Tải bản đầy đủ (.pdf) (117 trang)

Ảnh hưởng của phật giáo nam tông đến đời sống tinh thần của người khmer ở an giang hiện nay

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.18 MB, 117 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI
--------

HUỲNH THỊ QUỲNH GIAO

ẢNH HƯỞNG CỦA PHẬT GIÁO NAM TÔNG
ĐẾN ĐỜI SỐNG TINH THẦN CỦA NGƯỜI KHMER
Ở AN GIANG HIỆN NAY

LUẬN VĂN THẠC SĨ TRIẾT HỌC

HÀ NỘI - 2017


BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI
--------

HUỲNH THỊ QUỲNH GIAO

ẢNH HƯỞNG CỦA PHẬT GIÁO NAM TÔNG
ĐẾN ĐỜI SỐNG TINH THẦN CỦA NGƯỜI KHMER
Ở AN GIANG HIỆN NAY

Chuyên ngành : Triết học
Mã số

: 60.22.03.01

LUẬN VĂN THẠC SĨ TRIẾT HỌC



Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. NGUYỄN THỊ THƯỜNG

HÀ NỘI - 2017


1

MỤC LỤC

MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài ................................................................................ 3
2. Tình hình nghiên cứu đề tài .......................................................................... 4
3. Mục đích nghiên cứu ..................................................................................... 7
4. Khách thể và đối tượng nghiên cứu .............................................................. 8
5. Giả thuyết khoa học ...................................................................................... 8
6. Nhiệm vụ nghiên cứu của luận văn ............................................................... 8
7. Giới hạn và phạm vi nghiên cứu ................................................................... 9
8. Phương pháp nghiên cứu............................................................................... 9
9. Những luận điểm cơ bản và đóng góp mới của luận văn.............................. 9
10. Cấu trúc luận văn ...................................................................................... 10
Chương 1. PHẬT GIÁO NAM TÔNG VÀ ĐỜI SỐNG TINH THẦN
CỦA NGƯỜI KHMER Ở AN GIANG
1.1. Khái luận về Phật giáo Nam tông ............................................................ 11
1.1.1 Quá trình du nhập và phát triển của Phật giáo Nam tông ở An
Giang .................................................................................................. 11
1.1.2. Nội dung cơ bản của Phật giáo Nam tông .......................................... 29
1.1.3. Đặc điểm của Phật giáo Nam tông ở An Giang .................................. 38
1.2. Đời sống tinh thần và đặc điểm đời sống tinh thần của người Khmer
ở tỉnh An Giang ....................................................................................... 42

1.2.1. Khái niệm và cấu trúc đời sống tinh thần ........................................... 42
1.2.2. Đặc điểm đời sống tinh thần của người Khmer ở An Giang .............. 44


2
Chương 2. ẢNH HƯỞNG CỦA PHẬT GIÁO NAM TÔNG ĐẾN
ĐỜI SỐNG TINH THẦN CỦA NGƯỜI KHMER Ở AN
GIANG HIỆN NAY- THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP
2.1. Thực trạng ảnh hưởng của Phật giáo Nam tông đến một số lĩnh vực
đời sống tinh thần của người Kkmer ở An Giang hiện nay .................... 53
2.1.1. Ảnh hưởng của Phật giáo Nam tông đến đời sống chính trị của
người Khmer ở An Giang hiện nay .................................................... 53
2.1.2. Ảnh hưởng của Phật giáo Nam tông đến lễ hội của người Khmer
ở An Giang hiện nay........................................................................... 62
2.1.3. Ảnh hưởng của Phật giáo Nam tông đến tín ngưỡng, phong tục,
tập quán của người Khmer ở An Giang hiện nay ............................... 67
2.2.Một số giải pháp nhằm phát huy ảnh hưởng tích cực, hạn chế ảnh
hưởng tiêu cực của Phật giáo Nam tông đến đời sống tinh thần của
người Khmer ở An Giang hiện nay .......................................................... 78
2.2.1. Phát triển kinh tế- xã hội góp phần nâng cao đời sống vật chất và
tinh thần cho người Khmer ở An Giang .............................................. 78
2.2.2. Phát huy vai trò của các sư sải, tín đồ người Khmer theo Phật
giáo Nam tông thực hiện tốt phương châm của GHPGVN: "Đạo
pháp- Dân tộc- Chủ nghĩa xã hội" ..................................................... 89
2.2.3. Đấu tranh chống những hiện tượng lợi dụng Phật giáo, gây ảnh
hưởng xấu đến đời sống xã hội ........................................................ 100
KẾT LUẬN ..................................................................................................... 107
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO ...................................................... 109109



3
MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Phật giáo là một trong ba tôn giáo lớn trên thế giới hiện nay, có sức lan
tỏa rộng rãi, đặc biệt ở Châu Á. Đạo Phật với tư tưởng vô thường, vô ngã,
nhân quả, nghiệp báo và triết lý nhân sinh từ, bi, hỷ, xả, cứu khổ, cứu nạn,
đứng về phía người nghèo khổ trong học thuyết Tứ diệu đế, Thập nhị nhân
duyên, Bát chính đạo gần gũi và phù hợp với triết lý đạo đức nhân sinh, cũng
như phong tục, tập quán, tín ngưỡng của Người Việt. Quan niệm phúc đức,
nhân ái, vị tha, hòa hiếu của Phật giáo đã được đông đảo người Việt tiếp
nhận.Trong các tôn giáo du nhập vào nước ta thì Phật giáo là tôn giáo bám rễ
sâu nhất, bền chắc nhất và góp phần xây dựng nên truyền thống yêu nước,
đoàn kết gắn bó của dân tộc ta, có vai trò quan trọng trong việc hình thành
tâm lý, lối sống, đạo đức của con người Việt Nam.
An Giang là vùng đất đậm đặc tín ngưỡng dân gian và các tôn giáo.
Đạo Phật tồn tại trong 3 cộng đồng người Việt, người Khmer và người
Hoa.Trong đó, người Khmer ở An Giang có dân số khá đông là 90.411 người,
xếp thứ 2 (Chỉ sau người Kinh) trong cơ cấu dân số chung của tỉnh và có tới
khoảng 85.000 người Khmer theo đạo Phật. Với tư cách là một chính giáo của
người Khmer, Phật giáo Nam tông có vai trò và vị trí quan trọng, có tầm ảnh
hưởng và chi phối lớn đến mọi lĩnh vực đời sống từ vật chất đến tinh thần
của người Khmer ở Nam bộ nói chung, ở An Giang nói riêng. Đó là một tôn
giáo mang tính quần chúng, nó không đơn thuần là thần luận, mà chủ yếu là
thứ đạo đức luận, hướng đến việc “tốt đạo - đẹp đời.
Hiện nay, phần lớn người Khmer ở An Giang tin theo Phật giáo, lấy đó
làm một trong những lẽ sống của mình, là chỗ dựa tinh thần vững chắc để
điều chỉnh hành vi, xử lý các mối quan hệ giữa cá nhân với cá nhân, giữa cá
nhân với xã hội. Phật giáo Nam tông đã tạo cho người Khmer ở An Giang



