Tải bản đầy đủ (.docx) (8 trang)

So sánh các câu chuyện "Trầu cau" của Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (103.24 KB, 8 trang )

So sánh các câu chuyện Trầu cau của Trung Quốc, Đài Loan
và Việt Nam
10 Tháng 11 2011 Để lại phản hồi
by phongtauhu in Nghiên cứu khoa học
I. Đặt vấn đề
Trầu và cau là hai loại thực vật sinh sống phổ biến ở các nước phía Đông Nam châu Á. Ngay từ
thời xa xưa, tục ăn trầu cũng đã xuất hiện ở hầu hết các nước khu vực này, nhiều nơi tập tục này
vẫn kéo dài đến tận ngày nay.

Mâm trầu cau trong lễ cưới người Việt. Nguồn:
Theo quan niệm người xưa, ăn trầu mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe con người và cho đời
sống xã hội. Ăn trầu không chỉ kích thích cơ thể hưng phấn, làm cho da dẻ hồng hào, răng miệng
thơm tho, phòng ngừa bệnh tật mà còn giúp gắn kết tình cảm con người, đem lại vận may và
hạnh phúc gia đình, kết nối con người với lực lượng siêu nhiên. Ở Ấn Độ, từ thế kỉ thứ 6 đã có
những ghi chép về lợi ích của việc ăn trầu trên sách vở; nhiều dân tộc khác ở Trung Quốc, Việt
Nam, Thái Lan, Phi-lip-pin, Mã Lai cũng có những ghi chép tương tự. Đặc biệt, những câu
chuyện về trầu cau trong kho tàng văn học dân gian đã trở thành một tài sản văn hóa giá trị trong
đời sống tinh thần của nhân dân các nước này.
Trong buổi đầu lịch sử, việc giao lưu và tiếp xúc giữa các nền văn hóa của các dân tộc là vấn đề
hết sức tự nhiên. Việt Nam cũng sớm tham gia vào quá trình giao lưu văn hóa với Ấn Độ, Trung
Quốc và các nước trong khu vực. Đối với Việt Nam, ăn trầu là một tục lệ lâu đời có từ thời vua
Hùng. Ăn trầu không chỉ là cách để làm đẹp theo quan niệm của người xưa (môi đỏ răng đen) mà
còn thể hiện sự hiếu thuận của con cái, hòa hợp trong gia đình, cố kết quan hệ giữa người với
người trong xã hội, thể hiện địa vị cao quý hay quyền thế của một người trong gia tộc. Đây là
một mỹ tục gắn liền với xã hội từ xa xưa đến tận ngày nay, mặc dù đặc trưng của nó ít nhiều đã
có chuyển biến khác.
Mỗi dân tộc có những cách giải thích hay quan niệm khác nhau về trầu cau, điều này thể hiện
bản sắc văn hóa riêng của chính dân tộc đó. Bài viết này trong phạm vi tư liệu sưu tầm được,
trước tiên nêu lên các câu chuyện Trầu cau của Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam, trên cơ sở
đó tiến hành so sánh để nhận ra điểm tương đồng và khác biệt của ba nơi trong cách giải thích về
trầu cau.




