CHIẾN LƯỢC HỌC TẬP ĐỂ ĐẠT ÍT NHẤT 25 ĐIỂM KHỐI A CHO TEAM
99 ÔN THI ĐẠI HỌC
Chào em, hi vọng cái tít anh vừa giật có thể giữ em đủ lâu để em đọc hết bài viết
này ^^! Hãy tin rằng thời gian để đầu tư đọc bài viết này sẽ tạo ra nhiều thay đổi
đáng kể trong cuộc sống của em, nhất là việc ôn thi đại học, và nếu thực sự là vậy
thì hãy nghiêm túc làm theo những gì em cho là đúng nhé ^^!
Như vậy là kì thi THPT Quốc gia năm 2016 đã qua, điểm cũng đã có, bây giờ chỉ
còn đợi xét tuyển nữa là xong. Cây gậy tiếp sức đã được truyền vào tay 99ers,
những người sẽ tiếp tục chiến đấu và chứng tỏ bản thân mình, chính là em đó, có
thấy run không? Nếu run thì anh hi vọng em đọc xong bài viết này còn “run hơn”
để ôn thi thật hiệu quả nhé ^^, anh viết bài này hết sức nghiêm túc và bằng kinh
nghiệm, quan sát thực tế của anh, nếu em làm theo anh tin là em sẽ đạt được kết
quả xứng đáng.
Trước đây vào tháng 3/2016 anh cũng đã viết một bài về ôn thi đại học cho 98ers,
mặc dù lần đó nhận được khá nhiều phản hồi tích cực nhưng anh vẫn có chút nuối
tiếc vì không viết bài đó sớm hơn, học sinh có thể đạt kết quả cao hơn, nên lần này
anh quyết tâm viết ngay từ giai đoạn đầu tiên cho 99ers để em còn yên tâm mà ôn
thi đại học, anh không muốn em mất 6 tháng lo sợ, hối tiếc, rồi lại lo sợ về ôn thi
đại học, anh muốn em tự tin ngay từ đầu. Anh cũng không thể phủ nhận rằng áp lực
cho bài viết này là rất lớn, vì nó buộc phải chất lượng hơn và có quan điểm rõ ràng
hơn, làm sao để nó là cái xương sống giúp em ôn thi hiệu quả, đạt kết quả cao. Anh
hứa là anh sẽ làm hết sức.
Đầu tiên, anh xin sơ qua về tình hình của anh hai năm về trước, có thể em sẽ thấy
mình trong câu chuyện của anh, vậy thì rất tốt, khi có sự đồng cảm, em sẽ học tốt
hơn. Hai năm trước tại thời điểm này anh cũng rất lo sợ không biết ôn thi như thế
nào cho hiệu quả đây, anh cứ nhảy hết từ giáo viên này sang giáo viên khác hi vọng
tìm được một “bí kíp” nào đó, một cô giáo nào đó có thể vực dậy mình, nhưng cuối
cùng sau từ 3 – 5 tháng học tập, câu trả lời anh nhận được vẫn là con số 0, và anh
chưa bao giờ thấy mình học được cẩn thận bất cứ cái gì cho ra hồn, tóm lại vẫn là
bế tắc, bế tắc và bế tắc, điều đó quá khủng khiếp so với áp lực khổng lồ từ giáo
viên, gia đình, bạn bè. Em có thấy vậy không?
Vài tháng sau, anh thi thử lần một vào đầu tháng 1, được 17 điểm. Nhưng điểm số
không quan trọng, cái quan trọng là anh không biết làm thế nào để tăng được điểm
số của mình lên, không có hướng nào cả. Nhà trường bắt học thêm 5 buổi chiều 1
tuần, việc đó càng làm anh mệt mỏi hơn vì kiến thức thu được quá ít mà lại tốn quá
nhiều thời gian. Anh cảm thấy hầu hết các buổi học thêm anh đi học, đều không
giúp anh tăng điểm của mình, không hiệu quả, chán nản, thất vọng, mệt mỏi, đó
thực sự là cảm giác của anh 1 năm về trước. Em đã từng có cảm giác là 1 tuần đã
trôi qua mà mình không thực sự học thêm được một điều gì hay nên bắt đầu từ đâu
chưa? Hoặc là học đến phần sau, quên luôn phần trước, không nhớ những thứ quan
trọng, và thường xuyên phải thất vọng? Anh cũng vậy thôi. Học thêm quá nhiều
đến mức không kịp ôn lại và về nhà không đủ thời gian để học, em có gặp trường
hợp như vậy không? Tệ hại hơn, anh thực sự bị mất phương hướng và sợ hãi rằng
mình sẽ không thể đỗ được. Anh nghĩ ” Ôi!! Khó quá!! Sao ôn thi vào cấp 3 thì ít
kiến thức vậy mà thi đại học lại quá nhiều thế này? Mình không làm được, mình
không làm được”, điều đó cứ văng vẳng trong đầu anh và khiến anh lo sợ, anh chỉ
ước rằng mình không phải đối mặt với kì thi này, ước rằng mình đã chăm chỉ hơn.
Anh cảm thấy mình thật nhỏ bé và yếu đuối. Anh biết rằng mình cần thay đổi điều
gì đó, nhưng không biết cái điều gì đó ấy là gì…
Nếu em thực sự tìm thấy bản thân mình trong câu chuyện của anh, thì việc
đọc những dòng tiếp theo sẽ thay đổi toàn bộ cuộc sống của em, anh hứa với
em như vậy.
CÁI NGÀY EM BUỘC PHẢI THAY ĐỔI…
Một hôm đi học thêm, trong giờ hóa, cô giáo có gọi anh lên bảng làm bài, cùng một
bạn khác. Bạn ấy làm dễ dàng và được 10. Còn anh, chật vật 1 lúc cũng ra, nhưng
lại bị sai ở một phương trình nào đó trong hệ phương trình 3 ẩn. Anh không có
điểm. Cô giáo nói một câu khiến anh nhớ mãi: “ Diễn thì không biết phải làm thế
nào nhỉ?”. Em đã từng nghĩ mình tệ hại đến mức người ta không biết phải làm sao
với em chưa? Dù có làm gì, dạy gì cũng không tiến bộ? Về chỗ ngồi, anh chỉ biết
cắm mặt khóc, anh cảm thấy lòng đầy uất ức và cũng đau đớn như có con dao cắt
từng miếng thịt của mình ra vậy. Ngay hôm đó, anh viết thư cho cô giáo dạy Vật Lý
mà anh từng học thêm – hai cô trò rất quý mến nhau, để chia sẻ suy nghĩ, tâm sự
của anh và anh hứa với cô anh sẽ đỗ Đại học Ngoại Thương, anh viết “ Em nhất
định phải đỗ đại học Ngoại Thương”. Bây giờ nhìn lại anh cũng không tin nổi sao
lúc ấy mình điên thế, mình trẻ trâu thế, máu thế. Nhưng sự thật vẫn là sự thật, giờ
anh đã là sinh viên FTU. Lúc ấy anh chưa được 6 điểm một môn, lúc thi anh đã đạt
9 toán, 8 lý, 8,25 hóa. Và chính thức bước chân vào ngôi trường Ngoại Thương mà
anh ngưỡng mộ. Anh kể câu chuyện này không phải để khoe khoang với em, anh
chỉ muốn trao cho em một niềm tin mãnh liệt rằng em cũng có thể làm được và còn
làm tốt hơn cả anh nữa, em có thể đỗ đại học, em có thể chứng tỏ năng lực của
mình. Tin rằng mình làm được – đó là bước đầu tiên anh cần em nhận thức trước
khi tiến tới việc ôn thi nghiêm túc.
Bài viết này hữu ích và chỉ hữu ích khi mà em ngừng ngay việc than vãn về năng
lực hiện tại của mình và bắt đầu tin rằng mình có thể đỗ đại học. Nếu em vẫn
không tin mình đỗ được và không có một hành động mới nào để khởi đầu cho sự
thay đổi thì tốt nhất là em không nên đọc tiếp nữa. Ở bài viết trước do chỉ còn 4
tháng ôn thi nên anh tập trung phần lớn bài viết để chia sẻ phương pháp học, nhưng
bài viết này viết khi mà các em còn khoảng 11 tháng để ôn tập nên sẽ có sự khác
biệt, sẽ đầy đủ hơn và được rút kinh nghiệm từ kì thi vừa rồi. Anh sẽ trình bày theo
3 phần như sau:
1. Phương pháp học hiệu quả 3 môn Toán, Lý, Hóa
2. Động lực và những điều xoay quanh việc học tập
3. Chuẩn bị kiến thức và tâm lý khi đi thi
Ta bắt đầu ngay nhé?
PHƯƠNG PHÁP HỌC TOÁN, LÝ, HÓA
MÔN TOÁN
Thực sự anh không thể giấu nổi niềm tự hào khi được 9 toán thi đại học, đó là một
điểm số đáng mơ ước đối với nhiều người, và đặc biệt hơn đối với anh khi mà suốt
những năm đi học thêm anh chỉ là hạng lẹt đẹt vớ vẩn trong lớp, chuyên chép bài
tập của bạn bè và khi làm bài phải mở sách xem lại cách trình bày mới may ra làm
được một bài cẩn thận. Bây giờ anh sẽ truyền hết cách học cho em.
