Tải bản đầy đủ (.docx) (26 trang)

Mục Đích QUẢN LÝ TÀI CHÍNH

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (132.61 KB, 26 trang )

QUẢN LÝ TÀI CHÍNH

Kinh Thánh: Lu 6:38; 1 Tim. 6:7-10, 17-19; 2 Côr.
9:6; Mal. 3:10; Châm 11:24; Phi 4:15-19
I. QUẢN LÝ THEO NHỮNG NGUYÊN TẮC
CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI

Trong chương này, chúng ta sẽ bàn về sự dâng hiến
và biếu tặng tiền bạc. Sau khi đã bán đi tất cả, một
người vẫn tiếp tục có các khoản thu nhập; tiền bạc vẫn
tìm cách trở về tay người ấy. Người ấy nên quản lý tiền
bạc của mình thế nào? Thậm chí sau khi một người đã
dâng tất cả tiền bạc của mình, chúng ta không nên
nghĩ rằng tiền bạc không còn ảnh hưởng trên người ấy
nữa. Một số người có thể đem cho hết tiền bạc của
mình ngay một lần, nhưng tiền bạc có thể dần dần
phục hồi quyền lực của nó trên người ấy. Cuối cùng,
họ sẽ lại xem tiền bạc họ có là của riêng mình. Vì vậy,
một tín đồ phải học tập liên tục buông bỏ tiền bạc của
mình.


Cách Cơ-đốc-nhân quản lý tài sản hoàn toàn khác
với cách của một người vô tín. Cách Cơ-đốc-nhân
quản lý tiền bạc là đem cho. Cách của người vô tín là
tích chứa. Ngày nay chúng ta quan tâm đến việc một
Cơ-đốc-nhân phải sống thế nào để thoát khỏi tình trạng
túng thiếu. Đức Chúa Trời đã hứa với chúng ta rằng
chúng ta sẽ không thiếu thốn ở trên đất. Chim trên trời
không thiếu thức ăn, và hoa ngoài đồng không thiếu áo
mặc. Cũng vậy, con cái Đức Chúa Trời không thể thiếu


áo mặc và thức ăn. Nếu họ thiếu thốn điều gì thì phải
có một lý do hay nguyên nhân đưa đến tình trạng ấy.
Nếu một anh em bị túng bấn, ấy là người ấy không
quản lý tài sản của mình phù hợp với nguyên tắc của
Đức Chúa Trời.
Sau khi đã từ bỏ tất cả của cải của mình để theo
Chúa, anh em cần phải bước đi theo nguyên tắc của
Đức Chúa Trời. Nếu không theo nguyên tắc của Đức
Chúa Trời, thì rốt cuộc anh em sẽ lâm vào tình trạng
nghèo túng. Nhiều con cái Đức Chúa Trời có một nhu
cầu lớn, đó là học tập quản lý tài sản của mình. Nếu
không học tập quản lý tài sản của mình, họ chắc chắn
gặp khó khăn trong bước đường tương lai. Hôm nay,
chúng tôi muốn xem xét phương cách để đạt được sự
thịnh vượng của Đức Chúa Trời.
II. SỰ CHU CẤP CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI CÓ ĐIỀU
KIỆN
Là tín đồ, chúng ta phải ngưỡng trông Chúa để có
được thực phẩm, áo quần và những nhu cầu khác


trong khi chúng ta sống trên đất ngày nay. Không có sự
thương xót của Đức Chúa Trời, chúng ta không thể trải
qua những ngày tháng ở trên đất. Ngay cả đối với
những người giàu có cũng đúng như vậy; họ cũng phải
ngưỡng trông Chúa. Trong Thế Chiến thứ hai, chúng ta
thấy nhiều người giàu có bị tước đoạt hết áo quần và
thực phẩm. Một ngày kia, nhiều người sẽ hối tiếc về tài
sản của mình. Phao-lô cảnh cáo chúng ta đừng nương
cậy nơi sự giàu có vô định. Một người tham lam luôn

luôn là người lo âu. Những người tin cậy nơi Đức Chúa
Trời có thể không dành dụm được nhiều, nhưng Chúa
sẽ không để họ lâm vào những tình cảnh khó khăn.
Ngài có thể cung ứng cho tất cả nhu cầu của họ. Tuy
nhiên, chúng ta cũng phải nhận thức rằng sự cung ứng
của Đức Chúa Trời có kèm theo những điều kiện.
Nếu Đức Chúa Trời có thể nuôi chim trời, thì Ngài
cũng có thể giữ gìn sự sống của chúng ta. Trên thực
tế, không ai có thể nuôi tất cả chim chóc hay cung cấp
đủ phân bón để trồng tất cả những hoa huệ ngoài
đồng. Nhưng Đức Chúa Trời giàu có đủ để giữ cho
chim trời và hoa đồng huệ ngoài đồng sống động. Ngài
cũng giàu có đủ để giữ gìn sự sống của con cái Ngài.
Đức Chúa Trời không muốn thấy chúng ta thiếu thốn gì
cả. Ngài không muốn cuộc sống của chúng ta túng
thiếu về bất cứ mặt nào. Một người lâm vào tình cảnh
túng thiếu sa ngã vì người ấy có nan đề trong chính
mình; người ấy đã không quản lý tài sản mình theo
phương cách của Đức Chúa Trời. Nếu quản lý tiền bạc


của mình phù hợp với luật của Đức Chúa Trời, chúng
ta sẽ không nghèo túng.
Chúng ta hãy đọc Lu-ca 6:38. Phân đoạn này trong
Lời [Chúa] mô tả loại người Đức Chúa Trời sẽ cung
ứng. Đức Chúa Trời luôn luôn sẵn sàng cung ứng. Khi
Ngài cung ứng cho chúng ta, sự cung ứng ấy có thể
dồi dào đến nỗi tràn ra nơi miệng chúng ta và thậm chí
trở nên gớm ghê đối với chúng ta, như đã được mô tả
trong Xuất Ê-díp-tô Ký. Thực hiện một điều như vậy đối

với Đức Chúa Trời thì không phải là vấn đề. Chúng ta
đừng bao giờ nghĩ rằng Đức Chúa Trời nghèo nàn.
Đàn bò trên ngàn đồi núi là của Ngài, và đàn dê trên
vạn đồi núi là của Ngài. Nếu mọi sự đều thuộc về Đức
Chúa Trời, tại sao con cái Ngài lại nghèo túng như
vậy? Tại sao con cái Ngài lâm vào tình trạng thiếu
thốn? Đó không phải là vì Đức Chúa Trời không thể
cung ứng. Trái lại, chúng ta cần đáp ứng những đòi hỏi
của Ngài trước khi có thể nhận được sự cung ứng của
Ngài. Chúng ta cần đáp ứng những điều kiện nhất định
nào đó trước khi lời cầu nguyện của chúng ta được
nhậm. Thậm chí sự cứu rỗi của chúng ta cũng có
những đòi hỏi nhất định — đó là chúng ta phải tin. Mọi
lời hứa đều có điều kiện, và chúng ta phải thỏa đáp
những điều kiện ấy trước khi có thể nhận được lời
hứa. Cũng vậy, chúng ta cần thỏa đáp những đòi hỏi
của Đức Chúa Trời trước khi có thể nhận được sự
cung ứng của Ngài. Đòi hỏi của Ngài là phải ban cho.
Chúa nói: “Hãy cho, thì các ngươi sẽ được cho lại”.
III. HÃY CHO, THÌ SẼ ĐƯỢC CHO LẠI


