Tải bản đầy đủ (.doc) (17 trang)

Chuyên đề nghiên cứu: MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ HƯỚNG DẪN VIÊN DU LỊCH - THỰC TRẠNG VÀ KIẾN NGHỊ

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (149.15 KB, 17 trang )

ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
VIỆN NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP

TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU KHOA HỌC LẬP PHÁP

Chuyên đề nghiên cứu:

MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ HƯỚNG DẪN VIÊN DU LỊCH
- THỰC TRẠNG VÀ KIẾN NGHỊ
(Tài liệu phục vụ Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV)

Hà Nội, tháng 10 năm 2016


MỤC LỤC
ĐẶT VẤN ĐỀ...........................................................................................................................3
NỘI DUNG................................................................................................................................4
I. Thực trạng quy định pháp luật về hướng dẫn viên du lịch.....................................................4
1.1. Văn bản quy phạm pháp luật quy định về hướng dẫn viên du lịch.....................................4
1.1.1. Quan niệm về hướng dẫn du lịch, hướng dẫn viên du lịch.......................................4
1.1.2. Văn bản quy phạm pháp luật quy định về hướng dẫn viên du lịch...........................5
1.2. Đánh giá thực trạng và thực tiễn thi hành các quy định của pháp luật về hướng dẫn viên
du lịch.........................................................................................................................................6
1.2.1. Những kết quả đạt được............................................................................................6
1.2.2. Một số bất cập, hạn chế....................................................................................................9
II. Một số kiến nghị hoàn thiện quy định pháp luật về hướng dẫn viên du lịch......................12
2.1. Sửa đổi quy định điều kiện về trình độ của hướng dẫn viên du lịch..........................12
2.2. Bổ sung quy định tăng cường các biện pháp hạn chế nạn bằng cấp giả....................14
2.3. Bổ sung quy định về cấp mã ngành đào tạo du lịch, bỏ quy định thi tuyển, công nhận
cấp bậc nghề nghiệp..........................................................................................................14
2.4. Sửa đổi quy định về cách thức cập nhật kiến thức trước khi đổi thẻ hướng dẫn viên


du lịch................................................................................................................................15
KẾT LUẬN..............................................................................................................................16
TÀI LIỆU THAM KHẢO.......................................................................................................17

2


ĐẶT VẤN ĐỀ
Sau 10 năm thực hiện, Luật du lịch năm 2005 đã góp phần quan trọng
trong việc thúc đẩy sự phát triển của dịch vụ du lịch tại Việt Nam. Luật du lịch
không chỉ tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động kinh doanh du lịch, khai thác
tài nguyên du lịch nước nhà mà còn tạo công ăn việc làm cho người dân, đặc
biệt là tăng số lượng hướng dẫn viên du lịch. Thông qua quy định của Luật, đội
ngũ hướng dẫn viên du lịch được tiêu chuẩn hóa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao
của hoạt động hướng dẫn du lịch, không chỉ đáp ứng yêu cầu của khách du lịch
trong nước mà còn đáp ứng yêu cầu của khách du lịch quốc tế. Các quy định về
quy trình, thủ tục việc cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch được quy định khá cụ thể,
rõ ràng. Những quy định này đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý đội ngũ
hướng dẫn viên du lịch cả về số lượng và chất lượng, đồng thời tạo điều kiện
cho các cá nhân khi thực hiện các thủ tục xin cấp, đổi, cấp lại thẻ. Các công cụ
quản lý hiện đại đã được đưa vào áp dụng, tạo điều kiện cho công tác quản lý
chuyên nghiệp hơn từ Trung ương đến địa phương. Tuy nhiên, với sự phát triển
kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và sự phát triển của ngành du lịch nói
riêng, những quy định pháp luật về hướng dẫn viên du lịch cũng như công tác
quản lý hướng dẫn viên du lịch đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế cần được khắc
phục kịp thời.

