Friedrich A. Hayek
Giới trí thức và chủ nghĩa xã hội
(Có tham khảo bản dịch của Nguyễn Quang A đăng trên talawas)
Đinh Tuấn Minh dịch
1 2
Giới thiệu của người dịch:
Tuần trước, tôi rất phấn khích khi bắt gặp bản dịch bài luận “The Intellectuals and Socialism” của F.
A. Hayek trên talawas do Nguyễn Quang A thực hiện. Tuy nhiên, sau khi đọc lướt qua bản dịch này
tôi cảm thấy rất khó hiểu và hình như có nhiều phần có nội dung khác hẳn so với những điều tôi đã
từng hiểu khi đọc nguyên bản của bài luận này. Ý định ban đầu của tôi thực ra chỉ là viết một vài
góp ý về bản dịch của Nguyễn Quang A. Nhưng khi thực sự bắt tay vào xem xét toàn bộ bản dịch
đó một cách kỹ càng, tôi nghĩ rằng tốt nhất tôi nên dịch một bản khác. Độc giả có thể so sánh và tôi
tin rằng các bạn sẽ thấy hai bản dịch về cơ bản là khác hẳn nhau, không những chỉ về hình thức
trình bày mà còn cả về hầu hết những nội dung cốt yếu của bài luận. Vì lẽ đó, tôi quyết định đề tên
mình là dịch giả, mặc dù không muốn chút nào do bản dịch của tôi ít nhiều vẫn dựa trên bản dịch đã
công bố của Nguyễn Quang A. Vì bản thân tôi bây giờ lại là dịch giả nên có lẽ sẽ là tốt hơn nếu để
việc nhận xét các bản dịch cho độc giả, đặc biệt là các chuyên gia dịch thuật. Mọi người có thể tham
khảo một phiên bản gốc của bài luận này trên internet tại:
Tuy nhiên, tôi phải lưu ý trước rằng cách trình
bày phiên bản này có một vài điểm khác với phiên bản (do chính Hayek biên tập) mà tôi sử dụng để
dịch ở đây.
Bài luận này của Hayek là một trong những bài tôi rất thích. Để chia sẻ cảm nghĩ của mình với độc
giả, tôi sẽ đề cập đôi chút về hoàn cảnh Hayek viết bài luận này, tóm tắt lại một số luận điểm chính
của nó, và đưa ra một số gợi mở về ý nghĩa của bài luận đối với hoàn cảnh của Việt Nam hiện nay.
Hayek viết bài luận này sau Thế chiến thứ II một thời gian. Đây là thời kỳ mà chủ nghĩa xã hội có
được ảnh hưởng mạnh mẽ nhất trên cả hai mặt trận tư tưởng và thực tiễn. Trên bình diện tư tưởng
những nhà khoa học và triết gia hàng đầu như Albert Einstein [1] và Bertrand Russell [2] đều ít nhiều
đã ngả sang khuynh hướng xã hội chủ nghĩa. Trên thực tiễn, một loạt các nước mới độc lập trên
khắp thế giới đều có chính phủ cộng sản hoặc thân cộng sản. Ở Anh, quê hương của chủ nghĩa tư
bản, Công Đảng lên nắm quyền và bắt đầu tiến hành quốc hữu hoá nhiều lĩnh vực công nghiệp. Còn
tại London, Hayek hầu như bị cô lập về tư tưởng. Phần lớn các học trò và đồng nghiệp đều đã rời bỏ
ông. Đây có lẽ là một trong những nguyên do chính khiến ông phải dời bỏ nước Anh vào năm 1950
sau gần 20 năm sinh sống và có quốc tịch tại đó để sang Đại học tổng hợp Chicago, Mỹ, nơi ông sẽ
đảm nhận chức danh giáo sư khoa học xã hội và luân lý thay vì là giáo sư kinh tế học như đã từng
làm trước đây. Bài luận này Hayek viết với mục đích giải thích vì sao một thứ học thuyết mù mờ và
nguy hiểm cho sự phát triển của nhân loại như chủ nghĩa xã hội lại có sức hấp dẫn đến như vậy
ngay cả với những nhà khoa học và nhà tư tưởng hàng đầu. Ông viết như thể đang khái quát hoá trải
nghiệm của chính đời mình xảy trong khoảng thời gian trước đó. Độc giả mà ông hướng tới có lẽ là
giới học giả và trí thức Mỹ, những người mà ông sợ cũng sắp bị nhuộm đỏ như giới trí thức ở châu
Âu lục địa lúc bấy giờ.
Trong bài luận này Hayek định nghĩa giới trí thức là tập hợp những người môi giới trung gian
chuyên nghiệp về tư tưởng (the professional secondhand dealers in ideas), chẳng hạn các nhà báo,
các nhà giáo, những chuyên gia thời sự, các nhà bình luận radio, các nhà văn, các nghệ sĩ, v.v... Với
định nghĩa này ông phân biệt người trí thức với nhà tư tưởng khai nguồn (original thinker) cũng như
với học giả chuyên sâu. Người trí thức như là chiếc cầu nối các ý tưởng của nhà tư tưởng khai
nguồn và học giả chuyên sâu với quảng đại quần chúng. Hayek cho rằng chính giới trí thức chứ
không phải ai khác mới là những người quyết định tương lai chính trị của một quốc gia bởi vì “Họ
nắm được quyền lực này bằng định hướng dư luận”. Bất kể đó là ai, ngay cả các học giả mà nằm
ngoài lĩnh vực chuyên sâu của mình, đều tiếp nhận các thông tin, kiến thức, luồng tư tưởng, cũng
như những nhận định tốt – xấu từ sự sàng lọc, đánh giá, bình luận, và so sánh của giới trí thức. Giới
trí thức làm những công việc này như là một nghề kiếm sống hàng ngày của họ. Đối với giới này,
những việc làm đó về cơ bản là tự nguyện, dựa trên tri thức và xác tín của riêng họ thay vì bị chi
phối hay sai khiến bởi cấp trên của họ.