4
một đời sống tinh thần phong phú, độc đáo, mang bản sắc riêng góp phần vào
sự đa dạng trong nền văn hóa đất nước. Tuy nhiên, niềm tin tôn giáo nhiệt
thành ấy cũng từng bị các thế lực thù địch lợi dụng chống phá, gây nhiều khó
khăn cho công tác giáo dục, tuyên truyền, quản lý của chính quyền, đôi lúc
còn ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Với một bề dày lich sử không quá dài nhưng cũng không quá ngắn,
Phật giáo Nam tông đã gia nhập vào trong đời sống người dân Khmer như
một yếu tố của truyền thống đạo đức. Mặc dù còn những hạn chế nhất định,
song ảnh hưởng tích cực mà Phật giáo Nam tông mang lại thực sự có ý nghĩa
to lớn, góp phần xây dựng xã hội và đời sống tinh thần người dân Khmer
trong giai đoạn toàn cầu hóa và hội nhập hiện nay.
Vì những lý do trên, chúng tôi chọn vấn đề “Ảnh hưởng của Phật giáo
Nam tông đến đời sống tinh thần của người Khmer ở An Giang hiện nay” làm
đề tài luận văn thạc sĩ của mình.
2. Tình hình nghiên cứu đề tài
Phật giáo nói chung và Phật giáo Nam Tông nói riêng là mảng đề tài
thu hút sự quan tâm nghiên cứu của nhiều học giả ở các góc độ khác nhau. Có
thể tạm sắp xếp các nghiên cứu đó vào hai nhóm công trình sau đây:
2.1.Các công trình nghiên cứu liên quan đến Phật giáo nói chung
Trong nhóm công trình này, trước hết phải kể đến một số tác giả và tác
phẩm tiêu biểu như Lương Khải Siêu với cuốn “Lược khảo Phật giáo Ấn Độ”
(1957), Nxb Phật học; Trần Đăng Sinh, Đào Đức Doãn có cuốn“Giáo trình
Tôn giáo học” (2005), Nxb ĐHSP Hà nội; Tác giả Thích Mật Thể với công
trình “Thế giới quan Phật giáo” (1967), Nxb Vạn Hạnh; Nguyễn Tài Thư
(Chủ biên,1991) với “Lịch sử Phật giáo Việt Nam”, Nxb Viện Triết học Hà
Nội.Trong những công trình này, các tác giả đã trình bày, phân tích những tư
tưởng cơ bản của Phật giáo trong quá trình hình thành, du nhập và phát triển



5
của nó. Từ đó đánh giá vị trí, vai trò của Phật giáo trong lịch sử tư tưởng Việt
Nam.
Ngoài ra, còn có các công trình của Tịnh Vân“Phật giáo và nhân sinh”
(2011), Nxb Hồng Đức; Thích Chúc Phú (2013), “Vài vấn đề về Phật giáo và
nhân sinh”;Nxb Hồng Đức; Hoàng Ngọc Vĩnh (2011),“Nhân sinh quan Phật
giáo qua góc nhìn của lịch sử triết học’; Nguyễn Hùng Hậu, “Một số suy nghĩ
về ảnh hưởng của Phật giáo đối với tư duy người Việt”, Tạp chí Triết học số
5/1996. Nhìn chung, các công trình này đều nghiên cứu về Phật giáo dưới góc
độ nhân sinh quan và những ảnh hưởng của nó đến đời sống tinh thần của con
người hiện nay.
2.2. Các công trình nghiên cứu liên quan đến Phật giáo Nam tông và
những ảnh hưởng của nó đến đời sống của người Khmer Nam bộ
Chủ đề về Phật giáo Nam tông và những ảnh hưởng của nó đến đời
sống tinh thần của người Khmer Nam bộ cũng được nhiều tác giả dụng tâm
nghiên cứu. Trong mảng đề tài này, có thể kể đến một số công trình tiêu biểu
sau.
Nghiên cứu về Phật giáo Nam tông tác giả Nguyễn Mạnh Cường có
cuốn Phật giáo Khơ me Nam Bộ - Những vấn đề nhìn lại, (2008), Nxb Tôn
giáo. Công trình này đã cho thấy tư tưởng tôn giáo, đặc biệt là Phật giáo Nam
tông Khmer (Theravada) đóng vai trò quan trọng trong đời sống tôn giáo của
đồng bào dân tộc Khmer và cũng đã phản ánh được những nét văn hóa độc
đáo trong văn hóa của cộng đồng người Khmer Nam Bộ. Đồng thời, công
trình Nhựt hành của người tại gia tu Phật của Tỳ khưu Hộ Tông cùng được
ấn hành bởi Nxb Tôn giáo (2006) cũng rất đáng chú ý. Với tác phẩm này, Tỳ
khưu Hộ Tông đã khái quát những quy định của Phật giáo Nam tông Khmer
đối với những người Khmer tu tại gia. Với ý niệm cầu nguyện cho chúng sanh
đừng thù oán lẫn nhau, đừng có sự khổ não, hãy hòa hảo với nhau, thương



6
yêu nhau cho được yên vui lâu dài, dứt khỏi sanh tử luân hồi, bất sanh, bất
diệt.
Ngoài ra, còn có Kỷ yếu Hội thảo khoa học Phật giáo Nam tông Khmer
đồng hành cùng dân tộc (6/2014), Viện nghiên cứu Tôn giáo- Viện Hàn lâm
Khoa học xã hội Việt Nam và Học viện Phật giáo Nam tông Khmer thuộc
Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Kỷ yếu với nhiều bài viết, tổng số hơn 200
trang đã đi vào nghiên cứu lịch sử du nhập, phát triển của Phật giáo Nam tông
Khmer vào khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Sự biến đổi và những diễn
biến hiện nay của Phật giáo Nam tông Khmer trước những ảnh hưởng của
điều kiện lịch sử mới.
Liên quan đến sự ảnh hưởng của Phật giáo Nam tông đến đời sống tinh
thần của người Khmer Nam bộ có công trình: Phan Thị Phượng (2009), Ảnh
hưởng của tôn giáo đối với đời sống tinh thần của người Khmer Sóc Trăng
hiện nay, Luận văn Thạc sĩ Triết học, Học viện Chính trị Hành chính - Quốc
gia Hồ Chí Minh, Hà Nội. Từ việc trình bày thực trạng ảnh hưởng của tôn
giáo trong đời sống tinh thần của cộng đồng người Khmer ở Sóc Trăng tác giả
luận văn đã nêu ra một số giải pháp khắc phục hạn chế trên lĩnh vực kinh tế,
văn hóa và công tác cán bộ.
Riêng về người Khmer và đời sống tinh thần của người Khmer có các
công trình nghiên cứu của Trần Văn Bổn, Nguyễn Khắc Cảnh và một số tác
giả khác. Trong cuốn Phong tục và nghi lễ vòng đời người Khmer Nam Bộ,
(2002), Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội tác giả Trần Văn Bổn đã khái quát một
số đặc điểm về phong tục và lễ nghi trong cuộc đời của người Khmer từ xa
xưa cũng như trong giai đoạn hiện nay. Còn Nguyễn Khắc Cảnh với công
trình Phum Sóc Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long, (1998) Nxb Giáo dục lại
trình bày quá trình hình thành và phát triển Phum, Sóc của người Khmer ở
đồng bằng sông Cửu Long. Liên quan đến chủ đề này, tuyển tập “Tìm hiểu



