Tải bản đầy đủ (.docx) (5 trang)

THƠ TÌNH SAU 1975

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (93.7 KB, 5 trang )

THƠ TÌNH SAU 1975 –
SỰ TRỞ VỀ TÌNH YÊU MUÔN THUỞ ĐỜI THƯỜNG 15/12/2011

Tình yêu thuộc phạm trù vĩnh cửu. Con người còn tồn tại là tình yêu còn hiện
hữu. Song, ở mỗi giai đoạn lịch sử, tình yêu lại có những điểm đặc thù. Thơ tình yêu ở
mỗi chặng đường văn học cũng có diện mạo riêng của mình. Trong văn học trung đại,
dưới sự kiềm tỏa của lễ giáo phong kiến, ta thấy hầu như chỉ xuất hiện kiểu tình yêu
khô xác - chưa phải là tình yêu đích thực. Đến phong trào thơ mới, với ảnh hưởng của
văn hóa phương Tây, quan niệm về tình yêu trần tục ra đời. Thậm chí, trên những
trang thơ của Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương,… ta còn bắt
gặp cả kiểu tình yêu nhục thể. Song cho dù được xem là quan niệm tình yêu mới mẻ,
ít nhiều đã mang “sức ấm nóng của cuộc đời”, đã có “niềm vui trần thế” so với trước
kia, và cho dù nó đã trở thành “đề tài quan trọng vào bậc nhất, góp phần tạo cho thơ
mới một diện mạo riêng độc đáo” (1) thì đó cũng chỉ là chứng tích yêu đương của một
“thế hệ tìm thấy ở tình yêu những điều to lớn hơn bản thân nó, xem nó là cứu cánh,
phương tiện, sự hưởng lạc, nơi trú ẩn tâm hồn” (2). Thơ ca Cách mạng 1945 - 1975 lại
là nền thơ phục vụ chính trị, nền thơ “tiên phong chống đế quốc”, người cầm bút làm
thơ giai đoạn này cảm nhận khi đứng riêng tây ta thấy mình xấu hổ (Chế Lan Viên),
nên họ gạt phăng hết những tình riêng nhỏ nhặt (Tố Hữu)... Do đó, dù là thi đề muôn
thưở thì mảng thơ này cũng chỉ chiếm một vị trí hết sức khiêm nhường. Không nhiều
về số lượng, cũng không đủ đa dạng về các dạng thức hay cung bậc cảm xúc, đa phần
thơ tình giai đoạn này chỉ dừng lại khai thác những cảnh ngộ chia ly, xa cách, sự
chung thủy đợi chờ… Ngay cả tâm lý con người trong giờ phút chia ly cũng được thể
hiện trong sự khác thường: không có sự mềm yếu, ít có nước mắt, ít tìm thấy được nỗi
đau. Đó là tiếng lòng của cả một thời đại sống với tinh thần khi tổ quốc cần họ biết
sống xa nhau, chia ly với họ là để cho ngày hội ngộ, cho ngày mai chiến thắng,
nênnước mắt chỉ dành cho ngày gặp mặt, nên lời nhắn nhủ, gởi gắm không phải
làthuyền về có nhớ bến chăng mà là nhớ nhau chân cứng đá mềm em nhé. Và do đó,
phần lớn các cuộc chia ly ở đây lại chói ngời sắc đỏ (Cuộc chia ly màu đỏ - Nguyễn
Mỹ) hay tràn ngập sắc xanh (Nhành lá bên đường - Nguyễn Trọng Định) đầy lạc
quan, tin tưởng. Cái nỗi nhớ của đôi lứa yêu nhau trong xa cách vốn được đo bằng


thời gian tâm lý giờ đây cũng không tồn tại. Với người ở lại, nỗi nhớ đan vào công
việc kháng chiến (Thăm lúa, Bóng cây Kơ nia), với người đi, nó là động lực, là sức
mạnh tiềm ẩn phía sau, là tất cả những gì làm nên hậu phương vững chắc. Có thể nói,
những bài thơ tình giai đoạn này ít nhiều giúp ta hiểu sâu sắc hơn tâm hồn của con
người Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến. Song, nếu tình yêu trong thơ mới giàu
chất mơ hơn chất thực cuộc đời thì tình yêu trong thơ ca giai đoạn này cũng thuộc về
kiểu tình yêu mang lý tưởng xã hội cao cả, chưa thật sự được là chính nó...


