Tải bản đầy đủ (.doc) (135 trang)

Cảm hứng sử thi trong thơ hữu thỉnh

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.31 MB, 135 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG
ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI 2

NGUYỄN THỊ LAN HƯƠNG

CẢM HỨNG SỬ THI
TRONG THƠ HỮU THỈNH

LUẬN VĂN THẠC SĨ
NGÔN NGỮ VÀ VĂN HÓA VIỆT NAM

HÀ NỘI, 2016


BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG
ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI 2

NGUYỄN THỊ LAN HƯƠNG

CẢM HỨNG SỬ THI
TRONG THƠ HỮU THỈNH
Chuyên ngành: Lí luận văn học
Mã số: 60 22 01 20

LUẬN VĂN THẠC SĨ
NGÔN NGỮ VÀ VĂN HÓA VIỆT NAM

Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. NGUYỄN THỊ YẾN PHƯƠNG

HÀ NỘI, 2016



LỜI CẢM ƠN
Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới thầy tôi, PGS.TS Phan Trọng
Thưởng
– người đã trực tiếp dạy bảo, giúp đỡ và tạo điều kiện cho tôi trong suốt quá
trình nghiên cứu và hoàn thành luận văn.
Tôi xin chân thành cảm ơn toàn thể quý thầy cô giáo ở Trường ĐHSP
Hà Nội 2, Viện Văn học Việt Nam, Khoa Ngữ văn Trường ĐHSP Hà Nội đã
giảng dạy và giúp đỡ tôi hoàn thành khóa học.
Và xin được cảm ơn, chia sẻ niềm vui này với những người thương yêu
đã luôn bên tôi trong thời gian học tập và nghiên cứu.
Hà Nội, tháng 11 năm 2016
Tác giả luận văn

Nguyễn Thị Lan Hương


LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan luận văn này là kết quả nghiên cứu độc lập của cá
nhân tôi, dưới sự hướng dẫn khoa học của PGS.TS Phan Trọng Thưởng. Trong
khi nghiên cứu luận văn, tôi đã kế thừa thành quả khoa học của các nhà khoa
học và đồng nghiệp với sự trân trọng và biết ơn.
Nội dung luận văn có tham khảo và sử dụng các tài liệu, thông tin được
đăng tải trên các tác phẩm, tạp chí và các trang web theo danh mục tài liệu
của luận văn.
Hà Nội, tháng 11 năm 2016
Tác giả luận văn

Nguyễn Thị Lan Hương



MỤC LỤC
MỞ ĐẦU ........................................................................................................... 1
1. Lí do chọn đề tài........................................................................................ 1
2. Lịch sử vấn đề ........................................................................................... 2
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu............................................................. 8
4. Mục đích nghiên cứu................................................................................. 8
5. Phương pháp nghiên cứu........................................................................... 8
6. Những đóng góp của luận văn .................................................................. 8
7. Bố cục của luận văn .................................................................................. 9
NỘI DUNG ..................................................................................................... 10
Chương 1. THƠ HỮU THỈNH TỪ GÓC NHÌN SỬ THI .............................. 10
1.1. Khái niệm sử thi và cảm hứng sử thi ................................................... 10
1.1.1. Khái niệm sử thi ............................................................................ 10
1.1.2. Cảm hứng sử thi ............................................................................ 11
1.2. Cảm hứng sử thi trong thơ ca chống Mỹ ............................................. 16
1.3. Các yếu tố tạo nên cảm hứng sử thi trong thơ Hữu Thỉnh................... 22
1.3.1. Xúc cảm về thời đại ....................................................................... 22
1.3.2. Xúc cảm về Quê hương, Đất nước ................................................ 26
1.3.3 Vốn sống chiến trường ................................................................... 28
Chương 2. CẢM HỨNG SỬ THI VÀ HÌNH TƯỢNG TRONG THƠ
HỮU THỈNH................................................................................................... 31
2.1. Những cảm hứng chủ đạo .................................................................... 31
2.1.1. Cảm hứng về chiến tranh và người lính ....................................... 32
2.1.2. Cảm hứng về quê hương, Tổ quốc, nhân dân, thời đại................. 43
2.2. Những hình tượng tiêu biểu: ................................................................ 51
2.2.1. Hình tượng người lính: ................................................................. 51


2.2.2. Hình tượng người phụ nữ.............................................................. 71

2.2.3. Hình tượng đất nước, Tổ quốc ...................................................... 84
Chương 3. SỰ CHI PHỐI CỦA CẢM HỨNG SỬ THI ĐẾN CÁC PHƯƠNG
DIỆN NGHỆ THUẬT..................................................................................... 92
3.1. Ngôn ngữ.............................................................................................. 92
3.1.1. Ngôn ngữ khoa trương, bay bổng, ví von, ẩn dụ: ......................... 93
3.3.2. Sự sáng tạo và lạ hóa trong ngôn ngữ thơ: .................................. 95
3.2. Giọng điệu ............................................................................................ 99
3.2.1. Giọng triết lý, chính luận ............................................................ 100
3.2.2. Giọng trữ tình.............................................................................. 102
3.2.3. Giọng ngậm ngùi, suy ngẫm ....................................................... 105
3.3. Thể thơ ............................................................................................... 108
3.3.1. Thơ tự do ..................................................................................... 108
3.2.2. Thơ bốn chữ và năm chữ............................................................. 110
3.3.3. Thơ lục bát .................................................................................. 112
3.3.4. Trường ca .................................................................................... 113
KẾT LUẬN ................................................................................................... 117
TÀI LIỆU THAM KHẢO............................................................................. 120


1

MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
1.1. Hữu Thỉnh đến với thơ ca từ khi ông gia nhập quân đội nhân dân
Việt Nam và trở thành người chiến sĩ, thi sĩ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ
cứu nước vĩ đại của dân tộc. Trong suốt cuộc hành trình dài và rộng song
song tay súng và tay bút ông đã trở thành một trong những nhà thơ tiêu biểu
nhất của thơ ca Việt Nam hiện đại thời chống Mỹ. Thơ Hữu Thỉnh trải dài
theo con đường hành quân ra mặt trận, theo con đường huyền thoại Hồ Chí
Minh, được sống, được chiến đấu và cầm bút trong những năm cam go, khốc

