Tải bản đầy đủ (.pdf) (13 trang)

LAW608 cauhoiontaplythuyetvathuchanh

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (406.38 KB, 13 trang )

Câu hỏi ôn tập lý thuyết và bài tập thực hành

CÂU HỎI ÔN TẬP LÝ THUYẾT VÀ BÀI TẬP THỰC HÀNH
Môn: Luật thương mại
PHẦN I: LÝ THUYẾT
Câu 1: Khẳng định sau đây Đúng hay Sai? Giải thích tại sao?
Trong mọi trường hợp, thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên chịu
trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn
đã góp vào công ty.
Trả lời:
Khẳng định trên là Sai. Bởi vì: Theo quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 47 Luật doanh
nghiệp 2014 thì “trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 48”. Theo đó, đối với trường
hợp thành viên chưa góp hoặc chưa góp đủ số vốn cam kết thì công ty phải điều chỉnh
giảm vốn điều lệ, và trong thời gian công ty chưa điều chỉnh giảm vốn, thành viên đó
phải chịu trách nhiệm trong phạm vi số vốn cam kết góp chứ không phải vốn “đã góp”.
Vậy nên, nói “trong mọi trường hợp” là chưa chính xác.
Câu 2: Khẳng định sau đây Đúng hay Sai? Giải thích tại sao?
Trong cơ cấu tổ chức và quản lý của công ty TNHH 1 thành viên luôn có kiểm soát viên.
Trả lời:
Khẳng định trên là Sai. Bởi vì: Theo quy định tại Khoản 1 Điều 85 Luật DN 2014 thì
“Công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên do cá nhân làm chủ sở hữu có Chủ tịch công
ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc”. Như vậy, trong cơ cấu tổ chức và quản lý của công
ty TNHH 1 thành viên do cá nhân làm chủ sở hữu không có kiểm soát viên. Dó đó, nhận
định trên là Sai.
Câu 3: Khẳng định sau đây Đúng hay Sai? Giải thích tại sao?
Cổ đông trong công ty cổ phần có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho
người khác.
Trả lời:
Khẳng định trên là Sai. Bởi vì: Theo điểm d khoản 1 Điều 110 Luật DN 2014 thì “trừ
trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều 119 và khoản 1 Điều 126”, theo đó trường hợp cổ
đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết thì sẽ không được chuyển nhượng cổ phần đó cho


người khác, và cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập trong 3 năm đầu kể từ thời điểm
thành lập công ty thì không được chuyển nhượng tự do.
Câu 4: Khẳng định sau đây Đúng hay Sai? Giải thích tại sao?
Trong công ty hợp danh, chỉ có thành viên hợp danh mới có quyền quản lý và điều hành
công ty, thành viên góp vốn không có quyền tham gia quản lý công ty.
Trả lời:
Khẳng định trên là Đúng. Bởi vì: Theo quy định tại Khoản 1, khoản 2 Điều 179 Luật DN
2014 thì thành viên hợp danh có quyền quản lý và điều hành công ty hợp danh, và theo

1


Câu hỏi ôn tập lý thuyết và bài tập thực hành

quy định tại điểm b Khoản 2 Điều 182 thì thành viên góp vốn không có quyền quản lý
công ty.
Câu 5: Khẳng định sau đây Đúng hay Sai? Giải thích tại sao?
Doanh nghiệp tư nhân là loại hình doanh nghiệp không có tư cách pháp nhân
Trả lời:
Khẳng định trên là Đúng. Bởi vì: Theo quy định tại điều 84 Bộ luật dân sự 2005 thì một
pháp nhân phải đáp ứng đầy đủ 4 điều kiện:
1. Được thành lập hợp pháp.
2. Có cơ cấu tổ chức chặt chẽ.
3. Có khối tài sản độc lập, tách bạch với tài sản của tổ chức, cá nhân khác và tự chịu
trách nhiệm bằng chính khối tài sản đó.
4. Nhân danh mình tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập.
Đối với Doanh nghiệp tư nhân, tài sản kinh doanh của Doanh nghiệp tư nhân và tài
sản riêng của chủ doanh nghiệp tư nhân không có sự tách bạch, và nếu doanh nghiệp
tư nhân phá sản thì chủ doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của
mình. Vì vậy, Doanh nghiệp tư nhân không đáp ứng được điều kiện thứ (3) nên

không phải là một pháp nhân.
Câu 6: Khẳng định sau đây Đúng hay Sai? Giải thích tại sao?
A không thể đăng ký thành lập doanh nghiệp tư nhân Lan Điệp ở Hà Nội vì đã có doanh
nghiệp tư nhân Lan Điệp đang hoạt động kinh doanh ở thành phố Hồ Chí Minh.
Trả lời:
Khẳng định trên là Đúng. Bởi vì: Theo quy định tại Khoản 1 Điều 39 Luật DN 2014 thì
cấm đặt tên trùng với tên doanh nghiệp đã đăng ký. Và theo khoản 1 Điều 42 thì “ tên
trùng là tên tiếng Việt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký được viết hoàn toàn giống tên
tiếng Việt của doanh nghiệp đã đăng ký”. Vì vậy, việc đặt tên là “doanh nghiệp tư nhân
Lan Điệp” trong khẳng định là tên trùng với doanh nghiệp đã đăng ký, do đó không được
phép đăng ký tên này khi thành lập doanh nghiệp.
Câu 7: Khẳng định sau đây Đúng hay Sai? Giải thích tại sao?
Công ty hợp danh không được tổ chức lại bằng cách chia công ty.
Trả lời:
Khẳng định trên là Đúng. Bởi vì: theo quy định tại Khoản 1 Điều 192 Luật DN 2014 thì
chia doanh nghiệp chỉ áp dụng đối với công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn.
Vì vậy, công ty hơp danh không được phép chia công ty.
Câu 8: Khẳng định sau đây Đúng hay Sai? Giải thích tại sao?
Nếu công ty cổ phần không còn đủ 3 cổ đông trong công ty thì phải giải thể.
Trả lời:
Khẳng định trên là Sai. Bởi vì: theo quy định tại Khoản 1 Điều 201 Luật DN 2014 thì
một trong 4 trường hợp doanh nghiệp phải giải thể, đó là: doanh nghiệp thiếu số lượng
thành viên tối thiểu trong 6 tháng liên tục mà không làm thủ tục chuyển đổi loại hình
doanh nghiệp. Theo đó, nếu công ty cổ phần không còn đủ 3 cổ đông (tối thiểu) thì chưa
chắc phải giải thể, trong 6 tháng công ty có thể tiếp nhận thêm cổ đông mới, hoặc thực
2


