Tải bản đầy đủ (.docx) (2 trang)

Suy nghĩ về đời sống tình cảm gia đình trong chiến tranh qua truyện ngắn chiếc lược ngà của nguyễn quang sáng

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (40.54 KB, 2 trang )

Suy nghĩ về đời sống tình cảm gia đình trong chiến tranh qua truyện ngắn Chiếc lược ngà của Nguyễn
Quang Sáng
Bài làm:
Tình cảm gia đình luôn là tinh cảm thiêng liêng nhất đối với mỗi con người. Đặc biệt là trong hoàn cảnh
đất nước có chiến tranh, tình cảm đó lại càng được khắc họa một cách rõ nét và cảm động nhất. Thông
qua truyện ngắn “Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng người đọc có thể thấy rõ hơn sự thiêng liêng
của tình cảm gia đình giữa bé Thu và ông Sáu.
Chiếc lược ngà ra đời vào năm 1969 đúng thời điểm cuộc kháng chiến chống Mỹ đang diễn ra một
cách quyết liệt nhất. Câu chuyện nhẹ nhàng đi vào lòng người với cốt truyện nói về tình cảm gia đình,
một tình cảm đẹp và vô cùng thiêng liêng. Trong đó, chất hùng ca quyện chặt với chất trữ tình làm nên
cái hồn riêng của tác giả lẩn kín trong cái khách quan của câu chuyện. Có thể nói, qua Chiếc lược ngà,
bản lĩnh viết văn của Nguyễn Quang Sáng được bộc lộ ở nhiều mặt đặc sắc, thật đáng trân trọng.
Ông Sáu được giới thiệu là một người cán bộ kháng chiến, vì nhiệm vụ cao cả mà phải rời xa gia
đình lên chiến khu khi con gái đầu lòng chưa tròn một tuổi. Suốt mấy năm xa nhà ông chỉ được biết
đến hình con gái mình qua những tấm ảnh. Nhưng tình yêu thương và nỗi nhớ con thơ luôn thường trực
trong lòng người cha. Ông Sáu luôn mong ngóng đến ngày trở về quê để gặp lại vợ con, được gặp, được
ôm đứa con gái của mình vào trong lòng. Tám năm sau, trong một lần về thăm nhà trước khi nhận công
tác mới, ông được gặp con. Nhưng cuộc chiến tranh quá dài đã tạo nên một tình huống mà chính một
người cán bộ già dặn là ông Sáu cũng không thể nào ngờ : đứa con gái mà ngày đêm ông mong nhớ đã
không nhận ra ông. Nó cương quyết không gọi anh là ba. Đến khi Thu nhận ra cha, tình cha con thức dậy
mãnh liệt trong em thì cũng là lúc ông Sáu phải lên đường trở về khu căn cứ. Ở khu căn cứ, người cha
dồn hết tình cảm yêu quý, nhớ thương đứa con vào việc làm một chiếc lược bằng ngà voi để tặng con.
Trong một trận càn củ giặc, ông Sáu hi sinh. Trước lúc ra đi mãi mãi, ông đã kịp trao cây lược cho bác
Ba, nhờ bạn chuyển cho con gái.
Cùng người bạn, bác Ba, ông Sáu về thăm nhà, cốt là để gặp con mình, đã xa con quá lâu nên lòng ông
cứ nôn nao khi đến gần hơn với nhà, “…cái tình người cha cứ nôn nao trong người anh”. Và lòng háo
hức, niềm khát khao được thấy con, đã thúc giục ông không thể chậm trễ được nữa khi nhìn thấy đứa bé
giống đứa con mà mình đã nhìn qua tấm ảnh. Không chờ xuồng cập bến, ông đã nhảy lên bờ vừa bước,
vừa gọi: "Thu! Con!" thật tha thiết. Ta có thể tưởng tượng nỗi vui sướng của ông như thế nào. Khi anh
vừa bước đi, vừa lom khom người xuống đưa tay chờ con. Thế nhưng ngược lại với những điều ông Sáu
mong chờ. Bé Thu tròn mắt nhìn ông ngạc nhiên rồi bỏ chạy. Đó chắc chắn là một cảm giác rất đau đớn


và thất vọng, nỗi đau ấy có lẻ còn đau hơn khi ông phải hy sinh trên mặt trận, khi ông mong quay về sẽ
được nghe lại tiếng gọi : “ Ba” mà ông chưa từng được nghe từ đứa con bé bỏng của mình, qua đó ta
thấy lòng yêu thương con của ông Sáu là rất chân thực và vô cùng to lớn.
Thế rồi, ông Sáu tìm mọi cách gặp con để làm quen dần vì ông nghĩ rằng khi ông đi nó vừa mấy tháng
tuổi nên nó lạ. Những ngày ở nhà, ông đã cố gắng gần gũi và tìm hiểu vì sao bé Thu không nhận cha.
Nhưng trớ trêu thay, ông càng tỏ ra yêu thương bé Thu, cố gắng xóa bỏ một đoạn ngăn cách giữa
hai cha con, thì Thu lại nới rộng thêm khoảng cách đó ra. Thứ ông nhận được chỉ là những lời nói
trống không: "Vô ăn cơm!". Bữa sau, cũng là ngày phép thứ hai, bé Thu trông hộ mẹ nồi cơm. Nồi cơm
quá to mà bé Thu thì còn nhỏ, vậy mà khi nồi cơm sôi không tìm được cách nào để chắt nước, nó nhìn
ông Sáu một lúc rồi kêu lên: "Cơm sôi rồi, chắt nước dùm cái!" ông Sáu vẫn ngồi im, chờ đợi sự thay đổi
của nó. Thế nhưng, nó nghĩ ra cách lấy vá múc ra từng vá nước chứ nhất định không chịu gọi ông Sáu
bằng "Ba". Ông mong được nghe một tiếng ba của con bé, nhưng con bé chẳng bao giờ chịu gọi. Ông
đau khổ lắm nhưng chỉ “nhìn con vừa khe khẽ lắc đầu vừa cười” vì “khổ tâm đến nỗi không khóc được”.
Có lúc giận quá, ông vừa mắng vừa đánh vào mông bé Thu rồi hét lên rằng:“ Sao mày cứng đầu quá vậy,
hả?” Mâu thuẫn cứ giằng xé trong ông.