Tôi từng thấy một vài anh chị em lâm vào tình cảnh
vô cùng thiếu thốn vì họ không trung tín trong vấn đề
dâng hiến. Thật ra thu nhập của họ không phải là thiếu.
Kinh Thánh cho chúng ta thấy một nguyên tắc căn bản
— một người phải phân phát để trở nên giàu có và một
người trở nên nghèo túng vì tích chứa của cải. Người
nào chỉ quan tâm đến chính mình đều bị định phận là
sẽ lâm vào tình cảnh nghèo túng. Người nào học tập

phân phát đều được định phận là sẽ giàu có. Lời Đức
Chúa Trời nói thế, và đúng là như vậy. Nếu muốn thoát
khỏi tình cảnh nghèo túng, chúng ta phải liên tục phân
phát. Chúng ta càng cho, Đức Chúa Trời sẽ càng ban
cho chúng ta. Vì chúng ta sẵn lòng chia sẻ phần dư dật
của mình với người khác, nên những người khác cũng
sẽ vui lòng chia sẻ phần dư dật của họ với chúng ta
trong tương lai. Nếu chúng ta cho người khác một
phần hai mươi, thì những người khác cũng sẽ cho
chúng ta một phần hai mươi. Nếu chúng ta cho người
khác một phần ngàn, thì những người khác cũng cho
lại chúng ta một phần ngàn.
Chúng ta lường cho người khác mực nào, thì người
khác cũng lường lại cho chúng ta mực ấy. Chúng ta đối
đãi với anh chị em mình theo mức lượng nào, thì Đức
Chúa Trời cũng đối đãi với chúng ta theo mức lượng
đó. Nếu chúng ta sẵn lòng hi sinh khoản thu nhập của
mình, những người khác cũng sẽ hi sinh khoản thu
nhập của họ cho chúng ta. Nếu chúng ta chỉ cho người
khác những gì hoàn toàn vô dụng, những thứ chúng ta
không bao giờ dùng tới, thì người khác chắc chắn cũng


sẽ cho chúng ta những thứ hoàn toàn vô dụng và
không thể dùng được. Nhiều người thu nhập khó khăn
vì họ phân phát khó khăn. Nếu một người không có
nan đề trong việc phân phát, thì khó mà tưởng tượng
rằng người ấy sẽ có nan đề trong việc thu nhập của
mình. Lời Đức Chúa Trời rất rõ ràng. Nếu chúng ta cho
người khác, Chúa sẽ ban cho chúng ta. Nếu chúng ta

không cho người khác, Chúa cũng sẽ không ban cho
chúng ta. Hầu hết mọi người chỉ vận dụng đức tin khi
xin Đức Chúa Trời [ban cho] tiền bạc; họ không vận
dụng đức tin trong việc phân phát tiền bạc. Không lạ gì
khi họ không có đức tin nhận lãnh bất cứ điều gì từ
Đức Chúa Trời.
Hỡi các anh em, ngay khi trở nên Cơ-đốc-nhân,
chúng ta phải học tập bài học cơ bản về việc quản lý
tiền bạc. Cơ-đốc-nhân có một phương cách độc đáo
để quản lý tài sản của mình: Những gì chúng ta nhận
được tùy thuộc vào những gì chúng ta phân phát. Nói
cách khác, cách quản lý tài chính của Cơ-đốc-nhân là
nhận được theo những gì chúng ta ban cho. Người thế
gian ban cho theo những gì họ đã nhận được, nhưng
chúng ta nhận được theo những gì chúng ta ban cho.
Sự chảy vào của chúng ta tùy thuộc vào sự tuôn ra của
chúng ta. Những người khao khát và bám chặt lấy tiền
bạc thì không bao giờ có thể nhận được tiền bạc từ
Đức Chúa Trời; họ sẽ không bao giờ nhận được sự
cung ứng nào từ Đức Chúa Trời.
Tất cả chúng ta đều cần phải ngưỡng trông Chúa
[đáp ứng] những nhu cầu của mình, nhưng Đức Chúa


Trời chỉ sẽ cung ứng cho các nhu cầu của một loại
người: những người phân phát. Nhóm chữ lường
lớn mà Chúa dùng trong Lu-ca 6:38 là những chữ tuyệt
diệu. Khi Đức Chúa Trời ban cho con người, Ngài
không bao giờ bủn xỉn. Ngài luôn rộng rãi và đầy tràn.
Đức Chúa Trời chúng ta luôn luôn rộng rãi. Chén của

Đức Chúa Trời chúng ta luôn luôn đầy tràn. Đức Chúa
Trời không bao giờ bần tiện. Khi Ngài ban cho, Ngài
nói đó sẽ là một lường lớn, được nén xuống và lắc
chặt. Hãy xem xét cách chúng ta mua gạo. Hầu hết
những người bán gạo sẽ không để chúng ta lắc cái lít
đong gạo. Họ không chịu để gạo đằm xuống rồi mới đổ
ra. Nhưng Chúa nói: “Nén xuống, lắc chặt”. Không
những vậy mà còn “đầy tràn”. Đức Chúa Trời chúng ta
là một Đức Chúa Trời rộng rãi như vậy. Ngài ban cho
bằng cách nén xuống, lắc chặt, vun lên và đầy tràn.
Tuy nhiên, Ngài cũng nói rằng chúng ta lường cho
người khác mực nào, thì chúng ta cũng sẽ được lường
lại mực ấy. Nếu chúng ta tính toán quá kỹ trong khi cho
người khác, thì Đức Chúa Trời sẽ chỉ cảm động người
khác cho chúng ta cách tính toán chính xác.
Trước hết chúng ta phải cho người khác, rồi người
khác sẽ cho chúng ta. Hầu hết mọi người đều chưa
bao giờ học tập ban phát. Họ luôn luôn muốn Đức
Chúa Trời nhậm những lời cầu nguyện của mình.
Trước hết chúng ta phải ban cho rồi mới có thể tiếp
nhận. Nếu gần đây chúng ta không nhận được gì cả,
thì sự kiện ấy có nghĩa là chúng ta đang có nan đề
trong việc ban cho. Tôi đã làm một Cơ-đốc-nhân hơn


hai mươi năm, và tôi có thể làm chứng một cách quả
quyết về nguyên tắc này. Mỗi khi một người có nan đề
trong việc ban cho, thì người ấy sẽ kinh nghiệm sự
thiếu thốn.
IV. HAI LỜI CHỨNG VỀ SỰ QUẢN LÝ

