Tải bản đầy đủ (.pdf) (50 trang)

XÁC ĐỊNH độc lực và TÍNH gây đáp ỨNG KHÁNG THỂ của VIRUS VIÊM não NHẬT bản CHỦNG CTMP 7 TRÊN CHUỘT BẠCH

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (2.29 MB, 50 trang )

TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẦN THƠ
KHOA NÔNG NGHIỆP & SINH HỌC ỨNG DỤNG

TRẦN VĂN TINL

XÁC ĐỊNH ĐỘC LỰC VÀ TÍNH GÂY ĐÁP ỨNG
KHÁNG THỂ CỦA VIRUS VIÊM NÃO NHẬT BẢN
CHỦNG CTMP-7 TRÊN CHUỘT BẠCH

Luận văn tốt nghiệp
Ngành: BÁC SĨ THÚ Y

Cần Thơ, 12/2010


TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẦN THƠ
KHOA NÔNG NGHIỆP & SINH HỌC ỨNG DỤNG

Luận văn tốt nghiệp
Ngành: BÁC SĨ THÚ Y

Tên đề tài:

XÁC ĐỊNH ĐỘC LỰC VÀ TÍNH GÂY ĐÁP ỨNG
KHÁNG THỂ CỦA VIRUS VIÊM NÃO NHẬT BẢN
CHỦNG CTMP-7 TRÊN CHUỘT BẠCH

Giáo viên hướng dẫn:
Hồ Thị Việt Thu

Sinh viên thực hiện:


Trần Văn Tinl
MSSV: 3064552
Lớp: Thú Y K32

Cần Thơ, 12/2010

i


TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẦN THƠ
KHOA NÔNG NGHIỆP & SINH HỌC ỨNG DỤNG
.…………

Đề tài: “Xác định độc lực và tính gây đáp ứng kháng thể của virus VNNB
chủng CTMP-7 trên chuột bạch” do sinh viên: Trần Văn Tinl thực hiện tại trại thực
nghiệm và phòng thí nghệm bệnh truyền nhiễm, Bộ môn Thú Y, Khoa Nông
Nghiệp & Sinh Học Ứng Dụng, trường Đại Học Cần Thơ từ tháng 8 đến tháng 11
năm 2010.

Cần Thơ, ngày ... tháng ... năm 20…

Cần Thơ, ngày ... tháng ... năm 20…

Duyệt Bộ Môn Thú Y

Duyệt giáo viên hướng dẫn

Hồ Thị Việt Thu

Cần Thơ, ngày .... tháng .... năm 20…

Duyệt Khoa Nông nghiệp & SHƯD

ii


LỜI CẢM TẠ
.…………

Xin kính dâng lên ông bà, cha mẹ lòng biết ơn sâu sắc và sự quý trọng nhất,
những người luôn cố gắng tạo mọi điều kiện tốt để tôi thực hiện được hoài bão của
tôi.
Xin chân thành biết ơn cô Hồ Thị Việt Thu, người đã tận tình dạy bảo,
hướng dẫn tôi thực hiện đề tài này.
Xin chân thành biết ơn chị Huỳnh Ngọc Trang, chị Nguyễn Hải Ngân và anh
Nguyễn Tiến Sĩ đã tận tình chỉ dẫn và giúp đỡ tôi suốt thời gian làm luận văn.
Xin chân thành biết ơn quý thầy cô Bộ Môn Thú Y và Bộ Môn Chăn Nuôi
đã tận tình truyền đạt kiến thức quý báu cho tôi trong suốt thời gian học vừa qua.
Xin chân thành biết ơn các anh, chị và các bạn đã giúp đỡ và động viên tôi
trong học tập cũng như trong cuộc sống.
Xin kính gởi đến quý Thầy, Cô, người thân và bạn bè tôi lời chúc sức khỏe, và
xin nhận nơi tôi lòng biết ơn sâu sắc.

Trần Văn Tinl

iii


MỤC LỤC

Trang tựa ..................................................................................................................i

Trang duyệt .............................................................................................................ii
LỜI CẢM TẠ.........................................................................................................iii
MỤC LỤC .............................................................................................................iv
DANH MỤC CHỮ VIẾT TẮT ..............................................................................vi
DANH MỤC BẢNG .............................................................................................vii
DANH MỤC HÌNH ............................................................................................viii
TÓM LƯỢC...........................................................................................................ix
Chương 1 ĐẶT VẤN ĐỀ ........................................................................................1
Chương 2 CƠ SỞ LÝ LUẬN .................................................................................2
2.1 Giới thiệu về bệnh viêm não Nhật Bản...........................................................2
2.2 Lịch sử nghiên cứu viêm não Nhật Bản..........................................................2
2.2.1 Một số nghiên cứu về bệnh viêm não Nhật Bản trên thế giới ..................2
2.2.2 Tình hình nghiên cứu về bệnh VNNB trong nước....................................4
2.3 Tác nhân gây bệnh .........................................................................................4
2.3.1 Đặc điểm hình thái học của virus VNNB .................................................4
2.3.2 Sức đề kháng của virus VNNB ................................................................5
2.3.3 Đặc tính ngưng kết hồng cầu ...................................................................5
2.3.4 Đặc điểm nuôi cấy ...................................................................................6
2.3.5 Đặc tính kháng nguyên của virus VNNB .................................................6
2.4 Dịch tễ học.....................................................................................................7
2.4.1 Phân bố theo địa lí ...................................................................................7
2.4.2 Phân bố theo mùa ....................................................................................7
2.4.3 Phân bố theo độ tuổi ................................................................................8
2.5 Chu trình truyền bệnh trong tự nhiên..............................................................8
2.5.1 Vai trò của muỗi truyền bệnh VNNB.......................................................8
2.5.2 Trung gian truyền bệnh............................................................................9
2.6 Cơ chế sinh bệnh.......................................................................................... 10
2.7 Miễn dịch học .............................................................................................. 10
2.8 Triệu chứng và bệnh tích.............................................................................. 10
2.8.1 Triệu chứng ........................................................................................... 10

2.8.2 Bệnh tích ............................................................................................... 12
2.9 Chẩn đoán.................................................................................................... 12
2.10 Phòng và điều trị bệnh................................................................................ 13
2.10.1 Điều trị bệnh........................................................................................ 13
2.10.2 Phòng bệnh.......................................................................................... 13
iv


