề cập đến những khía
cạnh vô thức trong các giấc mơ thì trong Tâm bệnh của cuộc sống thường ngày
(Psychopathology of everyday life), Freud đã có những phân tích, chỉ ra những
động cơ vô thức đứng sau các hành vi sai lạc:
- Những hành vi lỡ thực hiện
- Những câu nói lỡ
- Những câu chữ lỡ viết
- Những câu, từ lỡ đọc
- Những việc lỡ quên.
1.2.2. Tính dục
Luận điểm về tính dục là một trong ba luận điểm quan trọng trong lí
thuyết phân tâm của Freud.
Có thể nói chính lí luận của Freud về tính dục gây nên những cơn sốc
không chỉ cho giới TLH và cũng không chỉ trong thời kì đầu thế kỉ 20.
Có một điều khá ngạc nhiên là khi nói đến Freud, mọi người đều nhất trí
rằng ông xây dựng lí thuyết/học thuyết của mình từ thực tiễn lâm sàng. Tuy
nhiên các ca lâm sàng của ông cũng không nhiều và hơn thế nữa, lại chủ yếu là
người lớn. Ngay cả trong trường hợp cậu bé Hans, Freud phân tích tâm lí chủ
yếu thông qua lời kể của cha bé Hans. Freud chỉ gặp cậu có một lần, ngoại trừ
lần gặp thứ hai sau 14 năm, khi đó Hans đã trở thành một chàng trai lịch lãm và
đến thăm Freud một cách xã giao. Thế nhưng Freud lại có những luận bàn rất
sâu về tâm lí trẻ em, chủ yếu là những khía cạnh liên quan đến tính dục và cũng
chủ yếu ở lứa tuổi nhỏ.
Điều khẳng định đầu tiên của Freud là đời sống tính dục được bắt đầu từ
rất sớm, từ khi sinh ra và nó thể hiện một cách rõ ràng. Ở vào tuổi dậy thì, sự
phát triển tính dục chỉ là giai đoạn tiếp theo sau giai đoạn tiềm tàng. Tuy nhiên
Freud lại chủ yếu quan tâm đến các giai đoạn của thời kì ấu thơ, thời kì từ 0 đến
5 tuổi.
Khái niệm tính dục (sexuality) đã được mở rộng, không chỉ giới hạn ở
những gì liên quan đến sinh dục mà nó bao hàm cả chức năng thu nhận những
khoái cảm từ các vùng khác nhau của cơ thể, chức năng này về sau phục vụ cho
việc sinh đẻ. (Về mặt thuật ngữ, trong tiếng Việt, 2 từ: tính dục và tình dục có
sự khác nhau nhất định. Chính thuật ngữ tính dục được xem như là tương thích
hơn với khái niệm sexuality trong lí thuyết của Freud).
Những khoái cảm tính dục có thể đến từ những vùng khác nhau của cơ
thể, tuy nhiên ở mỗi một giai đoạn, trên cơ thể trẻ có một vùng theo như Freud
gọi, đó là vùng kích dục: nếu kích thích vào đó, khoái cảm tính dục sẽ mạnh
hơn. Ba khu vực: khoang miệng trong giai đoạn sơ sinh, hậu môn ở giai đoạn từ
khoảng 18 tháng đến 3 hoặc 4 tuổi và từ 3, 4 tuổi đến khoảng 5 tuổi, bộ phận
sinh dục là vùng kích dục chủ yếu. Ba bộ phận này cũng còn được lấy để đặt
tên cho 3 giai đoạn phát triển tâm – tính dục của thời kì ấu thơ.
Ở giai đoạn sơ sinh, trẻ được nuôi dưỡng chủ yếu thông qua đường
miệng. Mút vú là động tác nhằm có được thức ăn, đồng thời nó cũng đem lại
những khoái cảm cho trẻ. Khoái cảm mà trẻ có được từ động tác mút gắn liền
với sự thoả mãn nhu cầu sinh lí. Tuy nhiên nó cũng có tính độc lập tương đối.
Ở vào giai đoạn này, không phải mọi động tác mút của trẻ đều là nhằm thỏa
mãn nhu cầu dinh dưỡng.