Thời gian nghỉ phép sắp hết. Hoàn cảnh đặt ra thử thách quá trớ trêu. Trái tim ông Sáu tuy mạnh mẽ
nhưng không thể tránh khỏi đau xót. Ông tự nhắc mình phải kiên trì, biết đâu bé Thu sẽ hiểu ra. Ông cố
tìm hiểu con nhưng con bé quá bướng bỉnh, khiến ông đành bất lực, ngậm ngùi nghĩ đến ngày phải xa
con ra đi. Hôm chia tay, nhìn thấy con đứng trong góc nhà, ông muốn ôm con, hôn con nhưng “sợ nó
giẫy lên lại bỏ chạy” nên “chỉ đứng nhìn nó” với đôi mắt “trìu mến lẫn buồn rầu” chào tạm biệt con ông
cũng chỉ nói nhỏ nhẹ:“Thôi! Ba đi nghe con! Tình cảm của người cha quá lớn, tình yêu thương mãnh liệt
khiến ông rưng rưng nước mắt. Ông không hy vọng bé Thu sẽ gọi một tiếng "ba" thiêng liêng ấy. Nhưng
thật đột ngột và không ngờ, bé Thu chạy đến bên ông Sáu và tiếng "Ba!" được thốt lên thật cảm
động biết nhường nào. Nó ôm chầm thật chặt như không muốn rời ba nữa. Nó khóc, khóc thật
nhiều và thét lên những lời khiến mọi người xung quanh đều xúc động: "Không cho ba đi nữa, ba ở nhà
với con!" Sung sướng, hạnh phúc và cũng thật đau lòng, ông Sáu cũng chỉ biết ôm con và khóc cùng với
con. Ông Sáu hiểu rõ giây phút bé Thu nhận ra ông, dành cho ông tình cảm tha thiết nhất cũng là lúc phải
chia tay. Trước kia anh Sáu đã thương con, giờ đây anh càng thương con gấp bội. Bởi lẽ anh đã hiểu lí

do vì sao bé Thu quyết định từ chối không gọi anh bằng "ba" từ ba hôm nay. Làm sao chấp nhận một
người xa lạ mà khuôn mặt không giống trong tấm ảnh mà mẹ nó thường ngày vẫn nói với nó đó là "ba"
được. Chính vết sẹo quái ác kia đã làm cho bé Thu không nhận anh Sáu, hằn học với anh Sáu. Cuộc
chiến đang vẫy gọi, ông Sáu phải lên đường. Có ai ngờ đâu, đó lại là cuộc chia ly vĩnh viễn.
Ở chiến khu, lòng nhớ con lại càng lớn dần lên, chính vì nhớ con mà ông rất ân hận vì đã trót đánh
con, và lòng yêu thương con càng thôi thúc ông làm chiếc lược tặng con mình. Rồi ông dồn hết tâm trí và
công sức vào việc làm cho con cây lược: “anh cưa từng chiếc răng lược, thận trọng, tỉ mỉ và cố công như
một người thợ bạc”. Trên sống lưng lược, ông đã gò lưng, tẩn mẩn khắc từng nét chữ: “Yêu nhớ tặng
Thu con của ba”. Ông gửi vào đó tất cả tình yêu và nỗi nhớ. Có bao nhiêu nhát khắc là có bấy yêu
thương mà ông Sáu đã dành cho con. Chiếc lược trở thành vật thiêng liêng đối với ông Sáu, nó làm dịu
đi nỗi ân hận, nó chứa đựng bao tình cảm yêu mến, nhớ thương, mong ngóng của người cha với đứa
con xa cách. Cây lược ngà chính là sự kết tinh của tình phụ tử thiêng liêng.
Ông Sáu đã hi sinh khi chưa kịp trao cây lược cho con gái. “Trong giờ phút cuối cùng,không còn đủ sức
trăng trối lại điều gì, hình như chỉ có tình cha con là không thể chết được”. Tình cha con được khẳng định
là một tình cảm bất diệt, cao quý, chiến tranh có thể làm sứt mẻ tình cảm gia đình, những không thể làm
tổn thương đến tình cảm cha con, bởi vì trong chiến tranh, tình cha con lại càng sâu nặng và thắm thiết
hơn, chiếc lược ngà mà ông Sáu đã gửi lại ở cuối đoạn trích chính là một nhân chứng chân thực nhất về
tình cảm đẹp đẽ này.
Truyện “Chiếc lược ngà” đã thể hiện một cách cảm động tình cha con thắm thiết, sâu nặng và cao đẹp
của cha con ông Sáu trong hoàn cảnh éo le của chiến tranh. Qua nhân vật ông Sáu, người đọc không chỉ
cảm nhận tình yêu con tha thiết sâu nặng của người cha chiến sĩ mà còn thấm thía bao đau thương mất
mát đối với những em bé, những gia đình.



×