Tải bản đầy đủ (.doc) (91 trang)

Giáo án Cơ Sở Văn Hoá Việt Nam

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (433.37 KB, 91 trang )

TRƯỜNG ĐẠI HỌC NỘI VỤ HÀ NỘI
KHOA VĂN HÓA THÔNG TIN & XÃ HỘI

GIÁO ÁN HỌC PHẦN

CƠ SỞ VĂN HÓA VIỆT NAM

Người soạn: ThS. Nghiêm Xuân Mừng

HÀ NỘI - 2015

1


Chương 1
VĂN HÓA HỌC VÀ CƠ SỞ VĂN HÓA VIỆT NAM
(Tổng số 03 giờ: 03 lý thuyết)

1.1. Mục đích và đối tượng môn học
1.1.1. Mục đích
Cơ sở văn hóa Việt Nam là học phần trình bày những đặc trưng cơ bản
cùng các quy luật hình thành và phát triển của một nền văn hóa nói chung và
nền văn hóa Việt Nam nói riêng. Đối với sinh viên ngành văn hóa học và quản lý
văn hóa, đây là học phần mang tính chất nhập môn; còn đối với sinh viên các
ngành khác, nó trang bị những hiểu biết tối thiểu về một nền văn hóa, một dân
tộc để sinh viên vận dụng vào quá trình học tập, công tác, có thể tham gia một
cách có ý thức vào việc bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc.
1.1.2. Đối tượng
Học phần cơ sở văn hóa Việt Nam nghiên cứu quy luật và điều kiện hình
thành cùng với diễn trình văn hóa Việt Nam từ khởi thủy cho tới hiện tại và một
số vấn đề văn hóa Việt Nam đương đại.


1.2. Phương pháp nghiên cứu
1.2.1. Phương pháp nghiên cứu liên ngành
Liên ngành là một khái niệm nói lên một thực tế diễn ra trong lý luận và
nghiên cứu khoa học nói chung cũng như trong văn hóa học nói riêng. Nó được
hiểu như là một cách tiếp cận hiện đại trong nghiên cứu khoa học và là một sự
phản ứng trước hiện tượng chuyên môn hóa ngày càng cao trong những chuyên
ngành khoa học đã mang tính ổn định. Vì vậy, tính đa tầng của các lĩnh vực khoa
học đang đặt ra hiện nay ngày càng thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học
trên thế giới.
Liên ngành còn đóng một vai trò hết sức quan trọng trước sự đòi hỏi cần
phải quay về cách tư duy nguyên hợp, tổng hợp trước đây nhưng ở cấp độ cao
hơn. Bởi vì, ban đầu con người nhận thức thế giới một cách tổng hợp, tư duy
huyền thoại như là một đặc trưng, rồi sau đó, khoa học tự nhiên và khoa học xã
2


hội không phân chia. Sau nhiều thế kỷ, tư duy nhân loại phát triển theo hướng
phân tích đã dẫn đến sự ra đời các ngành chuyên môn hẹp càng chuyên sâu và
chuyên biệt. Tư duy phân tích đã thể hiện tính ưu việt của nó. Song, thế giới
hiện thực dù tự nhiên hay xã hội lại chằng chịt các mối liên hệ biện chứng và
mang tính liên ngành, người ta không thể nhận thức thế giới một cách đơn tuyến
và siêu hình. Sự liên ngành trong khoa học hiện đại dựa trên nền tảng phát triển
cao của các khoa học phân tích đã ra đời. Đó chính là sự nghiên cứu mang tính
hợp đề. Chỉ có sự xuyên ngành mới đạt đến chất lượng cao của phương pháp mà
ta gọi là phương pháp liên ngành. Đó chính là sự hợp đề (Synthese). Sự liên
ngành không chỉ là sự bổ sung của những phương pháp luận, mà còn là một
ngành hay một chương trình độc lập đối với việc cải tiến khoa học trong thực
tiễn nghiên cứu mới.
Liên ngành không phải là sự cộng lại của các ngành khoa học với nhau, mà
là sự tổng tích hợp các cách tiếp cận, các phương pháp nghiên cứu của các

chuyên ngành vào trong một ngành khoa học mới. Để nghiên cứu các biểu thị
văn hóa, bắt buộc người nghiên cứu phải tiếp cận nhiều môn học khác nhau: Xã
hội học, Nhân học, Sử học, Khảo cổ học, Ký hiệu học, Tâm lý học v.v... Bởi lẽ,
văn hóa là một lĩnh vực rất rộng và hết sức trừu tượng. Muốn hiểu biết về văn
hóa cần phải đứng ở nhiều góc độ khác nhau để có thể nhận thức về nó một
cách đầy đủ và toàn diện.
1.2.2. Phương pháp tiếp cận hệ thống
Văn hóa là một phức thể bao gồm nhiều yếu tố không tách rời nhau.
Muốn nghiên cứu một hiện tượng văn hóa nào phải đặt hiện tượng đó trong mối
quan hệ hữu cơ với nhiều hiện tượng khác. Từ đó tìm ra những quy luật hình
thành, những đặc trưng của văn hóa và những mối liên hệ mật thiết giữa các
hiện tượng sự kiện thuộc một nền văn hóa. Ví dụ: Văn hóa vật chất gồm ăn,
mặc, ở, trong ăn có rất nhiều thành tố khác nhỏ hơn như thức ăn, cách ăn;
trong mặc thì có trang phục, mặc gì, chất liệu may mặc, cách mang mặc. Văn

3


hóa tinh thần gồm có đạo đức, văn học, nghệ thuật, tôn giáo, trong mỗi thành tố
đó lại bao hàm rất nhiều các thành tố khác nhỏ hơn.
1.2.3. Các phương pháp khác
- Điền dã
- Thống kê
- Phân tích
- Tổng hợp
- So sánh lịch sử v.v...
1.3. Văn hóa và đặc trưng cơ bản của nó.
1.3.1. Định nghĩa về văn hóa
1.3.1.1. Nguồn gốc thuật ngữ văn hóa
Trong quá trình phát triển của lịch sử nhân loại, tại cựu lục địa Âu - Á đã

hình thành hai vùng văn hóa lớn là “phương Tây” và “phương Đông”. Phương
Tây là khu vực tây - bắc gồm toàn bộ châu Âu (ví dụ như Hoa
Kỳ, Canada, Australia, New Zealand, Argentina, Brazil) đến dãy Uran ( Dãy
núi Ural là dãy núi thuộc Liên bang Nga và Kazakhstan, là ranh giới tự nhiên
phân chia châu Á và châu Âu. Dãy núi Ural trải dài 2.500 km từ thảo
nguyên Kazak, chạy dọc theo biên giới phía bắc của Kazakhstan đến vùng bờ
biển Bắc Băng Dương. Đỉnh cao nhất là núi Narodnaya cao 1.895 m.); phương
Đông là khu vực đông - nam gồm châu Á và châu Phi. Các nền văn hóa cổ đại
lớn mà nhân loại từng biết đến đều xuất phát từ phương Đông (Trung Hoa, Ấn
Độ, Lưỡng Hà, Ai Cập). Nền văn hóa phương Tây sớm nhất là Hi - La (Hi Lạp
và La Mã) cũng có nguồn gốc từ phương Đông, nó được hình thành trên cơ sở
tiếp thu những thành tựu của các nền văn hóa Ai Cập và Lưỡng Hà. Các nền
văn hóa phương Đông đều hình thành ở lưu vực các con sông lớn là những nơi
có địa hình và khí hậu rất thuận tiện cho sản xuất nông nghiệp.
- Phương Đông: Tại Trung Quốc, thời Xuân Thu (thế kỷ VI trước CN) trong
cuốn Chu Dịch, quẻ Bi đã có từ văn và hóa (Quan hồ nhân văn dĩ hóa thành thiên
hạ/ Xem dáng vẻ con người, lấy đó mà giáo hóa thiên hạ). Cụm từ này với nghĩa
như một phương thức giáo hóa, giáo dục con người: “Nhân văn giáo hóa”. Tiếp
4


