Tải bản đầy đủ (.docx) (3 trang)

Đặc điểm thi pháp nhân vật trung đại trong lục vân TIÊN

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (72.42 KB, 3 trang )

Đặc điểm thi pháp nhân vật trung đại trong LỤC VÂN TIÊN
19/05/2011 02:01 | 327 lượt xem


TRẦN HÀ NAM

Truyện Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu được sáng tác dưới ảnh hưởng của tư tưởng Nho
giáo kết hợp với quan niệm nhân dân, như tác giả đã mở đầu tác phẩm:
Trước đèn xem truyện Tây Minh
Gẫm cười hai chữ nhân tình éo le
Ai ơi lẳng lặng mà nghe
Dữ răn việc trước,lành dè thân sau
Trai thời trung hiếu làm đầu
Gái thời tiết hạnh làm câu trau mình
Từ quan niệm này, Nguyễn Đình Chiểu đã xây dựng nên cả một hệ thống nhân vật đối lập về
phẩm chất, tính cách, thể hiện một cách khá rõ nét những đặc điểm của thi pháp nhân vật trung
đại. Tinh thần chính nghĩa thắng gian tà đã hình thành hai tuyến nhân vật chính diện - phản diện.
Thuộc về phía chính diện, đứng đầu là Lục Vân Tiên văn võ toàn tài, trung hiếu trí dũng mang
những phẩm chất lý tưởng của người anh hùng phong kiến. Bên cạnh đó là Vương Tử Trực ngay
thẳng, Hớn Minh bộc trực, Kiều Nguyệt Nga trung trinh. Đây là những nhân vật thuộc tầng lớp
trên trong xã hội. Cũng thuộc phe chính diện là những người thuộc tầng lớp dưới nhưng đại diện
cho cái Thiện còn kể đến tiểu đồng, tì tất Kim Liên, ông Quán, ông Ngư, ông Tiều - những ẩn sĩ


trong lớp vỏ bình dân. Các nhân vật đối lập thuộc phe phản diện cũng chia thành thứ bậc hết sức
đa dạng. Những kẻ mang danh kẻ sĩ nhưng vô sỉ, thâm hiểm, háo sắc có Trịnh Hâm, Bùi Kiệm,
có kẻ tột đỉnh cao sang nhưng tâm địa phản phúc như Thái sư. Đối lập với Kiều Nguyệt Nga
chung thủy là gia đình của Võ Thể Loan (Võ Công, mụ Quỳnh Trang và Thể Loan) lật lọng, bạc
tình bạc nghĩa. Những kẻ gây hại cho dân có giặc cướp Phong Lai, giặc Ô Qua, con quan huyện
hà hiếp con gái nhà lành. Các nhân vật được xây dựng với tính cách nhất quán không có sự thay
đổi hoặc phát triển tính cách đa diện.


Sự phát triển của nhân vật trung tâm Lục Vân Tiên là minh chứng rõ nhất cho tinh thần coi trọng
nhân cách hơn tài năng, nhân vật có tính cách nhất quán minh hoạ cho tư tưởng “trung hiếu làm
đầu”: đánh cướp Phong Lai cứu dân lành, vì hiếu khóc mẹ đến mù mắt, khi sáng mắt thì đánh
giặc Ô Qua giúp vua giữ yên bờ cõi…Trước sau như một, Vân Tiên tiêu biểu cho loại người ưu
tú nhất của thời trung đại, được tác giả xây dựng theo mẫu anh hùng lý tưởng :
Nhớ câu kiến ngãi bất vi
Làm người thế ấy cũng phi anh hùng
Các nhân vật chính diện khác trong tác phẩm cũng được tạo những nét tính cách giống như
những nhân vật kịch, bộc lộ cá tính qua ngôn ngữ và hành động. Chẳng hạn, Vương Tử Trực
mắng cha con Thể Loan thì tính cách thể hiện qua lời nói, còn Hớn Minh bộc lộ con người cương
trực bảo vệ dân lành chống bọn cậy quyền thế làm càn:
Tôi bèn nổi giận một khi
Vật chàng đó xuống bẻ đi một giò
Việc tô đậm những tính cách không đổi ấy tạo thành tiếng nói đề cao gương sáng những con
người hành động đúng đạo nghĩa, phê phán những kẻ làm tổn hại nhân tình. Một Trịnh Hâm
phản bạn nham hiểm và đố kị tài năng cũng được lột trần tính cách qua hành động đẩy Vân Tiên
xuống sông, một Bùi Kiệm được ngoại hiện hoá tâm trạng bằng hình ảnh miêu tả: “Con người
Bùi Kiệm máu dê - Ngồi chề bê mặt như sề thịt trâu”.
Có lẽ một trong những xử lý vụng về nhất của Nguyễn Đình Chiểu là đặt những tính cách không
đổi nhằm minh hoạ tư tưởng “trai trung hiếu – gái tiết hạnh” một cách …không đúng hoàn cảnh,
khiến nhân vật trở nên cứng nhắc. Nhưng đó là cách nhìn theo quan điểm hiện đại, muốn mối
tình Vân Tiên - Nguyệt Nga có thêm màu sắc lãng mạn. Nhưng nếu xét theo quan niệm về con
người của Nguyễn Đình Chiểu trong tác phẩm thì việc Vân Tiên tỏ chí làm trai sau khi đánh
cướp cứu Kiều Nguyệt Nga càng tô đậm phong cách anh hùng mã thượng của chàng, nên cách
thể hiện nhân vật như vậy là hợp lý:
Khoan khoan ngồi đó chớ ra
Nàng là phận gái, ta là phận trai


