Tải bản đầy đủ (.docx) (5 trang)

bài văn phân tích chí khí anh hùng trích truyện kiều

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (54.51 KB, 5 trang )

Chí khí anh hùng
Nguyễn Du –
Trong thiên cổ tình thư “Truyện Kiều”, Thúy Kiều và Từ Hải là hai nhân vật
rất được Nguyễn Du yêu thương, trân trọng. Trong cả thiên truyện, không có chỗ
nào ngòi bút của Nguyễn Du âu yếm bằng khi Kiều nói hay nói về Kiều:
“Làn thu thủy, nét xuân sơn,
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh.”
không có chỗ nào hân hoan bằng khi Từ Hải nói hay nói về Từ Hải:
“Râu hùm hàm én mày ngài,
Vai năm thước rộng thân mười thước cao.”
Và nếu như Kiều là niềm say mê lớn nhất trong cuộc đời Nguyễn Du thì Từ Hải
chính là cái mộng tưởng lớn nhất trong tư tưởng của đại thi hào. Xuất hiện trong
tác phẩm, Từ Hải hiện lên là một người anh hùng “đầu đội trời, chân đạp đất”,
mang trong mình hoài bão, lí tưởng lớn lao, khao khát lập nên sự nghiệp anh hùng,
thực hiện ước mơ công lí. Vẻ đẹp đó của chàng được Nguyễn Du miêu tả qua
nhiều đoạn khác nhau của tác phẩm nhưng rõ nét nhất là ở đoạn trích “Chí khí anh
hùng”:
“Nửa năm hương lửa đương nồng,
…………………………………
Gió mây bằng đã đến kì dặm khơi.”
Sau khi thoát khỏi bàn tay ghen tuông ghê gớm của Hoạn Thư, cuộc đời
Kiều tưởng như lại rơi vào bế tắc hoàn toàn khi bị Bạc Hạnh, Bạc Bà lừa bán vào
lầu xanh lần hai, nàng luôn sống trong tâm trạng chán chường, tuyệt vọng:
“Biết thân chạy chẳng khỏi trời,
Cũng liều mặt phấn cho rồi ngày xanh.”
Nhưng Từ Hải bỗng xuất hiện và đưa Kiều thoát khỏi cảnh ô nhục chốn thanh lâu
để đời Kiều lại có những ngày tháng hạnh phúc:
“Trai anh hùng gái thuyền quyên
Phỉ nguyền sánh phượng đẹp duyên cưỡi rồng.”
Song Từ Hải không bằng lòng với cuộc sống êm đềm bên cạnh nàng Kiều tài sắc,
chàng muốn có sự nghiệp lớn nên nửa năm sau đã từ biệt Kiều ra đi. Đoạn “Chí khí


anh hùng” trích từ câu 2213 đến câu 2230 trong tác phẩm đã thể hiện được chí khí
của người anh hùng Từ Hải và được các nhà nghiên cứu đánh giá là sáng tạo riêng
của Nguyễn Du so với cốt truyện của Thanh Tâm Tài Nhân về cả phương diện cảm
hứng sáng tạo và nghệ thuật miêu tả.
Ngay từ nhan đề “Chí khí anh hùng” của đoạn trích đã khái quát được cảm
hứng chủ đạo của đoạn trích. “Chí” là chí hướng, là mục đích cao cả cần hướng tới
-


còn “khí” là nội lực, là sức mạnh đề đạt được mục đích đó. “Chí khí anh hùng”
chính là lí tưởng, mục đích cao cả và nghị lực lớn lao của người anh hùng, từ đó,
ca ngợi vẻ đẹp và phẩm chất của người anh hùng Từ Hải.
Trước hết, hình ảnh người anh hùng ấy hiện lên giữa “trời bể mênh mang”,
giữa “bốn phương”, “bốn bể”. Có thể thấy đó là khoảng không gian bao la, rộng
lớn, khoáng đạt, từ đó càng tôn lên tầm vóc của một con người có “hùng tâm tráng
trí”, sánh ngang với trời đất, vũ trụ đồng thời chắp cánh cho những ước mơ, khát
vọng của con người được bay cao hơn, xa hơn. Đây là cách miêu tả thường gặp
trong các tác phẩm văn học trung đại. Kích cỡ và tầm vóc của nhân vật phi phàm
phải ở giữa vòng trời đất “cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể” (Nguyễn Công Trứ).
Qua đó có thể thấy, người anh hùng Từ Hải là con người của trời đất, của vũ trụ,
của bốn phương mà như nhà thơ Hoài Thanh đã từng nhận xét: “Từ Hải không phải
người của một nhà, một họ, một xóm, một làng mà là người của bốn phương”.
Chí khí của người quân tử ấy còn được thể hiện qua những hành động, cử
chỉ đầy quyết đoán:
“Nửa năm hương lửa đương nồng,
Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương.
Trông vời trời bể mênh mang,
Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng dong.”
“Nửa năm” là khoảng thời gian chung sống của Từ Hải và Kiều. Khoảng
thời gian ấy chưa đủ dài để làm tàn phai đi tình cảm vợ chồng “đương nồng” của

