Tải bản đầy đủ (.pdf) (210 trang)

Phân lập, tuyển chọn và sử dụng một số chủng vi sinh vật nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất lạc trên vùng đất cát biển bình định

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (6.71 MB, 210 trang )

i

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

VIỆN KHOA HỌC NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

NGUYỄN THU HÀ

PHÂN LẬP, TUYỂN CHỌN VÀ SỬ DỤNG
MỘT SỐ CHỦNG VI SINH VẬT NHẰM NÂNG CAO
HIỆU QUẢ SẢN XUẤT LẠC TRÊN VÙNG ĐẤT CÁT
BIỂN BÌNH ĐỊNH

LUẬN ÁN TIẾN SỸ NÔNG NGHIỆP

HÀ NỘI – 2017


ii

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

VIỆN KHOA HỌC NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

NGUYỄN THU HÀ

PHÂN LẬP, TUYỂN CHỌN VÀ SỬ DỤNG


MỘT SỐ CHỦNG VI SINH VẬT NHẰM NÂNG CAO
HIỆU QUẢ SẢN XUẤT LẠC TRÊN VÙNG ĐẤT CÁT
BIỂN Ở BÌNH ĐỊNH

Chuyên ngành: Công nghệ sinh học
Mã số:
62.42.02.01

LUẬN ÁN TIẾN SỸ NÔNG NGHIỆP

NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:
1. PGS.TS. Phạm Văn Toản
2. TS. Hoàng Minh Tâm

HÀ NỘI – 2017


i

LỜI CAM ĐOAN

Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu khoa học của tôi và một
số kết quả cùng cộng tác với các cộng sự khác. Số liệu trình bày trong luận án
là trung thực, một phần đã được công bố trên các tập san, tạp chí chuyên
ngành với sự đồng ý và cho phép của các đồng tác giả. Phần còn lại chưa
được ai công bố trong bất kỳ công trình nào khác. Các trích dẫn đúng theo tài
liệu tham khảo.

Tác giả luận án


Nguyễn Thu Hà


ii

LỜI CẢM ƠN

Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với hai thầy hướng dẫn khoa học là
PGS. TS. Phạm Văn Toản, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam và
TS. Hoàng Minh Tâm - Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Duyên hải
Nam Trung Bộ đã chỉ bảo, dìu dắt, giúp đỡ tận tình về nội dung, phương pháp
nghiên cứu, phân tích kết quả và luôn luôn động viên tôi trong suốt quá trình
học tập để hôm nay bản luận án đã được hoàn thành.
Nhân dịp này, tôi xin chân thành cảm ơn tập thể thầy cô của Ban Đào
tạo sau Đại học - Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đã tạo mọi điều kiện
thuận lợi nhất trong suốt quá trình học tập của tôi. Tôi cũng xin chân thành
cảm ơn lãnh đạo và tập thể cán bộ Viện Thổ nhưỡng Nông hóa, Viện Khoa
học Kỹ thuật Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung Bộ đã dành cho tôi thời
gian tốt nhất và hỗ trợ mọi mặt trong học tập và nghiên cứu.
Tôi xin chân thành cảm ơn các nhà khoa học, các đồng nghiệp trong
lĩnh vực nghiên cứu của luận án đã đóng góp những ý kiến quý báu về chuyên
môn và cung cấp tư liệu để tôi hoàn thành luận án này. Xin cảm ơn những
người thân và bạn bè đã dành cho tôi tình cảm và tinh thần tốt nhất trong suốt
quá trình học tập.
Tác giả luận án

Nguyễn Thu Hà


iii


MỤC LỤC
LỜI CAM ĐOAN .............................................................................................. i
LỜI CẢM ƠN ................................................................................................... ii
MỤC LỤC ........................................................................................................ iii
DANH MỤC CÁC KÝ HIỆU, CÁC CHỮ VIẾT TẮT ................................. vii
DANH MỤC BẢNG ........................................................................................ ix
DANH MỤC HÌNH ........................................................................................ xii
MỞ ĐẦU ........................................................................................................... 1
I. TÍNH CẤP THIẾT CỦA ĐỀ TÀI.............................................................. 1
II. MỤC TIÊU CỦA ĐỀ TÀI ........................................................................ 2
III. Ý NGHĨA KHOA HỌC VÀ THỰC TIỄN ............................................. 3
3.1. Ý nghĩa khoa học .................................................................................... 3
3.2. Ý nghĩa thực tiễn..................................................................................... 3
IV. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU ........................................... 3
4.1. Đối tượng nghiên cứu ............................................................................. 3
4.2. Phạm vi nghiên cứu ................................................................................ 3
V. NHỮNG ĐÓNG GÓP MỚI CỦA LUẬN ÁN ............................................ 4
CHƯƠNG 1. TỔNG QUAN TÀI LIỆU NGHIÊN CỨU ................................. 5
1.1. TÌNH HÌNH SẢN XUẤT VÀ NHU CẦU DINH DƯỠNG CỦA CÂY LẠC
........................................................................................................................ 5
1.1.1. Tình hình sản xuất lạc trên thế giới và Việt Nam ............................ 5
1.1.2. Nhu cầu dinh dưỡng của cây lạc ...................................................... 9
1.2. ĐẤT CÁT BIỂN VÀ ĐẤT CÁT BIỂN TẠI BÌNH ĐỊNH .................. 17
1.2.1. Đặc điểm của đất cát biển .............................................................. 17
1.2.2. Đất cát biển tại tỉnh Bình Định ...................................................... 22
1.3. VI SINH VẬT SỬ DỤNG LÀM PHÂN BÓN .................................... 24
1.3.1. Vi sinh vật cố định nitơ .................................................................. 25
1.3.2 Vi sinh vật phân giải phốt phát khó tan .......................................... 28