II. Câu chuyện Trầu cau của Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam
1. Câu chuyện Trầu cau của Trung Quốc:
Tập tục ăn trầu phổ biến ở các tỉnh phía nam Trung Quốc – nơi có khí hậu tương đối ấm áp, phù
hợp với sự sinh trưởng của trầu cau – như Hải Nam, Vân Nam, Quảng Tây, Phúc Kiến… Tập tục
này ở Trung Quốc được đánh giá đã có khoảng 1.500 năm lịch sử.
Câu chuyện thứ nhất:
Tương truyền, vua Viêm Đế có một người con gái tên Tân, chồng cô trong một trận chiến đấu
với yêu quái không may bị sát hại, xác được chôn dưới chân một tảng đá lớn tại núi Côn Lôn.
Nơi đó ít lâu sau mọc lên một rừng cây cau, trên cây kết nhiều quả xanh mướt. Tân hái quả đặt
vào trong một túi trà, đeo ngay bên mình để tưởng niệm chồng. Về sau, mọi người tin tưởng
rằng ăn quả này không sợ ác quỷ hại đến.
Nhân vật thần thoại Viêm Đế được nhắc đến trong câu chuyện trên sống cách nay trên dưới 5000
năm. Dĩ nhiên chưa chắc câu chuyện này cũng đã có lịch sử dài tương đương như vậy, bởi lẽ có
thể câu chuyện do người đời sau dựa vào các nhân vật trong thần thoại đặt ra. Nội dung câu
chuyện rõ ràng đề cập đến việc chiến đấu chống yêu quái, đồng nghĩa với việc nhấn mạnh công
dụng khu trừ tà ma của trầu cau, tăng niềm tin vào sức mạnh con người trước hiểm họa thiên
nhiên. Ngoài ra, việc đeo quả cau bên người còn đề cập đến tình cảm vợ chồng gắn bó chung
thủy, mãi mãi sâu đậm không rời nhau.
Câu chuyện thứ hai:
Thời xưa, một gia đình bộ tộc Thái nọ sinh được người con gái nết na xinh đẹp tên là Lan
Hương. Nàng ca hay múa giỏi, cần mẫn hiền thục nên được nhiều chàng trai trong bộ tộc để ý
thương thầm. Nhưng nàng chỉ một lòng yêu anh chàng chơi giỏi trống “chân voi” và nhảy múa
đẹp nhất tên Nham Phong. Hai người yêu thương quấn quýt như bướm không rời khỏi hoa.
Nhưng sau một thời gian yêu đương ngọt ngào, bụng của cô gái đột nhiên lớn lên như cái trống,
đau đớn khôn xiết. Lời đồn vang khắp các sơn trại, những người thân quen đều xa lìa cô. Ông
nội Lan Hương vừa đau buồn vừa tức giận, hái một buồng cau bắt cô ăn để tẩy rửa tinh khiết
thân thể trước khi chết. Lan Hương không nói nên lời, tách mấy quả cau ra nhai và nuốt vào
bụng. Mọi người xung quanh chờ đợi giây phút cái chết đến với cô, đột nhiên cô đau đớn ôm

bụng chạy vào rừng sâu. Một lát sau Lan Hương từ rừng trở về, bụng to đã xẹp nhỏ lại như
trước. Cô đã nôn ra một con rắn độc dài, mọi người mới hiểu ra rằng không phải cô có mang.
Mọi người nhận ra có lỗi với Lan Hương, đồng thời hiểu được dược tính trừ độc của cau.
Câu chuyện này thể hiện sự giải thích đặc biệt của dân tộc Thái ở Vân Nam, Trung Quốc về quả
cau. Đối với họ, cau là biểu tượng của sự cát tường hạnh phúc, nam nữ già trẻ đều thích ăn cau,
dùng cau tiếp đãi khách khứa. Sách Trung y xưa chép rằng quả cau là một dược liệu truyền
thống, có công dụng điều trị đau bụng, đại tiểu tiện không thông, cổ có đàm, hen suyễn. Câu
chuyện này mặc dù cũng đề cập đến tình yêu nam nữ, nhưng chủ yếu muốn nhấn mạnh dược tính
khu trừ trùng độc trong cơ thể của cau.