Đề thi 2016 hay ở chỗ nó đã phân loại tốt hơn các nhóm đối tượng học sinh. Anh
phát hiện thấy quy tắc 6+1+2 trong môn toán, tức là 6 điểm rất dễ, 1 điểm trung
bình, 2 điểm khó. Em có thể xem trong File Exel anh làm kèm để có quan sát tổng
thể hơn nhé. Quan điểm của anh rất đơn giản: mình sẽ học đủ để được 9 điểm đại
học.
Thế nào là đủ để được 9 điểm đại học?
6 điểm đầu tiên là những phần rất dễ và không bao giờ chạm đến phần tư duy khó
mà ta đọc đã không muốn làm. Em có thể để ý khi đi học thêm thầy cô sẽ dạy em
hết một chuyên đề từ dễ đến khó, thậm chí một chuyên đề dễ như số phức hay
logarit cũng ra những câu cực kì khó. Thực ra những câu như vậy không bao giờ
thi. Những phần của lớp 12 là những phần dành cho học sinh thi tốt nghiệp, không
phải ở mức dễ mà là ở mức độ cực dễ, và từ điểm 6 trở xuống hầu như em chỉ cần
học rất nhẹ nhàng, nói đúng ra là những câu đơn giản được lấy làm ví dụ trong sách
giáo khoa thôi. Ví dụ logarit, lượng giác chỉ học hết công thức và luyện tập cách
trình bày nhuần nhuyễn với những bài tập dễ đó là đủ. Hay tích phân chỉ học đổi
biến và từng phần là xong, khỏi động đến những cái phức tạp tình bày hết cả 2
trang giấy vẫn chưa ra, những cái đó không thể đem ra đánh đố học sinh thi tốt
nghiệp được, vì vậy nó dễ. Vì sao lại học thế? Học thế có rủi ro không? Sở dĩ anh
khuyên em học đơn giản những phần lấy 6 điểm là để tiết kiệm thời gian, vì nội
dung của toán rất nhiều, điểm chia ra từng 0,5 một nên để học hết các chuyên đề
em sẽ phải tốn một lượng thời gian rất lớn, thi xong mới học hết mất. Anh muốn
em phải chắc chắn rằng mình được trọn vẹn 6 điểm đó, vì thế em cần học đủ các
chuyên đề, nhưng đừng học khó đến nỗi em phải vắt óc để hiểu, việc đó thật sự mất
thời gian.
Đối với 1 điểm tiếp theo liên quan tới tổ hợp, xác suất và câu số 2 của bài tính thể
tích hình khối, em cần phải học với sự cẩn thận tuyệt đối vì nó dễ hơn câu lấy 8, 9
điểm nhưng không thật sự dễ ăn. Từ đây em phải học thật sự nghiêm túc và chắc
chắn nắm vững 100% những ý tưởng, bài tập, trong năm 2016 vừa rồi theo anh đây
là phần gây thất vọng nhiều nhất.
Những điều trên anh nói hoàn toàn xuất phát từ kinh nghiệm thực tế. Một hôm
trước kì thi vừa rồi anh có ngồi ăn tối với một thầy giáo trong ban chỉ đạo ra đề
môn Toán, thầy nói thầy biết phần nào dễ, phần nào khó trong đề nên thầy chỉ dạy
đủ để học sinh của thầy làm được thôi. Thật là một sự bất công lớn đối với học sinh
tỉnh lẻ! Nếu em phải học từ dễ đến khó tất cả các chuyên đề, phân tâm vào nhiều
nội dung khó, mất rất nhiều thời gian thì các học sinh hiểu được ý tưởng này lại rất
nhanh chóng lấy được điểm số, tự tin ăn chắc điểm và có thời gian ôn tập những
môn khác. Vì thế anh nhận thấy mình có trách nhiệm phải truyền đạt cho em sự thật
này, nếu không em cứ ôn lơ mơ từ đầu đến cuối, rồi lại chuốc lấy thất bại.
Chỉ sau khi chắc chắn về 7 điểm đầu tiên em mới sẵn sang học đến 2 điểm tiếp
theo. Anh bắt đầu học 2 điểm này từ đầu tháng 5 ( tức là còn khoảng gần 2 tháng ôn
thi). Anh có kinh nghiệm như sau:
1. Đối với câu hình phẳng Oxy, em cần học những tính chất nổi bật đối với các
loại hình như vuông, tròn, thoi, bình hành, chữ nhật và các đường như phân
giác, trung tuyến, trung trực, đường cao. Các tính chất hình học chính là
điểm mấu chốt trong việc giải bài toán, và thường thì phải học trước. Nhưng
theo anh thấy vào thi em sẽ không trúng tính chất mình đã học ( nếu em như
anh, không có nhiều thời gian để học được hết các tính chất). Việc học hình
phẳng theo cách trên giúp em 2 điều, thứ nhất là nó rèn cho em kỹ năng giải
hình phẳng, điều này là quan trọng để em có thể làm trơn tru bài toán khi đã
có tư duy giải cụ thể, không bị mất điểm. Thứ hai là em sẽ rèn được tư duy
giải hình phẳng bằng việc nhìn hình, dự đoán tính chất, đặt câu hỏi Phải bắt
đầu từ đâu? Yêu cầu này có thể được giải quyết theo những cách nào? một
cách linh hoạt. Tư duy ấy chỉ có làm nhiều và chịu khó tìm hiểu tại sao em
có thể làm được theo hướng như vậy trong lúc giải thì em mới hình thành
được, và em hãy học bằng tư duy, vì lẽ dĩ nhiên đi thi không có bài nào mà
em đã làm qua rồi và có thể làm lại y hệt cả. Bằng cách đó, em có thể tự tin
đi thi mà không sợ câu này nữa.
2. Đối với câu phương trình vô tỷ, bất phương trình vô tỷ và hệ phương trình,
anh có kinh nghiệm cụ thể như sau. Đầu tiên em cần rèn thật nhiều câu này,
đó là điều chắc chắn, để hình thành tư duy giải toán, nhìn đề suy ra cách giải.
Anh đặc biệt nhấn mạnh 3 phương pháp chính để làm câu này đó là liên hợp,
đánh giá và hàm số. Những bài đánh giá thường là những bài khó hơn cả.
Năm 2015 người ra đề đã đánh vào 2 kĩ năng đó là liên hợp và hàm số, anh
cũng đã mất một thời gian để suy nghĩ làm câu này, cuối cùng cũng ra. Năm
2016 câu này tuy nhìn dài nhưng chỉ cần nhìn là đã biết cần đặt ẩn phụ và
biến đổi một chút để cho việc giải dễ dàng hơn, phương pháp đặt ẩn phụ thì
đã quá quen thuộc. Việc làm được đó chỉ dựa vào một yếu tố duy nhất, đó là
tư duy giải, từ đề này mình có thể giải theo hướng nào? Kiên trì biển đổi sau
đó sẽ xử lý tiếp thế nào? Có sự tương đồng với phương pháp hàm số không?
Có thể liên hợp được không? Và điều đặc biệt trong chuyên đề này đó là em
có thể dùng máy tính để thử nghiệm trước khi giải, từ đó hình thành hướng
giải cho mình, sau khi giải được một nghiệm có thể dùng máy tính tiếp để
tìm nghiệm tiếp theo, liên tục định hướng. Giống như em đi từ Hà Nội vào
TP Hồ Chí Minh, dần dần đi đến Đà Nẵng rồi tiếp tục xem chỉ dẫn tiếp tục
để đến TP Hồ Chí Minh vậy, phải liên tục định hướng cách làm, xem phương
pháp nào phù hợp để tìm ra nghiệm. Anh nhận thấy có một thước đo để đo
độ chắc chắn kiến thức của em trong chuyên đề này, đó là khi nào em có thể
giải câu hệ phương trình khối B năm 2013 một cách trơn tru, hiểu rõ và
nhuần nhuyễn phương pháp thì em đã sẵn sàng rồi đấy. Tự tin lên nhé!
Năm nay anh thấy có thêm phương pháp giải câu này là phương pháp giải bằng
máy tính casio. Nhưng ứng dụng vào đề thi 2016 là con số 0, bạn nào chỉ học
phương pháp đó thì đi thi hẳn rất thất vọng. Cá nhân anh rất thích những phương
pháp mới ( để đỡ bị chê già :p) nhưng anh không thật sự ưa những phương pháp
cần tư duy ít, kiểu mỳ ăn liền, muốn ăn ngay mà không cần suy nghĩ. Khi em học
mà được tiếp cận phương pháp mới, em hãy tìm hiểu kỹ phương pháp đó và nếu
hữu ích, em có thể dùng, nhưng cần tìm hiểu xem nó có thể dùng trong những
trường hợp nào và trường hợp nào thì không. Nếu quá tin tưởng vào một phương
pháp đơn lẻ nào đó mà không xem xét phạm vi ứng dụng, chắc chắn mình sẽ phải
chuốc lấy thất bại. Quan điểm của anh là ủng hộ cho cái mới hiệu quả và sáng tạo
nhưng nó phải thực sự được người học hiểu và thuần thục chứ không phải học vẹt.
Nói về việc học ở đâu, học ai thì theo anh đối với môn Toán có 2 nguồn và chỉ có 2
nguồn. Một là em đi học thêm ở ngoài, cần phải chọn thầy cô một cách cẩn thận.
