Đề tài: Phân tích yếu tố nước ngoài trong tư pháp quốc tế.Lấy ví dụ
thực tế chứng minh.
A. MỞ ĐẦU
Trong hoạt động giao lưu dân sự, các quan hệ không chỉ diễn ra trong
phạm vi lãnh thổ quốc gia mà còn được thực hiện trong phạm vi toàn cầu. Để
điều chỉnh các quan hệ đó, tư pháp quốc tế giữ vai trò quan trọng. Về cơ bản,
Tư pháp quốc tế là một ngành luật điều chỉnh các quan hệ dân sự theo nghĩa
rộng có yếu tố nước ngoài, chính yếu tố nước ngoài là điểm mấu chốt tạo nên
đặc trưng trong quan hệ tư pháp quốc tế. Để tìm hiểu một số đặc điểm và bản
chất pháp lí của yếu tố nước ngoài và thực thế phát sinh,trong bài tập nhóm này,
chúng em xin đề cập, phân tích các nội dung liên quan đến “yếu tố nước ngoài”
trong tư pháp quốc tế.
B. NỘI DUNG
I.
Một số vấn đề chung
1. Khái niệm tư pháp quốc tế
Tư pháp quốc tế là một ngành luật độc lập trong hệ thống pháp luật, là
một ngành khoa học pháp lý độc lập mà đối tượng nghiên cứu, điều chỉnh các
mối quan hệ dân sự, quan hệ hôn nhân và gia đình, quan hệ lao động, quan hệ
thương mại và tố tụng dân sự có yếu tố nước ngoài. Nói cách khác, ngành luật
Tư pháp quốc tế điều chỉnh các mối quan hệ dân sự theo nghĩa rộng có yếu tố
nước ngoài.
2. Đối tượng điều chỉnh của tư pháp quốc tế
Đối tượng điều chỉnh của tư pháp quốc tế là các quan hệ dân sự như kinh
doanh, thương mại, hôn nhân và gia đình, lao động… có yếu tố nước ngoài và
các quan hệ phát sinh trong lĩnh vực tố tụng dân sự có yếu tố nước ngoài.
1
Quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài thường được xác định thông qua ba
dấu hiệu chính: về dấu hiệu chủ thể tham gia quan hệ ; về căn cứ làm phát sinh,
thay đổi, chấm dứt quan hệ đó; về dấu hiệu đối tượng của quan hệ.
3. Ý nghĩa điều chỉnh
Tư pháp quốc tế ra đời đã mang đến một ý nghĩa to lớn đối với việc hội
nhập quốc tế của các quốc gia khi mà thế giới hiện đại ngày càng phát sinh
nhiều vấn đề về quan hệ nhân thân cũng như tài sản phát sinh giữa các công
dân, pháp nhân của các quốc gia khác nhau thâm chí là các quốc gia, các tổ
chức quốc tế với tư cách là một loại pháp nhân đặc biệt hay nói một cách rộng
hơn là các vấn đề về vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài. Việc hầu hết các quốc
gia đều thừa nhận khả năng áp dụng pháp luật nước ngoài nhằm phù hợp với
quá trình phát triển, khách quan và công bằng hơn trong việc điều chỉnh quan hệ
dân sự giữa công dân nước mình và công dân nước ngoài thì tư pháp quốc tế
càng chứng tỏ được vai trò then chốt, giúp giải quyết hài hòa các vấn đề phát
sinh nêu trên.
II.
Yếu tố nước ngoài trong tư pháp quốc tế
Ở Việt Nam, tư pháp quốc tế với tư cách là một ngành luật có đối tượng
điều chỉnh rộng bao gồm: quan hệ dân sự, kinh doanh thương mại, lao động,
hôn nhân và gia đình, tố tụng dân sự… có yếu tố nước ngoài. Các quy phạm Tư
pháp quốc tế được quy định trong các văn bản pháp luật khác nhau và thường
được hướng dẫn điều chỉnh cụ thể hơn trong các nghị định thông tư. Theo đó,
các quan hệ dân sự theo nghĩa rộng có yếu tố nước ngoài được điều chỉnh bởi
Bộ luật dân sự 2015 (Phần thứ Năm); Luật hôn nhân và gia đình 2014 (Chương
VIII); Bộ luật tố tụng dân sự 2015 (Phần thứ Tám)… và các văn bản pháp luật
chuyên ngành khác có liên quan.