Câu hỏi ôn tập lý thuyết và bài tập thực hành


hiện việc chuyển đổi loại hình doanh nghiệp sang công ty TNHH 2 thành viên trở lên thì
không phải giải thể.
Câu 9: Khẳng định sau đây Đúng hay Sai? Giải thích tại sao?
Doanh nghiệp bị mất khả năng thanh toán là doanh nghiệp không thanh toán được khoản
nợ đến hạn phải trả cho chủ nợ.
Trả lời:
Khẳng định trên là Sai. Bởi vì: Theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Luật phá sản 2014 thì
doanh nghiệp bị mất khả năng thanh toán khi doanh nghiệp đó không thực hiện nghĩa vụ
thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán.
Câu 10: Khẳng định sau đây Đúng hay Sai? Giải thích tại sao?
Chủ nợ có bảo đảm không có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục giải quyết phá sản đối
với doanh nghiệp bị mất khả năng thanh toán.
Trả lời:
Khẳng định trên là Đúng. Bởi vì: Theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Luật phá sản 2014 thì
chỉ có chủ nợ có bảo đảm 1 phần và chủ nợ không có bảo đảm thì mới có quyền nộp đơn
yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp. Chủ nợ có bảo đảm không có quyền
năng này.
Câu 11: Khẳng định sau đây Đúng hay Sai? Giải thích tại sao?
Người có trình độ cử nhân Luật thì được cấp chứng chỉ hành nghề Quản tài viên.
Trả lời:
Khẳng định trên là Sai. Bởi vì: Theo quy định điểm c Khoản 1 Điều 12 Luật phá sản
2014 thì người có trình độ cử nhân Luật và có kinh nghiệm 05 năm trở lên về lĩnh vực
được đào tạo thì mới được cấp chứng chỉ hành nghề Quản tài viên.
Câu 12: Khẳng định sau đây Đúng hay Sai? Giải thích tại sao?
Hành vi vi phạm hợp đồng thương mại mà không gây thiệt hại thì bên vi phạm không
phải bồi thường thiệt hại cho bên bị vi phạm.
Trả lời:
Khẳng định trên là Đúng. Bởi vì: Theo quy định tại Điều 303 Luật thương mại 2005 thì
chế tài bồi thường thiệt hại chỉ phát sinh khi có đủ 3 căn cứ:
1. Có hành vi vi phạm hợp đồng

2. Có thiệt hại thực tế
3. Hành vi vi phạm hợp đồng là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại
Do đó, việc hành vi vi phạm mà không gây thiệt hại thì không đủ căn cứ áp dụng chế tài
bồi thường thiệt hại, vì vậy bên vi phạm không phải bồi thường thiệt hại cho bên bị vi
phạm.
Câu 13: Khẳng định sau đây Đúng hay Sai? Giải thích tại sao?
Trong mọi trường hợp, nếu bên đề nghị không nhận được trả lời chấp nhận đề nghị của
bên được đề nghị thì không hình thành hợp đồng thương mại giữa các bên.
Trả lời:
Khẳng định trên là Sai. Bởi vì: Theo quy định tại Điều 404 Bộ luật dân sự 2005 thì
Hợp đồng cũng xem như được giao kết khi hết thời hạn trả lời mà bên nhận được đề nghị
3


Câu hỏi ôn tập lý thuyết và bài tập thực hành

vẫn im lặng, nếu có thoả thuận im lặng là sự trả lời chấp nhận giao kết. Do đó, nói “trong
mọi trường hợp” như khẳng định trên là chưa chính xác.
Câu 14: Khẳng định sau đây Đúng hay Sai? Giải thích tại sao?
Nếu các bên tranh chấp đã có thỏa thuận trọng tài thì Tòa án sẽ không có thẩm quyền giải
quyết tranh chấp đó.
Trả lời:
Khẳng định trên là Sai. Bởi vì: Theo quy định tại Điều 6 Luật Trọng tài thương mại 2010
thì Tòa án từ chối thụ lý đơn khi các bên đã có thỏa thuận trọng tài, trừ trường hợp thỏa
thuận trọng tài đó vô hiệu hoặc không thể thực hiện được. Do đó, nếu thỏa thuận trọng tài
giữa các bên tranh chấp bị vô hiệu hoặc không thể thực hiện được thì Tòa án vẫn có thẩm
quyền giải quyết tranh chấp đó.
Câu 15: Khẳng định sau đây Đúng hay Sai? Giải thích tại sao?
Tranh chấp giữa các bên liên quan đến hoạt động mua bán hàng hóa do Tòa án nhân dân
cấp huyện giải quyết.