Đừng vì giáo viên em học hiện tại mà bỏ lỡ tương lai của em, sớm muộn em cũng
nhận ra đó là một gánh nặng rất lớn vì học không hiểu mà vẫn cứ phải học. Hãy ưu
tiên học thầy cô toán có sự trình bày cẩn thận, có hướng dạy em kĩ càng lấy 8, 9
điểm chứ không phải là dạy đại trà lấy 6, 7 điểm. Quan trọng hơn hết là người dạy
phải có tâm, có sự thú vị, lôi cuốn học sinh, khiến em phải yêu thích môn toán và
mong chờ được học, có như thế em mới đạt được ít nhất là 9 điểm.
Thứ hai thì em có thể học online, đó chính là cách mà anh giành lấy điểm 8, 9 vì
nhiều vùng có sự phân hóa, trình độ thầy cô không được đồng đều giữa các vùng
dẫn tới để đạt 8, 9 điểm em cần học những thầy cô giỏi nhất trên cả nước. Anh cảm
thấy rất may mắn vì anh đã học lấy điểm 8, 9 trong 2 tháng cuối từ lúc không biết
gì từ một thầy giáo đó là thầy Đặng Việt Hùng. Thầy dạy rất thú vị làm anh yêu
môn Toán thật sự và nỗ lực học để đạt kết quả tốt. Nếu em có cơ hội biết đến thầy
và học thầy từ bây giờ thì quá tốt, anh không nghi ngờ gì học sinh thầy Hùng được
9 điểm, điều đó đã làm nên thương hiệu của thầy trên cả nước. Còn nếu em học hơi
chậm và muốn được giảng chậm, giảng kĩ với mục tiêu vừa phải là 7 điểm Toán
trọn vẹn thì em nên học thầy Lê Bá Trần Phương, thầy rất đáng yêu, đáng kính và
dạy cũng rất hay, nhất là về phần trình bày của thầy không chê vào đâu được do
thầy hay đi ra đề cũng như chấm thi đại học.
MÔN LÝ
Sang môn lý là một môn thi trắc nghiệm, cách học chắc chắn phải có sự khác biệt
với môn toán. Đầu tiên ta hãy nhìn tổng thể các nội dung thi môn lý một lần nhé, có
File Exel anh đính kèm cho em tiện quan sát đó.
Nội dung thi Vật Lý tập trung chủ yếu vào lớp 12 và một phần nhỏ (và rất khó) ở
lớp 10, 11. Trong đó đề thi thường phân bố 30% điểm là lý thuyết, 70% điểm là bài
tập. Lý thuyết vật lý là phần chắc chắn sẽ cho dễ mà học cũng dễ. Điều quan trọng
là em phải xây dựng được tình yêu với môn học bằng cách quan tâm tới ứng dụng
của nó trong cuộc sống. Anh đặc biệt thích những chương cuối của Vật Lý như
lượng tử ánh sáng, vật lý hạt nhân vì anh quan tâm tới thiên văn học, cách tạo ra
năng lượng, ánh sáng, sóng điện từ… anh luôn hình dung về một thế giới vật lý thú
vị khi nhìn lên bầu trời đầy mây, mặt trời, các vì sao, thậm chí cả máy bay trên bầu
trời, thấy hiện tượng gì hay xem tivi có hiện tượng vật lý khiến người nhà khó hiểu
anh cũng cố gắng giải thích theo điều anh biết… Ý anh là em hãy biết để tâm tới
thế giới xung quanh và nhìn nó dưới góc độ vật lý, em sẽ thấy nhiều điều thú vị qua
đó yêu môn học hơn, như thế thì học lý thuyết vật lý sẽ rất thích và đầy niềm vui,
còn nếu em nhồi nhét kiến thức vào đầu thì em sẽ quên nhanh thôi, và sẽ tốn rất
nhiều thời gian để học lại nữa. Em hãy quan sát xung quanh và học cách yêu môn
Vật Lý bằng cả tâm hồn nhé!
Nói về việc ôn thi vật lý thì anh cam đoan là học lấy 8 điểm không khó, nhất là đề
thi như 2015 và 2016. Quan trọng là em biết học một cách khôn ngoan. Anh để ý là
đề năm 2016 đã phân loại học sinh tốt hơn đề 2015, và đó là xu hướng tốt, khác với
toán thì để đạt mục tiêu 8 điểm lý anh thấy có quy tắc là 6+1+1, tức là 30 câu đầu
dễ, 1 điểm trung bình và 1 điểm khó hơn. Làm chắc chắn 30 câu đầu chính là cơ sở
để em có thể đạt ít nhất 7 điểm lý, thường thì khi đi thi điểm thấp toàn là do sai câu
lý thuyết, bài tập dễ nên đừng chủ quan, học nhanh học vội phần khó làm gì nếu cơ
bản còn chưa thật sự tốt. Đó không phải là học chậm mà là học chắc chắn, xây từ
gốc xây lên, rõ ràng là em phải được 6 trước khi được 7, được 7 trước khi được 8,
không vội vàng được. Những người muốn mỳ ăn liền, học nhanh lên phần khó mà
không chú ý phần dễ thì chỉ còn cách cầu may.
Trong vật lý 12 có 7 chương lớn thì 4 chương sau khi vào thi luôn là những nội
dung dễ, nhiều lý thuyết và bài tập đơn giản, thế mà đã chiếm tới ít nhất là 5 điểm
trong bài thi. Thế thì môn lý đúng là môn cứu cánh rồi, chưa học gì 3 chương đầu
khó nhất mà em đã dành được tới 5 điểm.
Môn vật lý thì các bí kíp học anh đều học từ cặp đôi thầy giáo Đỗ Ngọc Hà – Phạm
Văn Tùng, dạy rất hay mà nhiều mẹo cực kì sáng tạo, vì thế em hãy phấn đấu học
online với hai thầy để đạt hiệu quả tốt nhất, có quá nhiều điều thú vị mà anh nói
trước sẽ không còn bất ngờ và tất nhiên anh nói sẽ không hay và sâu như hai thầy,
chọn anh là người bàn về các hiện tượng vật lý thì anh sẵn sàng, còn dạy học đã có
các thầy lo hết rồi.
Đối với các em có đi học thêm, em hãy chọn người có tâm, không cần quá giỏi
nhưng cần có tâm để giúp em có thể yêu vật lý và cũng nghiêm túc học môn này.
Anh rất may mắn được học cô giáo mà anh có chia sẻ ở đầu là anh viết thư cho cô,
cô khiến anh yêu vật lý lên rất nhiều và lấy lại niềm tin cho anh ở môn học này,
mặc dù sau này có trùng lặp về lịch học khiến anh không tiếp tục theo học cô được
(và mất một thời gian dài sau đó mới học lại được cẩn thận) nhưng anh và cô vẫn
thường xuyên liên lạc cho tới ngày nay và hai cô trò rất yêu quý nhau. Nếu em
không học online được và chọn đi học thêm thì em cần theo sát các buổi học và học
hết sức nghiêm túc, thường xuyên trao đổi với thầy cô để không bị mất kiến thức
môn này, sau này muốn học lại sẽ rất khó. Anh chỉ nhắc em ở mặt chiến thuật đó là
học 4 chương cuối vừa đủ thôi, học một cách có hệ thống, nếu em thấy khó nhớ lý
thuyết thì có thể vẽ sơ đồ tư duy và học để dễ dàng nắm bắt hơn, nhất là các
chương về ánh sáng, màu sắc thì sơ đồ tư duy là một công cụ tuyệt vời.
MÔN HÓA
Anh phải nói là anh cảm thấy rất áp lực khi viết về môn hóa, đối với anh đây là
môn học phức tạp và cũng thú vị nhất trong 3 môn. Hơn nữa, anh cũng phải viết
làm sao để em hiểu rằng anh không về phe thầy nào, anh chỉ đơn giản muốn đem
lại điều tốt nhất cho em. Anh sẽ cố gắng để một tầm nhìn rộng mở khách quan và
trên hết em hãy là người khôn ngoan khi tiếp thu những ý tưởng của anh nhé!
Nội dung thi môn hóa nằm rất dài từ lớp 10 tới lớp 12, có thể nói là không bỏ một
chương nào cả ( tất nhiên là trừ những bài giảm tải rồi). Dài nhỉ? Lần đầu nhận ra
điều này anh cũng thấy choáng lắm, nhưng cuối cùng anh cũng tìm ra cách.
Anh nhận thấy trong đề thi hóa thường có tỉ lệ 5 điểm bài tập, 5 điểm lý thuyết. Lý
thuyết hóa thì không dễ như lý thuyết vật lý, cần sự tư duy, suy luận và cả sự linh
hoạt nữa, trong đó khó nhất là dạng bài đếm. Bài tập hóa thì thường là những bài
khó, đặc biệt những câu khó nhất thì là những câu bài tập mà đọc đề rất choáng
khoảng 5 – 7 dòng. Vì có tỉ lệ 50 – 50 cho lý thuyết và bài tập nên anh sẽ chia môn
hóa ra làm đôi luôn.