“trai anh hùng gái thuyền quyên”, vậy nhưng, với chí lớn và khát khao làm nên
nghiệp lớn Từ Hải thoắt đã “động lòng bốn phương”. “Lòng bốn phương” và “trời
bề mênh mang” ở đây là hai hình ảnh ước lệ, tượng trưng cho chí nguyện lập nên
sự nghiệp của Từ Hải tạo nên một tầm vóc lớn lao, phi thường. Có thể nói tình yêu
hay bất cứ một cái gì cũng không đủ sức để ngăn cản được bước chân của chàng.
Trong cả một tác phẩm dài, Nguyễn Du chỉ dành duy nhất một từ “trượng phu” cho
Từ Hải như thể khẳng định một chí khí lớn ở chàng. Cũng chính vì thế mà chàng
hướng về “trời bể mênh mang” với “thanh gươm yên ngựa” để rồi “lên đường
thẳng dong”. “Hình ảnh con người với thanh gươm, yên ngựa như che đầy cả trời
đất” (Hoài Thanh) đã thể hiện hành động hiên ngang, mạnh mẽ, quyết đoán, không
mảy may phân vân, so đo, níu kéo và tinh thần “ra đi không vương thê nhi” của các
đấng trượng phu xưa:
“Quyết lời dứt áo ra đi,
Gió mây bằng đã đến kì dặm khơi.”
Hai từ “quyết” và “dứt” cùng xuất hiện trong một câu thơ lục ngôn với
những thanh trắc mạnh mẽ, dứt khoát thể hiện khí phách của người anh hùng.


Hành động đi liền một mạch không quay đầu lại, thái độ dứt khoát lúc chia tay,…
tất cả đều bộc lộ chí khí anh hùng của Từ Hải. Khép lại đoạn thơ là hình ảnh “cánh
chim bằng” – một hình ảnh tuyệt đẹp giàu ý nghĩa trong văn chương cổ điển,
thường tượng trưng cho khát vọng của những người anh hùng có bản lĩnh phi
thường, muốn làm nên sự nghiệp lớn lao. Hình ảnh “gió mây bằng đã đến kì dặm
khơi” là mượn ý của Trang Tử tả chim bằng khi cất cánh lên thì như đám mây
ngang trời và mỗi khi bay thì chín vạn dặm mới nghỉ, đối lập với những con chim
nhỏ chỉ biết nhảy nhót trên cành cây đã diễn tả những giây phút ngây ngất trong
men say chiến thắng của con người phi thường lúc ra đi. Từ Hải cũng giống như
cánh chim bằng kia cũng đã đến lúc tung cánh bay lên cùng gió mây chín ngàn
dặm trên cao.
Chia ly và hội ngộ, hội ngộ và chia ly là hai sự kiện trái ngược và nối tiếp

nhau chia cái đời hường của mỗi người ra thành những chặng đường giàu ý nghĩa.
Nếu không có chia ly và hội ngộ, cuộc sống chỉ là một dòng chảy đơn điệu và tẻ
nhạt. Và nếu hội ngộ là sướng vui, hạnh phúc thì chia ly là sầu muộn, đau buồn. Có
lẽ vì thế mà thơ ca viết về chia ly nhiều hơn, thấm thía hơn? Trong “Truyện Kiều”,
Nguyễn Du đã ba lần khắc họa cuộc chia ly. Đó là khi Kiều tiễn Kim Trọng về quê
hộ tang chú với nỗi nhớ nhung mối tình đầu say đắm:
“Mối sầu sẻ nửa bước đường chia đôi”
Đó là cuộc chia tay với Thúc Sinh trong tâm trạng cô đơn, đầy dự cảm không lành:
“Người lên ngựa kẻ chia bào,
Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san.”
Nhưng trong đoạn trích này tác giả tái hiện cảnh Kiều chia tay Từ Hải là để chàng
ra đi thực hiện nghiệp lớn. Nàng biết rõ Từ Hải ra đi sẽ lâm vào tình cảnh bốn bể
không nhà, nhưng vẫn khẩn thiết xin được cùng đi để thực hiện nghĩa vụ của người
vợ với chồng, để chia sẻ những khó khăn trên bước đường sự nghiệp. Nhưng với
Từ Hải thì khác, chàng đã đáp lại rằng:
“Từ rằng: Tâm phúc tương tri,
……………………………
Chầy chăng là một năm sau vội gì!”.”
Từ Hải ra đi không lưu luyến, bịn rịn tình cảm như thường thấy. Dù yêu
thương Thúy Kiều, coi nàng là “tâm phúc tương tri” song chàng vẫn quyết tâm ra
đi. Lời trách cứ nhẹ nhàng: “Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình?” khẳng định


