Tải bản đầy đủ (.pdf) (73 trang)

Một số vấn đề pháp lý về hoạt động mua hàng theo nhóm

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (634 KB, 73 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

BỘ TƯ PHÁP

TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT HÀ NỘI

NGUYỄN NGỌC ANH

MỘT SỐ VẤN ĐỀ PHÁP LÝ
VỀ HOẠT ĐỘNG MUA HÀNG THEO NHÓM

Chuyên ngành: LUẬT KINH TẾ
Mã số

: 60380107

LUẬN VĂN THẠC SĨ LUẬT HỌC
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: TS. NGUYỄN THỊ DUNG

HÀ NỘI - 2013


LỜI CAM ĐOAN
Tôi cam đoan rằng kết quả nghiên cứu và nội dung trình bày trong luận
văn này là trung thực và không trùng lặp với các đề tài khác. Tôi cũng xin
cam đoan rằng các thông tin trích đăng trong luận văn đã được chỉ rõ nguồn
gốc.
Tôi xin chịu trách nhiệm với lời cam đoan của mình.
TÁC GIẢ LUẬN VĂN

Nguyễn Ngọc Anh




LỜI CẢM ƠN

Em xin gửi lời trân trọng cảm ơn tới cô giáo hướng dẫn – TS.
Nguyễn Thị Dung. Cô đã chỉ bảo và giúp đỡ em rất nhiệt tình để hoàn
thành luận văn. Em cũng xin gửi lời cảm ơn sâu sắc từ tận đáy lòng tới
gia đình, các thầy cô giáo trong Khoa Pháp luật Kinh tế nói chung và
trong Bộ môn Luật Thương mại nói riêng. Nhờ có sự tạo điều kiện và
giúp đỡ nhiệt tình của gia đình, thầy cô, bạn bè đồng nghiệp em mới có
thể hoàn thành luận văn thạc sỹ của mình.

Tác giả luận văn

Nguyễn Ngọc Anh


MỤC LỤC
MỞ ĐẦU ....................................................................................................................... 1
CHƯƠNG 1: KHÁI QUÁT VỀ HOẠT ĐỘNG MUA HÀNG THEO
NHÓM VÀ PHÁP LUẬT VỀ HOẠT ĐỘNG MUA HÀNG THEO
NHÓM .......................................................................................................... 5
1.1. Khái quát về hoạt động mua hàng theo nhóm............................... 5
1.1.1.

Sự ra đời và phát triển của hoạt động mua hàng theo nhóm....... 5

1.1.2.

Bản chất pháp lý của hoạt động mua hàng theo nhóm................ 8


1.2. Khái quát pháp luật về hoạt động mua hàng theo nhóm ............ 24

CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VỀ HOẠT ĐỘNG MUA
HÀNG THEO NHÓM Ở VIỆT NAM ....................................................... 28
2.1. Quy định về chủ thể mua hàng theo nhóm..................................... 28
2.2. Quy định về đối tượng hàng hóa, dịch vụ trong mua hàng theo
nhóm........................................................................................................ 32
2.3. Quy định về hợp đồng trong hoạt động mua hàng theo nhóm...... 35
2.4. Quy định về xúc tiến thương mại liên quan đến mua hàng theo
nhóm........................................................................................................ 43
2.5. Quy định về bảo vệ người tiêu dùng khi tham gia hình thức mua
theo nhóm ............................................................................................... 48

CHƯƠNG 3: HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ HOẠT ĐỘNG MUA
HÀNG THEO NHÓM Ở VIỆT NAM ....................................................... 52
3.1. Sự cần thiết phải hoàn thiện các quy định pháp luật về hoạt động
mua hàng theo nhóm .............................................................................. 52


3.2. Phương hướng hoàn thiện các quy định pháp luật về hoạt động
mua hàng theo nhóm .............................................................................. 55
3.2.1. Cần có quy định về chủ thể trong hoạt động mua hàng theo nhóm 55
3.2.2. Bổ sung quy định về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng mua bán
hàng hóa, cung ứng dịch vụ xác lập với khách hàng. ............................... 57
3.2.3. Quy định thống nhất về tên hợp đồng xác lập giữa thương nhân bán
và thương nhân trung gian ...................................................................... 58
3.2.4. Bổ sung quy định về hình thức hợp đồng trong hoạt động mua hàng
theo nhóm ................................................................................................ 59
3.2.5. Pháp luật nên tập trung một số quy định liên quan tới việc bảo vệ

quyền lợi người tiêu dùng. ....................................................................... 60
3.2.6. Kiến nghị về quy định liên quan đến việc khuyến mại trong hoạt
động mua hàng theo nhóm ....................................................................... 62
KẾT LUẬN ................................................................................................. 65
TÀI LIỆU THAM KHẢO.......................................................................... 66


1

MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của việc nghiên cứu đề tài
Với tính năng động, sáng tạo, mục đích hướng tới lợi nhuận, các nhà sản
xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ luôn luôn vận động không ngừng và làm
mới hoạt động kinh doanh thương mại của mình nhằm thu hút được càng
đông đảo lượng khách hàng càng tốt. Bên cạnh những hoạt động thương mại
truyền thống thì việc tìm ra cách thức tiếp cận thị trường kiểu mới nhằm tối
đa hóa được nhu cầu của khách hàng, tiết kiệm chi phí kinh doanh và tăng
nguồn thu cho bên bán hàng là mục đích của những người làm kinh doanh.
Năm 2008, tại Mỹ bùng nổ hình thức mua bán hàng hóa, cung ứng dịch
vụ kiểu mới và trở thành một “hiện tượng” – đó là hình thức mua theo nhóm.
Nó nhanh chóng phát triển nở rộ và được tiếp nhận nồng nhiệt tại nhiều quốc
gia, châu lục khác nhau. Hình thức hoạt động này nhanh chóng xuất hiện tại
Việt Nam vào cuối năm 2010 và thực sự sôi động trong năm 2011. Hoạt động
mua theo nhóm có những ưu điểm nổi bật là: cách thức giao dịch hiện đại,
tiện lợi – thông qua website trực tuyến; bán hàng, dịch vụ với mức giá giảm
lớn; cách thức tiếp thị và quảng cáo hiệu quả, chi phí thấp. Đó là những điểm
hấp dẫn không thể chối từ, thu hút đông đảo thương nhân, người tiêu dùng
tham gia vào hoạt động này.
Bên cạnh đó, mua hàng theo nhóm cũng tiềm ẩn những rủi ro đối với các
chủ thể tham gia, đặc biệt là người tiêu dùng. Cũng phải thừa nhận việc xác