7
vốn văn hóa dân tộc Khmer Nam Bộ”, Nxb Tổng hợp Hậu Giang của nhiều
tác giả với trên 20 bài tham luận cũng là một tài liệu đáng chú ý. Các bài tham
luận đã tập trung giới thiệu người Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long trên
các mặt: Dân số - địa bàn cư trú - tổ chức xã hội - sản xuất nông nghiệp - giao
lưu văn hóa và một số loại hình văn hóa của người Khmer bắt nguồn từ Phật
giáo Nam tông Khmer.
Liên quan đến nội dung này còn có bài viết của Võ Văn Thắng, Nguyễn
Hùng Cường, Nguyễn Thị Ngọc Thơ, Lễ hội tôn giáo của người Khmer Tây
Nam bộ - Nhìn từ góc độ giá trị, đăng trên Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, số 5,
2015. Trong đó tác giả đề cập đến những nét đặc trưng của các lễ hội tôn giáo
trong chùa của người Khmer Tây Nam bộ thông qua một số lễ hội như: lễ
Phật Đản, lễ nhập hạ, lễ xuất hạ, lễ dâng y,… qua đó, góp phần làm nổi bật
vai trò và mối quan hệ giữa lễ hội và tôn giáo, tín ngưỡng, giữa Phật giáo
Nam tông và cộng đồng dân tộc Khmer Tây Nam Bộ.
Các công trình khoa học nêu trên với cách tiếp cận về đối tượng cũng
như phạm vi nghiên cứu và ứng dụng khác nhau, song nhìn chung đã đề cập
đến nhiều khía cạnh của Phật giáo Nam tông cũng như ảnh hưởng của nó. Dù
vậy, chưa thấy công trình nào trực tiếp nghiên cứu ảnh hưởng của Phật giáo
Nam tông đến đời sống tinh thần của cộng đồng người Khmer ở An Giang
trong giai đoạn hiện nay để từ đó nêu ra những giải pháp nhằm phát huy
những mặt tích cực và hạn chế những tiêu cực do tôn giáo này mang lại. Đó là
khoảng trống mà luận văn này muốn nghiên cứu và bổ khuyết. Những tư liệu
trên là nguồn tài liệu quý giá để tác giả tham khảo trong quá trình viết luận
văn.
3. Mục đích nghiên cứu
Trên cơ sở phân tích thực trạng ảnh hưởng của Phật giáo Nam tông đến
đời sống tinh thần của người Khmer ở An Giang hiện nay, luận văn đưa ra



8
một số giải pháp nhằm phát huy ảnh hưởng tích cực, hạn chế ảnh hưởng tiêu
cực của tôn giáo này.
4. Khách thể và đối tượng nghiên cứu
4.1. Khách thể nghiên cứu của luận văn
Phật giáo Nam Tông và đời sống tinh thần của người Khmer Nam bộ.
4.2. Đối tượng nghiên cứu
Luận văn tập trung nghiên cứu ảnh hưởng của Phật giáo Nam tông đến
đời sống tinh thần của người Khmer ở An Giang trong giai đoạn hiện nay.
5. Giả thuyết khoa học
Phật giáo Nam tông có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống tinh thần của
người dân Nam bộ nói chung và cộng đồng người Khmer nói riêng. Song ảnh
hưởng đó cũng có tính hai mặt. Bởi vậy, từ việc nghiên cứu các nội dung cơ
bản của Phật giáo Nam tông, luận văn làm sáng tỏ thực trạng ảnh hưởng của
triết thuyết tôn giáo này đến đời sống tinh thần của người Khmer ở An Giang
và đề xuất các giải pháp hữu hiệu nhằm phát huy mặt tích cực, hạn chế những
ảnh hưởng tiêu cực của nó. Việc thực thi hiệu quả các giải pháp mà đề tài đã
nêu sẽ có ý nghĩa vô cùng to lớn góp phần định hướng và làm phong phú đời
sống tinh thần người Khmer ở An Giang trong giai đoạn toàn cầu hóa và hội
nhập hiện nay.
6. Nhiệm vụ nghiên cứu của luận văn
Luận văn xác định những nhiệm vụ sau đây:
Một là:Trình bày khái lược về quá trình du nhập, phát triển của Phật
giáo Nam tông ở An Giang.
Hai là: Phân tích thực trang ảnh hưởng của Phật giáo Nam tông đến đời
sống tinh thần của người Khmer ở An Giang hiện nay.
Ba là: Đề xuất một số giải pháp nhằm hạn chế ảnh hưởng tiêu cực, phát
huy ảnh hưởng tích cực của nó để góp phần xây dựng xã hội và đời sống tinh



9
thần người dân Khmer ở An Giang trong giai đoạn toàn cầu hóa và hội nhập
hiện nay.
7. Giới hạn và phạm vi nghiên cứu
Đề tài giới hạn phạm vi nghiên cứu về những ảnh hưởng của Phật giáo
Nam tông đến đời sống tinh thần của người Khmer ở An Giang hiện nay trên
một số bình diện chủ yếu như tín ngưỡng, phong tục, tập quán, lễ hội tâm linh
và chính trị.
Các số liệu phục vụ cho đề tài nghiên cứu chúng tôi chủ yếu lấy từ năm
2010 đến năm nay.
8. Phương pháp nghiên cứu
Luận văn sử dụng phương pháp biện chứng duy vật của triết học Mác –
Lênin, các phương pháp nghiên cứu của Tôn giáo học và kết hợp với một số
phương pháp nghiên cứu khoa học khác như phân tích và tổng hợp, lôgíc -lịch
sử, khái quát hóa, trừu tượng hóa...
9. Những luận điểm cơ bản và đóng góp mới của luận văn
9.1. Những luận điểm cơ bản
- Sự du nhập, phát triển và nội dung cơ bản của Phật giáo Nam tông ở
An Giang.
- Thực trạng ảnh hưởng của Phật giáo Nam tông đến đời sống chính trị,
lễ hội, tín ngưỡng, phong tục tập quán của người Khmer ở An Giang hiện
nay.
- Một số giải pháp nhằm phát huy những ảnh hưởng tích cực và khắc
phục những ảnh hưởng tiêu cực của Phật giáo Nam tông đến đời sống tinh
thần của người Khmer ở An Giang hiện nay.
9.2 Những đóng góp của luận văn
- Về mặt khoa học: Luận văn góp phần lí giải thấu đáo hơn về những
giáo lý cơ bản của Phật giáo Nam tông và đặc điểm tình hình Phật giáo Nam



10
tông ở An Giang làm cơ sở cho việc đề xuất hệ thống các giải pháp nhằm kiến
tạo đời sống tinh thần của người dân Khmer ở An Giang phù hợp tiến trình
xây dựng đất nước Việt Nam ngày nay.
- Về mặt thực tiễn: Những phân tích và đánh giá về nội dung của Phật
giáo Nam tông, sự ảnh hưởng của nó trong đời sống tinh thần của người
Khmer ở An Giang và những giải pháp nhằm hạn chế mặt tiêu cực, phát huy
mặt tích cực của nó có thể cung cấp cho các cấp Đảng, chính quyền, ban
ngành, đoàn thể của địa phương những căn cứ khoa học để đề ra những chủ
trương, chính sách trong công tác tôn giáo hiện nay. Kết quả nghiên cứu của
luận văn cũng có thể sử dụng làm tài liệu nghiên cứu về Phật giáo Nam tông
,tham khảo, học tập hoặc giảng dạy các môn tôn giáo học, văn hóa học,triết
học...
10. Cấu trúc luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, nội dung
luận văn gồm 2 chương, 4 tiết.