Theo thời gian, lợi của trẻ cứng ra và răng bắt đầu mọc. Mặc dù vậy
khoái cảm từ mút vú vẫn còn. Để làm tăng khoái cảm và thậm chí tìm kiếm
cảm giác về sức mạnh, trẻ có thể cắn vú mẹ hoặc nghiến, giữ vú lại mặc dù nó
đã no, không mút nữa nhưng vẫn muốn tiếp tục ngậm. Theo Freud, khoái cảm
từ việc mút vú phải được coi là mang tính chất tính dục.
Ở giai đoạn hậu môn, sự phát triển tính dục đã có những phức tạp hơn.
Lúc này hậu môn nổi lên là vùng kích dục chủ đạo. Bên cạnh những khoái cảm
gắn liền với việc thoả mãn nhu cầu sinh lí (do việc tống khứ phân ra ngoài), trẻ
còn có được sự thoả mãn nữa, sự thoả mãn tinh thần, đó là trẻ làm việc này
“cho” cha mẹ. Chúng cũng có thể bướng bỉnh, phản kháng lại uy quyền của cha
mẹ bằng cách không chịu “đi ị”. Thậm chí nó còn có thể có thêm thích thú về
cảm giác giữ phân lại khi ruột già đầy cứng. Thích thú này là một thích thú về
thể chất, kéo dài khoái cảm ngược lại là tống hết phân ra ngoài.
Sang giai đoạn 3, giai đoạn dương vật, các khoái cảm tính dục không gắn
liền với sự thỏa mãn sinh lí từ vùng kích dục đưa lại. Trong giai đoạn này, sự
phát triển tính dục lại liên quan chặt chẽ đến bộ phận sinh dục.
Vào giai đoạn dương vật, trẻ cũng đã lớn hơn, có thể có những hứng thú
ngẫu nhiên (ví dụ, lau người sau khi tắm) từ bề mặt cơ thể, đặc biệt là từ bộ
phận sinh dục. Hứng thú vẫn là đối tượng tìm kiếm của trẻ khi trẻ lại tiếp tục
khám phá cơ thể, đặc biệt là bộ phận sinh dục. Tuy nhiên nội dung chính của sự
phát triển tính dục trong giai đoạn này lại là phức cảm Oedipus: libido của trẻ
hướng vào đối tượng tính dục. Đối với trẻ trai, đối tượng tính dục của nó là
người mẹ và ngược lại, đối với trẻ gái, đối tượng tính dục của nó là người cha.
Xung đột nội tâm đã trở nên mạnh mẽ hơn rất nhiều so với các giai đoạn trước.
Cậu bé cũng đã hiểu được rằng sự say mê của cậu đối với mẹ không được cha
mẹ chấp nhận. Người cha vẫn là kẻ “tình địch” không cân sức. Sự ghen tị đan
xen với sợ hãi cha. Thêm vào đó là sợ bị thiến để trừng phạt ham muốn hoàn
toàn chiếm lấy mẹ.
Với trẻ gái, cuộc sống cũng bắt đầu bằng tình yêu với mẹ trước khi di
chuyển tình yêu sang cha và xuất hiện phức hợp Electra: ghen tị với mẹ, mẹ là
“tình địch” trong quan hệ đối với cha. Khác với trẻ trai, trẻ gái còn có cái gọi là
ghen tị dương vật. Dương vật là cái mà trẻ gái nhận thấy chúng không có, trong
khi bọn con trai lại có và sự sợ hãi bị hoạn ở trẻ gái cũng không mạnh như sợ bị
thiến ở trẻ trai.
Sự phát triển tính dục, đặc biệt là trong thời kì nhỏ, đóng vai trò rất quan
trọng trong sự phát triển tâm lí - nhân cách của cá nhân. Trong quá trình phát
triển này, chỉ cần có những bất ổn nào đó thì hậu quả của nó là khá nặng nề: chi
phối sự hình thành một nét tính cách lệch lạc hoặc lệch lạc tình dục và nặng nề
hơn là các rối loạn ở giai đoạn trưởng thành.