liệt, bão lửa của chiến tranh, thơ Hữu Thỉnh đã chạm được vào luồng xiết của
đời sống dân tộc. Từ ồn ào, sôi động theo cuộc kháng chiến đến lặng lẽ, suy
tư, chiêm nghiệm bước vào thời kì hòa bình. Suốt cuộc đời cầm bút, Hữu
Thỉnh đã tạo dựng cho mình một giọng thơ riêng, một phong cách nghệ thuật
độc đáo. Trong chiến tranh, sử thi là cảm hứng chủ đạo của các tác phẩm văn
học. Thơ Hữu Thỉnh, thấm nhuần tính chất sử thi và cái cao cả, nằm trong
giới hạn kiểu nhà thơ trữ tình công dân, thể hiện cái tôi sử thi của thơ ca cách
mạng hiện đại, nhưng ở giai đoạn “đã đủ tầm vóc và tư thế để phát ngôn nhân
danh thế hệ, nhân danh dân tộc, thời đại, thế kỷ” [52,270]. Cũng chính vì vậy
mà việc tìm tòi nghiên cứu thơ Hữu Thỉnh vẫn luôn là sự hấp dẫn với bao thế
hệ người đọc, người nghiên cứu văn học.
1.2. Trên phương diện lí luận thì vấn đề nghiên cứu, khám phá thơ Hữu
Thỉnh từ góc độ cảm hứng sử thi sẽ giúp chúng tôi có điều kiện để tìm hiểu
soi chiếu thơ Hữu Thỉnh ở chiều sâu sáng tạo, để từ đó có thể khẳng định
thêm các phương diện trong phong cách nghệ thuật cũng như các vấn đề về
thi pháp.
1.3. Trên phương diện lịch sử văn học, Hữu Thỉnh có một vị trí quan
trọng trong nền thơ Việt Nam hiện đại thời chống Mỹ. Thật khó có thể hình
dung diện mạo văn hoc Việt Nam thời kì này nếu thiếu đi tiếng thơ dạt dào


của Hữu Thỉnh. Khẳng định như vậy bởi Hữu Thỉnh đã mang đến thơ ca một
hệ thống thi pháp, một giọng điệu riêng, tạo ra một bước ngoặt ở chặng cuối
của thơ ca chống Mỹ.
1.4. Hữu Thỉnh còn là một trong những tác giả tiêu biểu của thơ ca
chống Mỹ. Ông cùng thời với Phạm Tiến Duật, Thanh Thảo, Nguyễn Duy,
Lâm Thị Mỹ Dạ... Thơ ông đã đi vào đời sống xã hội và được lựa chọn đưa
vào giảng dạy trong nhà trường, đồng thời còn được nhiều nhạc sỹ phổ nhạc.
Nhiều bài thơ nổi tiếng sẽ còn ghi mãi dấu ấn của một thời không thể nào
quên, nó có giá trị bồi đắp cho muôn thế hệ về lòng yêu nước, về trách nhiệm,

nghĩa vụ của công dân với Tổ quốc, về lòng tự hào dân tộc.
Xuất phát từ những lí do trên, chúng tôi đi đến lựa chọn đề tài: Cảm
hứng sử thi trong thơ Hữu Thỉnh. Qua đề tài này, chúng tôi hi vọng sẽ góp
thêm tiếng nói khẳng định những đóng góp quan trọng của Hữu Thỉnh đối với
thơ ca chống Mỹ nói riêng và nền thơ Việt trong quá trình hiện đại hóa nói
chung.
2. Lịch sử vấn đề
Năm 1963, Hữu Thỉnh tham gia vào cuộc kháng chiến chống Mỹ của
dân tộc, đó là một quyết định lớn đã chính thức gắn bó cuộc đời Hữu Thỉnh
với thơ ca. Bước vào cuộc chiến khi đó Hữu Thỉnh là một anh lính lái xe tăng
hăng hái, nhiệt tình. Ông không chỉ cầm vũ khí chống lại quân thù mà còn
cầm bút để viết nên những vần thơ phản ánh sức mạnh , khí thế chiến đấu của
toàn dân tộc. Bản thân nhà thơ tâm sự: “Chúng tôi được quăng vào kháng
chiến chống Mỹ và sống trong luồng xiết của nó”. Hiện thực chiến trường trở
thành một phần đời, một phần thơ ca của ông. Hữu Thỉnh có cả một gia tài
thơ là hiện thực khốc liệt của chiến tranh. Kể từ đây, Hữu Thỉnh đi trên con
đường sáng tác và đã gây được sự chú ý của nhiều cây bút, những nhà phê
bình, nghiên cứu văn học.


Có thể nói công trình nghiên cứu thơ Hữu Thỉnh một cách có hệ thống
và công phu đầu tiên là chuyên luận Thi pháp thơ Hữu Thỉnh của Nguyễn
Nguyên Tản [63,130]. Chuyên luận gồm 4 chương, “chương thứ nhất nhằm
giới thiệu khái quát về thơ Hữu Thỉnh, còn lại ba chương là để lần lượt giải
quyết ba nhiệm vụ quan trọng. Thứ nhất, tìm hiểu con người với tư cách là hạt
nhân cốt lõi của thế giới nghệ thuật; Thứ hai, tìm hiểu về không gian, thời
gian, những hình thức tồn tại của thế giới nghệ thuật; và cuối cùng là tìm hiểu
những phương thức và phương tiện tổ chức thế giới nghệ thuật như kết cấu,
ngôn ngữ” [63,130,179].
Tìm hiểu về giọng điệu thơ Hữu Thỉnh trong bài viết “Nhân đọc Từ

chiến hào tới thành phố” [65,135], Đào Thái Tôn đã đưa ra những đánh giá
“sơ bộ” về thành công và hạn chế của tập thơ cùng tên của Hữu Thỉnh. Tác
giả của bài viết ngắn này đã có những nhận xét đáng chú ý về giọng điệu của
thơ Hữu Thỉnh: “…tôi đã thấy ở anh cái gì riêng trong giọng thơ, trong cách
biểu hiện. Một trong những cái riêng đó là sự vận dụng nhuần nhị chất liệu
văn học và cách nói của tục ngữ ca dao Việt Nam đồng bằng Bắc Bộ”
[65,135]. Ở một chỗ khác, Đào Thái Tôn đã có cái nhìn khá sâu sắc: “Nếu
Thanh Thảo trong trường ca của mình cho bạn đọc một cách nói mới, thậm
chí táo bạo trong thơ so với trước đó - một cách nói thông minh, sắc sảo làm
người đọc có cảm giác rằng khi anh viết anh nghĩ rồi mới cảm thì Hữu Thỉnh
dân dã đằm thắm mượt mà và thủ thỉ như quê mùa làm cho người đọc được
cảm nhận ít khi phải qua khâu nghĩ ngợi. Nếu Thanh Thảo hát bè cao thì Hữu
Thỉnh hát bè trầm.” [65,135].
Nguyễn Trọng Tạo cũng đọc lại “Thư mùa đông” qua bài viết “Hữu
Thỉnh, thành phố hồn quê” [64,131]. Trong bài viết khá ngắn này, Nguyễn
Trọng Tạo đã có những nhận xét đáng chú ý về phương diện giọng điệu. Và
ông bắt mạch được “giọng” của Hữu Thỉnh trong sự so sánh với Thanh Thảo:


“Nếu như hồn thơ Thanh Thảo là những tia chớp từ trên trời xuống thì hồn
thơ Hữu Thỉnh là sự xum xuê của cây cối từ đất lên” [64,131]. Và tác giả
cũng cho rằng: “Chính cái giọng nhà quê ấy đã tạo nên thần sắc cho thơ Hữu
Thỉnh” [64,131].
Nguyễn Đăng Điệp cũng đã trình bày những suy nghĩ của mình về
“Hữu Thỉnh và quá trình tự đổi mới thơ” [15,30]. Trong bài viết này, tác giả
đã chỉ ra những thay đổi cơ bản về giọng điệu thơ Hữu Thỉnh trước và sau
chiến tranh, cũng như đưa ra đánh giá của mình về giọng điệu thơ của tác giả.
Sự thay đổi về giọng điệu của thơ Hữu Thỉnh những năm sau chiến tranh so
với những năm chiến tranh đã được chỉ rõ: “Cái chất ru vỗ, ngọt ngào mang
tính sử thi trong “Đường tới thành phố” và giai đoạn trước đó đã nhường chỗ

cho chất giọng ưu tư, chua chát đau đời” [15,30]. Sự chuyển biến này có thể
nhìn nhận một cách rõ ràng qua các phương diện: tư duy thơ và cấu trúc của
hình tượng cái tôi trữ tình. Thứ nhất: sự thay đổi về tư duy thơ: “Nếu trước
đây, điều quan tâm lớn nhất với Hữu Thỉnh nói riêng và các thi sĩ chống Mỹ
nói chung là lời tâm niệm “Chúng tôi làm thơ ghi lấy cuộc đời mình”, thì ở
chặng sau, cái nhìn của nhà thơ mang tính hướng nội rất sâu. Những mảnh vỡ
tâm trạng, những lo âu khắc khoải, những bể dâu cuộc đời được nói đến một
cách riết róng qua góc nhìn đời tư. Không còn ở đây cái nhìn của chúng tôi
mà là cái nhìn của chính tôi” [15,30]. Thứ hai: sự thay đổi về cấu trúc của
hình tượng cái tôi trữ tình: “Đó là cái tôi đa diện mà mặt trội của nó là những
suy tư về cõi người. Đó không phải là cái tôi hiện lên trong quầng sáng sử thi
mà là hiện lên trong chính cuộc sống thô ráp thường ngày” [15,30]. Về giọng
điệu thơ Hữu Thỉnh, tác giả cho rằng: “Thơ Hữu Thỉnh không nghiêng về
gam giọng sôi nổi, hào hùng mà nghiêng về trầm lắng” [15,30]. Và trong cái
trầm lắng đó, người ta bắt gặp: “Cảm xúc đau đớn, xót xa thường trực trong
hồn thơ Hữu Thỉnh hiện ra như một ám ảnh, trở thành nhịp mạnh trong cấu


trúc giọng điệu thơ anh. Tuy nhiên, chiều sâu và nét riêng trong cái nhìn nghệ
thuật của Hữu Thỉnh chính là những suy tư không ngừng về nhân thế bằng
chất giọng trầm lắng”.
Nguyễn Văn Tùng tìm hiểu về phong cách nghệ thuật thơ Hữu Thỉnh
trong bài viết “Phong cách nghệ thuật của nhà văn là gì” cũng đã lưu ý một
khía cạnh nổi bật trong phong cách nghệ thuật thơ của Hữu Thỉnh: “Phong
cách nghệ thuật thơ Hữu Thỉnh chủ yếu thể hiện ở phương diện ngôn ngữ”.
Trong đó, tác giả bài viết cho phép nhận định của mình dừng chân ở hai mặt
đáng chú ý. Thứ nhất: “ngôn ngữ thơ Hữu Thỉnh thẩm thấu được nhiều vẻ đẹp
của ngôn ngữ dân gian”. Thứ hai: tính triết luận của ngôn ngữ thơ Hữu Thỉnh:
“Tính triết luận sâu sắc cũng là một đặc điểm nổi bật trong phong cách ngôn
ngữ thơ Hữu Thỉnh. Vì thế nhà thơ đã dâng tặng bạn đọc những cảm xúc đặc

biệt, những nhận thức mới mẻ về thế giới tâm hồn con người ẩn chứa bao
điều bất ngờ thú vị”.
Về mặt phong cách Lưu Khánh Thơ có lẽ là một trong những người
đầu tiên tiếp xúc và khám phá thơ Hữu Thỉnh. Trong bài viết “Hữu Thỉnh một phong cách thơ sáng tạo” [72,156], Lưu Khánh Thơ đã có những phát
hiện đáng lưu tâm về thơ và trường ca của Hữu Thỉnh. Theo đó, những điểm
mạnh và yếu trong phong cách thơ Hữu Thỉnh được tác giả bài viết chỉ ra:
“Một trong những điểm làm thơ Hữu Thỉnh thành công là sự vận dụng nhuần
nhuyễn và biến đổi hợp lí, linh hoạt những câu ca dao, tục ngữ (…). Nét đặc
trưng này cũng là một điểm mạnh và là yếu tố cơ bản hình thành cá tính thơ
Hữu Thỉnh làm nên nét đặc sắc trong thơ anh (…). Vốn kiến thức phong phú
này làm thơ Hữu Thỉnh thêm giàu có, tạo thuận lợi cho những tìm tòi sáng tạo
của thơ anh. Hữu Thỉnh tiếp thu truyền thống văn hóa dân tộc không những
chỉ là ở cách nói, cách ví von, so sánh, mà còn ở tư duy, cách liên tưởng độc
đáo ở một âm hưởng xa xôi khó nhận biết. Phải chăng sự ảnh hưởng đó là


nguyên nhân khiến cho Hữu Thỉnh có được những câu thơ hay, mới lạ trong
diễn đạt, bất ngờ trong cảm xúc?” [72,156].
Trần Mạnh Hảo đã đưa ra những biểu hiện về sở trường và phong cách
thơ Hữu Thỉnh: “Đâu phải cứ viết nhiều là dễ lan man, còn cứ viết ngắn thì dễ
hay cô đọng. Hữu Thỉnh có khả năng làm ngược lại điều đó” [23,2];“…Chữ
nghĩa của ông khá chừng mực. Do đó thơ ông ở bề sâu về thực chất có thể
thoát được “tản mạn, tràn lan”” [23,52]; “Hữu Thỉnh suy tưởng bằng lãng
mạn, lấy mơ mộng mà nghĩ ngợi, lấy cái hư mà diễn đạt cái thực, lấy cái
buâng quơ, thảng thốt mà rành mạch, mà bình tâm, lại biết lấy cái đau mà
thưởng ngoạn cái vui và ngược lại”; “Thực ra Hữu Thỉnh là nhà thơ của niềm
cô đơn…Cái vui của Hữu Thỉnh cũng là là cái vui hụt, âm bản của nỗi buồn…
Khi đụng tới nỗi buồn, nỗi đau, Hữu Thỉnh thường có được thơ hay” [23,52].
Lí Hoài Thu cũng góp thêm cách đánh giá, khám phá riêng của mình về
thơ Hữu Thỉnh trong bài viết “Thơ Hữu Thỉnh, một hướng tìm tòi và sáng tạo

