Tải bản đầy đủ (.docx) (20 trang)

phân tích tác phẩm lãng mạn của pushkin (nga) và mickiewicz (ba lan)

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (136.8 KB, 20 trang )

ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
KHOA VĂN HỌC VÀ NGÔN NGỮ

K

PHÂN TÍCH TÁC PHẨM LÃNG MẠN
CỦA PUSHKIN (NGA) VÀ MICKIEWICZ (BA
LAN)

MÔN: VĂN HỌC NGA SLAV
GV: PGS.TS TRẦN THỊ PHƯƠNG PHƯƠNG
TH.S TRẦN TỊNH VY


TP.HCM, ngày 17 tháng 4 năm 2015

DANH SÁCH NHÓM

1. Nguyễn Thị Thùy Linh

1256010083

2. Hoàng Thị Phượng

1256010140

3. Trần Thị Trang

1256010186


4. Nguyễn Thị Kim Thoa

1256010162

5. Lê Minh Hoàng Anh

1156010004

6. Nguyễn Thị Thúy Vi

1256010211

7. Thủy Thị Trúc Vân

1256010208

8. Đặng Thị Mai Sương

1156110108

9. Nguyễn Thị Toàn

1256010175


Adam Bernard Mickiewicz và Aleksandr Sergeyevich Pushkin là hai nhà thơ mở đầu cho
chủ nghĩa lãng mạn ở Ba Lan và Nga. Nhìn chung những sáng tác của Mickiewicz và
Pushkin hướng về tình cảm con người, đặc biệt là về tình yêu với cảm xúc dạt dào, chân
thực, mãnh liệt. Với những đóng góp của mình, cả Mickiewicz và Pushkin đã gặt hái
được nhiều thành công và có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến chủ nghĩa lãng mạn ở Ba Lan

và Nga nói riêng, chủ nghĩa lãng mạn thế giới nói chung.
I. ADAM BERNARD MICKIEWICZ
1. Tác giả , tác phẩm
Adam Bernard Mickiewicz (1798 –1855) là nhà thơ dân tộc Ba Lan. Ông được coi là
một trong ba những nhà thơ vĩ đại nhất Ba Lan (cùng với Juliusz Slowacki và Zygmunt
Krasunski).
Adam Mickiewicz sinh ở Zaosie gần Navahrudak, Đế quốc Nga (nay là Belarus), là con
trai của Mikołaj Mickiewicz một luật sư nghèo. Học Đại học Vilnius từ năm 1815. Tham
gia vào việc thành lập nhóm thanh niên yêu nước và làm thơ cổ vũ cho phong trào này.
Sau khi tốt nghiệp Đại học, làm giáo viên dạy học.
Năm 1823 bị bắt vào tù vì tham gia hoạt động chính trị, năm 1824 được trả tự do. Từ năm
1824 đi đến nhiều thành phố như Sankt-Peterburg, Odessa, Moskva, Cremia…làm quen
với nhiều nhà cách mạng Tháng Chạp ở Nga. Từ năm 1829 đi ra nước ngoài, sống ở Đức,
Thuỵ Sĩ, Ý. Năm 1832 sang Paris, cộng tác với các nhà chính trị sống lưu vong của Ba
Lan và Litva.
Năm 1840 được phong giáo sư các ngôn ngữ Slavic của trường College de France. Năm
1855, Adam Mickiewicz đến Constantinople với ý định thành lập đội quân người Ba Lan
giúp Anh, Pháp chống lại Nga hoàng nhưng ý định đang dở dang thì bị bệnh dịch tả và
mất ngày 26 /11/1855.
Với những đóng góp của mình, người ta đã lấy tên ông đặt cho một trường Đại học ở Ba
Lan là Đại học Adam Mickiewicz (AMU) được thành lập vào năm 1919.
Một số tác phẩm tiêu biểu như: bài thơ đầu tiên Zima Miejska in ở báo Tygodnik
Wilenski (1818); tập thơ đầu tiên Poezje có bài giới thiệu về thơ Lãng mạn đã trở thành
tuyên ngôn của phái lãng mạn Ba Lan, sau đó in 4 tập thơ khác ở Nga; Thiên sử thi Pan


Tadeusz czyli Ostatni zajazd na Litwie,…và một số tác phẩm dịch ra tiếng việt như: Thơ
Mickiewicz do Hoàng Trung Thông và Nguyễn Xuân Sanh dịch, Chàng Tadeush do
Nguyễn Văn Thái dịch.
2. Bài thơ Lãng mạn và tuyên ngôn về chủ nghĩa lãng mạn của Adam Bernard

Mickiewicz.
Chủ nghĩa lãng mạn được hình thành ở Tây Âu sau Cách mạng tư sản Pháp, du nhập vào
Nga khoảng đầu thế kỷ XIX. Chủ nghĩa lãng mạn với quan niệm đề cao mộng tưởng, tình
cảm và sự tự do của con người, đặc biệt là con người cá nhân. Quan niệm sống của họ là
quan tâm đến những cái kỳ lạ, mạnh mẽ, cao thượng, phản ánh mặt tối trong những sự
vận động trong tâm hồn, quan tâm đến vô thức và trực cảm, cái huyền ảo, lạ thường. Lý
tưởng và khát vọng của mỗi cá nhân vươn tới sự tự do tuyệt đối, tới sự hoàn thiện về tinh
thần. Con người luôn trong trạng thái thất vọng với hiện thực, chối từ những cái thường
nhật của cuộc sống. Kết thúc bi kịch, hệ thống nhân vật thường có sự hiện diện của lý
tưởng, của cá nhân anh hùng.
a. Đề cao trữ tình
Hãy lắng nghe, hãy lắng nghe, thiếu nữ
Nàng không hề nghe thấy tiếng tôi
Trời sáng bạch rồi, ở đây thành phố
Bên nàng kia, nào có ai ngồi
Nói tôi nghe bóng hình chi nàng đang theo đuổi
Mà nàng gọi kêu mà nàng chào hỏi?
Nàng không hề nghe thấy tiếng tôi
Khi im lìm như pho tượng đá
Trong mắt nàng không động ánh con ngươi
Khi đôi mắt lạc về xa thẳm
Dưới hàng mi những giọt châu rơi
Người ta bảo nàng đang theo đuổi
Một bóng hình cuối cùng nàng với tới
Nàng khóc nức lên rồi khẽ mỉm cuời
Có phải anh trong đêm em đã thấy
Có phải anh. Jean, người bạn của em?
Ừ có phải sau khi đã chết
Cũng vẫn còn yêu mãi yêu thêm?
Hãy đến đây bước chân đi rón rén