3



NỘI DUNG

I. Thực trạng quy định pháp luật về hướng dẫn viên du lịch
1.1. Văn bản quy phạm pháp luật quy định về hướng dẫn viên du lịch
1.1.1. Quan niệm về hướng dẫn du lịch, hướng dẫn viên du lịch
Theo Luật Du lịch năm 2005, hướng dẫn du lịch được hiểu là hoạt động
hướng dẫn cho khách du lịch theo chương trình du lịch. Người hoạt động hướng
dẫn gọi là hướng dẫn viên (HDV) và được thanh toán dịch vụ hướng dẫn.1
Hướng dẫn viên du lịch bao gồm HDV quốc tế và HDV nội địa. Trong đó,
HDV quốc tế được hướng dẫn cho khách du lịch quốc tế và khách du lịch nội
địa; HDV nội địa được hướng dẫn cho khách du lịch nội địa là người Việt Nam
và không được hướng dẫn cho khách du lịch là người nước ngoài2.
Về nguyên tắc HDV phải đảm nhiệm việc giới thiệu, hướng dẫn khách du
lịch theo các loại hình, mục đích du lịch khác nhau mà khách hàng đã lựa chọn.
Chỉ khi am hiểu về tour khách du lịch mua, HDV mới có thể xây dựng kế hoạch
công tác chi tiết cho mình, dự đoán các tình huống phải xử lý và chuẩn bị những
kiến thức, kỹ năng cần thiết về giao tiếp, ứng xử, tâm lý khách du lịch hay tâm
lý và văn hoá dân tộc. Đây là những kiến thức cơ bản mà HDV phải tự trang bị
hoặc được trang bị trước khi phục vụ khách du lịch. HDV cũng cần có kiến thức
về quá trình phát triển kinh tế của đất nước, của các vùng miền hay các địa
phương có điểm du lịch. Kiến thức chính trị cũng là đòi hỏi bắt buộc đối với
HDV du lịch bởi lẽ, khách du lịch vốn đa dạng về dân tộc, quốc tịch, nghề
nghiệp, lứa tuổi, quan điểm chính trị... Đặc biệt, HDV du lịch quốc tế phải có
kiến thức về đất nước, con người, những đặc trưng văn hoá chủ yếu, tập quán
ứng xử - giao tiếp... của các quốc gia, các dân tộc mà HDV sử dụng ngôn ngữ
của họ. HDV du lịch nói chung cần phải có kiến thức ngoại ngữ tốt không chỉ để
1
2

Khoản 15 Điều 4 Luật Du lịch năm 2005.

Điều 72 Luật Du lịch năm 2005.

4


giao tiếp, giới thiệu mà còn là phương tiện để học hỏi, đọc tài liệu, kiểm tra các
văn bản trực tiếp hay gián tiếp liên quan tới hoạt động hướng dẫn du lịch. Thông
thường, với HDV du lịch quốc tế phải thông thạo ít nhất một ngoại ngữ và biết ở
mức độ giao tiếp thông thường một ngoại ngữ khác. Với HDV du lịch Việt Nam,
những ngoại ngữ thường được sử dụng là: tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức,
tiếng Nga, tiếng Trung Quốc.
1.1.2. Văn bản quy phạm pháp luật quy định về hướng dẫn viên du lịch
HDV du lịch được quy định tại Chương VII Luật Du lịch năm 2005 từ
Điều 71 đến Điều 78 với các nội dung: phân loại HDV (Điều 72); điều kiện hành
nghề, tiêu chuẩn cấp thẻ HDV (Điều 73); hồ sơ cấp thẻ HDV (Điều 74); Đổi,
cấp lại, thu hồi thẻ HDV (Điều 75); Quyền và nghĩa vụ của HDV (Điều 76);
Những điều HDV du lịch không được làm (Điều 77); Thuyết minh viên (Điều
78).
Ngoài các quy định của Luật Du lịch năm 2005, các văn bản quy định về
HDV du lịch gồm có:
- Nghị định số 92/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ
quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Du lịch (có hiệu lực từ ngày 14
tháng 7 năm 2007).
- Nghị định số 01/2012/NĐ-CP ngày 04 tháng 01 năm 2012 của Chính
phủ sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ, hủy bỏ các quy định có liên quan đến
thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Văn hóa, Thể thao
và Du lịch (có hiệu lực từ ngày 27 tháng 02 năm 2012).
- Nghị định số 158/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính
trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo.
- Thông tư số 89/2008/TT-BVHTTDL ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Bộ

trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn thực hiện Nghị định số
92/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ Quy định chi tiết thi
5


hành một số điều của Luật Du lịch về kinh doanh lữ hành, chi nhánh, văn phòng
đại diện của doanh nghiệp du lịch nước ngoài tại Việt Nam, hướng dẫn du lịch
và xúc tiến du lịch (có hiệu lực từ ngày 30 tháng 01 năm 2009).
- Thông tư số 48/2010/TT-BTC ngày 12 tháng 4 năm 2010 của Bộ Tài
chính hướng dẫn chế độ thu, nộp và quản lý sử dụng lệ phí cấp giấy phép kinh
doanh lữ hành quốc tế, cấp giấy phép thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện
doanh nghiệp du lịch nước ngoài tại Việt Nam, cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch,
cấp giấy chứng nhận thuyết minh viên (có hiệu lực từ ngày 27 tháng 5 năm
2010).
- Thông tư số 07/2011/TT-BVHTTDL ngày 07 tháng 6 năm 2011 của Bộ
Văn hóa, Thể thao và Du lịch sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ, hủy bỏ các
quy định có liên quan đến thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý
của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (có hiệu lực từ ngày 25 tháng 7 năm 2011).
1.2. Đánh giá thực trạng và thực tiễn thi hành các quy định của pháp
luật về hướng dẫn viên du lịch
1.2.1. Những kết quả đạt được
Luật Du lịch năm 2005 có hiệu lực từ tháng 1 năm 2006 đã làm thay đổi
đáng kể đội ngũ HDV du lịch cả về lượng và chất. Với các quy định của Luật,
đội ngũ HDV du lịch đã được chia thành 2 nhóm để phục vụ đối tượng khách
quốc tế và khách nội địa. Việc cấp, đổi thẻ HDV hoàn toàn do các cơ quan quản
lý du lịch cấp tỉnh thực hiện.
- Luật Du lịch và các văn bản hướng dẫn thi hành đã quy định cụ thể thủ
tục cấp, đổi, cấp lại thẻ HDV và quản lý cấp, đổi, cấp lại thẻ, hoạt động hành
nghề của HDV của các văn bản dưới Luật (Nghị định, thông tư).
- Các thủ tục được quy định rõ ràng, đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc

quản lý đội ngũ HDV du lịch cả về số lượng và chất lượng, đồng thời tạo điều
kiện cho các cá nhân khi thực hiện các thủ tục xin cấp, đổi, cấp lại thẻ.
6


- Các quy định về điều kiện cấp thẻ HDV du lịch rõ ràng nhưng cũng khá
linh hoạt đối với các quy định về nghiệp vụ, như: nếu không học chuyên ngành
thì phải học các khóa đào tạo nghiệp vụ ngắn hạn hoặc kiểm tra trình độ nghiệp
vụ (đối với người tự học) để được cấp chứng chỉ nghiệp vụ, nếu không tốt
nghiệp đại học ngoại ngữ hoặc tương đương thì có thể thi lấy các chứng chỉ
ngoại ngữ do các tổ chức có uy tín, được công nhận ở Việt Nam và thế giới hoặc
do cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở Trung ương (Tổng cục Du lịch) tổ
chức. Điều này đã tạo điều kiện cho những người có nhu cầu trở thành HDV du
lịch có nhiều cơ hội trau dồi, tích lũy kiến thức, kỹ năng phù hợp với yêu cầu
của nghề mà vẫn có thể tiết kiệm được thời gian, kinh phí đào tạo.
- Các quy định về sử dụng công cụ quản lý hiện đại đã được đưa vào áp
dụng, tạo điều kiện cho công tác quản lý chuyên nghiệp hơn từ Trung ương đến
địa phương. Cụ thể:
+ Trang web quản lý HDV trên mạng huongdanvien.vn là trang web quản
lý lao động của một ngành đầu tiên ở Việt Nam. Tính đến thời điểm năm 2012,
HDV du lịch là đội ngũ lao động được cấp thẻ hành nghề duy nhất ở nước ta
được quản lý thống nhất, công khai trên toàn quốc đến từng người.
+ Việc cấp, đổi, cấp lại thẻ HDV được quản lý chung trên mạng qua trang
web quản lý huongdanvien.vn tạo điều kiện cho các Sở Văn hóa, thể thao và du
lịch cập nhật, lưu trữ thông tin nhanh, chuẩn xác và khoa học. Thông tin giữa
các Sở về quản lý HDV thuận tiện, nhanh chóng và công khai. Đặc biệt, cơ quan
quản lý nhà nước về du lịch ở Trung ương (đại diện là Tổng cục Du lịch) với
quyền quản trị cao nhất của trang web đã kiểm soát được toàn bộ thông tin HDV
của các Sở: thông tin về tên tuổi, số thẻ, hạn thẻ, trình độ cơ bản, trình độ ngoại
ngữ... giúp công tác thống kê thuận lợi, giảm bớt các thủ tục báo cáo của các Sở.

Đồng thời, các văn bản hướng dẫn trong quản lý HDV được chuyển đến các Sở
nhanh chóng, đảm bảo thống nhất thời điểm tiếp nhận văn bản hướng dẫn, các
thắc mắc về những vấn đề phát sinh trong thực tiễn quản lý cũng được trao đổi,
7