Trả lời:
Khẳng định trên là Đúng. Bởi vì: Theo quy định tại Điều 33 Bộ luật tố tụng dân sự sửa
đổi năm 2011 thì Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp về
kinh doanh thương mại tại Khoản 1 Điều 29 của Bộ luật này. Và tranh chấp về mua bán
hàng hóa trong thương mại là tranh chấp thuộc Khoản 1 Điều 29 và thuộc thẩm quyền
giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện.
PHẦN 2: BÀI TẬP THỰC HÀNH
Bài 1:
Tâm, Minh, Đức, Lan, Hà cùng nhau thành lập công ty TNHH Sao Mai với số vốn điều
lệ là 03 tỷ đồng. Trong đó: Tâm góp 1 tỷ, Đức góp 200 triệu, Lan góp 600 triệu, Minh
góp 700 triệu, Hà góp 500 triệu. Mọi người nhất trí bầu Tâm làm Chủ tịch Hội đồng
thành viên và là người đại diện theo pháp luật của công ty, Minh làm Giám đốc công ty.
01 năm sau khi thành lập công ty, Xuân – 1 người em ruột của Tâm có nhu cầu ký hợp
đồng với công ty TNHH Sao Mai. Với tư cách là người đại diện theo pháp luật của công
ty, Tâm đã gửi thông báo đến các thành viên và Kiểm soát viên để báo cáo. Sau 1 tuần,
Tâm đã triệu tập Họp Hội đồng thành viên để thông qua hợp đồng giữa Xuân và công ty
TNHH Sao Mai. Cuộc họp diễn ra có sự có mặt của cả 5 thành viên. Trong cuộc họp,
Minh và Đức không đồng ý nên không biểu quyết tán thành, tuy nhiên, vì các thành viên
còn lại chấp thuận nên Hợp đồng vẫn được ký kết và thực hiện.
Do Minh không đồng ý biểu quyết nên Tâm và Minh nảy sinh mâu thuẫn. Với tư cách
chủ tịch Hội đồng thành viên, Tâm đã ra quyết định cách chức Giám đốc của Minh và bổ
nhiệm Hà làm Giám đốc. Đức không đồng ý nên đã yêu cầu Tâm triệu tập cuộc họp Hội
đồng thành viên để giải trình nhưng Tâm không triệu tập.
1. Hợp đồng giữa Xuân và công ty TNHH Sao Mai có hợp pháp hay không? Tại sao?
2. Quyết định cách chức và bổ nhiệm giám đốc của Tâm có hợp pháp hay không? Tại
sao?
3. Việc Tâm không triệu tập cuộc họp Hội đồng thành viên theo yêu cầu của Đức có hợp
4



Câu hỏi ôn tập lý thuyết và bài tập thực hành

pháp hay không? Tại sao?
Bài 2:
Công ty TNHH Hà Tăng có 4 thành viên là Mai, Cúc, Đào, Huệ. Công ty cổ phần Hà Hồ
có 5 cổ đông là Táo, Mơ, Mận, Cam, Bưởi. Hai công ty cùng nhau góp vốn thành lập một
công ty mới với tên gọi đầy đủ trong hồ sơ đăng ký kinh doanh là “công ty Song Hà”.
Trong đó, công ty TNHH Hà Tăng góp 4 tỷ đồng tiền mặt, công ty cổ phần Hà Hồ góp
bằng quyền sử dụng một thửa đất được định giá là 6 tỷ đồng.
Công ty TNHH Hà Tăng cử Mai và Đào; công ty cổ phần Hà Hồ cử Mơ và Mận tham gia
vào cơ quan cao nhất của công ty mới.
1. Xác định loại hình công ty mới là công ty nào? Vì sao?
2. Việc thành lập công ty mới liên quan đến các điều kiện về vốn góp, về tên gọi đã hợp
pháp hay chưa?
3. Xác định thành viên của công ty mới là ai? Cơ quan cao nhất của công ty mới là cơ
quan nào?
4. Nếu công ty TNHH Hà Tăng sau một thời gian hoạt động đã quyết định chuyển
nhượng vốn góp cho công ty cổ phần Hà Trần thì hành vi này có hợp pháp hay không?
Bài 3:
Công ty cổ phần An Bình có trụ sở chính tại Quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội.
Ngoài ra, Công ty còn mở thêm 02 chi nhánh ở Quận Hoàn Kiếm và Quận Đống Đa,
thành phố Hà Nội.
Công ty có vay ngân hàng ACB 5 tỷ đồng với thời hạn trả nợ là ngày 03/01/2015. Tuy
nhiên, đến hạn trả nợ, do kinh doanh thua lỗ và nợ nần chồng chất nên công ty cổ phần
An Bình vẫn chưa trả được khoản nợ 5 tỷ. Tháng 5/2015, vì không đòi được nợ nên ngân
hàng ACB đã nộp đơn lên cơ quan có thẩm quyền để yêu cầu giải quyết với mong muôn
đòi được số nợ.
1. Thủ tục nào theo quy định của pháp luật là phù hợp để giúp Ngân hàng ACB đòi nợ?
2. Xác định cơ quan có thầm quyền giải quyết yêu cầu của Ngân hàng ACB?


