Tải bản đầy đủ (.pdf) (93 trang)

Diễn ngôn tình yêu từ văn học tới điện ảnh qua the english patient và the reader

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.44 MB, 93 trang )

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƢỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
------------------------------------

TRỊNH THỊ PHƢỢNG

DIỄN NGÔN TÌNH YÊU TỪ VĂN HỌC TỚI ĐIỆN ẢNH QUA
THE ENGLISH PATIENT VÀ THE READER

LUẬN VĂN THẠC SĨ
Chuyên ngành: Lý luận, Lịch sử và Phê bình Điện ảnh – Truyền hình

Hà Nội -2016


ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƢỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
------------------------------------

TRỊNH THỊ PHƢỢNG

DIỄN NGÔN TÌNH YÊU TỪ VĂN HỌC TỚI ĐIỆN ẢNH QUA
THE ENGLISH PATIENT VÀ THE READER

LUẬN VĂN THẠC SĨ
Chuyên ngành: Lý luận, lịch sử và phê bình điện ảnh – Truyền hình
Mã số: 60 21 02 31
Ngƣời hƣớng dẫn khoa học: PGS.TS. Phạm Xuân Thạch

Hà Nội -2016



LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan luận văn này là kết quả nghiên cứu của bản thân dưới sự
hướng dẫn khoa học của PGS.TS Phạm Xuân Thạch, có kế thừa một số kết quả
nghiên cứu liên quan đã được công bố. Những tài liệu sử dụng trong luận văn có
xuất xứ cụ thể rõ ràng.
Tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm trước Hội đồng khoa học luận văn của
mình.
Hà Nội, ngày 20 tháng 12 năm 2016
Học viên

Trịnh Thị Phƣợng


MỤC LỤC
MỞ ĐẦU ....................................................................................................................2
1. Lý do chọn đề tài ...................................................................................................2
2. Lịch sử vấn đề ........................................................................................................3
3. Đối tƣợng, phạm vi và mục đích nghiên cứu ....................................................10
4. Phƣơng pháp nghiên cứu....................................................................................10
5. Cấu trúc của luận văn .........................................................................................11
CHƢƠNG 1: TÌNH YÊU NHƢ LÀ DIỄN NGÔN...............................................12
1.1. Khái niệm diễn ngôn ....................................................................................12
1.2. Vấn đề chuyển thể tác phẩm văn học sang điện ảnh ................................14
1.3. Khái niệm và biểu tƣợng tình yêu ..............................................................18
1.4. Các xu hƣớng hình thành diễn ngôn tình yêu trong phim điện ảnh .......26
1.4.1. Xu hướng lãng mạn hóa (romantic) .....................................................26
1.4.2. Xu hướng bi kịch hóa (tragedy) ............................................................31
1.4.3. Xu hướng tình dục hóa (erotic) .............................................................33
Tiểu kết .....................................................................................................................36

CHƢƠNG 2: THE ENGLISH PATIENT – KÝ ỨC TÌNH YÊU NHƢ LÀ SỰ
HÌNH THÀNH CĂN TÍNH....................................................................................38
2.1. Cấu trúc tự sự ...............................................................................................38
2.2. Từ ký ức tình yêu tới căn tính nhân vật .....................................................43
2.3. Bản đồ tình yêu trong chiến tranh ..............................................................55
Tiểu kết .....................................................................................................................61
CHƢƠNG 3: THE READER – TÌNH YÊU NHƢ LÀ MÃ VĂN HÓA TRONG
HỆ QUY CHIẾU CHÍNH TRỊ ..............................................................................62
3.1. Tình yêu, tri thức và nhục cảm phi chính trị.............................................62
3.2. Tình yêu, tri thức và sự vô minh chính trị .................................................70
3.3. Tình yêu, chính trị và sự cứu rỗi của tri thức ...........................................78
Tiểu kết .....................................................................................................................82
KẾT LUẬN ..............................................................................................................84
TÀI LIỆU THAM KHẢO ......................................................................................87

1


MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
1.1. Khởi thủy, tình yêu đã tồn tại như là bản chất nhân tính, như là sáng tạo
lớn nhất của con người. Tình yêu đem lại cuộc sống và cái chết, kiếp người là hữu
hạn nhưng tình yêu có thể là vĩnh cữu. Con người ở thời nào, ở không gian nào, là
bất cứ ai cũng luôn tìm kiếm tình yêu và khao khát được yêu bởi tình yêu làm hé lộ
“bản nguyên thần thánh trong mỗi chúng ta” (Vladimir Soloviev), là câu trả lời phổ
quát nhất cho câu hỏi “con người đã tiến hóa từ đâu?”
1.2. Tình yêu, từ lâu đã trở thành đề tài bất hủ và vô tận của văn hóa nghệ
thuật. “Không đề tài nào hấp dẫn bằng đề tài này, vì nó liên quan đến cái sướng cái
khổ của chủng loại, và do đó liên quan đến mọi đề tài khác dính líu đến cái hạnh
phúc riêng của cá nhân, cũng như vật thể liên quan đến bình diện phẳng vậy. Vì thế

cho nên, một vở tuồng lại thiếu chuyện tình tứ thì không thể hấp dẫn, và cũng vì thế
mà đề tài kia không bao giờ nhàm chán, dù được sử dụng hàng ngày” [33, tr.4546]. Trên thực tế, mỗi tác giả lại có cách miêu tả, định nghĩa, kiến giải về tình yêu riêng
trong các sáng tác của mình, và cách miêu tả đó đánh dấu nhãn quan sáng tạo đặc trưng
cho mỗi cá nhân, mỗi khu vực văn hóa và thời đại mà họ sống. Những tự sự tình yêu
từ trong thần thoại, huyền thoại dân gian đến các tác phẩm nghệ thuật đương đại
luôn là một dòng chảy liên tục và bất tận. Người nghệ sĩ không ngừng tìm kiếm và
sáng tạo nên những biểu tượng tình yêu, diễn ngôn tình yêu mới như một cách để
khám phá sự phức tạp và mầu nhiệm của con người, để nhìn về cuộc sống và ý
nghĩa của cuộc sống. Vì lẽ đó, nghiên cứu “diện mạo” của tình yêu thể hiện qua ngôn
ngữ nghệ thuật luôn là một hiện tượng thú vị, đáng quan tâm.
1.3. Những mối tình đẹp và “khác lạ” trong các tác phẩm văn học, đặc biệt là
tác phẩm kinh điển luôn là nguồn chất liệu quý giá để điện ảnh khai thác và chuyển
thể lên màn ảnh. Tiểu thuyết The English patient (1992) của nhà văn Michael
Ondaatje và The reader (1995) của nhà văn Bernhard Schlink đều là những tác
phẩm kinh điển và đoạt nhiều giải thưởng danh tiếng trên thế giới. Tiểu thuyết The
English patient đã giành giải Booker 1992, còn tiểu thuyết The reader giành được

2


nhiều giải uy tín trên thế giới. Khi được chuyển thể lên thành phim cùng tên The
English patient (1996) của đạo diễn Anthony Minghella và The reader (2008) của
đạo diễn Stephen Daldry, cả 2 bộ phim cũng giành được những giải thưởng điện
ảnh danh giá. Phim The English patient đạt 9 giải Oscar1 và 11 giải Quả cầu vàng.
Phim The reader giành được 1 giải Oscar và 1 giải Quả cầu vàng. Hai mối tình đặc
biệt ở hai bộ phim đã minh chứng một điều: “Phía sau mỗi tình yêu vĩ đại là một
câu chuyện tình vĩ đại” 2.
Vì những lí do trên, luận văn của chúng tôi chọn nghiên cứu tình yêu như là
diễn ngôn trong phim điện ảnh.
2. Lịch sử vấn đề

