Tải bản đầy đủ (.pdf) (104 trang)

Thơ đường luật á nam trần tuấn khải ở nửa đầu thế kỷ XX

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.14 MB, 104 trang )

ĐẠI HỌC THÁI NGUYÊN
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC

TRẦN VĂN HIỆU

THƠ ĐƯỜNG LUẬT Á NAM TRẦN TUẤN KHẢI
Ở NỬA ĐẦU THẾ KỶ XX

LUẬN VĂN THẠC SĨ
NGÔN NGỮ, VĂN HÓA VÀ VĂN HỌC VIỆT NAM

Thái Nguyên – 2018


ĐẠI HỌC THÁI NGUYÊN
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC

TRẦN VĂN HIỆU

THƠ ĐƯỜNG LUẬT Á NAM TRẦN TUẤN KHẢI
Ở NỬA ĐẦU THẾ KỶ XX

Chuyên ngành: Văn học Việt Nam
Mã số: 8220121

LUẬN VĂN THẠC SĨ
NGÔN NGỮ, VĂN HÓA VÀ VĂN HỌC VIỆT NAM
Người hướng dẫn khoa học: TS. TRẦN THỊ LỆ THANH


Thái Nguyên – 2018


LỜI CAM ĐOAN

Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các số
liệu trích dẫn đều có nguồn gốc rõ ràng. Các kết quả nghiên cứu trong luận
văn đều trung thực và chưa từng được công bố ở bất kỳ công trình nào khác.
Thái Nguyên, 20 tháng 04 năm 2018
Tác giả luận văn

TRẦN VĂN HIỆU


LỜI CẢM ƠN

Để hoàn thành luận văn thạc sĩ này, tác giả xin trân trọng cảm
ơn Ban Giám hiệu, Khoa Sau đại học, Khoa Báo chí – Truyền thông và Văn
học, Trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên và các Thầy, Cô giáo
đã trực tiếp giảng dạy, giúp đỡ trong suốt quá trình học tập.
Đặc biệt, tác giả xin được bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới giảng viên
hướng dẫn TS. Trần Thị Lệ Thanh đã luôn tận tình hướng dẫn, chỉ bảo trong
suốt thời gian tác giả nghiên cứu và hoàn thành luận văn.
Cuối cùng, xin gửi lời cảm ơn đến gia đình, người thân, bạn bè và đã
giúp đỡ, động viên, tạo điều kiện để tác giả hoàn thành luận văn.
Thái Nguyên, ngày 20 tháng 04 năm 2018
Tác giả luận văn

TRẦN VĂN HIỆU


MỤC LỤC
MỞ ĐẦU ......................................................................................................... 1

1. Lý do chọn đề tài. ........................................................................................ 1
2. Lịch sử nghiên cứu. ..................................................................................... 2
3. Đối tượng và mục đích nghiên cứu. ............................................................ 5
4. Nhiệm vụ và phương pháp nghiên cứu. ...................................................... 6
5. Phạm vi nghiên cứu. .................................................................................... 7
6. Cấu trúc của luận văn. ................................................................................. 7
7. Đóng góp của luận văn. ........................................................................... 8
NỘI DUNG NGHIÊN CỨU ........................................................................... 9
Chương 1: THƠ ĐƯỜNG LUẬT VIỆT NAM NỬA ĐẦU THẾ KỶ XX
VÀ SỰ HIỆN DIỆN CỦA Á NAM TRẦN TUẤN KHẢI............................. 9
1.1. Bối cảnh văn học nửa đầu thế kỷ XX. ..................................................... 9
1.1.1. Giai đoạn từ đầu thế kỉ XX đến 1930. ................................................... 9
1.1.2. Giai đoạn từ 1930 – 1945. .................................................................... 13
1.2. Môi trường văn hóa Hán và điều kiện sáng tác thơ Đường luật. ............. 15
1.3. Á Nam Trần Tuấn Khải cuộc đời và sự nghiệp sáng tác. ........................ 18
1.4. Vị trí của thơ Đường luật Trần Tuấn Khải ở nửa đầu thế kỷ XX. ........... 20
Chương 2: NHỮNG CẢM HỨNG CHỦ ĐẠO TRONG THƠ
ĐƯỜNG LUẬT Á NAM TRẦN TUẤN KHẢI ............................................ 26
2.1. Cảm hứng thiên nhiên trong thơ Đường luật Á Nam Trần Tuấn Khải. ..........26
2.2. Cảm hứng yêu nước trong thơ Đường luật Á Nam Trần Tuấn Khải. ...... 38
2.3. Cảm hứng thế sự, đời tư trong thơ Đường luật Á Nam Trần Tuấn Khải. .........57
Chương 3: ĐẶC ĐIỂM NGÔN NGỮ, THỂ LOẠI TRONG THƠ ĐƯỜNG
LUẬT Á NAM TRẦN TUẤN KHẢI .......................................................................64
3.1. Đặc trưng nghệ thuật thơ Đường luật Việt Nam. ..................................... 64
3.1.1. Đặc trưng thể loại. ................................................................................ 64


3.2. Á Nam Trần Tuấn Khải và nghệ thuật thơ Đường luật. .......................... 70
3.2.1. Thơ Đường luật Á Nam Trần Tuấn Khải và chữ Quốc ngữ. ................ 71
3.2.2. Đặc điểm ngôn ngữ thơ Đường luật Á Nam Trần Tuấn Khải. ............. 76

3.3. Đặc điểm thể loại trong thơ Đường luật Á Nam Trần Tuấn Khải ........... 85
KẾT LUẬN ..................................................................................................... 91
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO ........................................................ 92
PHỤ LỤC ........................................................................................................ 95


1

MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài.
1.1. Thơ Đường luật Việt Nam là một thể loại có vị trí nổi bật trong di
sản văn học quá khứ. Từ Đường luật Hán những thời kỳ đầu đến thế kỷ XV đã
tiến đến một bước phát triển độc đáo qua sự xuất hiện Đường luật Nôm. Đột
biến lịch sử cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX đã tác động đến bước phát triển
loại hình văn học Việt Nam. Tuy nhiên, là một lĩnh vực thuộc thiết chế tinh
thần của cấu trúc xã hội, nền văn học trung đại trong đó có thơ Đường luật Việt
Nam tuy mất dần vị trí chủ đạo nhưng những giá trị ưu tú vẫn hiện diện trong
cuộc sống. Thơ Đường luật Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX là một minh chứng
cho quy luật đó. Nghiên cứu thơ Đường luật nửa đầu thế kỷ XX với các bộ
phận và từng tác giả của nó là một việc làm cần thiết, có ý nghĩa cập nhật để
đóng góp vào công việc tổng kết lịch sử văn học đã qua và tiếp cận những giá
trị tương lai của thể loại đặc biệt này.
1.2. Sáng tác thơ Đường luật của Á Nam Trần Tuấn Khải, tuy không
được nhiều người biết đến và đón nhận rầm rộ như những bài hát nói của ông,
nhưng trong ngót 70 năm cầm bút, thời kỳ sáng tác được xem là sung sức nhất
(những năm 20 đầu thế kỷ), cũng là thời kỳ ông sáng tác nhiều thơ Đường luật
nhất. Trong bối cảnh thể thơ Đường luật đang bị đánh giá là lỗi thời, việc một
nhà thơ vẫn có tới 112 bài Đường luật trên tổng số 315 tác phẩm được xem là
một hiện tượng văn học. Bên cạnh đó, những câu thơ được xem là tuyên ngôn
nghệ thuật của buổi giao thời “Đời không duyên nợ thà không sống – Văn có