giải quyết và phổ biến đến các Sở nhanh chóng, công khai.
+ Ngoài quản lý hồ sơ, quản lý công tác cấp, đổi, cấp lại thẻ HDV, phổ
biến thông tin quản lý..., trang huongdanvien.vn còn có phần dành riêng cho các
đơn vị đào tạo ngắn hạn nghiệp vụ hướng dẫn du lịch trên toàn quốc, công khai
thông tin tuyển sinh, cấp chứng chỉ cho học viên tạo điều kiện thuận lợi để các
sở quản lý du lịch đối chiếu thông tin học viên trong quá trình thẩm định hồ sơ,
cấp thẻ HDV du lịch.
+ Thẻ HDV được đổi đồng loạt trên toàn quốc, theo đó: thông tin về chủ
thẻ, về thời hạn hiệu lực của thẻ được công khai trên trang web chuyên ngành
vừa giúp các nhà quản lý các cấp quản lý đội ngũ HDV du lịch, vừa giúp chính
các HDV biết thông tin về đội ngũ HDV du lịch để hợp tác trong quá trình hành
nghề cũng như định hướng phấn đấu, hoàn thiện kỹ năng của mình. Đồng thời,
các nhà quản lý doanh nghiệp kinh doanh du lịch cũng có thể thông qua thông
tin công khai này tuyển dụng, sử dụng HDV trong quá trình kinh doanh, phục vụ
khách du lịch.
+ Chất liệu thẻ HDV đã thay từ giấy sang nhựa tổng hợp in thông tin dập
nổi, tráng từ để lưu trữ thông tin chủ thẻ trên thẻ. Điều này tạo điều kiện đồng bộ
trong quản lý và quan trọng hơn cả là chất liệu thẻ bền, đẹp, phù hợp với điều
kiện làm việc của HDV. Bộ dây đeo thẻ có in thông tin du lịch Việt Nam và bao
da đựng thẻ đồng bộ vừa tạo điều kiện bảo quản thẻ trong quá trình hành nghề
của HDV, tạo điều kiện cho khách phân biệt nhóm HDV và quan trọng hơn là
tạo hình ảnh chuyên nghiệp của HDV với du khách.
- Kết quả công tác cấp, đổi thẻ HDV du lịch trong thời gian từ năm 20102015 cho thấy: đội ngũ HDV du lịch trên toàn quốc không ngừng gia tăng về số
lượng cả HDV du lịch quốc tế và HDV du lịch nội địa (xem Bảng dưới đây). Đối

với HDV du lịch quốc tế, có khoảng 3% số HDV có thể sử dụng 2 ngoại ngữ 3.
Các ngoại ngữ mà HDV có thể sử dụng không chỉ dừng ở các ngoại ngữ thông
3

Nguồn: huongdanvien.vn/quanly.

8


dụng như Anh, Pháp, Trung mà còn mở rộng sang nhiều ngoại ngữ khác như
Nhật, Nga, Đức, Tây Ban Nha, Thái Lan, Hàn quốc, Lào, Campuchia, Indonesia,
Ả Rập, Bungaria...
Thống kê số liệu hướng dẫn viên du lịch giai đoạn 2010-2015 4
Năm

Tổng số HDV

HDV quốc tế

HDV nội địa

2010

5.969

4.603

1.366

2011


9.318

6.034

3.284

2012

12.193

7.190

5.003

2013

14.763

8.218

6.545

2014

15.414

8.728

6.686


2015

16.569

9.483

7.086

2016

16.650

9.500

7.150

1.2.2. Một số bất cập, hạn chế
Trong quá trình quản lý đội ngũ HDV du lịch từ cấp, đổi, cấp lại đến quá
trình hoạt động của HDV du lịch, một số bất cập, hạn chế đã nảy sinh. Mặc dù
cơ quan quản lý các cấp đã cố gắng nhưng những hạn chế này vẫn chưa được
khắc phục triệt để do nguồn gốc vấn đề là từ những quy định chưa phù hợp hoặc
đã trở nên không còn phù hợp của Luật Du lịch cần được sửa đổi kịp thời; bên
cạnh đó là những bất cập của công tác quản lý đào tạo nói chung đã tạo kẽ hở
khiến trong quá trình lập hồ sơ cấp thẻ hành nghề... Những bất cập này cần sự
phối hợp của ngành giáo dục, đào tạo, dạy nghề mới có thể giải quyết dứt điểm.
Cụ thể như sau:
a) Quy định về hướng dẫn viên du lịch quốc tế chưa phù hợp
Quy định HDV du lịch quốc tế cần có trình độ đại học khiến cho học sinh
các trường cao đẳng chuyên ngành du lịch, đặc biệt là học sinh từ các trường cao