2.1. Nghiên cứu tình yêu từ góc độ diễn ngôn
Tình yêu – một hiện tượng tâm sinh lý từ khi được gọi thành tên, trước tiên
và quan trọng hơn hết là mối quan tâm của các nghệ sĩ và là đề tài sáng tác của văn
hóa nghệ thuật. Tuy nhiên, tình yêu cũng là đối tượng nghiên cứu của các lĩnh vực
khoa học khác như triết học, tâm lý học, xã hội học, nhân chủng học. Chúng ta
không thể thống kê hết những danh ngôn, định nghĩa, triết lý về tình yêu của các
danh nhân hay của tất cả mọi người trên trái đất, mà mỗi phát ngôn về tình yêu đó
cũng có thể hiểu như là diễn ngôn. Bởi vì theo Paul Ricoeur “Thiết nghĩ, nói một
cái gì đấy về một cái gì đấy là thuộc tính cơ bản của diễn ngôn và, do đó, là thuộc
tính của văn bản như một chuỗi câu văn”3. Trong phần này, do hạn chế về tài liệu
và ngoại ngữ, chúng tôi chỉ tập trung khảo sát và trình bày một số những công trình
khoa học nghiên cứu tình yêu từ góc độ diễn ngôn được đánh giá là bước đột phá,
tiên phong đối với lịch sử văn hóa nhân loại.

1

Oscar lần thứ 69 (1996), The English patient nhận được 12 đề cử và giành 9 giải Oscar, hầu hết là các giải
quan trọng: Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất, Kịch bản chuyển thể hay nhất, Diễn viên phụ xuất sắc
nhất cho Jullette Binoche, Quay phim xuất sắc, Dựng phim xuất sắc, Nhạc nền xuất sắc, Đạo diễn hình ảnh
xuất sắc. Link: ngày truy cập 15/10/2016
2

Lời tựa phim The Notebook (2004) của đạo diễn Nick Cassavetes, ngày truy cập 15/10/2016

3

HTTP://PHEBINHVANHOC.COM.VN/22-DINH-NGHIA-VE-DIEN-NGON/

3


, ngày truy cập 15/10/2016


Siêu hình tình yêu, siêu hình sự chết được xem là một kiệt tác triết học của thế
kỷ 19. Tác giả của nó, triết gia người Đức Arthur Schopenhauer, người được xem là
mở đường cho triết học và tâm lý học vô thức ra đời và phát triển ở châu Âu, đã đưa
ra những quan điểm vừa thấm thía buồn đau vừa hài hước về hai vấn đề quan trọng
nhất của con người: tình yêu và cái chết của nhân loại. Đối với vấn đề tình yêu, ông
đặt ra để rồi trả lời, theo cách riêng của mình, những câu hỏi muôn đời ai cũng thắc
mắc: điều gì khiến tình yêu tồn tại, sự mê đắm một nhan sắc là sao, khoái lạc ám
ảnh gì đến con người? Diễn ngôn tình yêu của Arthur Schopenhauer có thể tóm gọn
trong triết lý “đời sống phát sinh ra vấn đề chết và vấn đề yêu, vì yêu là cái mà nhờ
nó đời sống xuất hiện trên thế gian này” [33, tr.8]. Đối với ông, “mọi loại tình yêu,
dù cho đượm vẻ thanh khiết cách mấy, cũng đều bắt rễ từ bản năng chủng tính, và
chỉ là một bản năng chủng tính được xác định rõ rệt hơn, chuyên biệt hơn, và nói
đúng ra, cá biệt hơn” [33, tr.42].
Khảo luận Siêu lý tình yêu (1892 – 1893) của Vladimir Solovyev, một trong ba
người thầy vĩ đại của Tình yêu, Trí tuệ và Niềm tin trong truyền thống tinh thần
Nga (cùng với Fyodor Dostoievsky, Fyodor Tyutchev), người đặt nền móng cho
triết học tình yêu ở Châu Âu, cho đến nay vẫn là tác phẩm trứ danh nhất, được dịch
ra nhiều thứ tiếng nhất của Solovyev. Siêu lý tình yêu tiếp nối một cách trực tiếp và
có ý thức một truyền thống triết luận có lịch sử 25 thế kỷ ở châu Âu.
Trong tác phẩm này, Solovyev phê phán, hoàn chỉnh các ý tưởng, quan điểm
về tình yêu của nhiều nhà tư tưởng lớn tại nhiều thời đại khác nhau của nhân loại từ
Platon đến LevTolstoy, đến Schopenhauer… Từ đó, ông đã xây dựng được và cung
cấp cho chúng ta một nền tảng nhận thức đặc sắc về tình yêu nam – nữ.
Các quan điểm chính về tình yêu nam nữ của Solovyev là: 1. Ông đề cao tính
cao đẹp của tình yêu nam nữ, không coi đó là ảo giác che đậy nhục dục, một trò
chơi của tự nhiên, là ác quỷ đen tối nô dịch loài người, là một dạng tồn tại trong khổ
đau và cái chết hay duy đạo đức quá như coi tình yêu là phải lấy tình yêu nhân loại

làm trọng, phải khổ hạnh/ vị tha… như tư tưởng của triết gia Schopenhauer, Tolstoy
hay một số tôn giáo. 2. Tình yêu là bước chuyển phôi mầm tiềm năng mới nhú của

4


con người giống như đặc tính trí tuệ là phôi mầm của động vật. Tình yêu còn có sứ
mệnh xa hơn, dài hơn mà cái chân chính là chiến thắng đến cùng chủ nghĩa cá nhân,
gia tăng giá trị vô tận cho con người, nhân tính phân chia nam – nữ, hữu hạn, hữu tử
thành cá thể duy nhất lưỡng tính, tuyệt đối, bất tử. 3. Ông cũng không coi hôn nhân
hợp pháp, sinh đẻ và nuôi dưỡng con cái là sứ mệnh đích thực của tình yêu say đắm
nam – nữ. Tình yêu có sứ mệnh không phải là ở thực tế vật chất đó mà sứ mệnh là
dẫn dắt con người từ thế giới đó (phi lý tưởng) bước sang thế giới lý tưởng hay cải
hóa thế giới phi lý tưởng thành thế giới lý tưởng. 4. Tình yêu đi đôi với lý tưởng
hóa đối tượng yêu, sùng bái hâm mộ người yêu và làm xuất hiện “phép lạ, hào
quang” quanh người yêu như nhìn thấy chân lý về con người – hình ảnh môi giới
giữa Thượng đế thần thánh và thế giới. Tình yêu là phương tiện cho sự nhập thân
đến cùng, đến đích trong đời sống cá thể của con người. 5. Qua tình yêu, người yêu
tuyệt đối hóa người ta yêu làm cho hoàn hảo, trọn vẹn, vô bờ vô hạn. Tình yêu đòi
hỏi bất tử của con người cả tinh thần lẫn thể xác. 6. Ông đề cao tình yêu nam nữ
hơn mọi dạng tình yêu khác bởi nó khẳng định và làm giàu vô tận giá trị của từng cá
thể con người – trong tiềm năng nó dẫn con người tới sự bất tử. Nó vừa là kết quả
của tiến trình lịch sử của chủng loài hữu hạn vừa là bản chất nhân văn của người
gắn với giá trị tuyệt đối, vĩnh hằng của Thượng đế [35].
Solovyev cũng xác định có 5 kiểu biểu hiện của quan hệ nam nữ trong đời
sống nhân loại: 1. Cưỡng ép, 2. Tính dục đơn thuần, 3. Tình yêu nhân tính, 4. Tình
yêu thần tính, 5. Tình yêu thần- nhân tính. Trong đó, cấp độ 3, 4, 5 là biểu hiện của
tình yêu [35].
Nhìn chung, triết học tình yêu của Solovyev cho rằng tình yêu, nhất là tình yêu
hữu tính, là phương thức chủ yếu để hoàn thiện con người và nhân loại trong tiến

trình lịch sử của nó. Tình yêu có khả năng nâng con người lên ngang hàng với thần
thánh. Và do đó, đạt được sự bất tử. Siêu lý tình yêu của ông đã mở rộng phạm vi và
nhiệm vụ của tình yêu, đưa tình yêu từ lĩnh vực quan hệ cá nhân sang lĩnh vực quan
hệ xã hội, và quan hệ giữa loài người với thiên nhiên, vũ trụ.

