Tải bản đầy đủ (.doc) (17 trang)

Những vấn đề lý luận về tuyên truyền, phổ biến pháp luật

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (116.98 KB, 17 trang )

Chương 1
NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ TUYÊN TRUYỀN,
PHỔ BIẾN PHÁP LUẬT
1.1 Khái niệm tuyên truyền, phổ biến pháp luật
Đất nước Việt Nam từ ngày giành được độc lập luôn luôn kiên định một con
đường đó là xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bằng chứng đó là nhà
nước ta không ngừng xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật quốc gia, tạo mội
điều kiện tốt nhất để việc thực thi pháp luật được diễn ra một cách đúng đắn nhất và
hiệu quả nhất. Và trong quá trình thực thi đó, công tác tuyên truyền và phổ biến pháp
luật là bước tiến hành đầu tiên và công tác này mang một vai trò hết sức quan trọng
trong việc tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, xây dựng nhà nước pháp quyền xã
hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân.
Chủ Tịch Hồ Chí Minh có nói: “Tuyên truyền là đem một việc gì đó nói cho dân
hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm. Nếu không đạt mục đích đó, là tuyên truyền thất
bại”. Đây chỉ là cách truyền đạt đơn giản, gần gũi và dể hiểu nhất của Bác Hồ đến với
toàn nhân dân nhưng theo nghĩa rộng “tuyên truyền” là hoạt động có mục đích của
chủ thể nhằm truyền bá những tri thức, giá trị tinh thần, tư tưởng đến đối tượng, biến
những kiến thức, giá trị tinh thần đó thành nhận thức, niềm tin, tình cảm của đối
tượng, thôi thúc đối tượng hành động theo những định hướng, những mục tiêu do chủ
thể tuyên truyền đặt ra.
Theo Từ điển luật học, tuyên truyền pháp luật là phổ biến tinh thần và nội dung
cơ bản của các văn bản pháp luật một cách trực tiếp hoặc qua các hình thức tác phẩm
văn hóa, nghệ thuật trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm tác động tới những
đối tượng nhất định, trong đông đảo các tầng lớp nhân dân để nâng cao nhận thức và ý
thức pháp luật, nếp sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.
Như vậy, các yêu cầu đặt ra đối với công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật để
làm sao cho đông đảo các tầng lớp nhân dân có thể nâng cao nhận thức và ý thức về
pháp luật là:
Thứ nhất, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật là nhiệm vụ chung của toàn
hệ thống chính trị, đây là một trong những nội dung quan trọng của công tác giáo dục
chính trị tư tưởng, đòi hỏi các ngành, các cấp phải có sự quan tâm lãnh đạo, phải có


liên kết, phối hợp một cách đồng bộ để đạt được hiệu quả cao nhất. Luôn luôn nâng


cao trách nhiệm, phát huy tính chủ động, sang tạo của các cơ quan, tổ chức trong công
tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật..
Thứ hai, công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật có thể được thể hiện dưới rất
nhiều hình thức vì vậy cần tiếp tục đa dạng hóa các hình thức, đảm bảo tính linh hoạt,
đồng bộ, toàn diện phù hợp với từng đối tượng nhằm tạo cho những đối tượng đó chú
ý hơn và quan tâm hơn đến các nội dung quy định của pháp luật đã được tuyên truyền
phổ biến từ đó xây dựng nên một ý thức chấp hành tốt các quy định pháp luật của nhà
nước đã đưa ra.
Thứ ba, mỗi một dân tộc, mỗi một địa phương đều có lối sống và văn hóa
truyền thống riêng của mình vì vậy công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cần
được áp dụng phù hợp với đạo đức, văn hoá truyền thống của từng dân tộc, của từng
địa phương. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cần phải gắn với cuộc vận
động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Từ việc xác định công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật có vai trò, ý nghĩa
vô cùng quan trọng nên Đảng và Nhà nước ta đã và đang luôn quan tâm đến công tác
này và luôn được đề cập đến trong các văn kiện của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Cụ thể:
- Nghị quyết Đại hội lần thứ VIII của Đảng đã khẳng định: ''Triển khai mạnh
mẽ công tác tuyên truyền và giáo dục pháp luật; huy động lực lượng của các đoàn thể
chính trị, xã hội, nghề nghiệp, các phương tiện thông tin đại chúng tham gia các đợt
vận động thiết lập trật tự, kỷ cương và các hoạt động thường xuyên xây dựng nếp
sống và làm việc theo pháp luật trong cơ quan nhà nước và trong xã hội''.
- Nghị quyết số 08–NQ/TW ngày 02 tháng 01 năm 2002 của Bộ Chính trị về
một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới chỉ rõ cần: “Đẩy mạnh
công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật với nhiều hình thức phong phú,
sinh động, đặc biệt là thông qua các phiên toà xét xử lưu động và bằng những phán
quyết công minh để tuyên truyền, nâng cao ý thức pháp luật cho cán bộ và nhân dân”.

- Hiến pháp năm 1992 giao Chính phủ nhiệm vụ: “tổ chức và lãnh đạo công tác
tuyên truyền, giáo dục Hiến pháp và pháp luật trong nhân dân”.
- Hiến pháp năm 2013 quy định tại Khoản 1 Điều 115 “…Đại biểu Hội đồng
nhân dân có nhiệm vụ vận động nhân dân thực hiện pháp luật, chính sách của Nhà
nước, nghị quyết của Hội đồng nhân dân, động viên nhân dân tham gia quản lý nhà
nước.”
- Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về
tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành


pháp luật của cán bộ, nhân dân (Chỉ thị số 32-CT/TW) đã khẳng định: “Phổ biến, giáo
dục pháp luật là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, là nhiệm vụ
của toàn bộ hệ thống chính trị đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng”.
- Nhiều văn bản pháp luật của Thủ tướng Chính phủ đã đề cập đến việc tăng
cường công tác PBGDPL như: Chỉ thị số 02/1998/CT-TTg ngày 07/01/1998 của Thủ
tướng Chính phủ về tăng cường công tác PBGDPL trong giai đoạn hiện nay, Quyết
định số 03/1998/QĐ-TTg về việc ban hành Kế hoạch triển khai công tác PBGDPL từ
năm 1998 đến năm 2002 và thành lập Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL…
- Và đặc biệt, công tác này đã được cụ thể hóa thành Luật Phổ biến, giáo duc
pháp luật năm 2012 với 5 chương và 41 điều. Luật này quy định bao gồm các nội
dung: quyền được thông tin về pháp luật và trách nhiệm tìm hiểu, học tập pháp luật
của công dân, nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật, trách nhiệm của cơ
quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền và các điều kiện bảo đảm cho công tác phổ
biến, giáo dục pháp luật.
1.2. Các hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật
Trong thực tế, công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật có thể được thể hiện
dưới rất nhiều hình thức và càng ngày các cơ quan, tổ chức thực hiện công tác tuyên
truyền, phổ biến pháp luật càng không ngừng đa dạng hóa các hình thức, đảm bảo tính
linh hoạt, đồng bộ, toàn diện phù hợp với từng đối tượng, từng địa phương cụ thể. Có
thể kể đến một số các hành thức chủ yếu và phổ biến sau:

1.2.1. Hình thức tuyên truyền miệng về pháp luật
Tuyên truyền miệng là một hình thức đặc biệt của tuyên truyền, được tiến hành
thông qua sự giao tiếp trực tiếp giữa người tuyên truyền với đối tượng tuyên truyền,
chủ yếu bằng lời nói trực tiếp.
Tuyên truyền miệng về pháp luật là một hình thức tuyên truyền mà người nói
trực tiếp nói với người nghe về lĩnh vực pháp luật trong đó chủ yếu là các văn bản
pháp luật đó nhằm nâng cao nhận thức về pháp luật, niềm tin vào pháp luật và ý thức
pháp luật cho người nghe và kích thích người nghe hành động theo các chuẩn mực
pháp luật.
Tuyên truyền miệng về pháp luật có nhiều ưu thế
- Tuyên truyền miệng là sự giao tiếp trực tiếp để cung cấp và trao đổi thông tin
nên sử dụng được mọi ưu thế của giao tiếp trực tiếp. Có sự tương tác giữa cả người
nói và người nghe nên có thể giải thích được những vấn đề mà vì một lý do nào đó
không thể đưa công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng hay là những vấn
đề mà người nghe dù đã nghe qua vẫn còn khó hiểu.


- Tuyên truyền miệng qua hình thức đối thoại giữa người nói với người nghe, là
một hình thức tuyên truyền dân chủ nhất, thực hiện được chức năng thông tin cả hai
chiều và không mang tính áp đặt.
- Tuyên truyền miệng là sự giao tiếp trực tiếp vì thế nên không chỉ có thể sử
dụng triệt để nhất ưu thế của ngôn ngữ nói mà còn có ưu thế rất cao trong việc sử
dụng ngôn ngữ hình thể, tạo cho cả người nói và người nghe có một cái nhìn cụ thể
hơn và sinh động hơn.
- Tuyên truyền miệng có thể được tiến hành một cách thường xuyên và rộng rãi
ở nhiều nơi, trong các điều kiện khác nhau. Người nói có khả năng thích nghi và biến
ứng linh hoạt với các điều kiện và hoàn cảnh cụ thể để tiến hành nhiệm vụ tuyên
truyền được giao, có điều kiện thuận lợi để giải thích, phân tích, làm sáng tỏ nội dung
cần tuyên truyền, hai bên có thể hỏi đáp trực tiếp để đáp ứng yêu cầu của nhau.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt ưu thế kể trên thì hình thức tuyên truyền miệng

vẫn tồn tại một số hạn chế, đó là:
- Ngôn ngữ không chỉ trên thế giới mà trong phạm vi một quốc gia đã rất đa
dạng và phong phú vì thế hạn chế rõ ràng nhất đó là lời nói không thể áp dụng đối với
các đối tượng không cùng ngôn ngữ. Ngoài ra, việc diễn đạt cũng phải có sự phù hợp
đối với từng đối tượng, từng địa phương, vùng miền. Vì vậy, người nói cần thận trọng
trong cách truyền đạt thông tin, người nghe cần chú ý lắng nghe thì việc tuyên truyền
miệng mới đạt hiệu quả cao nhất.
- Phạm vi về không gian có giới hạn, do khả năng phát ra của lời nói trực tiếp
(dù đã có phương tiện khuyếch đại) và khả năng tập hợp một số đông tại một địa điểm
và thời điểm nhất định.
- Dễ chịu tác động của các yếu tố ngoại cảnh hay là một cơ hội để của các thế
lực phản động lợi dụng lôi kéo, kích động, tuyên truyền những vấn đề phàn đất nước,
phản cách mạng do tập trung đông người và ở các địa điểm khác nhau.
Trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật từ trước đến nay, hình thức
tuyên truyền, phổ biến pháp luật thông qua tuyên truyền miệng là một bộ phận quan
trọng trong tổng thể các hình thức tuyên truyền pháp luật, được sử dụng phổ biến,
rộng rãi và có mối quan hệ chặt chẽ với các hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật
khác. Sở dĩ cho rằng tuyên truyền miệng là một bộ phận quan trọng trong tổng thể các
hình thức tuyên truyền pháp luật là vì tuyên truyền miệng là một công đoạn không thể
thiếu trong phần lớn các hình thức tuyên truyền pháp luật, ví dụ như đối với hình thức
tuyên truyền pháp luật thông qua công tác hòa giải ở cơ sở thì hòa giải viên vẫn phải
trực tiếp nói cho người được hòa giải về các nội dung pháp luật có liên quan, đối với


hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật thông qua các loại hình tư vấn pháp luật,
trợ giúp pháp lý thì cơ quan tư vấn cũng phải trực tiếp nắm bắt được yêu cầu của đối
tượng cần tư vấn từ đó đưa ra hướng giải quyết riêng cho từng vấn đề, đối với hình
thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật thông qua hoạt động giáo dục pháp luật trong
nhà trường thì các giáo viên cũng chủ yếu thong qua hình thức tuyên truyền miệng để
truyền đạt các nội dung đến học sinh của mình… và cho rằng tuyên truyền miệng có

