ĐẠI HỌC THÁI NGUYÊN
TRƯỜNG ĐẠI HỌC NÔNG LÂM
––––––––––––––––––––––
NGUYỄN MẠNH HÙNG
ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP
NÂNG CAO HIỆU QUẢ SỬ DỤNG ĐẤT NÔNG NGHIỆP
TRONG KHU DU LỊCH THÁC BẢN GIỐC,
HUYỆN TRÙNG KHÁNH, TỈNH CAO BẰNG
LUẬN VĂN THẠC SĨ QUẢN LÝ ĐẤT ĐAI
THÁI NGUYÊN - 2017
ĐẠI HỌC THÁI NGUYÊN
TRƯỜNG ĐẠI HỌC NÔNG LÂM
––––––––––––––––––––––
NGUYỄN MẠNH HÙNG
ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP
NÂNG CAO HIỆU QUẢ SỬ DỤNG ĐẤT NÔNG NGHIỆP
TRONG KHU DU LỊCH THÁC BẢN GIỐC,
HUYỆN TRÙNG KHÁNH, TỈNH CAO BẰNG
Chuyên ngành: Quản Lý Đất Đai
Mã số: 60 85 01 03
LUẬN VĂN THẠC SĨ QUẢN LÝ ĐẤT ĐAI
Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Đỗ Thị Lan
THÁI NGUYÊN - 2017
i
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan rằng: Đây là công trình nghiên cứu do tôi trực tiếp
thực hiện cùng với sự hướng dẫn, giúp đỡ của PGS.TS Đỗ Thị Lan. Các số liệu
và kết quả nghiên cứu trong luận văn là hoàn toàn trung thực, chưa công bố
dưới bất kỳ hình thức nào. Mọi sự giúp đỡ cho việc thực hiện luận văn đã
được cảm ơn, các thông tin trích dẫn trong luận văn đã được chỉ rõ nguồn gốc.
Thái Nguyên, ngày 20 tháng 10 năm 2017
Tác giả luận văn
Nguyễn Mạnh Hùng
ii
LỜI CẢM ƠN
Trong suốt 02 năm học tập, với nỗ lực của bản thân, tôi đã nhận được sự
giúp đỡ, hướng dẫn tận tình của nhiều cá nhân và tập thể, đến nay luận văn của tôi
đã được hoàn thành. Nhân dịp này, cho phép tôi được tỏ lòng biết ơn và cảm ơn
chân thành tới:
Ban Giám hiệu, Phòng Đào tạo, Khoa Quản lý Tài nguyên cùng toàn thể
cán bộ, giảng viên Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên đã giúp đỡ, chỉ bảo
tôi trong suốt quá trình học tập và nghiên cứu tại trường.
Lãnh đạo, cán bộ phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Trùng Khánh,
Chi cục thống kê huyện Trùng Khánh, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện
Trùng Khánh và UBND xã Đàm Thủy đã tạo điều kiện giúp đỡ tôi trong quá
trình thực hiện đề tài.
Với lòng biết ơn chân thành, tôi gửi lời cảm ơn sâu sắc tới PGS.TS
Đỗ Thị Lan đã tận tình chỉ bảo, hướng dẫn và giúp đỡ tôi trong suốt quá trình
học tập và hoàn thành luận văn tốt nghiệp.
Tôi xin chân thành cảm ơn các cán bộ, nhân dân tại các địa điểm tiến
hành nghiên cứu, các đồng nghiệp, bạn bè và gia đình đã tạo điều kiện giúp
đỡ, động viên, khích lệ tôi trong quá trình nghiên cứu luận văn.
Xin chân thành cảm ơn!
Thái Nguyên, ngày 20 tháng 10 năm 2017
Tác giả luận văn
Nguyễn Mạnh Hùng
iii
MỤC LỤC
LỜI CAM ĐOAN .............................................................................................. i
LỜI CẢM ƠN ................................................................................................... ii
MỤC LỤC ........................................................................................................ iii
DANH MỤC VIẾT TẮT ................................................................................. iv
DANH MỤC BẢNG ......................................................................................... v
DANH MỤC HÌNH ..................................................................................... vviii
MỞ ĐẦU .......................................................................................................... 1
1. Tính cấp thiết của đề tài ............................................................................ 1
2. Mục tiêu của đề tài .................................................................................... 3
2.1. Mục tiêu tổng quát ............................................................................. 3
2.2. Mục tiêu cụ thể ................................................................................... 3
3. Ý nghĩa của đề tài ...................................................................................... 4
Chương 1: TỔNG QUAN TÀI LIỆU ............................................................ 5
1.1. Cơ sở khoa học ....................................................................................... 5
1.1.1. Khái niệm và đánh giá hiệu quả...................................................... 5
1.1.2. Cơ sở pháp lý .................................................................................. 8
1.2. Cơ sở thực tiễn về nâng cao hiệu quả sử dụng các loại đất ................. 10
1.2.1. Một số nghiên cứu trên thế giới .................................................... 10
1.2.2. Một số nghiên cứu ở Việt Nam ..................................................... 11
1.3. Những quan điểm sử dụng đất hiệu quả .............................................. 15
1.4. Xu hướng phát triển nông nghiệp ........................................................ 18
1.4.1. Trên thế giới .................................................................................. 18
1.4.2. Việt Nam ....................................................................................... 23
Chương 2: NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU ................ 27
2.1. Đối tượng nghiên cứu, phạm vi nghiên cứu ........................................ 27
2.2. Địa điểm và thời gian nghiên cứu ........................................................ 27
iv
2.3. Nội dung nghiên cứu ............................................................................ 27
2.3.1. Đánh giá điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội có liên quan đến sử
dụng đất trên địa bàn huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng .................... 27
2.3.2. Nghiên cứu, đánh giá thực trạng sử dụng đất và sự tác động
đến hoạt động du lịch trên địa bàn huyện Trùng Khánh, trọng tâm là
Khu du lịch Thác Bản Giốc..................................................................... 27
2.3.3. Đánh giá hiệu quả các loại hình sử dụng đất của huyện Trùng
Khánh và xã Đàm Thủy .......................................................................... 28
2.3.4. Đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông
nghiệp trong Khu du lịch Thác Bản Giốc, huyện Trùng Khánh............. 29
2.4. Phương pháp nghiên cứu...................................................................... 29
2.4.1. Phương pháp thu thập tài liệu, số liệu thứ cấp............................. 29
2.4.2. Phương pháp thu thập tài liệu, số liệu sơ cấp ............................... 30