Bước vào khu vườn tình yêu trong thơ ca 1975-2000 ta thấy diện mạo của nó hết
sức phong phú, đa dạng. Gần như bao nhiêu cách nghĩ, cách yêu, bao nhiêu dạng vẻ
tình yêu trong cuộc đời đều được thể hiện trong thơ. Này là lối ỡm ờ tình tang ta
thường gặp: Quán cơm Âm phủ còn không - Cô gì hôm ấy… lấy chồng hay chưa?
(Hỏi thăm - Nguyễn Duy). Đây là cách tỏ bày suồng sã ở vỉa hè đường phố: Hà Nội
băm sáu phố phường - Ngó môi em hết nhớ đường vào Nam (Con gái ba miền - Bùi
Chí Vinh), Cô gái ơi anh nhớ em - Như con nít nhớ ca rem ấy mà (Thiếu nữ - Bùi Chí
Vinh). Còn đây là thứ tình yêu có thể xem là mù quáng: Yêu em tin cả vu vơ đất trời Tin rằng tình bạc như vôi - Thành quy luật vẫn chừa đôi lứa mình (Thưa em - Hồ Việt
Khuê), Yêu là yêu đâu biết đi về đâu… (Yêu - Nguyễn Duy). Trong tình yêu có những
người luôn hiểu mình, hiểu người để thông cảm cho nhau, để có cách ứng xử đẹp
(Những phút xao lòng - Thuận Hữu) nhưng cũng không hiếm sự buông tuồng, bỗ bã
thiếu tế nhị làm đau lòng người (Một thời - Hiền Phương). Có những suy nghĩ về tình
yêu giản đơn (Muốn em là - Thương Huyền), bên cạnh những suy tư thật sâu lắng:Lẽ
nào em buộc cánh anh - Buộc cánh anh cũng chẳng thành tình yêu (Lý Phương Liên).
Có những tình yêu sóng đôi hạnh phúc, nhưng không hiếm tình ngang trái bẽ
bàng: Thừa em ở phía đời anh - Thiếu em ở phía đời dành cho em(Lệ Thu). Cũng thế,
tồn tại bên kiểu tình yêu vị kỷ là thứ tình yêu được bảo bọc trong tình thương, lòng
nhân hậu (Bao giờ - Song Hảo, Khi nào thấy - Xuân Hoàng;…). Và có không ít tình
yêu đậm sắc màu nhục dục của những người từng trải (thơ tình của Hoàng Cầm,
Hoàng Hưng, Lê Đạt, Nguyễn Thụy Kha,…) nhưng cũng có rất nhiều những rung
động đầu đời thật nhẹ nhàng trong sáng của tuổi học trò (thơ tình của Đỗ Trung Quân,

Hoàng Nhuận Cầm, Nguyễn Nhật Ánh, Mường Mán,...). Có kiểu tình yêu hiện
đại: Yêu một giây… yêu một giờ… yêu một tháng(Vĩnh Quang Lê), xem tình yêu là trò
chơi: Vui chỉ đủ buồn và nhớ để vừa quên(Nguyễn Hoàng Sơn) nhưng cũng có tình
yêu của kẻ ngu ngơ cứ đeo đuổi mãi giấc mộng đầu để rồi: Trăng vàng đêm ấy bờ đê Có người ngồi gỡ lời thề cỏ may(Lời thề cỏ may - Phạm Công Trứ).
Khi tình yêu đã được cất lên bằng tiếng nói của người trong cuộc, mỗi người
một cách nghĩ, một cách yêu, một tình yêu của riêng mình, khu vườn tình yêu trong
thơ ca 1975-2000 thật sự đa cung bậc, đa dạng vẻ.
Tình yêu trong thơ trước 1975 không phải không có yếu tố đời thường, song đời thường
hiểu theo nghĩa là “cái có mặt ở khắp mọi nơi, cái ai cũng quen thuộc, cái của số đông và do đó
dễ bị mờ khuất, bỏ qua” (3) thì thật sự thơ tình từ 1975 về sau mới có nhiều. Đi vào thế giới tình
yêu của thơ ca giai đoạn này, ta thấy hạnh phúc giờ đã không còn là những gì xa vời, khó nắm
bắt. Một làn hương bồ kết, lá sả, vỏ cam mỗi khi em gội đầu cũng làm Hoàng Minh Châu xao
xuyến (Hương trên mái tóc), những tiếng cằn nhằn, kêu mưa trách nắng của người bạn đời cũng
gợi nên cảm xúc sâu lắng trong thể hiện tình yêu ở Khương Hữu Dụng (Nhớ), một bàn tay luôn
đỏ lên vì giặt giũ cũng làm xúc động nghe ấm áp lòng người bởi những chăm chút yêu thương
(Và anh tồn tại - Lưu Quang Vũ). Ngay đến một con đường, ngọn cỏ, chiếc lá,… cũng có thể trở
thành chứng tích tình yêu, nằm trong liên tưởng tình yêu (Quá khứ chân thành - Trần Kim
Hoa, Như lá - Lâm Thị Mỹ Dạ),… Đứng giữa đời thường nên nhân vật trữ tình trong thơ tình


