Tải bản đầy đủ (.docx) (6 trang)

Vi thuỳ linh dốc kiệt vốn liếng cho văn chương

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (242.62 KB, 6 trang )

Vi Thuỳ Linh dốc kiệt vốn liếng cho văn chương
17 năm trời liên tục cống hiến cho văn chương, nghệ thuật, Vi Thùy Linh (ViLi) dường như
chưa hề có dấu hiệu ngừng nghỉ. ViLi chia sẻ với độc giảVnExpress.net nhân dịp ra mắt hai cuốn
sách "ViLi & Paris", "ViLi tùy bút" và chuẩn bị đêm trình diễn văn chương đầu tiên ở Nhà hát
Lớn "Bay cùng ViLi".
- Hai cuốn sách mới bìa tím, giấy tím, chữ tím và một đêm trình diễn văn chương cũng sẽ nhiều
sắc tím. Vì sao chị lại thích màu tím đến vậy?
- Tôi rất mê màu tím, sau là đến màu xanh. Tôi thích màu tím bởi nó luôn gợi lãng mạn, chất thơ
và sự sang trọng mà lại không quá gay gắt và thu hút trực tiếp như màu đỏ. Và vì màu tím tràn
lan trên khắp nước Pháp - xứ sở mà tôi rất yêu. Tôi đã đi qua nhiều cánh đồng lavender ở Pháp
và mang cả những cành lavender khô về. Ở Việt Nam, người ta gán cho màu tím sự thuỷ chung,
tôi không nghĩ thế. Tôi thích màu tím vì sự mơ mộng và huyền diệu của nó, mà nghệ sĩ thì phải
biết nuôi lãng mạn chứ.
- Việc yêu thích màu tím có thể coi là một biểu hiện của yếu tố nữ tính trong con người và thơ
của chị?
- Tôi nghĩ là đàn bà tính thì đúng hơn. Đàn bà tính ở trong những biểu hiện sâu lắng và ước vọng
bình yên, chứ không phải đàn bà tính ở chỗ mất nhiều thời gian cho làm đẹp và chăm sóc bản
thân. Tôi hơi bạc đãi đối với tóc và da của mình, do ăn quá bữa và thức đêm liên tục suốt nửa
năm nay. Tôi không muốn dùng giới tính kiếm sự châm chước nào về nghệ thuật và sáng tạo. Tôi
nhớ ca sĩ Tấn Minh - bạn tôi - có lần nói, câu mà Tấn Minh tâm đắc nhất: Với nghệ sĩ, có thể tha
thứ cho tất cả, trừ tác phẩm.
- Vậy, yếu tố "đàn bà tính" đã thay đổi như thế nào từ Vi Thuỳ Linh của thời “Khát”, “Linh”,
“Đồng tử”… cho tới Linh của hiện tại với “ViLi & Paris”?
- Chỉ còn ít ngày nữa là tôi đến chương trình ước mơ “Bay cùng ViLi”. Hành trình của sự trưởng
thành ấy là cả một thời tuổi trẻ của tôi. Suốt từ 16 tuổi đến giờ, tôi đã lao động 17 năm liên tục.
Tôi đã tận tụy để duy trì đam mê nghệ thuật tựu thành tác phẩm. Khi làm việc, vận hành công
việc, tôi không làm việc như một phụ nữ, tôi làm việc như một nghệ sĩ.


Nhà thơ Vi Thuỳ Linh trước Nhà hát Lớn Hà Nội, sáng 24/11. Ảnh: Quang Trường.


