Tải bản đầy đủ (.docx) (6 trang)

TẢN đà NHÀ THƠ GIAO THỜI

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (71.12 KB, 6 trang )

TẢN ĐÀ – KIỂU NHÀ THƠ GIAO THỜI
I. Tiểu sử và con người
Tản Đà tên thật là Nguyễn Khắc Hiếu sinh ngày 25-5-1889 (20 tháng 4 năm Kỷ sửu, Thành Thái
nguyên niên) tại làng Khê thượng, huyện Bất bạt, tỉnh Sơn tây nay là thôn Khê thượng, xã Sơn
đà, huyện Ba vì - Hà tây. Nguyên quán của Tản Đà ở làng Lủ (tức Kim Lũ) huyện Thanh trì - Hà
Nội.
Dòng họ của Tản Đà có truyền thống khoa bảng. Thân phụ của ông -Nguyễn Danh Kế đỗ cử
nhân, làm quan đến chức Án sát Ninh bình. Anh ruột (cùng cha khác mẹ) với Tản Đà là Nguyễn
Tái Tích đỗ phó bảng, làm tri huyện sau đổi sang ngạch Học quan giữ chức Giáo thụ.
Mẹ Tản Đà là Nhữ Thị Nghiêm, một đào hát tài sắc Nam định, lấy lẽ Nguyễn Danh Kế khi ông
làm tri phủ Xuân Trường. Bà là người hát hay và có tài làm thơ Nôm. Tản Đà là con trái út của
cuộc lương duyên giữa tài tử và giai nhân này.
Cuộc đời của Tản Đà trải nhiều khóc cười. Lên 3 tuổi, bố mất. Năm sau, vì bất hòa với gia đình
chồng, bà Nhữ Thị Nghiêm bỏ đi, trở lại nghề ca xướng. Mặc dù ngay từ khi 15 tuổi đã nổi tiếng
là thần đồng của tỉnh Sơn tây nhưng Tản Đà liên tiếp trượt cả hai kỳ thi hương 1909 và 1912.
Cũng mùa xuân năm 1912, ông không qua được kỳ thi vào trường Hậu bổ vì trượt môn vấn đáp
tiếng Pháp. Thất bại trong khoa cử gắn liền với đổ vỡ trong tình duyên đã khiến cuộc đời Tản Đà
rẽ sang một ngả khác.
Năm 1915, Tản Đà có tác phẩm đăng trên Đông dương tạp chí của Nguyễn Văn Vĩnh và nhanh
chóng có được tiếng vang trên văn đàn. Năm 1916, ông lấy bút danh Tản Đà và chính thức chọn
con đường của một người viết văn, làm báo chuyên nghiệp. Từ 1916 đến 1926 là những năm
tháng đắc ý nhất của Tản Đà. Ông liên tiếp cho xuất bản các tác phẩm: Khối tình con I(1916),
Giấc mộng con I (1917), Khối tình con II (1918), Đài gương, Đàn bà Tầu, Thần tiền, Lên sáu
(1919), Lên tám (1920), Còn chơi (1921), Tản Đà tùng văn (1922), Thề non nước (1922), Truyện
thế gian I và II (1923), nhuận sắc Truyện Tỳ bà (tuồng) của Đoàn Tự Thuật và dịch Đại học
(1922), Kinh thi (1924).
Từ năm 1926 đến 1933 ngoài việc xuất bản một số tác phẩm: Giấc mộng con II, Giấc mộng lớn
(1932) và in lại thơ văn cũ Tản Đà bỏ hết tâm sức vào việc làm báo với kỳ vọng vào một sự
nghiệp văn chương “có bóng mây hơi nước đến dân xã”. Sự lạc điệu của nhà Nho Tản Đà với
môi trường đô thị bắt đầu bộc lộ rõ rệt. Tờ An nam tạp chí, bất chấp những tâm huyết của ông
chủ báo ngất ngưởng, liên tục bị đình bản vì lý do tài chính và đến năm 1933 (sau 6 lần tái bản


rồi đình bản) thì đình bản hẳn. Lần vấp ngã này khiến Tản Đà thực sự chán nản và sự nghiệp của
ông cũng đi vào giai đoạn thoái trào. Từ 1933 cho đến những ngày cuối đời Tản Đà làm trợ bút
cho các báo, dịch thơ Đường cho tờ Ngày nay, dịch Liêu trai, quảng cáo chữa văn, xem số Hà
lạc...Cũng vì sinh kế mà Tản Đà phải trôi dạt nhiều nơi: vào Nam, ra Hà nội, về quê, ra Quảng
Yên rồi lại về Hà Đông. Ông mất tại Ngã tư Sở, ngày 7 tháng 6 năm 1939, trong cảnh bần bách,
để lại vợ và đàn con mà theo lời thuật của Nguyễn Tuân “vừa yếu lại vừa đuối”.


