Tải bản đầy đủ (.pdf) (64 trang)

Hiện thực đời sống và con người trong hồi kí Cát bụi chân ai của Tô Hoài

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (877.71 KB, 64 trang )

TRƢỜNG ĐẠI HỌC SƢ PHẠM HÀ NỘI 2
KHOA NGỮ VĂN
----------

TRẦN THANH THỦY

HIỆN THỰC ĐỜI SỐNG VÀ CON NGƢỜI
TRONG HỒI KÍ CÁT BỤI CHÂN AI
CỦA TÔ HOÀI

KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC
Chuyên ngành: Văn học Việt Nam

HÀ NỘI, 2016


LỜI CẢM ƠN
Bằng tấm lòng biết ơn sâu sắc, em xin chân thành cám ơn TS. Nguyễn
Thị Tuyết Minh – người thầy đã tận tình hướng dẫn, giúp đỡ em trong suốt
quá trình làm khóa luận.
Em xin chân thành cám ơn các thầy cô giáo trong khoa Ngữ văn trường
ĐHSP Hà Nội 2 đã quan tâm giúp đỡ em trong suốt quá trình thực hiện đề tài.
Tuy đã cố gắng nhiều, nhưng do điều kiện thời gian và trình độ còn hạn
chế nên khóa luận của em không thể tránh khỏi những thiếu sót. Em kính
mong nhận được sự đóng góp quý báu của các thầy cô trong hội đồng chấm
khóa luận để đề tài của em được hoàn thiện hơn.
Hà Nội, ngày 11 tháng 5 năm 2016
Tác giả khóa luận

Trần Thanh Thủy



LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan những nội dung đã trình bày trong khóa luận là kết quả
nghiên cứu của bản thân tôi dưới sự hướng dẫn trực tiếp của TS. Nguyễn Thị
Tuyết Minh. Những nội dung này chưa được công bố ở công trình nghiên cứu
nào. Nếu sai tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm.
Hà Nội, ngày 11 tháng 5 năm 2016
Tác giả khóa luận

Trần Thanh Thủy


MỤC LỤC
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài................................................................................ 1
2. Lịch sử vấn đề .................................................................................... 3
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu ..................................................... 6
4. Mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu ........................................................ 6
5. Phương pháp nghiên cứu ................................................................... 6
6. Đóng góp mới của khóa luận ............................................................. 7
7. Cấu trúc của khóa luận....................................................................... 7
NỘI DUNG
CHƢƠNG 1: HỒI KÍ TÔ HOÀI TRONG BỐI CẢNH VĂN XUÔI
VIỆT NAM ĐƢƠNG ĐẠI .............................................................................. 8
1.1. Giới thuyết về thể loại..................................................................... 8
1.1.1. Giới thuyết về kí ....................................................................... 8
1.1.2. Hồi kí và đặc trưng thể loại .................................................... 10
1.2. Thể loại hồi kí trong văn xuôi Việt Nam đương đại..................... 12
1.3. Tô Hoài và thể loại hồi kí trong văn xuôi Việt Nam đương đại ... 16
1.3.1. Tiểu sử nhà văn Tô Hoài ........................................................ 16

1.3.2. Sự nghiệp sáng tác hồi kí của Tô Hoài ................................... 19
1.3.3. Quan niệm của Tô Hoài về hồi kí ........................................... 20
1.3.4. Hồi kí Cát bụi chân ai ............................................................ 23
CHƢƠNG 2: NHẬN DIỆN HIỆN THỰC ĐỜI SỐNG VÀ CON
NGƢỜI TRONG HỒI KÍ CÁT BỤI CHÂN AI CỦA TÔ HOÀI .............. 25
2.1. Hiện thực đời sống xã hội ............................................................. 25
2.1.1. Hiện thực đời sống trong chiến tranh ..................................... 25
2.1.2. Hiện thực đời sống trong hòa bình ......................................... 27


2.2. Con người trong hồi kí Cát bụi chân ai ........................................ 30
2.2.1. Chân dung những con người nhỏ bé, đời thường ................... 30
2.2.2. Chân dung những nhà văn đồng nghiệp ................................. 32
2.2.2.1. Chân dung nhà thơ Xuân Diệu ............................................ 33
2.2.2.2. Chân dung nhà thơ Nguyễn Bính ........................................ 36
2.2.2.3. Chân dung nhà văn Nguyên Hồng....................................... 38
2.2.2.4. Chân dung nhà văn Nguyễn Tuân ....................................... 42
2.2.3. Chân dung tự họa con người tác giả ....................................... 50
KẾT LUẬN ............................................................................................ 54
TÀI LIỆU THAM KHẢO .................................................................... 54


MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Tô Hoài là cây bút có đóng góp lớn cho sự phát triển của văn xuôi Việt
Nam hiện đại. Với hành trình sáng tạo nghệ thuật hơn 70 năm, Tô Hoài giống
như “con dao pha”, viết nhiều thể loại mà thể loại nào cũng đạt dấu ấn riêng.
“Đời văn Tô Hoài gợi hình ảnh một dòng sông miên man chảy và mang trong
mình cả cuộc sống bất tận” [34]. Có thể nói, hiếm một nhà văn nào có tuổi
đời, tuổi nghề gắn bó với công việc sáng tạo nghệ thuật chung thủy như Tô

Hoài. Sự nỗ lực đó được ghi nhận năm 1996, ông được nhà nước trao tặng
Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Đó là phần thưởng xứng
đáng cho một đời lao động nghệ thuật bền bỉ đầy tâm huyết của một nhà văn
có tài.
Tô Hoài viết nhiều thể loại nhưng thể loại mà ông gặt hái được nhiều
thành công nhất chính là hồi kí. Điều đó được GS Nguyễn Đăng Mạnh khẳng
định: “Tô Hoài sinh ra để viết hồi kí, tự truyện… Hồi kí, tự truyện là thể văn
sở trường nhất của Tô Hoài. Đúng thế, ở thể văn này tất nhiên nhân vật chính
là cái tôi cho nên sự hấp dẫn của hồi kí Tô Hoài xét cho cùng là sự hấp dẫn
của cái tôi ấy”[40]. Từ Cỏ dại (1944), Tự truyện (1978) đến Cát bụi chân ai
(1992), Chiều chiều (1999), Tô Hoài được xem là một tác giả hồi kí tài năng.
Thể văn này thu hút được sự quan tâm của xã hội, nó vừa thể hiện bút lực của
Tô Hoài, lại vừa cho thấy cách viết riêng, độc đáo sớm định hình một phẩm
chất không lẫn với bất cứ ai. Với gần 200 trang sách trong Cát bụi chân ai, Tô
Hoài đã đưa thể hồi kí lên một bước mới. Hồi kí đâu chỉ là chuyện đời tư của
tác giả được gợi lại mà hồi kí của Tô Hoài còn là chân dung của biết bao con
người, của chính thời đại ông nữa. Đọc hồi kí Tô Hoài, người đọc luôn luôn

