Tải bản đầy đủ (.docx) (4 trang)

Vẻ đẹp cổ điển và hiện đại trong bài thơ chiều tối

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (53.4 KB, 4 trang )

Vẻ đẹp cổ điển và hiện đại trong bài thơ
Chiều tối
Người đăng: Anh Thư - Ngày: 18/05/2018

Đề bài: Vẻ đẹp cổ điển và hiện đại trong bài thơ Chiều tối
Bài làm:
Nhà thơ Hoàng Trung Thông khi đọc thơ của Bác Hồ đã từng viết:
“Tôi đọc trăm bài trăm ý đẹp
Ánh đèn toả rạng mái đầu xanh
Vần thơ của Bác, vần thơ thép
Mà vẫn mênh mông bát ngát tình.”
Có thể nói nhận định trên đã nêu bật lên đặc điểm của phong cách thơ thơ Hồ Chí Minh:
vừa giàu chất chiến đấu vừa đầy chất lãng mạn trữ tình. Nếu như mảng văn xuôi ghi dấu
nhiều câu chuyện, bài báo giàu tính chất châm biếm, đấu tranh thì thơ trữ tình của Người
lại thấm đẫm cả tinh thần nghệ sĩ và tinh thần Cách mạng. Trong đó, nổi bật là bài “Mộ”
được trích từ tập Nhật kí trong tù. Đây là tác phẩm điển hình cho phong cách thơ của Bác:
có sự hòa quyện tuyệt vời giữa màu sắc cổ điển và tinh thần hiện đại
“Mộ” là bài thơ thứ 31 của tập Nhật kí trong tù, được Bác sáng tác vào cuối mùa thu năm
1942, trên đường đi từ nhà lao Tĩnh Tây đến Thiên Bảo. Đó là một buổi chiều tối, dù đã trải
qua một ngày dài gian lao, vất vả nhưng Bác vẫn tiếp tục bị bọn lính áp giải trên đường và
trước mắt là một đêm trong nhà lao chật hẹp, bẩn thỉu. Nói cách khác, ở thời điểm ấy,
những đày đọa ban ngày vẫn chưa qua và những đày đọa màn đêm lại sắp tới. Vậy mà,
trong bài thơ lại tràn ngập ánh sáng của niềm tin và một tâm hồn ung dung, bình thản, tự
do, tự tại.
Nhan đề “Chiều tối” thể hiện sự cảm nhận về thời gian của Bác khi rơi vào hoàn cảnh tù
đày. Lấy “Chiều tối” làm thi đề cho bài thơ, Hồ Chí Minh đã tạo nên mạch chảy có tình
truyền thống trong thơ.
Ở hai câu đầu, nhà thơ vẽ ra cảnh thiên nhiên trong vùng sơn cước khi màn đêm
buông xuống:
"Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ,
Cô vân mạn mạn độ thiên không;".




