Tải bản đầy đủ (.pdf) (15 trang)

PHÂN TÍCH KHẢ NĂNG SINH lời

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (508.48 KB, 15 trang )

Bài 7: Phân tích khả năng sinh lời

BÀI 7

PHÂN TÍCH KHẢ NĂNG SINH LỜI

Hướng dẫn học
Khả năng sinh lời là một nội dung phân tích được nhiều đối tượng quan tâm, từ các nhà
quản trị tài chính, các nhà đầu tư cho tới các tổ chức cho vay, vì nó gắn liền với lợi ích của
họ ở hiện tại và tương lai, đồng thời là một trong những cơ sở tham khảo để ra quyết định
đầu tư, cho vay hay các quyết định tài chính khác sao cho phù hợp. Khả năng sinh lời
có mối quan hệ chặt chẽ với năng lực hoạt động và khả năng thanh toán của doanh nghiệp.
Để đánh giá khả năng sinh lời, nhà phân tích có thể sử dụng nhiều chỉ tiêu khác nhau mà
phổ biến nhất là các tỷ suất sinh lời trên doanh thu, tài sản và vốn chủ sở hữu.
Để học tốt bài này, sinh viên cần tham khảo các phương pháp học sau:
 Học đúng lịch trình của môn học theo tuần, trả lời các câu hỏi ôn tập đầy đủ và tham gia
thảo luận trên diễn đàn.
 Đọc tài liệu: Chương 2, sách “Giáo trình Tài chính doanh nghiệp” (Dùng cho sinh viên
trong ngành), PGS.TS Lưu Thị Hương (chủ biên), Nxb ĐH Kinh tế Quốc dân, 2014.
 Sinh viên làm việc theo nhóm và trao đổi với giảng viên trực tiếp tại lớp học hoặc
qua email.
 Tham khảo các thông tin từ trang Web môn học.
Nội dung
Bài học này trình bày mối quan hệ giữa khả năng sinh lời với hiệu quả hoạt động và khả
năng thanh toán của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, bài học còn giới thiệu cách vận dụng ba chỉ
tiêu quan trọng trong phân tích khả năng sinh lời của doanh nghiệp là tỷ suất sinh lời trên
doanh thu (ROS), tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) và tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở
hữu (ROE). Ngoài ra, bài học còn giới thiệu cách vận dụng được mô hình DuPont trong
phân tích khả năng sinh lời của doanh nghiệp.
Mục tiêu
Sau khi học xong bài học này, sinh viên có thể thực hiện được các việc sau:


 Trình bày được mối quan hệ giữa khả năng sinh lời và hiệu quả hoạt động, giữa khả năng
sinh lời và khả năng thanh toán của doanh nghiệp.
 Biết được cách tính toán và diễn giải các chỉ tiêu phân tích khả năng sinh lời của doanh
nghiệp, bao gồm tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu (ROS), tỷ suất lợi nhuận trên tài sản
(ROA) và tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE).
 Vận dụng được mô hình DuPont trong phân tích khả năng sinh lời của doanh nghiệp.

TXNHTC04_Bai7_v1.0015106223

105


Bài 7: Phân tích khả năng sinh lời

Tình huống dẫn nhập
ROE của các ngân hàng lao dốc: Đâu là nguyên nhân?
Giai đoạn 2009 – 2013 chứng kiến sự sụt giảm tỷ lệ sinh lợi của hệ thống ngân hàng thương mại
Việt Nam. ROE giảm từ 15% (2009) xuống chỉ còn 6% (2013). Mức sụt giảm này được đánh giá
là đáng kể và là một hiện tượng đáng quan tâm đối với các nhà nghiên cứu cũng như giới đầu tư.
Thực trạng này khiến cho các ngân hàng phải mở rộng sang những kênh đầu tư khác có tỷ lệ sinh
lời cao hơn ngoài hoạt động cho vay thông thường.

ROE là gì? Tại sao chỉ tiêu này lại được đặc biệt quan tâm trong phân tích khả
năng sinh lợi của các doanh nghiệp? Nguyên nhân nào dẫn tới sự sụt giảm
ROE của ngành ngân hàng Việt Nam giai đoạn 2009 – 2013 nêu trên?

106

TXNHTC04_Bai7_v1.0015106223



Bài 7: Phân tích khả năng sinh lời

7.1.

Mối quan hệ giữa khả năng sinh lời và hiệu quả hoạt động

Hiệu quả hoạt động được thể hiện ở khả năng quản
lý các chi phí phát sinh trong quá trình hoạt động
của doanh nghiệp, cụ thể hơn là ở khả năng giảm
thiểu các chi phí tới mức tối đa trong phạm vi
không ảnh hưởng đến thu nhập. Hiệu quả hoạt động
còn được thể hiện ở mức độ, tần suất khai thác cần
thiết các tài sản của doanh nghiệp để tạo ra một đơn
vị thu nhập.
Hiệu quả hoạt động là một trong những yếu tố quyết định khả năng sinh lời của doanh
nghiệp. Với các yếu tố khác không đổi, nếu một doanh nghiệp có hiệu quả hoạt động
cao hơn thì khả năng sinh lời cũng cao hơn và ngược lại.
Ngược lại, trong một chừng mực nào đó, khả năng sinh lời lại là thước đo cho hiệu
quả hoạt động của doanh nghiệp. Nếu hai doanh nghiệp thuộc cùng ngành nghề, có
quy mô, cơ cấu tài chính như nhau và những thuộc tính khác tương đồng nhau nhưng
một doanh nghiệp có tỷ lệ sinh lợi cao hơn thì đó có thể là do doanh nghiệp này có
hiệu quả hoạt động cao hơn.
Như vậy, để cải thiện khả năng sinh lời, doanh nghiệp cần nâng cao hiệu quả hoạt
động, cắt giảm những khoản chi phí phát sinh không cần thiết và khai thác các tài sản
với tần suất hợp lý.
Mối quan hệ giữa khả năng sinh lời và hiệu quả hoạt động có thể được lượng hóa
thông qua mô hình của DuPont, sẽ được trình bày ở phần sau của bài học này.
7.2.