Kẻo dì em nghe thấy lại phiền


Tính chất lãng mạn là một thuộc tính thẩm mỹ biểu hiện chủ yếu ở chỗ vươn lên trên thực
tại và đã hình thành trong lịch sử sáng tác văn học. Lãng mạn cùng với trữ tình là hai
phạm trù nghệ thuật nằm trên những bình diện khác nhau: đối lập với lãng mạn là hiện
thực, đối lập với trữ tình là tự sự. Trữ tình là kết quả của việc biểu hiện cảm xúc, tâm
trạng chủ quan của con người, do phản ánh ước mơ và khát vọng của con người nên
thường vươn lên trên thực tại. Vì vậy, trữ tình và lãng mạn dù khác nhau nhưng thường đi
đôi với nhau. Ta thấy trong từng câu thơ, cách Mickiewicz đưa cảm xúc của mình phá
cách trong ngôn ngữ cũng thật khác lạ. Sự trữ tình làm nòng cốt là một trong những quan
niệm về lãng mạn trong văn học mà nhà thơ Ba Lan này đặt lên hàng đầu. Chủ đề chính
về tình yêu, tứ thơ khó xác định, chỉ có thể cảm nhận bằng xúc cảm chứ không thể hiểu
bằng ý nghĩa thông thường được.
b. Đề cao mộng tưởng.
Cứ để cho mụ ta nghe thấy tất
Anh còn đâu nữa ở dương gian
Thân anh đã nằm sâu dưới đất
Ôi sợ quá chừng, anh chết thật rồi chăng?
Jean của tôi, sao tôi lại sợ Jean
Đúng Jean đấy tôi đà nhận biết
Đôi mắt anh và bao nhiêu hình nét
Đây áo quần trắng toát của anh
Như vải liệm trên mình, anh trắng nhợt
Đôi bàn tay giá ngắt như băng
Đặt lên đây, hãy đặt lên trước ngực
Môi kề môi ôm chặt lấy em, anh!
Ở dưới mồ chắc là lạnh lắm
Anh chết rồi, vâng, đã hai năm
Đưa em đi em sẽ chết bên anh

Cõi trần này em không còn thiết nữa
Em cảm thấy bao nhiêu đau khổ
Em khóc than, họ nhạo cười em
Em nói gì, họ cũng không thể hiểu
Em thấy gì, họ cũng thấy như đêm.


Cũng chính từ ý nghĩa siêu thực của cuộc sống, tình yêu, cái chết, chúng ta thấy quan
niệm lãng mạn của Mickiewicz còn chứa đựng nguyên lý đề cao mộng tưởng, xuất hiện
những yếu tố hoang đường, ma mị, duy tâm như về cái chết, về những bóng ma,. Chủ
nghĩa lãng mạn là sự phản ứng chống lại xã hội đương thời, con người muốn thoát li thực
tế tìm đến một thế giới khác giúp con người quên đi cuộc sống mà họ cảm thấy chán
ghét, vẽ ra một cuộc sống làm thỏa mãn "cái tôi" bị tổn thương cái tôi của con người, nên
thế giới trong chủ nghĩa lãng mạn là thế giới mộng tưởng. Tùy vào sự phản ứng khác
nhau của hai khuynh hướng tiêu cực và tích cực.
Dù là tích cực hay tiêu cực thì tất cả chỉ hướng về sự giải thoát của con người trước hiện
thực cuộc sống như câu thơ “ cõi trần này em không còn thiết chi nữa...”
c. Đề cao tình cảm
Anh hãy đến giữa ban ngày một lần, hay nữa
Đến từ trong giấc ngủ của em đây
Không, không, em phải được nắm trong tay
Jean của em ơi, anh biến về đâu mất
Khi trời đêm vừa hé ánh ban ngày
Ôi trời hỡi tiếng gà đã gáy
Ánh bình minh đã lọt qua song
Có lẽ nào anh đà biến mất
Bỏ mình em đau khổ lạnh lùng
Người thiếu nữ than vãn tha thiết
Như thế này bên cạnh người yêu
Nàng kêu gọi nàng theo hình bóng ấy

Nàng chạy, kia, nàng đã ngã nhào
Trước tai nạn, đám người hiếu sự
Xúm xít cùng nhau quây cả vào
Cất tiếng nói những người chân thực
Bảo vì nàng hãy đọc lời kinh
Linh hồn nàng đã trung thành theo đuổi
Với bóng hình vùi dưới đá xanh
Nàng Charlot bên chàng Jean tha thiết
Như chàng xưa còn sống đã yêu mình