Trong đó, Bộ luật dân sự 2015 trên cơ sở kế thừa các bộ luật dân sự trước
với Phần thứ Năm về quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài đã quy định những
2
nguyên tắc chung nhất cho việc xác định pháp luật điều chỉnh một số quan hệ
dân sự có yếu tố nước ngoài. Cụ thể, các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài
được quy định tại khoản 2 Điều 663 Bộ luật này, bao gồm 3 trường hợp: Thứ
nhất, có ít nhất một trong các bên tham gia là cá nhân, pháp nhân nước ngoài;
Thứ hai, các bên tham gia đều là công dân Việt Nam, pháp nhân Việt Nam
nhưng việc xác lập, thay đổi, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ đó xảy ra tại
nước ngoài; Thứ ba, các bên tham gia đều là công dân Việt Nam, pháp nhân
Việt Nam nhưng đối tượng của quan hệ dân sự đó ở nước ngoài.
1. Về dấu hiệu chủ thể
Dựa vào chủ thể tham gia quan hệ pháp luật, một quan hệ dân sự có yếu
tố nước ngoài khi có ít nhất một bên chủ thể tham gia quan hệ là “người nước
ngoài”. “Người nước ngoài” ở đây được hiểu theo nghĩa rộng, có thể là cá nhân
nước ngoài, pháp nhân nước ngoài, tổ chức nước ngoài kể cả quốc gia nước
ngoài hoặc các tổ chức quốc tế…
Cá nhân nước ngoài được hiểu là người không mang quốc tịch của quốc
gia sở tại. Theo pháp luật Việt Nam, Điều 3 Luật quốc tịch Việt Nam 2008 quy
định: “Người nước ngoài cư trú ở Việt Nam là công dân nước ngoài và người
không quốc tịch thường trú hoặc tạm trú ở Việt Nam”. Như vậy, người nước
ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam bao gồm: người mang quốc tịch
của một quốc gia khác; người mang nhiều quốc tịch nhưng không có quốc tịch
Việt Nam và người không quốc tịch.
Pháp nhân là một tổ chức gồm nhiều cá nhân thành lập trên cơ sở pháp
luật và có tư cách pháp nhân. Khái niệm pháp nhân nước ngoài xuất phát từ nhu
cầu thực hiện mục đích, chức năng của pháp nhân khi họ mở rộng phạm vi hoạt
động tại lãnh thổ của quốc gia khác. Các quốc gia khác nhau có cách giải thích
riêng về pháp nhân nước ngoài. Do đó, trên thực tế, để xác định một pháp nhân
có phải là pháp nhân nước ngoài hay không phải căn cứ vào quốc tịch của pháp
3
nhân. Việc xác định quốc tịch của pháp nhân dựa trên các nguyên tắc: dựa vào
nơi có trung tâm quản lý của pháp nhân, theo nơi thành lập hoặc nơi đăng ký
điều lệ của pháp nhân khi thành lập, nơi có phần lớn tài sản của pháp nhân hoặc
theo nơi tiến hành hoạt động chủ yếu.