Mối quan hệ giữa khả năng sinh lời và khả năng thanh toán

Khả năng sinh lời là một trong những yếu tố tác động tới khả năng thanh toán của
doanh nghiệp. Với các yếu tố khác không đổi, nếu một doanh nghiệp có khả năng sinh
lợi cao hơn thì thông thường lưu chuyển tiền tệ cũng tốt hơn, ngân quỹ dồi dào hơn và
khả năng thanh toán cũng tốt hơn, và ngược lại.
Tuy nhiên, cần lưu ý trường hợp doanh nghiệp có lợi nhuận cao nhưng phần lớn lợi
nhuận lại nằm dưới dạng các khoản phải thu khách hàng. Khi đó, tuy doanh nghiệp có
lợi nhuận kế toán cao, khả năng sinh lời được đánh giá thông qua các chỉ tiêu trên sổ
sách là tốt, nhưng thực tế vẫn chưa thu được tiền, ngân quỹ vẫn có thể bị thiếu hụt và
không đảm bảo khả năng thanh toán. Trong trường hợp này, có thể doanh nghiệp đang
lạm dụng chính sách tín dụng thương mại và bán chịu quá mức cho cả những đối
tượng khách hàng không đáng tin cậy, không có khả năng chi trả, dẫn tới nguy cơ
không thu được tiền từ những đối tượng này trong tương lai, làm phát sinh nợ khó đòi.
Điều này thật sự đe dọa tới khả năng thanh toán trong tương lai của doanh nghiệp.
Do đó, không thể cho rằng doanh nghiệp có lợi nhuận cao, khả năng sinh lời trên sổ
sách tốt thì chắc chắn khả năng thanh toán cũng tốt. Đồng thời, doanh nghiệp cũng
không nên vì mục đích tạo ra lợi nhuận mà xem nhẹ việc đảm bảo khả năng thanh
toán của mình.
Ngược lại, trong một chừng mực nào đó, khả năng thanh toán cũng có thể tác động
gián tiếp tới khả năng sinh lợi của doanh nghiệp. Chẳng hạn một doanh nghiệp cần
TXNHTC04_Bai7_v1.0015106223

107


Bài 7: Phân tích khả năng sinh lời

phải duy trì ngân quỹ ở mức độ nhất định, đảm bảo khả năng thanh toán thì mới có thể
mua sắm các yếu tố đầu vào cần thiết phục vụ cho sản xuất – kinh doanh, giúp hoạt

động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp được duy trì thường xuyên, từ đó có thể
tạo ra thu nhập ổn định hơn cho doanh nghiệp. Trường hợp ngân quỹ bị thiếu hụt, hoạt
động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp có thể bị gián đoạn, ảnh hưởng tới thu
nhập, hoặc doanh nghiệp sẽ phải tăng cường ngân quỹ bằng cách huy động thêm vốn
(một biện pháp tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp) và điều này sẽ làm gia tăng gánh nặng
chi phí vốn trong tương lai.
Bên cạnh đó, cũng cần lưu ý rằng trong một số trường hợp doanh nghiệp có thể sẽ
phải đánh đổi giữa việc đảm bảo khả năng thanh toán với khả năng sinh lợi. Chẳng
hạn nếu doanh nghiệp có dự trữ tiền mặt dồi dào thì có thể đảm bảo khả năng thanh
toán, nhưng nếu duy trì mức dự trữ tiền mặt quá cao thì lại làm giảm khả năng sinh lợi
bởi tiền không được sử dụng để đầu tư thì không tạo ra lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Việc duy trì dự trữ tiền mặt và xử lý biến động ngân quỹ như thế nào để vừa đáp ứng
nhu cầu thanh toán, vừa đảm bảo khả năng sinh lời là một câu hỏi được đặt ra với tất
cả các doanh nghiệp, đòi hỏi sự nghiên cứu và áp dụng của các mô hình quản lý ngân
quỹ như mô hình Baumol (EOQ), mô hình Miller-Orr,…
7.3.

Các chỉ tiêu phân tích khả năng sinh lời

7.3.1.

Tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu (ROS)

Tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu (ROS – Return on sales) được xác định bằng tỷ lệ
của lợi nhuận trên doanh thu thuần trong kỳ kinh doanh của doanh nghiệp.
Công thức:
ROS

=


Lợi nhuận
Doanh thu thuần

Tử số của công thức trên có thể là các khoản mục lợi nhuận khác nhau, được lấy ra từ
Báo cáo kết quả kinh doanh trong kỳ, tùy theo mục đích và đối tượng phân tích mà
nhà nghiên cứu lựa chọn, chẳng hạn lợi nhuận gộp, lợi nhuận trước lãi vay, thuế, khấu
hao tài sản cố định hữu hình và vô hình (EBITDA), lợi nhuận trước lãi vay và thuế
hay lợi nhuận hoạt động (EBIT), lợi nhuận trước thuế (EBT), lợi nhuận sau thuế hay
lợi nhuận ròng (EAT). Thông thường các nhà phân tích lựa chọn lợi nhuận sau thuế
làm tử số, khi đó tỷ suất này trở thành tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên doanh thu – một
chỉ tiêu tổng hợp phản ánh khả năng sinh lời của toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp:
ROS