đến là Lưu Hướng thời Tây Hán (Năm 77 - 6 TCN) dùng thuật ngữ văn hóa với
nghĩa đối lập với vũ lực (Phàm vì dấy việc võ là vì không phục tùng, dùng văn hóa
mà không sửa đổi, sau đó mới thêm chém giết). Văn hóa ở đây được hiểu là văn trị
giáo hóa, tổ chức, quản lý, cai trị xã hội bằng văn hoá.
Bộ sách Chu dịch là do hai bộ sách Kinh dịch và Dịch truyện hợp thành.
Thời gian hình thành sách khoảng từ nhà Ân, Thương, Tây Chu kéo dài mãi đến
Xuân Thu Chiến Quốc, qua mỗi thời kỳ lại được bổ sung và hoàn chỉnh hơn.
Chu Dịch xuất hiện sớm nhất trong “Tả truyện”. Hai bộ sách Kinh
dịch và Truyện dịch, về nội dung có sự khác nhau, về hình thức có mối liên hệ

rất mật thiết với nhau. Kinh dịch ra đời vào giao thời nhà Ân, Thương, Tây Chu.
Truyện dịch ra đời vào thời Chiến Quốc. Bộ “Chu Dịch” nói về lý, tượng số,
chiêm. Thực chất nói về vấn đề cốt lõi là vận dụng thuyết “một phân làm hai”,
phương pháp luận vũ trụ quan đối lập thống nhất và phương pháp duy vật biện
chứng, nêu lên những quy luật phát triển và biến hóa của vạn vật, nguyên tắc
đối lập thống nhất, vận dụng thế giới quan, vận dụng bát quái để dự đoán các
thông tin về các lĩnh vực trong xã hội. Chu dịch còn có những tên gọi khác như
“đại số học vũ trụ”, “hòn ngọc của vương miện khoa học”. Phương pháp dự
đoán theo Chu dịch chia làm hai Phương pháp là theo Bát Quái và theo sáu Hào.
- Phương Tây: từ văn hóa bắt nguồn từ một động từ tiếng La - tinh
“cultus” sau chuyển thành “kultura”, có nghĩa là cày cấy, vun trồng. Về sau từ
“kultura” chuyển thành “culture” (tiếng Anh), nghĩa là vun trồng,chăm sóc, bồi
dưỡng tinh thần, trí tuệ cho con người.
-> Mặc dù có những điểm khác nhau song “văn hóa” của phương Đông
hay “culture” của phương Tây đều có nội hàm chỉ hoạt động khai mở, vun trồng
trí tuệ và tâm hồn cho con người, làm cho con người trở nên tốt đẹp hơn.
- Vào thế kỷ XIX, thuật ngữ “văn hóa” được những nhà nhân loại học
phương Tây sử dụng như một danh từ chính. Những nhà học giả này cho rằng
văn hóa (văn minh) thế giới có thể phân loại ra từ trình độ thấp nhất đến trình độ
cao nhất, và văn hóa chiếm vị trí cao nhất. Bởi vì họ cho rằng bản chất hướng về
trí lực và sự vươn lên, sự phát triển tạo thành văn minh. Học giả người Anh E.B.
5


Taylo là đại diện của họ. Ông cho rằng, văn hóa là toàn bộ phức thể bao gồm
hiểu biết, tín ngưỡng, nghệ thuật, đạo đức, luật pháp, phong tục, những khả năng
và tập quán khác mà con người có được với tư cách là một thành viên của xã
hội.
- Thế kỷ XX, khái niệm “văn hóa thay đổi theo F.Boa, ý nghĩa văn hóa
được quy định do khung giải thích riêng chứ không phải bắt nguồn từ cứ liệu

cao siêu như “trí lực”, vì thế sự khác nhau về mặt văn hóa từng dân tộc cũng
không phải theo tiêu chuẩn trí lực. Đó cũng là “tương đối luận của văn hóa”.
Văn hóa không xét ở mức độ thấp cao mà ở góc độ khác biệt. A.L. Kroibơ và
C.L. Klúchôn quan niệm văn hóa là loại hành vi rõ ràng và ám thị đã được đúc
kết và truyền lại bằng biểu tượng, và nó là thành quả độc đáo của nhân loại khác
với các loại hình khác, trong đó bao gồm cả đồ tạo tác do con người làm ra.
- Ở Việt Nam, thuật ngữ văn hóa ra đời muộn hơn (khoảng đầu thế kỷ
XX), trước đó thuật ngữ văn hiến, văn vật được sử dụng như văn hóa.
1.3.1.2. Định nghĩa văn hóa
- Có rất nhiều định nghĩa khác nhau về văn hoá: Năm 1994, giáo sư Phan
Ngọc, trong cuốn sách “Văn hoá văn nghệ và cách tiếp cận mới”, Nxb Sự thật
Hà Nội, đưa ra con số thống kê có đến 400 định nghĩa về văn hoá. Và từ 1994
đến nay, thống kê chưa chính xác nhưng người ta ước có hàng ngàn định nghĩa
về văn hoá.
Lý do có nhiều định nghĩa khác nhau về văn hóa như vậy bởi vì:
+ Văn hóa là một thực thể bao trùm lên mọi lĩnh vực, hoạt động của đời
sống xã hội.
+ Các ngành khoa học như dân tộc học, khảo cổ học, xã hội học, triết học,
văn hoá học… đều lấy văn hoá làm đối tượng nghiên cứu cho nên họ đưa ra
những định nghĩa khác nhau về văn hóa dưới góc độ nghiên cứu của mình. Cho
nên một định nghĩa về văn hoá của một nhà dân tộc học thì không trùng với định
nghĩa của một nhà triết học hay một nhà khảo cổ học…
Các định nghĩa về văn hóa có thể được chia theo các nhóm sau đây:
Định nghĩa về văn hoá mang tính mô tả
6


“Văn hoá là một phức thể bao gồm kiến thức, tín ngưỡng, nghệ thuật, đạo
đức, luật pháp, tập quán, mọi khả năng và thói quen mà mọi con người với tư
cách là thành viên của xã hội đạt được” E.B.Tylor.

“Văn hoá là tất cả những gì con người sản xuất ra: Công cụ, biểu trưng,
thiết chế, hoạt động, các quan niệm, tín ngưỡng. Đó là những sản phẩm nhân tạo
truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác”.
Định nghĩa về văn hoá mang tính kế thừa di sản
“Văn hoá là một phức thể hiện tượng của kế thưà xã hội. Phức thể này xác
định cuộc sống của chúng ta” (Xepia).
“Văn hoá bao gồm các quá trình kế thừa về kỹ thuật, tu tưởng, tập quán và
giá trị” (Malinốpxki.
Định nghĩa về văn hoá nhấn mạnh nếp sống xã hội, phương thức ứng
xử
“Văn hoá là toàn bộ nếp sống được xác định bằng môi trường xã hội và
thông qua các cá nhân với tư cách là thành viên của xã hội ấy”. (Kơlinebecgiơ)
“Văn hoá là cách ứng xử mà các thành viên trong xã hội học được” (f. Merlin).
“Văn hoá là lối sống mà các thành viên trong xã hội học được chứ không
phải kế thừa sinh học”. (R. Benedich).
Định nghĩa về văn hoá nhấn mạnh vào khả năng thích ứng với môi
trường
“Văn hoá là toàn bộ sản phẩm do con người làm ra trong quá trình thích
ứng với môi trường”. (Bơlinmentan).
“Văn hoá là nếp sống, là sự thích ứng đặc biệt của con người với môi
trường tự nhiên và các nhu cầu kinh tế”.
Định nghĩa về văn hoá nhấn mạnh vào khía cạnh tư tưởng, biểu tượng
“Văn hoá là dòng thác tư tưởng xuyên từ cá nhân này sang cá nhân khác,
thông qua những ứng xử biểu trưng, những từ ngữ và qua sự bắt chước”.
(Phơrođơ).

