Tải bản đầy đủ (.docx) (5 trang)

Nghệ thuật trào phúng trong chương “Hạnh phúc của một tang gia”

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (60.72 KB, 5 trang )

Nghệ thuật trào phúng trong
chương “Hạnh phúc của một
tang gia”
Nghệ thuật trào phúng trong chương Hạnh phúc của một tang
gia (Trích Số Đỏ của Vũ Trọng Phụng)
HƯỚNG DẪN CHI TIẾT
I. MỞ BÀI
Vũ Trọng Phụng là cây bút có sức sáng tạo dồi dào. Ông đã để lại một số
lượng tác phẩm đồ sộ, tiêu biểu nhất là phóng sự, tiểu thuyết như “Số đỏ”,
“Cạm bẫy người”, “Kỹ nghệ lấy Tây”, “Trúng số độc đắc”… Sáng tác của Vũ
Trọng Phụng phản ánh chân thực hiện thực xã hội đen tối, thối nát đương
thời bằng bút pháp trào phúng đặc sắc. Đặc biệt là đoạn trích “Hạnh phúc
của một tang gia” (trích “Số đỏ”) thể hiện rõ nét nhất bút pháp trào phúng
bậc thầy của ông.
II. THÂN BÀI
1.Khái quát trước khi phân tích:
“Hạnh phúc của một tang gia” là tựa đề chương XV của tiểu thuyết “Số đỏ”.
Ở chương này, Vũ Trọng Phụng miêu tả đám tang của cụ cố tổ, qua đó dựng
lên một màn hài kịch với mâu thuẫn trào phúng, chân dung biếm họa có giá
trị tố cáo sâu sắc.
Vậy “nghệ thuật trào phúng” là gì? Đó là nghệ thuật nhà văn dùng ngòi bút
của mình để tạo ra tiếng cười thâm thúy nhằm đả kích, phê phán một đối
tượng hay hiện tượng xã hội nào đấy. Ở đây, chính là đả kích châm biếm bọn
tư sản giàu có, rởm đời đang làm băng hoại những giá trị đạo đức truyền
thống.
2. Phân tích cụ thể cần đạt các ý sau:


2.1. Mâu thuẫn trào phúng thể hiện rõ nét ở cuối chương XIV, theo lời nhờ vả
của ông Phán, cháu rể cụ cố tổ, Xuân tóc đỏ đã chào ông Phán mọc sừng ! Lời
chào đó đã khiến cụ cố tổ uất ức vì có cô cháu gái hư hỏng và lên cơn bệnh


đến nỗi sắp chết. Xuân sợ hãi bỏ chạy như một thằng ăn cắp. Nhưng mọi
người lại tưởng hắn là thầy thuốc chính hiệu vì giận nên đã quên hết lương
tâm nghề nghiệp. Trong khi Xuân sợ hãi trốn tránh, cả gia đình cụ cố tổ lại
mang ơn Xuân vì làm cho cụ cố tổ chết. Cái chết của cụ đáp ứng sự chờ mong
của mọi thành viên trong gia đình, vì từ đây họ có thể chia nhau cái gia tài
kếch xù. Như vậy, một kẻ có tội như Xuân ngờ đâu lại trở thành có đại công
với gia đình. Xuân càng trốn chạy sợ tội thì danh dự lại càng to thêm. Thật là
đáng nực cười, đúng như tác giả viết, “đó là một bài học cho những kẻ nào
dám bảo một người như Xuân là con nhà hạ lưu, ma cà bông, vô học, vô lại,
nhặt ban quần”.
2.2. Không phải ngẫu nhiên mà nhà văn lấy nhan đề của chương truyện này
là “Hạnh phúc của một tang gia”. Nhan đề tạo sự chú ý, tò mò cho người đọc,
tạo sự nghịch lí, đối lập gây tiếng cười thâm thúy: “Tang gia”, đau đớn, u
buồn, ảm đạm. “Hạnh phúc”, sung sướng, được thoả mãn nguyện vọng. Đã
“tang gia” thì còn gì là “hạnh phúc”? Nhưng tác giả đã chỉ ra được rất nhiều
cái hạnh phúc và rất nhiều những kịch tính trào phúng khác. Nhà văn mở đầu
đoạn trích từ chỗ “Ba hôm sau ông cụ già chết thật” mà suốt chương truyện
không khí cứ rộn rã tưng bừng. Nhân vật trong truyện sung sướng, hạnh
phúc, đó là niềm hạnh phúc của một gia đình vô phúc, niềm vui của lũ con
cháu đại bất hiếu.
2.3. “Hạnh phúc của một tang gia” chỉ là một chương nhỏ của tác phẩm “Số
đỏ” nhưng dường như nhà văn Vũ Trọng Phụng đặt các nhân vật vốn dĩ đã
đốn mạt ở các chương trên vào hoàn cảnh “tang gia” để cái bản chất lừa lọc,
bịp bợm, thất đức, bất hiếu càng rõ nét, chân thật hơn. “Tang gia” gắn với
đau khổ, mất mát nhưng ở đây lại diễn ra nghịch cảnh, mọi người trong gia
đình đều hạnh phúc, mà niềm hạnh phúc ấy lại diễn ra muôn màu muôn vẻ:
Cụ cố Hồng vốn hiếu danh, thích được già để mọi người gọi là cố, sung sướng
tưởng tượng ra cảnh được “mặc áo xô gai, chống gậy lụ khụ, vừa ho khạc,
vừa khóc mếu”, để được khen: “Úi kìa, con giai nhớn đã già thế kia à”. Được



