QUAN NIỆM SỐNG NHÀN TRONG BÀI THƠ CÙNG TÊN CỦA NGUYỄN
BỈNH KHIÊM
Thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm từ khi về ở ẩn có nhiều bài viết về lối sống nhàn. Suốt
bốn mươi hai năm vừa sống ẩn dật, vừa làm quan tại gia, ông luôn tự hào và kiên
định về sự lựa chọn của mình. Nhàn là một bài thơ tiêu biểu cho quan niệm sống
của nhà thơ.
Nhàn là một đề tài phổ biến trong văn học trung đại. Nói đến nhàn là nói đến một
nét văn hoá tư tưởng sâu sắc của người xưa, đặc biệt là của tầng lớp trí thức phong
kiến. Sống nhàn hợp với tự nhiên, hợp với tu dưỡng nhân cách, có điều kiện để
sáng tác thơ văn, di dưỡng tinh thần. Sống nhàn đem lại niềm vui thanh cao, lành
mạnh cho con người. Biết sống nhàn là biết tìm thú “nhàn”, một triết lí của người
xưa.
Quan niệm sống nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm trong bài Nhàn thể hiện ở tinh thần
tự do lựa chọn cách sống cho mình, tự khẳng định mình. Có như vậy nhà thơ mới
có được phong thái ung dung thoải mái trong cuộc sống đời thường:
Một mai, một cuốc, một cần câu
Thơ thẩn, dầu ai vui thú nào.
Câu thơ mở đầu với ngôn ngữ thơ giản dị, không cần gọt giũa nhưng nhờ sự sắp
xếp hợp lý, linh hoạt mà trở nên ý vị. Mai, cuốc, cần câu là những dụng cụ gắn liền
với công việc lao động hàng ngày. Cách liệt kê: “Một..., một..., một...” tạo nhịp
điệu khoan thai, diễn tả trạng thái ung dung của nhà thơ.
Câu thơ thứ hai nhấn mạnh ý câu một bằng từ “thơ thẩn”. Thơ thẩn là trạng thái
thảnh thơi vô sự, trong lòng không gợn chút cơ mưu, tư dục. Cụm từ “dầu ai vui
thú nào” nói lên ý thức không chạy theo công danh, phú quý, không chạy theo
người khác, kiên định lối sống đã lựa chọn. Hai câu thơ gợi lên hình ảnh của một
cư sĩ ẩn dật, an nhàn khiến ta nhớ đến cuộc sống của thi nhân Nguyễn Trãi “Ao cạn
vớt bèo cấy muống; Đìa thanh phát cỏ ương sen”. Đó cũng là cuộc sống bình dị,
dân dã của Nguyễn Trãi khi ông cáo quan về ở ẩn.
Hai câu thực tiếp tục triển khai ý của hai câu đề bằng quan niệm của tác giả về
“dại” và “khôn”:
Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn, người đến chốn lao xao.
Nhà thơ tự cho mình là dại, người là khôn. Nhịp thơ 2/5 đều đặn tạo giọng điệu tự
tin, pha chút mỉa mai. Các từ láy tượng hình (vắng vẻ), tượng thanh (lao xao) vốn
giàu sắc thái biểu cảm, ở đây được dùng với nghĩa biểu trưng. Tìm “nơi vắng vẻ”
nghĩa là nơi không phải chốn quan trường, không phải nơi “giành giật tư lợi” mà là
nơi thích thú, nơi được sống thoải mái theo ý thích của mình. Đến “chốn lao xao”
là đến chốn chợ lợi đường danh huyên náo, nơi con người chen chúc xô đẩy, giành
giật hãm hại nhau. Hai câu thực sử dụng nghệ thuật đối rất chỉnh. Nhà thơ đem đối
lập cuộc sống nhàn với cuộc sống đua chen, mưu danh lợi, phú quý ở thành thị để
kiên định với lối sống mà ông đã lựa chọn: sống nhàn. Lối sống nhàn đem lại cái
thú làm chủ bản thân mình, tự mình yên với mình, không bị ham muốn vật chất nó
ràng buộc, lôi cuốn do đó dưỡng được tính tự nhiên, tức là tính ưa làm điều thiện.
Nói như nhà thơ “Tâm an, thân rảnh, tay chân thư thái” (Trung tân ngụ hứng). Đó
là thú vui thoải mái về tinh thần cũng như về thể xác.