7


“Văn hoá là cơ chế của các hiện tượng, vật thể, hành động, tư tưởng, cảm

xúc. Cơ chế này được tạo ra nhờ việc sử dụng các biểu trưng, hoặc phụ thuộc
vào các biểu trưng đó” (I. Oaitơ).
Định nghĩa về văn hoá nhấn mạnh vào khía cạnh giá trị và sáng tạo
“Cột trụ của văn hoá là các giá trị” (A.Vebơ).
“Văn hoá là tổng thể sống động các hoạt động sáng tạo trong quá khứ
cũng như trong hiện tại. Qua các thế kỷ hoạt động sáng tạo ấy đã tạo ra một hệ
thống các giá trị, các truyền thống và các thị hiếu - những yếu tố xác định đặc
tính riêng của mỗi dân tộc”. (F. Mayơ - Tổng Giám đốc UNESCO).
Định nghĩa về văn hoá nhấn mạnh vào thể chế xã hội, biểu trưng văn
hoá
“Văn hoá là hình thái toàn diện của những thể chế mà con người cùng có
chung trong xã hội” (J.H. Phichxơ).
“Văn hoá bao gồm các sáng tạo hoặc những đặc điểm văn hoá, tích hợp
trong một hệ thống nhiều cấp độ liên kết khác nhau giữa các bộ phận, những đặc
điểm vật chất hoặc phi vật chất được tổ chức lại nhằm đáp ứng các nhu cầu cơ
bản của con người. Chúng tạo ra các thể chế xã hội hợp thành một mô hình đơn
nhất cho mỗi xã hội”. (Orơbéc và Nimcốp).
1.3.1.3. Một số định nghĩa về văn hóa
- Định nghĩa văn hóa của Unesco (học liệu 2 tr.23 - 24)
- Định nghĩa văn hóa của Trần Ngọc Thêm (học liệu 1 - tr. 10)
1.3.1.4. Một số thuật ngữ văn hóa học: Văn minh, văn hiến, văn vật và
phân biệt nội hàm của chúng.
- Văn minh: (văn là vẻ đẹp, minh là sáng), chỉ tia sáng của đạo đức, biểu
hiện ở chính trị, pháp luật, văn học, nghệ thuật. Trong tiếng Anh, Pháp, từ
civilisation với nội hàm nghĩa văn minh, có nguồn gốc từ tiếng La tinh là civitas
nghĩa là đô thị, thành phố và các nghĩa phái sinh: thị dân, công dân. Văn minh
chỉ trình độ phát triển nhất định của văn hóa về phương diện vật chất, đặc trưng
cho một khu vực rộng lớn, một thời đại, hoặc cả nhân loại.
8



- Văn hiến: truyền thống văn hóa lâu đời. Đào Duy Anh giải thích “là sách
vở và nhân vật tốt trong một đời”. Văn hiến thiên về những giá trị tinh thần do
những người có tài đức chuyên tải, thể hiện tính dân tộc, tính lịch sử rõ rệt.
- Văn vật: truyền thống văn hóa biểu hiện ở nhiều nhân tài và di tích lịch
sử. Ví dụ “Hà Nội nghìn năm văn vật”. Văn vật còn là khái niệm hẹp để chỉ
những công trình hiện vật có giá trị nghệ thuật và lịch sử. Khái niệm văn vật
cũng thể hiện sâu sắc tính dân tộc và tính lịch sử.
BẢNG SO SÁNH KN VĂN VẬT, VĂN HIẾN, VĂN HÓA, VĂN MINH
VĂN VẬT
VĂN HIẾN
VĂN HÓA
VĂN MINH
Thiên về giá trị Thiên về giá trị Chứa cả giá trị vật Thiên về giá trị
vật chất

tinh thần

chất lẫn tinh thần

vật chất - kỹ thuật
Chỉ trình độ phát

Có bề dày lịch sử
Có tính dân tộc

triển
Có tính quốc tế
Gắn bó nhiều hơn


Gắn bó nhiều hơn với phương Đông nông nghiệp

với phương Tây
đô thị

1.3.2.Các đặc trưng cơ bản của văn hóa
Theo Trần Ngọc Thêm (Cơ sở văn hóa Việt Nam, học liệu 1, trang
11,12,13) văn hóa có 4 đặc trưng cơ bản: tính nhân sinh, tính lịch sử, tính giá trị
và tính hệ thống. Theo Nguyễn Thừa Hỷ (Văn hóa Việt Nam một góc nhìn, Nxb
Thông tin và truyền thông, HN, 2012, tr 16 - 17), văn hóa có 4 đặc trưng cơ bản
là: tính nhân văn xã hội, tính biểu tượng sáng tạo, tính lan truyền lưu truyền;
tính phổ quát, đặc thù.
1.3.2.1.Tính nhân sinh
- Là đặc trưng cơ bản của văn hóa vì VH do con người sáng tạo ra trong
quá trình hoạt động thực tiễn. Văn hóa là đặc trưng của nhân loại, là dấu hiệu
quan trọng để phân biệt giữa con người với các động vật cao cấp khác.

9


- Tính nhân sinh cho phép phân biệt văn hóa như một hiện tượng xã hội
do con người sáng tạo với các giá trị tự nhiên. Văn hóa là cái tự nhiên được biến
đổi bởi con người. Sự tác động của con người vào tự nhiên có thể mang tính vật
chất (luyện quặng, đẽo gỗ) hoặc tinh thần (như việc đặt tên, truyền thuyết cho
các cảnh quan thiên nhiên).
1.3.2.2.Tính lịch sử
Văn hóa do con người sáng tạo ra trong một quá trình lịch sử lâu dài và
được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tính lịch sử tạo cho văn hóa một
bề dày, một chiều sâu; nó buộc văn hóa phải thường xuyên tự điều chỉnh, tiến
hành phân loại và phân bố lại các giá trị, đồng thời phải luôn biến đổi cho phù

hợp với hoàn cảnh mới và điều kiện mới. Vì vậy văn hóa còn có tính khả biến.
Tính khả biến của văn hóa được thể hiện ở mọi cấp độ, từ vi mô đến vĩ mô; từ
chủ thể sáng tạo đến chủ thể nhận thức. Tính lịch sử cũng cho phép phân biệt
văn hóa như sản phẩm của một quá trình tích lũy qua nhiều thế hệ với văn minh
như sản phẩm cuối cùng, chỉ ra sự phát triển của từng giai đoạn.
1.3.2.3.Tính giá trị
Văn hóa theo nghĩa đen là “trở thành đẹp, thành có giá trị”, văn hóa phải
là những sản phẩm có giá trị mang lại lợi ích cho con người.
- Culture (tiếng Anh): Vun trồng tâm hồn con người
- Văn hóa: “văn” = vẻ đẹp. “hóa” = trở thành, biến thành, đem cái đã
được đúc kết ấy hóa thân trở lại cuộc sống, làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn.
Tính giá trị cần để phân biệt giá trị với phi giá trị. Nó là thước đo mức độ
nhân bản của xã hội và con người. Các giá trị văn hóa, theo mục đích có thể chia
thành giá trị vật chất (phục vụ cho nhu cầu vật chất) và giá trị tinh thần (phục vụ
cho nhu cầu tinh thần); theo ý nghĩa có thể chia thành giá trị sử dụng, giá trị đạo
đức và giá trị thẩm mỹ; theo thời gian có thể phân biệt giá trị vĩnh cửu và giá trị
nhất thời. Sự phân biệt các giá trị theo thời gian cho phép ta có được cái nhìn
biện chứng và khách quan trong việc đánh giá lại tính giá trị của sự vật hiện
tượng, tránh được những xu hướng cực đoan - phủ nhận sạch trơn hoặc tán
dương hết lời. Vì vậy mà về mặt đồng đại, cùng một hiện tượng có thể có giá trị
10


