Tải bản đầy đủ (.doc) (252 trang)

Nghiên cứu văn bản then cấp sắc nôm tày tại viện nghiên cứu hán nôm

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (13.77 MB, 252 trang )

VIỆN HÀN LÂM
KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI

NGUYỄN VĂN TUÂN

NGHIÊN CỨU VĂN BẢN THEN CẤP SẮC NÔM TÀY
TẠI VIỆN NGHIÊN CỨU HÁN NÔM

LUẬN ÁN TIẾN SĨ HÁN NÔM

Hà Nội - 2019


VIỆN HÀN LÂM
KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI

NGUYỄN VĂN TUÂN

NGHIÊN CỨU VĂN BẢN THEN CẤP SẮC NÔM TÀY
TẠI VIỆN NGHIÊN CỨU HÁN NÔM

Ngành: Hán Nôm
Mã số: 9 22 01 04

LUẬN ÁN TIẾN SĨ HÁN NÔM

Người hướng dẫn khoa học
PGS.TS. Nguyễn Tá Nhí


Hà Nội - 2019


LỜI CAM ĐOAN
NCS xin cam đoan rằng:
- Luận án Tiến sĩ này là kết quả nghiên cứu của riêng NCS dưới sự hướng dẫn
của PGS.TS. Nguyễn Tá Nhí, chưa từng được công bố trong các công trình nghiên
cứu của ai khác.
- Luận án đã được tiến hành nghiên cứu một cách nghiêm túc, cầu thị.
- Kết quả nghiên cứu của các nhà nghiên cứu khác đã được tiếp thu chân thực,
cẩn trọng trong luận án.
NCS

Nguyễn Văn Tuân


LỜI CẢM ƠN
Để hoàn thành luận án Tiến sĩ này, tác giả xin trân trọng cảm ơn Ban Giám
đốc, Khoa Hán Nôm, Học viện Khoa học xã hội và các thầy, cô giáo đã trực tiếp
giảng dạy, giúp đỡ NCS trong suốt quá trình học tập.
Trân trọng cám ơn Lãnh đạo Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Lãnh đạo Phòng
Nghiên cứu văn bản Nôm cùng bạn bè đồng nghiệp công tác tại Viện Nghiên cứu
Hán Nôm đã giúp đỡ và tạo điều kiện thuận lợi cho NCS trong quá trình học tập
NCS và viết luận án.
Đặc biệt, NCS xin được bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới giảng viên hướng dẫn
PGS.TS. Nguyễn Tá Nhí, thầy đã luôn tận tình hướng dẫn, chỉ bảo trong suốt thời
gian NCS nghiên cứu và hoàn thành luận án.
Cuối cùng, xin gửi lời cảm ơn đến gia đình, người thân, bạn bè và đồng nghiệp
đã giúp đỡ, động viên NCS.


NCS

Nguyễn Văn Tuân


KÍ HIỆU VIẾT TẮT
Đ
H
Đ
H
K
H
N
N
C
x
Tr
.
V
H
V
N

:
Đ
:
Đ
:
K
:

:N
N
:
T
:
V
:
V


MỤC LỤC

MỞ ĐẦU:… .............................................................................................................................. 1
Chương 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ
TÀI..... 6
1.1. Khái quát về dân tộc Tày, Then và Then cấp sắc ................................................6
1.1.1. Vài nét về đời sống văn hóa của dân tộc Tày ...................................................6
1.1.2. Khái quát về Then và Then cấp sắc ..................................................................8
1.2. Tổng quan các công trình nghiên cứu liên quan đến đề tài................................17
1.2.1. Các công trình nghiên cứu từ góc độ văn hóa tín ngưỡng .............................17
1.2.2. Các công trình nghiên cứu từ góc độ văn hóa nghệ thuật ..............................23
1.2.3. Các công trình sưu tầm, giới thiệu văn bản Then...........................................27
1.2.4. Nhận xét chung về tình hình nghiên cứu liên quan đến luận án.....................33
Tiểu kết chương 1: ....................................................................................................35
Chương 2: KHẢO SÁT VĂN BẢN THEN CẤP SẮC NÔM TÀY TẠI VIỆN
NGHIÊN
CỨU HÁN NÔM.............................................................................................. 36
2.1. Mô tả văn bản Then cấp sắc viết bằng chữ Nôm Tày........................................36
2.1.1. Văn bản liên quan đến cấp sắc .......................................................................36
2.1.2. Văn bản Then cấp sắc Nôm Tày......................................................................38

