Đề thi Đại học 2009 - Môn Ngữ văn khối C
Phần chung cho tất cả các thí sinh (5,0 điểm)
Câu I (2,0 điểm)
Anh/chị hãy nêu những nét chính về tình cảm nhân đạo và bút pháp nghệ thuật của Thạch Lam trong
truyện ngắn Hai đứa trẻ
Câu II (3,0 điểm)
Trong thư gửi thầy hiệu trưởng của con trai mình, Tổng thống Mỹ A. Lin-côn (1809-1865) viết: “Xin thầy
hãy dạy cho cháu biết chấp nhận thi rớt còn vinh dự hơn gian lận khi thi.”
(Theo Ngữ văn 10, tập 2, NXB Giáo dục, 2006, tr. 135)
Từ ý kiến trên, anh/chị hãy viết 1 bài văn ngắn (không quá 600 từ) trình bày suy nghĩ của mình về đức
tính trung thực trong khi thi và trong cuộc sống.
Phần riêng (5,0 điểm)
Thí sinh chỉ được làm 1 trong 2 câu (câu III.a hoặc III.b)
Câu III.a. Theo chương trình chuẩn (5,0 điểm)
Cảm nhận của anh/chị về những vẻ đẹp khuất lấp của nhân vật người vợ nhặt (Vợ Nhặt – Kim Lân) và
nhân vật người đàn bà hàng chài (Chiếc thuyền ngoài xa – Nguyễn Minh Châu).
Câu III.b. Theo chương trình nâng cao (5, điểm)
Cảm nhận của anh/chị về 2 đoạn thơ sau:
Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông,
Một người chín nhớ mười mong một người.
Gió mưa là bệnh của giời,
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng.
(Tương tư – Nguyễn Bính, Ngữ văn 11 nâng cao, tập 2, NXB Giáo dục, 2007, tr. 55)
Nhớ gì như nhớ người yêu,
Trăng lên đầu núi nắng chiều lưng nương
Nhớ từng bản khói cùng sương,
Sớm khuya bếp lửa người thương đi về.
(Việt Bắc – Tố Hữu, Ngữ văn 12 nâng cao, tập 1, NXB Giáo dục, 2008, tr. 84)
GỢI Ý
PHẦN CHUNG CHO TẤT CẢ CÁC THÍ SINH
Câu I:
Nét chính:
Tính nhân đạo:
- Cảm thương với số phận của những con người bình thường nhỏ bé trong một cuộc sống tù túng ngột
ngạt.
- Trân trọng những khát vọng hướng đến một cuộc sống tươi đẹp sáng sủa.
Bút pháp nghệ thuật:
- Miêu tả tinh tế những biến thái của cảnh vật và những diễn biến tâm trạng nhân vật. Miêu tả không
gian và thời gian đặc sắc (sử dụng ánh sáng, bóng tối).
- Giọng văn nhẹ nhàng, ẩn chứa tâm sự kín đáo, bình dị, khách quan.
Câu II:
Đây là bài nghị luận xã hội. Học sinh cần thể hiện đúng những suy nghĩ của mình. Bài viết cần có bố
cục rõ ràng, chặt chẽ, có lập luận và dẫn chứng để thuyết phục người đọc đồng tình với quan điểm
của mình . Bảo đảm đúng 600 từ. Có thể có một bố cục như sau
A. Đặt vấn đề
- Trình bày ngắn gọn vai trò của đức tính trung thực trong cuộc sống
- Dẫn câu nói của Lin-côn
B. Giải quyết vấn đề
- Trình bày quan niệm của mình về tính trung thực
- Vai trò của đức tính trung thực trong khi thi và trong cuộc sống.
- Gắn với đề bài đề khẳng định: hãy sống bằng cái mình có, không thể giả dối trong cuộc đời
C. Kết thúc vấn đề
- Trung thực là một phẩm chất quan trọng cần có của con người
- Nếu thi cử ( học tập) đã gian lận thì trong trường đời sẽ là một kẻ gian dối.
PHẦN THI RIÊNG
Câu III.a.
