Tải bản đầy đủ (.pdf) (104 trang)

Thế giới nhân vật trong truyện ngắn xuân thiều

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (883.84 KB, 104 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƢỜNG ĐẠI HỌC SƢ PHẠM HÀ NỘI 2

NGUYỄN THỊ TÌNH

THẾ GIỚI NHÂN VẬT
TRONG TRUYỆN NGẮN XUÂN THIỀU

LUẬN VĂN THẠC SĨ
NGÔN NGỮ VÀ VĂN HÓA VIỆT NAM

HÀ NỘI, 2016


BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƢỜNG ĐẠI HỌC SƢ PHẠM HÀ NỘI 2

NGUYỄN THỊ TÌNH

THẾ GIỚI NHÂN VẬT
TRONG TRUYỆN NGẮN XUÂN THIỀU
Chuyên ngành: Lí luận văn học
Mã số: 60 22 01 20

LUẬN VĂN THẠC SĨ
NGÔN NGỮ VÀ VĂN HÓA VIỆT NAM

Ngƣời hƣớng dẫn khoa học: PGS. TS. PHAN TRỌNG THƢỞNG

HÀ NỘI, 2016



LỜI CẢM ƠN
Trước hết, tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành và sâu sắc nhất tới
PGS.TS Phạm Quang Long - người thầy trực tiếp hướng dẫn, tận tâm dìu
dắt, chỉ bảo tạo điều kiện tốt nhất cho tôi trong suốt quá trình thực hiện luận
văn này.
Tôi xin chân thành cảm ơn các thầy cô trong tổ Lí luận văn học, các
thầy cô giáo khoa Ngữ văn, các thầy cô Phòng Sau đại học Trường Đại học
Sư phạm Hà Nội 2 đã giảng dạy, hướng dẫn, giúp đỡ tôi trong suốt quá trình
học tập, nghiên cứu.
Từ đáy lòng mình, tôi xin được cảm ơn, chia sẻ niềm vui này với gia
đình, bạn bè, đồng nghiệp – những người luôn ở bên tôi, giúp đỡ và động viên
kịp thời để tôi vững tâm nghiên cứu, hoàn thành luận văn.
Mặc dù đã có nhiều cố gắng song do khả năng của bản thân và điều
kiện nghiên cứu còn hạn chế nên luận văn không tránh khỏi những thiếu sót,
khuyết điểm. Rất mong nhận được những ý kiến đóng góp của quí thầy cô và
đồng nghiệp để chúng tôi rút kinh nghiệm và nâng cao hơn nữa trong quá
trình học tập và nghiên cứu.
Xin trân trọng cảm ơn!.
Hà Nội, ngày 26 tháng 11 năm 2016
Tác giả

Nguyễn Thị Tình


LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan bản luận văn này do chính tôi nghiên cứu và thực
hiện dưới sự hướng dẫn trực tiếp của thầy PGS.TS Phạm Quang Long.
Những tư liệu được sử dụng trong luận văn là trung thực và chính xác,
không sao chép của bất kỳ ai, được trích dẫn và có tính kế thừa, phát triển từ

các tài liệu, tạp chí, các công trình nghiên cứu đã được công bố, các
Website…với sự trân trọng, biết ơn.
Kết quả nghiên cứu này không hề trùng khít với bất kì công trình
nghiên cứu nào từng công bố.
Nếu sai, tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm.
Hà Nội, ngày 26 tháng 11 năm 2016
Tác giả

Nguyễn Thị Tình


MỤC LỤC
MỞ ĐẦU ........................................................................................................... 1
1. Lý do chọn đề tài ........................................................................................ 1
2. Lịch sử vấn đề ............................................................................................ 2
3. Mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu ................................................................ 4
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu ............................................................. 5
5. Phương pháp nghiên cứu ........................................................................... 6
6. Dự kiến đóng góp mới ............................................................................... 6
7. Cấu trúc luận văn ....................................................................................... 7
NỘI DUNG ....................................................................................................... 8
Chương 1. QUAN NIỆM VỀ NHÂN VẬT VĂN HỌC VÀ HÀNH TRÌNH
SÁNG TÁC CỦA XUÂN THIỀU .................................................................... 8
1.1. Quan niệm về nhân vật văn học .............................................................. 8
1.1.1. Khái niệm nhân vật văn học ............................................................. 8
1.1.2. Các tiêu chí phân loại nhân vật văn học ......................................... 10
1.1.3. Chức năng của nhân vật văn học .................................................... 12
1.1.4. Nhân vật truyện ngắn ...................................................................... 15
1.1.5. Vài nét về nhân vật trong truyện ngắn hiện đại .............................. 17
1.2. Hành trình sáng tác của Xuân Thiều ..................................................... 20

1.2.1. Cuộc đời .......................................................................................... 20
1.2.2. Sự nghiệp sáng tác .......................................................................... 22
1.2.3. Quan niệm nghệ thuật về con người trong truyện ngắn
Xuân Thiều................................................................................................ 25
Tiểu kết chương 1: ....................................................................................... 32


Chương 2. CÁC KIỂU NHÂN VẬT TRONG TRUYỆN NGẮN
XUÂN THIỀU ................................................................................................ 34
2.1. Nhân vật nhân cách ............................................................................... 34
2.2. Nhân vật bi kịch .................................................................................... 37
2.3. Nhân vật cô đơn .................................................................................... 42
2.4. Nhân vật tha hóa ................................................................................... 48
Tiểu kết chương 2: ....................................................................................... 51
Chương 3. NGHỆ THUẬT XÂY DỰNG NHÂN VẬT TRONG TRUYỆN
NGẮN XUÂN THIỀU .................................................................................... 53
3.1. Nghệ thuật trần thuật ............................................................................. 54
3.1.1. Điểm nhìn trần thuật ....................................................................... 54
3.1.2. Giọng điệu trần thuật ...................................................................... 61
3.2. Nghệ thuật khắc họa nhân vật ............................................................... 71
3.2.1. Nghệ thuật miêu tả ngoại hình nhân vật ......................................... 71
3.2.2. Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật ................................................. 73
3.2.3. Nghệ thuật khắc họa nhân vật thông qua ngôn ngữ nhân vật ......... 78
Tiểu kết chương 3: ....................................................................................... 87
KẾT LUẬN ..................................................................................................... 89
TÀI LIỆU THAM KHẢO ............................................................................... 92