=

Lợi nhuận sau thuế
Doanh thu thuần

Tỷ suất trên cho biết quy mô lợi nhuận được tạo ra từ mỗi đồng doanh thu thuần. Ví
dụ: Doanh nghiệp A có doanh thu thuần năm 2014 là 100 tỷ VND, lợi nhuận sau thuế
2014 là 20 tỷ VND → ROS = 20 tỷ / 100 tỷ = 0,2 hay 20%, tức là trung bình với mỗi
đồng doanh thu thuần mà doanh nghiệp kiếm được trong năm 2014 sẽ tạo ra 0,2 đồng
lợi nhuận sau thuế. Giả sử hệ số ROS trung bình ngành năm 2014 là 30%, tức là một
công ty ở mức trung bình của ngành này trong năm 2014 có khả năng tạo ra 0,3 đồng
lợi nhuận sau thuế từ mỗi đồng doanh thu thuần của họ. Hệ số ROS của công ty A
108

TXNHTC04_Bai7_v1.0015106223



Bài 7: Phân tích khả năng sinh lời

thấp hơn mức trung bình ngành, cho thấy công ty đang bị tụt hậu về khả năng sinh lợi
trên doanh thu và cần cải thiện hệ số này.
ROS càng cao cho thấy khả năng sinh lợi từ doanh thu càng cao, và ngược lại. Tỷ suất
này còn gián tiếp phản ánh hiệu quả quản lý chi phí của doanh nghiệp. Trong ví dụ
trên, doanh nghiệp A có tỷ suất lợi nhuận sau thuế / doanh thu thuần năm 2014 là
20%, như vậy là tổng chi phí năm 2014 chiếm tới 80% doanh thu thuần. Trong khi đó,
một công ty ở mức trung bình của ngành đạt ROS bằng 30%, tức là tổng chi phí của
nó chỉ chiếm 70% doanh thu thuần. Điều này cho thấy khả năng quản lý chi phí của
công ty A chưa tốt bằng những công ty khác cùng ngành và điều này đang ảnh hưởng
tới khả năng cạnh tranh của công ty trên thị trường.
Như vậy, với doanh thu không đổi, nếu doanh nghiệp quản lý chi phí tốt, tối thiểu hóa
được các chi phí phát sinh thì lợi nhuận sẽ cao hơn và nhờ vậy tỷ suất sinh lợi doanh
thu ROS cũng được cải thiện. Trường hợp ROS thấp là do doanh nghiệp quản lý chi
phí không hiệu quả. Nhà nghiên cứu có thể phân tích sâu hơn các thông tin trên Báo
cáo kết quả kinh doanh để xác định những khoản mục chi phí nào chiếm tỷ trọng lớn
nhất và là nguyên nhân chính gây ra tình trạng ROS thấp như trên, từ đó đề xuất các
giải pháp cắt giảm những chi phí này nếu có thể.
7.3.2.

Tỷ suất lợi nhuận trên tài sản (ROA)

Tỷ suất lợi nhuận trên tài sản (ROA – Return on assets) được tính bằng tỷ lệ của lợi
nhuận sau thuế trên tổng tài sản bình quân trong kỳ kinh doanh của doanh nghiệp.
Công thức:
ROS

=


Lợi nhuận sau thuế
Tổng tài sản bình quân

(Tổng tài sản bình quân trong kỳ được tính bằng trung bình cộng của tổng tài sản đầu
kỳ và cuối kỳ của doanh nghiệp. Trong trường hợp không có đủ số liệu, nhà phân tích
có thể sử dụng tổng tài sản tại một thời điểm nào đó, ví dụ thời điểm cuối kỳ, thay cho
tổng tài sản bình quân).
Tỷ suất này cho biết quy mô lợi nhuận sau thuế được tạo ra từ mỗi đồng được đầu tư
vào tổng tài sản của doanh nghiệp, qua đó phản ánh khả năng sinh lợi của các tài sản
hoặc tần suất khai thác các tài sản của doanh nghiệp.
Ví dụ: Doanh nghiệp A có tổng tài sản đầu năm 2014 là 160 tỷ VND, tổng tài sản cuối
năm 2014 là 240 tỷ VND và lợi nhuận sau thuế 2014 là 20 tỷ VND. Vậy tỷ suất lợi
nhuận trên tổng tài sản năm 2014 của công ty là: ROA = 20 tỷ / [(160 tỷ + 240 tỷ)/2] =
0,1 hay 10%, tức là trong năm 2014, trung bình với mỗi đồng vốn đầu tư vào tài sản
thì doanh nghiệp A tạo ra 0,1 đồng lợi nhuận sau thuế. Giả sử ROA trung bình ngành
2014 là 20%. Như vậy, ROA của công ty A trong năm 2014 thấp hơn các công ty ở
mức trung bình của ngành này, cho thấy công ty A chưa khai thác các tài sản của mình
một cách hiệu quả, hoặc tần suất sử dụng các tài sản quá thấp, không tương xứng với
tiềm năng sinh lợi của các tài sản mà doanh nghiệp có.
Nói chung, ROA càng cao chứng tỏ khả năng sinh lợi trên tổng tài sản hoặc tần suất
khai thác các tài sản của doanh nghiệp càng lớn. Tuy nhiên, cần đề phòng trường hợp
doanh nghiệp tạm thời có ROA cao không hẳn là vì khai thác tài sản một cách hiệu
TXNHTC04_Bai7_v1.0015106223