Với Nguyễn Bỉnh Khiêm, sống nhàn không chỉ là cái thú vui được thoải mái về
tinh thần, về thể xác mà còn là thú vui được hoà với nhịp điệu của thiên nhiên bốn
mùa: Thú vui ấy, được nhà thơ nói đến trong hai câu luận:
Thu ăn măng trúc, đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen hạ tắm ao.
Những chuyện sinh hoạt hàng ngày như “ăn”, “tắm” được nhà thơ diễn tả rất tự
nhiên: Thu ăn măng trúc, đông ăn giá; Xuân tắm hồ sen hạ tắm ao. Các chữ xuân,
thu, hạ, đông được ngắt thành một nhịp, điệp từ ăn, tắm được lặp lại tới hai lần để
nói đây là sinh hoạt quanh năm. Ăn, tắm đều thích thú, tự nhiên. Mùa nào thức ấy,
thứ gì cũng có, cũng sẵn. Đối với Nguyễn Bỉnh Khiêm thú vui của tâm, thân có thể
tìm thấy trong thiên nhiên, kho trời chung lấy không ai cấm, dùng không bao giờ
hết, cũng có thể tìm thấy trong sinh hoạt đời thường. Tuy đơn sơ đạm bạc nhưng
cái gì cũng có, cũng sẵn chẳng nhọc lòng tìm kiếm mà lại được thảnh thơi, thoải
mái “Giàu ăn thịt, khó ăn rau; Sang đi xe, nghèo đi bộ”. Và nhà thơ luôn tự hào về
sự lựa chọn ấy của mình:
Cao khiết thuỳ vi thiên hạ sĩ
An nhàn ngã thị địa trung kiên (Ngụ hứng).
Dịch là:
Cao khiết ai là kẻ sĩ trong thiên hạ
An nhàn ta là tiên trong đời.
Một kẻ sĩ mà được sống như tiên, được làm tiên trong đời như Nguyễn Bỉnh
Khiêm thì có mấy ai ?
Kiên trì với lối sống nhàn, Nguyễn Bỉnh Khiêm đem đối lập lối sống ấy với cuộc
sống bon chen giành giật ở chốn thành thị “Thành thị vốn đua tranh giành giật”
(thơ Nôm bài 19) và tỏ rõ thái độ coi thường công danh phú quý trong hai câu thơ
kết :
Rượu đến cội cây, ta sẽ uống
Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao.
“Rượu ” là hình ảnh mang ý biểu tượng cho phú quý, công danh. Đến thì dùng,
chẳng có gì phải bon chen, xu nịnh. Hơn nữa cái công danh sự giàu sang đó cũng
chẳng khác gì một giấc chiêm bao. Hai câu thơ kết tác giả đã vận dụng sáng tạo
điển cố, cách ngắt nhịp linh hoạt (1/3/3; 4/3) hình ảnh so sánh làm tính chất bi quan
của điển cố mờ đi, nổi lên ý nghĩa coi thường phú quý. Từ đó, nhà thơ khẳng định
lần nữa sự lựa chọn lối sống của mình, lối sống tự nhiên không chạy theo danh lợi.
Trong khuôn khổ của một bài thơ Nôm Đường luật thất ngôn bát cú, Nguyễn Bỉnh
Khiêm đã khẳng định lối sống mà ông lựa chọn: sống nhàn. Đó là lối sống tự
nhiên, coi thường công danh phú quý. Tất nhiên quan niệm “sống nhàn” của
Nguyễn Bỉnh Khiêm không phải là lối sống thoát li thực tế đời sống mà vẫn gắn bó
với cuộc đời. Lối sống ấy ta đã bắt gặp ở một số nhà nho như Nguyễn Trãi,
Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến. Đặc biệt, đối với Nguyễn Bỉnh Khiêm sống
nhàn không chỉ là một lối sống đẹp mà là một triết lí sống.
Nhàn là một bài thơ hay của Nguyễn Bỉnh Khiêm khẳng định niềm tin vào lối sống
mà nhà thơ đã lựa chọn “sống nhàn”. Sống nhàn là một quan niệm sống, một triết lí
nhân sinh của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Qua bài thơ tác giả còn thể hiện sự gắn bó với
cuộc sống bình dị, tài năng thơ Nôm cũng như những đóng góp của ông đối với
ngôn ngữ thơ ca dân tộc: giản dị, tự nhiên, cô đọng, kết cấu và nhịp điệu câu thơ
luôn biến đổi phù hợp với yêu cầu và mục đích diễn tả.