Tải bản đầy đủ (.docx) (93 trang)

TRIẾT lý NHÂN SINH TRONG TRUYỆN NGẮN và bút ký của THẠCH LAM

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (692.99 KB, 93 trang )

TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI
KHOA TRIẾT HỌC
----------------

KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP
Tên đề tài:

TRIẾT LÝ NHÂN SINH TRONG TRUYỆN NGẮN
VÀ BÚT KÝ CỦA THẠCH LAM

Giảng viên hướng dẫn : TS Nguyễn Thị Vân
Sinh viên thực hiện

: Đặng Thu Hằng

Lớp

: K65A – Khoa Triết học

Mã sinh viên

: 655907010

Hà Nội - 2019


LỜI CẢM ƠN
Sau 4 năm học tập, nghiên cứu dưới sự dìu dắt, chỉ bảo tận tình của thầy
cô giáo trong khoa Triết học – Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, em đã hoàn
thành chương trình đào tạo Cử nhân chuyên ngành Sư phạm Triết học khóa 2015
– 2019 và hoàn thành khóa luận của mình.


Lời đầu tiên, em xin được gửi lời cảm ơn chân thành tới quý thầy cô trong
Ban giám hiệu nhà trường, quý thầy cô trong Ban chủ nhiệm khoa Triết học
cùng toàn thể thầy cô giáo trong khoa đã tạo điều kiện và môi trường thuận lợi
nhất để em được rèn luyện và trưởng thành trong suốt thời gian qua.
Đặc biệt, em xin được bày tỏ lòng biết ơn chân thành và xin được gửi
lời cảm ơn sâu sắc nhất đến cô, TS Nguyễn Thị Vân, người đã định hướng,
dìu dắt và tận tình chỉ bảo em trong suốt quá trình em viết và hoàn thành khóa
luận của mình.
Để khóa luận được hoàn thiện và thành công đến hôm nay, em cũng đã
nhận được không ít nguồn động lực và những tình cảm trân quý, những lời động
viên, khuyến khích từ gia đình, bạn bè và những người thân yêu.
Do khả năng và điều kiện nghiên cứu còn hạn chế, công trình nghiên
của em không tránh khỏi những thiếu sót. Em rất mong nhận được ý kiến
đóng góp của Hội đồng khoa học, quý thầy cô và các bạn để khóa luận được
hoàn thiện hơn.
Em xin chân thành cảm ơn!
Hà Nội, ngày 17 tháng 04 năm 2019
TÁC GIẢ


MỤC LỤC
MỞ ĐẦU..............................................................................................................1
1. Lý do chọn đề tài..........................................................................................1
2. Tình hình nghiên cứu đề tài........................................................................3
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của đề tài..........................................11
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của đề tài...........................................11
5. Đóng góp mới của đề tài............................................................................12
6. Phương pháp nghiên cứu đề tài................................................................12
7. Kết cấu của đề tài.......................................................................................12
NỘI DUNG.........................................................................................................13

Chương 1. KHÁI NIỆM TRIẾT LÝ NHÂN SINH VÀ KHÁI LƯỢC VỀ
TRUYỆN NGẮN, BÚT KÝ CỦA THẠCH LAM...........................................13
1.1 Khái niệm triết lý, triết lý nhân sinh......................................................13
1.1.1 Khái niệm triết lý................................................................................14
1.1.2 Khái niệm triết lý nhân sinh..............................................................16
1.2 Khái lược về truyện ngắn và bút ký của Thạch Lam...........................17
1.2.1 Thạch Lam – Cuộc đời và sự nghiệp................................................17
1.2.2 Giới thiệu về truyện ngắn và bút ký của Thạch Lam.......................25
Tiểu kết chương 1...........................................................................................38
Chương 2. NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN VỀ TRIẾT LÝ NHÂN SINH
TRONG TRUYỆN NGẮN VÀ BÚT KÝ CỦA THẠCH LAM.....................39
2.1 Tình yêu thương con người.....................................................................39
2.2 Tình yêu quê hương, đất nước................................................................61
2.3 Khát vọng về một xã hội tốt đẹp.............................................................69
Tiểu kết chương 2...........................................................................................75
KẾT LUẬN........................................................................................................77
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO.........................................................77


MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Thứ nhất, kể từ khi con người xuất hiện, “sưởi ấm” và “thức tỉnh” Trái
Đất, con người đã tự đưa mình vào vị thế khám phá: “Vũ trụ và Trái Đất có
nguồn gốc từ đâu?”, “Con người được sinh ra như thế nào?”... Từ đó, con người
dần hình thành nên một hệ thống tri thức về thế giới, trong đó có những tri thức,
quan niệm về chính con người, về sự sống của con người và xã hội loài người.
Đó chính là những triết lý nhân sinh. Nó là kết quả của sự chiêm nghiệm lâu dài
về con người và cuộc đời, nắm giữ vai trò quyết định trong việc định hướng ý
chí, tư duy, tình cảm, nghị lực, mục đích, lý tưởng sống của con người trong
cuộc sống.

Thứ hai, triết lý nhân sinh được biểu hiện thông qua nhiều hình thức
phong phú, đa dạng, đem lại cho con người những góc nhìn đa chiều, sâu sắc về
hiện thực cuộc sống và xã hội loài người. Một trong những cách thức biểu hiện
triết lý nhân sinh rõ ràng và nổi bật nhất chính là thông qua các tác phẩm văn
chương. Đối với con người, không gì thanh mát hơn “dòng suối” văn chương
trong trẻo giữa hiện thực cuộc sống khô khan và tất bật vì công cuộc mưu sinh.
Văn chương là “thanh âm” diệu kì toát lên từ đời sống hiện thực của những trái
tim hồn hậu và lãng mạn. Nó mang đậm giá trị về ngôn từ và nghệ thuật. Đó
chính là công cụ đắc lực góp phần truyền tải những suy nghĩ, tâm tư, tình cảm
của con người về con người và cuộc đời.
Thứ ba, một trong những cây bút đã dành cả cuộc đời để cống hiến cho
văn chương; bằng các tác phẩm của mình, ông đã góp thêm một nguồn sức
mạnh vô cùng to lớn vào công cuộc đấu tranh bền bỉ của những số phận bất
hạnh, góp một tiếng nói đầy cảm thông với lớp người lao động cùng cực, khốn
khổ; với chất văn dung dị, thấm đượm màu sắc nhân đạo, Thạch Lam chính là
một vì sao sáng ngời trên bầu trời văn học Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945. Là
1


một thành viên của nhóm Tự lực văn đoàn, các sáng tác nằm trong trào lưu văn
học lãng mạn nhưng độc giả vẫn nhận thấy ở Thạch Lam một màu sắc riêng biệt,
độc đáo. Thạch Lam của những điều gần gũi thường nhật và những con người
chân chất, bình dị, Thạch Lam của những khát khao cháy bỏng về một cuộc
sống tốt đẹp sẽ đến với những số mệnh bất hạnh, đáng thương. Bằng tâm hồn
bao dung, vị tha và trân quý vô hạn sự sống của con người, Thạch Lam bày tỏ
tấm lòng cảm thông sâu sắc trước những số phận, những con người khốn khổ
thuộc lớp đáy cùng của xã hội. Bởi mỗi hơi thở sinh ra và tồn tại trên đời đã là
điều đáng quý. Dù không thể tự mình chọn lựa một cuộc sống dễ dàng, viên mãn
nhưng chúng ta hoàn toàn có thể cùng chung tay xây dựng một xã hội văn minh,
tốt đẹp hơn. Văn Thạch Lam điềm đạm, tỉ mỉ, thâm nhập đến từng ngõ ngách