mối quan hệ chặt chẽ với các hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật khác là vì
trong việc thực hiện tuyên truyền miệng pháp luật, người tuyên truyền cần phải có sự
kết hợp một cách linh hoạt và hài hòa với các hình thức tuyên truyền pháp luật khác
mới có thể truyền tài một cách đầy đủ, dễ hiểu và khoa học nhất đến đối tượng cần
tuyên truyền, ví dụ như trước khi tuyên truyền, người tuyên truyền cần phải biên soạn
đề cương mà giá trị của nó được coi như là tài liệu tuyên truyền, phổ biến pháp luật;
trong khi tuyên truyền miệng, người tuyên truyền cần kết hợp sử dụng các hình ảnh,
video minh họa có giá trị như là tuyên truyền thông qua tranh ảnh trực quan.
Như vây, để tạo cơ sở mang tính định hướng trong tổ chức thực hiện phổ biến,
giáo dục pháp luật, việc thể chế hoá bằng quy phạm pháp luật đối với hình thức tuyên
truyền miệng là rất cần thiết. Nhận định được điều đó, nhà nước ta đã xác định và
nhấn mạnh vai trò của tuyên truyền miệng trong tuyên truyền, phổ biến pháp luật
trong các văn bản chỉ đạo của Đảng, văn bản pháp luật của Nhà nước và các văn bản
chỉ đạo, hướng dẫn, điều hành, quản lý của các cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa
phương để giúp cho hoạt động tuyên truyền miệng được diễn ra một cách đúng mục
đích và hiệu quả nhất.
1.2.2. Hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật thông qua báo chí
Báo chí là phương tiện thông tin đại chúng thiết yếu đối với đời sống xã hội,
báo chí ở Việt Nam gồm: báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử bằng tiếng Việt, tiếng
các dân tộc thiểu số Việt Nam, tiếng nước ngoài.
- Báo in là tên gọi loại hình báo chí được thực hiện bằng phương tiện in (báo, tạp
chí, bản tin thời sự, bản tin thông tấn).
- Báo nói là tên gọi loại hình báo chí thực hiện trên sóng phát thanh (chương
trình phát thanh).
- Báo hình là tên gọi loại hình báo chí thực hiện trên sóng truyền hình (chương
trình truyền hình, chương trình nghe - nhìn thời sự được thực hiện bằng các phương
tiện khác nhau).
- Báo điện tử là tên gọi loại hình báo chí thực hiện trên mạng thông tin máy tính
(Internet, Intranet).



Với chức năng là phương tiện thông tin đại chúng, báo chí Việt Nam đã thực
hiện tốt nhiệm vụ của mình, trong đó có nhiệm vụ là tuyên truyền, phổ biến các chính
sách của Đảng và pháp luật của nhà nước.
Với đặc tính cơ bản của báo chí là tính phổ cập, nhanh chóng, kịp thời và rộng
khắp, trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, báo chí đóng vai trò quan
trọng, là công cụ, phương tiện hữu hiệu đưa pháp luật đến với toàn thể nhân dân từ đó
giúp cho đông đảo người dân dễ dàng tiếp thu, nắm bắt, tìm hiểu, nâng cao nhận thức,
ý thức pháp luật. Đặc biệt, phải kể đến các tờ báo đang rất phổ biến về pháp luật hiện
nay như: “ Pháp luật Việt Nam”, “ Đời sống và pháp luật”, “ Pháp luật và xã hội”, “
Pháp luật và thời đại”, “ Kinh doanh và pháp luật”,...
Báo chí đưa đến một cái nhìn, tổng quát và toàn diện đối với một vân đề góp
phần phản ánh thực tiễn thi hành pháp luật và hướng dẫn dư luận xã hội ủng hộ, biểu
dương người tốt, việc tốt trong chấp hành pháp luật, lên án, phê phán những biểu hiện
tiêu cực, những hành vi vi phạm pháp luật trong xã hội, tạo niềm tin vào pháp luật,
vào công lý trong mọi tầng lớp nhân dân. Trong công tác tuyên truyền chính sách,
pháp luật, báo chí còn đóng vai trò là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Bên
cạnh việc tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp
luật của Nhà nước đến nhân dân, báo chí còn là diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn
luận của nhân dân. Bằng các hình thức trực tiếp (báo chí thu thập, nắm bắt những nhu
cầu, nguyện vọng của nhân dân) hay gián tiếp (báo chí tiếp cận thực trạng thực tế
đang diễn ra ở đời sống hàng ngày), báo chí phản ánh những đề xuất, kiến nghị của
người dân với Đảng, Nhà nước về các chính sách, các quy định pháp luật chưa thật
phù hợp, về những bất cập, những vướng mắc, bức xúc trong thực tiễn thi hành, chấp
hành pháp luật.
Đặc biệt, ngày nay với sự phát triển đa dạng của các loại hình báo chí và việc
phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ đã góp phần ngày càng nâng cao hiệu
quả và chất lượng của thông tin trong đó có các thông tin về pháp luật góp phần tích
cực vào công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật.
1.2.3. Hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật thông qua hệ thống truyền

thanh cơ sở
So với hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật qua báo chí có đối tượng và
phạm vi tác động rộng khắp trên toàn đất nước thì hình thức tuyên truyền, phổ biến
pháp luật qua mạng lưới truyền thanh cơ sở có đối tượng và phạm vi tác động hẹp
hơn, được xác định cụ thể trong phạm vi một xã, phường, thị trấn hay một tổ dân phố,
một thôn.