5


Bên cạnh những diễn ngôn tình yêu trong triết học, trong lĩnh vực tâm lý và
phân tâm học có công trình nghiên cứu Phân tâm học và tình yêu của hai nhà tâm lý
học Sigmunt Freud4 và Erich Fromm5. Trong Ba tiểu luận về lý thuyết tính dục của
mình, Sigmunt Freud đã coi cơ sở của đời sống sinh- tâm lý, thậm chí đời sống tinh
thần, xét cho cùng là bản năng tính dục (libido). Tình yêu là xung lực cơ bản của
sinh tồn, là cái libido dục năng thúc đẩy mọi sinh thể tự thể hiện qua hành động. Vì
vậy, tình yêu tự căn bản là một hiện tượng tính dục. Năm 1920, Freud cho rằng có
hai bản năng chủ yếu: Eros (thần tình yêu trong thần thoại Hy Lạp) là lực sống
và Thanatos (thần chết) là bản năng chết. Theo cách diễn giải của ông, Eros là bản
năng sáng tạo có tổ chức để bảo tồn sự sống và giống loài. Eros là tình yêu và sự
khoái cảm6.
Không hoàn toàn đồng ý với luận điểm trên của Freud, E.Fromm muốn đi tìm
một cơ sở khác cho đời sống tinh thần của con người, trước hết là trong lĩnh vực
tình yêu. Lý thuyết về tình yêu theo ông là một cố gắng hợp nhất (mà không phải
xóa bỏ bản thân mình) của những cá nhân cảm nhận được sự ly cách của phận
người. Bởi sự hợp nhất với người khác (nhất là người khác giới) cũng là một
phương thức hợp nhất với toàn thể 7.
Như vậy, đọc các công trình nghiên cứu tình yêu của các nhà triết học, phân
tâm học, chúng ta có cơ hội được tiếp cận và lĩnh hội tình yêu từ nhiều diễn ngôn

4


Sigmund Freud (6.5.1856 – 23.9.1939) là một bác sĩ về thần kinh và tâm lý người Áo. Ông được công
nhận là người đặt nền móng và phát triển lĩnh vực nghiên cứu về phân tâm học. Cho đến ngày nay mặc dù lý
thuyết về phân tâm học của ông còn gây nhiều tranh cãi và người ta còn đang so sánh hiệu quả của các
phương pháp phân tâm học của ông với các phương pháp điều trị khác, nhưng cũng phải thừa nhận rằng ông
là một nhà tư tưởng có ảnh hưởng lớn trong thế kỷ 20.
5

Erich Seligmann Fromm (23.3.1900 – 18.3.1980) là nhà tâm lý học xã hội, nhà phân tâm học, nhà xã hội
học, triết gia nhân văn và nhà xã hội học dân chủ người Đức
6
/>ngày truy cập
15/10/2016
7

/>15/10/2016

6

ngày

truy

cập


khác nhau. Những quan điểm có khi là ngược chiều vừa giao thoa vừa xung đột với
nhau tạo ra những khám phá bất ngờ và thú vị.
2.2. Nghiên cứu diễn ngôn tình yêu trong văn học và điện ảnh ở Việt Nam
Trong giới hạn tài liệu của chúng tôi thì nghiên cứu tình yêu từ góc độ diễn
ngôn trong văn học và điện ảnh ở Việt Nam vẫn còn rất hạn chế. Chỉ có một số bài

viết, công trình nghiên cứu như: Nghệ thuật xây dựng diễn ngôn tình yêu trong
tương quan giữa văn bản tiểu thuyết Tình yêu thời thổ tả với tiểu sử tự truyện của
G.G.Marquez8 của tác giả Phan Tuấn Anh; luận văn thạc sĩ Mối quan hệ giữa diễn
ngôn đạo đức và diễn ngôn tình yêu/tình dục trong Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn
Dữ của Nguyễn Thanh Bình.
Bên cạnh đó, nếu tiếp cận diễn ngôn tình yêu trong tương quan với diễn ngôn
tính dục theo lý thuyết tính dục của Sigmunt Freud: tình yêu tự căn bản là hiện
tượng của tính dục, cũng như tìm hiểu và khám phá tình yêu trong mối tương quan
hai mặt với tình dục thì có công trình Diễn ngôn tính dục trong phim Nagisa
Oshima (Khảo sát trường hợp The diary of Shinjuku thief, The Ceremony, In the
realm of the sense) của Ngô Thị Thanh [36], là một công trình khoa học hiếm hoi
nghiên cứu diễn ngôn điện ảnh. Trong công trình này, khi khảo sát diễn ngôn tính
dục trong phim của đạo diễn người Nhật Bản Nagisa Oshima - một phong cách làm
phim táo bạo, lạ lùng, cực đoan, tác giả đã chỉ ra những diễn ngôn khắc khoải về
tính dục (trong mối quan hệ liên đới với chính trị, quyền lực, bạo lực và gia đình),
chất chứa một hệ tư tưởng đối thoại, xung đột, gây hấn với các diễn ngôn khác.
2.3. Nghiên cứu diễn ngôn tình yêu từ 2 bộ phim chuyển thể: The English
patient và The reader.
Về tiểu thuyết và phim The English patient, chúng tôi khảo sát được một số
bài viết trên các trang báo uy tín quốc tế: The English patient [42] của Roger Ebert,
nhà phê bình phim nổi tiếng người Mỹ, nhấn mạnh tới ký ức tình yêu của bệnh nhân