Chương 3 PHƯƠNG TIỆN VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU........................ 15
3.1 Nội dung nghiên cứu .................................................................................... 15
3.2 Phương tiện thí nghiệm ................................................................................ 15
3.2.1 Thời gian và địa điểm thực hiện đề tài .................................................. 15
3.2.2 Vật liệu, hóa chất dùng trong thí nghiệm ............................................... 15
3.3 Phương pháp tiến hành thí nghiệm ............................................................... 17
3.3.1 Phương pháp nuôi chuột ........................................................................ 17
3.3.2 Tiến hành thí nghiệm............................................................................. 17
3.3.3 Phương pháp xét nghiệm ....................................................................... 18
3.4 Chỉ tiêu theo dõi ....................................................................................... 22
3.5 Xử lý số liệu............................................................................................. 22
Chương 4 KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN............................................................... 23
4.1 Kết quả gây bệnh trên chuột thí nghiệm ....................................................... 23
4.1.1 Kết quả theo dõi tỷ lệ chết ở chuột thí nghiệm ....................................... 23
4.1.2 Kết quả theo dõi triệu chứng trên chuột thí nghiệm................................ 24
4.2 Kết quả khảo sát sự đáp ứng kháng thể kháng virus VNNB chủng Nakayama
và CTMP-7 ....................................................................................................... 26
4.2.1 Tỷ lệ chuột có đáp ứng kháng thể theo đường tiêm theo thời gian.......... 26
4.2.2 Hiệu giá kháng thể trung bình GMT đối với các đường tiêm ................. 29
4.2.3 Hiệu giá kháng thể trung bình (GMT) theo thời gian ............................. 31
4.2.4 Phân bố theo từng hiệu giá..................................................................... 33
Chương 5 KẾT LUẬN VÀ ĐỀ NGHỊ ................................................................... 34

5.1 Kết luận ....................................................................................................... 34
5.2 Đề nghị ........................................................................................................ 34
TÀI LIỆU THAM KHẢO ..................................................................................... 35
PHỤ CHƯƠNG..................................................................................................... 38

iv
v


DANH MỤC CHỮ VIẾT TẮT

Viết tắt
Ctv
HA
HI
IgG
IgM
LD50
VNNB

Nguyên chữ
Cộng tác viên
Haemagglutination
Haemagglutination inhibition
Immunoglobin G
Immunoglobin M
Lethal dose 50%
Viêm não Nhật Bản

vi


Nghĩa tiếng Việt
Ngưng kết hồng cầu
Ức chế ngưng kết hồng cầu
Kháng thể G
Kháng thể M
Liều gây chết 50%


DANH MỤC BẢNG

Bảng 3.1 Bố trí thí nghiệm gây nhiễm virus VNNB cho chuột................................18
Bảng 4.1 Tỷ lệ chết sau khi gây nhiễm virus VNNB chủng Nakayama ...................23
Bảng 4.2 Tỷ lệ chết sau khi gây nhiễm virus VNNB chủng CTMP-7......................23
Bảng 4.3 Triệu chứng trên chuột sau khi tiêm virus VNNB chủng Nakayama .......24
Bảng 4.4 Triệu chứng trên chuột sau khi tiêm virus VNNB chủng CTMP-7 ...........25
Bảng 4.5 Tỷ lệ chuột có đáp ứng kháng thể kháng virus VNNB chủng Nakayama ở
các đường tiêm theo thời gian.................................................................................26
Bảng 4.6 Tỷ lệ chuột có đáp ứng kháng thể kháng virus VNNB chủng CTMP-7 ở
các đường tiêm theo thời gian.................................................................................28
Bảng 4.7 Tỷ lệ chuột có đáp ứng kháng thể kháng virus VNNB chủng Nakayama
và hiệu giá kháng thể trung bình (GMT) theo đường tiêm ......................................29
Bảng 4.8 Tỷ lệ chuột có đáp ứng kháng thể kháng virus VNNB chủng CTMP-7 và
hiệu giá kháng thể trung bình (GMT) theo đường tiêm ...........................................30
Bảng 4.9 Hiệu giá kháng thể trung bình (GMT) theo đường tiêm đối với chủng
Nakayama ..............................................................................................................31
Bảng 4.10 Hiệu giá kháng thể trung bình (GMT) theo đường tiêm đối với chủng
CTMP-7 .................................................................................................................32
Bảng 4.11 Phân bố hiệu giá kháng thể trên chuột (chủng Nakayama) ....................33
Bảng 4.12 Phân bố hiệu giá kháng trên chuột (chủng CTMP-7) .............................33


vii


DANH MỤC HÌNH
Hình 2.1 Cấu tạo của virus viêm não Nhật Bản.......................................................................5
Hình 2.2 Bản đồ phân bố dịch tễ của bệnh viêm não Nhật Bản ......................................7
Hình 2.3 Muỗi Culex tritaeniorhynchus đẻ trứng ..............................................................8
Hình 2.4 Chu trình lây truyền của virus VNNB ................................................................. 9
Hình 2.5 Vắc xin VNNB.......................................................................................................13
Hình 3.1 Chuột nuôi được giăng mùng cẩn thận tránh bị muỗi đốt..............................17
Hình 3.2 Gây nhiễm virus VNNB cho chuột ....................................................................18
Hình 3.3 Lấy máu đuôi ở chuột ...........................................................................................19
Hình 4.1 Chuột co giật toàn thân ............................................................................25
Hình 4.2 Chuột ủ rũ, xù lông ..................................................................................25
Hình 4.3 Hiệu giá kháng thể trung bình kháng virus VNNB (Nakayama) theo đường
tiêm ............................................................................................................................................29
Hình 4..4 Hiệu giá kháng thể trung bình kháng virus VNNB (CTMP-7) theo đường
tiêm ............................................................................................................................................30
Hình 4.3 Độ dài miễn dịch qua các đường tiêm chủng Nakayama ................................31
Hình 4.4 Độ dài miễn dịch qua các đường tiêm chủng CTMP-7 ..............................32
Hình 4.7 Kết quả phản ứng HI, phản ứng đối chứng và kiểm tra kháng nguyên ......33

viii


TÓM LƯỢC

Đề tài “Xác định độc lực và tính gây đáp ứng kháng thể của virus VNNB
chủng CTMP-7 trên chuột bạch” được thực hiện từ tháng 8 đến tháng 11 năm 2010