1.2.3. Nhân cách
1.2.3.1. Cấu trúc nhân cách
Cái Nó
Về bản chất, Cái Nó chứa đựng toàn bộ những gì bẩm sinh, di truyền,
đặc biệt là những bản năng. Cái Nó làm nền tảng cho toàn bộ cấu trúc nhân
cách, là nguồn cung cấp năng lượng cho mọi hệ thống tâm lí/tâm thần và là nơi
hình thành và phát triển Cái Tôi và Siêu Tôi. Theo Freud, Cái Nó gắn liền với
các quá trình sinh học của cơ thể.
Cái Nó hoạt động theo nguyên tắc thỏa mãn. Các kích thích bên ngoài và
bên trong làm tăng năng lượng tâm thần. Sự gia tăng này tạo ra những căng
thẳng tăng dần và đến một mức độ nào đó, Cái Nó không thể chịu đựng nổi.
Cái Nó tìm cách nhanh chóng giải tỏa sự căng thẳng mà không cần biết đến hậu
quả của nó. Đó chính là nguyên tắc hoạt động của Cái Nó, nguyên tắc thỏa
mãn: nhanh chóng giải tỏa căng thẳng, bản năng, bất chấp hậu quả hay logic.
Freud cho rằng xung năng của Cái Nó chủ yếu là những bản năng tính
dục và hung tính (aggressive). Ông cũng phân chia các xung năng/ bản năng
thành 2 loại: bản năng “sống”/tính dục và bản năng “chết”/hung tính. Đại diện
tiêu biểu của những bản năng này chính là các ham muốn (wishes) và chúng
chủ yếu là bất hợp lí và vô thức.
Để giải tỏa căng thẳng, Cái Nó tạo ra những tượng trưng bên trong hoặc
ảo giác về đối tượng của ham muốn. Ví dụ, đối với đứa trẻ đói, biểu tượng như
vậy là bầu vú mẹ. Các biểu tượng này được xem như là sự thỏa mãn ham muốn.
Tương tự như thế đối với những biểu tượng xuất hiện trong các giấc mơ ở
người bình thường và trong ảo giác ở người loạn thần.
Quá trình tư duy sơ bộ ban đầu chính là sự cố gắng/nỗ lực nhằm thỏa
mãn ngay lập tức nhu cầu song nó đã bỏ qua thực tiễn và lại còn mang tính
không hợp lí (irrational). Do đó biểu tượng tinh thần này không làm giảm được
sự căng thẳng, bức xúc. Chính vì vậy, một thế lực mới, cấu trúc mới xuất hiện:
Cái Tôi.
Cái Tôi: người kiểm chứng thực tế
Cái Tôi (Ego) xuất hiện trong lòng Cái Nó. Freud đã mô tả sự xuất hiện
của Cái Tôi như sau: “ Dưới ảnh hưởng của thế giới bên trong và xung quanh
bên ngoài chúng ta, một bộ phận của Cái Nó tách dần ra và có sự phát triển
đặc biệt. Bộ phận này nằm trên lớp bề mặt của Cái Nó, được trang bị những cơ
quan để tiếp nhận, đáp ứng với các kích thích bên ngoài. Nó dần trở thành lớp
bảo vệ của Cái Nó, là bộ máy trung gian giữa Cái Nó với thế giới bên ngoài.
Vùng này, bộ máy này được chúng ta đặt tên là Cái Tôi”.
Cái Tôi tiếp xúc trực tiếp với thế giới bên ngoài. Nó được điều hành bởi
nguyên tắc đảm bảo an toàn cho cơ thể. Để đảm bảo được an toàn, duy trì được
sự tồn tại của cơ thể, Cái Tôi chống chọi với cả 2 thế giới: thế giới bên ngoài và
thế giới bên trong của những đòi hỏi bản năng của Cái Nó. Trong cuộc đấu
tranh này, Cái Tôi luôn phải phân định những biểu tượng thỏa mãn tinh thần và
những đối tượng thực bên ngoài. Ví dụ, trong nỗ lực tìm kiếm thức ăn hoặc
nhằm giải tỏa bức xúc tính dục, Cái Tôi phải tìm kiếm những đối tượng phù
hợp ở thế giới bên ngoài để có thể làm giảm căng thẳng. Để làm được điều này,
nó phải chuyển từ biểu tượng (imagine) sang đối tượng (object) để vừa có thể
được thỏa mãn, giải tỏa căng thẳng lại vừa có thể bảo vệ được Cái Nó.