1


MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
1.1. Nhắc tới thành tựu văn học Việt Nam sau 1945 đặc biệt là mảng văn
xuôi, không thể không tới Xuân Thiều và những đóng góp đáng kể của ông
với sự phát triển của văn học nước nhà.
Là một trong những cây bút xây nền đắp móng cho phong trào sáng tác
văn học với đề tài người linh, chiến tranh, hậu chiến tranh, suốt đời cầm bút
Xuân Thiều luôn chú ý đến sự sáng tạo nghệ thuật. Trong các trang viết của
mình, ông luôn thể hiện như một cây bút già dặn, từng trải và có khả năng
quan sát chi tiết đời sống, từ đó phát hiện ra những tình huống truyện hấp dẫn.
Ngay từ những sáng tác đầu tay của mình, ông đã dành nhiều tâm huyết cho
đề tài người lính, chiến tranh và trọn đời văn của mình ông chung thủy với
mảng đề tài chiến tranh đặc biệt là hình ảnh người lính. Và ở mảng đề tài này,
Xuân Thiều đạt được thành công và đem đến cho văn học Việt Nam cái nhìn
mới về hiện thực chiến tranh và thời hậu chiến tranh.
1.2. Tài năng của Xuân Thiều được khẳng định qua thời gian và được kết
tinh rõ rệt qua số lượng sáng tác mà ông để lại cho đời. Sáng tác của ông có
nhiều thể loại khác nhau như: tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ. Ở thể loại truyện
ngắn, nhà văn thể hiện rõ tài năng, thế mạnh của mình trong việc mô tả sinh
động chân thực những tấm gương bất khuất, lạc quan của cán bộ chiến sỹ và
quần chúng nhân dân nơi khói lửa gian nguy. Nhà văn phản ánh số phận vinh
quang và bi tráng của con người trong từng hoàn cảnh. Truyện ngắn được coi
là thể loại mạnh nhất làm nên tên tuổi nhà văn. Vì vậy truyện ngắn của Xuân
Thiều gây được sự chú ý của giới văn học và đông đảo độc giả.
1.3. Tác phẩm của Xuân Thiều được giới cầm bút đánh giá cao, hai tập
truyện ngắn của ông được nhận giải thưởng của Bộ Quốc phòng 1990, tập


2


truyện Gió từ miền cát, giải thưởng Bộ Quốc phòng 1995 và tặng thưởng Ban
Quốc phòng an ninh Hội Nhà văn 1996 với tập truyện Xin đừng gõ cửa.
Là nhà văn có nhiều đóng góp cho nền văn học hiện đại Việt Nam nói
chung và văn học với đề tài chiến tranh giữ nước vĩ đại của dân tộc, chúng tôi
nhận thấy đến nay hầu như ít có công trình nghiên cứu nào đi sâu nghiên cứu
một cách có hệ thống về truyện ngắn của Xuân Thiều. Thực tế đó gợi ý cho
chúng tôi đi sâu nghiên cứu đề tài: “Thế giới nhân vật trong truyện ngắn
Xuân Thiều”.
2. Lịch sử vấn đề
Trong hành trình sáng tác của mình, Xuân Thiều đã có những đóng góp
đáng ghi nhận cho nền văn học hiện đại Việt Nam. Những sáng tác của ông
luôn thu hút được sự quan tâm của khá nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu, nhà
phê bình văn học và cả những cả bạn đọc yêu văn chương nữa. Đã có nhiều ý
kiến bàn luận về sáng tác của Xuân Thiều, có những ý kiến chỉ dừng lại ở sự
phác thảo, khái quát, song cũng có những bài nghiên cứu đi sâu phân tích một
cách chi tiết và cụ thể, những nhận xét tinh tế về một số truyện ngắn Xuân
Thiều. Dưới đây chúng tôi xin điểm lại một số ý kiến liên quan đến đề tài luận
văn của chúng tôi về truyện ngắn Xuân Thiều:
Trong số những công trình nghiên cứu, các bài viết về Xuân Thiều, cuốn
Nhà văn Xuân Thiều như tôi được biết (Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh ấn
hành năm 1999) là một trong những công trình ít ỏi đi sâu tìm hiểu về nhà
văn. Tác giả cuốn sách đã thể hiện tình cảm yêu quý, trân trọng của người
viết, của bạn đọc đối với nhà văn.
Trong bài viết “Chất nhân văn trong truyện ngắn Xuân Thiều về đề tài
chiến tranh” ( Tạp chí nhà văn, 2009), tác giả Nguyễn Huy Thông đã có cách
nhìn nhận khái quát về đề tài chiến tranh trong các tác phẩm của ông. Bài viết
cho người đọc hình dung được các tác phẩm của Xuân Thiều, đặc biệt là thể


3


loại truyện ngắn đã góp phần không nhỏ tạo dựng lại cuộc chiến đấu hi sinh
đầy gian khổ nhưng bất khuất, kiên cường của những người lính, của nhân
dân ta trong cuộc chiến đấu bảo vệ độc lập tự do của Tổ quốc, đồng thời nêu
lên các vấn đề thời sự của cuộc sống thời “hậu chiến” khi hòa bình trở lại.
Hay trong cuốn Xuân Thiều - Cuộc đời và sự nghiệp của Nhà xuất bản
Lao Động (2012) đã tái dựng được phần nào cuộc đời hoạt động sôi nổi, đam
mê văn chương của nhà văn. Nó thể hiện qua các tác phẩm đậm chất hiện
thực đời sống, hừng hực hơi nóng của chiến trường khốc liệt trong cuộc đấu
tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Cuốn sách gồm ba phần, nội dung
chính tập hợp những bài viết của các đồng nghiệp là nhà văn, nhà lí luận phê
bình viết về tác phẩm cũng như cuộc đời Xuân Thiều, cùng một số bài trao
đổi về kinh nghiệm sáng tác và truyện ngắn tiêu biểu của ông qua các thời kì.
Trong Lời bạt cho tập 10 truyện ngắn chọn lọc của nhà xuất bản Thanh
niên (2008), Xuân Thiều nhà ngôn ngữ học - Hữu Đạt đã thể hiện cảm nhận
sâu sắc về sáng tác của nhà văn, nhất là những sáng tác sau chiến tranh. Tác
giả nhận xét “Tính theo thời gian những truyện của Xuân Thiều viết càng về
sau càng rất chắc, có độ sâu của sự từng trải cuộc đời, từng trải nghệ thuật
trong chừng mười năm gần đây ông đã có một số truyện vừa truyện ngắn gây
không ít xao động ở độc giả. Thậm chí còn gây ra những tranh cãi. Đó là
truyện “Truyền thuyết quán Tiên”, “Xin đừng gõ cửa”. Điều đó đủ thấy văn
Xuân Thiều lúc ở lão niên đã không phai tàn, xuống sức, trái lại vẫn sung sức
lì lẫm như những đợt sóng chìm. Nó làm cho người ta phải dè chừng” [40, 3].
Qua “Xuân Thiều và những trang viết về chiến tranh” (Mục chân dung
nhà văn, nguồn_ ngày 30/05/2016), tác giả Lê
Thành Nghị đã khẳng định Xuân Thiều là một cây bút xông xáo và linh hoạt,
trước hết là ở sự lựa chọn thể loại để biểu hiện thực chiến tranh cùng những