tại trại thực nghiệm và phòng thí nghiệm bệnh truyền nhiễm khoa Nông Nghiệp &
Sinh Học Ứng Dụng. Nhằm khảo sát độc lực của virus VNNB và khả năng đáp ứng
kháng thể trên chuột qua các đường tiêm: tĩnh mạch, bắp, dưới da, phúc mạc, uống
và nhỏ mũi. Qua thời gian thí nghiệm chúng tôi ghi nhận được kết quả như sau:
Tỷ lệ chết ở chuột sau khi gây nhiễm virus VNNB chủng CTMP-7 là 27,77%,
chủng Nakayama là 25,00%. Tỷ lệ chết ở từng đường tiêm khác nhau, tỷ lệ chết cao
nhất là đường nhỏ mũi 66,67% (cả chủng CTMP-7 và Nakayama), ghi nhận không
trường hợp nào chết ở đường tiêm bắp (chủng CTMP-7) và đường tiêm bắp, tĩnh
mạch (chủng Nakayama).
Phần lớn chuột trước khi chết có các triệu chứng như: xù lông, ủ rũ, co giật
toàn thân, chảy nước giãi,…Trong đó tần số xuất hiện triệu chứng xù lông, ủ rũ
chiếm tỷ lệ cao nhất 41,67% (chủng Nakayama) và 36,11% (chủng CTMP-7).
Khi tiến hành kiểm tra kháng thể trên chuột thì tất cả các chuột đều có đáp ứng
kháng thể (100%). Chủng Nakayama gây đáp ứng miễn dịch cao nhất ở đường tiêm
bắp (43,74) và thấp nhất đường nhỏ mũi (31,09). Chủng CTMP-7 cũng gây đáp ứng
miễn dịch cao ở đường tiêm bắp (49,60) và thấp nhất ở đường tiêm phúc mạc
(29,54).

ix


Chương 1 ĐẶT VẤN ĐỀ
Viêm não Nhật Bản (VNNB) là một bệnh truyền nhiễm chung của người và
nhiều loài động vật lây truyền bởi nhân tố trung gian là muỗi. Mỗi năm trên khắp
thế giới có trên 50.000 ca bệnh do virus VNNB gây ra với con số tử vong khoảng
10.000. Bệnh xảy ra nghiêm trọng ở trẻ em dưới 15 tuổi. Trong chăn nuôi, bệnh
VNNB là một trong những nguyên nhân gây thất bại sinh sản ở đàn heo với các
biểu hiện như: đẻ thai khô, thai chết với nhiều kích thước khác nhau, heo con sinh
ra yếu ớt có triệu chứng thần kinh.
Năm 2006, Hồ Thị Việt Thu và cộng sự đã phân lập được chủng virus viêm

não Nhật Bản (CTMP-7) trên muỗi tại thành phố Cần Thơ. Để có những hiểu biết
hơn về bệnh VNNB, tôi thực hiện đề tài: “ Xác định độc lực và tính gây đáp ứng
kháng thể của virus VNNB chủng CTMP-7 trên chuột bạch” với mục tiêu:
Khảo sát triệu chứng và bệnh tích trên chuột thí nghiệm.
Khảo sát tỷ lệ chết trên chuột thí nghiệm sau khi tiêm.
Khảo sát sự đáp ứng miễn dịch trên chuột thí nghiệm.

1


Chương 2 CƠ SỞ LÝ LUẬN
2.1 Giới thiệu về bệnh viêm não Nhật Bản
Viêm não Nhật Bản (VNNB) là một bệnh nhiễm trùng cấp tính gây ra bởi siêu
vi trùng thuộc nhóm Arbovirus có tính hướng tế bào thần kinh. Virus lây truyền từ
động vật qua người nhờ trung gian là muỗi (chủ yếu là muỗi Culex
tritaeniorhynchus). Bệnh có thể xảy ra rải rác hay thành dịch.
Năm 1934, virus VNNB được phân lập từ não bệnh nhân chết do viêm não,
virus này được xem như chủng virus mẫu của virus VNNB và được đặt tên là
Nakayama (Mitamura, 1936).
Hầu hết các động vật nuôi đều cảm nhiễm với virus như: ngựa, bò, cừu, dê và
heo. Các động vật khác như thỏ, chuột, bồ câu, chó, vịt, gà, chim hoang và bò sát
cũng cảm nhiễm. Trong đó, heo là nguồn quan trọng nhất cho sự nhân lên của virus
trong tự nhiên (Chu và Joo, 1992), bệnh gây thất bại sinh sản cho heo nái mang thai
như: sẩy thai, thai khô, thai chết, heo con sinh ra yếu ớt và có triệu chứng thần kinh.
Trên người, bệnh thường xảy ra ở thể nhẹ nhưng có thể gây chết ở trẻ em và
sẩy thai ở phụ nữ mang thai (Chaturvedi và et al 1980). Ngoài ra bệnh còn gây ra
hiện tượng viêm não, viêm màng não, viêm sừng trước tủy sống, viêm não màng
não hoặc viêm não màng não tủy sống (chủ yếu ở trẻ em). Ngựa bị mắc bệnh có
bệnh tích trên hệ thần kinh trung ương, bệnh tích tương tự cũng được tìm thấy ở khỉ
và lừa, các loài động vật khác không có biểu hiện triệu chứng (Chu và Joo, 1992).

2.2 Lịch sử nghiên cứu viêm não Nhật Bản
2.2.1 Một số nghiên cứu về bệnh viêm não Nhật Bản trên thế giới
Năm 1930, các nhà dịch tễ học Nhật Bản đã chứng minh dịch bệnh xảy ra có
liên quan đến mùa của muỗi Culicinae (trích dẫn của Đỗ Quang Hà, 1965).
Năm 1934, virus VNNB được phân lập từ não bệnh nhân chết do viêm não,
virus này được xem như chủng virus mẫu của virus VNNB và được đặt tên là
Nakayama (Mitamura, 1936).
Qua một thời gian nghiên cứu Sabin và đồng nghiệp đã sản xuất những lô vắc
xin đông khô và vắc xin bất hoạt bằng formol từ huyễn dịch não chuột 10% đã được
gây nhiễm với chủng Nakayama. Qua thử nghiệm cho thấy vắc xin đã bảo vệ được
chuột thí nghiệm khi tiêm virus VNNB qua đường phúc mạc (Otsuka, 1966).
Shimizu và ctv (1954), đã gây bệnh trên heo nái mang thai. Kết qủa heo nái
không có triệu chứng bệnh nhưng có lứa đẻ bất thường với những thai khô và thai
chết với nhiều kích cỡ, heo sinh ra yếu ớt với biểu hiện phù ở da và não (Shimizu,
1954)

