Tải bản đầy đủ (.pdf) (12 trang)

Báo Cáo Nghiên Cứu Khảo Sát Kinh Nghiệm Xây Dựng Csdl, Dự Báo Kinh Tế Vĩ Mô Và Cảnh Báo Sớm Về Kinh Tế Tại Singapore Và Malaysia

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (394.54 KB, 12 trang )

BÁO CÁO
NGHIÊN CỨU KHẢO SÁT KINH NGHIỆM XÂY DỰNG CSDL,
DỰ BÁO KINH TẾ VĨ MÔ VÀ CẢNH BÁO SỚM VỀ KINH TẾ
TẠI SINGAPORE VÀ MALAYSIA
Theo quyết định số 1237/QĐ-BKH về việc phê duyệt chương trình công tác
nghiên cứu khảo sát về kinh nghiệm xây dựng cơ sở dữ liệu, dự báo kinh tế vĩ mô
và cảnh báo sớm về kinh tế, đoàn công tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư gồm các cán
bộ của Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc Gia, Vụ Khoa học,
Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Vụ Tổ chức cán bộ, Văn phòng Bộ, do đồng
chí Tạ Đình Xuyên, Phó giám đốc Trung tâm làm trưởng đoàn, đã tiến hành công
tác nghiên cứu khảo sát thực tiễn và chia sẻ kinh nghiệm về công tác Thông tin, Dự
báo và Cảnh báo sớm về KT-XH tại Singapore và Malaysia từ ngày 26/10/2008 đến
ngày 02/11/2008. Đoàn xin báo cáo tóm tắt kết quả công tác và một số kinh nghiệm
thu nhận được về những vấn đề trên như sau:
1. MỤC ĐÍCH CHUYẾN KHẢO SAT: Nghiên cứu khảo sát học tập kinh
nghiệm xây dựng cơ sở dữ liệu, dự báo kinh tế vĩ mô và cảnh báo sớm về kinh tế tại
Singapore và Malaysia.
2. CÁC CƠ QUAN ĐOÀN ĐẾN LÀM VIỆC:
- Ban Chiến lược và Kinh tế, Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore (cơ
quan giữ vai trò chính trong việc giúp chính phủ Singapore về cong tác dự báo và
cảnh báo sớm).
- Viện Phát triển Malaysia, Ủy Ban Kế hoạch - Kinh tế, Văn Phòng Thủ
tướng (EPU).
- Vụ Phát triển Kinh tế vĩ mô, Ủy Ban Kế hoạch - Kinh tế, Văn Phòng Thủ
tướng.
- Tổng cục Thống kê, Văn Phòng Thủ tướng.
- Bộ Tài chính, Văn Phòng thủ tướng (MOF).

1



- Ngân hàng Trung ương Negara, Bộ tài Chính, KualaLumpur .
3. CHƯƠNG TRÌNH LÀM VIỆC CỦA ĐOÀN:
- Chia sẻ kinh nghiệm về Công tác phân tích kinh tế và dự báo kinh tế vĩ mô
(Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore).
- Tình hình phát triển kinh tế xã hội của Malaysia (Viện phát triển Malaysia,
Ủy Ban Kế hoạch - Kinh tế Malaysia).
- Các Phương pháp và Mô hình tính toán các chỉ số kinh tế vĩ mô của
Malaysia, gồm: Chỉ số dẫn dắt, chỉ số ngẫu nhiên và chỉ số trễ (Ban các chỉ số Kinh
tế - Tổng Cục thống Kê).
- Cơ sở dữ liệu và các Phương pháp xác định và đưa ra các dự báo về: Chỉ số
sản xuất công nghiệp; Thống kê ngoại thương hàng tháng; Điều tra doanh nghiệp;
Giới thiệu chỉ số giá tiêu dùng; Tổng sản phẩm quốc nội hàng quý; CSDL doanh
nghiệp vừa và nhỏ (Thuộc các Ban khác nhau của Tổng cục Thông kê như: Ban
Thống kê sản xuất công nghiệp và xây dựng/ Ban Thống kê ngoại thương/ Ban
Thống kê giá, thu nhập và chi tiêu /Ban Thống kê tài khoản Quốc gia/ Ban điều
phối Số liệu).
- Chính sách tài khoá, tiền tệ, ngân sách và quản lý nợ, kinh nghiệm xử lý
Khủng hoảng tài chính-tiền tệ năm 1997 và các giải pháp ứng phó vói tình hình
khủng hoảng toàn cầu hiện nay (Bộ Tài chính Malaysia).
- Công tác giám sát tài chính và quản lý khủng hoảng tài chính (Ngân hàng
Trung ương Negara, Bộ tài chính Malaysia).
4. NHỮNG VẤN ĐỀ CHIA SẺ KINH NGHIỆM CỦA PHÍA BẠN:
Qua nghiên cứu khảo sát thực tiễn với các cơ quan bạn (cả hai nước
Singapore và Malaysia) đoàn đã thu nhận được những kết quả sau:
A. TẠI SINGAPORE:
1. Về công tác phân tích, dự báo và cảnh báo sớm kinh tế vĩ mô:

