Tải bản đầy đủ (.docx) (3 trang)

NGUYỄN TRỌNG TẠO - MỘT NGƯỜI THƠ LẺ LOI

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (48.34 KB, 3 trang )

NGUYỄN TRỌNG TẠO MỘT NGƯỜI THƠ LẺ LOI
VŨ CAO
Nếu người đọc muốn tìm thấy ở thơ Nguyễn Trọng Tạo câu trả lời “chức năng của thơ là gì” thì
khó có một lời giải đáp cụ thể. Ta thấy thơ anh không nhằm phục vụ một nhiệm vụ hoặc cổ vũ
một trào lưu gì. Anh như một người lẻ loi đứng trên các nẻo đường, mặc cho các lớp người cứ
trùng điệp ồn ào qua lại. Anh suy nghĩ một mình vẩn vơ với những điều bất chợt nhận ra rồi bất
chợt viết thành những câu thơ có lúc mộc mạc có lúc sang trọng, nhưng cũng có lúc như chỉ viết
cho riêng mình.
Thực ra từ xưa đã có người làm thơ theo lối như vậy và đã để lại nhiều tác phẩm còn lưu truyền
mãi đến nay. Tình yêu, khát vọng, hoài nghi, cái chết, hữu hạn và vô hạn, tính xa lạ và tính phi lý
của con người, của sự sống… bao nhiêu đề tài vẫn treo lơ lửng trên đầu nhà thơ.
Thật khó có thể xếp Nguyễn Trọng Tạo vào một lớp nhà thơ nào. Ngòi bút của anh thoải mái nói
những điều không phải dễ nói ra, những điều ấp ủ:
có cả đất trời mà không nhà ở
có vui nho nhỏ có buồn mênh mông
mà thuyền vẫn sông mà xanh vẫn cỏ
mà đời vẫn say mà hồn vẫn gió
Người đọc khó có thể lý giải từng chữ khi câu thơ anh vui đấy lại buồn đấy:
có anh hề đã nói với tôi
- đời thằng hề buồn lắm anh ơi
và tôi đã khóc
tin thì tin không tin thì thôi
nhưng tôi người cầm bút, than ôi
không thể không tin gì mà viết.
Không thể không tin. Tin ở điều gì, nhà thơ không nói ra, nhưng người đọc có thể chia sẻ, cảm
thông qua các trang thơ của anh. Tình yêu, nỗi nhớ, cái đẹp, niềm khao khát, ước mơ… những
lay động muôn thuở trong tâm hồn con người nhưng vẫn luôn là mới.
Nguyễn Trọng Tạo tỏ ra ác cảm với những gì là tẻ nhạt, với những con người sống vật vờ như cái
bóng.
hắn là hắn hắn chính là chiếc bóng
không âm thanh không màu sắc không buồn vui


thế mà hắn suốt đời sát kề tôi
không xóa được tôi đành chào thua hắn
tôi đã chào thua khối người như chiếc bóng…
Chắc sẽ có người hỏi: Sao lại phải chào thua nhỉ? Những con người ấy vô vị và vô tích sự, vẫn
còn và sau này vẫn còn. Không lẽ thái độ của ta rút cuộc chỉ là: Quay đi trước mặt họ?
trong giấc ngủ ta thấy ta lang thang mây trời
Ngọc Hoàng ngủ gật
Chúa một bên và Phật một bên
những nhà thơ chìm đắm biển thơ tình
những nhà báo xô vào ga đĩa bay
những con cóc cổ dài kêu khản tiếng


trong giấc ngủ ta thấy lang thang thế giới
mặt nạ bày bán khắp nơi
trên sân bay trên xe con trên bàn tròn bàn vuông
bàn chữ U bàn chữ nhật
trên đạn bom trên lợi nhuận
trên âm mưu mong cứu rỗi con người
Lịch sử nghìn đời vẫn còn lặp đi lặp lại những tội ác. Cứu rỗi được nơi này thì nơi kia lại nổi lên
với hình dáng khác. Không ít các nhà thơ, các nhà triết học đã nói về cái sự “Luân hồi” này, vẫn
chưa hết bóng dáng những địa ngục các cỡ trên trần gian cho đến khi không còn nghe hai tiếng
“Cứu rỗi”.
Tâm trạng ấy cũng là nguồn gốc của tâm trạng khác khi nhà thơ đứng trước cái uy nghi hùng vĩ
của Angko.
tôi đi từ Địa ngục tới Thiên đường
từ Xác đá tới Linh hồn của đá
ôi Ăng-ko! thăng trầm bao thế kỷ
đỉnh máu xương hóa đá dựng lâu đài
Người từ đâu?