yêu hôm nay phần nhiều đã không còn mơ ước réo gọi những tình yêu viển vông, mơ mộng.
Người tình giờ đây không còn bao bọc trong ánh hào quang mà được lồng trong cuộc sống
thường nhật (Có em là có bao người - Nguyễn Trung Thu, Lửa chiều - Đoàn Thị Lam Luyến),
… Đó là những con người cụ thể để họ tìm về khi gặp gian truân (Ấm nồng - Đỗ Thị Thanh
Bình, Mái phố - Xuân Quỳnh). Là con người cụ thể bằng xương bằng thịt nên không tránh khỏi
những khuyết điểm (Tan vỡ - Dư Thị Hoàn), nên cũng đầy sự khác biệt (Khác nhau - Nguyễn
Thị Hồng Ngát). Và do đó đòi hỏi một sự hoàn hảo, một sự viên mãn trong tình yêu là điều
không thể: Nếu anh cũng như em - Đòi nhau sự viên mãn - Thì điểm gặp nhau của chúng ta Còn thảm hại hơn hai hòn bi (Dư Thị Hoàn). Nếu người xưa cho rằng thuận vợ thuận chồng tát
biển đông cũng cạn thì những kẻ yêu nhau ngày nay cũng tin rằng: Có tình yêu thì sợ gì bão
giông (Nguyễn Thị Hồng Ngát), Cuộc đời bao nỗi gian truân - Có tình yêu để vững vàng bước

đi (Ý Nhi). Và do vậy, tình yêu không thể ví như que diêm lóe sáng một lần, một khoảnh khắc rồi
tàn lụi màtình yêu cần đi suốt cuộc đời (Diêm - Nguyễn Kim Anh).

Tình yêu đã được thể hiện rất sâu, rất phong phú trong thơ mới nhưng trừ
Nguyễn Bính, còn lại hầu như mọi người đều đem nó đối lập với hôn nhân. Vũ Hoàng
Chương xem việc đụng chạm xác thịt trong đêm tân hôn như bùn nhơ nơi hạ giới,
Nguyễn Nhược Pháp lại cho hôn nhân là dấu chấm hết của thơ. Hồ Dzếnh thì dặn dò
người yêu: Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé, vì tình mất vui khi đã vẹn câu thề. Họ
luôn đòi hỏi một tình yêu vô biên, tuyệt đích nhưng lại van lơn: Hãy là hoa xin hãy
khoan là trái (Xuân Hồng). Với cảm quan lãng mạn, thi nhân thơ mới cho rằng hôn
nhân sẽ giết chết tình yêu. Tình yêu hôm nay, ngược lại, xem hôn nhân là cái đích đến
cuối cùng của nó. Trong các tập thơ tình, số lượng bài viết về tình yêu sau hôn nhân
khá nhiều. Nguyễn Duy có cả mảng thơ viết về vợ được xem là đặc sản. Anh xem đó
là tình yêu lớn lao nhất, là cõi bình yên, cõi về của mình. Trong thơ Xuân Quỳnh, Lưu
Quang Vũ, Nguyễn Thị Hồng Ngát, Nguyễn Khoa Điềm, Hữu Thỉnh,… cũng thật ấm
áp thứ tình cảm này. Đến như Lam Luyến, một hồn thơ bạo liệt trong khát vọng yêu
đương cũng chỉ ao ước anhlà bếp lửa chiều đời em, cũng chỉ muốn: Ngày hè nấu cho
anh bát canh rau - Ngày đông pha cho anh tách cà phê sữa - Em sẽ đẻ cho anh - một
đứa - rồi một đứa - Và cả hai chúng mình bồng bế chúng đi chơi - Em chỉ muốn là
người đàn bà của chính anh thôi (Chẳng thể là En xa). Với tác giả trẻ Vi Thùy Linh
thì đối tượng nhà thơ hướng đến với khát vọng đậm màu sắc bản năng ở đây vẫn là
chồng: Khỏa thân trong chăn - Thèm chồng - Thèm có chồng ở bên.Cũng vậy, trong
mơ ước tương lai của cô vẫn là mái gia đình hạnh phúc: Trong những chiêm bao
hoảng hốt tôi vẫn cố đi, chạy, bay mải miết, tìm chồng, anh cho tôi bình an và những
đứa bé của tình yêu (4).
Gắn tình yêu với hôn nhân nên Trương Nam Hương đã tỏ ra xót xa cho Thúy
Vân, người con gái phải làm vợ, làm mẹ mà không hề biết đến tình yêu là gì, trong khi
truyền thống trước đây chỉ xót thương cho Kiều: Lấy người yêu chị làm chồng - Đời
em thể thắt một vòng oan khiên… Kiều ơi em đợi kiếp nào để yêu (Tâm sự nàng
Thúy Vân).