Chủ nghĩa lãng mạn mang tính chất duy cảm, đề cao tình cảm con người. Nó chính là sự
phản ứng chống lại chủ nghĩa cổ điển đề cao và tôn sùng lý trí với quy tắc tam duy nhất
nghiêm ngặt đã siết chặt tính sáng tạo và tình cảm của con người. Trong chủ nghĩa lãng
mạn, tình yêu con người được khai thác ở nhiều phương diện, thiên nhiên phản ánh sinh
động nhất, trở thành nơi phản ánh nội tâm và nuôi dưỡng tình cảm của con người. Và
trong thơ của Mickiewicz, dường như tất cả những gì được dồn nén đều bật lên thành
cảm xúc, đó là lời ngợi ca yêu thương được khéo léo gởi gắm trong tác phẩm của ông.
d. Đề cao chân lý tự do
Vì đề cao mộng tưởng và tình cảm nên con người muốn hướng đến một cuộc sống tự do,
thoát khỏi mọi ràng buộc. Ở chủ nghĩa lãng mạn người nghệ sĩ được trả lại tất cả mọi
quyền tự do để họ thỏa sức sáng tạo và tưởng tượng. Nên đa số các tác phẩm của họ
hướng đến cái khoáng đạt phi thường, vì chủ nghĩa lãng mạn không chấp nhận những quy
định nghiêm ngặt (đôi khi vô lý), nên nó đã tự cho phép mình đạt đến sự tự do tuyệt đối.
Và trong bài thơ “lãng mạn” cái khoáng đạt phi thường ấy đều toát nên trong từng câu
chữ, cách nhà văn dùng từ và ngữ nghĩa trong câu xâu kết lại thành cảm xúc, không bó
buộc như thơ ca đương thời.
e. Tuyên ngôn về lãng mạn
Octavio Paz đã viết về chủ nghĩa lãng mạn như sau:“Chủ nghĩa lãng mạn là đứa con
của Thời đại Phê phán, và sự thay đổi nhận trách nhiệm khai sinh nó, đồng thời là dấu

hiệu bản sắc của nó. Không chỉ là sự thay đổi ở lãnh địa văn chương và nghệ thuật
không thôi mà còn là sự thay đổi trong tưởng tượng, cảm giác, thị hiếu và tư tưởng. Chủ
nghĩa lãng mạn là một thứ đạo lý, một chủ nghĩa dục tính, một thứ chính trị, nó là cách
ăn mặc, là cách sống và cách chết. Như một đứa con nổi loạn, Chủ nghĩa lãng mạn là sự
phê phán đối với truyền thống phê phán của chủ nghĩa duy lý. Đối với thời gian lịch sử,
nó thiên vị thứ thời gian khởi nguyên, có trước lịch sử; đối với tương lai không tưởng, nó
ưu ái hơn sự hiện diện tức thời của những đam mê, tình yêu và xác thân." Và đối với
Mickiewicz, dường như cái nhìn của ông về chủ nghĩa lãng mạn nhẹ nhàng hơn, khoáng
đạt hơn, trữ tình hơn nhưng cũng không thiếu hiện thực.
Tôi nghe chuyện và tôi tin tất cả
Nước mắt trào rơi, tôi nguyện cầu
Từ đám đông bỗng nhiên tiếng thét
Đã cất lên át tiếng ồn ào:
- Này nghe đây, hãy nghe đây, cô gái


Một ông già cất giọng gọi to
Xông lên trước đám người ông giảng giải
Hãy nghe ta, hãy cứ tin ta
Mắt ta tỏ mà kính ta cũng sáng
Ta đã nhìn mà chẳng thấy gì qua
Cô con gái kể ra đủ thứ
Hồn ma là những chuyện bịa ra
Cho những chốn chợ phiên, tiệm rượu
Sự ngu si đúc thành chuyện vẩn vơ
Nếu tai nghe điều nhảm nhí hồ đồ
Dân chúng phải tấn công vì lẽ phải
Tôi khiêm tốn cất lời đáp lại:
Thiếu nữ đây tình cảm chứa chan
Mà câu chuyện có niềm tin sâu sắc

Niềm tin sâu và cảm tình chân thực
Còn nghìn lần hùng biện cả hơn
Kính và mắt của nhà bác học
Ngài biết nhiều chân lý chết khô
Mà dân chúng không cần hiểu biết
Ngài thấy cả thế gian trong hạt bụi gió đưa
Trong ánh sáng của vì sao nhỏ
Nhưng ngài không thể nào biết rõ
Những quy luật của chân lý sâu xa
Không sự kỳ lạ nào ngài có thể thấy qua
Vì phải nhìn bằng trái tim mình
Nhìn tận đáy những trái tim mới thấy
Ở đây, ta còn thấy tính chất biểu tượng: sự trẻ trung, mãnh liệt của lãng mạn (mà hiện
thân là cô gái trẻ) đối lập với sự già nua khô cứng của cổ điển (ông già). Cuộc tranh luận
giữa hai nhân vật ông già và cô gái cũng là cuộc tranh luận giữa cổ điển và lãng mạn.
Tuyên ngôn về chủ nghĩa lãng mạn của Mickiewicz có nghĩa là văn chương nằm ngoài
những chân lý khô khan của khoa học, văn chương là một thứ tôn giáo cao hơn mọi tôn
giáo, vượt lên trên cả cái chết và sự sống của con người. Chân lý chỉ có thể nhìn bắng trái
tim, hiểu bằng cảm xúc, không có sự ràng buộc của quy luật thời gian.


Nhìn xa hơn, văn chương lãng mạn bắt đầu cũng bằng những tiếng nói của sự yếu đuối, u
hoài. Từ đó, những cuộc cách mạng đã dấy lên. Tưởng như nghịch lý nhưng hóa ra không
phải. Vì chính khi con người sống chân thành với ngay cả phần yếu đuối nhất của bản
thể, con người ấy thực sự đã là một cá nhân nhiều can đảm. Sức mạnh của cá nhân,
không gì khác hơn, là xuất phát điểm của mọi đổi thay, mọi sáng tạo, mọi cách mạng.
II. ALEKSANDR SERGEYEVICH PUSHKIN
1. Tác giả, tác phẩm
Pushkin sinh 6/6/1799 tại thành phố Moskva trong một gia đình quý tộc Nga có nguồn
gốc từ thế kỉ XII. Mẹ ông thuộc dòng dõi Abram Petrovich Gannibal người nô lệ da đen