1. Lý thuyết:
Đầu tiên anh phải nhấn mạnh rằng nếu em đi thi hóa thì mất điểm chủ yếu ở những
câu lý thuyết dễ nhưng do ta chủ quan, và do lý thuyết chiếm tới 50% đề thi nên
hậu quả khi không học lý thuyết sẽ khủng khiếp hơn rất nhiều. Anh chỉ có 2 kinh
nghiệm đơn giản khi học lý thuyết. Thứ nhất, đó là khi học một chất mới, em cần
xem xét nó dựa trên khía cạnh cấu tạo hóa học ( thường là với chất hữu cơ) và bảng
tuần hoàn ( thường là với chất vô cơ), để giải thích tính chất hóa học đặc trưng của
chất. Hãy luôn đặt câu hỏi rằng Bản chất hóa học của nó là gì? Tại sao lại có tính
chất đó? Đồng thời em hãy so sánh chất đang học với những chất trong cùng một
chương và với cả một hệ thống chất vô cơ hoặc hữu cơ mà em được học. Nếu học
như thế thì em sẽ rất khó quên vì em đã thật sự hiểu, thậm chí khi gặp một chất mới
có cấu tạo tương tự em cũng có thể dự đoán được tính chất của nó mà chưa cần
nghe tên bao giờ. Đối với những lưu ý hay phương trình đặc biệt em có thể ghi
riêng ra một cuốn sổ để tiện ôn tập lại sau này, nhất là khi em làm các dạng bài tổng
hợp cần nhiều kiến thức từ nhiều chương khác nhau. Kinh nghiệm thứ hai của anh
là dùng sơ đồ tư duy để học lý thuyết. Anh còn nhớ hôm đi thi anh mang theo 3
cuốn SGK 10, 11, 12 và mớ sơ đồ tư duy anh vẽ để ôn tập, chỉ cần thế thôi là anh
đã làm trọn vẹn không mất một câu lý thuyết nào trong đề, thi xong về kiểm tra lại
thích ơi là thích, mà nếu em không sai câu lý thuyết nào thì cơ hội được điểm 8 là
không khó. Đó là 2 kinh nghiệm rất đơn giản của anh, còn đâu việc nỗ lực học, ghi
chép là điều đương nhiên, em càng tỉ mỉ và cẩn thận thì sau này ôn lại càng dễ và
có hệ thống.
2. Bài tập:
Bài tập hóa được chia rõ thành các dạng cụ thể, đối với mỗi chuyên đề thường có
dạng bài tập kinh điển với những phương pháp giải đặc trưng, đó là những bài tập
đầu tiên mà thầy cô dạy các em cho làm. . Hãy nắm chắc những câu này, rèn luyện
thật nhiều lần dạng bài đó, chú ý những chỗ hay bị nhầm để làm bài thi không mắc
phải nữa nhé. Đặc biệt, trong môn hóa có một phần cực hay đó là PHƯƠNG PHÁP
GIẢI. Em hãy nhìn vào File Exel Hóa tương tự nhé, anh đã thống kê 10 phương
pháp quan trọng. Điều tuyệt vời nhất mà anh được tận hưởng trong môn hóa ( ngay
tại lúc mà anh bắt đầu mất hết niềm tin vào môn này) đó là PHƯƠNG PHÁP GIẢI
theo hướng tư duy “THÀNH CÔNG LUÔN ĐỂ LẠI DẤU VẾT”. Anh sẽ lấy ví dụ
một câu kinh điển “đề bài cho số liệu về khối lượng mà không đổi thành mol được,
thì chắc chắn là dùng phương pháp bảo toàn khối lượng”. Như vậy là từ đề bài ta sẽ
suy ngược ra cách giải vì khi ra đề họ đã để lộ dấu hiệu rồi. Hay một câu khác “đề
bài cho nhiều số liệu ở dạng mol thì khả năng cao là dùng bảo toàn nguyên tố”. Ồ,
tuyệt phải không nào? Như vậy là dù bài thế nào ta vẫn có thể tự tin giải chỉ cần
chắc kiến thức, lúc đầu anh cũng rất choáng khi được học cái này, chả ai ở trường
dạy anh cả, và nó đã giúp anh được 8,25 một cách hết sức ngoạn mục đấy ^^!!
Theo quan điểm cá nhân anh thì đối với những bài tập ở mức 5 – 7 điểm thì em
chưa cần dùng tới cách giải này vội, thường thì nó là những dạng quen thuộc hoặc
có biến đổi thêm một ít, em có thể học theo cách bình thường mà vẫn ra. Còn nếu
muốn giải những câu khó hơn trong khi em không phải siêu sao môn này thì
phương pháp anh trình bày ở trên quả là một lựa chọn lý tưởng. Anh chỉ khuyên
một điều đó là ngay từ bây giờ, từ những bài dễ em hãy chú ý nhìn ra nhiều hướng
giải khác nhau, tối thiểu là một hướng giải theo dạng thông thường, một hướng giải
theo cách TRUY TÌM DẤU VẾT nhé, tư duy giải toán của em sẽ linh hoạt hơn rất
nhiều.
Nói về việc học ở đâu, học ai thì anh thấy môn Hóa có 3 nguồn, trước đây anh chỉ
nhìn thấy 2 nguồn nhưng từ khi tiếp cận với sách của thầy Khương thì anh công
nhận thêm một nguồn nữa. Nguồn đầu tiên tất nhiên anh sẽ ủng hộ việc học online
vì hầu hết kiến thức hay ho mà anh học được đều từ học online. Anh cũng không
ngại nói rằng trước đây anh học thầy Vũ Khắc Ngọc ở hocmai.vn. Thầy là người
truyền cho anh niềm say mê môn hóa và khiến anh quay cuồng với môn này vì lúc
nào cũng nghĩ tới nó. Ngay cả phương pháp TRUY TÌM DẤU VẾT mà anh trình
bày ở trên cũng từ thầy, có điều thầy giảng sẽ sâu và giảng hết các phương pháp để
em tạo thành bộ công cụ chiến đấu với đề thi hóa một cách hết sức thú vị. Anh vẫn
luôn nghĩ rằng nếu em nỗ lực hết mình, hấp thụ được những tinh hoa của thầy thì
10 điểm hóa dễ như trở bàn tay, tiếc rằng anh học thầy hơi muộn nên không thể
hiện thực hóa giấc mơ đó, nhưng anh vẫn luôn tin vào phương pháp tư duy của
thầy. Nguồn thứ hai là học thêm đối với những bạn không có điều kiện học online,
em vẫn luôn phải ưu tiên chọn thầy cô có tâm, một chút nghiêm khắc cũng không
sao, và dạy có hệ thống. Nếu em học thêm thì nên dành ra 5 phút hỏi thầy cô về lộ
trình học, chương trình học mà thầy cô dự định áp dụng để nắm tổng quát, còn điều
chỉnh việc học của mình cho phù hợp. Nguồn thứ ba là từ sách, và do anh được tiếp
cận chủ yếu với sách của thầy Lê Đăng Khương nên anh sẽ giới thiệu sách của
thầy. Thầy rất tâm lý khi viết nhiều sách cho nhiều đối tượng khác nhau, ở những
giai đoạn khác nhau để em nào cũng có cơ hội học tập phù hợp, cách viết các cuốn
sách cũng khác nhau để phù hợp với từng đối tượng. Nếu em muốn cải thiện môn
hóa khi cũng phải đi học thêm thì sách cũng là một lựa chọn hay vì em có thể
nghiên cứu trước bài một cách chi tiết và ôn lại cũng hiệu quả hơn. Thầy còn có
nhóm hỗ trợ khi em học không hiểu nữa, khiến anh khá yên tâm và hài lòng. Còn
về chi phí thì tất nhiên sách sẽ là lựa chọn rẻ nhất, sau đó đến học online rồi đến
học thêm. Em cũng nên nhớ rằng đây là ý kiến cá nhân của anh, phải tỉnh táo cân
nhắc mọi điều anh khuyên để có một phương pháp học phù hợp với bản thân mình
nữa nhé!
CHUẨN BỊ KIẾN THỨC RỒI THÌ LUYỆN ĐỀ THÔI!!
Đây là một phần quan trọng trong quá trình ôn thi đại học. Có nên luyện đề không?
Luyện kiểu gì đây? Luyện thế nào cho hiệu quả? Đầu tiên, anh muốn nhấn mạnh
rằng nếu kiến thức của em chưa đủ tầm khoảng 70% so với toàn bộ nội dung cần
thi đại học thì em ĐỪNG VỘI LUYỆN ĐỀ nhé. Lúc ấy luyện chưa thể đem lại
hiệu quả được, và sẽ mất thời gian hơn là hiệu quả đấy ^^!!
Đối với riêng môn toán, anh khuyên em không nên luyện đề sớm. Bản chất của
môn toán thì các chương kiến thức rất tách biệt nhau, nên em chỉ cần học tốt từng
chuyên đề theo hướng dẫn của anh bên trên là được, học cách trình bày rõ ràng,
sạch sẽ, liền mạch, làm sao để vào thi viết lia lịa không cần kiểm tra lại cũng đúng
100%. Chú ý các chỗ hay thiếu, hay sai để sửa dần qua từng bài tập, nếu em muốn
luyện đề có thể đẩy đến tháng 6 luyện 3 đề trở xuống là được, để dành đề năm 2016
là đề cuối cùng để đổ đầy cốc nước của sự tự tin trước khi đi thi toán nhé ^^!!
Vào giai đoạn tháng 6 cũng có thể em đang học 2 điểm cuối nên không cần quá
căng thẳng khi làm đề, hãy tin rằng em có thể cải thiện được điểm trong tháng đó,
thậm chí anh còn học bài cuối cùng của 2 điểm cuối vào ngày 29 tháng 6 ^^ mà
ngày1 tháng 7 thi luôn. Không sao đâu nhé ^^!!