11
Chương 1
PHẬT GIÁO NAM TÔNG VÀ ĐỜI SỐNG TINH THẦN
CỦA NGƯỜI KHMER Ở AN GIANG

1.1. Khái luận về Phật giáo Nam tông
1.1.1. Về sự hình thành, du nhập và phát triển của Phật giáo Nam
tông ở An Giang
1.1.1.1. Vài nét về sự ra đời của Phật giáo
Phật giáo hiện nay là một trong số các tôn giáo lớn trên thế giới, sự ra
đời của Phật giáo gắn liền với tên tuổi người sáng lập là thái tử Cù-đàm Tất đạt- đa (Gotama Sid-dhattha Gautama), sinh khoảng năm 663 tr.CN, con đầu
lòng của vua Tịnh-phạn (Suddhodana) và Chánh cung hoàng hậu Mada

(Mahãmayãdevĩ) nước Ca-tỳ-la-vệ (Kapilavatthu), thuộc vương tộc Thíchca(Sakya hay Sakija), ở chân núi Hymalaya - miền đất bao gồm phần miền
Nam nước Nêpan và một phần của Ấn Độ ngày nay.
Ngay từ thuở nhỏ, Thái tử Tất Đạt Đa sống trong nhung lụa, không tiếp
xúc với xã hội bên ngoài, không hề thấy và không biết rằng trong cuộc đời
còn có những đói khát, bệnh tật, già yếu, chết chóc.
Năm 17 tuổi, Ngài kết hôn với công chúa thành Câu-tát-la (Kosala) là
Da-du-đà-la (Yasothra) sinh một con trai là La-hầu-la (Rabula). Từ đó, Thái
tử mới được tiếp xúc với hiện thực cuộc sống ngoài chốn hoàng cung, những
cuộc tiếp xúc bất ngờ với những cảnh nghèo đói, già yếu, bệnh tật, chết chóc
đã tác động mạnh mẽ đến tâm hồn nhạy cảm của Ngài.
Năm 29 tuổi, Ngài quyết định rời bỏ ngôi cao quyền lực, rời bỏ cuộc
sống nhung lụa, xa hoa để dấn thân vào con đường tu khổ hạnh, mong tìm sự
giải thoát nổi khổ đau của cuộc đời con người, của chúng sinh.
Trước hết, ngài gặp hai vị ẩn sĩ ở trong rừng là Alara Kalama và


12
Uddaka Ramaputta (Uất- đầu- lâm- phất). Hai ẩn sĩ này lần lượt chỉ ngài tu
tập các phương pháp thiền định. Sau một thời gian tu tập bằng các phương
pháp thiền định, ngài thấy đây chưa phải là con đường cứu cánh của giải thoát
vì thế ngài quyết định tự mình ẩn vào rừng sâu, trải qua 6 năm khổ hạnh ép
xác đến độ chỉ còn xương bọc da cùng với 5 người bạn nữa là nhóm Kiềutrần- như ở núi Tuyết Sơn cuối cùng cũng kiệt lực mà không đạt được sự
yên tĩnh trong tâm hồn và cũng không nhận thức được chân lí, không tìm ra lẽ
đạo. Do đó, ngài dứt quyết đoạn tuyệt phương pháp này, ngài nghiệm ra rằng
cuộc sống vật chất, thỏa mãn dục vọng, lẫn cuộc sống khổ hạnh đều không
giúp tìm được con đường giải thoát; chỉ có con đường Trung đạo là con
đường đúng đắn nhất cho sự giải thoát nỗi khổ đau trong cuộc đời con người.
Do đó, Ngài tự mình đào sâu suy nghĩ để nhận thức chân lí và bỏ lối tu khổ
hạnh, đi sâu vào tư duy trí tuệ.
Sau 49 ngày suy tư thiền định dưới gốc cây Bồ đề (bodhi) tại làng

Uruvela, ngài đắc đạo vào năm 35 tuổi. Ngài tuyên bố đã đến được với chân
lí, hiểu được bản chất của tồn tại, nguồn của khổ và con đường giải thoát
chúng sinh. Ngài tự xưng là Phật (Buddha - có nghĩa là giác ngộ). Người đời
thường gọi Ngài là Thích Ca mâu ni (bậc Thánh của dòng họ Thích Ca).
Sau khi giác ngộ, ngài vân du khắp các nước ở miền Đông Ấn, dọc theo
lưu vực sông Hằng để truyền bá đức tin, thành lập các đoàn truyền giáo với
những giáo lý sâu sắc, đề cao sự bình đẳng, hướng tới sự tự giải thoát; lễ nghi
đơn giản, không tốn kém như đạo Bà la môn, nên nhanh chóng thu hút được
nhiều tín đồ. Trải qua 45 năm thuyết pháp, đến năm 483 trước Công nguyên
Ngài nhập diệt (chết) lúc 80 tuổi (Phật lịch) tại Câu- thi- na (Kusinara) trong
rừng Sa-la. Những giáo pháp của ngài được các đệ tử duy trì, bảo vệ và
truyền bá qua nhiều lần kiết tập để xác định lại những lời phật dạy, Phật kinh
nhờ đó được thành lập dần dần. Ban đầu chỉ là truyền khẩu, sau đó được viết