Bài 4:
Ngày 07/02/2015, công ty cổ phần Ban Mai (chuyên kinh doanh máy tính và các thiết bị
điện tử, có trụ sở tại Đà Nẵng) gửi một đề nghị giao kết hợp đồng qua đường bưu điện
đến công ty TNHH Hoàng Hôn (Chuyên kinh doanh hàng điện tử, có trụ sở tại Hà Nội)
với nội dung như sau:
 Công ty Ban Mai muốn mua của công ty Hoàng Hôn 300 cái máy tính xách tay hãng HP.
 Giá: 10 triệu đồng / 1 cái
 Thời hạn trả lời đề nghị: ngày 20/02/2015.
 Ngày giao hàng: 01/03/2015
 Địa điểm giao hàng; tại trụ sở chính của công ty Ban Mai ở TP. Đà Nẵng.
Ngày 10/02/2015, công ty Hoàng Hôn nhận được đề nghị của công ty Ban Mai. Ngày
15/02/2015, công ty Hoàng Hôn đã gửi thồng báo chấp thuận lời đề nghị từ công ty Ban
Mai với nội dung: “Chúng tôi chấp thuận giao kết hợp đồng với các yêu cầu mà bên quý
5


Câu hỏi ôn tập lý thuyết và bài tập thực hành

công ty Ban Mai đưa ra. Tuy nhiên, hiện tại trong kho hàng chúng tôi chỉ còn 200 cái
máy tính hãng HP, chúng tôi hứa sẽ giao đủ 100 cái còn lại trong vòng 1 tuần sau khi
giao hàng vào ngày 01/03/2010”.
Ngày 19/02/2015, công ty Ban Mai nhận được thư trả lời của công ty Hoàng Hôn nhưng
im lặng. Ngày 21/02/2015, công ty Ban Mai đã ký hợp đồng mua đủ 300 cái máy tính
xách tay HP của Doanh nghiệp tư nhân Long Trọng.
Ngày 01/03/2015, công ty Hoàng Hôn giao 200 cái máy tính HP đến trụ sở chính của
công ty Ban Mai ở TP. Đà Nẵng nhưng công ty Ban Mai từ chối nhận hàng. Công ty
Hoàng Hôn cho rằng công ty Ban Mai đã vi phạm hợp đồng nên khởi kiện ra Tòa án yêu
cầu bồi thường thiệt hại.
1. Hợp đồng giữa công ty Ban Mai và Doanh nghiệp tư nhân Long Trọng có phải là hợp
đồng mua bán hàng hóa hay không? Vì sao?

2. Đã có hợp đồng giữa công ty Ban Mai và công ty Hoàng Hôn hay chưa? Công ty Ban
Mai có vi phạm hợp đồng và chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho công ty Hoàng
Hôn không?
Bài 5:
Bà Lan là thành viên công ty TNHH Việt Thắng. Tháng 8/2015, bà Lan bị chết trong một
vụ tai nạn. Bà có một người con trai duy nhất tên là Hùng – 19 tuổi, bố mẹ và chồng bà
Lan đều đã mất. Hùng có nguyện vọng được trở thành thành viên công ty TNHH Việt
Thắng để thay mẹ tiếp tục điều hành và quản lý công ty, nhưng Hội đồng thành viên
không đồng ý.
Hãy nhận xét sự kiện pháp lý trên.
Bài 6:
Công ty TNHH Hòa Bình có 5 thành viên là A,B,C,D,E với số vốn điều lệ là 1,2 tỷ.
Trong đó A góp 200 triệu, B góp 250 triệu, C góp 250 triệu, D góp 300 triệu và E góp
200 triệu. Trong đó A là chủ tịch Hội đồng thành viên. Sau 1 thời gian hoạt động, công ty
TNHH Hòa Bình gặp nhiều khó khăn và xảy ra nhiều mâu thuẫn trong nội bộ công ty. A
quyết định triệu tập cuộc họp Hội đồng thành viên để bàn về vấn đề giải thể công ty.
Cuộc họp hội đồng thành viên diễn ra không có sự có mặt của E. Trong cuộc họp, D
không nhất trí việc giải thể công ty. Nhưng Hội đồng thành viên đã thông qua quyết định
giải thể công ty vì đã có A, B, C chấp thuận. Hỏi:
1. Cuộc họp HĐTV diễn ra có hợp lệ hay không? Tại sao?
2. Quyết định giải thể công ty trong cuộc họp có đúng pháp luật hay không? Tại sao?
Bài 7:
Bằng các kiến thức pháp lý đã học về vấn đề chuyển nhượng vốn trong doanh nghiệp.
Anh (chị) hãy nhận xét hoặc đưa ra hướng giải quyết cho các tình huống sau đây:
1. Công ty TNHH Đại Lộc có 3 thành viên là Lợi, Nhuận, Phát được thành lập vào
tháng 7 năm 2015. Ngày 1/ 8/2015, Lợi có nhu cầu chuyển nhượng vốn của mình nên
đã chào bán cho Nhuận và Phát. Sau 1 tuần, vì Nhuận và Phát không mua nên Lợi đã
chuyển nhượng cho Hoa – 1 người bạn của mình.
2. Công ty cổ phần Hoa Linh được thành lập vào năm 2014 với 4 cổ đông sáng lập là A,
B, C, D. Tháng 8 / 2015, A đã chuyển nhượng 900 cổ phần phổ thông của mình cho E.