8

/>ngày truy cập 15/10/2016

7


người Anh và gọi mối tình của Almásy và Katharine là “tình yêu định mệnh”. Họ

đã tìm thấy nhau trong sa mạc và có những chuỗi ngày tháng lãng mạn tuyệt vời.
Tác giả Philip French trong bài điểm phim The English patient đã gọi chuyện tình
yêu của Almásy và Katharine là “câu chuyện tình yêu siêu việt”. [6, tr.295]. Trên tờ
Variety.com, một tờ báo viết về phim uy tín, tác giả Todd McCarthy trong bài The
English patient [44] cho rằng so với tiểu thuyết gốc, bộ phim đã được đạo diễn
Anthony Minghella tập trung chuyển thể mối tình lãng mạn là chính. Bởi vậy, bộ
phim được đẩy theo hướng melodrama chuyện ngoại tình khá thông thường. Nhưng
mối tình cá nhân trớ trêu này ấn tượng hơn bởi nó liên quan tới các sự kiện lịch sử
sâu rộng. Trong bài tiểu luận Bệnh nhân người Anh – Một bi kịch cổ điển của tình
yêu và nghịch lý [45] trên tạp chí Humanitas, tác giả Juliana Geran Pilon đã phân
tích mối tình ngoại hôn đam mê và tội lỗi của Almásy và Katharine trong sự so sánh
với các bi kịch Hy Lạp cổ đại, khi đặt tình yêu bên cạnh phạm trù đạo đức. Tác giả
khẳng định đây không phải là chủ nghĩa lãng mạn thuần túy, nếu thuật ngữ này
dùng để chỉ sự tôn vinh của cảm giác không biết gì về mặt đạo đức. Bộ phim miêu
tả niềm đam mê trong tất cả sự đáng sợ, thực tế nguy hiểm của nó.
Ở Việt Nam, các bài viết về The English patient chủ yếu giới thiệu về cuốn
tiểu thuyết của nhà văn Michael Ondaatje và tập trung chủ yếu vào câu chuyện tình
yêu của cuốn sách, nhưng chỉ phác qua một cách khái quát. Trải nghiệm yêu thương
và mất mát với Bệnh nhân người Anh [38] của Thụy Thụy cho rằng cuốn tiểu thuyết
“Giàu tính kịch nhưng lại mang đậm âm hưởng của một bản tình ca không biên
giới, giữa những con người thuộc mọi chủng tộc, mọi tầng lớp, Bệnh nhân người
Anh vượt lên trên cả một câu chuyện tình để biến thành một tiểu thuyết đề tài hậu
chiến đầy nhân văn”. Bản hòa ca tình yêu trên nền chiến tranh [1] của Lam Anh
cũng khẳng định đây là “câu chuyện tình yêu cảm động, lấy bối cảnh những năm
cuối của chiến tranh thế giới thứ II ở Italia”. Đọc The English patient [13] của
Nguyễn Thị Hải Hà phân tích cụ thể hơn: “Quyển sách này chứa đựng hai chuyện
tình, một xảy ra trong quá khứ và một xảy ra trong hiện tại (…) Chuyện tình trong
quá khứ là mối tình say đắm, trái ngang và tội lỗi của Almásy và Katharine, xảy ra

8



trong khung cảnh đầy phiêu lưu và rất kỳ bí của sa mạc Sahara và ở Cairo. Chuyện
tình trong thời hiện tại là tình yêu của y tá Hana và Kip, hai con người bị chai đá vì
chiến tranh, diễn ra trong một tòa lâu đài đổ nát của miền Nam nước Italia”. Về bộ
phim chuyển thể The English Patient của đạo diễn Anthony Minghella, hầu như
không có bài viết phê bình nào ngoài những bài tóm tắt nội dung phim trên các
trang xem phim online.
Về tiểu thuyết và phim The reader, chúng tôi khảo sát được một số bài viết
trên báo quốc tế và Việt Nam như sau: Trong bài viết The reader, nhà phê bình
phim Manohla Dargis của tờ The New York time [43] gọi mối tình của Michael và
Hanna trong bộ phim là “một vụ yêu đương khiêu dâm (erotic afair) chuyển hướng
sang một tình yêu đích thực. Đó cũng là cách gián tiếp để nói về Holocaust và thế
hệ của người Đức trưởng thành sau nạn diệt chủng”. Tác giả Đông Nhi trong bài
The reader: những ẩn ức sâu kín [26] phân tích từ tình yêu đầu đời trong sáng đầy
đam mê của Michael với người đàn bà lớn tuổi Hanna đến thời điểm anh biết sự thật
về bí mật tội ác của người mình yêu liên quan tới nạn diệt chủng của phát xít Đức
để bàn tới những vấn đề khác của đạo đức, chính trị. Tác giả kết luận “The reader
đã chạm đến sự yếu đuối, nỗi xấu hổ và cả cách đối diện với chúng trước sự thật”.
Tác giả Anh Mai trong bài The reader – học cách tha thứ để yêu thương [19] trên
trang điện ảnh của báo Vnexpress đã có một bài giới thiệu và phân tích khá sâu sắc
“câu chuyện dị biệt” của Michael và Hanna. Đó là mối tình vượt qua mọi ranh giới
về tuổi tác, địa vị xã hội và thời gian để lại ấn tượng xúc động trong lòng người
xem. Từ câu chuyện tình ngang trái này, bộ phim đặt ra những vấn đề lớn lao về
mối quan hệ giữa hiện tại và quá khứ, giữa cá nhân và cộng đồng. Ngoài ra, hầu hết
các bài viết chủ yếu là tóm tắt nội dung, điểm tin như: The reader – Từ đọc sách tới
phim [40] của Nguyễn Vinh, Xem phim The reader: Lời bào chữa của trái tim trẻ
dại [25] của Phạm Thu Nga, Xem phim The reader và tìm hiểu quá trình từ tiểu
thuyết lên màn ảnh [23] của T.Minh, The reader: chiến tranh và mặc cảm tội lỗi
[37] của Bảo Thạch, Người đọc, câu chuyện tình sử và lịch sử [11] của Bùi Dũng.


9


Nhìn chung, ở Việt Nam tìm hiểu, nghiên cứu về hai bộ phim chuyển thể The
English patient và The reader có rất nhiều bài viết, bài báo đăng trên các báo mạng,
nhưng hầu hết là những bài điểm phim hay những bài bình luận phim, hầu như
không có tài liệu nghiên cứu hai phim này dưới góc độ diễn ngôn tình yêu. Vì vậy,
với đề tài này, chúng tôi mong muốn làm được điều đó.
3. Đối tƣợng, phạm vi và mục đích nghiên cứu
3.1. Đối tượng, phạm vi nghiêm cứu
Trong luận văn này, đối tượng nghiên cứu là diễn ngôn tình yêu từ văn học tới
điện ảnh.
Phạm vi nghiên cứu tập trung cụ thể vào hai bộ phim chuyển thể The English
patient (1996) của đạo diễn Anthony Minghella và The reader (2008) của đạo diễn
Stephen Daldry. Chúng tôi sẽ liên hệ, đối chiếu với văn bản tiểu thuyết đã được
dịch ra tiếng Việt là The English patient (1992) của nhà văn Michael Ondaatje [29]
và The reader (1995) của nhà văn Bernhard Schlink [32]. Từ đó tìm hiểu, phân tích
và gọi tên diễn ngôn tình yêu sáng tạo và đặc trưng nhất từ tiểu thuyết tới hai bộ
phim cũng như ngôn ngữ điện ảnh thể hiện diễn ngôn tình yêu đó.
3.2. Mục đích nghiên cứu
Mục đích của chúng tôi khi lựa chọn nghiên cứu đề tài này là:
- Thứ nhất: khẳng định sự tồn tại của tình yêu với tư cách diễn ngôn, tìm hiểu
các xu hướng tạo lập tình yêu như là diễn ngôn trong điện ảnh.
- Thứ hai: Phân tích, định danh diễn ngôn tình yêu qua hai bộ phim chuyển thể
The English patient (1996) của đạo diễn Anthony Minghella và The reader (2008)
của đạo diễn Stephen Daldry như những quan niệm, những nhận thức sáng tạo mới
mẻ về tình yêu.
4. Phƣơng pháp nghiên cứu
- Phương pháp nghiên cứu liên ngành: Luận văn nghiên cứu sự kiến tạo diễn

ngôn trên cơ sở kết hợp các diễn ngôn văn học, mỹ học, điện ảnh.
- Phương pháp phân tích văn bản và liên văn bản: phương pháp này được
chúng tôi sử dụng để làm rõ ý nghĩa sự thể hiện tình yêu trong các tác phẩm, đồng

10


thời xem xét chúng trong tương quan với các diễn ngôn khác (phim chuyển thể, các
văn bản cùng chủ đề...) để thấy được tính chất độc đáo của chúng.
- Phương pháp phân tích – tổng hợp
- Phương pháp so sánh, đối chiếu liên văn bản: được sử dụng trong quá trình
so sánh một số vấn đề của điện ảnh với văn học, của các tác phẩm điện ảnh khác
nhau cùng đề tài và chủ đề.
5. Cấu trúc của luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận và tài liệu tham khảo, luận văn gồm các nội dung
chính sau:
Chương 1: Tình yêu như là diễn ngôn
Chương 2: The English patient – Ký ức tình yêu như là sự hình thành căn tính
Chương 3: The reader – Tình yêu như là mã văn hóa trong hệ quy chiếu chính trị.