4


vấn đề mà ông đề cập tới. Tác phẩm viết về chiến tranh của nhà văn theo ông,
đó là những trang viết “hiền hiền” không có gì nổi bật, đột xuất, mạnh mẽ
nhưng lại làm bạn đọc đồng cảm bởi những điều mà ông chọn để nói rất giản
dị nhưng mang tính nhân đạo, nhân văn sâu sắc. Đó là những vấn đề rút ra từ
cuộc sống, hay nói cách khác đó là kinh nghiệm sống của một đời người.
Điểm qua một số bài viết, ý kiến bàn luận xoay quanh truyện ngắn
Xuân Thiều, chúng tôi nhận thấy hầu như chưa có tác giả nào đi sâu nghiên
cứu một cách hệ thống và toàn diện về thế giới nhân vật trong truyện ngắn
Xuân Thiều. Bởi vậy đây là hướng nghiên cứu còn để ngỏ chưa được tìm hiểu
thích đáng. Thực tế đó gợi ý cho chúng tôi đi sâu vào nghiên cứu, tìm hiểu đề
tài này. Trên cơ sở kế thừa, tiếp thu ý kiến của các nhà nghiên cứu, những
người thầy đi trước, qua truyện ngắn Xuân Thiều chúng tôi muốn trình bày
cảm nhận riêng của mình về thế giới nhân vật đặc sắc và độc đáo của Xuân
Thiều. Chúng tôi luôn coi những ý kiến, bài nghiên cứu đi trước là gợi ý vô
cùng quý báu, là cơ sở góp phần mở đường cho người viết khi giải quyết đề
tài này. Từ đó, chúng tôi hy vọng luận văn Thế giới nhân vật trong truyện
ngắn Xuân Thiều sẽ đóng góp một phần nhỏ vào quá trình tìm hiểu, đánh giá
cũng như tiếp cận truyện ngắn Xuân Thiều.
3. Mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu
3.1. Mục đích nghiên cứu
Trên cơ sở khảo sát truyện ngắn của Xuân Thiều, luận văn nhằm tìm
hiểu, khám phá, khẳng định thế giới nhân vật phong phú trong truyện ngắn
của Xuân Thiều. Luận văn chỉ ra những nét độc đáo, đặc sắc trong nghệ thuật
xây dựng nhân vật đồng thời qua đó khẳng định những đóng góp của Xuân
Thiều đối với mảng đề tài chiến tranh, hình ảnh người lính nói riêng và văn
học hiện thực Việt Nam nói chung.


5


3.1. Nhiệm vụ nghiên cứu
Để đạt được mục đích trên, nhiệm vụ nghiên cứu của luận văn là:
Trình bày những vấn đề lý thuyết về thế giới nhân vật. Chỉ ra những đặc
điểm nổi bật về thế giới nhân vật đa dạng, phong phú và nghệ thuật xây dựng
nhân vật trong truyện ngắn của Xuân Thiều. Từ đó bước đầu khẳng định vị trí
của Xuân Thiều trong bức tranh văn học về đề tài chiến tranh, người lính và
thời hậu chiến, cũng như đóng góp đáng ghi nhận của ông đối với nền văn
học hiện đại Việt Nam.
4. Đối tƣợng và phạm vi nghiên cứu
4.1. Đối tượng nghiên cứu
Luận văn tập trung tìm hiểu thế giới nhân vật trong những truyện ngắn
của Xuân Thiều. Ngoài ra những vấn đề lý thuyết về thể loại, cá tính sáng tạo,
phong cách…cũng được nghiên cứu để bổ sung hoặc làm điểm tựa cho việc
triển khai vấn đề chúng tôi quan tâm.
4.2. Phạm vi nghiên cứu
Thực hiện luận văn, chúng tôi tập trung khảo sát, thống kê, phân tích toàn
bộ truyện ngắn của Xuân Thiều được in trong các tập truyện:
10 truyện ngắn chọn lọc
Khúc hát mở đầu
Người mẹ tội lỗi
Xin đừng gõ cửa
Vì mục đích của luận văn là tìm hiểu thế giới nhân vật trong truyện ngắn
Xuân Thiều nên những tài liệu lý luận về thể loại truyện ngắn cũng được khai
thác tìm hiểu.Trong khi dành những nội dung chính trong các truyện ngắn,
chúng tôi cũng có so sánh với các nhân vật trong tiểu thuyết của ông, khi cần.
Trong quá trình khảo sát, chúng tôi sẽ mở rộng thêm một số tác phẩm
của các nhà văn cùng thời và các nhà văn thế hệ sau Xuân Thiều cùng viết về