Với sự phát triển mạnh mẽ của giao lưu dân sự quốc tế, các chủ thể tham
gia vào các quan hệ thuộc đối tượng điều chỉnh của tư pháp quốc tế không chỉ
có cá nhân và pháp nhân mà còn có cả quốc gia. Ví dụ: Nhà nước Việt Nam
tham gia vào các quan hệ hợp đồng, các quan hệ tài chính quốc tế (phát hành
trái phiếu quốc tế tại nước ngoài)…
Bên cạnh đó, các tổ chức quốc tế liên chính phủ cũng tham gia vào những
quan hệ này. Tổ chức quốc tế liên chính phủ là thực thể liên kết các quốc gia có
chủ quyền và các chủ thể khác của luật quốc tế. Các tổ chức quốc tế liên chính
phủ được thành lập dựa trên các điều ước quốc tế, có hệ thống các cơ quan để
duy trì hoạt động thường xuyên theo đúng mục đích, tôn chỉ của tổ chức đó.
Ngoài ra, có thể hiểu dấu hiệu chủ thể ở khía cạnh khác, đó là trong một
số quan hệ nhất định, các bên tham gia quan hệ mặc dù có cùng quốc tịch nhưng
các bên có trụ sở thương mại hoặc nơi cư trú ở các nước khác nhau. Trong
trường hợp này, quan hệ phát sinh vẫn là quan hệ có yếu tố nước ngoài. Ví dụ:
Trong một quan hệ hợp đồng mua bán vải, bên bán là thương nhân có trụ sở
thương mại tại Việt Nam, còn bên mua là thương nhân có trụ sở tại Pháp. Theo
Điều 1 Công ước Vienna 1980 của Liên hợp quốc về mua bán hàng hóa quốc tế
thì quan hệ hợp đồng trên chính là quan hệ hợp đồng có yếu tố nước ngoài.
Pháp luật Việt Nam quy định về yếu tố nước ngoài trong hầu hết các lĩnh
vực, từ dân sự đến hôn nhân gia đình, thương mại, lao động và cả tố tụng dân
sự, cụ thể:
Điểm a khoản 2 Điều 663 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Quan hệ dân sự
có yếu tố nước ngoài là quan hệ dân sự có ít nhất một trong các bên tham gia là
4
cá nhân, pháp nhân nước ngoài”. Ví dụ: Anh A là công dân Việt Nam đại diện
cho anh B là công dân Hoa Kỳ trong một vụ tranh chấp về quyền sở hữu tài sản.
Khoản 25 Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Quan
hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài là quan hệ hôn nhân và gia đình
mà ít nhất một bên tham gia là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở
nước ngoài”. Ví dụ: Chị A là công dân Việt Nam 30 tuổi kết hôn với anh B là
công dân Đức 35 tuổi, chủ thể nước ngoài là anh B. Khoản 5 Điều 3 Luật nuôi
con nuôi năm 2010 quy định: “Nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài là việc nuôi
con nuôi giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, giữa người nước ngoài
với nhau thường trú ở Việt Nam, giữa công dân Việt Nam với nhau mà một bên
định cư ở nước ngoài”. Ví dụ: Anh C là công dân Việt Nam đang định cư tại
Nga nhận cháu D 12 tuổi là công dân Việt Nam làm con nuôi, chủ thể nước
ngoài là anh C.
Trong tố tụng dân sự: Trong quá trình giải quyết một vụ việc tranh chấp
về quyền sở hữa tài sản giữa nguyên đơn là công dân Việt Nam đang cư trú tại
Hà Nội và bị đơn là công dân Anh đang cư trú tại Bungari, tòa án Việt Nam (tòa
án đang giải quyết vụ việc) đã yêu cầu tòa án Bungari xác minh một số vấn đề
nhân thân và tài sản của công dân Anh trong thời gian cư trú tại Bungari thông
qua thủ tục ủy thác tư pháp quốc tế.
2. Về đối tượng
Đối tượng tồn tại ở nước ngoài là một trong ba dấu hiệu quan trọng để
xác định một quan hệ nội dung có tính chất dân sự hoặc quan hệ tố tụng dân sự
có yếu tố nước ngoài, theo đó, mặc dù trong quan hệ dân sự chủ thể tham gia là
người Việt Nam, sự phát sinh, thay đổi, thực hiện hay chấm dứt quan hệ xảy ra
ở Việt Nam nhưng có đối tượng ở nước ngoài thì quan hệ đó chính là quan hệ
dân sự có yếu tố nước ngoài.