tâm trạng và những giằng xé trong nội tâm con người để thấu cảm nhiều khía
cạnh khác nhau của đời sống tâm lí phức tạp của con người. Giữa dòng đời lắm
bon chen, xô bồ, giữa nhịp sống hối hả thường nhật, Thạch Lam vẫn điềm nhiên,
thư thái, lãng mạn nhưng không hề khỏa lấp, lãng quên hiện thực. Ông dùng trái
tim hồn hậu để vui buồn với đời, cảm thông sâu sắc với từng giọt mồ hôi, nước
mắt và những cơ cực của nhiều lớp người khác nhau trong xã hội. Đó là những
tiểu tư sản nghèo túng, là những người phụ nữ đáng thương, là những người lao
động bần cùng, bất hạnh. Bởi vậy mà thông qua các sáng tác của Thạch Lam,
triết lý nhân sinh được bộc lộ rõ nét. Đó là những chiêm nghiệm hết sức sâu sắc
của tác giả và có ý nghĩa to lớn đối với việc tu dưỡng, hoàn thiện nhân cách của
con người.
Thứ tư, ngày nay, giá trị, vai trò quan trọng của triết lý nhân sinh trong
văn chương, đặc biệt là triết lý nhân sinh trong các sáng tác của Thạch Lam vẫn
còn vẹn nguyên. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển phức tạp của xã hội, nhân
sinh quan của con người có nhiều biến đổi mạnh mẽ và sâu sắc. Một nghịch lí dễ
nhận thấy chính là xã hội ngày càng tiến bộ, con người được tồn tại trong những
điều kiện ngày một tốt hơn, thì lối sống của một bộ phận con người trong xã hội
lại có xu hướng biến đổi tiêu cực, tha hóa. Mâu thuẫn này gây ra nhiều khó khăn
2


trong việc định hướng mục đích, lí tưởng sống của con người, đặc biệt là tầng
lớp thanh thiếu niên. Một phần lớn giới trẻ ngày càng sống buông thả, vô định,
thậm chí có nhiều biểu hiện của lối sống tiêu cực, sa đọa. Bởi vậy, việc hình
thành, xây dựng và lan tỏa nhân sinh quan đúng đắn, khoa học thông qua triết lý
nhân sinh cũng góp một phần lớn trong việc chấn chỉnh và hoàn thiện nhân cách
tốt đẹp, chuẩn mực cho con người, góp phần xây dựng xã hội ngày càng văn
minh, tiến bộ.
Trên cơ sở những lập luận trên, tác giả mạnh dạn chọn đề tài Triết lý
nhân sinh trong truyện ngắn và bút ký của Thạch Lam làm đề tài khóa luận tốt

nghiệp của mình.
2. Tình hình nghiên cứu đề tài
2.1 Những công trình nghiên cứu về triết lý nhân sinh
Nhân sinh quan mới (1954), NXB Sự thật, Hà Nội, do tác giả Du Minh
Hoàng biên soạn là một trong những nghiên cứu tiên phong về nhân sinh quan.
Cuốn sách đã trình bày và phân tích khá toàn diện về mọi khía cạnh của nhân
sinh quan, bao gồm quan niệm về nhân sinh quan, sự khác biệt của nhân sinh
quan giữa các thời đại khác nhau và các hạng người, các giai cấp khác nhau. Từ
đó tác giả nêu ra những tiêu chí lớn hình thành nên nhân sinh quan cách mạng,
nhằm mục đích tiến tới một cuộc cách mạng nhân sinh quan ở mỗi con người.
Nhìn chung, cuốn sách đã làm rõ được bản chất của nhân sinh quan theo góc
nhìn của tác giả, đồng thời cũng đã có những phân tích khá chi tiết và đa chiều
về từng đặc trưng của các loại hình nhân sinh quan khác nhau, cụ thể là nhân
sinh quan không cách mạng và nhân sinh quan cách mạng. Đồng thời, tác giả
cũng đề ra định hướng rõ ràng để mỗi người tự xây dựng cho mình một nhân
sinh quan đúng đắn, tiến bộ và khoa học. Đó cũng chính là sự ra đời của các triết
lý nhân sinh, có tác dụng định hướng lối sống cho con người.
3


201 triết lý nhân sinh dành cho thanh thiếu niên (2006), NXB Lao động
Xã hội, Hà Nội của Hải Yến là tập hợp của 201 mẩu chuyện ngắn với những nội
dung đa dạng, phong phú, phù hợp với khả năng tiếp nhận của lứa tuổi thanh
thiếu niên. Mỗi truyện mang một tiêu đề khác nhau. Với những tiêu đề ngắn gọn
nhưng lại kích thích được trí tò mò như Làm sạch cỏ dại trong tâm hồn, Con
chim cố chấp, Ngựa già đáng thương, Hồ ly trong vườn nho, Chuột đi hóng gió,
Quả la hán vàng buồn rầu, Quả trứng gà đứng được, Sói già làm thêm, Chị quạ
tỉnh ngộ..., tất cả đã tạo được sức hấp dẫn lớn và là một cách thức thẩm thấu triết
lý nhân sinh vô cùng nhẹ nhàng, khéo léo đối với lứa tuổi thanh thiếu niên. Dưới
mỗi truyện đều có những dòng kết luận in đậm và đóng khung, tách biệt rõ ràng

với mẩu chuyện bên trên, đó cũng chính là triết lý nhân sinh được đúc kết lại sau
mỗi câu chuyện, có giá trị giáo dục sâu sắc đối với mọi lứa tuổi.
Nhân sinh quan Phật giáo trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du – Giá trị
và hạn chế (2014) của tác giả Hồ Ngọc Anh là một trong những nghiên cứu tiêu
biểu, nổi bật về nhân sinh quan, cụ thể là nhân sinh quan Phật giáo trong một tác
phẩm văn học. Nằm trong chuỗi nghiên cứu về nhân sinh quan Phật giáo, tác giả
Hồ Ngọc Anh bắt đầu từ việc khái quát những đặc trưng cơ bản của nhân sinh
quan Phật giáo, đặc biệt tập trung vào nội dung của nhân sinh quan Phật giáo
trong tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du, như quan niệm về nghiệp báo,
quan niệm về nhân quả. Qua đó, tác giả chỉ ra những giá trị tốt đẹp cũng như
những yếu tố tiêu cực của nhân sinh quan Phật giáo trong Truyện Kiều và ý
nghĩa của việc nghiên cứu nó. Công trình nghiên cứu này là một điểm nhấn khác
biệt với những công trình nghiên cứu về nhân sinh quan Phật giáo nói riêng và
nhân sinh quan nói chung, bởi đây là nghiên cứu về nhân sinh quan Phật giáo
trong một tác phẩm văn học. Tuy nhiên, điều đó không làm cho nghiên cứu sa đà
vào văn chương mà tác giả vẫn đứng vững trên lập trường của nhân sinh quan
triết học để đánh giá, phân tích và nhận định. Từ đó, tác giả rút ra những triết lý
nhân sinh mà Nguyễn Du muốn gửi gắm thông qua Truyện Kiều.
4


Ảnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo đến đời sống tinh thần cư dân
đồng bằng sông Hồng hiện nay (2015) của tác giả Nguyễn Thị Thúy Hằng cũng
là một trong những nghiên cứu tiêu biểu trong chuỗi các nghiên cứu về nhân
sinh quan. Nghiên cứu đã làm rõ quan niệm về nhân sinh quan nói chung, sau đó
đi sâu vào những nội dung cơ bản của nhân sinh quan Phật giáo, như quan niệm
của Phật giáo về con người, về cuộc đời con người, về giải thoát con người.
Cuối cùng, tác giả khoanh vùng, giới hạn phạm vi nghiên cứu và tập trung phân
tích, làm rõ nhân sinh quan Phật giáo vùng đồng bằng sông Hồng và ảnh hưởng
của nó đến đời sống tinh thần cư dân vùng đồng bằng sông Hồng hiện nay. Tác

giả cũng chỉ rõ thực trạng và đề xuất các giải pháp nhằm phát huy những ảnh
hưởng tích cực cũng như hạn chế những tác động tiêu cực của nhân sinh quan
Phật giáo đến đời sống tinh thần của cư dân đồng bằng sông Hồng.
Nhân sinh quan người Việt qua Folklore Việt Nam (2015) của tác giả
Phùng Thị An Na là một công trình khoa học nghiên cứu khá toàn diện về nhân
sinh quan người Việt. Trong đó, tác giả đã rút ra những triết lý sống của người
Việt được thể hiện qua một số lễ hội và tín ngưỡng dân gian, bao gồm triết lý
yêu nước qua lễ hội đền Gióng, triết lý hiếu học qua lễ hội đền Tống Trân, triết
lý hạnh phúc qua lễ hội Chử Đồng Tử, triết lý “trọng nữ” qua tín ngưỡng thờ
Mẫu, triết lý “phồn thịnh” qua tín ngưỡng phồn thực, triết lý “hòa đồng” với tự
nhiên qua tín ngưỡng thờ nhiên thần. Từ đó, tác giả chỉ ra những tích cực, hạn
chế trong nhân sinh quan truyền thống của người Việt. Đồng thời, tác giả phân
tích xu hướng hoạt động của lễ hội và tín ngưỡng dân gian, từ đó đề xuất những
giải pháp nhằm khắc phục những yếu tố tiêu cực và phát huy những yếu tố tích
cực trong đó. Nhìn chung, nghiên cứu đã tập trung phân tích nhân sinh quan của
người Việt và các đặc trưng nổi bật của nó, từ đó rút ra các triết lý nhân sinh
trong một số lễ hội và tín ngưỡng tiêu biểu của người Việt. Với công trình
nghiên cứu này, chúng ta được cung cấp thêm hiểu biết về một cách thức biểu
đạt và truyền tải triết lý nhân sinh của con người, đó là thông qua các dạng thức
của văn hóa như lễ hội và tín ngưỡng. Lễ hội và tín ngưỡng đều là những hoạt
5


động hết sức gần gũi, gắn bó mật thiết với đời sống thường nhật của cư dân đất
Việt. Điều này chứng tỏ triết lý nhân sinh luôn hiện hữu xung quanh con người,
cần sớm được con người phát hiện, tiếp nhận và chiêm nghiệm.
Nhân sinh quan Phật giáo và ảnh hưởng của nó đến lối sống người Hà
Nội hiện nay (2016) của tác giả Nghiêm Thị Châu Giang cũng là một nghiên cứu
tiêu biểu về nhân sinh quan Phật giáo. Ở nghiên cứu này, tác giả đã làm rõ
những đặc trưng cơ bản của nhân sinh quan Phật giáo và lối sống của người Hà

Nội, cùng với đó là những ảnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo đến lối sống
của người Hà Nội xưa và nay. Đặc biệt, tác giả quan tâm và chú trọng khái quát
những nét căn bản của Phật giáo Hà Nội và lối sống của người Hà Nội xưa qua
các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn. Từ đó, tác giả nhận định thực trạng và đánh
giá những ảnh hưởng của triết lý nhân sinh trong Phật giáo đến lối sống người
Hà Nội hiện nay, trong lao động sản xuất, trong tư duy, trong giao tiếp ứng xử và
trong thói quen sinh hoạt. Cuối cùng, tác giả nêu ra những giải pháp cơ bản
nhằm giải quyết những yếu tố tiêu cực của thực trạng trên.
Triết lý nhân sinh trong văn hóa Việt Nam (2016), NXB Lý luận Chính trị,
Hà Nội, do Nguyễn Thị Thọ cùng nhóm tác giả tập hợp, bổ sung là một tập hợp
những bài báo khoa học bàn về triết lý nhân sinh. Cuốn sách đã làm sáng tỏ và
sâu sắc hơn những triết lý nhân sinh thuộc nhiều khía cạnh, nhiều lĩnh vực khác
nhau của đời sống văn hóa người Việt. Đó chính là những chân lý có giá trị định
hướng, giáo dục sâu sắc và ảnh hưởng mạnh mẽ tới phương châm sống, cách
thức đối nhân xử thế giữa con người với con người trong xã hội.
Nhân sinh quan Phật giáo và ảnh hưởng của nó đến tư tưởng chính trị
thời Lý – Trần (2016) cũng là một nghiên cứu tiêu biểu về ảnh hưởng của triết lý
nhân sinh Phật giáo đến xã hội Việt Nam thế kỷ XI – XIV. Nghiên cứu đã khái
lược khá toàn diện về các khái niệm nhân sinh quan, nhân sinh quan Phật giáo và
những nội dung cơ bản của nó. Đặc biệt, tác giả chú trọng đến những nét cơ bản
6


của nhân sinh quan Phật giáo dưới thời đại Lý – Trần. Trong công trình nghiên
cứu này, những nội dung cơ bản và những nhân tố ảnh hưởng đến tư tưởng chính
trị thời Lý – Trần được làm rõ. Qua đó, tác giả đi tới việc phân tích những ảnh
hưởng của triết lý nhân sinh Phật giáo đến tư tưởng chính trị thời Lý – Trần và ý
nghĩa của nó trong việc xây dựng văn hóa chính trị Việt Nam hiện nay.
Triết lý nhân sinh cuộc đời (2016), NXB Phụ nữ, Hà Nội của tác giả
Nguyễn Gia Linh cũng là một tập hợp của nhiều mẩu chuyện triết lý khác