2.4.3. Phương pháp đánh giá hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp
huyện Trùng Khánh ................................................................................ 30
2.4.4. Phương pháp tổng hợp và phân tích số liệu .................................. 32
2.4.5. Phương pháp chuyên gia ............................................................... 32
Chương 3: KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN ................................................... 33
3.1. Đánh giá điều kiện tự nhiên, chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội có
liên quan đến sử dụng đất trên địa bàn huyện Trùng Khánh ...................... 33
3.1.1. Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên ............................... 33
3.1.2. Thực trạng phát triển kinh tế - xã hội huyện Trùng Khánh .......... 39
3.1.3. Đánh giá chung về điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội gây áp
lực đối với đất đai.................................................................................... 46
3.2. Nghiên cứu, đánh giá thực trạng sử dụng đất trên địa bàn huyện
Trùng Khánh .............................................................................................. 48
3.2.1. Hiện trạng sử dụng đất huyện Trùng Khánh................................. 48
v
3.2.2. Thực trạng sử dụng đất trong khu du lịch thác Bản Giốc ............. 53
3.3. Đánh giá hiệu quả các loại hình sử dụng đất của huyện Trùng
Khánh và xã Đàm Thủy .............................................................................. 55
3.3.1. Hiệu quả kinh tế ............................................................................ 55
3.3.2. Hiệu quả xã hội ............................................................................. 59
3.3.3. Hiệu quả môi trường ..................................................................... 61
3.3.4. Đánh giá chung hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp huyện Trùng
Khánh và xã Đàm Thủy ............................................................................ 67
3.4. Đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp
trong Khu du lịch Thác Bản Giốc, huyện Trùng Khánh ............................. 68
3.4.1. Lựa chọn các loại hình sử dụng đất có hiệu quả ........................... 68
3.4.2. Đề xuất sử dụng đất nông nghiệp cho huyện Trùng Khánh và
xã Đàm Thủy ........................................................................................... 70
3.4.3. Các giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp .......... 74
KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ ...................................................................... 77
1. Kết luận ................................................................................................... 77
2. Kiến nghị ................................................................................................. 78
TÀI LIỆU THAM KHẢO ............................................................................ 80
PHỤ LỤC ....................................................................................................... 83
vi
DANH MỤC VIẾT TẮT
Từ viết tắt
BTC
BTNMT
BVHTTDL
BVTV
CP
CPTG
GTGT
GTNC
GTSX
FAO
EU
HQĐV
HTX
KT - XH
LĐ
LUT
NĐ
NN&PTNT
NVH
QH
P/C
THCS
TTCN
TNHH
TT
TTg
ITC
UNESCO
UBND
USD
:
:
:
:
:
:
:
:
:
:
:
:
:
:
:
:
:
:
:
:
:
:
:
:
:
:
:
:
:
:
Nghĩa tiếng Việt
Bộ Tài chính
Bộ Tài nguyên và Môi trường
Bộ Văn hóa - Thông tin - Du lịch
Bảo vệ thực vật
Chính phủ
Chi phí trung gian
Giá trị gia tăng
Giá trị ngày công
Giá trị sản xuất
Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc
Châu Âu
Hiệu quả đồng vốn
Hợp tác xã
Kinh tế xã hội
Lao động
Loại hình sử dụng đất
Nghị định
Nông nghiệp và phát triển nông thôn
Nhà văn hóa
Quốc hội
Phân chuồng
Trung học cơ sở
Tiểu thủ công nghiệp
Trách nhiệm hữu hạng
Thông tư
Thủ tướng Chính phủ
Trung tâm Thương mại Quốc tế
Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc
Uỷ ban nhân dân
Đơn vị tiền tệ của Mỹ
vii
DANH MỤC BẢNG
Bảng 3.1. Một số chỉ tiêu kinh tế xã hội giai đoạn 2012 - 2016 ..................... 40
Bảng 3.2. Kết quả sản xuất ngành nông nghiệp qua một số năm ................... 41
Bảng 3.3. Kết quả phát triển ngành lâm nghiệp qua một số năm ................... 43
Bảng 3.4. Dân số huyện Trùng Khánh giai đoạn 2012 - 2016 ....................... 45
Bảng 3.5. Hiện trạng sử dụng đất năm 2016 huyện Trùng Khánh ................. 48
Bảng 3.6. Biến động đất nông nghiệp giai đoạn 2012 - 2016 huyện Trùng Khánh ...50
Bảng 3.7. Diện tích các cây trồng chính năm 2016 huyện Trùng Khánh ....... 51
Bảng 3.8. Hiện trạng các loại hình sử dụng đất .............................................. 52
Bảng 3.9. Hiện trạng sử dụng đất khu du lịch thác Bản Giốc ........................ 53
Bảng 3.10. Diện tích các cây trồng chính năm 2016 xã Đàm Thủy ............... 54
Bảng 3.11. Hiện trạng các loại hình sử dụng đất ............................................ 54
Bảng 3.12. Hiệu quả kinh tế các cây trồng chính huyện Trùng Khánh .......... 56
Bảng 3.13. Hiệu quả kinh tế các cây trồng chính trên địa bàn xã Đàm Thủy .............57
Bảng 3.14. Hiệu quả kinh tế các kiểu sử dụng đất huyện Trùng Khánh ........ 58
Bảng 3.15. Hiệu quả xã hội của các kiểu sử dụng đất huyện Trùng Khánh ... 60
Bảng 3.16. Tổng hợp mức đầu tư phân bón của các cây trồng huyện
Trùng Khánh ................................................................................... 62
Bảng 3.17. Tình hình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật một số cây trồng ......... 64
viii
DANH MỤC HÌNH
Hình ảnh 1.1. Xu hướng biến động đất nông nghiệp giai đoạn 2005 - 2014
của Việt Nam .................................................................................. 23
Hình 3.1. Vị trí địa lý huyện Trùng Khánh ..................................................... 33
1
MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Trong những năm gần đây, cùng với xu thế toàn cầu hoá nền kinh tế thế
giới, kinh tế của Việt Nam ngày càng phát triển. Cùng với sự vận động và
phát triển này, khai thác nguồn tài nguyên đất để phục vụ cho phát triển kinh
tế - xã hội nói chung, phát triển các hoạt động dịch vụ thương mại - du lịch
nói riêng, vấn đề sử dụng đất bền vững là hết sức quan trọng.