của vua Pyotr đại đế. Nhờ thông minh và có những đóng góp lớn về quân sự bà được
Pyotr Đại đế nhận làm con nuôi. Cha là một người yêu văn chương.
Sáu tuổi ông được tuyển vào trường Lyceum Hoàng Gia tại Tsarskoe Selo. Theo học tại
đây ông đã chứng kiến được cuộc chiến tranh giữa quân đội Nga hoàng với Pháp. Ông đã
mượn những vần thơ để nói về vấn đề này. Năm 16 tuổi ông được xem là nhà thơ lớn của
nước Nga. Khi tốt nghiệp thì ông tham gia vào hoạt động văn nghệ của giới quý tộc, nỗ
lực đấu tranh cho cuộc cách mạng xóa bỏ chế độ nông nô tại Nga.
Mùa xuân năm 1820, do những bài thơ cách mạng, thống đốc Sankt-Peterburg, bá tước
M. Miloradovich, đã quyết định đày Pushkin tới Sibir. Nhờ sự giúp đỡ của những người
bạn, ông chỉ chịu mức án nhẹ là trục xuất ra khỏi thành phố Sankt-Peterburg vô thời hạn.
Thời gian này có các tác phẩm: Người tù binh Kavkaz, Anh em lũ cướp, Đài phun nước
Bakhchisaraysky… Tháng 7/1824 với đơn xin ân xá, Pushkin được chính quyền cho phép
về trang trại tại vùng Mikhailovskoe với sự kiểm soát của gia đình.
Năm 1825, trong lần sang thăm trang trại láng giềng, Pushkin đã gặp nàng Anna Kem,
người tạo cảm hứng cho ông sáng tác bài thơ nổi tiếng “Gửi K”
Cuối năm 1825, Pushkin đệ ơn ân xá và được Nga Hoàng chấp thuận. Nhưng khi thất bại
cuộc khởi nghĩa Tháng Chạp 1825 xem lại các ấn phẩm trước đó. Nga hoàng buộc
Pushkin quản thúc tại gia, có chính sách kiểm duyệt các tác phẩm và ông về Moskva sinh
sống.
Năm 1831 ông kết hôn với người đẹp Natalia Goncharova, người mang lại cảm hứng
sáng tác lớn lao cho cuộc đời sáng tác văn chương của mình. Đi liền hạnh phúc là những
khó khăn thường xuyên trong gia đình. Đã thế bọn triều thần Sa hoàng lại hùa nhau hãm


hại nhà thơ, mặc dù vậy ông vẫn không ngừng sáng tạo. Trong thời gian này tiểu thuyết
thơ Evegeny Onegin hoàn thành , tiểu thuyết “Người con gái đại úy” ra đời.
Năm 1833 Ông trở lại Sankt- Peterburg, ông muốn thay đổi và không muốn bị kìm kẹp
trong bốn bức tường.. Nhờ sự sủng ái của Sa Hoàng Nikolai, ông được tự do hơn. Thời kì
này ông chuyển sang viết văn xuôi như “ Con đầm pích”, “ Con gà trống vàng”…Cùng
những người bạn ông lập ra tờ tạp chí Người đương thời. Cùng với các tác giả nổi tiếng

của Nga bấy giờ như Aleksandr Ivanovich Turgenev…
Ngày 27/1/1837 để bảo vệ gia đình mình Pushkin buộc phải đấu súng với Georges
d’Anthes – một sỹ quan Pháp và đó cũng là con bài của Sa Hoàng hãm hại nhà thơ.Cuộc
đọ súng kết thúc, cả hai đối thủ đều bị thương, nhưng Pushkin đã bị trọng thương và qua
đời hai ngày sau đó. Nhân dân cả nước ai nấy đều đau xót, tiếc thương về cái chết của
Pushkin và cũng đầy phẫn nộ trước cái chết đó. Chính quyền Sa Hoàng lo sợ. Tang lễ nhà
thơ được canh phòng cẩn mật để đề phòng xảy ra biểu tình. Trong buổi đó, một tờ báo
đương thời đưa tin “ Mặt trời của nền thi ca Nga đã lặn”.
Cuộc đời ngắn ngủi nhưng tài năng và sáng tạo của Pushkin hết sức mạnh mẽ. Ông đã để
lại một sự nghiệp rực rỡ, một di sản lớn lao. Ngoài gần ngàn bài thơ trữ tình tuyệt diệu,
Pushkin còn viết hàng chục bản trường ca bằng thơ, truyện cổ tích thơ và cả tiểu thuyết
bằng thơ. Không chỉ thế, Pushkin còn là cây bút văn xuôi đại tài. Nhiều truyện ngắn,
truyện dài của ông đạt đến sự mẫu mực. Con gái viên đại úy là một cống hiến nghệ thuật
xuất sắc của ông trong tiểu thuyết lịch sử. Khi nhắc đến Pushkin, người ta nghĩ ngay đến
một nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch nổi tiếng của người Nga, ông đã có những đóng góp
lớn trong việc phát triển ngôn ngữ văn học Nga hiện đại và là biểu tượng của dòng văn
học lãng mạn Nga thế kỉ XIX.
*Các tác phẩm của ông:
- Thơ: Tôi yêu em, Tự do, Con đường mùa đông…
- Truyện thơ: 1820 (Ruxlan và Liudmila, người tù binh Kavkaz), 1821 (Bài ca Gavriil,
Anh em lũ cướp), 1822 (Vadim), 1823 (Đài phun nước Bakhchisaray), 1824 (Đoàn người
Sygan), 1825 (Bá tước Nulin, Chàng rể), 1829 (Poltava), 1830 (Căn nhà nhỏ ở
Kolomna),1831 (Chuyện vua Saltan), 1832 (Yezersky), 1833 (Angelo, Chuyện nàng công
chúa chết chóc và bảy tráng sĩ)
- Kịch: Boris Godunov và Bi kịch nhỏ


- Văn xuôi: 1827 (Người da đen của Pyotr Đại đế, Cuốn tiểu thuyết về những bức thư,
Tập truyện của ông Ivan Petrovich Balkin quá cố), Con đầm pích, Người con gái viên đại
úy, Đêm Ai Cập…