6


Câu hỏi ôn tập lý thuyết và bài tập thực hành

3. Công ty hợp danh Thiên Minh Long có 3 thành viên hợp danh là Thiên, Minh, Long.
Sau một thời gian hoạt động, Minh có nhu cầu chuyển nhượng toàn bộ vốn góp của
mình là 300 triệu cho cháu ruột là Mẫn. Hãy tư vấn cách để Minh có thể chuyển
nhượng được phần vốn góp cho Mẫn.
Bài 8:
Bằng những kiến thức pháp lý đã học, anh (chị) hãy phân chia tài sản phá sản của công ty
cổ phần Đại Phát theo quy định của pháp luật. Biết rằng: Tổng giá trị tài sản còn lại của
công ty là 5 tỷ đồng (chưa bao gồm giá trị tài sản cầm cố, thế chấp). Và các khoản nợ của
công ty như sau:
1. Nợ thuế: 1 tỷ đồng.
2. Nợ Ngân hàng BIDV: 5 tỷ đồng (tài sản thế chấp bán được 6 tỷ đồng).
3. Nợ công ty TNHH Tiểu Linh: 900 triệu đồng (tài sản cầm cố bán được 700 triệu đồng).
4. Nợ doanh nghiệp tư nhân Long Phượng: 3 tỷ đồng (đây là khoản vay nhằm mục tiêu
phục hồi hoạt động kinh doanh).
5. Nợ bưu điện tỉnh: 60 triệu đồng.
6. Nợ tiền phạt vi phạm hợp đồng với công ty cổ phần Mai Anh: 2 tỷ đồng.
7. Nợ lương người lao động: 1,5 tỷ đồng.
8. Chi phí phá sản: 30 triệu đồng.
Bài 9:
Công ty TNHH Hoa Hậu ký hợp đồng mua của công ty TNHH Nam Vương 5 tấn cà chua
loại 1; với giá là 25.000 đồng / 1 kg. Hai bên có thỏa thuận :
 Công ty Nam Vương sẽ giao đủ 5 tấn cà chua vào ngày 20/9/2014 tại trụ sở công ty
Hoa Hậu, chi phí vận chuyển do công ty Nam Vương chịu.
 Nếu có sự vi phạm hợp đồng thì bên vi phạm sẽ nộp phạt 7% giá trị phần nghĩa vụ
hợp đồng bị vi phạm.

Đến ngày 20/9/2014, công ty Nam Vương giao hàng đến địa điểm như đã thỏa thuận.
Tuy nhiên, do chưa chuẩn bị được kho hàng nên công ty Hoa Hậu chưa thể nhận hàng và
đề nghị công ty Nam Vương giao hàng vào ngày 25/9/2014. Công ty Nam Vương đồng ý
đưa 5 tấn cà chua về và thuê 1 kho để giữ hàng cho công ty Hoa Hậu với giá thuê 5 ngày
là 2,5 triệu đồng.
Đến ngày 23/9/2014, cà chua có dấu hiệu bị hỏng nên công ty Nam Vương phải bán rẻ
cho Doanh nghiệp tư nhân Nam Hậu 1 nửa số hàng đó với giá 10.000 đồng / 1 kg.
Đến ngày 25/9/2014, công ty Nam Vương phải thuê 1 chiếc xe chở hàng với chi phí 10
triệu đồng để chuyển 1 tấn cà chua đến cho công ty Hoa Hậu. Đồng thời công ty Nam
Vương cũng yêu cầu bên công ty Hoa Hậu phải bồi thường những khoản thiệt hại mà
mình phải chịu do hành vi không nhận hàng đúng hạn của công ty Hoa Hậu. Tuy nhiên,
phía bên đại diện công ty Hoa Hậu không chấp nhận thanh toán bất kỳ 1 khoản nào khác,
ngoài khoản tiền mua 5 tấn cà chua. Công ty Nam Vương đã kiện công ty Hoa Hậu ra
Tòa án.
1. Công ty Hoa Hậu phải chịu những chế tài gì do hành vi vi phạm hợp đồng của mình?
2. Công ty Hoa Hậu phải trả cho công ty Nam Vương bao nhiêu tiền (ngoài khoản tiền
thanh toán cho 5 tấn cà chua)?

7


Câu hỏi ôn tập lý thuyết và bài tập thực hành

Bài 10:
Công ty A (bên mua) có trụ sở chính tại Quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Công ty B
(bên bán) có trụ sở chính tại Quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh. Hai công ty đã ký với
nhau hợp đồng mua bán 10 tấn gạo. Đồng thời, 2 bên có thỏa thuận “Nếu có tranh chấp
xảy ra giữa 2 bên thì sẽ giải quyết tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC)”.
Đến ngày giao hàng, công ty B giao hàng cho công ty A đúng hạn. Tuy nhiên, khi nhận
hàng, công ty A nhận thấy số gạo mà công ty B giao không đúng chất lượng như đã thỏa

thuận trong hợp đồng. Công ty A yêu cầu công ty B phải giao đúng hàng như đã thỏa
thuận, đồng thời chịu phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại cho công ty A. Công ty B
đồng ý giao hàng đúng như thỏa thuận nhưng không chấp nhận bồi thường. Hai công ty
xảy ra tranh chấp, giám đốc công ty A đã gửi đơn kiện lên Tòa án nhân dân thành phố Hà
Nội yêu cầu giải quyết.
1. Xác định cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp giữa 2 công ty?
2. Tình tiết bổ sung: Công ty B phát hiện ra việc ký kết thỏa thuận trọng tài giữa 2 bên
do bà Linh (Phó giám đốc công ty A) ký mà không có sự ủy quyền. Vậy nên công ty
B cho rằng Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam sẽ không có thẩm quyền giải quyết
tranh chấp này mà phải là Tòa án. Theo anh (chị), lập luận của công ty B có đúng hay
không? Xác định cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp trong trường hợp này?
ĐÁP ÁN / HƯỚNG DẪN GIẢI:
Bài 1:
1. Hợp đồng giữa Xuân và công ty TNHH Sao Mai là không hợp pháp.
Đây là hợp đồng giữa em ruột của người đại diện theo pháp luật của công ty Sao Mai
với chính công ty nên thuộc Hợp đồng phải được Hội đồng thành viên chấp thuận
theo quy định tại Điều 67 Luật DN 2014.
Theo quy định tại Điều 67 thì Hợp đồng này được thông qua khi có ít nhất 65% tổng
số vốn có quyền biểu quyết chấp thuận. Thành viên có liên quan không được biểu quyết.
Như vậy, theo tình huống thì Tâm sẽ không có quyền biểu quyết đối với hợp đồng
này. Tổng số vốn có quyền biểu quyết ở đây là 2 tỷ (không tính 1 tỷ của Tâm).
Trong cuộc họp, Minh và Đức không chấp thuận (Minh + Đức = 900 triệu)
Vậy tỷ lệ chấp thuận là: 1,1 tỷ/ 2 tỷ = 55%
 Chưa đủ 65% tổng số vốn có quyền biểu quyết  Hợp đồng không hợp pháp.
2. Quyết định cách chức và bổ nhiệm Giám đốc của Tâm là không hợp pháp.
Bởi vì theo Khoản 2 Điều 57 LDN 2014 thì Chủ tịch HĐTV không có thẩm quyền
quyết định cách chức và bổ nhiệm Giám đốc công ty, mà đây là thẩm quyền của Hội
đồng thành viên theo quy định tại Khoản 2 Điều 56 LDN 2014.
3. Việc Tâm không triệu tập cuộc họp theo yêu cầu của Đức là hợp pháp.
Bởi vì theo Khoản 8 Điều 50 LDN 2014 thì thành viên phải sở hữu từ 10% vốn điều