và Người chính là ai?
tôi hỏi đá. Đá mỉm cười tin cậy…
Cái mỉm cười ấy là mỉm cười cho con người, cho thiên nhiên vũ trụ nữa.
Nguyễn Trọng Tạo suy nghĩ miên man về những gì đã qua và cái gì sẽ tới, tất cả cứ chen vào
nhau có khi không mạch lạc gì cả nhưng lại phản ánh đúng những rối rắm trong tâm tưởng. Anh
không giấu những rối rắm ở trong anh:
ngày vung vãi đức tin
đêm gặp mình đơn độc
ranh khôn giữa muôn nghìn
trở về thành thằng ngốc
mướn niềm vui kẻ khác
có gì như tham lam
mướn nỗi buồn kẻ khác
có gì như nhàm nhàm
cây khế nở hoa cam
cây bàng nở hoa bưởi
ăn mãi món mật ong
biết đâu đời đắng lưỡi?
Cái loại “nghịch lý” ấy không phải chỉ mình anh đã nói. Anh cho mình là “thằng ngốc”, rồi lại tự
gọi mình là “thằng nhà quê”:
ngác ngơ giữa phố
một thằng nhà quê
nhớ thương Mộ Tổ
biết bao giờ về…
Trong bài tựa tập “Đồng dao cho người lớn” của Nguyễn Trọng Tạo, anh Hoàng Phủ Ngọc
Tường gọi nhà thơ là “người ham chơi”. Nhưng không ai có thể dông dài suốt đời mình và người
ham chơi có lúc phải quay về. Tôi hiểu ý anh Hoàng Phủ Ngọc Tường, anh nhắc đến ý thức lưu
lạc của người ham chơi. Quả thật nếu tôi cứ đọc mãi những dòng thơ của Người ham chơi như



vậy thì có khi tôi cũng bị lây bởi nỗi bơ vơ vô tận thực ra cũng chẳng có gì hoàn toàn lạ lẫm đối
với mình. Tôi nghĩ về một cái lý đơn giản này: cái gì cũng phải có cái độ của nó. Không ai phản
đối cái buồn cũng như không ai phản đối uống say. Nhưng nếu cứ ngày đêm nát rượu thì không
nên chút nào. Nguyễn Trọng Tạo thường đẩy vô thức tới triết lý. Tôi hiểu ở đây tác giả chỉ nói
những khoảnh khắc tâm trạng, bởi tác giả “Làng quan họ quê tôi” có những đoạn thơ vừa lãng
mạn vừa làm ấm lòng người đọc biết bao:
bạn bè ơi, nếu mà không các bạn
những lúc lang thang ta về đâu
bạn bè ơi, hãy thương nhiều thương mãi
thương niềm vui thương buồn đau
thêm lần nâng chén, nào các bạn
mai rồi bạc tóc đi tìm nhau!
Hoặc như trong “Cuối năm ngẫu hứng chợ chiều” nhiều câu thật giản dị và sâu đậm:
thời gian rụng úa vai người
ước chi mua được nụ cười còn nguyên
này Lan, này Hạnh, này Duyên (*)
trăng non cái lúm đồng tiền còn không?
Có người nói: Nguyễn Trọng Tạo thuộc loại nhà thơ giận đời. Tôi không nghĩ thế. Anh vẫn yêu
đấy chứ. Yêu cho nên lúc giận mình giận người. Mấy ai đã yêu làng quan họ bằng anh? Mấy ai
đã yêu cái lúm đồng tiền kia bằng anh?
________
(*) Câu thơ Ngô Kha: này Lan, này Hạnh, này Duyên
Nguồn: DIỄN ĐÀN VĂN NGHỆ VIỆT NAM, số 6 năm 1996



×