đẳng nghề du lịch thuộc hệ thống trường chuyên ngành của Tổng cục Du lịch
4

Nguồn: Vụ Lữ hành – Tổng cục Du lịch.
9


(nay thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã có kinh nghiệm, đã qua chương
trình đào tạo, thực hành bài bản, có kỹ năng tốt... nhưng không được xét cấp thẻ
hướng dẫn quốc tế mà chỉ được xét cấp thẻ nội địa dù có khả năng sử dụng
thành thạo ngoại ngữ.
Hướng dẫn viên du lịch là một nghề, việc yêu cầu HDV du lịch phải tốt
nghiệp đại học là không cần thiết, không huy động được nguồn nhân lực học cao
đẳng được đào tạo chuyên sâu chuyên ngành hướng dẫn du lịch được tham gia
vào nghề, đồng thời không huy động được lực lượng có nghiệp vụ và ngoại ngữ
nhưng không có bằng đại học tham gia hành nghề. Đặc biệt là đối với các ngoại
ngữ ít thông dụng, việc quy định HDV du lịch phải có trình độ văn hóa cao đã
làm khó cho việc ra đời các quy định hướng dẫn nhằm đáp ứng nhu cầu HDV du
lịch trong từng thời kỳ.
b) Chưa có quy định chặt chẽ để kiểm soát được nạn bằng giả
Các quy định điều kiện về hồ sơ cấp, đổi thẻ khá thông thoáng, tạo điều
kiện cho công dân như các văn bằng, chứng chỉ chỉ cần bản sao công chứng,
thậm chí có loại chỉ cần bản sao, không yêu cầu đối chiếu bản gốc, thời gian
thẩm định ngắn, các chuyên viên phụ trách thẩm định hồ sơ cấp, đổi thẻ chỉ có
thể có thời gian xét tính hợp pháp của văn bằng, chứng chỉ thông qua dấu của cơ
quan chức năng (công chứng các cấp) để duyệt hồ sơ... đã dẫn đến nhiều trường
hợp công dân gian dối, dùng bằng (đại học, cao đẳng, trung cấp), chứng chỉ
(nghiệp vụ hoặc ngoại ngữ) giả để lập hồ sơ xin cấp thẻ HDV du lịch.
Một số cơ sở đào tạo không hợp tác trong quá trình các Sở, kể cả Tổng
cục Du lịch đề nghị xác minh bằng tốt nghiệp đại học của công dân. Vì chỉ cần

bằng tốt nghiệp đại học ngoại ngữ là công dân đã đáp ứng được 2 điều kiện để
được cấp thẻ HDV du lịch quốc tế nên trong số những người sử dụng bằng đại
học giả bị phát hiện thì có đến 90% làm giả bằng đại học ngoại ngữ. Đại học Hà
Nội (trước đây là trường Đại học Ngoại ngữ) là cơ sở đào tạo cử nhân ngoại ngữ
các hệ (chính quy, tại chức, từ xa...) lớn nhất, nên số lượng công dân sử dụng
bằng mang danh trường này để cấp thẻ khá đông, phát hiện nghi vấn về bằng
10


khá nhiều nhưng trường lại rất ít hồi âm xác minh của các sở5.
c) Chưa có quy định về mã ngành đào tạo du lịch
Các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, trung cấp nghề
mở chuyên ngành đào tạo HDV du lịch rất nhiều nhưng ngành du lịch lại chưa
được cấp mã ngành đào tạo trong hệ thống ngành đào tạo của Bộ Giáo dục và
Đào tạo. Điều này dẫn đến chương trình đào tạo du lịch nói chung cũng như
chuyên ngành hướng dẫn du lịch nói riêng chưa được chuẩn hóa từ chương trình
đến yêu cầu về giảng viên. Do vậy, chất lượng đào tạo chuyên ngành chưa đồng
đều, chưa cao. Các trường có chương trình tốt, đào tạo có kinh nghiệm, học sinh,
sinh viên ra trường có trình độ, kỹ năng tốt rất ít, hầu hết là các trường cao đẳng
thuộc hệ thống chuyên ngành của ngành Du lịch nhưng lại không đủ điều kiện
cấp thẻ quốc tế (như đã đề cập ở trên). Các trường đại học có đào tạo du lịch thì
chỉ có rất ít trường đào tạo chuyên ngành hướng dẫn viên nên sinh viên vẫn phải
học qua chương trình đào tạo ngắn hạn nghiệp vụ hướng dẫn mới được cấp thẻ.
Phần lớn các cơ sở đào tạo có chuyên ngành hướng dẫn lại là các trường trung
cấp được mở mã ngành Việt Nam học hoặc trường đại học mở mã ngành quản
trị dịch vụ du lịch- lữ hành. Học sinh tốt nghiệp các trường này đều đủ điều kiện
được cấp thẻ nội địa mà không cần thêm điều kiện gì. Tuy nhiên, do giới hạn của
các môn học bắt buộc của ngành học nên ở các trường này, thời lượng các môn
học chuyên ngành hướng dẫn cũng khá thấp.
d) Quy định về việc cập nhật kiến thức trước khi đổi thẻ hướng dẫn viên

du lịch chưa được thực hiện nghiêm túc
Sau quá trình hành nghề 3 năm, HDV du lịch phải đổi thẻ hành nghề.
Điều kiện để đổi thẻ là phải có chứng chỉ cập nhật thông tin, kiến thức ngành và
pháp luật để đảm bảo phục vụ khách du lịch được tốt hơn, đảm bảo chính xác
thông tin về ngành, về quốc gia cung cấp ra ngoài qua khách du lịch. Tuy nhiên,
một bộ phận khá lớn những người có bằng trung cấp chuyên ngành hướng dẫn,
được cấp thẻ nội địa, chỉ cần có bằng là được cấp mới nên đã không tham gia
5

Nhận định được rút ra từ báo cáo của các đoàn kiểm tra hoạt động cấp thẻ HDV du lịch tại các tỉnh của Tổng
cục Du lịch trong 2 năm 2015-2016.