Cao Bằng là một tỉnh biên giới phía Bắc của tổ quốc có tổng diện tích
tự nhiên của tỉnh là 670.785,56 ha, với chiều dài trên 333 km đường biên giới,
Cao Bằng là một tỉnh có điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận với thị trường
Trung Quốc thông qua các cửa khẩu. Ngoài ra, tỉnh Cao Bằng còn có nhiều
danh lam thắng cảnh mà thiên nhiên ban tặng như thác Bản Giốc, động
Ngườm Ngao (huyện Trùng Khánh); Hồ Thăng Hen (huyện Trà Lĩnh); di tích
lịch sử Pác Bó (huyện Hà Quảng); di tích lịch sử Rừng Trần Hưng Đạo, khu
du lịch sinh thái Rừng nguyên sinh Phia Oắc, Phía Đén (huyện Nguyên Bình)
và nhiều địa chỉ khác. Với nhiều lợi thế để phát triển kinh tế theo hướng gia
tăng giá trị ngành dịch vụ - du lịch. Sự phát triển kinh tế theo hướng này sẽ
nảy sinh nhu cầu về đất. Do đó, công tác quản lý, sử dụng hiệu quả các loại
đất là rất cần thiết để phục vụ nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng, các cơ sở lưu
trú, cơ sở dịch vụ du lịch và nhiều hoạt động văn hoá gắn với du lịch khác,...
Trùng Khánh là một huyện miền núi vùng cao, nằm ở phía Đông Bắc
của tỉnh Cao Bằng, cách trung tâm tỉnh lỵ 63 km, có đường biên giới dài trên
66 km giữa Việt Nam và Trung Quốc chạy qua địa bàn 8 xã; huyện được chia
thành 20 đơn vị hành chính gồm thị trấn Trùng Khánh và 19 xã. Trong đó, xã
Đàm Thủy là xã trọng điểm của huyện và của tỉnh về phát triển du lịch với hai
danh lam thắng cảnh cấp Quốc gia là thác Bản Giốc và động Ngườm Ngao
tuyệt đẹp, là tiềm năng phát triển dịch vụ du lịch gắn với việc bảo tồn và phát
huy giá trị văn hoá dân tộc, mang đậm bản sắc vùng miền.
2
Theo quy hoạch, dự kiến khu du lịch thác Bản Giốc, huyện Trùng Khánh
với diện tích nghiên cứu là 1.700 ha, diện tích trực tiếp khai thác du lịch là
1000 ha, trong đó đất nông nghiệp chiếm tỷ lệ tương đối cao, nằm hoàn toàn
trong phạm vi địa giới hành chính xã Đàm Thuỷ; xã Đàm Thuỷ có diện tích tự
nhiên là 4.559,34 ha, chiếm 9,73% diện tích tự nhiên huyện Trùng Khánh.
Theo Hiệp định hợp tác bảo vệ và khai thác chung tài nguyên du lịch
thác Bản Giốc (Đức Thiên) Việt Nam - Trung Quốc đã được Chính phủ hai
nước ký kết vào tháng 11/2015 và có hiệu lực vào ngày 15/6/2016 thì phạm vi
khai thác là 400 ha, mỗi bên 200 ha. Cũng theo dự kiến quy hoạch thì vùng
lõi (khu trung tâm) của Khu du lịch có diện tích là 156,7 ha; phân khu chức
năng được chia làm hai khu vực. Khu vực trung tâm xã Đàm Thủy sẽ phát
triển lên thành Thị trấn, Khu trung tâm Thác Bản Giốc được xác định ở
khu vực gần đỉnh thác và cột mốc 835, nơi có cặp chợ đường biên, bên
cạnh đó hệ thống sông trong khu vực này cũng rất đa dạng, có nhiều gềnh
thác nối tiếp tạo ra cảnh quan kỳ thú, độc đáo tạo nên những nét khác biệt
với những địa danh khác, có sức hấp dẫn du khách đến thăm quan.
Trước tình hình thực tế hiện nay do diện tích đất nông nghiệp trên cả
nước nói chung đang có sự biến động giảm lớn, do tác động của sự phát
triển nhiều loại hình kinh tế, việc quản lý chặt chẽ nhằm hạn chế việc
chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp đang sử dụng sang đất phi nông
nghiệp là giải pháp cần nghiên cứu thực hiện. Trong bối cảnh phải đảm bảo
hài hòa các nhu cầu đất đai, vừa đảm bảo an ninh lương thực, đảm bảo ổn
định đời sống của đa số dân thuần nông trong vùng, đồng thời khai thác và
phát huy tiềm năng giá trị danh lam thắng cảnh thác Bản Giốc mà thiên
nhiên ban tặng, kết hợp với việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền
thống, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ thuần nông sang kinh tế dịch
vụ du lịch nông thôn, đó là một bài toán lớn không thể làm được trong một
thời gian ngắn mà cần phải được nghiên cứu một cách kỹ lưỡng trên cơ sở
3
khoa học để định hướng và giúp cho người dân biết khai thác thế mạnh của
từng gia đình, xóm bản để phát triển kinh tế nông nghiệp kết hợp dịch vụ du
lịch theo hướng bền vững.