2.2. Khảo sát đặc điểm văn bản Then cấp sắc...........................................................43
2.2.1. Hình thức văn bản ...........................................................................................43
2.2.2. Kết cấu văn bản...............................................................................................50
2.3. Một số vấn đề về chữ Nôm ghi trong văn bản Then cấp sắc .............................56
2.3.1. Về nghiên cứu chữ Nôm Tày ...........................................................................56
2.3.2. Phân loại chữ Nôm Tày trong văn bản Then cấp sắc.....................................59
2.3.3. Đặc điểm chữ Nôm Tày trong văn bản Then cấp sắc .....................................69
Tiểu kết chương 2: ....................................................................................................71
Chương 3: NGHIÊN CỨU “ĐƯỜNG THEN” TRONG VĂN BẢN THEN CẤP
SẮC
NÔM TÀY......................................................................................................... 73
3.1. Một số vấn đề cơ bản về “đường Then” và “đường Then cấp sắc”...................73
3.1.1. Khái niệm “đường Then” và “đường Then cấp sắc”.....................................73
3.1.2. Những quy định dùng để cấp sắc cho Then ....................................................75
3.1.3. Một số bài thỉnh ban đầu của buổi lễ cấp sắc ................................................79
3.2. Tìm hiểu “đường Then” trong văn bản Then cấp sắc Nôm Tày........................82
3.2.1. Thống kê, so sánh những khúc hát trong văn bản Then cấp sắc ....................83
3.2.2. Trình tự các khúc hát trong văn bản Then cấp sắc.........................................85
3.2.3. Nội dung của những khúc hát trong văn bản Then cấp sắc............................95


3.3. Đặc trưng của “đường Then” trong văn bản Then cấp sắc Nôm Tày..............103
3.3.1. Đặc trưng về hình thức .................................................................................103
3.3.2. Đặc trưng về nội dung...................................................................................106
Tiểu kết chương ba:.................................................................................................108
Chương 4: NGHIÊN CỨU GIÁ TRỊ CỦA VĂN BẢN THEN CẤP SẮC NÔM TÀY
109
4.1. Giá trị nội dung ................................................................................................109
4.1.1. Phản ánh những vấn đề về đời sống xã hội của người Tày trong quá
khứ..............109

4.1.2. Phản ánh những vấn đề về văn hóa tín ngưỡng............................................117
4.2. Giá trị nghệ thuật..............................................................................................128
4.2.1. Vấn đề thể loại ..............................................................................................128
4.2.2. Thủ pháp tu từ ...............................................................................................131
4.2.3. Nghệ thuật sử dụng điển cố...........................................................................135
4.3. Thực trạng việc sử dụng và vấn đề bảo tồn văn bản Then cấp sắc hiện ..........139
4.3.1. Thực trạng việc sử dụng văn bản Then cấp sắc viết bằng chữ Nôm Tày ở địa
phương hiện nay......................................................................................................139
4.3.2. Những vấn đề đặt ra cho việc bảo tồn và phát huy những giá trị Văn bản
Then cấp sắc Nôm Tày ............................................................................................141
Tiểu kết chương 4: ..................................................................................................144
KẾT LUẬN .............................................................................................................145
DANH MỤC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC CỦA TÁC GIẢ LUẬN ÁN CÓ LIÊN
QUAN TỚI ĐỀ TÀI LUẬN ÁN.............................................................................149
TÀI LIỆU THAM KHẢO.......................................................................................150