2


Năm 1976, Hashimura và ctv đã phân lập virus VNNB từ tinh hoàn heo nọc bị
viêm (Hashimura và ctv, 1976).
Sau một thời gian nghiên cứu, Ogasa (1977) đã chứng minh khi các heo nọc
mẫn cảm bị nhiễm virus VNNB, virus xâm nhập vào cơ quan sinh dục gây biến đổi
bệnh lý như thủy thũng và gây sung huyết dịch hoàn, mào tinh cứng lại, giảm tính
dục và làm rối loạn quá trình sinh tinh, số lượng tinh trùng di động giảm, gia tăng
nhiều tinh trùng kỳ hình (Ogasa, 1977).
Năm 1980, Aizawa và cộng sự đã sản xuất một lượng lớn vắc xin VNNB từ
não chuột đã nhiễm bệnh bằng phương pháp kết tủa với polyethylene glycol
(Aizawa, 1980).
Để hiểu rõ hơn về độc lực virus VNNB, Mathur và cộng sự (1981), đã thí

nghiệm trên chuột mang thai, khi tiêm truyền virus VNNB vào màng phúc mạc của
chuột mang thai. Virus tác động lên thai khác nhau tùy từng giai đoạn mang thai.
Sự nhiễm bệnh VNNB trong suốt tuần đầu tiên của thai kỳ gây ra số lượng chết thai
và chết sơ sinh (66,00%) cao hơn khi gây nhiễm vào tuần thứ 3 của thai kỳ
(13,80%). Chuột bị sẩy thai, chết thai và chết ở chuột sơ sinh cao hơn ở những
chuột đối chứng (Mathur, 1981).
Những năm sau đó (1982 và 1986) Mathur tiếp tục thí nghiệm trên chuột bạch
mang thai bằng cách gây nhiễm trong suốt thời kỳ mang thai và thấy rằng sự nhiễm
bệnh xảy ra tiềm tàng trên cả chuột mẹ và thai. Đồng thời phân lập được virus trên
thai của những chuột thí nghiệm (Mathur, 1982, 1986).
Năm 1992, Hasegawa và cộng sự đã nghiên cứu về sự đột biến gen mã hoá
protein màng của virus VNNB qua việc gây nhiễm tế bào nuôi cấy và thử độc tính
trên chuột (Hasegawa, 1992).
Năm 2003, Chuang và cộng sự đã thực hiện xét nghiệm virus VNNB trong tế
bào đơn nhân ở máu ngoại vi chuột bằng xét nghiệm RT-PCR. Kết quả tìm thấy
virus trong máu chuột vào ngày thứ 1 và ngày thứ 3, nhưng không tìm thấy virus
vào ngày thứ 5 sau khi tiêm virus VNNB vào tĩnh mạch chuột, chỉ phát hiện virus
trong máu chuột vào ngày thứ 2 đến ngày thứ 3 sau khi tiêm virus VNNB (Chuang,
2003).
Năm 2004, Yang và cộng sự đã nghiên cứu tính gây bệnh của virus VNNB
(chủng KV1899) phân lập trên heo ở Hàn Quốc qua việc tiêm truyền cho chuột con
còn bú. Những chuột này sẽ bị liệt và chết trong vòng 7 ngày sau khi tiêm, dịch não
chuột gây ngưng kết hồng cầu ngỗng. Thể phân lập có khả năng gây bệnh khi tiêm
vào não và màng phúc mạc của chuột con 3-4 tuần tuổi với liều lần lượt là
104,5LD50/0,03ml và 103,0LD50/0,5ml (Yang, 2004).

3


2.2.2 Tình hình nghiên cứu về bệnh VNNB trong nước

Năm 1954, Puyuelo và Prévot đã đưa ra những xác nhận đầu tiên về sự hiện
diện của virus VNNB ở Việt Nam (Nguyễn Chương, 1996).
Caubet và Netter (1956), viện Pasteur Nha Trang kết luận tỷ lệ người dân miền
Nam có tiếp xúc với virus VNNB là 20% (trích dẫn của Lê Thị Thu, 2005).
Đỗ Quang Hà (1964), viện Vệ Sinh Dịch Tễ trung ương đã phân lập được 4
chủng virus, trong đó có 3 chủng từ não bệnh nhân và 1 chủng từ não chim Liếu
Điếu (Garrulex persipilla gmelin), liên tiếp nhiều năm sau từ 1965 đến 1975 đã phát
hiện ra nhiều chủng mới, nâng tổng số chủng phân lập được lên 18 chủng, trong số
đó có một chủng từ não heo và một chủng từ muỗi Cx. tritaeniorhynchus bắt từ khu
dân cư quanh các trại heo.
Năm 1970, trong lần điều tra dịch tễ học trên heo đã cho thấy tỷ lệ heo có
kháng thể là 64,23% một số vùng ở phía Bắc. Nếu xét nghiệm từng vùng trong từng
thời gian thì tỷ lệ nhiễm có thể tới 93,47% đến 100%. Các gia súc khác như: gà, vịt,
ngang, ngỗng, chó, trâu, bò cũng mang kháng thể kháng virus VNNB từ 42,85%
đến 56,52% (trích dẫn của Lê Hồng Phong, 1995). Năm 1990, Lê Hồng Phong và
cộng tác viên phát hiện tỷ lệ nhiễm virus VNNB trên heo tại Thành Phố Hồ Chí
Minh là 77,39%.
Qua một thời gian nghiên cứu từ năm 1990 đến 1992 Huỳnh Phương Liên đã
thành công trong việc chế tạo, sản xuất vắc xin VNNB trên não chuột từ chủng
Nakayama (Huỳnh Phương Liên, 1990-1992).
Năm 2002, Đoàn Hải Yến và Phan Thị Ngà khảo sát tỷ lệ nhiễm virus VNNB
trên heo bằng phản ứng Mac-ELISA ghi nhận tỷ lệ nhiễm tại Hà Tây cao nhất vào
mùa hè trong khi tại Tây Nguyên tỷ lệ nhiễm thấp và xảy ra rải rác quanh năm.
Lê Thị Thu (2005), xét nghiệm 186 mẫu huyết thanh heo ở các trại tập trung
của hai tỉnh Vĩnh Long và Bến Tre. Kết quả 123 mẫu dương tính, chiếm tỷ lệ
66,13% (Lê Thị Thu, 2005).
Năm 2006, Hồ Thị Việt Thu và cộng tác viên đã phân lập được một chủng
virus VNNB trên muỗi Culex pseudovishnui tại Thành Phố Cần Thơ và đặt tên là
CTMP-7 (Hồ Thị Việt Thu và ctv, 2006).
2.3 Tác nhân gây bệnh

2.3.1 Đặc điểm hình thái học của virus VNNB
Virus VNNB là một Flavivirus, trước đây nó được xếp vào họ Togaviridae
thuộc nhóm B của Arbovirus, nhưng hiện nay virus được xếp vào họ Flaviviridae.
Có khoảng 60 loài Flavivirus nhưng chỉ có 3 loài có ý nghĩa trong thú y là virus
VNNB, virus gây bệnh Louping và virus gây bệnh Wesselsbron (Chu và Joo, 1992).