Đây là kiểu bài yêu cầu học sinh nêu những nét đẹp tương đồng của nhân vật trong hai tác phẩm khác
nhau. Học sinh có thể làm theo hai cách. Hoặc phân tích vẻ đẹp của nhân vật trong từng tác phẩm.
Hoặc nêu những nét khái quát chung và riêng của hai nhân vật nữ qua hai tác phẩm. Ở đây theo cách
thứ nhất:
Đặt vấn đề
Hình tượng người phụ nữ trong văn học Việt Nam luôn được các nhà văn quan tâm thể hiện.
Trong chương tình 12 có hai tác phẩm cùng thể hiện vẻ đẹp kín đáo mà cao cả của người phụ nữ. Đó
là ngươi vợ nhặt trong tác phẩm cùng tên của Kim Lân và người đàn bà hàng chài trong Chiếc thuyền
ngoài xa của Nguyễn Minh Châu.
Giải quyết vấn đề
1. Vẻ đẹp của người vợ nhặt
- Khao khát một cuộc sống gia đình hạnh phúc nên theo Tràng
- Nhẫn nhịn, lo toan để có không khí gia đình hạnh phúc
- Khi chứng kiến gia cảnh nhà Tràng vô cùng nghèo không như sự tưởng tượng của mình, người vợ
nhặt vẫn nén tiếng thở dài để xây dựng một cuộc sống mới
- Nhanh chóng hoà nhập vào gia đình Tràng, thay đổi hẳn tâm tính khiến Tràng thấy ngạc nhiên
2. Người đàn bà hàng chài
- Chấp nhận để chồng đánh như một sự giải toả tâm lý cho chồng
- Đau đớn khi thấy con cái chứng kiến cha đánh mẹ chúng
- Thực sự cảm thấy hạnh phúc khi những đứa con được no đủ
- Không chấp nhận bỏ chồng để giải thoát mình mà chấp nhận chịu đòn để gia đình được tồn tại vì
biết cảm thông với những vất vả và bế tắc của người chồng
Kết thúc vấn đề
- Cả hai tác phẩm đều đề cập đến số phận đau khổ của người phụ nữ
- Cả hai tác phẩm đều ca ngợi vẻ đẹp khuất lấp của người phụ nữ: biết hy sinh, giàu lòng yêu thương,
thuỷ chung và nhẫn nhịn.
Câu III.b.
Cảm nhận về hai khổ thơ, học sinh có thể nêu cảm nhận qua từng khổ rồi rút ra nét tương đồng hoặc
tìm ra những nét tương đồng và phân tích cụ thể ở mỗi khổ.
Đặt vấn đề
- Hai khổ thơ: một của Nguyễn Bính, một của Tố Hữu đều nói về nỗi nhớ trong tình cảm mỗi con
người
- Tuy nhiên ở mỗi khổ trong mỗi bài có nét chung và nét riêng khác nhau
Giải quyết vấn đề
1. Cả hai khổ thơ đều diễn đạt một cách đằm thắm và tinh tế về nỗi nhớ khi phải cách xa người mà
mình thương yêu.
2. Đoạn thơ của Nguyễn Bính là nỗi nhớ của tình yêu nam nữ mang tính chất cá nhân.
Đoạn thơ của Tố Hữu là nỗi nhớ của "người đi" (ở đây là những người đại diện cho cách mạng,
kháng chiến) đối với "kẻ ở" (ở đây là đồng bào Việt Bắc). Đó là nỗi nhớ, là tình cảm công dân nhưng
lại được Tố Hữu ví như tình yêu nam nữ.
3. Cả hai đoạn đều giàu tính dân tộc: sử dụng thể lục bát, lời thơ ngọt ngào sâu lắng, hình ảnh giàu
tính biểu cảm
Kết thúc vấn đề
- Nguyễn Bính và Tố Hữu đều là những nhà thơ tuy ở hai thời kỳ khác nhau nhưng có cùng một nét
giống nhau : đó là giọng điệu ngọt ngào đằm thắm trong những bài thơ lục bát.
- Sự đồng điệu đó đã được thể hiện rõ trong hai khổ thơ nói trên.
• Thực hiện: Nguyễn Thanh Liêm (giáo viên Trường THPT Hà Nội Amsterdam)