6

đề tài chiến tranh, hình ảnh người lính để làm nổi bật thế giới nhân vật trong
truyện ngắn Xuân Thiều.
5. Phƣơng pháp nghiên cứu
Thực hiện đề tài chúng tôi thực hiện đồng thời các phương pháp sau:
- Phương pháp thống kê - phân loại: Kháo sát, thống kê toàn bộ hệ
thống nhân vật trong truyện ngắn của Xuân Thiều, từ đó tiến hành phân loại
theo tiêu chí riêng.
- Phương pháp phân tích - tổng hợp: tiến hành phân tích cụ thể các khía
cạnh về vấn đề nhân vật trong truyện ngắn Xuân Thiều. Từ đó, tổng hợp rút ra
những kết luận cần thiết theo yêu cầu của luận văn.
- Phương pháp so sánh - đối chiếu: Tiến hành so sánh, đối chiếu giữa
các nhân vật trong truyện ngắn của Xuân Thiều với nhân vật trong một số
truyện ngắn viết về đề tài chiến tranh, người lính của chính tác giả và một số
tác giả khác để thấy những sáng tạo của Xuân Thiều.
- Phương pháp loại hình: Vận dụng kiến thức lý luận về thể loại truyện
ngắn,lý thuyết về nhân vật và loại hình nhân vật làm tiền đề cho việc nghiên
cứu các vấn đề cụ thể về thế giới nhân vật trong truyện ngắn Xuân Thiều.
- Phương pháp nghiên cứu tác giả: Luận văn nghiên cứu về thế giới
nhân vật của một tác giả nên những kiến thức về nghiên cứu tác giả cũng
được vận dụng để lý giải những nội dung trong phạm vi luận văn.
6. Dự kiến đóng góp mới
Tìm hiểu thế giới nhân vật truyện ngắn Xuân Thiều chúng tôi mong
muốn bước đầu tìm ra những đặc sắc về thế giới nhân vật và nghệ thuật xây
dựng nhân vật trong truyện ngắn Xuân Thiều để bước đầu có cái nhìn tương
đối hệ thống, toàn diện về một nhà văn.
Đánh giá những đóng góp quan trọng của Xuân Thiều ở mảng đề tài vừa
có những “lợi thế” vừa có những “chướng ngại” không dễ vượt qua, đề tài



7

“chiến tranh, hình ảnh người lính” nói riêng và văn học hiện đại Việt Nam
nói chung. Thông qua đó góp phần khẳng định tài năng và vị trí của Xuân
Thiều trong nền văn học Việt Nam.
7. Cấu trúc luận văn
Ngoài phần mở đầu, phần kết luận và tài liệu tham khảo, phần nội dung
của luận văn được triển khai thành 3 chương:
Chương 1. Quan niệm về nhân vật văn học và hành trình sáng tác của
Xuân Thiều.
Chương 2. Các kiểu nhân vật trong truyện ngắn Xuân Thiều.
Chương 3. Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện ngắn Xuân Thiều.


8

NỘI DUNG
Chƣơng 1. QUAN NIỆM VỀ NHÂN VẬT VĂN HỌC VÀ HÀNH TRÌNH
SÁNG TÁC CỦA XUÂN THIỀU
1.1. Quan niệm về nhân vật văn học
1.1.1. Khái niệm nhân vật văn học
Hiểu theo nghĩa rộng,“nhân vật” là khái niệm không chỉ dùng trong văn
chương mà còn ở nhiều lĩnh vực khác.
Trong tiếng Hi Lạp cổ, “nhân vật” (persona) lúc đầu mang ý nghĩa chỉ cái
mặt nạ của diễn viên trên sân khấu. Theo thời gian, chúng ta đã sử dụng thuật
ngữ này với tần số nhiều hơn, thường xuyên hơn để chỉ đối tượng mà văn học
miêu tả và thể hiện trong tác phẩm.
Theo bộ Từ điển Tiếng Việt của viện Ngôn ngữ học do Hoàng Phê chủ
biên thì nhân vật là khái niệm được hiểu theo hai nghĩa:

Thứ nhất, nhân vật là đối tượng (thường là con người) được miêu tả, thể
hiện trong tác phẩm văn học.
Thứ hai, nhân vật là người có một vai trò nhất định trong xã hội, đời
sống nghệ thuật lẫn đời sống sinh hoạt hàng ngày… Nhưng trong phạm vi
nghiên cứu của luận văn, chúng tôi chỉ đề cập tới khái niệm nhân vật theo
nghĩa thứ nhất mà bộ Từ điển tiếng Việt định nghĩa, tức là nhân vật trong tác
phẩm văn học.
Vậy, nhân vật văn học là gì?
Theo Từ điển văn học, khái niệm nhân vật văn học được định nghĩa như
sau: “Nhân vật là yếu tố cơ bản nhất trong tác phẩm văn học, là tiêu điểm để
bộc lộ chủ đề, tư tưởng và đến lượt mình nó lại được các yếu tố có tính chất
hình thức của tác phẩm tập trung khắc họa. Nhân vật do đó là nơi tập trung
các giá trị tư tưởng nghệ thuật của tác phẩm văn học” [23, tr 86]. Theo định
nghĩa trên, chúng ta thấy rằng nhân vật là yếu tố rất quan trọng trong một tác


9

phẩm văn học. Nó vừa là yếu tố của nội dung, vừa là yếu tố thuộc hình thức
nghệ thuật.
Tiếp đó, trong cuốn Từ điển thuật ngữ văn học (nhóm tác giả Lê Bá Hán,
Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi chủ biên) đã định nghĩa: “Nhân vật văn học
là con người cụ thể được miêu tả trong tác phẩm văn học. Nhân vật văn học
có thể có tên riêng (Tấm, Cám, Chị Dậu, Anh Pha) cũng có thể không có tên
riêng. Khái niệm nhân vật văn học có khi được sử dụng như một ẩn dụ, không
chỉ một con người cụ thể nào cả mà chỉ một hiện tượng nổi bật nào đó trong
tác phẩm… [13, tr 235]. Như vậy, nhân vật văn học là một đơn vị đầy tính
ước lệ, không thể đồng nhất nó với con người có thật trong đời sống.
Trong giáo trình Lí luận văn học do Phương Lựu chủ biên cũng đã nêu
ra cách hiểu về nhân vật văn học: “Nói đến nhân vật văn học là nói đến con

người được miêu tả, thể hiện trong tác phẩm bằng phương tiện văn học. Đó là
những nhân vật có tên như Tấm, Cám, Thạch Sanh… Đó là những nhân vật
không tên như thằng bán tơ, một mụ nào đó trong Truyện Kiều của Nguyễn
Du… Đó là những con vật trong truyện cổ tích, đồng thoại, thần thoại, bao
gồm cả quái vật lẫn thần thánh, ma quỷ, những con vật mang nội dung, ý
nghĩa con người.... Nhân vật văn học là một hình tượng nghệ thuật ước lệ, có
những dấu hiệu để ta nhận biết” [21, tr 277 - 278].
Còn trong cuốn Lí luận văn học do GS Hà Minh Đức chủ biên, các tác
giả lại cho rằng: “Nhân vật văn học là một hiện tượng nghệ thuật mang tính
ước lệ, đó không phải là sự sao chụp đầy đủ một chi tiết, biểu hiện đầy đủ của
con người mà chỉ là sự thể hiện con người qua những đặc điểm điển hình về
tiểu sử, nghề nghiệp, tính cách… và cần chú ý thêm một điều: thực ra khái
niệm nhân vật thường được quan niệm với một phạm vi rộng lớn hơn nhiều,
đó không chỉ là những con người, những con người có tên và không tên, được
khắc họa sâu đậm hoặc chỉ xuất hiện thoáng qua trong tác phẩm, mà còn có