2



Bộ phận Dự báo kinh tế vĩ mô đầu tiên của Singapore được thành lập từ
1985 thuộc Bộ Tài chính. Từ năm 1997 bộ phận này chuyển về Bộ Công thương MTI (Ministry –f Trade and Industry) và được gọi là Vụ chiến lược và Kinh tế
thuộc Bộ Công Thương. Vụ này là cơ quan duy nhất được Chính phủ Singapore
giao nhiệm vụ phối hợp cùng với Uỷ ban Giám sát của Chính phủ chịu trách nhiệm
đưa ra các dự báo và cảnh báo về Mô hình kinh tế vĩ mô, đưa ra những phân tích và
dự báo xu thế phát triển GDP, phân tích và giám sát kinh tế công nghiệp. Ngoài ra,
còn có các Vụ khác trong Bộ Công thương làm nhiệm vụ phối hợp và cung cấp các
dữ liệu đầu vào như:
- Tổng cục thống kê: chịu trách nhiệm tính toán GDP, các chỉ số dẫn dắt hỗn
hợp;
- EDB Singapore chịu trách nhiệm về chỉ số sản xuất công nghiệp, triển vọng
khu vực chế tác;
- Cục Quản lý tiền tệ Singapore (MAS - Monetary Autho–ity of Singapore)
chịu trách nhiệm mô hình kinh tế vĩ mô MAS, dự báo ngành: toàn cảnh, và dự báo
toàn cảnh GDP và lạm phát;
- Cục doanh nghiệp quốc tế Singapore (International Enterprise Singapore IES) chịu trác– nhiệm về số liệu thương mại và dự báo định kỳ.
Ngoài ra để công tác dự báo có chất lượng cao, còn có sự phối hợp của Bộ
nguồn nhân lực và Bộ Tài chính Singapore.
Do Singapore là một nền kinh tế nhỏ và mở, không có nhiều ngành kinh tế
như các nước khác (chủ yếu làm dịch vị và chế tác xuất khẩu) nên không có hệ
thống giám sát những chỉ số dẫn dắt của nền kinh tế để đưa ra những cảnh báo sớm
kinh tế. Hơn nữa, nền kinh tế Singapore có đặc thù là phụ thuộc rất nhiều vào đầu
tư nước ngoài và dịch vụ (do không có tài nguyên thiên nhiên) nên chỉ có giám sát
những chỉ số của các nước có ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế Singapore chẳng
hạn như nền kinh tế Mỹ, Trung Quốc, ASEAN, EU…để đưa ra những cảnh báo
(outlook) cho chính phủ .