nhau. Cuốn sách gồm 9 chương với 9 chủ đề khác nhau. Toàn bộ cuốn sách là
163 câu chuyện ngắn, tương ứng với 163 triết lý nhân sinh được đúc kết dưới
mỗi truyện. Các mẩu chuyện phong phú với nội dung liên quan tới cách thức
đối nhân xử thế, thái độ làm việc, mức độ cố gắng, cách tư duy và niềm tin...
của con người. Tất cả nhằm mục đích khẳng định cuộc sống là do chính bản
thân mỗi người tạo nên, thành công hay thất bại là phụ thuộc vào chính bản
thân mỗi chúng ta.
Triết lý nhân sinh trong tục ngữ, ca dao Việt Nam (2016), NXB Giáo dục,
Hà Nội, do Hoàng Thúc Lân chủ biên cùng nhóm tác giả cũng đã có những khái
quát chung khá toàn diện về triết lý và triết lý nhân sinh, đặc biệt là nội dung,
giá trị và hạn chế của triết lý nhân sinh trong tục ngữ, ca dao Việt Nam. Triết lý
nhân sinh ở đây chính là những Quan niệm về cuộc sống, lẽ sống, mục đích, ý
nghĩa, giá trị sống và kim chỉ nam cho nhận thức, hành động của con người
trong mối quan hệ với tự nhiên, với xã hội và với chính bản thân mình. Vì vậy,
có thể nói, sự ra đời của triết lý nhân sinh chính là kết quả của “cuộc hành trình”
nhân sinh quan của con người. Đặc biệt, tục ngữ, ca dao Việt Nam không chỉ là
một nhánh của văn học Việt Nam, mang tính nghệ thuật độc đáo, mà nó còn có
giá trị thực tiễn to lớn bởi nó là sự tổng hợp của một quá trình chiêm nghiệm,
trải nghiệm thực tế lâu dài của ông cha ta từ trong lịch sử. Bởi vậy, tục ngữ, ca
dao Việt Nam chính là phương tiện biểu đạt triết lý nhân sinh vô cùng sâu sắc và
rõ nét. Thông qua đó, tác giả chỉ ra ý nghĩa hiện thời của triết lý nhân sinh trong
7


tục ngữ, ca dao Việt Nam, từ đó đề xuất một số giải pháp góp phần phát huy giá
trị đó trong điều kiện xã hội hiện nay.
2.2 Những công trình nghiên cứu về tác giả và các tác phẩm của Thạch
Lam
Ba phong cách truyện ngắn trong văn học Việt Nam thời kỳ đầu những
năm 1930 đến năm 1945: Nguyễn Công Hoan, Thạch Lam, Nam Cao (1992) của

Trần Ngọc Dung đã có những khái quát khá toàn diện về sự hình thành và phát
triển của truyện ngắn trong giai đoạn từ 1930 – 1945. Và Thạch Lam chính là
một trong những cây bút tài năng nhất, cùng với Nguyễn Công Hoan và Nam
Cao, ông được xem là “kiện tướng của phong trào truyện ngắn 1930 – 1945”.
Nghiên cứu đã tập trung khảo sát, làm rõ phong cách truyện ngắn Thạch Lam và
có những phân tích, đánh giá, nhận định đối với từng truyện ngắn của ông, về
kết cấu truyện, về hệ thống nhân vật, về nội tâm nhân vật...
Bên cạnh đó là các công trình nghiên cứu tiêu biểu, tổng quan về cuộc
đời, sự nghiệp cũng như các sáng tác và phong cách sáng tác của Thạch Lam.
Điểm chung của các nghiên cứu này là đều đã khái lược những nét cơ bản nhất
về cuộc đời và sự nghiệp văn chương của Thạch Lam. Tuy vậy, mỗi nghiên cứu
lại mang một màu sắc khác nhau.
Thạch Lam văn chương và cái đẹp (1994), NXB Hội Nhà Văn là một
cuốn sách tập hợp những bài viết về Thạch Lam của nhiều tác giả. Các bài viết
được phân chia rõ ràng, tương ứng với các chủ đề khác nhau, từ việc tìm hiểu
những vùng đất gắn bó với văn nghiệp Thạch Lam đến góc nhìn xã hội và con
người trong văn Thạch Lam, từ cái đẹp toát lên trong những tác phẩm văn
chương của Thạch Lam đến những cảm nghĩ, hồi ức, kỉ niệm, những tình cảm
sâu sắc mà các tác giả, chính là những người bạn, người anh em, người tâm giao
của Thạch Lam gửi gắm đến ông. Tất cả đều được gói gọn lại trong một cuốn
8


sách, như một món quà yêu thương, nồng đượm tình nghĩa gửi tặng Thạch Lam
và những cống hiến của ông cho sự nghiệp văn chương nước nhà.
Thạch Lam thân thế và sự nghiệp (1994), NXB Văn hóa, Hà Nội của tác
giả Vu Gia là một cuốn sách thể hiện tình yêu chân thành đúng mực của tác giả
Vu Gia đối với Thạch Lam. Từ những trang đầu tiên với tựa đề Thạch Lam –
Bước đầu tôi biết đến những phần tiếp theo đều bắt đầu bằng tên Thạch Lam:
Thạch Lam – Thân thế, Thạch Lam – Thời cuộc, Thạch Lam – Báo chí... Tất cả

đã thể hiện rõ sự quan tâm và tình cảm sâu đậm của tác giả dành cho Thạch
Lam. Cùng với đó, cuốn sách cũng có phụ lục là các bài viết của nhiều tác giả về
Thạch Lam và các sáng tác của ông.
Thạch Lam văn và đời (1999), NXB Hà Nội của tác giả Tân Chi là một
cuốn sách bao quát về toàn bộ các sáng tác của Thạch Lam. Chiếm phần lớn
cuốn sách là các sáng tác văn chương của Thạch Lam, gồm các truyện ngắn Gió
đầu mùa, Nắng trong vườn, Sợi tóc, bút ký Hà Nội băm sáu phố phường, tiểu
thuyết Ngày mới, tiểu luận – đoạn văn Theo dòng và một số truyện ngắn khác
của Thạch Lam như Hạt ngọc, Quyển sách, Đêm sáng trăng, Một bức thư...
Phần còn lại có tiêu đề Hồi ức và nhận định, đây là những bài viết thể hiện tình
cảm chân thành và sự tri ân sâu sắc của các tác giả Thế Uyên, Thế Lữ, Đỗ Đức
Thu, Huyền Kiêu, Đinh Hùng... dành cho nhà văn Thạch Lam và những cống
hiến của ông đối với nền văn học nước nhà.
Thạch Lam của cái đẹp (2000), NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội cũng là
một nghiên cứu của tác giả Vu Gia về Thạch Lam. Đây cũng là một tập hợp các
bài viết về tác giả Thạch Lam của Vu Gia và một nhóm các tác giả như Thế Lữ,
Vũ Ngọc Phan, Nguyễn Tuân, Đinh Hùng, Phong Lê... Đồng thời, cuốn sách
cũng lưu lại các tác phẩm sống mãi với thời gian của Thạch Lam, đó là tiểu
thuyết Ngày mới và một số bài viết cùng các đoạn văn được Thạch Lam dịch ra
tiếng Việt.
9


