1
MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Trong suốt chiều dài lịch sử phát triển của nhân loại, phụ nữ bao giờ
cũng giữ một vị trí quan trọng trong gia đình và xã hội, trên tất cả các mặt
kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, khoa học, nghệ thuật... Hơn thế nữa, về mặt
số lượng, phụ nữ chiếm nửa tổng dân số, tài năng và trí tuệ của họ cũng
không kém gì nam giới. Phụ nữ luôn luôn tự vươn lên và đã từng đấu tranh
bằng mọi hình thức và mức độ khác nhau để được bình đẳng với nam giới.
Tuy nhiên, cuộc đấu tranh đó thật khó khăn, phức tạp, dai dẳng, có lúc quyết
liệt và đến nay vẫn chưa kết thúc. Hiện nay, ở Việt Nam, nhất là vùng sâu,
vùng xa và vùng nghèo vẫn còn tồn tại tư tưởng gia trưởng "trọng nam khinh
nữ", coi phụ nữ chỉ là cái bóng của đàn ông, bị cột chặt vào cái gia đình bé
nhỏ, công việc của họ chỉ là sinh con, nuôi con và xoay quanh xó bếp. Thực
chất một số phụ nữ không được tôn trọng, bình đẳng ngay chính trong gia
đình của mình, họ, bị chà đạp về thể xác và tinh thần; họ không được đi học,
không có quyền tham gia các công việc xã hội... Điều này đã làm ảnh hưởng
đến sự phát triển toàn diện của xã hội và ngay chính bản thân người phụ nữ.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến vấn đề giải phóng
phụ nữ. Tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng phụ nữ là hệ thống các vấn đề
thể hiện nhãn quan chính trị, tâm hồn dân tộc và tình yêu thương con người
bao la, thể hiện tầm triết học nhân văn sâu sắc của Người. Trong tư tưởng Hồ
Chí Minh, phụ nữ là lực lượng quan trọng trong cách mạng, trong xã hội và
đặc biệt là trong gia đình.
Thực tế, trong gia đình, phụ nữ là người đóng vai trò quan trọng, trách
nhiệm của họ cũng thật lớn lao. Nhưng trong gia đình Việt Nam trước đây,
phụ nữ thường bị coi khinh, bị ngược đãi. Vì vậy, khi nước nhà giành được
độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo soạn thảo Hiến pháp 1946, trong đó
2
Điều 3 quy định: "Cấm… đánh đập hoặc ngược đãi vợ". Mặc dù pháp luật đã
quy định rõ, nhưng nhiều nơi vẫn còn tình trạng: đánh vợ, ép duyên con gái,
đối xử tàn tệ với con dâu…
Từ thực tế đó, Hồ Chí Minh cho rằng, muốn giải phóng phụ nữ trước
hết phải giải phóng họ ra khỏi sự trói buộc của tư tưởng "trọng nam khinh
nữ", ra khỏi sự bất công ngay trong gia đình của họ.
Kế thừa, vận dụng và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng
phụ nữ trong thời kỳ mới, Đảng ta và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương,
chính sách nhằm đảm bảo thực hiện quyền bình đẳng của phụ nữ và phòng,
chống bạo lực trong gia đình đối với phụ nữ. Thực tế hiện nay, Đảng và Nhà
nước ta đang triển khai đồng thời Luật Bình đẳng giới và Luật Phòng, chống
bạo lực gia đình chính là thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh trong sự nghiệp đổi
mới, xây dựng xã hội Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, văn minh
Tuy nhiên, do chưa nhận thức đầy đủ sự khác biệt về giới, chưa vận
dụng, tiếp thu đúng mức thành tựu lý luận quan trọng mà chủ nghĩa Mác - Lênin
đã để lại cho khoa học xã hội. Đặc biệt chưa vận dụng một cách triệt để, chưa
tuyên truyền một cách rộng rãi tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng phụ nữ,
thực hiện quyền bình đẳng của phụ nữ, nên sự nghiệp giải phóng phụ nữ vẫn
còn một số hạn chế nhất định, gây ảnh hưởng đến sự phát triển xã hội. Một
trong những khó khăn làm ảnh hưởng đến sự phát triển xã hội là tình trạng
bạo lực gia đình, nhất là bạo lực đối với phụ nữ.
Bạo lực gia đình là vấn đề mang tính toàn cầu, gây nhức nhối cho nhân
loại, để lại nhiều hậu quả cho con người, nhất là đối với phụ nữ. Biết bao phụ
nữ bị tổn thương nặng nề về thể chất, trí tuệ và tinh thần. Biết bao gia đình tan
vỡ. Biết bao nạn nhân là trẻ em phải sống lang thang không nơi nương tựa...
Mặc dù Liên Hợp Quốc và các nước trên thế giới đã có nhiều cố gắng trong
việc phòng, chống bạo lực gia đình nhưng ở khắp nơi trên thế giới, phụ nữ
vẫn là nạn nhân của bạo lực gia đình. Chính vì vậy, phòng, chống bạo lực gia
3
đình đối với phụ nữ ở các nước trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói
riêng là vấn đề cấp bách hiện nay.
Là một giảng viên, trực tiếp giảng dạy bộ môn Dân vận ở Trường
Chính trị Nguyễn Văn Linh tỉnh Hưng Yên, tôi nhận thức được sự mất bình
đẳng giữa nam và nữ, sự thiệt thòi của phụ nữ sống trong gia đình có bạo lực;
từ thực tiễn trên, với mong muốn góp phần xây dựng gia đình, xã hội Việt
Nam thật sự công bằng, dân chủ, văn minh như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí
Minh.Vì vậy, tôi chọn vấn đề: "Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về giải
phóng phụ nữ vào việc phòng, chống bạo lực gia đình đối với phụ nữ ở
Việt Nam hiện nay" làm đề tài luận văn Thạc sĩ khoa học Chính trị, chuyên
ngành Hồ Chí Minh học.
2. Tình hình nghiên cứu đề tài
2.1. Những công trình nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về giải
phóng phụ nữ
Tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng phụ nữ là vấn đề rất quan trọng,
do vậy nhiều cơ quan, tổ chức và nhiều nhà khoa học quan tâm thực hiện và
đã có nhiều công trình được công bố.
* Một số công trình, đề tài nghiên cứu khoa học:
- "Hồ Chủ tịch với vấn đề giải phóng phụ nữ", Nxb Phụ nữ, Hà Nội,
1970.
- "Lênin với vấn đề giải phóng phụ nữ", Nxb Phụ nữ, Hà Nội, 1970.
- "Một số quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về vấn đề giải phóng
phụ nữ", Nxb Phụ nữ, Hà Nội, 1967.
- "Vấn đề giải phóng phụ nữ", Nxb Sự thật, Hà Nội, 1974, khẳng định
vai trò của người phụ nữ trong xã hội. Trong các xã hội có giai cấp đối kháng,
phụ nữ luôn bị khinh rẻ, mất quyền bình đẳng do đó, phụ nữ cần phải được
4
giải phóng và con đường để giải phóng phụ nữ triệt để là để xây dựng thành
công chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản.