Trở lại với câu hỏi chính mà Hayek muốn làm sáng tỏ là tại sao giới trí thức, bao gồm cả những nhà
khoa học vĩ đại nhất khi đóng vai trò là người trí thức, lại đi truyền bá một cách tự nguyện thứ tư
tưởng nguy hại cho nền văn minh nhân loại như chủ nghĩa xã hội? Để trả lời câu hỏi này Hayek
xuất phát từ một phát hiện xuất sắc về đặc điểm đặc trưng của người trí thức: “Có lẽ nét đặc trưng
nhất của người trí thức là: anh ta phán xử các tư tưởng mới không phải bằng các phẩm tính cụ thể
của chúng mà bằng sự sẵn sàng ăn khớp của chúng với những quan niệm chung của anh ta, với bức
tranh về thế giới mà anh ta cho là hiện đại hay tiên tiến”. Do đặc điểm này, các trí thức dễ dàng tiếp
nhận các tư tưởng sai lầm khi xếp chúng vào cùng loại với những tri thức hiện đại mà anh ta đã tin
là đúng. Bởi vì tư tưởng chủ đạo của chủ nghĩa xã hội là cổ vũ sự kiểm soát xã hội nên hầu hết giới
trí thức, sau khi đã có niềm tin vững chắc vào sự thành công vang dội của lĩnh vực khoa học tự
nhiên trong giai đoạn trước đó dễ dàng đón nhận chủ nghĩa xã hội, rằng con người có thể kiểm soát
và hoạch định sự vận hành của xã hội loài người giống như người kỹ sư kiểm soát và vận hành một
cỗ máy. Ngày nay, ở Việt Nam, chúng ta vẫn luôn bắt gặp tâm thế này ở giới trí thức trong hầu hết
các vấn đề, từ việc dịch thuật, phim ảnh, ô nhiễm môi trường cho đến giáo dục, kinh tế vùng, kinh
tế ngành. Sau khi chỉ ra vấn đề hoặc sự yếu kém của hệ thống họ luôn luôn yêu cầu chính phủ phải
đầu tư thế này hay tổ chức thế khác, cứ như thể chính phủ là một đấng toàn năng có thể giải quyết
được mọi việc. Đúng ra, cái mà họ cần phải yêu cầu là chính phủ không làm gì như thế cả. Thay vì
đó, chính phủ phải đề ra luật lệ rõ ràng cho phép các cá nhân, các doanh nghiệp, và các hội đoàn
dân sự được tự do thành lập và hoạt động tự nguyện, và đến lượt chính các cá nhân, các doanh
nghiệp, và các hội đoàn dân sự này sẽ tự đi huy động tài chính cũng như tổ chức các công việc đó.
Đặc điểm trên của giới trí thức cũng khiến họ dễ dàng bị cuốn hút vào các loại ý tưởng khái quát và
trừu tượng. Trên khía cạnh này chủ nghĩa xã hội trong giai đoạn trước Thế chiến thứ II đã đáp ứng
được nhu cầu của giới trí thức do đặc tính mù mờ và huyền ảo của nó. Hayek chỉ ra rằng chính bởi
vì những người tin tưởng vào chủ nghĩa tự do cá nhân (hay chủ nghĩa tự do cổ điển) trong một thời
gian dài không dám dấn thân vào việc làm cho hệ tư tưởng này phát triển và trở thành một chủ đề
sống động, thay vì đó họ lại chú trọng chủ yếu vào các loại công việc thực tiễn hàng ngày, nên họ
đã để cho chủ nghĩa xã hội “một mình một chiếu” thâm nhập vào giới trí thức. Không nghi ngờ gì,
việc Hayek phát hiện ra tầm quan trọng của việc xây dựng một triết lý xã hội chung cho chủ nghĩa
tự do cá nhân để định hướng giới trí thức đã khiến ông dành tất cả sức lực trong suốt quãng đời còn
lại để theo đuổi nhiệm vụ đầy khó khăn này. Những công trình sau này của ông như Hiến pháp tự
do (the Constitution of Liberty, 1960), Luật, luật pháp và tự do (Law, Legislation and Liberty, 19731979), Sự tự phụ chết người: Những sai lầm của chủ nghĩa xã hội (The Fatal Conceit: The Errors of
Socialism, 1988) đều không vì mục đích nào khác ngoài việc xây dựng nền tảng triết lý xã hội
chung cho một xã hội tự do. Không những chỉ những ý tưởng khai nguồn đi trước thời đại của ông
mà còn cả sự dấn thân đầy quả cảm gần như trong cô đơn của ông trong suốt một thời gian dài đã
trở thành nguồn cảm hứng tiếp sức cho những học giả tự do sau này ngày càng hoàn thiện hơn hệ
thống các tư tưởng kinh tế, chính trị, và luật pháp, làm cơ sở để xây dựng một xã hội thực sự tự do
và dân chủ [3] .
