GÓP BÀN THÊM VỀ TỤC THỜ MẪU
Vai trò và vị trí của người phụ nữ trong gia đình, trong cộng đồng và đặc biệt trong
truyền thống của dân tộc Việt Nam luôn xứng đáng được ngợi ca và tôn vinh dù trong
bất cứ thời đại nào từ thời tiền sử cho đến thời kỳ văn minh hiện đại mà chúng ta đang
sống.
Dân tộc ta đã từng có những huyền thoại rất đẹp về người mẹ: Bà Âu Cơ (giống tiên) kết hôn
với Lạc Long Quân (giống rồng) mà sinh ra chỉ một bọc trăm trứng, lại nở ra một trăm người
con để rồi phân đôi, nửa theo cha xuống biển, nửa cùng mẹ lên non, từ đó hình thành lên các
cộng đồng người của dân tộc Việt Nam, sinh cùng một bọc, khởi tự một nguồn, máu đỏ, da
vàng tất cả đều là anh em. Thật là hồn nhiên, thật đẹp đẽ, tuyệt vời về nguồn gốc của một
dân tộc đã được nuôi dưỡng, bồi đắp, lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác liền mạch,
để mãi mãi, chúng ta vẫn cứ được tự hào về dòng dõi tiên rồng của dân tộc Việt Nam và hơn
thế nữa, sự tự hào đó cũng giành trọn cho người mẹ vĩ đại, đã có được một dân tộc trường
tồn.
Trải qua hàng nghìn năm của xã hội thị tộc mẫu hệ, hoàn toàn là vai trò người mẹ, hình ảnh
người mẹ là tất cả trong mỗi thành viên và của cộng đồng từng đơn vị cư trú, cho đến khi
hình thái gia đình một vợ một chồng hình thành và phát triển, thay thế cho hình thái xã hội thị
tộc mẫu hệ thì vai trò của người mẹ vẫn giữ vị trí chủ yếu trong gia đình, bởi ngoài thiên chức
làm vợ, làm mẹ, với sự phân công tự nhiên, người mẹ vẫn mặc nhiên đảm nhiệm hầu hết các
vai trò, về duy trì nòi giống, nuôi dưỡng các thế hệ kế tục, trao gửi những tâm tư, tình cảm
một cách gẫn gũi, thường xuyên, liên tục, giáo dưỡng để có được những thế hệ mới cho gia
đình, cho quê hương, cho đất nước.
Điều kiện sống của thời kỳ nguyên thuỷ (thời sơ sử, tiền sử) con người sống dựa chủ yếu
vào thiên nhiên, săn bắt thú rừng và thuỷ, hải sản ở sông suối, hái lượm hạt, quả do núi rừng
và thiên nhiên tạo ra, cho đến khi biết đến nền kinh tế nông nghiệp bao gồm trồng trọt và
chăn nuôi, con người vẫn phải dựa vào thiên nhiên, đời sống chưa thể ổn định trước sự khắc
nghiệt của tự nhiên, sự thất thường của thời tiết, khí hậu đã gây cho con người muôn vàn
khó khăn về cuộc sống. Bất lực trước tự nhiên, con người đã dần quan sát, rút kinh nghiệm
và dần hình thành ý thức hệ về tự nhiên, kèm theo đó là sự tôn thờ các hiện tượng tự nhiên
(tô tam giáo) họ thờ các vị thần rừng, thần núi, thần sông, thần biển v.v… là những môi
trường tự nhiên hoặc đem cho các cuộc sống no đủ, hoặc cũng lấy đi tất cả của họ những gì
phục vụ cho cuộc sống.
Quan niệm trời là cha, đất là mẹ cũng xuất phát từ đó, ngửa mặt lên là bầu trời bao la với biết
bao những bí ẩn của thời tiết, khí hậu, dưới chân là mặt đất với muôn vàn loài động vật thực
vật giúp kiếm tìm sự sống và đất chính là mẹ, đất mẹ sinh sôi nảy nở muôn loài, con người
khi sinh ra trưởng thành rồi chết đi lại trở về với đất, đó vừa là nhận thức, vừa là cách ứng
xử của con người với tự nhiên, về mặt triết học, quy luật âm dương ngũ hành được tổng kết
vận dụng, áp dụng sâu rộng để lý giải mọi hiện tượng của đời sống con người và xã hội.
Trong thuyết âm dương ngũ hành, trời là dương (cực dương), đất là âm (cực âm), trong
dương có âm và trong âm có dương (phép biện chứng), trời đất (âm dương) giao hoà tạo lên
muôn loài, muôn vật. Trong bản thể con người, âm dương điều hoà thì khoẻ mạnh, âm
dương lấn lướt sinh bệnh tật, ốm đau v.v… cùng với tiến trình của nhân loại, ý thức Mẹ đã
thường trực trong từng cá thể từ thời kỳ nguyên thuỷ của xã hội loài người và ngày nay nó
càng được củng cố, mẹ là tất cả, là chỗ dựa cả về vật chất lẫn tinh thần, tư tưởng tình cảm
v.v… và vì vậy ngay từ thuở nguyên sơ con người đã tôn các hiện tượng thiên nhiên như là
Mẹ: mẹ trời, mẹ núi, mẹ sông, mẹ biển v.v… về mặt ngữ nghĩa Mẹ trở thành Mẫu, mẫu thiên
(mẹ trời), mẫu thuỷ (mẹ nước), mẫu sơn (mẹ núi) vv… rồi tôn các Mẫu là Thánh để rồi từ đó
hình thành nên khái niệm “Tam tòa thánh mẫu” khi mà con người muốn vật chất hoá, cụ thể
hoá những tư duy tình cảm đối với thiên nhiên ngày càng gần gũi hơn với cuộc sống. Mẫu
thiên (mẫu cửu trùng) được dân gian hiểu là bà Huyền thánh mẫu. Mẫu thượng ngàn là Lâm
cung thánh Mẫu. Mẫu thuỷ là Thuỷ cung thánh Mẫu.