định bản chất của hoạt động thương mại này không phải đơn giản. Mặc dù
vậy, chưa có nhiều tài liệu nghiên cứu về hoạt động mua hàng theo nhóm và
cũng chưa có văn bản pháp luật nào điều chỉnh riêng đối với hoạt động mua
hàng theo nhóm ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Nhìn chung, từng khía
cạnh pháp lý của hoạt động được hệ thống văn bản pháp luật khác nhau điều
chỉnh như: văn bản pháp luật mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ; văn bản


2

pháp luật trung gian thương mại; văn bản pháp luật về xúc tiến thương mại,
văn bản pháp luật liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, văn bản
pháp luật liên quan đến thương mại điện tử. Có những vấn đề sẽ được các
văn bản điều chỉnh phù hợp với nhau, nhưng cũng có những vấn đề cần một
hệ thống văn bản pháp luật chung thống nhất điều chỉnh mới phù hợp với cả
lý luận và thực tiễn áp dụng.
Vì vậy, cần thiết đặt ra vấn đề nghiên cứu đối với hoạt động mua hàng
theo nhóm. Việc nghiên cứu đề tài “Một số vấn đề pháp lý về hoạt động mua
hàng theo nhóm” có tính thời sự, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn.
2. Tình hình nghiên cứu đề tài
Trên thế giới hiện nay chưa có nhiều nghiên cứu tiếp cận về hoạt động
mua theo nhóm, trong quá trình tìm kiếm tài liệu, tác giả có tham khảo được
bài nghiên cứu “Development of group buying in Croatia” (Sự phát triển của
hoạt động mua theo nhóm ở Croatia) của Ivana Stulec và Kristina Petljak hay
Antitrust and Group Purchasing (Tạm dịch là chống độc quyền và nhóm mua)
của Michael A.Lindsay. Các nghiên cứu này nhìn chung giới thiệu cho người
đọc về quá trình ra đời và phát triển của hoạt động mua theo nhóm và giới
thiệu về một vài đặc điểm cũng như lợi ích mà hoạt động này đem lại cho chủ
thể tham gia chứ chưa có cái nhìn toàn diện về bản chất pháp lý của hoạt động
này. Tại Việt Nam, có lẽ do đây là hoạt động mang tính mới nên chưa có bài

nghiên cứu dưới góc độ pháp lý về nó. Ở phương diện quản lý nhà nước, Cục
Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin – Bộ Công thương cũng nói tới
hoạt động của nhóm mua trong Báo cáo thương mại điện tử Việt Nam 2011
nhưng dưới góc độ tiếp cận liên quan đến các quy định về thương mại điện tử.
Có thể nhận thấy, các công trình nghiên cứu về hoạt động mua theo
nhóm chưa nhiều và chưa có công trình nào nghiên cứu chuyên sâu về bản


3

chất pháp lý của hoạt động mua hàng theo nhóm cũng như những quy định
pháp luật về hoạt động mua hàng theo nhóm ở Việt Nam.
3. Mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu
Mục đích nghiên cứu của luận văn là: Làm rõ một số vấn đề về bản chất
pháp lý của hoạt động mua hàng theo nhóm, làm rõ và đánh giá những vướng
mắc, bất cập trong thực trạng pháp luật về hoạt động mua hàng theo nhóm để
từ đó đề xuất những yêu cầu và giải pháp cơ bản cho việc hoàn thiện quy định
pháp luật đối với hoạt động mua hàng theo nhóm ở Việt Nam.
4. Đối tượng nghiên cứu
Với mục đích nghiên cứu đặt ra, luận văn tập trung đi sâu nghiên cứu về:
- Cơ sở lý luận và thực tiễn của hoạt động mua hàng theo nhóm;
- Nội dung các quy định pháp luật về hoạt động mua hàng theo nhóm tại
Việt Nam.
5. Phạm vi nghiên cứu
- Pháp luật về hoạt động mua hàng theo nhóm
- Quan niệm về hoạt động mua hàng theo nhóm và kinh nghiệm của một
số nước trên thế giới về điều chỉnh pháp luật đối với hoạt động mua hàng theo
nhóm
6. Phương pháp nghiên cứu
Luận văn được nghiên cứu trên cơ sở phương pháp luận của chủ nghĩa

Mác – Lên nin, quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước.
Trong quá trình nghiên cứu, luận văn sử dụng các phương pháp nghiên cứu cụ
thể như: phân tích, tổng hợp, tổng kết kinh nghiệm, so sánh…để tập trung làm
sáng rõ những vấn đề nghiên cứu.
7. Cơ cấu của luận văn


4

Luận văn cơ cấu gồm: Lời nói đầu, phần nội dung, phần kết luận và danh
mục tài liệu tham khảo. Trong đó, phần nội dung của luận văn kết cấu 3
chương, gồm:
Chương 1: Khái quát về hoạt động mua hàng theo nhóm và pháp luật về
hoạt động mua hàng theo nhóm
Chương 2: Thực trạng pháp luật về hoạt động mua hàng theo nhóm ở
Việt Nam
Chương 3: Hoàn thiện pháp luật về hoạt động mua hàng theo nhóm ở
Việt Nam.


5

CHƯƠNG 1
KHÁI QUÁT VỀ HOẠT ĐỘNG MUA HÀNG THEO NHÓM VÀ PHÁP
LUẬT VỀ HOẠT ĐỘNG MUA HÀNG THEO NHÓM
1.1.