13
nên văn tự. Hai thứ văn tự căn bản là tiếng Bắc Phạn (Sankrit) và Nam Phạn
(Pà li). Phật kinh được tổ chức thành 3 tạng là Kinh, Luật và Luận. Tạng Bắc
Phạn truyền vào Tây Tạng và theo ngã Trung Á rồi sang Trung Hoa. Nam
Phạn theo đường biển truyền vào các nước ở vùng Đông Nam Á. Những giáo
lý, tư tưởng của đức Phật được lưu truyền và vận dụng vào trong cuộc sống
của con người cho đến ngày hôm nay.
Giáo lý Phật giáo ngay từ khi mới ra đời vốn không phân chia Nam
tông - Bắc tông cũng như Trưởng lão bộ hay Đại chúng bộ như người đời
thường hay quan niệm. Giáo lý Phật giáo được trình bày từ thấp đến cao để
phù hợp với từng giai đoạn lịch sử cụ thể đồng thời phù hợp với từng đối
tượng tiếp thu. Do đó, trong toàn bộ giáo lý Phật giáo chỉ riêng Tạng kinh hay
còn gọi là Đại Tạng Kinh được chia thành nhiều bộ khác nhau theo trình tự
thang bậc.
Đồng thời, sự truyền đạt giáo lý Phật giáo đến với mọi người cũng tùy

thuộc vào đối tượng tiếp nhận, theo từng khía cạnh mà người tiếp nhận và vận
dụng vào trong cuộc sống. Sự tiếp nhận giáo lý Phật giáo trong từng thời kỳ
cũng thể hiện nhiều đặc điểm khác nhau tùy thuộc trong từng khu vực, quá
trình thẩm thấu của giáo lý Phật giáo cũng thể hiện những nét khác nhau. Vì
vậy, việc phân chia hệ phái Phật giáo trong lịch sử phát triển cũng có những
điều kiện lịch sử cụ thể nhất định.
Sau khi Phật Thích Ca nhập diệt khoảng 100 năm, trong hàng đệ tử
Phật có tư tưởng muốn thay đổi một số điều trong giới Luật mà Phật Thích
Ca chế định cho phù hợp với sự tiến hóa của lịch sử và phù hợp với điều kiện
hiện tại. Tư tưởng này được đưa ra bàn luận tại cuộc kết tập kinh điển lần thứ
ba. Song, kết cục là các vị Tăng già trong hàng Trưởng lão đã không tán
thành với kiến nghị sửa đổi của phái tân tiến mà phái này lại chiếm số đông
và đều là những vị Tỳ khưu trẻ. Sau khi không thống nhất được ý kiến, các vị


14
Tỳ khưu trẻ đã tự động tách ra thành một hệ phái riêng gọi là “Đại chúng bộ”
(Hệ phái số đông); các vị Tỳ khưu già (Trưởng lão) giữ nguyên những điều
giới luật như thời kỳ đầu Phật Thích Ca chế định. Những vị Trưởng lão (Tăng
già), thuộc hàng tôn túc thường ngồi trên để chủ tọa các pháp hội nên được
gọi là “Thượng Tọa bộ”.
Từ đó, hàng đệ tử xuất gia của Phật Thích Ca tách thành hai phái hay
được các nhà kinh điển gọi là “Hai hệ tư tưởng” đó là “Đại chúng bộ” và
“Thượng Tọa bộ”. Phái Đại chúng bộ truyền sang Trung Quốc rồi truyền vào
Triều Tiên, Nhật Bản và miền Bắc Việt Nam ... được gọi là “Bắc truyền” hay
“Bắc tông”. Phái Đại chúng bộ chủ trương linh hoạt, khoan dung trong giới
luật, không cố chấp vào từng chữ trong kinh để rút ra những bài học về triết
lý thực hành. Đại chúng bộ chủ trương nhập thế, phổ độ chúng sinh, làm cho
chúng sinh cùng giác ngộ như mình, có nghĩa là: Tự độ, độ tha; Tự giác, giác
tha. Vì thế phái Đại chúng bộ còn được gọi là Phật giáo “Đại thừa”. Phái

Thượng Tọa bộ truyền qua Sri Lanca, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Campuchia
vào Nam Việt Nam nên gọi là Phật giáo “Nam truyền” hay “Nam tông”. Phái
này chủ trương giữ giới luật nghiêm túc và chủ trương tự độ, tự giác- tự độ
cho mình ra khỏi vòng luân hồi sinh tử và tự giác ngộ cho mình (Ai tu người
đó chứng quả). Từ ý nghĩa đó nên Thượng Tọa bộ còn được gọi là Phật giáo
“Tiểu thừa”.
1.1.1.2. Quá trình du nhập của Phật giáo Nam tông vào Nam Bộ - An
Giang.
* Quá trình du nhập của Phật giáo Nam tông vào Nam bộ.
Phật giáo Nam tông là thành viên thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Song, Phật giáo Nam tông ở Nam bộ lại bao gồm Phật giáo Nam tông của
người Khmer và Phật giáo Nam tông của người Kinh. Trong luận văn này,


15
liên quan đến đề tài nghiên cứu chúng tôi dùng cụm Phật giáo Nam tông là để
nói đến Phật giáo Nam tông của người Khmer đang sinh sống ở An Giang.
Phật giáo đến với đồng bào Khmer khá sớm. Một số tài liệu cho rằng
trước đây thời vương quốc Phù Nam (thế kỷ thứ I đến thế kỷ thứ VII - SCN),
cả Phật giáo Bắc tông và Phật giáo Nam tông theo các thương gia Ấn Độ
truyền vào nhưng Phật giáo Bắc tông không thành công, còn Phật giáo Nam
tông chỉ dựng được một số cơ sở. Phải đợi đến thế kỷ VIII – XVI, Phật giáo
Nam tông mới cùng người Khmer thâm nhập vào vùng đất Nam Bộ (lúc này
gọi là Thuỷ Chân Lạp). Cụ thể, vào thời kỳ vương quốc Phù Nam, nơi đây là
một trung tâm giao lưu buôn bán đường biển giữa Ấn Độ với các nước Đông
Nam Á. Do đó, vương quốc này chịu ảnh hưởng lớn bởi văn hoá Ấn Độ, như
nhà nghiên cứu Lương Ninh trong Nước Phù Nam đã khẳng định: ... Sự thực
thì đồng bằng sông Cửu Long, nước Phù Nam là trung tâm tiếp nhận và phát
triển văn hóa Ấn Độ, trong đó có tôn giáo, đạo Phật và đạo Hinđu cũng là địa
bàn phát triển nghệ thuật tượng thờ rất phong phú, đẹp và đặc sắc bậc nhất.

Nơi đây, hội tụ con đường buôn bán và giao lưu văn hóa từ Phù Nam lên,
ngược dòng Mê Kông, từ cánh đồng Chum xuống, xuôi dòng, từ đồng bằng
sông Mê Nam sang đường Khorat, từ vùng biển Sa Huỳnh, Việt Nam đến
Nam Trường Sơn. Trước khi phật giáo du nhập, đạo Bà la môn đã được
truyền đến Phù Nam. Sau vương triều Phù Nam là vương triều Chân Lạp,
Phật giáo Bắc tông đã đi theo các thương gia Ấn Độ đến xứ sở này và một
thời hình thành ở đây. Trải qua nhiều biến cố của lịch sử, Phật giáo hệ phái
Bắc tông đã dần bị mai một trong đời sống tinh thần của người Khmer.
So với Phật giáo Bắc tông, Phật giáo Nam tông du nhập vào Việt Nam
muộn hơn nhiều. Theo một số tài liệu nghiên cứu thấy rằng cho vào thế kỷ
XIII, tại Srilanca Phật giáo Nam tông phát triển rất mạnh và có xu thế đưa các
tăng đoàn đi sang các quốc gia khác để mở rộng phật giáo hệ này. Cho nên,