Như vậy Cái Tôi hoạt động theo nguyên tắc hiện thực, có nghĩa là nó
phải trì hoãn sự giải tỏa bằng cách kiểm tra, tìm kiếm đối tượng phù hợp trong
môi trường để thỏa mãn. Cái Tôi được vận hành với góc độ là “quá trình thứ
cấp”, trong đó có cả sự tham gia của hiện thực, của tư duy logic và lập kế hoạch
thông qua sử dụng những quá trình tâm thần nhận thức cấp cao. Trong khi Cái
Nó tìm cách giải tỏa ngay lập tức sự căng thẳng bằng biểu tượng thỏa mãn và
bằng cách thỏa mãn trực tiếp những xung năng tính dục cũng như những xung
năng hung tính thì Cái Tôi, giống như người điều hành, người trung gian giữa
Cái Nó và thế giới, thăm dò thực tiễn và đưa ra quyết định hành động sao cho
hợp lí. Ví dụ, nó trì hoãn những ham muốn tính dục cho đến khi nào điều kiện
môi trường thuận lợi, phù hợp.
Siêu Tôi
Khi trẻ ở vào độ tuổi từ 3 đến 6 tuổi, ở chúng bắt đầu hình thành ý thức
và tiếp thu dần những chuẩn mực đạo đức xã hội do cha mẹ truyền đạt. Chúng
sẽ làm theo những chuẩn mực đó. Mặt khác, những chuẩn mực đạo đức xã hội
được tiếp thu này tạo nên Cái Siêu Tôi của trẻ, trở thành vị quan tòa - lương
tâm phán xét mọi hành vi của trẻ mà không cần người lớn phải chỉ cho nó đúng
sai. Nói một cách khác, Siêu Tôi chính là sự hiện thân của xã hội trong nhân
cách của trẻ.
Nhờ có Siêu Tôi, trẻ biết được cái gì là đúng, cái gì là không đúng và biết
xấu hổ, ân hận khi làm một việc sai trái. Vị quan tòa - Siêu Tôi còn đóng vai trò
kiểm duyệt, ngăn cản những hành vi bản năng, đặc biệt là những hành vi tính
dục nếu như những hành vi này đi ngược lại đạo đức, lương tâm. Nếu như có sự
dàn xếp giữa Cái Nó và Cái Tôi thì có thể lại xuất hiện mâu thuẫn giữa Cái Siêu
Tôi với Cái Nó. Đối với Cái Tôi, Siêu Tôi luôn cố gắng thuyết phục tìm ra lối
thoát hợp lí mà không đi ngược lại các chuẩn mực đạo đức xã hội. Còn đối với
Cái Nó, Siêu Tôi tỏ ra cứng rắn hơn, quyết liệt hơn khi nó luôn tìm cách chèn
ép và dập tắt những dục vọng của Cái Nó.
Hình 1.1. Cấu trúc nhân cách theo Freud
(Nguồn: />Theo Freud, Cái Tôi chính là đấu trường để chứng kiến sự đấu tranh
quyết liệt giữa 2 thế lực: một bên là Cái Nó đòi được thoả mãn các ham muốn,
dục vọng bản năng và một bên là Siêu Tôi luôn đòi trừng trị những dục vọng,
bản năng này. Cái Tôi luôn phải lựa để làm yên lòng cả 2 bên tham chiến: vừa
phải lựa sao cho có thể thoả mãn một phần Cái Nó, trì hoãn các dục vọng đến
một thời điểm phù hợp, vừa phải đáp ứng ước mơ vươn tới sự cao đẹp, hoàn mĩ
của Siêu Tôi để từ đó có những hành vi phù hợp với thực tế. Chính vì vậy Cái
Tôi hoạt động theo nguyên tắc thực tế.
Sự đòi hỏi của Siêu Tôi tạo ra trạng thái lo sợ ở Cái Tôi. Nếu để lâu,
trạng thái lo hãi này có thể dẫn đến lo âu- trầm cảm.
Trên hình 1.1. có đưa ra mô hình nhân cách theo quan niệm của Freud.