TIỀN BẠC
A. Câu Chuyện Của Handley Moule
Handley C. G. Moule tại Anh Quốc từng là chủ bút
tạp chí Sự Sống Và Đức Tin. Trong nhiều phương diện,
ông là một người vĩ đại trước mặt Chúa. Một trong
những thành đạt nổi bật của ông là sự hiểu biết Kinh
Thánh. Ông tin cậy Chúa [chu cấp] cho cuộc sống của
mình. Suốt cuộc đời mình, nhiều lần ông đã kinh
nghiệm cảnh thiếu thốn và thử thách, nhưng vì biết Luca 6:38 nên ông nói với vợ mình mỗi khi túng thiếu
rằng: “Gần đây phải có một điều gì đó sai trật đối với
việc chúng ta cho [người khác]”. Ông đã không nói về
nhu cầu trong nhà mình. Thay vào đó, ý nghĩ của ông
là về việc ông cho [người khác].
Lần kia, nhà ông gần như không còn gì cả. Thậm chí
ông không có bột là lương thực chủ yếu cho bữa ăn
hằng ngày của người Anh. Ông đợi hai ngày, nhưng
không ai đem gì cho ông cả. Khi ấy, ông bảo vợ mình
rằng: “Trong nhà chúng ta phải có một thứ gì đó mà
chúng ta không cần”. Ông không cầu xin Chúa cho ông
bột. Thay vào đó, ông nói: “Trong nhà chúng ta phải có
một thứ gì đó dư thừa. Đó là lý do Chúa không ban


cho”. Họ quỳ xuống cầu nguyện và xin Chúa chỉ cho họ
thấy thứ mà họ có quá nhiều trong nhà mình. Sau khi
cầu nguyện, họ xem qua mọi thứ. Họ bắt đầu từ gác
mái, xét xem có món đồ nào không cần thiết hay
không. Thậm chí họ cũng xem qua những vật dụng của
con cái mình và nhận thấy họ chỉ có đủ những gì cần
thiết. Sau đó, ông Moule nói với Chúa rằng: “Trong nhà

này thật sự không có gì dư thừa cả. Thưa Chúa, Ngài
đã lầm lỗi trong việc không cung ứng cho chúng con
điều chúng con đang cần”. Dừng lại một khoảnh khắc,
ông bảo vợ mình rằng: “Chúa không bao giờ lầm lỗi.
Trong nhà chúng ta phải có thứ gì đó dư thừa”. Họ lại
xem xét một lần nữa. Khi xuống dưới từng hầm, họ
thấy một thùng bơ mà người khác cho nhiều ngày
trước. Khi thấy thùng bơ, ông Moule liền vui mừng bảo
vợ mình rằng: “Đó tất là thứ dư thừa”.
Cả hai đều khá lớn tuổi. Trong nhiều năm, họ đã học
bài học ban cho. Họ biết lời Chúa nói: “Hãy cho, thì các
ngươi sẽ được cho lại”. Họ nóng lòng đem cho thùng
bơ ấy. Nhưng họ nên cho ai đây? Ông Moule là một
anh em trách nhiệm trong hội-thánh. Sau khi xem qua
danh sách các anh chị em nghèo, ông quyết định tặng
mỗi người một thỏi. Cặp vợ chồng già cắt thùng bơ
thành từng thỏi nhỏ, gói lại và đem tặng các anh chị em
ấy. Sau khi phân phát hết các gói [bơ], ông bảo vợ
mình rằng: “Bây giờ, chúng ta đã giải quyết vấn đề ấy
rồi”. Sau đó, họ quỳ xuống cầu nguyện: “Thưa Chúa,
chúng con xin phép nhắc Ngài về điều Ngài đã nói:


‘Hãy cho, thì các ngươi sẽ được cho lại’. Xin nhớ rằng
chúng con không còn bột nữa”.
Có lẽ hôm ấy là thứ bảy. Giữa vòng những người
nhận được bơ có một chị em rất nghèo nằm liệt
giường trong nhiều năm. Đã nhiều ngày chị ăn bánh mì
mà không có bơ nên cầu nguyện rằng: “Thưa Chúa,
xin thương xót con. Xin ban cho con một ít bơ”. Không

lâu sau lời cầu nguyện ấy, ông Moule đem bơ tới. Chị
lập tức cảm tạ Chúa về điều ấy. Một lúc sau, chị ngẩng
đầu lên và lại cầu nguyện rằng: “Thưa Chúa, dầu anh
Moule không thiếu thốn gì và đã cho con thỏi bơ này,
xin nghe lời cầu nguyện của anh nếu anh thiếu bất cứ
điều gì”. Anh Moule không cho ai biết về sự thiếu thốn
của mình, và không ai biết về tình trạng ấy. Thậm chí
có người còn đồn rằng anh Moule là một anh em rất
giàu có, luôn luôn cho [người khác] nhiều thứ, và đã cố
ý mua một lượng bơ lớn như vậy để phân phát cho
những người khác. Nhưng chị em ấy cầu nguyện rằng:
“Nếu anh có thiếu thốn gì, xin đáp lời cầu nguyện của
anh”. Ngay ngày hôm ấy, có lẽ trong một hai giờ đồng
hồ sau đó, ông Moule nhận được hai bao bột. Nan đề
của ông đã được giải quyết.
Chúng ta phải tin mọi lời của Chúa. Hầu hết mọi
người đều thấy khó tiếp nhận Lời Đức Chúa Trời là lời
Đức Chúa Trời. Ông Moule tin Lời Đức Chúa Trời là lời
Đức Chúa Trời. Nếu không ban cho thì chắc chắn anh
em sẽ không nhận được. Nếu anh em cho người khác,
thì chắc chắn người khác sẽ cho lại anh em. Đó là tại
sao chúng ta cần học tập ban cho. Ban cho không phải


