Tải bản đầy đủ (.pdf) (115 trang)

Tiếng Việt 3 Giáo trình dành cho sinh viên ngành Tiểu học

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (599.7 KB, 115 trang )

TRƯỜNG ĐẠI HỌC PHẠM VĂN ĐỒNG
KHOA SƯ PHẠM TỰ NHIÊN

BÀI GIẢNG HỌC PHẦN
PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC
TỰ NHIÊN - XÃ HỘI
Ở TIỂU HỌC

Người biên soạn: TRẦN THỊ HẠNH THẮM


MỤC LỤC
Trang
LỜI NÓI ĐẦU ...........................................................................................................4
PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC TỰ NHIÊN - XÃ HỘI, KHOA HOC, LỊCH SỬ
VÀ ĐỊA LÍ Ở TIỂU HỌC ........................................................................................5
Chủ đề 1: Những vấn đề chung (26 tiết)..................................................................6
Chương 1. Mục tiêu, nội dung chương trình, cấu trúc SGK các môn
TN- XH, Khoa học, Lịch sử và Địa lí. (4 tiết) ..............................................6
1.1. Mục tiêu và nội dung chương trình môn TN-XH, Khoa học, Lịch sử và
Địa lí ...........................................................................................................................6
1.2. Chương trình và sách giáo khoa môn TN-XH ở các lớp 1, 2, 3 và môn
Khoa học lớp 4, 5 .....................................................................................................10
1.3. Chương trình và sách giáo khoa môn Lịch sử và Địa lí ở các lớp 4, 5 12
Chương 2. Một số phương pháp, hình thức dạy học đặc trưng các môn TN-XH,
Khoa học, Lịch sử và Địa lí ở tiểu học (20 tiết) ....................................................14
2.1. Một số phương pháp dạy học đặc trưng các môn TN-XH, Khoa học, Lịch
sử và Địa lí ở tiểu học ...............................................................................................14
2.2. Một số hình thức tổ chức dạy học……………………………………….39
2.3. Đồ dùng dạy học .......................................................................................45
2.4. Kiểm tra đánh giá trong dạy học các môn TN-XH, Khoa học, Lịch sử và


Địa lí .........................................................................................................................48
Chủ đề 2. Hướng dẫn dạy học theo chủ đề (36 tiết) ............................................51
Chương 1. Hướng dẫn dạy học chủ đề xã hội (6 tiết) ..........................................53
1.1. Tìm hiểu mục tiêu, nội dung chương trình chủ đề xã hội trong SGK TNXH ở các lớp 1, 2, 3 ................................................................................................51
1.2. Phương pháp và hình thức dạy học các bài có nội dung về Xã hội .........53
1.3. Hướng dẫn làm một số đồ dùng dạy học cho chủ đề Xã hội ở lớp 1, 2, 3 56
1.4. Lập kế hoạch dạy học các bài có nội dung về Xã hội ..............................59
1.5 Thực hành tập dạy .....................................................................................60
Chương 2. Hướng dẫn dạy học chủ đề Địa lí (8 tiết) .........................................64
2.1. Phương pháp dạy học các bài có nội Địa lí các lớp 1, 2, 3 ......................64

1


2.2. Phương pháp dạy các bài có nội dung Địa lí lớp 4, 5 ..............................67
Chương 3. Hướng dẫn dạy học chủ đề Lịch sử (4 tiết) ......................................77
3.1. Mục tiêu, nội dung, chương trình, sách giáo khoa Lịch sử lớp 4, 5 .........77
3.2. Thực hành các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học ........................78
3.3. Hướng dẫn sử dụng và làm đồ dùng dạy học môn Lịch sử ......................81
3.4. Lập kế hoạch dạy học và tập dạy .............................................................82
Chương 4. Hướng dẫn dạy học chủ đề Con người và sức khỏe, Thực vật và
Động vật (12 tiết) ............................................................................................85
4.1. Hướng dẫn dạy học chủ đề Con người và sức khỏe .................................85
4.2. Hướng dẫn dạy học chủ đề Thực vật .......................................................94
4.3. Hướng dẫn dạy học chủ đề Động vật .....................................................100
Chương 5. Hướng dẫn dạy học chủ đề Vật chất và năng lượng (4 tiết) ..........105
5.1. Hướng dẫn dạy học chủ đề Vật chất và năng lượng ở lớp 4, 5 ..............105
5.2. Hướng dẫn dạy học chủ đề Môi trường và tài nguyên thiên nhiên ở lớp 5
112


2


CÁC CHỮ VIẾT TẮT
GV

: Giáo viên

HS

: Học sinh

SV

: Sinh viên

SGK

: Sách giáo khoa

SGV

: Sách giáo viên

TN – XH : Tự nhiên và Xã hội
PPDH

: Phương pháp dạy học

TR


: Trang

3


LỜI MỞ ĐẦU
Để góp phần đổi mới công tác giáo dục và đào tạo giáo viên tiểu học, bài
giảng học phần: PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC TỰ NHIÊN – XÃ HỘI Ở TIỂU
HỌC, nhằm nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, cập nhật những đổi mới về
nội dung, phương pháp dạy học theo chương trình và SGK ở tiểu học.
Bài giảng nhằm tích cực hóa hoạt động của người học, kích thích óc sáng tạo
và khả năng giải quyết các vấn đề, tự giám sát và đánh giá kết quả học tập của
người học; sửdụng nhiều PPDH, hình thức tổ chức dạy học khác nhau, giúp người
học dễ học, dễ hiểu và gây hứng thú học tập.
Bài giảng học phần này gồm hai chủ đề, nội dung chính của mỗi chủ đề là:
- Chủ đề 1: Những vấn đề chung.
- Chủ đề 2: Hướng dẫn dạy học theo chủ đề
Các chương không hoàn toàn trùng với các chủ đề của môn học ở chương
trình tiểu học mà tách thành phần riêng theo từng phân môn, giúp SV xác định hệ
thống tri thức cơ bản của từng phân môn trong chương trình TN-XH ở tiểu học.
Những thông tin này không những giúp SV nắm được các thông tin cơ bản về môn
học mà còn giúp SV tự tìm kiếm để hoàn thiện thông tin cơ bản qua tự học và tự
nghiên cứu.
Lần đầu tiên biên soạn theo chương trình và phương pháp mới nên không
tránh khỏi những thiếu sót nhất định. Mong nhận được ý kiến góp ý của các đồng
nghiệp và sinh viên khoa Sư phạm Tự nhiên.
Xin trân trọng cảm ơn!