Huyện Trùng Khánh thực sự cần những giải pháp quản lý, sử dụng và
khai thác hết sức hợp lý đối với từng loại đất của từng phân khu chức năng
trong khu du lịch, trong khu dân cư nông thôn, trên những cánh đồng và hệ
thống sông, suối trong khu vực... Xuất phát từ thực tiễn đó, với mong muốn
góp phần nâng cao hiệu lực công tác quản lý, sử dụng triệt để, hợp lý, có hiệu
quả nguồn tài nguyên đất đai, bảo vệ cảnh quan và môi trường sinh thái đáp
ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội theo hướng hiện đại hoá. Dưới sự
hướng dẫn của PGS.TS Đỗ Thị Lan, tôi tiến hành nghiên cứu đề tài: “Đánh
giá thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp
trong Khu du lịch Thác Bản Giốc, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng”.
2. Mục tiêu của đề tài
2.1. Mục tiêu tổng quát
Đánh giá điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tễ - xã hội và thực trạng
sử dụng đất của toàn huyện Trùng Khánh, từ đó có cơ sở so sánh, phân
tích, đánh giá thuận lợi và khó khăn của địa phương để dự báo và đề xuất
giải pháp hợp lý về loại hình sử dụng đất, kết hợp khai thác tài nguyên đất
nông nghiệp gắn với dịch vụ thương mại trong Khu du lịch Thác Bản
Giốc đảm bảo phát triển bền vững.
2.2. Mục tiêu cụ thể
- Đánh giá điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội có liên quan đến sử
dụng đất trên địa bàn huyện Trùng Khánh.
- Nghiên cứu, đánh giá thực trạng sử dụng đất trên địa bàn huyện
Trùng Khánh, trọng tâm là Khu du lịch Thác Bản Giốc.
- Đánh giá hiệu quả các loại hình sử dụng đất của huyện Trùng
Khánh và xã Đàm Thủy.
- Đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp
trong Khu du lịch Thác Bản Giốc, huyện Trùng Khánh theo hướng đa
4
dạng hoá, kết hợp dịch vụ du lịch nhằm đạt hiệu quả kinh tế cao và phát
triển bền vững.
3. Ý nghĩa của đề tài
- Giúp các nhà quản lý đánh giá đúng thực trạng công tác quản lý và
hiệu quả sử dụng các loại đất trong cả huyện và trong Khu du lịch là cơ sở
định hướng quản lý và sử dụng quỹ đất trong tương lai, tạo cơ sở khoa học và
thực tiễn, đề xuất các giải pháp khai thác tiềm năng thế mạnh về phát triển du
lịch của địa phương, thông qua việc quản lý, sử dụng các loại đất hợp lý, hiệu quả.
- Đề tài góp phần quan trọng trong việc khắc phục những bất cập tồn tại
trong sử dụng các loại đất tại Khu du lịch Thác Bản Giốc, nhất là đất nông
nghiệp, góp phần nâng cao nhận thức của người dân nhất là nông dân thuần
túy của huyện Trùng Khánh về tầm quan trọng của việc chuyển đổi cơ cấu
kinh tế, phát huy tiềm năng sử dụng đất trong Khu du lịch, đồng thời nâng cao
vai trò quản lý nhà nước về đất đai, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu
phát triển kinh tế xã hội của huyện Trùng Khánh nói riêng và của tỉnh Cao
Bằng nói chung là phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa
phương trong thời gian tới.
5
Chương 1
TỔNG QUAN TÀI LIỆU
1.1. Cơ sở khoa học
1.1.1. Khái niệm và đánh giá hiệu quả
1.1.1.1. Hiệu quả
Quan niệm của người địa phương miền núi nói chung và tại vùng miền
núi huyện Trùng Khánh nói riêng vẫn cho rằng hiệu quả sử dụng đất là quy ra
đồng tiền khi chuyển nhượng, quy ra giá trị thu được sau khi thu hoạch sản
phẩm lúa theo vụ mùa và của cả một năm lao động trên một diện tích đất nhất
định mà họ chưa xác định được hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp ngoài việc
sản xuất nông nghiệp vẫn có thể đem lại lợi nhuận kinh tế thông qua các dịch
vụ sinh lời khác, nâng cao giá trị khi chuyển đổi mục đích khác khi được phép
của cơ quan chức năng, gắn với chuyển đổi nghề (trong điều kiện phù hợp với
quy hoạch). Có thể nói hiệu quả sử dụng đất chính là kết quả thu lợi từ đất
được khi sử dụng quỹ đất một cách hợp lý.
1.1.1.2. Sử dụng đất
Sử dụng đất là mục đích tác động vào đất đai bằng nhiều hình thức
nhằm đạt kết quả như mong muốn. Trên thực tế có nhiều kiểu sử dụng đất
khác nhau, truyền thống sản xuất nông nghiệp của địa phương, thường ngày
đất ruộng chỉ trồng lúa và trồng rau mầu. Tuy nhiên trong tương lại, khi
chuyển đổi cơ cấu có thể chuyển đất trồng lúa, mầu thông thường sang đất
trồng các loại sản phẩm nông nghiệp có chất lượng cao trở thành đặc sản bán
cho khách du lịch, có thể chuyển sang trồng hoa, trồng rau sạch, có thể
chuyển một số đất trở thành đất dịch vụ thương mại, ăn uống, nghỉ dưỡng, vui
chơi giải trí... sẽ đem lại giá trị kinh tế cao hơn. Trong mỗi kiểu sử dụng đất
đều gắn với một phương án sản xuất kinh doanh cụ thể.