1


được cuốn hút bởi những gì mới mẻ, không trùng lặp, không mờ nhạt, không
kém sức trong kho kỉ niệm của nhà văn.
Cuốn hồi kí đầu tiên của Tô Hoài mang tên Cỏ dại ra đời năm ông mới
ngoài 20 tuổi. Tự truyện là cuốn tiếp theo in ra khi ông ở tuổi 50. Nếu cuốn
hồi kí thứ nhất đã phát hiện ra khả năng của tác giả trong việc nắm bắt quá
khứ ngay khi nó vừa hình thành cũng như khách quan hóa bản thân, biến
mình thành một đối tượng miêu tả thì cuốn thứ hai cho thấy ông sống kĩ
lưỡng biết bao với đời sống xung quanh mình từ chuyện riêng tư đến chuyện
nghề rồi chuyện hoạt động Cách mạng. Cái gì cũng có thể đưa lên trang giấy

để trở thành văn chương, sức chứa của đầu óc ông thật hơn người mà sự chi
li, tỉ mỉ thì lại ít ai bì kịp. Dường như trong kho văn chương của tác giả luôn
có một góc riêng dành cho cái mà người xưa hay gọi là dĩ vãng và nó được
ông quan niệm như một bộ phận không thể thiếu của hiện tại. Tuy nhiên phải
đến Cát bụi chân ai (1992), hồi kí Tô Hoài mới thực sự thu hút dư luận. Sự ra
đời của Cát bụi chân ai là một sự kiên văn học đáng chú ý. Dù nhiều ý kiến
khen chê khác nhau nhưng điều cốt lõi là không ai phủ nhận giá trị nội dung,
giá trị nghệ thuật của nó. Theo Trần Đình Nam: “Cỡ tuổi 72 ông hiểu được
độc giả cho độc giả một Cát bụi chân ai mà với nó ông trở thành nhà văn
thượng thặng trong thể hồi kí. Chưa nói đến đóng góp nghệ thuật viết hồi kí
đến cái chất Tô Hoài rất đặc biệt trong cuốn sách này, riêng phần tư liệu đã
là vô giá. Nếu Tô Hoài sống để dạ, chết mang theo không kể lại những chuyện
sau đây thì bạn đọc sẽ thiệt thòi lắm” [40].
Trên tuần báo Văn nghệ ngày 13/11/1993 Xuân Sách, Trần Đức Tiến
đã có cuộc trao đổi về Cát bụi chân ai. Theo Trần Đức Tiến với Cát bụi chân
ai: “Lần đầu tiên Tô Hoài đã cho thế hệ cầm bút của ông nhìn những nhân
vật lớn của văn chương nước nhà ở một cự ly gần một khoảng cách khá tàn
nhẫn nhưng chính vì thế mà chân thực và sâu sắc”. Còn Vương Trí Nhàn

2


khẳng định: “Cát bụi chân ai là dịp ngòi bút hồi kí của Tô Hoài tung hoành
giữa những chuyện sống, đã sống qua để rồi dựng lên ngồn ngộn một bức
tranh hoành tráng…[44]. Ngoài ra, Mai Văn Thọ trên tuần báo Văn nghệ Trẻ,
Đặng Tiến trong tổng quan về hồi kí Tô Hoài đều khẳng định hồi kí là thể văn
sở trường của Tô Hoài. Ở đó Tô Hoài đã xây dựng cả thế giới riêng của mình
với những cảm quan nhân bản đời thường thấm thía, chân thực mà sâu sắc.
Với mong muốn hiểu sâu sắc về hồi kí Cát bụi chân ai, trong khóa luận
này chúng tôi đi sâu nghiên cứu Hiện thực đời sống và con người trong hồi

kí Cát bụi chân ai của Tô Hoài.
2. Lịch sử vấn đề
2.1. Tình hình nghiên cứu sáng tác của Tô Hoài
Với khối lượng tác phẩm đồ sộ trên nhiều thể loại, đề cập đến nhiều
phương diện của đời sống, sáng tác của Tô Hoài đã thực sự trở thành đối tượng
nghiên cứu của các nhà phê bình, nghiên cứu văn học trong và ngoài nước.
Người đầu tiên nghiên cứu văn chương Tô Hoài là nhà nghiên cứu Vũ
Ngọc Phan. Trong cuốn Nhà văn hiện đại, quyển IV (1942), khi giới thiệu về
Tô Hoài, Vũ Ngọc Phan đánh giá: “Tiểu thuyết Tô Hoài thuộc loại tả chân, có
khuynh hướng về xã hội. Ông tỏ ra là nhà tiểu thuyết có con mắt quan sát sâu
sắc và lối văn dí dỏm, tinh quái đầy những phong vị và màu sắc thôn quê,
ông tỏ ra không giống một nhà văn nào trước ông và cũng không giống một
nhà văn nào mới nhập tịch trong làng văn chương như ông”[48]. Như vậy,
ngay từ những ngày đầu mới bước chân vào con đường văn chương, Tô Hoài
đã khẳng định là một nhà văn có phong cách.
Giai đoạn sau 1975, Tô Hoài đã cho ra đời nhiều tác phẩm. Số lượng
công trình nghiên cứu văn chương Tô Hoài cũng không ngừng tăng lên.
Nhiều nhà nghiên cứu văn học tên tuổi đã có những bài viết về tác phẩm của

3


Tô Hoài như: Phan Cự Đệ, Trần Hữu Tá, Vũ Quần Phương, Trần Đình Nam,
Vân Thanh, Vương Trí Nhàn...
GS Nguyễn Đăng Mạnh trong Tổng tập văn học Việt Nam đã nhận xét:
“Nhà văn có một năng khiếu quan sát hết sức phong phú và sắc sảo, tài hoa
hiểu theo nghĩa vận dụng toàn bộ các giác quan để ghi nhận cảnh vật bên
ngoài với tất cả hình dáng, sự hoạt động, âm thanh, màu sắc, mùi vị của nó…
Ông có một trí tưởng tượng mạnh mẽ đồng thời có một vốn ngôn ngữ giàu có
đẻ tạo nên những bức tranh chân thực, góc cạnh và đầy hương sắc”[40].

GS Hà Minh Đức trong lời giới thiệu Tuyển tập Tô Hoài thì khẳng
định: “Sự tìm tòi rõ nhất trong nghệ thuật văn xuôi của Tô Hoài thuộc lĩnh
vực ngôn từ. Ông là nhà sử dụng nhiều thể loại văn học và ở thể loại nào
mạch văn của ông cũng vươn tới giá trị nghệ thuật ngôn từ hay nói một cách
nôm na là có văn. Tính văn của ngôn từ được tạo nên bằng nhiều nỗ lực tìm
tòi, sáng tạo. Ông không để câu văn rơi vào tình trạng chữ nghĩa sáo mòn và
lối biểu hiện nghèo nàn. Có nhiều hiện tượng còn khô khan, khó miêu tả
nhưng dưới ngòi bút của ông trở nên sinh động, cách diễn tả nhiều cảm hứng,
liên tưởng đẹp, so sánh thích hợp, chữ nghĩa chọn lọc và gợi cảm…”[6].
GS Trần Đăng Suyền trong bài Khái quát về trào lưu văn học hiện thực
phê phán (1930-1945) (Văn học Việt Nam thế kỉ XX tập 2, NXBĐHSP, 2005)
đã viết: “Truyện ngắn và tiểu thuyết của Tô Hoài dường như vắng bóng
những xung đột xã hội gay gắt. Nhãn quan hiện thực đời thường và nhãn
quan phong tục của ông đặc biệt nhạy cảm và tinh quái khi phát hiện những
chi tiết xoàng xĩnh, nhếch nhác đời thường của những bức tranh phong tục
đậm đà phong vị và màu sắc của thôn quê. Tô Hoài có biệt tài quan sát sắc
sảo, hóm hỉnh, tinh tế, nhất là về thế giới loài vật”.