4


Hình thái: virus có dạng hình cầu, nhân chứa axít ribonucleic (RNA), kích
thước 40nm, chuỗi nucleotid hoàn hảo của virus VNNB chứa 10.976 nucleotid
tương ứng với 3.432 gốc amino axít. Virus qua được lọc, gồm 32 capsome bao
quanh, vỏ bọc chứa một sợi ARN dương. Capxít có cấu trúc hình khối, phần vỏ giàu
lipid.. Virus có 3 protein cấu trúc và nhiều protein không cấu trúc. Những protein
cấu trúc bao gồm glycoprotein E của vỏ, protein vỏ không có glycosylate M và
protein capxít C.
Protein E
ARN chuỗi đơn
Protein C
Protein M

Hình 2.1 Cấu tạo của virus viêm não Nhật Bản
(www.nihe.org.vn/vn/NoiDung/...)

Trong 3 protein cấu trúc trên thì glycoprotein E được quan tâm nghiên cứu
nhiều nhất, protein E có chứa epitop gây đáp ứng kháng thể trung hòa, có ít nhất là
8 epitop, một epitop ở vị trí quyết định N trên protein biểu thị tính đặc hiệu của
virus (Kimura-Kuroda and Yasui, 1986). Glycoprotein E trên bề mặt hạt virus gây
đáp ứng miễn dịch tế bào và là kháng nguyên ngưng kết hồng cầu.
2.3.2 Sức đề kháng của virus VNNB

Virus VNNB đề kháng kém với nhiệt độ: virus bị bất hoạt ở 560C trong 30
phút, ở 600C virus chết sau 10 phút, ở 700C chết sau 5 phút nhưng ở nhiệt độ rất
lạnh (-700C) thì giữ nguyên độc lực.
Virus bền ở pH= 7-9, ổn định ở pH= 8,5 và pH = 9 là điều kiện cần thiết để
giữ khả năng ngưng kết hồng cầu.
Cồn, ether, aceton làm mất độc lực của virus sau 3 ngày, lysol tiêu diệt virus
sau 5 phút, phenol 1% sau 10 phút, formol 0,5% sau 48 giờ và virus cũng bị bất
hoạt dưới ánh đèn tử ngoại.
2.3.3 Đặc tính ngưng kết hồng cầu
Virus VNNB có khả năng gây ngưng kết hồng cầu gà, ngỗng, bồ câu, cừu, thỏ
và chuột lang. Nhưng tốt nhất là hồng cầu gà con 1 ngày tuổi

5


2.3.4 Đặc điểm nuôi cấy
Virus có thể nhân lên nhanh chóng trong nhiều loại tế bào một lớp cũng như
một số dòng tế bào có nguồn gốc từ động vật hữu nhũ, chim và muỗi (Trích dẫn của
Lê Thị Thu, 2005).
Virus có thể nhân lên nhanh chóng trên nhiều loại tế bào một lớp nguyên phát
cũng như một số dòng tế bào có nguồn gốc từ động vật có vú bao gồm tế bào thận
khỉ (tế bào Vero), tế bào thận chuột đất vàng con (tế bào BHK-21), và từ muỗi
Aedes (tế bào C6/36). Ngoài ra virus cũng có thể nhân lên ở tế bào sợi phôi gà,
màng nhung niệu của phôi gà và chuột bạch.
Sự nhân lên của virus VNNB trong tế bào
Sự hấp phụ và xâm nhập
Virus sẽ tiếp xúc với tế bào vật chủ tương ứng tại thụ thể đặc biệt trên bề mặt tế
bào. Trong quá trình này các men lizozyme có tác dụng hoà tan peptidolican ở một
bộ phận của thành tế bào. Sau đó xâm nhập vào màng tế bào, vỏ ngoài của virus sẽ
được phân hủy để giải phóng nucleocapxit.

Phiên mã RNA: virus VNNB có nhân là sợi RNA dương làm 2 chức năng: vừa
làm khuôn tổng hợp sợi RNA âm, vừa làm chức năng RNA thông tin.
Sinh tổng hợp protein
Protein của virus được tổng hợp ở mạng lưới nội chất hạt. Protein cấu trúc và
phi cấu trúc được tổng hợp với tỷ lệ không đổi do được phiên mã từ một sợi RNA
thông tin duy nhất.
Lắp ráp các nucleotid và vỏ bọc
Khi các protein capxít và acid nucleoic của virus đã được tập hợp đầy đủ trong
tế bào vật chủ thì sẽ bắt đầu quá trình lắp ráp. Các protein capxít sẽ liên kết với
RNA của virus tạo thành nucleotid, Tiếp theo, virus tiếp nhận một phần màng của tế
bào chất vật chủ bao bọc lấy lõi nucleocapit khi virus đi qua màng tế bào chất của
vật chủ.
Sự phóng thích
Sau khi lắp ráp thành virus hoàn chỉnh, chúng đến màng tế bào, thoát khỏi và
tiếp tục xâm nhập vào tế bào khác.
2.3.5 Đặc tính kháng nguyên của virus VNNB
Virus VNNB có 3 loại kháng nguyên: protein màng V1 (hoặc M) là
nucleoprotein, protein lõi V2 (hoặc C) chính là RNA và protein vỏ V3 (hoặc E) là
glycoprotein. Trong đó protein kháng nguyên vỏ ngoài E nằm trên bề mặt của hạt
virus đóng vai trò quan trọng nhất trong bước đầu tiên của phản ứng giữa virus và
6


vật chủ , tạo ra kháng thể miễn dịch bảo vệ cơ thể (kháng thể ức chế ngưng kết hồng
cầu và kháng thể trung hòa) (Kobayashi và ctv, 1985).
2.4 Dịch tễ học
2.4.1 Phân bố theo địa lí
Tính chất dịch tễ của bệnh VNNB được Konno miêu tả chi tiết vào năm 1966
(trích dẫn của Chu và Joo, 1992). Đến năm 1973, Self và ctv đã nhận thấy rằng sự
nhiễm virus VNNB được duy trì trong chu trình bao gồm: chim, muỗi (chủ yếu là

Cx. tritaeniorhynchus) và động vật hữu nhũ.
Tại các ổ dịch VNNB ở người thì nhận thấy rằng động vật trong cùng khu vực
có tỷ lệ nhiễm virus rất cao (Phạm Sỹ Lăng và Nguyễn Thiện, 2004).
Bệnh phát triển mạnh ở các nước như: Nhật Bản, vùng viễn đông của Nga,
Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Philippine, Indonesia, Singapore, Malaysia,
Hồng Kông, Việt Nam, Lào, Bangladesh, Nepal, Thái Lan, Burma, Srilanka, Ấn Độ
và một số đảo thuộc Thái Bình Dương (Chu và Joo, 1992).
Trong tự nhiên virus tồn tại theo chu trình “động vật có xương sống - muỗi
động vật có xương sống”, chủ yếu là nhờ những con vật mang virus không biểu
hiện triệu chứng lâm sàng (Chu và Joo, 1992).