thoải mái hút thuốc phiện và gắt gỏng với câu “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi” mà
thằng bồi tiêm đếm được 1872 lần.
Vợ chồng Văn Minh và ông Typn vui mừng vì đây là dịp tốt để lăng xê các mốt
quần áo của tiệm may Âu Hóa và tờ “chúc thư đã đi vào thời kỳ thực hành
chứ không còn phải là lý thuyết viễn vông nữa”. Ông Văn Minh với khuôn mặt
“hợp với nhà có đám” đã lừa được cả thiên hạ vì ai cũng nghĩ ông có hiếu,
thực ra khuôn mặt “đăm đăm chiêu chiêu” của ông là đang phân vân không
biết đối xử với Xuân như thế nào vì Xuân mang “hai cái tội nhỏ, một cái ơn
to”.
Ông Phán nhận thấy cái sừng hươu trên đầu mình rất có giá trị vì ông sẽ được
thêm vài nghìn đồng trong phần chia gia tài.
Cô Tuyết sung sướng có dịp mặc bộ váy ngây thơ, để chứng tỏ mình còn trong
trắng và thể hiện khuôn mặt buồn lãng mạn rất đúng mốt (Buồn vì Xuân
không đến chứ không phải buồn vì đám tang).
Cậu Tú tân, nhân dịp này chứng minh hiệu quả của máy ảnh vì cậu có mấy
cái máy ảnh mà chưa có dịp thực hành.
Cái chết của cụ cố tổ không chỉ làm cho người trong gia đình cụ cố Hồng vui
sướng mà còn mang hạnh phúc đến cho những người ngoài gia đình. Cảnh sát
Min đơ và Min Toa bỗng có việc làm và có tiền. Bạn bè của cụ cố có dịp khoe
các huy chương “vạn tượng bội tinh” và đủ kiểu râu ria nhưng sung sướng
nhất và cảm động nhất là được nhìn thấy làn da trắng thập thò trên cánh tay
và ngực Tuyết. Gia đình, phố phường tưng bừng huyên náo như ngày hội. Bọn
con cháu vô tâm ai cũng sung sướng thoả thích… “Người ta tưng bừng vui vẻ
đi đưa giấy cáo phó”, gọi phường kèn, thuê xe đám ma…
Với những mâu thuẫn trên, đặc biệt là việc miêu tả tỉ mỉ niềm hạnh phúc của
mọi người trước cái chết của cụ cố tổ, Vũ Trọng Phụng đã lột bộ mặt thật của
xã hội lố lăng, chuộng hình thức, không chút tình người, vạch chân tướng của
những hạng người mang danh thượng lưu, trí thức, văn minh nhưng thực chất
là cặn bã, là đạo đức giả. Đó là chưa kể đến việc lợi dụng đám tang để giải

quyết việc hôn nhân cho cô Tuyết hòng xóa đi tiếng xấu hư hỏng “một nửa”
của cô.