10

thể là sự vật, loài vật khác ít nhiều manh bóng dáng, tính cách con người…
Cũng có khi đó không phải là những con người, sự vật cụ thể mà chỉ là một
hiện tượng về con người hoặc liên quan tới con người, được thể hiện nổi bật
trong tác phẩm” [11, tr 126].
Trên đây là một số cách hiểu khác nhau về khái niệm nhân vật văn học.
Nhưng dù có hiểu theo cách nào thì các định nghĩa ấy đều gặp nhau ở những
nội hàm không thể thiếu của khái niệm này. Thứ nhất, nhân vật phải là đối
tượng mà văn học miêu tả và thể hiện bằng phương tiện văn học. Thứ hai, nó
có thể là con người hoặc động vật, con vật, hiện tượng mang linh hồn con
người, đó là những hình ảnh ẩn dụ về con người. Thứ ba, nhân vật là đối
tượng mang tính ước lệ và có tính cách điệu so với đời sống hiện thực bởi nó

được khúc xạ qua lăng kính chủ quan của người nghệ sĩ. Do đó, nghiên cứu
về tác phẩm văn chương cần phải tiếp cận từ góc độ nhân vật để có thể chỉ ra
cái mới trong ngòi bút nhà văn.
1.1.2. Các tiêu chí phân loại nhân vật văn học
Nhân vật văn học là một hiện tượng hết sức đa dạng. Các nhân vật được
xây dựng thành công từ xưa đến nay bao giờ cũng là những sáng tạo độc đáo,
không lặp lại của các nhà văn tài năng. Tuy nhiên, xét về mặt nội dung, tư
tưởng, kết cấu,... có thể thấy những hiện tượng lặp đi lặp lại tạo thành các loại
nhân vật không giống nhau. Ðể nắm bắt được thế giới nhân vật đa dạng, phong
phú ấy, chúng ta có thể tiến hành phân loại chúng ở nhiều góc độ khác nhau.
1.1.2.1. Dựa vào vị trí, vai trò của nhân vật trong kết cấu tác phẩm văn
học người ta chia nhân vật thành: nhân vật chính, nhân vật phụ, nhân vật
trung tâm.
Nhân vật chính là nhân vật đóng vai trò then chốt trong truyện. Đó là
những con người liên quan đến các sự kiện chủ yếu của tác phẩm, là cơ sở để
tác giả triển khai đề tài cơ bản của tác phẩm. Ví dụ: nhân vật Thúy kiều, Kim


11

Trọng, Từ Hải,... trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, nhân vật người vợ trong
tác phẩm Vợ nhặt của Kim Lân,...
Nhân vật phụ là nhân vật mang các tình tiết, sự kiện, tư tưởng có tính
chất phụ trợ, bổ sung nhưng không thể coi nhẹ. Nhân vật phụ có nhiệm vụ soi
sáng cho nhân vật trung tâm, vấn đề trung tâm của tác phẩm, góp phần thể
hiện sự đa dạng, sinh động trong bức tranh của đời sống hiện thực. Ví dụ:
nhân vật Thúy Vân, Vương Quan, Mã Giám Sinh,... trong Truyện Kiều.
Nhân vật trung tâm là loại nhân vật quy tụ các mối mâu thuẫn của tác
phẩm, là nơi thể hiện vấn đề trung tâm có ý nghĩa xuyên suốt từ đầu đến cuối.
Ví dụ: nhân vật Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao, nhân vật

Giăng Vangiăng trong Những người khốn khổ của Victo Huygo,...
1.1.2.2. Xét về phương diện tư tưởng, về quan hệ thuận - nghịch đối với lí
tưởng, có thể chia nhân vật thành: nhân vật chính diện và nhân vật phản diện
Nhân vật chính diện (nhân vật tích cực) là nhân vật thể hiện những giá
trị tinh thần, những phẩm chất đẹp đẽ, những hành vi cao cả của con người
được nhà văn miêu tả, khẳng định, đề cao trong tác phẩm theo một quan
điểm, một tư tưởng xã hội thẩm mĩ nhất định. Ví dụ: nhân vật Lục Vân Tiên,
Kiều Nguyệt Nga trong truyện Nôm Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu,...
Nhân vật phản diện (nhân vật tiêu cực) là nhân vật mang tính cách xấu
xa, trái với đạo lí và lí tưởng của con người, được nhà văn miêu tả với thái độ
chế giễu, lên án, phủ định. Ví dụ: Mẹ con dì ghẻ trong truyện Tấm Cám,...
1.1.2.3. Dựa theo hình thức cấu trúc nhân vật, người ta chia nhân vật văn học
thành các dạng thức sau
Nhân vật chức năng (mặt nạ) là loại nhân vật chủ yếu xuất hiện trong
văn học cổ trung đại (nhất là ở truyện cổ tích), được giao nhiệm vụ thực hiện
một chức năng cố định nào đó trong tác phẩm và trong phản ánh đời sống. Ví
dụ: nhân vật bà Tiên, ông Bụt trong truyện cổ tích thường thực hiện chức
năng là lực lượng phù trợ cho cái thiện,...


12

Nhân vật loại hình là nhân vật có thể đứng ra làm đại diện cho một loại
người nhất định trong đời sống, do chỗ nó thể hiện được những nét đặc trưng,
ổn định và bất biến ở phẩm chất xã hội, đạo đức, tính cách của một loại người
nào đó trong xã hội. Ví dụ: nhân vật Acpagong - kẻ hà tiện, nhân vật Tactuyp
- kẻ đạo đức giả,...
Nhân vật tính cách là loại nhân vật được khắc họa, ngắm nhìn trên nhiều
bình diện, đưa tới cho độc giả cảm tưởng “thực”, mang sức hấp dẫn của chính
cuộc sống. Nhân vật tính cách thường đa diện, chứa đầy mâu thuẫn, nó luôn