Câu chuyện thứ ba:
Ngày xưa, ở một gia đình tộc người Thái nọ có ông lão Lưỡng Khẩu mắc bệnh dạ dày đã nhiều
năm, lại còn bị đứa con trai và con dâu bất hiếu hất hủi ruồng bỏ. Một ngày, ông ngồi dưới gốc
cau đan giỏ tre, gió thổi cây lắc lư làm rớt một chùm cau xuống đất. Ông lão trong lúc miệng
khô, khát nước đã thuận tay bẻ một quả cau ra nếm thử, cảm thấy đầu lưỡi ngọt mát, nước bọt
trào ra, lát sau có chút vị chát. Đến tối, ông lão cảm thấy dạ dày thoải mái lạ thường. Ông ăn
tiếp mấy ngày sau thấy bệnh dần dần giảm hẳn, dạ dày bình thường trở lại. Từ đó, người Thái
biết ăn cau để chữa bệnh đường tiêu hóa, dần dần trở thành một tập tục truyền thống.
Câu chuyện này có phần nghiêng về hướng giới thiệu công dụng trị liệu của cau mặc dù cũng đề
cập đến quan hệ luân lí gia đình. Nhân vật ông lão từ chỗ bệnh tật bất hạnh, nhờ ăn cau bệnh tật
được tiêu trừ, thân thể khỏe mạnh lại bình thường, còn quan hệ gia đình có cải thiện hay không
thì không thấy nhắc đến.
Câu chuyện thứ tư:
Không rõ từ đời nào, có một chàng trai bộ tộc Thái bỗng dưng một ngày không thấy người con
gái mình thầm yêu trộm nhớ nữa bèn bèn trèo đèo lội sông đi tìm. Giữa đường xa xôi đầy gian
nan chàng chợt thấy một cây cau, chàng trai bèn đem câu chuyện kể với cây cau và hỏi thăm
đường tìm người yêu, không ngờ cây cau lại kiêu ngạo hất mặt lên, lạnh lùng trả lời một câu
khiến anh ta vô cùng thất vọng: “Cô gái ấy đã có chồng rồi”. Vừa buồn bã lo lắng vừa thất
vọng, chàng trai hét lớn một lời nguyền về phía cây cau: “Ta nguyền ngươi mãi mãi cao lêu

nghêu như vậy, không bao giờ được khỏe mạnh cường tráng”. Ngày tháng dần trôi qua, cho đến
nay cây cau vẫn còn hình dáng ốm yếu, không thể lớn khỏe cường tráng lên được.
Câu chuyện trên mặc dù mượn tình tiết đi tìm người yêu trong vấn đề tình yêu nam nữ nhưng
chủ yếu muốn giải thích đặc trưng hình dáng của cây cau. Những câu chuyện như vầy thường
xuất hiện trong buổi sơ khai, khi con người bắt đầu nhận thức và tìm cách giải thích về các sự
vật, hiện tượng của tự nhiên. Việc nhân cách hóa các sự vật của tự nhiên cho thấy cái nhìn hồn
nhiên chất phác của người xưa về thế giới hữu linh xung quanh, đồng thời nói lên sức tưởng
tượng phong phú của con người.
2. Câu chuyện Trầu cau của Đài Loan:
Câu chuyện thứ nhất:
Tương truyền từ rất lâu, ở vùng núi Hằng Xuân có một cặp anh em song sinh làm nghề săn bắt.
Một lần đi săn trong rừng sâu, hai anh em cứu được một cô gái xinh đẹp đang bị gấu tấn công.
Sau khi đem về chữa trị lành vết thương cho cô gái, cả hai anh em cùng thầm yêu và muốn lấy
cô ta làm vợ. Dần dà, người em biết được lòng anh và muốn rút lui nhường hạnh phúc lại cho
anh. Một đêm khuya chàng lén lút rời nhà ra đi, dọc đường không may sảy chân rơi xuống vực
sâu chết. Người anh ở nhà biết được mọi cớ sự, đau buồn không muốn sống nữa, bèn tìm đến
vực sâu nhảy xuống tự vẫn. Không lâu sau, dưới vực ấy lại xuất hiện một tảng đá lớn và một cây
cau tựa vào nhau. Người con gái nghe tin tìm đến nơi xem, đau buồn vì mất đi hai tình lang tốt
nên cũng tự sát. Thân cô biến thành dây trầu, từ từ bò lên quấn tảng đá và cây cau lại với nhau.


Đây là một câu chuyện tình cảm nhân luân hết sức cảm động, trong đó ít nhiều mang bóng dáng
của một kiểu tình yêu tay ba. Tác giả dân gian đã dùng giải pháp rút lui của người em, nhường
hạnh phúc lại cho anh trai để giải quyết quan hệ kiểu tình địch của anh em, thể hiện thái độ của
người xưa trong việc bảo vệ hòa khí gia đình và luân lí xã hội. Câu chuyện này nhắc đến cả ba
vật phẩm dùng để ăn trầu là trầu, cau và vôi; mỗi người chết đi hóa thành một loại sống gắn bó
với nhau. Tác giả dân gian muốn đề cao vai trò nối kết con người với nhau trong quan hệ gia
đình và xã hội của trầu cau.
Câu chuyện thứ hai:
Vùng nọ có hai vợ chồng, suốt ngày thường tranh cãi với nhau nên tình cảm lạnh lùng hờ hững.