2

Tác phẩm trường ca Ruxlan và Liudmila

Tóm tắt tác phẩm
Khúc trường ca kể về cuộc tình của Ruxlan và công chúa Liudmila, trong đêm tân hôn
của họ quỷ lùn Trernomor đã đến bắt cóc Liudmila. Ruxlan lên đường tìm người yêu,
được đạo sĩ giúp đỡ, chiến đấu với kẻ tình địch Rogdai, đánh thắng cái đầu khổng lồ sau
đó đến được lâu đài của tên quỷ lùn cắt râu hắn ( tức là lấy đi sức mạnh của hắn) cứu
được Luidmila. Trên đường về chàng bị Pharlaph đâm chết và cướp công. Nhờ sự giúp đỡ
của đạo sĩ chàng sống lại, dẹp tan giặc ngoại xâm trở về Kiev dùng nhẫn thần cứu công
chúa và sống hạnh phúc bên cạnh công chúa.
Chủ nghĩa lãng mạn trong tác phẩm.
Có thể nói tác phẩm Ruxlan và Liudmila đã đưa Pushkin trở thành ngọn cờ đầu của thơ ca
lãng mạn.
Chủ nghĩa lãng mạn được biểu hiện rõ qua bản trường ca là đề cao tình yêu của con
người cá nhân. Ông nhìn cuộc sống qua lăng kính trái tim, quan tâm đến những cái kì lạ
mạnh mẽ, cao thượng có khuynh hướng phản ánh những mặt tối, tới những vận động của
tâm hồn chú ý đến vô thức quan tâm tới trực cảm, khát vọng cá nhân vươn tới sự tự do
tuyệt đối tới sự hoàn thiện về tinh thần tới lý tưởng.
Tác phẩm khởi đầu cho sự vinh quang của Pushkin phá vỡ những nguyên tắc của chủ
nghĩa cổ điển kết hợp trữ tình lãng mạn với hài hước. Mở đầu cuộc tìm tòi nghiêm túc
nhất trong nghệ thuật của Pushkin: sự tìm về với dân tộc và nhân dân.
Đây là lần đầu tiên trong nền văn học Nga, Pushkin đã dám đưa con người những con
người thật biết yêu thương, buồn vui, căm giận và sống gần gũi với hiện thực chứ không
còn là những cái bóng.
a. Tình yêu cá nhân trong Ruxlan và Liudmila
Một trong những biểu hiện của chủ nghĩa lãng mạn trong tác phẩm phải nói đến tình yêu
cá nhân của nhân vật. Đó chính là tình cảm chân thành mà Ruxlan dành cho người vợ yêu
quý của mình Liudmila , cũng như tình yêu cao quý mà Liudmila dành cho chồng.

Tình yêu của họ gặp trắc trở ngay trong đêm tân hôn, chính giây phút hạnh phúc này
nàng Liudmila lại bị quỷ lùn Trernomor bắt cóc. Lúc này Ruxlan chìm trong đau khổ


nhưng chàng đã vượt qua nỗi đau đó bằng chính tình yêu của mình để lên đường cứu
người vợ yêu quý, chàng đã luôn lo lắng và sẵn sàng lấy cái chết để cứu được nàng ra
khỏi bàn tay quỷ dữ:
“ Nơi ngục sâu sẽ đau khổ héo hon
Và mòn mỏi do nổi buồn trinh nữ?
Hay tên địch thủ hỗn hào không hề do dự
Sẽ đến nơi? Không! Không, em yêu quý của ta,
Trong tay còn thanh gươm tin tưởng xông pha
Đầu này vẫn chư lìa khỏi cổ”
Còn về phía nàng Liudmila, tuy bị quỷ bắt nhưng nàng không hề sợ hãi, trái tim nàng
luôn hướng về Ruxlan chứ không hề bị mê hoặc bởi cuộc sống giàu có mà quỷ đã bày sẵn
cho nàng. Với trái tim yêu chân thành nàng luôn tìm cách để chạy thoát khỏi bàn tay quỷ
để tìm về với tình yêu với người chồng của mình:
“Xa người yêu bị giam hãm đau lòng
Sống thêm chi trên thế giới mênh mông?
Chàng yêu dấu, niềm say mê tuyệt vọng
Âu yếm em và giày vò cuộc sống,
Em không hề sợ tên ác ấy đâu;
Liudmida cũng biết chết như ai
Những lều trại của mi ta nào thiết
Ta nào cần bài ca, ta không thèm yến tiệc”.
Đã có lúc nàng tuyệt vọng và cự tuyệt cuộc sống này nàng đã nghĩ về cái chết để giữ trọn
đạo và tình yêu dành cho chồng nhưng tình yêu của họ đã cho nàng nghị lực để nàng
sống để nàng chạy trốn.
Trong khi đó Ruxlan đã trải qua những cuộc chiến ác liệt trên con đường đi tìm người vợ
yêu dấu của mình. Chàng vượt qua mọi thử thách cám dỗ và kể cả cái chết để tìm đến với

Liudmila. Cuối cùng bằng sức mạnh tình yêu cùng với sự giúp đỡ của ông già gặp trên


đường chàng đã cưú được người vợ yêu dấu, dẹp giặc cứu nước và hưởng hạnh phúc trọn
vẹn:
“Ta với em người bạn hiền diễm tuyệt
Em là nguồn ánh sáng của đời ta”.
Tình yêu trong tác phẩm còn được biểu hiện ở tình yêu cái đẹp qua câu chuyện của cụ già
mà Ruxlan gặp trên đường đi. Ông yêu vẻ đẹp ở người con gái có tên là Naina ông đã
làm mọi thứ để có được người con gái ấy kể cả sử dụng tới bùa chú. Nhưng tình yêu đó
đã dẫn tới một kết cục bi thảm, người con gái biến thành một bà phù thủy, còn ông phải
xa lánh cuộc đời. Qua đó Pushkin muốn ca ngợi ý nghĩa cao quý của tình yêu chân thành.
b. Yếu tố hoang đường và tâm linh trong Ruxlan và Liudmila
Bên cạnh tình yêu cá nhân của các nhân vật, bản trường ca còn biểu hiện nhiều yếu tố
hoang đường và tâm linh huyền bí. Mở đầu tác phẩm ông đã viết “ở đó có bao điều kì
diệu” những hình ảnh tuyệt đẹp của thiên nhiên như hình ảnh của thần núi, nàng niên cá,
cành cây, những con đường mòn, thú rừng, nhà sàn không cửa để miêu tả lại không gian
đầy sự bí ẩn và kì diệu. Tất cả như mở nên một khung cảnh đầy sự bí ẩn ma mị, khiến
cho người đọc có cảm tưởng như đang lạc vào một thế giới kì bí, muốn tìm mọi cách để
khám phá nó.
Tiếp nối ca khúc thứ nhất, tác giả đã mượn nhân vật phù thủy, yêu tinh đây là những nhân
vật quen thuộc trong truyện dân gian Nga, để làm nổi bật hơn tính hoang đường không có
thật trong thế giới loài người. Nhân vật phù thủy là tên gọi dành cho những truyền thuyết,
cổ tích xa xưa. Nhưng tác giả đã chọn để đưa vào khúc ca của mình, như một sự chuyển
mình trong nền văn học Nga.
“Và nơi ấy còn có tên phù thủy
Bay trong mây mang theo chàng tráng sĩ
Lươt biển bằng ngàn đến trước muôn dân
Ở đấy mụ phù thủy Baba-Iaga nhiều phép lạ
Dùng phép thần thông khiên cái cối lê đi”.

