Tải bản đầy đủ (.pdf) (1,017 trang)

lieu-trai-chi-di_bo-tung-linh

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (4.71 MB, 1,017 trang )


Giới thiệu
... Không lạ gì mà Liêu Trai Chí Dị có thể làm say mê cả những người ít học. Bởi vì trong mọi
xã hội và thời đại, các yếu tố văn hóa truyền thống luôn sống cuộc sống của chúng không chỉ
trong những văn hiến thư tịch hay các công trình khảo cứu của giới trí thức, mà chủ yếu và quan
trọng nhất là trong cuộc sống thường nhật với những mối bận tâm chung nhất của đông đảo nhân
dân.
Bản dịch trọn bộ này gồm 432 truyện trong Liêu Trai Chí Dị và 68 truyện trong Liêu Trai Chí
Dị Thập Di, tất cả gồm 500 truyện.


Đọc Và Dịch Liêu Trai Chí Dị
Đọc Liêu Trai Chí Dị
“Liêu Trai chí dị: bút ký tiểu thuyết, Thanh Bồ Tùng Linh trước, phân thập lục quyển, tứ bách tam
thập nhất thiên. Tùng Linh tự Liễu Tuyền, Sơn Đông Truy Xuyên nhân. Ấu hữu dật tài, lão nhi bất đạt,
cố thử thư đa tá hồ quỷ chi sự dĩ hãn kỳ bất bình, diệc hữu tùng Đường nhân truyền kỳ chuyển hóa nhi
xuất dã. Phả điêu trác tự cú, mô phỏng cổ nhã, cố văn nhân đa hy duyệt chi!” (Liêu Trai chí dị: tập
truyện ký, do Bồ Tùng Linh thời Thanh trước tác, chia làm 16 quyển, có 431 truyện. Tùng Linh tự
Liễu Tuyền, người huyện Truy Xuyên tỉnh Sơn Đông. Lúc trẻ có tài hơn người, nhưng về già vẫn không
thành đạt, nên sách ấy phần lớn là mượn chuyện hồ quỷ để phát tiết nỗi bất bình; cũng có khi là dựa
theo các truyện truyền kỳ của người . thời Đường, thay đổi lại mà soạn ra. Câu chữ ít nhiều có gọt
giũa, phỏng theo lối văn chương phong nhã thời cổ, nên văn nhân nhiều người thích xem).
“Liêu Trai chí dị: tiểu thuyết danh, phàm bát quyển, hoặc tích vi thập lục quyển, kê tứ bách tam
thập nhất thiên, Thanh Bồ Tùng Linh soạn. Ký thần tiên hồ quỷ tinh mị cố sự, miêu tả ủy khúc, tự thứ
tỉnh nhiên; ngẫu thuật sở văn, diệc đa giản khiết. Mỗi quyển chi mạt, thường xuyết tiểu văn. Cựu thời
cực phong hành, kim sảo suy hĩ” (Liêu Trai chí dị: tên tập truyện, gồm 8 quyển, có khi tách làm 16
quyển, tổng cộng 431 truyện, do Bồ Tùng Lỉnh thời Thanh soạn. Nội dung là ghi chép lại chuyện cũ về
thần tiên hồ quỷ yêu quái, miêu tả chi tiết, sắp xếp phân minh; có chỗ là kể lại chuyện mình nghe, phần
lớn cũng rõ ràng ngắn gọn. Ở cuối mỗi quyển thường thêm lời bình ngắn. Ngày trước được truyền tụng
rất rộng rãi, đến nay có giảm đi).
"Liêu Trai chí dị: thư danh, bát quyển, hoặc tích vi thập lục quyển, kê tứ bách tam thập nhất thiên,


Thanh Bồ Tùng Linh soạn. Ký thần tiên hồ quỷ tinh mị chi sự, miêu tả ủy khúc, văn từ diễm lệ, tự thứ
tỉnh nhiên; ngẫu thuật sở ván, diệc đa giản khiết. Mỗi quyển chi mạt, thường xuyết tiểu văn. Cựu thời
cực phong hành" (Liêu Trai chí dị: tên sách, gồm 8 quyển, có khi tách làm 16 quyển, tổng cộng 431
truyện, do Bồ Tùng Linh thời Thanh soạn. Nội dung là ghi chép lại chuyện về thần tiên hồ quỷ yêu
quái, miêu tả chi tiết, lời văn đẹp đẽ, sắp xếp phân minh; có chỗ là kể lại chuyện mắt thấy tai nghe,
phần lớn cũng rõ ràng ngắn gọn. Ở cuối mỗi quyển thường thêm lời bình ngắn. Ngày trước được truyền
tụng rất rộng rãi). "Liêu Trai chí dị: văn ngôn đoản thiên tiểu thuyết tập, Thanh Bồ Tùng Linh tác. Lịch
Thành Trương Hy Kiệt đích Chú Tuyết Trai sao bản Liêu Trai chí dị phân vi thập nhị quyển, hữu mục
tứ bách bát thập bát thiên. Hiện tồn tối tảo khắc bản vi Thanh Càn Long tam thập nhất niên Thanh Kha
Đình bản, tắc phân vi thập lục quyển, tứ bách dư thiên, đãn thiên mục tinh bất hoàn toàn. Giải phóng
hậu hoàn phát hiện liễu tác giả đích bán bộ thủ cảo (định cảo bản), tằng ảnh ấn xuất bản, hựu hữu "Hội
hiệu hội chú hội bình" bản, sở thu thiên mục hiệu vi hoàn bị. Tác giả dĩ phong phú đích tưởng tượng,
tịnh tá giám đương thời lưu hành cố sự dữ tiền nhân chi tác, sáng tạo xuất bất thiểu ưu tú tác phẩm.
Cấu tứ kỳ diệu, ngữ ngôn sinh động, dĩ đàm hồ thuyết quỷ đích biểu hiện hình thúc, đối đương thời
hiện thực đích hắc ám hòa quan lại đích tội ác phả đa bộc lộ, vu khoa cử chế độ hòa lễ giáo đô hữu sở


phê phán; tinh dĩ đồng tình bút điêu miêu hội liễu thanh niên nam nữ chân thành tương ái đích cố sự.
Đãn thư trung dã tồn tại trước nhất ta nhân quả báo ứng chi thuyết hòa mê tín sắc thái” (Liêu Trai chí
dị: tập truyện ngắn văn ngôn, do Bồ Tùng Linh thời Thanh sáng tác. "Bản sao Liêu Trai chí dị của Chú
Tuyết Trai" của Trương Hy Kiệt ở Lịch Thành chia làm 12 quyển, có mục lục gồm 488 truyện. Bản in
sớm nhất hiện còn là bản của Kha Đình thời Thanh in năm Càn Long thứ 31 (1766) thì chia làm 16
quyển, hơn 400 truyện, nhưng mục lục cũng không đầy đủ. Sau ngày giải phóng (tức 1949, năm thành
lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa) lại phát hiện được nửa bản viết tay của tác giả (bản thảo
hoàn chỉnh), từng in ảnh xuất bản, lại có bản Hội hiệu hội chú hội bình thu thập mục lục đầy đủ hơn
cả. Tác giả lấy trí tưởng tượng phong phú, mượn các truyện cổ lưu hành đương thời và các sáng tác
của người trước mà sáng tạo ra không ít tác phẩm ưu tú. Kết cấu hay lạ, lời lẽ sinh động, lấy hình thức
biểu hiện là chuyện yêu ma hồ quỷ, vạch trần sự đen tối của hiện thực và tội ác của quan lại đương
thời, đối với chế độ khoa cử và lễ giáo đều có sự phê phán; lại tỏ thái độ đồng tình khi miêu tả những
chuyện cổ về tình yêu chân thành của thanh niên nam nữ. Song trong sách cũng còn tồn tại một ít quan

niệm nhân quả báo ứng và màu sắc mê tín). "Liêu Trai chí dị: Thanh đại kiệt xuất đích văn ngôn đoản
thiên tiểu thuyết tập. Tác giả Bồ Tùng Linh, thư thành vu Khang Hy niên gian. Thư phân thập nhị
quyển, kê tứ bách cửu thập nhất thiên, 1962 niên Trung Hoa thư cục bài ấn bản. Thư trung cố sự đại
đa dĩ hồ tiên quỷ mị vi đề tài, cấp phú lãng mạn chủ nghĩa sắc thái nhi hựu câu hữu phong phú đích
nội dung hòa thâm khác đích hiện thục chủ nghĩa. Nội dung bao quát đối tham quan ô lại sĩ hào thế
thân dĩ cập phủ hủ đích khoa cử chế độ đích khể lộ, đối thanh niên nam nữ chân chính ái tình hôn nhân
đích nhiệt tình ca tụng; thử ngoại hoàn hữu nhất ta hữu giáo đục ý nghĩa đích ngụ ngôn cố sự đẳng. Giá
ta nội dung chủ yếu bộc lộ liễu phong kiến xã hội đích hắc ám hòa hủ bại, dĩ cập tác giả đối lý tưởng
thế giới hòa mỹ hảo nhân vật đích truy cầu, ca tụng. Tiểu thuyết sung mãn kỳ dị khôi lệ đích ảo tưởng,
tố tạo nhân vật hủ hủ nhi sinh, hô chi dục xuất, tình tiết điệt đãng đàng ná, sinh động đa biến. Ngử ngôn
tinh luyện hàm súc, văn bút lưu sướng truyền thần, “Tả quỷ tả yêu cao nhân nhất đẳng, thích tham thích
ngược nhập cốt tam phân", câu hữu độc đặc đích phong cách, tại ngã quốc tiểu thuyết sử thượng chiếm
hữu hẩn cao đích địa vị. Đãn thư trung dã tồn tại trước phong kiến luân lý quan niệm hòa phong kiến
sắc thái" (Liêu Trai chí dị: tập truyện ngắn văn ngôn kiệt xuất thời Thanh. Tác giả là Bồ Tùng Linh,
sách hoàn thành trong đời Khang Hy (1662-1722). Sách chia làm 12 quyển, gồm 491 truyện, năm
1962 Trung Hoa thư cục đã sắp xếp xuất bản. Truyện trong sách phần lớn là lấy đề tài hồ tiên ma quỷ,
có nhiều màu sắc của chủ nghĩa lãng mạn, lại mang nội dung phong phú và chủ nghĩa hiện thực sâu
sắc. Nội dung nói chung là tố cáo bọn tham quan ô lại, cường hào ác bá và chế độ khoa cử mục nát,
nhiệt tình ca ngợi tình yêu và hôn nhân chân chính của thanh niên nam nữ, ngoài ra còn có một ít truyện
cổ loại ngụ ngôn có ý nghĩa giáo dục. Nội dung nói trên chủ yếu là vạch trần sự đen tối và mục ruỗng
của xã hội phong kiến đồng thời nói lên sự mong mỏi, ngợi ca của tác giả về một thế giới lý tưởng và
những con người tốt đẹp. Tập truyện đầy ắp những sự tưởng tượng lạ lùng đẹp đẽ, nhân vật được sáng
tạo sống động chân thực, tình tiết bất ngờ biến ảo. Lời lẽ gọt giũa hàm súc, văn chương trôi chảy linh
hoạt, "Tả quỷ tả ma cao bậc nhất, châm tham châm bạo thấu vào xương” đều có phong cách độc đáo