4



PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC CÁC MÔN TỰ NHIÊN VÀ XÃ HỘI,
KHOA HỌC, LỊCH SỬ VÀ ĐỊA LÍ Ở TIỂU HỌC
I. MỤC TIÊU
Bằng sự tự học, thảo luận nhóm và sự hướng dẫn của giảng viên, sinh viên đạt
được mục tiêu sau:
1. Về kiến thức
- Phân tích được nội dung chương trình, cấu trúc SGK các môn Tự nhiên và
Xã hội, Khoa học, Lịch sử và Địa lí ở tiểu học.
- Xác định được số phương pháp dạy học đặc trưng, hình thức tổ chức dạy
học, cách đánh giá các môn Tự nhiên và Xã hội, Khoa học, Lịch sử và Địa lí ở tiểu
học.
2. Về kĩ năng
- Lựa chọn và sử dụng các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học nhằm
phát triển năng lực HS trong các môn TN - XH, Khoa học, Lịch sử và Địa lí ở tiểu
học.
- Lập kế hoạch bài học các môn TN - XH, Khoa học, Lịch sử và Địa lí ở tiểu
học theo hướng tích cực.
- Sử dụng có hiệu quả và tự làm một số đồ dùng dạy học đơn giản phục vụ
môn học.
- Đánh giá kết quả học tập học sinh theo định hướng mới.
3. Về thái độ
- Có ý thức cập nhật phương pháp, hình thức dạy học mới và thường xuyên
rèn luyện năng lực sư phạm.
II.GIỚI THIỆU VỀ NỘI DUNG CÁC CHỦ ĐỀ (60 tiết)
- Chủ đề 1: Những vấn đề chung (24 tiết)
- Chủ đề 2: Hướng dẫn dạy học theo chủ đề (36 tiết)
III. TÀI LIỆU HỌC TẬP VÀ THAM KHẢO
1. Học liệu bắt buộc:


5


[1]. Lê Thị Thu Dinh, Bùi Phương Nga, Nguyễn Minh Phương, Nguyễn Anh
Dũng (năm 1997), Phương pháp dạy học Tự nhiên và Xã hội, NXB Giáo dục, Hà
Nội.
[2]. Bùi Phương Nga, Nguyễn Minh Phương, Phạm Thị Sen, Nguyễn Hữu Chí
(năm 1998), Dạy Tự nhiên và Xã hội ở trường tiểu học (Lớp 4, 5), NXB Giáo dục,
Hà Nội.
2. Học liệu tham khảo:
[3]. Hồ Ngọc Đại (năm 1991), Giải pháp giáo dục, NXB Giáo dục, Hà Nội.
[4]. Đặng Văn Đức (chủ biên) (năm 2000), Phương pháp dạy học Địa lí,
NXB, giáo dục, Hà Nội.
[5]. Nguyễn Thượng Giao (năm 1998), Phương pháp dạy học Tự nhiên và Xã
hội, NXB, Giáo dục, Hà Nội.
[6]. Lê Văn Trưởng (chủ biên) (năm 2007), Tự nhiên - Xã hội và Phương pháp
dạy học TN – XH, NXB Giáo dục, Hà Nội.

6


CHỦ ĐỀ 1:

NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG (24 tiết)

Chương 1. MỤC TIÊU, NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH, CẤU TRÚC

SÁCH GIÁO KHOA CÁC MÔN TỰ NHIÊN – XÃ HỘI, KHOA HỌC,
LỊCH SỬ VÀ ĐỊA LÍ (4 tiết)

Mục tiêu :
Sau khi học chương này, sinh viên sẽ trình bày được nội dung cơ bản của
chương trình, cấu trúc sách giáo khoa các môn Tự nhiên - Xã hội, Khoa học, Lịch
sử và Địa lí ở tiểu học. Đây là cơ sở để sinh viên xác định và vận dụng tốt các
phương pháp, hình thức tổ chức dạy học các chủ đề.
1.1. Mục tiêu, nội dung chương trình môn Tự nhiên - Xã hội, Khoa học, Lịch sử
và Địa lí ở tiểu học
1.1.1. Mục tiêu
Tự nhiên - Xã hội là môn học quan trọng trong chương trình tiểu học. Môn
học này có mục tiêu chung là:
1.1.1.1.Về kiến thức:

Giúp học sinh lĩnh hội những kiến thức cơ bản, ban đầu và thiết thực về:
*Con người: HS có những hiểu biết cơ bản về con người ở các phương diện:
+ Sinh học: Sơ lược về cấu tạo, chức phận và sự hoạt động của các cơ quan trong
cơ thể người và mối liên hệ giữa con người và môi trường.
+ Nhân văn: Tình yêu thiên nhiên, đất nước, con người, các thành quả lao động,
sáng tạo của con người, mối quan hệ giữa con người và con người trong gia đình và
cộng đồng.
* Sức khoẻ: Vệ sinh cá nhân, vệ sinh dinh dưỡng, vệ sinh môi trường, phòng
tránh một số bệnh tật và tai nạn, các vấn đề về sức khỏe tinh thần.
* Xã hội: Học sinh có những hiểu biết ban đầu về xã hội theo thời gian (biết
được một số sự kiện, hiện tượng, nhân vật lịch sử tiêu biểu, điển hình trong lịch sử
Việt Nam từ buổi đầu dựng nước cho đến ngày nay), theo không gian (biết được nơi
bản thân, gia đình và cộng đồng cư trú, sơ lược về đất nước Việt Nam, về các châu
lục và các nước trên thế giới).

7



* Thế giới vật chất xung quanh:
+ Giới tự nhiên vô sinh: Các vật thể, các chất...
+ Giới tự nhiên hữu sinh: Động vật, thực vật…
Ngoài những tri thức cơ bản trên, học sinh còn được cung cấp một số vấn đề về
dân số, môi trường.
1.1.1.2. Về kỹ năng:
Hình thành và phát triển cho học sinh các kỹ năng như:
- Biết quan sát và làm một số thí nghiệm thực hành khoa học đơn giản và gần
gũi với đời sống hàng ngày.
- Biết phân tích, so sánh, đánh giá một số mối quan hệ đơn giản, những dấu
hiệu chung và riêng của các sự vật, hiện tượng trong tự nhiên và xã hội.
- Biết giữ vệ sinh cá nhân, vệ sinh dinh dưỡng, vệ sinh môi trường, biết phòng
tránh một số bệnh tật và tai nạn.
- Biết vận dụng các kiến thức đã học vào thực tiễn cuộc sống hàng ngày.
1.1.1.3. Về thái độ:
Hình thành và phát triển ở học sinh thái độ và thói quen như:
- Ham hiểu biết khoa học.
- Yêu thiên nhiên, đất nước, con người, có ý thức bảo vệ môi trường tự
nhiên, môi trường sống.
- Hình thành thái độ và cách ứng xử đúng đắn đối với bản thân, gia đình,
cộng đồng. Có ý thức thực hiện các quy tắc giữ vệ sinh, an toàn cho bản thân, gia
đình và cộng đồng, sống hoà hợp với môi trường và cộng đồng.
1.1.2. Nội dung của chương trình: Chia làm 2 giai đoạn
- Giai đoạn 1: Từ lớp 1-3, gồm 3 chủ đề:
+ Con người và sức khỏe
+ Xã hội
+ Tự nhiên
- Giai đoạn 2: Lớp 4, 5 gồm 2 môn học:
+ Môn Khoa học: Gồm 4 chủ đề (Con người và sức khỏe; Vật chất và năng
lượng; Thực vật và động vật; Môi trường và tài nguyên thiên nhiên).