11


các đợt tập huấn, cập nhật thông tin, kiến thức để đổi thẻ mà để thẻ hết hạn rồi
nộp hồ sơ cấp mới.
Bên cạnh đó, triển khai Luật Du lịch năm 2005, Sở Văn hóa, Thể thao và
Du lịch các tỉnh, thành đã tổ chức các lớp cập nhật kiến thức định kỳ cho HDV
du lịch trước khi đổi thẻ. Tuy nhiên, thời lượng giảng dạy của các Sở khác nhau,
kéo dài từ 2-5 ngày. Chất lượng giảng dạy còn nhiều bất cập, xuất hiện tình
trạng HDV chỉ đăng ký học nhưng không học hoặc học không tập trung nên chất
lượng và hiệu quả của các lớp bồi dưỡng định kỳ còn thấp.
đ) Quy định về việc thi tuyển, công nhận cấp bậc nghề nghiệp còn mang
tính hình thức
Luật Du lịch năm 2005 quy định HDV du lịch có quyền được thi tuyển và
công nhận cấp bậc nghề nghiệp6. Tuy nhiên, quy định này không triển khai được
trên thực tế vì việc hành nghề của HDV du lịch là do thỏa thuận giữa doanh nghiệp
kinh doanh du lịch và HDV. Doanh nghiệp là đơn vị trả lương, thưởng và các chế
độ khác theo thỏa thuận với HDV. Do đó HDV có cấp bậc nghề cao chưa chắc đã

được doanh nghiệp trả lương tương xứng vì điều này phụ thuộc vào nhu cầu của
doanh nghiệp và phụ thuộc vào thỏa thuận giữa hai bên. Hơn nữa đến nay chưa có
quy định về cấp bậc nghề HDV du lịch. Vì vậy, quy định về việc thi tuyển và công
nhận cấp bậc nghề nghiệp HDV du lịch là mang tính hình thức và không thả thi.
II. Một số kiến nghị hoàn thiện quy định pháp luật về hướng dẫn viên
du lịch
Để nâng cao chất lượng đội ngũ HDV du lịch trong thời gian tới, Luật du
lịch cần được sửa đổi, bổ sung một số quy định sau đây:
2.1. Sửa đổi quy định điều kiện về trình độ của hướng dẫn viên du
lịch
2.1.1. Đối với HDV quốc tế và HDV nội địa
Về nội dung này có hai phương án:
6

Điểm d Khoản 1 Điều 76 Luật Du lịch năm 2005.

12


Phương án 1: HDV quốc tế và HDV nội địa chỉ cần tốt nghiệp phổ thông
trung học và phải đạt kỳ kiểm tra về trình độ nghiệp vụ và ngoại ngữ.
Để triển khai phương án này, cần thành lập hội đồng thi quốc gia do Lãnh
đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là chủ tịch hội đồng, thành viên hội đồng
là người của Trung tâm đào tạo và cấp chứng chỉ VTOS (Tiêu chuẩn nghề du
lịch Việt Nam) của Tổng cục Du lịch, các chuyên gia và doanh nghiệp. Kỳ kiểm
tra được tổ chức định kỳ 1 năm 3 lần tại khu vực Bắc, Trung, Nam. Bộ Văn hóa,
Thể thao và Du lịch xây dựng ngân hàng đề và đáp án.
Phương án 2: Hạ tiêu chuẩn cấp thẻ HDV du lịch. Theo đó, người được
cấp thẻ HDV du lịch phải tốt nghiệp trung cấp ngành du lịch, chuyên ngành
hướng dẫn du lịch trở lên hoặc tốt nghiệp cao đẳng trở lên đối với chuyên ngành

khác và có chứng chỉ nghiệp vụ hướng dẫn du lịch7 do cơ quan có thẩm quyền
cấp8.
Luật cần quy định rõ điều kiện tốt nghiệp trung cấp ngành du lịch, chuyên
ngành hướng dẫn du lịch trở lên vì hiện nay rất nhiều trường có mã ngành Việt
Nam học cũng mở chuyên ngành hướng dẫn du lịch. Các trường này chưa có
nhiều kinh nghiệm và đội ngũ giảng viên đạt yêu cầu về nghiệp vụ, tuy nhiên
hiện nay việc mở mã ngành Việt Nam học còn dễ dàng, vì vậy, không kiểm soát
được chất lượng nhân lực HDV du lịch từ các trường này.
Vì vậy, cần nghiên cứu quy định theo Phương án 1 vì ưu điểm của
phương án này là thu hút được nhiều hơn lao động tham gia vào hoạt động
hướng dẫn du lịch, đồng thời vẫn đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực tham gia
vào hoạt động hướng dẫn du lịch, về lâu dài bảo đảm chất lượng dịch vụ du lịch,
hạn chế tối đa được tình trạng hành nghề hướng dẫn “chui”, hạn chế được tình
trạng sử dụng bằng cấp giả để xin cấp thẻ HDV du lịch, giảm thời gian, chi phí
cho HDV du lịch. HDV du lịch có thể tự học, tự nghiên cứu thay vì bắt buộc
7