đặc biệt, chiếm địa vị rất cao trong lịch sử truyện ngắn của nước ta. Nhưng trong sách cũng còn tồn tại
quan niệm luân lý phong kiến và màu sắc phong kiến).
"Liêu Trai chí dị: Thư danh, Thanh Bồ Tùng Linh (1640-1715) trước. Đoản thiên tiểu thuyết tập,
thập nhị quyển, nhất tác thập lục quyển, cộng tứ bách tam thập nhất thiên. Tối tảo hữu Chú Tuyết Trai

sao bản, Càn Long tam thập nhất niên (1766 niên) Thanh Kha Đình khắc bản, nhị giả phân quyển, thiên
mục lược dị. 1949 niên hậu phát hiện bán bộ thủ cảo, 1955 niên do Văn học Cổ tịch san hành xã ảnh
ấn, 1978 niên Thượng Hải Cổ tịch xuất bản xã hữu Trương Hữu Hạc tập hiệu "Hội hiệu hội chú hội
bình" bản, hiệu hoàn bị. Cai thư hàm truyền kỳ, chí quái, dị sự đẳng nội dung. Nhiên đa tả hồ quỷ, yêu
biến, dị quái cố sự, nghệ thuật thủy bình trăn chí văn ngôn tiểu thuyết đỉnh phong" (Liêu Trai chí dị:
tên sách, Bồ Tùng Linh (1640-1715) thời Thanh sáng tác, là tập truyện ngắn, gồm 12 quyển, có khi
chia làm 16 quyển, cộng 431 truyện. Cổ nhất có bản sao của Chú Tuyết Trai, năm Càn Long thứ 31
(1766) Kha Đình khắc bản, hai bản chia quyển, mục lục hơi khác nhau. Sau 1949 phát hiện được nửa
bản viết tay của tác giả, năm 1955 Văn học cổ tịch san hành xã in ảnh xuất bản, năm 1978 Thượng Hải
cổ tịch xuất bản xã có bản "Hội hiệu hội chú hội bình" của Trương Hữu Hạc tập hợp so sánh các bản,
đầy đủ hơn cả. Sách này mang nội dung truyền kỳ, chí quái, việc lạ, nhưng phần lớn kê chuyện cổ hồ
quỷ, yêu ma, quái dị, về trình độ nghệ thuật thì đạt tới đỉnh cao của tiểu thuyết văn ngôn).
Trên đây là sáu định nghĩa về mục từ "Liêu Trai chí dị” nêu trong sáu quyển từ điển của Trung
Hoa mà theo thứ tự là Từ nguyên (Chính tục biên hợp đính bản), Thương vụ ấn thu quán xuất bản,
Thượng Hải, 1939; Từ hai (hợp đính bản), Trung Hoa thư cục xuất bản, Thượng Hải, 1948; Trung văn
đại từ điển. Trung Quốc văn hóa Nghiên cứu sở xuất bản, Đài Bắc, 1962 Từ hải, Tân thư xuất bản xã,
Thượng Hải, 1989; Trung Quốc tiểu thuyết đại từ điển, Tác giả xuất bản xã, Bắc Kinh, 1991 và Trung
Quốc Quỷ văn hóa đại từ điển, Quảng Tây dân tộc xuất bản xã, 1994. Dễ nhận ra rằng đặc điểm về
mục đích và hoàn cảnh biên soạn riêng biệt của mỗi quyển từ điển đã dẫn tới những khác biệt giữa các
định nghĩa nói trên, sự khác biệt thể hiện và phản ảnh quá trình nhận thức và tìm hiểu của người đọc
Trung Hoa về Liêu Trai chí dị, song tựu trung sáu định nghĩa ấy đều đề cập tới bốn yếu tố là văn bản,
nội dung, ý nghĩa và nghệ thuật của tác phẩm. Việc tìm hiểu giá trị tác phẩm khởi đi từ tổng thể các
yếu tố ấy có thể góp phần làm sáng tỏ thêm giá trị và ảnh hưởng của Liêu Trai chí dị, một kiệt tác hàng
trăm năm qua từng làm say mê nhiều người đọc Việt Nam.
Về văn bản, Liêu Trai chí dị có một nét đặc biệt. Theo Từ hải 1989 và Trung Quốc tiểu thuyết đại
từ điển 1991 thì Liêu Trai chí dị gồm 12 quyển, 488 hay 491 truyện. Các con số trên rõ ràng là dựa
theo bản Hội hiệu hội chú hội bình, mà bản này dựa trên cơ sở nửa bản chép tay của Bồ Tùng Linh
được phát hiện sau 1949. Tuy nhiên, sự ghi nhận về văn bản Liêu Trai chí dị ở Trung Quốc cũng khá
phức tạp. Chẳng hạn Từ nguyên năm 1939 kể là có 16 quyển, 431 truyện, Từ hải 1948 kể là có 8 hoặc
16 quyển, 431 truyện, đến Trung văn đại từ điển xuất bản ở Đài Loan năm 1962 thì vẫn kể ra 8 hoặc

16 quyển, 431 truyện như Tù hải 1948. Tù hải 1989 không nêu rõ, nhưng cũng cho rằng bản Hội hiệu
hội chú hội bình là đầy đủ hơn cả, tức cũng tán thành con số 12 quyển, 491 truyện như Trung Quốc
tiểu thuyết đại từ điển 1991. Nhưng Trung Quốc Quỷ văn hóa đại từ điển 1994 lại kể ra 12 (hoặc 16)


quyển, 431 truyện, nghĩa là lại quay về với các văn bản truyền thống. Nét đặc biệt này không gì khác
hơn là ánh phản của quá trình phổ biến Liêu Trai chí dị ở Trung Quốc nói riêng và ở các quốc gia
dùng chữ Hán trước đây nói chung. Chúng tôi không có được các bản in Liêu Trai chí dị 12 quyển để
đối chiếu, nhưng Trung Quốc Quỷ văn hóa đại từ điển có kể ra một số truyện thuộc "Văn hóa Ma
Trung Quốc” theo mục lục của các bản này, cụ thể như sau:
Khảo Thành hoàng, Thi biến, Đồng nhân ngữ, Giáo quỷ, Vương Lục lang, Trường Thanh tăng,
Tăng nghiệt, Tú thập thiên, Vương Lan, Ung hổ thần, Hoa bì, Thiểm Hữu Mỗ Công, Miếu quỷ, Lục
phán, Nhiếp Tiểu Thiến, Thủy mãng thảo, Cảnh Thập bát thuộc quyển I.
Châu nhi, Liên Hương, Trương Thành, Xảo nương, Ngô huyện nhị Thành hoàng, Lâm Tứ nương
thuộc quyển II.
Giang trung quỷ quái, Lỗ Công nữ, Lý Trung Chi, Lý Bá Ngôn, Liên Toa, Nê quỷ, Liên Thành,
Hoắc sinh, Dụ quỷ, Lý Tư giám thuộc quyển III.
Công Tôn Cửu Nương, Xúc chức, Thổ địa phu nhân, Tụchoàng lương, Liễu Tú tài, Phong Đô Ngự
sử, Kỳ quỷ, Tửu cuồng Mục sinh, Bố khách thuộc quyển IV. Chương A Đoan, Lý Thường Cửu kiến
Diêm Vương, Thổ ngẫu sinh tử, Trường Trị nữ tu, Ngũ Thu Nguyệt, Liễu thị tử, Đậu thị thuộc quyển V.
Thu Dung dữ Tiếu Tạ, Ải quỷ, Khao tệ ty, Hướng Cảo, Nhiếp Chính xích quyền quý thuộc quyển
VI. Mai nữ hòa Phong Vân Đình, Tư tăng bão Phật đầu, Ngưu Thành Chương, Kim Cô phu, Diêm La
hoăng, Chu Thương bình oan ngục, Hoạn Nương thuộc quyển VII. Quỷ thê, Chư sinh, Tư văn lang,
Trần Tích Cửu, Chu Khắc Xương thuộc quyển 8. Vu Khứ ác, ái Nô, Lưuphu nhân, Ấp nhân tao lăng trì
thuộc quyển IX. Bố thương bị cứu, Tịch Phương Bình, Long Phi tướng Công, Thân thị, NhiệmTú thuộc
quyển X. Vãn Hà dữ A Đoan, Vương Thập, Gia Bình Công tử, Chiết lâu nhân thuộc quyển XI. Lão
Long thuyền hộ, Cổ bình, Nguyên Thiếu tiên sinh, Tiết Ủy nương, Điền Tử Thành, Lưu Toàn, Hoàn hầu
yến tân, Cẩm Sắt, Phòng Văn Thục, Công Tôn Hạ thuộc quyển XlI.
Ngoài một số truyện có tên khác với trong các bản 16 quyển như Giang trung quỷ quái (Giang
trung, quyển XIV), Lý Trung Chi (Diêm La, quyển XIV), Tửu cuồng Mục sinh (Tửu cuồng, quyển

XlV), Lý Thường Cửu kiến Diêm Vương (Diêm Vương, quyển XV), Thổ ngẫu sinh tư (Thổ ngẫu,
quyển XV), Thu Dung dữ Tiểu Tạ (Tiểu Tạ, quyển IX), Nhiếp Chính hách quyền quý. (Nhiếp Chính,
quyển VIII), Mai nữ hòa Phong Vân Đình (Mai nữ, quyển VII), Tử tăng bão Phật đầu (Tử tăng, quyển
XIV), Chu Thương bình oan ngục (Oan ngục, quyển IX), Ấp nhân tao lăng trì (ấp nhân, quyển XVI),
Bố thương bị cứu (Bố thương, quyển XI), Vãn Hà dữ A Đoam (Vãn Hà, quyển IV), Hoàn hầu yến tân
(Hoàn hầu, quyển XII), thì theo nội dung được tóm tắt, có một số truyện không thấy có trong các bản
16 quyển như Ngô Huyện nhị Thành hoàng, Dụ quỷ, Thô địa phu nhân (ngoàira, bản dịch Liêu Trai chí
[1]

dị ra chữ quốc ngữ la tinh vào loại sớm nhất ở miền Bắc là Tân Liêu Trai của Vũ Hi Tô dịch 8
truyện Hương Ngọc, Thư si, Lỗ Công nữ, Phòng Dỹ, Phượng Tiên, Lục y nữ, Chúc Thanh, Chức Thành
thì truyện Phòng Dỹ cũng không thấy có trong các bản Liêu Trai chí dị 16 quyển). Tuy nhiên, đó chính
[2]

là các truyện Ngô lệnh, Dụ quỷ, Nữ quỷ trong Liêu Trai chí dị thập di . Nhưng đáng nói là chính