Tuy nhiên, hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật qua mạng lưới truyền
thanh cơ sở cũng mang trong mình một số lợi thế như:
- Có khả năng truyền tin nhanh, kịp thời, chỉ cần nắm bắt thông tin một cách cụ
thể chính xác thì đã có thể truyền tà đến người dân tại cư sở mà không cần phải qua
các giai đoạn, sọan thảo, in ấn, phát hành như đối với báo in hay thu thập hình ảnh, tư
liệu và xắp xếp chúng lại thành một hệ thống như báo hình...
- Gần gũi, thân thiết với người dân ở cơ sở: bởi bối tượng và phạm vi tác động
của hình thức này hẹp hơn chỉ bao gồm trong một xã, phường, thị trấn hay một tổ dân
phố, một thôn nên những nội dung pháp luật được phát thanh trên mạng lưới truyền
thanh cơ sở là những quy định pháp luật liên quan thiết thực đến đời sống hàng ngày
của người dân cơ sở, những sự việc, những con người được phản ánh trong thực tiễn
thi hành pháp luật là những sự việc, những con người có thật tại địa phương, những
băn khoăn, thắc mắc của người dân cơ sở về chính sách, pháp luật được giải đáp kịp
thời…
- Hoàn toàn chủ động về thời gian: Có thể lựa chọn thời gian phát thanh một
cách phù hợp với thực tế tập quán sinh hoạt, lao động sản xuất của người dân ở địa
phương để buổi phát thanh có tác dụng cao. Và có thể thực hiện phát thanh được
nhiều lần.
- Chủ động trong việc lựa chọn nội dung: vì hình thức tuyên truyền, phổ biến
pháp luật thông qua hệ thống truyền thanh cơ sở mang tính địa phương cao vì thế, mỗi
địa phương có thể tự mình chủ động lựa chọn nội dung cho các buổi phát thanh phù
hợp với yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương, thức trạng cuộc sống đang diễn ra

hằng ngày của người dân địa phương và mong muốn tìm hiểu pháp luật của người
dân.
- Tiết kiệm được thời gian, công sức và tiền của hơ so với hình thức tuyên
truyền miệng vì không phải tập trung dân tại một điểm để tuyên truyền, phổ biến pháp
luật. Và người dân có thể vừa được tuyên truyền, phổ biến pháp luật vừa tiến hành
được hoạt động lao động hằng ngày của mình. Như vậy, cả những người làm công tác
tuyên truyền, phổ biến pháp luật và người dân đều đạt được những lợi ích riêng cho
mình thông qua hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật này đó là những người làm
công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật có thể phổ biến pháp luật cho nhiều người
dân và người dân thì không mất quá nhiều thời gian lao động của mình.


1.2.4. Hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật thông qua việc biên soạn,
phát hành tài liệu pháp luật
Đây là hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật được áp dụng rộng rãi, gần
gũi với người dân và đóng một vai trò lớn trong hoạt động tuyên truyền, phổ biến
pháp luật, là cẩm nang, phương tiện hoạt động của những người làm công tác tuyên
truyền, phổ biến pháp luật.
Tài liệu pháp luật rất đa dạng và phong phú với nhiều thể loại như đề cương
tuyên truyền, văn bản pháp luật, sách hướng dẫn, giải thích pháp luật, sách pháp luật
bỏ túi, sách hỏi đáp pháp luật, tờ rơi, tờ gấp, bản tin, tranh áp phích, lịch…
Trong tuyên truyền miệng, trong các hoạt động hoà giải tại cơ sở, trợ giúp pháp
lý, tư vấn pháp luật, công tác giảng dạy và học tập pháp luật trong nhà trường… đều
sử dụng tài liệu pháp luật để thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Vì
vậy, hiệu quả của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật chịu sự tác động rất lớn của
chất lượng các tài liệu pháp luật nên vấn đề đăt ra là việc biên soạn, phát hành các tài
liệu pháp luật này cần được chú trọng cả về mặt hình thức và mặt nội dung.
1.2.5. Hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật thông qua hoạt động giáo
dục pháp luật trong nhà trường
Giáo dục pháp luật là sự tác động có định hướng có tổ chức nhằm hình thành tri

thức, tình cảm và hành vi phù hợp với quy định của pháp luật, làm cho công dân tự
giác tuân thủ, thi hành pháp luật, nâng cao ý thức pháp luật của công dân.
Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật là rất cần thiết đối với mọi người dân
và càng cần thiết hơn đối với lứa tuổi học sinh, sinh viên. Đây là lứa tuổi mà con
người tiếp nhận một lượng tri thức rất lớn và hoàn thiện ý thức, nhân cách của mình,
vì vậy việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật ngay khi còn trên ghế nhà trường là rất
phù hợp trường nhằm thực hiện mục tiêu của giáo dục là đào tạo con người Việt Nam
phát triển toàn diện, góp phần hình thành và bồi dưỡng ý thức công dân, sống và làm
việc theo Hiến pháp và pháp luật, đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực trong xây dựng
Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Giáo dục pháp luật một phần giúp các học sinh, sinh viên tự nhận thức được
hành vi của của mình thực hiện đúng với các quy định của pháp luật ngoài ra các học
sinh, sinh viên còn là một nhân tố rất tích cực trong việc là đội quân tiên phong tuyên
truyền, khuyến khích những con người xung quanh họ thực hiện đúng với các quy
định của pháp luật.


1.2.6. Hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật thông qua tủ sách pháp luật
Tủ sách pháp luật là môt loại hình tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại Việt
Nam bằng hình thức tủ sách chứa đựng các văn bản pháp luật, các chủ trương, chính
sách của nhà nước Việt Nam. Tủ sách pháp luật được xây dựng theo những mô hình
thống nhất cho từng lợi địa bàn, từng đối tượng phục vụ. Việc xây dựng và quản lý tủ
sách pháp luật phải được đặt trong tổng thể các biện pháp tăng cường tuyên truyền,
phổ biến pháp luật và thực hiện dân chủ ơ cơ sở. Việc đầu tiên khi xây dựng tủ sách
pháp luật là phải có quyết định xây dựng tủ sách pháp luật của lãnh đạo chính quyền,
cơ quan, tổ chức, thủ trưởng đơn vị ban hành.
Tủ sách pháp luật được xây dựng, khai thác từ Ủy ban nhân dân cấp xã đến các
cơ quan hành chính nhà nước, tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân
dân, nhà trường và cơ sở giáo dục khác của hệ thống giáo dục quốc dân, của cơ quan
nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân. Trong đó:

- Tủ sách pháp luật cấp xã là nơi lưu giữ, khai thác và sử dụng sách, báo, tài
liệu pháp luật để phục vụ công tác của cán bộ, công chức chính quyền và đoàn thể ở
cơ sở, phục vụ nhu cầu tìm hiểu pháp luật của nhân dân nhằm giúp tăng cường phổ
biến giáo dục pháp luật và thực hiện dân chủ ở cơ sở.
- Tủ sách pháp luật ở cơ quan, đơn vị là nơi lưu giữ, khai thác và sử dụng sách,
báo, tài liệu pháp luật để phục vụ nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật của cán bộ,
công chức, viên chức, nhà giáo, người học, người sử dụng lao động, người lao
động và cán bộ, chiến sĩ quân đội nhân dân, công an nhân dân.
Việc xây dựng tủ sách pháp luật cấp xã, cơ quan, đơn vị nhằm trang bị kiến
thức pháp luật cho cán bộ và nhân dân, là một công cụ hữu ích hỗ trợ trong việc tìm
hiểu pháp luật, áp dụng pháp luật trong hoạt động quản lý điều hành của nhà
nước cũng như nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật cho nhân dân. Việc xây
dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật xã, phường rất cần thiết, góp phần nâng cao
trình độ hiểu biết pháp luật của người dân, hạn chế tình trạng khiếu kiện vượt cấp, kéo
dài, đồng thời là cẩm nang của cán bộ cơ sở trong công tác chuyên môn, là phương
tiện cung cấp tư liệu để nghiên cứu sử dụng, giải quyết công việc. Đây là một trong
những công cụ tuyên truyền, phổ biến pháp luật hiệu quả và thiết thực.
Tủ sách pháp luật thường bao gòm các nội dung như: các văn kiện, nghị quyết
của Đảng Cộng sản Việt Nam, các công báo, văn bản pháp luật hiện hành của nhà
nước, Hiến pháp, các bộ luật, đạo luật và các văn bản hướng dẫ thi hành, các tài liệu


nghiên cứu, chuyên khảo, bình luận khoa học về pháp luật và một số loại sách, tài liệu
hướng dẫn tham khảo khác. Và tủ sách pháp luật thường được đặt ở những địa đểm rất
thuận tiện cho việc tìm hiểu, tham khảo như thường được đặt ở các điểm bưu điện văn
hóa xã, các nhà văn hóa, nhà chùa, nhà thờ, các đồn biên phòng, các tổ dân phố, khu
dân cư hay đến tận các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học...
1.2.7. Hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật thông qua sinh hoạt câu lạc
bộ pháp luật
Câu lạc bộ pháp luật là tổ chức được thành lập và hoạt động trên tinh thần tự

nguyện tham gia của những người có nhu cầu tìm hiểu pháp luật, tích cực đấu tranh
bảo vệ pháp luật, nhiệt tình tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật. Thông qua các
hoạt động sinh hoạt của câu lạc bộ pháp luật không chỉ góp phần nâng cao hiểu biết
pháp luật mà còn tạo dựng lòng tin đối với pháp luật, nâng cao ý thức tôn trọng và
chấp hành pháp luật, hình thành thói quen sống và làm việc theo pháp luật của các
hội viên nói riêng và toàn thể nhân dân tại địa bàn nói chung.
Tổ chức và hoạt động của câu lạc bộ pháp luật được thực hiện trên cơ sở tuân
thủ quy chế, điều lệ tổ chức và hoạt động của câu lạc bộ pháp luật được các cơ quan
nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và chính sách pháp luật của nhà nước Cộng hoà
xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Câu lạc bộ pháp luật hoạt động định kỳ, thường xuyên
dưới sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ
chức đoàn thể, đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra của ngành Tư pháp.
Một câu lạc bộ pháp luật điển hình nhất phải kể đến là “Câu lạc bộ Thực hành
Pháp luật” là một câu lạc bộ học thuật trực thuộc Trung tâm Tư vấn Pháp luật và Đào
tạo ngắn hạn của trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh. Tên tiếng Anh là
Clinical Legal Education, viết tắt là CLE. Ở Khoa Luật – Đại học Huế năm 2009
cũng đã thành lập văn phòng thực hành luật (CLE) nay là tổ thực hành luật và quan
hệ doanh nghiệp. Mô hình câu lạc bộ này được thành lập với hai nhiệm vụ chính đó
là trợ giúp pháp lý cho cộng đồng và đào tạo môi trường rèn luyện kỹ năng thực
hành pháp luật cũng như các kỹ năng mềm cần thiết khác cho sinh viên. Từ việc
tham gia vào các hoạt động của CLE sinh viên được học tập thông qua các tình
huống thực tế đồng thời có cơ hội mang hiểu biết của mình phục vụ cộng đồng.
Các câu lạc bộ pháp luật có những mục đích, nội dung cũng như phương
hướng tổ chức hoạt động rất rõ ràng, dễ áp dụng và hoàn toàn khác biệt với các loại
hình câu lạc bộ khác. Câu lạc bộ pháp luật là tổ chức được thành lập và hoạt động
dựa trên nguyên tắc tự giác, tự nguyện của các cá nhân thành viên với mục đích chủ
yếu là để có cơ hội giao lưu, học hỏi, tìm hiểu phấp luật và nâng cao nhận thức pháp


luật. Số lượng thành viên câu lạc bộ không hạn chế, bất kỳ một cà nhân nào có nhu