109


Bài 7: Phân tích khả năng sinh lời

quả mà là vì thiếu hụt đầu tư vào tài sản, có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh

trong lâu dài.
Lưu ý, trong trường hợp doanh nghiệp có tài sản thuê hoạt động thì những tài sản này
không được tính vào tổng tài sản (không được hạch toán trên Bảng cân đối kế toán),
tuy nhiên chúng vẫn có thể tham gia vào quá trình tạo ra lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Do đó, công thức ROA như trên đã bỏ sót tài sản thuê hoạt động ở mẫu số và từ đó
“thổi phồng” tỷ lệ sinh lợi trên tài sản của doanh nghiệp. Để điều chỉnh, có thể cộng
thêm tài sản thuê hoạt động vào mẫu số để đánh giá khả năng sinh lợi trên tài sản của
doanh nghiệp một cách chính xác hơn. Trong ví dụ trên, doanh nghiệp A có tổng tài
sản bình quân 2014 là 200 tỷ VND. Giả sử trong năm 2014 doanh nghiệp có sử dụng
tài sản thuê hoạt động với giá trị bình quân của năm là 50 tỷ VND, khi đó ROA được
điều chỉnh có tính đến vai trò của tài sản thuê hoạt động sẽ mang giá trị như sau: ROA
(điều chỉnh) = 20 tỷ / (200 tỷ + 50 tỷ) = 0,08 hay 8%, thấp hơn ROA trước điều chỉnh
là 10%. Như vậy, nếu tính tới cả vai trò của tài sản thuê hoạt động, thì trong năm
2014, trung bình với mỗi đồng vốn đầu tư vào tài sản, doanh nghiệp chỉ tạo ra 0,08
đồng lợi nhuận sau thuế.
Tỷ suất sinh lợi trên tài sản còn có thể được phân tích theo phương pháp tách đoạn của
DuPont (sẽ trình bày ở phần tiếp theo của bài học).
7.3.3.

Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE)

Tỷ suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu (ROE – Return on equity) được xác định bằng tỷ
lệ của lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu bình quân trong kỳ của doanh nghiệp.
Công thức:
ROE =

Lợi nhuận sau thuế
Vốn chủ sở hữu bình quân

(VCSH bình quân trong kỳ được tính bằng trung bình cộng của VCSH đầu kỳ và cuối

kỳ của doanh nghiệp. Trong trường hợp không có đủ số liệu, nhà phân tích có thể
sử dụng VCSH tại một thời điểm nào đó, ví dụ thời điểm cuối kỳ, thay cho VCSH
bình quân).
Tỷ suất này cho biết quy mô lợi nhuận sau thuế được tạo ra từ mỗi đồng vốn đầu tư
của các chủ sở hữu, từ đó phản ánh hiệu quả sử dụng VCSH của doanh nghiệp và mức
doanh lợi tương đối mà các cổ đông được hưởng khi đầu tư vào doanh nghiệp. Do đó,
ROE là một chỉ tiêu được các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm, thường xuyên được sử
dụng làm cơ sở đánh giá khả năng sinh lợi của doanh nghiệp, giúp các nhà đầu tư tiềm
năng ra quyết định trong hoạt động đầu tư vào cổ phiếu của doanh nghiệp.
Ví dụ: Doanh nghiệp A có VCSH đầu năm 2014 là 120 tỷ VND, VCSH cuối năm
2014 là 200 tỷ VND, lợi nhuận sau thuế năm 2014 là 20 tỷ VND. Vậy tỷ suất sinh lợi
trên vốn chủ sở hữu của công ty trong năm 2014 là: ROE = 20 tỷ / [(120 tỷ + 200
tỷ)/2] = 0,125 hay 12,5%, tức là trong năm 2014, trung bình với mỗi một đồng vốn do
chủ sở hữu đầu tư, doanh nghiệp tạo ra được 0,125 đồng lợi nhuận sau thuế. Giả sử
ROE trung bình ngành năm 2014 là 16%. ROE của công ty A năm 2014 thấp hơn mức
trung bình ngành, cho thấy công ty chưa sử dụng hiệu quả vốn chủ sở hữu. Nhà quản
lý doanh nghiệp cần điều tra nguyên nhân khiến cho ROE của công ty thấp như vậy là
gì và từ đó xây dựng biện pháp giải quyết phù hợp.
110

TXNHTC04_Bai7_v1.0015106223


Bài 7: Phân tích khả năng sinh lời

Nói chung, ROE càng cao cho thấy khả năng sinh lợi trên VCSH càng tốt. Tuy nhiên
cần đề phòng trường hợp doanh nghiệp có ROE cao không hẳn là vì khai thác vốn chủ
sở hữu một cách hiệu quả mà là vì lệ thuộc quá nhiều vào vốn vay, khiến cho cơ cấu
tài chính mất cân bằng và hàm chứa nhiều rủi ro cho doanh nghiệp. Cụ thể, nếu doanh
nghiệp tăng tỷ trọng vốn vay thì tỷ trọng VCSH sẽ giảm, khiến cho mẫu số ROE có

thể giảm và trong điều kiện thích hợp thì ROE sẽ tăng, tuy nhiên rủi ro vỡ nợ và rủi ro
phá sản cũng tăng theo (Liên hệ với kiến thức của bài 5 – Phân tích hoạt động tài chính).
Chỉ tiêu này còn có thể được phân tích theo phương pháp tách đoạn của DuPont
(sẽ trình bày ở phần tiếp theo).
7.4.