Xem tình yêu là cơ sở của hôn nhân nên ý thức chắt chiu, vun đắp, gìn giữ tình
yêu được thể hiện rất đậm từ cách ứng xử chân thành (Anh đừng khen em - Lâm Thị
Mỹ Dạ), đến những yêu thương chăm chút cho chồng (Bàn tay em, Trời trở rét Xuân Quỳnh), mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu (Mẹ của anh - Xuân Quỳnh),... Và
khi đã cảm nhận ngày của đời thường thành ngày - ở - bên - emthì thơ còn đi vào khai
thác nhiều ở tâm trạng hẫng hụt, trống vắng khi người thân yêu gần gũi đi xa (Ngày
xa em - Nguyễn Bùi Vợi, Chiều chuyển gió - Lưu Quang Vũ, Thiếu em - Hồng
Quang). Ý thức hoàn thiện mình trong tình yêu để nuôi dưỡng tình yêu cũng được thể
hiện rất rõ trong thơ tình giai đoạn này. Những đòi hỏi của Mỹ Dạ thật đáng yêu: Hãy
chỉ cho em cái kém - Để em nên người tốt lành - Hãy chỉ cho em cái xấu - Để em
chăm chút đời anh. Và cả sự mong muốn như khác lạ này: Mong một ngày ở xa để
nhìn rõ nhau hơn - Mong một ngày ở xa để thấy mình riêng biệt - Không có gì lẫn anh
- Không có gì chung với anh - Để hết lòng yêu anh - Em phải nhận ra chính
mình (Mong - Đỗ Bạch Mai). Lê Trung Nguyệt còn cho rằng cần chớp mắt nhìn nhau
- cho cái nhìn thay lá để còn giữ mãi được sự tươi nguyên từ hai phía vì tình cảm vợ
chồng vốn không còn sôi nổi như thuở ban đầu yêu nhau.
Đi vào khía cạnh tình yêu sau hôn nhân, thơ tình hôm nay còn đề cập cả những
nỗi mất mát sâu sắc của sự đổ vỡ. Từ một dự cảm anh đang mất em (Có một ngày Nguyễn Khoa Điềm) đến một sự thật anh đã mất em (Tình ca cho người ly hôn Nguyễn Duy). Thậm chí càng sâu sắc hơn với tứ thơ của Nguyễn Thị Kim Quy ở hai
lần đánh mất: Khi chia tay- Ta đã mất nhau rồi - Đâu có nghĩ lại còn lần mất nữa Lần mất sau nỗi đau hơn dao cứa - Em đánh mất mình - Anh vĩnh viễn mất em. Song
ở tất cả những bài thơ khai thác khía cạnh này đều có nét chung. Đó là: có đau đớn, có
chua xót nhưng trên tất cả vẫn là vẻ đẹp của sự cao thượng, chân thành ở người trong
cuộc, là sự chấp nhận đương đầu với sự thật: Mong bình yên, mong em được bình
yên (Vũ Duy Thông), Đừng quên chúc nhau tốt lành em nhé (Nguyễn Duy).
Có thể nói, trở về với tình yêu muôn thuở, hạnh phúc đời thường là một trong
những phương diện nội dung trữ tình nổi bật của thơ tình sau 1975. Và tất nhiên, trong
sự trở về để đi tiếp này trong thơ tình 1975 - 2000 có bóng dáng tình yêu trong ca dao,
thứ tình yêu chân thật, tự do, đậm chất phồn thực, có đầy đủ những dạng thức tình yêu
ở văn học trung đại, có tình yêu của thời thơ mới,… Nhưng trên hết vẫn là tình yêu
của con người hiện tại với đầy đủ những quan niệm, tư thế, thái độ, cung cách ứng xử

trong tình yêu của họ, những con người đang sống trong một hoàn cảnh xã hội, chính
trị, kinh tế, văn hóa cụ thể. Và, một khi đã về với đời thường, trở về với tình yêu
muôn thuở cũng có nghĩa là tình yêu không chỉ thuần cảm xúc mà yếu tố nhục thể,
bản năng cũng là thuộc tính của nó. Đây cũng là một đặc điểm nổi bật của thơ tình
1975 - 2000.
_______________


1. Hà Minh Đức, Một thời đại trong thơ ca - Về phong trào Thơ mới, Nxb KHXH, 1997, tr.102.
2. Đỗ Lai Thúy, Mắt thơ, Nxb VHTT, Hà Nội, 2000, tr.68.

3. Vũ Thị Kim Xuyến (Tuyển chọn), Thơ Xuân Quỳnh và những lôi bình, Nxb VHTT,
2000, tr.92.
4. Vi Thùy Linh, Dệt tầm gai chờ hạnh phúc, Đẹp 11-2003, tr.38-39.
Nguồn: Tạp chí VHNT số 330, tháng 12-2011



Tài liệu bạn tìm kiếm đã sẵn sàng tải về

Tải bản đầy đủ ngay
×