chàng là một đấng nam nhi luôn phận biệt rạch ròi giữa sự nghiệp và tình cảm.
Trong lời trách cứ ấy còn gửi gắm niềm tin của Từ Hải mong Thúy Kiều vượt qua
được sự yếu đuối của nữ nhi thường tình để xứng đáng là vợ của một người anh
hùng. Qua lời hứa: “Bấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia” với nàng Kiều, Nguyễn Du
đã cho ta thấy một Từ Hải với những lí tưởng công danh lớn lao, những khát vọng
phi thường. Đó là việc phải có được “mười vạn tinh binh”, “tiếng chiêng dậy đất
bóng tinh rợp trời”. Từ Hải là con người rất mực tự tin. Trước đây, chàng đã ngang

nhiên xem mình là anh hùng giữa chốn trần gian. Giờ thì chàng tin rằng tất cả sự
nghiệp như đã nắm chắc trong tay. Dù xuất phát chỉ với “thanh gươm yên ngựa”,
nhưng Từ Hải tin rằng mình sẽ có trong tay “mười vạn tinh binh”, sẽ trở về trong
hào quang chiến thắng “tiếng chiêng dậy đất bóng tinh rợp đường”, để “rõ mặt phi
thường” với Thúy Kiều, để đem lại vẻ vang cho người phụ nữ mà chàng hết lòng
yêu mến và trân trọng. Từ Hải đã khẳng định muộn thì cũng không quá một năm,
nhất định sẽ trở về với cả một cơ đồ to lớn. Đó không chỉ là những lời nói khẳng
định sự tự tin của Từ Hải vào sự nghiệp trước mắt mà đó còn là lời động viên, an
ủi Thúy Kiều, từ đó, khơi dậy khát vọng về một cuộc sống công bằng, chính nghĩa.
Cùng lắng mình vào dòng chảy của lịch sử, trở về với vùng đất phía Bắc
cuối thế kỉ XVI – triều đình nhà Thanh, Trung Quốc – thời điểm “Kim Vân Kiều
truyện” được sáng tác, ta có thể thấy trong tác phẩm, Từ Hải vốn chỉ là một kẻ rất
đỗi tầm thường: thi trượt, đi buôn, thích kết giao với giang hồ hiệp khách. Nhưng
khi trở lại trong đoạn trích “Chí khí anh hùng”, nhân vật Từ Hải đã được Nguyễn
Du miêu tả theo chuẩn mực thơ văn trung đại về người anh hùng. Nhà thơ đã sử
dụng những hình ảnh đẹp nhất, hoành tráng nhất để ngợi ca nhân vật này. Phải thấy
một con người phóng khoáng ngất ngưởng như Nguyễn Công Trứ cũng biết chừng
mực:
“Ba vạn anh hùng đè xuống dưới,
Chín lần thiên tử đội lên trên.”
thì cách ngợi ca, tôn xưng của Nguyễn Du dành cho Từ Hải:
“Đội trời đạp đất ở đời”
còn là phạm thượng như thế nào? Trong quan niệm chính thống của giai cấp phong
kiến xưa, Từ Hải là kẻ dám dấy binh khởi nghĩa chống lại triều đình, chống lại vua
(dù cho đó là một triều đình thối nát) thì theo cái nhìn của những nhà vua – người
đại diện cho giai cấp phong kiến – Từ Hải chỉ là giặc mà trong lịch sử trung đại
Việt Nam còn ghi lại bóng dáng của những Từ Hải như thế: Cao Bá Quát, Nguyễn
Công Trứ, Nguyễn Huệ ... Có lẽ cũng chính vì vậy mà khi đọc đến đây, vua Tự
Đức đã đòi phạt Nguyễn Du 300 roi. Như vậy, có thể thấy Từ Hải chính là bóng
dáng của những người anh hùng áo vải, những người nông dân khởi nghĩa trong

thế kỉ sóng gió với bao phen “thay đổi sơn hà”. Đồng thời, do sinh ra và lớn lên


trong thời đại mà xã hội phong kiến khủng hoảng trầm trọng nên hình ảnh của Từ
Hải cũng chính là giấc mơ của Nguyễn Du về tự do và công lí.
Đoạn trích “Chí khí anh hùng” đã một lần nữa chứng tỏ tài miêu tả, khắc họa
nhân vật của đại thi hào Nguyễn Du. Với bút pháp ước lệ và lí tưởng hóa nhân vật,
nghệ thuật tượng trưng kết hợp với đối thoại quen thuộc của thể văn cổ, Nguyễn
Du đã phối hợp, sáng tạo một cách tài tình khiến người đọc đâu dễ quên được một
nhân vật anh hùng Từ Hải gửi gắm khát vọng tự do và công lí của danh nhân, một
người anh hùng đầy phóng khoáng, dứt khoát, oai nghiêm với lí tưởng anh hùng và
rạch ròi giữa sự nghiệp và tình cảm.



×