* Một số luận văn:
- Đặng Thị Lương: "Hồ Chí Minh với sự nghiệp giải phóng phụ nữ
trong cách mạng Việt Nam", Luận văn thạc sĩ Lịch sử Đảng, 1993.
- Trương Thị Phúc: "Tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền bình đẳng của
phụ nữ với việc thực hiện trong thời kỳ đổi mới", Luận văn thạc sĩ Hồ Chí
Minh học, 2006.
- Nguyễn Thị Thảnh: "Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp giải
phóng phụ nữ", Luận văn tốt nghiệp Cử nhân chính trị, 2001.
- Đào Tố Uyên: "Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng phụ
nữ vào hoạt động thực tiễn của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ
đổi mới", Luận văn Cử nhân, chuyên ngành Chính trị học, 2003.
- Nguyễn Thị Tỉnh: "Sự nghiệp giải phóng phụ nữ theo tư tưởng Hồ
Chí Minh với phong trào phụ nữ tỉnh Ninh Bình", Luận văn tốt nghiệp lớp
Cao cấp lý luận chính trị, 2003.
* Một số bài đăng trên các tạp chí:
- Nguyễn Thị Mão: "Tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng phụ nữ và
xây dựng đội ngũ cán bộ", Tạp chí Xây dựng Đảng, số 10/1996.
- Nguyễn Khánh Bật: "Những quan điểm cơ bản về giải phóng phụ nữ
trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh", Tạp chí Lý luận chính trị, số 3/2000.
- Nguyễn Thị Kim Dung: "Chủ tịch Hồ Chí Minh với việc đào tạo, bồi
dưỡng đội ngũ cán bộ nữ", Tạp chí Lịch sử Đảng, số 11/2001.
Các tác phẩm, bài viết, công trình nghiên cứu, luận văn nói trên đã đề
cập tới một số vấn đề cơ bản của lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh
5
về giải phóng phụ nữ. Chưa có luận văn nào vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh
về giải phóng phụ nữ vào việc phòng, chống bạo lực gia đình đối với phụ nữ
ở Việt Nam hiện nay.
2.2. Những công trình nghiên cứu về phòng, chống bạo lực gia
đình
Bạo lực gia đình là hành vi vi phạm quyền con người. Mức độ về bạo
lực là một trong những thước đo sự mất bình đẳng về giới và cũng là một
trong những chỉ số thể hiện vai trò và địa vị của người phụ nữ trong gia đình
và xã hội.
Trên thực tế, đã có nhiều công trình nghiên cứu về bạo lực gia đình.
Nhiều công trình khoa học trong và ngoài nước nghiên cứu về vấn đề này đã
được công bố.
* Một số công trình, đề tài nghiên cứu khoa học:
- "Bạo lực trên cơ sở giới tính ở Việt Nam" của Ngân hàng Thế giới, 2009.
- "Bạo lực trên cơ sở giới" của TS. Vũ Mạnh Lợi, Vũ Huy Tuấn, Nguyễn
Hữu Minh và Jennifer Clement, 1999.
- "Bạo lực gia đình đối với phụ nữ ở Việt Nam" của Hội Liên hiệp Phụ
nữ Việt Nam, 2001.
- "Phòng, chống bạo lực gia đình đối với phụ nữ ở Việt Nam hiện nayThực trạng, vấn đề và giải pháp" của Viện Nghiên cứu Quyền con người, Học
viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, 2008.
* Một số luận văn:
Trương Thị Hồng Loan: "Vi phạm pháp luật phòng, chống bạo lực gia
đình đối với phụ nữ ở Việt Nam hiện nay", Luận văn Thạc sĩ Luật học, 2008.
* Một số bài đăng trên các tạp chí:
6
- Lê Thị Quý: "Bạo lực gia đình- bất bình đẳng trong quan hệ giới",
Tạp chí Khoa học về Phụ nữ, số 4/2001.
- Nguyễn Hữu Minh, Lê Ngọc Lân: "Bạo lực gia đình đối với phụ nữ
ở Việt Nam và các yếu tố tác động", Tạp chí Khoa học xã hội, số 4/2007.
- Nguyễn Hữu Minh, Lê Ngọc Lân, Nguyễn Thị Mai Hoa, Trần Thị
Cẩm Nhung: "Bạo lực của chồng đối với vợ ở Việt Nam trong những năm gần
đây", Tạp chí Khoa học về phụ nữ, số 3/2006.
Trong các công trình nêu trên chủ yếu nghiên cứu, giới thiệu một số
khía cạnh như thực trạng bạo lực gia đình đối với phụ nữ, một số vấn đề đặt ra
về phòng, chống bạo lực gia đình đối với phụ nữ trên thế giới cũng như ở Việt
Nam. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, bạo lực chống lại phụ nữ đã có những
ảnh hưởng không chỉ về mặt thể xác, tinh thần, mà còn có ảnh hưởng rất xấu
tới sức khỏe sinh sản của phụ nữ.
Trên cơ sở kế tục những kết quả của các công trình nêu trên và thực tế
nghiên cứu phòng, chống bạo lực gia đình đối với phụ nữ ở Việt Nam từ trước
tới nay, hầu như chưa có tác giả, đề tài nào đề cập tới một cách hệ thống về lý
luận và thực tiễn việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng phụ nữ
vào việc phòng, chống bạo lực gia đình đối với phụ nữ ở Việt Nam trong giai
đoạn hiện nay.
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của luận văn
3.1. Mục đích
- Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng phụ nữ và vận dụng
vào việc phòng, chống bạo lực gia đình đối với phụ nữ ở Việt Nam hiện nay.
- Đề xuất một số pháp cơ bản nhằm tăng cường tính hiệu quả của hoạt
động phòng, chống bạo lực gia đình đối với phụ nữ; bảo vệ quyền và lợi ích hợp
pháp của phụ nữ, góp phần xây dựng gia đình - xã hội ổn định, tiến bộ, hạnh phúc.
7
3.2. Nhiệm vụ
Luận văn xác định các nhiệm vụ chính sau:
- Nghiên cứu làm sáng tỏ một số vấn đề lý luận trong tư tưởng Hồ Chí
Minh về giải phóng phụ nữ.
- Nghiên cứu thực trạng phòng, chống bạo lực gia đình đối với phụ nữ
ở Việt Nam hiện nay; phân tích, làm rõ các nguyên nhân khách quan và chủ
quan của thực trạng trên.
- Nghiên cứu đề xuất một số giải pháp trong phòng, chống bạo lực gia
đình đối với phụ nữ ở Việt Nam hiện nay dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận văn
4.1. Đối tượng nghiên cứu
Với mục đích trên, đề tài tập trung nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh
về giải phóng phụ nữ vào việc phòng, chống bạo lực gia đình đối với phụ nữ
ở Việt Nam hiện nay.
4.2. Phạm vi nghiên cứu của luận văn
Tư tưởng Hồ Chí minh về giải phóng phụ nữ là một vấn đề lớn, đó là
giải phóng phụ nữ khỏi những bất công trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã
hội, ở từng giai đoạn lịch sử khác nhau. Để thực hiện được điều đó, trước hết phải
giải phóng họ khỏi bạo lực gia đình, tiến tới nam nữ bình quyền. Do đó, luận
văn tập trung làm rõ tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng phụ nữ và vận dụng
vào việc phòng, chống bạo lực gia đình đối với phụ nữ ở Việt Nam hiện nay.