Khái quát về hoạt động mua hàng theo nhóm

1.1.1. Sự ra đời và phát triển của hoạt động mua hàng theo nhóm

1.1.1.1. Trên thế giới
Mua hàng theo nhóm là một hiện tượng tương đối mới mẻ, mới chỉ phát
triển nở rộ trong thời gian gần đây. Người Trung Quốc là những người đầu
tiên tự tổ chức thành các nhóm lớn để có thể đạt được mức giá mua thấp từ
các nhà bán lẻ đối với hàng hóa mà họ mong muốn. Điều đó được biết đến
dưới hệ thống taobaotuangou.cn hay liba.com. Trên các diễn đàn internet và
phòng chat, những người có nhu cầu mua hàng tương tự nhau sẽ nhóm lại với
nhau và xây dựng kế hoạch để mua tập thể những món hàng như đồ đạc, đồ
gia dụng, thực phẩm, ô tô… Sau khi thành lập một nhóm đủ lớn, các thành
viên trong nhóm sẽ thống nhất thời gian và địa điểm về cuộc họp nhóm. Sau
đó, họ đi tới một nhà bán lẻ mà không cần thông báo trước và đưa ra đề nghị
giảm giá. Theo Levy và Weitz [22] cho rằng nguồn gốc sâu xa dẫn đến việc
người tiêu dùng lập nhóm với nhau cùng mua là do ảnh hưởng của văn hóa
chủ nghĩa tập thể của phương Đông. Người mua sắm theo chủ nghĩa tập thể
nghiêng về hoạt động mua theo nhóm nhiều hơn những người mua sắm theo
chủ nghĩa cá nhân. Tính nhạy cảm và cẩn trọng đối với giá cả là những giá trị
truyền thống được đánh giá ở các nền văn hóa theo chủ nghĩa tập thể [14].
Đặc điểm văn hóa đó đã góp phần vào sự chấp nhận mặc cả như một biểu
hiện phổ biến trong quan hệ mua bán [19].
Năm 1998, trang Mobshop.com được thành lập với đặc điểm người mua
hàng hóa tạo thành nhóm. Nó giống với trang web về thương mại điện tử khác,
bán điện thoại, máy tính… chỉ khác một điều là giá cả của các loại sản phẩm


6

không cố định mà “biến động”, nhà cung cấp đưa ra một khoảng thời gian
nhất định, trong khoảng thời gian đó, tùy thuộc vào lượng người tham gia
mua mà nhà cung cấp sẽ hạ giá bán xuống các mức khác nhau. Lượng người
mua càng nhiều thì giá càng rẻ, cứ thế cho đến khi thời gian mua kết thúc.

Ngay sau khi Mobshop thành lập, cũng đã có rất nhiều các trang web tương tự
khác được thành lập ở Mỹ và Anh như LetBuyit.com, Onlinechoice,
Economy.com…
Nhưng phải từ năm 2008, hình thức mua hàng theo nhóm thực sự được
biết đến rộng rãi và bùng nổ tại Mỹ bởi một trang web có tên Groupon.com.
Lý do dẫn đến sự nở rộ của hoạt động mua hàng theo nhóm có thể kể đến là
cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008 và những lợi ích do internet đem
lại.
Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008 – 2009 là cuộc khủng
hoảng kinh tế xảy ra đầu tiên trong thế kỷ 21. Vào thập kỷ đầu tiên của thể kỷ
21, tại nước Mỹ xảy ra hai sự kiện lớn chấn động đến chính trị và an ninh thế
giới cũng như nền kinh tế thế giới, đó là sự kiện khủng bố đánh sập tòa tháp
đôi tại New York ngày 11/9/2001 và sự kiện ngân hàng Lehman Brothers
tuyên bố phá sản ngày 17/9/2008. Theo đánh giá của những nhà nghiên cứu
kinh tế, đó là nguyên nhân chính dẫn đến cuộc khủng khoảng kinh tế thế giới.
Hậu quả của khủng hoảng kinh tế này ảnh hưởng khá nghiêm trọng đến hệ
thống kinh tế thế giới đặc biệt là lĩnh vực ngân hàng, tài chính, tín dụng. Đấy
là những hậu quả tầm vĩ mô. Ở tầm vi mô, hậu quả được thể hiện rõ nét ở đời
sống của từng người dân. Nhằm mục đích thắt chặt chi tiêu, người tiêu dùng
giảm sức mua và có nhu cầu mua được hàng hóa giảm giá.
Thêm vào đó, sự xuất hiện của internet mang lại cho người tiêu dùng
nhiều lợi ích. Một trong số đó là việc người tiêu dùng có thể ngồi một chỗ tìm
kiếm các thông tin về sản phẩm, dịch vụ đơn giản, nhanh chóng mà không bị


7

giới hạn về không gian và thời gian; họ có thể so sánh những đặc điểm cũng
như giá cả giữa các sản phẩm với nhau; ngoài ra những người tiêu dùng còn
có thể cùng trao đổi kinh nghiệm mua sắm mà mình tích lũy được với người

khác.
Hai lý do cơ bản trên cùng xuất hiện tại một thời điểm đã khuyến khích
người tiêu dùng khai thác lợi thế của Internet, tập hợp nhóm lại với nhau để
tăng cường vị trí của mình đối với các nhà bán lẻ nhằm mục đích mua hàng
giảm giá. Thời điểm đó, Groupon ra đời đã đem lại nhiều ưu điểm so với hình
thức mua bán truyền thống trước đây như sáng tạo, mô hình đơn giản, dễ sử
dụng thu hút được người sử dụng cũng như các nhà cung cấp hàng hóa, dịch
vụ.
Ngay lập tức, chỉ trong một thời gian ngắn, hoạt động mua hàng theo
nhóm đã lan rộng trên toàn thế giới từ Châu Âu, Nam Mỹ, Châu Phi, Úc và đã
quay trở lại Trung Quốc và các nước châu Á khác với một chút sửa đổi và
hình thức đơn giản hóa [18] [21].
1.1.1.2. Ở Việt Nam
Tại Việt Nam, hoạt động mua hàng theo nhóm được biết đến rộng rãi từ
nửa cuối năm 2010 và phát triển mạnh trong năm 2011. Năm 2011, Việt Nam
chứng kiến sự nở rộ của các website mua theo nhóm. Các website này ra đời
và phát triển rất nhanh, cho đến nay đã trở nên quen thuộc với một bộ phận
người tiêu dùng tại các thành phố lớn, đặc biệt là giới trẻ, sinh viên và dân
văn phòng. Đến cuối năm 2011, Việt Nam có xấp xỉ 100 website đang hoạt
động theo mô hình mua hàng theo nhóm, tập trung chủ yếu tại các thành phố
như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Sự phát triển của các website này đã
tạo nên một xu hướng mua hàng mới cho người tiêu dùng, đồng thời cũng tạo
nên diện mạo khác lạ về cung cách truyền thông và tiếp thị cho hoạt động
thương mại bán lẻ [13, tr 83].