4


Như vậy, nhiều bài viết, nhiều ý kiến đánh giá nhận xét khác nhau
nhưng đều thống nhất ở một điểm: Tô Hoài là nhà văn có tài năng và sức sáng
tạo dồi dào.
2.2. Tình hình nghiên cứu các tác phẩm hồi kí của Tô Hoài
Hồi kí là mảng đặc sắc trong sáng tác của Tô Hoài, đây cũng là mảng
sáng tác “được đọc nhiều, đọc kĩ trong một vài giới bạn đọc”. GS Nguyễn
Đăng Mạnh nhận xét: “Hồi kí, tự truyện của Tô Hoài là thể văn sở trường
nhất của Tô Hoài… Ở thể văn này, nhân vật trung tâm chính là cái tôi của
người viết. Cho nên sự hấp dẫn của văn phong Tô Hoài xét đến cùng là sự

hấp dẫn của cái tôi ấy”[43]. GS Hà Minh Đức trong lời giới thiệu Tuyển tập
Tô Hoài đã chỉ ra những nét đăc sắc trong nghệ thuật viết hồi ký, tự truyện:
“Hồi ký và tự truyện của ông kết hợp dược dòng kể tự nhiên, xác thực với ý
thức phát triển các hiên tượng và phần tâm sự của tác giả” [6]. Cùng với
hướng phát hiện đó, GS Phong Lê đã khẳng định sức lôi cuốn, hấp dẫn của tự
truyện Tô Hoài: “Đọc tự truyện tôi bỗng ngạc nhiên không hiểu sao người ta
thể viết hay đến thế về mình, để qua mình mà hiểu người, hiểu đời, hơn thế
hiểu cả một bầu khí quyển chung cho bao thế hệ”. GS Phong Lê khẳng định
Tự truyện, Những gương mặt chân dung văn học, Cát bụi chân ai là những
cuốn sách thuộc trong số không nhiều những cuốn của một vài tác giả hiện
đại mà ông luôn có nhu cầu đọc đi đọc lại. “Đọc lại để mà hưởng cái thú
chiêm nghiệm của một ý tưởng, một triết lý sống hoặc để nghe một giọng điệu
riêng, một cách nói riêng”. Ở đó là Tô Hoài, “Một Tô Hoài không lẫn với bất
cứ ai, một Tô Hoài hết mình, hóm hỉnh và thông minh. Nhẹ nhõm mà có sức
nặng, cứ như đùa mà lại thật, nghiêm chỉnh. Nhã nhặn, khiêm nhường mà
thật dũng cảm, chẳng biết sợ là gì”[35].
Ngoài ra còn một số bài nghiên cứu, bàn luận xoay quanh sáng tác hồi
kí và tự truyện Tô Hoài của các nhà nghiên cứu như: Vương Trí Nhàn, Trần

5


Hữu Tá, Trần Đình Nam… Song tựu trung, các bài viết chủ yếu đề cập một
cách khái quát. Đó là khoảng trống để trong khóa luận này chúng tôi đi sâu
tìm hiểu về Hiện thực đời sống và con người trong hồi kí Cát bụi chân ai.
3. Đối tƣợng và phạm vi nghiên cứu
- Đối tượng nghiên cứu của khóa luận là cuốn hồi kí Cát bụi chân ai do
NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 1992.
- Trong khuôn khổ của một khóa luận tốt nghiệp Đại học, chúng tôi tập
trung làm rõ những vấn đề cơ bản sau :

+ Hồi kí của Tô Hoài trong bối cảnh văn xuôi Việt Nam đương đại.
+ Nhận diện hiện thực đời sống và con người trong hồi kí Cát bụi chân
ai của Tô Hoài.
4. Mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu
- Mục đích nghiên cứu của khóa luận là tập trung làm rõ bức tranh hiện
thực đời sống và con người trong hồi kí Cát bụi chân ai của nhà văn Tô Hoài.
Từ đó, khẳng định những đóng góp của Tô Hoài đối với nền văn xuôi Việt
Nam đương đại, đặc biệt là thể loại hồi kí.
- Trong khóa luận này, chúng tôi không đặt nhiệm vụ nghiên cứu toàn
bộ sự nghiệp văn học của Tô Hoài mà chỉ tập trung vào cuốn hồi kí Cát bụi
chân ai để làm rõ bức tranh hiện thực đời sống và con người.
5. Phƣơng pháp nghiên cứu
5.1. Phương pháp khảo sát thống kê
Trong quá trình triển khai đề tài, chúng tôi sử dụng phương pháp khảo
sát thống kê để có những ý kiến đánh giá, những nhận xét, những dẫn chứng
tiêu biểu phục vụ cho việc làm sáng tỏ vấn đề: Bức tranh hiện thực đời sống
và con người trong hồi kí Cát bụi chân ai của nhà văn Tô Hoài.

6


5.2. Phương pháp phân tích tổng hợp
Đây là phương pháp chính của khóa luận. Trên cơ sở phân tích tổng
hợp những giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật của tác phẩm, người viết sẽ
chỉ ra được những nét đặc sắc trong hồi kí của Tô Hoài. Từ đó, góp thêm một
tiếng nói tiếp tục khẳng định tài năng của nhà văn Tô Hoài trong sự nghiệp
văn học của nước nhà.
5.3. Phương pháp so sánh, đối chiếu
Phương pháp này được sử dụng để làm nổi bật sự khác biệt, độc đáo
trong hồi kí của Tô Hoài so với hồi kí của một vài tác giả khác và ngay chính

bản thân Tô Hoài trong từng giai đoạn sáng tác.
6. Đóng góp mới của khóa luận
Khóa luận vừa kế thừa những nhận định, đánh giá của các nhà nghiên
cứu đi trước, vừa tìm tòi, lựa chọn, khám phá để từ đó làm rõ những đặc điểm
nổi bật nhất, đặc sắc nhất của hồi kí Tô Hoài về cảm hứng thế sự phản ánh
hiện thực đời sống và con người.
Kết quả của khóa luận góp phần gợi mở hướng tiếp cận tác phẩm hồi kí
Tô Hoài. Giải quyết những vấn đề đặt ra, khóa luận đem lại cho độc giả yêu
mến nhà văn Tô Hoài một cách nhìn đầy đủ hơn, toàn diện hơn về tác giả.
Đồng thời, khóa luận có thể làm tài liệu tham khảo cho học sinh, giáo viên,
sinh viên khi nghiên cứu về tác giả Tô Hoài.
7. Cấu trúc của khóa luận
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận và Tài liệu tham khảo, Nội dung chính
của khóa luận được chia làm 2 chương:
Chương 1: Hồi kí Tô Hoài trong bối cảnh văn xuôi Việt Nam đương đại
Chương 2: Nhận diện hiện thực đời sống và con người trong hồi kí Cát
bụi chân ai của Tô Hoài