5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu của luận văn
5.1. Cơ sở lý luận
- Luận văn dựa trên cơ sở phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện
chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử; tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng phụ
8
nữ và quan điểm của Đảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước về bình đẳng
giới và phòng, chống bạo lực gia đình đối với phụ nữ ở Việt Nam hiện nay.
5.2. Phương pháp nghiên cứu
- Luận văn sử dụng phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện
chứng và duy vật lịch sử, chú trọng phương pháp so sánh, tổng hợp, phân tích
tài liệu có sẵn và điều tra xã hội học để giải quyết những nhiệm vụ đặt ra của
đề tài.
6. Đóng góp mới về khoa học của luận văn
- Luận văn góp phần làm sáng tỏ tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng
phụ nữ và vận dụng vào việc phòng, chống bạo lực gia đình đối với phụ nữ ở
Việt Nam hiện nay.
- Tổng hợp, phân tích thực trạng bạo lực gia đình đối với phụ nữ ở
Việt Nam hiện nay.
- Đề xuất những giải pháp góp phần thực hiện phòng, chống bạo lực
gia đình đối với phụ nữ ở Việt Nam hiện nay.
7. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận văn
- Luận văn có thể làm tài liệu tham khảo phục vụ công tác nghiên cứu,
giảng dạy, học tập và tuyên truyền tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng phụ
nữ và phòng, chống bạo lực gia đình đối với phụ nữ ở Việt Nam hiện nay.
- Luận văn cung cấp những luận chứng về cơ sở lý luận và thực tiễn
cho việc hoạch định chính sách cụ thể về phòng, chống bạo lực gia đình đối
với phụ nữ ở Việt Nam hiện nay dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh.
8. Kết cấu của luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, nội dung
của luận văn gồm 2 chương, 5 tiết.
9
10
Chương 1
TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ GIẢI PHÓNG PHỤ NỮ
1.1. QUAN ĐIỂM CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VỀ VỊ TRÍ, VAI TRÒ
CỦA PHỤ NỮ
Trong quá trình bôn ba tìm đường cứu nước, đến với chủ nghĩa Mác Lênin, Hồ Chí Minh đã tiếp nhận một cách đầy đủ và sáng tạo những nguyên
lý mà chủ nghĩa Mác - Lênin đề ra, trong đó có tư tưởng về vị trí, vai trò của
phụ nữ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quán triệt những câu nói của C.Mác - Lênin
về vai trò của phụ nữ, và Người cho rằng những lời nói "không phải là những
câu nói lông bông" [32, tr. 288] mà được đúc rút từ thực tế xã hội. Người khẳng
định, trong các cuộc cách mạng, phụ nữ luôn đóng một vai trò hết sức quan
trọng "xem trong lịch sử cách mệnh chẳng có lần nào là không có đàn bà, con
gái tham gia" [32, tr. 288-289]. Từ đó, Người cho rằng: "An Nam cách mệnh
cũng phải có nữ giới tham gia mới thành công" [31, tr. 289 ], bởi lẽ "nói phụ
nữ là nói phân nửa xã hội". Như thế, phụ nữ chiếm số đông trong lực lượng
nhân dân. Phụ nữ là một lực lượng to lớn, đóng vai trò quan trọng trong mọi
lĩnh vực của đời sống xã hội. Bất cứ lĩnh vực nào cũng có bàn tay, khối óc của
người phụ nữ. Họ vừa đảm đang, cần cù lao động, vừa anh hùng bất khuất
trong đấu tranh, vừa nhân nghĩa thủy chung trong quan hệ gia đình xã hội, đó
là những nét điển hình tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam từ ngàn xưa đến nay.
Những ưu điểm đó đã tạo thành một sức mạnh phi thường, một truyền thống
quý báu của phụ nữ. Chủ tịch Hồ Chí Minh khi tổng kết lịch sử nước ta đã
nhận xét:
"Phụ nữ ta chẳng tầm thường
Đánh Đông dẹp Bắc, làm gương để đời" [33, tr. 222].
11
Với nhãn quan tinh tế, Hồ Chí Minh đã đánh giá rất chính xác vai trò
của phụ nữ Việt Nam, và Người ghi nhận những đóng góp to lớn của phụ nữ
Việt Nam trong lịch sử dựng nước và giữ nước, trong cách mạng giải phóng
dân tộc cũng như trong xây dựng chủ nghĩa xã hội.
1.1.1. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước
Lịch sử dân tộc Việt Nam luôn gắn liền với dựng nước và giữ nước,
chống xâm lược bảo vệ độc lập, tự do là điều kiện tiên quyết để dân tộc tồn tại
và phát triển. Như chúng ta đã biết, trong lịch sử những người đầu tiên đứng
lên giành độc lập cho Tổ quốc là phụ nữ "Từ đầu thế kỷ thứ nhất, Hai Bà
Trưng phất cờ khởi nghĩa đánh giặc cứu nước cứu dân" [32, tr. 148]. Tục ngữ
có câu "Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh", đó cũng là truyền thống của phụ nữ
Việt Nam từ xưa đến nay. 200 năm sau cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng,
góp vào truyền thống đánh giặc cứu nước là cuộc khởi nghĩa của Triệu Thị
Trinh, một nữ nông dân quê ở Thanh Hóa đã cùng anh trai đứng lên tổ chức
lực lượng vũ trang chống xâm lược Đông Ngô. Cuộc khởi nghĩa ấy một lần
nữa khẳng định ý chí tự chủ, tinh thần độc lập dân tộc và khí phách của người
phụ nữ Việt Nam. Bà đã có câu nói bất hủ còn lưu truyền mãi mãi "Tôi chỉ
muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp bằng sóng giữ, chém cá kình ở Biển Đông,
đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ tôi không chịu
khom lưng làm tỳ thiếp người ta" [23, tr. 245].
Kế thừa và phát huy truyền thống đánh giặc cứu nước của Hai Bà Trưng,
Bà Triệu, phụ nữ Việt Nam luôn luôn khẳng định vị trí của mình trong các
cuộc chống ngoại xâm, bảo vệ tổ quốc. Đó là đô đốc Bùi Thị Xuân, bà Đốc
Khuy (tên thật là Trần Thị Khuy, người Hải Hưng cũ), con gái của ông Lãi
Khuy - một lãnh tụ nghĩa quân Bãi Sậy. Khi cha tử trận, bà đã thay cha chỉ
huy nghĩa quân... và các phụ nữ vô danh khác đã góp phần xương máu của
mình tô thắm truyền thống đánh giặc giữ nước quý báu của dân tộc.
12
Không chỉ đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ tổ quốc, phụ nữ Việt
Nam còn đảm nhiệm cả những công việc xã hội, tổ chức và quản lý xã hội.