3



Quy trình xử lý số liệu từ trên xuống (sử dụng mô hình kinh tế vĩ mô MTI,
đầu tư, chi tiêu chính phủ,…và từ dưới lên (dự báo ngành). Sử dụng các mô hình từ
trên xuống, từ dưới lên, các biến ngoại sinh độc lập…đưa ra nhiều kịch bản dự báo
về GDP, lạm phát, cung, cầu,…Con số dự báo GDP được đưa ra từ đầu năm và
được cập nhật, điều chỉnh thường xuyên theo từng tháng. Phần mềm hỗ trợ phân
tích và dự báo là EVIEW và Excel. Chuỗi số liệu dùng để phân tích và dự báo là từ
năm 1970 đến năm 2008.
Tại Singapore, các Tập đoàn, các Doanh nghiệp lớn và các chuyên gia kinh
tế độc lập cũng có các dự báo, nhưng khi có những dự báo và cảnh báo khác nhau
thì Vụ chiến lược và Kinh tế thuộc Bộ Công Thương - với tư cách là–cơ quan chính
thống được Chính phủ Singapore giao nhiệm vụ giúp Chính phủ trong công tác dự
báo và cảnh báo sớm sẽ phối hợp với Uỷ ban giám sát của Chính phủ tổ chức các
cuộc thảo luận với các tổ chức và cá nhân có dự báo khác để đi đến thống nhất và
trình Chính phủ các dự báo và cảnh báo chính thức.
2. Về công tác thu thập dữ liệu và CSDL:
Các Cơ quan nghiên cứu, chuyên gia kinh tế, các nhà phân tích chính sách
lấy dữ liệu từ Cục quản lý dữ liệu và các nguồn tham khảo khác như ADB, WB,
IMF, EIU, SIA, WTS,…Trừ một số rất ít dữ liệu chuyên ngành thì phải mua theo
đơn đặt hàng của các cơ quan có độc quyền về một số CSDL. Ngoài ra, họ còn
tham khảo số liệu, dữ liệu từ các nhà phân tích độc lập. Thu thập các thông tin dữ
liệu về tình hình kinh tế của Mỹ, Trung Quốc, ASEAN, những nước có ảnh hưởng
trực tiếp đến kinh tế Singapore để đưa ra cảnh báo kinh tế cho chính phủ.
B. TẠI MALAYSIA
1. Về công tác phân tích, dự báo và cảnh báo sớm kinh tế vĩ mô:
Tại Malaysia, cơ quan chịu trách nhiệm chính về mô hình kinh tế vĩ mô và
dự báo là Vụ Kinh tế vĩ mô thuộc Uỷ ban Kế hoạch - Kinh tế của Văn– phòng Thủ
tướng. Vụ này chịu trách nhiệm dự báo trung hạn (5 năm, hàng năm), dài hạn (20
năm) và mô phỏng chính sách. Sử dụng mô hình dự báo và cảnh báo là công cụ và
các biến ngoại sinh khác nhau để phân tích kinh tế. Các mô hình để phân tích kinh


4


tế gồm: mô hình đầu vào đầu ra (theo cách tiếp cận kinh tế lượng), mô hình cân
bằng tổng thể kết hợp với mô hình đầu vào đầu ra và hạch toán tài khoản Quốc gia
để phục vụ mô phỏng chính sách (theo cách tiếp cận hạch toán và kế toán), mô hình
gồm 460 phương trình tổng cầu,… Chuỗi số liệu dùng để phân tích và dự báo là từ
năm 1970 đến năm 2008. Số liệu gốc điều chỉnh theo từng thời kỳ gốc 1970, 1998,
2005. Phần mềm hỗ trợ phân tích và dự báo là EVIEW và Excel.
Bộ Tài chính bao gồm các Vụ khác nhau như: Vụ kinh tế quốc tế, Vụ ngân
sách, Vụ Quản lý nợ, Vụ tài khoá, Ngân hàng Trung ương - Bank Negara
Malaysia, chịu trách nhiệm về dự báo ngắn hạn về chính sách tài khoá, ngân sách,
quản lý nợ, tiền tệ và giám sát tài chính.
Tổng cục thống kê Malaysia thuộc Văn phòng Thủ tướng chịu trách nhiệm
về Cơ sở dữ liệu Quốc gia. Nhiệm vụ và trách nhiệm của các Vụ khác nhau trong
Tổng cục được quy định như sau:
- Vụ các chỉ số Kinh tế chịu trách nhiệm tổng hợp và phân tích các chỉ số
kinh tế vĩ mô ngắn hạn của Malaysia (Chỉ số dẫn dắt, chỉ số ngẫu nhiên và chỉ số
trễ);
- Vụ Thống kê sản xuất Công nghiệp và Xây dựng chịu trách nhiệm tổng hợp
và tính toán Chỉ số sản xuất công nghiệp;
- Vụ Thống kê ngoại thương chịu trách nhiệm tổng hợp và tính toán chỉ tiêu
Thống kê ngoại thương hàng tháng;
- Vụ Thống kê giá, thu nhập và chi tiêu chịu trách nhiệm thu thập và tính
toán Chỉ số giá tiêu dùng và điều tra doanh nghiệp;
- Vụ Thống kê tài khoản Quốc gia chịu trách nhiệm tổng hợp và tính toán chỉ
tiêu Tổng sản phẩm quốc nội hàng quý (Ở Malaysia Chính phủ không tính toán và
sử dụng chỉ tiêu GDP hàng tháng trong công tác dự báo như ở Việt Nam, mà hàng
tháng chỉ sử dụng các chỉ tiêu mang tính định tính và chỉ tiêu CPI để phản ánh tình
hình phát triển và dự báo xu thể của nền kinh tế trong tháng tiếp theo;


