Tải bản đầy đủ (.docx) (2 trang)

Hình ảnh thế hệ trẻ trong cuộc kháng chiến chống mĩ qua các nhân vật nữ thanh niên xung phong trong truyện những ngôi sao xa xôi của lê minh khuê

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (60.19 KB, 2 trang )

Hình ảnh thế hệ trẻ trong cuộc kháng chiến chống Mĩ qua các nhân vật nữ thanh niên xung phong trong
truyện Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê
Bài làm:
“Ðường ra trận mùa này đẹp lắm
Trường Sơn Ðông nhớ Trường Sơn Tây”
Con đường Trường Sơn đỏ lửa trong những năm tháng chiến đấu chống Mĩ gian khổ cũng chính là con
đường của ý chí chiến đấu, của khát vọng và của tương lai. Những người thanh niên trẻ tuổi nối đuôi
nhau từng lớp từng lớp từ hậu phương vào tiền tuyến trong tâm thế sẵn sàng. Đó là hình ảnh của cả một
đất nước đứng lên. Lê Minh Khuê đã để cho những cô gái của mình sống mãi với thời gian trên cao điểm
thuộc tuyến đường Trường Sơn này qua tác phẩm Những ngôi sao xa xôi. Đó là Nho, là Thao, là
Phương Định - những cô thanh niên xung phong can trường, là hình ảnh đại diện cho cuộc sống
chiến đấu và tinh thần của thế hệ trẻ Việt Nam những năm tháng ác liệt ấy.
Những ngôi sao xa xôi được Lê Minh Khuê viết vào năm 1971. Đó là thời kì kháng chiến chống Mĩ đang
diễn ra gay go và ác liệt nhất. Trên các mặt trận, ở khắp các nẻo đường, đế quốc Mĩ thả bom dữ dội, tìm
cách tiêu diệt lực lượng cốt cán của ta. Tuyến đường Trường Sơn - con đường huyết mạch nối liền giữa
hậu phương và tiền tuyến, trở thành cái đích để địch tàn phá. Thế nhưng, cũng chính nhờ cái dữ dội của
bom đạn mà chúng ta nhìn thấy hình ảnh của cả một thế hệ với ý chí chiến đấu bất diệt, với tinh thần lạc
quan mà không bom đạn nào có thể mài mòn được. Ba cô gái thanh niên xung phong, Nho Thao và
Phương Định xuất hiện trong hoàn cảnh ấy. Ba cô gái trở thành hình ảnh đại diện cho thế hệ trẻ Việt
Nam thời kì chống Mĩ máu lửa.
Trước hết, ba cô gái được giới thiệu sống và làm việc trong hoàn cảnh vô cùng khắc nghiệt. Nho,
Thao và Phương Định sống trong một “cái hang dưới chân cao điểm”. Mới chỉ là nơi sống thôi nhưng
người đọc cũng có thể hình dung về sự thiếu thốn, khó khăn của cuộc sống nơi chiến trường. Con
đường đi qua đây được tác giả miêu tả bằng một giọng điệu thờ ơ, như đó là điều hiển nhiên, mặc cho
hiện thực hiện lên thực sự khốc liệt: "đường bị đánh lở loét, màu đất đỏ, trắng lẫn lôn. Hai bên đường
không có lá xanh. Chỉ có những thân cây bị tước khô cháy. Những cây nhiều rễ nằm lăn lóc. Những tảng
đá to...” Cuộc sông xung quanh cái hang đá dưới chân cao điểm của họ dường như không có sự sống,
hoặc có thì cũng chỉ là trong quá khứ và đã bị bom đạn của kẻ thù tước đoạt đi. Màu xanh của lá chỉ còn
là những cành cây đen thui, cháy rụi. Những câu văn ngắn, liên tiếp nhau như phần nào cho ta thấy
được những đợt tấn công dữ dội, ác liệt của kẻ thù trên tuyến đường này. Nhưng nếu chỉ sống ở cao
điểm thì chưa đủ để hình dung về cuộc đời của những cô gái này. Họ phải đảm nhiêm một công việc


tưởng như đơn giản nhưng thực ra cái chết luôn kề cận và có thể đến bất cứ lúc nào vì “thần chết là một
tay không thích đùa”. Công việc của họ là “ngồi đây. Khi có bom nổ thì chạy lên, đo khối lượng đất lấp
vào hố bom, đếm bom chưa nổ và nếu cần thì phá bom”. Đó là một công việc vô cùng nguy hiểm, chỉ cần
sơ sảy một chút là có thể đánh đổi bằng cả tính mạng của mình. Thế nhưng, những cô gái ấy vẫn nhận
và hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc. Chỉ bằng vài chi tiết ở đầu tác phẩm, Lê Minh Khuê đã dựng
lên không khí căng thẳng, sục sôi của chiến trường những năm tháng mưa bom bão đạn. Cùng với đó là
cuộc sống thiếu thốn, vất vả với công việc lúc nào cũng đánh đu với tử thần. Đó cũng chính là hoàn cảnh
sống và làm việc của tất cả những người lính ra chiến trường dịp ấy.
Hoàn cảnh sống và làm việc khốc liệt là thế, nguy hiểm là thế nhưng dường như đó cũng chỉ là phông
nền để các cô gái xuất hiện mà khẳng định những phẩm chất tốt đẹp của mình mà thôi. Cả Nho,
Thao và Phương Định đều là những cô gái trẻ, mới chỉ ngoài hai mươi tuổi. Đó là lứa tuổi thanh
xuân, lứa tuổi đẹp nhất trong cuộc đời mỗi con người. Khi ấy ta còn trẻ, những ước mơ, khao khát hoài
bão cũng đang ở độ chín nhất. Và với họ, hoài bão là được chiến đấu ở chiến trường, khát khao đất
nước được độc lập, thống nhất. Đó cũng là mục đích chiến đấu của cả dân tộc Việt Nam nói chung, của
thế hệ trẻ nói riêng lúc bấy giờ. Họ còn là những cô gái gan dạ, dũng cảm và có tinh thần trách


