Tải bản đầy đủ (.docx) (10 trang)

Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (72.04 KB, 10 trang )

1

A. MỞ ĐẦU
Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự,
cần phải được xử lý và trừng trị nghiêm khắc. Tuy nhiên, những nhà làm luật
nước ta cũng thể hiện sự khoan hồng đồi với người phạm tội thông qua chế định
về nguyên tắc xử lý, mà cụ thể là “khoan hồng đối với người tự thú, đầu thú,
thành khẩn khai báo, tố giác đồng phạm, lập công chuộc tội, ăn năn, hối cải, tự
nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra”. Ví dụ điển hình đó là “tự ý
nửa chừng chấm dứt việc phạm tội” được quy định tại Điều 16 Bộ luật hình sự
2015. Chế định này khuyến khích người đang chuẩn bị phạm tội hoặc đã bắt tay
vào thực hiện tội phạm sớm dừng lại để được hưởng chính sách khoan hồng. Từ
đó góp phần bảo vệ hơn nữa các quan hệ xã hội là khách thể của luật hình sự.
Trong phạm vi bài tiểu luận này ta sẽ nghiên cứu về: khái niệm, đặc điểm của tự
ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội, nghiên cứu các dấu hiệu và những điều
kiện của tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội cũng như trách nhiệm hình sự
của người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội.


2

B. NỘI DUNG
I. Một số vấn đề chung về tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội
1. Khái niệm và đặc điểm của tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội
1.1. Khái niệm tự ý nửa chùng chấm dứt việc phạm tội
Bộ luật hình sự 2015 đã đưa ra khái niệm về tự ý nửa chừng chấm dứt việc
phạm tội tại Điều 16: “Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là tự mình không
thực hiện tội phạm đến cùng, tuy không có gì ngăn cản”. Dựa vào khái niệm của
luật đưa ra thì ta có thể hiểu như sau: tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là
sự tự nguyện từ bỏ việc thực hiện đến cùng hành vi phạm tội mà người thực hiện
hành vi đã bắt đầu mặc dù họ biết là có khả năng làm việc đó và không có gì


ngăn cản họ.
1.2. Đặc điểm của tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội
Thứ nhất, tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là một chế định có tính nhân
đạo của pháp luật hình sự Việt Nam.
Thứ hai, tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là một chế định miễn trách
nhiệm hình sự đặc biệt. Nó đặc biệt ở chỗ: người tự ý nửa chừng chấm dứt việc
phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự khi họ tự nguyện chấm dứt hành vi
phạm tội của mình một cách dứt khoát ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội hoặc phạm
tội chưa đạt chưa hoàn thành.
Bên cạnh đó, trong một số trường hợp, người phạm tội không được miễn toàn bộ
trách nhiệm hình sự mà họ chỉ được miễn trách nhiệm hình sự về tội phạm họ
chuẩn bị thực hiện, nếu hành vi thực tế của họ có đầy đủ dấu hiệu để cấu thành
tội phạm khác thì người phạm tội vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội đó.
Ví dụ như: A có ý định cầm dao giết chết B, nhưng khi A mới chém B một nhát
khiến cho B bị thương thì A sợ và không muốn bị Công an bắt nên A bỏ đi. Như
vậy A thuộc trường hợp tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội, A sẽ không phải


3

chịu trách nhiệm về tội giết người nhưng sẽ phải chịu trách nhiệm về hành vi
gây thương tích cho B.
2. Ý nghĩa của tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội
Với quy định trên, chế định tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội một mặt thể
hiện tính nhân đạo của luật hình sự, nó cho một người đã có ý định phạm tội, đã
có hành vi chuẩn bị hoặc bắt tay vào việc thực hiện tội phạm nhưng đã tự
nguyện nửa chừng chấm dứt việc phạm tội, được hưởng lượng khoan hồng,
không phải chịu trách nhiệm hình sự. Mặt khác, chế định tự ý nửa chừng châm
dứt việc phạm tội cũng là một trong những biện pháp góp phần ngăn chặn những
hậu quả nguy hiểm cho xã hội. Nó cho phép một người có ý định phạm tội, đã

chuẩn bị hoặc bắt tay vào việc thực hiện tội phạm, vẫn có khả năng lựa chọn
cách xử sự của mình: Một là tiếp tục thực hiện tội phạm đến cùng thì có thể sẽ
phải chịu trách nhiệm hình sự; hai là tự mình chấm dứt việc phạm tội thì sẽ được
hưởng lượng khoan hồng, không phải chịu trách nhiệm hình sự. Trong nhiều
trường hợp một người có hành vi nguy hiểm cho xã hội đã lựa chọn cách xử sự
thứ hai và điều đó rõ ràng đã góp phận hạn chế bớt những thiệt hại nguy hiểm có
thể xảy ra cho xã hội.1
Mặt khác, chế định này còn là một bước tiến lớn trong khoa học lập pháp của
nước ta. Nó có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong quá trình điều tra, truy tố, xét
xử, giải quyết được bài toán thiếu cơ sở pháp lý trong việc xác định trách nhiệm
hình sự cho người phạm tội khi họ đã tự nguyện không tiếp tục thực hiện tội
phạm dù không có gì ngăn cản. Đồng thời, nó còn tạo nên sự đồng bộ và nhất
quán trong việc áp dụng chế định này của hệ thống Tòa án.
II. Dấu hiệu, những điều kiện của tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội
1. Nhưng dấu hiệu đặc trưng của tự ý nửa chừng chấm dứt phạm tội

1 Phạm Mạnh Hùng, Về chế định tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội, Tạp chí Toà án nhân dân, số 8 năm
1995.