Người vợ mỗi khi chồng đi làm bên ngoài đã thông dâm với người đàn ông khác. Thời gian sau
mọi việc bại lộ, người vợ xấu hổ tự sát, người tình phu kia đau buồn cũng tự sát theo. Về sau
trên mộ của hai người mọc lên hai loại cây kì dị, một loại thân mọc thẳng tắp cao vút, một loại
dây leo quấn quanh lấy thân cây. Mọi người thấy hai cây lạ, hiếu kì thử ngắt lá của dây quấn gói
quả của cây kia lại ăn với nhau, lúc đầu thấy mùi vị chan chát, sau lại có vị ngòn ngọt; bèn đem
về thôn cho mọi người cùng ăn, ai ai cũng thấy thích hương vị này.
Câu chuyện này được tộc người thiểu số Nhã Mĩ ở Đài Loan dùng để giải thích cho tập tục ăn
trầu trong bộ tộc mình. So với câu chuyện thứ nhất, câu chuyện này cũng nhắc đến quan hệ gia
đình, một kiểu quan hệ luân lý giữa ba người. Thế nhưng câu chuyện này không nhắc đến vôi,
chỉ giải thích sự xuất hiện của trầu và cau, có thể điều này có liên quan đến thói quen ăn trầu của
người Nhã Mĩ. Mặc dù đề cập đến một mối quan hệ bất chính, thế nhưng nội dung câu chuyện đã
đề cao tình cảm sâu đậm gắn bó không rời giữa cô vợ và anh tình nhân. Câu chuyện này phải
chăng đã thể hiện một cách nhìn khai phóng của tộc người này đối với vấn đề tự do trong tình
yêu.
Câu chuyện thứ ba:
Xưa có một thiếu nữ dung mạo xinh đẹp, cha mẹ quý như ngọc như ngà nên quan tâm lo lắng rất
tỉ mỉ. Thế nhưng cô sớm bị bệnh chết, mọi người cho rằng sắc đẹp của cô đã làm say đắm thần
Maratan nên bị thần bắt hồn về thiên cung. Cha mẹ cô gái vô cùng bi thương, hai tháng sau thấy
trên mộ cô gái mọc lên một cây cau, dưới gốc cây mọc lên một dây trầu. Cha mẹ cô thấy lạ, hái
lá trầu ăn thấy có vị cay cay, kết hợp với quả trên cây ăn thấy có vị chát khó chịu bèn phun
xuống hòn đá dưới chân, hòn đá bỗng đỏ hồng như phấn sáp. Quá hiếu kì, mẹ cô gái lấy ba thứ
kết hợp ăn chung với nhau, ban đầu thấy chát, sau có vị ngọt, lòng thấy thoải mái thơ thới. Về
sau trong những ngày lễ lớn người ta lấy ra mời nhau thử, trở thành một thói quen trong bộ tộc
A Mĩ cho đến ngày nay.
Câu chuyện trầu cau của tộc người A Mĩ này ít nhiều mang màu sắc thần thoại. Điểm đặc biệt ở
câu chuyện này là trầu cau không đại diện cho tình yêu nam nữ, mà đại diện cho tình cảm thương
nhớ của cha mẹ đối với con cái. Đặc biệt hơn là trên phần mộ của người con gái đồng thời xuất
hiện hai loại cây lạ và hòn đá lớn, so với các câu chuyện khác mỗi người chết hóa thành một loại
thì hoàn toàn khác biệt. Nhìn chung, câu chuyện này cũng nhấn mạnh chức năng nối kết con
người của trầu cau, cụ thể là chức năng làm vật phẩm tưởng niệm người quá cố.