non sông mới có hồn” lại chính là những câu thơ Đường luật của ông. Thiết
nghĩ một hiện tượng văn học, bao gồm cả số lượng và chất lượng, gắn với một
tên tuổi nổi bật như thế tự nó trở thành một đề tài nghiên cứu khoa học có giá
trị.
1.3. Đương thời, thơ văn Á Nam Trần Tuấn Khải được rất nhiều người
biết đến. Thậm chí ngay sau khi tập thơ đầu tiên được xuất bản năm 1921, thơ


2

của ông đã “nhanh chóng nổi tiếng và được lưu tuyền khắp Trung, Nam, Bắc,
từ nơi đầu chợ, bến sông, đến miền phồn hoa đô hội” [6]. Rất tiếc các công
trình, bài viết, nghiên cứu đánh giá thơ văn Á Nam Trần Tuấn Khải nói chung
còn khá mỏng, chưa tương xứng với những gì tác giả để lại. Đặc biệt, đối với
bộ phận thơ Đường luật của ông thì tình hình nghiên cứu càng hạn chế hơn.
Cho đến nay chưa có một công trình, bài viết nào nghiên cứu riêng về vấn đề
này để đưa ra những đánh giá thỏa đáng và mang tính hệ thống. Đề tài “Thơ
Đường luật Á Nam Trần Tuấn Khải ở nửa đầu thế kỷ XX” vì thế là một đề tài
mang tính cấp thiết.
2. Lịch sử nghiên cứu.
2.1. Những nghiên cứu đánh giá chung về thơ Đường luật Việt Nam trong
dòng văn học yêu nước nửa đầu thế kỷ XX.
Trong lịch sử văn học Việt Nam, thơ Đường luật là một trong những thể
loại Văn học có lịch sử lâu đời nhất và đạt được nhiều thành tựu nhất. Đặc biệt,
trong nền Văn học Trung đại Việt Nam, thơ Đường luật có một vị trí đặc biệt
và đạt được những thành tựu vô cùng to lớn. Thật đúng như Tiến sĩ Trần Thị
Lệ Thanh đã khẳng định: “Ngót mười thế kỷ, một thể thơ ngoại nhập đã được
người Việt Nam sử dụng để sáng tạo biết bao giá trị. Không ai quên, với Đường
luật - Nguyễn Trãi đã tạo nên một “niềm ưu ái” đầy tâm huyết; Nguyễn Bỉnh
Khiêm tạo nên một phong cách trữ tình trào phúng, “thi trung hữu quỷ”; Bà

Huyện Thanh Quan, lại xứng đáng với một phong cách Đường thi mẫu mực...
Nghĩa là trong suốt mười thế kỷ ấy, nền thơ Việt Nam đã đạt đến những đỉnh
cao của nghệ thuật thơ ca cổ điển, một phần có sự đóng góp của thể loại độc
đáo này” [38].
Bước sang nửa đầu thế kỷ XX, trước sự biến động vô cùng mạnh mẽ của
đời sống xã hội do thực dân Pháp đẩy mạnh công cuộc khai thác thuộc địa,
những thay đổi về văn hóa giáo dục đã tạo ra khả năng làm mất đi môi trường
tồn tại và phát triển của thơ Đường luật Việt Nam. Nhưng, cũng chính trong


3

lúc mà tưởng chừng như thơ Đường luật Việt Nam đang dần mất vị thế ấy thì
người ta vẫn thấy được sức sống vô cùng mạnh mẽ của nó ngay trong lòng của
một nền thơ Mới. Trong hoàn cảnh ấy, những người còn sáng tác bằng thể thơ
Đường luật vẫn không phải là ít. Trong đó, phải kể đến các sáng tác thơ Đường
luật của Á Nam Trần Tuấn Khải. Ông không chỉ là người có công giữ lửa mà
còn là người thổi lửa và truyền lửa cho thơ Đường luật Việt Nam. Thật đúng
như nhà nghiên cứu Hoài Thanh đã nhận định trong bài “Thơ Mới” đăng trên
Tiểu thuyết thứ bẩy số 31 - 1934 trong khi ngợi ca xu thế phát triển của thơ
Mới vẫn phải thừa nhận rằng: “Tôi thấy phần nhiều các ông làm thơ Mới đều
có biết làm thơ cũ ... một đôi khi khi vui vui, họ cũng làm thử lối thơ cũ thì thơ
họ hay lắm” [37].
2.2. Những nghiên cứu đánh giá về Á Nam Trần Tuấn Khải và thơ Đường
luật Á Nam Trần Tuấn Khải.
Sáng tác thơ Đường luật của Á Nam Trần Tuấn Khải ở nửa đầu thế kỷ
XX khá phong phú về đề tài, chủ đề và những quan niệm mới về thời cuộc. Từ
góc nhìn thể loại, thơ Á Nam có đóng góp vô cùng to lớn đối với thể thơ Đường
luật dân tộc. Tuy nhiên, cho đến tận bây giờ, những gì còn lưu giữ lại về những
đóng góp của ông thật quá ít ỏi, những công trình nghiên cứu về ông còn ít, có

chăng đó chỉ là một vài bài viết, hay vài lời nhận xét, đánh giá về đóng góp của
ông như:
- Bài viết mở đầu “Đọc thơ Á Nam Trần Tuấn Khải”, nhà thơ Xuân Diệu
viết: “Đây là một cuộc đời dài lâu và phong phú, những sáng tác thành công
của thi sĩ gắn liền với thời văn thơ quốc ngữ bắt đầu; những thi sĩ có tài “thác
là thể phách, còn là tinh anh”, còn là những bài thơ, những đoạn thơ, những câu
thơ có sức nặng của Á Nam là làm trong thời đau khổ của xã hội trước cách
mạng. Á Nam đã tự mình an ủi: “Nước đời khe khắt ai hay/ Vàng khôn biết lắm,
càng khôn biết lắm càng cay đắng nhiều” [57].