từ dân tộc đến hiện đại” [73,160]. Tác giả đã có những đánh giá vô cùng quan
trọng về một số thủ pháp nghệ thuật đặc trưng của thơ Hữu Thỉnh. Thứ nhất:
sự ảnh hưởng của văn học và văn hóa dân gian: “Dù viết về chiến tranh hay
tình yêu, tâm trạng con người hay non sông, mây gió, thơ Hữu Thỉnh đều
thấm đẫm sắc vị dân gian. Điều đó thể hiện trong cả cảm xúc, suy nghĩ lẫn
chất liệu sáng tạo” [73,160]. Theo tác giả, thơ Hữu Thỉnh chủ yếu vận dụng
từ văn hóa và văn học dân gian ở các nguồn sau: cảm hứng dân ca, sử dụng
lại nguyên mẫu những câu ca dao (theo hướng tương đồng tương tác hay
tương phản, đối lập). Nhưng điều đó không hề tương đương với một sự biên
soạn giản đơn mà chúng ta có thể bắt gặp trơng thơ Hữu Thỉnh: “Hữu Thỉnh
vừa rất có ý thức trong việc đi sâu khai thác cái hay cái đẹp của dân gian, dân
tộc, vừa biết dồn tâm lực, tài năng cho việc tìm kiếm, sáng tạo cái mới”


[73,160]. Bởi lẽ, “với thơ ca dân gian, Hữu Thỉnh tiếp nhận tư tưởng nhân
văn, niềm cảm thông với từng số phận con người, nhưng anh biết gạt bớt phần
kể lể, thở than và thay vào đấy sự đong đầy của tâm trạng” [73,160]. Lí Hoài
Thu cũng phát hiện một yếu tố rất đáng lưu tâm về phương diện nghệ thuật
của thơ Hữu Thỉnh: “Một trong những tiềm năng của hồn thơ Hữu Thỉnh là sự
nhạy cảm của trực giác”. Người viết cho rằng : “Sự kết hợp giữa cái vô hình
và cái hữu hình, cái cụ thể và cái trừu tượng không còn là thao tác xa lạ đối
với thơ hiện đại. Điều quan trọng là anh phải tạo được cái riêng trên cơ sở của
nguyên tắc chung ấy. Hữu Thỉnh tỏ ra thuần thạo và có nhiều thành công trên
phương diện này” [73,160].Và “đây chính là một đặc điểm thi pháp nổi trội,
một ưu thế của thơ Hữu Thỉnh”. Tóm lại, về đặc trưng nghệ thuật thơ Hữu
Thỉnh, Lí Hoài Thu cho rằng: “Thơ anh có sự kết hợp giữa phẩm chất dân tộc
và tính hiện đại, giữa chiều sâu triết lí và xúc cảm tràn trào, giữa hiền hòa
lắng đọng và mãnh liệt sục sôi” [73,160].
Đỗ Quang Vinh cũng có nhận xét tương tự với Lưu Khánh Thơ về
phong cách phong cách nghệ thuật thơ Hữu Thỉnh: “Vẫn là sự quan sát cực kỳ

tinh tế như thường thấy trong hàng loạt các bài thơ đã góp phần làm nên chân
dung thơ Hữu Thỉnh, để định hình một phong cách thơ dân tộc - hiện đại”
[79,171]. Trong bài viết “Hữu Thỉnh và quá trình tự đổi mới thơ” [79,30].
Qua việc khảo sát các bài viết, các công trình nghiên cứu về thơ Hữu
Thỉnh , chúng tôi nhận thấy rằng các tác giả đã khai thác khá nhiều khía cạnh,
vấn đề, có nhiều ý kiến khác nhau song hầu hết các tác giả đều thống nhất cho
rằng Hữu Thỉnh là một hiện tượng độc đáo của thơ ca Việt Nam hiện đại. Sự
xuất hiện của Hữu Thỉnh trên thi đàn đã làm cho thi ca của thế hệ các nhà thơ
trẻ thời chống Mỹ thêm sôi nổi, cá tính. Kế thừa những đóng góp, phát hiện
của những người đi trước, trong công trình nghiên cứu này, chúng tôi tập
trung khai thác: Cảm hứng sử thi trong thơ Hữu Thỉnh với mong muốn tìm


tòi, phát hiện và góp thêm ý kiến khẳng định những đóng góp của Hữu Thỉnh
trên phương diện cảm hứng nghệ thuật.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Là toàn bộ sự nghiệp sáng tác của Hữu Thỉnh, trong đó tập trung chủ yếu
vào các tác phẩm trường ca.
3.2. Phạm vi nghiên cứu
Phạm vi nghiên cứu chủ yếu là thơ và trường ca Hữu Thỉnh, trong so
sánh với những sáng tác của các tác giả khác.
4. Mục đích nghiên cứu
Thông qua đề tài này, chúng tôi hi vọng sẽ góp thêm ý kiến khẳng định
vị trí quan trọng và những đóng góp của Hữu Thỉnh trong nền thơ ca hiện đại
Việt Nam nói chung, nền thơ ca chống Mỹ nói riêng, để từ đó thấy rõ hơn vẻ
đẹp của một phong cách thơ độc đáo, cũng như làm rõ hơn các khía cạnh của
thi pháp trong thơ ông.
5. Phương pháp nghiên cứu
Trên cơ sở lí thuyết về cảm hứng thơ, luận văn vận dụng các phương pháp

nghiên cứu sau:
- Phương pháp phân tích tổng hợp.
- Phương pháp tiếp cận thi pháp học.
- Phương pháp so sánh.
- Phương pháp tiểu sử tác giả.
- Phương pháp hệ thống.
6. Những đóng góp của luận văn
Luận văn có thể đóng góp ở các phương diện:
Thứ nhất: Tiếp cận tác phẩm từ góc độ sử thi nhằm tìm hiểu và lý giải sâu
hơn đặc điểm phong cách thơ Hữu Thỉnh.