8


+ Môn Lịch sử và Địa lí: Gồm hai chủ đề như tên gọi môn học
1.1.3. Đặc điểm chương trình
Chương trình các môn Tự nhiên – Xã hội nói chung, có những đặc điểm sau:
1.1.3.1. Chương trình được xây dựng theo quan điểm tích hợp.
Dạy học theo tư tưởng tích hợp được UNESCO định nghĩa như sau: "Dạy
học theo tư tưởng tích hợp là cách trình bày các khái niệm và nguyên lý khoa học
cho phép diễn đạt sự thống nhất cơ bản của tư tưởng khoa học, tránh nhấn mạnh quá
muộn hoặc quá sớm sự sai khác giữa các lĩnh vực khoa học khác nhau" (Hội nghị
về khoa học giáo dục của UNESCO - Paris, 1972). Dạy học theo tư tưởng tích hợp
còn gọi là dạy học hợp nhất các khoa học.
Quan điểm tích hợp được thể hiện trong các môn về Tự nhiên - Xã hội ở các
khía cạnh sau:
- Các môn về Tự nhiên – Xã hội xem xét tự nhiên - xã hội - con người trong
một thể thống nhất, có mối quan hệ, tác động qua lại lẫn nhau, trong đó con người
là yếu tố cơ bản.
- Chương trình các môn tích hợp kiến thức của nhiều lĩnh vực khoa học khác
nhau như: Vật lý, Hoá học, Sinh học, Địa lí, Lịch sử, Sức khoẻ, Dân số, Môi trường,
Kỹ năng sống.
- Tuỳ theo trình độ nhận thức của học sinh ở từng giai đoạn mà chương trình
có cấu trúc cho phù hợp.
+ Chương trình môn Tự nhiên – Xã hội (lớp1, 2, 3) được cấu trúc thành 3 chủ
đề lớn: Con người và sức khoẻ, Xã hội, Tự nhiên. Chương trình được cấu trúc đồng
tâm, được mở rộng và nâng cao dần qua các lớp.
+ Chương trình môn Khoa học được cấu trúc thành các chủ đề: Con người và
sức khỏe, Vật chất và năng lượng, Động vật và thực vật, Môi trường và tài nguyên
thiên nhiên.

+ Chương trình môn Địa lí và Lịch sử được tích hợp theo quan điểm liên môn,
bao gồm các kiến thức về lịch sử và địa lí Việt Nam, sơ lược địa lí thế giới.
1.1.3.2. Trong chương trình môn Tự nhiên – Xã hội, kiến thức được trình bày từ gần
đến xa, từ dễ đến khó để phù hợp với đặc điểm nhận thức của học sinh.

9


1.1.3.3. Chương trình các môn về Tự nhiên – Xã hội được cấu trúc linh hoạt, mềm
dẻo, thực tiễn, thiết thực, tạo điều kiện cho giáo viên có thể vận dụng các phương
pháp mới vào quá trình dạy học theo hướng tích cực hoá hoạt động nhận thức của
học sinh. Đồng thời, giúp học sinh có thể vận dụng kiến thức đã học vào cuộc sống
hàng ngày.
1.1.4. Phân phối chương trình:
Môn

Tự nhiên – xã hội

Khoa học

Lịch sử và Địa lí

Lớp

Số tiết/ tuần

Tổng số tiết

1


1

35

2

1

35

3

2

70

4

2

70

5

2

70

4


2 (ĐL: 1, LS:1)

70

5

2 (ĐL: 1, LS:1)

70

1.2. Sách giáo khoa môn Tự nhiên – Xã hội lớp 1, 2, 3 và môn Khoa học lớp 4,
5.
1.2.1. Cách trình bày chung:
Sách giáo khoa môn Tự nhiên - Xã hội, môn Khoa học chủ yếu được trình bày
bằng những hình ảnh phong phú, sinh động, màu sắc tươi sáng bao gồm kênh hình
và kênh chữ phù hợp với đặc điểm nhận thức của học sinh tiểu học.
- Khác với sách giáo khoa môn Tự nhiên - Xã hội cũ, kênh hình làm nhiệm vụ
kép: Vừa đóng vai trò cung cấp thông tin, là nguồn tri thức quan trọng của bài học,
vừa đóng vai trò chỉ dẫn các hoạt động học tập cho học sinh thông qua các kí hiệu:
+ "Kính lúp": Yêu cầu học sinh quan sát và trả lời câu hỏi.
+ "Dấu chấm hỏi": Yêu cầu học sinh liên hệ thực tế và trả lời.
+ "Cái kéo và quả đấm": Yêu cầu học sinh thực hiện trò chơi học tập.
+ "Bút chì": Yêu cầu học sinh vẽ những gì đã học.
+ "Ống nhòm": Yêu cầu học sinh làm nhiệm vụ thí nghiệm, thực hành.
+ “Bóng đèn toả sáng”: Bạn cần biết.