iv

1.3.3. Vi sinh vật hòa tan kali................................................................... 34
1.3.4. Vi sinh vật sinh polysaccarit .......................................................... 37
1.4. SẢN XUẤT CHẾ PHẨM SINH VẬT ................................................. 39
1.4.1. Nhân sinh khối vi sinh vật và các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình
nhân sinh khối vi sinh vật......................................................................... 41
1.4.2. Xử lý sinh khối, tạo sản phẩm ........................................................ 45
CHƯƠNG II. VẬT LIỆU, NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
......................................................................................................................... 48
2.1. VẬT LIỆU NGHIÊN CỨU .................................................................. 48
2.1.1. Vật liệu ........................................................................................... 48
2.1.2. Thiết bị, dụng cụ............................................................................. 48
2.1.3. Hóa chất thí nghiệm và môi trường nuôi cấy vi sinh vật ............... 49
2.2. NỘI DUNG NGHIÊN CỨU................................................................. 49
2.2.1. Nghiên cứu tính chất đất cát biển vùng nghiên cứu ....................... 49
2.2.2. Phân lập, tuyển chọn bộ chủng vi sinh vật phù hợp cho cây lạc trên
đất cát biển tỉnh Bình Định ...................................................................... 49
2.2.3. Nghiên cứu sản xuất chế phẩm vi sinh vật từ các chủng vi sinh vật
tuyển chọn ................................................................................................ 50
2.2.4. Đánh giá khả năng sử dụng chế phẩm vi sinh vật cho cây lạc trên
đất cát biển tỉnh Bình Định ...................................................................... 50
2.2.5. Xây dựng mô hình sử dụng chế phẩm vi sinh vật cho cây lạc trên
đất cát biển tỉnh Bình Định. ..................................................................... 50
2.3. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU ........................................................ 50
2.3.1. Lấy mẫu .......................................................................................... 50
2.3.2. Phân lập, tuyển chọn bộ chủng vi sinh vật ..................................... 51
2.3.3. Nghiên cứu sản xuất chế phẩm vi sinh vật..................................... 61
2.3.4. Nghiên cứu sử dụng chế phẩm vi sinh vật cho cây lạc trồng trên đất

cát biển tỉnh Bình Định ............................................................................ 63


v

2.3.5. Xây dựng mô hình sử dụng chế phẩm vi sinh vật cho cây lạc trồng
trên đất cát biển tỉnh Bình Định ............................................................... 66
2.3.6. Phương pháp đánh giá sinh trưởng, năng suất cây lạc ................... 67
2.3.7. Phương pháp phân tích mẫu đất ..................................................... 68
2.3.8. Phương pháp phân tích mẫu cây .................................................... 69
2.3.9. Phương pháp phân tích chất lượng nông sản ................................. 70
2.3.10. Hiệu quả kinh tế ........................................................................... 70
2.3.11. Phương pháp xử lý số liệu:........................................................... 70
CHƯƠNG III. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN ................................................ 71
3.1. TÍNH CHẤT CỦA ĐẤT CÁT BIỂN TẠI VÙNG NGHIÊN CỨU .... 71
3.2. PHÂN LẬP, TUYỂN CHỌN VI SINH VẬT PHÙ HỢP CHO CÂY
LẠC TRÊN ĐẤT CÁT BIỂN TỈNH BÌNH ĐỊNH ..................................... 72
3.2.1. Phân lập, tuyển chọn các chủng vi sinh vật ................................... 72
3.2.2. Định tên của các chủng vi sinh vật tuyển chọn .............................. 84
3.2.3. Đánh giá khả năng thích hợp với đất cát biển tỉnh Bình Định của
các chủng vi sinh vật được tuyển chọn .................................................... 98
3.2.4. Đánh giá khả năng hỗn hợp của các chủng vi sinh vật tuyển chọn
................................................................................................................ 102
3.3. NGHIÊN CỨU SẢN XUẤT CHẾ PHẨM VI SINH VẬT CHO CÂY
LẠC TRÊN ĐẤT CÁT BIỂN ................................................................... 105
3.3.1. Nhân sinh khối vi sinh vật ............................................................ 105
3.3.2. Lên men xốp các chủng vi sinh vật .............................................. 116
3.3.3. Xây dựng qui trình sản xuất chế phẩm vi sinh vật ....................... 121
3.4. KHẢ NĂNG SỬ DỤNG CHẾ PHẨM VI SINH VẬT CHO CÂY LẠC
TRÊN ĐẤT CÁT BIỂN TỈNH BÌNH ĐỊNH ............................................ 124

3.4.1. Xác định liều lượng chế phẩm vi sinh vật.................................... 124
3.4.2. Nghiên cứu phương pháp sử dụng chế phẩm vi sinh vật ............. 126


vi

3.4.3. Đánh giá ảnh hưởng của chế phẩm vi sinh vật đến sinh trưởng,
năng suất và hiệu quả kinh tế của cây lạc .............................................. 128
3.5. XÂY DỰNG MÔ HÌNH SỬ DỤNG CHẾ PHẨM VI SINH VẬT CHO
CÂY LẠC TRÊN ĐẤT CÁT BIỂN BÌNH ĐỊNH .................................... 132
3.5.1. Ảnh hưởng của chế phẩm vi sinh vật đến một số tính chất đất cát
biển vùng nghiên cứu ............................................................................. 132
3.5.2. Ảnh hưởng chế phẩm vi sinh vật đến sinh trưởng, các yếu tố cấu
thành năng suất và năng suất cây lạc ..................................................... 134
3.5.3. Ảnh hưởng của chế phẩm vi sinh vật đến chất lượng của lạc...... 135
3.5.4. Hiệu quả kinh tế khi sử dụng chế phẩm vi sinh vật đối với cây lạc
................................................................................................................ 136
KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ....................................................................... 140
KẾT LUẬN................................................................................................ 140
KIẾN NGHỊ ............................................................................................... 141
CÁC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC ĐÃ CÔNG BỐ CÓ LIÊN QUAN ĐẾN
LUẬN ÁN ..................................................................................................... 142
TÀI LIỆU THAM KHẢO ............................................................................. 143
PHỤ LỤC ...................................................................................................... 168
Phụ lục 1. Trình tự gen 16S/28S ARN riboxom của các chủng vi sinh vật
nghiên cứu.................................................................................................. 168
Phụ lục 2. Thành phần môi trường nuôi cấy vi sinh vật............................ 171
Phụ lục 3. Thông số kỹ thuật cho nhân sinh khối vi sinh vật .................... 173
Phụ lục 4. Giải trình chi tiết hiệu quả kinh té của mô hình ....................... 176
Phụ lục 5. Kết quả xử lý thống kê ............................................................. 178



vii

DANH MỤC CÁC KÝ HIỆU, CÁC CHỮ VIẾT TẮT
Chữ viết tắt

Nghĩa của từ

BVTV

Bảo vệ thực vật

CĐN

Cố định nitơ

CFU

Colony forming unit
Đơn vị hình thành khuẩn lạc

cs

Cộng sự

ĐC

Đối chứng


FAO

Food and Agriculture Organization of the United Nations
Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc

KHKT

Khoa học Kỹ thuật

KK

Không khí

ldl

Li đương lượng

NCBI

National Center for Biotechnology
Trung tâm thông tin Công nghệ sinh học Quốc gia

NN&PTNT

Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

NXB

Nhà xuất bản


OC

Các bon hữu cơ

PGK

Hòa tan kali

PGL

Phân giải phốt phát khó tan

Poly

Polysaccarit

P100 quả

Khối lượng 100 quả

PSM

Phosphate solubilizing microorganisms
Vi sinh vật phân giải phốt phát

QCVN

Qui chuẩn Quốc gia

Tầng A


Tầng canh tác


viii

Tầng B

Tầng tích tụ

Tầng C

Tầng mẫu chất

TB

Trung bình

TCVN

Tiêu chuẩn Quốc gia

TNNH

Thổ nhưỡng Nông hóa

VAM

Vesicular Arbuscular Mycorrhiza


VCR

Value cost ration
Tỷ suất lợi nhuận

VSV

Vi sinh vật

WHO

World Health Organization
Tổ chức y tế thế giới


ix

DANH MỤC BẢNG
Bảng 1.1. Đa dạng sinh học của vi sinh vật phân giải phốt phát khó tan ....... 29
Bảng 3.1. Kết quả phân tích một số chỉ tiêu về tính chất đất cát biển tại vùng
nghiên cứu (Cát Trinh, Cát Hiệp - Phù Cát - Bình Định) ............................... 71
Bảng 3.2. Khả năng cố định nitơ cộng sinh của các chủng vi sinh vật .......... 73
Bảng 3.3. Ảnh hưởng của vi khuẩn cố định nitơ RA18 đến khả năng hấp thụ
nitơ, sinh trưởng và năng suất của cây lạc (TN trong chậu, tại Viện KHKT
Duyên hải Nam Trung bộ, 2012) .................................................................... 75
Bảng 3.4. Khả năng phân giải phốt phát khó tan của các chủng vi sinh vật .. 76
Bảng 3.5. Ảnh hưởng của vi khuẩn phân giải phốt phát khó tan P1107 đến khả
năng hấp thụ phốt pho, sinh trưởng và năng suất của cây lạc (TN trong chậu, tại
Viện KHKT Duyên hải Nam Trung bộ, 2012) ............................................... 78
Bảng 3.6. Khả năng hòa tan kali của các chủng vi sinh vật............................ 79

Bảng 3.7. Ảnh hưởng của vi khuẩn hòa tan kali S3.1 đến khả năng hấp thụ
kali, sinh trưởng và năng suất của cây lạc (TN trong chậu, tại Viện KHKT
Duyên hải Nam Trung bộ, 2012) .................................................................... 80
Bảng 3.8. Khả năng sinh chất giữ ẩm polysacarit của các chủng nấm men ... 82
Bảng 3.9. Ảnh hưởng của nấm men sinh polysaccarit PT5.1 đến khả năng giữ
ẩm đất (TN trong chậu, không trồng cây, năm 2012) ..................................... 83
Bảng 3.10. Ảnh hưởng của vi sinh vật sinh polysaccarit PT5.1 đến độ trữ ẩm
đồng ruộng của đất trồng lạc (TN tại Cát Trinh, Phù Cát, Bình Định, năm
2012)................................................................................................................ 83
Bảng 3.11. Một số đặc điểm hình thái, sinh hóa của chủng RA18 ................. 84
Bảng 3.12. Một số đặc điểm hình thái, sinh hóa của chủng P1107 ................ 86
Bảng 3.13. Khả năng sử dụng nguồn các bon đối với chủng P1107
theo kít chuẩn API 50 CHB ............................................................................ 87
Bảng 3.14. Một số đặc điểm hình thái, sinh hóa của chủng S3.1 ................... 89


x

Bảng 3.15. Khả năng sử dụng nguồn các bon đối với chủng S3.1 theo kít
chuẩn API 50 CHB.......................................................................................... 90
Bảng 3.16. Đặc điểm sinh lý và sinh hóa của chủng nấm men PT5.1 ............ 92
Bảng 3.17. Tổng hợp kết quả xác định tên đến loài và mức độ an toàn sinh học
của các chủng vi sinh vật tuyển chọn ................................................................ 95
Bảng 3.18. Khả năng phát triển của vi khuẩn cố định nitơ RA18 ở điều kiện
nhiệt độ, pH và độ mặn khác nhau (TN tại Viện TNNH, 2012)..................... 98
Bảng 3.19. Khả năng phát triển của vi khuẩn phân giải phốt phát khó tan
P1107 ở điều kiện nhiệt độ, pH và độ mặn khác nhau (TN tại Viện TNNH,
2012).............................................................................................................. 100
Bảng 3.20. Khả năng phát triển của vi khuẩn hòa tan kali S3.1 ở điều kiện
nhiệt độ, pH và độ mặn khác nhau (TN tại Viện TNNH, 2012)................... 101