Đối với môn vật lý và hóa học là hai môn thi trắc nghiệm thì thật sự cần luyện đề
một cách quy củ, có chiến thuật nhé. Anh không thích đi thi thử, anh tự luyện đề
với khoảng thời gian 60 phút một đề, tập trung hết sức như thi thật để tạo áp lực,
quen dần với nó thì thi thật 90 phút nhẹ nhàng ^^!! Bật mí cho em là anh tự thi thì
toàn được 4 với 5 thôi, nhưng dần dần điểm cũng tăng lên. Nhất là khi luyện đề em
không cần làm nhiều đề đâu nhé, sau mỗi đề chỉ cần phân tích đúng, sai. Chỗ nào
thấy thiếu trầm trọng thì phải ôn lại toàn bộ kiến thức ( dùng sơ đồ tư duy nhé) và
bồi đắp kiến thức dần qua từng đề, có thể em chỉ làm được 10 đến 15 đề cho đến
lúc thi nhưng nếu phân tích nghiêm túc thì em có thể tự hào rằng mình đã nắm gọn
kiến thức môn hóa vào trong bàn tay vàng của mình ^^!! Hãy làm đề theo quy trình
để quen dần, chia làm 5 lượt: lượt 1 làm lí thuyết dễ, lượt 2 làm bài tập dễ, lượt 3
làm lí thuyết khó mà em còn phân vân, và lượt 4 giải quyết bài tập khó nhé, và lượt
cuối cùng khoanh bừa chắc em cũng biết nhỉ =))). Nhưng quan trọng là em cần phải
chọn đề chất lượng mà làm, đề chất lượng không phải là đề khó, mà là đề sát với thi
đại học nhất. Em có thể lấy bộ đề của năm 2016 ra và tham khảo chất lượng đề của
các thầy cô nổi tiếng, trường nổi tiếng như chuyên Vinh, Phan Bội Châu để kiểm
tra năng lực của mình. Một tiếng làm đề chất lượng vẫn hơn 10 tiếng làm những đề
vớ vẩn, không sát thi vì nó không phản ánh được năng lực của em. Và hãy ghi nhớ
điều này: tinh thần khi làm đề phải như thi thật, căng thẳng, áp lực như thế. Hãy
nhớ rõ rằng 90 phút khi thi thật là 90 phút cuối cùng, duy nhất, và nếu không chuẩn
bị, rất có thể em sẽ thất bại. Dù là một tuần làm một đề hay hai đề, hãy làm nghiêm
túc và phân tích chi tiết đề để em có thể đem kinh nghiệm ấy cho lần làm tiếp theo
^^!!
Anh cũng nhấn mạnh là thi trắc nghiệm khác thi tự luận ở chỗ tốc độ cao, và đáp án
cuối cùng quan trọng hơn là cách em tìm ra đáp án đó, thậm chí em có thể đoán đáp
án, dùng phương pháp loại trừ, giới hạn khoảng và khoanh bừa nhưng có đáp án
đúng đều được chấp nhận. Nghe có vẻ ý tưởng này đơn giản nhưng nó lại là mấu
chốt vì nhiều khi ta cứ làm cách thông thường mặc dù có thể giải quyết bài toán
một cách nhanh gọn hơn, hiểu biết cách giải thông thường là cần thiết nhưng lúc
nào cũng làm như thế lại đánh mất đi cái hay của thi trắc nghiệm.
ÔN TẬP LẠI LẦN NỮA
Giai đoạn ôn tập này là giai đoạn cuối cùng của việc ôn thi, theo anh thì nó được
chia làm 2 đợt chính. Đợt một kéo dài khoảng 1 tháng tới 1 tháng rưỡi để TỔNG
TẤN CÔNG, làm những dạng bài khó, cần tư duy cao và áp lực tinh thần lớn. Đây
là đợt lên level cuối cùng quyết định điểm số tối đa mà em có thể đạt được, vì được
tổng hợp từ nhiều chương khác nhau, kiến thức đồ sộ sau quá trình ôn thi, luyện đề
trước đó nên đợt ôn cuối này sẽ rất nặng và rất “khủng”. Đối với môn toán và môn
lý thì đó là những dạng bài khó của các chuyên đề riêng lẻ, được tổng hợp bởi
nhiều dạng kỹ năng và tư duy giải toán được tích lũy từ từ. Còn đối với môn hóa thì
đó là sự tổng hợp của cả kiến thức từ tất cả các chuyên đề, các phương pháp giải
nhằm giải quyết những bài toán dài và có sự đan xen nhiều loại kiến thức. Chủ yếu
giai đoạn này là em làm bài tập khó, cực khó nhiều để nâng tầm tư duy, tạo sự tự
tin trước khi đi thi. Đợt thứ hai là quãng thời gian cuối cùng của quá trình ôn thi,
kéo dài khoảng 10 tới 15 ngày. Giai đoạn này em nên thôi không làm những bài
khó nữa mà chuyển sang ôn tập lại những kiến thức cơ bản nhất. Đối với môn toán
đó là những dạng bài lấy 7 điểm đầu tiên, nhất là những phần của lớp 12 và những
phần nặng về trình bày cẩn thận. Đối với lý hóa đó là những nội dung lý thuyết,
vừa củng cố thêm một lần nữa cái gốc kiến thức cho việc làm bài tập, vừa cho em
cảm giác tự tin để không sai những câu dễ, tạo tiền đề cho những điểm số cao hơn.
Đặc biệt giai đoạn này không nên học quá nặng và quá nhiều kiến thức mà chỉ tập
trung vào những kiến thức anh đã nêu trên để không bị hoang mang, gây lộn xộn
những điều đã học thành một mớ rối rắm.
NHÌN TỔNG QUAN LẠI CHẶNG ĐƯỜNG ÔN THI
Như vậy quá trình ôn thi chia làm 3 giai đoạn lớn đó là ôn luyện kiến thức, luyện
đề và ôn tập lại lần nữa. Giai đoạn đầu tiên tùy năng lực của em có thể kéo dài đến
tháng 1 hoặc tháng 3 thậm chí như anh là tháng 5 năm sau. Giai đoạn luyện đề nếu
em có thể tập trung luyện được trong vòng 2 tháng hoặc 4 tháng thì càng tốt. Còn
giai đoạn cuối kéo dài lâu nhất là 2 tháng, nhanh thì chỉ 1 tháng tới 1 tháng rưỡi.
Anh đề xuất một tỉ lệ mà anh nghĩ là hợp lý đó là ôn luyện tới tháng 3 năm sau,
luyện đề tới giữa tháng 5 và ôn lại lần cuối tới khi thi. Đối với anh do khám phá ra
con đường muộn nên anh phải đan xen luyện đề vào trong 2 giai đoạn còn lại, vừa
học vừa luyện và vừa ôn tập vừa luyện. Em có cơ hội bắt đầu sớm thì nên theo lộ
trình anh gợi ý, sẽ chia đều ở nhiều giai đoạn chứ không bị quá nhiều áp lực, stress,
em có thể yên tâm theo lộ trình đó vì với việc học dồn ép, năng lực bình thường mà
anh còn đạt 25 điểm thì với lộ trình anh gợi ý em còn có thể đạt hiệu quả cao hơn
nhờ sự tập trung và tự tin cao độ.
GỢI Ý VỀ VIỆC SẮP XẾP LỊCH HỌC
Việc sắp xếp lịch học phụ thuộc rất nhiều vào việc em chọn học online hay học
thêm. Anh biết ở trường cấp 3 thường có “lệ làng” là em “tự nguyện” đăng kí học
thêm nhưng thực chất đa số là bị ép buộc học với thầy cô mình không hiểu. Đó là
cách giải quyết mang tính hình theo tư duy “cứ học là giỏi” , ai biết rằng đi học mà
không học được gì thì chỉ lãng phí thời gian thành ra “càng học càng ngu” . Anh
cũng từng rất khốn đốn với kiểu học này vì học không hiểu gì cả mà dạy không có
hệ thống, quy trình. Từ khi anh khám phá ra cách tự học thì anh cố gắng bỏ được
buổi nào thì bỏ, có thể bị thầy cô ghét hay đôi khi quở trách nhưng đó là sự đánh
đổi cho tương lai, nếu anh thất bại thì chả ai chịu thay anh cả, nên anh lựa chọn tự
quyết định việc học của mình. Nếu vào năm học mà các em được nhà trường cho
đăng kí học thêm thì tốt nhất đối với những môn em biết chắc là học chả hiểu gì,
mà trường bắt buộc phải học thì đành phải nhờ sự can thiệp từ gia đình. Em cần nói
thẳng với bố mẹ để bố mẹ giúp đỡ, tạo điều kiện tốt nhất cho em học thêm bên
ngoài hoặc học online. Qua kì thi vừa rồi anh rất buồn vì nếu anh kiên quyết hơn
trong việc yêu cầu các em học sinh bỏ những buổi học không hiệu quả để đầu tư
thời gian vào những nơi hiệu quả hơn thì anh đã cứu ít nhất là mỗi đứa được 3
ĐIỂM. Có nhiều bạn sau khi thi xong còn nói với anh rằng chỉ muốn quay lại bỏ
hết những buổi học thêm không chất lượng ( kể cả học thêm ngoài) để tận dụng
thời gian tốt hơn. Vì cứ cho rằng mình đúng và học theo giáo viên trên lớp là yên
tâm rồi nên không nghe lời anh. Nếu em biết rằng 0.25 điểm là đủ tạo ra sự khác
biệt trong kì thi thì 3 điểm nó là một quãng đường dài đến thế nào! Quá nhiều cánh
cửa cơ hội đóng lại chỉ vì cái trò học thêm thiếu tính toán kỹ lưỡng! Và anh phải
nói rõ rằng em đừng đùa với tương lai, với cuộc đời phía trước của em. Không thể
nói rằng “thôi học thế nào chả được” vì đến lúc thấy rằng “học thế không ổn” thì
cũng đã quá muộn rồi, đành phải ở nhà ôn thi thêm năm nữa!