nhiệm cao với công việc. Chạy trên cao điểm lúc bom nổ không phải là chuyện đùa. Nhưng họ vẫn làm.
Và làm hàng ngày. Công việc phá bom được thuật lại một cách nhẹ nhàng qua lời của Phương Định
“Quen rồi. Một ngày chúng tôi phá bom đến năm lần. Ngày nào ít: ba lần”. Những câu văn ngắn mang
giọng điệu trần thuật thản nhiên khiến ta cũng thấy bất ngờ. Câu văn ấy cũng có nghĩa, việc phá bom đã
quen thuộc với họ tới nỗi nó thường xuyên hơn cơm bữa. Thế nên, họ không còn run sợ trước tiếng nổ
đinh tai, trước sự rung chuyển của mặt đất mỗi khi bom nổ trên cao điểm nữa. Điều quan trọng nhất, đó
là, dù công việc có nguy hiểm nhưng cả ba cô gái đều hoàn thành nhiệm vụ. Lấp hố bom, phá bom để
đảm bảo an toàn cho những đoàn xe nối đuôi nhau từ hậu phương vào và tuyến đường Trường Sơn
luôn được nối liền.
Đọc tác phẩm, người ta cũng nhận thấy ở Nho, Thao, Phương Định một tình đồng chí, đồng đội gắn
bó máu thịt như thể họ là chị em trong một gia đình chứ không còn là những người xa lạ nữa. Phương
Định coi Nho là que kem trắng muốt của mình còn chị Thao là người chị cả trong nhà. Họ sống với nhau
bằng tình yêu thương giữa chiến trường khốc liệt luôn rình rập để cướp đi sinh mạng của bất kì ai. Trong

một lần phá bom, Nho bị thương ở cánh tay, máu túa ra, ngấm vào đất, Phương Định và chị Thao đã
chăm sóc cho cô tận tình, chu đáo. Phương Định thì đun sôi nước, rửa sạch vết thương, tiêm cho Nho.
Chị Thao thì sợ máu nên không giúp được gì nhưng cứ luẩn quẩn bên ngoài, lo lắng và tìm cách phá tan
cái bầu không khí ngột ngạt này bằng việc bảo Phương Định hát. Cả chị Thao và Phương Định đều
thương và lo lắng cho Nho, nhưng không ai khóc vì “nước mắt đứa nào chảy trong khi cần cái cứng cỏi
của nhau này là bị xem như bằng chứng của sự nhục mạ”. Họ không chỉ đùm bọc nhau mà còn tự động
viên nhau sống cứng cỏi, mạnh mẽ, không để cái ác liệt của chiến trường bào mòn đi ý chí của mình.
Cơn mưa đá bất ngờ cuối truyện đã hoàn thành bức chân dung của ba cô gái thanh niên xung phong,
để họ hiện lên là những cô gái với vẻ hồn nhiên, đáng yêu, lạc quan. Chiến trường khốc liệt cũng
không đủ sức phá hủy tâm hồn của những cô gái trẻ. Họ sống giữa cái chết mà vẫn giữ được sự trẻ
trung, tươi vui của mình. Nho là cô gái với tính cách trẻ con, phải ăn được kẹo sau khi vừa tắm dưới suối
lên. Chị Thao là người lớn tuổi nhất trong ba đứa, chín chắn và cương quyết hơn, nhưng ở chị vẫn là một
cô gái trẻ tuổi, thích làm đẹp, mông mơ áo lót của chị cái nào cũng thêu chỉ màu, tỉa lông mày nhỏ như
cái tăm, thích chép lời bài hát với ba cuốn sổ dày. Còn Phương Định, cô sống ở chiến trường bằng
những kí ức về Hà Nội, về quê hương mình. Những kí ức ấy đã làm dịu mát tâm hồn cô giữa chiến
trường này.
Nho, Thao, Phương Định là ba cô gái thanh niên xung phong kiên cường, dũng cảm nhưng vẫn mang
trong mình sức trẻ, sự hồn nhiên và trẻ trung vào chiến trường. Những con người ấy là đại diện cho một
lớp trẻ Việt Nam với niềm vui phơi phới ra chiến trường, đem thanh xuân của mình để đánh đổi lại bằng
độc lập, tự do cho dân tộc, như một nhà thơ đã từng viết:
“Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước
Mà lòng phơi phới dậy tương lai”
Có thể nói, Lê Minh Khuê đã dựng nên những bức tượng đài bất tử về những cô gái thanh niên xung
phong trên chiến trường thời kì khốc liệt. Chính họ là những người đã viết nên những trang sử hào hùng
về thời kì cả đất nước đứng lên.



×