Câu chuyện thứ tư:
Ngày xưa có một đôi vợ chồng yêu nhau thắm thiết, người vợ bệnh nặng sớm qua đời. Lúc lâm
chung có dặn dò người chồng rằng: “Phần mộ của thiếp sẽ mọc lên một cây cau, xin chàng
thường hái quả xuống ăn, như thế chàng sẽ quên hết mọi đau buồn”. Về sau, người trong vùng
cho rằng khi cau mới kết trái, hình dáng quả tượng trưng tính âm của phụ nữ, được xem là hóa
thân của người con gái, dây trầu đại diện nam tính, nước vôi giống như nước dịch con người. Về
sau người ta lấy lá trầu gói miếng cau lại để ăn, sản sinh ra thứ nước dịch màu hồng. Cho nên
trầu cau được dùng để chỉ sự hòa hợp vợ chồng.
Đây cũng là một câu chuyện của tộc người thiểu số A Mĩ ở Đài Loan. Nếu trong các câu chuyện
khác, trầu cau là vật phẩm gắn kết con người thì trong câu chuyện này, quả cau trở thành loại
thực phẩm có thể giúp vợ chồng quên nhau, nguôi ngoai đau buồn, ăn cau không phải để tưởng
nhớ mà để nhanh chóng quên đi người quá cố. Tộc A Mĩ có cái nhìn khá phong phú đối với tập
tục ăn trầu, đây phải chăng đã thể hiện thái độ dung hợp, điều hòa mọi quan hệ nảy sinh trong
cuộc sống của dân tộc này.
3. Câu chuyện Trầu cau của Việt Nam:
Việt Nam không có nhiều câu chuyện trầu cau như Trung Quốc và Đài Loan mà chỉ có nhiều
văn bản khác nhau của cùng một câu chuyện. Tuy cách trình bày văn bản không tương đồng
nhưng nội dung chính các câu chuyện vẫn xoay quanh ba mối quan hệ giữa anh – em, vợ –
chồng, chị dâu – em chồng. Điểm khác biệt giữa các văn bản chủ yếu ở tên nhân vật, dùng từ
ngữ diễn đạt nội dung câu chuyện, một vài chi tiết nhỏ có hay là không có trong quá trình diễn
đạt. Ở đây, xin được tóm tắt nội dung câu chuyện được xem là phổ biến nhất do Nguyễn Đổng
Chi sưu tập trong cuốn Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam.
Chuyện kể về hai anh em nhà họ Cao có ngoại hình giống nhau như đúc tên là Tân và Lang.
Cha mẹ mất sớm, hai anh em hết lòng yêu thương và sống nương dựa lẫn nhau. Lớn lên, Tân và
Lang đến nhà một thầy đồ họ Lưu trong vùng học tập. Thầy đồ có người con gái nết na xinh đẹp
đồng trang lứa với hai anh em. Sau một lần thử thách, cô gái nhận ra trong hai người, ai là anh,
ai là em và có ý muốn kén người anh làm chồng. Qua nhiều lần gặp gỡ hò hẹn với cô con gái
thầy, Tân được thầy đồ hài lòng, vui vẻ gả con gái cho. Sau lễ cưới, Lang cùng với anh ruột, chị

dâu sống chung một nhà. Tưởng đâu cuộc sống gia đình hạnh phúc vui vẻ nhưng nào ngờ, càng
về sau, tình cảm của Tân đối với Lang ngày càng nhạt nhẽo. Một lần đi làm đồng về, Lang bị chị
dâu ngộ nhận là chồng và bất ngờ ôm chầm lấy mình, Lang kêu lên, cả hai người vô cùng xấu
hổ, lúc đó Tân cũng vừa về tới nhà chứng kiến sự tình. Từ đó, thái độ của Tân đối với Lang ngày
càng lãnh đạm, anh ta không còn quan tâm chăm sóc hỏi han em mình như lúc trước nữa. Lang
ngày càng buồn bã, một ngày nọ không nói không rằng bỏ nhà ra đi, chạng vạng tối đến mội bờ
suối không thể qua được, chàng ngồi xuống đau khổ khóc lóc, đến thâu đêm kiệt sức, thân hóa
thành tảng đá lớn. Tân ở nhà không thấy em đau buồn ân hận nên cũng băng muôn dặm đường
tìm em, đến bờ suối nọ cũng không qua được, ngồi bên tảng đá âu sầu, đến nửa đêm chợt nhận
ra em mình chết hóa thành tảng đá, chàng khóc cạn nước mắt, thân hóa thành cây cau mọc cạnh
bên tảng đá. Người vợ ở nhà chờ mãi không thấy chồng và em về, vội theo đường đó tìm kiếm,
nửa đêm đến dòng suối nọ mệt mỏi tựa lưng vào thân cây và hòn đá nghỉ mệt. Nàng chợt nhận
ra chồng và em đã chết, vô cùng đau đớn nàng cũng chết đi, thân hóa thành dây trầu leo lên cây