nhiều hay ít tùy theo góc nhìn, theo bình diện được xem xét. Muốn kết luận một
hiện tượng có thuộc phạm trù văn hóa hay không phải xem xét mối tương quan
giữa các mức độ giá trị và phi giá trị của nó. Về mặt lịch đại, cùng một hiện
tượng sẽ có thể có giá trị hay không tùy thuộc vào chuẩn mực văn hóa của từng
giai đoạn lịch sử. Ví dụ, việc đánh giá chế độ phong kiến, vai trò của Nho giáo,
các triều đại nhà Hồ, nhà Nguyễn...ở Việt Nam.
Muốn xác định được giá trị văn hóa còn cần phải dựa vào bộ công cụ là

hệ tọa độ 3 chiều mà trong đó văn hóa tồn tại: Con người - Chủ thể văn hóa;
Môi trường tự nhiên và xã hội - Không gian văn hóa; Quá trình hoạt động –
Thời gian văn hóa. Việc cụ thể hóa 3 thông số này giúp ta định vị được giá trị
của các nền văn hóa, vùng văn hóa và những biến thể văn hóa khác nhau. Trong
hệ tọa độ gốc thì một sản phẩm văn hóa do con người tạo ra chắc chắn có giá trị,
nhưng khi dịch chuyển một trong 3 thông số trong hệ tọa độ (C - K - T) thì sản
phẩm văn hóa đó có khi trở thành phi giá trị. Do vậy, muốn xác định giá trị của
một hiện tượng văn hóa phải xem xét trong hệ tọa độ C - K - T. Ví dụ tục ăn trầu
là nét đẹp của người Việt truyền thống nhưng lại là phi giá trị đối với người châu
Âu.
(Tham khảo 3 trục để xác định một không gian văn hóa)
- Một là trục nhận thức: tức là trình độ nhận thức và thế giới quan của
con người trong cộng đồng ấy. Nhận thức là những tri thức được thể hiện qua
những kinh nghiệm, những lý thuyết mà con người ở đó đúc kết.
- Hai là trục giá trị: ở đây cần phải nghiên cứu, tìm hiểu và xem xét xem
cái gì đã hấp dẫn con người ở đó khiến họ hành động, hướng tới, tiền bạc hay
đạo đức, thẩm mĩ v.v...
- Ba là hệ điều tiết, được thể hiện qua những mệnh lệnh, luật pháp, chế
định... khiến con người ở đây phải làm cái này mà không được làm cái khác.
1.3.2.4.Tính hệ thống
Văn hóa là một cấu trúc gồm nhiều thành phần. Mọi hiện tượng, sự kiện
thuộc một nền văn hóa đều có liên quan mật thiết với nhau, xâm nhập vào nhau,
làm nền tảng, cơ sở cho nhau chứ không phải là sự lắp ghép. Tính hệ thống giúp
11


phát hiện những mối liên hệ mật thiết giữa các hiện tượng, sự kiện thuộc một
nền văn hóa, phát hiện những đặc trưng, những quy luật hình thành và phát triển
của nó.
1.3.2.5. Tính nhân văn xã hội

Văn hóa là những ứng xử và hoạt động của con người, chỉ con người mới
có. Tính nhân văn, nhân bản của văn hóa thuộc về bản chất đặc biệt của con
người, luôn luôn tiếp cận hướng tới lý tưởng chân - thiện - mỹ, và được coi là
mẫu số chung nối kết các nền văn hóa. Tác giả Hồ Hữu Tường trong cuốn
“Tương lai văn hóa Việt Nam” (Nxb Minh Đức, Hà Nội, 1946, tr. 36) khẳng
định: “Tính cách văn hóa phải là tính cách nhân bản. Văn hóa phải làm cho con
người ngày càng cao quý đẹp đẽ hơn, phải làm cho con người trở nên Người”.
1..3.2.6. Tính biểu tượng, sáng tạo
Văn hóa đến được với tri giác, nhận thức con người là nhờ thông qua
những biểu tượng, đúc rút ra từ vô vàn những sự vật khác nhau, của những cộng
đồng khác nhau, được ký hiệu hóa bằng ngôn ngữ văn tự, âm thanh hình ảnh,
khái niệm. Đó chính là biểu tượng văn hóa. Biểu tượng văn hóa thường mang
tính ổn định và gắn bó với một cộng đồng người nhất định. Những ứng xử, giá
trị lâu đời của một dân tộc đã trở thành tập quán, phong tục, điển chương của
dân tộc đó. Ví dụ: người Việt có tục ăn trầu, trong khi Trung Quốc và nhiều
quốc gia khác không có. Màu trắng là biểu tượng tang tóc của người Việt,
nhưng biểu tượng tang tóc của người châu Âu lại là màu đen, còn màu trắng
biểu trưng cho sự trong trắng, tinh khiết. Những biểu tượng và thành tựu văn
hóa tạo nên di sản văn hóa. Di sản là một vốn xã hội lâu đời của một dân tộc,
luôn luôn được làm giàu thêm và tự đổi mới bằng tự sáng tạo. Ví dụ: xưa kia,
một thiếu nữ Việt có hàm răng đen hạt huyền là biểu tượng của sắc đẹp thì ngày
nay lại được thay vào là hàm răng trắng muốt. Một nền văn hóa khi đã cạn kiệt
sức sáng tạo, chỉ còn biết đi theo những lối mòn là một nền văn hóa trên bước
đường suy tàn. Trong quá trình lịch sử, sáng tạo dẫn đến tiến hóa văn hóa.

12


1.3.2.7. Tính lan truyền, lưu truyền
Văn hóa không tự cô lập và bất động. Như một chất khí khuếch tán trong

khí quyển, một nền văn hóa cũng khuếch tán, lan tỏa, truyền bá ảnh hưởng tới
những không gian văn hóa xã hội khác. Có hai dạng thức của lan truyền văn
hóa, một là lan truyền trực tiếp và hai là lan truyền gián tiếp. Ví dụ Văn hóa
Trung Hoa lan truyền trực tiếp sang văn hóa Việt Nam theo con đường xâm
lược, di dân (lan truyền trực tiếp). Văn hóa Việt Nam tiếp thu ảnh hưởng của
văn hóa Ấn Độ qua văn hóa Chăm Pa (lan truyền gián tiếp). Cùng với lan
truyền qua không gian, văn hóa còn được lưu truyền qua thời gian theo chiều
dọc. Cơ sở của hình thức lưu truyền này là sự kế thừa, tích lũy di sản văn hóa,
kết tinh thành truyền thống. Ví dụ: lòng yêu nước của người Việt Nam là di sản
văn hóa tinh thần được đúc kết từ lịch sử hàng ngàn năm chống giặc ngoại xâm.
1.3.2.8. Tính phổ quát, đặc thù
Văn hóa vừa mang tính phổ quát (cái chung của nhân loại), vừa mang tính
đặc thù (cái riêng của từng quốc gia, dân tộc, cộng đồng người). Đó là do văn
hóa gắn bó với con người. Con người trên trái đất đều có một cấu trúc sinh học
tâm sinh lý giống nhau, cùng mang trong người một tố chất chung, được gọi là
tính nhân loại, tính nhân bản, trong đó có những quyền sống cơ bản, tức quyền
con người hay nhân quyền. Đó là tầng nguyên sinh, mang tính phổ quát, tạo
thành đặc trưng của văn hóa. Tính phổ quát của văn hóa chính là cây cầu ngắn
nhất nối liền các cộng đồng, quốc gia dân tộc xa xôi nhất trên thế giới. Mặt
khác, văn hóa còn mang tính đặc thù bởi lẽ mọi quốc gia, mọi cộng đồng người,
mọi cá nhân đều là những chủ thể văn hóa đặc hữu, không giống nhau và phải
mưu sinh trong những điều kiện tự nhiên khác nhau nên văn hóa cũng có những
đặc trưng, bản sắc riêng.Tính đặc thù tạo ra sự đa dạng văn hóa của các quốc
gia, dân tộc, các cộng đồng người trên thế giới. Quan hệ giữa tính phổ quát và
tính đặc thù của văn hóa là quan hệ giữa cái chung và cái riêng, giữa màu (color)
và sắc thái (nuance), không đối lập nhau mà bổ sung cho nhau.
1.3.3.Các chức năng cơ bản của văn hóa
1.3.3.1. Chức năng nhận thức
13