4

Thứ nhất, hành vi tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội chỉ có thể xảy ra trong
trường hợp chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt, chưa hoàn thành.
Thứ hai, tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội phải là tự nguyện và dứt khoát,
tức là tự ý từ bỏ hẳn ý định phạm tội, chấm dứt hành vi phạm tội một cách triệt
để, chứ không phải là tạm ngừng việc thực hiện tội phạm để chò cơ hội thuận
tiện hơn, chuẩn bị phương tiện tinh vi hơn, thủ đoạn xảo quyệt hơn rồi sẽ tiếp
tục phạm tội.
Bên cạnh đó, pháp luật không quy định nguyên nhân dẫn đến tự ý nửa chừng

chấm dứt tội phạm, do vậy người phạm tội có thể chấm dứt hành vi phạm tội bởi
bất kỳ nguyên nhân nào như thương người bị hại, sợ trừng phạt, hối hận...v.v. Do
đó, người có hành vi nguy hiểm không cần phải hối hận, tỉnh ngộ mà chỉ cần có
sự tự nguyện và dứt khoát không thực hiện tội phạm nữa thì đã được coi là tự ý
nửa chừng chấm dứt việc phạm tội.
2. Những điều kiện của tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội
2.1. Điều kiện về ý thức chủ quan của người phạm tội
Người phạm tội phải chấm dứt việc phạm tội một cách tự nguyện và dứt khoát,
triệt để. Sự chấm dứt hành vi phạm tội dứt khoát thể hiện ở việc từ bỏ hẳn, chấm
dứt hẳn tội phạm. Trường hợp người phạm tội chỉ chấm dứt tạm thời, chờ thời
cơ thuận lợi lại tiếp tục phạm tội không được coi là dứt khoát. Người phạm tội
phải tự mình chấm dứt hành vi phạm tội, việc chấm dứt hoàn toàn tự nguyện, tự
giác chứ không phải vì lý do khách quan ngăn cản.
Người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự
về tội định phạm vì họ đã từ bỏ hẳn ý định phạm tội khi họ không có bất kỳ sự
ngăn cản nảo. Điều đó chứng tỏ họ không còn nguy hiểm cho xã hội nữa. Tuy
nhiên khi tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội, người chấm dứt chỉ được
miễn trách nhiệm hình sự về tội định phạm. Nếu hành vi thực tế của họ ở giai
đoạn chuẩn bị phạm tội hoặc ở giai đoạn phạm tội chưa đạt, chưa hoàn thành đã
có đủ dấu hiệu cả các yếu tố cấu thành tội phạm khác thì họ phải chịu trách


5

nhiệm hình sự về tội phạm đó, họ chỉ được miễn trách nhiệm hình sự về tội định
phạm chứ không được miễn trách nhiệm hình sự về tội phạm khác mà họ đã
phạm ở giai đoạn chuẩn bị hoặc giai đoạn chưa đạt, chưa hoàn thành.
2.2. Điều kiện về mặt khách quan
Điều kiện khách quan để thừa nhận là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là
không thực hiện tội phạm đén cùng, tuy không có gì ngăn cản. Điều kiện này đòi

hỏi người phạm tội đang còn điều kiện thực hiện tội phạm như công cụ, phương
tiện phạm tội có hiệu nghiệm, người phạm tội không bị phát hiện hoặc điều kiện
thuận lợi khác để thực hiện tội phạm trót lọt. Việc chấm dứt tội phạm phải xảy ra
ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội hoặc ở giai đoạn phạm tội chưa đạt, chưa hoàn
thành.
Chuẩn bị phạm tội hoặc phạm tội chưa đạt, chưa hoàn thành là những trường
hợp người phạm tội mới tìm kiếm, sửa soạn công cụ phương tiện hoặc chưa thực
hiện hết các hành vi khách quan được quy định trong cấu thành tội phạm, do vậy
hậu quả của tội phạm chưa xảy ra cho xã hội. Trong lúc này người phạm tội
không tiếp tục thực hiện tội phạm nữa, là điều kiện tiên quyết của tự ý nửa
chừng chấm dứt việc phạm tội.
Nếu người phạm tội chấm dứt hành vi của mình ở giai đoạn phạm tội hoàn thành
hoặc chưa đạt nhưng đã hoàn thành thì không được thừa nhận là tự ý nửa chừng
chấm dứt việc phạm tội vì họ đã thực hiện hết hành vi khách quan của cấu thành
tội phạm do điều luật quy định.
III. Trách nhiệm hình sự của người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội
1. Trách nhiệm hình sự
Trách nhiệm hình sự là một dạng của trách nhiệm pháp lý, là hậu quả pháp lý
của việc phạm tội thể hiện ở trách nhiệm của người phạm tội trước Nhà nước
phải chịu những tác động pháp lý bất lợi được quy định trong luật hình sự do
Tòa án áp dụng theo một trình tự tố tụng nhất định.