Bảng 3.21. Khả năng phát triển của nấm men sinh polysaccarit PT5.1 ở điều
kiện nhiệt độ, pH và độ mặn khác nhau (TN tại Viện TNNH, 2012) ........... 101
Bảng 3.22. Ảnh hưởng của tổ hợp vi sinh vật đến khả năng hấp thụ dinh
dưỡng, sinh trưởng và năng suất của cây lạc (TN trong chậu, tại Viện KHKT
Duyên hải Nam Trung bộ, năm 2012) .......................................................... 103
Bảng 3.23. Bộ chủng vi sinh vật được tuyển chọn ....................................... 104
Bảng 3.24. Thông số kỹ thuật cho nhân sinh khối các chủng vi sinh vật ..... 115
Bảng 3.25. Hoạt tính sinh học của các chủng vi sinh vật ............................. 115
Bảng 3.26. Ảnh hưởng của tỷ lệ thành phần chất mang đến mật độ tế bào các
chủng vi sinh vật ........................................................................................... 116
Bảng 3.27. Ảnh hưởng của tỷ lệ dịch vi sinh vật và thời gian lên men xốp đến
mật độ tế bào các chủng vi sinh vật .............................................................. 117
Bảng 3.28. Ảnh hưởng của thời gian bảo quản đến mật độ tế bào các chủng vi
sinh vật trong chế phẩm vi sinh vật............................................................... 120
Bảng 3.29. Hoạt tính sinh học của các chủng vi sinh vật trong chế phẩm ... 120


xi

Bảng 3.30. Yêu cầu chất lượng chế phẩm VSV và phương pháp kiểm tra .. 124
Bảng 3.31. Ảnh hưởng của liều lượng chế phẩm vi sinh vật đến sinh trưởng
và năng suất của giống lạc LDH01 (Cát Trinh, Phù Cát, Bình Định, năm
2012).............................................................................................................. 125
Bảng 3.32. Ảnh hưởng của liều lượng chế phẩm vi sinh vật đến sinh trưởng và
năng suất của giống lạc Lỳ (Cát Trinh, Phù Cát, Bình Định, năm 2012). ........ 126
Bảng 3.33. Ảnh hưởng của cách bón chế phẩm vi sinh vật đến sinh trưởng và
năng suất cây lạc (Cát Trinh, Phù Cát, Bình Định, vụ hè thu 2013) ............ 127
Bảng 3.34. Ảnh hưởng của chế phẩm VSV đến sinh trưởng và năng suất
giống lạc LDH01 (Cát Trinh, Phù Cát, Bình Định, vụ đông xuân, 2013) .... 128
Bảng 3.35. Ảnh hưởng của chế phẩm VSV đến sinh trưởng và năng suất

giống lạc Lỳ (Cát Trinh, Phù Cát, Bình Định, vụ đông xuân, 2013) ............ 129
Bảng 3.36. Hiệu quả kinh tế sử dụng chế phẩm vi sinh vật giống lạc LDH01
(Cát Trinh, Phù Cát, Bình Định, vụ đông xuân 2013) .................................. 130
Bảng 3.37. Hiệu quả kinh tế sử dụng chế phẩm vi sinh vật giống lạc Lỳ (Cát
Trinh, Phù Cát, Bình Định, vụ đông xuân 2013) .......................................... 131
Bảng 3.38. Ảnh hưởng của chế phẩm VSV đến một số tính chất đất cát biển
(Cát Hiệp, Cát Trinh - Phù Cát -Bình Định, vụ đông xuân 2014 - 2015)..... 133
Bảng 3.39. Mô hình đánh giá ảnh hưởng của chế phẩm VSV đến năng suất
cây lạc và hiệu suất sử dụng chế phẩm VSV (Phù Cát, Bình Định) ............. 134
Bảng 3.40. Ảnh hưởng của chế phẩm vi sinh vật đến chất lượng lạc (Vụ đông
xuân 2013 - 2014) ......................................................................................... 135
Bảng 3.41. Hiệu quả kinh tế của bón chế phẩm vi sinh vật đối với cây lạc . 136


xii

DANH MỤC HÌNH
Hình 3.1 Vị trí phân loại của chủng RA18 và các loài có quan hệ họ hàng gần
......................................................................................................................... 86
Hình 3.2. Vị trí phân loại của chủng P1107 và các loài có quan hệ họ hàng
gần ................................................................................................................... 89
Hình 3.3. Vị trí phân loại của chủng S3.1 và các loài có quan hệ họ hàng gần
......................................................................................................................... 91
Hình 3.4. Vị trí phân loại của chủng PT5.1 và các loài có quan hệ họ hàng gần
......................................................................................................................... 94
Hình 3.5. Khuẩn lạc (A) và tế bào (B) của chủng RA18 ................................ 96
Hình 3.6. Khuẩn lạc (A) và tế bào (B) của chủng P1107 ............................... 96
Hình 3.7. Khuẩn lạc (A) và tế bào (B) của chủng S3.1 .................................. 96
Hình 3.8. Khuẩn lạc (A) và tế bào (B) của chủng PT5.1 ................................ 96
Hình 3.9. Kết quả PCR đoạn gen mã hoá phần tử 16S ARN riboxom của các

chủng vi khuẩn ................................................................................................ 97
Hình 3.10. Kết quả PCR đoạn gen mã hóa phần tử 18S ARN riboxom của
chủng nấm men PT5.1..................................................................................... 97
Hình 3.11. Khả năng tương tác của các chủng vi sinh vật tuyển chọn ......... 102
Hình 3.12. Ảnh hưởng của môi trường nhân sinh khối đến mật độ tế bào các
chủng vi sinh vật ........................................................................................... 106
Hình 3.13. Ảnh hưởng của pH đến mật độ tế bào các chủng vi sinh vật...... 108
Hình 3.14. Ảnh hưởng của nhiệt độ đến mật độ tế bào các chủng vi sinh vật
....................................................................................................................... 109
Hình 3.15. Ảnh hưởng của lưu lượng cấp khí đến mật độ tế bào các chủng vi
sinh vật .......................................................................................................... 110
Hình 3.16. Ảnh hưởng của tốc độ cánh khuấy đến mật độ tế bào các chủng vi
sinh vật .......................................................................................................... 111


xiii

Hình 3.17. Ảnh hưởng của tỷ lệ tiếp giống cấp I đến mật độ tế bào các chủng
vi sinh vật ...................................................................................................... 112
Hình 3.18. Ảnh hưởng của thời gian đến mật độ tế bào các chủng VSV ..... 113
Hình 3.19. Sơ đồ qui trình sản xuất chế phẩm vi sinh vật ............................ 121
Hình 3.20. Thí nghiệm đánh giá ảnh hưởng của các chủng vi sinh vật đối với
cây lạc (TN trong nhà lưới) ........................................................................... 138
Hình 3.21. Thí nghiệm đánh giá khả năng sử dụng chế phẩm vi sinh vật cho
cây lạc (TN đồng ruộng tại Cát Trinh, Phù Cát, Bình Định) ........................ 138
Hình 3.22. Mô hình đánh giá hiệu quả của chế phẩm vi sinh vật đối với cây
lạc trên đất cát biển Bình Định...................................................................... 139