là cùng đích; việc làm ấy khiến Đức Chúa Trời có thể
ban cho chúng ta. Đó là nguyên tắc Cơ-đốc-nhân quản
lý tài chính. Đừng mong đợi Đức Chúa Trời cung ứng
cho anh em nếu trong nhà anh em có thứ gì dư thừa.
Có lần, một anh em đồng công nói với tôi rằng:
“Trong hai mươi năm qua, mỗi lần tay tôi giữ lại tiền thì

luôn luôn có nan đề”. Nếu có nan đề trong việc ban
cho, thì cũng sẽ có nan đề trong việc nhận lãnh. Càng
muốn giữ lại thì anh em sẽ càng có ít. Càng cho thì anh
em sẽ càng có thêm. Hầu hết mọi người đều bám chặt
lấy tất cả những gì mình có, và vì vậy Đức Chúa Trời
để họ bám lấy số lượng nhỏ nhoi ấy. Họ chưa học tập
ban cho. Nếu ân điển ban cho chưa ở trong anh em,
thì ân điển của Đức Chúa Trời sẽ không ở trên anh em.
Nếu anh em không có ân huệ dành cho người khác, thì
anh em sẽ có ít ân điển của Đức Chúa Trời dành cho
chính mình.
B. Học Tập Bài Học Ban Cho Đầu Tiên
Tôi có thể nêu lên cho anh em nhiều lời làm chứng
về việc ban cho. Nhưng tôi không muốn làm như vậy.
Tôi sẽ chỉ nói về bài học đầu tiên của mình trong vấn
đề này. Năm 1923, anh Weigh Kwang-shi mời tôi đến
địa phương của anh là Kiến Âu, cách Phúc Châu
khoảng hai trăm bốn mươi kílômét. Khi ấy tôi là một
sinh viên, còn anh Weigh là bạn cùng lớp của tôi. Khi
sắp khởi hành đi Kiến Âu, tôi hỏi anh Weigh: “Tiền vé là
bao nhiêu?” Anh đáp: “Tiền vé đi thuyền là vài chục


đồng”. Khi ấy tôi nói: “Xin để tôi cầu nguyện về chuyến
đi này. Nếu Chúa muốn tôi đi, tôi sẽ đi”.
Lúc ấy, trong tay tôi không có một đồng nào. Tôi cầu
nguyện rằng: “Nếu Ngài muốn con đi, Ngài phải cung
cấp tiền cho con”. Sau khi cầu nguyện như vậy, Chúa
ban cho tôi mười mấy đồng. Thêm vào đó, tôi có hơn
một trăm hào. Nhưng tổng số tiền vẫn chưa đủ phân

nửa tiền vé. Không lâu sau đó, anh Weigh viết cho tôi
một bức thư và bảo rằng mọi sự đều sẵn sàng. Tôi
đánh điện cho anh biết là tôi sẽ đi. Tôi quyết định đi
ngày thứ sáu. Vào thứ năm, tôi dậy sớm, và lời đến với
tôi là: “Hãy cho, thì các ngươi sẽ được cho lại”. Tôi
phân vân trong lòng. Nếu đem cho người khác tiền của
tôi mà Chúa không trả lại thì tôi sẽ không thể đi được.
Tôi hơi bối rối.
Tuy nhiên, cảm giác bên trong tôi càng trở nên mạnh
hơn. Tôi cảm thấy là mình phải cho những đồng bạc ấy
đi và giữ lại những hào lẻ. Vì vậy, tôi suy nghĩ xem
mình nên cho ai số tiền ấy. Sau cùng, tôi có ý nghĩ là
cho một anh em có gia đình những đồng bạc ấy. Tôi
không dám nói với Chúa là mình sẽ vâng phục, và tôi
cũng không dám nói với Chúa là mình sẽ không vâng
phục. Tôi chỉ nói rằng: “Thưa Chúa, con đây. Nếu Ngài
muốn con đem cho anh ấy, xin khiến con gặp anh ấy
trên đường”. Tôi đứng dậy và bước ra khỏi nhà. Trên
đường, tôi gặp anh ấy. Ngay khi nhìn thấy anh, lòng tôi
chùng xuống. Nhưng tôi đã chuẩn bị sẵn. Tôi đến bên
anh và nói: “Anh ơi, Chúa bảo tôi giao số tiền này cho
anh”. Sau khi nói như vậy, tôi quay lại và rời khỏi đó.


Khi mới đi được hai bước, tôi bắt đầu rơi nước mắt.
Tôi nói: “Tôi đã đánh điện cho anh Weigh biết là tôi sẽ
đi. Bây giờ, số tiền ấy không còn nữa. Làm sao tôi đi
được?” Nhưng bên trong tôi cũng cảm thấy rất vui vì
Chúa nói: “Hãy cho, thì các ngươi sẽ được cho lại”.
Trên đường về, tôi nói với Chúa: “Thưa Chúa, Ngài

cần ban cho con. Thời gian chẳng còn bao nhiêu, mà
ngày mai thuyền sẽ rời khỏi đây”. Thứ năm ấy tiền
không đến. Vào ngày thứ sáu khi tôi sắp đi, mà vẫn
chưa có tiền. Một anh em đến đưa tiễn tôi nhưng tôi
vẫn chưa có tiền. Anh ấy đưa tôi lên thuyền. Ngay khi
bước lên thuyền, tôi tự nhủ: “Tôi chắc không thể đi
được. Tôi chắc sẽ không bao giờ tới nơi. Trước đây tôi
chưa bao giờ rời Phúc Châu, và tôi chưa bao giờ [đi
sâu] vào vùng nội địa. Tôi không biết một người nào ở
phía tây Phúc Châu cả”. Từ khi rời nhà hôm ấy, tôi liên
tục cầu nguyện. Khi lên thuyền rồi, tôi vẫn cầu nguyện.
Tôi cầu nguyện cho đến khi anh ấy rời khỏi, và thậm
chí cho đến khi tôi nằm xuống ngủ. Tôi nói: “Thưa
Chúa, con đã cho người khác. Nhưng Ngài chưa cho
lại con. Bây giờ là công việc của Ngài”. Hôm ấy, thuyền
đưa tôi đến cầu Hung-Shan, là nơi tôi đổi thuyền để
đến Shui-Kou. Khi ở trên thuyền, tôi đi tới đi lui từ
boong trên đến boong dưới một vài lần, tự nhủ rằng:
“Để Đức Chúa Trời chu cấp cho tôi, tôi phải tạo điều
kiện thuận lợi cho Ngài bằng cách đi quanh quẩn một
vài lần xem biết đâu Ngài sắp đặt tôi gặp một người
nào đó”. Nhưng việc làm ấy không có kết quả gì, và tôi
không gặp ai quen biết trên thuyền. Dầu vậy, tôi nói đi