Rõ ràng Nguyễn Đình Chiểu không hề muốn biến nhân vật của mình, con người “tả đột hữu

xông” trước đó thành một trang công tử hào hoa lụy vì tình cảm như Kim Trọng trong Truyện
Kiều! Sự phát triển của nhân vật về sau tất yếu phải là hình ảnh đẹp đẽ “đầu đội kim khôi” hiện
lên lẫm liệt trước mắt Nguyệt Nga – đúng là hình ảnh người anh hùng trong con mắt giai nhân.
Vân Tiên trở thành hình mẫu của con người nghĩa hiệp khẳng khái, mang những nét tính cách
chung của con người Nam Bộ hào hiệp trượng nghĩa.
Trong Lục Vân Tiên, ý nghĩa giáo huấn “dữrăn việc trước,lành dè thân sau” được thể hiện qua
sự thắng thế của phe Thiện trước phe Ác, theo quan điểm “Thiện giả Thiện lai, Ác giả Ác báo”.
Lần lượt những kẻ xấu xa đê tiện đều bị báo ứng, trả giá cho tội ác của mình, còn những người
lương thiện, trung nghĩa, thủy chung đều được hưởng hạnh phúc. Lối xây dựng nhân vật như vậy
cũng phù hợp với quan niệm của dân gian, thoả mãn ước mơ về một lẽ công bằng ở đời, chính
nghĩa thắng gian tà. Tài năng của các nhân vật như Vân Tiên, Tử Trực, Hớn Minh cuối cùng
cũng nhằm bảo vệ đạo nghĩa, nhằm đề cao cái Thiện, cái cao cả của đạo làm người trong đời
thường mà thôi. Đề cao “trung hiếu tiết hạnh”, nhưng tác giả đã xây dựng những xung đột đầy
kịch tính tạo nên nét hấp dẫn riêng cho các nhân vật đại diện phẩm chất tốt đẹp của nhân dân. Đó
cũng là lý do cắt nghĩa vì sao Lục Vân Tiên được nhân dân Nam Bộ yêu thích, đi vào đời sống
hàng ngày, thành sinh hoạt văn hoá tinh thần nói thơ, hát thơ Vân Tiên! Bởi thế, dẫu các nhân
vật không được khắc họa một cách đa diện như nhân vật trong Truyện Kiều, nhưng tính đơn nhất
ở các nhân vật cũng góp phần tô đậm hơn xung đột Thiện – Ác, cuộc đấu tranh cho lẽ phải chiến
thắng, nêu gương sáng về nhân tình cho người đọc còn nhớ ghi những con người giữ trọn tâm
hồn đẹp đẽ, vẻ vang vượt qua thử thách nghịch cảnh.
Qua việc tìm hiểu hệ thống nhân vật trong tác phẩm Lục Vân Tiên, chúng ta có thể nhận ra một
số đặc trưng của thi pháp nhân vật trong văn học trung đại. tuy còn có những hạn chế nhưng dẫu
sao những thủ pháp xây dựng nhân vật đã trở thành truyền thống ấy cũng tạo nên những vẻ đẹp
độc đáo riêng biệt. Thẩm thấu được những vẻ đẹp ấy, chúng ta cũng bóc tách được ý nghĩa, giá
trị nội dung cũng như nghệ thuật của văn chương trung đại Việt Nam./.



×