5
Như vậy, một quan hệ có tính chất dân sự có yếu tố nước ngoài là quan hệ
mà đối tượng của quan hệ này tồn tại ở nước ngoài. BLDS 2015 đã thay thuật
ngữ “tài sản” liên quan đến quan hệ dân sự ở nước ngoài bằng thuật ngữ “đối
tượng” của quan hệ đó ở nước ngoài. Thay đổi này đã mở rộng phạm vi quan hệ
dân sự có yếu tố nước ngoài ở góc độ đối tượng sẽ rộng hơn, cụ thể đối tượng
có thể là tài sản hoặc lợi ích khác mà các bên hướng tới khi tham gia vào mối
quan hệ dân sự không nhất thiết là tài sản.
Đối tượng ở nước ngoài bao gồm các trường hợp:
Thứ nhất, đối tượng của quan hệ dân sự là tài sản ở nước ngoài. Chẳng
hạn như tranh chấp về chia di sản thừa kế, cụ thể A là công dân Việt Nam, đã
sinh sống và chết tại Việt Nam, A chết không để lại di chúc nên đã gây ra tranh
chấp về tài sản giữa con đẻ và con nuôi của A (đều là công dân Việt Nam, đang
sinh sống tại Việt Nam) tài sản thuộc sở hữu hợp pháp của A tại thời điểm chết
là một căn nhà tại Việt Nam và một căn nhà tại Mỹ. Như vậy, có dấu hiệu về đối
tượng của quan hệ dân sự là tài sản ở nước ngoài nên đây là quan hệ dân sự có
yếu tố nước ngoài.
Thứ hai, đối tượng của quan hệ dân sự là lợi ích khác mà không phải là
tài sản. Chẳng hạn như việc công nhận và cho thi hành tại Việt Nam, bản án
hoặc quyết định dân sự của tòa nước ngoài, cụ thể B là công dân Việt Nam đã
từng sinh sống tại Mỹ, trong thời gian đó B đã được Tòa án Mỹ tuyên bản án
được quyền nuôi con, hiện nay người con đang mang quốc tịch Việt Nam và
đang sinh sống tại Việt Nam, B trở về và định cư tại Việt Nam, đồng thời yêu
cầu Tòa án Việt Nam công nhận bản án đã có hiệu lực tại Mỹ cũng có hiệu lực
tại Việt Nam.
Như vậy, đối tượng của quan hệ dân sự cũng được coi là dấu hiệu nhận
biết yếu tố nước ngoài, bởi lẽ tài sản và lợi ích khác là cơ sở làm phát sinh các
mối quan hệ dân sự và việc giải quyết các vấn đề liên quan đến đối tượng là
6
việc mà bất kỳ chủ thể nào khi tham gia quan hệ dân sự cũng đều mong muốn
và đối tượng giữ một vai trò quan trọng trong việc giải quyết vụ việc dân sự,
bên cạnh đó, khi đối tượng ở nước ngoài, về bản chất nó đã vượt qua phạm vi về
pháp luật điều chỉnh (nội dung và thẩm quyền giải quyết) của quốc gia không có
đối tượng, nên không thể coi đó là quan hệ dân sự thuần túy mà phải giải quyết
vụ việc đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài.
Việc xác định yếu tố nước ngoài theo đối tượng của quan hệ dân sự có ý
nghĩa quan trọng trong việc xác định quy phạm pháp luật áp dụng là quy phạm
thực chất hay quy phạm xung đột, đặc biệt là đối với các quy phạm xung đột, để
qua đó xác định thẩm quyền và nội dung giải quyết phù hợp với bản chất của vụ
việc dân sự.