11


CHƢƠNG 1: TÌNH YÊU NHƢ LÀ DIỄN NGÔN
1.1. Khái niệm diễn ngôn
Ngày nay, có thể thấy thuật ngữ diễn ngôn không chỉ được sử dụng trong các
ngành nghiên cứu mà còn được sử dụng khá phổ biến trong cuộc sống. Dường như
mọi phát ngôn của con người đều có thể dễ dàng quy kết thành diễn ngôn. Vậy thực
chất Diễn ngôn là gì? Và nếu coi một tác phẩm nghệ thuật, với tư cách là một diễn
ngôn, thì chúng ta có những cách thức, dấu hiệu nào để nhận diện diễn ngôn?

Thuật ngữ Discourse được dịch theo nhiều cách, tùy vào từng lĩnh vực khoa
học khác nhau mà có thể gọi là: giải trình ngôn ngữ, diễn ngôn, ngôn bản, ngữ
trình, diễn từ, lời nói... Rõ ràng, ngay từ việc dịch thuật ngữ Discourse, đã chứng tỏ
sự khó khăn của việc nắm bắt nội hàm khái niệm. Thuật ngữ diễn ngôn được sử
dụng trong hầu hết các lĩnh vực: văn học, điện ảnh, hội họa, âm nhạc, chính trị, y
học... Ở mỗi ngành/ lĩnh vực khác nhau, lại có những cách hiểu về diễn ngôn khác
nhau. Trong cuốn Discourse, tác giả Sara Mills cho rằng "diễn ngôn là thuật ngữ có
phạm vi nghĩa khả hữu rộng nhất so với bất cứ thuật ngữ nào của lý luận văn học và
văn hóa” [22]. Quan điểm Bakhtin trong tiểu luận Vấn đề các thể loại lời nói, cho
rằng “đối thoại là bản chất của diễn ngôn”, ngoài ra tính chất “chủ thể của diễn
ngôn” cũng được ông nhấn mạnh. Trong các tư tưởng về diễn ngôn, chúng tôi nhận
thấy tư tưởng về diễn ngôn của Foucault là sợi chỉ đỏ không chỉ lý giải toàn bộ sự
nghiệp trước tác của ông mà còn là căn cứ khá đầy đủ và hữu ích trong việc lý giải
các diễn ngôn thời đại. Foucault cho rằng: “Nếu coi quyền lực và tri thức là hai mối
quan tâm lớn nhất của Foucault thì diễn ngôn là một mắt xích không thể thiếu để
tìm hiểu hai yếu tố này. Với Foucault, cả tri thức và quyền lực đều chỉ có thể được
tạo ra, được hiện thực hóa, được vận hành và phân phối bởi và trong diễn ngôn”
[22]. Foucault tập trung nghiên cứu các điều kiện hoạt động của các diễn ngôn đặc
thù, ông đề cập đến việc coi diễn ngôn ngang với những sự kiện, hành động tạo
nghĩa. Do vậy mà Foucault cho rằng cần thiết phải có nghiên cứu về những điều
kiện hình thành diễn ngôn. Trong bài viết Thế nào là tác giả?, ông thấy không phải
diễn ngôn nào cũng có “chức năng tác giả”. Ngược lại, những diễn ngôn hậu hiện

12


đại chỉ có thể được chấp nhận với điều kiện nó phải có “chức năng tác giả”. Không
thể có một diễn ngôn hiện đại, hậu hiện đại, hay một diễn ngôn đúng nghĩa nếu
không biết tác giả, chủ thể diễn ngôn. Vai trò tác giả, đặc điểm phong cách tác giả,
là hướng nghiên cứu quan trọng không chỉ trong văn học mà còn trong điện ảnh.

Một diễn ngôn phải có tên tác giả để người ta thấy rằng “điều này đã được nói đến
bởi người này” [16].
Soi chiếu một vài diễn ngôn với tư cách là những “đại tự sự” từ những góc độ
lý thuyết mà chúng tôi đã dẫn giải ở trên sẽ thấy diễn ngôn không đơn giản chỉ là
tuyển tập các tuyên bố, nhận định nhất thời, giản đơn mà diễn ngôn phải có tính đối
thoại (quan điểm Bakhtin), có chủ thể diễn ngôn, có tính quyền lực và tri thức (quan
điểm Foucault).
Ở lĩnh vực khoa học nghệ thuật, diễn ngôn đã trở thành một thuật ngữ quan
trọng trong các công trình nghiên cứu của các trường phái: Phân tích diễn ngôn phê
phán, Chủ nghĩa hậu hiện đại, Chủ nghĩa thuộc địa và hậu thuộc địa, Lý thuyết nữ
quyền… Trong cuốn Giáo trình văn học Việt Nam – Ba mươi năm đầu thế kỷ XX,
Phạm Xuân Thạch cho rằng "diễn ngôn là một sản phẩm của một hành vi ngôn ngữ,
nó bắt buộc người nghiên cứu diễn ngôn không chỉ quan tâm đến nội dung của diễn
ngôn mà cả thái độ của người phát ngôn. Như các nghiên cứu về diễn ngôn đã
chứng minh, có hai loại thái độ cơ bản: hoặc người phát ngôn đồng nhất diễn ngôn
của mình với chân lí về hiện thực, hoặc anh ta đặt luôn vấn đề về tính xác thực của
chính những điều mà anh ta phát biểu" [41, tr.414]. Nghiên cứu diễn ngôn trên cơ
sở nền tảng ý thức hệ, người viết đã chỉ ra "những chiến lược tạo nghĩa cơ bản trong
diễn ngôn tự sự, từ kiểu diễn ngôn ý thức hệ, kiểu diễn ngôn có tính phê phán, cho
đến kiểu diễn ngôn có tính giễu nhại ý thức hệ đã manh nha trong tự sự giai đoạn
này" [41, tr.419].
Từ những dẫn giải trên, có thể thấy hầu hết các tài liệu khoa học tập trung thực
hành phân tích cắt nghĩa lý giải diễn ngôn trong ngôn ngữ, văn chương. Trong khóa
luận này, chúng tôi nghiên cứu diễn ngôn trong tác phẩm điện ảnh. Mỗi một lĩnh
vực khoa học, hay phạm vi tri thức đều có một mã ngôn ngữ, lớp ngôn ngữ, dạng