- Trong thơ của Vi Thuỳ Linh thường thấy chị dùng các đại từ danh xưng là chính tên mình. Chị
muốn đề cao, tôn vinh cá nhân hay khẳng định điều gì khác?
- Tin rằng phong cách của mình đã đạt đến độ chín, nên tôi dùng tên mình làm tên 2 tác phẩm
cùng lúc - “ViLi & Paris” và “ViLi tuỳ bút”. Việc xuất hiện các danh từ mang tên, họ của mình là
bởi tôi luôn yêu trọng họ Vi. Tôi nghĩ, họ Vi của tôi là một trong những họ hay, ý nghĩa và dễ
phát âm nhất thế giới. Bản thân nó viết tắt là biểu tượng của chiến thắng (Victoria). Tôi mong
muốn chiến thắng bản thân mình.
Nó không phải dấu ấn cá nhân hay khuếch trương cái tôi mà ViLi là chủ thể trữ tình, là một
nguồn cảm hứng. Nhiều khi Vi còn có vai thứ ba là nàng. Nàng ấy, tôi thích gọi là nàng Vi, chứ
đâu phải nàng ấy là tôi.


- Thơ của chị đậm dấu ấn kỹ thuật, với cấu trúc đa tầng, nhiều lớp hình ảnh, từ vựng, dưới hình
thức biểu đạt của thơ tự do. Điều đó có thể khiến người đọc khó lòng tiếp nhận và thuộc. Chị
nghĩ sao?
- Tôi không viết một mặt phẳng. Tôi viết ba tầng. Độc giả phổ thông, thường chỉ đọc được một
tầng thôi. Người đọc tinh sành sẽ giải mã được tầng ẩn. Và tôi chỉ cần độc giả nhớ hình thôi,
không cần thuộc. Nhớ hình, nhớ một cảm giác. Như nhà văn Nguyễn Việt Hà nhiều lần nhắc tới
bài thơ Từ phía ngày nắng tắt của tôi, anh rất nhớ câu: “Khi anh đẩy em bằng mắt”. Anh cũng
nói tôi là nhà thơ Việt Nam viết về nụ hôn đẹp nhất: “Cài then tiếng khóc của em bằng đôi môi
Anh”. Đấy là câu tinh cốt nhất của bài Người dệt tầm gai (1998).
Mặc dù sử dụng nhiều kỹ thuật, tôi luôn muốn truyền toả sự cộng hưởng bằng tình cảm trong các
tác phẩm của mình.
- Nổi tiếng với thơ ca, điều gì khiến chị tự tin ở thể loại tùy bút trong "ViLi tuỳ bút”?
- Tôi tự tin viết tuỳ bút khá và trường sức. Tôi đang ở giai đoạn chín của sự nghiệp sáng tác. Vì
tự tin nên tôi đặt tên “ViLi tuỳ bút” để lập tức tác phẩm được ghi dấu. Chắc chắn một điều, “ViLi
tuỳ bút” đẳng cấp và phân biệt rõ với nhiều tản văn, tạp văn, tạp bút nhốn nháo hiện nay. Tôi
muốn vươn tới con đường của sự cao khiết và trong ngần của cái đẹp. Nếu thơ là sự mãnh liệt,
thẳm sâu, tung cánh hết biên độ của cái tôi thì với tuỳ bút, tôi hướng tới chất thơ - không phải
của một cái tôi khắc khoải và cuồng say khát vọng - mà chất thơ của những gì yên lắng, thanh

bình, êm ả và hoài niệm. Tuỳ bút giải quyết được ý đó. Đọc tuỳ bút Vi Thuỳ Linh, người đọc sẽ
cảm thấy mình được hồi lại non thơ bằng những ký ức phù sa, điệp trùng hình ảnh, đưa độc giả
bay bổng trong tiếc nhớ, tưởng tượng thanh thản, trong vắt. Đó là chủ định của tôi.
- Chị nói nhiều tác phẩm tản văn, tùy bút hiện nay là "nhốn nháo", vậy chị đánh giá cuốn sách
của mình ở vị trí nào trong thể loại tùy bút?
- Tôi không đặt ngang hàng về tài năng với những cây tùy bút gạo cội như Phạm Đình Hổ,
Nguyễn Tuân, Thạch Lam... nhưng tôi dám kế tiếp họ về phẩm tính văn chương, về tình yêu
nghề, dám dấn thân vào con đường mà như Nguyễn Tuân từng nói: “Trang giấy như một pháp
trường trắng” - viết không cẩn thận có thể chết. Tôi có thể là môn đệ của cụ Nguyễn Tuân ở tinh
thần trọng chữ, làm việc cẩn thận và tôn quý lao động văn chương.