Điều này được thể hiện rõ qua hình ảnh của Nguyên Phi Ỷ Lan "Bà đã thay
vua Lê Thánh Tông trông coi việc triều đình khi nhà vua đem quân đi Chiêm
Thành, lại gợi ý cho vua Nhân Tông trong việc bảo vệ trâu bò để đảm bảo
việc cày bừa của dân gian" [50, tr. 130]; thái hậu Dương Vân Nga đã thay
chồng lãnh đạo đất nước vượt qua những khó khăn thử thách và còn vô số
những người phụ nữ khác thay chồng và con trai quản lý xóm làng những lúc
giặc tràn sang xâm lược. Ngoài ra, trên lĩnh vực văn hoá nghệ thuật, nhiều
phụ nữ đã để lại những áng thơ văn nổi tiếng lưu truyền đến tận hôm nay. Đó
là những thi sĩ nổi tiếng như: Nhàn Khanh, Lý Ngọc Kiều, Nguyễn Thị Điểm
Bích, Đoàn Thị Điểm, Nguyệt Đình, Lê Ngọc Hân, Ngô Chi Lan, Trần Ngọc
Lầu, Huệ Phố, Bà Huyện Thanh Quan, Hoàng Hạ Uyên, Sương Nguyệt Ánh...
Có thể nói, phụ nữ Việt Nam không những đã kiên trì dũng cảm trong
chống giặc ngoại xâm mà còn cần cù, chịu khó. "Phụ nữ Việt Nam ta đã có
truyền thống đấu tranh anh dũng và lao động cần cù" [40, tr. 85]; yêu nước
thiết tha và sẵn sàng hy sinh vì nước. Tinh thần ấy ở các thế hệ phụ nữ đã trở
thành truyền thống như Hồ Chí Minh đã tổng kết và họ đã bền bỉ đem tinh
thần ấy phục vụ cho sự nghiệp đấu tranh của dân tộc, chống giặc ngoại xâm,
bảo vệ Tổ quốc, giữ yên bờ cõi. Hơn ai hết, phụ nữ Việt Nam hiểu rằng mục
đích ấy, mơ ước ấy của họ chỉ có thể trở thành sự thực khi có Đảng lãnh đạo.
Ngay từ khi ra đời, Đảng đã là ngọn đèn soi đường, dẫn dắt phụ nữ cùng toàn
dân tiến lên giải phóng dân tộc.
1.1.2. Trong cách mạng giải phóng dân tộc
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, Hai Bà Trưng đã mở đầu cho
truyền thống vẻ vang của dân tộc Việt Nam. Từ đó đến nay, phụ nữ luôn có
mặt trong các cuộc khởi nghĩa và đấu tranh cách mạng, giành độc lập và
thống nhất tổ quốc. Họ tham gia với số lượng ngày càng đông, ý chí quyết
13
tâm ngày càng lớn, tinh thần giác ngộ ngày càng sâu sắc. Với những hình thức
hoạt động rất đa dạng, gan dạ, khôn khéo và dũng cảm. Chính vì vậy, Chủ tịch
Hồ Chí Minh đánh giá rất cao tầm quan trọng của phụ nữ "Trong thời kỳ cách
mạng hoạt động bí mật và trong những năm kháng chiến chống bọn thực dân
Pháp và lũ can thiệp Mỹ, phụ nữ ta đều có công lao to lớn" [42, tr. 148].
Người cũng đã nhiều lần khen ngợi thành tích của phụ nữ, trong thời kỳ hoạt
động bí mật:
Nhiều chị em đã giác ngộ tham gia hoạt động cách mạng rất
dũng cảm, mặc dầu muôn ngàn nguy hiểm, gian khổ, rất nhiều chị
em cũng đã bảo vệ cách mạng rất gan góc. Thời kỳ đó, căn cứ địa
cách mạng của ta ở Việt Bắc, do đó rất nhiều chị em phụ nữ các dân
tộc thiểu số không những vượt gian nguy mà còn gạt bỏ cả mê tín để
bảo vệ cách mạng và cán bộ hoạt động cách mạng [40, tr. 87].
Người cũng nêu lên những tấm gương điển hình như chị Nông Thị Trưng
ở Cao Bằng đã từng nuôi giấu cán bộ cách mạng; chị Mã Thị Phảy ở Lạng
Sơn đã bất chấp nguy hiểm nhiều lần vượt biên giới làm liên lạc cho cách
mạng. Trong thư gửi đồng bào các tỉnh ở Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã
viết: "Tôi không bao giờ quên những ngày gian nan, cực khổ... các cụ già, các
chị em phụ nữ, các em thanh niên, các em nhi đồng ai cũng hăng hái giúp đỡ.
Mặc dầu Tây và Nhật thẳng tay khủng bố, đốt làng, phá nhà, bắt người nhưng
đồng bào vẫn kiên quyết giúp đỡ cách mệnh" [35, tr. 206].
Bên cạnh đó, Người cũng không quên nêu những tấm gương sáng để
phụ nữ Việt Nam noi theo "Gương anh dũng của đồng chí Minh Khai, của Võ
Thị Sáu luôn luôn sáng ngời để phụ nữ ta học tập" [42, tr. 148].
Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, đất nước ta giành được độc
lập nhưng chẳng bao lâu thực dân Pháp lại tái chiến, chúng muốn biến dân tộc
ta thành nô lệ vĩnh viễn, phụ nữ Việt Nam lại một lần nữa cùng toàn dân đứng
lên kiên cường kháng chiến chống Pháp. Trong những năm tháng giành giật
14
sự sống với kẻ thù đã có biết bao phụ nữ bất chấp gian lao nguy hiểm, thức
thâu đêm này qua đêm khác, cất giấu, canh gác, bảo vệ cán bộ. Từ chống
Pháp cho đến chống Mỹ, phụ nữ Việt Nam đã đóng góp nhiều công sức cho
cách mạng. Cán bộ nữ len lỏi bắt nối gây dựng cơ sở, giữ vững phong trào
đấu tranh cách mạng. Hoạt động trong các vùng trọng yếu, các chị làm giao
liên, liên lạc từ khu ủy đến các tỉnh ủy, huyện ủy... luồn lách qua các đồn bốt,
vượt qua mạng lưới do thám mật vụ dày đặc của kẻ thù. Các chị vừa đối phó
với mọi âm mưu thủ đoạn của địch, vừa vận động binh sĩ về với cách mạng.
Bị bắt tra tấn dã man dù bị khoét mắt, lọc thịt, bị hủy hoại cơ thể làm cho tàn
phế suốt đời, các chị vẫn giữ vững khí tiết không khuất phục trước kẻ thù.
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ, đã có biết bao tấm
gương phụ nữ từ trẻ đến già đã anh dũng hy sinh. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã
nhiều lần gửi thư tỏ lòng biết ơn đến các nữ anh hùng và ghi nhận công lao
đóng góp của họ: "Tôi kính cẩn nghiêng mình trước linh hồn các nữ liệt sĩ đã
hy sinh cho tổ quốc,... Tôi kính chào các bà mẹ có con trong bộ đội, và các bà
mẹ cùng vợ con của các liệt sĩ mà trong cuộc kháng chiến to lớn của dân tộc
ta đang gánh một phần quan trọng" [36, tr. 431-432]. Tất cả những đóng góp
to lớn của phụ nữ như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định thì "Đồng bào" ta
nói chung, phụ nữ ta nói riêng, "xứng đáng với tổ tiên ta ngày trước".