Bối cảnh của thế giới hiện nay đã khác xa so với thời kỳ Hayek viết bài luận này. Những luận điểm
chính đầy nguỵ tạo của chủ nghĩa xã hội giờ đây đã bị bác bỏ trên cả hai bình diện lý thuyết lẫn
thực tiễn ở hầu hết các nước trên thế giới. Các lập luận của Ludwig von Mises về tính bất khả thể
của phép tính kinh tế xã hội chủ nghĩa và của Hayek về sự kém hiệu quả về mặt kinh tế của hệ
thống kinh tế hoạch định tập trung do không khai thác được lượng tri thức riêng phần khổng lồ của
các cá nhân trong xã hội về cơ bản đã được giới học giả chấp nhận như là lời giải đáp đúng đắn nhất
cho sự thất bại của hệ thống kinh tế xã hội chủ nghĩa. Các chính sách kinh tế tự do mà Hayek cổ vũ
trước đây hầu như được mọi đảng phái ở các nước dân chủ phương Tây theo đuổi. Sự khác nhau
duy nhất trong cương lĩnh hành động của các đảng phái ở các nước này có lẽ đơn thuần chỉ là các
vấn đề chi tiết như tư nhân hoá như thế nào, tự do thương mại cái gì và ở chừng mực nào v.v... chứ
không còn là các tranh chấp về các vấn đề tư tưởng nền tảng. Nhưng với tình hình thế giới như vậy
thì liệu bài luận này mà Hayek viết cách đây hơn 50 năm có còn ý nghĩa thiết thực gì nữa chăng đối
với tình hình phát triển của giới trí thức Việt Nam hiện nay?
Để có thể nói gì về điều này có lẽ trước hết chúng ta cần phải xem xét một cách khái lược quá trình
phát triển của tầng lớp này ở Việt Nam. Tầng lớp trí thức của Việt Nam xuất hiện muộn hơn ở các
nước phương Tây, chỉ vào thập kỷ cuối cùng của thế kỷ 19, sau khi Pháp chiếm toàn bộ Việt Nam
một thời gian [4] . Sự phát triển của tầng lớp này dường như đạt đến đỉnh điểm trong giai đoạn 19301945 khi mà một loạt các trào lưu tư tưởng từ chủ nghĩa Marxist-leninist, chủ nghĩa Marxisttrotskyist, cho đến các loại chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa cải lương được đưa vào tranh luận trên
các diễn đàn báo chí và học thuật của Việt Nam. Nhưng kể từ sau 1945, khi mà như một xu thế
chung trên toàn thế giới các trí thức hàng đầu của Việt Nam ngả hẳn sang tư tưởng xã hội chủ nghĩa,
thì bầu không khí trí tuệ của Việt Nam về cơ bản đã được định hình. Nhưng sự chia cắt Nam-Bắc
sau Hiệp định Genève năm 1954 đã đẩy giới trí thức ở hai miền vào hai tình thế khác hẳn. Ở miền
Bắc, tầng lớp này về cơ bản bị Đảng Cộng sản xoá bỏ, hay nói chính xác hơn bị “công nhân hoá”
[5]
, sau một vài phản kháng của phong trào Nhân văn-Giai phẩm trong các năm 1956-1959 để
khẳng định sự tồn tại của mình [6] . Ở miền Nam, 20 năm dường như quá ngắn ngủi để giới trí thức
thay đổi bầu không khí trí tuệ chi phối bởi chủ nghĩa xã hội vốn đã được định hình trước đó. Mặc
dù nhận định này cần phải được các sử gia nghiên cứu kỹ lưỡng hơn nhưng từ những hiểu biết của
tôi về các phong trào sinh viên – trí thức ở miền Nam trong giai đoạn này và giãi bày tâm trạng gần
đây của các trí thức miền Nam xưa kia trong chủ đề “Chiến tranh nhìn từ nhiều phía” đăng trên
talawas, tôi mạnh dạn đề xuất rằng một nguyên nhân quan trọng để giải thích việc vì sao chính
quyền miền Nam luôn bị bất ổn và nhanh chóng sụp đổ là bởi vì miền Nam vẫn còn giới trí thức và
bởi vì bầu không khí trí tuệ của giới này về cơ bản vẫn là bầu không khí chi phối bởi chủ nghĩa xã
hội. Sau khi đất nước thống nhất, tương tự như ở miền Bắc trước đó, tầng lớp trí thức trên toàn quốc
về cơ bản bị công nhân hoá. Những người còn tinh thần trí thức có lẽ đã cố gắng tái hình thành giới
của mình trong vài năm “cởi trói cho văn nghệ sĩ” cuối thập kỷ 80 của thế kỷ trước. Nhưng những
cố gắng của họ một lần nữa lại bị vùi dập khi mệnh lệnh “chấn chỉnh văn nghệ sĩ” được đưa ra, đặc
biệt sau khi một loạt các văn nghệ sĩ bị quản thúc hoặc treo bút.