Hình 2.2 Bản đồ phân bố dịch tễ của bệnh viêm não Nhật Bản
( Nguồn: www.cdc.gov/travel/image.ashx)

2.4.2 Phân bố theo mùa
Vào mùa mưa, ruộng lúa đầy nước tạo điều kiện tốt cho muỗi sinh sản và phát
triển mạnh trong thiên nhiên, trùng với thời điểm bệnh xảy ra nhiều.
Vào mùa hè thời tiết nóng, ở nhiệt độ từ 270C – 300C, virus thường phát triển
tốt trong cơ thể muỗi, nếu dưới 200C thì sự phát triển của virus dừng lại. Do đó
thường vào những tháng lạnh thì tỷ lệ bệnh giảm.

7


Khí hậu với những yếu tố nhiệt độ và lượng mưa cũng có ảnh hưởng đến tình
hình bệnh. Do đó, ở Việt Nam mô hình dịch tễ lại có sự khác biệt rất lớn giữa hai
miền Nam và Bắc. Tại miền Bắc, bệnh giảm vào các tháng lạnh nhưng lại tăng vào
những tháng hè và đỉnh cao là vào các tháng 5, 6 và 7, trong khi miền Nam thời tiết
nóng nên bệnh xảy ra rải rác quanh năm (Đoàn Hải Yến và Phan Thị Ngà, 2002).
2.4.3 Phân bố theo độ tuổi

Người chưa có miễn dịch, ở mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh. Ở những vùng
có bệnh VNNB lưu hành, tỷ lệ mắc bệnh thường cao ở trẻ từ 2 - 10 tuổi, phần đông
ở thể không có triệu chứng lâm sàng, số lượng trẻ có kháng thể đặc hiệu tăng theo
tuổi nên tỷ lệ mắc bệnh giảm ở trẻ lớn và người lớn. Bệnh không liên quan tới giới
tính nhưng trong thực tế số bệnh nam thường nhiều hơn nữ.
Tuy chu trình sinh thái của virus VNNB trong thiên nhiên không thay đổi,
nhưng tình hình dịch tễ có biến đổi trước tác động của con người, như thay đổi
phương thức canh tác và tập quán chăn nuôi… Chẳng hạn, tại Đồng Bằng Sông
Cửu Long vào tháng 12 và tháng 1 mặc dù không có mưa nhưng do sự giữ nước và
bón phân trên đồng ruộng của người dân cho vụ Đông Xuân đã làm mật độ muỗi
gia tăng.
2.5 Chu trình truyền bệnh trong tự nhiên
2.5.1 Vai trò của muỗi truyền bệnh VNNB
Muỗi là nhân tố quan trọng đối với sự nhiễm bệnh ở người và là yếu tố quan
trọng trong chu trình truyền bệnh VNNB. Muỗi Culex tritaeniorhynchus là loài
muỗi quan trọng nhất cho sự nhân lên của virus VNNB. Do đó, loài muỗi này được
xem là vectơ truyền bệnh chính ở hầu hết ở các nước Châu Á. Khi Cx.
tritaeniorhynchus bị nhiễm virus VNNB ở nồng độ thấp, virus có thể nhân lên
nhanh chóng trong cơ thể loài muỗi này và tiếp tục gây nhiễm cho nhiều loài động
vật thích hợp như heo, chim. Trong cơ thể heo và chim virus được khuếch đại và
gây nhiễm cho muỗi. Kết quả lượng lớn virus VNNB được duy trì trong tự nhiên,
trong quần thể đông đúc Cx. tritaeniorhynchus bị nhiễm (Endy và Nisalak, 2002).

Hình 2.3 Muỗi Culex tritaeniorhynchus đẻ trứng
(www.nihe.org.vn/vn/NoiDung...)
8


Ở Việt Nam muỗi Culex phân bố rộng, hiện diện ở nhiều vùng đồng bằng và
trung du (chiếm 40-50% trong tổng số muỗi bắt), hoạt động mạnh vào mùa nóng,

mật độ cao vào tháng 3, 4 đến tháng 7, thích hợp ở nhiệt độ 22-280C, ẩm độ 8090%, sinh sản ở các ao hồ, vũng nước quanh nhà, chu kỳ sinh sản 15-16 ngày,
thường hoạt động và hút máu về đêm từ 18 giờ đến 20-22 giờ, giảm dần và ngừng
hoạt động vào lúc 8 giờ sáng.
Một số loài muỗi được xem là nhân tố trung gian truyền bệnh VNNB là:
Cx. tritaeniorhynchus, Cx. fuscocephala, Cx. pseudovishnui, Cx. gelidus…
Ở miền bắc nước ta, muỗi Culex tritaeniorhynchus là trung gian truyền bệnh
VNNB. Ở Cần Thơ muỗi Cx.pseudovishnui là trung gian truyền bệnh chủ yếu của
bệnh VNNB (Hồ Thị Việt Thu, 2005).
2.5.2 Trung gian truyền bệnh
Virus VNNB được bảo tồn trong thiên nhiên do truyền sinh học từ động vật có
xương sống này sang động vật có xương sống khác qua trung gian động vật hút máu
là muỗi
Heo là vật chủ quan trọng nhất làm lây lan virus VNNB vì ở heo có nồng độ
virus huyết cao, và chu trình heo - muỗi tồn tại quanh năm.
Chim là ký chủ quan trọng sau heo chứa virus VNNB, với nồng độ virus huyết
cao. Gà, vịt nuôi cũng là nguồn truyền virus cho muỗi, sau đó lại truyền sang cho
con người và động vật khác.
Người sống gần chu trình sinh thái tự nhiên này, có thể mắc bệnh khi bị muỗi
đốt. Người được coi là vật chủ cuối cùng đối với virus VNNB vì virus trong máu
người tồn tại trong thời gian ngắn với nồng độ thấp, nên không thể lây bệnh từ
người này sang người khác qua muỗi đốt (Huỳnh Phương Liên, 1988).