Trong các chiến dịch, "phụ nữ đi dân công, tải lương thực, đạn dược,
làm đường, v.v... rất đông; 2/3 số dân công là phụ nữ. Mặc dầu bị máy bay
địch theo dõi thả bom dữ dội, nhưng chị em vẫn vui vẻ ca hát, động viên nhau
làm tròn nhiệm vụ" [40, tr. 88].
Trong các vùng tạm chiếm, phụ nữ đã đấu tranh kiên cường để ngăn
chặn âm mưu thâm độc của thực dân Pháp: "Phụ nữ trong vùng tạm chiếm thì ra
sức chống địch bắt chồng con, anh em đi lính, phá âm mưu địch dùng người
Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, chị em kiều bào ở nước
15
ngoài thì ủng hộ kháng chiến của đồng bào trong nước về mọi mặt" [35, tr.
431].
Đặc biệt hơn, phụ nữ Việt Nam đã phát huy hết khả năng và sức mạnh
của mình trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Họ đã được Chủ tịch
Hồ Chí Minh đặt trọn niềm tin và Người kêu gọi: "Bác mong phụ nữ ta ra sức
phát huy hơn nữa truyền thống dũng cảm và đảm đang, cùng toàn quân và
toàn dân ta bảo vệ độc lập, tự do của tổ quốc, đưa sự nghiệp chống Mỹ cứu
nước đến thắng lợi hoàn toàn" [42, tr. 150].
Đáp lại lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ở miền Nam chị em
phụ nữ đã trở thành lực lượng đông đảo nhất trong các cuộc đấu tranh rất bền
bỉ, ngoan cường, kiên trì trên cả ba mặt trận: chính trị, quân sự, binh vận.
Những đội quân tóc dài nổi tiếng của miền Nam đã gan góc xông pha, bất
chấp súng đạn của kẻ thù. Với lực lượng quần chúng tay không, dựa vào lòng
yêu nước và ý chí đánh thắng địch, với những lời lẽ đanh thép và nhiều hình
thức phong phú, phong trào đấu tranh trực diện của phụ nữ trở thành một vũ
khí sắc bén, tấn công liên tục làm cho quân địch phải hoảng sợ chùn bước.
Tại lễ kỷ niệm lần thứ 20 ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt
Nam, Người đã tuyên dương phụ nữ miền Nam: "Miền Nam anh hùng có đội
quân đấu tranh chính trị gồm hàng vạn chiến sĩ toàn là phụ nữ. Họ rất mưu trí và
dũng cảm làm cho địch phải khiếp sợ và gọi là "đội quân tóc dài" [42, tr. 149].
Bên cạnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn tuyên dương những tấm gương điển
hình như "Phó tư lệnh quân giải phóng là Cô Nguyễn Thị Định. Cả thế giới chỉ
nước ta có vị tướng quân gái như vậy. Thật là vẻ vang cho miền Nam, cho cả dân
tộc ta" [42, tr. 149] để chị em phụ nữ noi theo; Ngoài ra Người còn biểu dương
cô Út Tịch, Tạ Thị Kiều, Trần Thị Vân và nhiều cô khác. Họ chính là những
người đã phát động và dấy lên ở khắp nơi phong trào "tìm Mỹ mà đánh, tìm
Ngụy mà diệt". Điều này đã góp phần thúc giục nhân dân cả nước nói chung,
16
nhân dân miền Nam nói riêng giết giặc lập công, đóng góp vào chiến thắng của
cả dân tộc.
Không chỉ ở miền Nam mà cả ở miền Bắc, hàng triệu phụ nữ hăng hái
tham gia đấu tranh chính trị quyết liệt, hỗ trợ cho đồng bào và chị em miền
Nam ngăn chặn, hạn chế những hành động tội ác của Mỹ - Diệm, gánh vác
công việc gia đình để chồng con đi chống Mỹ. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã
nhiều lần gửi thư khen ngợi phụ nữ miền Bắc. Người đã tặng huy hiệu của
mình cho các đội nữ xung kích, nữ dân quân ở các địa phương đã chiến đấu
dũng cảm, bắn rơi nhiều máy bay địch, bắn cháy tàu chiến Mỹ, cùng các
thành tựu chiến đấu khác. Người nói:
Trong phong trào thanh niên xung phong chống Mỹ, cứu
nước, nhiều cháu thanh niên gái đã nêu gương dũng cảm trong sản
xuất và chiến đấu như thanh niên gái Vĩnh Linh vừa sản xuất giỏi,
vừa chiến đấu giỏi, tổ cầu đường Trần Thị Lý ở Quảng Bình và tiểu
đội 9, đại đội 814 đã bảo đảm tốt giao thông dưới làn bom đạn, đội
dân quân gái ở Nam Ngạn đã góp phần bắn được nhiều máy bay
giặc Mỹ v.v... [42, tr. 149].
Bằng những hành động cụ thể của phụ nữ Việt Nam đã cống hiến cho
cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kết luận: "Từ đầu thế kỷ thứ nhất, Hai
Bà Trưng đã phất cờ khởi nghĩa, đánh giặc, cứu dân cho đến ngày nay, mỗi
khi nước nhà gặp nguy nan, thì phụ nữ ta đều hăng hái đứng lên góp phần
xứng đáng của mình vào sự nghiệp giải phóng dân tộc" [42, tr. 148], "Nh ư
thế là từ xưa đến nay, từ Nam đến Bắc, từ già đến trẻ, phụ nữ Việt Nam thật là
anh hùng" [42, tr. 150]. Người đã tặng cho phụ nữ cả nước danh hiệu: "Phụ
nữ Việt Nam dũng cảm đảm đang chống Mỹ cứu nước". Có thể khẳng định
rằng, phụ nữ Việt Nam thật xứng đáng với danh hiệu mà Bác Hồ kính yêu đã
trao tặng, xứng đáng với niềm tin yêu mà Bác Hồ đã giành cho phụ nữ Việt
Nam.
17
1.1.3. Trong xây dựng chủ nghĩa xã hội
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, miền Bắc được độc
lập tự do và bước vào thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội. Phụ nữ nói
riêng, nhân dân miền Bắc nói chung đã làm chủ vận mệnh của mình, hào
hứng, phấn khởi đóng góp công sức vào nhiệm vụ khôi phục kinh tế, hàn gắn
vết thương chiến tranh, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Phụ nữ
có nhiều cơ hội hơn để học tập, nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, chuyên
môn, tham gia quản lý kính tế, quản lý xã hội và đã lập được nhiều thành tích
xuất sắc, bước đầu tạo lập những cơ sở vật chất cơ bản làm nền móng xây
dựng chủ nghĩa xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận xét: "Phụ nữ ta tham
gia ngày càng đông và càng đắc lực trong các ngành kinh tế, chính trị, văn
hóa, xã hội" [41, tr. 256].