Vì thế, nếu nhận định của tôi là đúng thì thực ra giới trí thức Việt Nam mới chỉ tái hình thành
khoảng độ 10 năm trở lại đây [7] , đặc biệt sau khi internet xuất hiện, như là một tất yếu của quá trình
theo đó các kiểm soát về đời sống kinh tế được giải tỏa. Bên ngoài phạm vi bình luận chính trị và tư
tưởng chính trị, phần lớn các nhà báo, nhà giáo, và văn nghệ sĩ đã dần tìm lại được vị trí của mình
là đón nhận các trào lưu mới, sàng lọc, diễn giải và truyền bá lại cho đại chúng theo hệ thống tư duy
của riêng mình thay vì trông đợi vào mệnh lệnh từ cấp trên ban xuống. Trong chừng mực có thể,
giới trí thức ngày nay cũng luôn luôn cố gắng hình thành các phong cách riêng để chứng tỏ rằng họ
không còn là những cái máy truyền tin như trước đây nữa. Ngay cả trong lĩnh vực bình luận chính
trị và tư tưởng chính trị, họ cũng đã cố gắng tìm ra những khu vực mà ở đó họ có toàn quyền hành
xử. Đối với những đề tài thực sự nhạy cảm, phản ứng rất thú vị của họ là bê y nguyên không những
chỉ nội dung mà cả cách thức trình bày từ trên áp đặt xuống, cứ như thể họ muốn phân bua với độc
giả rằng họ thực ra chẳng hứng thú gì khi làm việc đó; và độc giả do cũng nhận biết được tín hiệu
đó nên hầu như tức thì bỏ qua những loại thông tin này khi bắt gặp. Giờ đây, khó ai có thể phủ nhận
được rằng một phần đáng kể cách suy nghĩ, cách ăn mặc, cách mua sắm v.v... của dân chúng Việt
Nam hiện nay, đặc biệt là giới trẻ, về cơ bản đã và đang được định hình bởi tầng lớp này.
Mặc dù thế giới đã thay đổi rất nhiều nhưng bối cảnh phát triển của giới trí thức Việt Nam hiện nay
nói chung lại chưa có khác biệt mấy trên bình diện tư tưởng, và ở một mức độ nào đó trên bình diện
thực tiễn, so với thời gian Hayek viết bài luận này. Trên giảng đường đại học, trên sách báo và
phương tiện truyền thông đại chúng, và trên các các trao đổi có tính học thuật ở trong nước hầu như
chỉ xuất hiện tên tuổi các nhà tư tưởng thế kỷ 18 và 19, cứ như thể chúng ta đang sống trong xã hội
đầu thế kỷ 20. Khi cần trích dẫn cái gì có tính trừu tượng người ta vẫn thường mang Hegel, Marx,
Engels, Lenin v.v... ra như là chỉ dấu của sự hiểu biết uyên thâm. Cũng cần lưu ý là, ngoại trừ các
tác gia Marxist có các tác phẩm được dịch và phát hành, độc giả Việt Nam chỉ biết đến các nhà tư
tưởng thế kỷ 18 và 19 dưới lăng kính của chủ nghĩa Marxist [8] . Tên tuổi của các nhà tư tưởng xã
hội thế kỷ thứ 20, đặc biệt sau Thế chiến thứ II hầu như vắng bóng chứ đừng nói gì đến tác phẩm
của họ. Về mặt thực tiễn, nền kinh tế Việt Nam về cơ bản vẫn chưa thoát khỏi các khẩu hiệu “kinh
tế quốc doanh làm chủ đạo”, thậm chí khẩu hiệu “sở hữu toàn dân về tư liệu sản xuất”, mặc dù
chúng ta đã có rất nhiều doanh nghiệp tư nhân và về cơ bản đã hội nhập với nền kinh tế thế giới.
Nhà nước vẫn chưa khi nào từ bỏ tham vọng kiểm soát trực tiếp nền kinh tế. Hệ thống doanh nghiệp
nhà nước nói chung vẫn tồn tại ở qui mô như thời kỳ đầu cải cách mặc dù có thay đổi đôi chút về
hình thức tổ chức. Việc cho phép đảng viên cộng sản làm kinh tế có lẽ sẽ là một biến thái tiếp theo
của tham vọng này. Một loại nguồn vốn quan trọng nhất hiện nay ở Việt Nam, một quốc gia với hơn
70% nhân khẩu sống ở khu vực nông thôn, là đất đai vẫn thuộc về “sở hữu toàn dân”. Việc đất đai
được giao khoán cho nông dân sử dụng trong khoảng thời gian 20 năm hay 50 năm sẽ gây ra những
bất ổn khôn lường về mặt kinh tế và xã hội khi thời điểm đáo hạn đến gần. Những bất ổn này chắc
chắn sẽ lớn hơn nhiều so với những bất ổn do sự trưng thu ruộng đất để sử dụng cho mục đích khác
như hiện nay. Tới thời điểm đó những câu hỏi như liệu những mảnh ruộng được giao cho ông bà tôi
sử dụng trước đây, và nay tôi thừa kế, sẽ còn tiếp tục thuộc quyền sử dụng của tôi hay là phải trả lại
cho nhà nước; liệu con cháu của tôi có còn được chia ruộng nữa hay không sẽ đều là những câu hỏi
ngỏ không lời giải đáp, nếu như nguyên tắc sở hữu đất đai toàn dân vẫn được tiếp tục duy trì như
hiện nay.