4

- Trong bài viết “Hình tượng anh Khóa trong thơ Á Nam Trần Tuấn
Khải”, Thạc sĩ Phạm Văn Hưng đánh giá: “Trong dòng chảy của thời gian, số
tác giả còn đứng được với lịch sử không nhiều, số tác giả được mọi người nhớ
đến cùng hình tượng do mình sáng tạo ra lại càng ít. Nhà thơ Á Nam Trần Tuấn
Khải (1894 - 1983) là một trong số ít những người đứng lại và lưu dấu ấn trong
lịch sử văn học với hình tượng anh Khóa trong Tiễn đưa anh Khóa xuống tàu
(1914), Mong anh Khóa (1915), Gửi thư cho anh Khóa (1922) và Mừng anh
Khóa về (1975). Có lẽ còn xa lắm, trong thời điểm của ông và trong tư duy của
ông cũng như tư duy của những người đương thời để nói đến sự kết hợp của
hai khái niệm nhân vật điển hình và hoàn cảnh điển hình nhưng rõ ràng sức
sống của hình tượng anh Khóa đã nói lên tính đại diện của hình tượng này cho
cả một thế hệ,một dân tộc, một thời đại lịch sử của dân tộc Việt Nam” [21].
- Trong bài “Á Nam Trần Tuấn Khải - nhà thơ của dòng văn học yêu
nước trong những năm 1920” [10], Lê Chí Dũng viết: “Đọc Á Nam Trần Tuấn
Khải, độc giả bắt gặp trong thơ ông cái tôi nội cảm (le moi intérieur). Cái tôi
nội cảm này man mác trong những bài thơ thể hiện lòng yêu nước của thi nhân
và nổi rõ trong những bài thơ bộc lộ cái nhìn ái ân phong tình của ông đối với

con người và những hiện tượng trong thực tại, như trong bài thơ:
Hiu hắt phòng thu nhớ cố nhân !
Nhớ cô hàng quạt chợ Đồng Xuân.
Tờ mây phong kín lời sơn hải,
Tin gió bay tàn lửa ái ân.
Hương hỏa ba sinh tình khắc cốt,
Can tràng trăm đoạn lúc rời chân.
Thói đời nóng lạnh coi mà ngán,
Hiu hắt phòng thu nhớ cố nhân.
(Nhớ cô hàng quạt)


5

- Tiến sĩ Ngữ văn Nguyễn Thị Liên Tâm cũng có những trang viết thật
sâu sắc về Á Nam Trần Tuấn Khải: “Nhà thơ của Gánh nước đêm, Anh Khóa
xuống tàu, Tráng sĩ hành... và những bài Phong dao đã đi về cõi xa xôi, nhưng
tên tuổi cùng những bài thơ tuyệt hay của ông, nhất là bài thơ Gánh nước đêm.
Á Nam đã tạc nên hình tượng người đàn bà gánh nước đêm - ẩn dụ về người
trượng phu với tấm lòng yêu non yêu nước sẽ ở lại mãi với chúng ta, nhất là
những con người bình dân một nắng hai sương bên bờ ao gốc rạ.” [35]
- Trong bài “Á Nam Trần Tuấn Khải: Mượn tiếng văn chương gọi giống
nòi”, Hoài Anh đánh giá: “Gần một thế kỉ cống hiến cho sự nghiệp của đất
nước và văn học, Á Nam Trần Tuấn Khải đã thể hiện trọn vẹn đúng như tâm
nguyện của cụ buổi đầu: “Góp cùng kim cổ lưng bầu huyết, Gửi với sơn hà một
áng văn”.
Đặc biệt, nghiên cứu về thơ Đường luật của ông giai đoạn nửa đầu thế
kỷ XX vẫn còn là vấn đề hoàn toàn mới. Trong cuốn “Nhà văn hiện đại, tập I,
NXB Văn học” của tác giả Vũ Ngọc Phan cũng đã nghiên cứu về các nhà văn
hiện đại Việt Nam, nhưng trong cả mấy trăm trang viết ấy cũng chỉ có vài trang

viết về Á Nam Trần Tuấn Khải. Trong vài trang viết ấy cũng chỉ có vẻn vẹn vài
dòng nhận xét về thơ Đường Luật của ông chứ chưa hề có sự nghiên cứu. Tuy
nhiên, những nhận xét, đánh giá của Vũ Ngọc Phan còn chưa tương xứng với
những gì mà Á Nam Trần Tuấn Khải đã đóng góp trong dòng thơ yêu nước nửa
đầu thế kỷ XX. Chẳng hạn như: “Ông không sở trường về lối Đường luật, nên
những bài Đường luật khác của ông phần nhiều chỉ được cái lưu loát, không
hay mà cũng không dở” [ 32 ].
Chính vì những lẽ đó mà đề tài “Thơ Đường luật Á Nam Trần Tuấn Khải
trong dòng thơ yêu nước nửa đầu thế kỷ XX” càng mang tính cấp thiết hơn.
3. Đối tượng và mục đích nghiên cứu.
3.1. Đối tượng nghiên cứu: Toàn bộ những sáng tác thơ Đường luật của Á
Nam Trần Tuấn Khải giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX (1900 - 1945).


6

3.2. Mục đích nghiên cứu.
- Đánh giá những đóng góp của thơ Đường luật Á Nam Trần Tuấn Khải
trong văn học Việt Nam ở nửa đầu thế kỷ XX và trong chính sự nghiệp sáng
tác của tác giả.
- Tìm hiểu thơ Đường luật Á Nam Trần Tuấn Khải trên cả hai phương
diện nội dung và hình thức nghệ thuật, từ đó chỉ ra những đặc điểm của thơ
Đường luật Trần Tuấn Khải ở nửa đầu thế kỷ XX.
4. Nhiệm vụ và phương pháp nghiên cứu.
4.1. Nhiệm vụ nghiên cứu.
- Nắm vững và biết vận dụng những lý thuyết cơ bản liên quan đến thơ
Đường luật và thơ Đường luật Việt Nam để phân tích và nhận diện đặc điểm
của một hiện tượng văn học sử.
- Trên cơ sở thống kê, phân tích và tổng hợp đề tài sẽ nghiên cứu, đánh
giá nhằm đi đến những kết luận có giá trị về những khuynh hướng cảm hứng

chủ đạo, đặc điểm ngôn ngữ, thể loại trong thơ Đường luật Á Nam Trần Tuấn
Khải, từ đó xác định vị trí của thơ Đường Á Nam Trần Tuấn Khải trong dòng
thơ yêu nước nửa đầu thế kỷ XX.
4.2. Phương pháp nghiên cứu.
Đây là một đề tài nghiên cứu văn học sử vì thế trong quá trình triển khai
thực hiện luận văn, chúng tôi sẽ sử dụng phương pháp nghiên cứu văn học sử
là chủ yếu như:
- Phương pháp thống kê phân loại.
- Phương pháp phân tích tổng hợp.
- Phương pháp so sánh.
Ngoài ra, muốn làm sáng rõ vấn đề, luận văn sẽ kết hợp sử dụng thêm
các thao tác phân tích tác phẩm văn học.