cầu về tìm hiểu và thực hành pháp luật đều có thể tham gia, và câu lạc bộ luôn luôn
chú trọng phát triển, mở rộng thu hút nhiều hơn nữa các cán bộ và nhân dan cùng
tham gia. Hoạt động của câu lạc bộ pháp luật được tổ chức định kỳ, thường xuyên
dựa trên kế hoạch hoạt động hang tháng, hàng quý, sáu tháng hay một năm do Ban
chủ nhiệm câu lạc bộ đề ra và được toàn thể thành viện câu lậc bộ nhất trí thong qua,
và các hoạt động này phải tuân thủ điều lệ, quy chế tổ chức và hoạt động do cơ quan
nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Câu lạc bộ pháp luật hoạt động thong qua các
buổi sinh hoạt tập thể theo các hình thức sinh hoạt phong phú, linh hoạt, phù hợp với
từng thời kỳ và từng đối tượng.
Câu lạc bộ pháp luật dược xác định là một hình thức tuyên truyền, phổ biến
pháp luật có hiệu quả, phù hợp với mọi đối tượng và địa bàn dân cư khác nhau. Thực
tiễn, trong những năm đã qua cho thấy, mặc dù số lượng các câu lạc bộ pháp luật
được thành lập trên cả nước không nhiều, nhưng tác dụng, hiệu quả và sức lan tỏa
tích cực của mô hình này là không nhỏ trong đời sống cộng đồng dân cư. Để đạt
được các kết quả tích cực trên là vì các câu lạc bộ pháp luật đã đã quy tụ được đông
đảo thành viên tham gia nhằm giao lưu, học hỏi, tạo một diễn đạt, sân chơi bổ ích và
lành mạnh để cùng trao đổi, nắm bắt kiến thức pháp luật và vận dụng pháp luật.
Thông qua hoạt động của câu lạc bộ pháp luật, đường lối, chính sách của Đảng và
pháp luật của nhà nước được tuyên truyền, phổ biến rộng rãi và kịp thời. Từ đó giúp
các hội viên và nhân dân trên địa bàn nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng
và tự giác chấp hành pháp luật, đưa pháp luật dần dần trở thánh thói quenn trong ứng
xử hàng ngày của nhân dân. Câu lạc bộ pháp luật còn tạo điều kiện cho mỗi hội viên
trở thành một tuyên truyền viên pháp luật tích cực vận động người thân trong gia
đình và người dân trên địa bàn mình cư trú chấp hành pháp luật. Câu lạc bộ pháp luật
còn huy động sự quan tâm, phát huy tích cực, phối hợp, kết hợp của các cấp, các
ngành, các đoàn thể hữu quan trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng
cao dân trí pháp lý, đưa công tác này trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm,
góp phần không nhỏ trong việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã
hội của địa phương, đặc biệt là phong trào đấu tranh phòng chống tội phạm và tệ nạn
xã hội, giữ gìn an ninh, trật tự và an toàn xã hội.

1.2.8. Hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua tổ chức
cuộc thi tìm hiểu pháp luật
Cuộc thi tìm hiểu pháp luật là một trong các hoạt động tuyên truyền, phổ biến
pháp luật hấp dẫn, có hiệu quả cao và được sử dụng nhiều. Những nội dung pháp luật


được chuyển tải đến các đối tượng thông qua cuộc thi một cách đơn giản, ngắn gọn,
dễ hiểu, dễ nhớ hơn, sinh động hơn, tránh được sự cứng nhắc, khô cứng. Bên cạnh đó,
kiến thức pháp luật, kỹ năng tuyên truyền pháp luật của người tổ chức cũng được trau
dồi, gọt dũa.
Cuộc thi tìm hiểu pháp luật dựa vào các mục đích, yêu cầu, điều kiện và hoàn
cảnh khác nhau mà có nhiều hình thức thể hiện khác nhau. Mỗi cuộc thi cũng có thể
sử dụng một hoặc sử dụng kết hợp nhiều hình thức. Có bốn hình thức tổ chức cuộc thi
tìm hiểu pháp luật thường được áp dụng nhiều trên thức tế:
Thứ nhất, hình thức thi nói ( thi vấn đáp, sân khấu…)
Thi vấn đáp là hình thức thi mà người dự thi phải trà lời bằng miệng những câu
hỏi của ban giám khảo về những nội dung pháp luật nào đó. Hình thức thi này đòi hỏi
người dự thi vừa phải thu thập tài liệu vừa phải hiểu và nắm vững các quy định của
pháp luật để có thể chủ động trả lời nhiều tình huống pháp luật được ban giám khảo
đưa ra. Thi vấn đáp các thí sinh không được sử dụng tài liệu như hình thức thi viết,
thời gian chuẩn bị câu trả lời và thời gian trả lời câu hỏi rất ngắn nên chủ yếu phần trả
lời của thí sinh là những kiến thức có thực cả họ.
Thi qua hình thức sân khấu là hình thức thi mà người dự thi dung sân khấu để
thực hiện phần thi của mình. Người dự thi đồng thời là những diễn viên, trong nhiều
trường hợp họ vừa là người xây dựng kịch bản. Như vậy, yêu cầu đặt ra đối với hình
thức sân khấu cao hơn so với hình thức thi vấn đáp, không chỉ là họ phải tìm hiểu
những kiến thức về nội dung của cuộc thi mà họ còn cần phải có một trình độ biểu
diễn nghệ thuật mới diễn đạt được những điều muốn nói như vậy mới gọi là hoàn
thành phần thi của mình. Hình thức thi này đòi hỏi một sự chuẩn bị công phu về cả
nội dung và hình thức thể hiện. Tuy nhiên, hình thức thi này cũng được rất nhiều

người quan tâm yêu thích bởi những người dự thi họ vừa có điều kiện thể hiện được
kiến thức, trình độ pháp luật vừa thể hiện được tài năng nghệ thuật và các tài năng
khác mà họ có.
Thứ hai, hình thức thi viết
Là hình thức thi mà người dự thi trả lời các câu hỏi về những nội dung pháp
luật nhất định bằng việc thể hiện lên giấy những hiểu biết của mình về các nội dung
pháp luật đó.
Thi viết được sử dụng trong trường hợp cần tuyên truyền, phổ biến trên diện
rộng những nội dung của một văn bản pháp luật nhất định. Hình thức này có thể áp
dụng cho các cuộc thi khác nhau, ở những phạm vi và đối tượng khác nhau. Nhiều


người có thể cùng tham dự, cùng làm bài thi. Người dự thi có điều kiện nghiên cứu
văn bản, thảo luận, bàn bạc, thống nhất nội dung trả lời.
Thứ ba, hình thức thi trắc nghiệm
Đây là hình thức thi mà người dự thi trả lời các câu hỏi thi bằng việc lựa chọn
phương án phù hợp trong các phương án đã được chuẩn bị sẵn. Hình thức này có ưu
điểm là nhanh, gọn và tạo được sự tự tin và cảm giác thoải mái cho người dự thi.
Nhưng nhược điểm của nó là người tổ chức thi phải mất nhiều công sức chuẩn bị
nhiều phương án trả lời. Đồng thời, hình thức thi này có hạn chế nữa là người dự thi
nhiều khi lựa chọn phương án trả lời theo cảm tính và ý chí chủ quan của mình chứ
chưa chắc là do hiểu biết pháp luật.
Thứ tư, hình thức thi trên mạng Internet
Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển với tốc độ cực kỳ nhanh như hiện
nay thì việc sử dụng mạng lưới thông tin hiện đại phục vụ cho công tác tuyên truyền,
phổ biến pháp luật không phải là quá xa lạ đối với Việt Nam. Thi trên mạng là việc
người dự thi chỉ cần ngồi trước máy nhận nội dung yêu cầu thi từ Ban tổ chức (cũng
qua máy) và trực tiếp trả lời hoặc trả lời sau đó, tuỳ yêu cầu cụ thể của Ban tổ chức.
Hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua tổ chức cuộc
thi tìm hiểu pháp luật đã và đang được áp dụng rất rọng rãi trên cả nước và mang lại

