Tải bản đầy đủ (.docx) (2 trang)

Số đỏ của vũ trọng phụng

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (63.48 KB, 2 trang )

Số Đỏ của Vũ Trọng Phụng - hài kịch tha hoá
Vũ Trọng Phụng gọi tác phẩm của mình là tiểu thuyết hoạt kê - lấy cái cười chĩa mũi dùi vào cái đáng cười của xã hội thượng lưu tư
sản, tấn hài kịch xã hội ấy cường điệu hoá nhưng lại chỉ rất đúng vào bản chất xã hội dâm và đểu, làm nên sự thăng tiến của một
thằng lưu manh một bước lên hàng danh giá: Xuân Tóc Đỏ. Bức chân dung độc nhất vô nhị trong văn học hiện thực Việt Nam đã
đưa Số Đỏ lên hàng một trong những tác phẩm có thể làm “vinh dự văn học của mọi thời đại” (ý Nguyễn Khải). Bản thân nhà văn
là người ý thức rất rõ về vai trò của tiểu thuyết trong tuyên ngôn của mình: Các ông muốn tiểu thuyết cứ là tiểu thuyết, còn tôi và
những người cùng chí hứơng với tôi muốn tiểu thuyết là sự thực ở đời. Bởi vậy Số Đỏ dù là một tiểu thuyết hoạt kê, nhưng về cốt
lõi vẫn là một sự thực được cảm nhận qua lăng kính của nhà văn, tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc điển hình hoá.

Vũ Trọng Phụng
Không gian trong tác phẩm có độ nén chặt và chỉ bằng vài ba nét miêu tả của nhà văn đã hiện ra một bối cảnh điển hình gắn với
loại người thượng lưu tư sản thành thị: sân quần – bót cảnh binh - nhà Phó Đoan - tiệm Âu hoá – nhà cụ cố Hồng – sân quần. Trên
nền không gian ấy là những nhân vật rối tự diễn vai trò của mình một cách xuất chúng: bà Phó Đoan – me Tây thủ tiết với hai đời
chồng có cậu Phước con cầu tự “em chã!”, ông bà Văn Minh với chủ trương Âu hoá quái đản, cụ cố Hồng với câu nói bất hủ “Biết
rồi! Khổ lắm! Nói mãi!”, và hàng loạt những phán mọc sừng, cô Tuyết tân thời, nhà chính trị bảo hoàng Joseph Thiết, đốc tờ Trực
Ngôn, sư ông tân thời Tăng Phú, nhà thiết kế thời trang Typn, những cảnh binh kiêm cua-rơ Min Đơ, Min Toa… tạo thành một
phông nhân vật châu tuần quanh nhân vật trung tâm Xuân Tóc Đỏ. Mặc dù, như có người nhận xét tư tưởng Vũ Trọng Phụng mang
màu sắc bi quan định mệnh, nhưng nhãn quan sắc bén của “ông vua phóng sự đất Bắc” đã giúp nhà văn chỉ ra những tính cách
không thể khác hơn trong bối cảnh không gian như vậy. Thời gian gắn với các sự kiện, biến cố liên tục trong đời thằng Xuân chỉ
vỏn vẹn 6 tháng, đem lại cho nó vinh quang tột đỉnh không phải do từ lá số của ông thầy bói mù, mà từ bản chất tinh ranh ma quái
của nó. Xuân Tóc đỏ đã tiến dần trên từng nấc thang danh vọng, từ thằng thành ông, từ vô học thành sinh viên trường thuốc, giáo
sư quần vợt và hài hước hơn cả là thành “cái hy vọng của Đông Dương”, “anh hùng cứu quốc”…

Không gian và thời gian trong Số Đỏ là một không gian dồn dập những sự kiện với tốc độ thay
đổi nhanh chóng, với hàng loạt những biến cố bất ngờ, tưởng chừng ngẫu nhiên nhưng có sự sắp
đặt rất hợp lô-gic của tác giả nên tất cả những yếu tố tình cờ kia lại được lý giải một cách hợp lý
từ sự hội ngộ của những nhân vật tương đồng về bản chất theo kiểu “ngưu tầm ngưu, mã tầm
mã”. Bắt đầu từ bước ngoặt đầu tiên, bà Phó Đoan me Tây dâm đãng bỏ tiền ra chuộc thằng
Xuân từ bót cảnh binh, thằng Xuân bắt đầu mon men ở ngưỡng cửa của những kẻ quyền quí, để
rồi nhanh chóng sau đó, nó đã long trọng tuyên bố vai trò của mình “kể từ hôm nay…tham dự
vào một phần cải cách xã hội…”. Cải cách xã hội – ngôn từ điêu trá ấy gắn với tiệm may Âu