Chứng chỉ nghiệp vụ hướng dẫn du lịch gồm 2 loại: khóa 1 tháng dành cho người học du lịch, khóa 3
tháng dành cho người học ngành khác.
Đơn vị cấp chứng chỉ là các trường đào tạo bậc cao đẳng trở lên có đăng ký đào tạo ngắn hạn nghiệp
vụ hướng dẫn du lịch với Tổng cục Du lịch.
8

13


phải tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ và ngoại ngữ.
2.1.2. Đối với HDV tại khu du lịch, điểm du lịch
Đối với HDV tại điểm du lịch không quy định trình độ, chỉ cần am hiểu
kiến thức về khu du lịch, điểm du lịch. Có chứng nhận đạt tiêu chuẩn về trình độ

hướng dẫn du lịch do cơ quan có thẩm quyền cấp. HDV tại tại khu du lịch, điểm
du lịch phải tham gia kỳ thi kiểm tra về nghiệp vụ hướng dẫn do Sở Du lịch/Sở
Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức hoặc đăng ký khóa học 3 tháng do cơ sở
đào tạo ngắn hạn nghiệp vụ hướng dẫn du lịch tổ chức. (Sở quản lý du lịch phối
hợp với cơ quan nhà nước đối với khu/điểm du lịch xây dựng ngân hàng câu hỏi
và đáp án, tổ chức kiểm tra và có giấy xác nhận về kiến thức của HDV tại điểm).
2.2. Bổ sung quy định tăng cường các biện pháp hạn chế nạn bằng
cấp giả
Cần hạn chế nạn bằng cấp giả bằng cách có quy định chặt chẽ nhằm tăng
cường áp dụng công nghệ thông tin trong việc công bố các văn bằng, chứng chỉ,
giúp giảm thời gian thẩm định cho các Sở Du lịch/Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Trước tiên, Tổng cục Du lịch tiếp tục duy trì và nâng cấp hệ thống quản lý HDV
du lịch trên mạng www.huongdanvien.vn phối hợp với các Sở và các trường đào
tạo ngắn hạn nghiệp vụ hướng dẫn du lịch và ngoại ngữ công khai thông tin trên
mạng để tạo điều kiện cho công tác thẩm định và cấp thẻ. Tổ chức thi sát hạch
trình độ nghiệp vụ và ngoại ngữ để đảm bảo chất lượng nhân lực xin cấp thẻ, tạo
điều kiện cho người có nhu cầu tự học và đăng ký thi xác nhận trình độ để cấp
thẻ HDV du lịch.
2.3. Bổ sung quy định về cấp mã ngành đào tạo du lịch, bỏ quy định
thi tuyển, công nhận cấp bậc nghề nghiệp
Từ thực trạng đã phân tích ở phần trên, phần lớn các cơ sở đào tạo có
chuyên ngành hướng dẫn là các trường trung cấp, đại học được mở mã ngành
Việt Nam học hoặc ngành quản trị dịch vụ du lịch – lữ hành nên việc đào tạo
cũng như giảng dạy về chuyên ngành này chưa được chuẩn hóa. Theo Thông tư
14


số 15/VBHN-BGDĐT, ngày 08 tháng 5 năm 2014 quy định về danh mục giáo
dục, đào tạo cấp IV trình độ cao đẳng, đại học thì ngành đạo tạo du lịch chưa
được đề cập trong danh mục này. Điều này gây ra sự không thống nhất giữa các

hệ đào tạo chuyên ngành về du lịch nói chung cũng như chuyên ngành đào tạo
về hướng dẫn viên du lịch nói riêng.
Vì vậy, đề nghị Bộ giáo dục và Đào tạo cần bổ sung vào danh mục giáo
dục, đào tạo mã ngành đạo tạo du lịch nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các
trường chuyên đào tạo về du lịch đầu tư, phát triển và đảm bảo quyền lợi của các
em sinh viên khi đăng ký học tập nghề du lịch.
Đối với việc thi tuyển, công nhận cấp bậc, xếp hạng và tiền lương, trong
Luật Du lịch không nên quy định về những vấn đề này. Bởi, việc thi tuyển, công
nhận cấp bậc nghề nghiệp, xếp hạng và tiền lương của HDV du lịch là do thỏa
thuận giữa HDV du lịch và doanh nghiệp lữ hành.
2.4. Sửa đổi quy định về cách thức cập nhật kiến thức trước khi đổi
thẻ hướng dẫn viên du lịch
Cần có quy định về việc cập nhật kiến thức về chủ trương, chính sách của
Đảng và Nhà nước, kiến thức về các sản phẩm du lịch, khu du lịch, điểm du lịch
mới của địa phương. Tuy nhiên, cần đổi mới cách thức cập nhật, tạo điều kiện
cho HDV du lịch tự học và cập nhật kiến thức, đồng thời tổ chức kiểm tra để bảo
đảm chất lượng của HDV du lịch. Theo đó, quy định những thông tin cần thiết
mà HDV du lịch phải tự cập nhật và Sở Du lịch/Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ
chức kiểm tra kiến thức trước khi cấp đổi thẻ cho HDV du lịch. Sở Du lịch/Văn
hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng ngân hàng đề trên cơ sở ngân hàng đề do Bộ
Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành. Việc quy định này để khắc phục tình
trạng “đánh trống ghi tên”, đồng thời tạo điều kiện cho HDV du lịch tự học và tự
nghiên cứu, giảm thời gian và chi phí cho HDV phải học lớp bồi dưỡng kiến
thức định kỳ, đồng thời bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực HDV du lịch được
cấp đổi thẻ khi hành nghề hướng dẫn.
Nên giữ quy định về thời hạn đổi thẻ là 3 năm vì 3 năm là khoảng thời
15