Hình 2.4 Chu trình lây truyền của virus VNNB
( />
9


2.6 Cơ chế sinh bệnh
Virus từ nước bọt của muỗi đốt, qua da, giai đoạn đầu virus nhân lên tại chỗ và
ở các hạch lympho vùng, đây là nguồn dẫn đến virus huyết đầu tiên. Từ máu virus

đi đến các tổ chức và nội tạng khác như tổ chức lympho, mô liên kết, cơ vân, cơ
tim, tuyến nội và ngoại tiết. Virus tiếp tục nhân lên tại tổ chức ngoài thần kinh đưa
đến virus huyết lần nữa kéo dài 3-5 ngày, thường với nồng độ thấp ở người.
Ở người và chuột, virus VNNB xâm nhiễm có tính hướng thần kinh. Những
biến đổi bệnh lý trong quá trình phát triển của virus trong hệ thần kinh trung ương
như: virus nhân lên trong tế bào thần kinh với nồng độ trong não gấp triệu lần so
với ở vị trí khác ngoài thần kinh. Trong giai đoạn cấp tính, nói chung màng não
bình thường hoặc thoáng mờ, não bị sung huyết, phù nề, xuất hiện điểm xuất huyết
hoặc chảy máu tại chất xám, hoại tử ở đồi thị, não giữa, tiểu não, nhân xám thân
não, chất xám của vỏ não. Sừng trước tủy sống bị tổn thương giống như trong sốt
bại liệt (Phạm Văn Ty, 2004)
2.7 Miễn dịch học
Trong miễn dịch đặc hiệu, sau khi nhiễm virus ta có phát hiện được kháng thể
IgG và IgM. Kháng thể IgM được tạo ra rất sớm nhưng lại giảm nhanh, chỉ tồn tại
khoảng 2 tuần và thường được ứng dụng trong chẩn đoán.
Sau khi tiêm ngừa bằng những chủng virus vắc xin giảm độc lực cho heo, hiệu
giá kháng thể HI đạt khoảng 40-640 phát hiện sau 4 tuần và hiệu giá 160 được duy
trì ít nhất 6 tuần (Fuijisaki và ctv, 1975).
Khi tiêm vắc xin VNNB vào chuột 3 tuần tuổi thì kết quả 90 -100% chuột này
đều có kháng thể chống bệnh VNNB với hàm lượng tháng thể ≥1/1600 sau 2-4 tuần
sau tiêm (Konoshi, 1998).
2.8 Triệu chứng và bệnh tích
2.8.1 Triệu chứng
Trên người: sau 1 tuần nhiễm virus, bệnh khởi phát đột ngột với các triệu chứng:
Sốt cao liên tục.
Các biểu hiện giống như cảm cúm như đau nhức cơ thể, chảy nước mũi
Những rối loạn thần kinh như trẻ bị nhức đầu, nôn ói, quấy khóc nhiều, vã mồ
hôi, ngủ gà, ngủ li bì.
Các triệu chứng nặng hơn là các tình trạng gồng cứng toàn thân, tay chân run,
mê sảng, cổ cứng.

Bệnh có thể diễn tiến rất nhanh trong 1-2 ngày và trầm trọng đến mức gây tử
vong. Các trường hợp khác có thể hồi phục nhưng không hoàn toàn.

10


Phần lớn người bị nhiễm virus VNNB ở thể ẩn, chỉ rất ít có triệu chứng lâm
sàng, với thể hiện rất đa dạng, thay đổi từ nhẹ như cảm cúm đến nặng gây tử vong.
Dù ở bất cứ thể nào cơ thể vẫn tạo kháng thể đặc hiệu.
Thể ẩn
Chiếm đa số, không có triệu chứng lâm sàng, cứ một trường hợp điển hình thì
có vào khoảng 200 đến 300 thể ẩn.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới con số này dao động khi có một trường hợp bệnh
điển hình thì có 20-1000 trường hợp bệnh thể ẩn .
Thể nhẹ
Sốt, nhức đầu, nôn.
Không có triệu chứng đặc hiệu.
Thể màng não
Ngoài hội chứng nhiễm trùng, xuất huyết màng não, đôi khi có rối loạn ý thức
nhẹ, dịch não tủy thay đổi như trong viêm màng não do siêu vi khác.
Thể tủy sống
Khởi bệnh với sốt, sau đó bị liệt giống như sốt bại liệt, liệt không đồng đều, ưu
thế ở chân nhiều hơn tay, dịch não tủy biến đổi như trong thể điển hình. Khoảng
30% của thể này có rối loạn tri giác và xuất hiện hội chứng viêm não sau đó.
Thể điển hình
Thời gian ủ bệnh trung bình một tuần, tối thiểu 5 ngày tối đa 15 ngày.
Giai đoạn khởi phát
Trung bình từ 1-4 ngày, với các hội chứng nhiễm trùng không điển hình: sốt,
kèm rối loạn tiêu hóa, nôn, đau bụng, tiêu chảy, ho,...
Giai đoạn toàn phát

Có thể kéo dài từ 1 đến 2 tuần. Thường xảy ra đột ngột không qua giai đoạn
tiền triệu, với các hội chứng nhiễm trùng xen kẽ với hội chứng thần kinh: sốt, buồn
nôn, và nhức đầu ở trẻ lớn. Nhiệt độ tăng lên 390-400C , các cơn co giật toàn thân,
đôi khi cục bộ. Rối loạn tri giác thay đổi từ nhẹ như li bì, hôn mê, kèm những rối
loạn thần kinh thực vật.
Các dấu hiệu thần kinh xuất hiện như co giật toàn thân, quay đầu, cơn quay
mắt, co cứng, co vặn cơ, run, ngón tay mân mê như liệt chi, liệt thần kinh sọ não,
mặt nhăn nhó (Võ Công Khanh, 2005).
Giai đoạn hồi phục
Nếu qua khỏi, bệnh nhân có thể hồi phục hoàn toàn. Một số trường hợp nặng có thể
để lại di chứng liệt cứng ở chi trên hoặc chi dưới, liệt mặt hoặc di chứng rối loạn tinh
thần, thay đổi cá tính, chậm phát triển trí tuệ.
11


Trên chuột
Khi tiêm virus vào não ở chuột 6-7gam thấy thời gian ủ bệnh kéo dài 3-4 ngày,
triệu chứng lâm sàng xuất hiện vào ngày thứ 4 như: kém ăn, xù lông, co ro, ít hoạt
động, xuất hiện từng cơn động kinh, sau đó bại liệt 2 chân sau rồi chết (Đỗ Quang
Hà, 1965).
Trên heo
Tất cả heo nái không hoặc mang thai và heo trưởng thành đều không có triệu
chứng đặc trưng. Tuy nhiên bệnh lý trên các heo nái mang thai được thể hiện ở sự
bất thường của lứa đẻ như: thai khô, thai chết, heo con chết biểu hiện phù thũng,
heo con yếu ớt, run, ứ nước dưới da.
2.8.2 Bệnh tích
Bệnh tích đại thể
Não thủy thũng, tích dịch, sung huyết não, phù nề, xuất hiện điểm xuất huyết,
hoại tử đồi thị (trường hợp cấp tính), tích nước xoang ngực, phù dưới da, hoại tử
gan, lách, sung huyết hạch lâm ba.