Ứng dụng mô hình Dupont trong phân tích khả năng sinh lời

Phương pháp này còn được gọi là phương pháp tách đoạn, được áp dụng đầu tiên bởi
công ty DuPont (Mỹ) và ngày nay được sử dụng rộng rãi ở nhiều quốc gia.
Bản chất của phương pháp DuPont là tách một chỉ tiêu phân tích tài chính thành tích
của các chỉ tiêu phân tích có mối quan hệ tương hỗ với nó. Dựa vào đó, nhà phân tích
có thể đánh giá sự tác động của các chỉ tiêu phân tích thành phần lên chỉ tiêu phân tích
ban đầu, đồng thời truy xét sự thay đổi của chỉ tiêu phân tích ban đầu là do yếu tố nào
gây ra.
Phương pháp này được áp dụng để phân tích hai chỉ tiêu là ROA và ROE.
 Mô hình DuPont – Phân tích ROA:
Theo mô hình DuPont, chỉ tiêu tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản được phân tách
như sau:
ROA

=
=

Lợi nhuận sau thuế
Tổng tài sản bình quân
Lợi nhuận sau thuế
Doanh thu thuần




Doanh thu thuần
Tổng tài sản bình quân

= ROS × Vòng quay tổng tài sản
Áp dụng vào trường hợp của công ty A:
ROA = (20 tỷ / 100 tỷ) × (100 tỷ / 200 tỷ) = 20% × 0,5 = 10%.
Phương trình tách ROA của DuPont cho thấy tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản
phụ thuộc hai yếu tố:
o Quy mô lợi nhuận sau thuế được tạo ra từ mỗi đồng doanh thu thuần, thể hiện
qua hệ số ROS. Như đã phân tích ở trên, hệ số này gián tiếp thể hiện khả năng
quản lý chi phí và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp
quản lý chi phí tốt thì có thể làm tăng ROS và từ đó cải thiện tỷ suất sinh lời
trên tài sản. Ngược lại, một doanh nghiệp có hiệu quả hoạt động thấp, quản lý
chi phí kém thì ROS sẽ thấp, từ đó làm giảm tỷ suất sinh lợi trên tài sản.
o Quy mô doanh thu thuần được tạo ra từ mỗi đồng vốn đầu tư vào tổng tài sản,
thể hiện qua hệ số vòng quay tổng tài sản (còn gọi là hiệu suất sử dụng tổng tài
sản). Hệ số này phản ánh hiệu quả và tần suất khai thác tổng tài sản của doanh
nghiệp. Như vậy, nếu doanh nghiệp có thể tăng hiệu quả khai thác tài sản thì
cũng sẽ cải thiện được ROA.
TXNHTC04_Bai7_v1.0015106223

111


Bài 7: Phân tích khả năng sinh lời

 Mô hình DuPont – Phân tích ROE:
Theo mô hình DuPont, chỉ tiêu tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu được phân tách
như sau:

ROE

Lợi nhuận sau thuế

=
=

VCSH bình quân
LSNT
DTT



DTT
Tổng TS bình quân



Tổng TS bình quân
VCSH bình quân

= ROS × Vòng quay tổng tài sản × Hệ số nhân VCSH
Áp dụng vào trường hợp của công ty A:
ROE = (20 tỷ / 100 tỷ) × (100 tỷ / 200 tỷ) × (200 tỷ / 160 tỷ)
= 20% × 0,5 × 1,25 = 12,5%.
Tất nhiên, việc tính toán ROE có thể thực hiện một cách nhanh chóng và đơn giản
hơn bằng cách áp dụng trực tiếp công thức ROE = Lợi nhuận sau thuế / VCSH
bình quân như trình bày ở mục 7.3.3. Tuy nhiên, sự phân tách chỉ tiêu ROE thành
tích của ba chỉ tiêu thành phần theo phương trình trên của DuPont là hữu ích bởi
nó cho thấy tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản phụ thuộc ba yếu tố:

o Hiệu quả hoạt động – khả năng quản lý chi phí của doanh nghiệp – thể hiện
qua ROS (như đã trình bày ở trên).
o Hiệu quả khai thác tài sản của doanh nghiệp – thể hiện qua Vòng quay tổng TS
(như đã trình bày ở trên).
o Cơ cấu vốn của doanh nghiệp – thể hiện qua hệ số nhân vốn chủ sở hữu EM
(equity multiplier). EM = Tổng TS bình quân / VCSH bình quân = Nợ phải trả
bình quân / VCSH bình quân + 1. EM tăng tức là doanh nghiệp tăng huy động
vốn từ bên ngoài.
Như vậy, sự thay đổi của ROE có thể là do ít nhất một trong 3 yếu tố nêu trên gây
ra. Mặt khác, doanh nghiệp muốn cải thiện ROE thì cần phải nâng cao hiệu quả
hoạt động, hiệu quả khai thác tài sản và lựa chọn cơ cấu vốn thích hợp.
Từ phương trình nêu trên, có thể biểu diễn hệ thống phân tích tài chính DuPont
theo sơ đồ sau:
LNST
Doanh thu thuần



LNST

Doanh thu thuần
Tổng tài sản



Tổng tài sản

Tổng tài sản
Vốn chủ sở hữu


LNST
Vốn chủ sở hữu

112

TXNHTC04_Bai7_v1.0015106223


Bài 7: Phân tích khả năng sinh lời

Ví dụ tổng hợp:
Dưới đây là Bảng cân đối kế toán cuối năm N – 1, cuối năm N và Báo cáo kết quả
kinh doanh năm N – 1, năm N của doanh nghiệp X (Đơn vị: tỷ VND):
Bảng cân đối kế toán cuối năm N và N – 1
TÀI SẢN

N–1

Tiền và chứng khoán dễ bán

N

NGUỒN VỐN

4,0

3,9

Các khoản phải thu


18,5

29,5

Dự trữ

33,1

46,7

N–1

Vay ngân hàng

N

5,1

18,2

Các khoản phải trả

10,3

20,0

Các khoản phải nộp

5,1


7,3

Tổng nợ ngắn hạn

20,5

45,5

Vay dài hạn

12,2

11,9

Tổng TS ngắn hạn

55,6

80,1

Cổ phiếu thường

23,3

23,3

Tài sản cố định (NG)

20,1


22,9

Lợi nhuận không chia

15,0

15,6

4,7

6,7

TSCĐ (theo giá trị còn lại)