13


thức ngôn ngữ khác nhau để diễn đạt biểu hiện diễn ngôn. Ngôn ngữ tác phẩm điện

ảnh khác với ngôn ngữ tác phẩm văn học, càng khác biệt hơn nữa so với ngôn ngữ
hình thể trên sân khấu. Do vậy, tất yếu sẽ tạo hình thành các lớp diễn ngôn khác
nhau, dẫn đến việc hình thành diễn ngôn và tính chất diễn ngôn một cách khu biệt.
“Do chỗ con người sử dụng diễn ngôn để kiến tạo nghĩa về thế giới nói chung, thiết
lập nghĩa về một hiện tượng, một vật thể nào đó nói riêng cho nên muốn lý giải diễn
ngôn cần phải đặt nó trong quan hệ với sự vật, và tìm hiểu cách người ta nhìn sự
vật, hiện tượng như thế nào” [16]. Đồng thời diễn ngôn điện ảnh còn thể hiện rất rõ
phong cách, dấu ấn đạo diễn, bản sắc ngôn ngữ điện ảnh (qua sự thể hiện góc quay,
cỡ máy, hình ảnh, âm thanh...). Nghiên cứu diễn ngôn điện ảnh cần phải có sự so
sánh phân tích những diễn ngôn và quan hệ “liên văn bản” giữa các diễn ngôn.
Diễn ngôn điện ảnh cũng có điểm tương đồng với diễn ngôn văn học. Chỉ có
thể được coi là một diễn ngôn khi diễn ngôn ấy phải được “sinh hạ” trong môi
trường xã hội, vì vậy nó phải có tính xã hội và tính đối thoại rõ nét. Dù diễn ngôn
mang đậm sắc màu, cảm quan cá nhân của đạo diễn, nhưng diễn ngôn hoàn toàn
không đơn giản chỉ là tư tưởng, những tuyên cáo trong một xã hội lạc loài, không có
thực, diễn ngôn ẩn chứa bên trong bản thể của nó những vấn đề hiện sinh của cuộc
sống. Do vậy, khi nghiên cứu diễn ngôn một điều quan trọng nữa phải đặt diễn ngôn
ấy vào trong điều kiện xã hội, hoàn cảnh xã hội và các phong trào văn hóa trong lịch
sử loài người.
Trong luận văn này, chúng tôi nghiên cứu diễn ngôn tình yêu trong điện ảnh
qua sự khảo sát, phân tích hai bộ phim chuyển thể The English patient (1996) của
đạo diễn Anthony Minghella và The reader (2008) của đạo diễn Stephen Daldry. Từ
đó làm rõ nội dung diễn ngôn, chủ ý của diễn ngôn, địa vị và thái độ của chủ thể
diễn ngôn.
1.2. Vấn đề chuyển thể tác phẩm văn học sang điện ảnh
“Lịch sử quan hệ giữa phim ảnh và văn chương là một lịch sử yêu ghét lẫn
lộn, đương đầu và phụ thuộc lẫn nhau. Từ cuối thế kỷ 19 cho tới nay, hai cách nhìn
và mô tả thế giới này đã nhiều lần khinh thường nhau, cứu rỗi nhau, học hỏi từ nhau

14



và làm méo mó bản ngã tự phong của nhau” [9, tr.7]. Cho tới nay, khái niệm chuyển
thể không còn là một thuật ngữ quá mới mẻ. Nó có mặt ở khắp các nơi từ trong tác
phẩm văn học, điện ảnh, truyện tranh, hội họa, âm nhạc phê bình cho tới cuộc sống
bên ngoài. Bởi vậy, việc tìm hiểu thuật ngữ chuyển thể nói chung và tìm hiểu những
vấn đề trong việc chuyển thể từ tác phẩm văn học sang điện sẽ giúp cho người đọc
hiểu rõ được bản chất của vấn đề, từ đó sẽ hiểu được việc các nhà làm phim đã làm
như thế nào để xây dựng một bộ phim hay, mới mẻ trên cơ sở tiếp nhận và tái tạo
những yếu tố nghệ thuật từ nguyên tác văn học.
Phim chuyển thể là một vấn đề thu hút rất nhiều sự quan tâm của nhiều nhà
nghiên cứu điện ảnh trong và ngoài nước. Trong lịch sử điện ảnh, thuật ngữ chuyển
thể đã trở thành một chủ đề cho nhiều cuộc tranh luận. Theo Michel Serceau “nó đã
được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực nghệ thuật của phương Tây từ năm 1885, tức
là mười năm trước khi điện ảnh xuất hiện với ý nghĩa ban đầu của nó nhằm để chỉ
việc cải biên một tiểu thuyết thành một vở diễn trên sân khấu” [10]. Đến những năm
1920, Jacques Feyder cho rằng, chuyển thể là “sự chuyển đổi sang hình ảnh” hay
còn gọi là sự dịch (traduction). Tuy nhiên, định nghĩa ban đầu này còn rất chung
chung và trừu tượng. Chưa thể giúp người đọc hình dung ra và hiểu được bản chất
của vấn đề chuyển thể trong điện ảnh. Quan niệm chuyển thể của các nhà nghiên
cứu đi trước vẫn chưa thực sự làm hài lòng các chuyên gia. Vẫn tiếp tục có những
quan niệm mới tìm cách đối lập và làm rõ thêm vấn đề chuyển thể trong lịch sử điện
ảnh thế giới.
Năm 1954, André Bazin đưa ra quan niệm “Chuyển thể có thể và phải là một
công việc đạt đến độ tái tạo lại những gì cốt yếu nhất của từ ngữ và của trí tuệ/ tư
duy trong văn bản văn học” [10]. Xét trên lĩnh vực ngôn ngữ và phong cách trong
sáng tạo điện ảnh, quan niệm của Bazin không đề cao việc dịch một tác phẩm hoàn
toàn chuẩn xác (mot à mot) cũng như việc dịch tự do giống như “cưỡng bức” tác
phẩm văn học gốc. Còn nhà nghiên cứu Francois Truffaut khi bàn về quan niệm
chuyển thể đã nhấn mạnh việc tránh tìm kiếm những gì tương đương của hình ảnh


15


phim với hình thức của văn học và ngược lại giữ nó ở mức độ gần nhất có thể với
tác phẩm gốc” [10].
Tới năm 1961, Etienne Fuzelleir khi nói đến chuyển thế đã sử dụng hai thuật
ngữ : dịch/ diễn đạt và chuyển điệu/ dịch giọng. Ông cũng thiết lập mối quan hệ
tương đương giữa hai thuật ngữ. Trong đó, dịch được coi là chuyển thể/ cải biên và
cải biên đó là quá trình chuyển điệu từ một ngôn ngữ này sang một ngôn ngữ khác.
Khái niệm chuyển thể được tìm thấy trong quan niệm của Fuzelleir mang một ý
nghĩa kép. Có một khoảng trống ở bản thân nội dung của khái niệm, một cách nhìn
“tiêu cực” với việc dịch. Ông đã đặt khá nhiều tin tưởng vào tiềm năng của khái
niệm chuyển thể.
Ở Pháp, trong từ điển Lý luận và phê bình điện ảnh của Pháp có định nghĩa:
“Chuyển thể trong một khái niệm thiếu rõ ràng và ít lý luận có mục đích chính trong
sự lượng giá. Còn trong những trường hợp rõ ràng hơn đó là việc đưa ra, theo đuổi
và phân tích tiến trình của sự chuyển đổi một tiểu thuyết thành kịch bản điện ảnh và
phim: sự chuyển đổi các nhân vật, các địa điểm, các cấu trúc thời gian, thời điểm
xảy ra hành động và tiếp theo là kể các sự kiện. Quá trình miêu tả mang ý nghĩa
lượng giá cho phép đánh giá cấp độ trung thành của chuyển thể, được hiểu thông
qua việc thống kê các sự kiện của tác phẩm gốc trên phim [10]. Với định này, các
nhà nghiên cứu người Pháp đã tập trung nói tới những yếu tố nào sẽ được chuyển
thể từ văn học sang điện ảnh và cách nhà làm phim sắp xếp lại cái yếu tố đó trong
phim. Các nhà nghiên cứu cũng nhấn mạnh tới mức độ trung thành với tác phẩm
gốc trong quá trình chuyển đổi từ nguyên tác văn học sang tác phẩm điện ảnh.
Hollywood – kinh đô điện ảnh của thế giới luôn coi chuyển thể là nghệ thuật
cấu trúc lại tác phẩm gốc bằng cách chỉ giữ lại những gì liên quan đến hình ảnh. Đối
với nhiều nhà biên kịch ở Hollywood, quan niệm chuyển thể của họ không chỉ dừng
lại ở tiểu thuyết mà còn mở rộng sang các thể loại khác có tính văn học, một bài

thơ, một bài báo, một tiểu sử, thậm chí chuyển thể một tác phẩm đã được chuyển
thể. Quan niệm chuyển thể theo hướng mở rộng này được Fischlin và Fortier tóm
gọn như sau: “chuyển thể như là một khái niệm có thể mở rộng hoặc rút gọn, cụ thể