1


MỞ ĐẦU
I. TÍNH CẤP THIẾT CỦA ĐỀ TÀI
Lạc (Arachis hypogaea L.) là cây công nghiệp ngắn ngày, có khả năng
thích ứng rộng, có giá trị kinh tế cao và từ lâu được coi là cây cải tạo đất có
tác dụng nâng cao độ phì nhiêu của đất trồng trọt. Lạc là mặt hàng nông sản
xuất khẩu quan trọng. Nhu cầu sử dụng và tiêu thụ lạc ngày càng tăng đã và
đang khuyến kích nhiều nước đầu tư phát triển sản xuất lạc với qui mô ngày
càng mở rộng. Do đó, việc phát triển và mở rộng sản xuất lạc nhằm tăng hiệu
quả kinh tế trên đơn vị diện tích và sử dụng bền vững tài nguyên đất là một
trong những chủ trương, định hướng của cả nước (Trần Đình Long, 2002).
Tỉnh Bình Định thuộc vùng sinh thái Duyên hải Nam Trung Bộ với tổng
diện tích tự nhiên 602.506 ha, trong đó đất cát biển có diện tích 2.789 ha
(chiếm 0,46% diện tích đất tự nhiên) tập trung ở các huyện Phù Cát (1.190
ha), Hoài Nhơn (857 ha), Phù Mỹ (533 ha), Qui Nhơn (106 ha),… Hạn chế sử
dụng lớn nhất đối với loại đất này là thiếu nước tưới và độ phì nhiêu tự nhiên
thấp. Đất cát biển Bình Định có thành phần cơ giới rất nhẹ, từ cát trung bình
pha thịt đến cát mịn pha thịt, có độ chua từ chua đến chua nhẹ (pHH2O
5,2 - 5,6), dung tích hấp thu thấp, khoảng 2,1 - 2,3 meq/100g đất, khả năng
hấp thu và trao đổi ion kém, hàm lượng các bon hữu cơ tổng số rất nghèo, từ
0,21 % đến 0,56 %.
Bình Định có diện tích trồng lạc là 8.400 ha (chiếm 29,8 % so với diện
tích trồng lạc toàn vùng), là tỉnh có diện tích trồng lạc đứng thứ hai vùng
Duyên hải Nam Trung bộ, sau Quảng Nam (10.200 ha). Năng suất lạc ở Bình
Định đạt cao nhất vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, khoảng 29,9 tạ/ha. Tuy
nhiên, năng suất trên còn thấp so với tiềm năng năng suất của cây lạc và các
vùng khác trong cả nước như Trà Vinh (51,1 tạ/ha), Đồng Tháp (35 tạ/ha),


2


Tây Ninh (34,9 tạ/ha), Hưng Yên (33,3 tạ/ha), An Giang (32,0 tạ/ha) và Long
An (31,5 tạ/ha) (Niên giám thống kê ngành nông nghiệp, 2014).
Có nhiều nguyên nhân hạn chế năng suất lạc ở Bình Định nói chung và
vùng đất cát biển nói riêng; trong đó đất trồng có hàm lượng hữu cơ thấp,
nghèo dinh dưỡng, độ ẩm thấp và khả năng giữ nước kém được coi là nguyên
nhân cơ bản bên cạnh các nguyên nhân khác như lượng mưa thấp, hệ thống
thủy lợi kém và ít sử dụng phân hữu cơ.
Vi sinh vật có vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng
dinh dưỡng của cây trồng, tăng cường khả năng giữ nước, giữ ẩm của đất qua
đó giúp cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt hơn và góp phần làm tăng năng
suất, chất lượng nông sản cũng như tiết kiệm phân bón thuốc bảo vệ thực vật
hóa học. Vai trò của phân bón vi sinh vật trong phát triển nông nghiệp bền
vững đã được khẳng định trong nhiều công trình nghiên cứu của nhiều nước
trên thế giới. Nhưng cho đến nay chưa có chế phẩm vi sinh vật chuyên dụng
cho cây lạc tại vùng đất cát biển được nghiên cứu phát triển.
Trên cơ sở đòi hỏi của thực tế sản xuất và phát triển cây lạc trên đất cát
biển, đề tài luận án “Phân lập, tuyển chọn và sử dụng một số chủng vi sinh vật
nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất lạc trên vùng đất cát biển Bình Định” được
thực hiện nhằm tuyển chọn được một số chủng vi sinh vật an toàn, có khả
năng cung cấp dinh dưỡng cho đất, cây trồng, gia tăng độ ẩm đất trồng và góp
phần nâng cao hiệu quả sản xuất lạc trên đất cát biển.
II. MỤC TIÊU CỦA ĐỀ TÀI
Tuyển chọn và ứng dụng thành công chủng vi sinh vật có khả năng cố
định nitơ, phân giải phốt phát khó tan, hòa tan kali và sinh chất giữ ẩm
polysaccarit nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất lạc trên đất cát biển tỉnh Bình
Định.


3


III. Ý NGHĨA KHOA HỌC VÀ THỰC TIỄN
3.1. Ý nghĩa khoa học
- Bổ sung các số liệu khoa học về vai trò của vi sinh vật cố định nitơ,
phân giải phốt phát khó tan, hòa tan kali và vi sinh vật tổng hợp polysaccarit
trong mối quan hệ với khả năng sử dụng dinh dưỡng đạm, lân, kali của cây
lạc, khả năng giữ ẩm đất trồng và hiệu quả sản xuất lạc trên đất cát biển.
- Bổ sung số liệu, thông tin mới làm cơ sở cho việc sản xuất và sử dụng
chế phẩm vi sinh vật cho cây lạc trên đất cát biển.
3.2. Ý nghĩa thực tiễn
- Tuyển chọn được bộ chủng giống vi sinh vật phù hợp cho cây lạc trên
đất cát biển Bình Định và bước đầu tạo được chế phẩm vi sinh vật từ các vi
sinh vật tuyển chọn có chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn, qui chuẩn hiện hành.
- Đánh giá được vai trò của chế phẩm vi sinh vật trong nâng cao hiệu
quả sử dụng dinh dưỡng đạm, lân, kali của cây lạc, cải thiện độ phì đất cát
biển, tăng năng suất và hiệu quả sản xuất lạc trên đất cát biển ở Bình Định.
IV. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU
4.1. Đối tượng nghiên cứu
- Các chủng giống vi sinh vật: Có khả năng cố định nitơ, phân giải phốt
phát khó tan, hòa tan kali và sinh polysaccarit.
- Các giống lạc: Lỳ (giống địa phương) và LDH01 (giống triển vọng).
4.2. Phạm vi nghiên cứu
- Nghiên cứu cơ bản trong phòng thí nghiệm, nhà lưới tại Viện Thổ
nhưỡng Nông hóa, Viện Khoa học Kỹ thuật Duyên hải Nam Trung Bộ.
- Nghiên cứu ứng dụng tại vùng trồng lạc chính của tỉnh Bình Định là
xã Cát Trinh và Cát Hiệp, huyện Phù Cát.