5


- Vụ điều phối số liệu của Tổng cục Thống kê chịu trách nhiệm xây dựng
CSDL doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV).
2. Về công tác thu thập dữ liệu và CSDL:
Ở Malaysia, tất cả các đơn vị có liên quan đến số liệu phục vụ công tác
Thông tin, Dự báo và Cảnh báo kinh tế vĩ mô tuy nằm ở các Bộ và cơ quan khác
nhau song phải tuân thủ nghiêm ngặt chế độ báo cáo và cung cấp số liệu một cách
minh bạch, công khai mà Luật Thống kê của Malaysia quy định.
Luật Thống kê của Malaysia quy định các Bộ Ngành và Doanh nghiệp khi
kết thúc tháng, Quý và Năm phải thường xuyên cập nhật, tổng hợp và tự động gửi
báo cáo thống kê cho Tổng cục Thống kê để Tổng Cục Thống kê tổng hợp và cung
cấp cho các cơ quan làm nhiệm vụ dự báo kinh tế vĩ mô như: Viện Phát triển kinh
tế, Vụ kinh tế vĩ mô thuộc Uỷ ban Kế hoạch - Kinh tế Malaysia và công bố công
khai trên các phương tiện thông tin (chủ yếu là trên cổng thông tin điện tử) và các
ấn phẩm. Tổng cục Thống kê Malaysia là cơ quan pháp lý duy nhất về công bố các
số liệu thống kê. Việc công bố số liệu thống kê của Malaysia được thực hiện theo
quy định của của Cơ quan Thống kê Liên hợp quốc là: đối với số liệu thống kê
tháng, Tổng cục Thông kê phải công bố chậm nhất từ 2 đến 4 tuần của tháng Tham
chiếu; Đối với số liệu thống kê Quý, phải công bố chậm nhất từ 4 đến 8 tuần của
Quý tham chiếu; Đối với số liệu thống kê năm, phải công bố chậm nhất là đầu Quý
II của năm sau.
Ngoài ra, theo chỉ đạo của Thủ tướng Malaysia, để bảo đảm các cơ quan có
liên quan chấp hành nghiêm về việc cung cấp số liệu phuc vụ công tác nghiên cứu
Thông tin, Dự báo và Cảnh báo kinh tế vĩ mô, các cơ quan có liên quan như: Bộ Tài
chính, Uỷ ban Kế hoạch - Kinh tế, Ngân hàng Trung ương, Tổng cục Thống kê…
đã ký kết một văn bản (tương tự Thông tư liên Bộ ở nước ta) để cụ thể hoá và
hướng dẫn về việc thu thập, chia sẻ số liệu và quy trình gửi báo cáo cho các cơ

quan liên quan. Vì vậy số liệu và lưu trữ số liệu tại Tổng cục Thống kê là thuận lợi,
số liệu chuẩn xác và bảo đảm độ tin cậy cao. Theo số liệu thống kê thì 80-90% dữ
liệu dùng để phân tích kinh tế được lấy từ cơ quan Thống kê, khoảng 10 đến 20%
còn lại được lấy từ các cơ quan khác như: lao động xã hội, y tế, nhà ở … Chủ yếu là
6