8

Theo thống kê, tính đến cuối 2011 có 15 website mua hàng theo nhóm
phổ biến tại Việt Nam và có 4 website đang nắm giữ tới 90% thị phần về kinh

doanh dịch vụ mua theo nhóm. Các website đó là nhommua.com (36%),
hotdeal.vn (26%), muachung.vn (15%) và cungmua.com (13%). Về khối
lượng giao dịch, 4 website kể trên chiếm gần 70% số các giao dịch được tiến
hành và hơn 80% các voucher được bán ra của toàn thị trường [13, tr 84].
Có thể nói, mua hàng theo nhóm là hoạt động có tính mới và độc đáo, lại
phát triển nhanh về số lượng và phạm vi. Hòa nhịp với xu hướng chung trên
thế giới, hoạt động mua hàng theo nhóm tuy mới phát triển ở Việt Nam nhưng
có sức lan tỏa khá lớn tới một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng. Điều đó
nói lên sự hấp dẫn cũng như lợi ích mà hoạt động này đem lại đối với thị
trường. Chính vì vậy, việc nghiên cứu tìm hiểu bản chất pháp lý và hoàn thiện
các quy định pháp luật về hoạt động này là cần thiết để tìm được định hướng
đúng đắn và ổn định lâu bền đối với hoạt động này, đặc biệt là tại Việt Nam.
1.1.2. Bản chất pháp lý của hoạt động mua hàng theo nhóm
1.1.2.1. Khái niệm
Hiện nay, mặc dù mua hàng theo nhóm phát triển rộng rãi và nhiều
người tiêu dùng không còn xa lạ gì với hoạt động này nhưng vẫn chưa có một
định nghĩa thống nhất nào đối với hoạt động mua hàng theo nhóm. Những
quan điểm hay cách hiểu về mua hàng theo nhóm hiện đang chỉ dừng ở ý kiến
của cá nhân hoặc sự thống nhất của một nhóm người. Tại Úc, Group Buying
Code of Conduct (tạm dịch là quy tắc ứng xử của hoạt động mua theo nhóm)
có đưa ra cách hiểu rằng: mua theo nhóm cung cấp các sản phẩm và dịch vụ
với giá giảm đáng kể so với giá thông thường trong điều kiện có một số lượng
người mua tối thiểu thực hiện việc mua. Tác giả Ivana Stulec and Kristina
Petljak nêu trong Development of group buying in Croatia (Sự phát triển của
hoạt động mua theo nhóm ở Croatia) cho rằng, mua theo nhóm có thể được


9

định nghĩa là hoạt động mua thành nhóm để dành được sự giảm giá. Hay

trong Nghị quyết số 768 thượng viện Philippines quy định hình thức mua theo
nhóm (còn gọi là mua tập thể) cung cấp các sản phẩm và dịch vụ với giá giảm
đáng kể với điều kiện là số lượng người mua tối thiểu sẽ thực hiện việc mua
cùng một đề nghị cụ thể.
Mua hàng theo nhóm được coi là một hoạt động thương mại mới nổi lên.
Hoạt động này có một thời gian manh nha xuất hiện trước khi thực sự trở nên
phổ biến rộng khắp như hiện nay. Trải qua những tác động khách quan và chủ
quan, hiện nay hoạt động mua theo nhóm được biết đến là hoạt động có sự
tham gia của website mua hàng theo nhóm đóng vai trò trung gian giữa người
bán và người mua. Website mua hàng theo nhóm đề nghị bên bán giảm giá số
lượng lớn hàng hóa hoặc dịch vụ và thỏa thuận về số lượng người mua tối
thiểu cần thiết để giao dịch mua bán có hiệu lực. Website mua hàng theo
nhóm đăng công khai đề nghị mua hàng hóa hoặc dịch vụ với giá giảm để
người mua lựa chọn. Và việc mua hàng hóa, dịch vụ đó chỉ có hiệu lực khi đạt
được lượng người mua tối thiểu cần thiết trong một thời hạn nhất định.
Từ những điểm khái quát nhận diện hoạt động mua hàng theo nhóm, tác
giả xin đưa ra ý kiến cá nhân về khái niệm mua hàng theo nhóm như sau:
“Mua hàng theo nhóm là hoạt động thương mại theo đó một thương nhân làm
trung gian cho các bên thực hiện mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ với
mức giá giảm đáng kể. Giao dịch mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ chỉ có
hiệu lực khi đạt được số lượng người đăng ký mua tối thiểu trong một thời
hạn nhất định”. Như vậy, hoạt động mua hàng theo nhóm có sự tham gia của
chủ thể trung gian thương mại. Yếu tố giá giảm là đặc trưng và cũng là điểm
thu hút với khách hàng. Đặc biệt, hàng hóa, dịch vụ chỉ được cung ứng tới
khách hàng khi có đủ số lượng người tối thiểu đăng ký mua trong một thời
hạn nhất định.


10


1.1.2.2. Đặc điểm pháp lý
Để hiểu rõ hơn về bản chất hoạt động mua hàng theo nhóm – hoạt động
thương mại có tính mới, tác giả đi sâu phân tích một số đặc điểm pháp lý sau:
Thứ nhất, đặc điểm về bản chất của hoạt động:
Mua theo nhóm là một hoạt động thương mại chứa đựng tính phức hợp.
Tính chất của hoạt động thương mại được chứng minh qua các đặc điểm: có
sự tham gia của thương nhân vào trong hoạt động, mục đích lợi nhuận được
nhận thấy rõ ràng, hoạt động này được thực hiện một cách độc lập, thường
xuyên và mang tính nghề nghiệp. Tuy nhiên mua theo nhóm không chỉ là hoạt
động thương mại đơn thuần mà có tính chất phức hợp. Sự phức hợp thể hiện ở
việc nó tập trung đặc điểm pháp lý của nhiều hoạt động thương mại khác nhau.
Mua theo nhóm vừa mang đặc điểm của hoạt động mua bán hàng hóa/cung
ứng dịch vụ, vừa mang đặc điểm của hoạt động trung gian thương mại, vừa
mang đặc điểm của hoạt động xúc tiến thương mại.
Trước hết, mua theo nhóm có đặc điểm của hoạt động mua bán hàng
hóa/ cung ứng dịch vụ. Thông qua phương thức này, nhà cung cấp đạt được
tiêu chí về thời gian và số lượng trong việc bán hàng. Bên cung cấp bán được
hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ cho số lượng khách hàng nhất định mà mình
mong muốn trong một thời hạn cụ thể. Quan hệ mua bán hàng hóa, cung ứng
dịch vụ được hình thành giữa bên bán là thương nhân cung cấp hàng hóa, dịch
vụ và bên mua là những khách hàng đăng ký mua hàng hóa, dịch vụ đó. Mua
hàng theo nhóm có những nét đặc trưng của hoạt động mua bán hàng hóa,
cung ứng dịch vụ, đó là: có ít nhất một bên chủ thể là thương nhân – bên bán;
bên mua có thể là thương nhân hoặc không là thương nhân; đối tượng của hợp
đồng là hàng hóa được phép lưu thông và dịch vụ được phép thực hiện theo
quy định của pháp luật.