7


CHƢƠNG 1
HỒI KÍ TÔ HOÀI TRONG BỐI CẢNH VĂN XUÔI
VIỆT NAM ĐƢƠNG ĐẠI
1.1. Giới thuyết về thể loại
1.1.1. Giới thuyết về kí
Kí là một loại hình văn học ra đời từ rất sớm trong lịch sử văn học nhân
loại nhưng phải đến thế kỉ XVIII đặc biệt là thế kỉ XIX, kí mới thực sự phát
triển mạnh mẽ. Với tư cách là một thể loại văn học mang tính thời sự, nhạy
bén và kịp thời nhất, kí là một hình thức biểu hiện của cuộc sống trong trạng

thái vận động trôi chảy, phát huy được sức mạnh của thể loại vào những khúc
quanh, những bước ngoặt của lịch sử, của thời đại. Chính vì vậy, so với các
thể loại khác như tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch, thơ thì kí là thể loại gây ra
nhiều tranh cãi, bàn luận các vấn đề liên quan đến nó.
Theo Từ điển văn học: “Kí phản ánh sự việc và con người có thật trong
cuộc sống, tính chính xác tối đa là đặc trưng cơ bản của kí. Do sức hấp dẫn,
sức thuyết phục của kí một phần do chính sự việc được phản ánh trong tác
phẩm. So với tiểu thuyết, truyện ngắn, kí phản ánh nhanh chóng, chính xác và
linh hoạt cuộc sống” [15].
Từ điển Tiếng Việt cho rằng: “Kí là một thể văn tự sự viết về người thật,
việc thật có tính chất thời sự, trung thành với hiện thực ở mức cao nhất” [9].
Từ điển thuật ngữ văn học xác định: “Kí là một loại hình văn học trung
gian, nằm giữa báo chí và văn học, gồm nhiều thể văn xuôi tự sự (…) không
nên căn cứ vào cách gọi tên của nhà văn để xác định thể loại (…). Kí không
nhằm vào việc miêu tả quá trình hình thành tính cách cá nhân trong tương
quan với hoàn cảnh (…). Đối tượng nhận thức thẩm mỹ của kí thường là một
trạng thái đạo đức  phong hóa xã hội (thể hiện qua những cá nhân riêng lẻ)

8


một trạng thái tồn tại của con người hoặc những vấn đề xã hội nóng bỏng…
Vì thế nhiều tác phẩm kí gần gũi với truyện ngắn. Nhưng khác với truyện
ngắn, truyện vừa, đặt biệt là tiểu thuyết, kí mang đặc trưng thể loại là tôn
trọng sự thật khách quan của đời sống. Người viết kí phải luôn đảm bảo cho
tính xác thực của đời sống phản ánh trong tác phẩm. Kí thường không có cốt
truyện nhưng lại có tính hư cấu. Sự việc và con người trong kí phải xác thực
hoàn toàn, có địa chỉ hẳn hoi vì kí dựng lại những sự thật đời sống cá biệt một
cách sinh động chứ không xây dựng hình tượng mang tính khái quát” [2].
Có thể nói, tính chính xác là đặc trưng cơ bản và quan trọng nhất của

kí. Nói như vậy, không có nghĩa là người viết kí không có quyền hư cấu,
tưởng tượng. Nhưng hư cấu trong kí khác với hư cấu trong truyện. Nếu truyện
dùng hư cấu tưởng tượng để tạo ra cái hiện thực thứ hai cao hơn hiện thực
ngoài đời sống thì kí chỉ thể hiện vai trò sáng tạo chủ quan thông qua liên
tưởng, ước đoán trong việc lựa chọn, tổ chức, sắp xếp, bình giá những sự
việc, hiện tượng, con người nổi bật ở những nét tiêu biểu điển hình của nó.
Mặc dù có hư cấu song ta hiểu, kí vẫn luôn lấy “người thực, việc thực” làm
điểm tựa sáng tác. Trong người thực, việc thực có những thành phần xác định
như tên tuổi, lai lịch, ngoại hình, nguồn gốc gia đình, văn hóa mà người viết
phải đạt đến mức tối đa. Có nhiều trường hợp người viết có thể quên, lúc đó
người ta phải dùng đến bút pháp hư cấu. Tuy nhiên nếu hư cấu vượt quá
ngưỡng cho phép kí sẽ trở thành thể loại khác như: truyện kí, tiểu thuyết…
Nói như Chế Lan Viên: “Với thể kí, ngoài việc phản ánh người thật, việc thật
ra còn có thể nói cái cảm xúc, suy tưởng, thậm chí tưởng tượng nữa” [32].
Điều đó có nghĩa là “kí cần tái tạo sự sống, miêu tả sự sống với đầy đủ sức
sống chứ không phải là những ghi chép khô khan” [32]. Muốn vậy, người viết
kí phải đi nhiều, có vốn sống, tâm hồn nhạy cảm, tinh tế, phải thực sự sống
với tư liệu, hay nói như Tô Hoài mỗi con số trong kí phải “đằm thắm những

9


tình cảm”. Nhưng việc quan trọng nhất do trần thuật người thật, việc thật nên
kí có giá trị cung cấp những tri thức về cuộc sống và có giá trị như những tư
liệu lịch sử quý giá đúng như lời khẳng định của GS. Hoàng Ngọc Hiến:
“Ngoài gây hiệu quả khoái cảm mỹ học, thể kí gây ở người đọc những khoái thú
thuần trí tuệ bằng việc cung cấp những tri thức người đọc quan tâm” [32].
1.1.2. Hồi kí và đặc trưng thể loại
“Hồi kí là một thể thuộc loại hình kí, kể lại những biến cố đã xảy ra
trong quá khứ mà tác giả là người tham dự hoặc chứng kiến” [2]. Các vấn đề

trong hồi kí thuộc bình diện quá khứ mà người viết ghi lại bằng những ấn
tượng, những hồi ức trực tiếp của mình. Lẽ dĩ nhiên, đó là những điều vẫn còn
ám ảnh và có ý nghĩa quan trọng đối với người viết. Điểm khác biệt của chủ
thể trần thuật trong hồi kí so với tiểu thuyết là người viết hồi kí chỉ tiếp nhận
và ghi chép phần hiện thực mà tác giả nhìn rõ hơn cả dựa trên cơ sở những ấn
tượng về hồi ức riêng trực tiếp của mình. Bản thân người viết hồi kí luôn ở
bình diện thứ nhất. Chính vì vậy, hồi kí thường khó tránh khỏi phiến diện, ít
nhiều tính chủ quan của thông tin, tính không đầy đủ của sự kiện. Song dưới
hình thức diễn đạt sinh động, trực tiếp của tác giả các sự kiện này trở nên có
giá trị như một tài liệu đáng tin cậy.
“Hồi kí đòi hỏi phải hết sức tôn trọng tính chân thực của câu chuyện sự
việc, số liệu, thời gian phải chính xác” [2]. Tuy nhiên tính chính xác, chân
thực trong hồi kí không đòi hỏi tới mức nó phải là sự sao chép thụ động theo
kiểu máy ảnh, máy ghi âm, cũng không phải là bản tin thông báo về các sự
kiện lịch sử hay tiểu sử của nhà văn. Tính chân thực của hồi kí phụ thuộc vào
khả năng ghi nhớ, vào sự chân thực của chính tác giả, người viết hồi kí. Nếu
người viết hồi kí có biệt tài riêng trong việc ghi nhớ các sự kiện xảy ra trong
quá khứ thì sự việc dù xảy ra đã lâu nhưng mọi chi tiết, sự kiện vẫn được tái