Bệnh tích vi thể
Viêm não không mủ, xuất huyết quanh mạch, với sự xâm nhiễm nhiều của
lympho bào, đại thực bào, tăng sinh tế bào thần kinh đệm.
2.9 Chẩn đoán
Việc chẩn đoán bệnh VNNB phải dựa vào các điều kiện dịch tễ và triệu chứng
lâm sàng. Có nhiều phương pháp trong việc chẩn đoán bệnh VNNB như: HI
(haemagglutination inhibition), SN (seroneutralization), CF (complement Fixation),
ELISA (enzyme linked immuno sorbent assay), PCR (polymerase chain reaction).
Phân lập virus
Những bệnh phẩm thường được dùng trong phân lập virus như: não của thai
chết, huyết thanh thai chết, huyết thanh heo mẹ,… Tất cả cần được bảo quản ở nhiệt
độ lạnh và vận chuyển ngay đến phòng thí nghiệm.
Phân lập virus có thể được thực hiện bằng cách tiêm huyễn dịch bệnh phẩm
vào não chuột từ 1-5 ngày tuổi. Chuột sẽ có triệu chứng thần kinh và chết sau 4-14
ngày, virus trong não chuột có thể được xác định bằng phản ứng trung hòa trên
chuột hoặc trên tế bào một lớp.
Việc phân lập virus trên người ít thành công do hàm lượng kháng thể trung hòa
cao khi bệnh nhân có triệu chứng lâm sàng.
Phản ứng ngăn trở ngưng kết hồng cầu
Phản ứng ngăn trở ngưng kết hồng cầu tương đối đơn giản, ít tốn kém lại có
khả năng định tính và định lượng kháng thể kháng virus VNNB .

12


Phương pháp ELISA
Hiện nay để chẩn đoán bệnh người ta thường dùng phương pháp Mac-ELISA
để phát hiện sớm kháng thể IgM kháng virus VNNB.
Phản ứng khuếch đại trên chuỗi gen
PCR là một kĩ thật sinh học phân tử dựa trên sự nhân lên một lượng nhỏ DNA

thành một lượng lớn có khả năng phát hiện được qua việc sử dụng những cặp mồi
phân tử, men trùng hợp và máy khuếch đại DNA. Xét nghiệm này có giới hạn về
hiện tượng virus huyết ngắn vì vậy bệnh phẩm dùng xét nghiệm tốt nhất là não.
Phản ứng này khó thực hiện, đòi hỏi chi phí cao.
2.10 Phòng và điều trị bệnh
2.10.1 Điều trị bệnh
Hiện nay không có thuốc điều trị đặc hiệu trên người và gia súc. Điều trị chủ
yếu là hồi sức cấp cứu và điều trị triệu chứng trong giai đoạn cấp như: chống sốt
cao, chống phù não, chống co giật, chống suy hô hấp, chống bội nhiễm, bổ sung
nước và điện giải.
2.10.2 Phòng bệnh
Việc khống chế và phá vỡ chu trình lây truyền bệnh trong tự nhiên là biện
pháp tốt nhất trong việc phòng chống bệnh.
Kiểm soát nhân tố trung gian truyền bệnh
Sử dụng hóa chất diệt muỗi tuy có hiệu quả nhưng chỉ giới hạn trong một
không gian và thời gian nhất định.
Muỗi sinh sản và phát triển ở ruộng lúa, nơi bụi rậm, ẩm thấp,… Do đó, để hạn
chế muỗi cần vệ sinh dụng cụ, vật chứa nước, sử dụng hóa chất diệt muỗi, nuôi cá
để hạn chế sự phát triển và sinh sản của muỗi.
Biện pháp phòng bệnh tốt nhất đối với người là ngủ trong mùng mặc quần áo
dài tay, vệ sinh môi trường xung quanh thoáng mát, dùng thuốc xịt muỗi.
Phòng bệnh bằng vắc xin
Gây miễn dịch cho heo:
Việc gây miễn dịch cho heo còn nhiều khó khăn. Ở Việt Nam chưa thấy có vắc
xin VNNB dùng cho heo.
Gây miễn dịch cho người
Vắc xin VNNB bất hoạt chế từ não chuột
Miễn dịch cơ bản: 2 liều cách nhau 1 - 2 tuần, tiêm dưới da tại cơ delta.
Nhắc lại 1 liều bổ sung 1 năm sau, 3 - 4 năm tiêm nhắc lại một liều.
Dưới 3 tuổi tiêm 0,5ml, trên 3 tuổi tiêm 1ml.


13


Chống chỉ định: sốt cao hoặc bệnh nhiễm trùng đang tiến triển. Bệnh tim, thận,
gan, bệnh tiểu đường hoặc suy dinh dưỡng, bệnh ung thư máu và các bệnh ác tính
nói chung, quá mẫn, phụ nữ có thai.
Phản ứng phụ: tại chỗ vùng tiêm sưng đỏ, toàn thân, sốt, ớn lạnh, nhức đầu.

Hình 2.5 Vắc xin VNNB
(Nguồn: www.vabiotechvn.com/upload/de/JEvaccine.jpg)

14


Chương 3 PHƯƠNG TIỆN VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
3.1 Nội dung nghiên cứu
Tính gây bệnh của virus VNNB chủng CTMP-7.
Tính gây đáp ứng miễn dịch của virus VNNB chủng CTMP-7.
3.2 Phương tiện thí nghiệm
3.2.1 Thời gian và địa điểm thực hiện đề tài
Thời gian thực hiện đề tài từ 08/2010 đến 11/2010.
Địa điểm thực hiện đề tài: trại thực nghiệm khoa Nông Nghiệp và Sinh Học
Ứng Dụng và phòng thí nghiệm Bệnh Truyền Nhiễm, Bộ môn Thú Y, Khoa Nông
Nghiệp Và Sinh Học Ứng Dụng, Trường Đại Học Cần Thơ.
3.2.2 Vật liệu, hóa chất dùng trong thí nghiệm
Mẫu vật
Chuột thí nghiệm 84 con (3-4 tháng tuổi).
Hồng cầu ngỗng.
Sinh phẩm

Virus VNNB chủng Nakayama (nguồn: viện Pasteur thành phố Hồ Chí
Minh) và virus VNNB chủng CTMP-7 (nguồn: phòng virus Bộ Môn Thú Y, trường
Đại Học Cần Thơ ).
Vật liệu
Ống tiêm 20ml và kim tiêm 23G vô trùng để lấy máu ngỗng.
Các chai, lọ, bình tam giác, pipet, ống nghiệm.
Micropipet.
Máy ly tâm, Hematocrit.
Đĩa microplate đáy chữ U 96 giếng.
Týp nhựa đựng huyết thanh.
Hóa chất dùng trong thí nghiệm
Dung dịch Alsever (dung dịch chống đông)
Dextrose (C6H12O6 )
NaCl
Citric acid
Sodium citrate
Nước cất hai lần vừa đủ
Sấy ướt 1100C trong 10 phút

15

20,50g
4,20g
0,55g
8g
1000ml


×