Là chức năng đầu tiên, tồn tại trong mọi hoạt động văn hóa. Bởi con
người không có nhận thức thì không thể có bất cứ một hoạt động văn hóa nào.
Nhưng quá trình nhận thức này của con người trong các hoạt động văn hóa lại
được thông qua đặc trưng, đặc thù của văn hóa. Nâng cao trình độ nhận thức của
con người chính là phát huy những tiềm năng ở con người.
1.3.3.2. Chức năng giáo dục
Là chức năng bao trùm nhất của văn hóa. Văn hóa đã góp phần bồi dưỡng
con người, hướng lý tưởng, đạo đức và hành vi của con người vào “điều hay lẽ
phải, điều khôn, lẽ thiệt”, theo những khuôn mẫu, chuẩn mực mà xã hội quy
định.
Văn hóa bao giờ cũng hình thành trong một quá trình và được tích lũy qua
nhiều thế hệ, mang tính lịch sử, tạo cho văn hóa có một bề dày, một chiều sâu,
nó được duy trì bằng truyền thống văn hóa, tức là cơ chế tích lũy và truyền đạt
kinh nghiệm trong cộng đồng qua không gian và thời gian. Nó là những giá trị
tương đối ổn định (những kinh nghiệm tập thể) thể hiện dưới những khuôn mẫu
xã hội được tích lũy và tái tạo trong cộng đồng người và được cố định hóa dưới
dạng ngôn ngữ, phong tục tập quán, nghi lễ, luật pháp, dư luận. Văn hóa đã
thông qua các truyền thống, các giá trị (bao gồm cả giá trị đã ổn định, tức truyền
thống, và cả những giá trị đang hình thành) để giáo dục con người, bồi đắp tâm
hồn và trí tuệ cho con người, biến con người từ 1 cá thể trở thành một cá nhân
có thể tham gia vào hoạt động xã hội. Ví dụ: một đứa trẻ được sống với cha mẹ
sẽ được giáo dục theo truyền thống văn hóa trong gia đình mình được sinh ra;
còn nếu bị rơi vào rừng, nếu sống được, đứa trẻ ấy sẽ mang hành vi, tính nết của
loài thú.
Bằng chức năng giáo dục, văn hóa tạo cho lịch sử nhân loại và lịch sử mỗi
dân tộc một sự phát triển liên tục.
1.3.3.3. Chức năng điều chỉnh xã hội
Văn hóa là những chuẩn mực do con người sáng tạo ra và từ đó nó trở
thành những tiêu chí để con người điều chỉnh, cân bằng, hoàn thiện lối sống.

Chức năng điều chỉnh xã hội của văn hóa giúp cho xã hội duy trì được trạng thái
14


cân bằng động, không ngừng tự hoàn thiện và thích ứng với những biến đổi của
môi trường, giúp định hướng các chuẩn mực, làm động lực cho sự phát triển của
xã hội.
1.3.3.4. Chức năng tổ chức xã hội
Nhờ có tính hệ thống mà văn hóa với tư cách là một thực thể bao trùm
mọi hoạt động của xã hội thực hiện được chức năng tổ chức xã hội. Chính văn
hóa thường xuyên làm tăng độ ổn định của xã hội, cung cấp cho con người mọi
phương tiện cần thiết để ứng phó với môi trường tự nhiên và xã hội của mình. .
Nó là nền tảng của xã hội (nền văn hóa)
1.3.3.5. Chức năng giao tiếp
Văn hóa luôn gắn với hoạt động thực tiễn của con người nên có chức năng
giao tiếp, là một công cụ giao tiếp quan trọng của con người thông qua ngôn
ngữ. Nếu ngôn ngữ là hình thức của giao tiếp thì văn hóa là nội dung của nó.
Văn hóa định hướng cách thức và mục đích giao tiếp của con người. Điều đó
đúng với giao tiếp giữa các cá nhân trong một dân tộc, lại càng đúng với giao
tiếp giữa những người thuộc các dân tộc khác nhau và sự giao tiếp giữa các nền
văn hóa khác nhau. Ví dụ ở Việt Nam gật đầu là đồng ý thì ở Bungari gật đầu là
phản đối và ngược lại.
Thực hiện chức năng giao tiếp, văn hóa trở thành sợi dây nối liền con
người với con người. Vì vậy, chỉ có hiểu biết chung về văn hóa giữa các dân tộc,
các cộng đồng người thì việc giao tiếp mới thành công.
1.3.3.6. Chức năng thẩm mỹ
Cùng với nhu cầu hiểu biết, con người còn có nhu cầu hưởng thụ, hướng
tới cái đẹp. Con người nhào nặn hiện thực theo quy luật của cái đẹp cho nên văn
hóa phải có chức năng này. Nói cách khác, văn hóa là sự sáng tạo của con người
theo quy luật của cái đẹp, trong đó, văn học nghệ thuật là biểu hiện tập trung

nhất sự sáng tạo ấy. Với tư cách là khách thể của văn hóa, con người tiếp nhận
chức năng này của văn hóa và tự thanh lọc mình theo hướng vươn tới cái đẹp và
khắc phục cái xấu trong mỗi con người.
1.3.3.7. Chức năng giải trí
15


Trong cuộc sống, ngoài hoạt động lao động và sáng tạo, con người còn có
nhu cầu giải trí. Các hoạt động văn hóa, câu lạc bộ, bảo tàng lễ hội, ca nhạc...sẽ
đáp ứng được các nhu cầu ấy. Như vậy, sự giải trí bằng các hoạt động văn hóa là
bổ ích, cần thiết, góp phần giúp cho con người lao động sáng tạo và hiệu quả
hơn và giúp con người phát triển toàn diện.
1.4. Cấu trúc văn hóa
Cấu trúc là khái niệm chỉ sự vật hiện tượng mà các yếu tố có quan hệ chặt
chẽ cấu thành một chỉnh thể.
Cấu trúc văn hóa là hệ thống những thành tố cơ bản làm nên diện mạo của
một nền văn hóa.
Cuốn Cơ sở văn hóa Việt Nam do GS. Trần Quốc Vượng chủ biên chia
cấu trúc văn hóa thành 3 thành tố
- Văn hóa sản xuất
- Văn hóa vũ trang
- Văn hóa sinh hoạt
Cuốn Cơ sở văn hóa Việt Nam của Trần Ngọc Thêm chia văn hóa thành 4
thành tố:
- Văn hóa nhận thức, bao gồm 2 vi hệ:
+ Nhận thức về vũ trụ
+ Nhận thức về con người
- Văn hóa tổ chức cộng đồng, bao gồm 2 vi hệ:
+ VH tổ chức đời sống tập thể
+ VH tổ chức đời sống cá nhân

- Văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên, bao gồm 2 vi hệ:
+ VH tận dụng tự nhiên
+ VH ứng phó với TN
- Văn hóa ứng xử với môi trường xã hội, gồm 2 vi hệ:
+ VH tận dụng môi trường xã hội
+ VH ứng phó với môi trường xã hội
16