rất nhiều dấu hiệu tích cực. Cụ thể, đối với hình thức thi sấn khấu thường được sử
dụng với các cuộc thi như “ Hòa giải viên giỏi”, “ Tuyên truyền viên pháp luật giỏi”, “
Giáo viêng giáo dục công dân – pháp luật giỏi”,… Đối với hình thức thi viết đã có các
cuôc thi như “ Tìm hiểu pháp luật về an toàn giao thông”, “ Tìm hiểu bộ luật Dân sự
1995”,… Đối với hình thức thi trắc nghiệm, chương trình VTV2 - Đài truyền hình
Việt Nam phối hợp cùng với Tổng Cục thuế - Bộ tài chính tổ chức cuộc thi tìm hiểu
pháp luật về thuế, câu hỏi và tình huống được đưa ra thong qua người dẫn chương
trình và tiểu phẩm do những diễn viên chuyên nghiệp đóng rất hấp dẫn người tham
gia cuộc thi và người theo dõi cuộc thi. Và đặc biệt, nhằm khuyến khích bạn đọc tìm
hiểu và nâng cao nhận thức về Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
năm 2013, Báo Pháp luật Việt Nam đã phát động cuộc thi “ Tìm hiểu Hiến pháp nước
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013” trên báo Pháp luật Việt Nam hàng
ngày và báo Pháp luật Việt Nam điện tử. Cuộc thi diến ra từ ngày 5/9/2014 đến hết
ngày 5/12/2014. Cuộc thi này không chỉ phổ biến sâu rộng tinh thần và nội dung của
Hiến pháp đến các tầng lớp nhân dân. Cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ
trang nhân dân, người lao động và người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà còn nâng
cao hiểu biết, ý thức tôn trọng, chấp hành và bảo vệ Hiến pháp, góp phần bảo vệ an


ninh, trật tự, an toàn xã hội, phát triển đất nước vững mạnh, tăng cường khả năng tự
vệ, bảo đảm toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ.
1.2.9. Hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua các loại
hình tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý
Tư vấn pháp luật là việc giải đáp pháp luật, hướng dẫn ứng xử đúng pháp luật,
cung cấp dịch vụ pháp lý nhằm giúp công dân, tổ chức trong nước và nước ngoài thực
hiện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ. Thông qua tư vấn pháp luật, luật sư
góp phần tuyên truyền, phổ biến, giải thích pháp luật nhằm nâng cao văn hoá pháp lý
cho công dân trong cộng đồng xã hội. Hoạt động tư vấn pháp luật là cầu nối quan
trọng giữa người xây dựng pháp luật, áp dụng pháp luật, thực thi pháp luật và những
người là đối tượng của việc áp dụng pháp luật.

Trợ giúp pháp lý là sự giúp đỡ miễn phí của các tổ chức trợ giúp pháp lý của
Nhà nước cho người nghèo, đối tượng chính sách và đồng bào dân tộc thiểu số tiếp
cận với các dịch vụ pháp lý (tư vấn pháp luật, đại diện, bào chữa) nhằm bảo đảm cho
mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật và thực hiện công bằng xã hội.
Tuyên truyền, phổ biến pháp luật thông qua hoạt động tư vấn pháp luật, trợ
giúp pháp lý sẽ giúp các đối tượng nắm bắt được các thông tin pháp lý, hiểu được
quyền và nghĩa vụ của mình trong các quan hệ pháp luật, hướng dẫn phương pháp xử
sự các hoàn cảnh cụ thể phù hợp với pháp luật và tránh được những hậu quả pháp lý
bất lợi, hướng dẫn công dân, tổ chức tôn trọng và thi hành nghiêm chỉnh pháp luật,
góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật.
1.2.10. Hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật thông qua hoạt động hoà
giải ở cơ sở
Tuyên truyền, phổ biến pháp luật thông qua hoạt động hoà giải ở cơ sở là việc
các tổ viên hoà giải bằng hoạt động hoà giải của mình cung cấp các kiến thức pháp
luật, bồi dưỡng tình cảm pháp luật cho các bên tranh chấp và những người khác trong
cộng đồng dân cư nhằm mục đích hình thành ở họ sự hiểu biết pháp luật, ý thức tôn
trọng pháp luật và thói quen hành động theo pháp luật.
Để tuyên truyền, phổ biến pháp luật thông qua hoạt động hoà giải ở cơ sở có
hiệu quả, đòi hỏi phải có phương pháp thực hiện hợp lý và có những giải pháp phù
hợp, kịp thời để việc hoà giải đạt được mục đích đồng thời qua việc hoà giải, các bên
hiểu được quyền, nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật.
Thông qua việc thực hiện hòa giảiở cơ sở theo luật định khi giải quyết các vụ
việc, hòa giải viên giải thích để các bên hiểu đúng pháp luật về vấn đề họ đang tranh
chấp. Việc hòa giải thành có ý nghĩa rất quan trọng vì giúp cho vụ án sớm được giải


quyết, đảm bảo được sự đoàn kết, ổn định trong nội bộ nhân dân, tiết kiệm và hạn chế
tối đa chi phí về thời gian và tiền bạc cho các bên tranh chấp… Khi thực hiện việc hòa
giải đòi hỏi các hòa giải viên phải thực sự công tâm, giữ đúng trọng trách của người
trọng tài cho người dân trông cậy, tuyệt đối không được gây sức ép cho một bên và