Thạch Lam và văn chương (2000), NXB Hải Phòng của tác giả Xuân
Tùng cũng là một nghiên cứu tổng quan về cuộc đời cũng như văn nghiệp của
Thạch Lam. Từ việc khái quát những nét cơ bản nhất về thân thế và sự nghiệp
của Thạch Lam, tác giả cũng tập hợp lại tất cả các sáng tác của Thạch Lam ở cả
ba thể loại: truyện ngắn, tùy bút, tiểu luận. Đồng thời, tác giả cũng tập hợp
những bài viết của các tác giả khác viết về Thạch Lam như Nguyễn Thị Thế,
Nguyễn Tường Giang, Thế Uyên, Nguyễn Tuân, Nguyễn Hoành Khung, Phong

Lê... Phần cuối cuốn sách là Thạch Lam niên biểu và danh sách một số truyện
ngắn chưa sưu tầm được của Thạch Lam.
Thạch Lam văn và người (2001), NXB Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh của tác giả
Nguyễn Thành Thi cũng tương tự như những nghiên cứu khác về Thạch Lam.
Cuốn sách đã khái lược tổng quan về thân thế và sự nghiệp của Thạch Lam. Sau
đó là Hồi ức và nhận định, phần này tập hợp một số bài viết tiêu biểu của các tác
giả viết về Thạch Lam, vẫn là những cái tên quen thuộc như: Thế Uyên, Thế Lữ,
Đỗ Đức Thu, Đinh Hùng... Phần cuối sách là lời bình đối với một số truyện ngắn
của Thạch Lam và một số đề, bài làm văn của học sinh về nhà văn Thạch Lam.
2.3 Những công trình nghiên cứu về triết lý nhân sinh trong các tác
phẩm của Thạch Lam
Thạch Lam với Tự lực văn đoàn (2004) của tác giả Lê Minh Truyên là
một đóng góp toàn diện và chân thực trong hành trình thấu cảm giá trị văn
chương Thạch Lam. Nghiên cứu đã có cái nhìn tổng quan về “mảnh đất” khởi
nguồn cho văn nghiệp Thạch Lam – tổ chức Tự lực văn đoàn. Phần còn lại và
chiếm phần lớn công trình nghiên cứu của Lê Minh Truyên là thành quả của quá
trình tìm hiểu, phân tích khá chi tiết và tỉ mỉ những nét đẹp cũng như tinh hoa
hàm ẩn trong từng sáng tác của Thạch Lam. Đó cũng chính là những nhận định
sâu sắc của tác giả về giá trị các sáng tác của Thạch Lam – người đã dâng hiến cả
10


cuộc đời cho văn chương, đã góp phần đem đến một làn gió mới cho nền văn học
Việt Nam hiện đại sau này bằng chính phong cách nghệ thuật riêng biệt của ông.
Phong cách văn xuôi nghệ thuật Thạch Lam (2006), NXB Khoa học xã
hội, Hà Nội của Nguyễn Thành Thi, với nội dung phân tích khá toàn vẹn, chi tiết
trong bốn chương: Người ưa tìm cái đẹp của sự sống ở cõi nội tâm thầm kín,
Nhà văn hoài niệm của Làng và Phố, Người có biệt tài kể về nội tâm và cảm
giác, Người mang vào văn xuôi nghệ thuật Việt Nam chất trữ tình sâu lắng, tác
giả đã có những kết luận bao quát và chân thực từ toàn bộ các sáng tác và hành

trình văn chương của Thạch Lam, giúp độc giả phần nào nắm bắt và hiểu hơn về
tính nhân văn cũng như tinh thần nhân đạo sâu sắc trong văn Thạch Lam.
Thạch Lam – về tác gia và tác phẩm (2007), NXB Giáo dục, Hà Nội do
các tác giả Vũ Tuấn Anh, Lê Dục Tú tuyển chọn, giới thiệu còn có thể được coi
là một nghiên cứu “đồ sộ” về Thạch Lam. Cuốn sách là tập hợp rất nhiều các bài
viết, nhận định, đánh giá, thẩm định về giá trị văn chương của Thạch Lam từ rất
nhiều tác giả khác nhau. Cùng với đó là những tâm tư, tình cảm, những sẻ chia
của các nhà văn khác với Thạch Lam, gói gọn trong đề mục Thạch Lam để nhớ.
Nhìn chung, cuốn sách là sự tổng quan khá toàn diện về Thạch Lam và các sáng
tác của ông thông qua nhiều nghiên cứu, nhiều đánh giá của những nhà văn, nhà
nghiên cứu khác nhau.
Tóm lại, hầu hết những công trình nghiên cứu trên đã có những tìm hiểu
và phân tích khá cụ thể về nhân sinh quan và triết lý nhân sinh của con người
trong một số lĩnh vực nhất định. Bên cạnh đó, các nghiên cứu về Thạch Lam và
các sáng tác của ông đều đã khái quát được những đặc điểm cơ bản về cuộc đời
và văn nghiệp Thạch Lam. Hơn nữa, chúng còn cung cấp cho người đọc cái nhìn
đa chiều và sâu sắc hơn về cuộc đời cùng những nét độc đáo trong phong cách
sáng tác của Thạch Lam thông qua nhiều nhận định, đánh giá từ các bài viết của
các tác giả khác. Tuy nhiên, những phân tích và nghiên cứu về các sáng tác của
11


Thạch Lam mới chỉ dừng lại ở những phân tích nhỏ lẻ, thiếu tính hệ thống và
hoàn chỉnh về một lĩnh vực, khía cạnh nhất định. Hơn nữa, chưa có công trình
nào nghiên cứu một cách tập trung và sâu sắc về triết lý nhân sinh trong truyện
ngắn và bút ký của Thạch Lam.
Như vậy, đã có nhiều công trình nghiên cứu về triết lý nhân sinh, về tác
giả và các sáng tác của Thạch Lam, về triết lý nhân sinh trong các tác phẩm của
Thạch Lam, nhưng chưa có công trình nào nghiên cứu về triết lý nhân sinh trong
truyện ngắn và bút ký của Thạch Lam dưới góc nhìn triết học. Với việc nghiên

cứu đề tài này, tác giả mong muốn góp phần làm sáng tỏ vấn đề trên.
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của đề tài
3.1 Mục đích nghiên cứu
Trên cơ sở tìm hiểu các truyện ngắn và bút ký của nhà văn Thạch Lam, đề
tài chỉ ra những nội dung cơ bản về triết lý nhân sinh trong các sáng tác điển
hình của ông thuộc thể loại truyện ngắn và bút ký.
3.2 Nhiệm vụ nghiên cứu
Để đạt được mục đích trên, đề tài thực hiện những nhiệm vụ cơ bản sau:
- Khái lược về cuộc đời, sự nghiệp văn học và các sáng tác điển hình
thuộc thể loại truyện ngắn, bút ký của Thạch Lam;
- Chỉ ra những nội dung cơ bản về triết lý nhân sinh trong truyện ngắn và
bút ký của Thạch Lam.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của đề tài
4.1 Đối tượng nghiên cứu
12