hoá, để biến con gái nhà lành thành hư hỏng, với những cải cách đến tận nội y theo tinh thần của
ông Typn, phải làm sao đến lúc…không còn mặc gì mới thật là “văn minh, tiến bộ” (!). Vũ Trọng
Phụng đã dựa trên cơ sở nguyên mẫu đời sống, với những cải cách tân thời bấy giờ, những phong
trào bịp bợm của thực dân Pháp tạo ra với những khẩu hiệu rất kêu: Vui khoẻ trẻ trung, để đưa ra


những giai thanh gái lịch chỉ làm mỗi việc là chim nhau, cười tình với nhau, đưa nhau đi khách
sạn, có nhiệm vụ thiêng liêng là làm hư hỏng danh tiết con gái nhà lành! Thế giới thượng lưu
rởm đời ấy không phải không chứa đựng những mâu thuẫn, nhưng đó là loại mâu thuẫn tạo nên
tiếng cười chứ không phải là những xung đột mang tính chất bi kịch, đó cũng là nét đặc trưng
của tác phẩm.
Vũ Trọng Phụng đã tỏ rõ thiên tài của mình khi tạo nên những bức tranh hiện thực có tính dự báo
độc đáo, bằng ngòi bút cường điệu hoá nhưng lại tô đậm bản chất xã hội rõ hơn bao giờ hết. Điều
đó khiến tiếng cười của ông có giá trị cảnh báo và thức tỉnh. Bản thân thằng Xuân là một nhân
vật mặt nạ, không có quá trình mâu thuẫn bên trong. Tất cả các nhân vật của Số Đỏ đều không có
xung đột nội tâm, hay chính xác hơn là những biểu hiện nội tâm được ngoại hiện hoá, để tác giả
bóc trần bản chất nhân vật rõ ràng hơn. Cái giả trá, kệch cỡm, lố lăng cứ lồ lộ qua từng dòng văn
của Vũ Trọng Phụng: Bà Phó Đoan dù Nhật, ví da và chó bước xuống…Còn đây là chân dung
ông Văn Minh: Ông phân vân, vò đầu rứt tóc, lúc nào cũng đăm đăm chiêu chiêu, thành thử lại
thành ra hợp thời trang, vì mặt ông thật đúng cái mặt một người lúc gia đình đương là tang gia
bối rối…,còn rất nhiều những câu văn tương tự như vậy hàm chứa thái độ giễu nhại của nhà văn
với những quái thai của xã hội đương thời.
Hành trạng của thằng Xuân được diễn giải từ chỗ vô tình đến chỗ ý thức rõ về vị trí của nó trong
một xã hội luôn che đậy sự bẩn thỉu bằng vẻ hào nhoáng bên ngoài. Và cứ thế, nó bước dần lên
đỉnh cao danh vọng. Một sự thăng tiến rất hợp qui luật vì lẽ như chính nó từng tuyên bố trước cả
gia đình của cụ cố: “Tôi mà xấu thì cũng chả ai đẹp!”. Để rồi từ chỗ là một kẻ được tô trét đủ thứ
hư danh, nó đã biết lợi dụng hư danh ấy để thực hiện những mưu mô xảo quyệt đưa mình lên: bỏ
truyền đơn hãm hại đối phương, diễn thuyết như một nhà hùng biện trước công chúng, để vênh
váo và đắc thắng trong vai trò một anh hùng cứu quốc! Vũ Trọng Phụng là một nhà văn biết
cười, khi đặt tiếng cười đúng chỗ, điểm huyệt vào bọn người trưởng giả, vào cả một chế độ thực

dân phong kiến – nơi diễn ra đủ thứ trò ma mãnh, đủ kiểu rởm đời và là cội nguồn số đỏ cho
hạng người dâm và đểu. Vũ Trọng Phụng đã đề cập đến hầu hết những gì là thời thượng của xã
hội lúc bấy giờ bằng thái độ đối lập không khoan nhượng, bằng tiếng cười, ông xuyên thủng
những thành trì kiên cố nhất. Trong tác phẩm không tồn tại bi kịch, nhưng tính chất bi kịch của
xã hội đã gắn chặt với từng màn, từng lớp hài kịch, khi nhà văn gắn chặt từng tính cách với hoàn
cảnh cụ thể, đả phá vào từng xu hướng chính trị, văn nghệ, triết học, thể thao, văn hoá…đang là
xu hướng thịnh hành trong thời kỳ cải cách cải lương phù hợp xu thế Mặt trận Bình dân ở chính
quốc!
Nguyên tắc điển hình hoá đã tạo nên những chân dung đáng cười trong một xã hội đáng cười,
mang đến giá trị sâu sắc cho tác phẩm Số Đỏ. Có thể nói, Vũ Trọng Phụng đã kết hợp cái nhìn
sắc sảo, óc phân tích tỉnh táo của một cây bút phóng sự bậc thầy với niềm căm uất không nguôi
của một con người nghèo gia truyền với một xã hội chó đểu. Tài năng và nhiệt tình của nhà văn
đã làm nên một kiệt tác hiện thực trào phúng đặc sắc.



×