11


Mua hàng theo nhóm còn mang đặc điểm của hoạt động trung gian
thương mại. Quan hệ trung gian này tồn tại giữa bên bán và bên trung gian là các thương nhân môi giới hoạt động mua theo nhóm thông qua website.
Theo quy tắc của một số website kinh doanh dịch vụ mua theo nhóm trên thế
giới thì thương nhân trung gian tiến hành môi giới bên bán với bên mua nhằm
tới mục tiêu lợi nhuận. Khi thực hiện việc môi giới này, bên trung gian sẽ
được hưởng thù lao cho công việc mà mình thực hiện. Các website mua theo
nhóm không tính phí đối với bên bán khi trình bày các thông tin, hình ảnh sản
phẩm, dịch vụ của họ thông qua việc công bố deal (mỗi một sản phẩm được
giới thiệu trên website có kèm theo điều kiện về giá bán, số lượng người mua
và thời hạn đề người tiêu dùng quan tâm đăng ký mua được gọi là “deal”)
hàng ngày. Nhưng website lại tính phí với tỷ lệ phần trăm nhất định với mỗi
một deal được bán. Thương nhân trung gian có tư cách pháp lý độc lập với
bên bán, bên mua và thực hiện việc môi giới nhân danh chính mình. Qua
những phân tích trên, ta đã nhận diện được các đặc trưng để chứng minh mua
theo nhóm mang những đặc điểm của môi giới thương mại. Tuy nhiên, khi đặt
chân tới mỗi quốc gia khác nhau, tùy vào điều kiện cụ thể, bản chất này có thể
thay đổi ít nhiều. Ví dụ như tại Việt Nam, bên trung gian vừa có thể đóng vai
trò là môi giới trong một số giao dịch, vừa có thể đóng vai trò là đại lý bán
hàng hóa trong một số giao dịch khác theo thỏa thuận của các bên.
Có thể nói, việc bán hàng, cung ứng dịch vụ của nhà cung cấp không
phải là mục đích duy nhất khi họ tham gia vào hoạt động này. Quan trọng hơn,
họ có thể tiến hành quảng bá thương hiệu của mình. Khi tham gia vào hoạt
động mua theo nhóm, các nhà cung cấp đã tiến hành việc xúc tiến thương mại
với chi phí thấp nhưng hiệu quả cao. Nhà cung cấp sẽ phải dành khoản chi phí
lớn hơn nhiều nếu sử dụng các phương thức xúc tiến thương mại khác cho
hàng hóa, dịch vụ của họ. Trong khi đó, bằng việc bán hàng theo phương thức


12


mua theo nhóm, những thông tin mà nhà cung cấp muốn quảng bá sẽ được
đông đảo người tiêu dùng biết đến. Nếu deal hàng của họ không có hiệu lực
(không đủ số lượng người mua tối thiểu ) thì nhà cung cấp không phải mất
một đồng phí nào cho thông tin giới thiệu sản phẩm của mình. Nếu deal của
họ có hiệu lực (đủ số lượng người mua tối thiểu) thì họ vừa bán hàng, cung
ứng dịch vụ, họ vừa tiến hành quảng bá sản phẩm của mình. Phí phải trả cho
thương nhân kinh doanh website mua theo nhóm cũng không phải là lớn.
Ngoài ra, đối với những thương nhân có “thương hiệu”, đây cũng là một kênh
giúp họ ổn định thị phần đã đạt được và thâm nhập vào phân khúc thị trường
mới; đặc biệt đối với những nhà cung cấp “mới”, “nhỏ”, “thương hiệu đang ít
được biết đến” thì xúc tiến theo phương thức này giúp họ tạo dựng cho mình
một lượng khách hàng rất nhanh.
Quả thật, việc phân tích cũng như tiếp cận hoạt động mua theo nhóm
không như với các hoạt động thương mại cụ thể. Mua theo nhóm luôn luôn
được nhìn nhận là một hoạt động có tính chất của mua bán hàng hóa/ cung
ứng dịch vụ; trung gian thương mại và xúc tiến thương mại. Chỉ khi được đặt
ra xem xét với đầy đủ các tính chất đặc trưng đó thì ta mới có được cái nhìn
toàn diện với hoạt động thương mại đặc thù này.
Thứ hai, đặc điểm về chủ thể:
Hoạt động mua hàng theo nhóm có sự tham gia của ba chủ thể đó là:
Chủ thể cung cấp hàng hóa, dịch vụ (bên bán); Chủ thể mua hàng hóa, dịch vụ
(bên mua) và chủ thể trung gian thực hiện môi giới người bán và người mua.
Trong đó:
Chủ thể cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ là thương nhân kinh
doanh về hàng hóa, dịch vụ. Điều kiện là thương nhân được coi là bắt buộc và
đã thể hiện trong một số văn bản ở một số quốc gia như Úc (Group Buying
Code of Conduct), Croatia (Development of group buying in Croatia), Mỹ