15,4

16,2

Tổng tài sản

71,0

96,3

Tổng nguồn vốn

71,0

96,3


Khấu hao TSCĐ

Báo cáo kết quả kinh doanh năm N
Chỉ tiêu

N–1

N

1. Doanh thu

184,7

195,7

2. Giá vốn hàng bán

151,8

166,8

32,9

28,9

15,3

16,9

3,6


5,7

1,7

2,0

4. Lợi nhuận trước thuế và lãi

12,3

4,3

5. Lãi vay

1,75

2,97

6. Lợi nhuận trước thuế (TNTT)

10,55

1,33

7. Thuế thu nhập doanh nghiệp

4,2

0,53


6,35

0,8

1,6

0,2

4,75

0,6

3. Lãi gộp
* Chi phí điều hành
– Chi phí tiêu thụ
– Chi phí thuê
* Khấu hao tài sản cố định

8. Lợi nhuận sau thuế (TNST)
9. Trả lãi cổ phần
10. Lợi nhuận không chia

Cho các giá trị trung bình ngành năm N như sau: ROS = 2,9%; ROA = 8,8% và
ROE = 17,5%.
Yêu cầu: Hãy xác định ROS, ROA và ROE của công ty X trong năm N và N – 1.
Nhận xét về khả năng sinh lời của công ty X dựa vào kết quả tính được.
Hướng dẫn:
 ROS của công ty X:
o Năm N – 1: 6,35 / 184,7 = 3,44%

o Năm N: 0,8 / 195,7 = 0,41%.
Mức trung bình ngành năm N là 2,9%.

TXNHTC04_Bai7_v1.0015106223

113


Bài 7: Phân tích khả năng sinh lời

Nhận xét: Mức doanh lợi tiêu thụ sản phẩm năm nay suy giảm với mức độ rất lớn
so với năm trước (chỉ còn xấp xỉ 12% mức doanh lợi tiêu thụ của năm trước). Năm
N doanh thu tiêu thụ tăng không đáng kể, trong khi đó chi phí mua hàng bán và chi
phí khác tăng với tốc độ lớn, tình hình đó dẫn đến lợi nhuận sau thuế giảm sút và
kết quả là chỉ tiêu doanh lợi tiêu thụ sản phẩm quá thấp. Để cải thiện tình hình này,
doanh nghiệp cần quan tâm tới các biện pháp hạ thấp chi phí, tăng doanh thu trong
thời gian tới.
 ROA của công ty X:
o Năm N – 1: 6,35 / 71 = 8,94%
o Năm N: 0,8 / 96,3 = 0,83%
Mức trung bình ngành năm N là 8,8%.
Nhận xét: Doanh lợi tài sản của doanh nghiệp năm nay giảm sút quá nhanh so với
năm trước và quá thấp so với mức trung bình của ngành. Nguyên nhân của tình
hình này là do sự giảm sút nghiêm trọng của chỉ tiêu doanh lợi tiêu thụ sản phẩm
và hiệu suất sử dụng tổng tài sản. Doanh nghiệp cần có biện pháp cải thiện hai chỉ
tiêu trên mới có hy vọng tăng mức ROA.
 ROE của công ty X:
o Năm N – 1: 6,35 / 38,3 = 16,6%
o Năm N: 0,8 / 38,9 = 2,06%
Mức trung bình ngành năm N là 17,5%.

Nhận xét: Doanh lợi vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp năm nay giảm mạnh so với
năm trước và giảm mạnh hơn so với mức trung bình của ngành. Điều này không
làm thỏa mãn các chủ sở hữu. Nguyên nhân cơ bản là do doanh thu hầu như không
tăng, trong khi đó, chi phí tăng nhanh, điều đó dẫn đến lợi nhuận sau thuế quá thấp,
khả năng sinh lợi của vốn chủ sở hữu, vì thế, giảm sút một cách nghiêm trọng.
Áp dụng phân tích DuPont cho doanh nghiệp X:
 Tách ROA:
ROA (N – 1) = (6,35 / 184,7) × (184,7 / 71) = 3,44% × 2,6 = 8,94%
ROA (N) = (0,8 / 195,7) × (195,7 / 96,3) = 0,41% × 2,03 = 0,83%
Vậy nguyên nhân chủ yếu khiến ROA giảm sút là do tỷ lệ sinh lợi doanh thu đã
giảm mạnh trong năm N.
 Tách ROE:
ROE (N – 1) = (6,35 / 184,7) × (184,7 / 71) × (71 / 38,3) = 3,44% × 2,6 × 1,85 = 16,6%
ROE (N) = (0,8 / 195,7) × (195,7 / 96,3) × (96,3 / 38,9) = 0,41% × 2,03 × 2,5 = 2,06%.
Mặc dù doanh nghiệp tăng cường sử dụng đòn bẩy tài chính trong năm N (thể hiện
ở sự gia tăng của hệ số nhân vốn EM từ 1,85 lên 2,5), điều này vẫn không thể bù
đắp cho sự sụt giảm nghiêm trọng của tỷ lệ sinh lợi trên doanh thu, khiến cho ROE
vẫn bị giảm mạnh trong năm N.

114

TXNHTC04_Bai7_v1.0015106223


Bài 7: Phân tích khả năng sinh lời

Tóm lược cuối bài
Bài học này trình bày những nội dung cơ bản trong phân tích khả năng sinh lời của doanh
nghiệp, với các nội dung cơ bản như sau:



Hiệu quả hoạt động là một trong những yếu tố quyết định khả năng sinh lời của doanh
nghiệp. Với các yếu tố khác không đổi, nếu một doanh nghiệp có hiệu quả hoạt động cao hơn
thì khả năng sinh lời cũng cao hơn. Ngược lại, trong một chừng mực nào đó, khả năng sinh
lời lại là thước đo cho hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.