3. Về căn cứ làm phát sinh, thay đổi, thực hiện hay chấm dứt quan hệ
Dấu hiệu thứ ba của quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài chính là dấu
hiệu về căn cứ làm phát sinh, thay đổi, thực hiện hay chấm dứt quan hệ. Nếu
như ở hai trường hợp trước thì yếu tố nước ngoài thể hiện trong mối quan hệ
này ở việc có một trong các chủ thể là người nước ngoài, hoặc là đối tượng phải
ở nước ngoài, thì, ở dấu hiệu thứ ba này sẽ xác định quan hệ có yếu tố nước
ngoài là quan hệ mà căn cứ (cơ sở) làm phát sinh, thay đổi, thực hiện hay chấm
dứt quan hệ này xảy ra ở nước ngoài.
Trong tư pháp quốc tế Việt Nam hiện nay, yêu tố nước ngoài này được thể
hiện ở trong quy định của nhiều Bộ luật, điển hình là Bộ luật dân sự năm 2015,
Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015,… Cụ thể, Điểm b khoản 2 Điều 663 BLDS
2015 quy định về Quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài là quan hệ dân sự thuộc
một trong các trường hợp, trong đó có “Các bên tham gia đều là công dân Việt
Nam, pháp nhân Việt Nam nhưng việc xác lập, thay đổi, thực hiện hoặc chấm
dứt quan hệ đó xảy ra tại nước ngoài”. Tương tự tại điểm b khoản 2 Điều 464
Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 cũng quy định về vụ việc dân sự có yếu tố
7
nước ngoài là vụ việc dân sự thuộc một trong các trường hợp, trong đó có
trường hợp “Các bên tham gia đều là công dân Việt Nam, pháp nhân Việt Nam
nhưng việc xác lập, thay đổi, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ đó xảy ra tại
nước ngoài”. Có thể nói các quy định về yếu tố nước ngoài trong tư pháp quốc
tế Việt Nam khá hiện đại và phù hợp với tư pháp quốc tế.
Một ví dụ cụ thể để thể hiện cho trường hợp này như sau: Ông Nguyễn Văn
A là công dân Việt Nam đang sinh sống tại Hàn Quốc, trước khi mất ông có để
lại một bản di chúc được ông viết tại Hàn Quốc theo đó để lại một số lượng tài
sản của ông ở Việt Nam cho các con của mình. Trong trường hợp này có thể
thấy được người lập di chúc là ông A là công dân Việt Nam, đối tượng là tài sản
của ông tại Việt Nam cho người thụ hưởng là các con của ông, tuy nhiên bản di
chúc này lại được ông lập tại Hàn Quốc. đây là một trường hợp xác định quan
hệ dân sự có yếu tố nước ngoài, cụ thể là quan hệ thừa kế do người để lại thừa
kế là ông A đã lập di chúc ở nước ngoài. Do hành vi lập di chúc ở Hàn Quốc
này của ông A đã làm phát sinh quan hệ thừa kế đối với các con của ông. Từ đó
thấy được rằng đây là trường hợp mà việc xác lập, thay đổi, thực hiện hoặc
chấm dứt quan hệ đó xảy ra tại nước ngoài. Bên cạnh đó thì yếu tố nước ngoài ở
đây được thể hiện ở quy định của tại khoản 2 Điều 681 Bộ luật dân sự năm
2015 của Việt Nam thì “ Hình thức của di chúc được xác định theo pháp luật
của nước nơi di chúc được lập.”
III. Bàn luận một số nội dung liên quan
1. Sự thay đổi về xác định yếu tố nước ngoài trong hệ thống pháp luật
dân sự Việt Nam
So sánh Điều 663 của Bộ luật Dân sự năm 2015 so với Bộ luật Dân sự
2005, cụ thể tại Điều 758: "Quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài là quan hệ dân
sự có ít nhất một trong các bên tham gia là cơ quan, tổ chức, cá nhân nước
ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc là các quan hệ dân sự giữa
các bên tham gia là công dân, tổ chức Việt Nam nhưng căn cứ để xác lập, thay
8
đổi, chấm dứt quan hệ đó theo pháp luật nước ngoài, phát sinh tại nước ngoài
hoặc tài sản liên quan đến quan hệ đó ở nước ngoài."