vận động và đôi khi làm bất ngờ cho cả người sáng tạo ra nó. Ví dụ: nhân vật
Chí Phèo của nhà văn Nam Cao, Anna Karenina của Tônxtôi,...
Nhân vật tâm lí là một hình thái cụ thể của nhân vật tính cách. Với loại
nhân vật này, tâm lực nhà văn dồn vào việc tái hiện “hiện thực tâm lí”, vào
những hành động bên trong chứ không phải hành động bên ngoài của nhân vật.
Nhân vật tư tưởng là loại nhân vật có nhiều điểm tương đồng với nhân
vật chức năng và có hạt nhân cấu trúc là một tư tưởng, một ý thức. Ví dụ:
nhân vật Tôn Ngộ Không, Đường Tăng, Trư Bát Giới, Sa Tăng trong Tây du
kí của Ngô Thừa Ân,...
1.1.2.4. Căn cứ vào thể loại văn học có thể phân chia nhân vật thành: Nhân
vật tự sự, nhân vật trữ tình, nhân vật kịch.
1.1.2.5. Căn cứ vào phương pháp sáng tác có nhân vật cổ điển, nhân vật lãng
mạn và nhân vật hiện thực.
Sự phân loại nhân vật trên chỉ có ý nghĩa tương đối. Mỗi loại nhân vật
đều có sức hấp dẫn riêng của nó. Vậy nên, không thể đem tiêu chí của nhân
vật này để đánh giá khiên cưỡng nhân vật kia và ngược lại cũng vậy.
1.1.3. Chức năng của nhân vật văn học
Trong tác phẩm văn học, nhân vật đóng vai trò là tâm điểm giúp nhà
văn để thể hiện đời sống. Nhân vật không chỉ là “tiêu điểm để bộc lộ chủ đề”
mà còn là nơi “tập trung giá trị nghệ thuật tư tưởng của tác phẩm”.


13

Nhà nghiên cứu G. N. Poselov đã nhấn mạnh nhân vật là phương tiện
có tính quan trọng nhất trong hình thức tác phẩm. Nó quyết định phần lớn vừa
cốt truyện, vừa lựa chọn chi tiết, vừa ngôn ngữ, vừa kết cấu. Nhân vật là yếu
tố vừa thuộc về nội dung, vừa thuộc về hình thức của tác phẩm. Nó là yếu tố
chi phối mạnh mẽ tới sự thành công hay thất bại của tác phẩm nghệ thuật. Do
đó, nhân vật có vai trò vô cùng quan trọng trong tác phẩm văn học.

Đầu tiên, nhân vật là phương tiện không thể thiếu để nhà văn khái quát
hiện thực đời sống. Hiện thực đời sống được tái hiện thông qua thế giới nghệ
thuật của người nghệ sĩ. Nhân vật là điều kiện đảm bảo cho việc miêu tả thế
giới ấy có chiều sâu và có tính hình tượng. Khi nhân vật xuất hiện, cái gọi là
“hiện thực đời sống” không còn tồn tại như một khái niệm khô khan mà trở
nên rõ ràng, có đủ “ba chiều” để mời gọi bạn đọc tưởng tượng, khám phá và
suy ngẫm. Chẳng hạn, khi nhắc đến một nhân vật, nhất là các nhân vật chính,
người ta thường nghĩ đến các vấn đề gắn liền với nhân vật đó. Gắn liền với
Kiều là thân phận của người phụ nữ có tài sắc nhưng bất hạnh trong xã hội cũ.
Gắn liền với Kim Trọng là vấn đề tình yêu đôi lứa và ước mơ vươn tới hạnh
phúc. Gắn liền với Từ Hải là vấn đề đấu tranh để thực hiện khát vọng tự do,
công lí... Trong Chí Phèo của Nam Cao, nhân vật Chí Phèo thể hiện quá trình
lưu manh hóa của một bộ phận nông dân trong xã hội thực dân nửa phong
kiến. Hay đằng sau nhiều nhân vật trong truyện cổ tích là vấn đề đấu tranh
giữa cái thiện - cái ác, điều tốt - điều xấu, cuộc sống giàu - nghèo và những
ước mơ tốt đẹp của con người,...
Tiếp theo, nhân vật là phương tiện khái quát các tính cách, số phận con
người. Do tính cách là một hiện tượng lịch sử nên chức năng khái quát tính
cách của nhân vật cũng mang tính lịch sử. Ví dụ trong thời cổ đại, nhân vật
văn học của thần thoại, truyền thuyết thường khái quát năng lực và sức mạnh
của con người: Nữ Oa đội đá vá trời, Sơn Tinh dời núi đắp đê chiến đấu


14

chống Thuỷ Tinh,... Trong xã hội có phân chia giai cấp, nhân vật văn học lại
khái quát các tính cách đối kháng về mặt phẩm chất. Nhân vật trong văn học
dân gian nói chung, do đặc điểm truyền miệng nên thường mang tính cách
cô đọng, đơn giản mặc dù có giá trị cao và bền vững. Còn nhân vật trong
văn học viết thường có khả năng khái quát các tính cách nhiều mặt, đầy đặn,

chi tiết hơn.
Không chỉ vậy, nhân vật là người dẫn dắt ta vào thế giới đời sống. Nhân
vật văn học có “chức năng tương tự chức năng của một chiếc chìa khoá, giúp
nhà văn mở cánh cửa bước vào hiện thực rộng lớn, tiếp cận những đề tài, chủ
đề mới mẻ” [30, tr 78]. Nhân vật giúp người viết nhận ra bản chất của đời
sống và giúp người đọc hiểu được những quy luật của đời sống ấy. Nói khác
đi, nó là công cụ, là chìa khóa để mở rộng các mảng đề tài mới mẻ, rộng lớn
và sâu sắc hơn. Ví dụ, nhân vật Xuân Tóc Đỏ chính là chiếc chìa khóa giúp
nhà văn Vũ Trọng Phụng phản ánh thật sinh động xã hội đang âu hóa với bao
trò lố lăng, kệch cỡm cùng với bản chất của con người “vô nghĩa lí” trong xã
hội “chó đểu”. Và cũng qua nhân vật Xuân Tóc Đỏ, người đọc có cái cười hả
hê nhưng đầy chua xót về hiện thực đời sống nước ta lúc bấy giờ.
Ngoài ra, nhân vật còn là một hiện tượng thẩm mĩ. Vì vậy, không thể
quên một chức năng quan trọng của nó là thể hiện tư tưởng, tình cảm, quan
niệm nghệ thuật của nhà văn về thế giới và con người. Nhân vật văn học được
sáng tạo, hư cấu để khái quát và biểu hiện tư tưởng, thái độ của nhà văn đối
với cuộc sống. Ca ngợi nhân vật là ca ngợi đời, lên án nhân vật là lên án đời,
xót xa cho nhân vật là xót xa cho đời. Do vậy, tìm hiểu nhân vật là khám phá
cách hiểu về cuộc đời của tác giả đối với con người. Trong truyện ngắn Lão
Hạc của Nam Cao, chúng ta thấy được tấm lòng nhân đạo sâu sắc của nhà văn
đối với người nông dân nghèo đói, bất hạnh nhưng đầy tự trọng như lão Hạc.
Cuối cùng, nhân vật đóng vai trò quyết định tạo nên mối liên kết giữa
các sự kiện trong tác phẩm - cái vẫn được gọi là cốt truyện. Một phần lớn nhờ