4


V. NHỮNG ĐÓNG GÓP MỚI CỦA LUẬN ÁN
- Tuyển chọn được bốn chủng vi sinh vật gồm: Vi khuẩn cố định nitơ
(Bradyrhizobium japonicum RA18), vi khuẩn phân giải phốt phát khó tan
(Bacillus megaterium P1107), vi khuẩn hòa tan kali (Paenibacillus castaneae
S3.1) và chủng nấm men tổng hợp polysaccarit (Lipomyces starkeyi PT5.1)
phù hợp với cây lạc trồng trên đất cát biển ở Bình Định.
- Xây dựng được qui trình sản xuất và sản xuất được chế phẩm vi sinh
vật từ bốn chủng vi sinh vật tuyển chọn có chất lượng đảm bảo đạt tiêu chuẩn
theo qui định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Xác định được liều lượng và phương pháp sử dụng chế phẩm vi sinh
vật cho cây lạc trên đất cát biển và áp dụng có hiệu quả trên diện rộng, góp
phần nâng cao hiệu quả sử dụng dinh dưỡng đạm, lân, kali của cây lạc, cải
thiện độ phì đất cát trồng lạc, tăng năng suất và hiệu quả sản xuất lạc trên đất
cát biển ở Bình Định.


5

CHƯƠNG 1
TỔNG QUAN TÀI LIỆU NGHIÊN CỨU

1.1. TÌNH HÌNH SẢN XUẤT VÀ NHU CẦU DINH DƯỠNG CỦA CÂY LẠC
1.1.1. Tình hình sản xuất lạc trên thế giới và Việt Nam
1.1.1.1. Tình hình sản xuất lạc trên thế giới
Cây lạc đứng hàng thứ hai sau đậu tương trong số các cây trồng lấy dầu
thực vật, cả về diện tích và sản lượng và được trồng rộng rãi ở hơn 100 nước
trên thế giới, từ 40o Bắc đến 40o Nam (Nigam S. N. et al, 1991).
Bên cạnh mục đích cung cấp thực phẩm cho người, nguyên liệu cho sản
xuất thức ăn chăn nuôi, sản xuất lạc còn góp phần cải tạo đất trồng trọt nhờ hệ
thống cố định nitơ cộng sinh giữa cây lạc và vi khuẩn nốt sần. Sinh khối cây

lạc sau thu hoạch đã trả lại cho đất một lượng hữu cơ lớn với hàm lượng nitơ
cao. Sau mỗi vụ trồng lạc, lượng đạm để lại trong đất khoảng 40-60 kg N/ha
(William M. J. R., 1994 và Wright G. C., 1994). Bên cạnh đó sức khỏe đất
trồng lạc sau mỗi vụ được cải thiện rõ rệt thông qua mức độ tăng lên của hàm
lượng đạm và quần thể vi sinh vật háo khí trong đất.
Theo số liệu thống kê của FAO (2016), diện tích sản xuất lạc trên thế
giới năm 2014 đạt 25,67 triệu ha, tăng 40,73 % so với trung bình thập niên
70, tăng 40,04 % so với trung bình thập niên 80 và tăng 17,70 % so với trung
bình thập niên 90. Một số quốc gia có diện tích trồng lạc lớn trên thế giới có
thể kể đến là Ấn Độ (5,20 triệu ha), Trung Quốc (4,52 triệu ha), Nigeria (2,77
triệu ha), Sudan (2,10 triệu ha), Braxin (1,43 triệu ha) (Food and agriculture
organization of the United nation, 2016).
Năng suất lạc trên thế giới trong thập niên 90 đạt 12,9 tạ/ha, tăng 2,1
tạ/ha so với thập niên 80 và tăng 3,6 tạ /ha so với thập niên 70. Đến năm 2014
năng suất lạc bình quân trên thế giới đạt 19,7 tạ/ha, nhưng có sự chênh lệch


6

khá lớn giữa các quốc gia trồng lạc (Israel đạt 73,90 tạ/ha, Mỹ đạt 44,07 tạ/ha,
Trung Quốc đạt 34,91 tạ/ha, Braxin đạt 28,17 tạ/ha, Inđônêxia đạt 22,04 tạ/ha,
Chad đạt 9,00 tạ/ha, Sudan đạt 8,40 tạ/ha và Niger đạt 5,18 tạ/ha).
Sản lượng lạc trên thế năm 2014 đạt 42,32 triệu tấn, tăng gấp 2,50 lần
so với trung bình thập niên 70, tăng 2,14 lần so với trung bình thập niên 80 và
tăng 1,40 lần so với trung bình thập niên 90.
1.1.1.2. Tình hình sản xuất và sử dụng lạc ở Việt Nam
Ở Việt Nam, lạc là sản phẩm quan trọng để xuất khẩu và sản xuất dầu
ăn. Theo FAO (2016), tổng diện tích trồng lạc của Việt Nam đạt 208,2 nghìn
ha, tăng 96,23 % so với thập niên 80.
Lạc được trồng ở tất cả các vùng sinh thái nông nghiệp của Việt Nam.