16
cuối thế kỷ này, tăng nhân người Thái lại đưa tăng đoàn Srilanca vào phát
triển ở vùng đồng bào Khmer tại khu vực miền Tây Nam bộ. Kể từ đây, Phật
giáo Nam tông từ Srilanca truyền xuống thay cho Phật giáo Bắc tông. Phật
giáo Nam tông, với giáo lý sơ khởi là hướng dẫn thực hành phù hợp với đồng
bào dân tộc Khmer, người tiếp nhận không cần phải có trình độ cao, không
cần lý luận mà tất cả đều được cầm tay chỉ việc, còn giáo luật thì thiên về
ngăn cấm không được biết, không được làm, không được đến gần… để tránh
những điều không hay xảy ra đối với người đi tu vì thế Phật giáo Nam tông
được người Khmer nhiệt tình đón nhận. Việc tiếp nhận Phật giáo Nam tông
đối với người Khmer ở Nam Bộ là một thực tế khách quan, đã được thử thách
và sàng lọc. Sự tiếp nhận triết lý sống của Phật giáo Nam tông trong đời sống
hiện thực của đồng bào Khmer chính là thể hiện tính phù hợp của triết lý Phật
giáo và đời sống của người Khmer ở vùng Nam Bộ Việt Nam. Có thể nói, đây
là giai đoạn đánh dấu sự du nhập của Phật giáo Nam tông vào vùng đất Nam
bộ.

* Quá trình du nhập của Phật giáo Nam tông vào An Giang.
Theo một số tài liệu nghiên cứu, người Khmer là một tộc người sinh
sống từ rất lâu đời ở An Giang cũng như ở khu vực Đồng bằng sông Cửu
Long, còn gọi là đồng bằng Nam bộ. Vùng đất này được hình thành qua nhiều
thế kỷ, đến nay chưa thấy có tài liệu nào ghi chép rõ ràng. Qua một số nguồn
dữ liệu cho thấy vùng đất này đã được hình thành trên dưới 25 thế kỷ. Cùng
với quá trình hình thành vùng Châu thổ này là quá trình hình thành vương
quốc cổ Phù Nam. Qua khảo cứu nền văn minh Óc Eo (hiện nằm tại huyện
Thoại Sơn, tỉnh An Giang) cho thấy vương quốc này được hình thành từ sự
kết hợp giữa hai nền văn hóa từ Đồng Nai tiến ra vùng đồng bằng và các dân
tộc từ hải đảo di cư vào. Hai cộng đồng cư dân này đã cùng nhau xây dựng
cho mình một vương quốc độc lập - Vương quốc Phù Nam. Vương quốc này


17
hẳn phải rất mạnh bởi các chứng tích vật chất của nó phân bố trên một diện
rộng.
Theo tài liệu khảo cổ học của Pháp thì vương quốc này xuất hiện vào
khoảng đầu công nguyên và kéo dài tới thế kỷ thứ VI - VII (SCN). Khi vương
quốc này suy tàn thay vào đó là vương quốc Chân Lạp (Tchella). Quốc gia
này ổn định được một thời gian thì xảy ra những cuộc nội chiến tranh giành
ngôi báu Những người thua cuộc đã bỏ chạy về vùng đất mới và gia nhập vào
với cư dân vùng này (được gọi là Thủy Chân Lạp), vùng đất này ngày nay
thuộc khu vực đồng bằng Nam bộ.
Cũng qua nhiều di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật Óc Eo (Ba Thê,
Thoại Sơn, An Giang) như di tích kiến trúc chùa Linh Sơn (Linh Sơn Tự)
được xây dựng bên trên nền móng của một công trình kiến trúc cổ. Trong
chùa hiện đang lưu giữ tượng thần Vishnu, hai bia đá và nhiều hiện vật có giá
trị; tại địa điểm gò Út Trạch (Thoại Sơn, An Giang), các nhà khảo cổ đã phát
hiện một tổng thể kiến trúc gạch, gồm 3 hạng mục chính, được xây thẳng

hàng và các đều nhau, dàn trãi theo trục Bắc- Nam, cửa quay hướng
Đông…Kiến trúc này nằm trong hệ thống bao tường bao hính chữ nhật, có
diện tích khoảng 500 mét vuông. Đây là loại hình kiến trúc tôn giáo hoàn toàn
mới tại khu vục Óc Eo- Ba Thê và miền Tây Nam Bộ, được xây dựng và sử
dụng và cuối thế kỷ VII và thế kỷ VIII- IX sau công nguyên; gò Cây Trôm
(Dwl Samron), thuộc địa phận ấp Trung Sơn, xã Vọng Thê, huyện Thoại Sơn,
tỉnh An Giang khi khai quật, các nhà khảo cổ đã phát hiện được dấu tích một
công trình kiến trúc cổ, xây dựng bằng gạch và nhiều hiện vật gắn với hoạt
động tôn giáo, tín ngưỡng (con dấu, bùa đeo). Ngoài ra, còn phát hiện 01
linga bằng đá, cáo 1,7m, niên đại thế kỷ V-VII…
Bên cạnh đó, theo một số tài liệu nghiên cứu, vào cuối thế kỷ XIX ở
Cam-pu-chia có một vị Sãi tên là Peah Sau Kom không chịu tuân theo theo


18
giới luật của phái Nam tông hiện tại vì ông ta cho rằng tuy đây là những giới
luật của hệ phái Thượng Tọa bộ nhưng nó không còn giữ nguyên mà đã bị
mai một nên đã từ bỏ Phật giáo hiện thời sang Thái Lan tu theo một phái khác
có tên là Thommayudnikay có nghĩa là “đúng theo Phật pháp”. Vào năm 1864
vị sư này đã trở lại Cam-pu-chia đem những điều đã tu tập truyền bá nhưng hệ
phái này thâm nhập chủ yếu vào giới Hoàng gia Cam-pu-chia lúc bấy giờ.
Lúc này ở Cam-pu-chia tån tại hai phái thuộc Phật giáo Nam tông là phái
Thommayudnikay (còn gọi là phái Hoàng gia) và phái Mahanikay (còn gọi là
phái bình dân).
Do phái Thommayudnikay thâm nhập vào được trong giới Hoàng gia
nên được nhà vua ủng hộ và tìm cách phát triển. Vào khoảng năm 1900,
Hoàng tộc Cam-pu-chia đã cử một nhóm sư, sãi sang Việt Nam tìm cách
truyền bá hệ phái này. Họ mang theo nhiều tiền bạc và sẽ giúp đỡ tài chính
cho bất kỳ chùa Nam tông nào ở Việt Nam bỏ phái Mahanikay đi theo phái
Thommayudnikay. Do An Giang có vị trí tiếp giáp với đường biên giới nên

các sư, sãi Cam-pu-chia dễ dàng tiếp cận để lôi kéo sư, sãi ở các chùa này.
Kết quả ở An Giang có 19/66 chùa Phật giáo Nam tông theo phái Thommayutt
(Hoàng Gia), trong đó huyện Tri Tôn có 08 chùa, huyện Tịnh Biên có 09
chùa, huyện Châu Thành 02 chùa.
Qua những minh chứng trên, có thế thấy rằng Phật giáo Nam tông của
người Khmer được truyền bá vào An Giang từ rất sớm đồng thời có thể khẳng
định rằng quá trình du nhập của Phật giáo Nam tông và An Giang gắn với với
quá trình du nhập của người Khmer vào Nam bộ nói chung, vào An Giang nói
riêng.
1.1.1.3. Quá trình phát triển của Phật giáo Nam tông
Từ khi du nhập, Phật giáo Nam tông đã được người Khmer nồng nhiệt
đón nhận và nó trở thành tôn giáo chiếm vị trí độc tôn và là một bộ phận