15

vậy mà kết cấu tác phẩm đạt đến sự thống nhất, hoàn chỉnh, chặt chẽ và có
nhiều tiềm năng trong việc biểu đạt các phương tiện ngôn từ, để rồi tự chúng
trở thành những phương diện nghệ thuật độc lập, có thể được nghiên cứu

riêng như một đối tượng thẩm mĩ chuyên biệt.
Tựu chung lại, nhân vật có một vai trò hết sức quan trọng trong tác
phẩm của một nhà văn. Nó là yếu tố không thể thiếu đối với một tác phẩm
văn chương. Hiểu được đúng đắn chức năng của nhân vật văn học, người viết
có thêm cơ sở lý luận để nghiên cứu đề tài này.
1.1.4. Nhân vật truyện ngắn
Như chúng ta đã biết, truyện ngắn hiện đại (theo quan niệm của giới
nghiên cứu ngày nay), ra đời vào khoảng thế kỉ XIX ở phương Tây. Nhưng ở
Việt Nam thì phải đến thế kỉ XX thể loại này mới hình thành rồi phát triển.
Truyện ngắn là hình thức tự sự cỡ nhỏ. Nó ngắn bởi khuôn khổ nhưng
lại rất gần với tiểu thuyết vì nó cùng là hình thức tự sự tái hiện cuộc sống
đương thời. Nội dung truyện ngắn rất đa dạng nhưng có một đặc điểm chung
là “ngắn”. Truyện có thể kể về cả cuộc đời hay một đoạn đời của nhân vật
nhưng điều quan trọng không phải là ở hệ thống sự kiện mà là ở cái nhìn đối
với cuộc đời.
Nhà văn thường hướng tới khắc họa một hiện tượng, phát hiện một nét
bản chất trong quan hệ nhân sinh hay trong đời sống tâm hồn con người. Nó
thường ít sự kiện phức tạp, ít nhân vật. Cốt truyện của truyện ngắn thường nổi
bật, hấp dẫn. Kết cấu trong truyện ngắn thường là một sự tương phản, liên
tưởng. Bút pháp trần thuật thường là chấm phá, hành văn có nhiều ẩn ý.
Giọng điệu của nó cũng hết sức tự do, linh hoạt.
Trong đó, nhân vật truyện ngắn có một vị trí, vai trò hết sức quan trọng.
Nó là tâm điểm của sự sáng tạo, sự lí giải cuộc sống của mỗi nhà văn. Nhân
vật truyện ngắn có những đặc điểm riêng biệt, khác hẳn so với nhân vật của


16

các loại hình văn học khác và ngay cả trong cùng loại hình tự sự, nó cũng có
những điểm độc đáo riêng.

So với nhân vật trữ tình và kịch, nhân vật truyện ngắn mang đầy đủ đặc
điểm của loại hình nhân vật tự sự.
Thứ nhất, nhân vật thường bắt nguồn từ con người bình thường, con
người hằng ngày với tất cả tính tự nhiên nhiều vẻ của nó.
Thứ hai, nhân vật truyện ngắn gắn bó toàn diện hơn cả với thời đại của
mình đang sống.
Thứ ba, mỗi nhân vật thường mang trong mình sắc thái thẩm mĩ đa dạng.
Trong nhân vật vừa có nét đáng say mê, có nét đáng cười, có nét đáng tự hào,
có nét bi ai hay căm phẫn.
Thứ tư, cuộc sống, số phận nhân vật được triển khai theo chiều rộng của
không gian và chiều dài của thời gian.
Thứ năm, nhân vật truyện ngắn có khả năng đem lại tính đa dạng nhiều
vẻ cho số phận.
So với nhân vật tiểu thuyết trong cùng loại hình tự sự, nhân vật truyện
ngắn cũng có nhiều khác biệt:
Trong tiểu thuyết, nếu nhân vật được xây dựng trọn vẹn cả quá trình, gần
như là cả cuộc đời thì nhân vật truyện ngắn thường được xây dựng trong lát
cắt cuộc đời hoặc trong một tình huống, hoàn cảnh cụ thể.
Xét về mặt số lượng, nhân vật trong tiểu thuyết thường nhiều hơn so với
truyện ngắn (có thể lên tới hàng trăm nhân vật). Còn trong truyện ngắn nhân
vật rất ít, có khi chỉ có một hoặc số lượng có thể đếm được trên đầu ngón tay.
Với tiểu thuyết, đời sống tâm lí nhân vật mang tính quá trình còn đời
sống tâm lí của nhân vật trong truyện ngắn lại mang tính hiện tượng, hay nói
cách khác, nó gắn với những thời điểm, tình huống cụ thể.


17

Trong tiểu thuyết, tính cách con người được thể hiện trong cả quá trình.
Ngược lại, tính cách của nhân vật truyện ngắn chỉ được thể hiện trong những