Cái Tôi chứa trong mình chủ yếu là ý thức. Tuy nhiên Cái Tôi chỉ được ví như
phần nổi của tảng băng, còn phần chìm, phần thực sự cần được quan tâm là Cái
Nó. Không nên đánh đồng giữa vô thức và Cái Nó mặc dù bên trong Cái Nó là
vô thức. S. Freud đã ví dụ so sánh về mối quan hệ giữa với ý thức và vô thức
với Cái Nó và Cái Tôi. Chúng không hoàn toàn trùng hợp với nhau. Trong Cái
Nó là vô thức; trong Cái Tôi chủ yếu là ý thức, cũng giống như những người
dân sống ở gần biển chủ yếu làm nghề đánh cá nhưng không phải tất cả những
ai sống ở gần biển đều làm nghề đó.
1.2.3.2. Các giai đoạn phát triển nhân cách
Giai đoạn môi miệng ( từ sơ sinh đến khoảng1 tuổi)
Cơ quan đầu tiên được biểu hiện thành vùng kích dục (Erogenous zones)
và đặt ra một yêu cầu của libido đối với tâm thần, từ khi mới đẻ, đó là miệng.
Toàn bộ hoạt động tâm thần tập trung trước tiên vào việc thỏa mãn các nhu cầu
của vùng này. Đó là điều hiển nhiên, vì trước hết, để tồn tại, đứa trẻ cần được
ăn uống. Ngay từ những ngày giờ đầu tiên của cuộc đời, mút vú là cách trẻ tiếp
nhận sữa mẹ. Dòng sữa mẹ đã đem đến cho trẻ một sự thỏa mãn. Tuy bắt nguồn
từ ăn uống, nhưng sự thỏa mãn ấy vẫn có tính độc lập. Vì nhu cầu mút vú có
thể đem lại khoái cảm nên nó có thể và phải được coi là mang tính dục.
Bản năng tính dục của miệng và môi được thiết lập thông qua sự kết hợp
giữa nuôi nấng và cho ăn, là nền tảng của giai đoạn môi miệng. Trải nghiệm ăn
uống đưa trẻ đi vào thế giới của khoái cảm và khổ đau. Khoái cảm bắt nguồn từ
những xung năng môi miệng. Bú, nhai, ăn và cắn cung cấp sự khoái cảm nhục
dục ở môi, lưỡi và các niêm mạc trong miệng.
Những cảm giác dễ chịu đó không cần phải được gắn với sự thỏa mãn cái
đói vì bản thân những hoạt động môi miệng đã đem lại thỏa mãn. Đầu ra của
tất cả cái đó, theo Freud là dục năng được xả trừ vào vùng kích dục đầu miệng.
Những trải nghiệm xã hội và phi xã hội nổi bật ở giai đoạn môi miệng, tập
trung xung quanh những lo âu môi miệng.
Thêm vào trải nghiệm về khoái cảm môi miệng, trẻ đau khổ do hẫng hụt
và lo hãi. Những căng thẳng tính dục gây khoái cảm nếu được thỏa mãn thì sẽ
tạo khoái cảm, và ngược lại, gây đau khổ nếu không được thỏa mãn và căng
thẳng tiếp tục gia tăng. Nó có thể mút ngón tay, cái đầu chăn, một đồ chơi
mềm. Song sự thỏa mãn vẫn không được đầy đủ. Những hẫng hụt khác xảy đến
khi cha mẹ bắt bỏ bữa ăn đêm và yêu cầu trẻ không được nhai một số đồ vật vì
mất vệ sinh và không an toàn, ăn bằng bát và bát thay cho bú mẹ và bình sữa.
Những đòi hỏi văn hóa xã hội đã được cha mẹ cụ thể hóa bằng những yêu cầu.
Trẻ bị rối loạn nếu nhận được quá ít hoặc quá nhiều sự thỏa mãn môi
miệng. Nếu quá ít, trẻ luôn cảm thấy lo hãi và thường xuyên tìm kiếm sự thỏa
mãn môi miệng vào những năm sau. Nếu những khoái cảm, thỏa mãn môi
miệng quá nhiều thì trẻ có thể sẽ thấy khó khăn chuyển sự đầu tư của nó sang
các đối tượng mới trong giai đoạn mới. Trong trường hợp đó dễ xảy ra sự cố
định.