lệ trở lên mới có quyền yêu cầu triệu tập cuộc họp HĐTV. Ở đây số vốn của Đức là
500 triệu, chiếm 6,6 % vốn điều lệ công ty  Chưa đủ điều kiện để yêu cầu triệu tập
cuộc họp HĐTV. Vì vậy, Tâm không triệu tập là hợp lý.

8


Câu hỏi ôn tập lý thuyết và bài tập thực hành

Bài 2:
1. Xác định loại hình công ty mới là công ty gì?
Công ty TNHH 2 thành viên trở lên. Bởi vì đây là công ty có 2 thành viên là tổ chức
(không thể là công ty cổ phần vì công ty cổ phần có tối thiểu là 3 thành viên; không
thể là công ty hợp danh bởi vì công ty hợp danh có 2 thành viên hợp danh phải là cá
nhân)
2. Việc thành lập công ty mới liên quan đến các điều kiện về vốn góp, về tên gọi đã hợp
pháp hay chưa?
 Điều kiện vốn góp: Hợp pháp (tài sản góp vốn có thê là tiền mặt, quyền sử dụng
đất được định giá)
 Điều kiện về tên công ty: Không hợp pháp (tên công ty chưa nói rõ loại hình công
ty nào – phải là “Công ty TNHH Song Hà”)
3. Xác định thành viên của công ty mới là ai? Cơ quan cao nhất của công ty mới là cơ
quan nào?
 Thành viên của công ty mới gồm 2 thành viên, đó là : công ty TNHH Hà Tăng và
công ty cổ phần Hà Hồ
 Cơ quan cao nhất của công ty mới là Hội đồng thành viên
4. Nếu công ty TNHH Hà Tăng sau một thời gian hoạt động đã quyết định chuyển
nhượng vốn góp cho công ty cổ phần Hà Trần thì hành vi này có hợp pháp hay
không?
Không hợp pháp. Vì theo quy định của Luật doanh nghiệp 2014 về điều kiện chuyển

nhượng vốn của công ty TNHH 2 thành viên trở lên thì công ty TNHH Hà Tăng
muốn chuyển nhượng vốn thì phải ưu tiên chuyển nhượng cho công ty cổ phần Hà Hồ
trước, nếu công ty cổ phần Hà Hồ không mua hoặc không mua hết thì mới được phép
chuyển nhượng cho công ty cổ phần Hà Trần.
Bài 3:
1. Thủ tục nào theo quy định của pháp luật là phù hợp để giúp Ngân hàng ACB đòi nợ?
Thủ tục phù hợp là thủ tục phá sản. Bởi ở đây công ty cổ phần An Bình đã bị mất khả
năng thanh toán (không trả nợ trong khoảng thời hạn 3 tháng kể từ ngày đến hạn
trả nợ).
2. Xác định cơ quan có thầm quyền giải quyết yêu cầu của Ngân hàng ACB?
Cơ quan có thẩm quyền là Tòa án nhân dân. Cụ thể ở đây là Tòa án nhân dân thành
phố Hà Nội .
(Theo quy định tại Khoản 1 Điều 8 Luật phá sản 2014: Doanh nghiệp có nhiều chi
nhánh ở nhiều huyện khác nhau thì Tòa án có thẩm quyền là Tòa án cấp tỉnh nơi
doanh nghiệp đăng ký kinh doanh).
Bài 4:
1. Hợp đồng giữa công ty Ban Mai và Doanh nghiệp tư nhân Long Trọng có phải là hợp
đồng mua bán hàng hóa hay không? Vì sao?
Là HĐ mua bán hàng hóa, vì:
 Chủ thể: 2 bên đều là thương nhân
9


Câu hỏi ôn tập lý thuyết và bài tập thực hành

 Đối tượng; hàng hóa hợp pháp: máy tính xách tay HP
 Mục đích: Lợi nhuận
2. Đã có hợp đồng giữa công ty Ban Mai và công ty Hoàng Hôn hay chưa? Công ty Ban
Mai có vi phạm hợp đồng và chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho công ty Hoàng
Hôn không?