dữ liệu trực tuyến. Ngoài ra để có số liệu phục vụ công tác Dự báo và Cảnh báo
kinh tế vĩ mô, các cơ quan làm nhiệm vụ dự báo như: Viện Phát triển kinh tế; Vụ
kinh tế vĩ mô thuộc Uỷ ban Kế hoạch - Kinh tế Malays–a còn mua các dữ liệu từ
các nguồn quốc tế khác như: ADB, WB, IMF, EIU, SIA, WTS,…
Riêng về Khu vực Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Malaysia đã có bước
thay đổi căn bản. Từ năm 1997 về trước, tăng trưởng kinh tế của Malaysia hàng
năm chủ yếu dựa vào đầu tư nước ngoài là chính (FDI), vì Malaysa có rất ít tài
nguyên (Nông nghiệp chỉ có cây cọ dầu, cao su và rau quả, không có lúa gạo và các
cây nông nghiệp khác; Công nghiệp chỉ có ngành khai thác Thiếc và đá quý (đá
Đen). Vì vậy, hàng năm Chính phủ Malaysia ra sức đẩy mạnh các hoạt động xúc
tiến đầu tư, cử các đoàn ngược xuôi hối hả đi đến các nước để vận động đầu tư vào
Malaysia và tìm kiếm thị trường xuất khẩu. Kết quả là những năm đó kinh tế
Malaysia phát trển với tốc độ cao trên 7% liên tục trong nhiều năm. Đến năm 1997,
khủng hoảng kinh tế ở khu vực châu Á nổ ra, Malaysia là một trong những nước
chịu ảnh hưởng nghiêm trọng đầu tiên, sản xuất đình đốn, thua lỗ, các nhà đầu tư
nước ngoài rút đi, mang theo cả những luồng vốn đầu tư gián tiếp và trực tiếp. Hậu
quả là Kinh tế Malaysia suy thoái nghiêm trọng, nợ nần chồng chất, đồng nội tệ bị
mất giá ghê gớm, khan hiếm ngoại tệ, lạm phát tăng cao, Thị trường chứng khoán
suy thoái, sụt giảm hơn 70%, nhiều doanh nghiệp bị phá sản, đời sống nhân dân gặp
khó khăn, tỷ lệ đói nghèo tăng lên…
Từ sau cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á 1997, Chính phủ Malaysia đã
tỉnh ngộ và nhận thức được vấn đề là: để phát triển mạnh nền kinh tế Malaysia phải
dựa vào nguồn lực trong nước (nội lực) là chính, chứ không thể chỉ dựa vào đầu tư

nước ngoài (FDI). Đầu tư nước ngoài chỉ có thể xem là nguồn bổ sung, hoặc nguồn
bù lấp những thiếu hụt mà trong nước chưa đáp ứng được ngay để phát triển kinh
tế. (có thời kỳ Malaysia lấy kết quả của việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài làm
thước đo đánh giá sự thành công của chính sách phát triển kinh tế. Chính điều này
đã làm mất cơ hội của các Doanh nghiệp và các nhà đầu tu trong nước, đẩy nhiều
doanh nghiệp đặc biệt là các DNNVV vào các tình huống khó khăn và đi đến phá
sản).