7

5. Phạm vi nghiên cứu.
Sự nghiệp sáng tác của Á Nam Trần Tuấn Khải trong bộ phận thơ ca
công khai đầu thế kỷ XX tuy không đồ sộ, nhưng khá phong phú với hầu hết
các thể loại thơ ca Việt Nam (Đường luật, lục bát, song thất lục bát, hát ví, hát
xẩm, sa mạc, hát nói…) và tồn tại ở nhiều trạng thái khác nhau (như các sách
báo công khai từ Nam chí Bắc hồi nửa đầu thế kỷ XX, các báo, tạp chí công
khai như: Khai hóa, Thực nghiệp dân báo, Trung Bắc tân văn, Đông Dương
tạp chí, Nam Phong tạp chí (Hà Nội), Tiếng dân (Huế), Đông pháp thời báo,
Phụ nữ tân văn (Sài Gòn)…và các sách, báo ). Thơ Đường luật cũng tồn tại ở
tất cả các trạng thái đó. Trong điều kiện thời gian và khuôn khổ một luận văn
thạc sĩ, đề tài xin được giới hạn phạm vi nghiên cứu là thơ Đường luật trong
cuốn Thơ văn Á Nam Trần Tuấn Khải, Nxb Văn học TP. Hồ Chí Minh 1993
(Xuân Diệu giới thiệu, Lữ Huy Nguyên sưu tầm tuyển chọn) trong đó có các
tập Duyên nợ phù sinh I (1921), Duyên nợ phù sinh II (1923), Bút quan hoài I

(1927), Bút quan hoài II (1927), Với sơn hà I, Với sơn hà II gồm 112 bài. Những
sáng khác chưa có điều kiện sưu tầm tập hợp, chúng tôi sẽ chỉ quan tâm khi cần
thiết phải so sánh.
6. Cấu trúc của luận văn.
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận và Tài liệu tham khảo, luận văn gồm 3
chương:
Chương 1: Thơ Đường luật Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX và sự hiện diện của
Á Nam Trần Tuấn Khải.
1.1. Bối cảnh văn học nửa đầu thế kỷ XX.
1.2. Môi trường văn hóa Hán và điều kiện sáng tác thơ Đường luật.
1.3. Á Nam Trần Tuấn Khải cuộc đời và sự nghiệp sáng tác.
1.4. Vị trí của thơ Đường luật Trần Tuấn Khải ở nửa đầu thế kỷ XX.


8

Chương 2: Những cảm hứng chủ đạo trong thơ Đường luật Á Nam Trần Tuấn
Khải.
2.1. Cảm hứng thiên nhiên trong thơ Đường luật Á Nam Trần Tuấn Khải.
2.2. Cảm hứng yêu nước trong thơ Đường luật Á Nam Trần Tuấn Khải.
2.3. Cảm hứng thế sự, đời tư trong thơ Đường luật Á Nam Trần Tuấn Khải.
Chương 3: Đặc điểm ngôn ngữ, thể loại thơ Đường luật Á Nam Trần Tuấn Khải.
3.1. Đặc trưng nghệ thuật thơ Đường luật Việt Nam.
3.2. Á Nam Trần Tuấn Khải và nghệ thuật thơ Đường luật.
3.3. Đặc điểm thể loại trong thơ Đường luật Á Nam.
7. Đóng góp của luận văn.
- Luận văn bước đầu nghiên cứu một cách hệ thống về thơ Đường luật
Á Nam Trần Tuấn Khải, từ đó để chỉ ra những đặc điểm về nội dung và nghệ
thuật của thể loại này trong sự nghiệp sáng tác của nhà thơ.
- Từ việc tìm hiểu về thơ Đường luật Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX, làm

sáng tỏ vị trí và những đóng góp của thơ Đường Á Nam Trần Tuấn Khải trong
dòng thơ yêu nước nửa đầu thế kỷ XX .
KẾT LUẬN


9

NỘI DUNG NGHIÊN CỨU
Chương 1
THƠ ĐƯỜNG LUẬT VIỆT NAM NỬA ĐẦU THẾ KỶ XX
VÀ SỰ HIỆN DIỆN CỦA Á NAM TRẦN TUẤN KHẢI

1.1. Bối cảnh văn học nửa đầu thế kỷ XX.
1.1.1. Giai đoạn từ đầu thế kỉ XX đến 1930.
Đây là chặng đường thể hiện rõ tính chất giao thời của hai phạm trù văn
học. Chặng đường này có thể phân chia thành hai giai đoạn nhỏ: Từ đầu thế kỉ
XX đến 1920 và từ 1920 đến 1930.
1.1.1.1. Từ đầu thế kỉ XX đến 1920.
Vào đầu thế kỉ XX, sau khi cơ bản đã dẹp xong các cuộc nổi dậy chống
Pháp của các sĩ phu yêu nước, thực dân Pháp ra sức củng cố sự thống trị của
chúng trên đất nước ta và khẩn trương bắt tay vào khai thác thuộc địa. Cơ cấu
kinh tế, xã hội Việt Nam bắt đầu có những biến đổi theo hướng tư bản chủ
nghĩa ở một nước thuộc địa. Nền văn học cũng bước vào giai đoạn giao thời.
Văn chương của các nhà nho vẫn giữ vị trí quan trọng nhưng phân hoá và ít
nhiều đã có biến đổi về cả tư tưởng lẫn nghệ thuật. Các tác giả cuối cùng của
văn học trung đại như Nguyễn Khuyến, Tú Xương vẫn tiếp tục sáng tác trong
những năm đầu của thế kỉ mới nhưng với tâm trạng của kẻ lạc thời. Tam
Nguyên Yên Đổ về ẩn dật tại làng quê, cam chịu cuộc sống nghèo túng, vắng
vẻ, khước từ mọi sự dụ dỗ, đe doạ, bất hợp tác với giặc để giữ chữ “tiết” của
nhà nho nhưng vẫn âm thầm mang nỗi đau của người dân mất nước trong những

vần thơ tự trào. Tú Xương đập thẳng vào cái nhăng nhố của xã hội bằng những
vần thơ mang tiếng cười gằn chua chát. Một lớp nhà nho thức thời đã tìm đến
tư tưởng dân chủ, khoa học của phương Tây và những nhà cải cách ở Trung
Hoa qua những “tân thư”. Những phong trào yêu nước theo đường lối mới dấy