Chia làm 2 trường hợp:
 TH1: Giữa công ty Ban Mai và công ty Hoàng Hôn không có thỏa thuận im lặng
là sự trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng:
 Chưa có Hợp đồng. Vì khi bên công ty Hoàng Hôn trả lời chấp thuận và có sửa
đổi đề nghị ban đầu, thì được coi là đề nghị mới. Công ty Ban Mai không trả lời
đề nghị (về việc giao 100 cái còn thiếu sau 1 tuần) của công ty Hoàng Hôn thì hợp
đồng chưa được giao kết. Vì vậy, công ty Ban Mai không vi phạm và không phải
chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho công ty Hoàng Hôn (Điều 395, Điều
404 Bộ luật dân sự 2005).
 TH2: Giữa công ty Ban Mai và công ty Hoàng Hôn có thỏa thuận im lặng là sự trả
lời chấp nhận giao kết hợp đồng:
 Đã có hợp đồng. Vì khi công ty Hoàng Hôn gửi lại đề nghị mới, công ty Ban
Mai im lặng có nghĩa là chấp nhận đề nghị mới đó (theo như thỏa thuận) (Khoản 2
Điều 404 Bộ luật dân sự 2005). Vì vậy, Công ty Ban Mai đã vi phạm hợp đồng
(không nhận hàng như đã đưa ra trong đề nghị giao kết ban đầu ) và có trách
nhiệm Bồi thường thiệt hại cho công ty Hoàng Hôn.
Bài 5:
Việc Hội đồng thành viên không chấp thuận cho Hùng vào làm thành viên công ty là
trái pháp luật.
Bởi vì theo quy định tại Khoản 1 Điều 54 Luật DN 2014 thì trường hợp thành viên là
cá nhân của công ty TNHH 2 thành viên trở lên chết thì người thừa kế hợp pháp sẽ
đương nhiên trở thành thành viên công ty. Ở đây Hùng là người thừa kế duy nhất của
bà Lan theo pháp luật, nên Hùng sẽ đương nhiên trở thành thành viên của công ty
TNHH Việt Thắng mà không cần sự chấp thuận của Hội đồng thành viên.
Bài 6:
1. Cuộc họp HĐTV diễn ra hợp lệ:
Bởi vì: A là Chủ tịch HĐTV  Có quyền triệu tập cuộc họp HĐTV (Điều 58 Luật
DN 2014).
Điều kiện hợp lệ: Theo khoản 1 Điều 59 LDN 2014 thì “Cuộc họp HĐTV được tiến
hành khi có số thành viên dự họp sở hữu ít nhất 65% vốn điều lệ”.

Ở đây, cuộc họp vắng mặt E. Nên tỷ lệ vốn tham gia dự họp là: 1 tỷ/ 1,2 tỷ = 83%.
 Hợp lệ.
2. Quyết định Giải thể không hợp pháp.
Bởi vì: Quyết định giải thể công ty là quyết định quan trọng được quy định điểm b
khoản 3 Điều 60 Luật DN 2014, theo đó cần có ít nhất 75% tổng số vốn góp của các
thành viên tham gia dự họp chấp thuận.

10


Câu hỏi ôn tập lý thuyết và bài tập thực hành

Ở đây, tống vốn tham gia dự họp là 1 tỷ. Trong cuộc họp, D không nhất trí. D chiếm
300 triệu. Vậy tỷ lệ vốn chấp thuận là 700 triệu / 1 tỷ = 70%.
 Chưa đủ để thông qua.
Bài 7:
1. Việc Lợi chuyển nhượng phần vốn góp của mình cho Hoa sau 1 tuần chào bán là sai.
Bởi vì theo điểm b Khoản 1 Điều 53 Luật DN 2014 thì Lợi chỉ được chuyển nhượng
cho Hoa (người ngoài công ty) nếu như Nhuận và Phát không mua hoặc không mua
hết số vốn của Lợi trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày chào bán. Ở đây, mới chỉ chào
bán 1 tuần mà Lợi đã chuyển nhượng vốn cho Hoa là sai pháp luật
2. Việc A chuyển nhượng 900 cổ phần phổ thông của mình cho E trong tình huống trên
là Sai.
Bởi vì theo Khoản 3 Điều 119 Luật DN 2014 thì cổ phần phổ thông của cổ đông sáng
lập trong 3 năm đầu kể từ khi công ty được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh
nghiệp được tự do chuyển nhượng cho các cổ đông sáng lập khác, nhưng nếu chuyển
nhượng cho người không phải cổ đông sáng lập thì phải được Đại hội đồng cổ đông
chấp thuận. Ở đây, công ty cổ phần Hoa Linh thành lập năm 2014 và A là cổ đông
sáng lập. Vậy tháng 8/2015 A chuyển nhượng 900 cổ phần phổ thông của mình cho E
(không phải là cổ đông sáng lập) thì xét 2 trường hợp:

 TH1: Nếu A đã có sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông  được phép chuyển
nhượng cho E
 TH2: Nếu A tự ý chuyển nhượng mà không thông qua Đại hội đồng cổ đông 
trái pháp luật.
3. Theo khoản 3 Điều 175 Luật DN 2014 thì thành viên hợp danh chỉ được chuyển
nhượng vốn cho người khác nếu được sự chấp thuận của các thành viên hợp danh
còn lại.
Vậy, nếu Minh muốn chuyển nhượng toàn bộ vốn cho Mẫn thì cần có sự chấp thuận
của Thiên và Long về việc này.
Bài 8:
Phân chia tài sản:
1. Thanh toán cho các khoản nợ có bảo đảm theo Điều 53 Luật phá sản 2014:
 Ngân hàng BIDV: tài sản thế chấp bán được 6 tỷ
 Trả hết số nợ 5 tỷ, thừa 1 tỷ được nhập vào khối tài sản còn của công ty
 Công ty TNHH Tiểu Linh: tài sản cầm cố bán được 700 triệu, trong khi nợ 900 triệu
 Trả 700 triệu. Thiếu 200 triệu được xem là khoản nợ không có bảo đảm, công
ty Tiểu Linh là chủ nợ không có bảo đảm đối với 200 triệu và được thanh toán
cùng các chủ nợ không có bảo đảm khác ở giai đoạn sau.
 Sau khi thanh toán cho các chủ nợ có bảo đảm xong, tổng tài sản của công ty
cổ phần Đại Phát là : 5 tỷ + 1 tỷ = 6 tỷ
2. Thanh toán theo thứ tự ưu tiên theo quy định tại Điều 54 Luật phá sản 2014:
(1) Chi phí phá sản: 30 triệu
 Tổng tài sản còn: 6 tỷ – 0,03 tỷ = 5,97 tỷ
11