Bên cạnh đó tác phẩm có xuất hiện hình tượng con quỷ lùn có bộ râu dài hắn đã sử dụng
phép thuật của mình để bắt cóc công chúa Liudmila. Việc xuất hiện những câu thần chú
có sức mạnh gọi được quỷ ma, những con rắn dị hình, những trò biến đổi hãi hùng.. Càng
làm cho sự hoang đường trong tác phẩm hiện rõ hơn.
“Câu thần chú ta tạo ra chấn động
Gọi quỷ ma và sấm chớp ầm ầm


Trong bóng đen trong rừng rậm tối sầm
Cơn gió xoáy yêu tinh rú lên khủng khiếp
Bỗng nhiên, không biết từ đâu hiện ra
Rắn có cánh lao ào vào cửa sổ
Những vẩy sắc khua vang nghe đến sợ
Thân cong tròn thành vòng uốn nhanh sao
Rắn đột nhiên biến ra mụ Naina”.
Hay
“Nhiều bức tranh rợn người, lắm điều bí mật
Những bóng ma quái dị giữa đêm trường
Cơn giận hờn của chúa, mặt quỷ sứ thê lương”.
Những bóng ma xuất hiện giữa đêm trường, người và ma sống hòa lẫn cùng nhau, nơi đó
cũng có tình yêu, nhưng đó chỉ là tình yêu giữa người và ma không bao giờ đến với nhau
được.
“Khi họa sĩ dùng nước sinh trong lọ
Rẩy từ từ lên thi thể Ruslan
Người anh hung thấy sảng khoái toàn thân
Sức mạnh mới khẽ tràn vào cơ thể”.
hay
“Con hãy cầm lấy chiếc nhẫn thiêng liêng
Thoa vào trán Liudmila đang mê mệt
Mọi sức mạnh của tà ma bí mật

Sẽ biến tan, nàng tỉnh lại tươi hơn”.
Tác phẩm đã mô tả Ruxlan và Liudmila đều đang cận kề với cái chết nhưng được sự giúp
đỡ của đạo sĩ thì hai người đã sống lại. Cả hai đã vượt qua mọi khó khăn thử thách, vượt
qua sự hung ác của bạo tàn của bọn phù thủy, quỷ dữ nhờ lọ nước sinh, và chiếc nhẫn
thiêng. Bên cạnh việc xuất hiện những nhân vật ma quỷ yếu tố hoang đường và tâm linh
trong tác phẩm còn thể hiện trong cuộc gặp gỡ giữa chàng Ruxlan với ông đạo sĩ trên
đường chàng đi cứu Liudmila khỏi tay quỷ dữ. Số mệnh của chàng báo trước rằng chàng
sẽ là người giết được quỷ dữ bởi những ý chí, tình cảm được nung nấu trong con người
chàng:
“ Nhưng chính con người tiêu hủy mọi mưu tà
Sẽ đến đấy, tên quỷ kia sẽ chết


Do tay con. Nói nhiều không cần thiết
Phải hiểu rằng số mệnh tương lai
Do chí con quyết định lấy con ơi!”
Việc dùng bùa phép để có được tình yêu của lão đạo sĩ già với cô gái Naina, người mà
ông mê mệt bởi vẻ đẹp kiều diễm của nàng để rồi kết cục cô gái biến thành mụ phù thủy
với tâm hồn quái ác. Cả việc tên quỷ lùn đọc trong sách phù thủy và biết được số mệnh
của anh em hắn sẽ chết bởi một thanh gươm được cất giữ đằng Đông bên kia núi. Cũng vì
thể mà người anh bị em trai mình phản bội, giết chết biến thành cái đầu biết nói khổng lồ.
“Thật đáng sợ! trong bóng đen tà mà em biết rõ,
Lưỡi kiếm này được phát hiện nhờ ta
Do ý đồ số mệnh oan gia
Chính nó sẽ giết anh em mình chết”.
Và chính cả giấc mơ của Ruxlan khi chàng ngủ thiếp đi bên cạnh Liudmila đã báo hiệu
cái chết đến với chàng. Trong giấc mơ chàng thấy Rogdai sống lại, còn Pharlaph thì dắt
công chúa bước đến lễ đường, cảnh vật im như bóng dáng tử thần đó hẳn là mộng tiên
báo và sau đó chàng bị Pharlaph giết chết. Ngoài ra xuyên suốt tác phẩm là việc xuất hiện
nhiều hình tượng các vị thần, ma quỷ, bùa chú, phép thuật.