16


hơn, chuyển thể bao gồm gần như bất kỳ một hành vi thay đổi nào được thực hiện
trên những tác phẩm văn hóa cụ thể của quá khứ để gọt rũa để vừa vào một quá
trình tái sáng tạo văn hóa chung chung” [10].
Thực tế là các tác phẩm văn học, đặc biệt là những tác phẩm kinh điển đã
chinh phục nhiều người trên thế giới hay những cuốn sách best-seller bán chạy luôn
là nguồn chất liệu hấp dẫn để nền công nghiệp điện ảnh Hollywood hiện thực hóa
chúng lên màn ảnh. Đó là một trong những lựa chọn, có thể nói là công thức thành
công cho một bộ phim đạt doanh thu lớn về mặt thương mại. Theo thống kê, có hơn
60% kịch bản phim đã từng được sản xuất là kịch bản chuyển thể [12, tr.19]. “Trong
số khoảng 160 cuốn tiểu thuyết đoạt giải Booker kể từ khi giải thưởng này ra đời
năm 1969, có tới 25 cuốn đã được chuyển thành phim điện ảnh hoặc truyền hình”
[6, tr.292]. Năm 1980, khoảng 30% phim Mĩ được chuyển thể từ các tiểu thuyết, 80%
các tiểu thuyết bán chạy ở Mĩ được chuyển thể thành phim [6, tr. 209].
Trong danh sách giải thưởng của Oscar - giải thưởng điện ảnh danh giá nhất
hành tinh, ngay từ những kỳ trao giải đầu tiên (năm 1928 – 1929), bên cạnh giải
Oscar cho Kịch bản gốc hay nhất (Best Writing - Original Screenplay) luôn có hạng
mục giải Oscar cho Kịch bản chuyển thể hay nhất (Best Writing - Adapted
Screenplay). Trong 81 bộ phim được trao giải Oscar cho Kịch bản chuyển thể hay
nhất từ năm 1928 đến nay, có 50 bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết, 6 bộ phim
được chuyển thể từ truyện ngắn, 17 phim được chuyển thể từ kịch [10]. Những năm
gần đây, rất nhiều bộ phim chuyển thể “đình đám” - được công chúng đón nhận
nhiệt tình, thiết lập nên những kỷ lục về doanh thu phòng vé đồng thời được giới
phê bình phim quốc tế đánh giá cao.

Hollywood có hẳn công thức làm phim chuyển thể 9. Ngoài chiến lược thỏa
hiệp giữa tính thương mại và tính nghệ thuật, sự thành công với doanh thu đáng mơ
ước từ những phim chuyển thể của Hollywood còn nằm trong quan niệm và cách

9

/>
2864147.html, ngày truy cập 15/10/2016

17


tiếp cận tác phẩm văn học của những nhà làm phim. Có thể thấy xu hướng bình dân
và đại chúng hóa những điều lớn lao từ các tượng đài văn học thành những điều
giản dị, gần gũi chính là một trong những điểm then chốt khiến điện ảnh Hollywood
đến gần được với công chúng. Cụ thể hơn, bí quyết thành công đầu tiên nằm ở xu
hướng chọn đề tài. Với tinh thần hướng tới đại chúng, phim của Hollywood nói
chung và phim chuyển thể của Hollywood nói riêng chủ yếu khai thác những đề tài
thu hút số đông khán giả ở mọi tầng lớp và mọi dân tộc. Bên cạnh các đề tài “đặc
sản” của Hollywood như hành động, tội phạm, kinh dị, siêu anh hùng, khoa học viễn
tưởng… thì tâm lý tình cảm là một đề tài khai thác chưa bao giờ cạn kiệt, đồng thời
cũng là thể loại gần như sớm nhất và được ưu tiên hàng đầu trong nền điện ảnh này.
Trường hợp hai bộ phim The English patient và The reader cũng nằm trong
công thức phim chuyển thể của Hollywood. Tiểu thuyết The English patient của nhà
văn Michael Ondaatje đoạt giải The Booker năm 1992, mặc dù được đánh giá là cuốn
sách “khó đọc” nhưng chỉ sau 4 năm, nó đã được chuyển thể lên màn ảnh thành bộ
phim cùng tên của đạo diễn Anthony Minghella, đạt 9 giải Oscar và trở thành phim
hay nhất trong năm 1996. Còn The reader, một tiểu thuyết mỏng manh chưa đến 200
trang nhưng đã đoạt vô số giải thưởng uy tín ở các nước châu Âu. Một dấu hiệu khác
cho thấy cuốn sách sẽ được chuyển thể thành phim đó là trong quá trình viết The

reader, nhà văn Berhard Schlink đã có ý thức viết sao để lôi kéo sự chú ý của
Hollywood để tác phẩm được chuyển thể lên phim [32, tr.5]. Rõ ràng, các nhà làm
phim Hollywood đã nhìn thấy trong hai tác phẩm những câu chuyện tình yêu ấn
tượng và khác biệt có thể chinh phục được người xem trên khắp thế giới. Không chỉ
vậy, những mối tình đó được “viết lại” trên phim, với ngôn ngữ đặc trưng của loại
hình điện ảnh và phong cách, góc nhìn cá nhân của đạo diễn, đã hình thành và kiến
tạo nên những diễn ngôn tình yêu mới mẻ.
1.3. Khái niệm và biểu tƣợng tình yêu
Tình yêu trong tiếng Hy Lạp cổ là Eros, tiếng Pháp là Amour, tiếng Anh là
Love, tiếng Trung Hoa là Ái (愛).

18


Người Hy Lạp cổ chia tình yêu thành 4 dạng khác nhau. Storge là dạng quan
hệ gần gũi của họ hàng hay người thân. Eros là dạng tình yêu trai gái, cảm xúc lãng
mạn. (khi Freud xuất hiện với học thuyết của mình, chữ này mang thêm nghĩa
erotic- ham muốn tình dục). Agape là dạng tình yêu vô điều kiện, sự ngưỡng mộ
điều gi đó cao hơn bản thân (các giá trị tôn giáo). Phillia là dạng tình bằng hữu, hay
tình yêu tri thức.
Trong Kinh Thánh, Tụng ca tình yêu là bức thư thứ nhất của sứ đồ Paul thành
Tarsus gửi tín hữu Corinth (1 Corinthians 13, 1-13), là bài hát ca ngợi tình yêu cũng
như cố gắng diễn giải và đưa ra các đặc tính của tình yêu. Tụng ca tình yêu đôi khi
được gọi là Diễm ca của Tân Ước. Theo sứ đồ Paul, quà tặng tình yêu đem lại ý
nghĩa và giá trị cho mọi đức tin. Ông cho rằng tình yêu là sự khao khát điều thiện và
hạnh phúc. Đó là món quà bất vụ lợi, là sức mạnh chiến thắng sự ích kỷ. Trong
Tụng ca tình yêu, sứ đồ Paul dùng từ ảγάπη để chỉ khái niệm tình yêu, một từ với
nguồn gốc không chắc chắn. Trong ngôn ngữ tiền Kinh Thánh, từ này hoàn toàn
không được dùng dưới dạng danh từ. Nó chỉ được dùng như động từ hay tính từ . Ở
dạng động từ, nó có nhiều nghĩa (biểu lộ tình thân ái, thuyết phục, âu yếm, khao

khát, thỏa mãn, hài lòng…), nhưng ý nghĩa thông dụng nhất của nó là “biểu lộ tình
yêu”. Ở dạng tính từ nó được dùng trong các trường hợp như “đứa con yêu” để chỉ
đứa trẻ được yêu nhất trong số các con. Dạng danh từ được đưa vào lần đầu tiên
trong bản dịch sách Diễm ca, nơi nó được dùng để chỉ tình yêu, và trong Tân Ước
nó đã trở thành từ cơ bản của khái niệm tình yêu. Nhưng từ ảγάπη không có chút
“sức mạnh kỳ diệu” nào của từ ẻρãν (yêu đương), mà nó có cái gì đó thuộc về tình
thân ái của φιλεĩν (yêu quý, quý mến). Trong Kinh Thánh ở Hy Lạp nó được dùng
để chỉ tình yêu của Chúa 10.
Bởi Kinh Thánh quan niệm về tình yêu như vậy, nên trong Siêu lý tình yêu,
triết gia V.Solovew đã dẫn ra rằng: “Theo Tuyệt diệu ca và sách Khải huyền,
“Không phải ngẫu nhiên mà những quan hệ nam nữ không những được gọi là tình