10


hiện một cách chân thực như vừa mới diễn ra. Hồi kí Tô Hoài là một điển
hình cho khả năng ghi nhớ của nhà văn, đặc biệt là cuốn Cát bụi chân ai.
Hồi kí thường chú ý đến các sự kiện mang tính tiểu sử. Nhưng khác với
các sử gia, các nhà nghiên cứu tiểu sử: “Chỉ tái hiện cái phần hiện thực nằm
trong tầm nhìn của mình, anh ta thường chỉ căn cứ chủ yếu vào những ấn
tượng, hồi ức của bản thân mình” [2]. Vấn đề nổi lên hàng đầu ở thể văn này
là bản thân người viết hoặc các nhân vật, sự kiện liên quan đến anh ta trong
đời sống, được đặt trong trường nhìn, sự đánh giá, nhận xét của chính anh ta.

Hồi kí do vậy thường mang đậm tính chủ quan. Các sự việc, hiện tượng được
phản ánh, được kể lại trong hồi kí chịu sự tác động của quy luật “quên lãng”
và “làm méo lệch” của cơ chế hồi ức. Nếu câu chuyện xảy ra trong quá khứ
gần hoặc mới xảy ra người viết còn nhớ rõ thì dòng hồi tưởng có thể chân
thực, sinh động đến từng chi tiết. Song cũng có khi câu chuyện đã lùi sâu vào
dĩ vãng, người kể quên đi một số chi tiết đòi hỏi phải dùng trí tưởng tượng để
hư cấu nhào nặn bổ sung cho cái khung hiện thực trở nên sinh động, hấp dẫn.
Người viết dùng hư cấu để tái tạo hiện thực nhằm phản ánh một cách đầy đủ
và toàn vẹn diện mạo của đời sống trong tính đa dạng, phức tạp của nó. Bản
thân nghệ thuật là sự chắt lọc của đời sống, là sự lựa chọn những nét điển
hình làm cho tác phẩm có chỗ đứng trong lòng công chúng. Xây dựng hình
tượng nghệ thuật đòi hỏi nhà văn phải lựa chọn các chi tiết đan cài các suy
nghĩ, tâm trạng nhân vật. Đó chính là nét hư cấu trong hồi kí. Tự bộc lộ, đưa
những suy nghĩ, tình cảm, ấn tượng của mình, cấp cho nó một hình dáng, một
diện mạo cụ thể âu cũng là nhu cầu của sự sáng tạo. Tuy nhiên, mọi sự thêm
thắt, hư cấu trong hồi kí cũng không nằm ngoài mục đích tái hiện sinh động
cái hiện thực đang được phản ánh.
Nhìn chung, là một thể loại tự sự đặc biệt, hồi kí thiên về trần thuật từ
ngôi thứ nhất  tác giả. Nó mang tính xác thực, tính chủ quan và hình thức tự

11


sự của dòng hồi ức. Sức hấp dẫn của hồi kí chính là bản thân các sự việc, hiện
tượng được phản ánh trong tác phẩm và cách kể chuyện của tác giả. Nhưng
hơn hết là cái tôi cá nhân hiện hình, sống động trên trang giấy. Nhân vật Tôi 
người kể chuyện trong hồi kí do lựa chọn điểm nhìn  phạm vi, trình tự phản
ánh, giọng điệu nghệ thuật cốt sao tái hiện được quá khứ rõ nét và sinh động.
Với vai trò là người tham dự, chứng kiến câu chuyện đã xảy ra trong quá khứ,
nhân vật Tôi  tác giả trở thành một đảm bảo khá vững chắc mà câu chuyện

đề cập tới.
1.2. Thể loại hồi kí trong văn xuôi Việt Nam đƣơng đại
Hồi kí ra đời từ rất sớm. Ngay từ thời cổ đại Hy Lạp nhân loại đã được
biết đến những trang hồi ức của Kxenôphan và Xôcnat ghi chép về các cuộc
hành quân của người Hy Lạp thế kỉ V TCN. Đây được coi là tác phẩm hồi kí
cổ xưa nhất. Thế kỉ XVI ở các nước phương Tây khoa học kĩ thuật phát triển,
ý thức cá nhân ngày càng nâng cao trở thành cơ sở cho hồi kí phát triển mạnh.
Hồi kí của các nhà văn, các chính khách, các nhân vật quan trọng đã xuất hiện
ở phương Tây từ nhiều thế kỉ trước.
Mãi đến thế kỉ XVIII, ở Việt Nam các tác phẩm kí lần đầu tiên mới
xuất hiện như Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ, Thượng kinh kí sự của Lê
Hữu Trác. Gần hai thế kỉ sau khi kí xuất hiện, hồi kí mới thực sự ra đời. Phan
Bội Châu niên biểu đầu thế kỉ XX được coi là cuốn hồi kí đầu tiên của Việt
Nam. Tác phẩm là sự ghi chép những tháng năm hoạt động cách mạng của
người chí sĩ yêu nước. Ghi lại cách cảm, cách nhìn của một con người không
còn là cá nhân riêng lẻ trong đời thường nữa mà là con người của thời đại đặt
số phận mình trong số phận chung của cộng đồng, của dân tộc. Cùng với
Phan Bội Châu niên biểu, một số bài viết có tính chất hồi kí như Giấc mộng
lớn, Giấc mộng con của Tản Đà. Ý thức về con người cá nhân, bản lĩnh cá
nhân cùng với cốt cách của bậc trượng phu đã tạo cho Tản Đà cái ngông của