Ở cả 3 cõi: Trời, non, nước (từ thiên nhiên trở thành các đấng siêu nhiên). Tuy vậy, cũng
phải có thêm một mẫu (mẹ) ở cõi trần gian và đến sau này (thế kỷ XVI) hình thành thêm một
thánh mẫu nữa là: Địa cung thánh mẫu - Mẫu Liễu Hạnh. Về Liễu Hạnh (một trong tứ bất tử
trong quan niệm dân gian Việt Nam, hẳn có nhiều công trình nghiên cứu, xin không nêu ra ở
đây), dân gian chọn vào vị trí này thật thoả đáng. Bởi bà là biểu tượng cho sức sống giải
phóng ý thức tự do và lòng nhân đạo. Bà đã trải qua chức phận làm vợ, làm mẹ, làm chủ gia
đình, trưởng một cộng đồng, bà biết làm thơ, am hiểu đạo lý, biết cầm quân đánh giặc, biết
chữa bệnh cứu nhân độ thế. Ở bà là sự tựu trung những nét đẹp của người mẹ, người chủ,
một vị tướng và vị thánh. Thánh mẫu Liễu Hạnh được dân tôn thờ từ thực thể và trở thành
tâm linh, là vị thánh thứ tư trong tứ bất tử và cũng là vị thánh thứ tư - Mẫu địa phủ - là chủ cõi
đất, cõi trần gian, cõi gần gũi với con người. Và từ đó cũng hình thành quan niệm về tứ phủ,
tứ phủ cộng đồng.
Hiện nay, cách bài trí tại điện Mẫu (thường ở các ngôi chùa) thượng có 3 toà, được hình
tượng hoá, cụ thể hoá là 3 pho tượng với phong cách tượng có tính nữ giới. Chính giữa, mặc
áo đỏ là mẫu Thiên (mẫu cửu trùng), bên trái mẫu thiên là mẫu thượng ngàn (mặc áo xanh)
và bên phải là mẫu thuỷ mặc áo trắng.
Còn Thánh mẫu Liễu Hạnh được thờ ở đâu? Như đã nêu trên, trong dân gian, mẫu Liễu
Hạnh được thờ với tư cách là một vị thánh bất tử trong bốn vị thánh bất tử ở Việt Nam là:
Tản Viên Sơn Thánh, Chử Đồng Tử, Thánh Gióng, Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Thánh Mẫu Liễu
Hạnh có riêng phủ thờ rất nổi tiếng như: Phủ Giầy (Nam Định), phủ Tây Hồ (Hà Nội), phủ
Sông (Thanh Hoá), vv… Hoặc có những nơi thờ Tứ phủ cộng đồng, trong đó có 4 cõi: Trời,
đất, nước, non mà dân gian quen hiểu là “Điện”. Điện thờ tứ phủ.
Nếu với cách hiểu như trên, việc thờ tam toà thánh mẫu hay thờ Tứ Phủ trong dân gian là có
nguồn gốc xuất xứ với những nguyên nhân sâu xa được hình thành và phát triển từ hàng
nghìn năm trong trong quan niệm của con người về vũ trụ quan, nhân sinh quan. Điều đó vừa
thể hiện tư duy, niềm khao khát về mặt tinh thần đối với Mẫu, trước hết là người sinh ra, nuôi
dưỡng, bảo lưu các thế hệ giống nòi, là điểm tựa về mặt vật chất và tinh thần cho mỗi bản
thân, là sự ấp ôm che chở bao la trước mọi sự khó khăn, và mẹ là tất cả. Trước những hiện
tượng siêu nhiên, mọi môi trường sống dần được gắn với mẹ, từ người mẹ cụ thể đến mẹ
siêu trần, mẹ siêu phàm. Mẹ trong bao quát khái niệm tư duy và được thần tượng hóa trong
đời sống con người, mà việc thờ Mẹ thì cũng tự nhiên và cũng là điều đáng tự hào về tính
nhân văn nói riêng, rất đẹp ở người Việt Nam, mà chẳng nơi nào trên thế giới có được.
Điều đáng quan tâm hiện nay là các địa phương, những người làm công tác quản lý nhà
nước và quản lý văn hoá ở các cơ sở nên quan tâm, hướng dẫn, phổ biến những nét đẹp về
văn hoá, truyền thống của dân tộc nói chung, những thần phong mỹ tục của địa phương nói
riêng, việc bài trí, xếp đặt nơi thờ tự chung của cộng đồng cho đúng, phù hợp, không lộn xộn,
cũng không nên gán ghép tất cả là mê tín dị đoan, mà làm mai một đi phong cách văn hoá
truyền thống của dân tộc ta.
Việt Báo (Vĩnh Phúc Portal)