Trung Quốc Quỷ văn hóa đại từ điển cũng vừa ghi nhận các truyện Ngô Huyện nhị Thành hoàng, Dụ
quỷ, Thổ địa phu nhân trong Liêu Trai chí dị vừa ghi nhận các truyện Ngô lệnh, Dụ quỷ, Nữ quỷ trong
Liêu Trai chí dị thập di: rõ ràng các bản Liêu Trai chí dị 12 quyển đã gộp cả Liêu Trai chí dị thập di.
Tóm lại Liêu Trai chí dị 12 quyển là sự hợp nhất Liêu Trai chí dị và Liêu Trai chí dị thập di của Bồ
Tùng Linh. Có lẽ sau khi biên soạn Liêu Trai chí dị thập di, Bồ Tùng Linh đã tiến hành hợp nhất cả
hai làm một với kết cấu 12 quyển có sửa chữa, bổ sung. Công việc này hoặc chưa hoàn tất, hoặc một
nửa bản thảo của bản "tập đại thành” nói trên đã bị mất. Cần nói thêm rằng bản Hội hiệu hội chú hội
bình cũng có những chỗ chưa hợp lý: nhan đề truyện Mai nữ đã được đổi thành Mai nữ hòa Phong Vân
Đình (Cô gái họ Mai và Phong Vân Đình), từ “hòa" (và) này không phải của văn pháp văn ngôn thời
Bồ Tùng Linh mà là của văn chương bạch thoại... Rõ ràng vấn đề văn bản Liêu Trai chí dị chưa phải
đã chấm dứt ở bản Hội hiệu hội chú hội bình, nên tình hình nói trên cũng cho phép người ta yên tâm
khi đọc các văn bản truyền thống gồm Liêu Trai chí dị và Liêu Trai chí dị thập di.
Về Liêu Trai chí di thập di, Trung Quốc Quỷ văn hóa đại từ điển định nghĩa như sau “Liêu Trai

chí dị thập di. Thư danh, Thanh Bồ Tùng Linh soạn, bút ký tiểu thuyết tập, nhất quyển. Cai thư vi Liêu
Trai chí dị thập di bộ phận, hữu Dân quốc so niên Thượng Hải Tiến bộ đồ thư cục thạch ấn bản, Bút
ký tiểu thuyết đại quan bản. Nội dung đồng tiền thư, thư trung thu hữu Dụ quỷ, Nữ quỷ, Quỷ lại đảng
đa điều quỷ thoại" (Liêu Trai chí dị thập di. Tên sách, Bồ Tùng Linh thời Thanh soạn, là một tập bút
ký tiểu thuyết, một quyển. Sách này là phần bổ sung của Liêu Trai chí dị, có bản thạch ấn của Thượng
Hải Tiến bộ đồ thư cục và bản Bút ký tiểu thuyết đại quan đầu thời Dân quốc. Nội dung cũng như sách
trước, thu thập nhiều chuyện ma nhu Dụ quỷ, Nữ quỷ, Quỷ lại). Theo bản Liêu Trai chí dị thập di,
Minh Đức Đồ thư Công ty tái bản, Hương Cảng, 1961 mà chúng tôi sử dụng, quyển Thập di này có tất
cả 68 truyện (xem Mục lục)
Về con số 431 truyện thì có điểm hơi lạ, vì bản Tường chú Liêu Trai chí di đồ vịnh, Quảng Trí
thư cục, Hương Cảng, 1961 (ảnh ấn lại bản in thạch bản Tường chú Liêu Trai chí dị đồ vịnh năm
Quang Tự thứ 12 - 1886, gọi tắt là bản Hương Cảng) và bản Túc bản Liêu Trai chí dị, Đại Trung
Quốc Đồ thư Công ty, Đài Bắc, 1963 (gọi tắt là bản Đài Bắc) đều có 432 truyện (Từ điển tác gia văn
học và sân khấu nước ngoài, Hữu Ngọc chủ biên, Nxb. Văn hóa, Hà Nội, 1980 cũng ghi nhận con số
này). Trong hoàn cảnh tư liệu hiện nay chúng tôi chưa tìm hiểu được vấn đề nói trên, nên căn cứ vào
thực tế văn bản của hai bản Hương Cảng và Đài Bắc có trong tay, tạm thời chấp nhận con số 432
truyện. Như vậy, kể cả 68 truyện trong quyển Thập di, Liêu Trai chí di có đúng 500 truyện, không kể
một số truyện trong các tài liệu khác được chép phụ vào. Tìm hiểu văn bản Liêu Trai chí dị ngoài tác
dụng góp phần làm sáng tỏ quá trình hình thành của tác phẩm còn ít nhiều có tác dụng trực tiếp trong
việc tìm hiểu nội dung và ý nghĩa các truyện trong tác phẩm. Nhìn từ kết cấu hình thức, các truyện
trong Liêu Trai chí dị gồm hai loại: một loại có lời bình của tác giả, phần nhiều có ghi "Dị Sử thị nói"
(193 truyện, trong đó phần Thập di có 7 truyện, nếu kể cả nhũng truyện có lời bình nhưng không ghi
“Dị Sử thị nói" như Phục hỏa trong quyển II, Thủy tai trong quyển III, A Hà trong quyển VI, Thâu đào,
Khâu kỹ trong quyển XIII thì có trên 200) và một loại chỉ có phần “chí dị”. Quan sát các bản 16


quyển, có thể thấy các truyện có lời bình "Dị Sử thị nói" tập trung trong khoảng mười hai quyển đầu
(121/233 truyện), các truyện này nhìn chung khá dài, có bố cục chặt chẽ, cốt truyện rõ ràng, còn các
truyện không có lời bình chủ yếu tập trung ở bốn quyển cuối (134/199 truyện) và quyển Thập di
(61/68 truyện), nội dung khá đơn giản, thậm chí có khi chỉ gồm vài mươi chữ. Rõ ràng Liêu Trai chí

dị còn đang trong giai đoạn bổ sung, sửa chữa, nhất là những truyện chỉ có phần "chí dị". Nói một
cách hình tượng thì Liêu Trai chí dị giống một bộ tranh liên hoàn đang vẽ dở dang, có bức đã tỉa tót tô
điểm tới từng chi tiết, nhưng có bức chỉ mới có vài nét phác họa đầu tiên. Tình hình văn bản chưa
hoàn chỉnh như vậy một mặt dễ đưa tới nhũng ngộ nhận về nội dung cụ thể của từng truyện, mặt khác
cũng ít nhiều hạn chế việc tìm hiểu ý nghĩa đích thực của toàn bộ tác phẩm.
Về nội dung, các truyện có lời bình trong Liêu Trai chí dị nói chung mang màu sắc đạo đức, lên án
bọn tham quan ô lại, phê phán những thói hư tật xấu, đề cao lương tri và lòng nhân nghĩa, ca ngợi tình
yêu và sự thủy chung. Là một nhà nho tài hoa sinh bất phùng thời, tác giả Liêu Trai chí dị có điều kiện
để sống cuộc sống và học cách nghĩ của nhân dân, nên các giá trị tinh thần mà ông đề cao không chỉ
nằm trong khuôn khổ chuẩn mục đạo đức của các môn sinh sân Trình cửa Khổng. Ông hâm mộ viên
Phán quan họ Lục hào sảng (Lục phán), ông ca ngợi nàng Anh Ninh như vô tâm mà lại hữu tâm (Anh
Ninh), ông tán thưởng thái độ nhân sinh khoáng đạt của ông già họ Chúc coi chết như về (Chúc ông),
ông khoái trá về việc bọn tham quan bị quỷ thần trừng trị (Vương giả)... Cũng dễ nhận thấy các nhân
vật thần tiên hồ quỷ trong Liêu Trai chí dị đều ít nhiều mang dáng vẻ thị dân, cũng không phải ngẫu
nhiên mà nhiều nhân vật hồ nữ trong Liêu Trai chí dị đều khá phóng túng trong tình dục và hôn nhân,
điều này có liên quan tới bối cảnh văn hóa Trung Quốc thời Minh Thanh, khi sự phát triển của tiểu thủ
Công nghiệp và thương nghiệp đã dẫn tới sự hình thành các đô thị lớn với đội ngũ thị dân có lối sống
phát triển theo xu thế phủ nhận các quy phạm lễ giáo phong kiến. Có thể nói trong Liêu Trai chí dị, Bồ
Tùng Linh đã đứng trên lập trường đạo đức của nhân dân lao động mà chủ yếu là thị dân để khẳngđịnh
các giá trị tinh thần tốt đẹp và lên án những thế lực chống lại con người. Dĩ nhiên lập trường và tiêu
chuẩn ấy có nhữngmâu thuẫn nội tại cũng như những hạn chế lịch sử, như nhận định của Từ hải 1989
“trong sách cũng còn tồn tại một ít quan niệm nhân quả báo ứng và màu sắc mê tín” hay của Trung
Quốc tiểu thuyết đại từ điển 1991 “trong sách cũng còn tồn tại quan niệm luân lý phong kiến và màu
sắc phong kiến". Tuy nhiên, đúng như K. Marx từng nhận định “Con người làm ra lịch sử của chính
mình, nhưng không phải làm theo ý muốn tùy tiện của mình, trong những điều kiện tự mình chọn lấy,
[3]

mà là trong những điểu kiện trục tiếp có trước mắt, đã có sẵn và do quá khứ để lại" , những yếu tố ấy
lại mang ý nghĩa tích cực nếu đặt vào bối cảnh xã hội Trung Quốc đương thời. Dưới chế độ phong
kiến chuyên chế thời trước thì khát vọng công lý của người dân thấp cổ bé miệng chủ yếu chỉ còn là

giấc mộng, nên họ đành tìm tới sự công bằng ở thế giới bên kia. Quan niệm nhân quả báo ứng có
nguồn gốc từ Phật giáo vì vậy cũng mau chóng được nhân dân lao động và những người đại diện của
họ tiếp nhận như một võ khí tinh thần để khẳng định hệ giá trị của mình và đấu tranh với nhũng bất
công xã hội. Việc chọn lựa phương tiện không tương xứng với mục đích như thế là một điều bất đắc
dĩ, nhưng rõ ràng trong giới hạn những điều kiện xã hội - nghệ thuật có thật của thời đại và xã hội mình


ấy, Bồ Tùng Linh đã nỗ lục để nêu ra một thực trạng tỉnh thần mà cũng là một thông điệp nhân sinh.
Nhận định về truyện ngắn viết cho trẻ em của nhà văn Đan Mạch Hans Christian Andersen (18051875), có người đã nói đại ý là trong mỗi truyện ngắn của Andersen có hai câu chuyện, một dành cho
trẻ em và một dành cho người lớn. Cũng có thể đưa ra một nhận định tương tự về Liêu Trai chí dị của
Bồ Tùng Linh, vì quả thật nhiều truyện trong tác phẩm - đặc biệt là những truyện có lời bình cũng hàm
chứa hai câu chuyện, một là chuyện thần tiên hồ quỷ, một là chuyện người. Những truyện như Tiền lưu,
Long hý thù, Điểu ngữ trong quyển X, Hồng mao chiên, Đạo hộ trong quyển XII, Tư huấn, Mạ áp trong
quyển XIII... là những ví dụ khá tiêu biểu. Ý đồ bành trướng thế lực - chiếm đoạt thuộc địa của tư bản
phương Tây đối với Trung Quốc lúc bấy giờ còn chưa rõ ràng, song hình ảnh tấm nệm Hồng Mao có
thể mau lẹ "nở rộng ra hơn một mẫu” trong Hồng mao chiên đã thể hiện nhận thức và dự cảm về tai
họa tới từ phương Tây tư bản của một bộ phận trí thức và nhân dân Trung Quốc thời Bồ Tùng Linh. Ý
nghĩa hiện thực của Liêu Trai chí dị do đó nhiều khi trở nên sắc nét và có tác động mạnh mẽ lạ
thường, vì yếu tố thần kỳ đã nâng cánh cho trí tưởng tượng không chỉ của tác giả mà còn cả của người
đọc khi tiếp xúc với tác phẩm. Về phía Bồ Tùng Linh, danh hiệu “Dị Sử thị” cuối lời bình gần 200
truyện trong Liêu Traỉ chí dị còn ít nhiều cho thấy ông mong mượn bộ sách này trở thành một bộ “sử
lạ” một bộ sách phản ảnh hiện thực thông qua thi pháp "thuật kỳ ký dị” (thuật chuyện hay, chép chuyện
lạ) của dòng truyện truyền kỳ. Có thể nghĩ rằng những truyện chỉ có phần “chí dị” cũng được Bồ Tùng
Linh thu thập để biên soạn theo đường hướng nói trên, điều này khiến yếu tố thần kỳ ở đây mang một
nội dung chúc năng phức hợp.
Tìm hiểu nghệ thuật Liêu Trai chí dị, dễ nhận thấy sự hiện diện của yếu tố thần kỳ. Là đặc trưng cơ
bản trong thi pháp của truyện truyền kỳ thời Đường, yếu tố thần kỳ đến Tháibình quảng ký thời Tống
đã được xác định như nội dung nghệ thuật chủ yếu của tiểu thuyết chí quái chí dị, rồi đến thời Minh
Thanh đã phát triển thành một phương pháp sáng tác với các tác giả như Bồ Tùng Linh, Viên Mai. Sự
vận dụng thi pháp “thuật kỳ ký dị" vào việc phản ảnh hiện thực xã hội trên đường hướng đề cao các

giá trị tinh thần nhân dân - thị dân đã khiến dòng tiểu thuyết chí quái chí dị thời Minh Thanh dần dần
mang nội dung hiện thực chủ nghĩa. Có thể nói đây là một loại "chủ nghĩa hiện thực huyền ảo" kiểu
phương Đông thời cổ, ở đó thế giới thần tiên hồ quỷ trong trí tưởng tượng của con người đã trở thành
một phương tiện đặc biệt để phản ảnh hiện thực xã hội và biểu đạt nguyện vọng nhân sinh. Nhưng khác
với chủ nghĩa hiện thực huyền ảo thế kỷ XX, phương pháp sáng tác này ở Bồ Tùng Linh lại có mối
liên hệ máu thịt với văn hóa truyền thống, vì Liêu Trai chí dị sử dụng cốt truyện của nhiều truyện cổ
lưu hành đương thời và các sáng tác của người trước”, trong đó chắc chắn có không ít là truyện kể dân
gian. Không lạ gì mà Liêu Trai chí dị có thể làm say mê cả những người ít học. Bởi vì trong mọi xã
hội và thời đại, các yếu tố văn hóa truyền thống luôn sống cuộc sống của chúng không chỉ trong nhũng
văn hiến thư tịch hay các công trình khảo cứu của giới trí thức, mà chủ yếu và quan trọng nhất là trong
cuộc sống thường nhật với những mối bận tâm chung nhất của đông đảo nhân dân. Đây cũng là một
trong những lý do khiến tác phẩm này của Bồ Tùng Linh bắt đầu được phổ biến rộng rãi ở Việt Nam
từ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Chắt lọc và kết tinh nhiều yếu tố tinh túy của văn hóa nhân dân,