Vùng có diện tích trồng lạc lớn nhất là Bắc Trung bộ (61,1 nghìn ha), tiếp đến
là vùng trung du miền núi phía Bắc (50,8 nghìn ha), Duyên hải Nam Trung
Bộ (34,2 nghìn ha), đồng bằng sông Hồng (25,8 nghìn ha), đồng bằng sông
Cửu Long (13,9 nghìn ha), Tây Nguyên (13,5 nghìn ha) và Đông Nam bộ (9,7
nghìn ha) (Niên giám thống kê ngành NN&PTNT, 2014).
Năng suất lạc ở Việt Nam thời gian qua đã tăng đáng kể, nhưng vẫn
còn ở mức thấp so với các nước trồng lạc trên thế giới cũng như trong khu
vực Đông Nam Á. Năm 2014, năng suất lạc ở nước ta đạt 21,8 tạ/ha, tăng
147,7 % so với năm 1980 (8,8 tạ/ha), tăng 105,7 % so với năm 1990 (10,6
tạ/ha), 50,34 % so với năm 2000 (14,5 tạ/ha) và 3,32 % so với năm 2010
(21,1 tạ/ha). Năng suất lạc giữa các vùng trồng lạc ở nước ta có sự chênh lệch
rất lớn, trong khi năng suất lạc bình quân vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt
37,3 tạ/ha, thì vùng Tây Nguyên năng suất chỉ đạt 16,1 tạ/ha (Niên giám
thống kê ngành NN&PTNT, 2014).
Năm 2014, sản lượng lạc ở Việt Nam đạt 453,3 nghìn tấn, tăng đáng kể
so với những năm 1980, 1990 và 2000 (sản lượng lạc năm 1980 đạt 95.200


7

tấn, năm 1990 đạt 213.200 tấn, năm 2000 đạt 355.300 tấn (Niên giám thống
kê ngành NN&PTNT, 2014).
Ở Việt Nam, lạc là một trong số các mặt hàng nông sản xuất khẩu quan
trọng và là môt trong các nước xuất khẩu lạc nhiều ở khu vực Đông Nam Á.
Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu lạc ở nước ta nhìn chung không ổn định. Giá trị
xuất khẩu đạt 22.500 nghìn USD năm 2010, năm 2011 đạt 7.140 nghìn USD,
năm 2012 đạt 5.614 nghìn USD và năm 2013 đạt 5.267 nghìn USD. Sản
lượng lạc xuất khẩu của nước ta còn thấp so với tiềm năng và biến động nhiều
qua các năm. Tổng sản lượng lạc xuất khẩu năm 2010 là 21,0 nghìn tấn, 2011
là 6,5 nghìn tấn, 2012 là 4,0 nghìn tấn, 2013 là 5,34 nghìn tấn. Nguyên nhân,

do chất lượng lạc còn thấp. Hơn nữa, thị trường xuất khẩu chưa thực sự ổn
định, một lượng lớn xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc, Thái Lan và nhu
cầu chế biến trong nước ngày càng tăng.
So với một số mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam (như
lúa, nhân hạt điều, cà phê, chè,…), kim ngạch xuất khẩu từ cây lạc không
đáng kể, nhưng so với nhóm đậu đỗ thì lạc là đối tượng cây trồng có kim
ngạch xuất khẩu lớn và mang lại ngoại tệ đáng kể.
1.1.1.3. Tình hình sản xuất lạc ở tỉnh Bình Định
Bình Định là một tỉnh thuộc Duyên hải Nam Trung bộ, có diện tích
trồng lạc lớn trong vùng và một trong 10 tỉnh có sản lượng lạc cao nhất nước.
Bình Định có diện tích trồng lạc 8.400 ha (chiếm 29,8 % so với diện tích
trồng lạc toàn vùng), là tỉnh có diện tích trồng lạc đứng thứ hai vùng Duyên
hải Nam Trung Bộ, sau Quảng Nam (10.200 ha). Năng suất lạc ở Bình Định
đạt cao nhất vùng Duyên hải Nam Trung Bộ (29,9 tạ/ha). Tuy nhiên, năng
suất trên còn thấp so với tiềm năng năng suất của cây lạc và các vùng khác
trong cả nước như Trà Vinh (51,1 tạ/ha), Đồng Tháp (35 tạ/ha), Tây Ninh


8

(34,9 tạ/ha), Hưng Yên (33,3 tạ/ha), An Giang (32,0 tạ/ha) và Long An (31,5
tạ/ha) (Niên giám thống kê ngành NN&PTNT, 2014).
Tại Bình Định, các vùng có diện tích trồng lạc lớn là Phù Cát (3.339
ha), Phù Mỹ (2.139 ha), Tây Sơn (1.067 ha); các vùng có diện tích trồng lạc ít
là Vĩnh Thạch (57 ha) và Quy Nhơn (50 ha). Năng suất lạc ở các huyện của
tỉnh Bình Định cũng khác nhau. Vùng có năng suất lạc cao là Phù Cát (34,5
tạ/ha), Phù Mỹ (29,7 tạ/ha), Tây Sơn (29,1 tạ/ha), Tuy Phước (28,6 tạ/ha),
vùng có năng suất thấp là An Nhơn (16,50 tạ/ha), An Lão (16,8 tạ/ha) và Hoài
Ân (16,8 tạ/ha) (Niên giám Thống kê tỉnh Bình Định, 2015).
Với lợi thế là cây ngắn ngày, dễ trồng, thích ứng với nhiều loại hình

canh tác, sản phẩm lại dễ tiêu thụ, cây lạc được xác định là cây trồng chủ lực
của tỉnh Bình Định.
Nằm ở vùng sinh thái Duyên hải Nam Trung Bộ, tỉnh Bình Định mang
đậm nét khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa với hai mùa mưa nắng rõ rệt, phù hợp
với yêu cầu sinh thái của cây lạc, cùng với nguồn tài nguyên đất phong phú,
lực lượng lao động nông nghiệp dồi dào, … nên tỉnh Bình Định có tiềm năng
phát triển sản xuất lạc theo hướng tập trung hàng hóa. Tuy nhiên năng suất lạc
ở Việt Nam nói chung và tỉnh Bình Định nói riêng còn thấp so với tiềm năng
năng suất lạc. Các yếu tố hạn chế năng suất lạc ở Bình Định là thiếu giống có
năng suất cao, đất trồng lạc thiếu dinh dưỡng, hàm lượng chất hữu cơ và mùn
thấp, canh tác phụ thuộc vào nước trời, sử dụng phân vi sinh vật ít, hiệu quả
phòng trừ sâu bệnh hại lạc chưa cao. Trong rất nhiều các yếu tố hạn chế đó,
yếu tố dinh dưỡng hạn chế năng suất lạc có ảnh hưởng trực tiếp và đáng kể
(Hồ Huy Cường, 2007). Do vậy, nghiên cứu kỹ thuật trồng lạc đạt năng suất
cao vẫn đang là ý tưởng đầy hy vọng của các nhà khoa học nông nghiệp Việt
Nam.