10


- Kênh chữ: Chủ yếu là các câu hỏi, các lệnh yêu cầu học sinh làm việc, trả lời

câu hỏi. Ở một số bài ở lớp 2 và lớp 3 và nhất là trong môn Khoa học, kênh chữ đã
được tăng cường, đóng vai trò là nguồn cung cấp thông tin của bài học.
1.2.2. Cách trình bày một chủ đề:
Mỗi chủ đề đều có một trang riêng để giới thiệu tên chủ đề và một hình ảnh
tượng trưng cho chủ đề đó. Mỗi chủ đề được phân biệt bằng một dải màu và một
hình ảnh khác nhau. Cụ thể: Chủ đề "Con người và sức khoẻ" được phân biệt bởi
màu hồng với kí hiệu là một cậu bé; chủ đề "Xã hội" được phân biệt bởi màu xanh
lá cây với kí hiệu là một cô bé; chủ đề "Tự nhiên" được phân biệt bởi màu xanh da
trời và có kí hiệu là một ông Mặt Trời.
Riêng sách giáo khoa môn Khoa học: Chủ đề "Con người và sức khoẻ" được
kí hiệu là 2 học sinh nam, nữ; chủ đề "Vật chất và năng lượng" có kí hiệu Mặt trời;
chủ đề "Động vật và thực vật" có kí hiệu là 2 bông hoa hướng dương; chủ đề "Môi
trường và tài nguyên thiên nhiên" có kí hiệu là bầu trời xanh.
1.2.3. Cách trình bày một bài học:
Mỗi bài học được trình bày gọn trong hai trang mở liền nhau để học sinh tiện
theo dõi.
So với sách giáo khoa cũ, cấu trúc của mỗi bài học linh hoạt, mềm dẻo hơn.
Có thể bắt đầu bằng những câu hỏi nhằm yêu cầu học sinh huy động vốn hiểu biết
của mình hoặc liên hệ thực tế rồi mới đi đến phát hiện kiến thức mới của bài qua
việc quan sát các hình ảnh trong sách giáo khoa hay các mẫu vật. Cũng có thể bắt
đầu bằng lệnh yêu cầu học sinh quan sát tranh ảnh trong sách giáo khoa hay quan
sát thiên nhiên, học ngoài hiện trường để tìm ra kiến thức mới rồi mới tới những câu
hỏi nhằm yêu cầu học sinh vận dụng những điều đã học vào thực tiễn cuộc sống.
Kết thúc bài học thường là trò chơi hoặc yêu cầu học sinh vẽ, hoặc tiến hành các thí
nghiệm, hoặc thực hành những điều mà các em đã học. Với cấu trúc như vậy, mỗi
bài học là một chuỗi các trình tự hoạt động học tập của học sinh, đồng thời giúp cho
giáo viên lựa chọn các phương pháp và các hình thức tổ chức dạy học cho phù hợp.
Cuốn sách được coi là người bạn của học sinh, vì vậy, cách xưng hô với học
sinh là "bạn".


11


1.3. Sách giáo khoa môn Lịch sử và Địa lí
1.3.1. Cách trình bày chung của cuốn sách:
- Kênh chữ: Khác với sách giáo khoa môn Tự nhiên và Xã hội lớp 1, 2, 3,
trong sách giáo khoa môn Lịch sử và Địa lí kênh chữ đóng vai trò chủ yếu trong
việc cung cấp kiến thức, thể hiện nội dung trọng tâm của bài được đặt trong phần
đóng khung và hệ thống câu hỏi cuối bài. Ngoài ra còn có những câu hỏi và lệnh ở
giữa bài được in nghiêng để học sinh dễ nhận biết và được dùng để hướng dẫn học
sinh làm việc với kênh hình và liên hệ thực tế để tìm ra kiến thức mới.
- Kênh hình: So với sách giáo khoa phần Lịch sử và Địa lí trước đây, kênh
hình được tăng lên không những về số lượng mà còn cả về thể loại. Kênh hình
không chỉ minh họa cho kênh chữ mà còn là nguồn cung cấp kiến thức và rèn luyện
kỹ năng cho học sinh.
1.3.2. Cách trình bày một bài học:
Khác với sách giáo khoa môn Tự nhiên - Xã hội và môn Khoa học, cấu trúc
mỗi bài học trong môn Lịch sử và Địa lí gồm có 3 phần:
- Phần cung cấp kiến thức bằng kênh hình, kênh chữ.
- Phần câu hỏi hoặc yêu cầu các hoạt động học tập:
+ Câu hỏi hoặc yêu cầu các hoạt động học tập được in nghiêng ở giữa bài gợi
ý giáo viên tổ chức cho HS hoạt động để khai thác thông tin, rèn luyện kỹ năng.
+ Câu hỏi ở cuối bài nhằm giúp giáo viên kiểm tra việc thực hiện mục tiêu của
bài và củng cố kiến thức của học sinh sau mỗi bài học.
- Phần tóm tắt trọng tâm của bài được in màu xanh.
NHIỆM VỤ SINH VIÊN
Nhiệm vụ: Làm việc cá nhân
Sinh viên đọc tài liệu
- Chương trình môn Tự nhiên và xã hội năm 2000, trang 49 – 65
- Nguyễn Thượng Giao (1998), Phương pháp dạy học Tự nhiên và xã hội, nhà

xuất bản Giáo dục, Hà Nội
- Lê Văn Trưởng (chủ biên) (2007), Phương pháp dạy học Tự nhiên và xã hội,
nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội. (Trang 7-26)

12


Nhiệm vụ 2: Thảo luận nhóm về
- Mục tiêu, nội dung chính của chương trình, quan điểm tích hợp trong việc
xây dựng chương trình.
- Cấu trúc SGK môn Tự nhiên và Xã hội, Khoa học, Lịch sử và Địa lí
Nhiệm vụ 3: Đại diện các nhóm báo cáo kết quả thảo luận.

BÀI TẬP
1. Phân tích mục tiêu của các môn về Tự nhiên và Xã hội
2. Phân tích đặc điểm chương trình các môn về Tự nhiên và Xã hội. Cho ví dụ
minh họa.
3. Phân tích đặc điểm sách giáo khoa các môn: Tự nhiên và Xã hội, Khoa học,
Lịch sử và Địa lí.

13


Chương 2. MỘT SỐ PHƯƠNG PHÁP VÀ HÌNH THỨC DẠY HỌC

ĐẶC TRƯNG CÁC MÔN TỰ NHIÊN - XÃ HỘI, KHOA HỌC, LỊCH
SỬ VÀ ĐỊA LÍ (20 tiết)
Mục tiêu:
Chương này cung cấp cho sinh viên những vấn đề lí luận cơ bản, từ đó rèn
luyện, thực hành các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học đặc trưng của bộ