Vi Thùy Linh bên người bạn, ca sĩ Tấn Minh tại chương trình "Tháng tư link". Ảnh: Đạt Ma.

- Mối tình Lưu Quang Vũ - Nguyễn Thị Hiền là một trong những nội dung gây chú ý trong "ViLi
tùy bút". Người ta có thể cho rằng chị sử dụng câu chuyện gây tò mò này như là yếu tố “câu
khách” cho tác phẩm văn xuôi đầu tiên của mình. Chị nghĩ sao?
- Tôi tin vào thương hiệu của mình và sự phân định của độc giả trong bối cảnh rối loạn, băng
hoại các giá trị và quan niệm. Vi Thuỳ Linh luôn muốn và cố gắng đàng hoàng, sang trọng, tuyệt
đối không có những câu khách, giật gân và các phát ngôn dễ dãi hay cách làm việc thứ cấp.
Chúng ta đã quen vào những kết luận một chiều, những định đề bất biến. Nhưng có những sự
thật hàng nghìn năm còn có thể xem xét lại. Thế thì hãy nhìn sự thật một cách đa chiều hơn. Và
tôi cung cấp dữ liệu giúp độc giả có sự tiếp nhận đa dạng. Ở đó, có thăng hoa, có bi kịch, có đớn
đau, khát vọng và có một tình yêu siêu thường vượt qua ranh giới của sống chết và địa lý. Đấy
cũng là giá trị tôi hướng tới. Đó không hẳn là câu chuyện của Nguyễn Thị Hiền và Lưu Quang
Vũ. Nếu chị đọc kỹ, trong đó có cả tôi. “Em” khi là tôi, khi là Nguyễn Thị Hiền, nhiều khi “em”
là người thứ ba dõi theo, thấu cảm chuyện tình viết cho hai mà có thể là của bốn người.
- Tổ chức một đêm văn chương ở Nhà hát Lớn, chị hy vọng đêm diễn sẽ tác động thế nào tới đời
sống văn học nói chung?
- Tôi làm chương trình này không phải cho riêng tôi mà cho những người yêu văn chương. Cho

những đồng nghiệp của tôi bớt tủi thân khi văn chương bị hạ giá, bạc đãi, thậm chí ngược đãi.
Không có một văn bản nào quy định Nhà hát Lớn không dành cho văn chương, sao chẳng ai dám
nghĩ tới. Tôi tiên phong để những nhà văn biết, họ cần kiêu hãnh hơn, tự tin hơn. Và tôi làm chủ
nhân đêm diễn này nhằm tạo làn sóng mở đầu của công cuộc hợp lưu những tài năng, gửi mọi


người thông điệp: “Từng người tài - thú vị đấy! Và khi chúng tôi hội tụ lại, chúng tôi làm ra một
dư chấn ra trò”.
Văn chương nếu chỉ có một kênh là mua sách và âm thầm mang về đọc, đã không còn phù hợp
trong thời buổi truyền thông hiện nay. Vậy khuấy động một cách chính đáng bằng việc đổ bao
tâm sức cùng nhiều tài danh làm lên một sự kiện văn hoá là tôn vinh văn chương. Tôi muốn văn
chương được lan tỏa trong xã hội, bắt đầu từ những khán giả tinh hoa đến "Bay cùng ViLi". Hoạ
sĩ Lê Thiết Cương - giám đốc hình ảnh và thiết kế sân khấu - khẳng định, khán giả sẽ choáng
ngợp trước một sân khấu đẹp nhất Việt Nam năm nay. Một Gala tinh hoa với nhiều nghệ sĩ danh
giá chính là kỷ niệm chung đáng giá của những người chứng kiến và tham gia sự kiện văn hoá
này.