Cuộc đời của Tản Đà, như thế, dù có những năm tháng đắc ý nhưng nhìn chung là bất như ý và
nhiều đổ vỡ. Điều này khiến Tản Đà (vốn đầy tự tín, ngông nghênh) phải đối diện với một cảm
nhận không ít mệt mỏi, chua xót: “Mỗi một phen ra đời lại một phen thất bại; mỗi một phen thất
bại, đầu tóc lại bạc thêm” (Giấc mộng lớn). Nỗi sầu bàng bạc trong thơ văn Tản Đà một phần
đến từ những trải nghiệm rất thực này.
Tuy nhiên, dù phân nửa cuộc đời sau này gắn bó với môi trường đô thị và tập nhiễm không ít lối
sống thị dân thì về cơ bản cốt cách của một nhà Nho tài tử vẫn rất đậm nét trong con người Tản
Đà. Trong một xã hội mà người ta đã học và làm quen được với sự sùng bái đồng tiền Tản Đà
trước sau vẫn chọn lối ứng xử của một khách chơi, một bậc trượng phu đầy hào sảng, phóng
túng: Thơ lưng chất nặng, tay buồn rỗi / Bán áo mà mua giấy viết ngông (Dạm bán áo đoạn), Bạc
tiền gió thoảng thơ đầy túi / Danh lợi bèo trôi, rượu nặng nai (Tự vịnh). Hoàn toàn không có sự
khác biệt giữa hình ảnh Tản Đà trong những câu thơ trên và Tản Đà ngoài đời. Sự thống nhất ấy
đã khiến Tản Đà, trong mắt của người đương thời và đặc biệt của những kẻ hậu sinh, trở thành
bậc trích tiên. Vô số những giai thoại về Tản Đà đều xoay quanh cái cốt cách khác thường này
của ông. Cùng với thơ ca, con người thực của Tản Đà thực sự là một niềm say mê, ngưỡng mộ
của nhiều thế hệ. Thậm chí ngay cả khi những sáng tác của ông không còn sự hấp dẫn như buổi
đầu xuất hiện thì sự hấp dẫn đến từ con người thực của Tản Đà vẫn không hề giảm sút. Cá tính
độc đáo của Tản Đà còn tiếp tục vang bóng trong những giai thoại về Nguyễn Tuân (người bạn
vong niên mà sinh thời Tản Đà vốn có biệt nhãn) và nó khiến cho Lưu Trọng Lư dù có lúc không
ưa gì cái Tôi kềnh càng của Tản Đà trong đời thực vẫn phải thừa nhận: “con người Nguyễn Khắc
Hiếu chính là cái tác phẩm tuyệt xảo, một bài thơ hay nhất trong sự nghiệp của Tản Đà”.
II. Kiểu nhà thơ giao thời: từ nhà Nho trở thành người sáng tác chuyên nghiệp và quan