gian khá dài, các kiến thức về kinh tế, xã hội, du lịch đã có nhiều thay đổi, do đó

cần phải đổi thẻ để HDV du lịch có ý thức trau dồi kiến thức và nâng cao nghiệp
vụ hướng dẫn.

KẾT LUẬN
Ngành du lịch nước ta đã và đang phát triển khá mạnh mẽ, ngày càng thu
hút được nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế, là điểm đến an toàn và thân
thiện được nhiều du khách lựa chọn. Tuy nhiên, du lịch Việt Nam vẫn đang được
đánh giá là “đất nước giàu tài nguyên nhưng nghèo sản phẩm cho khách du lịch”
mà nguyên nhân là do trình độ năng lực quản lý nhà nước về du lịch còn có mặt
hạn chế, cũng như các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, những người hoạt động
trong lĩnh vực du lịch còn thiếu sáng tạo và thiếu tính chuyên nghiệp, trong đó
không thể không nói đến đội ngũ hướng dẫn viên du lịch - những người được
coi là linh hồn, sự sống còn của một chương trình du lịch, người chuyển tải các
thông điệp của sản phẩm du lịch cho khách du lịch. Vì vậy, việc nhận thức đúng
về vai trò, tầm quan trọng của hướng dẫn viên du lịch để từ đó sửa đổi các quy
định chưa phù hợp hoặc không còn phù hợp của Luật Du lịch năm 2005, đề xuất
các giải pháp hợp lý nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ hướng dẫn viên du lịch
sẽ góp phần vô cùng quan trọng trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm du
lịch, góp phần đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn mà Nghị
quyết số 92/NQ-CP ngày 08/12/2014 của Chính phủ về một số giải pháp đẩy
mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới đã đề ra.

16


TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.

Luật Du lịch năm 2005.


2.

Nghị định số 01/2012/NĐ-CP ngày 04/01/2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ
sung, thay thế hoặc bãi bỏ, hủy bỏ các quy định có liên quan đến thủ tục
hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Văn hóa, Thể thao và
Du lịch.

3.

Nghị định số 158/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính
trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo.

4.

Nghị định số 180/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 về việc sửa đổi, bổ sung
một số điều của Nghị định số 92/2007/NĐ-CP ngày 01/6/2007 quy định
chi tiết thi hành một số điều của Luật Du lịch.

5.

Nghị định số 92/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ
quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Du lịch (có hiệu lực từ
ngày 14 tháng 7 năm 2007).

6.

Nghị quyết số 92/NQ-CP ngày 08/12/2014 của Chính phủ về một số giải
pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới.

7.


Thông tư số 07/2011/TT-BVHTTDL ngày 07/6/2011 của Bộ Văn hóa, Thể
thao và Du lịch sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ, hủy bỏ các quy
định có liên quan đến thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản
lý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

8.

Thông tư số 48/2010/TT-BTC ngày 12/4/2010 của Bộ Tài chính hướng
dẫn chế độ thu, nộp và quản lý sử dụng lệ phí cấp giấy phép kinh doanh lữ
hành quốc tế, cấp giấy phép thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện
doanh nghiệp du lịch nước ngoài tại Việt Nam, cấp thẻ hướng dẫn viên du
lịch, cấp giấy chứng nhận thuyết minh viên.

9.

Thông tư số 89/2008/TT-BVHTTDL ngày 31/12/2008 của Bộ trưởng Bộ
Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn thực hiện Nghị định số
92/2007/NĐ-CP ngày 01/6/2007 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành
một số điều của Luật Du lịch về kinh doanh lữ hành, chi nhánh, văn
phòng đại diện của doanh nghiệp du lịch nước ngoài tại Việt Nam, hướng
dẫn du lịch và xúc tiến du lịch.

10. Trang thông tin điện tử huongdanvien.vn.
17



×