6
1.1.1.3. Hiệu quả kinh tế
Hiệu quả kinh tế phải được đánh giá trên cơ sở khoa học, nó liên quan
trực tiếp đến quan niệm, tư duy của con người, làm thay đổi nếp sống, thói
quen hàng ngày và tác động đến đời sống sinh hoạt của từng gia đình, làng
xóm và của cả cộng đồng trong khu vực. Hiệu quả kinh tế được thể hiện
thông qua sự so sánh giữa kết quả đạt được của giai đoạn trước với giai đoạn
hiện nay sau khi thực hiện các giải pháp đa dạng trong sản xuất nông nghiệp
kết hợp với các loại hình du lịch. Tóm lại, bản chất của phạm trù kinh tế sử
dụng đất là với một diện tích đất đai nhất định sản xuấ ra một khối lượng của
cải vật chất nhiều nhất với một lượng đầu tư chi phí và vật chất hợp lý nhất,
lao động tiết kiệm nhất sẽ là bài toán đem lại kết quả khả quan nhất, phù hợp
với thời đại phát triển kinh tế hội nhập.
1.1.1.4. Hiệu quả xã hội
Hiệu quả xã hội là là sự tác động đến các mối quan hệ xã hội, đến sinh
hoạt hàng ngày của mỗi gia đình, người dân trong khu vực, tác động đến các
chỉ tiêu xã hội. Hiệu quả xã hội là mối tương quan so sánh giữa kết quả xét về
mặt xã hội với những chi phí đầu tư về kinh tế. Hiệu quả kinh tế và hiệu quả
xã hội có mối quan hệ mật thiết với nhau, chúng là tiền đề của nhau và là một
phạm trù thống nhất.
Hiệu quả xã hội trong sử dụng đất hiện nay là phải nâng cao giá trị
sản xuất, nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của nhân dân, góp
phần thúc đẩy xã hội phát triển, nội lực và nguồn lực của địa phương được
phát huy, đáp ứng nhu cầu cuộc sống từ mức khá trở lên. Dù có chuyển
dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi nghề toàn bộ hay một phần nhưng mục tiêu
sử dụng đất vẫn đảm bảo phù hợp với tập quán, giữ gìn được bản sắc văn
hoá của địa phương thì như vậy mới đảm bảo tính bền vững và sẽ được mọi
tầng lớp nhân dân ủng hộ.
7
1.1.1.5. Hiệu quả môi trường
Vấn đề môi trường phải hết sức quan tâm, đặc biệt đối với khu du lịch
lại càng phải chú trọng hơn và phải đảm bảo yếu tố bền vững. Việc khai thác,
sử dụng đất hiệu quả đồng bộ với việc bảo vệ môi trường sinh thái, môi
trường cảnh quan khu vực là vấn đề không đơn giản, nó vừa phải được đánh
giá các yếu tố tác động trong quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tác
động do tăng mật độ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tác động do lượng khách
du lịch ngày càng tăng, lượng rác thải, chất thải rắn, chất thải lỏng được thải
ra trong quá trình sinh hoạt, sử dụng các sản phẩm du lịch có thể thải qua hệ
thống xử lý, hoặc trực tiếp ra môi trường, làm thay đổi hiện trạng môi trường
và tác động tiêu cực đến cảnh quan tự nhiên cũng như đời sống - xã hội của
người dân và cả cộng đồng khu vực.
Ngoài những nhận định nói trên, nguyên nhân tác động đến môi trường
còn có tác động từ quá trình sử dụng chất hoá hoc, sinh học trong quá trình
sản xuất nông nghiệp, sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, kiểm soát
được những tác động này cũng cần phải có sự quản lý chặt chẽ của các cơ
quan chức năng, sự nhận thức đúng đắn của người nông dân về trách nhiệm
của mình đối với hoạt động bảo vệ môi trường chung.
Hiệu quả môi trường vừa phải đảm bảo lợi ích trước mắt vì phải gắn
chặt với quá trình khai thác, sử dụng các loại đất vừa đảm bảo lợi ích lâu dài
là bảo vệ tài nguyên đất và môi trường sinh thái. Khi hiệu quả kinh tế và
hiệu quả xã hội của một loại hình sử dụng đất nào đó được đảm bảo thì hiệu
quả môi trường càng được quan tâm. Như vậy, sử dụng đất hợp lý, hiệu quả
cao và bền vững phải quan tâm đồng bộ tới cả ba hiệu quả: kinh tế, xã hội và
môi trường.
1.1.1.6. Hệ thống các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả sử dụng các loại đất trong
khu du lịch
- Cơ sở để lựa chọn hệ thống các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả sử dụng các
lại đất:
8
+ Mục tiêu và phạm vi nghiên cứu đánh giá hiệu quả sử dụng đất
(đất nông nghiệp, đất ở, đất dịch vụ thương mại, đất xây dựng, đất chưa
sử dụng...).
+ Nhu cầu của địa phương về định hướng phát triển, chuyển đổi mục
đích và đầu tư cơ sở hạ tầng, cũng như chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp
gắn sản xuất nông nghiệp với kinh doanh dịch vụ.
- Nguyên tắc khi lựa chọn các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả sử dụng các
loại đất trong Khu du lịch:
+ Hệ thống chỉ tiêu phải có tính thống nhất, tính toàn diện, tính khoa
học và tính hệ thống. Các chỉ tiêu phải có mối quan hệ hữu cơ với nhau, phải
đảm bảo tính so sánh theo từng giai đoạn.
+ Để đánh giá chính xác, toàn diện cần phải xác định các chỉ tiêu cơ
bản biểu hiện hiệu quả một cách khách quan, chân thật và đúng đắn theo quan
điểm và tiêu chuẩn đã chọn, các chỉ tiêu bổ sung và hiệu chỉnh chỉ tiêu cơ
bản, làm cho nội dung hiệu quả biểu hiện đầy đủ hơn, cụ thể hơn.
+ Các chỉ tiêu phải phù hợp với đặc điểm và trình độ phát triển kinh tế xã hội ở nước ta, đồng thời có khả năng so sánh với nước ngoài trong quan hệ
đối ngoại, nhất là trong thời gian tới có sự hợp tác khai thác chung một phần
diện tích trong Khu du lịch Thác Bản Giốc với phía đối tác Trung Quốc.