Trong các ngành kinh tế: Hồ Chí Minh cho rằng phụ nữ đã trở thành
lực lượng cơ bản trong các ngành sản xuất, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Hầu
hết phụ nữ nông thôn đều tham gia hợp tác xã "ở nông thôn, 60% xã viên
hợp tác xã là phụ nữ" [39, tr. 88]. Nhiều phụ nữ đã trở thành người đứng đầu
các hợp tác xã làm chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp. Chị em làm được tất
cả các việc mà xã hội thường cho là chỉ có nam giới mới làm được như "điều
khiển máy tiện, máy khoan, máy dệt tối tân, lái máy xúc, máy xe vận tải...
trên các công trường hay trong các xí nghiệp, nhà máy" [42, tr. 149]. Hàng
vạn phụ nữ đã trở thành cán bộ lãnh đạo, làm Giám đốc, Phó giám đốc các
xí nghiệp. Ngoài ra, ở các thành thị, phụ nữ đã góp phần quan trọng trong
phong trào cải tạo xã hội chủ nghĩa "chị em buôn bán nhỏ đã tổ chức lại, đi
vào con đường hợp tác xã và sửa đổi cách làm ăn buôn bán như thực thà,
không lấy lãi, khiêm tốn phục vụ khách hàng... Chị em tư sản tự mình tiếp
thu và khuyên chồng tiếp thu cải tạo và đi vào con đường công tư hợp
doanh" [40, tr. 88].
18
Phụ nữ không chỉ tham gia trong các ngành kinh tế, mà còn tham gia
trong các hoạt động chính trị, văn hóa, xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho
rằng, phụ nữ đã có những đóng góp rất lớn trong các hoạt động chính trị, văn
hóa, xã hội, chị em đã không ngừng học tập nâng cao trình độ hiểu biết của mình,
để phục vụ cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Điều này đã được Hồ
Chí Minh ghi nhận từ các phong trào: Bình dân học vụ, bổ túc văn hóa. Người
nhận xét "Trong phong trào phát triển bình dân học vụ, phụ nữ chiếm một
phần rất lớn trong số người dạy cũng như trong số người học" [36, tr. 432].
Chính từ những cố gắng trong học tập nâng cao trình độ văn hóa đã giúp phụ
nữ có khả năng tham gia tổ chức quản lý xã hội, nhiều người đã trở thành
"Chủ tịch Ủy ban hành chính, Bí thư chi bộ Đảng..." [42, tr. 149]; "Có người
gánh vác những trách nhiệm nặng như là thẩm phán, chánh án..." [40, tr. 184]
góp phần giữ kỷ cương xã hội. Không chỉ có thế, chị em phụ nữ còn vận động
nhau tham gia công tác xã hội như: xây dựng nhà trẻ, mẫu giáo, xây dựng
công viên, tham gia tết trồng cây...
Chứng kiến những nỗ lực của phụ nữ cũng như những thành tựu chị
em đạt được trong xây dựng chủ nghĩa xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng:
Dưới chủ nghĩa xã hội, người phụ nữ dũng cảm có thể hoàn thành nhiệm vụ
của người đàn ông dũng cảm có thể làm, dù nhiệm vụ ấy đòi hỏi rất nhiều tài
năng và nghị lực.
Với tầm nhìn khoa học và cụ thể, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá
rất chính xác vai trò, vị trí và khả năng của phụ nữ Việt Nam trong tiến trình
lịch sử đấu tranh cách mạng, từ thuở đầu dựng nước, giữ nước cho đến thời
kỳ xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Và từ đó, Người đã rút ra kết luận: "Non sông
gấm vóc Việt Nam do phụ nữ, trẻ cũng như già ra sức thêu dệt mà thêm tốt
đẹp rực rỡ" [36, tr. 432]. Đây là một tổng kết mang tính lịch sử, đồng thời
mang tính dự báo chính xác của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
19
Có thể nói, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định đúng vị trí, vai trò của
phụ nữ trong quá trình đấu tranh dựng nước và giữa nước; trong cách mạng
giải phóng dân tộc và trong cách mạng xã hội chủ nghĩa. Đồng thời đây cũng
là cơ sở tạo tiền đề cho sự phát triển những quan điểm trong tư tưởng Hồ Chí
Minh về giải phóng phụ nữ.
1.2. MỘT SỐ QUAN ĐIỂM CƠ BẢN CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VỀ
GIẢI PHÓNG PHỤ NỮ
1.2.1. Giải phóng phụ nữ gắn liền với giải phóng
dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người
Cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn liền với cuộc
đấu tranh cho hạnh phúc của nhân dân. Từ lúc rời xa quê hương, xa Tổ quốc
thân yêu đi tìm đường cứu nước, khát vọng đấu tranh vì nhân dân, vì độc lập
tự do, vì sự công bằng và bình đẳng của con người luôn khắc sâu trong trái
tim của Người. Trong cuộc đời phấn đấu hy sinh cho sự nghiệp giải phóng
dân tộc, giải phóng phụ nữ là một yêu cầu được Người luôn quan tâm đến.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những nhà tư tưởng đầu tiên trong lịch sử
Việt Nam đề cao sự nghiệp giải phóng phụ nữ. Tư tưởng Hồ Chí Minh về giải
phóng phụ nữ có cội nguồn sâu xa. Từ sự chứng kiến trực tiếp cuộc sống gia
đình và xã hội của người dân xứ Nghệ, đặc biệt là cuộc sống cơ cực của người
phụ nữ. Dưới chế độ thực dân, phong kiến, người phụ nữ bị áp bức, bóc lột
đến cùng cực, bị khinh rẻ đến mức mất cả tư cách làm người; thân phận và địa
vị của họ bị trói buộc bởi các quan niệm đạo đức phong kiến và các luật pháp
phi lý. Phụ nữ Việt Nam luôn phải chịu cảnh "một cổ hai tròng", vừa bị tư
tưởng phong kiến coi thường về địa vị xã hội, vừa bị bọn thực dân cướp nước
bóc lột tận xương tủy về sức lực, kinh tế, bị chà đạp nhân phẩm và quyền làm
người. Người quan sát và được chứng kiến những cảnh phụ nữ Nga được
hưởng hạnh phúc. Bởi vì ở đó họ đã làm cách mạng vô sản thành công, cách
mạng đến nơi, vì thế "Họ là người sung sướng nhất trần gian. Hết thảy mọi
20
người đều có ruộng, có nhà, mọi người đều được học hành và bỏ phiếu bầu
cử" [42, tr. 443]. Còn ở An Nam, chúng ta nói: Đàn bà phải quanh quẩn trong
bếp. Trong gia đình, Người đã chứng kiến nỗi vất vả, gian truân của thân mẫu
trong cuộc sống để giúp chồng, nuôi con khôn lớn mà không nghĩ đến bản
thân. Người cũng chứng kiến nỗi thiệt thòi của chị gái cũng như phụ nữ ở quê
nhà không được đi học như nam giới mà sớm phải lam lũ, vất vả.