niệm về văn học của Tản Đà.
1. Thừa hưởng truyền thống của gia đình, Tản Đà ngay từ nhỏ, đã được rèn cặp theo lối học cử
tử mà người thầy cũng đồng thời là người anh ruột - phó bảng Nguyễn Tái Tích. Ảnh hưởng của
Nho giáo với Tản Đà, như thế, là một ảnh hưởng từ rất sớm và cũng rất tự nhiên như một nét của
gia phong. Chính vì thế, Tản Đà vào đời theo một lộ trình đã định trước và cũng khá quen thuộc
với một nhà Nho: học hành - đi thi - làm quan (trước để nối nghiệp nhà và với Tản Đà còn có
thêm một mục đích rất dễ thương: có được người đẹp trong mộng). Chuyện trở thành nhà văn
nhà báo chuyên nghiệp sau này trong cảm nhận của Tản Đà là một sự lỡ dở: Chữ nghĩa Tây Tàu
trót dở dang / Nôm na phá nghiệp kiếm ăn xoàng (Đề “Khối tình con” thứ nhất.
Thực tế này lý giải vì sao: trước năm 1913 không thấy phát lộ một khả năng cũng như thiên
hướng đặc biệt nào của Tản Đà về lĩnh vực sáng tác văn chương nghệ thuật. Vốn liếng của Tản
Đà thời kỳ này dù có xuất sắc hơn người thì chủ yếu vẫn chỉ là chuyện chữ nghĩa đóng khung
trong sách vở thánh hiền.
Hiểu thế, mới có thể lý giải được vì sao việc hỏng thi Hương năm 1912 lại khiến Tản Đà chán
nản, bi phẫn đến như thế. Ở thời gian này, lối học thi cử truyền thống đã đến hồi kết. Ba năm sau,
năm 1915, sẽ là khoa thi chữ Hán cuối cùng ở miền Bắc. Trước Tản Đà không lâu, dù cay cú, dù
than thở thì Tú Xương vẫn có thể trọn đời theo nghiệp khoa cử. Đến Tản Đà, sự phá sản của lối
vào đời truyền thống ấy đã trở thành hiện thực nhãn tiền. Nhà Nho Tản Đà không còn đủ tự tin,


cơ bản hơn, cũng không còn đủ cơ hội để đánh cược vào khoa cử. Bị trượt ra khỏi quỹ đạo
truyền thống, hoàn toàn mất phương hướng trong hành xử đấy mới chính là nguyên nhân sâu xa
gây ra sự chán nản đến độ “quyết mong tịch cốc để từ trần” ở Tản Đà - mà sự kiện “ý trung nhân
xuất giá” chỉ là một giọt nước tràn ly.
1.2 Chính ở thời điểm này, sáng tác văn chương xuất hiện như một phương thức để giải tỏa.
Những sáng tác này sau đó sẽ được in ở hai quyển Khối tình và Khối tình con thứ nhất nhưng
như Tản Đà đã thuật lại rất rõ: “trong khi đương viết ở Cổ đằng, thực chưa có bụng nào viết văn
để in vậy”. Tản Đà chỉ thực sự lựa chọn con đường của một người kiếm sống bằng ngòi bút vào
năm 1916. Đây là năm ông lấy bút hiệu Tản Đà. Đặc biệt cũng trong năm này ông từ chối lời
mời vào học mà không phải qua thi tuyển của E.Vayrac giám đốc trường Hậu bổ. Ở điểm xuất