+ Hệ thống chỉ tiêu phải đảm bảo tính thực tiễn và tính khoa học và
phải có tác dụng kích thích sản xuất, kích thích các hoạt động dịch vụ du lịch
- thương mại phát triển.
- Chỉ tiêu đánh giá hiệu sử dụng từng loại đất có thể được thể hiện bằng
công thức toán học để nhìn thấy kết quả bằng con số cụ thể.
1.1.2. Cơ sở pháp lý
- Luật đất đai ngày 29/11/2013;
- Luật Bảo vệ môi trường ngày 23/6/2014;
- Luật Du lịch ngày 19/6/2017;
9
- Nghị quyết số 134/2016/QH13 ngày 09/4/2016 của Quốc hội về điều
chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối
(2016 - 2020) cấp quốc gia;
- Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/04/2015 của Chính phủ về
Quản lý, sử dụng đất trồng lúa;
- Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy
định chi tiết thi hành một số điều của luật đất đai 2013;
- Nghị định số 45/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ Quy
định về thu tiền sử dụng đất;
- Nghị định số 46/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ Quy
định về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước;
- Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ quy
định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường năm 2015;
- Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 của Chính phủ sửa
đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai;
- Thông tư số 76/2014/TT-BTC ngày 16/6/2014 của Bộ Tài chính
hướng dẫn một số điều của Nghị định số 45/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của
Chính phủ quy định về thu tiền sử dụng đất;
- Thông tư số 77/2014/TT-BTC ngày 16/6/2014 của Bộ Tài chính
hướng dẫn một số điều của Nghị định số 46/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của
Chính phủ quy định về thu tiền thu đất, thuê mặt nước;
- Thông tư số 35/2014/TT-BTNMT ngày 30/6/2014 quy định về điều
tra, đánh giá đất đai;
- Quyết định số 512/QĐ-TTg ngày 11/04/2014 của Thủ tướng Chính
phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Cao Bằng
đến năm 2020, định hướng đến năm 2025;
- Quyết định số 485/QĐ-TTg ngày 13/04/2017 của Thủ tướng Chính
phủ Phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch thác Bản Giốc và Quy
hoạch chi tiết Khu trung tâm du lịch thác Bản Giốc;
10
- Nghị quyết số 12/2017/NQ-HĐND ngày 14/7/2017 của Hội đồng
nhân dân tỉnh Cao Bằng về việc thông qua Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất
đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) tỉnh Cao Bằng;
- Quyết định 1271/QĐ-UBND ngày 18/7/2008 của UBND tỉnh Cao
Bằng phê duyệt đề án “Quy hoạch tổng thể phát triển KT - XH huyện Trùng
Khánh đến năm 2020”.
1.2. Cơ sở thực tiễn về nâng cao hiệu quả sử dụng các loại đất
1.2.1. Một số nghiên cứu trên thế giới
Các phương pháp đã được nghiên cứu, áp dụng và đánh giá hiệu quả
sử dụng đất tại nhiều Khu du lịch, nhiều quốc gia trên thế giới mà gần Việt
Nam nhất là có Trung Quốc và Thái Lan, là hai nước đang lấy du lịch làm
ngành kinh tế mũi nhọn, đây là hai nước đang phát triển mạnh về du lịch, họ
coi Du lịch là "ngành công nghiệp không khói" (nguồn báo trí trong nước và
nước ngoài).
Bằng các phương pháp khoa học, phân tích, đánh giá... các nhà khoa
học nước ngoài đã giúp cho những nhà hoạch định chiến lược, những nhà
quản lý của đất nước họ chọn đúng hướng đi cho mình và đã được khẳng định
bằng thực tế khách quan, ngành du lịch đã đem lại nguồn thu lớn, làm thay
đổi bộ mặt của đất nước, nâng cao đời sống cho người dân và nhất là thay đổi
lớn về cơ chế quản lý và khai thác tiềm năng đất đai tại các khu du lịch trên
đất nước họ... Tuy nhiên, về bản chất xác định quyền sở hữu đất đai của người
sử dụng đất ở Việt Nam và các nước khác không giống nhau, nên việc vận
dụng vào quá trình quản lý, sử dụng đất ở nước ta là không phù hợp, chỉ có
thể vận dụng về quy trình khai thác trong các hoạt động dịch vụ du lịch của
các nước như Thái Lan, Trung Quốc, Singapo, Nhật Bản… là những nước
thuộc Châu á gần với nước ta.
11
1.2.2. Một số nghiên cứu ở Việt Nam
Việt Nam nằm trong vùng nhiệt đới ẩm châu Á, có nhiều thuận lợi cho
phát triển sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, nguồn tài nguyên đất có hạn, dân
số lại đông, bình quân đất tự nhiên/người là 0,43 ha, chỉ bằng 1/3 mức bình
quân của thế giới. Mặt khác, dân số tăng nhanh làm cho bình quân diện tích
đất trên đầu người ngày càng giảm. Vì thế, nâng cao hiệu quả sử dụng đất
nông nghiệp là yêu cầu thiết yếu đối với Việt Nam trong những năm tới.
(Nguyễn Thị Vòng và các cộng sự, 2001) [24].
Trong những năm qua, nước ta đã quan tâm giải quyết tốt các vấn đề kỹ
thuật và kinh tế, việc nghiên cứu và ứng dụng được tập trung vào các vấn đề
như lai tạo các giống cây trồng mới có năng suất cao, bố trí luân canh cây
trồng vật nuôi với từng loại đất, thực hiện thâm canh toàn diện, liên tục trên
cơ sở ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất (Lê Văn Bá, 2001) [2].
Vùng Bắc Trung Bộ: Nhóm đất cát ven biển có diện tích là 479,1 nghìn
ha, trong đó vùng Bắc Trung Bộ là 202,8 nghìn ha, Nam Trung Bộ 244,6
nghìn ha. Như vậy, Duyên hải miền Trung có diện tích lớn nhất chiếm 93,4%.