12


người trí thức ý thức rõ về con người mình. Ngoài ra còn phải kể đến sự xuất
hiện của Tương Phố với Giọt lệ thu. Đây là tiếng lòng của cô gái Bắc Ninh
hồi tưởng lại những tháng ngày đẹp đẽ của tình nghĩa vợ chồng và bày tỏ nỗi
lòng thương nhớ khôn nguôi của người vợ với chồng quá cố.
Những năm 1930  1945 hồi kí phát triển mạnh trên văn đàn. Nhiều tác
phẩm hồi kí, tự truyện liên tiếp ra đời với nội dung chủ yếu viết về thân phận,

số phận của các nhà văn trong một đoạn đời cụ thể. Sự phát triển của hồi kí
giai đoạn này đánh dấu sự du nhập của văn hóa phương Tây vào Việt Nam,
làm thay đổi đời sống xã hội, thay đổi nhận thức, tư tưởng của con người. Tư
tưởng đó xuất hiện trong thơ, trong tiểu thuyết rõ nhất là trong hồi kí. Đến
giai đoạn 1945  1954, đất nước bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp, hồi
kí lại phát triển theo một hướng khác. Thời điểm này do áp lực của xã hội
trước các vấn đề xung đột dân tộc và giai cấp, kí văn học chuyển hướng phát
triển sang thể kí sự, bút kí để kịp thời phản ánh những sự kiện dồn dập đang
diễn ra trên khắp đất nước. Đến năm 1950, hồi kí mới xuất hiện trở lại nhưng
là hồi kí cách mạng. Đây là dòng hồi tưởng của các chiến sĩ cách mạng lớp
trước, các sĩ quan quân đội về những năm tháng hoạt động cách mạng đầy
gian khổ, những chiến công oanh liệt mà họ và đồng đội đã trải qua. Hồi kí
cách mạng đề cao chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, bồi
đắp tình cảm yêu nước, lòng tự hào về truyền thống cách mạng của thế hệ đi
trước mở đường. Những cuốn hồi kí Hai lần vượt ngục của Trần Đăng Ninh,
Bất khuất của Nguyễn Đức Thuận. Hồi kí của Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Thị
Định. Các hồi kí Nhân dân ta rất anh hùng, Trên đường thắng lợi, Người
trước ngã người sau tiến của nhiều tác giả… Nhân vật trong các hồi kí này là
những con người gắn liền với các biến cố trọng đại của Cách mạng, của dân
tộc. Họ là những con người vĩ đại chiến đấu vì nước, vì dân.

13


Thời kì 1954  1975, ở miền Nam xuất hiện một số cây bút viết hồi kí
văn học. Họ là những nhà văn, nhà thơ thuộc thế hệ tiền chiến nay tái hiện là
đời sống văn học theo quan điểm cá nhân của riêng mình. Các hồi kí Bốn
mươi năm nói láo của Vũ Bằng, Văn thi sĩ tiền chiến của Nguyễn Vĩ… xuất
hiện ở Sài Gòn vào những năm 60. Ở miền Bắc ngay từ những năm 1970, hồi
kí văn học cũng được chú ý. Một số nhà văn đã lấy bản thân mình ra làm đối

tượng để suy ngẫm. Thời điểm này Tô Hoài cũng cho ra đời cuốn Tự truyện
(1973) viết về cuộc sống của những người thợ thủ công vùng ngoại ô Hà Nội
trên con đường tìm kiếm miếng cơm manh áo…
Năm 1975, đất nước thống nhất, sự thức tỉnh của ý thức cá nhân khiến
cho hồi kí văn học phát triển mạnh mẽ. Nhiều nhà văn viết hồi kí để nói rõ
hơn những sự thật mà trước kia họ chưa có dịp để nói hay viết những mảng
tối còn chìm khuất trong đời sống hôm qua giúp người đọc hiểu rõ hơn những
phức tạp đã tồn tại một thời. Hồi kí Nguyễn Khải phần lớn được sáng tác
trong khoảng thời gian từ sau 1980. Khi tác giả ở độ tuổi “thất thập cổ lai hi”
cũng là lúc nhà văn có dịp chiêm nghiệm lại những biến thiên, thăng trầm của
cuộc sống. Vì vậy, những tác phẩm hồi kí của ông thực sự có giá trị trong
chiều sâu tư tưởng. Hồi kí Tô Hoài cũng được viết khi ông còn rất trẻ đề cập
đến cuộc sống xã hội vùng đất Nghĩa Đô nơi ông sinh ra và lớn lên với cái
nhìn rất chân thực. Tuy nhiên, cũng có những nhà văn viết hồi kí chỉ đơn
thuần để nhìn lại những chặng đường đã qua của bản thân mà tránh đề cập
đến khúc mắc, những vấn đề bên trong đời sống văn nghệ. Hồi kí Song đôi
của Huy Cận được viết theo hướng này.
Văn học thời kì đổi mới đề cao cá tính sáng tạo của nhà văn, mỗi nhà
văn tự tạo cho mình một diện mạo riêng, một cách nhìn riêng, một giọng điệu
riêng góp phần vào thế giới muôn màu, muôn vẻ của đời sống văn học.
Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải thì truyền thống, mực thước. Dương

14


Hướng, Lê Lựu, Nguyễn Khắc Trường thì gai góc, sắc nhọn. Phạm Thị Hoài,
Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp thì gây hấn, khiêu khích. Mỗi người một vẻ,
một cá tính tự do thể hiện bản sắc cá nhân của mình. Chưa bao giờ đời sống
văn học lại phong phú, khởi sắc đến như vậy. Cũng vào thời điểm ấy giữa cơn
lốc của sự đổi mới, trên văn đàn xuất hiện hàng loạt các hồi kí văn học. Mảnh

đất hồi kí văn học giai đoạn này thu hút đông đảo sự đánh giá của dư luận. Tô
Hoài với hai tác phẩm hồi kí Cát bụi chân ai, Chiều chiều đã thực sự gây
tiếng vang lớn trong lòng độc giả và giới nghiên cứu phê bình. Hòa cùng trào
lưu đó các nhà văn, nhà thơ vốn rất quen thuộc với bạn đọc cũng tung ra
những trang viết về cuộc đời của chính mình. Anh Thơ với hồi kí Từ bến sông
Thương (1985), Nguyễn Văn Bổng với hồi kí Thời đã qua (1995), Lưu Trọng
Lư với hồi kí Nửa đêm sực tỉnh (2001), Huy Cận với hồi kí Song đôi (2003)
và hàng loạt hồi kí khác… Phong phú về số lượng, đa dạng trong khuynh
hướng sáng tác, hồi kí giai đoạn này đã giành được tiếng nói riêng của mình
trên văn đàn văn học nghệ thuật. Ta bắt gặp điểm tương đồng giữa hồi kí Tô
Hoài và Nguyễn Văn Bổng trong việc xây dựng chân dung của chính mình
cũng như chân dung các bạn văn cùng thời. Hai hồi kí Cát bụi chân ai, Chiều
chiều, Tô Hoài ít đề cập đến quá trình sáng tác của bản thân mà chủ yếu viết
về đời sống văn nghệ với hàng loạt chân dung các nhà văn, nhà thơ Nguyễn
Bính, Xuân Diệu, Nguyên Hồng, Nguyễn Tuân, Phùng Quán… Mỗi người
một vẻ, một số phận riêng không ai giống ai nhưng thông qua chân dung của
họ, Tô Hoài tái hiện lại đời sống văn học ngày hôm qua trong cái nhìn chân
thành trong sáng nhưng cũng chứa đựng nhiều sai lầm, ấu trĩ của một thời.
Khác với Tô Hoài, Nguyễn Văn Bổng, Lưu Trọng Lư lại đắm mình trong
dòng hồi tưởng với những cảm xúc riêng tư trước sự thay đổi của số phận con
người. Anh Thơ, Huy Cận lại đi vào tái hiện những sự kiện đời tư của cá nhân
mình mà ít chú ý đến những miền còn khuất lấp trong đời sống xã hội. Nhờ