thời điểm quan trọng, đặc biệt mà thôi.
Cuối cùng, nếu nhân vật tiểu thuyết cho chúng ta cảm giác như bắt gặp
nhiều hơn trong cuộc sống thì nhân vật truyện ngắn là những hiện tượng hiếm
có, ít gặp hơn.
Như vậy, qua việc so sánh trên, chúng ta thấy được nhân vật trong truyện
ngắn có những đặc trưng riêng làm nên sức hấp dẫn riêng của thể loại. Nhân
vật truyện ngắn là những con người đời thường và bao giờ cũng được đặt vào
những tình huống gay cấn. Từ tình huống ấy làm nổi bật nên tính cách, số
phận và chiều sâu tâm lí của nhân vật.
Nhân vật truyện ngắn thể hiện những thăng trầm của thời đại, được khám
phá đa dạng, nhiều chiều. Qua nhân vật, người đọc thấy được một cuộc sống
muôn hình vạn trạng đang diễn ra xung quanh mình và thấy được thân phận
con người trong đó như thế nào.
1.1.5. Vài nét về nhân vật trong truyện ngắn hiện đại
Như chúng ta đã biết, lịch sử văn học nhìn theo góc độ nào đó là lịch sử
của những quan niệm nghệ thuật khác nhau về con người. Trong suốt chiều
dài lịch sử ấy, sự thay đổi quan niệm nghệ thuật về con người kéo theo sự
thay đổi rõ rệt trong cách lựa chọn và xây dựng nhân vật. Do vậy, nhân vật
trong văn xuôi hiện đại nói chung và trong truyện ngắn Việt Nam hiện đại nói
riêng đã có những đột phá lớn so với nhân vật trong văn học Việt Nam trước
năm 1975. Sự thay đổi đó đã tạo nên bước ngoặt quan trọng trong tư duy nghệ
thuật về con người trong tác phẩm văn chương.
Nếu nhân vật trong văn học Việt Nam trước 1975 (đặc biệt là giai đoạn
1945 - 1975) được khai thác trong tư cách công dân đơn phiến, được nhìn
nhận, đánh giá theo quan điểm chính trị thì nhân vật trong truyện ngắn hiện


18

đại được khai thác toàn diện hơn. Đó là những con người đa trị, đa cực, con

người cá nhân với những số phận riêng trong mối quan hệ đa chiều của đời
sống xã hội. Nhà văn nhận thức họ trong nhu cầu tự ý thức, có nhiều biểu hiện
đa dạng, có sự hòa hợp giữa con người xã hội - con người tự nhiên - con
người tâm linh. Đó là những con người sống trong sự đối lập giữa ánh sáng và
bóng tối, giữa cao cả và thấp hèn, giữa khát vọng cao cả và cả dục vọng tầm
thường. Nguyễn Minh Châu đã nhìn rõ vấn đề ấy trong truyện ngắn Bức tranh
- đây được coi là tác phẩm quan trọng nằm trong chuỗi tác phẩm đánh dấu sự
thay đổi quan niệm nghệ thuật về con người của ông: “Trong con người tôi
đang sống lẫn lộn người tốt kẻ xấu, rồng phượng lẫn rắn rết, thiên thần và ác
quỷ”. Hay Nguyễn Khải đã lí giải sự giao tranh giữa cái thiện và cái ác trong
con người như sau: “Bên cạnh Chúa có Quỷ, bên cạnh Phật có Ma. Ma quỷ
cũng dự phần bất tử để làm mặt đối lập, để thế giới này tiếp tục vận động và
tồn tại” (Thời gian của người).
Nếu nhân vật trong văn học Việt Nam trước 1975 có số phận luôn đi
theo đường thẳng, đơn giản một chiều, thường có mở đầu và kết thúc rõ ràng
thì nhân vật trong truyện ngắn hiện đại có số phận phức tạp, tâm trạng bị phân
mảnh. Đó là những khoảnh khắc, những dòng ý thức tuôn chảy lộn xộn, triền
miên đầy dằn vặt, day dứt. Đây chính là điểm làm nên sức hấp dẫn của truyện
ngắn hiện đại bởi sự khám phá con người từ chiều sâu bên trong, đôi khi
người đọc bị cuốn luôn vào thế giới tâm trạng đầy giăng mắc của nhân vật.
Nếu nhân vật trong văn học Việt Nam trước 1975 thường là những
nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình thì nhân vật trong truyện ngắn
hiện đại không có số phận hay tính cách điển hình. Họ chỉ là những con
người bình thường, vô danh trong cuộc sống. Thậm chí đó còn là những con
người tầm thường, dị biệt, đầy kì ảo. Lúc này, con người được đặt ra khỏi
bầu không khí “vô trùng” vốn có, vừa đi vừa vấp vấp ngã trước cuộc đời


19


phức tạp, đầy biến động. Con người phải đối diện với chính mình, làm chủ
số phận của mình và sống với tư cách là một cá nhân riêng lẻ, không nhân
danh ai, không dựa vào ai.
Nếu nhân vật trong văn học Việt Nam trước 1975 có mối quan hệ lỏng
lẻo, xoay quanh một tiêu điểm nhất định thì nhân vật trong truyện ngắn hiện
đại được đặt trong mối quan hệ phức tạp. Đó là những con người đang trong
quá trình hoàn chỉnh nhân cách, được thể hiện rõ ở tất cả các mối quan hệ xã
hội, quan hệ ứng xử và đời sống riêng của nó. Ma Văn Kháng nhận xét:
“Cuộc đời thật là ẩn mật, giống như hình ảnh một dòng sông chảy ngầm
không sao hiểu nổi ngọn nguồn tung tích. Các mối liên hệ, sự giao cảm, chi
phối và ràng buộc rất bí ẩn và tù mù” (Chọn chồng). Như vậy, nhân vật được
đặt trong các mối quan hệ đa dạng, đan cài, đôi khi chồng chéo lên nhau để từ
đó họ bộc lộ tính cách và sự phản ứng của mình trước cuộc sống không ngừng
biến động.
Nếu nhân vật trong văn học Việt Nam trước 1975 thường mang tính sử
thi, hướng ngoại thì nhân vật trong truyện ngắn hiện đại lại hướng nội, luôn
sống với những dằn vặt, suy tư của mình. Chẳng hạn, trong truyện ngắn
Nguyễn Minh Châu, nhân vật thường là những con người sám hối, thức tỉnh,
con người nhận đường đầy suy tư, dằn vặt. Trong truyện ngắn Nguyễn Huy
Thiệp là những con người cô đơn với bao cay đắng, nghiệt ngã của số
phận,…. Các diện mạo đa dạng ấy đã tạo cho văn xuôi từ sau 1975 có những
hình tượng nhân vật đa diện, sống động chứ không “khô cứng”, “công thức”
như phần lớn nhân vật trong văn học trước đây. Điều đó đã tạo cho văn xuôi
đương đại một sức hấp dẫn đặc biệt.
Cuối cùng, nếu nhân vật trong văn học Việt Nam trước 1975 chủ yếu
được xây dựng theo khuynh hướng sử thi và bút pháp lãng mạn thì nghệ
thuật xây dựng nhân vật trong văn học đương đại có nhiều đổi mới, cách tân



×