Không cam chịu cảnh dân tộc mình bị áp bức, bị nô dịch, bị tước quyền
làm người, Người đã quyết chí ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân, đem lại
quyền sống, quyền bình đẳng, quyền tự do cho dân tộc mình như bao dân tộc
khác trên thế giới. Trong suốt quá trình bôn ba tìm đường cứu nước, đến đâu
Người cũng thấy cảnh phụ nữ bị đối xử bất công, bị bóc lột và bị chà đạp nhân
phẩm một cách tàn nhẫn như phụ nữ Việt Nam. Theo Người, sự bất công của
phụ nữ Việt Nam một phần do chế độ phong kiến mang lại với luật tam tòng
hà khắc từ nhiều ngàn năm, mặt chính là do tội ác của chế độ thực dân gây
nên mà có lẽ kể mãi cũng không hết. Những chính sách tàn bạo của thực dân
Pháp đã đẩy phụ nữ Việt Nam vào con đường tủi nhục. Vì vậy, quyền lợi của
phụ nữ phải gắn liền với quyền lợi của cả dân tộc, của cả giai cấp công nhân và
nhân dân lao động Việt Nam. Do đó, muốn quyền lợi của phụ nữ được bảo đảm
thì trước tiên phải giành lại quyền lợi cho dân tộc, cho giai cấp, phải giải phóng
dân tộc khỏi sự thống trị của thực dân xâm lược, xóa bỏ vĩnh viễn ách áp bức
bóc lột giai cấp, nô dịch dân tộc. Người đã hun đúc một hoài bão lớn là phải
làm sao để phụ nữ Việt Nam nói riêng và phụ nữ thế giới nói chung thoát khỏi
sự áp bức bất công của xã hội, làm sao để phụ nữ được tôn trọng, được đặt
đúng vị thế của mình và được bình đẳng như nam giới. Vì thế, suốt cuộc đời
hoạt động của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đấu tranh cho quyền lợi của
phụ nữ và xem đó như là mục tiêu quan trọng của cách mạng Việt Nam.
Trong hầu hết các tác phẩm, bài báo, bài phát biểu của mình, Chủ tịch
Hồ Chí Minh luôn lưu ý đến vấn đề nữ giới. Trong tác phẩm "Bản án chế độ
21
thực dân Pháp" viết năm 1925, Người đã dành cả một chương để nói về nỗi
khổ nhục mà những phụ nữ bản xứ phải gánh chịu, đó là:
Người phụ nữ đã trở thành nạn nhân của thói dâm bạo thực dân. Nó
khiến chị em phải chịu bao nỗi ê chề nhục nhã cả về thể xác và tinh thần, và
còn dẫn đến cái chết oan uổng của nhiều người, kể cả các em bé gái ít tuổi.
Người viết:
Khi bọn thực dân Pháp đến một làng, tất cả dân chúng chạy
trốn, chỉ còn hai cụ già, một thiếu nữ, một thiếu phụ đang cho đứa
con mới đẻ bú, tay dắt một bé gái lên tám. Bọn lính đòi tiền, rượu
và thuốc phiện vì không am hiểu tiếng Pháp nên chúng nổi giận, lấy
báng súng đánh chết một cụ già. Còn cụ già kia thì bị hai tên lính
khi đã say mềm, đem thiêu sống trong một đống lửa hàng mấy giờ
liền để làm trò vui với nhau. Trong khi đó, thì những tên khác thay
phiên nhau hiếp cô thiếu nữ, người mẹ và đứa con gái nhỏ của bà.
Xong, chúng vật ngửa cô thiếu nữ ra, trói lại, nhét giẻ vào miệng,
rồi một tên cầm lưỡi lê đâm vào bụng cô, chặt ngón tay cô để lấy
chiếc nhẫn và cắt đầu cô để lột cái vòng cổ [32, tr. 109-110].
"Một sĩ quan khác hiếp một em bé gái bằng những cách dâm bạo vô
cùng ghê tởm. Bị truy tố trước tòa đại hình hắn được trắng án, chỉ vì nạn nhân
là người An Nam" [32, tr. 112]. Từ thực tế đó, Hồ Chí Minh cho rằng: "Thói
dâm bạo thực dân là hiện tượng phổ biến và tàn ác không thể tưởng tượng
được" [32, tr. 109]. "Cái tinh vi của một nền văn minh khát máu cho phép
chúng tưởng tượng được đến đâu thì chúng cứ thực hiện tính tàn ác lạnh lùng
của chúng đến đó" [32, tr. 110].
22
Nền cộng hòa dân chủ Pháp được xây dựng trên cơ sở những tư tưởng
nổi tiếng: Tự do, Bình đẳng, Bác ái của cuộc cách mạng 1789, đã bị bọn thực
dân Pháp hoàn toàn bôi nhọ. Hồ Chí Minh đã đau đớn thốt lên:
Thật là một sự mỉa mai đau đớn khi thấy rằng nền văn minh
dưới nhiều hình thức khác nhau như tự do công lý v.v..., được tượng
trưng bằng hình ảnh dịu hiền của một phụ nữ và được một hạng người
tự do cho là phong nhã ra sức tô lại đối xử một cách hết sức bỉ ổi
với người phụ nữ bằng xương, bằng thịt và xúc phạm tới phong hóa,
trinh tiết và đời sống của họ một cách cực kỳ vô liêm sỉ [32, tr. 109].
Người phụ nữ trở thành trọng điểm của "chính sách" bóc lột sức lao
động và cướp đoạt ruộng đất: Là một nước nông nghiệp hơn 90% dân số là
nông dân nên khi đặt ách đô hộ, thực dân Pháp đã thực hiện chính sách cướp
đoạt ruộng đất của nông dân để lập các đồn điền, làm phá sản, bần cùng hóa
hàng loạt dân quê, buộc họ phải rời quê hương xứ sở tha phương cầu thực, đi
bán sức lao động của mình một cách rẻ mạt cho các đồn điền, hầm mỏ, công
ty, xí nghiệp của bọn thực dân xâm lược.
Để duy trì cuộc sống của mình và gia đình, những người phụ nữ mang
thai phải giấu, thắt chặt bụng lại, vì chủ biết sẽ đuổi. Chị em sinh nở nghỉ
không được hưởng lương mà còn bị đe dọa mất việc làm. Có con nhỏ chị em
không được nghỉ cho con bú giữa giờ làm việc. Có thể nói, đây là những hành
động vô cùng dã man mà chỉ có bọn tư bản thực dân mới nghĩ ra và áp dụng.
Chúng vừa bóc lột sức lực, vừa đàn áp tinh thần, vừa hành hạ thể xác người
phụ nữ. Chúng không bao giờ quan tâm đến việc cải thiện điều kiện làm việc
của chị em. Chỗ làm việc của chị em thường hết sức nóng bức, chật chội,
thiếu vệ sinh, tai nạn lao động thường xuyên xảy ra.