Chính cái bối cảnh đặc thù như thế của Việt Nam hiện nay khiến cho nội dụng bài luận này của
Hayek hầu như vẫn còn nguyên giá trị. Việt Nam đang xây dựng một nền kinh tế thị trường và
hướng tới một xã hội tự do và dân chủ nhưng lại thiếu vắng hoàn toàn nền tảng triết lý xã hội chung
về cái xã hội mà nó đang hướng tới. Về cơ bản, giới hoạt động thực tiễn ủng hộ kinh tế thị trường
mới chỉ chú tâm vào giải quyết các công việc trước mắt. Nhưng chừng nào mà chúng ta vẫn còn
thiếu hệ thống các triết lý xã hội chung này thì chừng đó giới trí thức Việt Nam còn bấu víu vào chủ
nghĩa xã hội và hoàn toàn có thể chuyển sang các biến thái khác của chủ nghĩa này như chủ nghĩa
dân tộc, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, hay các dạng chủ nghĩa tập thể cực đoan khác. Rất may là
những nền tảng triết lý tự do về cơ bản đã được các học giả theo chủ nghĩa tự do cá nhân trên thế
giới miệt mài xây dựng trong vài chục năm qua. Không nghi ngờ gì, giới học giả chuyên sâu Việt
Nam một mặt phải tiếp tục cùng với các học giả trên thế giới tham gia phát triển tiếp nền tảng này
để sao cho nó ngày càng sống động. Nhưng mặt khác, họ cũng cần phải tích cực tham gia truyền tải
sang tiếng Việt những các tác phẩm cơ bản đó bởi lẽ chỉ có họ mới thực sự hiểu và mới có thể dịch
chúng một cách chuẩn xác. Chúng ta không thể trách cứ những người hoạt động thực tiễn vì thực
tâm muốn dịch chúng nhưng do hiểu biết chuyên sâu về các tác phẩm đó chưa đủ nên đã đưa ra
những bản dịch chưa thoả đáng. Điều đáng trách phải là những học giả Việt Nam, những người có
hiểu biết thực sự về chúng nhưng lại quá thờ ơ với loại công việc này, xem việc dịch thuật các tác
phẩm triết lý xã hội tự do như thể là quá đỗi tầm thường với họ vậy.
Đinh Tuấn Minh
I.
Có một niềm tin sâu đậm phổ biến ở tất cả các nước dân chủ, ở Mỹ niềm tin này thậm chí còn sâu
sắc hơn, rằng ảnh hưởng của giới trí thức đối với chính trị là không đáng kể. Không còn nghi ngờ gì
điều này là đúng khi nói về sức mạnh của những người trí thức trong việc khiến các ý kiến riêng
biệt của mình về hiện tại ảnh hưởng đến các quyết định của quần chúng, xét ở mức độ làm thay đổi
tỷ lệ bầu cử đại chúng về các vấn đề mà họ có quan điểm khác với các quan điểm hiện thời của
quần chúng. Tuy nhiên, xét trong những khoảng thời gian dài hơn một chút, thì có lẽ chưa bao giờ
họ có được một ảnh hưởng lớn như họ đang có ngày nay ở chính các nước đó. Họ nắm được quyền
lực này bằng định hướng dư luận.
Có một điều hơi lạ là, dưới ánh sáng của lịch sử mới đây, quyền lực có tính quyết định này của
nhóm những người môi giới trung gian chuyên nghiệp về tư tưởng (the professional secondhand
dealers in ideas) vẫn chưa được thừa nhận ở một qui mô rộng lớn hơn. Diễn tiến chính trị của thế
giới phương Tây trong một trăm năm qua là một minh họa sáng tỏ nhất. Lúc đầu chủ nghĩa xã hội
chưa bao giờ và chẳng ở đâu là một phong trào của tầng lớp lao động. Nó chẳng hề là một phương
thuốc hiển nhiên cho một hiểm họa hiển nhiên nhất thiết đòi hỏi bởi các lợi ích của tầng lớp ấy. Nó
là một kiến tạo của các nhà lí luận, bắt nguồn từ các xu hướng nhất định của tư duy trừu tượng mà
chỉ giới trí thức mới tỏ tường được sau một khoảng thời gian dài; và nó đòi hỏi những nỗ lực dài hơi
của giới trí thức trước khi các tầng lớp lao động bị thuyết phục để chấp nhận nó như là cương lĩnh
của họ.
Trong mọi quốc gia đã chuyển sang hướng chủ nghĩa xã hội, trước pha phát triển trong đó chủ nghĩa
xã hội có vai trò quyết định đối với hoạt động chính trị là một giai đoạn nhiều năm trong đó các lí
tưởng xã hội chủ nghĩa đã chi phối tư duy của nhóm trí thức hoạt động tích cực hơn. Tại Đức giai
đoạn này đã đạt được vào cuối thế kỉ trước; ở Anh và Pháp, vào khoảng thời gian Chiến tranh Thế
giới lần thứ nhất. Đối với nhà quan sát tình cờ, thì dường như Hoa Kì đã tiến tới pha này sau Chiến
tranh Thế giới lần II và sức hấp dẫn của hệ thống kinh tế kế hoạch hóa và chỉ huy đối với giới trí
thức Mỹ giờ đây mạnh mẽ giống như là nó đã từng hấp dẫn các đồng nghiệp Đức hay Anh của họ.
Kinh nghiệm gợi ý rằng, một khi đã chuyển sang giai đoạn này thì việc các quan điểm do giới trí
thức nắm giữ bây giờ trở thành xung lực chi phối hoạt động chính trị chỉ còn là vấn đề thời gian.
Vì thế, đặc điểm của quá trình theo đó các quan điểm của giới trí thức ảnh hưởng đến hoạt động
chính trị ngày mai khiến chúng ta cần lưu tâm trên cả sự quan tâm học thuật. Bất kể chúng ta muốn
chỉ đơn thuần nhìn thấy trước hay chỉ muốn thử tác động đến diễn tiến của các sự kiện thì đặc điểm
trên là một nhân tố có tầm quan trọng lớn hơn nhiều so với thường được hiểu. Cái đối với người
quan sát đương thời có vẻ như là cuộc đấu tranh giữa các lợi ích mâu thuẫn nhau thì thực ra thường
là cái đã được quyết định trước từ lâu trong một cuộc đụng chạm giữa các tư tưởng diễn ra trong
các nhóm hẹp. Tuy vậy, khá ngược đời là nhìn chung các đảng phái cánh tả một mặt đã nỗ lực nhiều
nhất để truyền bá niềm tin rằng chính sức mạnh về lượng của các lợi ích vật chất đối ngược nhau
mới là cái quyết định các vấn đề chính trị, thì mặt khác trong thực tiễn chính các đảng phái này lại
thường xuyên hành động và thành công cứ như thể họ hiểu được vị trí then chốt của giới trí thức.