15


không khí dân chủ trong thời kì đổi mới, nghệ sĩ có cơ hội được đối thoại với
đời sống một cách cởi mở. Hồi kí chính là một hình thức giao tiếp đặc biệt
của nhà văn với bạn đọc về mọi vấn đề của cuộc sống hôm nay.
1.3. Tô Hoài và thể loại hồi kí trong văn xuôi Việt Nam đƣơng đại

1.3.1. Tiểu sử nhà văn Tô Hoài
Tô Hoài tên thật là Nguyễn Sen, sinh ngày 27/9/1920 trong một gia
đình thủ công nghèo làm nghề dệt lụa ở làng Nghĩa Đô, phủ Hoài Đức, tỉnh
Hà Đông cũ, nay là phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Quê nội của
ông ở thị trấn Kim Bài, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây. Bút danh Tô Hoài
cũng xuất phát từ hai địa danh sông Tô Lịch và phủ Hoài Đức của quê ngoại
nhà văn ở làng Nghĩa Đô.
Ngay từ nhỏ, ông đã sớm hòa mình vào cuộc sống của gia đình lúc
phong lưu cũng như khi sa sút, túng quẫn với những niềm vui bình dị, đôi khi
pha chút buồn thấm thía, xót xa. Gia đình trong kí ức Tô Hoài ngày ấy là ngôi
nhà cổ với nhiều kỉ niệm. Mỗi góc nhà, mỗi cột nhà đều gắn liền trong kí ức
ông với những câu chuyện kì lạ, bí ẩn. Trong gian nhà ấy ông cảm nhận được
niềm vui sum họp và cả nỗi buồn chia li khi người cha phải từ giã quê hương
vào Sài Gòn kiếm sống vì đã đi tìm việc nhiều nơi nhưng không có. Khi tin
tức về người cha bặt vô âm tín, tiền gửi thưa dần rồi mất hẳn cũng là lúc thằng
cu Bưởi phải thôi học, rời Kẻ Chợ về cõng em. Trong kí ức Tô Hoài còn in
đậm hình ảnh người mẹ hiền lành, tần tảo, cam chịu số phận nhọc nhằn mà
cái nghèo, cái đói cứ bám riết lấy và cả nỗi đau về tinh thần mà mẹ phải hứng
chịu. Đứa con gái xấu số của mẹ đã mất vì bệnh sởi và có tới mấy năm rồi
không tin tức bố tôi “người làng bên đồn bố tôi đã lấy vợ trên Sài Gòn”.
Mảnh đời đầy cay đắng của mẹ đã trở thành hình ảnh sống động ảnh hưởng
sâu sắc đến tâm hồn nhà văn trong những ngày còn thơ dại, ngay khi bắt đầu
biết cảm nhận những vui buồn trong cuộc sống.

16


Tuổi thơ Tô Hoài gắn bó với ông bà ngoại và các dì. Ông ngoại
“nghiện rượu ngữ” khi say thì sinh sự đánh bà vì “cái tội không đẻ được con
trai”, khi thì hiền lành âu yếm cháu kể lại chuyện ngày xưa. Bà ngoại thì vừa

nhiều lời, vừa cam chịu nhưng cũng chiều chuộng và yêu thương cháu hết
lòng. Sống trong bối cảnh gia đình thường xuyên có tiếng xô xát, kí ức về gia
đình trong những ngày ấy khiến Tô Hoài không quên được cảm giác: “Nhà tôi
còn êm ấm sao được nữa khi sự túng thiếu ngày càng gô cổ mỗi con người lại
và mỗi người đều ngày cứ bẳn gắt nhau, càng lúc thương, lúc ghét nhau hết
sức thất thường”. Hai bên gia đình nội ngoại của Tô Hoài đều là những người
lao động lam lũ, nghèo khó, không có truyền thống văn chương giống như
một số nhà văn khác. Gia cảnh của Tô Hoài chỉ trang bị cho nhà văn cảnh
nghèo đói, túng quẫn tuy chưa đến mức tận cùng dưới đáy xã hội, những nỗi
lo cơm áo gạo tiền đôi khi cũng là nguyên nhân gây ra xô xát giữa những
người thân trong gia đình. Do tuổi thơ sớm phải chứng kiến những cảnh buồn
nhiều hơn vui của gia đình, sớm nếm trải cuộc sống gian truân đời thường nên
cảm quan hiện thực của nhà văn “thấm được và thấm nhanh nỗi buồn” là vì vậy.
Hoàn cảnh gia đình khiến Tô Hoài chỉ được học hết bậc tiểu học rồi
sớm trở thành thợ cửi. Làng nghề lụi bại, ông phải lận đận trong công việc
mưu sinh. Làm đủ mọi nghề để kiếm sống: Từ bán hàng, phụ kế toán đến coi
kho cho hiệu buôn giày, dạy học và trải qua cả những tháng ngày thất nghiệp
tủi nhục không một xu dính túi. Những ngày tháng ấy hiện lên qua Tự truyện
thật xót xa và cay đắng: “Ngày ngày tôi cuốc bộ vào thành phố tha thẩn ở các
vườn hoa. Tôi xem kiến bò đến tận hôm tôi có thể phân biệt rạch ròi ra từng
loại kiến xây tổ khác nhau”.
Không khuất phục trước hoàn cảnh, luôn nỗ lực vươn lên để khẳng
định mình. Ông tự trau dồi tri thức bằng việc đọc bất cứ thứ gì có thể đọc
được. Những chồng Tiểu thuyết thứ bảy bán cân mua ở hiệu sách cũ khiến Tô

17


Hoài “mải mê đọc mà không hề để ý điều đó”. Niềm ham mê đọc sách giúp
ông có vốn sống ngày càng phong phú. Những câu chuyện thượng vàng, hạ