9

1.1.2. Nhu cầu dinh dưỡng của cây lạc
Theo kết quả nghiên cứu, để đạt 1 tấn quả (kèm với thân lá), cây lạc lấy
đi từ đất 64 kg N, 16 kg P2O5, 27 kg K2O, 26,3 kg CaO, 16,7 kg MgO và 7,1
kg S (Nguyễn Văn Chiến, 2014). Hầu hết các loại đất trồng lạc của nước ta có
hàm lượng chất dinh dưỡng thấp, nông dân lại ít chú trọng đến việc bổ sung
phân bón nên năng suất lạc đạt rất thấp. Năng suất lạc còn chênh lệch quá lớn
giữa năng suất tiềm năng và năng suất thực tế (Ngô Thế Dân và cs, 2000).
Phân bón là một trong những yếu tố có ảnh hưởng quyết định đến sinh trưởng
và phát triển cũng như khả năng hình thành năng suất của tất cả các cây trồng
nông nghiệp. Vì vậy, bón phân cân đối cho cây trồng nói chung và cây lạc nói

riêng ở trên bất cứ loại đất nào cũng làm tăng năng suất lên một cách đáng kể
(Đường Hồng Dật, 2002; Nguyễn Văn Chiến, 2014).
1.1.2.1. Nitơ
Nitơ có vai trò quan trọng đối với sinh trưởng, phát triển và năng suất
lạc. Nhu cầu đạm của lạc cao hơn nhiều so với các loại cây ngũ cốc vì hàm
lượng protein trong hạt (15 - 23 %) cao hơn 1,5 lần so với ở hạt ngũ cốc.
Cây lạc có thể lấy nitơ từ nhiều nguồn: Nguồn nitơ từ khí trời thông
qua vi khuẩn cố định nitơ, nguồn nitơ có sẵn trong đất, nguồn nitơ từ phân
hữu cơ và vô cơ. Nguồn nitơ cố định được có thể đáp ứng 50-70 % nhu cầu
nitơ của cây. Cây lạc là cây đậu đỗ có khả năng cố định nitơ phân tử do cộng
sinh với vi khuẩn nốt sần để tổng hợp nitơ cung cấp cho bản thân và làm giàu
cho đất. Chính vì lẽ đó, các nốt sần ở rễ cây họ đậu được ví như nhà máy
“phân đạm tí hon”. Tuy nhiên, vì nốt sần của lạc chỉ xuất hiện khi cây bắt đầu
phân cành đến bắt đầu ra hoa, nên ở giai đoạn đầu sinh trưởng khi cây còn
nhỏ (3-5 lá) cần bón bổ sung một lượng nitơ hoặc bón một lượng nitơ kết hợp
với phân chuồng, nhằm tạo điều kiện cho cây sinh trưởng và phát triển mạnh,
thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn cộng sinh ở giai đoạn sau (Ngô Thế Dân


10

và cs, 2000; Bùi Huy Hiền, 1995 và Trần Danh Thìn, 2000). Lượng nitơ bón
cho cây có tương quan chặt chẽ đến chiều cao cây, chiều dài cành. Bón nitơ
quá ngưỡng sẽ gây nên hiện tượng mất cân đối giữa sinh trưởng sinh dưỡng
và sinh trưởng sinh thực, thân lá phát triển mạnh làm ảnh hưởng đến quá trình
tạo quả và hạt, dẫn đến năng suất thấp.
Tổng hợp các kết quả nghiên cứu về hiệu lực của nitơ đối với cây lạc
tại Trung Quốc cho thấy, nếu đất có hàm lượng nitơ tổng số nhỏ hơn 0,045 %
thì ngưỡng bón nitơ để tăng năng suất lạc là 94,0 kg N/ha, nếu đất có hàm
lượng nitơ tổng số từ 0,045 - 0,065 % thì ngưỡng bón nitơ để tăng năng suất

lạc là 56,0 kg N/ha và nếu đất có hàm lượng nitơ tổng số lớn hơn 0,065 % thì
bón nitơ sẽ không làm tăng năng suất lạc (Liang Xuanqiang, 1996).
Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu tại Iran, trên đất cát pha sét có hàm
lượng nitơ tổng số là 0,084 %, bón nitơ với lượng 60 N/ha cho năng suất lạc
vỏ 2,31 tấn/ha, cao hơn 27,2 % so với không bón và tăng 7,1 - 16,3 % so với
lượng bón 30 và 90 kg N/ha (Gohari A. A. và cs, 2010)
Các nghiên cứu trước đây cho thấy trên nền phân chuồng 8 - 10 tấn/ha
thì lượng nitơ bón thích hợp là 30 kg N/ha. Tăng liều lượng nitơ lên 40 kg
N/ha sẽ làm giảm năng suất thực thu do sinh khối cây lạc phát triển mạnh
(Đường Hồng Dật, 2002). Trên đất phù sa nghèo dinh dưỡng ở Thừa Thiên Huế, Trần Thị Thu Hà (2004) đã xác định, bón 30 kg N/ha cho năng suất lạc
cao nhất và cao hơn từ 8,4 % đến 11,4 % so với lượng bón 40 kg N/ha và 50
kg N/ha. Tuy nhiên, trên đất cát biển Thừa Thiên - Huế, Lê Thanh Bồn (1997)
xác định bón 40 kg N/ha làm tăng năng suất 10,18 % so với đối chứng. Lượng
nitơ thích hợp cho cây lạc L23 tại Hà Tĩnh là 40 kg N/ha (Nguyễn Thiên
Lương, 2012) và 30 kg N/ha đối với giống lạc LDH01 trên đất xám bạc màu ở
Bình Định (Hồ Huy Cường, 2011).


×