Thứ hai: Thông qua việc tiếp cận thơ Hữu Thỉnh, chỉ ra được những nét
riêng độc đáo, những đóng góp về tư tưởng nghệ thuật thơ Hữu Thỉnh. Xác
định vị trí của Hữu Thỉnh trong thơ chống Mỹ nói riêng cũng như thơ hiện đại
Việt Nam nói chung.
Thứ ba: Luận văn đi sâu vào một khía cạnh có ý nghĩa xã hội rộng lớn đó
là cảm hứng sử thi của thơ ca, là cuộc chiến tranh hào hùng của dân tộc, đề tài
sẽ tác động không nhỏ đến lòng tự hào của dân tộc.
7. Bố cục của luận văn
Ngoài phần mở đầu và phần kết luận, luận văn gồm có 03 chương:
Chương 1: Thơ Hữu Thỉnh từ góc nhìn sử thi.
Chương 2: Cảm hứng sử thi và hình tượng trong thơ Hữu Thỉnh.
Chương 3: Sự chi phối của cảm hứng sử thi đến các phương diện nghệ thuật


NỘI DUNG
Chương 1
THƠ HỮU THỈNH TỪ GÓC NHÌN SỬ THI
1.1. Khái niệm sử thi và cảm hứng sử thi

1.1.1. Khái niệm sử thi
Sử thi là thuật ngữ văn học bắt nguồn từ tiếng Hy lạp cổ (epos) vốn có
hai nghĩa: Trong nghĩa rộng, nó là tự sự, một trong ba loại văn học: Tự sự, trữ
tình, kịch; Còn nghĩa hẹp, nó là sử thi truyền miệng hoặc thành văn. Hiện nay
trong đời sống lý luận văn học tồn tại hai cách hiểu về sử thi:
Thứ nhất, một số ý kiến cho rằng: Sử thi là thể loại Văn học được nảy
sinh và phát triển từ rất sớm, ngay từ khi chế độ công hữu nguyên thủy tan rã,
bắt đầu hình thành xã hội bộ tộc, bộ lạc tiền giai cấp. Những tác phẩm sử thi
vĩ đại ra đời trong giai đoạn đó là sự nối tiếp thần thoại và là bước chuyển từ
thế giới các vị thần sang thế giới con người. Nó chỉ tồn tại trong xã hội cổ
đại, kéo dài đến thời trung cổ và thực sự biến mất trong các giai đoạn lịch sử
tiếp theo. Nói theo cách của Hêghen thì sử thi chỉ xuất hiện ở thời điểm gọi là
“Thế kỉ của những anh hùng”. Có thể kể ra những tác phẩm sử thi tiêu biểu
như: Iliat, Ôđixe (Hy Lạp); Mahabharata, Ramayana (Ấn Độ); IliaMurômetx
(Nga); Nibêlnghen (Đức); Đăm San, Xing Nhã (Việt Nam)...
Thứ hai, một số học giả khác - tiêu biểu là giáo sư G.N.Pospelop (Nga)
lại cho rằng: Sử thi là một loại hình thuộc thể tài lịch sử dân tộc tồn tại trong
suốt tiến trình văn học. Trong giai đoạn phát triển ban đầu, xuất hiện các thể
tài lịch sử dân tộc miêu tả con người với quá trình tham gia tích cực vào các
sự kiện của đời sống xã hội; Đó là những anh hùng tiêu biểu cho sức mạnh và
vẻ đẹp của cả cộng đồng. Thể tài này bộc lộ ở các tác phẩm xưa nhất thuộc
sáng tác nguyên hợp:

: Iliat, Ôđixê,

Mahabharata, Ramayana... Trong

những giai đoạn phát triển xã hội muộn hơn, khi hình thành chế độ chính trị



của nhà nước quân chủ và trên cơ sở những hệ tư tưởng công dân tiến bộ, thể
tài lịch sử dân tộc được triển khai ở nhiều bình diện mới và bộc lộ cả trong
những sáng tác thuộc phạm vi cá nhân. Lúc này trong văn học các nước khác
nhau xuất hiện nhiều tác phẩm sử thi nối tiếp các sử thi cổ đại. Những tác
phẩm đó thuộc các thể loại khác nhau như tiểu thuyết, truyện vừa, truyện
ngắn, thơ, trường ca. Ở Nga có tiểu thuyết Chiến tranh và hòa bình, Pie đệ
nhất (L. Tônxxtôi), Thép đã tôi thế đấy (N. Ôtxtrôpxki), Sông Đông êm đềm
(Sôlôkhôp)... có trường ca V.I Lê nin của Maiacôpxki... Ở Việt Nam có tiểu
thuyết Sống mãi với thủ đô (Nguyễn Huy Tưởng), Cửa biển (Nguyên Hồng),
Vỡ bờ (Nguyễn Đình Thi)... có thơ, trường ca của Tố Hữu, Thu Bồn,... như:
Ta đi tới, Ba mươi năm đời ta có Đảng, Việt Bắc, Bài ca chim Chơ rao, Vách
đá Hồ Chí Minh...
Như vậy, sử thi là một loại hình thuộc thể tài lịch sử - dân tộc, tồn tại
trong suốt tiến trình của lịch sử văn học nhân loại. Cách hiểu này cho phép
các tác phẩm dù thuộc thể loại nào đi chăng nữa, nếu chúng mang nội dung
lịch sử dân tộc và hình thức biểu đạt tương ứng thì vẫn có thể coi là có tính
chất sử thi. Nói chính xác hơn, thì những đặc trưng cơ bản của sử thi cổ đại
dần dần được biến đổi, được các thể loại khác biến đổi và hấp thụ, để từ đó
hình thành các thể loại mới như: Tiểu thuyết sử thi, truyện ngắn sử thi, thơ trữ
tình sử thi, trường ca sử thi... Với cách hình dung này có thể hiểu sử thi chính
là một văn mạch chảy từ cội nguồn quá khứ của dân tộc đến vĩnh viễn.
1.1.2. Cảm hứng sử thi
Khi Mác nói: “Con người sáng tạo theo qui luật của cái đẹp" thì cái
đẹp ở đây được hiểu theo nghĩa phổ quát mà ai cũng có khả năng tạo ra trong
mọi hoạt động và hành vi của mình. Từ cái đẹp đến nghệ thuật là cả một quá
trình phát triển về tinh thần, tư tưởng và sự chuyển hóa chức năng trong hoạt
động sáng tạo của con người. Hơn nữa lao động nghệ thuật nói chung và sáng