môn theo hướng phát huy tích cực nhận thức của học. Sinh viên vận dụng được các
nguyên tắc, kĩ năng cơ bản để sử dụng, tự làm, sưu tầm đồ dùng dạy học; sinh viên
xác định được nội dung, hình thức, công cụ kiểm tra, đánh giá của bộ môn.
2.1. Một số phương pháp dạy học đặc trưng các môn Tự nhiên – Xã hội, Khoa
học, Lịch sử và Địa lí
2.1.1. Phương pháp quan sát
2.1.1.1. Khái niệm:
Phương pháp quan sát là cách thức tổ chức cho học sinh sử dụng các giác quan
khác nhau để tri giác các sự vật, hiện tượng một cách có mục đích, có kế hoạch, có
trọng tâm, qua đó rút ra được những kết luận khoa học.
2.1.1.2. Tác dụng của phương pháp quan sát:
Đối với HS tiểu học, tư duy trực quan cụ thể còn chiếm ưu thế, thông qua
việc tổ chức cho HS quan sát mới hình thành cho các em những biểu tượng và
những khái niệm đầy đủ, chính xác, sinh động về thế giới tự nhiên và xã hội xung
quanh. Qua đó, phát triển năng lực quan sát, năng lực tư duy và ngôn ngữ cho HS.
2.1.1.3. Cách thức sử dụng:
Giáo viên sử dụng phương pháp quan sát để dạy các bài học mà học sinh có
thể chiếm lĩnh kiến thức từ các sự vật, hiện tượng diễn ra trong tự nhiên và xã hội
xung quanh hoặc từ tranh ảnh, mô hình, sơ đồ, biểu đồ, mẫu vật.
Có thể tổ chức cho học sinh tiến hành quan sát theo trình tự sau:
* Lựa chọn đối tượng quan sát: Đối tượng quan sát có thể là các hiện tượng
đang xảy ra trong môi trường tự nhiên, trong cuộc sống hàng ngày, vật thật hay
tranh ảnh, sơ đồ, bản đồ, mô hình... Căn cứ vào mục tiêu, nội dung của từng bài học
mà giáo viên lựa chọn đối tượng quan sát cho phù hợp.

14


* Xác định mục đích quan sát:
Trong một bài học không phải mọi kiến thức cần cung cấp cho học sinh đều

được rút ra từ quan sát. Vì vậy khi đã chuẩn bị được đối tượng quan sát cần xác
định việc quan sát phải đạt những mục đích nào đó.
Ví dụ: Quan sát các loại quả (Tự nhiên – xã hội, lớp 3)
Nếu như đối tượng quan sát là các loại quả thật thì giáo viên yêu cầu học sinh
sử dụng các giác quan khác nhau để quan sát màu sắc, hình dạng, kích thước, mùi
vị, dùng tay (hoặc dao) bổ đôi quả để quan sát thịt và hạt của các loại quả, so sánh
chúng với nhau. Trong trường hợp chỉ có tranh vẽ các loại quả thì giáo viên có thể
yêu cầu học sinh nhận xét về màu sắc, hình dạng, kích thước, dựa vào kinh nghiệm
của mình để nhận xét mùi vị của quả.
*Tổ chức và hướng dẫn quan sát:
- Có thể tổ chức cho học sinh quan sát cá nhân, theo nhóm hoặc toàn lớp là
tùy thuộc vào số đồ dùng dạy học có được. Các nhóm có thể cùng quan sát một đối
tượng để giải quyết chung một nhiệm vụ học tập hoặc mỗi nhóm có thể có một đối
tượng quan sát riêng, giải quyết nhiệm vụ riêng.
Nếu đối tượng quan sát là vật thật (động, thực vật tươi sống, các dạng vật liệu
thường dùng...), giáo viên cần khuyến khích học sinh sử dụng các giác quan khác
nhau vào quá trình quan sát nhằm thu được biểu tượng đầy đủ, chính xác, sinh động
về đối tượng.
Trong trường hợp đối tượng quan sát là tranh ảnh, sơ đồ, bản đồ, mô hình, các
diễn biến thí nghiệm... Giáo viên hướng dẫn học sinh sử dụng thị giác để quan sát
các đối tượng một cách có mục đích, có kế hoạch.
- Cần hướng dẫn học sinh quan sát đối tượng theo một trình tự nhất định: Từ tổng
thể đến các chi tiết, bộ phận, từ bên ngoài vào bên trong.
- Cần hướng dẫn học sinh so sánh, liên hệ với các sự vật, hiện tượng khác đã biết
để tìm ra những điểm giống nhau và khác nhau giữa chúng.
* Tổ chức cho học sinh báo cáo kết quả quan sát: Kết thúc quan sát, từng cá nhân
hoặc đại diện các nhóm báo cáo kết quả quan sát, cả lớp lắng nghe, bổ sung ý kiến.
* Hoàn thiện kết quả quan sát, rút ra kết luận chung.

15



2.1.1.4. Một số điểm lưu ý khi sử dụng phương pháp quan sát
Để sử dụng phương pháp quan sát có hiệu quả, cần lưu ý một số điểm sau:
- Giáo viên cần chuẩn bị chu đáo kế hoạch dạy học, xác định rõ thời điểm tổ
chức cho học sinh quan sát.
- Cần chuẩn bị đầy đủ các đối tượng quan sát phù hợp với mục tiêu, nội dung
bài học: Tranh, ảnh, mẫu vật, sơ đồ, bản đồ...
- GV cần chuẩn bị được hệ thống câu hỏi, bài tập chính để hướng dẫn học
sinh quan sát các sự vật, hiện tượng có mục đích, có trọng tâm. Những câu hỏi đó
cần bắt đầu bằng những từ chỉ hành động mà muốn trả lời được học sinh phải sử
dụng các giác quan của mình để phán đoán, cảm nhận sự vật và hiện tượng (hãy
nhìn, hãy nghe, hãy sờ, hãy ngửi, nếm).
Hệ thống câu hỏi này cũng cần được sắp xếp từ những câu hỏi khái quát (nhằm
hướng dẫn các em quan sát tổng thể trước) đến những câu hỏi chi tiết, cụ thể (nhằm
hướng dẫn các em quan sát các bộ phận); những câu hỏi hướng dẫn học sinh quan
sát từ bên ngoài rồi mới đi vào bên trong. Tiếp theo là những câu hỏi yêu cầu học
sinh phải so sánh liên hệ với các sự vật, hiện tượng khác đã biết để tìm ra những đặc
điểm giống nhau hoặc khác nhau. Cuối cùng là những câu hỏi yêu cầu học sinh dẫn
đến nhận xét hay kết luận chung về sự vật, hiện tượng được quan sát.
- Việc tổ chức, hướng dẫn quan sát cần phải phức tạp dần phù hợp với trình độ
nhận thức của học sinh ở các lứa tuổi khác nhau. Ví dụ, ở các lớp 1, 2, 3 chủ yếu
cho học sinh quan sát các sự vật hiện tượng dưới sự hướng dẫn trực tiếp của giáo
viên, chỉ yêu cầu các em phát biểu kết quả quan sát bằng lời, chưa yêu cầu ghi chép.
Ở các lớp 4, 5 nhiệm vụ quan sát cần được nâng cao hơn. Có thể hướng dẫn học
sinh độc lập quan sát có hệ thống không chỉ trên lớp, mà còn quan sát các sự vật,
hiện tượng diễn ra trong một thời gian dài nhất định, có yêu cầu ghi chép kết quả,
rút ra nhận xét, viết tường trình.
2.1.1.5. Ví dụ về sử dụng phương pháp quan sát
Theo tinh thần đổi mới phương pháp dạy học ở tiểu học, có thể tổ chức cho học

sinh quan sát kết hợp thảo luận nhóm để các em có thể rút ra kiến thức của bài học.
Bài 45: Lá cây (Tự nhiên và Xã hội, lớp 3).