Dù là do có chủ định hay do hoàn cảnh bắt buộc, họ đã luôn luôn nỗ lực hết mình để tranh thủ sự
ủng hộ của giới élite (giới tinh hoa) này. Trong khi các đảng phái bảo thủ hơn thì lại hành động,
cũng đều đặn nhưng không thành công, trên một quan điểm ấu trĩ hơn về dân chủ số đông và
thường nỗ lực một cách vô vọng để tiếp cận và thuyết phục trực tiếp cử tri cá nhân.
II.
Tuy nhiên, thuật ngữ “trí thức” không truyền đạt ngay tức thì bức tranh trung thực về cái tầng lớp
rộng lớn mà chúng ta nhắc đến và thực tế rằng việc chúng ta không có được một cái tên tốt hơn để
mô tả cái mà chúng ta gọi là nhóm những người môi giới trung gian về tư tưởng không phải là lí do
quá tầm thường vì sao quyền lực của họ lại không được hiểu đúng. Ngay cả các cá nhân vốn dùng
từ “trí thức” chủ yếu theo cách lạm dụng vẫn có thiên hướng loại bỏ nhiều người rõ ràng thực hiện
chức năng đặc trưng đó. Chức năng này chẳng phải là chức năng của nhà tư tưởng khai nguồn
(original thinkers), cũng không phải của học giả hay chuyên gia về một lĩnh vực tư duy cụ thể nào.
Người trí thức điển hình không phải là một trong hai loại đó: anh ta không cần có tri thức đặc biệt
về bất cứ cái gì cụ thể, thậm chí chẳng cần quá thông minh, để thực hiện vai trò của mình với tư
cách người môi giới trong việc truyền bá tư tưởng. Cái làm cho anh ta đủ tư cách thực hiện công
việc của mình là anh ta có thể dễ dàng nói và viết trên một dải rộng các chủ đề, và có một vị trí hay
các thói quen mà qua đó anh ta đón nhận các tư tưởng mới sớm hơn những người anh ta truyền đạt
cho.
Thật khó có thể hình dung được tầng lớp này rộng lớn đến cỡ nào, phạm vi hoạt động của nó liên
tục gia tăng ra sao trong xã hội hiện đại, và vì sao tất cả chúng ta đều phụ thuộc vào nó chỉ đến khi
chúng ta bắt tay vào liệt kê tất cả các ngành nghề và các hoạt động thuộc về tầng lớp này. Tầng lớp
này không chỉ gồm các nhà báo, các nhà giáo, các mục sư, các giảng viên, những chuyên gia thời
sự, các nhà bình luận radio, các nhà viết tiểu thuyết, những người vẽ tranh biếm họa, và các nghệ sĩ
– tất cả những người này có thể là các bậc thầy về kĩ thuật truyền đạt các tư tưởng nhưng thường là
những người nghiệp dư xét ở chừng mực liên quan đến thực chất vấn đề mà họ truyền đạt. Tầng lớp
này cũng gồm nhiều nhà chuyên môn và người làm kĩ thuật, chẳng hạn các nhà khoa học và các bác
sĩ, những người mà thông qua sự tiếp xúc thường xuyên với các ấn phẩm trở thành những người
truyền tải các tư tưởng mới không thuộc lĩnh vực chuyên môn của họ và những người mà, vì tri
thức uyên thâm của họ về các chủ đề riêng của họ, được mọi người lắng nghe với sự kính trọng khi
họ bàn về hầu như mọi thứ khác. Ngày nay, người bình thường hiểu biết về về các sự kiện hoặc các
tư tưởng hầu như thông qua tầng lớp này; và ngoài các lĩnh vực chuyên môn của mình hầu như tất
cả chúng ta xét trên khía cạnh này đều là những người bình thường, những người vốn có nhu cầu về
thông tin và kiến thức phụ thuộc vào những người biến nhu cầu này thành việc làm theo sát dư luận
của họ. Chính giới trí thức theo nghĩa này mới là những người quyết định quan điểm và dư luận nào
đến với chúng ta, những sự thực nào đủ tầm quan trọng mà chúng ta nên biết, và chúng được trình
bày dưới dạng nào và từ góc cạnh nào. Liệu chúng ta có biết được các kết quả nghiên cứu của
chuyên gia và của nhà tư tưởng khai nguồn nào đó hay không chủ yếu phụ thuộc vào quyết định của
giới trí thức này.