19
không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Khmer. Đến nay, gần như
100% người Khmer đều theo Phật giáo Nam tông. Có thể khái quát quá trình
tồn, biến chuyển của Phật giáo Nam tông của người Khmer ở Nam bộ thành
các giai đoạn sau:
* Thời kỳ Phong kiến:
Từ thế kỷ XVI, chế độ phong kiến Việt Nam lâm vào tình trạng khủng
hoảng sâu sắc. Cuộc phân tranh giữa hai họ Trịnh - Nguyễn kéo dài suốt 175
năm, trong đó có 45 năm (1627 - 1672) đã diễn ra liên tục bảy trận đánh lớn.
Để phục vụ cho những nhu cầu của cuộc chiến tranh này, đồng thời phục vụ
lối sống xa hoa quý tộc, triều đình Trịnh - Nguyễn đã thi nhau vơ vét của cải,
tài lực của dân chúng, tạo nên cảnh cùng khổ, đói rét lầm than trong dân
chúng. Ớ xứ Đàng Trong, sự vơ vét, bóc lột, bóp nặn của bọn phong kiến họ
Nguyễn thông qua chế độ binh dịch, thuế khóa hà khắc, sự nhũng nhiễu ức
hiếp của quan lớn, quan bé, sự cướp đoạt ruộng đất và tô tức nặng nề của bọn
địa chủ đã đẩy dân chúng nhất là những nông dân nghèo khổ vào con đường

điêu đứng. Trong hoàn cảnh ấy, ngoài việc đứng lên đấu tranh chống lại, cư
dân Việt (Kinh) chỉ còn một lối thoát duy nhất là rời bỏ quê hương đi tìm
vùng đất mới để sống. Mà cái đất sống tốt nhất, nơi dung thân lý tưởng nhất
đối với họ lúc bấy giờ không đâu chính là vùng đất xa xôi, còn hoang vu ở
Đồng Nai - Gia Định xưa, nay chính là vùng Nam Bộ.Người Kinh và người
Khmer ở khu vực này lúc bấy giờ sống hòa thuận, hỗ trợ nhau, cùng phát
triển.
Vào những năm đầu thế kỷ XIX, cuộc đấu tranh giữa Đàng Ngoài và
Đàng Trong đã đến lúc kết thúc và cùng với sự suy nhược của triều Nguyễn;
khi thực dân Pháp bước chân đến xâm lược, phong trào đoàn kết đấu tranh
của các dân tộc anh em ở Nam Bộ: Khmer - Việt - Hoa chống lại thực dân
phong kiến ngày càng quyết liệt hơn. Vào những năm đầu nửa sau thế kỷ


20
XIX, chế độ phong kiến Việt Nam bước vào giai đoạn khủng hoảng nghiêm
trọng. Sau khi đánh thắng nhà Tây Sơn, các vua chúa nhà Nguyễn từ Gia
Long (1802 - 1819) đến Minh Mạng (1820 - 1840), Thiệu Trị (1841 - 1846),
Tự Đức (1847 - 1882) kế tiếp nhau phục hồi các chế độ phong kiến đang trên
bước đường bại vong và củng cố chế độ quân chủ chuyên chế, nhằm bảo vệ
quyền lợi của giai cấp phong kiến hoàn toàn mất hết nhuệ khí. Trong hơn nửa
thế kỷ nhà Nguyễn không tạo ra được khả năng đưa xã hội Việt Nam phát
triển theo chiều hướng tiến bộ. Trái lại với những chính sách đối nội và đối
ngoại cực kỳ phản động, nhà Nguyễn đã thủ tiêu mọi thành quả của phong
trào nông dân ở thế kỷ trước, làm cho mâu thuẫn xã hội ngày càng sâu sắc,
tạo tiền đề cho sự xâm lược của chủ nghĩa thực dân phương Tây và dẫn đến
nguy cơ mất nước ở giữa thế kỷ XIX. Cùng với đó là chế độ cai trị của thực
dân và tay sai tha hồ chia nhau những đất ruộng tốt, hoặc đất thổ cư giàng cất
nhà phố.
Cũng trong thời kỳ này, ở Thời vua Gia Long (1802 - 1819): Khi chạy

khỏi vương quốc Ăng-ko xuống vùng đất Nam bộ Việt Nam hiện nay định cư,
người Khmer không có họ nên khi con được sinh ra thì lấy tên của cha đẻ
mình làm hä và cứ tiếp tục như thế, con mình lại lấy tên mình làm họ cho
cháu nên người Khmer không thể truy tìm được gia phả của mình. Đến thời
vua Gia Long (1802 - 1819) Triều đình nhận thấy người Khmer ở đây cần
phải có họ để con cháu dễ dàng truy tìm nguồn cội của mình nên vua Gia
Long đã ban sắc phong cho người Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long 5 họ:
Kim, Thạch, Lâm, Sơn, Danh. Những họ này được người Khmer rất trân
trọng và duy trì cho đến ngày nay. Riêng ở An Giang còn có thêm 2 họ khác
đó là Neang (dùng để đặt cho phái nữ) và Chau (dùng để đặt cho phái Nam).
Tình hình Phật giáo Vào thời kỳ này, vua Minh Mạng (1820-1840)
thực hiện chính sách đồng hóa tôn giáo, triều đình muốn thống nhất việc tu


21
hành của đạo Phật ở Việt Nam, muốn các sư, sãi tu hành theo kiểu Bắc tông
nến đã bắt các sư, sãi ở Đồng bằng sông Cửu Long bỏ áo cà sa mặc áo cổ
vuông và tu hành cũng như thực hiện chay kỳ như các vị sư phái Bắc tông.
Chính sách vừa ban hành đã gặp phải sự phản ứng quyết liệt của các vị sư, sãi
Khmer, họ cương quyết đấu tranh để được tu hành theo đúng hệ phái của
mình. Lúc bấy giờ nhiều phong trào nổi dậy chống lại chính sách của triều
đình, tiêu biểu như phong trào của nhà sư Sa-Way-Srock, của nhà sư TessaSôm ở Trà Cú (Vĩnh Bình)… Cuối cùng thì triều đình nhà Nguyễn không
thực hiện được chính sách đó, các sư, sãi Khơ-me Đồng bằng sông Cửu Long
vẫn duy trì cách sinh hoạt tôn giáo theo hệ phái mình cho đến ngày nay.
Như vậy, cùng với điều kiện sinh sống khắc nghiệt và với hoàn cảnh
lịch sử xã hội rối ren, sự bóc lột áp bức của quý tộc phong kiến lúc bấy giờ
tạo nên diện mạo cuộc sống của đồng bào vùng Nam Bộ. Để có thể vượt qua
cuộc sống lúc bấy giờ, họ cần có một chỗ dựa từ sức mạnh siêu nhiên mà bản
thân họ không thể giải thích được - đó là tôn giáo, chính tôn giáo là chỗ dựa
tinh thần, là niềm tin cuộc sống để họ có thể sinh sống. Trong đó, đồng bào