6

Cơ sở để một người phải chịu trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 2
BLHS: “Chỉ người nào phạm một tội đã được Bộ luật hình sự quy định mới phải
chịu trách nhiệm hình sự”.
2. Miễn trách nhiệm hình sự
Miễn trách nhiệm hình sự là không buộc người phạm tội phải chịu trách nhiệm

về tội mà họ đã phạm. Miễn trách nhiệm hình sự là một trong những chế định
quan trọng trong luật hình sự nước ta, thể hiện chính sách khoan hồng, nhân đạo
của Đảng và Nhà nước ta đối với người phạm tội và hành vi do họ thực hiện,
đồng thời qua đó nhằm động viên, khuyến khích người phạm tội lập công chuộc
tội, chứng tỏ khả năng giáo dục, cải tạo nhanh chóng hòa nhập với cộng đồng và
giúp họ trở thành người có ích cho xã hội.
3. Trách nhiệm hình sự của người tự ý nửa chừng chấm dứt phạm tội
Trách nhiệm hình sự của người tự ý nửa chừng chấm dứt phạm tội được quy
định tại đoạn 2 Điều 16 BLHS: “Người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội
được miễn trách nhiệm hình sự về tội định phạm; nếu hành vi thực tế đã thực
hiện có đủ yếu tố cấu thành của một tội khác, thì người đó phải chịu trách
nhiệm hình sự về tội này”.
3.1. Trách nhiệm hình sự của người tự ý nửa chừng chấm dứt phạm tội đối với
tội định phạm
Khi tự ý nửa chừng chấm dứt hành vi phạm tội có nghĩa là người phạm tội đã
hoàn toàn từ bỏ ý định pham tội đến cùng của mình, hành vi của người đó cũng
chưa thỏa mãn hết dấu hiệu trong cấu thành tội phạm của tội định phạm. Do vậy,
hành vi của người tự ý nửa chừng chấm dứt hành vi phạm tội được coi như đã
mất tính nguy hiểm của loại tội định thực hiện và người đó sẽ được miễn trách
nhiệm hình sự về tội định phạm.
3.2. Trách nhiệm hình sự của người tự ý nửa chừng chấm dứt phạm tội đối với
tội phạm khác


7

Miễn trách nhiệm hình sự trong trường hợp này chỉ là miễn truy cứu trách nhiệm
hình sự về tội họ định phạm, còn hành vi của họ trên thực tế cấu thành tội gì thì
họ vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội ấy. Nếu hành vi của họ không cấu
thành tội nào được quy định trong Bộ luật hình sự thì họ không phải chịu trách

nhiệm hình sự và trong trường hợp này tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội
được coi là một trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự.


8

C. KẾT LUẬN
Tóm lại, khi xem xét một vụ án có vấn đề tự ý nửa chừng chấm dứt việc thực
hiện tội phạm, chúng ta cần đánh giá toàn bộ vụ án, căn cứ vào những điều kiện
về tự ý nửa chừng chấm dứt việc thực hiện tội phạm để xét người thực hiện có
phải là tự ý thật sự hay không. Nửa chừng châm dứt việc phạm tội cũng là
trường hợp hậu quả chưa xảy ra, nhưng hậu quả ở đây là hậu quả đối với tội
định phạm chứ không phải hậu quả thực tế.
Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội chỉ được miễn trách nhiệm hình sự chứ
không phải là không có sự việc phạm tội, miễn tức là có trách nhiệm hình sự
nhưng được Nhà nước miễn, về ý nghĩa xã hội miễn trách nhiệm hình sự cũng
giống như loại trừ trách nhiệm hình sự (không còn trách nhiệm hình sự) nhưng
về mặt pháp lý họ vẫn có thể bị xử lý bằng biện pháp khác. Do đó miễn trách
nhiệm hình sự trong trường hợp này thực chất là miễn truy cứu trách nhiệm hình
sự về tội họ định phạm, còn hành vi của họ trên thực tế cấu thành tội gì thì họ
vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội ấy. Nếu hành vi của họ không cấu thành
tội nào được quy định trong Bộ luật hình sự thì họ không phải chịu trách nhiệm
hình sự và trong trường hợp này tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được
coi là một trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự.


9

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ luật hình sự 2015

2. Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội, Giáo trình Luật hình sự Việt Nam phần
chung, NXB. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2014
3. TS. Phạm Mạnh Hùng, Về chế định tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội,
Tạp chí Toà án nhân dân, số 8 năm 1995


10

MỤC LỤC



×