Tải bản đầy đủ (.docx) (4 trang)

TIẾNG đàn THÚY KIỀU

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (67.3 KB, 4 trang )

TIẾNG ĐÀN THÚY KIỀU
Đăng lúc: Thứ hai - 08/04/2013 22:11 - Người đăng bài viết:admin
Bằng một con mắt tinh tường, một vốn sống dày dặn và một tài năng nghệ
thuật trác tuyệt, Nguyễn Du đã để lại cho hậu sinh một hình tượng nghệ thuật
thành công, độc đáo và giàu giá trị, Trong những giá trị của tiếng đàn nàng
Kiều, giá trị lý luận về tính đa nghĩa, có thể là nhà thơ vô tình, ở một phương
diện nào đó, xứng đáng được xem là một đóng góp của thi hào Nguyễn Du đối
với lý luận văn học nghệ thuật của nước ta thời trung đại.
Tính đa nghĩa của tác phẩm văn học không phải là vấn đề mới
mẻ. Từ xưa, cổ nhân đã nói đến vấn đề “ý tại ngôn ngoại,
huyền ngoại chi âm, cam dư chi vị ” (ý ở ngoài lời, âm thanh ở
ngoài tiếng đàn, mùi ở ngoài vị ngọt), “ngôn tận ý bất tận”
(lời cạn ý không cạn) của văn chương, nhất là thơ ca. Có thể
người xưa chỉ điểm qua đâu đó mà chưa xây dựng thành hệ
thống lí luận về tính đa nghĩa của tác phẩm văn học như ngày
nay, nhưng qua nhiều hình tượng văn chương trong văn học
cổ, ta thấy được điều này. Tiếng đàn của Thúy Kiều
trong Đoạn trường tân thanh là một điển hình như vậy.
Trong Truyện Kiều, nàng Kiều họ Vương đánh đàn bốn
lần, hai lần cho chàng Kim Trọng (đầu và cuối truyện), một lần
cho vợ chồng Hoạn Thư và một cho “quan tổng đốc trọng thần” Hồ Tôn Hiến. Nói
như nhà thơ Tế Hanh trong bài viếtBốn lần Kiều đánh đàn (T/c Văn học, 12/1965),
lần thứ nhất và thứ tư “là những khúc nhạc yêu đương”, hai lần còn lại “là những
khúc nhạc đau khổ”. Ở mỗi thời điểm, tiếng đàn nàng Kiều có những sắc thái, cung
bậc khác nhau nhưng đều có điểm chung là xúc động lòng người, khiến mỗi người
nghe không “não nùng xôn xao” thì “cũng tan nát lòng”, “khi vò chín khúc khi
chau đôi mày”, ngay cả kẻ “mặt sắt” Hồ Tôn Hiến cũng phải “nhăn mày rơi châu”.
Hình tượng tiếng đàn Thúy Kiều mang nhiều tầng ý nghĩa. Trong giới hạn của bài
viết này, chúng tôi chỉ tìm hiểu một phương diện là tính đa nghĩa của tác phẩm
nghệ thuật nói chung, tác phẩm văn học nói riêng thông qua hình tượng độc đáo
này.


Nguyễn Du đã rất dụng công khi xây dựng hình tượng tiếng đàn nàng Kiều,
“bốn lần đều khác nhau và hay như nhau” bởi nói như Tế Hanh (tài liệu đã dẫn
trên), “lấy thơ tả nhạc là một điều khó. Tả nhiều lần mà khác nhau mà hay như
nhau thì khó đến đâu !” và “cái khó mà Nguyễn Du vượt qua một cách vinh quang
như chúng ta đã thấy”. Có lẽ khi dành nhiều tâm huyết xây dựng hình tượng này,
cụ Nguyễn cũng đã cảm nhận được vấn đề tính đa nghĩa của tác phẩm nghệ thuật,
nhất là tác phẩm thơ ca.
Bản nhạc mà nàng Kiều đánh có tên “Bạc mệnh”, được “phổ vào đàn ấy