Khi khoái cảm mút vú vẫn là một phần những hoạt động của đứa trẻ, thì
lợi bắt đầu cứng lên và mọc răng. Nó làm tăng khoái cảm và thậm chí tìm kiếm
một cảm giác về sức mạnh bằng cách cắn vú khi bú, như nhiều bà mẹ cho con
bú có thể dễ dàng nhận thấy điều đó theo kinh nghiệm của mình. Khi đứa trẻ
bú, tính hung dữ thơ ngây khiến nó nhay đầu vú và sự chống cự của nó khi mẹ
rút vú ra. Điều này sẽ gây cho nó sự đau khổ vì bị mất đi những cảm giác kích
thích dễ chịu. Đó là tính gây hấn có chủ ý, còn được biểu hiện rõ hơn nữa khi
đứa trẻ được cho bú bằng bình sữa.
Đối tượng tính dục thứ nhất dùng miệng là đôi vú của bà mẹ, cái có thể
thỏa mãn nhu cầu ăn của đứa bé sơ sinh. Sau đó khi đứa bé đã thỏa mãn được
cả tính dục và nhu cầu nuôi ăn, nó sẽ không cần đến vú mẹ nữa, mà thay vào đó
bằng ngón tay, nghĩa là một phần của thân thể nó.
Freud cho rằng sự phát triển ở thời kì môi miệng hình thành nền tảng
nhân cách của tuổi trưởng thành. Có 5 kiểu hoạt động môi miệng:
i. Nuốt vào: trẻ thích thú nuốt thức ăn vào thì sẽ trở thành một người lớn
nuốt ngấu nghiến.
ii. Giữ chặt lại: trẻ giữ chặt đầu vú khi kéo nó ra có thể dẫn tới tính quyết
định và bướng bỉnh.
iii. Cắn: là nguyên mẫu của huỷ hoại, mỉa mai, đay nghiến yếm thế và
thống trị.
iv. Nhổ ra: trở thành khước từ.
v. Đóng, khép lại: ngậm chặt miệng lại dẫn tới khước từ, phủ định hay
hướng nội. Khi trưởng thành, người có nét tính kiểu này hay có những hành vi
định hình như là hút thuốc lá, cắn móng tay…
Việc thất bại trong đáp ứng nhu cầu cắn và nhai khi còn là một đứa trẻ
năm đầu tiên có thể sẽ hình thành nên đặc tính chế nhạo, tranh luận, hành hạ
của một người mắc chứng “khẩu dâm”.
Sự kiện quan trọng nhất trong giai đoạn môi miệng là sự gắn bó với mẹ.
Freud tuyên bố rằng tầm quan trọng của mẹ là “độc nhất, có một không hai, vô
tận cho suốt cuộc đời, như là một đối tượng thương yêu mạnh mẽ nhất và là
nguyên mẫu cho mọi quan hệ tình cảm sau này”. Bởi vì bà mẹ là điển hình thỏa
mãn các nhu cầu như ăn, bú mớm, sưởi ấm là đối tượng yêu thương đầu tiên
của trẻ ở thời thơ ấu nên trẻ đầu tư vào mẹ một phần lớn dục năng. Giai đoạn
môi miệng được kết thúc khi trẻ dứt sữa.
Giai đoạn hậu môn
Sự thay đổi từ môi miệng đến vùng hậu môn đánh dấu sự phát triển tâm
tính dục. Freud tin rằng, sự thay đổi này là phổ quát và xảy ra như một chức
năng của sự trưởng thành. Đứa trẻ trải qua sự vui thú và đánh dấu vùng hậu
môn như những địa thế nhạy cảm tính dục trong việc giữ lại hoặc trục xuất
phân ra, sự thích thú có thể gia tăng bằng cách học trì hoãn đại tiện.
Nhu cầu sinh lí đi đại tiện tạo ra sự căng thẳng, và sự căng thẳng này
được giải tỏa đi khi nhu cầu đó được thỏa mãn. Sự kích thích hậu môn kéo theo
sự giảm bớt căng thẳng. Cũng như ở giai đoạn môi miệng, vùng kích dục mang
lại hẫng hụt, lo hãi cũng như khoái cảm. Khi trẻ phải đối mặt với sự huấn luyện
vệ sinh, mong muốn được thỏa mãn ngay bị hẫng hụt, trẻ gặp mâu thuẫn với xã
hội đầy quyền uy của người lớn.