MỞ ĐẦU

1. Lý do chọn đề tài
Trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam, dân tộc Tày có số dân đông thứ hai
sau người Kinh, sống tập trung chủ yếu ở các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam, sau
này số ít di cư vào vùng Tây Nguyên. Với người Tày, không chỉ có số dân đông, mà
còn có một kho tàng tư liệu văn hóa rất đặc sắc mà ngày nay vẫn còn lưu giữ được,
đó là những tập truyện thơ, lượn cọi, phong slư, hát Then, v.v... Các nguồn tư liệu
này thường được ghi chép bằng chữ Nôm của người Tày (gọi là chữ Nôm Tày).
Trong khối tư liệu này, chúng tôi đặc biệt chú ý đến các văn bản Then cấp sắc. Bởi
vì, Then cấp sắc là một đại lễ có quy mô tổ chức lớn nhất trong hệ thống các nghi lễ
của Then, chứa đựng nhiều giá trị đặc sắc thuộc về phong tục tập quán và văn hóa
cũng như nghệ thuật diễn xướng nghi lễ của người Tày.

Then cấp sắc gắn với đời sống sinh hoạt tín ngưỡng của dân gian, nên lời ca là
sự phản ánh về cuộc sống của người dân miền núi, mà trước hết là môi trường tự
nhiên xã hội của người Tày. Đó môi trường miền núi với đặc trưng là nền kinh tế
tiểu nông tự cấp, tự túc… tất thẩy đều được phản ánh khá rõ trong hành trình Then
cấp sắc mang lễ vật lên mường trời. Có thể nhận thấy bản làng và cuộc sống sinh
hoạt, lao động sản xuất, phong tục tập quán của người Tày hiện lên rất quen thuộc
trong Then
Vì vậy việc tìm hiểu, nghiên cứu văn bản Then cấp sắc ghi bằng chữ Nôm Tày
không những làm rõ thêm vấn đề nội dung trong Then cấp sắc, mà còn góp phần
bảo tồn, phát huy những giá trị bản sắc văn hóa dân tộc Tày nói riêng, dân tộc Việt
Nam nói chung. Điều này phù hợp với quan điểm đúng đắn của Đảng và Nhà nước
về chủ trương xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
Dựa trên các kết quả nghiên cứu của người đi trước, chúng tôi thống kê được
06 văn bản Then cấp sắc viết bằng chữ Nôm Tày hiện lưu trữ tại Viện Nghiên cứu
Hán Nôm (VNCHN). Số lượng văn bản này tuy chưa phải là nhiều, nhưng qua khảo
sát, nghiên cứu cho thấy được bức tranh toàn cảnh của Then cấp sắc Tày. Xuất phát
từ những lý do nêu trên, chúng tôi lựa chọn vấn đề “Nghiên cứu văn bản Then cấp
1


sắc Nôm Tày tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm” làm đề tài cho luận án Tiến sĩ
chuyên ngành Hán Nôm.
2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của luận án
2.1. Mục đích nghiên cứu
Trong luận án này, mục đích nghiên cứu của chúng tôi là hướng tới giải quyết
những vấn đề về văn bản học của Then cấp sắc viết bằng chữ Nôm Tày, tiến hành
xác định bản tin cậy và nghiên cứu giá trị nội dung phản ánh trong văn bản Then
cấp sắc. Kết quả của việc nghiên cứu này, góp phần bảo tồn và phát huy văn bản
Then cấp sắc viết bằng chữ Nôm Tày nói riêng và văn bản chữ Nôm Tày nói chung.
2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu

Trên cơ sở mục đích nghiên cứu đã đề ra, chúng tôi đặt nhiệm vụ nghiên cứu
của luận án như sau:
- Hệ thống hóa các văn bản Then cấp sắc hiện lưu trữ tại VNCHN, giới thiệu
văn bản, so sánh và đối chiếu văn bản, xác định bản tin cậy để khảo sát, nghiên cứu.
- Nghiên cứu đặc điểm văn bản, kết cấu văn bản, chữ Nôm, xác định số lượng
các chương, khúc hát trong các văn bản; từ đó xác định khái niệm “đường Then” và
“đường Then cấp sắc” ghi chép trong văn bản Then cấp sắc.
- Nghiên cứu giới thiệu giá trị của văn bản Then cấp sắc trong đời sống văn
hóa dân tộc Tày xưa, từ đó đề xuất biện pháp bảo tồn và phát huy giá trị của văn
bản Then cấp sắc trong đời sống văn hóa đương đại.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận án
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Luận án chọn đối tượng nghiên cứu chủ yếu là một nhóm 6 văn bản Then cấp
sắc viết bằng chữ Nôm Tày hiện lưu trữ tại VNCHN, với các ký hiệu, là: NVB.1;
VNv.671; NC.50; ST.2227; ST.2201; ST.557. Đây là những văn bản chưa từng
được biên dịch và công bố.
3.2. Phạm vi nghiên cứu
Luận án giới hạn phạm vi nghiên cứu vào các vấn đề văn bản học của các văn
bản Then cấp sắc, vấn đề sử dụng chữ Nôm trong văn bản, khái niệm “đường Then
cấp sắc” và giá trị nội dung của văn bản Then cấp sắc trong đời sống văn hóa tín
ngưỡng của dân tộc Tày.


4. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu của luận án
4.1. Phương pháp luận
Dựa trên quan điểm của Đảng và Nhà nước trong việc sưu tầm, bảo tồn,
nghiên cứu khai thác và phát huy văn hóa truyền thống, xây dựng nền văn hóa Việt
Nam “tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”. Những tri thức về Ngữ văn Hán Nôm, văn
bản học, văn hóa học, văn tự học và nghiên cứu liên ngành sẽ được vận dụng lý
thuyết nghiên cứu khoa học trong từng chương của luận án.

4.2. Phương pháp nghiên cứu
Luận án sử dụng các phương pháp nghiên cứu chủ yếu sau đây:
- Phương pháp văn bản học: Nghiên cứu, so sánh 6 văn bản chữ Nôm Tày
thuộc văn bản Then cấp sắc, so sánh số lượng chương, khúc hát trong các văn bản,
nêu lên một số đặc điểm văn bản về cấu trúc văn bản. Từ kết quả khảo sát văn bản,
tạo điều kiện cho việc chọn thiện bản đề nghiên cứu và giới thiệu.
- Phương pháp phiên dịch (còn gọi là thuyên thích học, hay học thông diễn
học) cũng được sử dụng để giải thích, giải nghĩa, hay diễn dịch các bản văn Then
cấp sắc, từ các vấn đề về văn bản, ngôn ngữ, lời nói, v.v… Đây là một phương pháp
giúp chúng ta thấu hiểu văn bản và minh giải văn bản sâu hơn.
- Phương pháp văn tự học: Dựa vào lý thuyết cấu tạo chữ Nôm của các học giả
đi trước, phương pháp văn tự học được sử dụng nghiên cứu cấu trúc chữ Nôm Tày
cũng như xác định hệ thống chữ Nôm Tày trong văn bản, như chữ Nôm Tày tự tạo,
chữ Nôm Tày mượn chữ Nôm Kinh (Việt) và chữ Nôm Tày mượn chữ Hán trong
văn bản Then cấp sắc.
- Phương pháp định lượng: Nhằm hệ thống hóa, thống kê số lượng các
chương, khúc hát Then cấp sắc, những chữ Nôm thuần Tày, chữ Nôm Tày vay
mượn (Kinh và Hán); từ đó, đưa ra những biện luận, phân tích để xác định độ tin
cậy của tư liệu trong văn bản. Thao tác thống kê được sử dụng xuyên suốt luận án,
các kết quả thống kê là những số liệu cụ thể và chính xác, từ đó đưa tới những nhận
định đáng tin cậy. Ngoài ra, luận án cũng sử dụng những thao tác như phân tích,
tổng hợp, quy nạp, diễn dịch, so sánh, v.v... trước khi đưa ra những nhận xét về văn
bản Then cấp sắc.