Chương 2
CƠ SỞ HÌNH THÀNH NỀN VĂN HÓA VIỆT NAM CỔ TRUYỀN
(Tổng số 12 giờ: 09 lý thuyết, 03 thảo luận)
Yêu cầu và mục tiêu của chương
- Sinh viên hiểu và phân tích được các điều kiện tự nhiên, lịch sử, xã hội
tác động hình thành nền văn hóa Việt Nam cổ truyền.
- Sinh viên hiểu và phân tích được sự khác nhau giữa văn hóa Việt Nam
cổ truyền với một số nền văn hóa trong khu vực với ý nghĩa là bản sắc văn hóa
độc đáo.
- Sinh viên vận dụng được kiến thức vào quá trình làm bài tập và quá
trình học tập, nghiên cứu văn hóa Việt Nam nói riêng và văn hóa địa phương
nói riêng.
2.1. Chủ thể văn hóa Việt Nam
Mối quan hệ giữa con người và văn hóa được bộc lộ ra ở ba khía cạnh
quan trọng
- Con người với tư cách là chủ thể sáng tạo của văn hóa
- Con người cũng là sản phẩm của văn hóa
- Con người cũng là đại biểu mang giá trị văn hóa do con người sáng tạo
ra.
Như vậy con người vừa là chủ thể, vừa là khách thể của văn hóa.
Con người Việt Nam - chủ thể của văn hóa Việt Nam

Khi tìm hiểu chủ thể văn hóa Việt Nam các nhà nghiên cứu đều xác định:
- Chủ thể văn hóa Việt Nam là đặc điểm con người Việt Nam với đặc
điểm khí chất của họ. GS Đào Duy Anh trong cuốn Việt Nam văn hóa sử cương
có đưa ra nhận xét (học liệu 2, trang 15).
- Theo GS Trần Quốc Vượng thì chủ thể văn hóa Việt Nam là hằng số
người nông dân Việt Nam với tất cả những tính chất mạnh yếu của họ.
- Ở góc độ chung nhất chủ thể của nền văn hóa Việt Nam là con người
Việt Nam bao gồm 54 tộc người khác nhau. (Ở nước ta, 1 tộc người được xác
17


đinh bởi 3 yếu tố: ngôn ngữ; văn hóa và ý thức tự giác tộc người). Nhưng có
một tộc người đóng vai trò chủ đạo trong việc liên kết các tộc người còn lại, đó
chính là người Kinh, hay còn gọi là người Việt. Điều này làm cho Việt Nam có
một nền văn hóa đa dạng vì mỗi tộc người lại có một nền văn hóa riêng. Tuy vậy
văn hóa Việt Nam vẫn là một nền văn hóa thống nhất (còn gọi là thống nhất
trong đa dạng).
Có 3 yếu tố đảm bảo tính thống nhất của văn hóa Việt Nam, đó là:
- 54 tộc người đều có ý thức thuộc về 1 quốc gia (QG Việt Nam).
- Chịu sự điều hành của một nhà nước.
- Sử dụng một ngôn ngữ chung (tiếng Việt) tạo ra một ý thức cộng đồng.
2.2. Điều kiện tự nhiên
2.2.1. Không gian văn hóa Việt Nam
- Văn hoá của một cộng đồng bao giờ cũng sinh ra, tồn tại,vận động và
phát triển trong một không gian, thời gian xác định với tất cả tính thống nhất
trong sự đa dạng, phức tạp của nó. Cái không - thời gian ấy chính là môi trường.
Chữ môi trường được sử dụng theo nhiều nghĩa khác nhau, với nhiều cấp độ
khác nhau. Với nghĩa phổ quát nhất, người ta chia môi trường ra làm hai loại:
Môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Muốn xem xét một thực thể, một
hiện tượng văn hoá phải đặt vào hai toạ độ ấy mới thấy hết được quá trình cũng

như bản chất, quy luật, đặc điểm, tính chất của chúng.
- Không gian văn hóa liên quan đến lãnh thổ nhưng không đồng nhất với
không gian lãnh thổ. Nó bao quát tất thảy những vùng lãnh thổ mà ở đó dân tộc
đã tồn tại qua các thời đại. Do vậy không gian văn hóa bao giờ cũng rộng hơn
không gian lãnh thổ; không gian văn hóa của hai dân tộc ở cạnh nhau thường có
phần chồng lên nhau, có miền giáp ranh.
-Trong phạm vi hẹp, không gian gốc của văn hóa Việt Nam nằm trong khu
vực cư trú của người Bách Việt. Có thể hình dung nó như một hình tam giác với
cạnh đáy ở sông Dương Tử, và đỉnh là Bắc Trung Bộ Việt Nam. Đây là cái nôi
của nghề nông nghiệp trồng lúa nước, của nghệ thuật đúc đồng với những trống
đồng Đông Sơn nổi tiếng. Đây cũng là bờ cõi đất nước của họ Hồng Bàng theo
18


truyền thuyết. Ở một phạm vi rộng hơn, không gian văn hóa Việt Nam nằm
trong khu vực cư trú của người Indonésien lục địa. Có thể hình dung nó như một
tam giác với cạnh đáy vẫn là sông Dương Tử, còn đỉnh là vùng đồng bằng sông
Mê Kông ở phía Nam. Đây là khu vực được tạo nên bởi hai con sông lớn cùng
bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng: Dương Tử Giang và Mê Kông. Như vậy, xét
từ trong cội nguồn, không gian văn hóa VN vốn được định hình trên nền của
không gian văn hóa khu vực Đông Nam Á. Vì vậy đã tạo nên sự thống nhất cao
độ của vùng văn hóa Đông Nam Á. Do vị trí đặc biệt của mình, Việt Nam là nơi
hội tụ ở mức độ đầy đủ nhất mọi đặc trưng của văn hóa khu vực, được các nhà
Đông Nam Á học ví như một Đông Nam Á thu nhỏ.
Vùng Đông Nam Á theo cuốn Cơ sở văn hóa Việt Nam (GS. Trần Quốc
Vượng chủ biên, Nxb Giáo dục, HN, 1998) nó rộng hơn nhiều so với vùng Đông
Nam Á theo quan niệm của các nhà địa lý hiện đại. Bởi lẽ hiện tại vùng Đông
Nam Á có 10 nước: Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanma, Malaixia,
Inđônêxia, Philippin, Brunây, Xinhgapo. Nhưng ở vào thời tiền sử, vùng Đông
Nam Á là vùng đất có ranh giới phía bắc tới bờ sông Dương Tử (Trung Quốc),

phía nam đến tận quần đảo Nam Dương (Inđônêxia), phía tây đến tận quần đảo
Át Xam của Ấn Độ, phía đông là cả một thế giới bán đảo và đảo nằm cạnh châu
Đại Dương. Dựa vào cứ liệu của các ngành nhân loại học, dân tộc học, ngôn
ngữ học, ngành khoa học nhân văn đã xác định được vùng Đông Nam Á có một
cơ tầng văn hóa riêng biệt, phi Hoa, phi Ấn.
2.2.2.Vị trí địa lý
Việt Nam nằm trên bán đảo Đông Dương, gần trung tâm khu vực ĐNA.
Điều này làm cho văn hóa VN mang những nét đặc trưng nhất của văn hóa Đông
Nam Á, một Đông Nam Á thu nhỏ: Nền văn hóa lúa nước, thuần hóa trâu bò
làm sức kéo, giao thông bằng đường thủy với phương tiện chủ yếu là thuyền bè,
ở nhà sàn, ăn cơm, thờ nhiều vị thần (tín ngưỡng đa thần). Đây cũng là vị trí
giao điểm của các nền văn hóa lớn, “là ngã tư đường của các cư dân và các nền
văn minh” (Olov Janse) khiến cho văn hóa VN chịu ảnh hưởng khá sâu sắc của
một số nền văn hóa đứng ở bậc nhất thế giới (Trung Quốc, Ấn Độ).
19