nói lại với chính mình: “Hãy cho, thì các ngươi sẽ được
cho lại”.
Tình trạng ấy tiếp tục đến ngày hôm sau. Vào khoảng
bốn năm giờ thì thuyền sắp tới Shui-Kou. Sau khi đến
Shui-Kou, tôi lại phải đổi phương tiện vận chuyển một

lần nữa để sang một chiếc tàu đắt tiền hơn. Sau khi trả
tiền vé đi thuyền, tôi thấy mình chỉ còn bảy mươi mấy
hào. Tôi cảm thấy không yên, và cầu nguyện: “Thưa
Chúa, con hiện ở tại Shui-Kou. Con có nên mua vé để
trở lại Phúc Châu không?” Ngay khi ấy, tôi quyết định
trong tâm trí mình là hãy cứ đến Kiến Âu và giao phần
còn lại cho Chúa lo. Tôi nói: “Thưa Chúa, con sẽ không
xin tiền miễn là Ngài đưa con đến Kiến Âu”. Sau khi
cầu nguyện như vậy, tôi cảm thấy bình an.
Tôi đứng tại mũi thuyền, và trước khi thuyền tới ShuiKou, một chiếc thuyền nhỏ đến gần và người chủ
thuyền hỏi tôi rằng: “Thưa ông, ông sẽ đi Nan-Ping hay
Kiến Âu?” Tôi đáp: “Kiến Âu”. Người ấy nói: “Tôi sẽ
đưa ông đến đó”. Tôi hỏi giá cả bao nhiêu, thì người ấy
đáp: “Bảy mươi hào”. Khi nghe vậy, tôi biết Chúa đã
mở đường cho mình. Tôi đồng ý đi với người ấy.
Người ấy khiêng hành lý của tôi sang thuyền mình.
Thông thường giá vé đến Kiến Âu là bảy mươi hoặc
tám mươi đồng. Tôi hỏi người ấy: “Tại sao anh cho tôi
đi với giá rẻ như vậy?” Người ấy trả lời: “Giá rẻ như
vậy vì chiếc thuyền này đã được một viên chức của
quận thuê bao. Vị ấy ở trong ca-bin phía trước của
thuyền, và đã cho phép tôi chở một hành khách nữa để
tôi có thể kiếm thêm một ít tiền ăn [dọc đường]”. Tôi


nhớ rõ ngày ấy; tôi dùng số tiền ít ỏi còn lại mua một ít
rau cải và thịt, và tôi đã đến Kiến Âu an toàn.
Khi gần đến lúc phải rời Kiến Âu trở về, một lần nữa
tôi lại lâm vào tình cảnh rắc rối khó xử. Tôi chỉ còn lại
mười hai hào. Sau khi dùng một đồng để mua sắm, tôi

chỉ còn hai hào. Khi kỳ hội đồng sắp chấm dứt, tôi liên
tục cầu nguyện. Một ngày kia, ông Philips, một trong
bảy người nổi tiếng của Cam bridge, mời tôi đến dùng
bữa. Ông nói: “Anh Nee ơi, chúng tôi đã được giúp đỡ
rất nhiều qua chuyến thăm viếng này của anh. Tôi xin
lo phần lộ phí cho chuyến trở về của anh được
không?” Khi nghe như vậy, tôi vô cùng vui mừng.
Nhưng tôi cảm thấy mình không nên chấp nhận lời đề
nghị ấy. Tôi đáp: “Có người đã lo việc ấy rồi”. Khi nghe
như vậy, ông nói: “Tôi rất lấy làm tiếc khi nghe điều ấy”,
và không nhắc đến vấn đề ấy nữa. Khi về nhà, tôi rất
hối tiếc là đã khước từ lời đề nghị ấy. Nhưng khi cầu
nguyện, bên trong tôi cảm thấy bình an.
Tôi đợi thêm một ngày nữa. Vào ngày thứ ba, khi
chuẩn bị rời [nơi ấy], tôi chỉ có hai mươi xu trong túi.
Số tiền ấy không đủ để mua vé. Tôi thật sự lâm vào
một tình cảnh khó xử. Thân phụ của anh Weigh và gia
đình đều đến tiễn tôi đi. Hành lý của tôi đã được người
khuân vác mang đi rồi, và anh Weigh cùng đi với tôi.
Tôi cầu nguyện: “Thưa Chúa, Ngài đã đem con đến
Kiến Âu. Ngài phải đưa con trở về nhà. Đó là trách
nhiệm của Ngài và Ngài không thể để mặc việc đó cho
người khác. Nếu con đã phạm lỗi lầm gì, thì con sẵn
sàng thừa nhận lỗi lầm ấy. Nhưng con không tin rằng


mình đã làm gì sai trật”. Tôi cứ thưa rằng: “Đó là trách
nhiệm của Ngài vì Ngài đã nói: ‘Hãy cho, thì các ngươi
sẽ được cho lại’ ”. Giữa đường đến bến tàu, ông
Philips sai một người đến đưa cho tôi một bức thư. Tôi

mở bức thư ra, và bức thư ấy nói rằng: “Tôi biết đã có
người lo lộ phí cho anh. Nhưng Đức Chúa Trời đã cho
tôi biết rõ là tôi phải chia sẻ những chi phí của anh. Xin
cho phép người anh em lớn tuổi này dự phần ít ỏi trong
việc ấy và xin nhận lấy số tiền nhỏ nhoi này”. Tôi nhận
lấy số tiền ấy và thưa với Chúa: “Đức Chúa Trời ơi,
thật số tiền này đã đến đúng lúc”. Tôi dùng số tiền ấy
trả tiền vé, và khi trở về, tôi vẫn nhớ là còn đủ tiền để
in một số báo tạp chí Chứng Cớ Hiện Tại.
Khi trở về, tôi tìm đến người anh em đồng công của
mình. Ngay khi tôi bước vào nhà anh thì vợ anh nói:
“Anh Nee ơi, khi anh rời khỏi Phúc Châu, tại sao anh
đưa cho chồng tôi hai mươi đồng? Tại sao anh lại rời
ngay lập tức sau khi đưa tiền cho anh ấy?” Tôi đáp:
“Chỉ có một lý do: Tôi đã cầu nguyện cả ngày, và Chúa
bảo tôi đưa số tiền ấy cho anh. Khi tôi rời nhà và gặp
anh trên đường, tôi cứ thế mà đưa cho anh ấy tiền”.
Chị nói: “Tối hôm đó, chúng tôi chỉ có đủ cho một bữa
ăn cuối cùng. Khi tiền của anh đến, chúng tôi mua
được cả một bao gạo và mấy ký củi. Chúa đã không
cung cấp thêm tiền bạc gì cho chúng tôi mãi đến mấy
ngày trước. Kỳ ấy, chúng tôi đã cầu nguyện và chờ đợi
trong ba ngày”. Tôi rời khỏi [nhà ấy] mà không kể cho
chị câu chuyện của tôi. Khi đi xuống đồi, tôi tự nhủ:
“Thật là tốt, tôi đã không giữ lại hai mươi đồng ấy cho