những ngày còn thơ” vì “quen mất nết đi rồi”. Đây là bản nhạc hay nhưng buồn.
Cái tên của nó đã nói lên điều đó. Kim Trọng, Chung Tử Kỳ của tiếng đàn Thúy
Kiều, cũng phải thốt lên khi nghe Kiều đánh lần đầu : “Rằng : ‘Hay thì thật là
hay / nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào’…”. Bản đàn của Kiều là một tác phẩm
âm nhạc (cung thương lầu bậc ngũ âm / nghề riêng ăn đứt Hồ cầm một trương),
hiểu rộng ra là một tác phẩm nghệ thuật. Trong cái nhìn tương qua với lĩnh vực văn
chương, có thể xem bản đàn ấy như là một tác phẩm văn học xuất sắc. Vậy, những
biểu hiện nào của tính đa nghĩa trong tác phẩm ngôn từ được thể hiện qua hình
tượng tiếng đàn Thúy Kiều ?
Tính đa nghĩa của tác phẩm văn học có thể hiểu là “khả năng tác phẩm cho
phép được hiểu, được cắt nghĩa và đánh giá theo những cách khác nhau trong quá
trình tiếp nhận của công chúng độc giả” (Trần Thanh Bình, Bài giảng Một số vấn
đề về tính đa nghĩa của tác phẩm văn học, ĐH Quy Nhơn). Dĩ nhiên, cách hiểu,
cách cắt nghĩa, đánh giá ấy phải có cơ sở từ tác phẩm. Nói một cách dễ hiểu, tính
đa nghĩa thể hiện ở tác phẩm có từ hai cách hiểu trở lên, tất nhiên, đó không phải là
nghĩa tường minh và nghĩa hàm ẩn mà là những ý nghĩa hàm ẩn được gợi mở từ
nghĩa tường minh. Nếu xem tiếng đàn Thúy Kiều là một tác phẩm văn học thì qua
những cung bậc cảm xúc, những tác động của nó đến người nghe, ta thấy được
những nét cơ bản nhất về tính đa nghĩa của tác phẩm văn chương.
Trước hết, dù là “cùng trong một tiếng tơ đồng” nhưng bản nhạc nàng Kiều

mang trong mình nhiều nội dung khác nhau. Đó là những khúc “Hán, Sở chiến
trường”, khúc “Tư Mã Phượng Cầu”, khúc “Quảng Lăng”, khúc “Chiêu Quân”.
Bản đàn ấy cũng mang nhiều sắc thái không giống nhau, lúc “trong như tiếng hạc
bay qua”, lúc lại “đục như tiếng suối mới sa nửa vời”, lúc “khoan như gió thoảng
ngoài”, lúc lại “mau sầm sập như trời đổ mưa” sau này lại “đầm ấm dương hòa”,
“êm ái xuân tình”… Tương quan so sánh với tác phẩm văn học, ta thấy, một tác
phẩm mang tính đa nghĩa phải có khả năng gợi mở nhiều nội dung, nhiều cách hiểu
khác nhau, đem lại những màu sắc, hiệu ứng thẩm mỹ không giống nhau. Một tác
phẩm lúc mà lúc nào cũng chỉ là “khúc Chiêu Quân”, từ đầu đến cuối chỉ “đục như
tiếng suối mới sa nửa vời” thì chắc chắn sẽ rất hạn chế tính nhiều nghĩa. Như vậy,
yếu tố đầu tiên và quyết định đến tính đa nghĩa của một tác phẩm chính là tự thân
tác phẩm đó. Bản đàn Thúy Kiều rất tiêu biểu cho yếu tố này nếu xem nó là một
thực thể nghệ thuật sống động, có sức sống nội tại của nó.
Trong những tiền đề của tính đa nghĩa của tác phẩm văn chương, mơ hồ,
nhòe về nghĩa là một yếu tố quan trọng. Chính sự mơ hồ này mà ranh giới của
những cách hiểu bị làm mờ, nhòe đi, tạo những “khoảng trống” để người đọc đồng
hành cùng tác giả trong quá trình lao động nghệ thuật xây dựng lâu đài ngôn từ
bằng cách chọn cho mình những cách hiểu phù hợp với thị hiếu thẩm mỹ, sở
thích… Mỗi người đọc sẽ có cách hiểu riêng của mình, dĩ nhiên những cách hiểu
ấy phải có cơ sở từ tác phẩm. Từ đó, ý nghĩa của tác phẩm sẽ trở nên dồi dào, bất