2.2.3. Địa hình
Địa hình Việt Nam trải dài (khoảng 15 vĩ độ), đồi núi chiếm 3/4 diện tích.
Sông ngòi nhiều và phân bố đều khắp. Đồng bằng nhỏ hẹp, chỉ chiếm một tỉ lệ
khiêm tốn (chưa đến 1/4 diện tích). Bao quanh hướng Đông và Nam là bờ biển
dài (khoảng 3.260km), kéo ra suốt dọc chiều đất nước. Có thể khái quát địa hình
Việt Nam dài Bắc - Nam, hẹp Tây - Đông; đi từ Tây sang Đông có núi - đồi thung - châu thổ - ven biển - biển và hải đảo. Đi từ Bắc vào Nam là các đèo cắt
ngang Tây Đông.
Chính yếu tố địa hình này tạo cho VHVN trở nên rất đa dạng, có đầy đủ
yếu tố văn hóa của rừng, núi, đồng bằng, sông nước và biển đảo, đồng thời lại
phân thành các tiểu vùng văn hóa, mỗi vùng có những đặc trưng văn hóa riêng.
2.2.4. Khí hậu
Việt Nam có lượng bức xạ mặt trời rất lớn với số giờ nắng từ 1.400 3.000 giờ/năm. Lượng mưa trung bình hàng năm từ 1.500 đến 2.000 mm. Độ ẩm
không khí trên dưới 80%. Do ảnh hưởng gió mùa và sự phức tạp về địa hình nên

Việt Nam thường gặp bất lợi về thời tiết như bão, lũ lụt, hạn hán. Miền Bắc có 4
mùa xuân, hạ, thu, đông. Miền Nam có 2 mùa: mùa khô và mùa mưa.
Vì vậy đã tác động mạnh đến văn hóa VN:
- Hình thành và phát triển hệ sinh thái thực vật phồn tạp với số giống loài
và số cá thể rất cao, thực vật phát triển hơn động vật (động vật dễ bị dịch bệnh
do nhiệt ẩm, gió mùa). Điều đó tạo điều kiện thuận lợi cho một nền nông nghiệp
nguyên thủy từ rất sớm dẫn đến nền nông nghiệp lúa nước.
- Hình thành một chu kỳ sản xuất theo mùa vụ, làm lối sống của người
dân cũng được thiết kế quay vòng theo chu kỳ này.
- Khí hậu của Việt Nam thất thường, thường xuyên xảy ra thiên tai như
bão lụt, hạn hán tạo cho người Việt Nam tinh thần đoàn kết cao và tính cộng
đồng rất mạnh để phòng chống thiên tai (đắp đê phòng lũ, đào mương dẫn nước
tưới tiêu, chống hạn). Khí hậu cũng góp phần làm cho người Việt đúc rút được
20


những kinh nghiệm ứng phó, quan sát dự báo thời tiết (thể hiện qua nhiều câu
tục ngữ, ca dao) phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt, mặt khác sớm hình thành tín
ngưỡng sùng bái tự nhiên, và có tâm lý trông chờ, ỷ lại, phụ thuộc vào tự nhiên.
- Khí hậu còn tác động mạnh đến việc bố trí nhà cửa, ăn, mặc của con
người ở từng vùng khác nhau làm cho con người từng vùng đều có những
phương thức ứng xử riêng, tạo ra những đặc trưng văn hóa riêng.
2.2.5. Tài nguyên động thực vật và đất đai
- Hệ đất đai đa dạng phong phú cộng với nền khí hậu nhiệt đới ẩm tạo cho
văn hóa VN có đặc trưng là văn hóa nông nghiệp thiên về trồng trọt (cốt lõi là
cây lúa nước), quy mô nhỏ hẹp với mô hình sản xuất đặc trưng là mô hình gia
đình tiểu nông (Trên đồng cạn, dưới đồng sâu/ Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi
bừa - Ca dao).
- Mỗi vùng miền có chất đất, thổ nhưỡng khác nhau tạo cho Việt Nam có
những loài cây đặc trưng cho mỗi vùng khác nhau. Ví dụ cây tre ở miền Bắc,

cây dừa ở miền Nam, cây nhã lồng ở Hưng Yên, cay vải thiều ở Thanh Hà (Hải
Dương), cây cà phê, cao su ở các tỉnh Tây Nguyên.
* Sự đa dạng của môi trường sinh thái, điều kiện tự nhiên là yếu tố góp phần
tạo nên sự đa dạng văn hóa. Trong vô vàn yếu tố tác động đến cuộc sống hàng ngày
của con người từ góc độ tự nhiên, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước hầu như
đều nêu bật hai tính trội của văn hóa Việt Nam truyền thống: sông nước và thực
vật. Ví dụ mái đình của người Việt có hình dáng cong mềm mại chính là mô phỏng
con thuyền úp ngược, hoặc trong đám tang của người Việt có điệu chèo đò đưa
linh, một đặc điểm của cư dân sông nước. Người Việt giỏi thủy chiến, có những
chiến thắng vang dội trên sông nước (chiến thắng Bạch Đằng năm 938 và thời nhà
Trần thế kỷ XIII), yếu tố nước còn được thể hiện trong cách ứng xử linh hoạt, mềm
dẻo của người Việt; người Việt còn gọi quốc gia của mình là nước. Về thực vật
được thể hiện rất rõ trong cơ cấu bữa ăn, các nguyên liệu để làm nhà cửa và các
vật dụng trong sinh hoạt, sản xuất, chiến đấu, tín ngưỡng thờ cây...
* Quy luật tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên: được biểu
qua qua các mặt: tận dụng tự nhiên, ứng phó với tự nhiên, thích nghi và biến đổi tự
21


nhiên, ứng xử với tự nhiên. Văn hóa suy cho cùng là sự ứng xử của con người với
môi trường tự nhiên, là thiên nhiên thứ hai được sáng tạo bởi con người. Trước
những điều kiện tự nhiên khác nhau, con người đều có những phương thức ứng xử
khác nhau để thích nghi, mưu sinh, tồn tại. Chính điều kiện tự nhiên đã làm nên sự
khác biệt giữa các nền văn hóa.
2.3. Điều kiện kinh tế, xã hội, lịch sử
2.3.1. Điều kiện kinh tế
- Nền kinh tế chủ đạo của Việt Nam cổ truyền là nền kinh tế nông nghiệp
tiểu nông (trồng lúa nước) mang tính chất tự cung tự cấp. Tính tự cung tự cấp
làm cho nền kinh tế chậm phát triển, kinh tế Việt Nam nghèo tạo ra nếp sống
giản dị, bữa ăn đạm bạc, cái đói luôn thường trực và ám ảnh người dân, ca dao

tục ngữ có rất nhiều câu nói đến miếng ăn và cái ăn. Nền kinh tế với việc trồng
trọt là chủ yếu cũng đã tạo ra nhịp sống xã hội cổ truyền chậm rãi và những đặc
điểm trong tính cách người Việt: lối sống tùy tiện, tính kỷ luật không cao. Ví dụ:
“giờ cao su”, câu tục ngữ phản ánh lối sống “sớm chẳng vừa, trưa chẳng
muộn”...Việc trồng lúa nước cũng khiến người Việt phải định cư tạo ra văn hóa
làng mang tính đặc thù của Việt Nam. Nó cũng tạo ra đặc điểm trong tâm lý của
người Việt: trọng sự ổn định, ngại và chạm, xáo trộn, không thích phiêu lưu,
mạo hiểm và một nền văn hóa khép kín, khác với nền kinh tế cổ truyền của
phương Tây có gốc gác là kinh tế du mục với việc chăn nuôi là chủ đạo, cộng
với nền thương mại đường biển sớm phát triển đã tạo ra những trào lưu văn hóa
tư tưởng luôn luôn biến động và mang tính chất mở.
- Về sản xuất kinh tế, Việt Nam truyền thống là một xã hội thủy lợi, dựa trên
chế độ công hữu ruộng đất, chiếm tỷ lệ cao ở miền Trung và nhạt đi ở miền
Nam. Trong nhiều thế kỷ, đặc điểm này đã tạo xung lực phát triển cho hai yếu tố
vừa nương tựa nhau vừa tương phản nhau: tính tập quyền chuyên chế và tính
cộng đồng tự trị. Trong xã hội, ý thức quốc gia dân tộc sớm hình thành và củng
cố, quyền lợi của cộng đồng được đề cao, trong khi ý thức cá nhân phát triển
muộn màng và có phần mờ nhạt.
22