Liêu Trai chí dị mang trong nội dung tư tưởng và nội dung nghệ thuật của nó những sức mạnh to lớn
của truyền thống, điều này tạo ra một sự đồng cảm giữa tác phẩm với người đọc Việt Nam lúc bấy giờ
đang phải giã từ quá khứ để bước vào xã hội hiện đại trong một tư thế bị động, với một tâm thế bị
động dường như vẫn không ngừng được duy trì cho đến tận hôm nay...
Dịch Liêu Trai Chí Dị
Chưa có bằng chứng để xác định thời điểm Liêu Trai chí dị bắt đầu được phổ biến qua Việt Nam,
song căn cứ vào niên đại bản in sớm nhất còn lại đến nay của tác phẩm này (bản in Kha Đình năm Càn
Long thứ 31 - 1766) thì có thể đoán định sau khi đất nước thống nhất trở lại đầu thế kỷ XIX, người
Việt Nam đã biết tới Liêu Trai chí dị. Tình hình tư liệu hiện nay cũng chưa cho phép trả lời câu hỏi
người Việt Nam có dịch Liêu Trai chí dị ra chữ Nôm không, song đã có tình hình một số truyện trong
Liêu Trai chí dị được sao chép riêng rời như những truyện kể độc lập trong kho sách Hán Nôm Việt
Nam, chẳng hạn tập Thư mục Di san Hán Nôm Việt Nam - Thư mục đề yếu (Catalogue des livres en
Hán Nôm) của Viện Nghiên cứu Hán Nôm và Học viện Viễn Đông Bác cổ Pháp, Nxb. Khoa học xã
hội, Hà Nội, 1993, tập II, tr. 99 đã kể cả truyện La Tổ trong bản La Tổ truyện ký hiệu A. 2560 vào thư
mục sách Hán Nôm Việt Nam, trong khi đó là truyện La Tổ trong Liêu Trai chí dị, quyển IX: có lẽ

người soạn mục từ này đã lầm tưởng địa danh "Tức Mặc” thuộc tỉnh Son Đông ở Trung Quốc trong
truyện là Túc Mặc thuộc tỉnh Nam Định ở miền Bắc Việt Nam. Ngoài ra người ta cũng đã thấy trường
hợp một số truyện cổ tích Việt Nam lưu truyền đến nay mang dáng dấp cốt truyện, tình tiết một số
truyện trong Liêu Trai chí dị như một loại phức thể “song ngữ và song văn hóa”: rõ ràng ngoài việc
phổ biến bằng văn bản, tác phẩm này còn được phổ biến với phương thức truyền miệng trong dân
gian. Cũng có thể tìm thấy dấu vết ảnh hưởng của Liêu Trai chí dị trong văn học Việt Nam thế kỷ XX
qua những câu thơ như “Giấc hồ thơm tóc gái Liêu Trai” của Vũ Hoàng Chương. Tất cả những điều
nói trên là kết quả của quá trình tiếp nhận Liêu Trai chí dị ở Việt Nam, quá trình trong đó các bản dịch
tác phẩm này ra chữ quốc ngữ latinh thế kỷ XX đóng vai trò tác nhân quan trọng.
Là khu vực sử dụng chữ quốc ngữ latinh như chữ viết chính thức đầu tiên ở Việt Nam, Nam Kỳ
Lục tỉnh cũng là khu vực mà các bản dịch Liêu Trai chí dị ra chữ quốc ngữ latinh xuất hiện sớm nhất.
Trước Liêu Trai chí di của nhóm Nguyễn Chánh Sắc, Nguyễn Viên Kiều và Ngô Tường Vân (5 quyển,
[4]

Nhà in J. Viết, Sài Gòn) năm 1916-1918 , người đọc Lục tỉnh đã được đọc:
Bản dịch nhiều truyện trong Liêu Trai chí dị ra tiếng Việt trên báo chí quốc ngữ la tinh, chẳng hạn
các bản dịch của Lương Dũ Thúc, Lương Hòa Quý, Nguyễn Chánh Sắc, Nguyễn Đoan Khai... trên
[5]

Nông cổ mín đàm từ 1901 . Hơn thế nữa, từ Chuyện giải buồn năm 1885, Huỳnh Tịnh Của đã giới
thiệu bản dịch một sốtruyện trong Liêu Trai chí dị, nhưng hàng trăm năm nay nhiều người vẫn tưởng
đó là truyện Việt Nam, chẳng hạn truyện Hắc quỷ (Nô lệ da đen) trong Liêu Trai chí dị, quyển XIV:
Giao Châu Lý Tổng trấn mãi nhị hắc quỷ, kỳ hắc như tất, túc cách thô hậu, lập nhẫn vi đồ vãng lai kỳ
thượng hào vô sở tổn. Tổng trấn phối dĩ xướng, sinh tử nhi bạch, liêu bộc hý chi, vị phi kỳ chủng. Hắc
quy diệc tự nghi, nhân sát tử, cốt tắc tận hắc, thủy hối chi. Công mỗi lệnh lưỡng quỷ đối vũ, thần tình


diệc khả quan dã. (Tổng trấn họ Lý ở Giao Châu mua được hai tên nô da đen, đen bóng như sơn, da
chân chai cộm lên, cắm ngược đao đưa mũi nhọn lên cho họ đạp lên đi lại cũng không hề hấn gì. Tổng
trấn cưới kỹ nữ cho làm vợ, sinh được con trai da lại trắng, bọn đầy tớ trong nhà đùa giỡn, nói là

không phải con y. Tên nô da đen nghi ngờ, giết chết đứa con thì xương đều đen, mới hối hận. Tổng
trấn thường sai hai người đối diện với nhau múa hát, thần thái điệu bộ cũng rất dễ nhìn).
Bản dịch được Huỳnh Tịnh Của giới thiệu trong Chuyện giải buồn, Sài Gòn, 1885 với nhan đề
Chuyện Quân Mò Hóng:
Ông Tổng trấn đất Giao Châu mua về hai thằng mọi đen thui như lọ nồi, náng chân nó dày như mo,
ngửa lưỡi gươm cho nó đi qua đi lại cũng không động phạm chi cả. Bắt đĩ gả cho nó đĩ sanh con lại ra
trắng, bạn tác nó cười nói không phải con nó, nó hồ nghi bắt con mà giết, té ra xương con cũng đen
như xương gà ác, mới biết mình lầm. Thường dạy hai đứa múa đánh võ, bộ tịch nó nhảy nhún cũng dễ
coi. Thật ra "Giao Châu” (huyện thuộc tỉnh Sơn Đông) ở đây không phải là Giao Châu với ý nghĩa là
một phần đất dai ở miền Bắc Việt Nam dưới thời Bắc thuộc, song sự trùng hợp về địa danh như vậy
đã khiến nhiều người không ngờ rằng đây là chuyện Trung Quốc chứ không phải truyện Việt Nam.
Đáng lưu ý là từ cuối thế kỷ XIX, với ý thức bảo vệ văn hóa dân tộc trong hoàn cảnh Hán học với tư
cách là nền cổ học Việt Nam ở Nam Kỳ bị chính quyền xâm lược coi là một đối tượng phải bài trừ,
[6]

một phong trào dịch thuật văn chương chữ Hán ra tiếng Việt - chữ Nôm đã được dấy lên ở Lục tỉnh .
Việc phiên dịch Liêu Trai chí dị của một số người như Lương Dũ Thúc, Lương Hòa Quý, Nguyễn
Chánh Sắc là sự nối tiếp phong trào nói trên trong hoàn cảnh mới, với đặc trưng là việc tuân thủ thi
pháp văn học truyền thống như chuyển ngữ sát nguyên văn, thậm chí có khi chuyển thể ra thơ lục bát,
một thể thơ dân gian truyền thống Việt Nam (khuynh hướng dịch thuật này về sau dường như cũng ít
nhiều lặp lại trong bản dịch Liêu Trai của Tản Đà năm 1942). Song bên cạnh đó, việc tiếp xúc toàn
diện với phương Tây tư bản cũng đưa tới cho văn học Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX những
nguồn lực phát triển mới, tình hình này thể hiện trên phương diện dịch thuật chủ yếu qua lối dịch
“phóng tác” mà ngoài Huỳnh Tịnh Của với Chuyện Quân Mò Hóng nói trên còn có thể kể thêm Nguyễn
Đoan Khai với bài Phi ngưu tức bản dịch truyện Ngưu phi (Trâu bay) trong Liêu Trai chí dị đăng trên
mục Chuyện khôi hài, báo Nông cổ mín đàm số 142, ngày 26.5.1904... Cần nói thêm rằng lối dịch
phóng tác ấy về sau sẽ đưa tới cho văn học chịu ảnh hưởng phương Tây ở vùng này một Hồ Biểu
Chánh với nhũng Cay đắng mùi đời, Ngọn cỏ gió đùa phóng tác Sans fámille của Hector Malot, Les
[7]


Misérables của victor Hugo.... Hai khuynh hướng bảo vệ các giá trị văn hóa dân tộc và đồng hóa
các giá trị văn hóa phương Tây nói trên như vậy đã bổ sung cho nhau trong việc trình hiện bước tiến
của văn hóa Việt Nam đầu thế kỷ XX trên phương diện dịch thuật văn học, và trong ý nghĩa này, các
bản dịch Liêu Trai chí dị đã từng bước trở thành một bộ phận không chỉ của sinh hoạt văn học mà còn
cả của sinh hoạt xã hội Việt Nam. Không lạ gì mà tuy có phần muộn hơn văn giới Lục tỉnh, nhưng
chẳng phải đến những năm 40 của thế kỷ XX và với những Tản Đà, Nhượng Tống... thì các dịch giả
miền Bắc mới dịch Liêu Trai chí dị: mấy chữ triện “Đỗ Văn thư quán” và "Sửa lại và giữ quyền lợi:


Phù Văn Librairie" trên trang bìa bản dịch Tân Liêu Trai của Vũ Hi Tô năm 1921-1922 cho thấy bản
in này của Nhà sách Phù Văn là bản in lại có sửa chữa bản in của Đỗ Văn thư quán trước đó, nghĩa là
trước 1921 người đọc Việt Nam đã có bản dịch một số truyện trong Liêu Trai chí dị theo phương ngữ
Bắc in bằng chữ quốc ngữ latinh.
Tuy nhiên hoàn cảnh thuộc địa trước 1945 rồi tình trạng chiến tranh và chia cắt đất nước từ 1945
đến 1975 ở Việt Nam đã hạn chế thành tựu phiên dịch Liêu Trai chí dị, mà điểm dễ thấy là việc tuyển
dịch vẫn kéo dài đến 1990. Từ các bản dịch vào loại sớm nhất trong Chuyện giải buồn năm 1885 đến
nay, những truyện đã được dịch cũng chỉ khoảng trên dưới con số 150, trong đó có khá nhiều là được
dịch đi dịch lại. Dĩ nhiên, điều đó cho thấy những truyện ấy là hay, là có giá trị, song như thế không có
nghĩa là những truyện khác không hay, không có giá trị. Bên cạnh đó, tạm thời chưa nói tới vấn đề văn
bản, thì Liêu Trai chí dị với cái “bản lai chân diện mục" của nó mới được coi là một bộ truyện "chí
dị" (ghi chép chuyện lạ) của Bồ Tùng Linh. Chính tính hệ thống của bộ truyện mới làm nên giá trị của
tác phẩm vẫn được coi là một trong những ánh phản nghệ thuật độc đáo của cuộc sống xã hội và văn
hóa Trung Quốc thời Thanh này. Xuất phát từ quan niệm trên, có thể nghĩ rằng người đọc Việt Nam
hiện đang cần có bản dịch trọn bộ Liêu Trai chí dị. Nhưng một bản dịch trọn bộ lại có những khó khăn
riêng.
Trước hết, phải nhắc lại vấn đề văn bản. Ngoài chi tiết 431 hay 432 truyện đã nói trên kia, dường
như chưa dịch giả Việt Nam nào phiên dịch Liêu Trai chí dị thập di, càng chưa có nhà nghiên cứu nào
đặt vấn đề tìm hiểu tác phẩm về mặt văn bản học. Tình hình này thể hiện khá tập trung qua bản dịch
Liêu Trai chí dị (tập 1, Nxb. Văn học, 1989), một bản dịch bộc lộ nhiều điểm yếu trí mạng của giới
nghiên cứu và dịch thuật Việt Nam trong việc tìm hiểu văn bản Liêu Trai chí dị lúc bấy giờ. Chẳng hạn

mặc dù Lời giới thiệu có nêu ra nguyên tắc "bám sát bản Hội hiệu hội chú hội bình" của Trương Hữu
Hạc (Trung Hoa thư cục, Bắc Kinh, 1962), truyện Mai nữ hòa Phong Vân Đình trong bản dịch này vẫn
dịch là “Cô gái họ Mai", nghĩa là chỉ dịch hai chữ Mai nữ như trong các văn bản truyền thống (?).
Hay bản dịch nói trên đã lược bỏ nhiều đoạn "Dị Sử thị nói” trong nguyên bản, trong khi như đã trình
bày trên kia, những đoạn "Dị Sử thị" nói ấy chính thể hiện mục đích sáng tác của Bồ Tùng Linh và vì
thế cũng bộc lộ ý nghĩa đích thực của tác phẩm. Cần nói thêm rằng lối dịch tùy tiện bớt xén nguyên
văn này đã trở thành một hiện tượng phổ biến trong hoạt động dịch thuật hiện nay, một cung cách góp
phần làm cho việc tiếp xúc văn học với thế giới của chúng ta tuy rầm rộ trên bề mặt nhưng chưa đạt
được bề sâu văn hóa cần thiết và do đó cũng hàm chứa một nguy cơ tiềm ẩn cho cả hoạt động dịch
thuật lẫn sinh hoạt học thuật ở Việt Nam. Cho nên trong bản dịch này chúng tôi giới thiệu toàn văn các
truyện trong Liêu Trai chí dị và Liêu Trai chí di thập di, với mong mỏi được góp phần cung cấp cho
người đọc một ý niệm về cái "bản lai chân diện mục" của tác phẩm. Phần Liêu Trai chí dị trong bản
dịch này chủ yếu theo bản Hương Cảng, có đối chiếu với bản Đài Bắc để điều chỉnh một số chi tiết
cho hợp lý. Phần Thập di thì văn bản chúng tôi sử dụng bị thiếu một truyện trong truyện Quy trấp tứ
tắc (Hai mươi bốn truyện ma), nhưng trong điều kiện tư liệu hiện tại chúng tôi chưa thể bổ sung, đây
là một thiếu sót mà chúng tôi muốn cáo lỗi trước với người đọc.


Thứ hai, và quan trọng nhất, là việc phiên dịch Liêu Trai chí dị thật rất không dễ dàng. Lời Tựa
bản dịch Liêu Trai chí dị của nhóm Nguyễn Chánh Sắc, Nguyễn Viên Kiều và Ngô Tường Vân năm
1916-1918 từng viết “Vả lại người mà đặt bộ truyện này đây là có ý nhàm chán việc đời, nên không
muốn nói việc người, cứ nói những chuyện hồ chuyện quỷ, mới nghe qua dường như vô lý, chừng xét
lại gẫm cũng hữu tình, tuy là lời nói minh minh, mà kỳ trung cũng có ý thâm minh huyền diệu, rất tiếc
[8]

vì văn chương từ điệu, dịch ra nôm khó nỗi cho trọn hay" . Mãi đến khi tiếng Việt văn học hiện đại
đã thuần thục hơn rất nhiều, ngày 15. 5. 1958 tạp chí Bách khoa số 33 ở Sài Gòn cũng vẫn phải than
thở về nhũng khó khăn trong việc phiên dịch Liêu Trai chí dị:
" ...Nhắc đến cổ giai phẩm Trung Hoa, dù có thiên về mấy bộ Tam quốc, Tây sương, mà xưa nay
ai đã đành quên Tình sử? Mà đã nhớ Tình sử thì ai nỡ nào quên được Liêu Trai? Cho nên khi bạn Hư

Chu, quá bận rộn vì đang mùa thi cử, phải tạm biệt Bách khoa, thì chúng tôi bèn nhờ một bạn khác đã
từng để hai mươi năm học hỏi Hán, Pháp, Anh văn và Thế giới ngữ, vừa làm quen với các bạn qua
bản dịch Cuộc thách đố: bạn Kiều Yêu.
Bạn Kiều Yêu đã nhận lời, và đã... khổ sở.
Bởi lẽ trong các tiểu thuyết danh tiếng của Trung Hoa, có lẽ Liêu Trai là khó hiểu hơn hết, lại bởi
thêm ngoài cái giá trị văn chương, còn thêm cái giá trị cách mạng; và bởi lẽ bạn Kiều Yêu đã thất
vọng với một Tản Đà già dặn, với một Quán Chi khiêm tốn, với một Nhượng Tống tài hoa, lúc ba bậc
đàn anh này dịch Liêu Trai chí dị. Văn của Bồ Tùng Linh gãy gọn quá, mà đặc tính này đã xui nên bao
sự hiểu lầm cho người đọc ngoại quốc, trong đó có ba nhà văn mà chúng tôi vừa kể.
Cho nên mấy truyện dịch đầu của bạn Kiều Yêu đành phải hơi nhiều lời, quá tân thời, quá rành
[9]

rọt...”
Phải thừa nhận rằng ở Việt Nam hơn một thế kỷ qua có tình trạng chung là trình độ sử dụng tiếng
Việt tăng lên thì trình độ hiểu biết chữ Hán giảm xuống, tuy nhiên vấn đề ở đây không chỉ gói gọn
trong phạm vi ngôn ngữ. Chúng tôi không dám quá phận mà phê phán nhũng người đi trước, nhưng quả
thật lối dịch bỏ qua các yếu tố hình thức - nghệ thuật của nguyên tác trong các bản dịch Liêu Trai chí
dị xuất bản khoảng hai mươi năm gần đây cho thấy chúng ta vẫn chưa xác lập được những chuẩn mực
đúng đắn cần thiết trong việc dịch thuật văn học nói chung và dịch thuật văn học chữ Hán trong đó có
Liêu Trai chí dị nói riêng. Là một tập hợp các tác phẩm tiểu thuyết - truyện ngắn tự sự, Liêu Trai chí
dị nói chung ít dùng điển cố song cũng chứa đựng nhiều yếu tố thi pháp văn học Trung Hoa cổ điển
như lối dùng chữ súc tích, đặt câu ngắn gọn, hành văn đăng đối, kết cấu chặt chẽ. Trong một số trường
hợp, tác giả còn đưa vào tác phẩm nhũng bài văn biền ngẫu khá dài, chẳng hạn bài sớ của nhân vật
Long đồ học sĩ họ Bao trong truyện Tục hoàng lương (quyển V), đoạn “Dị Sử thị nói” cuối truyện Đổ
phù (quyển VI), bài "Tục Diệu âm kinh” chép phụ cuối truyện Mã Giới Phủ (quyển X), lời án từ của
nhân vật Ngô Nam Đại trong truyện Yên Chi (quyển XIV), hay bài hịch đánh Phong thị (thần gió)
trong truyện Hoa thần (quyển XVI)... Xuất phát từ quan niệm những chi tiết hình thức - yếu tố nghệ
thuật ấy là một bộ phận hửu cơ góp phần thể hiện nội dung và làm nên giá trị của tác phẩm, chúng tôi



đã cố gắng truyền đạt chúng trong bản dịch Liêu Trai chí dị này. Các chú thích từ ngữ, điển cố cần
thiết trong bản dịch được trình bày thật ngắn gọn và chủ yếu chỉ chú thích trong lần xuất hiện đầu tiên.
Mặc dù khởi sự phiên dịch Liêu Trai chí dị từ mười năm nay và đã học được nhiều điều từ bản dịch
của những người đi trước, cho đến nay chúng tôi vẫn chưa hài lòng về bản dịch này trên nhiều phương
diện. Song được sự tán trợ và khuyến khích của Nhà xuất bản Văn hóa Sài Gòn, chúng tôi cũng mạnh
dạn đưa in bản dịch này, với mong mỏi nó có thể ít nhiều góp phần khắc phục những thiếu sót và bất
cập của chúng ta trong việc đọc và dịch Liêu Trai chí dị. Tuy nhiên tới lượt nó sự khắc phục ấy cũng
có những thiếu sót và bất cập, nên chúng tôi hy vọng nhận được sự chỉ giáo của người đọc gần xa.
Tháng 2.2005
Người dịch


Quyển I


001. Thi Thành Hoàng (Khảo Thành Hoàng)
[10]

Ông nội người anh rể của ta họ Tống húy Đạo, là Lẫm sinh trong huyện. Một hôm ông bệnh
nằm trong nhà, thấy có viên lại cầm công văn dắt một con ngựa bờm trắng tới nói “Mời ông đi thi".
Ông nói “Quan chấm thi chưa tới, làm sao mà thi?”. Viên lại không đáp, chỉ giục đi mau. Ông ra sức
cưỡi ngựa chạy nhanh theo, đường đi rất lạ, tới một nơi thành quách như kinh đô của bậc vương giả.
Lát sau vào một Công thự, cung thất tráng lệ, ở trên có mười người ngồi, đều không biết là ai, chỉ
[11]

nhận ra là có Quan Đế . Dưới thềm bày hai cái bàn hai cái ghế, đã có một vị Tú tài ngồi trước, ông
cũng tới ngồi cạnh. Bàn nào cũng có sẵn giấy bút, ngay sau đó đề thi đưa xuống, nhìn vào thấy có tám
chữ “Nhất nhân nhị nhân, hữu tâm vô tâm" (Một người với hai người, hữu ý hay vô ý). Hai người làm
bài xong trình lên, bài của ông có câu “Hữu tâm vi thiện, tuy thiện bất thưởng, vô tâm vi ác, tuy ác bất
phạt" (Có ý làm điều thiện, dù thiện cũng không thưởng, vô ý làm điều ác, dù ác cũng không phạt).