Thiên nhiên mở ra bằng những thi liệu quen thuộc: Cánh chim - chòm mây. Trong thơ
ca cổ điển phương Đông, cánh chim bay về tổ, về núi rừng thường mang ý nghĩa biểu
tượng cho buổi chiều tà: “Chim bay về núi, tối rồi” (Ca dao), “Chim hôm thoi thót về rừng”
(Truyện Kiều )… Như vậy cánh chim chiều vừa mang ý nghĩa không gian, vừa mang ý
nghĩa thời gian.
“Cô vân mạn mạn độ thiên không;”
Câu thơ gợi nhớ Thôi Hiệu “Ngàn năm mây trắng bây giờ còn bay” (Hoàng Hạc lâu ) và thơ
Nguyễn Khuyến “Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt” (Thu điếu ); có điều, trong thơ Bác đó
không phải là áng mây trắng ngàn năm gợi sự vĩnh hằng, cũng không phải là tầng mây lơ
lửng gợi sự không vĩnh viễn mà cũng không mang bao nỗi khắc khoải mơ hồ của con
người trước cõi hư không, không nhàn tản, thoát tục. Đây chỉ là một chòm mây quen thuộc
trên bầu trời, nó gợi rất nhiều về cái cao rộng, trong trẻo, thanh bình, êm ả, mênh mông,
tĩnh lặng của một chiều thu nơi núi rừng Quảng Tây. Với chòm mây ấy, không gian như
mênh mông vô tận và thời gian như ngừng trôi.
Bức tranh thiên nhiên xóm núi lúc chiều tối được miêu tả bằng hai nét rất gợi cảm. Một
cánh chim mỏi mệt (quyện điểu) bay về rừng tìm cây trú ẩn. Một áng mây cô đơn, lẻ loi (cô
vân) lơ lửng giữa bầu trời. Cảnh đẹp mà thoáng buồn đối nhau rất hài hoà. Chỉ hai nét vẽ,
tả ít mà gợi nhiều đã làm hiện lên cái hồn cảnh vật. Tác đã vận dụng thi pháp cổ rất sáng
tạo, lấy điểm vẽ diện, lấy động tả tĩnh gợi lên một bầu trời mênh mông, bao la, một không
gian vô cùng tĩnh lặng, vắng vẻ.
Chòm mây lẻ loi trôi lững lờ trên tầng không, còn người tù thì cô đơn giữa một buổi chiều
nơi đất khách, tuy giống như đám mây côi cút lẻ loi, nhưng đám mây thì ít ra cũng có được
sự tự do trên bầu trời, còn người tù thì không. Thế nhưng ta cần phải thấy rằng, chòm mây
cô lẻ ấy chính là tâm hồn của người tù đang tự do trên không trung. Ngay trong cách nhìn
cảnh, ta cũng nhận ra thái độ ung dung của con người. Bút pháp chấm phá chỉ với vài nét
vẽ ( bầu trời, cánh chim và chòm mây ) đã tả được cái hồn của cảnh chiều nơi rừng núi.
Không gian như được mở rộng ra, rất khoáng đãng, mênh mang.
Có thể thấy nhà thơ đã sử dụng cách truyền tải nội dung trữ tình theo cách tả cảnh ngụ

tình quen thuộc của thơ cổ . Thông qua hình ảnh “cánh chim” và hình ảnh “chòm mây bức
tranh thiên nhiên chiều tối hiện ra với vẻ đẹp cổ điển đầy thi vị.
Hình ảnh của thơ Bác cũng mang tinh thần hiện đại bên cạnh những bút pháp cổ
điển khi lựa chọn những hình ảnh bình dị của cuộc sống thường ngày, có thật trong
đời sống.
Hai câu đầu gợi tới hai câu trong bài Độc toạ Kính Đình sơn của Lí Bạch:
Chúng điểu cao phi tận
Cô vân độc khứ nhàn.
Xuân Diệu dịch:


Bầy chim một loạt bay cao
Lưng trời thơ thẩn đám mây một mình.
Có thể thấy, nếu cánh chim trong thơ Lí Bạch bay mất hút vào cõi vô tận, gợi sự vô định, xa
xăm, phiêu bạt thì trong thơ Bác đó là cánh chim của đời sống hiện thực, nó có điểm dừng
( về rừng ), nó bay theo cái nhịp điệu bất tận của cuộc sống: sáng bay đi kiếm ăn, tối bay
về rừng tìm chốn ngủ. Nhà thơ không sử dụng bất cừ tính từ “tối” nào để nói về khoảng
thời gian được quy chiếu trong bức tranh thơ nhưng người đọc vẫn cảm nhận được sự vận
hành của trời đất khi ngày tàn.
Sang hai câu cuối, ngỡ như cảnh vật ấy sẽ gợi lên những nỗi buồn nhân sinh, ám
ảnh thân phận, thế nhưng bài thơ đã đem đến cho ta một cảm nhận hoàn toàn khác
với hình ảnh con người lao động trong không gian xóm núi:
“Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc
Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng”
(Cô em xóm núi xay ngô tối
Xay hết lò than đã rực hồng)
Nếu trong hai câu đầu, cảnh vật hiện ra trong những nét vẽ chấm phá, phần nào mang tính
chất ước lệ cổ điển thì hình ảnh người phụ nữ lao động ở đây lại được gợi tả một cách cụ
thể, sinh động như một bức tranh hiện thực. Chính nét vẽ đời thường ấy làm cho bài thơ
thêm dáng vẽ hiện đại, hơn thế, trong sự hình dung về cự li, khoảng cách với cánh chim và