Khmer cũng đã giữ truyền thống phong tục đặc thù của họ đó là Phật giáo,
Phật giáo là nơi họ gửi gắm niềm tin, ước muốn và hy vọng cho cuộc sống
hiện tại và mai sau tốt đẹp hơn. Do vậy, người Khmer luôn chăm lo cho chùa
chiền, sư sãi như lo cho chính cuộc sống của mình.
* Thời kỳ Thực dân Pháp cai trị (1867 – 1954)
Từ năm 1861 thực dân Pháp chiếm ba tỉnh Nam Bộ, chúng thực hiện
âm mưu chiến lược “chia để trị”, “dùng người Việt Nam đánh người Việt
Nam”, thực dân Pháp đã hết sức chú ý xuyên tạc lịch sử, kích động gây chia
rẽ dân tộc Kinh – Khmer. Đây là giai đoạn Phật giáo nói chung và Phật giáo
Nam tông nói riêng ở miền Nam gặp nhiều khó khăn. Nhiều ngôi chùa bị giặc
tàn phá, hoặc đóng chiếm; đồ thờ tự, những cổ vật quý bị chúng chiếm đoạt


22
hoặc phá hủy. Thực dân Pháp muốn xóa đi truyền thống văn hóa lâu đời của
người Việt Nam, xóa bỏ đạo Phật ở Việt Nam. Trong khi đó, thực dân Pháp
muốn thay Phật giáo bằng một tôn giáo khác đó là Thiên Chúa giáo.
Từ khoảng năm 1861 đến năm 1954, Pháp chủ trương triệt phá tất cả
các chùa, đặc biệt là các chùa lớn có đông đảo tín đồ và có ảnh hưởng lớn,
chúng ráo riết tìm mọi cách để xóa bỏ. Sở dĩ họ mạnh tay làm như vậy là vì
người Pháp nhận thấy được Phật giáo nói chung và Phật giáo Nam tông
Khmer nói riêng gắn liền với dân tộc, nếu tôn giáo này còn thì dân tộc còn,
vậy thì khó mà thực hiện chính sách đồng hóa dân tộc. Không chỉ tìm cách
phá chùa chiền, chúng còn gây sức ép đối với vị sư, sãi và tín đồ như bắt các
sư, sãi phải đi lính và đóng thuế thân… Tất cả những sinh hoạt tôn giáo thông
thường cũng được kiểm soát chặt chẽ, gắt gao của chính quyền Pháp làm cho
các sư, sãi và tín đồ chán nản bỏ Phật giáo đi theo Công giáo mà thực dân
Pháp tích cực tuyên truyền trong nhân dân.
Khi thực dân Pháp chiếm hoàn toàn miền Nam Việt Nam (1867), Pháp
vẫn quyết tâm thực hiện chính sách đồng hóa của mình. Đối với đồng bào

Khmer ở Nam bộ, người Pháp mưu đồ thực hiện thâm ý muốn xóa bỏ nền văn
hóa truyền thống của dân tộc này nên cấm các chùa không được dạy chữ Pali, thay vào đó là bắt buộc sư, sãi Khmer phải học tiếng Pháp. Tuy bị cấm
nhưng các sư, sãi vẫn âm thầm dạy chữ Pa-li trong các chùa. Nhận thấy việc
ngăn cấm không thành công, chúng đành mở thêm các trường dạy tiếng Pháp
nhưng hầu hết chỉ có com em của những gia đình Khmer giàu có mới tham
gia học nên mỗi tỉnh chỉ được một vài trường, còn ở các trường dạy tiếng Pali do các sư, sãi đảm nhận thì phát triển mạnh.
Nhận thấy không thể thành công trong chính sách này, vào năm 1940,
Pháp lại mở thêm chi nhánh của viện Phật học Phnôm-pênh tại Sóc trăng,
thực chất là đào tạo các tay sai để nắm bắt tình hình và quản lý việc tu hành
của các chùa Khmer. Trong suốt quá trình cai trị các chùa Phật giáo Nam tông


23
Khmer đều đặt dưới quyền của các sư, sãi ở Cam-pu-chia, tất c¶ các việc như
xuất gia, xây cất, sửa chữa chùa chiền, tấn phong giáo phẩm…đều do vua sãi
Cam-pu-chia đảm nhận.
Song, để giữ mối liên hệ với Vua sãi (Campuchia) những tỉnh có đông
người xuất gia, có đông sư sãi được tổ chức một hội đồng để có thể trông coi
về mặt giới luật. Hội đồng này tên gọi là “Hồi đồng kỷ luật”. Thành phần hội
đồng kỷ luật (cấp tỉnh) gồm có:
1. Một vị sư sãi đứng đầu tỉnh được gọi là Mekom. Mekom là người
đứng đầu hội đồng kỷ luật có nhiệm vụ chủ trì trong coi việc thuyết giảng
giáo lý và quyết định công việc về đạo, thay mặt toàn bộ sư sãi trong tỉnh
quan hệ với chính quyền địa phương.
2. Một hoặc hai vị sư sãi phó là người giúp việc cho vị sãi cả, gọi là
Balakon. Vị Balakon có nhiệm vụ xây dựng chương trình tu học giáo lý cho
vị tỳ khưu, sadi, học sinh và phật tử, sắp đặt tổ chức các cuộc lễ tại chùa, sửa
chữa và tu bổ chùa trong tỉnh.
3. Một vị sãi phụ trách về mặt kỷ luật, gọi là vị Vineythrkon.
4. Một vị sãi phụ trách về mặt văn khố, gọi là Samonhkon.

5. Một vị thư ký, gọi là Lekhathika.
6. Một đến hai vị sãi đại diện sư sãi ở mỗi quận, huyện trong tỉnh gọi là
Anonkon [16; tr. 69 - 70].
Hội đồng được sự trợ giúp của Chính phủ Hoàng gia Campuchia. Sự trợ
giúp này kéo dài đến thời kỳ ngoại giao giữa Việt Nam và Campuchia bị gián
đoạn thì mới chấm dứt. Từ đó, hệ phái Phật giáo Nam tông ở Nam Bộ có Hội
đồng kỷ luật sư sãi riêng.
* Thời kỳ Mỹ - Ngụy (1954 -1975)
Vừa thoát khỏi sự cai trị của thực dân Pháp, Phật giáo Nam tông miền
Nam nói chung, Phật giáo Nam tông Khmer nói riêng lại tiếp tục gặp phải sự


×