Các thần chuyền tay nhau xem, khen ngợi không thôi, gọi ông lên dụ rằng “ở Hà Nam khuyết một
chỗ Thành hoàng, ông xứng đáng giữ chức ấy". Ông mới hiểu ra, lạy phục xuống khóc nói “Được ban
mệnh lệnh, đâu dám chối từ! Nhưng còn có mẹ già bảy mươi tuổi không người phụng dưỡng, xin chờ
khi đã trọn tuổi trời sẽ vâng mệnh giữ chức". Ở trên có một vị dáng mạo như bậc đế vương lập tức ra
lệnh “Tra sổ xem mẹ ông ta thọ được bao nhiêu”. Có một viên lại râu dài giở sổ ra xem lại một lượt
bẩm rằng "Còn thọ chín năm nữa". Mọi người đang ngần ngừ, Quan Đế nói “Không sao, cứ sai
Trương sinh thay, đủ hạn chín năm sẽ giao cho ông ta giữ chức cũng được”, rồi nói với ông rằng "Lẽ
ra phải đi nhận chức ngay, nhưng nay nghĩ tới lòng hiếu thảo nên cho hoãn chín năm, đến hạn sẽ lại
triệu”.
Lại khuyến dụ vị Tú tài kia mấy câu, hai người cùng lạy lui ra. Vị Tú tài nắm tay ông đưa ra tới
ngoài thành, tự nói là họ Trương ở huyện Trường Sơn (tỉnh Sơn Đông), có thơ đưa tiễn nhưng ông
quên cả, chỉ nhớ được hai câu “Hữu hoa hữu tửu xuân thường tại, Vô nguyệt vô đăng dạ tự minh” (Có
hoa có rượu xuân thường cạnh, Không nến không trăng tối tự soi).
Ông đã lên ngựa, bèn chia tay rồi đi, về tới làng mới giật mình tỉnh dậy. Lúc ấy ông đã chết ba
ngày rồi, mẹ ông nghe trong quan tài có tiếng rên rỉ bèn tới đỡ ra, nửa ngày sau mới nói được. Hỏi
thăm thì hôm ấy ở Trường Sơn quả có Trương sinh chết.
Chín năm sau quả nhiên mẹ ông mất, ông lo liệu tang ma xong, tắm gội vào phòng nằm rồi tắt hơi.
Cha vợ ông ở cửa tây trong thành, chợt thấy ông tới, nghi vệ lộng lẫy, tùy tùng rất đông, vào nhà lên
thềm lạy một lạy rồi đi. Người nhà thảy đều ngờ sợ, không biết ông đã làm thần, vội tới làng để hỏi
mới hay ông đã chết rồi. Ông có tự viết lại tiểu truyện của mình, tiếc là sau loạn đã mất, trên đây chỉ
là tóm tắt lại mà thôi.


002. Người Trong Con Ngươi Trò Chuyện (Đồng Nhân Ngữ)
Người học trò ở Trường An là Phương Đống, cũng có tài danh nhưng tính khinh bạc không giữ lễ
nghi, cứ ra đồng gặp con gái đi chơi là lập tức theo tán tỉnh.
Một hôm trước tiết Thanh minh đi chơi ngoài thành thấy một chiếc xe nhỏ mui gấm rèm thêu, có
vài người tỳ nữ cưỡi ngựa thong thả theo sau, trong đó có một nàng cưỡi con ngựa tốt, dung mạo rất
đẹp. Bèn tới gần nhìn, thấy rèm xe đang vén lên, bên trong có một nữ lang trạc mười sáu tuổi, trang
sức lộng lẫy, bình sinh chưa thấy ai đẹp như vậy nên mắt hoa đầu váng cứ đuổi theo nhìn, khi thì chạy

lên trước, lúc thì tụt lại sau, theo suốt mấy dặm.
Chợt nữ lang gọi người tỳ nữ tới cạnh xe nói “Buông rèm xuống cho ta! Gã tiểu tử ngông cuồng
kia ở đâu dám lại đây nhìn ngó?” Người tỳ nữ buông rèm xe xong ngoái nhìn sinh giận dữ nói “Đây là
vợ mới cưới của Thất lang ở thành Phù Dung về nhà thăm cha mẹ, không phải như các cô gái nhà quê,
phải dạy cho học trò hỗn láo nhà ngươi mới được". Dứt lời cầm một cục đất dính ở bánh xe ném vào
mặt sinh, sinh tối cả mắt lại. Đến khi gỡ được bùn đất ra nhìn thì đoàn xe ngựa đã đi xa, sợ hãi trở về.
Thấy con mắt xốn xang rất khó chịu, nhờ người khác vạch mi mắt ra xem thì trong con ngươi có
một cái màng, qua một đêm càng cộm thêm, nước mắt chảy giàn giụa không ngừng. Cái màng ấy ngày
càng to, qua vài ngày dày như đồng tiền, mắt trái cũng bị sưng như vậy, thuốc thang gì cũng không
khỏi, buồn rầu muốn chết, tự lấy làm hối hận.
Nghe nói kinh Phật có thể giải ách bèn tìm một quyển, nhờ người đọc cho để học thuộc lòng mà
tụng. Buổi đầu còn thấy lo lắng phiền não, sau dần thấy tinh thần thư thái, ban tối rảnh rỗi thì ngồi xếp
bằng lần tràng hạt mà niệm, được một năm thì thấy hoàn toàn yên ổn.
Chợt nghe trong con mắt bên trái có một giọng nói nhỏ như tiếng nhặng vo ve rằng "Tối tăm như
ban đêm thế này, ai mà chịu nổi" Trong con mắt bên phải cũng có một giọng đáp "Hay chúng ta cùng
ra ngoài chơi một lúc đi, cho đỡ buồn bực". Kế sinh dần dần thấy trong mũi có cái gì cọ quậy rất ngứa
ngáy, như có con vật bò ra, một lúc lâu thì trở lại, lại theo lỗ mũi mà vào. Vào tới trong lại nói “Lâu
quá không ra vườn chơi, giò lan Trân châu đã chết khô rồi".
Sinh vốn rất thích lan, trong vườn trồng rất nhiều, hàng ngày vẫn ra tưới bón, nhưng từ khi bị lòa
thì lâu không hỏi tới. Lúc bấy giờ chợt nghe thấy thế, bèn căn vặn vợ "Sao lại để lan chết khô như
vậy?". Vợ hỏi sao biết, sinh kể lạ nguyên do, vợ ra vườn nhìn xem thì giò lan quả đã khô quắt rất lấy
làm lạ lùng. Bèn lặng lẽ núp lại trong phòng, thấy có hai người bé tí nhỏ hơn hạt đậu từ trong lỗ mũi
sinh bò ra thoắt cái đã ra khỏi cửa, nhìn theo thì đã mất dạng. Loáng sau lại sóng đôi bay về, đáp
xuống mặt sinh, lại như con ong về tổ chui trở vào, cứ như thế suốt hai ba hôm.
Chợt sinh nghe người bên mắt trái nói "Đường hầm quanh co khuất khúc, ra vào qua lại bất tiện
quá, chẳng bằng mở lấy một cái cửa". Người bên mắt phải nói "Vách bên ta rất dày, không dễ đâu”.
Người bên mắt trái nói "Để ta phá thử xem, nếu được sẽ cùng ngươi dùng chung”. Kế thấy trong con
mắt trái như có cái gì xé toạc ra, giây lát mở mắt ra nhìn, thì lại thấy mọi vật như thường.



Sinh mừng rỡ nói với vợ, vợ tới xem thì thấy cái màng trong mắt trái đã vỡ ra một lỗ, tròng đen di
động như hạt tiêu. Qua một đêm thì lớp màng mất sạch, nhìn kỹ vào thì thấy mắt có hai con ngươi
nhưng mắt phải vẫn bị sưng phồng lên như cũ, mới biết hai người trong mắt đã sang ở chung một chỗ.
Sinh tuy chỉ có một mắt, nhung sáng chẳng kém người còn đủ hai mắt, nhìn gì cũng thấy. Từ đó ngày
càng tự kiểm thúc, người làng khen là có nết tốt.
Dị Sử thị nói: Làng ta có người học trò cùng hai người bạn đi trên đường, thấy xa xa có một
[12]

thiếu phụ bèn thúc lừa chạy vượt lên ngâm đùa rằng “Có người đẹp chừ”
rồi nhìn hai người
bạn nói “Đuổi theo mau” định trêu ghẹo đùa bỡn. Giây lát đuổi kịp thì là vợ con trai, mất cả khí thế,
ngậm tăm không nói gì. Hai người bạn lại làm ra vẻ không biết, cứ bô bô bình luận này nọ. Người học
trò sượng ngắt, ấp a ấp úng nói "Đây là con dâu lớn của ta", họ mới nhịn cười mà thôi đi. Kẻ tính hạnh
khinh bạc thành ra tự làm nhục mình, thật đáng cười vậy. Đến như mù mắt hết thấy đường, thì đó là
quỷ thần báo oán đấy. Thành chủ thành Phù Dung không rõ là thần nào, hay là Bồ Tát hiện thân chăng?
Nhưng lang quân bé tí phá vách mở cửa, thì quỉ thần tuy ghét kẻ xấu nết cũng đâu không cho người ta
tự sửa mình.


003. Bức Tường Vẽ Tranh (Họa Bích)
Mạnh Long Đàm người Giang Tây cùng Hiếu liêm họ Chu lên trọ ở kinh đô, tình cờ tới chơi chùa
nọ. Thấy điện Phật, hành lang, thiền phòng đều không có gì to lớn rộng rãi, chỉ có một nhà sư già trú
ngụ.
Sư thấy có khách tới, xốc áo ra đón, dẫn đi xem khắp nơi. Trong điện có tượng thần sư Chí Công,
hai vách vẽ tranh rất tinh xảo, nhân vật đều như thật, tường bên đông vẽ bức tranh Thiên nữ rắc hoa,
trong có một người tóc xõa cầm hoa mỉm cười, môi son như động, sóng mắt như đưa.
Chu chăm chú nhìn một lúc lâu, bất giác thần trí tiêu tan, chợt thấy thân thể phơi phới như đằng
vân giá vụ, đã lên tới trên vách. Thấy điện gác chập chồng không phải như ở cõi trần, có một vị sư già
đang ngồi trên tòa giảng kinh, những người khoác áo hở vai đứng nghe rất đông, Chu cũng trà trộn vào
đứng trong đó. Giây lát thấy như có người ngầm kéo áo mình, quay nhìn thì thấy thiên nữ xõa tóc cười