chòm mây ( ở viễn cảnh ), hình ảnh cô gái xay ngô, hình ảnh con người (ở cận cảnh ) nổi
bật lên như là trung tâm của bức tranh thiên nhiên.
Bức tranh vẽ cái thời khắc đầu đêm bên xóm núi cho thấy Bác đã quên cảnh ngộ đau khổ
của mình để cảm nhận cuộc sóng của nhân dân. Nó nói lên sự quan tâm, tình thương của
Bác với những người lao động nghèo mà sự làm việc nặng nhọc được biểu hiện qua âm
điệu khắc khổ của lời thơ. Câu thơ thứ ba nguyên nghĩa là “Cô gái xóm núi xay ngô”. Đó là
một câu miêu tả chân thật, giản dị như đời sống hằng ngày. Đến bây giờ, từ bức tranh thiên
nhiên chuyển sang bức tranh đời sống, từ cảnh trời mây chim muông chuyển sang cảnh
con người và lại là con người lao động - đấy là xu hướng vận động trong cấu trúc của bài
thơ.
Ba chữ "ma bao túc" được điệp lại, đảo lại thành "bao túc ma hoàn" có giá trị thẩm mĩ đặc
sắc. Nó vừa gợi tả sự chuyển động liên tục, mải miết của cối xay ngô, vừa thể hiện đức
tính cần mẫn của cô thiếu nữ nơi xóm núi, đồng thời tạo nên âm điệu nhịp nhàng của vần
thơ. Hình ảnh "lò than đã rực hồng" (lô dĩ hồng) gợi lên một mái ấm gia đình yên vui. Trên
đường đi đày nơi đất khách xa lạ, tâm hồn nhà thơ vẫn gắn bó với nhịp sống cần lao,
hướng về ngọn lửa hồng, làm vợi đi ít nhiều cô đơn lẻ loi. Chữ "hồng" đặt cuối bài thơ, thi
pháp cổ gọi là "thi nhãn", làm sáng bừng bức tranh xóm núi trong chiều tối.


Bức tranh "Chiều tối" từ tư tường đến hình tượng, từ không gian, thời gian đến cảm xúc
đều được miêu tả, diễn tả trong trạng thái vận động. Vận động từ cảnh sắc thiên nhiên bầu
trời đến bức tranh sinh hoạt trong gia đình, từ ngày tàn đến tối mịt, từ nỗi buồn mệt mỏi cô
đơn đến niềm vui ấm áp đoàn tụ, từ bóng tối hướng tới ánh sáng. Đó cũng chính là vẻ đẹp
rất hiện đại của bài thơ này.
"Chiều tối" là bài thơ tiêu biểu cho phong cách thơ của Hồ Chủ tịch: vẻ đẹp cổ điển xen lẫn
tinh thần hiện đại. Bài thơ đã mang tới người đọc một bức tranh thiên nhiên vô cùng sinh
động tươi đẹp của một buổi chiều trong vùng sơn cước. Đồng thời, nó cũng cho chúng ta
thấy tâm hồn thanh cao, tinh thần lạc quan yêu đời của tác giả dù trong hoàn cảnh nào tác
giả vẫn lạc quan tin tưởng vào cuộc sống vào tương lai.đang trong cảnh tù đày, bị đày đọa
cả về thể xác và tinh thần.

=> Trên đây là bài viết tham khảo. Tuy nhiên, nếu bạn học sinh nào muốn viết theo ý mình
thì tech12h có dàn ý để các bạn dễ viết bài.
1. Mở bài:
Giới thiệu tác giả, tác phẩm.
2. Thân bài:
- Hoàn cảnh sáng tác, vị trí bài thơ.
- Phân tích hai câu đầu: Bức tranh chiều tối vùng sơn cước


Cổ điển: Cách lựa chọn thi liệu cổ, sử dụng thể thơ: tứ tuyệt, nghệ thuật tả cảnh ngụ
tình, nghệ thuật lấy động tả tĩnh.



Hiện đại: Cách vận dụng thi liệu sáng tạo.

- Phân tích hai câu cuối: Hình ảnh con người lao động trong không gian chiều tối.


Cổ điển: Bút pháp gợi mà không tả cùng nghệ thuật lấy sáng tả tối trong bài thơ qua
nhãn từ “hồng”.



Hiện đại: Sự vận động của tứ thơ, vẻ đẹp khỏe khoắn của người lao động, tinh thần
lạc quan và phong thái ung dung của người chiến sĩ trong cảnh tù đày.

3. Kết bài:
Khẳng định giá trị của bài thơ.




×