tận. Sự mơ hồ về nghĩa là một ưu thế trong việc gợi mở, vẫy gọi nhiều cách hiểu
của tác phẩm văn học mà không một loại hình nào theo kịp. Tiếng đàn Thúy Kiều
khi đánh lần đầu cho chàng Kim nghe nói lên điều này. Cùng một tiếng đàn ấy thôi
mà có đến bốn khúc nhạc được thể hiện với nhiều màu sắc khác nhau. Điều đặc
biệt, các khúc nhạc ấy không hề tách bạch mà dường như có sự đan xen, chồng xéo
lên nhau, rất khó phân biệt. Nguyễn Du dùng đến hai lần cụm “khúc đâu” đủ thấy
sự mơ hồ, nhập nhằng ấy. Thậm chí, trong một khúc có tên “Chiêu Quân”, nội
dung của nó cũng khó phân định rạch ròi. Nhà thơ miêu tả “nửa phần nhớ chúa,

nửa phần tư gia” cũng chỉ là cách nói hết sức ước lệ mà thôi. Không dễ dàng để
phân biệt trong khúc “Chiêu Quân” này đâu là “nhớ chúa”, đâu là “tư gia”. Như
vậy, tính mơ hồ, nhòe nghĩa rất quan trọng trong việc tạo nên tính đa nghĩa cho tác
phẩm. Có thể nói, tác phẩm càng nhòe, mờ về nghĩa bao nhiêu càng dễ tạo nên
nhiều cách cắt nghĩa bấy nhiêu. Tất nhiên, sự mơ hồ này phải do tác giả cố tình tạo
nên như là một thủ pháp nghệ thuật, chứ không phải là sự mơ hồ do rối rắm, vụng
về.
Cùng với bản thân tác phẩm, người đọc là yếu tố quan trọng tạo nên tính đa
nghĩa cho tác phẩm. Lý thuyết tiếp nhận văn học ngày nay rất đề cao, thậm chí
nhiều trường phái còn độc tôn vai trò của độc giả. Nếu truyền thống xem người
đọc là “tri âm, tri kỷ” của tác giả, là người khám phá những gì nhà văn kí thác vào
tác phẩm một cách thụ động, thì trong tiếp nhận văn học hiện đại, độc giả được
xem là người đưa sáng tác của nhà văn từ phạm trù “văn bản” đến “tác phẩm”, là
người quyết định đến số phận tác phẩm. Người đọc được xem là tác giả thứ hai với
vai trò đồng sáng tạo, chủ động tích cựu trong việc làm giàu ý nghĩa cho tác phẩm
văn chương. Mỗi độc giả tùy vào lứa tuổi, giới tính, nghề nghiệp, trình độ học
vấn…; tùy vào kinh nghiệm, năng lực, thị hiếu thẩm mỹ… sẽ tìm được cho mình
những cách hiểu, cách cảm khác nhau về tác phẩm văn học, từ đó mở rộng biên độ
nội dung cho tác phẩm, làm cho ý nghĩa của tác phẩm không ngừng phát sinh.
Trong Truyện Kiều, cùng là một bản “Bạc mệnh” mà Kiều đánh, nhưng mỗi người
nghe lại có những biểu hiện của sự tiếp nhận khác nhau. Kim Trọng thì “ngơ ngẩn
sầu / khi tựa gối, khi cúi đầu / khi vò chín khúc, khi chau đôi mày”. Thúc Sinh thì
“giọt châu lã chã khôn cầm / cúi đầu chàng những gạt thầm giọt sương”. Còn tên
“quan tổng đốc trọng thần” thì “lọt tai, Hồ cũng nhăn mày rơi châu”. Dù rằng
cùng một cảm xúc buồn nhưng phản ứng của mỗi người không giống nhau. Ở
những vị địa vị, quan hệ, tâm thế khác nhau, mỗi người trong họ có những cảm
nhận về tiếng đàn nàng Kiều không như nhau. Tính đa nghĩa của bản nhạc, hay suy
ra là tác phẩm văn chương, có một phần rất quan trọng do người tiếp nhận quyết
định. Khái quát điều này, cụ Nguyễn Du đã viết : “Cùng trong một tiếng tơ đồng /
kẻ ngoài cười nụ, người trong khóc thầm”. Dĩ nhiêu, người tiếp nhận không phải là

yếu tố duy nhất quyết định tính đa nghĩa của một tác phẩm. Nói cách khác, những
ý nghĩa mà người đọc xa rời văn bản, tự ý suy diễn, áp đặt, xuyên tạc cho tác phẩm