Cách sắp xếp lịch học dưới đây của anh là ở mức tối thiểu tức là em phải đi học đầy
đủ ở trường, học thêm ngoài 6 buổi chiều 1 tuần trong khi học hết các buổi sáng từ
thứ 2 đến thứ 7. Em hình dung đơn giản là mỗi ngày em sẽ có chừa ra khoảng ít
nhất 5 tiếng để tự học ( 4 tiếng từ 19h – 23h hoặc 20h – 24h và 1 tiếng từ 5h30 –
6h30). Trong đó em hãy sắp xếp học một ngày 2 môn, mỗi môn là 2 tiếng, sắp xếp
xen kẽ làm sao mà mỗi môn có 4 buổi tối trong tuần để học. Còn 1 tiếng buổi sáng
là một tiếng chỉ dành để học lý thuyết và làm thêm bài tập về lý thuyết sẽ là tốt
nhất. Ngày chủ nhật, ngoài việc học thêm ngoài em hãy dành tối đa thời gian để ôn
lại những dạng bài đã học trong tuần, nhất là môn mà em đang yếu hơn cả. Lịch
học như vậy có thể sẽ kéo dài tới tận giữa tháng 5 cho tới khi lịch học của em được
thỏa mái hơn do nghỉ buổi sáng. Lúc ấy em có thể nhân đôi thời gian học mỗi môn
và bước vào giai đoạn “khủng khiếp” mà anh nói để ôn thi. Mỗi tuần học ít nhất là
8 tiếng một môn nghe thì không nhiều nhưng nếu em làm đều hàng tuần hàng tháng
thì nó sẽ tích lũy lại thành một quá trình lớn, và đòi hỏi em phải thật sự nỗ lực đấy
nhé!
Có một lưu ý quan trọng đó là điểm thi đại học là tổng điểm của 3 môn nên em
không được học lệch bất kì một môn nào cả. Chỉ có môn nào yếu thì cải thiện
thêm một chút, như đối với anh môn toán là anh yếu nhất thì anh học nhiều hơn
hẳn. Sắp xếp làm bài tập một cách đầy đủ, nghiêm túc, xem bài giảng thì nên tự
giải trước khi xem thầy giải để còn so sánh với cách làm của mình. Và như em
thấy, em học thêm càng ít thì thời gian của em càng dư dả để tự học, tự đánh giá,
biết rằng mình đang ở đâu, quan trọng hơn cả đó là em TIẾN BỘ, đừng để nhìn lại
sau một tháng và thấy rằng mình chả học thêm được cái gì, đó là sự nuối tiếc to lớn
khi mà quỹ thời gian đang cạn dần.
Em nên nhớ rằng khi học online mỗi thầy sẽ có một thế mạnh riêng, cần biết kết
hợp giữa các thầy để đạt hiệu quả cao nhất, không nên cực đoan theo hẳn một thầy
mà bỏ qua cái hay của thầy giáo khác. Vậy nên giờ đây xu hướng là có 2 thầy giáo
dạy một môn để tận dụng thế mạnh của mỗi thầy nhằm đem lại hiệu quả cao nhất.
Sau cùng, người thành công không phải là người sao chép như một con vẹt, mà là
người biết nhìn nhận, kết hợp những cách làm hữu ích nhất và biến nó thành phong
cách riêng của mình. Điều này khi tiếp cận cách học của từng người em sẽ thấy.
CHƯA HẾT ĐÂU… THẬT RA ĐÂY MỚI LÀ PHẦN THÚ VỊ NHẤT.
Anh biết với tất cả những kỹ thuật, phương pháp và tư duy ôn thi như thế kia em
vẫn có thể không làm gì cả, tiếp tục lười biếng và chấp nhận bỏ cuộc… Anh nói có
đúng không nhỉ? Vì thế phần tiếp theo đây anh sẽ sử dụng những ngôn từ chắt lọc
nhất, truyền cho em nguồn động lực mạnh mẽ nhất để em luôn học tập với mức
năng lượng cao, đầy hào hứng và cuồng nhiệt, cùng với đó là những phương pháp
cụ thể để em có thể sử dụng ngay mà không tạo ra quá nhiều khó khăn. Nào ta cùng
bắt đầu!!
Anh muốn bắt đầu bằng một câu chuyện thực tế. Câu chuyện về việc nộp hồ sơ ôn
thi đại học của anh. Vào ngày thứ 20 – ngày cuối cùng nộp hồ sơ, anh lên Hà Nội
vào Đại học Ngoại Thương để xem có nên rút đơn của mình hay không, vì điểm
sàn hôm trước là 26, điểm của anh sau khi cộng là 26,25. Nguy cơ trượt rất cao. Và
thi điểm từng ấy mà trượt thì kéo theo nhiều hậu quả lắm. Kết quả như em biết, anh
không rút, một phần vì tính toán rằng điểm sẽ không tăng thêm nữa, một phần vì
lời hứa sẽ đỗ đại học Ngoại Thương và tình cảm với ngôi trường này.
Anh còn nhớ thời điểm ấy, 4 giờ chiều, anh lên xe về nhà. Ngồi cùng bạn anh cũng
nộp trường đó. Dòng suy nghĩ cứ chạy không ngớt trong đầu anh, anh cảm thấy
điều gì đó đau nhói và anh đã khóc. Khóc vì lựa chọn cuối cùng cũng đã đi qua,
khóc vì nếu trượt, người đau đớn nhất không phải anh, mà đó có thể là bố mẹ anh.
4 ngày sau đó đã trở thành những ngày đen tối nhất, bố mẹ anh đã tưởng anh trượt
rồi, và chuẩn bị nhiều kế hoạch cho anh khi anh trượt, nghe mà nhói đau. Họ hàng
người quen vẫn nghĩ anh là một học sinh giỏi, đỗ đại học là cái chắc ăn, mà lỡ anh
trượt thì bố mẹ sẽ chịu nhiều tủi nhục ghê gớm. Ngày 20 kết thúc, ngày 22/8 là sinh
nhật anh, mà anh còn không dám tổ chức gì. Anh nghĩ nếu mình trượt, 18 năm lăn
lộn vất vả của bố mẹ coi như đổ xuống sông xuống bể, chỉ việc trượt ấy thôi, một
tay anh đã làm bẽ mặt không chỉ mình và những người yêu thương mình nhất,
khiến chính mình thất vọng. Anh kể chuyện này chỉ muốn hỏi em một câu duy
nhất: Em có muốn phải nếm trải cảm giác đó không? Anh tin là em đã có câu trả lời
cho mình. Đừng để phải trải qua cảm giác đau đớn đó như anh. Anh đã có một phần
may mắn khi đỗ đại học, nhưng không phải ai cũng được như vậy, và anh tin em
cũng chả muốn rơi vào trường hợp như anh, quá mạo hiểm. Vì thế hãy học ngay từ
bây giờ, đừng chần chừ, đừng có sợ hãi gì nữa khi em còn thời gian, học ngay đi
thôi, tự thề với mình rằng sẽ không bao giờ phải làm chính bản thân mình thất vọng
nữa, hãy nỗ lực, tích cực lên, thời gian không chờ đợi một ai.
Như vậy là anh đã kể xong câu chuyện của mình, hiện tại có thể em đang tràn đầy
quyết tâm, em đang có một niềm tin rằng em có thể đỗ đại học và em phải đỗ. Và
anh hi vọng những phương pháp dưới đây sẽ giúp em duy trì nguồn năng lượng
mạnh mẽ này để em có thể ôn thi theo một cách tự tin và hiệu quả nhất:
1. Em sẽ không thể đi về đâu khi không có mục tiêu:
Bây giờ là thời khắc của quyết định, em thực sự cần bao nhiêu điểm cho một môn?
Với năng lực hiện tại, anh mong rằng em sẽ học để lấy 9 điểm toán và ít nhất 8
điểm lý, 8 điểm hóa, nếu em giỏi hơn, em cần nhiều điểm hơn, cũng hãy đặt ra mục
tiêu cụ thể nhé, nó sẽ định hướng cho mọi quyết định của em.
Mục tiêu còn có ích khi em muốn tập trung học nữa. Nào, nếu mình có 1 tiếng, em
muốn học xong lý thuyết của chương nào, vẽ mấy sơ đồ tư duy, hay hoàn thành bao
nhiêu bài tập trong số bài tập kia? Nó sẽ giúp em tập trung học rất tốt đấy, hãy áp
dụng để thấy sự kì diệu nhé.
2. Em cần rất nhiều năng lượng và động lực để học đấy:
Rất đơn giản thôi, vì nguồn động lực em đang cảm nhận lúc này sẽ mất đi và chắc
chắn sẽ mất đi, nên em cần có cách lấy lại khi cần, và anh sẽ hướng dẫn em ngay ở
đây.