Nếu huấn luyện vệ sinh đặc biệt khắt khe hay quá sớm hoặc được cha mẹ
quá quan trọng hóa có thể trở thành nguồn gốc của lo hãi của trẻ sau này. Một
số trẻ phản ứng với việc dạy dỗ đi vệ sinh quá nghiêm ngặt bằng giữ phân lại và
trở nên táo bón hoặc đi đại tiện vào những giờ không phù hợp và ở bất cứ chỗ
nào.
Cả ở đây nữa, ý chí sức mạnh và độc lập có thể xung đột với mong muốn
đơn giản được thích thú, được yêu thương và được nhận sự yêu thương ấy một
cách thụ động. Giữ phân lại trong ruột già, bướng bỉnh không chịu "đi ị" vào bô
là những cách thách thức uy quyền của cha mẹ. Còn có thêm một thích thú về
cảm giác giữ phân lại khi ruột già đầy cứng, một thích thú về thể chất, gắn với
việc trì hoãn, do đó, kéo dài khoái cảm ngược lại là tống hết phân ra khỏi ruột.
Hoạt động và sự kiện xung quanh vùng hậu môn được sử dụng làm
nguyên mẫu cho nhiều hành vi trong giai đoạn này cũng như ở giai đoạn sau.
Đại tiện tung tóe, không kiểm soát được là nguyên mẫu tính tình cáu kỉnh hoặc
rèn luyện thân thể mạnh mẽ, thúc bách. Phản ứng lại với vệ sinh nghiêm ngặt
quá, trẻ có thể trở thành bừa bãi, bẩn thỉu và vô trách nhiệm, hoặc trẻ có thể trở
thành một người lớn say mê sạch sẽ, căn cơ, tự quản quá mức. Niềm tự hào của
người mẹ về thành tích của con trong việc giữ vệ sinh có thể tạo nên một mối
quan hệ giữa tặng cho một món quà (phân) và nhận được tình yêu, trong trường
hợp này đứa trẻ có thể trở thành hào phóng. Nếu người mẹ dành một giá trị lớn
cho những chất trẻ sản xuất ra khi đi vệ sinh, trẻ có thể trở nên sáng tạo và sáng
tác hoặc trái lại, trầm cảm do thấy mất mát. Freud dùng từ “đặc tính hậu môn”
để mô tả một người trật tự, mô phạm và ngoan cố. Một người như thế có một tri
giác lệch lạc về thế giới, trong khi cố gắng một cách vô bổ làm mọi thứ rõ ràng,
ngăn nắp và không nhập nhằng.
Giai đoạn dương vật (khoảng 3 đến 5 tuổi)
Từ năm thứ ba trở đi, đời sống tình dục của đứa bé có nhiều điểm rất
giống đời sống tình dục của người lớn, chỉ khác ở chỗ các cơ quan sinh dục
phát triển chưa đều, tính chất tình dục là tính chất sa đọa rõ ràng và tất nhiên ở
chỗ cường độ tình dục đó không mạnh bằng của người lớn thôi.
Phương pháp rõ rệt nhất, dù đó là phương pháp phát triển sớm nhất, là
việc trẻ con thủ dâm với chính các cơ quan sinh dục. Chúng ta đã thấy rằng ở
các bé trai, đương nhiên đó là một cái gì chúng học để làm khi sờ mó hay vuốt
ve dương vật của chúng, còn các bé gái thì cũng chú ý giống như thế tới âm vật.
Giai đoạn dương vật hay còn gọi là thời kì cơ quan sinh dục khởi đầu,
đứa trẻ đối mặt với một tập hợp mới những vấn đề thách thức. Ở giai đoạn này,
khoái cảm và các vấn đề tập trung vào vùng sinh dục. Kích thích vùng sinh dục
dẫn tới căng thẳng, giảm nhẹ căng thẳng đem lại khoái cảm. Vấn đề ở giai đoạn
này nổi lên khi xung năng tính dục chĩa về người cha hoặc mẹ. Đó là “phức
cảm Oedipus” và “mặc cảm Êlectra”.