phát không được chuẩn bị và cũng không hề có ý định để trở thành nhà văn chuyên nghiệp, đến
với nghề văn khá muộn nhưng lại rất cương quyết và triệt để trong toàn bộ quãng đời còn lại.
Những nguyên nhân nào đã làm nên sự biến đổi đặc biệt quan trọng này ở nhà Nho Tản Đà?
Trong nhận thức mang tính tiên nghiệm của nhà Nho có ba điều cũng là ba lĩnh vực để có thể lưu
danh thiên cổ (tam bất hủ): lập đức, lập công và lập ngôn. Mãi cho đến cuối đời, Phan Bội Châu
vẫn nhắc lại tiên đề này. Sự tán thưởng với quan điểm lập thân này cũng được Tản Đà công khai
bày tỏ: “Đã gọi là thằng người phải có một cái hơn con vật. Hoặc là cái đức hay, hoặc là cái việc
hay, hoặc là câu nói hay” (An nam tạp chí - số 8). Cốt cách tài tử lại thêm những pha tạp của lối
sống thị dân khiến Tản Đà không bị hấp dẫn bởi những khuôn mẫu của một nhà đạo đức. Ở vào
một thời đại mà văn minh phương Tây đã chứng tỏ sự ưu việt hơn hẳn của nó thì ngả rẽ kỳ vọng
vào một sự nghiệp kinh bang tế thế cũng trở nên mù mịt đối với một nhà Nho phải “phá nghiệp
kiếm ăn xoàng” như Tản Đà. Chỉ còn một mảnh đất cuối cùng: mảnh đất của “lời nói hay” (lập
ngôn) để Tản Đà có thể thi thố với đời. Có không ít những nguyên cớ chủ quan và khách quan
khuyến khích Tản Đà theo ngả rẽ này. Từ sau những năm 1910, trên cơ sở của môi trường đô thị
hiện đại, viết văn làm báo đã trở thành một nghề. Tiếp sau những tờ công báo là sự ra đời của
báo chí tư nhân đáp ứng những nhu cầu và thị hiếu mới của tầng lớp thị dân đang ngày một trở
nên đông đảo. Danh phận của người viết văn làm báo được thừa nhận và xem trọng. Đây là cơ sở
để Phạm Quỳnh có thể tự tin và hào hứng tuyên truyền cho luận điểm: “Các nước Âu Mỹ trọng
các nhà văn sĩ hơn các bậc đế vương vì cái công nghiệp tinh thần còn có giá trị quý báu và ảnh
hưởng sâu xa hơn là những sự nghiệp nhất thời về mặt chính trị” . Cái không khí mới mẻ của
thời cuộc ấy không phải là không có sức hấp dẫn. Thêm nữa, ngay từ bài tản văn đầu tiên của
mình in trên Đông dương tạp chí, Tản Đà đã được tán thưởng đặc biệt đến mức ông chủ bút
Nguyễn Văn Vĩnh - với tất cả sự nhạy bén về thị trường của một nhà báo chuyên nghiệp - đã
phải mở và dành riêng một mục cho Nguyễn Khắc Hiếu lấy tên là Một lối văn Nôm. Một loạt
những bài tản văn tiếp theo như: Cái chứa trong bụng người, Giá ngày, Giá người, Giải sầu đưa
lại cho Nguyễn Khắc Hiếu một địa vị danh tiếng trong văn đàn. Những nguyên cớ trên lý giải vì
sao Tản Đà đã mạnh dạn để đến với văn học chuyên nghiệp một cách quyết liệt và triệt để đến
thế - một lựa chọn mà ngay cả những nhà văn ở giai đoạn 1932-1945 sau này không phải ai cũng
có được.
Thực tế này đã đem lại những nét thật sự mới mẻ trong quan niệm về văn học của Tản Đà. Ngay

từ năm 1916, trong lời đề tựa cho tập Khối tình con thứ nhất, người ta đã bắt gặp một chân dung
và một tuyên ngôn cho sự tồn tại của một loại hình nhà văn mà rồi đây sẽ chiếm vị trí chủ đạo
trong đời sống văn học:


Còn non còn nước còn trăng gió
Còn có thơ ca bán phố phường
Trong quan niệm truyền thống, văn học là một thứ quà tặng để thù tạc. Điều này giải thích vì sao
trong văn học trung đại bất chấp một khối lượng lớn những tác phẩm được sáng tác thì trong đời
sống vẫn không có khái niệm thi sĩ, khái niệm nhà văn. Người ta gọi Nguyễn Trãi, Nguyễn Du,
Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến...theo phẩm hàm, học vị. Những danh hiệu đó dường như
tôn quý hơn và cũng rộng lớn hơn danh hiệu thi sĩ. Làm thơ không phải là một nghề, nó là một
phần (được đề cao nhưng không bắt buộc phải có) trong hoạt động sống của một ông quan, của
một nhà khoa bảng. Trong sự đối sánh ấy, cái tuyên ngôn về “thơ ca bán phố phường” của Tản
Đà là một sự khai sinh cho một danh phận mới: nhà văn chuyên nghiệp, cũng đồng thời nó đem
đến cho văn học một thuộc tính mới: thuộc tính hàng hóa. Từ quan niệm mới mẻ về văn học này,
Tản Đà sẽ tổng kết cuộc đời mình với tư cách của một người: Khi làm chủ báo lúc viết mướn
(Tiễn ông Công lên chầu trời). Chỉ từ Tản Đà người ta mới bắt gặp những trải nghiệm thật mới
mẻ của một người viết văn với những điều kiện khắc nghiệt của thị trường: Bao nhiêu củi nước
mới thành văn/Được bán văn ra chết mấy lần/Ông chủ nhà in in đã đắt/Lại ông hàng sách mấy
mươi phân (Lo văn ế)
Với những mới mẻ trong cách thế hành nghề cũng như trong tầng sâu quan niệm văn học như
trên Tản Đà xứng đáng được xem là người tiên phong trên con đường vận động từ lối viết văn
làm thơ của nhà Nho sang lối viết văn làm thơ của một nhà văn chuyên nghiệp.
2. Tuy nhiên con đường trở thành nhà văn chuyên nghiệp của Tản Đà càng về sau càng trở nên
quanh co và chung cuộc trở thành dang dở.
2.1 Nhà văn chuyên nghiệp và văn chương trở thành hàng hóa - những quan niệm mới mẻ này
kéo theo nó một loạt những hệ quả mà quan trọng nhất là tác động của người đọc đến sáng tác
của nhà văn. Tự nhìn nhận mình với chức phận: đem “thơ ca bán phố phường” một cách tự nhiên
những nhu cầu, thị hiếu của tầng lớp thị dân đã có những tác động không nhỏ đến thực tế sáng

