Tu sĩ người là ai?
Sao không như bao con người khác: sinh ra, lớn lên, học hành, kiếm việc làm, lập
gia đình rồi vui hưởng một cuộc sống bình dị và ấm êm? Sao lại chọn cho mình
một lối sống đi ngược lại với dòng chảy cuộc đời? Chiếc áo dòng đơn sơ lại hấp
dẫn hơn bao trang phục thời trang hàng hiệu sao? Bốn bức tường đan viện cổ kính,
những lời kinh, những món ăn giản dị, những công việc tầm thường nơi góc vườn
ao cá có gì hấp dẫn hơn những tòa cao ốc khang trang, đèn màu lấp lánh, những
đêm vũ hội, những bữa tiệc cao sang?… Khó hiểu làm sao, đời dâng hiến! Họ có
phải là những giống loài nào đó được dựng nên khác với người khác không? Tu sĩ
ơi, xin hãy cho tôi biết, người là ai?…
Cũng như các bạn, tôi được Thiên Chúa dựng nên là một con người đúng nghĩa.
Tôi được sinh ra và lớn lên trong tình thương và sự giáo dục của bố mẹ và gia đình.
Tôi cũng có những nhu cầu về thể lý, và tinh thần. Ước vọng về một sự giàu có,
được mặc sướng ăn sang, có nhà cao cửa rộng, được người khác nể trọng và có
một tầm ảnh hưởng lớn vẫn có chỗ trong tâm trí tôi. Tôi cũng có một ý chí khao
khát tự do, muốn làm gì thì làm, muốn đi đâu thì đi, không bị ai sai khiến. Tôi cũng
biết yêu và khao khát được yêu bằng cả trái tim. Tôi cũng đau khi bị phản bội,
cũng hạnh phúc khi được nâng niu… Thế nên, tôi chẳng phải là thiên thần ngập
tràn hào quang hay hiện diện nơi cõi khác. Tôi là một con người bình thường, bình
thường như các bạn, như bao con người!
Thế nhưng, giữa cái bình thường của cuộc sống lặng trôi, một tiếng gọi nào đấy
chợt bừng dậy nơi tận sâu cõi lòng tôi. Có Ai Đó gọi tên tôi! Có Ai Đó trao đổi với
tôi một thông điệp! Có Ai Đó cần sự đồng ý của tôi để thực thi một cuộc biến đổi
nơi trần thế! Lời mời này nghe thật nhẹ nhàng nhưng có sức cuốn hút không thể
cưỡng lại được. Tôi không phải là người giỏi giang và thánh thiện nhất trên đời. Là
hiện thân của Chúa ư, mang niềm vui đến cho người khác ư, biến mình thành của
lễ toàn thiêu ư…? Đẹp thật đấy, nhưng liệu một con người tầm thường và nhỏ bé
như tôi có thể thực hiện được chăng? Trong một phút thinh lặng của tâm hồn, tôi
thấy Người yêu thương tôi quá đỗi. Tôi chỉ là môt tội nhân, biết bao nhiêu lần bội
nghĩa. Người chẳng những không trách tội, lại còn tha thứ cho tôi. Giờ đây, Người
còn muốn tôi trở nên bạn thân tín của Người. Chính vì cảm nghiệm được tình yêu
thương ấy của Người mà tôi đã nhẹ nhàng gật đầu và mỉm cười đồng ý. Chẳng phải
vì điều gì nơi tôi, nhưng là vì tình yêu vô bờ bến Người dành cho tôi mà cả con
người tôi được biến đổi thánh hóa.
Từ lúc tôi chọn Người, tôi thấy cái nghèo thật đẹp biết bao. Cái nghèo khiến tôi
được bình an vì tôi không phải lo sợ mất mát điều gì cả. Cái nghèo giúp tôi được
thanh thản vì tôi không cần phải mệt mỏi tranh đấu để sở hữu và nắm giữ thật
nhiều bạc tiền trong tay. Cái nghèo mang đến cho tôi tự do vì tôi sử dụng nó để
giúp ích cho mình và cho người khác, chứ không phải bị nó lèo lái và điều khiển
mình. Cái nghèo giúp tôi phải tín thác vào Chúa hơn. Cái nghèo cũng trở nên giá
trị vì nó giúp tôi có thể đến với những con người thấp bé khác trong xã hội. Tôi
không sợ bị dơ chiếc áo đẹp hay làm hỏng làn da trơn. Tôi sống khó nghèo, không
phải vì tôi chê bạc tiền, nhưng là vì lối sống ấy giúp tôi trở nên giống Đức Kitô
nghèo khó, Đấng thực sự giàu có, nhưng đã sẵn sàng từ bỏ hết mọi sự vì tôi.