Người bình thường có lẽ không ý thức đầy đủ được đâu là mức độ ảnh hưởng của tầng lớp này ngay
cả đối với việc hình thành danh tiếng đại chúng (popular reputation) của các nhà khoa học và các
học giả và sự chi phối không thể tránh khỏi bởi các quan điểm của tầng lớp này về các chủ đề vốn
chẳng mấy liên quan đến các nội dung của các thành tựu thực sự. Và đặc biệt quan trọng đối với
vấn đề của chúng ta là mỗi học giả có lẽ đều có thể nêu ra được nhiều ví dụ từ lĩnh vực của mình về
những người đã đạt được danh tiếng đại chúng một cách không xứng đáng như các nhà khoa học
lớn chỉ bởi lẽ họ bám giữ cái mà giới trí thức coi là quan điểm chính trị “tiến bộ”; nhưng có lẽ tôi
vẫn nên điểm qua một thí dụ nơi kiểu hư danh khoa học (scientific pseudo-reputation) như vậy lại
được ban cho học giả vốn có thiên hướng bảo thủ hơn. Việc tạo ra danh tiếng kiểu này bởi giới trí
thức là đặc biệt ảnh hưởng trong các lĩnh vực nơi các kết quả nghiên cứu chuyên môn không được
các nhà chuyên môn khác sử dụng, mà lại đa phần phụ thuộc vào quyết định chính trị của công
chúng. Quả thực về điều này hiếm có minh họa nào tốt hơn thái độ mà các nhà kinh tế học chuyên
nghiệp dành cho sự phát triển của các học thuyết như chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa bảo hộ. Có lẽ
đa số các nhà kinh tế học, những người có danh tiếng được công nhận bởi các đồng nghiệp trong
giới của họ, chưa khi nào lại đi ưa thích chủ nghĩa xã hội (hay với cả chủ nghĩa bảo hộ). Thậm chí
hoàn toàn có thể đúng khi nói rằng không có nhóm các nhà nghiên cứu tương tự nào lại có một tỉ lệ
các thành viên của mình cao đến vậy dứt khoát chống chủ nghĩa xã hội (hay chủ nghĩa bảo hộ). Một
điều còn có ý nghĩa hơn là, trong thời gian gần đây, người ta có khuynh hướng chọn kinh tế học làm
nghề của mình không phải là do sự quan tâm ban đầu đến những kế hoạch cải cách theo thiên
hướng xã hội chủ nghĩa. Do vậy, không phải là các quan điểm đa số của các chuyên gia mà là các
quan điểm của một thiểu số, phần lớn thường có vị trí khá đáng ngờ trong nghề nghiệp của mình, lại
được giới trí thức vớ lấy và truyền tụng.
Ảnh hưởng lan tỏa khắp của giới trí thức trong xã hội đương thời còn được củng cố thêm bởi tầm
quan trọng ngày càng gia tăng của “tổ chức”. Một niềm tin phổ biến, nhưng có lẽ sai lầm, rằng sự
gia tăng của tổ chức làm tăng ảnh hưởng của chuyên gia hay nhà chuyên môn. Điều này có thể đúng
đối với chuyên gia hành chính và chuyên gia tổ chức, nếu có những người như vậy, nhưng hầu như
là không đúng đối với chuyên gia trong bất cứ lĩnh vực tri thức cụ thể nào. Đúng hơn là điều này
làm tăng quyền lực của người mà có kiến thức chung đủ để đánh giá lời phát biểu của chuyên gia và
để so sánh đánh giá giữa các chuyên gia từ các lĩnh vực khác nhau. Tuy vậy, điểm quan trọng đối
với chúng ta là, một học giả mà trở thành hiệu trưởng trường đại học, một nhà khoa học mà chịu
trách nhiệm về một viện hay một quỹ, một học giả mà trở thành một nhà biên tập hay người bảo trợ
tích cực của một tổ chức phục vụ một sự nghiệp đặc biệt nào đó, tất cả mau chóng không còn là các
học giả hay chuyên gia nữa và trở thành các trí thức theo định nghĩa của chúng ta ở đây, những
người mà đánh giá tất cả các vấn đề không phải bằng các phẩm tính đặc thù của chúng, mà, theo
cách thức đặc trưng của những người trí thức, chỉ dựa theo ánh sáng của các tư tưởng thời thượng
chung nhất định. Số lượng các tổ chức như vậy, nơi sản sinh ra các trí thức và làm tăng số lượng và
quyền lực của họ, tăng lên mỗi ngày. Hầu như tất cả các “chuyên gia” chỉ về kĩ năng làm cho tri
thức luân chuyển, liên quan tới chủ đề mà họ xử lí, là các trí thức chứ không phải là các chuyên gia.
Theo nghĩa mà chúng ta sử dụng thuật ngữ, thì giới trí thức thực ra là một hiện tượng khá mới mẻ
của lịch sử. Dẫu rằng chẳng ai còn tiếc nuối việc giáo dục đã không còn là một đặc ân của các tầng
lớp giàu có, thì sự thực rằng các tầng lớp giàu có đã không còn là những người được giáo dục tốt
nhất nữa, và sự thực rằng đa phần những người mà có địa vị [trong xã hội] chỉ đơn thuần nhờ giáo
dục phổ thông là những người không có loại kinh nghiệm về sự vận hành của hệ thống kinh tế vốn
có được từ việc quản lí tài sản là những điểm đáng lưy ý để hiểu được vai trò của giới trí thức. Giáo
sư Schumpeter, người đã dành một chương sáng sủa trong cuốn Chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa xã
hội, và dân chủ (Capitalism, Socialism, and Democracy) của mình để bàn về một số khía cạnh của
vấn đề của chúng ta, đã nhấn mạnh không phải không công bằng rằng chính cái sự thiếu vắng trách
nhiệm trực tiếp đối với các công việc thực hành và hệ quả là sự thiếu vắng tri thức trực tiếp về
chúng mới là cái để phân biệt người trí thức điển hình với những người khác mà cũng nắm được
quyền lực của lời nói và chữ viết. Tuy vậy, sẽ là đi quá xa ở đây để xem xét kỹ càng hơn sự phát
triển của tầng lớp này và một tuyên bố lạ kì được cổ vũ gần đây bởi một trong những nhà lí luận của
nó, rằng chỉ những ai có các quan điểm dứt khoát không bị chi phối bởi các lợi ích kinh tế mới là
người trí thức. Một trong những điểm quan trọng cần được xem xét đối với một thảo luận kiểu như
thế có lẽ là: luật bản quyền đã gây ra một kích thích nhân tạo đối với mức độ tăng trưởng của tầng
lớp này như thế nào [9] ?