tạo thơ văn nói riêng thuộc lĩnh vực sản xuất tinh thần theo phương thức cá

nhân, đơn lẻ. Sản phẩm của nó cũng mang tính cá thể chứ không phải là sản
phẩm tập thể được làm ra hàng loạt như trong trong sản xuất vật chất. Bởi
vậy, sáng tạo nghệ thuật đòi hỏi phải có tài năng, kể cả thiên tài.
Phương Lựu phân biệt: "Cảm hứng có thể có trong tất cả các ngành sản
xuất khi mà con người lao động hoàn toàn tự nguyện theo những mục đích
hoàn toàn phù hợp với lí tưởng và khả năng của mình. Nhưng khác với thành
phẩm của tất cả các ngành lao động khác, tác phẩm văn học nghệ thuật còn
chứa đựng tình cảm chủ quan của chủ thể sáng tạo" [39, 209 -210]. Nói ngắn
gọn, cảm hứng trong các ngành lao động khác sẽ tan biến khi sản phẩm đã
xong xuôi, còn trong sáng tạo nghệ thuật, cảm hứng vẫn được bảo lưu và
chuyển hóa vào tác phẩm. Có thể nói, nếu không có cảm hứng thì không thể
có văn chương theo nghĩa đích thực của nó. Điều này cũng không có gì lạ, bởi
chuyện văn chương là chuyện tình cảm (tình cảm nghệ thuật); nhà văn không
thể sáng tác khi trong lòng họ đã nguội lạnh: "Sáng tác nghệ thuật không thể
không có cảm hứng. Viết văn là gan ruột, tâm huyết, chỉ bộc lộ những gì đã
thực sự tràn đầy trong lòng, không thể cho ra những sản phẩm của một tâm
hồn bằng lặng, vô vị, miễn cưỡng " [39,210]. Tuy nhiên, không phải hễ có
cảm hứng tuôn trào thì tất sẽ có nghệ thuật, điều này còn tùy thuộc vào năng
lực chuyển hóa cảm hứng thành hình tượng của nhà văn nữa.
Nhà thơ Xuân Diệu viết: "Khi tôi nói xúc cảm, tôi không chỉ nói rung
động về tình cảm mà thôi, bởi vì người ta có thể rung động rất nhiều, thiết tha,
chân thành đến ứa lệ, nhưng ra nước mắt chưa hẳn đã ra thơ. Khi tôi nói xúc
cảm là rung động về vần điệu, hình tượng, âm thanh, một hứng thú sáng tạo
vậy" [9,123 -124]. Có điều, không ai có thể phủ nhận được sự khởi phát ban
đầu trong sáng tạo nghệ thuật vẫn là cảm hứng.


Vậy cảm hứng là gì? Theo V.Biê-lin-xky, cảm hứng là: "Trạng thái
phấn chấn cao độ của nhà văn do việc chiếm lĩnh được bản chất của cuộc
sống mà họ miêu tả", là "sự thiết tha và nhiệt tình nồng cháy gợi lên bởi một

tư tưởng nào đó" và "cảm hứng biến sự nhận thức của trí tuệ về một tư tưởng
nào đó trở thành lòng say mê đối với tư tưởng đó, trở thành năng lượng và
thành khát vọng nồng nhiệt". Từ điển Larousse (của Pháp) gọi cảm hứng là
nhiệt tình sáng tạo (enthousiasme créateur). Từ điển Khang Hy (Trung Quốc)
thì nói "hứng" là cảm xúc trước sự vật mà phát ra. Sự thực thì cảm hứng chính
là thời điểm mà sức sống bên trong đã tích tụ, ấp ủ, lên men sáng tạo. Đó là
thời điểm mà ngọn lửa kỳ diệu của thơ ca bùng cháy khiến nghệ sĩ không thể
không nói ra bằng lời.
Cảm hứng sử thi trong thơ ca trước hết là tiếng nói của tình cảm: "Thơ
khởi phát từ lòng người ta" (Lê Quí Đôn), nó vốn dĩ đã mang yếu tố trữ tình.
Nhưng trong một thời điểm lịch sử hào hùng của dân tộc, khi cảm hứng sử thi
trở thành cảm hứng chủ đạo trong sáng tác của các nhà thơ thì yếu tố trữ tình
tất sẽ kết hợp với cảm hứng sử thi, tạo thành cảm hứng trữ tình - sử thi. Ở
nước ta, loại cảm hứng này được coi như một đặc điểm thi pháp chung của
thơ ca kháng chiến, nhất là trong kháng chiến chống Mỹ. Nhà nghiên cứu
Nguyễn Văn Long khẳng định: "Thơ kháng chiến chống Mỹ thuộc loại hình
thơ cách mạng. Nó là sự tiếp nối liền mạch dòng thơ kháng chiến chống Pháp
và thơ trong những năm xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhưng đã đưa loại hình
thơ cách mạng đến một bước phát triển cao, mà đặc điểm nổi bật là sự kết hợp
sử thi với trữ tình, tạo thành khuynh hướng trữ tình - sử thi" [75,12]. Khái
niệm sử thi ở đây không đồng nhất với sử thi cổ đại, một thể loại tự sự khách
quan, có dung lượng lớn, kể hết mọi biểu hiện phong phú của đời sống như
một bách khoa toàn thư. Khái niệm sử thi trong cảm hứng sử thi được hiểu là
một khuynh hướng cảm hứng ưu tiên cho chủ đề dân tộc, cho khí thế sục sôi


của một thời kỷ vẻ vang của cách mạng; xây dựng những con người tiêu biểu
cho ý chí, phẩm chất anh hùng mang tầm vóc lịch sử và thời đại; nó không chỉ
thể hiện ở nội dung thể tài mà còn ở quan điểm tiếp cận của nhà thơ với mọi
hiện tượng đời sống, là quan điểm cộng đồng. Với khuynh hướng cảm hứng

này, các nhà thơ chống Mỹ đã sáng tạo nên những hình tượng đẹp, có chiều
sâu về đất nước, về Đảng, về lãnh tụ và các tầng lớp nhân dân: bộ đội, thanh
niên xung phong, phụ nữ, phụ lão, thiếu nhi, xã viên, công nhân, cán bộ đủ
các ngành nghề. Hầu như tất cả các tầng lớp nhân dân đều có đại diện của
mình trong bức tranh văn học. Cảm hứng sử thi tôn trọng và đề cao nguyên lý
văn học phản ánh hiện thực, nó miêu tả một cách toàn diện các mặt của đời
sống như lòng yêu nước, tinh thần chiến đấu, tinh thần đoàn kết cộng đồng,
niềm lạc quan cách mạng, niềm tin vào lý tưởng cộng sản. Phạm trù cái cao
cả thực sự trở thành phạm trù mỹ học cho các nhà thơ kháng chiến theo đuổi.
Nhờ vậy, thơ chống Mỹ cố âm hưởng hào sảng, khỏe khoắn, luôn đem lại
niềm vui phơi phới, ấm áp cho người tiếp nhận. Cảm hứng sử thi thường tạo
ra những tác phẩm có những đặc điểm chủ yếu sau đây;
Trước hết đó là những tác phẩm mang màu sắc hoành tráng, phản ánh
hiện thực hào hùng của dân tộc cùng với những sự kiện lịch sử quan trọng có
ý nghĩa với toàn thể cộng đồng. Nói như Hêghen: "Các sử thi thực sự độc đáo
đến nay cung cấp cho chúng ta một bức tranh tinh thần dân tộc... một bức
tranh toàn vẹn về các giai đoạn, ở đấy có ý thức và phẩm chất của ý thức".
Nhìn vào thơ ca chống Mỹ ta thấy chưa bao giờ trong thơ lại bùng cháy tinh
thần quật khởi chống ngoại xâm như ở thời kỳ này. Và cũng chưa bao giờ
nghệ thuật tuyên truyền lại được đẩy đến đỉnh cao như thế; thơ thực sự trở
thành vũ khí xông trận: "Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ/ Tiến lên! Toàn
thắng ắt về ta", "Tiến lên! Chiến sĩ đồng bào! / Bắc Nam sum họp, xuân nào
vui hơn." (Hồ Chí Minh).