7


Từ chuyển biến nhận thức trên, từ sau năm 1997, Chính phủ Malaysia đã
chuyển trọng tâm sang ban hành và thực thi các chính sách hỗ trợ và thúc đẩy phát
triển của các DNNVV. Coi đây là động lực chính để phát triển kinh tế Malaysia
(bao gốm các chính sách ưu tiên, giảm thuế và các hoạt động hỗ trợ cho DNNVV).
Để phục vụ công tác dự báo cho khu vực DNNVV, Tháng 4/2004 Chính phủ
thành lập Hội đồng cấp Quốc gia xây dựng CSDL toàn diện về DNVVN. Từ tháng
1/2005-12/2006 Cục điều tra về DNVVN đã tiến hành điều tra cơ bản về DNNVV.
Với tổng số là 1 triệu bảy trăm phiếu điều tra phát ra và tổng số phiếu các doanh
nghiệp phản hồi là: 554, 804 DN. Từ tháng 5/2006-10/2007 là giai đoạn thu thập dữ
liệu toàn diện về DNNVV. Cục điều tra DNNVV lưu trữ toàn bộ các hồ sơ, thông
tin về khu vực này. Còn CSDL tổng hợp do các cơ quan khác xây dựng và cập nhật.
Ban điều phối số liệu Tổng cục Thống kê chịu trách nhiệm xây dựng CSDL
DNNVV. Dữ liệu được lấy từ Cục điều tra DNNVV và các cơ quan có liên quan
khác. Hiện tại Malaysia đang tiến hành dự án bao gồm 02 giai đoạn để xây dựng
CSDL về DNNVV. Giai đoạn 1: cập nhật các dữ liệu của các cơ quan có liên quan,
giai đoạn 2: Cập nhật tự động, lồng ghép phù hợp 02 hệ thống của cơ quan thống kê
với các cơ quan liên quan để thành lập hệ thống dữ liệu Quốc gia về DNNVV.
5. BÀI HỌC KINH NGHIỆM:
1. Về phát triển kinh tế- xã hội nói chung:

- Xây dựng chỉ tiêu, chính sách phát triển kinh tế-xã hội cho riêng mình
- Lập kế hoạch dựa trên cơ sở kinh tế-xã hội của riêng mình.
- Sự ổn định chính trị có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã
hội
- Thực hiện các chương trình phát triển kinh tế-xã hội dựa trên hành động
quyết liệt của chính phủ: xoá nghèo, tạo thu nhập.
- Nỗ lực của của chính phủ trong việc cung cấp cơ sở hạ tầng cứng và mềm
đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế-xã hội.

8


- Khu vực Kinh tế tư nhân và DNNVV đóng vai trò quan trọng trong việc
phát triển kinh tế của đât nước.
- Thực hiện sự cam kết bền vững giữa cộng đồng, chính phủ và tư nhân, giũa
các công ty và các vùng, miền cho sự phát triển giữa các khu vực, giữa các dự án
kinh tế, xã hội, an ninh nhằm đảm bảo sự phát triển cân bằng.
- Thu hẹp khoảng cách vùng thực hiện thông qua các chương trình phát triển
vùng, hành lang phát triển vùng và chương trình tổng hợp nói chung.
2. Về công tác phân tích, dự báo và cảnh báo sớm kinh tế vĩ mô:
Cả hai nước nói trên đều áp dụng cách tiếp cận đa cơ quan trong vấn đề phân
tích, dự báo và cảnh báo sớm kinh tế vĩ mô. Trong đó, mỗi nước đều có một đơn vị
chịu trách nhiệm chính trong việc đưa ra các con số dự báo kinh tế (ở Singapore là
Cơ quan dự báo thuộc Bộ Công thương; Tai Malaysia là Vụ Kinh tế vĩ mô thuộc
Uỷ ban Kế hoạch - Kinh tế). Các cơ quan này đều sử dụng các mô hình kinh tế
lượng và hệ thống các cơ sở dữ liệu để tính toán và đưa ra các dự báo giúp Chính
phủ điều hành nền kinh tế. Tuy nhiên, khi có sự khác nhau giữa các cơ quan hay
các chuyên gia độc lập về con số dự báo thì cơ quan Giám sát của Chính phủ sẽ
triệu tập một cuộc họp giữa các cơ quan và cá nhân liên quan để tìm cơ sở và đi đến
sự thống nhất về con số dự báo để trình lên Chính phủ. Chính phủ và các cơ quan

chính phủ sử dụng kết quả dự báo này để điều hành vĩ mô.
3. Về công tác thu thập dữ liệu và CSDL:
Cả hai nước nói trên đều không gặp trở ngại khó khăn gì trong việc thu thập
số liệu, dữ liệu cho phân tích và dự báo. Việc cập nhật và thu thập dữ liệu chủ yếu
được thực hiện theo luật thống kê và Tổng Cục thống kê là nơi tập trung số liệu
theo phương thức trực tuyến. Những đơn vị có liên quan đến vấn đề dự báo kinh tế
vĩ mô đều công bố các kết quả của mình trên các website của mình và trên mạng
Internet, do vậy số liệu và dữ liệu là minh bạch và công khai. Số liệu chuỗi dùng để
phân tích và dự báo được xây dựng từ năm 1970 đến nay. Các số liệu này thường
được cập nhật tự động bởi các đơn vị, cơ quan theo chức năng riêng của mình.