tác của Tản Đà. Những tác phẩm xoay quanh đề tài du ký, những câu chuyện tình ái với hình
bóng của các giai nhân trong hầu hết những sáng tác của ông cũng như những sầu muộn vẩn vơ
trong các tập Khối tình con...- một phần là xuất phát từ cá tính sáng tạo của Tản Đà nhưng mặt
khác cũng có sự gợi ý và kích thích từ phía môi trường của độc giả những thập kỷ hai mươi trong
môi trường đô thị. Dễ dàng nhìn thấy những tương đồng (ở những mức độ đậm nhạt khác nhau)
trong các đề tài và mô- tip nghệ thuật nói trên giữa Tản Đà và một loạt những cây bút đương thời
như: Nguyễn Bá Trác, Đoàn Như Khuê, Phạm Quỳnh và muộn hơn một chút là Đông Hồ, Tương
Phố, Hoàng Ngọc Phách... Những tương đồng này cho thấy rất rõ đằng sau những sáng tác văn
học là những nhu cầu và thị hiếu mới của thời đại mà những người cầm bút một khi đã đi vào
con đường một nhà văn chuyên nghiệp ít nhiều đều chịu sự tác động và định hướng của chúng.
2.2 Tuy nhiên, người ta còn bắt gặp một cách hệ thống những quan niệm văn học của nhà Nho
truyền thống - đóng vai trò như một khung khổ định trước trong tư duy về văn học của Tản Đà.
Tản Đà là người tự tín và thành thật. Ông tự khen thơ mình nhiều lần và tỏ ra đặc biệt tự hào về
thi tài của mình. Nhưng còn có một niềm tự hào khác - cũng là một chức phận mà Tản Đà rất


mực đề cao, xem đó như mục đích tối thượng cho hoạt động sáng tác của mình: truyền bá thiên
lương cho nhân loại (Hầu trời). Chức phận này Tản Đà suốt đời chẳng bao giờ nguôi quên: Hai
chữ “thiên lương” thằng Hiếu nhớ/Dám mong không phụ Trời trông mong (Tiễn ông Công lên
chầu Trời). Quan điểm đem văn chương phục vụ cho nhiệm vụ truyền bá thiên lương này, một
lần khác, được Tản Đà trình bày một cách khúc chiết và có lập luận chặt chẽ hơn qua lời của Chu
Kiều Oanh: “Văn chương có trọng giá, không phải là một sự đùa vui trong ý thú, không phải là
một sự đua vui trong phẩm bình, mà phải có bóng mây hơi nước đến dân xã...Sao cho nhân tâm,
phong tục được thuần chính, dân trí tư tưởng được khai minh, là chức trách của ngòi bút đại văn
gia”. Với cách hiểu này văn chương được đề cao rất mực nhưng cái làm nên giá trị của văn
chương không phải ở tự thân văn chương mà ở chức năng giáo huấn, ở khả năng khai minh,
chính tâm cho xã hội - một sự tái hiện trọn vẹn cho mệnh đề “văn dĩ tải đạo” quen thuộc của Nho
gia.
Giai đoạn giao thời là sự đan xen của hai hệ thống thể loại cũ - mới. Bên cạnh văn - thơ - phú lục của truyền thống còn là những thể loại mới có nguồn gốc từ phương Tây: truyện ngắn, tiểu
thuyết... Vấn đề không chỉ là sự phức tạp trong hệ thống thể loại, cơ bản hơn, còn là sự phức tạp