Tiếp theo, những tác phẩm ra đời từ cảm hứng sử thi bao giờ cũng
dựng lên chân dung những tập thể và cá nhân với tư cách là hiện thân cho vẻ
đẹp và lợi ích của cả một cộng đồng, một dân tộc. Đối tượng tìm tòi, phát hiện
của thơ ca là những cái tiêu biểu cho cả một dân tộc hơn là cái riêng lẻ, khác
biệt. Tố Hữu gọi chị Lý là "Người con gái Việt Nam ", Lê Anh Xuân nhìn anh

giải phóng quân từ "Dáng đứng Việt Nam", Dương Hương Ly viết về mẹ với
những nét tượng trưng cho đất nước: "Đất quê ta mênh mông, lòng mẹ rộng
vô cùng".
Sau cùng, cảm hứng sử thi qui định ngôn từ trong tác phẩm phải là
ngôn từ ngợi ca, giàu hình ảnh kỳ vĩ, giọng điệu phải hào hùng, sôi động;
cách xưng hô với nhân vật trữ tình phải thiết tha, trân trọng: "Hoan hô anh
giải phóng quân / Kính chào anh con người đẹp nhất", "Kính chào Người cất
cánh bay cao /Như thiên thần bay giữa trời cao” (Tố Hữu).
Cảm hứng sử thi được coi là đặc trưng cơ bản của thể loại sử thi. Khi
nói đến sử thi, anh hùng ca các nhà nghiên cứu cho rằng sử thi là “thể loại tự
sự miêu tả các sự kiện quan trọng, có ý nghĩa quyết định đối với đời sống tinh
thần và vận mệnh của dân tộc và nhân dân”.Vì thế giọng văn của một tác
phẩm sử thi cơ bản là giọng văn ngợi ca.
Chúng ta có thể tìm thấy sự ngợi ca mang đậm cảm hứng sử thi trong
nhiều tác phẩm hiện đại của thế giới và Việt Nam. Trong những tác phẩm này
âm hưởng ngợi ca mang đậm chất sử thi được thể hiện rất rõ đặc biệt là ở văn
học cách mạng, những tác phẩm viết về chiến tranh. Trong thế giới thơ ca, sử
thi là lĩnh vực khởi thủy, là bắt đầu.
Vậy trước yêu cầu của lịch sử, sử thi là yếu tố chủ đạo trong nền văn học
cách mạng, cảm hứng sử thi gắn với đời sống tinh thần xã hội, gắn với chất
hào hùng của cuộc kháng chiến, như một môi trường dẫn truyền và cộng hưởng
cảm xúc. Cảm hứng sử thi là nền tảng của các tác phẩm về đề tài chiến tranh.


1.2. Cảm hứng sử thi trong thơ ca chống Mỹ
Thơ ca chống Mỹ cứu nước có một vị trí quan trọng trong lịch sử văn
học dân tộc. Văn học thời kì này phát triển mạnh mẽ trên nhiều thể loại và đã
hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình. Trong sự phát triển đó, không thể
không kể đến thơ chống Mỹ đặc biệt là thơ của các nhà thơ trẻ thời kì này bởi
họ đã mang đến một tiếng thơ trẻ trung mới lạ chưa từng có trước đó của văn

học dân tộc. Thật khó có thể hình dung một cách đầy đủ cho diện mạo văn
học dân tộc nếu thiếu đi mảng thơ của các nhà thơ trẻ thời chống Mỹ.
Nhìn tổng thể, thơ chống Mỹ được hình thành từ nhiều thế hệ nhà thơ:
Thế hệ nhà thơ xuất hiện từ trước cách mạng (Tố Hữu, Xuân Diệu, Chế Lan
Viên…), thế hệ những nhà thơ trưởng thành từ cuộc kháng chiến chống Pháp
(Hoàng Trung Thông, Nguyễn Đình Thi, Chính Hữu…) và thế hệ những nhà
thơ trưởng thành từ cuộc kháng chiến chống Mỹ. Mỗi thế hệ những nhà thơ
nói trên đều có những đóng góp đáng ghi nhận đối với nền thơ chống Mỹ.
Bên cạnh đó, mỗi nhà thơ bằng phong cách riêng của mình đã đem đến một
cách nhìn, cách cảm nhận riêng về cuộc chiến tranh ái quốc vĩ đại của dân tộc,
nói lên được một phần hiện thực lớn lao của đất nước. Tuy vậy cách nhìn,
cách cảm nhận về chiến tranh như thế vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu nhận
thức và tình cảm của người đọc. Bức tranh toàn cảnh về cuộc kháng chiến anh
dũng của dân tộc vẫn còn khuyết đi một mảng quan trọng cần được bổ sung.
Người đọc khao khát sự xuất hiện của những người trực tiếp ngoài chiến trận
nghĩa là những nhà thơ chiến sĩ, những con người vừa cầm súng vừa cầm bút
viết về những trải nghiệm của chính bản thân nơi “đầu sóng ngọn gió”. Hoàn
cảnh lịch sử cụ thể đó đã đưa tới sự hình thành, xuất hiện của một lớp nhà thơ
trẻ như một sự đòi hỏi tất yếu của dân tộc và thời đại. Đội ngũ những nhà thơ
trẻ có mặt trên khắp các chiến trường, vừa cầm bút, vừa cầm súng họ đã mang
đến nét tươi mới không dễ gì có được của thế hệ mình, làm cho thơ ca thêm