Có thể thấy, nếu như cách xác định “quan hệ dân sự có yếu tố nước
ngoài” trong Bộ luật Dân sự 2005 khá dài dòng thì đến Bộ luật Dân sự 2015 đã
quy định chi tiết, ngắn gọn và rõ ràng 3 yếu tố làm nên quan hệ dân sự có yếu tố
nước ngoài. Bên cạnh đó, có thể dễ dàng nhận ra, 2 điều luật trên có cách xác
định khác nhau ở dấu hiệu chủ thể tham gia quan hệ. Nếu theo quy định của Bộ
luật Dân sự 2005, quan hệ dân sự có ít nhất một trong các bên tham gia là người
Việt Nam định cư ở nước ngoài cũng được coi là có yếu tố nước ngoài, thì đến
Điều 663 Bộ luật Dân sự 2015, người Việt Nam định cư ở nước ngoài không
còn là chủ thể của quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài nữa. Có thể giải thích
cho sự lược bỏ này là xuất phát từ việc theo giải nghĩa Khoản 3 Điều 3 Luật
quốc tịch 2008: “người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam
và người gốc Việt Nam cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài” – chính địa vị
pháp lý này khiến Bộ luật Dân sự 2015 khi ra đời đã xếp chủ thể này trong quan
hệ dân sự không có yếu tố nước ngoài, được điều chỉnh bằng hệ thống pháp luật
quốc gia, đảm bảo tối đa lợi ích của công dân Việt Nam hay của người gốc Việt
ở nước ngoài. Không những thế, điểm mới này cũng giúp pháp luật dân sự phù
hợp với cách định nghĩa “quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài” trong khoa học
Tư pháp quốc tế của Việt Nam nói riêng và khoa học Tư pháp quốc tế của thế
giới nói chung.
2. Sự khác nhau về đối tượng điều chỉnh của pháp luật dân sự Việt Nam
và tư pháp quốc tế
Đầu tiên, chúng ta có thể dễ dàng thấy được rằng tư pháp quốc tế và dân
sự theo nghĩa rộng có điểm tương đồng, đó là cùng điều chỉnh quan hệ mang
tính chất dân sự, điều chỉnh mối quan hệ pháp lý mang tính chất tư giữa công
dân, pháp nhân phát sinh trong đời sống xã hội. Những quan hệ pháp luật được
9
xem là quan hệ pháp luật dân sự đó là những quan hệ được quy định trong Bộ
luật dân sự.
Bên cạnh những điểm tương đồng, tư pháp quốc tế với dân sự hay chính
là pháp luật dân sự Việt Nam lại có những điểm khác biệt cơ bản đó là về đối
tượng điều chỉnh, cụ thể:
Thứ nhất, về đối tượng điều chỉnh: Luật dân sự có đối tượng điều chỉnh
là quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản, điều chỉnh những quan hệ dân sự cụ thể
phát sinh trong lãnh thổ Việt Nam và không bao hàm tố tụng dân sự. Trong khi
đó, tư pháp quốc tế điều chỉnh quan hệ dân sự theo nghĩa rộng tức là bao gồm
quan hệ dân sự, quan hệ hôn nhân và gia đình, quan hệ lao động, quan hệ
thương mại và cả tố tụng dân sự có yếu tố nước ngoài. Điều đó có nghĩa là nếu
xét về yếu tố dân sự thì Tư pháp quốc tế có đối tượng điều chỉnh, hay nói cách
khác là phạm vi điều chỉnh rộng hơn so với ngành luật luật dân sự.
Thứ hai, điểm khác biệt quan trọng khác trong đối tượng điều chỉnh của Tư
pháp quốc tế với các ngành luật cần nói đến ở đây chính là “yếu tố nước ngoài”.