trong cách thức phân loại. Trong bài báo Chữ Nho với chữ Quốc ngữ (1918), Phạm Quỳnh đề
xuất quan điểm: “Văn có nhiều lối đã đành, mà văn cũng có nhiều hạng”. Nhiều lối là sự khác
biệt về thể loại, phong cách. Nhiều hạng lại là sự phân biệt về tôn ty: cao - thấp, trên - dưới,
khinh - trọng. Phân chia các thể loại theo cả hai tiêu chí: nhiều lối và nhiều hạng cũng là đặc
điểm nổi bật trong quan niệm thể loại của Tản Đà mà tiêu biểu nhất là trong bài Hầu Trời (1921):
Đọc hết văn vần sang văn xuôi
Hết văn thuyết lý lại văn chơi
..................
Hai quyển Khối tình văn thuyết lý
Thần tiên, Giấc mộng văn tiểu thuyết
Đài gương, Lên sáu văn vị đời
Trong một loạt những cách gọi tên trên thấy có sự phân loại theo lối: văn vần và văn xuôi nhưng
sự đối lập giữa văn thuyết lý và văn chơi, văn vị đời và văn chơi là phân loại theo thứ hạng. Mặc
dù thành danh với Giấc mộng con nhưng trong quan niệm của mình Tản Đà không xem trọng
tiểu thuyết như tản văn. Sau này khi giới thiệu Giấc mộng lớn, Tản Đà cũng giữ quan điểm này:
“chẳng qua là một cuốn văn chơi (TVT nhấn mạnh), tưởng cũng không quan hệ đến những lời
phẩm bình của các bậc đại nhã cao nhân vậy”. Văn vị đời - có bóng mây hơi nước đến dân xã mới là thể loại mà Tản Đà xem trọng. Ông khẳng định: “Văn chương mà không được như các
văn Lư Thoa, Lương Khải Siêu thời sự nghiệp có đáng giá là mấy”. Đặt tâm tư học lực của mình
vào tản văn chính là một kỳ vọng của Tản Đà vào một sự nghiệp văn chương của Khang, Lương,
Lư Thoa - những hình mẫu cho hạng văn vị đời của ông.
Với những quan niệm về tính chất và thể loại văn học như trên dễ hiểu là vì sao từ 1926 trở đi
Tản Đà bỏ hẳn những sáng tác thuộc hệ thống thể loại văn chơi để chuyển sang viết báo tuyên
truyền cho thuyết thiên lương, kỳ vọng vào một sự nghiệp văn chương giáo hóa, chính nhân tâm,
thuần phong tục. Oái oăm thay, lựa chọn này đã khiến ông xa rời quỹ đạo của một nhà văn
chuyên nghiệp để trở về với kiểu văn học nhà Nho truyền thống. Áp lực từ phía thị hiếu của độc


giả bị thay thế bởi những hành xử quen thuộc trong sáng tác văn học truyền thống. Sự “lại
giống” này (chữ dùng của GS Trần Đình Hượu), như thực tế cho thấy, chẳng những khiến Tản
Đà đánh mất độc giả mà, cơ bản hơn, nó đồng thời làm mất đi nhu cầu và khả năng (vốn dĩ rất

dồi dào) tìm tòi đổi mới văn học theo hướng hiện đại trong những sáng tác ở giai đoạn trước đó
của ông. Là một trong những đại diện đầu tiên ở vào thời điểm phôi thai của nền văn học mới
cùng với không ít những hăm hở “phá cách vứt điệu luật” nhưng hấp lực từ quan niệm văn học
truyền thống đã khiến Tản Đà càng đi càng trở nên bối rối, chậm bước để rồi trở lại với điểm
xuất phát ban đầu. Quả thực, không phải cứ có một quan niệm mới là có ngay những tác phẩm có
giá trị nhưng nếu không được định hướng từ một quan niệm văn học thực sự mới mẻ thì ngay cả
với một tài năng cỡ Tản Đà cũng khó có được khả năng và một xung lực cần thiết cho những
cách tân nghệ thuật đích thực.
Trần Văn Toàn
Khoa Ngữ Văn Trường ĐHSP HN



Tài liệu bạn tìm kiếm đã sẵn sàng tải về

Tải bản đầy đủ ngay
×