Đề tài tập trung nghiên cứu về triết lý nhân sinh trong những truyện ngắn
điển hình và bút ký Hà Nội băm sáu phố phường của Thạch Lam.
4.2 Phạm vi nghiên cứu
Sáng tác của Thạch Lam đa thể loại, chứa đựng nhiều giá trị về nội dung
và nghệ thuật, phản ánh nhiều khía cạnh thuộc các lĩnh vực khác nhau của đời
sống. Tuy nhiên, trong khuôn khổ đề tài này, tác giả tập trung khái lược và phân
tích những đặc trưng, từ đó chỉ ra nội dung cơ bản về triết lý nhân sinh trong các
truyện ngắn tiêu biểu và bút ký của Thạch Lam. Cụ thể, đó là các truyện ngắn:
Cái chân què, Cô hàng xén, Đêm trăng sáng, Đứa con, Đứa con đầu lòng, Gió
lạnh đầu mùa, Hai đứa trẻ, Hai lần chết, Một cơn giận, Nắng trong vườn, Nhà
mẹ Lê, Tình xưa, Tối ba mươi và bút ký Hà Nội băm sáu phố phường.
5. Đóng góp mới của đề tài
Từ việc khái quát những đặc trưng cơ bản của truyện ngắn và bút ký

của nhà văn Thạch Lam, đề tài chỉ ra những nội dung cơ bản về triết lý nhân
sinh trong những truyện ngắn có tên trên và bút ký Hà Nội băm sáu phố
phường của ông.
6. Phương pháp nghiên cứu đề tài
Đề tài được nghiên cứu dựa trên cơ sở vận dụng phương pháp luận của
chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử. Bên cạnh đó, tác giả
sử dụng kết hợp một số phương pháp như phân tích – tổng hợp, logic – lịch sử,
khái quát hóa, trừu tượng hóa,... trong khóa luận của mình.
7. Kết cấu của đề tài
Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo và phụ lục, nội
dung đề tài gồm 2 chương 5 tiết.
13


14


NỘI DUNG
Chương 1. KHÁI NIỆM TRIẾT LÝ NHÂN SINH VÀ KHÁI LƯỢC VỀ
TRUYỆN NGẮN, BÚT KÝ CỦA THẠCH LAM
1.1 Khái niệm triết lý, triết lý nhân sinh
Một danh ngôn nổi tiếng của danh hài người Mĩ – Groucho Marx
(02/10/1890 – 19/08/1977), dịch ra tiếng Việt có nghĩa là: Hãy học từ sai lầm
của người khác. Bạn sẽ không bao giờ sống đủ lâu để phạm phải tất cả sai lầm.
Trong cuộc sống, thành công không dễ dàng mỉm cười với bất cứ ai. Cuộc
đời mỗi người lại quá ngắn, để rút ngắn con đường chạm tới vạch đích, chúng ta
buộc phải học hỏi, rút kinh nghiệm từ những sai lầm và thất bại của người khác.
Sự thất bại không chỉ là bài học xương máu của chính người gặp phải nó mà còn
là bài học kinh nghiệm với tất cả chúng ta. Bởi đó là những trải nghiệm thực tế,
hữu ích để thông qua đó, chúng ta có được quyết định phù hợp nhất về những

bước tiến tiếp theo và con đường phát triển của bản thân. Đồng thời, nó cung
cấp cho chúng ta định hướng đúng đắn, chuẩn xác hơn trong hành động và có
những điều chỉnh kịp thời trong lối sống hiện tại của bản thân.
Thật vậy, kể từ khi con người xuất hiện và trải qua quá trình lao động sản
xuất lâu dài, con người đã đúc kết được vô vàn kinh nghiệm quý báu trong mọi
lĩnh vực. Một trong những thành quả của sự tổng kết kinh nghiệm và được thể
hiện một cách khái quát, cô đọng, dễ lưu truyền nhất của con người chính là
những triết lý. Sự ra đời của những triết lý là kết quả của quá trình trải nghiệm
thực tiễn lâu dài, phức tạp và nhiều thăng trầm của con người. Bởi vậy, những
triết lý sống, bao hàm triết lý nhân sinh có vai trò và ý nghĩa vô cùng to lớn đối
với con người, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Có thể khẳng định, triết lý nhân sinh là sản phẩm của quá trình tổng kết
thực tiễn cuộc sống con người nên nó có tính chuẩn mực cốt yếu. Các triết lý giữ
15


vai trò kim chỉ nam, góp phần định hướng tư duy và hành động của con người,
giúp con người có được tư duy đúng đắn và một lối sống khoa học. Từ đó, mỗi
cá nhân tự xây dựng được một phương thức sống hiệu quả, tối ưu trong mọi lĩnh
vực, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của bản thân và toàn xã hội.
Triết lý và triết lý nhân sinh từ lâu đã là một đề tài đặc biệt thu hút sự tìm
hiểu, khám phá và nghiên cứu chuyên sâu của nhiều công trình khoa học. Mỗi
công trình nghiên cứu lại có một cách thức tiếp cận khác nhau, điều đó dẫn tới
việc hình thành những cách hiểu, cách định nghĩa, lý giải, phân tích hết sức đa
dạng, phong phú về triết lý và triết lý nhân sinh.
1.1.1 Khái niệm triết lý
Ở phương Tây thường không có sự tách biệt rõ ràng giữa hai khái niệm
triết học và triết lý. Thuật ngữ philosophia nghĩa là yêu mến sự thông thái, được
dùng chung để định nghĩa cho cả triết học và triết lý. Còn ở phương Đông, bên
cạnh thuật ngữ triết học còn có thuật ngữ triết lý. Quan niệm về triết lý được

người phương Đông lý giải theo nhiều chiều hướng khác nhau.
Theo Đại từ điển Tiếng Việt của tác giả Nguyễn Bửu Ý, nhà xuất bản Văn
hóa – Thông tin năm 1998, triết lý được lý giải theo hai nghĩa: 1) Lý luận triết
học; 2) Quan niệm chung và sâu sắc của con người về vấn đề nhân sinh và xã
hội. [51;1707]
Theo Từ điển Từ và ngữ Việt Nam của Nguyễn Lân, nhà xuất bản Tp. Hồ
Chí Minh năm 2000, có định nghĩa: Triết là sự sáng suốt; lý là lẽ; triết lý có
nghĩa là lý luận về triết học. [20;1899]
Trong một cuốn từ điển khác của tác giả Nguyễn Lân, Từ điển từ và ngữ
Hán – Việt, nhà xuất bản Từ điển Bách khoa năm 2002, triết lý được định nghĩa
16