2.4. Để tô đậm ý nghĩa trào phúng, nhà văn đã xây dựng và chọn lọc được
nhiều chi tiết ấn tượng:
Đó là cảnh đám ma được tổ chức rất đông rất to “có kiệu bát cống, lợn quay
đi lọng”, có đủ cả kèn ta, kèn tây, kèn tàu, cũng có tới ba trăm câu đối. Người
đưa tang đến vài ba trăm, có đủ cả giai thanh gái lịch. Đi tới đâu làm huyên
náo tới đó, nhưng tất cả mọi người đi đưa ma không hề có ai quan tâm đến
người chết. Người thì trò chuyện về vợ con, nhà cửa, về một cái tủ mới sắm,
một cái áo mới mua, người thì tận dụng cơ hội đưa ma để chọc ghẹo, cười
tình hoặc bình phẩm, chê bai nhau. Nhà văn đã phải đau lòng mà bình luận :
“Đám ma to tát có thể làm cho người chết trong quan tài cũng phải mỉm cười
sung sướng, nếu không gật gù cái đầu”. Miêu tả hình thức đám tang với mọi
nghi thức long trọng, tác giả làm nổi bật lên cái cần có mà lại không có của
đám tang này là tình người. Điều này thật khác với đám tang của lão Gorio
trong trang văn của Banzắc. Dù Gorio bị con cái bỏ rơi nhưng dù sao cuối
truyện còn có giọt nước mắt của chàng sinh viên Ratinhắc rớt xuống như một
lời tiễn biệt, còn ấm lên một chút tình người. Còn ở đây, đám con cháu đại bất
hiếu nhà cụ cố Hồng chỉ là những kẻ cơ hội.
Ở một điểm khác Vũ Trọng Phụng bắt gặp “Phái trẻ la ó”, “cậu Tú tân điên
người”, bà Văn Minh sốt ruột, ông Typn bực mình… Mọi người điên lên. Hoá ra
người ta sốt ruột không vì người chết mà vì cái xác chết ấy sao không mau
chóng được chôn để họ được hưởng “Hạnh phúc của một tang gia”. Mỉa mai
thay cái gia đình ấy.
Mỉa mai thay nữa là cảnh cậu Tú tân bắt mọi người phải đóng kịch để chụp
hình: người phải chống gậy, gục đầu, người phải lau nước mắt… Nếu coi đoạn
trích là một tấn bi hài kịch thì mỗi người là một vai hề trình độ.
Cuối cùng phải nói đến cảnh ông Phán oặt người đi, khóc thảm thiết rồi ngả

vào Xuân. Mỉa mai thay, đúng lúc xót thương lên đến cao độ cũng là lúc ông
Phán tranh thủ thanh toán sòng phẳng số tiền thuê Xuân bằng cách “dúi vào
tay nó một cái giấy bạc năm đồng gấp tư”.
2.5. Góp phần cho tiếng cười đầy mỉa mai còn phải kể đến ngôn ngữ của tác
phẩm: Khi kể chuyện, bao giờ Vũ Trọng Phụng cũng có sự kết hợp những ngôn
từ trái ngược nhau trong một câu văn để làm bật lên sự vô nghĩa lý của cuộc


đời. Chẳng hạn, tác giả gọi nhà đám là “bầy con cháu chí hiếu chỉ nóng ruột
đem chôn cho chóng cái xác chết của cụ tổ”…, hoặc tác giả miêu tả : “Thật là
một đám to tát có thể làm cho người chết nằm trong quan tài cũng phải mỉm
cười sung sướng, nếu không gật gù cái đầu…”. Vũ Trọng Phụng quả đúng là
bậc thầy của ngôn ngữ trào phúng.
Lưu Trọng Lư nhận xét về con người Vũ Trọng Phụng: “Trên trang viết Vũ Trọng
Phụng sắc sảo bao nhiêu thì trong cuộc đời Vũ Trọng Phụng càng chân thành
bấy nhiêu. Con người ấy không giết quá một con muỗi. Nhưng thật kì diệu,
văn chương của con người ấy làm cho kẻ trọc phú phải giật mình, kẻ trưởng
giả phải cáu kỉnh.” Đọc “Số đỏ” nhiều nhà nghiên cứu cùng nhận xét rằng:
“Đây là cái bi của người chết, cái hài của xã hội, cái vô phúc của gia đình giàu
sang lắm tiền nhiều của nhưng thiếu tình người”
III. KẾT BÀI
Đám tang cụ cố tổ đã được miêu tả bằng một nghệ thuật trào phúng điêu
luyện khiến cho người ta phải mỉm cười nhưng là nụ cười xót xa cho sự lừa
dối. Với “Hạnh phúc của một tang gia”, Vũ Trọng Phụng đã phanh phui, bóc
trần cả một xã hội giả dối “chó đểu”. Với cách viết trào phúng, với những chi
tiết đầy kịch tính, tác giả đã khắc họa một cách sâu sắc những chân dung
biếm họa trào phúng. Qua tiếng cười ấy là nỗi đau xót của nhà văn trước xã
hội lừa lọc, giả dối, lố lăng, vô đạo đức. Ngòi bút tài hoa của Vũ Trọng Phụng
đã giúp người đọc nhìn thấu và suy ngẫm sâu sắc hơn về cuộc đời, về con
người.




×