Trước tiên, em cần xác định rõ lý do tại sao em lại phải nỗ lực ôn thi và kỉ luật mỗi
ngày? Tại sao? Tại sao? Tại sao? Nếu trong đầu em xuất hiện lý do như để có công
việc tốt, để được hơn người, để đỗ cao thì đó chưa phải lý do thật sự, đó là lý do ở
bên ngoài. Hãy tiếp tục hỏi cho đến khi lý do xuất phát từ bên trong em, ví dụ là
anh thì lý do là vì anh muốn được tự hào, muốn được coi trọng, muốn đem lại niềm
vui và sự hãnh diện cho bố mẹ. Hãy đào sâu, để mỗi lần nản chí, em lại có lý do để
vực dậy, khắc ghi sâu sắc lý do đó em nhé.
Tiếp theo, em có để ý khi mình vận động, chơi thể thao thì cảm thấy thỏa mái hẳn
ra không? Đó là sự thật, là khoa học. Hãy ghi nhớ nguyên tắc sau “Vận động tạo ra
cảm xúc”, hãy vận động thật mạnh khi thấy uể oải, mệt mỏi, hãy chạy, mắt nhìn
lên, lưng thẳng, nói to, nó sẽ giúp em nhanh chóng lấy lại sự tỉnh táo. Đối với anh,
trong quá trình ôn thi anh sử dụng loại nhạc điện tử ( EDM) để kích thích năng
lượng lên mức cao, và quẩy theo, nhảy nhót điên cuồng một lúc cũng sẽ khiến mình
tỉnh táo và ngay lập tức có năng lượng, hào hứng lao vào học. Anh đã chuẩn bị một
danh sách nhạc EDM để em có thể nghe khi thấy mệt mỏi, xuống năng lượng. Nhớ
nhé, vận động tạo ra cảm xúc. Em là người làm chủ cảm xúc, làm chủ vận mệnh
của mình, đừng bao giờ đổ tội cho thói lười biếng hay trì hoãn, nó sẽ đưa em về
con số 0, còn nếu hàng ngày điều khiển năng lượng của mình để học hiệu quả hơn,
em sẽ thấy mình học nhanh đáng kinh ngạc và cũng vui vẻ hơn đấy!
3. Luôn tỉnh táo và tập trung:
Có một điều mà anh thấy rất phổ biến đối với học sinh, sinh viên đó là việc thức
khuya dậy muộn, có khi là để học, có khi là để online Facebook, xem phim,… dẫn
tới cả ngày mệt mỏi, phờ phạc và không tập trung được vào bất cứ việc gì. Anh
không hoàn toàn nói việc đó là không tốt nhưng ở giai đoạn này thì việc đó sẽ lấy
đi rất nhiều năng lượng của em. Đến giai đoạn quyết định tầm tháng 2 năm sau thì
em dễ bị kiệt sức, dù em có muốn quyết tâm về đích ở giai đoạn đó thì cũng rất khó
vì em đã đánh mất nền tảng sức khỏe và sự minh mẫn trong suốt một thời gian dài
rồi. Theo anh thấy thì thời gian học luôn đủ cho người biết sắp xếp và tận dụng tối
đa, thức khuya chủ yếu là do mình không tập trung, bị phân tâm bởi điện thoại,
mạng xã hội, phim ảnh dẫn tới khuya rồi mà chưa học được gì, đành phải thức
thêm 1, 2 tiếng, thậm chí thời gian học không bằng những người học sớm ngủ sớm.
Trong khi hôm sau thì dậy muộn, mệt mỏi và có khi ngủ mất cả buổi chiều, như thế
là quá lãng phí. Học tập theo đúng kế hoạch, giờ giấc là quan trọng vì em phải chạy
cả một quãng đường dài, như một cuộc thi marathon chứ không phải thi chạy ngắn
100m hay 1000m, nó là 50km, nếu em dồn hết sức vào 100m đầu tiên thì 49900m
sau đó em sẽ chạy rất chậm và cuối cùng là đuối sức dẫn tới thất bại chung cuộc.
Trong khi đó, người biết dùng sức sẽ chạy với tốc độ trung bình trong phần lớn thời
gian của cuộc đua và trong giai đoạn cuối sẽ bứt phá để về đích nhanh hơn bất cứ
một ai. Anh chỉ đưa ra 3 gợi ý nhỏ để em cân nhắc áp dụng cho bản thân mình: ngủ
sớm (11h hoặc sớm hơn), thể dục thể thao 30 phút mỗi ngày, ăn uống đầy đủ, lành
mạnh, tránh đồ ngọt, béo. Chỉ cần thực hiện được 3 việc này thôi thì em đã luôn
thấy tỉnh táo, vui vẻ, tập trung, việc học cũng sẽ nhẹ nhàng và hiệu quả hơn nhiều.
CHUẨN BỊ TẤT TẦN TẬT TRƯỚC KHI ĐI THI
Đây là phần cực kì quan trọng vì nếu em có học ngày học đêm, trang bị hết kiến
thức, kỹ năng cần thiết nhưng khi đi thi không được chuẩn bị kĩ về tâm lý, tinh thần
thì kết quả sẽ rất thảm khốc, dưới mức năng lực của em tới 6 điểm ( ví dụ tiềm
năng là 25 thì đi thi chỉ được 19). Giống như trước khi ra chiến trường em đã trang
bị súng ống, gươm đao đâu ra đấy nhưng hôm có trận đánh thì lo quá quên hết ở
nhà, hoặc do quá run mà tay không cầm nổi vũ khí, thế thì thất trận chắc chắn rồi.
Đây cũng là lí do vì sao mà những bạn học rất giỏi, điểm phẩy và điểm thi thử toàn
đứng top 3 ở trường thì khi thi thật không thấy trong top 10, cũng như những bạn
điểm phẩy ở mức tàm tạm, thi thử không cao nhưng đến lúc thi thật thì thống lĩnh
bảng xếp hạng. Đó không phải là chuyện may rủi mà phần lớn là do sự chuẩn bị kĩ
càng, có tính toán và tỉnh táo trong lúc làm bài thi. Dưới đây anh sẽ trình bày tất cả
những hiểu biết, kinh nghiệm của anh về việc chuẩn bị cho kì thi bao gồm cả tâm
lý, tinh thần và kiến thức, anh sẽ chia làm hai giai đoạn trước khi thi và trong
những ngày thi.
1. Trước khi thi:
Về mặt kiến thức trước khi thi anh yêu cầu em phải rơi vào trạng thái tâm lý “ cái
gì cần thiết cho mục tiêu mình cũng đã học hết và chỉ cần học thế thôi”. Đây là
tâm lý rất quan trọng và tạo nên 80% sự tự tin khi đi thi. Sự chuẩn bị kiến thức này
bắt đầu ngay từ hôm nay! Anh sẽ không thể an ủi em là em sẽ thi tốt nếu gần thi rồi
mà em vẫn lười và chưa học hết những bài cần thiết cho mục tiêu điểm số của
mình, em phải nhìn vào thực tế và nỗ lực học chăm chỉ ngay từ bây giờ. Theo học
95% các buổi học thêm hoặc khoảng 95% các bài giảng online cùng với làm bài tập
đầy đủ, ôn tập những phần quan trọng nhất là em có thể tự tin với kiến thức của
mình rồi. Đến lúc gần thi thì em có muốn học cũng không kịp nữa. Một mặt quan
trọng khác đó là “chỉ cần học thế thôi”. Khi em đã chuẩn bị kiến thức tốt thì phải
dập tắt nỗi lo rằng mình học thế có thiếu sót gì không? Có đủ để đi thi không?
Những băn khoăn đó sẽ làm em mất rất nhiều tự tin và khi đi thi dễ gây bối rối, sợ
hãi dẫn tới kết quả không được như tiềm năng. Đơn giản tự nói với mình rằng: OK,
thời gian đã hết, học thế và chỉ cần học thế là đủ, giờ thì đi thi thôi. Đó là sự
chuẩn bị tốt nhất em có thể dành cho mình khi đi thi thật, còn lo sợ rồi cố gắng nhồi
nhét thêm kiến thức có thể nói là sự chuẩn bị tồi tệ nhất.
Về mặt tâm lý, sức khỏe, trước khi đi thi khoảng 5 ngày em hãy ngủ đủ và đúng giờ
để phù hợp với khung giờ thi. Nên ngủ từ 10h đêm tới 5h sáng – kéo dài cho tới khi
thi xong để tâm trí tỉnh táo nhất. Nếu em cảm thấy cần được mọi người quan tâm,
gửi lời chúc trước khi đi thi thì hãy nhớ nhắc nhở họ, đối với bạn bè trong lớp hãy
gửi lời chúc qua tin nhắn hoặc gọi điện thoại để tâm lý được thỏa mái. Những điều
này có thể tạo hiệu ứng tinh thần tích cực để em cảm thấy được mọi người ủng hộ
và sẵn sàng lao vào cuộc chiến khốc liệt sắp tới.
Nếu chuẩn bị về mặt kiến thức và tâm lý tốt trước khi thi thì em sẽ dễ dàng có được
điểm rơi phong độ tốt nhất vào những ngày thi.
2. Trong những ngày thi:
Chuẩn bị hoàn hảo mọi thứ trong những ngày thi là quan trọng nhất vì ta học cả
năm mà chỉ có 4 ngày để thể hiện bản thân thôi, từng giây từng phút trong 4 ngày
này đều rất quan trọng, có thể là bệ phóng cho em tới giấc mơ hoặc là gáo nước
lạnh vùi dập nỗ lực của em không thương tiếc.