10

lên mạnh mẽ như Duy Tân hội, Đông Du, Đông Kinh nghĩa thục. Văn chương
trong tay họ lúc này đã thực sự trở thành một lợi khí để thức tỉnh quần chúng và
tầng lớp trí thức nho học, khơi dậy lòng yêu nước, ý thức tự cường và khát vọng
canh tân đất nước. Tuy vẫn sử dụng chữ Hán và các thể loại truyền thống là chủ
yếu, nhưng bộ phận văn học này đã có sự đổi mới mạnh mẽ về tư tưởng, về quan
niệm văn chương và ở một số trường hợp sử dụng những thể loại và ngôn ngữ
gần với quần chúng.
Trong khu vực văn học hợp pháp cũng xuất hiện những yếu tố của nền văn
học mới, vượt ra khỏi phạm vi của văn học trung đại. Ở Nam Bộ, chữ quốc ngữ
đã được dùng phổ biến từ những thập kỉ cuối thế kỉ XIX (với sự xuất hiện của
báo chí) và được sử dụng để sáng tác văn học. Sự xuất hiện của các tờ báo Đông
Dương tạp chí, Nam phong và hàng loạt các tờ báo khác như Hữu thanh, Tiếng
dân, Phụ nữ tân văn, Đông Pháp thời báo,… Báo chí chính là nơi thảo luận,
trao đổi, thí nghiệm cách làm giàu ngôn ngữ, cách sưu tầm câu văn xuôi, giới
thiệu văn học Trung Quốc và văn học Pháp, quan trọng hơn, nó là nơi rèn bút
của các nhà văn. Tiểu thuyết sáng tác bằng chữ quốc ngữ xuất hiện sớm nhất là
Thầy Lazaro Phiền của Nguyễn Trọng Quản (in năm 1887). Những năm đầu
của thế kỉ XX, phong trào sáng tác văn xuôi quốc ngữ phát triển mạnh với hàng
chục gương mặt điển hình: Hồ Biểu Chánh, Bửu Đình Phú Đức, Trần Chánh
Chiếu, Nguyễn Chánh Sắt, Trần Quang Nghiệp… Tiểu thuyết quốc ngữ Nam
Bộ thời kì này còn mang khá nhiều yếu tố của văn xuôi trung đại nhưng cũng
đã có nhiều nét mới về đề tài, đối tượng miêu tả (chủ yếu tập trung vào đời sống

và con người Nam Bộ), về việc sử dụng ngôn ngữ (dùng thứ ngôn ngữ gần với
tiếng nói thường ngày, mang đặc điểm phương ngữ Nam Bộ). Vào thập niên
thứ hai, phong trào sáng tác văn xuôi quốc ngữ đã lan rộng ra miền Bắc cùng
với sự xuất hiện của nhiều tờ báo và tạp chí ở đó.
Thành tựu văn học nổi bật nhất trong chặng đường này là văn học cách
mạng sản sinh trong các phong trào yêu nước như Đông Du, Đông Kinh nghĩa


11

thục, Duy Tân… Các tác giả tiêu biểu cho dòng văn học cách mạng này là Phan
Bội Châu, Phan Châu Trinh, Nguyễn Thượng Hiền, Huỳnh Thúc Kháng… Có
thể nói, đây chính là sự tiếp nối dòng văn học yêu nước chống Pháp xâm lược
ở nửa cuối thế kỉ XIX nhưng đã được nuôi dưỡng trong phong trào đấu tranh
giải phóng dân tộc sôi nổi đầu thế kỉ XX. Nội dung văn học yêu nước cách
mạng thời kì này thể hiện tinh thần yêu nước sôi sục, khí phách anh hùng được
soi sáng bởi tinh thần dân chủ, canh tân, lí tưởng và tầm nhìn rộng mở hơn,
dồi dào cảm hứng lãng mạn. Tuy vậy, về mặt thể loại, ngôn ngữ, thi pháp…
thì hầu như vẫn không có gì mới, vẫn vận động trong quán tính phạm trù văn
học trung đại.
Nhìn chung, văn học giai đoạn này đã có những biến chuyển đáng kể về
mặt nội dung. Chịu sự chi phối bởi ý thức hệ tư sản, nội dung yêu nước trong
văn học từ đầu thế kỉ cũng gắn với lý tưởng cách mạng dân chủ tư sản. Mặc dù
thế, các tác giả vẫn chưa thực sự thoát khỏi quan niệm mỹ học thời phong kiến.
Về mặt nghệ thuật, các tác phẩm vẫn nằm trong khuôn khổ thi pháp văn học
trung đại. Các tác giả chỉ dừng lại ở mức độ cách tân nghệ thuật sáng tác của
nhà nho trước kia. Tiêu biểu nhất là thơ văn yêu nước và cách mạng. Còn nhiều
tác phẩm thể hiện những vấn đề mới của cách mạng bằng hình thức nghệ thuật
cũ. Các tác giả còn ít dùng chữ Quốc ngữ để sáng tác, chưa bỏ được lối văn
biền ngẫu; thơ vẫn là một thể loại được ưa chuộng, ngôn ngữ vẫn còn mang

tính chất cầu kỳ, bóng bẩy... Trường hợp những bài thơ bị pha trộn một vài câu
hoặc một đoạn thơ chữ Hán cầu kỳ, khó hiểu khá phổ biến trong giai đoạn này.
1.1.1.2. Từ 1920 đến 1930.
Sang những năm hai mươi của thế kỉ trước, diện mạo văn học nước nhà có
những chuyển biến rõ rệt hơn theo hướng hiện đại. Không chỉ đổi mới về mặt nội
dung, văn học giai đoạn này còn có những chuyển biến mạnh mẽ về mặt nghệ thuật
và đạt được rất nhiều thành tựu. Nhiều tác phẩm có giá trị, nhiều tác giả thể hiện
được tài năng và sức sáng tạo dồi dào của mình.


12

Trong khu vực văn học hợp pháp, văn xuôi quốc ngữ phát triển mạnh cả ở
Nam Bộ và miền Bắc. Hồ Biểu Chánh là cây bút tiêu biểu nhất Nam Bộ với hàng
loạt các tiểu thuyết. Tuy nội dung các tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh vẫn đậm tính
chất đạo lí và yếu tố nghệ thuật vẫn chưa thật hiện đại nhưng ông vẫn được xem là
một trong những nhà văn khơi dòng cho khuynh hướng hiện thực trong văn học
thời kì này. Truyện ngắn xuất hiện nhiều, tiêu biểu là tác phẩm của Phạm Duy Tốn,
Nguyễn Bá Học. Đặc biệt, năm 1925, tiểu thuyết Tố Tâm ra đời đã tạo ra một tiếng
vang lớn trên diễn đàn và công chúng từ Bắc chí Nam. Tố Tâm được coi là cái mốc
quan trọng trong sự hình thành tiểu thuyết tâm lí Việt Nam hiện đại. Bên cạnh đó,
phải kể đến một số tiểu thuyết khác như Kim Anh lệ sử của Trọng Khiêm, Quả dưa
đỏ của Nguyễn Trọng Thuật và nhiều tác phẩm khác của Đặng Trần Phất, Nguyễn
Tử Siêu.
Trong lĩnh vực thơ, khuynh hướng lãng mạn nảy nở khá phong phú gắn liền
với một số tên tuổi như Đông Hồ, Tương Phố, Đoàn Như Khuê, đặc biệt là Tản Đà,
Trần Tuấn Khải. Tản Đà – thi sĩ được coi là “viên gạch nối” hai thời đại thi ca, là
“con người của hai thế kỉ”, có công lớn trong việc ươm mầm cho phong trào Thơ
mới. Với hồn thơ lãng mạn, đa tình, cái tôi u sầu, không đánh mất cốt cách của một
nhà nho nhưng nhiều khi vẫn phóng túng, tìm cách vượt lên chính mình, Tản Đà

thể hiện sự bứt phá khỏi khuôn khổ nghệ thuật thi ca trung đại. Trần Tuấn Khải
xuất hiện với một phong cách khác. Ông luôn biểu lộ tình cảm với đất nước trong
những điệu thơ đậm tính dân gian, dân tộc.
Giai đoạn này cũng đã có sự xuất hiện của kịch nói hiện đại. Một số vở kịch
gây được sự chú ý như: Chén thuốc độc, Toà án lương tâm (Vũ Đình Long), Ông
Tây An Nam (Nam Xương), Bạn và vợ (Nguyễn Hữu Kim).
Đóng góp vào sự hình thành của nền văn học giai đoạn này phải kể đến sự
phát triển mạnh mẽ của hoạt động biên khảo, dịch thuật. Phạm Quỳnh, Nguyễn
Văn Vĩnh là những dịch giả tiêu biểu, có công lớn trong việc giới thiệu, dịch thuật
nhiều tác phẩm văn học Pháp và những quan niệm văn chương của phương Tây,