Tất cả những sự việc trên đều nói lên việc con người luôn tin vào số mệnh, điềm báo,
giấc mơ. Họ muốn thay đổi số mệnh, muốn tìm đến hạnh phúc, muốn diệt trừ mọi thế lực
tà ác bằng chính quyết tâm của mình. Tác giả đã dùng những chi tiết này để khẳng định
thêm sức mạnh của con người, con người có đầy đủ khả năng vượt qua những điều tàn
bạo, độc ác nhất để vươn mình đến những điều tốt đẹp, vươn đến tự do và hạnh phúc, tác
phẩm cũng tố cáo các thế lực đen tối, khẳng định quyền sống và quyền tự do của con
người. Việc sử dụng chất liệu của văn học dân gian mang đậm yếu tố hoang đường, tâm
linh còn giúp tác giả khắc họa nhân vật rất rõ nét, thể hiện được bức tranh cuộc sống,
từng hành đông được diễn ta một cách chi tiết, góp phần làm nên một sự đổi mới rõ rệt
trong nền văn hoc Nga lúc bấy giờ.
c. Một số nhận định về Pushkin
Nhà thơ Xô viết nổi tiếng Nicolai Tikhonov đã viết: “Không một ai ngoài Pushkin lại có
được khả năng hiếm có là bao quát được toàn bộ cuộc sống nhân loại và thâm nhập sâu
sắc đến thế vào số phận của nhân dân. Không một ai lại nhìn thấy nhiều thế và biết được
nhìều thế về con người lại biểu hiện được với sức mạnh như Pushkin, rằng con người là


đẹp, con người là tốt, con người sinh ra để hưởng tự do và hạnh phúc … Tính cách dân
tộc Nga được thể hiện nơi ông một cách tự nhiên nên nhân dân xem Pushkin là người đại
diện dân tộc cho những nguyện vọng sâu sắc nhất của mình”.
Còn nói như văn hào Gogol (1809-1852) trước kia: Pushkin là một hiện tượng đặc biệt,
và có thể là một hiện tượng duy nhất của tinh thần Nga. Đó là một người Nga mà nếu
căn cứ vào trình độ phát triển của tinh thần ông thực sống đó, thì có lẽ phải 200 năm sau
mới xuất hiện…
III. ĐIỂM GIỐNG VÀ KHÁC NHAU GIỮA PUSHKIN VÀ MICKIEWICZ
1.Điểm giống nhau của Pushkin và Mickiewicz:
Đề tài tình yêu từ lâu đã được các nhà thơ vận dụng trong sáng tác thơ ca. Đây là một đề
tài lớn trong thơ ca nhân loại và không ít nhà thơ nói về tình yêu như đứa con tinh thần
của mình. Pushkin và Mickiewicz cũng vậy, dường như cả hai vẫn ưu ái hơn cho những
trang thơ của mình về tình yêu. Mọi cung bậc tình cảm, mọi biến thái của hành vi và cả

những rung động tinh tế của tâm hồn con người đều xuất hiện trong thơ của hai ông. Tình
yêu dẫu đẹp nhưng dường như vẫn là một bí ẩn, khi chưa yêu, đã yêu, thậm chí đã chia
tay vẫn không định nghĩa được nó là gì. Tình yêu trong trang thơ của Pushkin và
Mickiewicz không phải là tình yêu bình thường với ý nghĩa bình thường mà nó chứa
đựng cả một tâm tình, sự chân thành, sự trong sáng, tế nhị trong tâm hồn của những
người đang yêu. Thơ tình của hai nhà thơ làm cảm hóa giáo dục ý thức của con người khi
yêu phải yêu một cách đẹp, cao thượng, có nhân cách và văn hóa trong tình yêu.
Ngoài ra, Pushkin và Mickiewicz còn đề cao vấn đề tự do trong thơ ca của họ. Nếu
Pushkin đề cập đến vấn đề tự do như là yếu tố chủ đạo trong thơ mình thì Mickiewicz
cũng không khác mấy, tự do nhân sinh, tự do trong sáng tác. Họ đề cao tự do, trân trọng
tự do và muốn mang lại tự do cho mọi người. Hơn hết ở đó con người khao khát vươn tới
những khát vọng lớn lao trong cuộc sống.


Từ những cung bậc cảm xúc, sự đấu tranh trong tư tưởng là thái độ chân thành, cao
thượng , tất cả đều được Pushkin và Mickiewicz lồng vào một cách logic, chi tiết và đặc
sắc nhất.
2.Điểm khác nhau của Pushkin và Mickiewicz:
a. Mickiewicz
Hai tác giả Mickiewicz và Pushkin đều là hai nhà văn thuộc chủ nghĩa lãng mạn, có nhiều
điểm giống nhau nhưng cũng có cả những điểm khác nhau. Chính những đặc điểm khác
nhau đó đã nên tạo nên hai phong cách, hai đặc trưng khác nhau. Khác với Pushkin thì
đối với Mickiewicz chủ nghĩa lãng mạn được ông thể hiện nhiều trong thơ hơn, ngoài chủ
đề về tình yêu, mặt khác trong thơ ông còn phản ánh hiện thực cuộc sống, mang tính cách
mạng dân chủ và nhân đạo sâu sắc. Vì đã từng bị đi đày vì tôn giáo nên có chút thất vọng
vì bị gò bó, chật hẹp nên trong thơ chủ nghĩa lãng mạn thể hiện niềm khát khao tự do.
Tính lãng mạn trong thơ ông còn mang tính huyền bí, có nhiều huyền ảo. Khác với sự
tỉnh táo và duy lý của chủ nghĩa cổ điển thì đó lại là sự hoang đường, ma mị. Có thể đó là
sự khéo léo khi đưa những chi tiết huyền bí để thể hiện những bề mặt tối của cuộc sống
xã hội lúc bấy giờ. Trong bài thơ “ Lãng mạn”, những bài thơ Sonnet,….là những sáng

tác lãng mạn đỉnh cao. Bên cạnh đó, trong thơ ông còn mang tính thuần túy, đi sâu vào
trung tâm tình cảm con người, từ sâu trong nội tâm, đề cao cảm xúc, tình cảm của con
người. Từ những tình cảm thật sự, trữ tình. Chủ nghĩa lãng mạn trong thơ ông mang đậm
triết lý cuộc sống, xung quanh vấn đề đạo đức và cách ứng xử của con người.
Mickiewicz thể hiện chủ nghĩa lãng mạn chủ yếu trong thể loại thơ.
b.Pushkin