cám như giá cả sinh hoạt, chợ búa, tiếng nhà nghề, tiếng địa phương… đều
được ông ghi chép một cách tỉ mỉ, chi tiết và trở thành yếu tố quan trọng tạo
nên sự gắn bó máu thịt với cuộc sống dân dã, bình dị ở các miền quê mà ông
từng gắn bó. Không chỉ đọc nhiều, Tô Hoài còn chịu khó học hỏi cuộc sống
đang diễn ra xung quanh, với khả năng quan sát tinh tường đến mức “con ruồi
bay qua cũng không lọt khỏi mắt” (Vương Trí Nhàn). Mọi biến động cuộc
sống xoay quanh cuộc đời nhân vật đều được nhà văn phản ánh chân thực góp
phần đem lại bản chất vốn có của nó. Đến với nghề văn một cách tự nhiên, Tô
Hoài sớm nhận ra văn xuôi chính là mảnh đất canh tác màu mỡ của mình.
Ông thực sự say mê cuộc sống sinh hoạt bình dị của làng quê, gia đình, bạn
bè, bản thân và các phong tục tập quán của các dân tộc. Cả cuộc đời cầm bút,
Tô Hoài bám riết lấy cuộc sống trong cảm quan hiện thực để tung hoành và
bộc lộ sở trường của mình một cách toàn diện sâu sắc.
Lớn lên trong cảnh đất nước chìm đắm trong màn đêm nô lệ, cuộc sống
của các tầng lớp đều cơ cực, nét đẹp văn hóa bị mai một, trộm cắp vặt thường
xuyên xảy ra, làng quê ngày càng trở nên tiêu điều, xơ xác. Chứng kiến cảnh
sống bất hạnh ấy, Tô Hoài sớm trĩu nặng nỗi buồn. Và trong chính những
ngày tháng đó, phong trào cách mạng đã tràn về. Tô Hoài nhanh chóng hòa
mình vào không khí thời đại, đem hết sức mình phục vụ cách mạng và phong
trào văn nghệ cách mạng. Lặng lẽ sống, quan sát, thu vào trong mình tất cả
các biến động của lịch sử bằng một lăng kính riêng một cách nhìn riêng
không giống với bất cứ ai, Tô Hoài đã khéo léo thể hiện cuộc sống từ nhiều
chiều chân thực, vẹn nguyên như chính cuộc sống đang diễn ra như thế.
Là người sớm giác ngộ cách mạng, nhiệt tình tham gia nhiều công việc
đoàn thể, chính quyền từ khi còn rất trẻ, Tô Hoài đã từng giữ nhiều cương vị

18


trong Hội Văn nghệ, Hội Nhà văn. Ông cũng từng là đại biểu Quốc hội, từng

tham gia các đoàn thể quốc tế và tham gia cả các hoạt động của khu phố, tổ
dân phố. Ở cương vị nào ông cũng làm tròn trách nhiệm. Cuộc đời hoạt động
cách mạng và quá trình tham gia công tác xã hội là cơ hội thuận lợi giúp nhà
văn thâm nhập vào cuộc sống muôn màu, muôn vẻ, hiểu được đời sống của
mọi tầng lớp người trong xã hội mang lại cho những trang văn của ông mảng
hiện thực chân xác của lịch sử.
1.3.2. Sự nghiệp sáng tác hồi kí của Tô Hoài
Với gần nửa thế kỉ lao động nghệ thuật, Tô Hoài đã có những đóng góp
quan trọng cho nền văn học nước nhà cả giai đoạn trước và sau Cách mạng
tháng Tám. Tô Hoài viết đủ mọi thể loại: Truyện ngắn, truyện đồng thoại, bút
kí, hồi kí, phóng sự, kịch bản phim… Con số gần 200 tác phẩm đã xuất bản
chứng tỏ ở Tô Hoài một sức sáng tạo mạnh mẽ, dài hơi kiên nhẫn, đều đặn và
kiên tục, đủ để đưa ông trở thành một trong những cây đại thụ của nền văn
học Việt Nam. Ở mảng sáng tác nào, ông cũng có những thành công và ghi
được dấu ấn riêng. Ông thật sự là một tấm gương sáng về lòng say mê học
tập, ham hiểu biết tự trau dồi kiến thức cho mình. Tài năng thiên bẩm cùng
với sự say mê học hỏi đã giúp nhà văn có được văn nghiệp đồ sộ như ngày
hôm nay. Riêng ở thể hồi kí, ông cũng khẳng định được tài năng và sức sáng
tạo mãnh liệt của mình ở nhiều tác phẩm như: Cỏ dại (1944), Tự truyện
(1978), Những gương mặt chân dung văn học, Cát bụi chân ai (1992), Chiều
chiều (1999). Hồi kí Tô Hoài có những đặc trưng về cảm quan nhân bản, về
con người và sự kiện được nhớ lại và cả về nghệ thuật trần thuật. Có lẽ ở hồi
kí ông mới có dịp “tung hoành” ngòi bút bộc lộ phong cách nghệ thuật của
mình một cách rõ nhất. Cỏ dại và Tự truyện được xây dựng theo trật tự thời
gian từ lúc ấu thơ ở làng Nghĩa Đô cho đến khi trưởng thành đi khắp nơi kiếm
sống và tìm đến với Cách mạng, đến với nghề văn của nhà văn. Còn Những

19



gương mặt chân dung văn học là chân dung những nghệ sĩ cụ thể được phân
chia rất rõ ràng. Khác với quan niệm chung về hồi kí là nói về mình, tổng kết
lại đời mình, Tô Hoài đã dựng lên cả một bức tranh cuộc sống đa chiều về
hiện thực qua Cát bụi chân ai và Chiều chiều. Ở đấy Tô Hoài đã làm được
việc mà nói như Vương Trí Nhàn: “Trước mọi sự việc, mỗi người đều có cách
phản ứng riêng của mình, người nọ làm nền cho người kia để trong sự so
sánh, mỗi người lại hiện ra sắc nét hơn... Và điều nhắn gửi cuối cùng của nhà
văn là cái chân lí sóng đôi, chúng ta mỗi người mỗi tính, không ai giống ai
mà đồng thời chúng ta lại lồng ghép lên nhau, quyến quyện với nhau hoặc nói
như danh từ vật lí ánh xạ vào nhau. Tôi có viết hồi kí cho riêng tôi đâu, tôi
viết cho cả những người thân sơ đã cùng tôi chia sẻ cái cuộc đời lạ lùng
này”[46]. Với cách viết hồi kí như thế, Tô Hoài đã gián tiếp bộc lộ ý tưởng
của mình: Dù đời sống có thế nào đi chăng nữa thì tôi vẫn cứ là tôi, cái quá
khứ của tôi là sự đảm bảo vững chắc cho điều đó. Suốt một đời văn Tô Hoài
đã tạo cho mình một phong cách riêng, một “thương hiệu” nghề nghiệp riêng
đáng kính trọng.
1.3.3. Quan niệm của Tô Hoài về hồi kí
Ngay từ khi mới vào nghề, Tô Hoài đã chứng tỏ ý thức sáng tạo của
một nghệ sĩ chân chính. Điều đó trước hết được thể hiện ở quan niệm của Tô
Hoài về văn chương nói chung: “Chưa bao giờ bắt chước viết theo lối truyện
của Nhất Linh, Khái Hưng. Mặc dù tôi cũng thích đọc những truyện ấy. Bởi lẽ
giản dị: viết truyện giang hồ kì hiệp, ai cũng có thể tưởng tượng nhưng viết
cái thật thì đời và người trong truyện của mấy ông nhà giàu con quan và có
đồn điền như thế, tôi không biết những kiểu người ấy, không bắt chước
được”. Hoàn cảnh xuất thân và môi trường sống của Tô Hoài quá xa cách với
tầng lớp thượng lưu, ông chỉ quen thuộc, gần gũi với đám bình dân, những
con người lam lũ, khổ nghèo, nhếch nhác. Cái nhà văn quan tâm chính là cuộc

20



×