13

các thể loại tiểu thuyết, kịch nói. Các tiểu thuyết cổ điển của văn học Trung Quốc
cũng được lựa chọn, dịch và giới thiệu khá nhiều ở Nam Bộ, nhất là những tiểu
thuyết võ hiệp, tài tử, giai nhân. Xuất hiện một số công trình biên khảo khá công
phu, nghiêm túc về văn học, văn hoá như công trình của Phan Kế Bính, Bùi Kỷ,
Nguyễn Văn Ngọc.
Trong những năm này, bộ phận văn học cách mạng theo khuynh hướng dân
chủ tư sản tuy không còn thật sôi nổi, mạnh mẽ nhưng vẫn tiếp tục phát triển, chủ
yếu là thơ ca trong tù của các chí sĩ cách mạng. Nhiều tác phẩm xuất sắc như: Ngục
trung thư, Trùng Quang tâm sử của Phan Bội Châu, Xăng Tê thi tập của Phan Châu
Trinh. Đặc biệt là đóng góp của Nguyễn Ái Quốc với hàng loạt các sáng tác trong
thời kì hoạt động ở Pháp (truyện ngắn, kí, kịch, tiểu phẩm, chính luận). Sáng tác
của Nguyễn Ái Quốc trong thời kì này không chỉ đã mở ra một hướng đi mới gắn
với tư tưởng cách mạng vô sản cho phong trào giải phóng dân tộc, mà còn là một
thành tựu nổi bật của văn học cách mạng, đồng thời là một đóng góp quan trọng
cho quá trình hiện đại hoá văn học Việt Nam.
Có thể nói, ở chặng này, nền văn học đã tiến mạnh hơn trên con đường hiện

đại hoá với nhiều thành tựu. Tuy nhiên, nhiều yếu tố của nền văn học cổ vẫn còn
tồn tại. Việc sử dụng các thể thơ luật Đường, đề tài thơ, hình ảnh thơ đôi khi cũ
mòn, sáo rỗng; thể loại tiểu thuyết chương hồi, lối văn biền ngẫu, văn xuôi thường
pha lẫn văn vần, dùng nhiều chữ Hán cầu kì, tối nghĩa…là minh chứng cho việc
đổi mới chưa thật sự toàn diện và sâu sắc của văn học giai đoạn này.
1.1.2. Giai đoạn từ 1930 – 1945.
Giai đoạn 1930 – 1945 đã chứng kiến sự phát triển sôi nổi, phong phú và
hết sức mau lẹ của nền văn học dân tộc theo hướng hiện đại, làm thay đổi hẳn
diện mạo nền văn học. Hai khuynh hướng lãng mạn và hiện thực trong văn học
hợp pháp đều có sự phát triển mạnh mẽ. Các thể loại văn học đã biến đổi sâu
sắc, đạt tới tính hiện đại và thể hiện sự kết tinh trong nhiều tác phẩm. Sự phát


14

triển của nền văn học giai đoạn này còn thể hiện ở sự đa dạng trong phong cách
nghệ thuật của nhiều tác giả.
Về lĩnh vực văn xuôi: vốn đã có vị trí hết sức quan trọng trong đời sống
văn học, văn xuôi giai đoạn này phát triển mạnh mẽ ở hai khuynh hướng hiện
thực và lãng mạn. Manh nha từ những năm 1930, chính thức ra đời năm 1933,
Tự lực văn đoàn có những đóng góp quan trọng cho văn xuôi nghệ thuật hiện
đại và cho khuynh hướng lãng mạn. Các tác gia tiêu biểu: Nhất Linh, Khái
Hưng, Thạch Lam... Văn xuôi hiện thực phê phán cũng phát triển mạnh với
những tên tuổi rạng rỡ, phong cách thể hiện khác nhau: Nguyễn Công Hoan,
Nam Cao, Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Tô Hoài, Bùi Hiển…
Phong trào thơ Mới khởi lên từ những năm 1932, nhanh chóng chiếm lĩnh
thi đàn, đóng vai trò quyết định trong công cuộc hiện đại hoá thi ca ở Việt Nam.
Chỉ gói gọn trong vòng hơn mười năm, thơ Mới đã đi trọn con đường của nó
và để lại những ảnh hưởng sâu sắc đối với thơ ca Việt Nam hiện đại. Cá tính
sáng tạo được giải phóng, hàng loạt tiếng thơ trẻ trung, tài năng ra đời với nhiều

sắc điệu khác nhau: Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Nguyễn
Bính, Thế Lữ, Lưu Trọng Lư…
Hoạt động phê bình văn học phát triển khá mạnh, trở thành một hoạt động
chuyên biệt, đóng góp tích cực vào công cuộc hiện đại hoá nền văn học. Những
cây bút phê bình quan trọng là Thiếu Sơn, Hoài Thanh, Vũ Ngọc Phan, Hải
Triều… Từ những năm 40 đã xuất hiện những công trình phê bình, nghiên cứu
có quy mô bao quát nhằm tổng kết thành tựu một giai đoạn văn học. Công trình
tiêu biểu: Thi nhân Việt Nam (1942, Hoài Thanh và Hoài Chân); Nhà văn hiện
đại (4 tâp, 1942-1945, Vũ Ngọc Phan); Việt Nam văn học sử yếu (1943, Dương
Quảng Hàm); Việt Nam cổ văn học sử (1942, Nguyễn Đổng Chi).
Kịch nói du nhập vào nước ta từ giai đoạn trước, giai đoạn này khá phát
triển. Vi Huyền Đắc, Đoàn Phú Tứ, Vũ Đình Long, Nguyễn Huy Tưởng đã có
những kịch bản gây được tiếng vang.