Khả năng sinh lời là một trong những yếu tố tác động tới khả năng thanh toán của doanh
nghiệp. Với các yếu tố khác không đổi, nếu một doanh nghiệp có khả năng sinh lợi cao hơn
thì lưu chuyển tiền tệ cũng tốt hơn, ngân quỹ dồi dào hơn và khả năng thanh toán cũng tốt
hơn. Ngược lại, trong một chừng mực nào đó, khả năng thanh toán cũng có thể tác động gián
tiếp tới khả năng sinh lợi của doanh nghiệp.



Các chỉ tiêu quan trọng phản ánh khả năng sinh lời của doanh nghiệp bao gồm: Tỷ suất sinh
lợi doanh thu (ROS), tỷ suất sinh lợi tài sản (ROA) và tỷ suất sinh lợi VCSH (ROE). Các tỷ
suất này lần lượt cho biết quy mô lợi nhuận mà doanh nghiệp tạo ra từ mỗi đồng doanh thu,
mỗi đồng đầu tư vào tài sản và mỗi đồng vốn mà chủ sở hữu đầu tư vào doanh nghiệp.



Phương pháp phân tích DuPont (tách đoạn) được áp dụng để phân tích ROA và ROE. Theo
đó, ROA được phân tách thành tích của ROS và vòng quay tổng tài sản, ROE được phân tách
thành tích của ROS, vòng quay tổng tài sản và hệ số nhân VCSH EM. Vận dụng phương
pháp này giúp nhà nghiên cứu đánh giá được những yếu tố ảnh hưởng đến khả năng sinh lợi
của doanh nghiệp (bao gồm hiệu quả hoạt động, hiệu quả khai thác tài sản và cơ cấu vốn).

TXNHTC04_Bai7_v1.0015106223


115


Bài 7: Phân tích khả năng sinh lời

Câu hỏi ôn tập
1. Trình bày mối quan hệ giữa khả năng sinh lời và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
2. Trình bày mối quan hệ giữa khả năng sinh lời và khả năng thanh toán của doanh nghiệp.
3. Trình bày công thức và ý nghĩa của chỉ tiêu tỷ suất sinh lợi trên doanh thu (ROS).
4. Trình bày công thức và ý nghĩa của chỉ tiêu tỷ suất sinh lợi trên tổng tài sản (ROA).
5. Trình bày công thức và ý nghĩa của chỉ tiêu tỷ suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu (ROE).
6. Trình bày phương trình tách ROA theo phương pháp DuPont và cho biết ý nghĩa của phương
trình này.
7. Trình bày phương trình tách ROE theo phương pháp DuPont và cho biết ý nghĩa của phương
trình này.
8. Bình luận ý kiến sau: “Một doanh nghiệp có khả năng sinh lời cao thì khả năng thanh toán
cũng tốt”.
9. Bình luận ý kiến sau: “Tỷ suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu không phụ thuộc cơ cấu vốn của
doanh nghiệp”.
10. Bình luận ý kiến sau: “Tỷ suất sinh lợi trên tổng tài sản càng cao thì tức là doanh nghiệp
khai thác tài sản càng hiệu quả”.
11. Bình luận ý kiến sau: “Nếu một doanh nghiệp có thể nâng cao hiệu quả hoạt động thì tỷ lệ
sinh lợi trên vốn chủ sở hữu sẽ tăng”.
12. Bình luận ý kiến sau: “Một doanh nghiệp quản lý chi phí tốt thì tỷ suất sinh lợi trên doanh
thu cũng cao”.

116

TXNHTC04_Bai7_v1.0015106223



Bài 7: Phân tích khả năng sinh lời

Bài tập cuối bài
Bài 1:
Doanh nghiệp B có doanh thu năm 2010 và 2011 lần lượt là 150 triệu VND và 210 triệu VND,
lợi nhuận trước thuế năm 2013 và 2014 lần lượt là 12 triệu VND và 18 triệu VND, chịu thuế suất
thuế thu nhập doanh nghiệp 25%. Hãy xác định tỷ suất sinh lợi trên doanh thu (ROS) năm 2010
và 2011 của công ty. Biết ROS trung bình ngành năm 2011 là 15%. Hãy nhận xét các kết quả
tính được.
Gợi ý: Áp dụng công thức ROS = LNST / Doanh thu. So sánh ROS năm 2011 với ROS năm
2010 và với ROS trung bình ngành năm 2011 để đưa ra nhận xét.
Bài 2:
Doanh nghiệp C có lợi nhuận sau thuế năm 2013 và 2014 lần lượt là $450.000 và $320.000, tổng
tài sản tại thời điểm cuối năm 2013 và 2014 lần lượt là $1.800.000 và $2.000.000. Hãy xác định
tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) năm 2013 và 2014 của công ty C, giả định tổng tài sản
bình quân mỗi năm bằng tổng tài sản tại thời điểm cuối năm đó. Cho ROA trung bình ngành năm
2014 là 11%. Hãy nhận xét các kết quả tính được.
Gợi ý: Áp dụng công thức ROA = LNST / Tổng TS bình quân. So sánh ROA năm 2014 với
ROA năm 2013 và với ROA trung bình ngành năm 2014 để đưa ra nhận xét.
Bài 3:
Doanh nghiệp D có lợi nhuận sau thuế năm 2013 và 2014 lần lượt là $512.000 và $604.000, vốn
chủ sở hữu tại thời điểm cuối năm 2013 và 2014 lần lượt là $2.800.000 và $3.600.000. Hãy xác
định tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) năm 2013 và 2014 của công ty D, giả định vốn
chủ sở hữu bình quân mỗi năm bằng vốn chủ sở hữu tại thời điểm cuối năm đó. Cho ROE trung
bình ngành năm 2014 là 25%. Hãy nhận xét các kết quả tính được.
Gợi ý: Áp dụng công thức ROE = LNST / VCSH bình quân. So sánh ROE năm 2014 với ROE
năm 2013 và với ROE trung bình ngành năm 2014 để đưa ra nhận xét.
Bài 4:

Năm N, doanh nghiệp E có ROS bằng 12%, vòng quay tổng tài sản là 1,3. Hãy xác định ROA
năm N của doanh nghiệp?
Gợi ý: Áp dụng phương trình tách ROA của DuPont.
Bài 5:
Năm N, doanh nghiệp E có ROS bằng 14%, vòng quay tổng tài sản là 0,8, hệ số nhân VCSH là
2,5. Hãy xác định ROE năm N của doanh nghiệp?
Gợi ý: Áp dụng phương trình tách ROE của DuPont.
Bài 6:
Năm N, doanh nghiệp F có ROS bằng 20%, ROA bằng 12,5%. Hãy xác định vòng quay tổng tài
sản năm N của doanh nghiệp?
Gợi ý: Áp dụng phương trình tách ROA của DuPont.
TXNHTC04_Bai7_v1.0015106223

117


Bài 7: Phân tích khả năng sinh lời

Bài 7:
Năm N, doanh nghiệp K có ROA bằng 30%, vòng quay tổng tài sản là 0,5. Hãy xác định tỷ suất
sinh lợi doanh thu (ROS) năm N của doanh nghiệp?
Gợi ý: Áp dụng phương trình tách ROA của DuPont.
Bài 8:
Năm N, doanh nghiệp G có ROS bằng 17%, vòng quay tổng tài sản là 0,6 và ROE là 15,3%. Hãy
xác định hệ số nhân vốn chủ sở hữu năm N của doanh nghiệp?
Gợi ý: Áp dụng phương trình tách ROE của DuPont.
Bài 9:
Năm N, doanh nghiệp H có ROS bằng 19%, hệ số nhân VCSH là 1,8 và ROE là 6,84%. Hãy xác
định vòng quay tổng tài sản năm N của doanh nghiệp?
Gợi ý: Áp dụng phương trình tách ROE của DuPont.

Bài 10:
Năm N, doanh nghiệp J có hệ số nhân VCSH là 3,4, vòng quay tổng tài sản là 0,4 và ROE là
24,48%. Hãy xác định tỷ suất sinh lợi doanh thu (ROS) năm N của doanh nghiệp?
Gợi ý: Áp dụng phương trình tách ROE của DuPont.
Bài 11:
Năm N, doanh nghiệp K có ROA bằng 8% và ROE bằng 15%. Hãy xác định hệ số nhân VCSH
năm N của doanh nghiệp?
Gợi ý: Áp dụng phương trình tách ROE của DuPont.
Bài 12:
Năm N, doanh nghiệp M có ROE bằng 16%, ROA bằng 9%. Giả sử hệ số nhân VCSH của doanh
nghiệp không thay đổi, hỏi ROE sẽ bằng bao nhiêu nếu ROA tăng lên 12%?
Gợi ý: Áp dụng phương trình tách ROE của DuPont.
Bài 13:
Dưới đây là Bảng cân đối kế toán cuối năm N – 1, cuối năm N và báo cáo kết quả kinh doanh
năm N – 1, năm N của công ty N (Đơn vị: tỷ USD)
Bảng cân đối kế toán cuối năm N – 1 và N
TÀI SẢN

N–1

N

NGUỒN VỐN

Tiền và chứng khoán dễ bán

8

5


Vay ngân hàng

Các khoản phải thu

4

6

12

24

Dự trữ

0,5

Các khoản phải trả

2,5

1,6

Các khoản phải nộp

1,5

0,4

9


2,5

15

10,5

100

100

60

62

184

175

Vay dài hạn
24

35

Tài sản cố định (NG)

200

200

Khấu hao TSCĐ


(40)

(60)

TSCĐ (theo giá trị còn lại)

160

140

Tổng tài sản

184

175

118

N

5

Tổng nợ ngắn hạn

Tổng TS ngắn hạn

N–1

Cổ phiếu thường

Lợi nhuận không chia

Tổng nguồn vốn

TXNHTC04_Bai7_v1.0015106223


Bài 7: Phân tích khả năng sinh lời
Báo cáo kết quả kinh doanh năm N
Chỉ tiêu

N–1

N

1. Doanh thu

600

800

2. Giá vốn hàng bán

300

420

3. Lãi gộp

300


380

* Chi phí điều hành

150

120

– Chi phí tiêu thụ

80

60

– Chi phí thuê

70

60

* Khấu hao tài sản cố định

60

60

4. Lợi nhuận trước thuế và lãi

90


200

5. Lãi vay

10

8

6. Lợi nhuận trước thuế (TNTT)

80

192

7. Thuế thu nhập doanh nghiệp

20

76,8

8. Lợi nhuận sau thuế (TNST)

60

115,2

9. Trả lãi cổ phần

54


109

10. Lợi nhuận không chia

6,0

6,2

Cho các giá trị trung bình ngành năm N như sau: ROS = 12%; ROA = 45% và ROE = 60%.
Yêu cầu: Hãy xác định ROS, ROA và ROE của công ty trong năm N và N – 1. Nhận xét về khả
năng sinh lời của công ty X dựa vào kết quả tính được.
Gợi ý: Áp dụng công thức tính ROS, ROA và ROE năm N – 1 và N của công ty. So sánh kết quả
ROS, ROA và ROE trong 2 năm liên tiếp với nhau và với mức trung bình ngành năm N, từ đó
đưa ra nhận xét.

TXNHTC04_Bai7_v1.0015106223

119



×