10

ngày truy cập 15/10/2016

19


yêu, mà còn, theo quan niệm chung, biểu thị bản chất tình yêu, là kiểu mẫu và lý
tưởng của mọi thứ tình yêu khác” [35, tr.244].
Trong văn hóa truyền thống Trung Hoa, yêu (愛 – ái) là sự kết hợp của chữ
tâm (心) và chữ thụ (受) – nghĩa là nhận lấy, đón lấy. Chữ tâm đứng chính giữa chữ
thụ, vì vậy mà yêu giống như một bàn tay đang trao tặng trái tim vào một bàn tay
khác. Ở đây, yêu được mô tả là tình cảm xuất phát từ tâm hồn, vô tư, không vị kỷ11.
Như vậy, khởi thủy, Tình yêu là một khái niệm rộng, bao hàm hết các nghĩa
yêu thương, mà theo từ điển Wikipedia định nghĩa: “Tình yêu là một loạt các cảm
xúc, trạng thái tâm lý, và thái độ khác nhau dao động từ tình cảm cá nhân đến niềm
vui sướng. Tình yêu thường là một cảm xúc thu hút mạnh mẽ và nhu cầu muốn
được ràng buộc gắn bó. Nó cũng có thể là một đức tính đại diện cho lòng tốt của

con người, sự nhân từ, và sự thông cảm”12.
Tuy nhiên, trong 4 dạng thức của tình yêu, người Hy Lạp cổ đã dùng từ Eros
để chỉ một dạng cảm xúc lãng mạn thuộc về quan hệ nam – nữ. Trong học thuyết về
nguồn gốc vũ trụ của đạo Orphée cũng cho rằng “khởi thủy thế giới là Đêm và Hư
không. Đêm đẻ ra một quả trứng, từ quả trứng ấy nở ra thần Ái tình Eros, trong khi
ấy thì Đất và Trời hình thành từ hai nửa vỏ trứng vỡ. Eros, vị thần đẹp nhất giữa
các thần bất tử, có sức làm tê liệt tứ chi, xâm chiếm lồng ngực mọi thần linh và
người trần, chế ngự mọi trái tim và trí khôn. (…) chàng vừa là con của Aphrodite
Pandemos, nữ thần của nhục dục, thô bạo, vừa là con của Aphrodite Ourania, nữ
thần của tình yêu thanh khiết. Chàng cũng có thể sinh ra, theo nghĩa tượng trưng, từ
sự giao cấu giữa Poros (Mưu trí) và Pesnia (Bần cùng), bởi vì chàng vừa luôn luôn
không thỏa mãn trong những cuộc săn tìm đối tượng của mình lại vừa đầy mánh
khóe nhằm đạt được mục đích. Eros hay được biểu hình hơn cả như một cậu bé hay
một thiếu niên có cánh khỏa thân, bởi vì thần hiện thân cho một dục vọng không cần

11

ngày truy cập 15/10/2016
12 ngày truy cập 15/10/2016

20


đến môi giới và không biết che giấu mình. Việc thần Eros là một đứa trẻ tượng
trưng cho sự trẻ trung vĩnh viễn của mọi tình yêu sâu sắc, nhưng đồng thời cũng cho
một sự vô trách nhiệm nhất định” [7, tr.927].

Thần tình yêu Eros

Theo từ điển Wikipedia tình yêu giữa hai giới tính nam và nữ (hoặc giữa

những người cùng giới) được định nghĩa là "Hệ quả của sự kết hợp giữa bản năng
và trí tuệ của con người". Cảm xúc về tâm hồn tạo ra tình bạn; cảm xúc về tri thức
tạo ra lòng kính trọng; cảm xúc về thể xác tạo ra lòng ham muốn. Cả ba cái này
cộng lại là Tình yêu13. Bản chất của tình yêu nam – nữ không chỉ là sự thăng hoa về

13

, ngày truy cập 15/10/2016

21


cảm xúc mà còn có những ham muốn tình dục bản năng. Hai yếu tố này hợp nhất,
giao hòa “không chỉ bảo đảm sự nối tiếp liên tục của các nòi giống, mà cả sự liên
kết nội tại của hoàn vũ” [7, tr.927].
Trong luận văn này, khi lựa chọn đề tài Diễn ngôn tình yêu trong phim The
English patient và The reader, chúng tôi đã xác định ý nghĩa và giới hạn của khái
niệm tình yêu, bản chất tình yêu trong dạng thức Tình yêu nam – nữ.
Bản chất của tình yêu nam nữ luôn được xem là bí ẩn và khó định nghĩa nhất.
Tính chất phức tạp và trừu tượng của dạng tình yêu này đã tạo ra muôn vàn các định
nghĩa, triết lý, diễn ngôn về tình yêu trong đời sống cũng như trong lĩnh vực văn
hóa nghệ thuật. “Bất chấp mọi bất hạnh và mọi tồi tệ, chúng ta vẫn luôn tìm kiếm
tình yêu và được yêu. Trên mặt đất này, tình yêu là cái gần cận nhất với phúc lớn
của những niềm hạnh phúc” [28, tr.127].
Trong bài tiểu luận Tình yêu – lửa hai ngọn, Octavio Paz đã khái quát rằng
“sau hai ngàn năm, ở phương Đông và phương Tây, trí tưởng tượng tạo ra những
đôi uyên ương lý tưởng đã kết tinh những ham muốn, những ước mơ, những nỗi hãi
hùng và những ám ảnh của chúng ta… Là những biểu tượng của tình yêu, những
cặp uyên ương này đã biết một niềm hạnh phúc ngoại hạng nhưng cũng là một kết
cục bi thương” [28, tr.127]. Mặc dù là huyền thoại Do Thái – Cơ đốc giáo, Adam và

Eva chính là cặp uyên ương căn bản “khởi thủy và chung cục của mỗi cặp uyên
ương”. Adam và Eva không chỉ là biểu tượng của tình yêu, ham muốn bản năng
trong tình yêu, mà còn là hình ảnh của thân phận con người, thân phận tình yêu. Hai
người sống ở Thiên đường, nơi thời gian “vĩnh hằng”, nhưng vì tội lỗi “nếm trái
cấm” khi ý thức về giới tính và xác thịt trần trụi của nhau, cả hai đã bị ném vào
“thời gian liên tục, vào sự thay đổi, vào tai biến, vào lao động và vào cái chết” [28,
tr.126]. Mỗi một cặp uyên ương sau họ, con cháu của họ đã sống lại lịch sử của
mình, đau cái nỗi hoài niệm về Thiên đường của tình yêu. Từ cặp uyên ương căn
bản Adam và Eva, Octavio Paz cho rằng “Sáng tạo lại tình yêu là sáng tạo lại cặp

22


×