15

Văn học cách mạng từ đầu những năm ba mươi đã chuyển hẳn theo khuynh
hướng vô sản và vẫn là một dòng chảy mãnh liệt, chưa hề đứt đoạn: thơ ca trong
phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930 - 1931), thơ văn trong tù, văn học cách
mạng thời kì Mặt trận Dân chủ, thời kì Việt Minh, Nhật kí trong tù của Hồ Chí
Minh, Từ ấy của Tố Hữu, phê bình và tranh luận văn chương của Hải Triều,
phê bình văn học của Đặng Thai Mai, thơ Sóng Hồng, Xuân Thuỷ… là những
thành tựu tiêu biểu của văn học cách mạng giai đoạn này.
Tóm lại, văn học giai đoạn này đã có sự phát triển mạnh mẽ, phong phú,
đạt đến tính hiện đại và có sự kết tinh ở nhiều phương diện tiêu biểu, nhiều tác
phẩm xuất sắc. Văn học Việt Nam trong không đầy nửa thế kỉ đã tạo ra được
sự biến đổi toàn diện và sâu sắc, chuyển từ phạm trù văn học trung đại sang nền
văn học hiện đại.
1.2. Môi trường văn hóa Hán và điều kiện sáng tác thơ Đường luật.

Phải khẳng định một điều là những đổi thay về văn hoá xã hội là nguyên
nhân chính làm mất dần nền văn hoá phương Đông, văn hoá Hán và chế độ thi
cử bằng chữ Hán, sau nữa là thói quen sáng tác và thưởng thức thơ, trong đó chủ
yếu thơ Đường luật của người Việt. Tuy nhiên, có một điều cũng không thể phủ
nhận là, chính ngay trong bối cảnh đổi thay đó, nền văn hoá cổ truyền của Việt
Nam trong đó có văn hoá từng chịu ảnh hưởng sâu sắc văn hoá Hán, nền thơ ca
cổ truyền Việt Nam trong đó có thơ Đường luật đã không hoàn toàn mất hết cơ
sở tồn tại.
Mặc dù những chủ chương chính sách văn hoá xã hội mà thực dân Pháp áp
dụng vào Việt Nam tuy không nhằm vào thơ Đường luật, song dù trực tiếp hay
gián tiếp, cũng tạo ra khả năng đã làm mất môi sinh, môi trường tồn tại của thơ
Đường luật ở nửa đầu thế kỷ XX. Tuy nhiên, những chính sách ấy không phải
một sớm một chiều có thể thực hiện được. Những nhà Nho yêu nước, những
người theo phái cũ đã không ngừng đấu tranh để gìn giữ những giá trị truyền


16

thống của dân tộc trong đó có thể thơ từng giữ địa vị độc tôn trên thi đàn là thơ
Đường luật.
Tuy không phản đối quan điểm duy tân, cũng không hề phủ nhận quan điểm
cổ động chữ quốc ngữ, nhưng đối với chữ Hán thì Phan Bội Châu quả quyết khẳng
định rằng: “Hán học ở nước ta không thể bỏ được. Chẳng những không bỏ, mà lại
cần phải bảo tồn nữa kia”1. Vậy, lý do nào khiến nước ta không thể bỏ được chữ
Hán và nền Hán học ? Theo Phan Bội Châu, trong bài “Vấn đề Hán học ở nước ta
ngày nay”, cụ đã nêu ra hai lý do không thể bỏ được chữ Hán và nền Hán học. Một
là: “Xét hiện trạng trình độ của quốc dân, trừ ra một số ít là những người lưu học
bên Pháp và ở các trường Cao đẳng các nơi, cùng một ít học sinh đã học tom tem
năm ba chữ Pháp, thì vẫn có thể lấy những sách Pháp văn thay sách Hán văn...
Chứ đến như hương thôn, bách tính, đa số quốc dân, chẳng những đàn bà trẻ con

là bọn mù Pháp văn, mà những đầu mục, hào lý, lên đến những bậc gọi bằng trung
lưu, cũng còn vô số người mù Pháp văn. Nếu có bảng thống kê “Quốc dân thức
tự” điều tra cho đích xác, trừ nơi thành thị ra, cả nam, phụ, lão, ấu, chắc trong
một ngàn người phải có 999 người không biết chữ Pháp. Như thế mà muốn đem
Pháp văn làm Quốc dân giáo dục phổ cập, cái hy vọng thật quá viển vông... Vì
những cớ ấy mà muốn bỏ hết Hán văn, toàn dùng Pháp văn thì chắc Quốc dân ta
không khỏi mang cái họa chết vì dốt”2. Hai là: “Nếu một ngày mà toàn phế Hán
học, thì bao nhiêu điển chương văn vật ở sử cũ, tất phải gieo vào ngọn lửa Tần
Hoàng... mà người nước ta từ đây về sau thảy là người mù Hán văn, điếc Hán văn
luôn nữa...”3.
Ngay cả nhà cách mạng, nhà Hán học Huỳnh Thúc Kháng cũng vậy. Trong
khi hô hào học chữ Pháp chữ Quốc ngữ, phế bỏ chữ Hán vẫn tự hào vì mình thuộc
gốc Nho và biết chữ Nho. Đó là một thực tế càng chứng tỏ những gì đang diễn ra
ở nền văn hóa nước ta lúc này là vô cùng phức tạp.
Chương Thâu (1990), Phan Bội Châu toàn tập Tập 4, Nxb Thuận Hoá, Huế tr 280
SĐD
3
SĐD
1
2


17

Còn Phan Khôi thì sao? Với bài Tình già, ông được coi là người nổ phát
súng đầu tiên vào thành trì thơ cũ để từ đó một lối thơ Mới ra đời. Nếu xét về cái
vẻ bên ngoài, ta tưởng chừng như Phan Khôi đã “dứt tình” với Nho học để đi theo
Tây học, nhưng thực ra, cái cốt cách trong ông vẫn là một nhà Nho. Người đã
sớm phát hiện ra điều ấy chính là Lưu Trọng Lư. Trong Tao Đàn số 4 năm 1939,
Lưu Trọng Lư viết: “Thực ra những tư tưởng của tiên sinh, đã Âu hoá một cách

cực đoan, nhưng những tư tưởng ấy không phải là ông Phan Khôi, tất cả ông
Phan Khôi. Ông Phan Khôi cắt cái búi tó hay mặc bộ đồ Tây, ông Phan Khôi vẫn
là một nhà Nho đặc biệt. Ông say mê văn minh Âu Mỹ, ông cũng không thể đổi
được ông. Cái tinh thần Nho học ấy, ông đã có từ trong máu. Nó đã tạo ông ra
thế nào thì đến nay ông vẫn thế ấy, và mãi mãi vẫn là thế. Những tư tưởng của
người ta chỉ là cái áo khoác ngoài thân mà thôi... Trong đời tiên sinh có một sự
tương phản rõ rệt là những tư tưởng của tiên sinh hoàn toàn Âu hoá, thế mà cái
nhân cách của tiên sinh vẫn đào tạo bởi Nho học.”4.
Từ đó có thể thấy, trong suốt mấy chục năm đầu thế kỷ XX, ta tưởng chừng
như sự học Hán văn và nền Hán học nói chung đang dần bị đào thải và quên lãng,
nhưng ẩn sâu trong lòng xã hội vẫn thấy được sự tồn tại của dòng Hán văn, nền
văn hoá Hán. Trên báo chí, vô số các tác phẩm Hán văn vẫn xuất hiện. Không chỉ
vậy, những tác phẩm thơ văn bằng chữ Hán được dịch ra tiếng Việt ngày càng
nhiều. Tất cả là những minh chứng không thể chối cãi để khẳng định: tuy ở nửa
đầu thế kỷ XX nền Hán học bị phủ nhận, nhưng trong đời sống nó vẫn tồn tại.
Chính sự tồn tại ấy là một trong những cơ sở khiến cho thơ Đường luật vẫn có
thể hiện diện và đạt được những thành tựu rực rỡ ở ngay trong thời đại mới.
1.3. Á Nam Trần Tuấn Khải cuộc đời và sự nghiệp sáng tác.
Trần Tuấn Khải (tiểu tự Đông Minh, Đông A Thị), ngoài bút danh Á
Nam (thường dùng), còn có các bút hiệu khác như Tiêu Hoa Nhân, Lâm Tuyền