tủm tỉm quay đi bèn lập tức đi theo qua hành lang quanh co thì tới một gian phòng nhỏ, ngần ngừ không
dám bước tới. Cô gái quay đầu giơ cành hoa trong tay vẫy vẫy ra hiệu gọi, bèn bước theo vào, thấy
trong phòng không có một ai. Chu sấn tới ôm, nàng cũng không chống cự gì lắm bèn cùng nhau giao
hoan. Xong rồi nàng đóng cửa đi, dặn Chu đừng ho hắng, đến đêm lại trở lại, như thế hai ngày.
Chị em bạn biết, cùng nhau kéo tới tìm được sinh, đùa nói với cô gái rằng “Tiểu lang trong bụng
đã lớn, mà còn để tóc bồng bồng học làm gái chưa chồng à?". Rồi cùng đưa trâm cài tóc và hoa tai
bảo búi tóc cao lên, cô gái thẹn thùng không nói năng gì. Một nàng nói “Chị em ơi, đừng ở đây lâu, e
người ta không vui”, mọi người cười rộ kéo đi.
Sinh thấy cô gái tóc mây búi cao, trâm phụng rủ thấp, so ra còn đẹp hơn nhiều so với lúc còn xõa
tóc. Nhìn quanh không có ai bèn cùng nhau lên giường, mùi lan xạ thơm ngát ngây ngất lòng người.
Còn đang vui vầy chợt nghe tiếng ủng da cồm cộp, khóa sắt loảng xoảng, lại có tiếng tranh cãi huyên
náo.
Cô gái hoảng sợ vùng dậy cùng Chu ra nhìn trộm thì thấy một sứ giả giáp vàng mặt đen như sơn,
tay khóa tay chùy, các thiên nữ đứng chung quanh. Sứ giả hỏi “Đã đủ cả chưa?”, họ trả lời đã đủ cả.
Sứ giả nói “Nếu có giấu diếm người dưới trần thì phải khai ngay ra, đừng để phải chịu tội”, mọi
người lại đồng thanh nói không có. Sứ giả quay người ngạc nhiên nhìn quanh như tìm kẻ trốn lánh, cô
gái cả sợ mặt xám như tro, hớt hải nói với Chu “Trốn xuống gầm giường mau” rồi mở cánh cửa nhỏ
bên vách trốn đi.
Chu nằm im không dám thở mạnh, kế nghe tiếng ủng da bước vào trong phòng rồi trở ra, không
bao lâu tiếng ồn ào xa dần, trong lòng hơi yên nhưng ngoài cửa vẫn có người qua lại bàn bạc. Chu
thấp thỏm hồi lâu, thấy ù tai hoa mắt không sao chịu nổi nữa, chỉ im lặng nghe ngóng chờ cô gái quay
lại, cũng không nhớ được rằng mình vốn từ đâu tới đây.
Lúc ấy Mạnh Long Đàm ở trong điện, chớp mắt không thấy Chu đâu, ngờ vực hỏi sư, sư cười nói
“Đi nghe giảng kinh rồi". Hỏi ở đâu, sư đáp không xa, kế lấy ngón tay búng lên tường gọi "Chu đàn


việt, sao đi chơi lâu không về thế?” liền thấy trong bức tranh trên vách có hình Chu đang nghiêng tai
nhón chân như nghe ngóng.
Sư lại gọi nói “Ông bạn đi cùng đợi lâu rồi!", Chu bèn lãng đãng trên vách bước xuống, lòng lạnh
người ngây, mắt hoa chân nhũn. Mạnh cả sợ, từ từ hỏi han thì là Chu đang nằm dưới gầm giường nghe

tiếng gõ cửa như sấm bèn ra khỏi phòng nghe trộm. Cùng nhìn tới cô gái cầm hoa thì thấy tóc đã búi
cao chứ không buông xuống như trước. Chu hốt hoảng vái lạy sư già hỏi duyên cớ, sư cười nói “Ảo
giác từ lòng người sinh ra, lão tăng làm sao giải thích được?”. Chu lo lắng không nói ra, Mạnh sợ sệt
không kìm được, lập tức đứng lên lần theo bậc thềm ra về.
Dị Sử thị nói: Ảo giác từ lòng người sinh ra, lời ấy giống như của kẻ có đạo. Người có lòng
dâm tà sẽ sinh ra cảnh bậy bạ, người có lòng bậy bạ sẽ sinh ra cảnh đáng sợ. Bồ Tát điểm hóa kẻ
mê muội, làm ra ngàn muôn ảo giác, đều do lòng người động mà nhìn thấy thôi. Sư già thiết tha
điểm hóa, tiếc là không thấy hai người kia nghe xong chợt giác ngộ, xõa tóc vào núi vậy.


004. Trồng Lê (Chủng Lê)
Có người nhà quê bán lê ở chợ, ngon ngọt thơm tho, bán giá rất đắt. Có một đạo sĩ khăn rách áo
cũ đứng xin trước xe, người nhà quê đuổi không chịu đi, tức giận chửi mắng. Đạo sĩ nói “Một xe lê
hàng vài trăm quả, lão nạp chỉ xin một quả, đối với cư sĩ có mất mát bao nhiêu, sao lại tức giận?".
Người chung quanh khuyên nên lựa một quả nhỏ cho để đạo sĩ đi, nhưng người nhà quê nhất quyết
không chịu. Có người làm công trong phố thấy cãi vã bực mình bèn trả tiền mua một quả đưa cho đạo
sĩ, đạo sĩ cảm tạ rồi nói với mọi người rằng "Người tu hành không được keo bẩn, ta có trái lê ngon,
xin đưa ra mời khách”.
Có người nói “Ông dã có được, sao không ăn?”, đạo sĩ đáp "Ta chỉ cần cái hạt làm giống thôi".
Rồi bóp vỡ quả lê, lấy hạt ra cầm trong tay, rút cái xẻng nhỏ trên vai đào đất sâu xuống mấy tấc, thả
cái hạt lê vào rồi lấp lại, xin người trong chợ cho nước sôi tưới. Có kẻ hiếu sự chạy vào quán cơm
cạnh đường xin được nước sôi, đạo sĩ bèn cầm lấy rót lên cái hố. Mọi con mắt đổ dồn vào, đều thấy
cái mầm nhú lên, giây lát lớn thành cây lê, cành lá thưa thớt, chợt nảy hoa, chợt thành quả, to lớn thơm
tho, kĩu kịt đầy cây.
Đạo sĩ bèn đứng ở trước cây hái chia cho mọi người đứng xem, trong giây lát hết sạch, rồi lấy cái
xẻng chặt, cây lê kêu răng rắc hồi lâu đổ xuống, đạo sĩ bèn vác lên lấy cành lá che đầu, ung dung bỏ
đi.
Lúc đạo sĩ bắt đầu làm phép, người nhà quê kia cũng đứng lẫn trong đám đông xem, vươn cổ
nhướng mắt quên cả xe lê. Khi đạo sĩ bỏ đi mới nhìn lại xe thì lê đã hết sạch, mới biết vừa rồi ông ta
phân phát đều là lê của mình. Lại nhìn kỹ thì thấy trong xe mất một cái cuốc, dấu gãy còn mới tinh,

trong lòng tức giận. Vội vàng đuổi theo, qua khỏi góc tường thì thấy cái cuốc gãy vứt lại trên mặt đất,
mới biết đó là đạo sĩ lấy làm thân cây lê. Đạo sĩ thì chẳng biết ở đâu, cả chợ cứ tủm tỉm cười.
Dị Sử thị nói: Người nhà quê khư khư tiếc của, sự ngây ngốc có thể thấy rõ, đến nỗi bị người
trong chợ cười, có lạ gì. Từng thấy trong làng có người vốn nổi tiếng giàu có, mà bạn thân tới xin
gạo thì tiếc của, kể lể rằng “Đây là mấy ngày ăn đấy" Có người giúp đỡ được một kẻ hoạn nạn,
nuôi được một bữa cơm, thì tức tối kể lể rằng “Ăn bằng năm bằng mười người thường”, thậm chí
đối với cả cha con anh em cũng so kè từng ly từng tí. Thế mà tới lúc máu đỏ đen nổi lên thì dốc
rương cờ bạc không nuối tiếc, kẻ cướp kề dao vào cổ thì vét tiền chuộc mạng không nề hà. Như
hạng người ấy mới là nói không hết, chứ người nhà quê ngu ngốc kia đâu đã đủ để lạ lùng?


005. Đạo Sĩ Núi Lao (Lao Sơn Đạo Sĩ)
Huyện ta có Vương sinh, bày hàng thứ bảy, là con nhà thế gia cũ. Lúc trẻ mộ đạo, nghe nói núi
Lao (ở huyện Túc Mặc tỉnh Sơn Đông) có nhiều thần tiên, bèn khăn gói tới tìm, lên tới một ngọn núi,
thấy có đạo quán rất tịch mịch u nhã. Thấy có một đạo sĩ ngồi trên nệm cỏ tròn, tóc trắng xõa tới vai
nhưng dung mạo tráng kiện. Lạy chào bắt chuyện, thấy rất tinh thông đạo lý huyền diệu, xin nhận làm
thầy.
Đạo sĩ nói "Sợ sức vóc mảnh dẻ không chịu nổi cực khổ”, thưa rằng "Chịu được". Học trò của
đạo sĩ rất đông, chiều tối kéo hết về, Vương đều vái chào làm lễ ra mắt rồi ở lại trong đạo quán. Mờ
sáng đạo sĩ gọi Vương đi, đưa búa sai theo mọi người đốn củi, Vương kính cẩn nghe theo. Hơn một
tháng tay chân nổi chai, không chịu nổi khổ cực ngầm có ý muốn về.
Một chiều hái củi về, thấy hai người đang cùng thầy uống rượu, trời đã tối vẫn không có đèn đuốc
gì, thầy bèn cắt giấy thành hình tấm gương dán lên vách, trong chốc lát như vầng trăng sáng vằng vặc
trên vách, chiếu rõ từng sợi tóc, đám học trò xúm quanh lui tới hầu hạ. Một người khách nói "Đêm
đẹp vui vẻ không nên riêng hưởng", bèn cầm bầu rượu trên bàn chia cho bọn học trò, lại nói cứ uống
thật say. Vương tự nhủ “Có bảy tám người, một bầu rượu làm sao mà đủ?”.
Ai nấy đều đi tìm tô chén tranh nhau rót trước, chỉ sợ hết rượu nhưng rót đi rót lại mà rượu trong
bầu vẫn không vơi, thầm lấy làm lạ. Giây lát một vị khách nói "Đã được ơn ban cho trăng sáng, nhưng
vắng vẻ quá, sao không gọi Thường Nga tới?". Đạo sĩ bèn lấy đũa ném vào vầng trăng, thì thấy một
mỹ nhân từ trong vầng ánh sáng bước ra, lúc đầu cao chưa đầy một thước, tới đất thì cao bằng người

thường, lưng thon cổ đẹp, phấp phới múa khúc Nghê thường, múa xong hát rằng:
Tiên tiên ơi, về đi thôi
Chốn Quảng Hàn đây ta lẻ loi
Âm thanh trong trẻo cao vút sánh với tiếng tiêu. Hát xong lại múa vòng rồi nhảy lên bàn, trong
chớp mát lại trở thành chiếc đũa. Ba người cười rộ, lại một vị khách nói "Đêm nay vui quá nhưng tửu
lượng có hạn, xin tiễn bọn ta ở cung trăng được không?". Ba người dời bàn rượu dần dần vào vầng
trăng, mọi người nhìn thấy ba người ngồi trong vầng trăng uống rượu, râu tóc đều rõ mồn một như nhìn
vào trong gương.
Lát sau vần trăng tối dần, học trò đốt đuốc tới thì chỉ có đạo sĩ ngồi một mình ở bàn, mà khách đã
đi mất rồi. Thức ăn trên bàn hãy còn mà vầng trăng trên vách chỉ còn là một mảnh giấy tròn như tấm
gương mà thôi. Đạo sĩ hỏi mọi người "Đã uống đủ chưa?” thưa "Đã đủ rồi". "Đủ rồi thì đi ngủ cho
sớm, đừng để lỡ việc kiếm củi sáng mai", mọi người vâng dạ lui ra. Vương thầm thích thú hâm mộ,
không muốn về nữa.
Lại đến một hôm thấy khổ cực không thể chịu nổi mà đạo sĩ vẫn không dạy cho một phép thuật
nào, không chờ được nữa bèn cáo từ nói "Đệ tử từ mấy trăm dặm tới học đạo, giả như không được dạy
phép trường sinh thì cũng mong được dạy chút thuật nhỏ cho thỏa lòng cầu đạo.