đứng thẳng bên hòn đá. Người dân trong vùng biết việc lập miếu thờ. Có lần vua Hùng đi ngang,
nghe nhân dân kể lại câu chuyện cảm động đã cho người lấy lá và quả của hai loại cây nhai với
đá vôi thấy có vị ngon ngọt, cay nồng, mặt mày hồng hào. Từ đó, tục ăn trầu dần dần phổ biến,
trầu cau và vôi trở thành lễ vật trong gặp gỡ, cưới hỏi của người dân Việt Nam.
Câu chuyện trầu cau của Việt Nam rõ ràng đã thể hiện một loại bi kịch trong quan hệ gia đình.
Câu chuyện này rất phổ biến ở Việt Nam, hầu như già trẻ gái trai đều biết. Trong hôn lễ hiện nay,
trầu cau và vôi là lễ vật cầu hôn không thể thiếu. Mỹ tục này muốn nhắc nhở cô dâu và chú rễ
phải biết quan tâm bảo vệ hạnh phúc gia đình, không chỉ hòa hợp đối với vợ hoặc chồng của
mình, với gia đình mình mà còn gắng sức giữ gìn tình cảm tốt đẹp với gia đình chồng hoặc vợ.
Trong mọi tình huống xã giao ở Việt Nam ngày xưa, ăn trầu là một nghi thức không thể thiếu.
Mời người khác ăn trầu cũng đồng nghĩa với việc bày tỏ hảo ý muốn kết giao thâm tình, thậm chí
trong sự tiếp xúc giữa nam và nữ mang ý nghĩa biểu lộ tình cảm và ước muốn gắn bó lâu dài.
Trầu cau trở thành lễ vật cho mối lương duyên chồng vợ, cho các lễ nghi điển tiết lớn nhỏ, là tế
phẩm trong cúng bái tổ tiên và thần linh. Ăn trầu cũng vì vậy trở thành phong tục cố hữu của
người dân Việt Nam.

III. Nhận xét về điểm tương đồng và khác biệt giữa các câu chuyện:
Có thể thấy, ở Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam đều có những cách giải thích về trầu cau và
tục ăn trầu rất riêng. Từ câu chuyện trầu cau của Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam, chúng ta
dễ dàng nhận ra mỗi nơi đều có cách nhìn khác nhau về trầu cau. Mặc dù trong các câu chuyện
trên không phải câu chuyện nào cũng thể hiện rõ rệt đặc trưng của một truyện kể dân gian, nhiều
câu chuyện giống như một đoạn giới thiệu về dược tính của trầu cau, nhưng về mặt đại thể có thể
thấy nội dung và cốt truyện của từng câu chuyện được hiện lên khá rõ rệt. Tiếp theo, người viết
xin đưa ra vài nhận xét về những điểm tương đồng và dị biệt của các câu chuyện trên, đồng thời
đưa ra những giả thuyết bước đầu về quá trình tiếp xúc văn hóa giữa các nước.
1. Có thể thấy Trung Quốc và Đài Loan có rất nhiều câu chuyện giải thích nguồn gốc ra đời của
trầu, cau, vôi. Có thể vẫn còn rải rác ở đâu đó các câu chuyện về trầu cau ở hai nơi nhưng những
câu chuyện sưu tầm được đủ để khẳng định rằng cái nhìn của người dân nơi đây đối với trầu cau
hết sức phong phú. Ở Việt Nam, những sáng tác văn học thành văn gắn liền với trầu cau từ xưa
đến nay có rất nhiều, thế nhưng giải thích về nguồn gốc và ý nghĩa của trầu cau phổ biến nhất là
“Sự tích trầu, cau và vôi” trong kho tàng cổ tích Việt Nam mà chúng ta đã biết. Từ đó có thể nói
rằng những giải thích về trầu cau ở Đài Loan và Trung Quốc khá toàn diện, đa dạng, quan tâm
đến công dụng của trầu cau trong nhiều phương diện: y học, sinh học…, việc tưởng niệm người
chết, quan hệ gia đình gắn liền với trầu cau cũng hết sức đa dạng. Trong khi đó, Việt Nam thấy ở
trầu cau đức tính chung thủy, sự gắn kết anh em, vợ chồng. Vì vậy, việc khẳng định công dụng trị
liệu hay khu trừ tà ma của trầu cau ở Việt Nam chắc chắn sẽ khiến nhiều người cảm thấy nghi
hoặc.
2. Câu chuyện trầu cau của Trung Quốc nghiêng về phía đề cập công dụng trị liệu bệnh tật và
khu trừ ma quỷ của cau. Trong khi đó, Việt Nam và Đài Loan lại chú trọng đến chức năng kết nối
con người trong quan hệ nhân luân, gia đình và xã hội, bao gồm quan hệ vợ chồng, anh em, cha
mẹ con cái, tình nhân; cuối cùng dẫn dắt con người truy cầu sự dung hòa trong mọi quan hệ ứng