chính mình. Nếu tôi giữ lại số tiền ấy trong túi mình thì
số tiền ấy đã chết rồi. Nhưng bây giờ, số tiền ấy đã
được đem cho, và trở thành hữu ích”. Tôi ngước mắt

lên thưa với Chúa rằng: “Đây là lần đầu tiên con hiểu
Lu-ca 6:38”. Tôi dâng chính mình cho Chúa một lần
nữa và thưa rằng: “Từ nay trở đi, con sẽ cho [người
khác]. Con sẽ không để một đồng xu nào vô dụng trong
tay con”.
Tôi chỉ ước gì mình có thể phân phát thêm tiền bạc
để việc làm ấy thực hiện thêm phép lạ cho Chúa. Tôi
đem cho tiền bạc để những lời cầu nguyện của người
khác có thể được trả lời. Tôi không muốn cứ nhất định
giữ lại tiền bạc của mình khiến nó vô hiệu quả và vô
dụng. Tôi không dám khoe khoang về kinh nghiệm ban
cho của mình. Có lẽ so với những người khác tôi đã
cho nhiều hơn một ít. Có lẽ so với họ tôi cũng đã nhận
được nhiều hơn một chút. Nhưng điều tôi có thể nói
rằng khắp Trung Quốc, khó tìm thấy một người nào
khác đã nhận lãnh nhiều và cho ra cũng nhiều như tôi.
Anh em có thể xem đây là lời nói của “một kẻ ngu dại”
(2 Côr. 11:23). Tôi thà để tiền bạc của mình làm phép
lạ và để nó đáp ứng cho nhiều lời cầu nguyện, còn hơn
là thấy nó không kết quả và trở nên vô dụng. Nếu tôi
không dùng tiền bạc ngày hôm nay thì tôi sẽ đem cho
nó đi. Khi tôi có nhu cầu, nó sẽ trở về, và khi trở về, nó
sẽ nhiều hơn số mà tôi đã cho.
Ngay từ đầu, một tín đồ mới phải học tập quản lý tài
chính của mình. Tôi không thích kể lể nhiều về chính
mình. Tuy nhiên, tôi phải làm chứng rằng từ năm 1923,


tôi không thua một người nào tại Trung Quốc về việc
sử dụng đồng bạc cuối cùng của mình. Chúa đã nói:

“Hãy cho, thì các ngươi sẽ được cho lại”. Tôi liên tục
học tập điều này. Khi tôi cho người khác, thì Chúa đáp
ứng nhu cầu của tôi. Tôi được thuyết phục rằng một
người chỉ nhận được khi nào người ấy cho. Không biết
bao nhiêu lần, tôi nhận thấy rằng khi tôi cho cách rộng
rãi, Chúa mới ban lại cho tôi cách rộng rãi. Tôi không
ngại có tiếng là giàu có. Đúng vậy; tôi giàu có, vì tôi
luôn luôn cho. Tôi luôn luôn buông bỏ tiền bạc của
mình. Tiền bạc không bao giờ dừng lại, và khi trở về
với tôi, tiền bạc luôn luôn gia tăng gấp bội. Đức Chúa
Trời chúng ta không bao giờ bủn xỉn.
V. CÁCH CƠ-ĐỐC-NHÂN QUẢN LÝ TÀI CHÍNH
Cách Cơ-đốc-nhân quản lý tiền bạc là không giữ lại
tiền bạc. Anh em càng giữ chặt tiền bạc của mình, thì
nó càng chết. Anh em càng nắm giữ, nó càng biến đi;
nó sẽ bốc lên như hơi nước. Nhưng càng đem cho,
anh em sẽ càng có thêm. Nếu con cái Đức Chúa Trời
học tập ban cho nhiều hơn nữa, Đức Chúa Trời sẽ có
nhiều cách thực hiện những phép lạ của Ngài. Giữ tiền
bạc lại chỉ làm cho con cái Đức Chúa Trời nghèo nàn.
Đức Chúa Trời sẽ không phó thác chính Ngài cho
những người giữ lại tiền bạc của mình mà không chịu
đem cho. Anh em càng cho, Đức Chúa Trời sẽ càng
ban cho anh em.
A. Gieo Tiền Bạc


Xin đọc 2 Cô-rin-tô 9:6, câu ấy nói: “Ai gieo ít thì gặt
ít, ai gieo rời rộng thì gặt rời rộng”. Đó cũng là nguyên
tắc thuộc linh về việc quản lý tài chính. Khi Cơ-đốcnhân ban cho, thì không phải là họ quăng tiền đi, mà là

gieo. Lời [Chúa] không nói rằng: “Ai quăng tiền bạc đi ít
thì gặt ít, ai quăng tiền bạc đi cách rời rộng thì gặt rời
rộng”, mà nói rằng: “Ai gieo ít thì gặt ít, ai gieo rời rộng
thì gặt rời rộng”. Khi anh em ban cho tức là anh em
gieo. Anh em có muốn tiền bạc của mình “mọc lên”
không? Nếu muốn thì anh em cần gieo. Khi anh em
cho tiền bạc của mình đi, thì nó “mọc lên”. Khi anh em
không cho tiền bạc đi, thì nó không “mọc lên”.
Anh chị em ơi, ai có thể ngu dại đến nỗi mong được
thu hoạch mà lại chẳng gieo không? Bao nhiêu lần Đức
Chúa Trời không đáp lời cầu nguyện của anh em về
các nhu cầu của anh em? Anh em là một “người chặt
dạ”, cố gắng gặt chỗ không gieo và lượm chỗ không
rải. Điều ấy không thể xảy ra được. Tại sao anh em
không gieo một số tiền của mình? Có nhiều anh chị em
ở trong tình cảnh khó khăn. Tại sao anh em không gieo
trên họ để anh em có thể gặt khi mùa gặt đến? Một
người càng giữ chặt tiền bạc của mình, thì người ấy
càng có ít. Trong phân đoạn Kinh Thánh trên, chúng ta
thấy một bức tranh rất đẹp. Người Cô-rin-tô tặng cho
những người tại Giê-ru-sa-lem, nhớ đến các nhu cầu
của họ, và Phao-lô nói đó là một loại gieo chứ không
phải là một loại quăng đi. Xin ghi nhớ rằng tiền bạc có
thể là hạt giống của chúng ta. Nếu anh em thấy một
anh em hay một chị em gặp khó khăn, và anh em nhớ