Đầu tiên, em hãy đảm bảo điều kiện ăn uống, nơi ở tốt nhất có thể. Bây giờ thi tại
tỉnh luôn nên khá dễ dàng đạt được điều kiện này, nó thật sự rất quan trọng vì nếu
không được ăn uống tốt cộng với chỗ ở thỏa mái thì em rất dễ bị tiêu cực, tâm lý.
Nhớ là trước đó em phải chuẩn bị thật tốt để đạt tới điểm rơi phong độ hoàn hảo
về kiến thức và tâm lý – lúc mà kiến thức đầy đủ nhất, sẵn sàng được đem ra chinh
chiến nhất và tinh thần hưng phấn nhất. Để đạt được điều này thì em nên kết thúc
tất cả mọi thứ cần thiết vào ngay tối trước khi đi thi một môn. Không nên kết thúc
quá sớm vì đến ngày thi em sẽ quên dần, cũng đừng quá muộn vì kết quả chắc chắn
sẽ không cao. Quan trọng trong việc đạt điểm rơi phong độ là phải có sức khỏe tốt,
tinh thần thỏa mái, nếu không may đi thi bị ốm hay có chuyện gì bực mình, lo sợ,
buồn bực thì sẽ gây ra hậu quả đáng tiếc. Em phải nhắc nhở bản thân rằng tại thời
điểm đó, thi là quan trọng nhất, tất cả mọi việc phải xếp sau và ưu tiên cho việc thi,
lúc ấy em sẽ dễ dàng loại đi những suy nghĩ vụn vặt và tập trung trở lại.
Trong những ngày thi tâm lý rất dễ bị lung lay bởi nghĩ tới áp lực điểm số, đề khó.
Nhất là theo quan sát của anh, năm nay đề toán khó, sắp xếp lạ mắt khiến rất nhiều
học sinh bị tâm lý, làm bài không tốt, về nhà không an tâm, dẫn tới tới thi lý và hóa
cũng tan tành, điểm thi dưới tiềm năng tới 6 điểm. Thứ nhất em cần chuẩn bị tâm lý
cho tình huống thi đó. Thứ hai nếu có một môn làm bài không tốt thì em cũng đừng
vội nản, vì kết quả có thể tốt hơn em nghĩ và nếu em bình tĩnh lại thì còn quyết tâm
hơn và dễ dàng thắng lớn ở hai môn còn lại. Phần thắng chung cuộc luôn là dành
cho cả 3 môn chứ không phải một môn riêng lẻ. Giữa những ngày thi em không
nên kiểm tra kết quả ngay sau khi làm xong, hãy để thi xong tất cả các môn rồi
kiểm tra một thể. Theo quan sát của anh, những bạn kiểm tra kết quả ngay sau thi
xong thường là do lo lắng, tức là bị tâm lý và kết quả rất thấp. Còn bạn nào đạt
đúng điểm rơi phong độ, tâm lý tốt sẽ kiểm tra sau khi thi xong hết và kết quả rất
mãn nguyện. Trong những ngày thi có thể em còn được rất nhiều người hỏi han và
động viên nữa, nếu em thấy thỏa mái thì có thể trả lời bình thường, còn nếu không
thích bị hỏi để tập trung thi thì hãy tắt tất cả các kênh liên lạc tới, dặn mọi người
không hỏi gì hết và chỉ nói về những chuyện đơn giản thường ngày, chuyện phiếm
hoặc hài hước thôi.
Đó là tất cả những gì cần thiết cho việc chuẩn bị xung quanh kì thi. Quan trọng
nhất là 360 phút ngồi làm bài thi: 180 phút thi toán, 90 phút cho mỗi môn Hóa và
Lý. Việc làm bài thi phải được rèn luyện tâm lý, kỹ năng từ trước, khi em tự luyện
đề ở nhà. Chỉ có một nguyên tắc đơn giản đó là: dễ làm trước khó làm sau, trình
bày gọn gàng, sạch đẹp, lúc nào cũng nhắm tới mục tiêu tối đa hóa tiềm năng.
Trong phòng thi em hãy “quên hết mọi thứ xung quanh”, thế giới thu lại chỉ còn
có em, bài thi, tờ nháp và máy tính. Mọi thứ xáo động xung quanh em hãy chủ
động TẮT đi, không phải suy nghĩ hay bàn tán gì những chuyện ngoài lề nữa.
Ngay trong bản thân em đã đủ tiềm năng để làm bài tốt nhất có thể, việc của em chỉ
là tối đa tiềm năng của mình thôi.
Riêng với lý hóa là 2 môn trắc nghiệm em phải chú ý một điều đó là có 25 – 30 câu
đầu rất dễ, làm chỉ 10 phút là xong, nhưng ĐỪNG CHỦ QUAN vì khi kết quả kém
và trượt đại học cũng chỉ tại 30 câu này, đây là quan sát của anh tới rất nhiều bạn bè
năm anh thi và những học sinh đi thi 2016 vừa rồi. Nếu em có mục tiêu 7 điểm một
môn thì em dành hết 60 phút làm 30 câu đó, làm đi làm lại 3 lượt cho đến khi chắc
chắn đúng rồi thì không làm nữa, ngồi đếm đáp án, thấy đáp án nào trong 30 câu đó
xuất hiện ít nhất thì 20 câu sau chỉ khoanh đáp án đó thôi, thế là ăn chắc 7 hoặc trên
7 điểm. Ví dụ sau khi làm xong 30 câu em đếm được 6 câu A, 8 câu B, 8 câu C, 8
câu D thì 20 câu sau chỉ chọn A sẽ chắc chắn đạt trên 7 điểm. Không phải nhức đầu
làm xong một vài câu nữa mới đếm vì nếu em làm sai sẽ không có cơ sở chính xác
để chọn 1 đáp án, dẫn tới điểm thấp. Thật lòng anh không thể hiểu được những bạn
đạt dưới 7 môn lý hoặc hóa, những bạn đó hoặc là do quá tâm lý hoặc là do học
một cách thiếu hệ thống, đi thi cũng không tính toán khéo để đạt số điểm mong
muốn nên mới phải nhận kết quả như vậy. Nếu mục tiêu của em hơn 8 thì em phải
học từ bây giờ thật nghiêm túc để đến lúc thi cũng khá chắc chắn về kiến thức, kỹ
năng. Đồng thời việc làm bài tập nhiều cũng giúp em giỏi nhận định đề thi, thậm
chí sau khi nhìn 4 đáp án có thể đoán được đáp án đúng do chỉ cần nhìn qua là biết
đáp án nào sai, từ đó loại trừ.
NHẮC NHỞ ĐÔI ĐIỀU…
Nào, anh em ta đã đi một chặng đường dài, anh không tự nhận mình giỏi giang hay
nổi tiếng gì nhưng anh dám nói rằng anh có cái tâm rất lớn, anh có tham vọng
muốn giải quyết hầu hết các vấn đề liên quan tới ôn thi đại học và chia sẻ hết
những kinh nghiệm tích lũy được từ quan sát thực tế và trải nghiệm của anh. Khi
đọc đến dòng này, có thể em đã quyết định rằng em sẽ học theo cách của anh, với
cách tư duy và chiến thuật như anh để đạt ít nhất là 25 điểm. Em đã tin rằng mình
có thể đỗ đại học. Nhưng vẫn chưa hết đâu, hãy giúp anh ghi nhớ điều này, làm mọi
thứ để em có thể nhớ nó, đó là MỌI NGƯỜI SINH RA ĐỀU PHI THƯỜNG, CHỈ
CÓ SỰ THIẾU NỖ LỰC VÀ THIẾU KỈ LUẬT KHIẾN HỌ KHUYẾT TẬT. Cái
anh muốn nói đến ở đây đó là việc em có sẵn sàng làm theo tư duy ấy mỗi ngày hay
không, đừng bao giờ để bản thân phải thất vọng thêm một ngày nào nữa. LIFE
WILL NEVER BE THE SAME AGAIN – cuộc sống sẽ không bao giờ như cũ nữa.
Và anh mong rằng em không chỉ đọc xong để rồi lại để mình trượt dài, bỏ cuộc.
Hãy áp dụng ngay, hãy tin rằng mình có thể để bứt phá. Suy cho cùng, làm gì có ai
muốn nhìn lại năm 18 tuổi và thấy chính mình hèn nhát, đầy nỗi sợ và thất bại cay
đắng phải không nào? Hãy ra quyết định, và ngày hôm nay là một ngày hoàn toàn
mới trong cuộc đời em, là một ngày khiến em phải tự vấn bản thân, trưởng thành và
mạnh mẽ.
Anh thật sự muốn thắp lên một ngọn lửa trong em để em có thể đỗ đại học một
cách tự tin và xứng đáng nhất – xứng đáng với tiềm năng của em, với lòng tin của
những người quan trọng nhất trong cuộc sống dành cho em. Em cũng đừng quên
cân nhắc quan điểm, chiến lược của anh sao cho phù hợp với hoàn cảnh của em
nhất, anh thật sự rất muốn được nghe câu chuyện thành công của em, về những khó
khăn mà em gặp phải và dũng khí của em để vượt qua tất cả những khó khăn đó.
Nào ta cùng bắt đầu một hành trình mới!
HÃY TIN CHÍNH MÌNH VÀ CHO BẢN THÂN MỘT CƠ HỘI. – Anh Diễn