theo kiểu chiết tự: “triết” là trí sáng suốt, “lý” là lẽ. Từ đó, có thể hiểu triết lý
theo hai nghĩa: 1. Lý luận về triết học. 2. Bàn cãi suông. [21;761]
Theo tác giả Hoàng Phê (chủ biên) trong Từ điển Tiếng Việt, nhà xuất bản
Đà Nẵng năm 2002, khái niệm triết lý được định nghĩa khá bao quát: I: 1. Lý
luận triết học; 2. Quan niệm chung của con người về vấn đề nhân sinh và xã
hội; II: Thuyết lý về những vấn đề nhân sinh và xã hội. [32;1035]
Trong Hán Việt từ điển, nhà xuất bản Văn hóa – Thông tin năm 2010, tác
giả Đào Duy Anh cắt nghĩa: Triết lý là đạo lý về triết học. [1;863]
Theo Phạm Minh Hạc trong Triết lý giáo dục thế giới và Việt Nam, nhà
xuất bản Chính trị Quốc gia năm 2013, “triết” là sáng suốt, chỉ sự am hiểu, tri
thức đại quát, bản chất, thông thái; “lý” là lý lẽ, lý giải, ý sâu xa... Triết lý là
triết học đã được vận dụng vào một trường hợp cụ thể , gắn với cuộc sống thực
ở một cấp độ nào đó, trong một phạm vi nào đó. [11;36]
Theo Từ điển tiếng Việt thông dụng của Trung tâm Từ Điển học, nhà xuất
bản Đà Nẵng năm 2014, triết lý được giải thích như sau: Theo nghĩa d (danh từ),
triết lý là quan niệm chung của con người về những vấn đề nhân sinh và xã hội
(triết lí sống); theo nghĩa đg (động từ), triết lý là dùng lí luận thuần túy để giảng

giải về những vấn đề nhân sinh và xã hội (tính thích triết lí, hay triết lí cao xa),
thuyết giáo, thuyết lí. [50;857]
Nhóm tác giả đồng chủ biên cuốn Triết lý nhân sinh trong văn hóa
quan họ Bắc Ninh, nhà xuất bản Văn hóa dân tộc năm 2017, cũng kết luận:
Triết lý là những quan niệm, quan điểm chung được đúc kết từ trong cuộc
sống, có giá trị định hướng cho con người trong hoạt động thực tiễn hay
trong các quan hệ xã hội. [25;18]
17


Tác giả Hoàng Thúc Lân trong Triết lý nhân sinh trong tục ngữ, ca dao
Việt Nam, nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam năm 2017, cũng kết luận: Triết lý là
những quan niệm được rút ra thông qua quá trình suy ngẫm, chiêm nghiệm của
con người về tự nhiên, về con người và xã hội loài người, nhằm giải đáp cho
những câu hỏi được đặt ra một cách trực tiếp trong đời sống. [22;13]
Trong Triết lý bảo vệ Tổ quốc Việt Nam truyền thống, nhà xuất bản Lý
luận chính trị năm 2018, tác giả Phan Mạnh Toàn cũng đưa ra định nghĩa: Triết
lý là toàn bộ những tư tưởng, quan điểm về thế giới, nhân sinh, đóng vai trò
định hướng cho hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn của cá nhân hay
cộng đồng người trong những giai đoạn lịch sử nhất định. [41;10]
Như vậy, đã có rất nhiều công trình khoa học đưa ra định nghĩa và cách
hiểu về triết lý. Nhìn chung, triết lý là những quan niệm, tri thức của con người
về thế giới tự nhiên và xã hội trong mọi lĩnh vực, được hình thành trong và sau
quá trình lao động sản xuất lâu dài của con người, mang tính khái quát và trừu
tượng cao, có giá trị tích cực và thực tiễn trong việc định hướng phương châm
và lối sống của con người.
1.1.2 Khái niệm triết lý nhân sinh
Triết lý là sản phẩm trí tuệ hội tụ những tinh hoa trải nghiệm thực tiễn của
con người. Các triết lý được hình thành trong những khuôn khổ, hoàn cảnh nhất
định. Do đó, có nhiều triết lý thuộc các lĩnh vực, phạm trù khác nhau. Trong đó,

triết lý nhân sinh là những quan niệm được đúc kết trực tiếp từ trải nghiệm đời
sống xã hội của con người, từ cách thức đối nhân xử thế trong mối quan hệ giữa
con người với con người trong xã hội.
Triết lý nhân sinh từ lâu đã trở thành đề tài trung tâm, thu hút và chiếm
phần lớn các công trình nghiên cứu của giới khoa học. Có nhiều cách định nghĩa
khác nhau về triết lý nhân sinh.
18


Theo nghĩa gốc của tiếng Hán: Nhân nghĩa là người, Sinh là sự sống,
Quan là quan niệm. Theo đó, Nhân sinh quan được hiểu là quan niệm về sự
sống của con người.
Theo tác giả Nguyễn Lân trong Từ điển Từ và Ngữ Việt Nam, nhà xuất
bản Thành phố Hồ Chí Minh năm 2000, Nhân sinh (Nhân: người; Sinh: sống) là
cuộc sống của người ta. Nhân sinh quan (Quan: xem xét) là lập trường của một
người trong việc nhận xét mọi mặt của cuộc sống, nhân sinh quan tức là quan
niệm về sự sống của con người. [20;1317]
Theo Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên, nhà xuất bản Đà Nẵng
năm 2002, hai khái niệm triết lý nhân sinh và nhân sinh quan đều được đề cập
đến. Trong đó, triết lý nhân sinh được tạo thành từ hai khái niệm triết lý và nhân
sinh. Triết lý là lý luận triết học hay quan niệm của con người về các vấn đề
nhân sinh và xã hội. Nhân sinh là cuộc sống của con người. Nhân sinh quan là
những quan niệm thành hệ thống về cuộc đời, về ý nghĩa, mục đích cuộc sống
của con người. [32;711]
Nhóm tác giả của cuốn Triết lý nhân sinh trong văn hóa quan họ Bắc
Ninh, nhà xuất bản Văn hóa dân tộc năm 2017, đưa ra quan niệm: Triết lý nhân
sinh là những quan niệm, quan điểm chung của một người, một cộng đồng
người trong việc xem xét mọi mặt của cuộc sống, là những quan niệm của con
người về cuộc sống, là tâm tư tình cảm, ước mơ, khát vọng, lý tưởng sống của
con người. [25;18]

Trong Triết lý nhân sinh trong tục ngữ, ca dao Việt Nam, nhà xuất bản
Giáo dục Việt Nam năm 2017, tác giả Hoàng Thúc Lân đã kết luận: Triết lý
nhân sinh là những quan niệm về cuộc sống, lẽ sống, mục đích, ý nghĩa, giá trị
sống và kim chỉ nam cho nhận thức, hành động của con người trong mối quan
hệ với tự nhiên, với xã hội và với chính bản thân mình. [22;17]
19


