Sinh lý phù (edema)
1. Vận chuyển các chất qua mao mạch
Khi máu đến mao mạch sẽ xảy ra hiện tượng trao đổi nước và
các chất giữa mao mạch và gian bào. Các ion K+, Na+, Cl- , một số
chất kích thước nhỏ đi qua các lỗ mao mạch vào gian bào (hoặc
ngược lại), các tế bào máu: hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu hay các
phân tử lớn: protein, albumin … không đi qua được lỗ mao mạch.
Sự vận chuyển nước nhờ sự chênh lệch áp lực thủy tĩnh và áp lực
keo chúng ta đã cùng tìm hiểu ở phần 1.
2. Phù là gì?
Bình thường khoảng gian bào có một lượng dịch nhất định
gồm nước, các chất tan: các ion K+, Na+ … Tuy nhiên vì một lý do
nào đó đột nhiên lượng dịch này tăng lên bất thường. Khi đó gây
nên hiện tượng “phù” làm mô sưng to lên và gây cảm giác nặng tức
ở mô đó.
Phù có thể xảy ra ở nhiều bộ phận: tay, chân, mặt, màng phổi
(hiện tượng tràn dịch màng phổi), bụng (hiện tượng cổ trướng) …
Phù chân
3. Nguyên nhân gây phù
Có 2 nguyên nhân chính gây nên phù:
+ Phù do viêm: do nhiễm trùng hay bị côn trùng đốt
+ Phù không do viêm: do một số bệnh lý gan, thận… gây nên.
4. Phù do viêm
Bình thường Albumin không qua được thành mao mạch để
vào được gian bào, tuy nhiên vì một nguyên nhân nào đó: nhiễm
trùng, côn trùng đốt, khối u… các lỗ mao mạch giãn rộng làm
Albumin thất thoát từ mao mạch qua gian bào tạo ra áp lực keo ở cả
lòng mạch và gian bào, 2 lực này triệt tiêu nhau cuối cùng chỉ còn
áp lực thủy tĩnh, đẩy nước ồ ạt vào gian bào gây nên phù.
Phù do viêm thường kèm sưng, nóng, đỏ, đau
Chọc dịch tại mô bị phù mang đi xét nghiệm, ta được dịch tiết
(dịch rỉ viêm) chứa nhiều protein (phần lớn là Albumin thất thoát từ
lòng mao mạch ra gian bào), phản ứng Rivalta (+), phản ứng Rivalta
là một phản ứng liên quan đến sự có mặt của protein, Rivalta (+) khi
dịch có protein. Dịch phù màu vàng chanh.
5. Phù không do viêm
Sự vận chuyển nước giữa gian bào và lòng mạch do chênh
lệch áp lực thủy tĩnh và áp lực keo gây nên. Những bệnh lý làm
tăng áp lực thủy tĩnh hay giảm áp lực keo đều làm tăng lượng nước
từ lòng mạch vào gian bào và gây nên phù.
Ở bệnh nhân suy tim phải, thất phải suy giảm chức năng co
bóp yếu nên tống ít máu vào phổi, làm máu về tim bị ứ lại ở các tĩnh
mạch nhất là tĩnh mạch chi dưới làm áp lực tĩnh mạch chi dưới tăng
gây nên phù ở chân.
Albumin được tổng hợp ở gan nên các bệnh lý về gan: xơ gan,
ung thư gan làm tế bào gan suy yếu, giảm tổng hợp albumin. Từ đó
làm giảm áp lực keo trong máu gây nên phù ở bụng – cổ trướng
(ngoài ra trong bệnh xơ gan, tăng áp lực tĩnh mạch cửa của gan
cũng góp phần gây nên cổ trướng).
Một số bệnh về gan gây nên cổ trướng
Do kích thước lớn nên Albumin không được lọc qua màng lọc
cầu thận do đó trong nước tiểu không có Albumin, tuy nhiên trong
các bệnh lý về thận như viêm cầu thận hay hội chứng thận hư, cầu
thận “tăng tính thấm” nên Albumin qua được, làm Albumin bị thoát
ra ngoài theo nước tiểu → Albumin trong máu giảm, áp lực keo
giảm gây nên phù (ở chân, tay, mặt …).
Phù ở tay trái
Trong trường hợp này dịch phù ta thu được là dịch thấm,
không có protein nên phản ứng Rivalta (-).