đến anh em hay chị em ấy, thì Đức Chúa Trời sẽ khiến
số tiền ấy “tăng trưởng” và gặt được gấp ba mươi, gấp
sáu mươi và thậm chí gấp một trăm lần. Tôi hi vọng

rằng anh em sẽ gieo thêm tiền bạc của mình.
Một tín đồ mới cần phải học tập gieo, để khi có nhu
cầu, người ấy có thể gặt điều mình đã gieo. Anh em
không thể gặt điều mình không gieo. Có nhiều anh em
ngày càng trở nên nghèo túng. Nếu anh em ăn hết
những gì mình có thì tất nhiên là không gì còn lại.
Nhưng nếu dành lại phân nửa hạt giống của mình để
gieo ra, thì anh em sẽ có một vụ mùa năm sau. Nếu
năm sau anh em cũng dành lại phân nửa cho công việc
trồng trọt, anh em sẽ có một vụ mùa khác vào năm sau
nữa. Nếu muốn gieo bất cứ điều gì, thì anh em không
được ăn tất cả những gì mình có. Một số người luôn
luôn ăn mà không bao giờ gieo. Họ cũng không bao
giờ nhận được gì khi có nhu cầu. Giả sử, vài anh em
trẻ tuổi “gieo” một số tiền “vào” những anh em khác, khi
gieo họ cầu nguyện rằng: “Đức Chúa Trời ơi, con đã
gieo trên các anh em. Khi có nhu cầu, con muốn thu
hoạch”. Nếu họ làm như vậy, Đức Chúa Trời sẽ tôn
trọng lời của Ngài.
B. Dâng Cho Đức Chúa Trời
Điều ấy cũng chưa phải là tất cả. Trong Cựu Ước,
Đức Chúa Trời nói với dân Y-sơ-ra-ên rằng: “Các
ngươi hãy đem hết thảy phần mười vào kho, hầu cho
có lương thực trong nhà Ta; và từ nay các ngươi khá
lấy điều này mà thử Ta, Đức Giê-hô-va vạn quân phán,


xem Ta có mở các cửa sổ trên trời cho các ngươi, đổ
phước xuống cho các ngươi đến nỗi không chỗ chứa
chăng!” (Ma-la-chi 3:10). Tại đây chúng ta thấy cùng

một nguyên tắc.
Khi ấy, dân Y-sơ-ra-ên lâm vào tình trạng vô cùng
nghèo túng và khó khăn. Làm sao họ có thể thực hành
lời [Chúa] trong Ma-la-chi 3:10? Dân Y-sơ-ra-ên có thể
đã hỏi rằng: “Nếu chúng ta không thể xoay sở được
với mười bao gạo, thì làm sao chúng ta có thể xoay sở
được với chín bao? Nếu mười bao bột còn chưa đủ, thì
làm sao chín bao bột lại đủ được?” Đó là những lời lẽ
ra từ môi miệng thuộc xác thịt và ngu dại. Đức Chúa
Trời đã quở trách dân ấy và bảo họ rằng điều không
thể được đối với con người thì có thể được đối với
Đức Chúa Trời. Dường như Ngài nói rằng: “Hãy đem
vào kho của Ta, và thử Ta xem Ta có mở cho các
ngươi những cửa sổ trên trời và đổ xuống ơn phước
cho các ngươi đến nỗi không đủ chỗ chứa chăng?”.
Mười bao là lý do gây nên tình trạng nghèo túng,
trong khi chín bao là nguyên nhân [dẫn đến] sự dư dật.
Con người nghĩ rằng trong tay càng có nhiều thì mình
càng vững bụng. Tuy nhiên, giữ lại nhiều thứ trong tay
chính là nguyên nhân gây nên [tình trạng] nghèo nàn,
trong khi dâng nhiều thứ lên cho Đức Chúa Trời chính
là nguyên nhân được ban phước. Nếu tôi có thêm một
bao trong tay, thì bao ấy sẽ trở nên sự nguyền rủa của
tôi. Còn nếu được đem vào kho của Đức Chúa Trời thì
bao ấy trở nên ơn phước của tôi. Nguyên tắc đối với
dân Y-sơ-ra-ên là tình trạng nghèo túng dành cho


những người cố giữ lại những gì lẽ ra phải dâng Đức
Chúa Trời. Nếu giữ lại một điều gì đó, thì anh em rốt

cuộc sẽ lâm vào tình cảnh nghèo túng.
C. Rải Tiền Bạc
Bây giờ xin đọc Châm-ngôn 11:24: “Có người rải của
mình ra, lại càng thêm nhiều lên; cũng có người chắt
lót quá bực, nhưng chỉ được sự thiếu thốn”. Nhiều
người không chịu rải, và họ không có gì cả. Nhiều
người đã rải, và họ trở nên thịnh vượng. Đó là điều Lời
Đức Chúa Trời cho chúng ta thấy. Đó là nguyên tắc
Cơ-đốc-nhân quản lý tài chính.
D. Dâng Tất Cả Cho Đức Chúa Trời
Xin xem xét một phân đoạn Kinh Thánh tuyệt diệu
khác về việc Ê-li cầu xin mưa trên núi Cạt-mên (1 Vua
18). Bấy giờ là hạn hán, và khô hạn đến nỗi vua và các
cận thần của vua phải đi tìm nước. Ê-li sửa chữa bàn
thờ ở trên núi ấy . Ông muốn dâng lên một sinh tế, và
yêu cầu người ta đổ nước trên bàn thờ và sinh tế.
Khi ấy nước quí báu biết bao! Thậm chí vua cũng
phải đi tìm nước. Nhưng Ê-li truyền người ta đổ nước
ra. Ông bảo họ đổ trên đó ba lần cho đến khi nước
chảy quanh bàn thờ [lênh láng] như sông. Đổ ra nhiều
nước như vậy trước khi có mưa thì không phải là phí
phạm quá sao? Nếu sau khi đã đổ ra nhiều nước như
vậy mà không có mưa thì không thảm hại lắm sao?
Nhưng Ê-li bảo họ đem những bầu nước tới và đổ ra.
Sau đó, ông quỳ xuống và cầu xin Đức Chúa Trời ban
cho lửa để thiêu sinh tế ấy. Đức Chúa Trời đã nghe lời