xử. Điều này cho thấy tập tục ăn trầu ở Đài Loan cùng với các nước Đông Nam Á có mối quan
hệ mật thiết. Bởi lẽ, có ý kiến cho rằng một số bộ tộc thiểu số thích ăn trầu ở Đài Loan vốn từ
các đảo phía bắc Phi-lip-pin từ xưa di cư sang. Nếu đó là sự thật thì tập tục ăn trầu ở Đài Loan có

quan hệ mật thiết với tập tục này ở các dân tộc Nam Á và Đông Nam Á hơn là gắn liền với
Trung Quốc.
3. Các câu chuyện trầu cau của Trung Quốc chỉ đề cập cau, không thấy nói đến trầu và vôi; trong
khi câu chuyện của Đài Loan và Việt Nam đều có nói đến hai món này. Có thể đặc điểm này gắn
liền với cách thức ăn trầu ở mỗi nơi, phải chăng các dân tộc thiểu số Trung Quốc ăn cau, không
kết hợp với trầu và vôi. Vì vậy, người Trung Quốc không thấy công dụng làm vật phẩm nối kết
con người trong xã hội của trầu cau.
4. Trong câu chuyện của Việt Nam, tên gọi của hai anh em Tân và Lang là cách phiên âm Hán
Việt của từ “cau” trong tiếng Trung Quốc ( 檳檳 tân lang : cây cau, quả cau; phiên âm Bắc Kinh:
bin láng ). Điều này cho thấy có sự tiếp xúc, giao lưu của hai bên về nét văn hóa trầu cau. Có khả
năng Việt Nam tiếp thu văn hóa trầu cau của Trung Quốc để tạo ra một câu chuyện mang đậm
màu sắc văn hóa bản địa. Trong tiếng Trung Quốc, hai từ “tân lang” có nghĩa là quả cau, cây cau
trong khi sang Việt Nam, hai từ này được tách ra đặt tên cho hai anh em, là đại diện cho cây cau
và đá vôi trong bộ ba trầu – cau – vôi của câu chuyện. Còn một vấn đề khá lý thú, hai cụm từ
“quả cau” (Bin Láng) và “chú rễ” (Xin Láng) đều có cách đọc Hán Việt là “Tân lang”, trong
tiếng Hoa bản thân chúng cũng có âm đọc na ná nhau. Điều này có thể cũng là một trong những
nguyên nhân xem trầu cau là lễ vật cưới hỏi ngày xưa. Ở Đài Loan, câu chuyện về tập tục ăn trầu
chỉ phổ biến trong những phạm vi nhỏ hẹp là các bộ tộc vùng núi cao phía đông hòn đảo, nhưng
số lượng người ăn trầu rất phổ biến trong xã hội, điều này đồng nghĩa ít người ăn trầu ở Đài
Loan hiểu rõ về nguồn gốc của tập tục ăn trầu. Nghề trồng trầu cau là ngành nghề sản xuất nông
nghiệp đem lại lợi nhuận thứ hai sau nghề trồng lúa ở Đài Loan. Trong khi đó câu chuyện trầu
cau rất phổ biến trong toàn xã hội Việt Nam, nguyên nhân một phần là vì chỉ có một câu chuyện
nên tính thống nhất cao, việc lưu truyền gặp nhiều thuận lợi; nhưng số người ăn trầu ở Việt Nam
hiện nay còn lại rất ít.
5. Trong các câu chuyện trầu cau kể trên, đa phần đều đề cập đến tình tiết kì lạ là người chết thân
xác biến hóa thành cây. Tình tiết này thể hiện niềm tin và sức tưởng tượng phong phú, thuần
phác của người xưa về quy luật chuyển hóa và tư tưởng luân hồi sanh tử trong đạo Phật. Người
xưa tin tưởng rằng người chết không phải thể xác và tinh thần bị phân hủy mà chuyển sang một
dạng vật chất khác, cụ thể trong câu chuyện trầu cau là biến thành trầu, cau và vôi. Câu chuyện
trầu cau của Việt Nam và Đài Loan thể hiện sâu sắc quan điểm này, đồng nghĩa với việc giải