2.3.2. Cơ cấu xã hội
Cơ cấu xã hội (tiếng Anh: Social structure) là mối liên hệ vững chắc của
các thành tố trong hệ thống xã hội. Các cộng đồng xã hội (dân tộc, giai cấp,
nhóm xã hội,...) là những thành tố cơ bản. Về phần mình, mỗi cộng đồng xã hội
lại có cơ cấu phức tạp với những tầng lớp bên trong và những mối liên hệ giữa
chúng. Cơ cấu xã hội là một khái niệm rộng không chỉ liên quan tới hành vi xã
hội mà còn là mối tương tác giữa các yếu tố khác nhau của hệ thống xã hội. Cơ
cấu xã hội cũng bao gồm cả các thiết chế gia đình, dòng họ, tôn giáo, kinh
tế, chính trị, văn hóa, hệ thống chuẩn mực giá trị, cũng như hệ thống các vị trí,

vai trò xã hội, v.v... Xã hội là một tổ chức phức tạp, đa dạng của các mối liên hệ
cá nhân, tổ chức xã hội và xã hội. Cơ cấu xã hội có mối quan hệ chặt chẽ, hữu
cơ với các quan hệ xã hội. Cơ cấu xã hội là nội dung có tính chất bản thể luận
của các quan hệ xã hội, là cơ sở của sự tồn tại và phát triển của các quan hệ xã
hội.
Cơ cấu (phổ hệ) xã hội Việt Nam cổ truyền:
2.3.2.1. Gia đình
2.3.2.2. Làng
2.3.2.3. Đô thị
2.3.2.4. Nước
2.3.3. Lịch sử
Đặc điểm nổi bật của Lịch sử Việt Nam là lịch sử đấu tranh chống xâm
lược phương Bắc và mở rộng bờ cõi về phía Nam. Đặc biệt, chống xâm lược
luôn là yếu tố nổi lên hàng đầu. Tổng kết 20 thế kỷ thì Việt Nam đã có tới 12 thế
kỷ là thời gian chiến tranh chống giặc ngoại xâm (Giáo sư Trần Quốc Vượng
cho rằng người Việt có một đặc điểm nổi bật là dung hòa và chấp nhận mọi yếu
tố văn hóa bên ngoài, hay còn gọi là văn hóa không chối từ, chỉ có từ chối duy
nhất việc xâm lược của ngoại bang). Bên cạnh đó còn có nhiều cuộc xung đột,
chiến tranh với Chăm Pa, Ai Lao và Cao Miên. Về đối nội, cũng có những cuộc
nội chiến phân tranh, đáng kể nhất là những cuộc chiến tranh Lê - Mạc, Trịnh 23


Nguyễn, Nguyễn Ánh - Tây Sơn. Rất nhiều cuộc bạo động và khởi nghĩa nông
dân cũng đã bùng nổ, lớn nhất là phong trào khởi nghĩa nông dân giữa thế kỷ
XVIII và cuộc khởi nghĩa Tây Sơn. Đặc điểm lịch sử đó đã tác động, chi phối
mạnh mẽ lên văn hóa Việt Nam trên nhiều khía cạnh văn hóa vật thể và phi
vật thể:
- Chiến tranh đã làm hao tổn quá nhiều thời gian và sức lực trong các cuộc
kháng chiến làm cho người Việt có quá ít thời gian tập trung vào việc xây dựng
hòa bình, xây dựng kinh tế quốc dân và phát triển xã hội. Vì vậy, trong tâm thức,

người Việt rất muốn có hòa bình, có tâm lý hiếu hòa và hòa giải xã hội. Mặt
khác những cuộc kháng chiến chống xâm lược cũng rèn luyện, hun đúc và hình
thành nên lòng yêu nước nồng nàn, tính cộng đồng và tinh thần đoàn kết chặt
chẽ bên trong để chống lại kẻ thù bên ngoài. Nó cũng rèn luyện cho sự đề kháng
văn hóa, tạo nên một bản sắc và bản lĩnh văn hóa mạnh, bất khuất trước mọi thế
lực cường quyền.
- Trong tiến trình lịch sử và quá trình chống giặc ngoại xâm, người Việt đã
hình thành nên nghệ thuật chiến tranh nhân dân và chiến tranh du kích, đó vừa là
bài học, là kinh nghiệm lịch sử đồng thời là yếu tố văn hóa quân sự mang tính
bản sắc của Việt Nam, đảm bảo cho sự thắng lợi của các cuộc kháng chiến.
- Lịch sử chống giặc ngoại xâm cũng góp phần tạo ra tín ngưỡng thờ anh
hùng dân tộc của Việt Nam, những người có công lao đánh đuổi giặc ngoại xâm.
Ví dụ Trần Hưng Đạo là danh tướng thời nhà Trần được nhân dân suy tôn là
Đức Thánh Trần và được thờ ở rất nhiều nơi.
- Lịch sử của Việt Nam cũng góp phần tạo ra một mảng đề tài chủ đạo của
văn học nghệ thuât: đề tài về chiến tranh và số phận con người trong chiến tranh.
Ví dụ truyện Chinh Phụ Ngâm, biểu tượng kiếm và bút lông trên các cuốn thư,
bài thơ Nam Quốc Sơn Hà, tác phẩm Hịch tướng sĩ, Bình Ngô Đại Cáo, tục ngữ
ca dao “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh” v.v...
2.4. Đặc điểm về tư duy tâm linh
2.4.1.Đặc điểm tư duy
24


- Người Việt có lối tư duy cảm tính, duy tình, (khác với Ấn Độ là duy
linh, Trung Hoa duy chí, Phương Tây duy lý), tổng hợp biện chứng nhưng đơn
giản, thiếu đầu óc tư duy phân tích, thiếu tầm nhìn xa mang tính chiến lược. Vì
vậy trong văn hóa Việt Nam cổ truyền không có các phát minh khoa học lớn, các
trường phái triết học, nhà triết học. Bù lại, người Việt có một nền văn học dân
gian với số lượng ca dao, tục ngữ rất phong phú, đúc kết những kinh nghiệm của

con người trong quan sát tự nhiên, trong sản xuất, sinh hoạt và ứng xử xã hội.
+ Kinh nghiệm nhận biết các hiện tượng tự nhiên: “Chớp đông nhay nháy,
gà gáy thì mưa”, “Được mùa lúa úa mùa cau, được mùa cau đau mùa lúa”, “Ong
về mần nhiều, liệu chiều kiếm củi”, “Ong vàng làm thấp, bão sấp bão
ngửa”(trung du, miền núi)
+ Kinh nghiệm sản xuất: trồng trọt (“Chiêm cập cợi, mùa đợi nhau”, “Một
gầu nước tát không bằng một bát nước mưa”, “Phân gio không bằng no nước”,
“Công bón phân là công bỏ, công làm cỏ là công ăn”...); kinh nghiệm chăn nuôi
(vd chọn trâu “Mắt bánh rán, trán bánh chưng, lưng tôm càng”, “Chó giống cha,
gà giống mẹ”, “Lợn thả, gà nhốt” “Trâu gầy cũng tày bò giống”, “Đuốm đầu,
đượm đuôi, không nuôi cũng nậy (lớn). “Lông thưa, môi thừa, nuôi vừa cũng
tốt”, “Heo đực, chuộng phệ, heo sề chuộng chỗm”. (Chọn giống lợn)
“Trâu năm sáu tuổi còn nhanh,
Bò năm sáu tuổi đã tranh về già,
Đồng chiêm xin chớ nuôi bò,
Mùa đông tháng giá, bò dò làm sao!”
“Nuôi gà phải chọn giống gà,
Gà ri bé giống nhưng mà đẻ mau
Nhất to là giống gà nâu,
Lông dày thịt béo về sau đẻ nhiều”

25


×