Tựu chung lại, triết lý nhân sinh là những quan niệm, tri thức của con người
về con người và cuộc sống của con người, đặc biệt là đời sống xã hội của con
người. Triết lý nhân sinh mang tính khái quát, trừu tượng cao, có tính hàm súc, cô
đọng. Nó hàm chứa giá trị giáo dục sâu sắc, hỗ trợ định hướng và hình thành nhân
sinh quan phù hợp, chuẩn xác cho con người. Từ đó góp phần thiết thực trong xây
dựng lối sống chuẩn mực, tích cực cho mỗi cá nhân và cải thiện, nâng cao chất
lượng đời sống xã hội, tạo nên một xã hội tốt đẹp, tiến bộ, văn minh.
Triết lý và triết lý nhân sinh có giá trị như những chân lý, mang tính
chuẩn mực và có vai trò quan trọng trong việc xây dựng và hoàn thiện các phẩm
chất tốt đẹp của con người. Bởi vậy, triết lý, đặc biệt là triết lý nhân sinh có khả
năng trường tồn lâu dài cùng lịch sử nhân loại.
1.2 Khái lược về truyện ngắn và bút ký của Thạch Lam
1.2.1 Thạch Lam – Cuộc đời và sự nghiệp
Thạch Lam (Bút danh: Việt Sinh,
Thiện Sỹ), sinh ngày mùng 7 tháng 7
năm 1910, mất ngày 27 tháng 6 năm
1942. Thạch Lam, cùng với hai người
anh trai của mình là Nhất Linh và
Hoàng Đạo, là những nhà văn Việt Nam
nổi tiếng thuộc nhóm Tự lực văn đoàn.
Thạch Lam (1910 – 1942)
Thạch Lam sinh ra tại Hà Nội trong một gia đình công chức gốc quan lại

và là người con thứ sáu trong gia đình có bảy người con (6 nam, 1 nữ). Cha của
Thạch Lam là ông Nguyễn Tường Nhu (1881 – 1918), thông thạo chữ Hán và
tiếng Pháp, làm Thông phán Tòa sứ, thường được gọi là Thông Nhu hay Phán
Nhu. Mẹ của Thạch Lam là bà Lê Thị Sâm, con gái đầu lòng của cụ Lê Quang
Thuật (tục gọi là Quản Thuật) – người gốc Huế đã ba đời ra Bắc, giữ chức quan
20


võ ở huyện Cẩm Giàng. Bấy giờ, tri huyện Cẩm Giàng là Nguyễn Tường Tiếp
(tục gọi là Huyện Giám) có con trai là Nguyễn Tường Nhu đến tuổi lấy vợ, đã
cho người mai mối hỏi cô Lê Thị Sâm về làm dâu họ Nguyễn Tường.
Sau khi kết hôn khoảng mười năm, gia đình ông bà Phán Nhu có nhiều
biến động lớn. Cuộc sống không ít lần phiêu bạt, bắt đầu từ việc cả gia đình
quyết định dời từ ấp Thái Hà về số 10 Hàng Bạc (Hà Nội). Sau đó, họ chuyển về
quê ở Cẩm Giàng rồi lại theo con cả là Nguyễn Tường Thụy về sinh sống tại Tân
Đệ (Thái Bình). Bởi vậy, thuở nhỏ Thạch Lam sống chủ yếu ở quê ngoại là
huyện Cẩm Giàng. Tại đây, ông học trường Nam (trường tiểu học Hải Dương,
nay là trường tiểu học Tô Hiệu). Đến khi người anh cả là Nguyễn Tường Thụy
bắt đầu dạy học ở một trường thuộc Tân Đệ (Thái Bình) và mẹ ông đưa cả gia
đình chuyển về sinh sống tại đây, Thạch Lam tiếp tục việc học tại Tân Đệ. Tuy
nhiên, trong một năm, do việc buôn bán ở Thái Bình không được thuận lợi, cả
gia đình lại chuyển về Hà Nội và ở nhà thuê. Khoảng thời gian sau đó, cả gia
đình lúc thì ở Hà Nội, lúc thì chuyển qua Cẩm Giàng. Có tài liệu cho biết, khi cả
gia đình ở Hà Nội, trên hai mẫu đất được đền bù, bà Nhu đã cho người đào ao,
đắp nền, làm nhà gỗ, lợp rạ, cột vuông, bốn bề xung quanh là hiên rộng. Ngôi
nhà được hoàn thiện hết sức khang trang, gọi là “Nhà ánh sáng”.
Ngày 31 tháng 8 năm 1917, cha của Thạch Lam sang Sầm Nưa (Lào) làm
Thông phán Tòa sứ, được phép đem theo vợ để buôn bán, mưu sinh. Tuy nhiên,
chỉ tám tháng sau, ông Nguyễn Tường Nhu bạo bệnh mà qua đời. Bà Nhu một
mình nơi xa xứ, lo chôn cất chồng xong, bà trở về Việt Nam với cuộc hành trình

12 ngày bằng đường bộ và đường thủy, gian nguy vô ngần. Mãn tang chồng
được một năm, bà Nhu lại cùng bốn người thân sang Lào để mang hài cốt chồng
về nước, đặt mộ bên bờ ao thuộc làng La A, xã Kim Giang, huyện Cẩm Giàng.
Kể từ khi chồng mất, bà Nhu tần tảo sớm khuya nuôi gia đình gồm mẹ chồng và
bảy người con. Cuộc sống bị dồn ép đến đường cùng, bà phải nấu thuốc phiện,
21


mặc cho hiểm nguy luôn rình rập và người Pháp có thể bắt bỏ tù bất cứ lúc nào.
Nhưng để các con được học hành và thành đạt, bà Nhu vẫn bất chấp tất cả.
Thương mẹ, muốn sớm đỡ đần mẹ, Thạch Lam (lúc bấy giờ 15 tuổi) đã
nhờ mẹ nói khéo với ông lý trưởng để làm lại khai sinh, đổi tên thành Nguyễn
Tường Lân và khai tăng tuổi để “học nhảy” 4 năm, tiến tới học ban thành chung.
Sau đó, Thạch Lam thi đỗ trường Cao đẳng Canh nông ở Hà Nội, nhưng chỉ học
một thời gian, ông đổi qua học trường Trung học Albert Sarraut để học thi tú tài.
Sau khi đỗ tú tài phần thứ nhất, Thạch Lam thôi học để làm báo với hai anh ruột
của mình. Kể từ đó, con đường văn nghiệp của Thạch Lam bắt đầu.
Về cuộc sống hôn nhân, khác với tất cả những anh trai của mình đều lấy
vợ thông qua mai mối, được bố mẹ chấp thuận rồi mới xem mặt nhau và tổ chức
lễ cưới, thì Thạch Lam lấy vợ hoàn toàn theo sự lựa chọn của cá nhân ông.
Vào khoảng năm 1935, Thạch Lam kết hôn với bà Nguyễn Thị Sáu, người
Ninh Bình, đã từng trải qua một đời chồng. Sau khi kết hôn, vợ chồng Thạch
Lam may mắn được người chị là Nguyễn Thị Thế nhường lại căn nhà nhỏ tại
đầu làng Yên Phụ (ven Hồ Tây – Hà Nội) để sinh sống. Nhiều người vẫn gọi
đó là “nhà cây liễu”, vì bên trong sân, sát hồ có một cây liễu lớn, thân nâu sần
sùi nứt nẻ, bóng rủ thướt tha, do chính tay Thạch Lam vun trồng. Nhà thơ
Huyền Kiêu đã từng có bài thơ chấm phá về ngôi nhà thơ mộng bên hồ của
Thạch Lam như sau:
Tây Hồ có danh sĩ
Nhà thì ở mái tranh

Cửa trúc cài phên gió
Trước thềm bóng liễu xanh
22


×