9


4. Về bài học ứng phó với khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 của
Malaysia
Biện pháp ngắn hạn:
- Hạn chế tình trạng quốc tế hoá đồng nội địa (RM) tránh đầu cơ.
- Ngăn chặn được dòng vốn ngắn hạn đỏ ra bên ngoài (sự tháo chạy cuả các
nhà đầu tư nước ngoài).
- Ngăn chặn nạn đầu cơ hàng hoá, gây khan hiếm để đẩy giá lên cao kiếm lời.
- Tạo lãi suất phù hợp, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi.
- Tự chủ tiền tệ, hạn chế lượng đồng tiền nội địa (RM) đổ ra biên giới, giảm
sự lên xuống của tỷ giá hối đoái.
- Thành lập Công ty mua bán nợ xấu của các Doanh nghiệp, quản lý vốn nợ
xấu cho các ngân hàng, để các ngân hàng tiếp tục cho các doanh nghiệp vay vốn để
phát triển sản xuất, ổn định sản xuất trở lại và tạo điều kiện thu hồi vốn cho ngân
hàng.
- Thành lập Quỹ đặc biệt hỗ trợ các Doanh nghiệp nhỏ và vừa.
- Cơ cấu lại các Ngân hàng, giảm từ 71 xuống còn 7 tổ chức Ngân hàng.

Biện pháp dài hạn:
- Quy hoạch tổng thể ngành ngân hàng nhằm xây dựng hệ thống ngân hàng
có hiệu quả cạnh tranh và có năng lực mới ứng phó với những tình huống gây sốc
(bất thường) trong tương lai;
- Quy hoạch tổng thể về thị trường vốn.
- Biện pháp quan trọng nhất: Quyền lực của chính phủ và những cam kết
thực hiện kiên quyết cũng như tốc độ mau lẹ, kịp thời và cường độ thực hiện của
chính phủ.

10


6. MỘT SỐ ĐỀ XUẤT:
Học tập kinh nghiệm từ các nước bạn về công tác Thông tin, Dự báo và Cảnh
báo sớm kinh tế vĩ mô, để đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác Dự báo, cảnh
báo, đề nghị:
1- Vấn đề cơ bản có tính chất quyết định đến chất lượng của công tác Dự
báo, cảnh báo sớm về Kinh tế-Xã hội chính là các cơ sở dữ liệu và các thông tin đầu
vào. Hiện nay cơ sở dữ liệu và các thông tin đầu vào phục vụ công tác Dự báo và
Cảnh báo sớm còn rất thiếu và khập khiễng, thông tin bị cát cứ từ nhiều các cơ quan
khác nhau. Vì vậy để từng bước nâng cao chất lượng công tác Dự báo và Cảnh báo
sớm, Chính phủ cần ban hành một văn bản quy định và bắt buộc các cơ quan như
Thống kê, Tài chính, Ngân hàng, Hải quan, Công thương và các Tập đoàn, các
Tổng công ty lớn phải có trách nhiệm cung cấp và chia sẻ thông tin với các cơ quan
làm nhiện vụ Dự báo và cảnh báo sớm. Đồng thời xây dựng quy chế lưu trữ, sử
dụng thông tin số liệu giữa các bên có liên quan dùng để phân tích và dự báo kinh
tế.
2- Việc nghiên cứu, phân tích để dưa ra các dự báo phục vụ hoạt động và
phát triển của các ngành, các lĩnh vực thì có thể do nhiều tổ chức hoặc cá nhân tiến
hành. Song việc nghiên cứu, phân tích để đưa ra các Dự báo, cảnh báo sớm tham