Đất cát ven biển đã được áp dụng thành công những mô hình đạt giá trị kinh
tế cao như: Cây lạc xuân theo phương pháp phủ nilon ở xã Diễn Quỳnh,
huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, cho giá trị sản lượng đạt từ 12 - 13 triệu
đồng/ha. Bông xen dưa hấu trên đất cát ven biển ở Hương Trà, tỉnh Thưa
Thiên Huế đạt giá trị sản lượng 29,36 triệu đồng, thu nhập 13,32 triệu đồng.
Mô hình nuôi trồng thủy sản trên đất cát với hơn 20.000 ha đất cát ven biển
miền Trung, trong đó Hà Tĩnh (1.300 ha), Quảng Trị (4.000 ha), Quảng Bình
(4.500 ha)… Dự án 2.800 ha nuôi tôm công nghiệp ở 2 huyện Quảng Ninh và
Lệ Thủy - Quảng Bình. Các công trình nghiên cứu tập trung đánh giá tiềm năng
đất đai, phân tích hệ thống cây trồng hiện đại, xác định khả năng thích nghi của
đất đai cho các loại hình sử dụng đất, đề xuất phương án quy hoạch sử dụng đất
12
phù hợp với đặc điểm đất đai, các yếu tố kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường.
(Phan Liêu, 1981) [9].
Tác giả Hoàng Quốc Việt, 2014 đã có công trình nghiên cứu “nâng cao
hiệu quả sử dụng tài nguyên đất nông nghiệp vùng miền núi Tây Bắc Việt
Nam”. Một số công trình nghiên cứu khác như: Điều tra, đánh giá khả năng
canh tác đa vụ trên vùng đất có nguy cơ xâm nhập mặn do biến đổi khí hậu ở
khu vực ven biển Vịnh Hạ Long (Luyện Hữu Cử, 2015); Nghiên cứu giải
pháp thủy lợi cải tạo phục hồi và bảo vệ vùng đất có vấn đề phục vụ phát triển
kinh tế xã hội dải ven biển đồng bằng Bắc Bộ (Nguyễn Hữu Thành, 2011);
Nghiên cứu “Đánh giá sự phát thải khí metan (CH4) do hoạt động canh tác lúa
nước ở khu vực đồng bằng sông Hồng và đề xuất biện pháp giảm thiểu”
(Nguyễn Hữu Thành, 2011); Nghiên cứu “Ứng dụng công nghệ thông tin xây
dựng cơ sở dữ liệu và trang thông tin điện tử hướng dẫn sử dụng phân bón
cho các loại cây trồng và cơ cấu cây trồng chính theo mùa vụ tại tỉnh Bắc
Ninh” (Hoàng Quốc Việt, 2014); Nghiên cứu “Đánh giá tình hình ô nhiễm
Cu, Pb, Zn do ảnh hưởng của việc thâm canh hoa trên địa bàn phường Tây
Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội và đề xuất biện pháp giảm thiểu ô nhiễm”
(Hoàng Quốc Việt, 2015) [23]…
Một số các bài biết trên báo như: Đánh giá tiềm năng đất nông nghiệp
huyện Lục Ngạn tỉnh Bắc Giang của Vũ Thị Thương, Cao Việt Hà trên Tạp
chí Khoa học Đất số 44, trang 155-162 năm 2014; Nghiên cứu phân loại đất
theo phương pháp định lượng của FAO-UNESCO-WRB ở tỉnh Thanh Hóa
của Luyện Hữu Cử trên Tạp chí NN& PTNT số 14 năm 2014; Sử dụng bền
vững đất cửa sông. Kinh nghiệm từ sử dụng đất cửa Ba Lạt huyện Giao Thuỷ,
tỉnh Nam Định của Nguyễn Hữu Thành, Nguyễn Thị Thu Trang trên Sách
chuyên khảo, Nhà xuất bản Nông Nghiệp, Hà Nội, 2014; Định hướng phát
triển các vùng chuyên canh nông nghiệp huyện Lục ngạn tỉnh Bắc Giang của
Vũ Thị Thương, Cao Việt Hà, Vũ Năng Dũng trên Tạp chí Nông Nghiệp và
13
Phát triển nông thôn số 16 năm 2015 (trang 3 đến trang 10); Tính bền vững
của các loại sử dụng đất nông nghiệp huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội
của Nguyễn Hữu Thành, Nguyễn Văn Hùng, Hoàng Quốc Việt trên Nông
Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn số 14 năm 2015 (trang 18 đến trang 26)…
Khu Nông nghiệp Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh, tại xã Phạm
Văn Cội, huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh. Khu Nông nghiệp Công
nghệ cao TP. Hồ Chí Minh có diện tích 88,17 ha với tổng kinh phí đầu tư 152
tỷ đồng từ ngân sách nhà nước. Khu Nông nghiệp Công nghệ cao được xây
dựng với mục tiêu thúc đẩy quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông
nghiệp, nông thôn theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, bao gồm: tạo ra
mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng những công nghệ tiên tiến, tác động
tích cực vào việc chuyển nông nghiệp truyền thống sang nền nông nghiệp ứng
dụng công nghệ cao, tạo ra sản phẩm nông nghiệp có hàm lượng chất xám cao
vào sản xuất. Hiện khu Nông nghiệp Công nghệ cao đang tiến hành sản xuất
dưa lưới, cà chua bi, nấm, trồng bằng giá thể trong nhà mạng, hệ thống tưới,
phun nước, bón phân tự động (Huy Đồng, 2015) [5].