16


+ Lựa chọn đối tượng quan sát: Mục tiêu chủ yếu của bài này là giúp học sinh
nhận biết được các loại lá cây có hình dạng, kích thước khác nhau, đa số lá cây có
màu xanh, một số lá có màu đỏ hoặc màu vàng. Lá cây có các phần: Cuống lá,
phiến lá, trên phiến lá có gân lá. Ở bài này đối tượng quan sát tốt nhất là các loại lá
cây thật. Giáo viên và học sinh chuẩn bị một số lá cây có hình dạng, kích thước
khác nhau như: Lá trầu không, lá tía tô, lá lúa, lá phượng, lá rau ngót.
+ Tổ chức cho học sinh quan sát kết hợp thảo luận nhóm: Giáo viên chia học sinh
thành từng nhóm, phát phiếu giao việc và các loại lá cây cho các nhóm. Trong phiếu
giao việc giáo viên xác định rõ mục đích quan sát, hướng dẫn học sinh quan sát một
cách tổng thể về lá cây, thảo luận về đặc điểm của các loại lá cây, điền kết quả vào
phiếu giao việc sau:
Câu 1. Em hãy quan sát các loại lá cây và điền vào bảng sau:
TT

Tên lá

Màu sắc

Hình dạng

Kích thước

Câu 2. Hãy chỉ trên từng lá đâu là cuống lá, phiến lá, gân lá.
Câu3. Các loại lá cây có những đặc điểm gì giống và khác nhau?

Các nhóm trên cơ sở phiếu giao việc và hướng dẫn của giáo viên tiến hành quan
sát, thảo luận về màu sắc, hình dạng, kích thước của các loại lá, chỉ ra được lá cây
thường có màu xanh lục, cũng có lá có màu đỏ hoặc màu vàng, các lá khác nhau có
hình dạng, kích thước khác nhau.
Kết thúc thảo luận nhóm, đại diện các nhóm lên trình bày kết quả quan sát của
mình, cả lớp lắng nghe, bổ sung ý kiến, GV nhận xét, ghi những kết luận lên bảng.
Để giúp học sinh nắm được cấu tạo của lá, các nhóm tiếp tục quan sát, thảo luận
và ghi kết quả quan sát vào câu 2 của phiếu.
Các nhóm quan sát, thảo luận và đưa ra được kết luận. Lá có các phần: Cuống lá,
phiến lá, trên phiến lá có gân lá.
*Phần tổng kết: GV gọi HS nêu đặc điểm các loại lá cây và các phần của chúng

17


Giáo viên cũng dành ít phút để biểu dương các nhóm đã tích cực quan sát, có kết
quả quan sát tốt.
2.1.2. Phương pháp đàm thoại (hỏi đáp)
2.1.2.1. Khái niệm:
Phương pháp hỏi đáp là cách thức đối thoại giữa giáo viên và học sinh, giữa
học sinh với nhau dựa trên hệ thống câu hỏi nhằm dẫn dắt học sinh đi đến những kết
luận khoa học, hoặc vận dụng vốn hiểu biết của mình để tìm hiểu những vấn đề học
tập, vấn đề của cuộc sống, trong tự nhiên và xã hội.
2.1.1.2. Tác dụng của phương pháp đàm thoại
- Đàm thoại giáo viên tạo ra trong học sinh nhu cầu nhận thức và các em được
tham gia giải quyết những vấn đề do bài học đặt ra.
- Đàm thoại giáo viên có thể dễ dàng nắm được năng lực học tập, trình độ
nhận thức của học sinh, từ đó điều chỉnh hoạt động dạy của mình để nâng cao hiệu
quả dạy học.
- Đàm thoại, không khí lớp học sôi động hơn, học sinh tích cực, hứng thú học

tập hơn, do đó phát triển được tư duy độc lập, tính tích cực nhận thức và năng lực
diễn đạt bằng lời của học sinh.
2.1.1.3. Cách thức sử dụng:
Tuỳ theo yêu cầu sư phạm, giáo viên có thể sử dụng 3 dạng hỏi đáp:
+ Hỏi đáp tái hiện: Loại hỏi đáp thường được sử dụng để kiểm tra bài cũ, ôn
tập, hoặc để khai thác vốn sống, vốn hiểu biết của học sinh làm điểm tựa cho việc
lĩnh hội tri thức mới của bài học.
Ví dụ: Kể tên một vài bệnh về tim mạch mà bạn biết. Bài 9: Phòng bệnh tim
mạch, (TN-XH, lớp 3)
- Kể tên một số thức ăn chứa nhiều chất đạm mà bạn biết. Bài 5: Vai trò của
chất đạm và chất béo, (Khoa học, lớp 4)
+ Hỏi đáp thông báo: Trên cơ sở những kiến thức tối thiểu làm điểm tựa, giáo
viên đặt câu hỏi cho HS nhằm dẫn dắt các em lĩnh hội tri thức mới.
Ví dụ: Thú con mới sinh ra đã có hình dạng giống thú mẹ chưa? Thú con mới
ra đời được thú mẹ nuôi bằng gì? Bài 59: Sự sinh sản của thú, (Khoa học, lớp 5)

18


+ Hỏi đáp có tính chất tìm tòi khám phá: Dạng hỏi đáp này có tác dụng kích
thích sự suy nghĩ, tìm tòi, sáng tạo của học sinh. Đó là những câu hỏi yêu cầu học
sinh dựa vào kiến thức đã học để suy luận, giải thích được nguyên nhân, bản chất,
mối quan hệ giữa các sự vật, hiện tượng.
Ví dụ: Hãy giải thích tại sao ban ngày gió từ biển thổi vào đất liền và ban đêm
gió từ đất liền thổi ra biển? (Bài 37: Tại sao có gió? Khoa học, lớp 4).Tại sao châu
Phi có khí hậu khô nóng bậc nhất thế giới? (Bài 23. Châu Phi, Lịch sử và Địa lí 5).
Trong quá trình dạy học giáo viên cần sử dụng linh hoạt các dạng hỏi đáp
trên, cần chú trọng tới dạng hỏi đáp tìm tòi khám phá vì nó phát huy được tính tích
cực, độc lập, tư duy sáng tạo của học sinh.
2.1.1.4. Một số điểm lưu ý khi sử dụng phương pháp đàm thoại.