Nếu ngành luật dân sự chỉ điều chỉnh quan hệ dân sự trong phạm vi lãnh thổ thì
Tư pháp quốc tế điều chỉnh quan hệ dân sự mang tính chất quốc tế. Cụ thể, theo
khoản 2 Điều 663 BLDS 2015 thì yếu tố nước ngoài ở đây được hiểu: Có ít nhất
một trong các bên tham gia là cá nhân, pháp nhân nước ngoài; Các bên tham gia
đều là công dân Việt Nam, pháp nhân Việt Nam nhưng việc xác lập, thay đổi,
thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ đó xảy ra tại nước ngoài; Các bên tham gia
đều là công dân Việt Nam, pháp nhân Việt Nam nhưng đối tượng của quan hệ
dân sự đó ở nước ngoài.
3. Một số vướng mắc trong thực tiễn áp dụng pháp luật liên quan đến
yếu tố nước ngoài và kiến nghị hoàn thiện
10
Trên cơ sở nghiên cứu và xem xét các quy định về yếu tố nước ngoài
trong tư pháp quốc tế, nhóm xin đưa ra một số bất cập và kiến nghị các giải
pháp như sau:
Thứ nhất, theo quy định tại khoản 14 và 15, Điều 3, Luật Đầu tư 2014:
“Nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập
theo pháp luật nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Nhà đầu tư trong nước là cá nhân có quốc tịch Việt Nam, tổ chức kinh tế không
có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông”. Như vậy, người vừa có
quốc tịch Việt Nam, vừa có quốc tịch nước ngoài là nhà đầu tư trong nước hay
nhà đầu tư nước ngoài? Điều này còn bỏ ngỏ. Thực tế, nếu Việt kiều mang cả
hai quốc tịch Việt Nam và nước ngoài vẫn bị coi là người nước ngoài và nếu
tham gia góp vốn đầu tư tại Việt Nam vẫn áp dụng các quy định hạn chế về tỷ lệ
vốn góp tối đa trong doanh nghiệp như trường hợp nhà đầu tư nước ngoài. Vì
vậy, vấn đề này cần được hướng dẫn cụ thể hơn để đảm bảo quyền lợi hợp pháp
cho những chủ thể này.
Thứ hai, về khái niệm "người Việt Nam định cư ở nước ngoài" cũng chưa
được quy định rõ ràng trong Luật quốc tịch, Bộ luật dân sự và các văn bản
hướng dẫn. Theo quy định tại khoản 3, 4, Điều 3, Luật Quốc tịch 2008 thì
“Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam và người gốc Việt
Nam cư trú làm ăn sinh sống lâu dài ở nước ngoài. Người gốc Việt Nam định
cư ở nước ngoài là người Việt Nam đã từng có quốc tịch Việt Nam mà khi sinh
ra quốc tịch của họ được xác định theo nguyên tắc huyết thống và con cháu của
họ đang cư trú sinh sống lâu dài ở nước ngoài”. Vậy thời hạn bao lâu thì được
xác định là "lâu dài" thì không có cách hiểu thống nhất. Đây cũng là điểm mà
nhóm mong muốn sẽ có quy định chặt chẽ hơn, ví dụ như quy định về khoảng
thời gian hợp lý, hoặc một tiêu chí khác không phụ thuộc thời gian để áp dụng
một cách thuận tiện hơn. Vì vấn đề xác định một đương sự trong vụ án dân sự
11
có phải là "người Việt Nam định cư ở nước ngoài" hay không có vai trò quyết
định đến việc xác định thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
Thứ ba, theo khoản 4, Điều 16, Luật thương mại 2005: "Doanh nghiệp có
vốn đầu tư nước ngoài được thương nhân nước ngoài thành lập tại Việt Nam
theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã
hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên thì được coi là thương nhân Việt Nam".