Vùng rau an toàn xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TPHCM, được sản
xuất theo tiêu chuẩn VietGap. Toàn xã hiện có 5 tổ hợp tác với khoảng 100 xã
viên sản xuất với tổng diện tích canh tác 60ha, trong đó 50ha trồng các loại
rau ăn quả như: bầu, bí, dưa leo, khổ qua, đậu bắp… và 10 ha trồng các các
loại rau ăn lá như: rau muống, rau mồng tơi, rau dền, cải xanh, cải ngọt, xã
lách…, trên diện tích này được nông dân đầu tư che lưới, tưới nước bằng hệ
thống điều khiển tự động… Bình quân mỗi hộ xã viên có diện tích sản xuất
2.000m2, thu nhập từ 4.000.000 - 5.000.000 đồng/tháng. Hiện nay, mỗi ngày
Liên tổ cung cấp ra thị trường cho các đơn vị thu mua gần 4 tấn rau củ quả
các loại. Các đơn vị thu mua rau như: hệ thống siêu thị Sài Gòn Coop, một số
các công ty TNHH… và các bếp ăn tập thể của các xí nghiệp trên địa bàn
14
thành phố. Liên tổ đã xây dựng thương hiệu sản phẩm rau an toàn của mình,
tạo được sự an tâm đối với người tiêu dùng (Huy Đồng, 2015) [5].
Với phương thức canh tác tiên tiến, công ty TNHH Đà Lạt GAP áp
dụng kỹ thuật trồng rau trên giá thể, sử dụng hệ thống bón phân, tưới nước
được cài đặt tự động. Hệ thống này sẽ kiểm soát lượng phân bón và pH nước
tưới cho từng giai đoạn của cây rau ở các khu vực khác nhau. Sử dụng nguồn
nước tưới tiết kiệm và hiệu quả thông qua hệ thống tưới nhỏ giọt, phun mưa
để tránh sói mòn đất, duy trì mạch nước ngầm, các loại cây trồng ở đây là dâu
tây; cà chua bi, cà chua vô hạn, năng suất trên 300 tấn/ha (gấp 5 lần phương
pháp canh tác bình thường) (Huy Đồng, 2015) [5].
Với sự hỗ trợ kỹ thuật của các chuyên gia đến từ Châu Âu, Công ty
TNHH Rừng Hoa Bạch Cúc đã mạnh dạn thay đổi phương thức sản xuất rau
an toàn, áp dụng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất
rau thủy canh trên diện tích 0,5 ha chủ yếu là rau xà lách các loại: xà lách
frisee, xà lách Rômain, xà lách lá sồi đỏ... Với phương pháp này đầu tư cao từ
700-800 triệu/1000m2, kỹ thuật chăm sóc tương đối nghiêm ngặt, nguồn dinh
dưỡng được hòa chung với nước, hồi lưu 24/24 giờ. Trung bình xà lách sau
trồng 30-35 ngày là cho thu hoạch. Sản phẩm rau thủy canh rất được ưa
chuộng, với mức giá từ 40.000 đến 50.000 đồng/kg. Tuy nhiên, việc áp dụng
sản xuất công nghệ cao vào sản xuất rau thủy canh thì cần rất nhiều vốn đầu
tư, điều này cũng là một trong những khó khăn mà các hộ dân gặp phải (Huy
Đồng, 2015) [5].
Thời gian gần đây và cũng là một địa phương gần với Cao Bằng, Hà
Giang đã có công trình nghiên cứu thành công góp phần đưa Công viên đá
Đồng Văn và một số điểm du lịch như Cột cờ Lũng Cú, Núi đôi Quản Bạ...
trở thành điểm thu hút khách du lịch đến với Hà Giang với số lượng tăng lên
nhiều lần theo số liệu thống kê hàng năm, góp phần thay đổi bộ mặt cũng như
đem lại hiệu quả kinh tế cao cho tỉnh Hà Giang. (theo báo cáo công tác Văn
15
hóa, du lịch của tỉnh Hà Giang). Tuy nhiên nội dung nghiên cứu của Hà
Giang chủ yếu về lĩnh vực giá trị cảnh quan nhiều hơn và tính toán hiệu quả
kinh tế trên giá trị chi phí đầu tư và nguồn thu từ phí thăm quan đem lại.
1.3. Những quan điểm sử dụng đất hiệu quả
Cơ sở để lựa chọn các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp:
- Mục tiêu và phạm vi nghiên cứu đánh giá hiệu quả các LUT.
- Nhu cầu của địa phương về phát triển, sử dụng các LUT bền vững.
- Các khả năng về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội và các tiến bộ kỹ
thuật mới được đề xuất cho các thay đổi sử dụng đất đó.
Nguyên tắc khi lựa chọn các chỉ tiêu đánh giá:
- Các chỉ tiêu đánh giá phải có tính thống nhất, tính toàn diện và tính hệ
thống. Các chỉ tiêu có mối quan hệ hữu cơ với nhau, phải đảm bảo tính thực
tiễn và tính khoa học.
- Để đánh giá chính xác, toàn diện cần phải xác định các chỉ tiêu chính,
biểu hiện mặt cốt yếu của hiệu quả theo quan điểm và tiêu chuẩn đã chọn, các
chỉ tiêu bổ sung để hiệu chỉnh chỉ tiêu chính, làm cho nội dung kinh tế biểu
hiện đầy đủ hơn, cụ thể hơn.
- Các chỉ tiêu phải thể hiện hiệu quả một cách khách quan, chân thật và
đúng đắn nhất theo tiêu chuẩn và quan điểm đã vạch ra để từ đó lựa chọn các
giải pháp tối ưu và phải gắn với cơ chế quản lý kinh tế, phù hợp với đặc điểm
và trình độ hiện tại của nền kinh tế.
- Các chỉ tiêu phải phù hợp với đặc điểm và trình độ phát triển nông
nghiệp ở từng vùng, đồng thời có khả năng so sánh với các vùng khác, phải
có tác dụng kích thích sản xuất phát triển gắn với khai thác dịch vụ.
Các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp bao gồm:
- Chỉ tiêu bền vững kinh tế:
Hiệu quả kinh tế trên 1 ha đất nông nghiệp gồm:
+ Giá trị sản xuất là toàn bộ giá trị sản phẩm vật chất và dịch vụ được tạo
ra trong một thời gian nhất định, thường là 1 năm. Trong sản xuất của nông hộ,
giá trị sản xuất là giá trị các loại sản phẩm chính, phụ sản xuất ra trong năm.