Câu hỏi ôn tập lý thuyết và bài tập thực hành

(2) Nợ lương người lao động: 1,5 tỷ
 Tổng tài sản còn: 5,97 tỷ – 1,5 tỷ = 4,47 tỷ

(3) Khoản nợ nhằm mục tiêu phục hồi kinh doanh: Doanh nghiệp tư nhân Long
Phượng: 3 tỷ đồng
 Tổng tài sản còn: 4,47 tỷ – 3 tỷ = 1,47 tỷ
(4) Các khoản nợ không có bảo đảm:
Tổng số nợ không có bảo đảm = 1 tỷ (thuế) + 200 triệu (công ty Tiểu Linh) + 60 triệu
(bưu điện tỉnh) + 2 tỷ (công ty Mai Anh) = 3,26 tỷ đồng
Tổng tài sản còn của công ty Đại Phát chỉ còn 1,47 tỷ < 3,26 tỷ nên các chủ nợ sẽ
được chia theo tỷ lệ %.
Tính tỷ lệ phần trằm: (1,47 / 3,26) x 100% = 45%
 Số tiền các chủ nợ không có bảo đảm được thanh toán:
 Thuế = 1 tỷ  45% = 450 triệu
 Công ty tiểu Linh = 200 triệu  45% = 90 triệu
 Bưu điện tỉnh = 60 triệu  45% = 27 triệu
 Công ty Mai Anh = 2 tỷ  45% = 900 triệu
Bài 9:
1. Công ty Hoa Hậu phải chịu 2 chế tài cơ bản: Bồi thường thiệt hại và Phạt vi phạm.
 Bồi thường thiệt hại: Vì đã có đủ 3 căn cứ: (Điều 303 Luật TM 2005)
o

Hành vi vi phạm hợp đồng (không nhận hàng đúng hạn)

o

Có thiệt hại xảy ra (các khoản thiệt hại mà công ty Nam Vương phải chịu)

o

Hành vi vi phạm là nguyên nhân gây ra thiệt hại

 Phạt vi phạm: Vì 2 bên đã có thỏa thuận về phạt vi phạm và mức phạt trong phạm

vi pháp luật quy định (không quá 8% phần giá trị nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm)
(Điều 300, 301 Luật TM 2005)
2. Ngoài khoản tiền thanh toán cho số hàng 5 tấn cà chua, công ty Hoa Hậu phải trả cho
công ty Nam Vương các khoản tiền sau:
 Bồi thường thiệt hại:
o

Chi phí thuê kho giữ hàng: 2,5 triệu

o

Chi phí thuê xe chở hàng lần 2 (vì nếu không có sự vi phạm của bên công ty
Hoa Hậu thì công ty Nam Vương sẽ không phải thuê xe thêm 1 lần nữa):
10 triệu đồng.

o

Khoản lỗ mà công ty Nam Vương phải chịu khi bán rẻ 1 nửa số hàng cho
Doanh nghiệp tư nhân Nam Hậu: (25.000 đồng – 10.000 đồng)  2.500 kg =
37,5 triệu đồng.

 Phạt vi phạm: 7%  (5000 kg  25.000 đồng) = 8,75 triệu đồng
 Tổng số tiền công ty Hoa Hậu phải trả cho công ty Nam Vương do hành vi vi
phạm hợp đồng của mình là: 2,5 triệu + 10 triệu + 37,5 triệu + 8,75 triệu = 58,75
triệu đồng.

12


Câu hỏi ôn tập lý thuyết và bài tập thực hành


Bài 10:
1. Cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp ở đây là Trung tâm trọng tài Quốc tế
Việt Nam.
Việc công ty A gửi đơn lên Tòa án là không đúng, bởi giữa công ty A và công ty B đã
có thỏa thuận trọng tài. Và theo quy định tại Điều 6 Luật trọng tài thương mại nếu các
bên tranh chấp đã có thỏa thuận trọng tài thì khi 1 bên gửi đơn kiện lên Tòa án thì
Tòa án sẽ từ chối thụ lý đơn (trừ trường hợp thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc thỏa
thuận trọng tài không thể thực hiện được).
2. Lập luận của công ty B là đúng.
Bởi theo quy định tại Điều 18 Luật Trọng tài thương mại 2010 thì nếu người ký kết
thỏa thuận trọng tài không đúng thẩm quyền (Bà Linh là phó giám đốc không có sự
ủy quyền) thì thỏa thuận trọng tài đó sẽ vô hiệu. Vậy nên, Trung tâm trọng tại quốc tế
Việt Nam sẽ không có thẩm quyền giải quyết trong trường hợp này.
Trong trường hợp này, các bên có thể đưa ra Tòa án giải quyết tranh chấp. Tòa án có
thẩm quyền giải quyết ở đây là Tòa án nhân dân cấp huyện (Theo điều 33 Bộ luật tố
tụng dân sự sửa đổi năm 2011). Cụ thể là Tòa án nhân dân Quận Đống Đa hoặc Tòa
án nhân dân Quận Tân Bình (tùy thuộc vào sự thỏa thuận hoặc lựa chọn của các bên).

13



×