4

Nguyễn Ngọc Thiện, Lữ Huy Nguyên (1998), Tao Đàn tập I + II, Nxb Văn Học, Hà Nội


18

Khách, Giang Hồ Tản Nhân, Lôi Hoàng Cư Sĩ. Ông sinh ngày 04 tháng 11 năm
1895 tại làng Quan Xán, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định. Xuất thân trong gia

đình nhà nho nghèo, có truyền thống yêu nước và hiếu học. Cha ông là Trần
Văn Hoán, đỗ cử nhân khoa thi Hương tại Nam Định năm Canh Tý (1900). Cụ
là người có tư tưởng canh tân, từng rất ngưỡng mộ hai nhà chí sĩ cách mạng
Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh. Bởi vậy, thầy học của Á Nam không ai khác,
chính là người cha của mình. Nhờ sự chỉ bảo của cha, năm lên 6 tuổi, Trần
Tuấn Khải đã bắt đầu học chữ Hán. Bên cạnh đó, ông còn được thân mẫu là bà
Nguyễn Thị Sính - một người học hành nền nếp, tính tình hiền hậu, thông minh,
thuộc nhiều ca dao, thi phú, hết lòng dạy dỗ. Năm 12 tuổi, Trần Tuấn Khải đã
biết làm đủ các thể văn thơ bằng chữ Hán. Do thông minh, hiếu học, nên dù
chẳng theo trường ốc và đậu bằng cấp gì, sau này Trần Tuấn Khải vẫn dịch
được cả văn chương chữ Hán và văn chương chữ Pháp. Tuổi thơ Trần Tuấn
Khải trải qua những năm bản lề của hai thế kỷ. Đến năm 19 tuổi, khi cha ông
lâm bệnh và mất (Giáp Dần 1914), Trần Tuấn Khải mới rời gia đình và bắt đầu
sự nghiệp sáng tác văn học của mình.
Có một điểm nổi bật ở con người Á Nam Trần Tuấn Khải, đó chính là tấm
lòng yêu nước thương nòi. Năm 1927 Trần Tuấn Khải dự tính sang Pháp. Trước
khi đi, ông có đến liên hệ các nhà cách mạng như Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc
Kháng ở Huế và những nhà hoạt động lưu vong như Đào Trinh Nhất, Hoàng
Tích Chu, Trần Huy Liệu, Nguyễn Trường Tam ở Sài Gòn... Nhà cầm quyền
Pháp dò la biết ông có ý định trên, nên cho người lùng bắt ông nhưng không
được. Sau này khi sống ở miền Nam (1954), làm việc tại Thư viện Quốc gia,
Viện Khảo cổ, Trần Tuấn Khải đã cùng một số nhân sĩ trí thức yêu nước, ký
một văn bản gửi chính quyền Việt Nam Cộng hòa, yêu cầu họ hiệp thương với
Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam nhằm vãn hồi hoà bình. Vì việc đó mà
cụ bị buộc thôi việc.


19

Về thành tựu sáng tác, mặc dù đến với sự nghiệp văn chương khá sớm

(1914), nhưng phải đến năm 1921, Trần Tuấn Khải mới xuất bản tập thơ đầu
tiên Duyên nợ phù sinh (tức Kim sinh lụy) quyển thứ nhất. Ngay sau khi xuất
bản, tập thơ đã được giới văn chương đương thời chú ý. Năm sau, ông được
mời vào Ban biên tập nhật báo Khai hóa tại Hà Nội và nhận lời cộng tác với
hầu hết các tờ báo lớn khắp trong Nam ngoài Bắc như: Khai hóa, Thực nghiệp
dân báo, Trung Bắc tân văn, Đông Dương tạp chí, Nam Phong tạp chí (Hà
Nội), Tiếng dân (Huế), Đông pháp thời báo, Phụ nữ tân văn (Sài Gòn)…. Năm
1922, khi ông cho xuất bản Duyên nợ phù sinh (quyển thứ nhì) thì nhiều bài
trong Duyên nợ phù sinh (quyển thứ nhất) đã nổi tiếng khắp ba miền Bắc,
Trung, Nam. Đặc biệt, khi Bút quan hoài (quyển thứ nhất) ra đời và được nhiều
người hoan nghênh, thì Pháp đã phải ra lệnh cấm lưu hành và tàng trữ thơ Trần
Tuấn Khải vì sợ sự ảnh hưởng sâu rộng của nó.
Cuộc đời 88 năm đi qua hai thế kỷ với gần 70 năm cầm bút, Á Nam Trần
Tuấn Khải đã để lại một sự nghiệp văn chương khá đồ sộ với đủ các thể loại
như: thơ (Duyên nợ phù sinh I (1921), Duyên nợ phù sinh II (1922), Bút quan
hoài I (1924), Hồn tự lập I (1924), Bút quan hoài II (1927), Hồn tự lập II
(1927), Với sơn hà I (1936), Với sơn hà II (1949), Hậu anh Khóa (1975); văn
xuôi (Gương bể dâu I (1922), Hồn hoa (1925), Thiên thai lão hiệp (19351936); dịch thuật (Hán văn có Liêu trai chí dị, Thủy Hử, Giai anh hùng - gái
thuyền quyên, Hồn hoa, Đặng Khấu Chí, Mạnh Tử, Hồng lâu mộng, Hồng tú
toàn… Pháp văn có Truyện ngụ ngôn La-phông-ten, Thơ Vic-tor Huy-go…)…
Ngoài ra còn kịch, phóng tác…
1.4. Vị trí của thơ Đường luật Trần Tuấn Khải ở nửa đầu thế kỷ XX.
Á Nam Trần Tuấn Khải bước vào làng văn (1914) đúng vào thời điểm xã
hội Việt Nam đang đổi thay hàng ngày, hàng giờ trước tác động của công cuộc
bình định và khai thác thuộc địa của thực dân Pháp. Sự đổi thay kinh tế, chính
trị, xã hội, kéo theo những đổi thay về môi trường văn hoá Việt Nam đã làm


×