Nghệ thuật đặt câu hỏi là yếu tố quyết định thành công của phương pháp hỏi
đáp. Vì vậy, khi đặt câu hỏi giáo viên cần lưu ý một số điểm sau:
- Phải rõ ràng, chính xác, ngắn gọn, dễ hiểu.
- Phải lôgic, phù hợp với nội dung bài dạy.
- Phải phù hợp với trình độ nhận thức của học sinh.
- Phải kích thích được sự suy nghĩ, tìm tòi của học sinh.
- Tránh đặt những câu hỏi chung chung, quá dễ hoặc quá khó, tránh đặt những
câu hỏi trong đó đã có sẵn câu trả lời, học sinh có thể đoán ra mà không cần động
não gì cả. Tránh đặt những câu hỏi yêu cầu học sinh đoán mò hoặc chỉ trả lời có
hoặc không.
- Cần lưu ý rèn luyện cho học sinh biết cách trả lời thành câu tương đối hoàn
chỉnh với vốn từ ngữ của các em. Mặt khác phải dạy cho các em biết cách tự đặt ra
những câu hỏi trong quá trình học tập.
2.1.1.5. Ví dụ minh hoạ
Bài 60: Nhu cầu không khí của thực vật (Khoa học, lớp 5)
Để giúp HS tìm hiểu về sự trao đổi khí của thực vật trong quá trình quang hợp
và hô hấp, trước hết GV có thể đặt câu hỏi yêu cầu học sinh ôn lại các kiến thức cũ:
- Không khí gồm những thành phần nào?
- Không khí có vai trò như thế nào đối với con người, động vật và thực vật?

19


Tiếp đến, giáo viên yêu cầu học sinh quan sát hình vẽ trang 120, 121 sách
giáo khoa, và dựa vào kiến thức lớp dưới để trả lời các câu hỏi (có thể cho học sinh
làm việc theo nhóm đôi, tự đặt câu hỏi cho nhau và trả lời):
- Trong quá trình quang hợp thực vật hấp thụ khí gì và thải ra khí gì?
- Trong quá trình hô hấp thực vật hấp thụ khí gì và thải ra khí gì?
- Quá trình quang hợp xảy ra khi nào?
- Quá trình hô hấp xảy ra khi nào?

- Điều gì xảy ra với thực vật nếu một trong hai quá trình trên bị ngừng?
Trên cơ sở câu trả lời của HS, GV kết luận: Thực vật cần không khí để quang
hợp và hô hấp. Nếu thiếu không khí thì cây sẽ bị chết, dù được cung cấp đầy đủ
nước, chất khoáng và ánh sáng.
2.1.3. Phương pháp điều tra
2.1.3.1. Khái niệm:
Điều tra là tìm tòi, khám phá về một vấn đề và để tìm ra câu trả lời cho một
vấn đề buộc học sinh phải tiến hành một hoạt động: Sưu tầm thông tin, sắp xếp
những thông tin đó, rút ra kết luận. Cũng có thể nói điều tra tức là tìm câu trả lời
nhờ sưu tầm và phân tích các thông tin, các số liệu.
2.1.3.2. Hướng dẫn điều tra: Để hướng dẫn học sinh học tập theo phương pháp điều
tra, giáo viên cần lựa chọn các vấn đề phù hợp với trình độ học sinh, cần dự kiến
trước và lên kế hoạch hướng dẫn học sinh:
+ Thu thập thông tin ở đâu? Như thế nào? Cách ghi chép ra sao? Cách phân
tích, xử lí thông tin, rút ra kết luận như thế nào?
+ Về tổ chức, giáo viên có thể giao nhiệm vụ cụ thể cho từng học sinh hoặc
từng nhóm học sinh.
2.1.3.3. Tác dụng:
Điều tra là một cách học tích cực, trong đó coi trọng việc tổ chức hoạt động
độc lập cho học sinh, các em được tích cực tham gia vào toàn bộ quá trình học tập
từ việc xác định vấn đề đến việc rút ra kết luận. Trong quá trình đó các em còn được
rèn luyện cách suy nghĩ có phê phán.
Một số bài học có thể sử dụng phương pháp điều tra như:

20


- Tỉnh (thành phố) nơi bạn đang sống (Tự nhiên – xã hội, lớp 3).
- Hoạt động nông nghiệp (Tự nhiên – xã hội lớp 3).
- Hoạt động công nghiệp, thương mại (Tự nhiên – xã hội, lớp 3).

- Vệ sinh môi trường (Tự nhiên – xã hội, lớp 3).
- Ôn tập: Xã hội (Tự nhiên – xã hội, lớp 3).
- Tìm hiểu lịch sử, địa lí địa phương
- Tìm hiểu con người và môi trường
2.1.4. Phương pháp thực hành
2.1.4.1. Khái niệm:
Phương pháp thực hành là phương dạy học do giáo viên tổ chức cho học sinh
trực tiếp thao tác trên đối tượng, nhằm giúp học sinh hiểu rõ và vận dụng lí thuyết
vào thực hành, luyện tập, hình thành kĩ năng.
2.1.4.2. Tác dụng của phương pháp thực hành
- Củng cố những kiến thức mà học sinh đã lĩnh hội
- Hình thành, củng cố kỹ năng cho học sinh
- Hình thành một số thói quen tốt cho học sinh
- Làm cho giờ học sinh động, học sinh học tập hứng thú, tích cực
2.1.4.3. Cách thức sử dụng
- Thực hành có thể thực hiện trong tiết học: Thực hành rửa mặt, thực hành
đánh răng, thực hành quét dọn lớp học.
- Thực hành có thể tiến hành ngoài lớp học như: thực hành vệ sinh trường học,
vệ sinh nhà ở, vệ sinh môi trường ở địa phương.
- Có thể tổ chức cho học sinh thực hành theo cá nhân, theo nhóm, cả lớp
- Thực hành có thể tổ chức dưới dạng trò chơi học tập. Ví dụ trò chơi "Dự báo
thời tiết"
2.1.4.4. Ví dụ về sử dụng phương pháp thực hành
Bài 7: Thực hành: Đánh răng và rửa mặt (Tự nhiên – xã hội, lớp 1)
I. Mục tiêu
- Giúp học sinh biết đánh răng và rửa mặt đúng cách
- Biết áp dụng chúng vào việc làm vệ sinh cá nhân hàng ngày.