đều không được chấp nhận.
Không chỉ đối với nhiều đối tượng tiếp nhận khác nhau mà ngay cả trong
một người đọc, tính đa nghĩa của tác phẩm cũng có thể phát sinh. Một độc giả lúc
còn nhỏ, khi trường thành, khi bước vào tuổi “tri thiên mệnh”; lúc còn học tập, khi
giảng dạy, nghiên cứu; lúc buồn, lúc vui, lúc khổ đau, hạnh phúc… sẽ tiếp nhận tác
phẩm không giống nhau. Đây là điều dễ hiểu bởi tác phẩm có một “năng lượng
nghĩa khổng lồ”, một tiềm năng ý nghĩa bất tận mà trong mỗi chặng đường của
cuộc đời, mỗi hoàn cảnh sống, mỗi bước trưởng thành… người ta sẽ chiêm
nghiệm, khám phá, thẩm định không giống nhau. Trong Truyện Kiều, Kim Trọng
tiêu biểu cho điều này. Chàng Kim là người duy nhất được nghe Kiều đánh đàn hai
lần một cách tự nguyện. Bản nhạc mà Kim được thưởng thức cũng “đầm ấm”, “êm
ái” nhất trong bốn lần Kiều đánh đàn. Vậy mà giữa hai lần nghe, đầu và cuối
truyện, hạnh ngộ và tái ngộ, cảm nhận của chàng về ý nghĩa tiếng đàn không hoàn
toàn giống nhau. Nếu đầu truyện là “Rằng : hay thì thật là hay / nghe ra ngậm
đắng nuốt cay thế nào / lựa chi những khúc tiêu dao / cực lòng mình, cũng nao nao
lòng người” thì cuối truyện, trong đêm hợp cẩn muộn màng, “khúc đâu đầm ấm
dương hòa / ấy là Hồ Điệp hay là Trương Sinh / khúc đâu êm ái xuân tình / ấy hồn
Thục Đế hay mình đỗ quyên”. Rõ ràng, ý nghĩa, sắc thái cảm xúc bản đàn của Kiều
trong sự tiếp nhận của Kim “xưa sao sầu thảm, này sao vui vầy”, nghĩa là có sự
thay đổi rất lớn. Bởi lúc này, Kim Trọng không còn “là người ngày xưa”, Thúy
Kiều cũng đã không còn là nàng Kiều của buổi ban đầu nữa. Cũng là một bản “Bạc
mệnh” đó thôi, nhưng ý nghĩa của nó trong sự tiếp nhận của người nghe ở hai hoàn
cảnh khác nhau sẽ không giống nhau. Ý nghĩa của tác phẩm phụ thuộc rất nhiều
tâm trạng, vốn sống, trình độ thẩm mỹ… của người đọc mà chính cụ Nguyễn đã
nói : “Tẻ, vui bởi tại lòng này”.
Tất nhiên, vấn đề tính đa nghĩa của tác phẩm nghệ thuật nói chung, tác

phẩm nghệ thuật ngôn từ nói riêng hết sức phức tạp. Một hình tượng bản đàn
không đủ để khái quát được những khía cạnh, phương diện của nó. Tuy vậy, bằng
một con mắt tinh tường, một vốn sống dày dặn và một tài năng nghệ thuật trác
tuyệt, Nguyễn Du đã để lại cho hậu sinh một hình tượng nghệ thuật thành công,
độc đáo và giàu giá trị, Trong những giá trị của tiếng đàn nàng Kiều, giá trị lý luận
về tính đa nghĩa, có thể là nhà thơ vô tình, ở một phương diện nào đó, xứng đáng
được xem là một đóng góp của thi hào Nguyễn Du đối với lý luận văn học nghệ
thuật của nước ta thời trung đại.
Quy Nhơn, 04/2013
PHẠM TUẤN VŨ
Lớp Sư phạm Văn K32, ĐH Quy Nhơn, Bình Định



Tài liệu bạn tìm kiếm đã sẵn sàng tải về

Tải bản đầy đủ ngay
×