cũng không được thiên vị hay quá lo lắng cho bên kia.
1.2.11. Hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật thông qua các loại hình văn
hoá, văn nghệ
Tuyên truyền, phổ biến pháp luật thông qua các loại hình văn hoá, văn nghệ là
đưa tinh thần một quy phạm pháp luật, một văn bản pháp luật vào đời sống xã hội
bằng “ngôn ngữ” của một loại hình văn hoá, văn nghệ nào đó như kịch, lễ hội, áp
phích….
Đối với hoạt động này, đòi hỏi một số kỹ năng bảo đảm cho việc phổ biến, giáo
dục pháp lụât có hiệu quả như biết thâm nhập vào đời sống xã hội, nắm được tình
hình thực hiện pháp luật trong cuộc sống, phát hiện được vai trò định hướng phát triển
xã hội của pháp luật, những tính chất ưu việt của pháp luật xã hội chủ nghĩa, chuyển
được tư duy pháp luật thành tư duy nghệ thuật…
1.2.12. Một số hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật khác
Ngoài các hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật mang tính truyền thống
đã được sử dụng thường xuyên, rộng rãi trong tuyên truyền, phổ biến pháp luật, trên
thực tế, có một số hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật khác xuất hiện những năm
gần đây do yêu cầu thực tiễn của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn hiện
nay như: tuyên truyền, phổ biến pháp luật thông qua hoạt động thực thi pháp luật,
tuyên truyền, phổ biến pháp luật thông qua việc xây dựng, thực hiện hương ước của
thôn, làng, bản, ấp, quy chế của cơ quan, điều lệ của các tổ chức đoàn thể xã hội,
tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua việc thực hiện ký cam kết gia
đình không có thành viên vi phạm pháp luật, xây dựng các điểm sáng về chấp hành
pháp luật ở cộng đồng dân cư hay tuyên truyền, phổ biến pháp luật thong qua việc tổ
chức các cuộc điều tra thăm dò dư luận xã hội để thu thập thông tin phản hồi của cán
bộ, nhân dân về hiệu quả thực thi pháp luật, nhu cầu thông tin phổ biến, giáo dục pháp
luật để từ đó điều chỉnh nội dung, hình thức, biện pháp phổ biến, giáo dục pháp luật
phù hợp với yêu cầu của thực tiễn.
Như vậy, các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật đang được sử dụng trong
thực tiễn công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là rất đa dạng, phong phú đang được
vận dụng ngày càng rộng rãi, phổ biến trong công tác phổ biến, giáo dục nâng cao ý



thức pháp luật, hình thành nếp sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật của công
dân.
1.3. Vai trò của hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong việc nâng cao ý
thức pháp luật và văn hóa pháp lý cho nhân dân
Hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật mang một vai trò hết sức quan
trọng trong việc tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa và xây dựng nhà nước pháp
quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Chúng ta phải ghi tạc vào đầu cái chân lý
này: dân ta rất tốt. Lúc họ đã hiểu thì việc gì khó khăn mấy họ cũng làm được, hi sinh
mấy họ cũng không sợ. Nhưng trước hết cần phải chịu khó tìm đủ cách giải thích cho
họ hiểu rằng: những việc đó là vì lợi ích của họ mà phải làm” ( Trích trong Hồ Chí
Minh toàn tập, T5, NXB Chính trị quốc gia, HN, 1995, Tr.246 )
Như vậy, việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật tạo điều kiện cho việc nâng cao
trình độ văn hóa pháp lý của người dân. Giúp cho người dân nhận thức được đúng đắn
con đường mà nhà nước ta đã chọn, tạo ra một sự nhất trí đồng long chung giữa toàn
dân, tạo nên một khối đoàn kết vững mạnh để cùng xây dựng đất nước, nhất là trong
điều kiện xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh thì một trong những
điều kiện quan trọng là làm sao để người dân được tham gia tích cực vào hoạt động
quản lý xã hội bằng pháp luật. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật góp phần quan trọng
trong việc thúc đẩy sự lớn mạnh của tính tích cực, đảm bảo hành trang kiến thức pháp
lý cần thiết cho sự tham gia vào hoạt động xây dựng và thực thi pháp luật trong cả
nước nói chung.
Thông qua tuyên truyền,phổ biến pháp luật và các hoạt động tư vấn, trợ giúp
pháp lý đã kịp thời thông tin về chủ trương, pháp luật cho người dân, nâng cao nhận
thức, tích cực tham gia các hoạt động xã hội tại địa phương, xây dựng mỗi địa phương
nói riêng và toàn đất nước nói chung lành mạnh, an ninh trật tự được giữ vững.
Kết luận chương 1
Pháp luật là công cụ của mọi nhà nước để quản lý xã hội. Để đảm bảo xã hội

phát triển theo đúng định hướng của giai cấp cầm quyền thì việc tuyên truyền, phổ
biến pháp luật để nó đi vào đời sống là vô cùng quan trọng. Trong những năm qua,
cùng với sự phát triển chung của nhân loại nhiều mối quan hệ xã hội đã phát sinh và
pháp luật cũng vì thế mà mở rộng phạm vi điều chỉnh cho phù hợp. Từ những mối
quan hệ phức tạp đó có thể nhận thấy rằng việc nâng cao ý thức pháp luật cho mỗi
người là cần thiết để pháp luật thực sự đi vào đời sống, đảm bảo công bằng xã hội. Có
nhiều cách để nâng cao ý thức pháp luật, việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật cũng là


cách để thực hiện điều đó. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật ngoài việc sử dụng hình
thức truyền miệng thì còn có thể dùng đến nhiều cách thức trực quan và sinh động
hơn như báo chí, các tài liệu nghiên cứu, tủ sách pháp luật hoặc các cuộc thi các cuộc
đối thoại trực tiếp… Như vậy, với nhiều cách khác nhau việc tuyên truyền và phổ biến
pháp luật sẽ dần dần nâng cao ý thức pháp luật trong người dân, giúp người dân
không chỉ sống tuân thủ pháp luật mà còn biết cách tự bảo vệ quyền lợi chính đáng
của mình, đảm bảo công bằng xã hội giữa tất cả mọi người với nhau.



×