Từ lúc tôi bước theo Người, tôi thấy con tim mình cũng nhẹ nhàng thanh thoát.
Không phải là tôi không còn biết yêu nữa. Cũng không phải là trái tim tôi thôi rung
động trước người khác nữa. Càng không phải những ham muốn nhục thể trong tôi
không còn. Nhưng là vì tôi cảm nghiệm được một tình yêu khác loại, thiêng liêng
hơn. Tôi chẳng những không hết yêu, mà còn yêu nhiều hơn nữa, yêu đậm đà hơn
nữa. Chỉ có điều, đây không phải là một tình yêu chiếm giữ, không phải là kiểu
tình yêu dành riêng cho một người. Tôi giữ mình được thanh khiết như một dấu chỉ
của Thiên Đàng. Tôi không là sở hữu của ai, để bất kỳ ai cũng có thể đến với tôi.
Tôi trói buộc mình với đức khiết tịnh chính là vì để tôi được tự do mà ra đi thực thi
sứ mạng cứu thế của Chúa. Mái ấm của tôi là cả vùng trời bao la. Người thân của
tôi là bất cứ ai tôi gặp gỡ. Quê hương của tôi là nơi đâu tôi đặt chân đến. Biên giới
gia đình tôi là khoảng không gian vô hạn trên cõi đời này.
Từ khi tôi gắn kết với Người, tôi thấy trọn vẹn con người tôi đã được Người chiếm
hữu. Ý chí, trí khôn, tự do, ước muốn… mọi sự của tôi, giờ đây dường như không
còn là của tôi nữa. Chính Người đã sống trong tôi bằng ân sủng thần thiêng của
Người. Tôi sẽ làm gì, tôi muốn làm gì, tôi cần làm gì… tất cả đều không quan
trọng cho bằng Chúa muốn tôi làm gì. Tôi biết Chúa cao cả hơn tôi, nên tôi gạt bỏ
ý mình đi để tuân hành ý Chúa. Tôi làm thế không phải vì tôi nhu nhược hay không
có chính kiến của riêng mình, nhưng là vì tôi tin Chúa thể hiện ý của Ngài qua
người mà Người đã cắt đặt làm vị hướng dẫn cho tôi. Sống đời sống vâng phục, tôi
không chối bỏ khả năng lý trí và phán đoán của mình, nhưng tôi sử dụng chúng để
cùng với vị bề trên tìm ý Chúa và để ý Chúa định hướng cho lối sống và sứ mạng
của chính tôi hơn.
Người tu sĩ đích thực là người được Đức Giêsu chiếm hữu, và cũng giống như
Giêsu, họ không đến để được người ta tung hô, chiều chuộng và dành cho những
điều tiện nghi nhất. Họ chọn chỗ rốt hết. Họ dành phần hơn cho người khác. Họ hài
lòng với những gì được cho. Khi tôi tự giới thiệu với người khác rằng tôi là một tu
sĩ, thì không phải là tôi bảo họ hãy nể trọng tôi, nhưng là tôi đang muốn nói với họ
rằng giả như phải có người chịu thiệt thòi hy sinh, thì tôi sẽ là người gánh lấy
những điều đó. Bởi lẽ, tôi không chọn đời tu để tìm kiếm giàu sang hay vinh hoa
phú quý, nhưng tôi trở thành tu sĩ là vì tôi muốn mình mỗi ngày nên giống Đức
Giêsu hơn. Giêsu chính là khuôn mẫu cuộc đời tôi: hiền lành và khiên nhường, khó
nghèo – khiết trinh – vâng phục, lúc nào cũng quên mình vì người khác, là ngọn
đèn cháy rực ngọn lửa tình yêu, chỉ mong sao cho danh Cha được cả sáng.
Đó là hình ảnh tuyệt đẹp của người tu sĩ mà Đức Giêsu đã vạch ra, và chúng tôi
đang cố gắng để vươn đến điều này. Xin hãy tha thứ cho những sai lỗi của chúng
tôi và cầu nguyện cho chúng tôi, các bạn nhé!
Pr. Lê Hoàng Nam, SJ