13


(Health Care Purchasing Group Act), Phillipines (Nghị quyết số 768 thượng
viện Philippines )… Ở Việt Nam, yếu tố thương nhân cũng được suy ra từ
cách hiểu của một số văn bản pháp luật có liên quan và thực tế quy chế sàn
giao dịch thương mại điện từ của các trang web kinh doanh dịch vụ mua theo
nhóm.
Chủ thể mua hàng hóa, dịch vụ là người tiêu dùng quan tâm tới hàng hóa,
dịch vụ; bị thu hút với mức giá giảm đưa ra và đăng ký mua hàng hóa, dịch vụ.
Khác với hoạt động thương mại khác, trong mua hàng theo nhóm, bên mua
thường là cá nhân và có số lượng lớn. Về mặt lý thuyết, bên mua có thể là bất
kỳ tổ chức, cá nhân đủ điều kiện tham gia giao dịch mua bán hàng hóa, dịch
vụ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy bên mua thường là cá nhân có điều kiện tiếp
xúc với mạng internet. Họ thường là những người trẻ tuổi, sinh viên và giới
văn phòng.
Chủ thể trung gian thực hiện công việc kết nối giữa người bán với người
mua cũng phải là thương nhân có đăng ký kinh doanh để thực hiện công việc
trung gian như môi giới, đại lý. Cách làm trung gian của họ không theo
phương thức truyền thống mà mang tính hiện đại – sử dụng việc điều hành
website mua hàng theo nhóm là nơi người tiêu dùng tìm kiếm người bán hàng
hóa, dịch vụ phù hợp với nhu cầu mong muốn của mình. Đó cũng là một
không gian vô cùng thuận tiện để họ tìm được lượng khách hàng đăng ký mua
nhanh chóng. Mua theo nhóm còn mang đặc điểm của hoạt động xúc tiến
thương mại, thực hiện chức năng quảng cáo sản phẩm của bên cung cấp tới
người tiêu dùng. Chính vì đặc trưng này mà chủ thể trung gian không những
phải là thương nhân đăng ký kinh doanh ngành nghề môi giới, đại lý mà còn
đăng ký kinh doanh để thực hiện việc quảng cáo trực tuyến.
Mua hàng theo nhóm đem lại nhiều lợi ích cho tất cả chủ thể tham gia
vào quan hệ pháp luật này. Có thể nói rằng hoạt động mua hàng theo nhóm



14

đem lại lợi ích ba bên. Lợi ích cho người mua có thể nhận thấy một cách rõ
ràng. Lợi ích đầu tiên phải kể đến là khách hàng được giảm giá lớn. Nếu cũng
mua hàng hóa, dịch vụ đó theo cách thông thường, đơn lẻ thì người mua phải
trả tiền cao hơn rất nhiều so với việc mua thành nhóm. Mục đích tiêu dùng
vẫn được đáp ứng trong khi chi phí bỏ ra thấp hơn. Đây là lợi ích lớn nhất và
cũng là điểm hấp dẫn thu hút người mua tham gia vào hoạt động này nhất. Lợi
ích thứ hai mà người tiêu dùng nhận được chính là sự tiện lợi về thời gian,
không gian. Tùy vào từng điều kiện thời gian của mình, mỗi người có thể thực
hiện việc lựa chọn và đăng ký mua hàng hóa, dịch vụ bất cứ thời điểm nào
trong ngày khi họ ở bất kỳ đâu. Đây là ưu điểm mà cách mua hàng truyền
thống không đáp ứng được. Lợi ích thứ ba, tham gia hoạt động mua hàng theo
nhóm, khách hàng có cơ hội tận hưởng những giá trị tinh thần trong cuộc
sống nhiều hơn như dịch vụ sức khỏe, làm đẹp, ăn uống, các dịch vụ vui chơi
giải trí… Những thứ mà trước đây họ chưa biết đến nhiều hoặc không có đủ
điều kiện để sử dụng thường xuyên.
Lợi ích cho người bán khó xác định một cách rõ ràng hơn vì họ không
phải chỉ đạt được lợi ích về mặt kinh tế. Đầu tiên, điều quan trọng phải đề cập
đến là tham gia cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho hoạt động mua hàng theo
nhóm là một cách tuyệt vời để xúc tiến thương mại. Nó đem lại cho bên bán
một kênh truyền thông và tiếp thị mới, khối lượng hàng hóa, dịch vụ bán ra và
cả doanh thu đều tăng; nhất là với những doanh nghiệp mới, chưa được biết
đến thương hiệu trên thị trường và những doanh nghiệp đang vào giai đoạn
thấp điểm của hoạt động kinh doanh. Việc đưa ra một đề nghị bán hàng, cung
ứng dịch vụ đòi hỏi số lượng khách hàng quan tâm sẽ đăng ký mua. Chưa kể
những người truy cập website mua hàng theo nhóm dù không đăng ký những
cũng xem qua các thông tin giới thiệu liên quan đến sản phẩm và thương nhân.
Ngoài ra, khách hàng có thể chia sẻ tới bạn bè, gia đình về thông tin đó. Đó là



15

một cách hiệu quả để xúc tiến và quảng bá sản phẩm cũng như thương hiệu
bên bán. Đây là dịp bên bán tiếp cận với khách hàng quen và mở rộng khách
hàng mới. Đặc biệt đây là hình thức quảng bá miễn phí khi bên bán tham gia
và thông tin về sản phẩm được đăng trên website mua hàng theo nhóm. Trong
khi đó, các hình thức xúc tiến thương mại truyền thống luôn yêu cầu thương
nhân có hàng hóa, dịch vụ xúc tiến phải thanh toán chi phí thực hiện. Đó là
một điểm đáng lưu tâm đối với các doanh nghiệp cung cấp hàng hóa, dịch vụ
nhất là trong thời buổi cạnh tranh gay gắt như hiện nay.
Với chủ thể trung gian đồng thời sở hữu website mua theo nhóm, lợi ích
mà họ nhận được là doanh thu từ công việc trung gian của mình. Họ có thể
tính phí đối với người bán một tỷ lệ phần trăm nhất định với mỗi một deal
hàng hóa, dịch vụ đủ số lượng khách hàng đăng ký mua.
Lợi ích mà các bên đạt được khi tham gia vào hoạt động mua theo nhóm
không hề nhỏ. Chỉ tính riêng ở Việt Nam, theo thống kê tổng hợp từ 15
website mua hàng theo nhóm phổ biến nhất tại Việt Nam, tổng doanh thu của
15 website này là hơn 637 tỷ VNĐ, tổng số tiền khách hàng tiết kiệm được
lên tới 1.275 tỷ VNĐ [13, tr 84].
Thứ ba, đặc điểm về điều kiện thực hiện giao dịch:
Hai yếu tố được coi là bắt buộc để mua được hàng hóa hoặc sử dụng
được dịch vụ trong hoạt động mua theo nhóm là số lượng người đăng ký và
thời gian đăng ký. Đây là những điều kiện không xuất hiện ở các hoạt động
mua bán hàng hóa hay cung ứng dịch vụ truyền thống trong thương mại.
Bên cung cấp và bên trung gian sẽ thỏa thuận với nhau về sản phẩm, giá
bán, số lượng người đăng ký mua cần thiết, thời hạn cho việc đăng ký mua…
Sau khi nhà cung cấp và bên trung gian thỏa thuận thành công, thông tin hình
ảnh liên quan tới hàng hóa dịch vụ sẽ được đăng tải công khai trên website
của bên trung gian – gọi là deal. Hàng hóa, dịch vụ chỉ có thể được bán hoặc