đậm đà tính cách Việt, tâm hồn Việt. Bài ca ống cóng của Thanh Thảo vang
lên như một lời tuyên ngôn của lớp trẻ khi bước vào trận”Bài ca của chúng
tôi/ Là bài ca ống cóng/ Hành trang quân giải phóng/ Đơn giản nhất trên
đời”. Có lẽ chỉ có thế hệ này chứ không phải ai khác mới nói được một điều
tưởng như nghịch lý “Giữa chiến trường, tiếng bom nghe rất nhỏ” (Phạm
Tiến Duật). Nếu không nếm trải thực tế chiến trường thì khó có thể có được
suy nghĩ như vậy. Thế hệ nhà thơ chiến sĩ - nhà thơ trẻ xuất hiện từ đầu những

năm 60, đặc biệt đông đảo trong thời kỳ chống Mỹ, đem lại cho thơ sức sáng
tạo mới, trẻ trung, trong sáng, gợi cảm, mà trong đó không ít tài năng đã sớm
được chú ý và khẳng định: Nguyễn Khoa Điềm, Lưu Quang Vũ, Bằng Việt,
Phạm Tiến Duật, Hữu Thỉnh, Nguyễn Duy, Nguyễn Đức Mậu, Hoàng Nhuận
Cầm, Vương Trọng, Anh Ngọc, Thanh Thảo, Lê Anh Xuân...Trong đội ngũ
đông đảo hàng vạn thanh niên cầm súng đi vào các chiến trường miền Nam,
đã nảy nở nhiều tài năng thơ như một nhu cầu tự ý thức và tự biểu hiện của
thế hệ trẻ. Đội ngũ được bổ sung liên tục từ quần chúng yêu thơ. Tình cảm
lớn lao đã trở thành nguồn mạch dồi dào cho cảm hứng thơ ca. Và như vậy,
đất nước ta có hẳn một thế hệ nhà thơ chống Mỹ, bởi vì trước khi làm thơ,
trong khi làm thơ những nhà thơ ấy đã là những người lính, hoặc tình nguyện
sống như những người lính chống Mỹ. Điều đáng quý hơn cả, thế hệ nhà thơ
này đã nhận thức sâu sắc sứ mệnh lịch sử lớn lao của thế hệ mình, chọn một
con đường đi cho mình trong nhịp sống cuồn cuộn của dân tộc thời đánh Mỹ.
Thế hệ này chứ không phải ai khác đã tự hiểu, tự nhận thức một cách đúng
đắn con đường đi của mình. Vừa cầm súng, vừa cầm bút họ đã viết về thế hệ
mình một cách trân trọng, tự hào: “Không có sách chúng tôi làm ra
sách/Chúng tôi làm thơ ghi lấy cuộc đời mình” (Hữu Thỉnh). Sinh ra trong
lòng nôi cách mạng, được đào tạo trong mái trường XHCN, họ tha thiết tin
yêu cách mạng và đang có mặt trên khắp các mặt trận sản xuất, chiến đấu.


Với kiến thức học tập có hệ thống, lại có thêm hành trang của vốn thơ ca dân
tộc trên con đường rộng và dài của của nền thơ cách mạng, họ đã tự bồi
dưỡng cho bản thân về tư tưởng, tài năng, vốn sống để có thể đi xa trên con
đường đó và thực sự trở thành nhà thơ cách mạng. Tiếng thơ của họ trẻ trung
mà luôn trăn trở, nghĩ suy đầy trách nhiệm về Tổ quốc, về dân tộc. Họ đã thật
sự vươn lên, khẳng định mình, vừa tiếp nối truyền thống các thế hệ trước, vừa
có những sáng tạo độc đáo làm nên những nét riêng biệt của thơ trẻ thời
chống Mỹ.

Trước yêu cầu của lịch sử, sử thi vẫn là yếu tố chủ đạo trong nền văn
học cách mạng, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, sử thi là đời sống tinh thần
xã hội vốn gắn với tính chất hào hùng của cuộc kháng chiến như “một môi
trường dẫn truyền và cộng hưởng cảm xúc”. Sử thi là âm hưởng chủ đạo của
thơ chống Mỹ.
Cảm hứng sử thi là nền tảng của các trường ca và nhiều bài thơ về đề
tài chiến tranh chống Mỹ, nhưng những trải nghiệm cá nhân của mỗi người
nghệ sỹ làm thơ đã làm cho sự khái quát lịch sử có được cái nhìn cụ thể, xác
thực và thấm thía hơn. Giọng điệu thơ vô cùng đa dạng, có khi trầm lắng,
hướng vào suy tư, có khi cất lên ở âm vực cao đầy hào sảng hoặc bay bổng
lãng mạn. Sự khẳng định dân tộc, ngợi ca sức mạnh của nhân dân thường
được thể hiện qua những mất mát, hy sinh, nỗi đau thầm lặng của vô vàn con
người và bao nhiêu số phận. Chân dung tinh thần của thế hệ trẻ đi qua cuộc
chiến tranh được tô đậm ở sự lựa chọn dấn thân tự nguyện đầy tỉnh táo, niềm
say mê, háo hức đầy chất lãng mạn khi bước vào cuộc chiến tranh:
Chúng tôi đi không tiếc cuộc đời mình
Nhưng tuổi hai mươi làm sao không tiếc?
Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc
(Những người đi tới biển - Thanh Thảo)


Tuổi trẻ biến trăm sông thành thác
Dập tắt lửa chiến tranh bằng máu đời mình
(Thu Bồn)
Các nhà thơ nói về niềm tự hào và niềm vui chiến thắng, nhưng cũng
nói nhiều hơn về những gian lao, sự chịu đựng và hy sinh của nhân dân, của
đồng đội để hôm nay dân tộc đến được cái đích cuối cùng của cả một hành
trình dài dặc. Trong các trường ca, nổi bật lên là hình tượng nhân dân, vừa
trong những hình ảnh khái quát, biểu tượng, vừa trong những chân dung cụ
thể của nhiều con người. Đó là người mẹ, người chị ở hậu phương, là người lính

lái xe tăng, xạ thủ trung liên, người lính đánh bộc phá trong Đường tới
thành phố của Hữu Thỉnh:
- Mẹ xếp lại cho anh chồng sách cũ
Nhưng nhớ thương thì biết xếp vào đâu?
- Hai mươi năm chị tôi đi đò đầy
Cứ sợ đắm vì mình còn nhan sắc...
Một mình một mâm cơm
Ngồi bên nào cũng lệch
Chị chôn tuổi xuân trong má lúm đồng tiền.
- Dù chỉ gốc sim thôi dù chỉ gốc sim cằn
Anh ôm súng bò lên với trái tim tình nguyện.
Nhân dân trong trường ca Những người đi tới biển của Thanh Thảo là
những ông Chín, thím Ba, anh Út... ở một vùng địa hình bám trụ, đó cũng còn
là nhân dân trong những biểu tượng cao cả, mang dáng vẻ kỳ vĩ của huyền
thoại, nhưng lại hết sức giản dị, gần gũi:
- Khi các thần tiên đã an nghỉ cuối trời
Nhân dân tôi khởi lên tự phù sa vất vả
...


×