Thế nhưng đã hai ba tháng, chẳng qua chỉ sáng đi hái củi chiều trở về, lúc đệ tử ở nhà chưa quen
khổ cục thế này bao giờ". Đạo sĩ cười nói “Ta đã nói rằng ngươi không chịu nổi cực khổ, nay quả
đúng thế, sáng mai sẽ đưa ngươi về". Vương nói "Đệ tử làm lụng nhiều ngày, xin thầy dạy qua một
thuật nhỏ để không phụ công tới đây”. Đạo sĩ hỏi muốn học thuật gì, Vương nói “Thường thấy thầy đi
đâu, tường vách đều không ngăn cản được, nếu học được phép ấy cũng là đủ rồi”.
Đạo sĩ cười nhận lời rồi truyền cho khẩu quyết, sai tự niệm lấy xong, hô lớn “Vào đi!” Vương
thấy vách không dám bước vào, đạo sĩ lại nói “Thử vào xem!". Vương lại thong thả bước vào vách,
nhưng gặp tường lại bị ngăn lại. Đạo sĩ nói "Cúi đầu vào mau, đừng chần chừ", Vương lại tránh ra
mấy bước rồi chạy mau vào, tới tường thấy trống không như không có gì, quay lại nhìn thì đã ở phía
ngoài rồi. Cả mừng trở vào tạ ơn, đạo sĩ nói “Về tới nhà nên giữ mình trong sạch, không thì phép
không nghiệm đâu”, rồi cấp cho lộ phí về nhà.
Vương về tới nhà khoe là đã học qua phép tiên, tường vách cứng rắn cũng không ngăn cản được.

Vợ không tin, Vương bèn làm như trước, đứng cách tường mấy thước rồi lao nhanh vào, đầu va phải
tường ngã quay ra. Vợ tới đỡ dậy nhìn, thì trên trán nổi cục u to bằng quả trứng. Vợ cười nhạo, Vương
thẹn thùng tức tối, chỉ còn cách chửi đạo sĩ già bất lương mà thôi.
Dị Sử thị nói: Nghe chuyện này không ai không cười lớn, nhưng không biết rằng những kẻ như
Vương sinh trên đời lại có rất nhiều. Nay có kẻ ngu xuẩn ưa chất ngọt có độc mà sợ thuốc đắng
[13]

châm đau, lại có kẻ hút mủ liếm trĩ
dâng cái thuật khoe oai sính bạo để đón ý, khinh suất nói đem
thuật này có thể hoành hành không ai cản trở nổi. Buổi đầu làm thử thì chưa từng không có chút ít kết
quả, bèn cho rằng thiên hạ to lớn cũng có thể theo đó mà làm, nếu không húc đầu vào tường cứng mà
ngã quay ra thì không chịu thôi đâu.


006. Nhà Sư ở Trường Thanh (Trường Thanh Tăng)
Có nhà sư ở Trường Thanh (tỉnh Sơn Đông) đạo hạnh cao khiết, tuổi đã hơn tám mươi vẫn còn
khỏe mạnh. Một hôm chợt ngã chúi xuống, các sư trong chùa chạy tới đỡ dậy thì đã viên tịch rồi.
Nhưng nhà sư không biết mình đã chết, hồn cứ bay đi, tới địa giới tỉnh Hà Nam.
Ở Hà Nam có con nhà thân hào dẫn hơn mười người cưỡi ngựa thả ưng săn thỏ, ngựa lồng lên rơi
xuống đất chết, hồn nhà sư vừa tới đó bèn nhập luôn vào, dần dần tỉnh lại. Đám đầy tớ xúm lại hỏi han
thì cứ giương mắt nói "Sao ta lại tới đây?". Mọi người bèn đỡ về nhà, vào cửa thì đám thê thiếp môi
son má phấn xúm lại thăm hỏi, phát hoảng nói "Ta là sư mà, sao lại tới đây?”. Mọi người cho là còn
choáng váng, ghé vào tai nhắc cho mà sư cũng chẳng hiểu nổi, bèn nhắm mắt không nói gì nữa. Cơm
đưa tới nếu gạo xấu thì ăn, rượu thịt thì chối từ, đêm ngủ một mình, không cho thê thiếp hầu hạ.
Sau vài hôm chợt muốn dạo chơi, mọi người đều mừng rỡ. Ra tới bên ngoài, vừa dừng bước thì
đám tôi tớ xúm tới, sổ sách tiền gạo tranh nhau đưa trình, nhao nhao xin lệnh. Công tử lấy cớ có bệnh
còn mệt, nhất nhất chối từ, chỉ hỏi “Có biết huyện Trường Thanh tỉnh Sơn Đông ở đâu không?”, mọi
người cùng thưa có biết. Công tử bèn nói "Ta thấy buồn bực không vui, muốn tới đó chơi, mau sắp sửa
hành trang”. Mọi người nói vừa khỏi bệnh chưa nên đi xa, công tử không nghe.
Hôm sau lên đường, tới huyện Trường Thanh thấy phong cảnh vẫn như cũ, không phải hỏi đường

một ai, đi thẳng tới chùa. Các sư đệ tử thấy khách sang tới, đón tiếp rất cung kính. Công tử hỏi “Sư già
ở đâu?”, họ đáp “Thầy bọn ta vừa mất”. Hỏi mộ ở đâu, các sư bèn đưa tới, thì thấy ba thước mộ lẻ
loi, cỏ hoang còn chưa phủ kín, các sư đều không biết khách có ý gì. Đến khi lên ngựa ra về, dặn rằng
“Thầy của các ngươi là sư giữ gìn đạo hạnh, những vật còn để lại nên giữ cho kỹ, đừng để hư hỏng
chút gì". Các sư vâng dạ, công tử bèn lên đường.
Về tới nhà ngơ ngác thẫn thờ, chẳng nhìn ngó gì tới việc gia đình. Được vài tháng ra cửa trốn đi
một mình, về thẳng chùa cũ nói với đệ tử rằng “Ta là thầy các ngươi đây”. Mọi người ngờ là nói đùa,
nhìn nhau mà cười. Sư bèn kể lại chuyện nhập hồn vào xác lạ, lại nhắc lại việc làm lúc bình sinh, thảy
thảy đều đúng, mọi người mới tin bèn đưa vào ở chỗ cũ, hầu hạ như ngày trước.
Sau gia đình công tử mấy lần đem xe kiệu tới năn nỉ xin trở về nhưng sư không ngó ngàng gì tới.
Hơn một năm sau phu nhân sai đầy tớ tới thăm, đem rất nhiều quà cáp nhưng sư trả lại hết vàng lụa,
chỉ nhận một chiếc áo vải mà thôi. Bạn ta có người tới đó kính cẩn xin gặp, thấy sư im lặng dốc lòng
tu hành, tuổi chỉ trạc ba mươi mà học đạo hơn tám mươi năm rồi.
Dị Sử thị nói: Người chết thì hồn tan, mà hồn sư đi ngàn dặm chưa tan, là nhờ tính đã định
vậy. Ta không lạ về việc sư sống lại mà lạ về chỗ bước vào nơi hương thơm sắc đẹp lại có thể dứt
lòng trốn đi. Chứ nếu ánh mắt một phen lay động mà trong lòng sinh hương sắc thì có kẻ muốn
chết còn không được kia, huống hồ là sư ư?


007. Hồ Gả Con Gái (Hồ Giá Nữ)
[14]

Thượng thư bộ Lại họ Ân người Lịch Thành (tỉnh Sơn Đông) lúc trẻ nhà nghèo, có can đảm.
Trong làng có phủ đệ của nhà thế gia cũ, rộng vài mươi mẫu, lầu gác san sát nhưng thường thấy sự
quái dị, vì vậy bỏ trống không ai ở. Lâu ngày cỏ hoa mọc đầy, ban ngày cũng không người nào dám
vào. Có lần ông cùng các bạn bè học trò uống rượu, có người nói đùa “Có ai dám vào đó ngủ lại một
đêm, thì cả bọn góp tiền đãi một bữa rượu”. Ông nhảy phắt dậy nói “Chuyện đó có khó gì?”, bèn ôm
một cái chiếu đi, mọi người đưa tới tận cổng, đùa nói “Bọn ta chờ ở đây, nếu thấy có gì lạ, cứ kêu to
lên”. Ông cười nói “Nếu có ma quỷ hồ tinh, sẽ bắt về làm chứng”.
Bèn bước vào trong, thấy gai góc khuất lối, cỏ dại um tùm. Lúc ấy là đầu tháng, trăng non mờ mờ

có thể nhìn thấy cổng nẻo, bèn lần theo vách đi một lúc mới tới lầu phía sau, lên hiên ngắm trăng thấy
quang quẻ sạch sẽ đáng yêu liền dừng lại, trông về vầng trăng phía tây chỉ thấy như núi ngậm một sợi
dây sáng mà thôi. Ngồi một lúc lâu chẳng thấy gì lạ, cười thầm lời đồn đãi hão huyền rồi trải chiếu
xuống đất, gối đầu lên hòn đá nằm ngắm sao Ngưu lang Chúc nữ, một lúc thì thiu thiu ngủ.
Chợt dưới lầu có tiếng giày lẹp kẹp đi lên, ông bèn giả ngủ hé mắt nhìn, thấy là một tỳ nữ cầm
chiếc đèn lồng hình hoa sen, chợt trông thấy ông giật mình lui lại nói với người đi sau “Có người lạ ở
đây”. Người đi sau hỏi "Ai vậy?”, trả lời “Không biết nữa". Giây lát có một ông già lên tới, tới sát
ghé mắt nhìn ông rồi nói "Đây là quan Thượng thư họ Ân, nhưng đã ngủ say, cứ làm việc của ta đi,
tướng công là ngươi không câu nệ, chắc không lấy làm lạ mà quát nạt đâu”.
Bèn kéo nhau lên cả trên lầu, mở hết cửa nẻo ra. Một lúc sau người qua lại càng đông, trên lầu
đèn đuốc sáng như ban ngày, ông bèn khe khẽ trở mình, cất tiếng ho hắng. Ông già thấy ông tỉnh dậy
bèn bước ra quỳ gối xuống nói "Tiểu nhân có đứa con gái gả chồng đem nay làm lễ rước dâu, không
ngờ làm kinh động quý nhân mong ông bỏ qua”. Ông đứng dậy đỡ ông già lên nói “Không biết đêm
nay gia đình có việc vui mừng, thật thẹn không có lễ vật để tặng". Ông già nói "Được quý nhân quang
lâm, trấn áp sự hung hiểm là may lắm rồi. Xin ông cảm phiền ngồi chơi thì càng quý hóa lắm". Ông
vui vẻ nhận lời, bước vào trong lầu nhìn, thấy bày biện đẹp đẽ, lại có người đàn bà tới vái lạy, tuổi
khoảng hơn bốn mươi, ông già nói “Đây là vợ quê của ta", ông bèn đáp lễ.
Chợt nghe tiếng đàn sáo inh tai, có người chạy mau từ dưới lên nói “Tới rồi”. Ông già vội ra đón,
ông cũng đứng chờ. Phút chốc có người cầm chiếc đèn lồng bằng sa đưa chàng rể vào, thấy tuổi
khoảng mười bảy mười tám, dáng vẻ tuấn tú, ông già bảo làm lễ chào khách quý trước. Thiếu niên
nhìn ông, ông như người giữ việc tiếp khách, bèn nhận nửa lễ chủ nhân, kế cha vợ chàng rể làm lễ với
nhau, rồi ngồi vào bàn. Giây lát đám phụ nữ kéo lên đông đúc, rượu thịt bày ra la liệt, chén ngọc bình
vàng sáng rực bàn ghế. Rượu được vài tuần, ông già gọi tỳ nữ mời tiểu thư ra, hồi lâu không thấy tới.
Ông già đứng dậy vén màn hối thúc, giây lát một đám bà vú tỳ nữ đưa cô dâu ra, tiếng vòng ngọc lanh
canh, mùi lan xạ thơm phức. Ông già bảo lạy người trên, nàng lạy xong đứng dậy tới ngồi cạnh mẹ,
ông liếc nhìn thấy trâm phượng dát ngọc biếc, vòng tai khảm minh châu, dung mạo đẹp tuyệt trần. Kế


Tài liệu bạn tìm kiếm đã sẵn sàng tải về

Tải bản đầy đủ ngay
×