Và khoản 1, Điều 16, Luật thương mại 2005 quy định: "Thương nhân nước
ngoài là thương nhân được thành lập đăng ký kinh doanh theo quy định của
pháp luật nước ngoài hoặc được pháp luật nước ngoài công nhận". Trong khi
Luật đầu tư sử dụng thuật ngữ "nhà đầu tư nước ngoài". Như vậy là có những
tên gọi khác nhau giữa các văn bản quy phạm pháp luật nhằm để chỉ một đối
tượng giống nhau và cùng là chủ thể của Tư pháp quốc tế. Vì vậy, nhóm cho
rằng nên thống nhất lại các thuật ngữ trong các văn bản quy phạm pháp luật để
thuận tiện hơn trong quá trình thực thi, tuân thủ pháp luật của các cơ quan, tổ
chức, cá nhân.
Ngoài ra, để đảm bảo hiệu quả trong hoạt động điều chỉnh các quan hệ
dân sự có yếu tố nước ngoài. Trong thời gian tới, Việt Nam cần đẩy mạnh hoạt
động xây dựng văn bản pháp luật, đặc biệt là văn bản hướng dẫn, giải thích
những yếu tố nước ngoài. Một mặt, tạo ra khung pháp lí quan trọng cho việc áp
dụng pháp luật, tránh hiện tượng chồng chéo và mâu thuẫn pháp luật. Mặt khác,
đảm bảo quyền và lợ ích hợp pháp của các chủ thể trong tư pháp quốc tế.
12
C. KẾT LUẬN
Như vậy, qua việc tìm hiểu một số vấn đề liên quan đến “yếu tố nước
ngoài” trong tư pháp quốc tế, giúp chúng ta có cái nhìn tổng quan về đặc điểm,
nội dung, bản chất của yếu tố nước ngoài. Từ đó, làm căn cứ pháp lí áp dụng
điều chỉnh các quan hệ phát sinh trong thực tế, phân biệt phạm vi điều chỉnh
giữa pháp luật dân sự Việt Nam và tư pháp quốc tế. Đảm bảo tối ưu quyền lợi
của các chủ thể tư pháp quốc tế và đảm bảo sự phù hợp với pháp luật quốc tế.
MỤC LỤC
A. MỞ ĐẦU........................................................................................................1
B. NỘI DUNG....................................................................................................1
I. Một số vấn đề chung...................................................................................1
1. Khái niệm tư pháp quốc tế.......................................................................1
2. Đối tượng điều chỉnh của tư pháp quốc tế...............................................1
3. Ý nghĩa điều chỉnh...................................................................................2
II.
Yếu tố nước ngoài trong tư pháp quốc tế.................................................2
1. Về dấu hiệu chủ thể..................................................................................3
2. Về đối tượng.............................................................................................5
3. Về căn cứ làm phát sinh, thay đổi, thực hiện hay chấm dứt quan hệ.......7
III.
Bàn luận một số nội dung liên quan.........................................................8
1. Sự thay đổi về xác định yếu tố nước ngoài trong hệ thống pháp luật dân
sự Việt Nam....................................................................................................8
2. Sự khác nhau về đối tượng điều chỉnh của pháp luật dân sự Việt Nam và
tư pháp quốc tế...............................................................................................9
13
3. Một số vướng mắc trong thực tiễn áp dụng pháp luật liên quan đến yếu
tố nước ngoài và kiến nghị hoàn thiện..........................................................11
C. KẾT LUẬN..................................................................................................13
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Trường Đại học Luật Hà Nội, giáo trình tư pháp quốc tế, 2017, nhà
2.
3.
4.
5.
6.
7.
8.
xuất bản Tư pháp
Bộ luật dân sự 2005
Bộ luật dân sự 2015
Luật đầu tư 2014
Luật hôn nhân gia đình 2014
Luật nuôi con nuôi 2010
Luật quốc tịch Việt Nam 2008
- Xác định pháp luật áp dụng đối với quan hệ
dân sự có yếu tố nước ngoài theo BLDS năm 2015.
14