Bản tiếng Việt © 2006 talawas
[1]
Xem Albert Einstein, “Why Socialism?”, Monthly Review, 1949. Độc giả có thể xem thêm tư
tưởng xã hội chủ nghĩa của Albert Einstein trong một số đoạn ở phần II của cuốn sách của ông Thế
giới như tôi thấy (Mein Weltbild), NXB Tri Thức, 2005, do Đinh Bá Anh, Nguyễn Vũ Hảo, và Trần
Tiễn Cao Đăng dịch.
[2]
Bertrand Russell biểu lộ tư tưởng xã hội chủ nghĩa của mình cực kỳ rõ ràng và mạch lạc trong bài
luận “The Case for Socialism” in trong Bertrand Russell, In Praise of Idleness, 1973 [1960], Unwin
Book: London.
[3]
Về điểm này độc giả có thể tham khảo các cuốn sách viết về tiểu sử F. A. Hayek, chẳng hạn cuốn
Friedrich Hayek: a Biography của Alan Ebenstein xuất bản năm 2001, đặc biệt là phần IV. Về ảnh
hưởng trong lĩnh vực kinh tế học của ông có thể tham khảo thêm bài phát biểu gần đây của Veron
Smith tại lễ trao giải Nobel kinh tế năm 2002 có đăng lại trên chuyên san American Economic
Review, 93, 465-508, với tiêu đề “Constructivist and Ecological Rationality in Economics”.
[4]
Trên nguyên tắc, ta có thể lấy mốc xuất hiện tầng lớp này khi tờ báo đầu tiên của Việt nam, tờ Gia
Định báo, xuất hiện năm 1862, do Trương Vĩnh Ký phụ trách. Tuy nhiên, nếu chúng ta trừ đi
khoảng thời gian chữ Quốc ngữ được phổ biến rộng rãi hơn và hệ thống các trường học Quốc ngữ
được thiết lập bởi chính quyền thuộc địa thì sự xuất hiện giới trí thức Việt Nam có lẽ chỉ vào
khoảng những năm cuối thế kỷ 19 hoặc đầu thế kỷ 20 trước Đông kinh Nghĩa thục năm 1907.
[5]
Sự “công nhân hoá” giới trí thức ở miền Bắc không những chỉ thể hiện dưới việc những người
làm công việc trung gian như nhà báo, nhà giáo, văn nghệ sĩ v.v... chỉ được phép tiếp nhận và truyền
tải những loại thông tin và kiến thức mà các cấp Đảng uỷ phê chuẩn mà còn được thể hiện dưới
dạng thay đổi ngôn từ trong cách gọi những người làm công việc liên quan đến tư tưởng. Những từ
như “văn công” để chỉ nghệ sĩ hay “kỹ sư tâm hồn” để để chỉ nhà giáo có lẽ là những minh hoạ tiêu
biểu nhất của quá trình này.
[6]
Không nghi ngờ gì, hầu hết những người tham gia phong trào Nhân văn - Giai phẩm vẫn là những
người giữ được tinh thần của người trí thức. Tuy nhiên, họ không thể được coi là người trí thức theo
định nghĩa của Hayek ở đây bởi vì trên thực tế họ về cơ bản bị giam hãm và cô lập, không còn được
tham gia vào đời sống xã hội nữa.
[7]
Tôi lấy mốc 1996 là năm đánh dấu thời điểm giới trí thức tái hình thành vì năm ấy có sự kiện SV96 do nhà báo Lại Văn Sâm tổ chức trên truyền hình. Đây là sự kiện duy nhất gây cho tôi được ấn
tượng rằng có cái gì đó mới mẻ sau 5 năm học đại học ở trong nước.
[8]
Theo những gì tôi được biết, hiện nay chỉ có một vài tác phẩm kinh điển trước thế kỷ 20 không
thuộc dòng Marxist được dịch ra tiếng Việt, chẳng hạn The Prince của Machiavelli, The Weath of
Nation của Adam Smith, On the Principles of Political Economy and Taxation của David Ricardo,
On the Liberty của John S. Mill. Có lẽ trừ cuốn cuối cùng vừa được xuất bản, những cuốn trước hầu
như không thể tìm thấy trong các hiệu sách ở Hà Nội.
[9]
Có lẽ sẽ là thú vị khi tìm hiểu tới chừng mực nào thì một quan điểm phê phán nghiêm túc về lợi
ích của luật bản quyền đối với xã hội, hay một nghi vấn về lợi ích công cộng đối với sự tồn tại của
một tầng lớp sống bằng việc viết sách, sẽ có cơ hội được đưa ra một cách công khai trong một xã
hội nơi các kênh biểu đạt bị kiểm soát vô cùng chặt chẽ bởi những người có đặc lợi đối với tình
trạng hiện hành. (Từ đây xuống dưới là chú thích của tác giả.)
Nguồn: “The Intellectuals and Socialism”, The University of Chicago Law Review, tập 16, cuốn 3,
mùa Xuân 1949. In lại trong F. A. Hayek, Studies in Philosophy, Politics, and Economics, 1967,
Routledge & Kegan Paul: London và Henley, tr. 178-194.