mưu cho Chính phủ điều hành nền kinh tế thì Chính phủ chỉ nên giao cho một tổ
chức có thẩm quyền công bố các thông tin Dự báo và Cảnh báo (hiện nay là Bộ Kế
hoạch và Đầu tư). Khi có ý kiến khác nhau về vấn đề Dự báo và Cảnh báo thì Uỷ
ban Giám sát của Chính phủ phối hợp với Bộ kế hoạch và Đầu tư tổ chức các cuộc
họp với các bên liên quan để tìm tiếng nói chung và đi đến một phương án thống
nhất trình Chính phủ.
3- Minh bạch hoá số liệu. Hiện nay hầu hết các cơ quan tổng hợp, các Bộ,
Ngành, Tập đoàn, tổng công ty…gọi chung là các cơ quan nắm giữ số liệu và cơ sở
dữ liệu nhưng không sẵn sàng cung cấp và chia sẻ với các cơ quan là nghiệm vụ
nghiên cứu, phân tích để đưa ra Dự báo và cảnh báo kinh tế vĩ mô giúp Chính phủ
điều hành tốt nền kinh tế, với lý do là bí mật nhà nước hoặc bí mật kinh
doanh…Nếu vẫn cách hành xử và cát cứ thông tin như hiện nay thì hàng chục năm
11


nữa nước ta cũng không thể nâng cao được chất lượng của công tác dự báo và cảnh
báo sớm để phục vụ việc điều hành Kinh tế - Xã hội của Chính phủ. Và như vậy
nền kinh tế sẽ luôn gặp phải những rủi ro và thiệt hại hàng năm sẽ vô cùng lớn.
4- Đầu tư cho công tác Dự báo và Cảnh báo sớm kinh tế vĩ mô là dạng đầu tư
đặc biệt. Ngày nay nước nào cũng phải đầu tư rất lớn các nguồn lực để xây dựng
một tổ chức chuyên làm công tác dự báo và cảnh báo sớm, những nước triển khai
muộn nhất cũng khoảng 20 năm nay. Hàng năm các nước đều tập trung đầu tư rất
nhiều ngân sách, phương tiện vật chất, tập trung nguồn lực con người cho công tác
dự báo, cảnh báo sớm. Những khoản đầu tư này dù có lớn bao nhiêu thì cũng là rất
nhỏ so với những thiệt hại của đất nước khi không đầu tư cho công tác dự báo, cảnh
báo để nền kinh tế gặp phải những rủi ro.Và sẽ càng nhỏ hơn so với lợi ích mang lại
khi công tác dự báo, cảnh báo tốt giúp nền kinh tế tránh được những sự đổ vỡ, thiệt
hại khi có rủi ro, hoặc giúp cho nền kinh tế chớp được cơ hội để phát triển đi lên. Ở
Singapore và Malaysia chỉ riêng việc các cơ quan dự báo và cảnh báo sớm của hai
nước này đã báo trước được 9 tháng cho Chính phủ của họ về cuộc khủng hoảng tài

chính tiền tệ ở Mỹ và khả năng ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng này đối với nước
họ. Với dự báo trước như vậy Chính phủ Singapore và Malaysia có đủ thời gian để
chuẩn bị những đối sách thích hợp, chính vì vậy mà nền kinh tế của Singapore và
Malaysia đã tránh được những khó khăn do khủng hoảng gây ra, nói cách khác là
do có các giải pháp phòng tránh nên ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu
đối với Singapore và Malaysia là không đáng kể, rất mờ nhạt.
5- Tất cả các nước đều sử dụng Ngân sách của Chính phủ để đầu tư cho công
tác dự báo và cảnh báo sớm. Khoản ngân sách này chính là phần đóng thuế của các
doanh nghiệp và công dân. Vì vậy các thông tin dự báo, cảnh báo và các cơ sở dữ
liệu được xem là tài nguyên quốc gia, hay tài sản công. Do vậy mọi tổ chức, doanh
nghiệp và cá nhân đều được quyền tiếp cận và khai thác một cách miễn phí. Các cơ
quan có thông tin và cơ sở dữ liệu đều có nghĩa vụ cung cấp khi các tổ chức và
công dân có yâu cầu. Đồng thời các cơ quan có liên quan bắt buộc phải công bố các
kết quả dự báo trên các website và trên Internet.

12



×