21



II. Đồ dùng dạy học
- Giáo viên: Chuẩn bị mô hình hàm răng, bàn chải, kem đánh răng, chậu rửa
mặt, xà phòng thơm, các xô chậu đựng nước sạch.
Học sinh: Mỗi học sinh chuẩn bị 1 bàn chải, cốc, khăn mặt
III. Hoạt động dạy học
Hoạt động 1: Thực hành đánh răng
Mục tiêu: Giúp học sinh biết đánh răng đúng cách.
Cách tiến hành:
Bước 1: Làm việc cả lớp
Giáo viên cho học sinh quan sát mô hình hàm răng và đặt câu hỏi: Đâu là mặt
trong của răng? Đâu là mặt ngoài của răng? Đâu là mặt nhai của răng?
Một số học sinh chỉ vào mô hình hàm răng và trả lời.
Hàng ngày các em chải răng như thế nào? (gọi một số học sinh trả lời và lên
làm thử các động tác chải răng bằng bàn chải giáo viên mang đến lớp, trên mô hình
hàm răng. Một số học sinh nhận xét bạn nào làm đúng, bạn nào làm chưa đúng.
Giáo viên hỏi cả lớp: Cách chải răng như thế nào là đúng?
Giáo viên làm mẫu lại động tác đánh răng với mô hình hàm răng, đồng thời
giải thích cách làm:
+ Chuẩn bị cốc và nước sạch
+ Lấy kem đánh răng vào bàn chải
+ Chải răng theo hướngđưa bàn chải từ trên xuống, từ dưới lên
+ Lần lượt chải mặt ngoài, mặt trong và mặt nhai của răng.
+ Súc miệng kỹ
+ Rửa sạch và cất bàn chải vào đúng nơi qui định sau khi đánh răng.
Bước 2: Làm việc cá nhân
Lần lượt từng cá nhân thực hành đánh răng theo chỉ dẫn trên của giáo viên.
Giáo viên theo dõi, hướng dẫn, giúp học sinh đánh răng đúng cách.
Hoạt động 2: Thực hành rửa mặt
Mục tiêu: giúp học sinh biết rửa mặt đúng cách

Cách tiến hành:

22


Bước 1: Giáo viên hướng dẫn chung cho cả lớp
Giáo viên nêu câu hỏi: Ai có thể cho cả lớp biết rửa mặt như thế nào là đúng
cách và hợp vệ sinh nhất? Vì sao?
Một số học sinh trả lời câu hỏi và thực hiện động tác rửa mặt, cả lớp nhận xét
đúng, sai.
Giáo viên giải thích và hướng dẫn cách rửa mặt hợp vệ sinh:
+ Chuẩn bị khăn sạch, nước sạch.
+ Rửa tay sạch bằng xà phòng.
+ Dùng hai bàn tay đã sạch hứng nước sạch để rửa mặt, xoa kỹ xung quanh
mắt, trán, hai má, miệng và cằm.
+ Dùng khăn sạch lau khô vùng mắt trước rồi mới lau các nơi khác.
+ Vò sạch khăn và vắt khô, dùng khăn lau vành tai và cổ.
+ Cuối cùng giặt khăn mặt bằng xã phòng và phơi ra nắng hoặc chỗ khô ráo,
thoáng.
Bước 2: Từng học sinh thực hành rửa mặt theo hướng dẫn của giáo viên (nếu
đủ điều kiện về vệ sinh)
Dặn dò: GV nhắc nhở HS đánh răng vào buổi sáng sau khi thức dậy và buổi
tối sau khi ăn, thường xuyên rửa mặt sạch sẽ bằng nước sạch, khăn sạch.
2.1.5. Phương pháp thí nghiệm
2.1.5.1. Khái niệm:
Thí nghiệm là phương pháp được sử dụng các dụng cụ thí nghiệm, tái tạo lại
các hiện tượng đã xảy ra trong thực tế, để tìm hiểu và rút ra kết luận khoa học.
2.1.5.2. Tác dụng của phương pháp thí nghiệm
Đối với học sinh tiểu học, tư duy trực quan cụ thể còn chiếm ưu thế, thí
nghiệm tuy không nhiều trong chương trình nhưng lại có ý nghĩa lớn lao trong việc

tạo ra niềm tin có cơ sở khoa học vào kiến thức mới. Học sinh dễ hiểu các hiện
tượng phức tạp, do đó kích thích được sự say mê khoa học và hứng thú học tập.
- Trong quá trình tiến hành thí nghiệm, dưới sự hướng dẫn của giáo viên, học
sinh quan sát, phán đoán, phân tích, so sánh, tổng hợp để rút ra những kết luận khoa
học, các thao tác tư duy được phát triển.

23


- Việc làm thí nghiệm góp phần hình thành cho học sinh kỹ năng, kỹ xảo thực
hành và vận dụng tri thức vào thực tiễn.
2.1.5.3. Đặc điểm thí nghiệm ở tiểu học:
- Khác với các lớp trên, ở tiểu học thí nghiệm chỉ tìm hiểu những hiện tượng
về định tính mà chưa đi sâu vào định lượng.
- Các thí nghiệm trong chương trình Khoa học lớp 4, 5 có thể phân thành các
loại sau:
+ Loại nghiên cứu mối quan hệ giữa nguyên nhân và kết quả.
+ Loại nghiên cứu điều kiện (cái này là điều kiện của cái kia).
+ Loại nghiên cứu tính chất của vật.
2.1.5.4. Cách thức sử dụng:
Thí nghiệm có thể tiến hành theo trình tự sau:
Bước 1: Xác định mục đích thí nghiệm
Việc xác định đúng mục đích thí nghiệm là rất quan trọng, giúp cho việc biểu
diễn thí nghiệm đúng mục tiêu đề ra, thí nghiệm đạt được hiệu quả cao.
Bước 2: Vạch kế hoạch thí nghiệm:
Giáo viên cần liệt kê những dụng cụ thí nghiệm cần có và những điều kiện để
tiến hành thí nghiệm. Đồng thời phải vạch được kế hoạch cụ thể: Làm gì trước?
Làm gì sau? Thực hiện thao tác gì trên vật nào? Quan sát dấu hiệu gì? Ở đâu? Bằng
giác quan nào hoặc bằng phương tiện gì?
Mặt khác, việc vạch kế hoạch thí nghiệm một cách đúng đắn có thể khắc

phục được một số khó khăn khi gặp những bài học có nhiều thí nghiệm chứng minh
mà thời gian ở lớp có hạn.
Bước 3: Tiến hành thí nghiệm:
- Giáo viên giới thiệu dụng cụ thí nghiệm, cách bố trí, lắp rắp thí nghiệm, đề ra
những mâu thuẫn nhận thức để gây hứng thú, trí tò mò của học sinh đối với thí
nghiệm. Có thể tổ chức cho học sinh tiến hành thí nghiệm theo từng cá nhân, theo
nhóm hoặc cả lớp tùy theo mục tiêu, đặc điểm của từng thí nghiệm.
- Giáo viên cần sử dụng hệ thống câu hỏi dẫn dắt phù hợp với tiến trình thí
nghiệm (câu hỏi trước khi, trong khi và sau khi làm thí nghiệm).

24


×