16

cung cấp nếu như đạt số lượng người tối thiểu đăng ký mua trong một thời
hạn nhất định. Hết thời hạn mà chưa đạt được số lượng người đăng ký tối
thiểu, giao dịch sẽ được coi là không có hiệu lực. Bên cung cấp có thể thỏa
thuận với website xác định số lượng tối đa người mua, khi đó deal nếu chưa
hết thời hạn mà đã đạt được số người mua theo thỏa thuận sẽ có hiệu lực và
có thể đóng trước thời hạn. Tại hầu hết các website mua hàng theo nhóm,
khung thời gian cho mỗi deal từ vài ngày cho tới một tuần.
Đây là một điểm mới và cũng tạo nên tính riêng biệt của hoạt động này
so với cách mua hàng truyền thống. Nó thể hiện đúng với tên gọi của hoạt
động thương mại này – mua theo nhóm. Người có dự định mua hàng hóa, sử
dụng dịch vụ phải tập hợp thành một nhóm - đủ về mặt định lượng. Việc giới
hạn về số lượng, thời gian có thể coi là ưu điểm cũng như thuận lợi đối với
bên cung cấp sản phẩm. Nó tạo cho người tiêu dùng tâm lý cần đưa ra quyết
định nhanh chóng, nếu chậm có thể sẽ đủ người đăng ký hoặc sẽ hết thời gian,
dù cho tại thời điểm đăng ký, đối tượng hàng hóa, dịch vụ có thật sự cần thiết
đối với họ hay không. Nó cũng kích thích mong muốn chia sẻ thông tin của
người tiêu dùng tới người thân, bạn bè, gia đình của họ. Bên cung cấp vừa
bán hàng và vừa quảng bá được thương hiệu, sản phẩm của mình trong một
thời gian ngắn.
Thứ tư, đặc điểm về đối tượng hàng hóa, dịch vụ:
Đối tượng hàng hóa, dịch vụ được hướng tới trong hoạt động mua theo
nhóm rất phong phú đa dạng bao gồm: dịch vụ sức khỏe, dịch vụ làm đẹp, ăn
uống tại nhà hàng, dịch vụ ảnh, khóa học, du lịch, phụ kiện mỹ phẩm, quần áo,
thực phẩm, đồ gia dụng, sách, truyện…. Trong đó, lời đề nghị về dịch vụ
chiếm ưu thế nhiều hơn so với hàng hóa và hàng hóa phổ biến là hàng hóa có
giá trị tiền tệ trung bình. Những người tìm đến trang mua hàng theo nhóm đều

bị hấp dẫn nhất bởi đặc điểm là mua hàng giảm giá. Do đó, thường các nhà


17

cung cấp và bên trung gian sẽ ưu tiên lựa chọn những mặt hàng phổ biến, có
nhu cầu sử dụng nhiều trong cuộc sống hàng ngày của người tiêu dùng.
Việc đa dạng về loại hình đối tượng hàng hóa, dịch vụ thu hút được số
lượng người tiêu dùng đăng ký mua nhiều hơn. Nhiều người có nhu cầu, sở
thích khác nhau có thể cùng tìm đến các website mua theo nhóm chứ không
chỉ giới hạn khách hàng ở một số mặt hàng cụ thể. Điều đó đem lại lợi ích cho
người tiêu dùng mua sắm thông qua hình thức trực tuyến. Chỉ cần ngồi trước
một máy tính có kết nối, trong một trang web mua theo nhóm, họ có thể mua
sắm được cho bản thân và gia đình nhiều chủng loại sản phẩm, dịch vụ khác
nhau. Những deal mà họ đăng ký mua có thể dùng ngay lập tức hoặc có thể
dùng sau. Đó thực sự là một tiện ích không thể bỏ qua với những người tiêu
dùng, đặc biệt trong nhịp sống hối hả, bận rộn như ngày nay.
Ngoài ra, hàng hóa, dịch vụ phong phú còn làm cho người tiêu dùng
quan tâm tới website mua hàng theo nhóm nhiều hơn. Họ thường xuyên được
thay đổi những thông tin, hình ảnh nên không bị nhàm chán khi cập nhật vào
các website này. Thêm vào đó, nó đem lại cơ hội tham gia cho bất kỳ một nhà
cung cấp nào với hàng hóa, dịch vụ của mình.
Thứ năm, đặc trưng về giá:
Việc giảm giá nhiều là đặc điểm nổi trội, hấp dẫn nhất đối với người tiêu
dùng khi tham gia vào hoạt động mua theo nhóm. Không những thế, nó còn là
lợi thế và ưu điểm mạnh nhất mà bên cung cấp sử dụng khi tham gia vào hoạt
động này nhằm thực hiện mục đích xúc tiến thương mại đối với hàng hóa, sản
phẩm của mình.
Người tiêu dùng dù cho chỉ truy cập tìm hiểu thông tin trên website hay
đăng ký mua sản phẩm, dịch vụ bất kỳ đều dành sự quan tâm nhất tới giá cả,

sau đó mới đến tiêu chí khác. Thậm chí, tại thời điểm đăng ký, có thể họ chưa
có nhu cầu thực sự cần thiết tiêu dùng sản phẩm, hay sử dụng dịch vụ nhưng