thích nguồn gốc ra đời của trầu, cau và vôi. Còn trong các câu chuyện của Trung Quốc chỉ có câu
chuyện thứ nhất thể hiện rõ đặc điểm này, các câu chuyện khác không phải giải thích nguồn gốc
ra đời mà là giải đặc trưng và công hiệu của cau, nghĩa là cây cau đã xuất hiện trong toàn bộ câu
chuyện chứ không phải chỉ ở đoạn kết. Tóm lại, câu chuyện trầu cau của Đài Loan và Việt Nam
nghiêng về hướng giải thích nguồn gốc ra đời của trầu, cau và vôi trong khi ở Trung Quốc lại
nghiêng về hướng giải thích đặc trưng, hình dáng, công dụng của cau.
6. Trong các câu chuyện của Trung Quốc, ba câu chuyện đầu đều xem cau là một loại thực vật
hữu ích, có thể dùng để khu trừ ma quỷ và bệnh tật, trong khi câu chuyện cuối cùng lại thể hiện
một cây cau kiêu ngạo, không thể giúp con người giải quyết thực trạng bất hạnh trong cuộc sống


mà còn đem lại sự tức giận, oán ghét. Hành động lớn tiếng nguyền rủa của nhân vật chàng trai
trong câu chuyện cuối phải chăng thể hiện thái độ không vừa mắt của người dân khi nhìn về hình
dáng vừa cao vừa ốm mất cân đối của cây cau.
7. Câu chuyện trầu cau thứ nhất của Đài Loan khá gần với câu chuyện của Việt Nam, ở chỗ cũng
đề cập đến mối quan hệ tình cảm giữa hai anh em ruột và một cô gái. Thế nhưng, câu chuyện của
Đài Loan nghiêng về hướng thể hiện bi kịch một tình yêu tay ba, trong khi câu chuyện của Việt
Nam chủ yếu muốn nhấn mạnh một loại bi kịch của sự cô đơn, hiểu lầm vì tình thương phai nhạt.
IV. Kết luận
Văn hóa các nước Đông và Nam châu Á có mối quan hệ khăng khít, nguyên nhân là ngay từ xa
xưa đã diễn ra quá trình giao lưu và tiếp xúc lẫn nhau. Tục ăn trầu ở các nước khu vực này là một
ví dụ điển hình. Bài viết bước đầu sưu tập được các câu chuyện về trầu cau của Trung Quốc, Đài
Loan và Việt Nam, chỉ ra những điểm tương đồng và dị biệt trong cách giải thích và quan niệm
về trầu cau cũng như tập tục ăn trầu. Qua đó có thể thấy, cách giải thích về trầu cau ở các nơi trên
có điểm tương đồng nhưng cũng có những khác biệt mang đặc trưng văn hóa của mỗi nơi. Vấn
đề gìn giữ hay xóa bỏ, mĩ tục hay hủ tục, thích hay ghét đều cần phải tiếp tục thảo luận, tùy
thuộc cách nhìn của mỗi nơi, mỗi người. Nhưng một điều rất quan trọng là chúng ta không thể
không biết nguồn gốc quan hệ của nó.
Thanh Phong – K. Sư Phạm




×