Khác với Mikiwevecz, Pushkin bắt đầu sự nghiệp bằng cách vượt nhanh qua giai đoạn
chủ nghĩa cổ điển (năm ông mới 18 tuổi), để đến với chủ nghĩa lãng mạn (năm 21 tuổi)
và khai phá ra chủ nghĩa hiện thực (năm 26 tuổi).
Bài ca Vầng dương đã tắt (1820) được xem như là bài thơ mở đầu cho giai đoạn sáng tác
lãng mạn của Pushkin. Song song với thơ trữ tình, từ 1820 trở đi, Pushkin viết hàng loạt
trường ca: Người tù Kavkaz, Đài phun nước Bakhchisaraysky, Anh em kẻ cướp. Đó là
trào lưu lãng mạn cách mạng thể hiện những quan niệm, tình cảm của một tầng lớp xã hội
tiến bộ, thể hiện ý thức cách mạng của thanh niên quý tộc mà những phần tử tích cực nhất
của họ là những nhà Tháng Chạp tương lai.
Chính thức đặt nền móng cho chủ nghĩa hiện thực vào năm 1825, Pushkin đã trở thành
ngôi sao hiếm hoi trên bầu trời châu Âu lúc đó. Sáng tác của Pushkin đã khơi nguồn cho
sự phát triển mạnh mẽ khuynh hướng bao quát hiện thực xã hội rộng lớn với nhiều tầng
lớp xã hội khác nhau, thể hiện nhiều vấn đề mang tính thời đại, đi sâu vào những ngõ
ngách khuất kín, phức tạp của tâm lý con người. Với Pushkin, lần đầu tiên văn học Nga
thể hiện trung thực và đầy đủ, sinh động thế giới tinh thần Nga, tính cách Nga, thiên
nhiên Nga, ngôn ngữ Nga. Ông yêu thích những nhân vật lãng mạn có lý tưởng, có kích
thước cao rộng, có chiều sâu tâm hồn nhưng luôn đặt họ trong tầm vóc con người bình
thường của hiện thực Nga đương thời.
Pushkin đi từ chủ nghĩa lãng mạn Người tù Kavkaz đến chủ nghĩa hiện thực: nhân
vật con người thừa trong tiểu thuyết bằng thơ Evgeny Onegin, vấn đề cá nhân và nhà
nước trong Kị sĩ đồng, quyền lực của đồng tiền trong Con đầm pích; khởi nghĩa nông dân
trong Con gái viên đại úy, đặc biệt là sự quan tâm đến số phận con người nhỏ

bé trong Tập truyện của ông Belkin.
Có thể nói, hạt nhân trong tinh thần hiện thực của Pushkin là sự phát hiện và trân trọng
hình tượng những con người nhỏ bé, được tiếp tục một cách xứng đáng trong dòng chảy
hiện thực và nhân đạo của văn học Nga. Trước Pushkin, hình tượng con người nhỏ bé đã


có mặt trên trang văn học Nga, nhưng đó là những con người được nhìn từ cặp mắt
thương hại, thái độ quan tâm hời hợt của kẻ bề trên ban ơn xuống, hoặc được rắc phấn
hồng che đi ranh giới, mâu thuẫn với những kẻ quyền quí cao sang. Trong thi ca Nga,
trước Pushkin, chưa từng có ai trìu mến gọi người đàn bà xuất thân từ tầng lớp nông nô là
bạn thân thiết, con bồ câu già, mẹ như Pushkin. Và trong thơ ca thế giới xưa nay hiếm
thấy những bài thơ đầy ắp ân tình, đằm thắm, chân thành và bình đẳng như những bài thơ
viết về người vú nuôi Buổi tối mùa đông, Gửi nhũ mẫu, Tôi lại về thăm...Đặc biệt là hình
tượng Người coi trạm Xamxôn Vưrin đã gợi lên một cách giản dị và sâu sắc, chân thực và
xót xa về thân phận những con người khổ cực mà cao đẹp trong xã hội lúc bấy giờ.
IV. TỔNG KẾT
Văn học lãng mạn trên thế giới trong một giai đoạn nhất định đã có những bước phát
triển vượt bậc và đạt được nhiều thành công rực rỡ. Lượng tác giả, tác phẩm theo hướng
lãng mạn không ngừng tăng lên cả về số lượng và chất lượng. Chủ nghĩa lãng mạn đề cao
tình cảm, sự tự do, mộng tưởng. Tuy nó ra đời, phát triển, suy vong trong thế kỷ XIX
nhưng chúng ta không thể không thừa nhận vị trí và ảnh hưởng của nó đối với nhân loại
đặc biệt trong lĩnh vực văn học. Các nhà văn, nhà thơ như Mickiewicz, Pushkin…mỗi
người đều có phong cách sáng tác, cách thể hiện riêng nhưng chính họ đã góp phần làm
nên bức tranh lãng mạn sống động, đầy màu sắc. Ở đó chủ nghĩa lãng mạn mang tính
tình cảm, trữ tình, tình yêu cá nhân và cả sự tự do của con người trước xã hội. Một phần
cuộc sống cũng được Pushkin và Mickiewicz đặc biệt lưu ý, khi những giá trị tinh thần
không được đáp ứng thì qua những sáng tác của mình, họ đã làm nổi lên được khát khao
cháy bỏng mà ngay chính thực tại, bản thân họ chưa thực hiện được. Đặc biệt cách sử
dụng các yếu tố hoang đường, tâm linh xen kẽ những yếu tố dân gian một cách tinh tế.
Không chỉ tập trung về phía tình cảm, mà Pushkin và Mickiewicz còn phản ánh xã hội

Nga, Ba Lan mặc dù chưa thực sự rõ nét. Những hình ảnh ma mị, huyền ảo đưa con
người vào một thế giới ảo tưởng nhưng ở đó, con người được tự do làm những gì mình
muốn, ước mơ của họ được thực hiện. Như vậy, cả Pushkin và Mickiewicz đã gửi gắm


những quan điểm về chủ nghĩa lãng mạn ở Nga và Ba Lan nói riêng, chủ nghĩa lãng mạn
trên thế giới nói chung thông qua những sáng tác của mình.



×