18

vì giá giảm quá hấp dẫn với họ nên họ quyết định mua. Ví dụ, một chị B vào
website và thấy có dịch vụ massage da mặt. Cho đến thời điểm trước khi đọc
thấy thông tin, chị B chưa có nhu cầu sử dụng dịch vụ này và cũng chưa nghĩ
tới việc mình sẽ đi massage da mặt. Nhưng chính vì dịch vụ được giảm giá
40% so với giá thông thường tại cửa hàng nên chị B quyết định sẽ mua và sử
dụng. Mức giảm giá với mỗi deal trên website mua hàng theo nhóm thường
dao động trong khoảng từ 40% - 90%. Đó quả thực là một con số quá ấn
tượng và tạo sức hút với người tiêu dùng, đặc biệt trong bối cảnh chi tiêu kinh
tế đang còn nhiều khó khăn như thời điểm hiện nay. Mức giảm giá mạnh đã
trở thành một đặc trưng khiến người tiêu dùng nhớ đến, luôn quan tâm tới
website mua theo nhóm bên cạnh rất nhiều các chương trình khuyến mại
truyền thống khác.
Nó còn tạo ra hiệu ứng rất tốt với việc chia sẻ thông tin này giữa nhóm
người tiêu dùng với nhau. Với cách bán hàng truyền thống, bên bán thường sẽ
phải tìm đến những người thật sự có nhu cầu sử dụng và thuyết phục họ mua
hàng hóa, sản phẩm của mình. Với kênh bán hàng này, qua phương thức giảm
giá, người mua bị hấp dẫn và tự mình “quảng cáo hộ” cho bên bán tới những
người khác. Bên bán tiêu thụ mặt hàng do mình cung cấp nhanh hơn rất nhiều
và tiến hành mục đích quảng bá khá hiệu quả thông qua chính khách hàng của
họ.
Thứ sáu, đặc điểm về hình thức giao dịch:
Giao dịch mua theo nhóm được thực hiện thông qua phương tiện điện tử
dưới hình thức thông điệp dữ liệu .
Website mua theo nhóm là một mô hình kinh doanh thương mại điện tử

mới ra đời và đang phát triển rất nhanh tại Việt Nam. Kinh doanh dịch vụ
mua theo nhóm được hiện thực hóa nhờ ứng dụng phương tiện điện tử có tính
kết nối cộng đồng cao đó là internet. Việc nở rộ loại hình kinh doanh này đã


19

thu hút được một lượng lớn người tham gia đồng thời góp phần tạo nên sự lan
tỏa của ứng dụng thương mại điện tử trong xã hội [13, tr 83].
Thương nhân trung gian lập website cho phép các thương nhân khác
cung cấp thông tin, bán sản phẩm, hàng hóa dịch vụ nên họ phải đăng ký dịch
vụ sàn giao dịch thương mại điện tử. Website này cung cấp một không gian
mở trên thị trường trực tuyến để người mua và người bán gặp gỡ nhau, những
chủ thể có cùng một nhu cầu và ý chí có thể kết nối và tiến hành giao dịch.
Bên trung gian chỉ đóng vai trò bên thứ ba, cung cấp hạ tầng chứ không trực
tiếp tham gia vào các nội dung giao dịch giữa bên mua và bên bán.
Nhiều website kinh doanh dịch vụ mua theo nhóm, để thu hút khách
hàng, bên cạnh đăng hình ảnh thông tin giới thiệu về sản phẩm trên website,
cũng cung cấp thông tin tới khách hàng về deal mới của ngày qua email,
mạng xã hội hay tin nhắn sms. Một khách hàng muốn tham gia vào nhóm mua
phải mở một tài khoản tại website. Tài khoản cho phép website truy cập dữ
liệu nhận dạng của khách hàng và theo dõi hoạt động của họ. Bên cạnh đó, tài
khoản giúp khách hàng truy cập dễ dàng để xem thông tin, đăng ký mua sản
phẩm và chỉnh sửa các cài đặt cá nhân. Khi vào website mua theo nhóm, nếu
quan tâm tới một deal nào đó và muốn mua sản phẩm, khách hàng sẽ đăng ký
mua theo từng bước được hướng dẫn rất cụ thể. Đó được coi là một đề nghị
giao kết hợp đồng của khách hàng gửi tới bên cung cấp hàng hóa, dịch vụ
theo những thông tin, điều kiện sử dụng, mức giá… đã được công bố sẵn. Mọi
thao tác của họ được thực hiện thông qua phương tiện điện tử - máy tính có
kết nối ineternet. Sau khi thông điệp dữ liệu đăng ký mua được gửi tới

website, người đăng ký sẽ nhận được một xác nhận từ phía website. Giao dịch
mua bán chỉ có hiệu lực khi có đủ số lượng người đăng ký giống họ trong thời
hạn xác định trước. Ngược lại, nếu lượng người mua không đủ, thương nhân


20

cung cấp dịch vụ, sản phẩm có quyền từ chối bán hàng, cung ứng dịch vụ cho
khách hàng đã đăng ký.
1.1.2.3. Phân biệt hoạt động mua hàng theo nhóm với một số hoạt động
thương mại khác
Hoạt động mua hàng theo nhóm hội tụ đặc điểm pháp lý của những hoạt
động thương mại khác nhau, thể hiện ở những phân tích mà tác giả đã trình
bày. Tuy nhiên, nó lại là một hoạt động thương mại có tính mới, hiện đại vì
vậy bên cạnh những điểm tương đồng, mua theo nhóm có một số khác biệt so
với từng hoạt động thương mại cụ thể như mua bán hàng hóa, cung ứng dịch
vụ, đại lý thương mại, môi giới thương mại, quảng cáo, giảm giá.
* So với hoạt động mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ truyền thống,
mua theo nhóm có những điểm khác biệt, cụ thể:
Thứ nhất, hoạt động này có sự tham gia của chủ thể thứ ba đóng vai trò
làm trung gian giữa bên mua và bên bán. Trong khi đó, tham gia vào hoạt
động mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ truyền thống, bên bán và bên mua
thường trực tiếp đàm phán, giao dịch với nhau.
Thứ hai, từ việc đăng tải thông tin giới thiệu về sản phẩm, dịch vụ cho
đến việc giao kết hợp đồng giữa bên mua và bên bán đều thực hiện thông qua
thông điệp dữ liệu tại sàn giao dịch thương mại điện tử của bên trung gian.
Với hoạt động mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ truyền thống, các bên có
thể tiến hành đề nghị giao kết hợp đồng, giao kết hợp đồng bằng nhiều hình
thức lời nói, hành vi, văn bản, qua cách thức trực tiếp hoặc gián tiếp.
Thứ ba, ở giao dịch mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ truyền thống,

bên đề nghị giao kết là bên đưa ra các điều khoản của hợp đồng. Trên website
mua theo nhóm, khách hàng là người đề nghị giao kết hợp đồng nhưng
thương nhân cung cấp hàng hóa, dịch vụ (bên bán) mới là người quyết định


×