23
Trước sự áp bức bóc lột tàn tệ của bọn chủ, những nữ công nhân Việt
Nam đã đấu tranh liên tiếp đòi quyền lợi hàng ngày với khẩu hiệu "việc làm
ngang nhau tiền lương ngang nhau" và phụ nữ được nghỉ đẻ 10 ngày có
lương, ngày làm việc 10 giờ, ngày lễ, chủ nhật phải trả lương. Sa thải công
nhân phải báo trước 20 ngày. So với ngày nay, chúng ta thấy những yêu cầu
của chị em còn rất thấp, chỉ là đòi hỏi tối thiểu của người lao động nữ, nhưng
bọn chủ cũng không chịu thi hành.
Ngoài việc bị ức hiếp, bị bóc lột tàn nhẫn sức lao động, người phụ nữ
còn bị bóp nặn bằng đủ mọi thứ thuế khóa, tạp dịch, bằng cưỡng bức uống
rượu cồn, hút thuốc phiện và mua công trái. Nếu không có tiền nộp đủ thuế
thì phải đi tù.
Cùng với chính sách bóc lột, bọn thực dân còn thi hành chính sách
ngu dân để dễ bề cai trị. Nguyễn Ái Quốc đã tố cáo: "Để có thể đánh lừa dư
luận bên Pháp và bóc lột dân bản xứ một cách êm đềm, bọn cá mập của nền
văn minh không những đầu độc nhân dân Việt Nam bằng rượu và thuốc phiện
mà còn thi hành chính sách ngu dân triệt để" [32, tr. 97].
Bọn thực dân muốn biến phụ nữ thành lớp người u mê, đần độn để dễ
bề sai khiến và tự do bóc lột áp bức hà hiếp họ. Chúng tìm mọi cách đè nén
họ cả về mặt tinh thần và tình cảm. Tìm cách duy trì những phong tục tập
quán cổ hủ, lạc hậu, phát triển các hủ tục mê tín dị đoan để trói buộc đầy đọa
chị em, chà đạp lên tình cảm của họ. Đặc biệt trong vấn đề hôn nhân gia đình,
họ phải chịu nỗi đau khổ, bất hạnh, bị ép duyên, chịu cảnh lẽ mọn, bị ngược
đãi, đánh đập...
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra cho nhân dân thế giới biết: mọi áp
bức, nô dịch đối với phụ nữ và trẻ em ở các nước thuộc địa không phải chỉ do
các quan niệm lỗi thời, tư tưởng phong kiến, lạc hậu, mà chủ yếu là do chế độ
áp bức dân tộc và áp bức giai cấp của chủ nghĩa thực dân gây ra. Ở Việt Nam,
24
chính sách tàn bạo của thực dân Pháp là nguyên nhân căn bản đẩy phụ nữ Việt
Nam vào con đường đói khổ, tủi nhục. Vì vậy, quyền lợi của người phụ nữ
phải gắn liền với quyền lợi của cả dân tộc, của cả giai cấp công nhân và nhân
dân lao động. Do vậy, muốn quyền lợi của phụ nữ được đảm bảo thì trước tiên
phải giành lại quyền lợi cho dân tộc, cho giai cấp, giải phóng dân tộc khỏi sự
thống trị của thực dân xâm lược, xóa bỏ vĩnh viễn cách áp bức bóc lột giai
cấp, bóc lột và nô dịch dân tộc.
Trên cơ sở phân tích tình hình kinh tế, chính trị, xã hội Việt Nam đầu thế
kỷ XX, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Muốn cứu nước giải phóng dân
tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản" [32, tr. 314].
Vì chỉ có cách mạng vô sản như Cách mạng tháng Mười Nga mới giải phóng
được dân tộc khỏi xiềng xích nô lệ, thực hiện quyền tự do bình đẳng cho mọi
người, đem lại hạnh phúc cho nhân dân. Người xác định mục tiêu trước mắt
và lâu dài là làm cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải
phóng con người đem lại quyền tự do cho dân tộc, giải phóng phụ nữ khỏi
những áp bức bất công do chế độ thực dân, phong kiến gây ra.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, phụ nữ Việt Nam muốn thoát khỏi áp
bức, bóc lột và nô dịch của chủ nghĩa đế quốc, thì phải cùng với toàn dân tộc
đứng lên làm cách mạng. Người chỉ ra rằng, công việc giải phóng anh chị em chỉ
có thể thực hiện được bằng chính sự nỗ lực của bản thân anh chị em mà thôi.
Đối với Người, giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng giai cấp, giải phóng
con người bởi vì "nước độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc, tự do
thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì" [35, tr. 55]. Đó không chỉ là hoài bão, là
lý tưởng cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà còn là con đường cách mạng
đúng đắn để dân tộc ta đi tới một xã hội công bằng dân chủ và văn minh.
Có thể nói, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ
tịch Hồ Chí Minh luôn đấu tranh vì quyền lợi của nhân dân nói chung, của
25
phụ nữ nói riêng. Gắn giải phóng phụ nữ với giải phóng dân tộc, giải phóng
giai cấp được Người xác định ngay từ khi ở nước ngoài. Trả lời bạn nữ sinh
viên ở Trung quốc đăng trên báo Thanh niên số 13, Người viết: "Vì quyền lợi
của đàn bà con gái An Nam mà chúng ta làm cách mạng" [32, tr. 443], bởi lẽ
"Đàn bà con gái cùng nằm trong nhân dân. Nếu cả dân tộc được tự do, đương
nhiên họ cũng được tự do. Ngược lại nếu dân tộc còn trong cảnh nô lệ thì họ
và con cái họ cũng sẽ sống trong cảnh nô lệ đó thôi" [32, tr. 443].
Chính vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hết sức coi trọng việc tập hợp,
đoàn kết rộng rãi mọi tầng lớp phụ nữ: công nhân, nông dân, trí thức tiểu tư
sản, tiểu thương, nhà buôn và những phụ nữ có tinh thần yêu nước, thương
nòi thành một lực lượng thống nhất đấu tranh cho mục tiêu chung là độc lập,
tự do của dân tộc và quyền bình đẳng của phụ nữ.
1.2.2 Giải phóng phụ nữ phải gắn với chủ trương, chính sách của
Đảng, pháp luật của Nhà nước
Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, giải phóng phụ nữ không chỉ là lý
luận, tư tưởng mà quan trọng hơn là phải bằng chính sách, pháp luật của Đảng
và Nhà nước, tạo điều kiện để phụ nữ tham gia trên tất cả các lĩnh vực của đời
sống xã hội. Bởi lẽ, địa vị kinh tế, chính trị, xã hội quy định quyền bình đẳng
của phụ nữ, vì vậy chỉ khi phụ nữ được tham gia các hoạt động kinh tế, chính
trị, văn hóa, xã hội thì mới đảm bảo được quyền bình đẳng thực sự cho phụ
nữ. Người khẳng định: "Đảng và chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để
bồi dưỡng cất nhắc và giúp đỡ để ngày càng thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi
công việc kể cả công việc lãnh đạo" [42, tr. 504].
Với quan điểm đó, mỗi lần đến thăm các lớp bồi dưỡng cán bộ, các
nhà máy, xí nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp hoặc dự các hội nghị, Chủ tịch
Hồ Chí Minh thường quan sát xem số lượng cán bộ nữ được tham gia hội
nghị, tham dự các lớp học ít hay nhiều; số lượng phụ nữ được tham gia công