cầu nguyện của ông, lấy lửa chấp nhận sinh tế ấy, và
ban cho mưa. Trước hết chúng ta phải đổ nước ra rồi

mưa mới đến. Mưa sẽ không đến nếu chúng ta do dự
không chịu đổ nước ra.
Nan đề của nhiều người là họ bám chặt lấy những gì
mình có đồng thời mong Đức Chúa Trời đáp ứng lời
cầu nguyện của mình. Dầu Đức Chúa Trời muốn xua
tan hạn hán, nhưng con người phải đổ nước ra trước.
Ý nghĩ của con người là luôn luôn phải dự trữ. Nếu
mưa không đến thì ít nhất cũng còn vài bình nước.
Nhưng những người đếm các bình nước trong tay sẽ
không bao giờ thấy mưa. Để thấy mưa, một người phải
như Ê-li, bằng lòng buông bỏ lượng nước trong tay
mình. Mọi sự phải ra đi. Nếu các tín đồ mới không
được giải cứu khỏi quyền lực và sự bấu chặt của tiền
bạc, hội-thánh sẽ không bao giờ có thể tiến triển một
cách thông suốt. Tôi hi vọng rằng anh em sẽ làm một
người dâng mình và sẽ dâng mọi sự anh em có lên cho
Đức Chúa Trời.
E. Lời Hứa Về Sự Cung Ứng
Phi-líp 4:19 là một câu [Kinh Thánh] rất đặc biệt.
Người Cô-rin-tô thật keo kiệt trong việc ban cho, trong
khi người Phi-líp thì rất rộng rãi. Không biết bao nhiêu
lần, Phao-lô đã nhận được từ người Phi-líp. Ông nói
với người Phi-líp rằng: “Đức Chúa Trời tôi sẽ làm cho
đầy dẫy mỗi một nhu cầu của anh em theo sự giàu có
của Ngài, trong vinh quang, trong Christ Giê-su”. Anh
em có nhận thấy điều gì đặc biệt trong Phi-líp chương


4 không? Phao-lô đã nhấn mạnh: “Đức Chúa Trời tôi sẽ
làm cho đầy dẫy mỗi một nhu cầu của anh em”. Đức

Chúa Trời là Đấng nhận được tiền bạc và những quà
tặng sẽ đáp ứng nhu cầu của người ban cho.
Điều này rất rõ ràng. Người Phi-líp đã chăm sóc
Phao-lô không biết bao nhiêu lần, và Đức Chúa Trời
của Phao-lô đã cung ứng cho những nhu cầu của họ.
Đức Chúa Trời sẽ không bao giờ cung ứng cho những
người không ban cho. Ngày nay, nhiều người nắm lấy
Phi-líp 4:19, nhưng họ không thật sự hiểu câu ấy, vì
Đức Chúa Trời không cung ứng cho những người xin,
mà cung ứng cho những người ban cho. Chỉ những
người ban cho mới có thể nhận lấy Phi-líp 4:19. Những
người không ban cho không thể nhận lấy lời hứa ấy.
Anh em phải ban cho trước khi có thể nói: “Lạy Đức
Chúa Trời, hôm nay xin cung ứng cho mọi nhu cầu của
con theo sự phong phú của Ngài trong Christ Giê-su”.
Đức Chúa Trời chỉ cung ứng mọi nhu cầu cho người
Phi-líp. Đức Chúa Trời chỉ sẽ cung ứng nhu cầu của
những người thực hành nguyên tắc ban cho.
Khi bình của anh em không còn bột và khi chai của
anh em không còn dầu, xin ghi nhớ rằng trước hết anh
em phải làm bánh cho Ê-li bằng chút ít bột dầu còn lại.
Trước hết anh em phải nuôi dưỡng đầy tớ của Đức
Chúa Trời. Trước hết hãy lấy chút dầu và bột ấy mà
làm bánh cho vị tiên tri. Sau ít lâu, chút bột và dầu ấy
sẽ nuôi dưỡng anh em trong ba năm rưỡi. Có ai từng
nghe rằng một bình dầu nuôi dưỡng một người trong
ba năm rưỡi chưa? Nhưng tôi xin nói với anh em rằng


nếu anh em lấy chút dầu và bột của mình mà làm bánh

cho vị tiên tri, thì anh em sẽ thấy bình dầu nuôi dưỡng
anh em trong ba năm rưỡi (so sánh với Lu-ca 4:25-26;
1 Vua 17:8-16). Có thể những gì một người có không
đủ nuôi dưỡng người ấy dầu chỉ một lần. Nhưng khi
được đem cho, điều ấy trở nên phương kế sinh nhai
của người ấy. Đó là cách Cơ-đốc-nhân quản lý tài
chính.
VI. BUÔNG BỎ TIỀN BẠC CỦA CHÚNG TA
Cả Tân Ước lẫn Cựu Ước đều dạy chúng ta cùng
một điều. Con đường Cơ-đốc đúng ra không phải là
con đường nghèo túng. Đức Chúa Trời không muốn
chúng ta nghèo túng. Nếu giữa vòng chúng ta có tình
trạng nghèo túng, đó là vì có người giữ lại tiền của
mình. Càng yêu chính mình thì anh em sẽ càng đói
kém. Càng coi trọng tiền bạc thì anh em càng sẽ trở
nên nghèo nàn. Có thể tôi không có khả năng làm
chứng về những điều khác, nhưng tôi chắc chắn có thể
làm chứng về điều này. Một người càng giữ tiền mình
lại, thì người ấy càng trở nên khốn khổ và kiệt quệ. Đó
là một nguyên tắc hiển nhiên. Trong suốt hai mươi năm
qua, tôi đã gặp nhiều trường hợp như vậy. Tôi chỉ ao
ước rằng chúng ta có thể buông tiền bạc của mình ra
và để tiền ấy lưu hành trên khắp đất, nhằm thực hiện
công tác và trở nên một phần trong phép lạ của Đức
Chúa Trời và đáp ứng cho những lời cầu nguyện. Rồi
khi chúng ta có nhu cầu, Đức Chúa Trời sẽ cung ứng
cho chúng ta.



×