Vi Thùy Linh yêu màu tím. Ảnh: Quang Trường.


- Chị ngưỡng mộ nhà văn, nhà thơ Việt Nam nào nhất?
- Tôi thường chú ý đọc những cái tên đã được bảo chứng, ví dụ Lưu Quang Vũ, Dương Tường,
Hồ Quang Lợi, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Bình Phương. Sáng tạo thường dùng cho các loại
hình nghệ thuât. Song với nền báo chí Việt Nam đương đại, nhà bình luận, chính luận hàng đầu
Hồ Quang Lợi là người khiến tôi chú ý đọc nhất, như bất cứ nhà văn thượng thặng nào vì tầm
vóc tác phẩm của ông, tính sáng tạo và tư duy hình ảnh hiếm biệt.
- Từng bán xe in thơ, vậy lần này, chị bán gì để in hai cuốn sách và làm cả một chương trình lớn?
- Tôi đã bán rất nhiều sức lực, chất xám, lấy khoản tiền tiết kiệm phòng thân của mình. Có ai đó
đã nói rất nhiều về cái chết trên sân khấu - người nghệ sĩ ước lúc chết là gục trong cảnh cuối
cùng của vai diễn. Chắc là tôi sẽ không hiện diện trên sân khấu trong hình vóc khoẻ khoắn, xinh

đẹp. Có thể trông tôi sẽ “điêu tàn” chăng? Tôi đã dốc kiệt. Sau chương trình này, tôi trở thành
một “trí thức vô sản” theo đúng nghĩa đen.
- Sách của chị thường rất đắt. Điều đó có thể làm hạn chế số lượng người mua và đọc chị. Chị
nghĩ sao?
- Theo “Phở bàn vị”, “ViLi tuỳ bút” 300 nghìn ăn được 7 bát phở giá bình dân. “ViLi & Paris”
200 nghìn, ăn được 5 bát phở bình dân. Tôi đã lao động 2 năm trời, chẳng lẽ 5 - 7 bát phở mà
người ta cũng tiếc? Sách của tôi là một giai phẩm. Nó là hàng hiệu từ thiết kế, chất liệu giấy, tác
phẩm minh họa cho nó, những bức tranh lần đầu in trên đó. Và cái tên Vi Thuỳ Linh đáng tin
cùng một êkíp nổi tiếng, là thương hiệu boutique trong giới nghề và với công chúng.
- Hành trình kiếm tìm hạnh phúc của chị đến đâu rồi?
- Tôi không kiếm tìm mà chúng tôi kiếm tìm nhau. Người yêu tôi là một người có văn hoá cao và
rất am hiểu nghệ thuật. Anh ở châu Âu, không thể luôn bên cạnh nhưng sẽ đồng hành cùng tôi.
Show diễn sắp tới, anh sẽ về và sẽ là người cuối cùng rời khỏi Nhà hát Lớn đêm 1/12.
Tôi không tháo vát như nhiều nghệ sĩ, vừa đẻ con, xây nhà, mua ôtô mà vẫn xuất bản một năm
mấy cuốn sách. Sau chương trình này, có thể tôi sẽ dừng khoảng 2 năm lo chồng con, vì tôi đã
dâng hiến cả thời tuổi trẻ, "tham ô" thanh xuân của mình cho nghệ thuật, lấn vào phần đời của
các con tôi. Tôi muốn tạo một dư chấn đẹp, làm một điều gì đó để chồng và các con tôi thấy rằng
tôi không xoàng. Trên hết, chương trình này tôi thành kính dâng ông bà nội đã mất của tôi. Tôi
phải đáp đền lại tình yêu thương, hy vọng, chở che, đại lượng của ông bà dành cho tôi. Ông bà sẽ
bay cùng tôi trong đêm diễn tới.
Hoàng Anh thực hiện
Theo: VnExpress.net



×