- Phương pháp liên ngành: Nhằm khai thác những giá trị lịch sử, giá trị văn
hóa, văn học, tôn giáo, phong tục tập quán, v.v… được thể hiện qua các văn bản
Then cấp sắc.
5. Đóng góp của luận án
Việc nghiên cứu nhóm văn bản Then cấp sắc viết bằng chữ Nôm Tày hiện lưu

trữ tại Viên Nghiên cứu Hán Nôm đem lại những kết quả như sau:
- Góp phần giới thiệu, phân tích khái niệm Then và Then cấp sắc, cũng như
văn bản Then nói chung và văn bản Then cấp sắc nói riêng.
- Giới thiệu đặc điểm văn bản Then cấp sắc của dân tộc Tày, xác định văn bản
tin cậy để nghiên cứu và giới thiệu. Việc làm này sẽ gợi mở cho việc nghiên cứu
nhóm văn bản Then cấp sắc viết bằng chữ Nôm Tày hiện lưu trữ tại VNCHN.
- Cung cấp số liệu đáng tin cậy về số lượng chương hát, khúc hát trong văn
bản Then cấp sắc viết bằng chữ Nôm Tày của ba dòng Then ở ba tỉnh Cao Bằng,
Bắc Kạn, Lạng Sơn. So sánh “đường Then cấp sắc” của ba dòng Then để thấy được
sự tương đồng và khác biệt giữa ba dòng này. Đưa ra cứ liệu về việc sử dụng chữ
Nôm trong văn bản, từ đó góp phần gợi mở cho việc tìm hiểu sự giao lưu văn hóa
Tày - Kinh thời trung đại.
- Phân tích, đánh giá làm sáng tỏ giá trị nội dung và nghệ thuật của văn bản
Then cấp sắc, góp phần vào việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Tày.
Đồng thời giúp các nhà quản lý văn hóa có biện phát bảo tồn và phát huy văn hóa
truyền thống của dân tộc Tày.
- Phiên âm, dịch nghĩa, chú thích và giới thiệu văn bản Then cấp sắc viết bằng
chữ Nôm của người Tày (Bản NVB.1).
6. Ý nghĩa khoa học của đề tài
Việc nghiên cứu nhóm văn bản Then cấp sắc viết bằng chữ Nôm Tày hiện lưu
trữ tại VNCHN, đưa lại những ý nghĩa khoa học như sau:
- Nghiên cứu văn bản và phân tích văn bản, xác định bản đáng tin cậy để phiên
dịch, giới thiệu, công bố văn bản Then cấp sắc; nghiên cứu hệ thống chữ Nôm trong
văn bản, góp phần nghiên cứu hệ thống văn bản chữ Nôm của dân tộc Tày.
- Phác họa được bức tranh tổng thể về “đường Then” cấp sắc của dân tộc Tày
gồm: Hành trình Then đi từ trần gian lên đến thượng giới để gặp Ngọc Hoàng, số


lượng các chương, khúc hát được ghi chép trong văn bản Then cấp sắc viết bằng
chữ Nôm Tày hiện lưu trữ tại VNCHN.

- Luận án tạo hướng mở cho việc nghiên cứu các văn bản Then cấp sắc nói
riêng, dân ca nghi lễ của dân tộc Tày nói chung. Hy vọng đề tài sẽ có những đóng
góp cho việc bảo tồn, nghiên cứu và phát huy những giá trị tốt đẹp trong văn hóa
của đồng bào dân tộc Tày.
7. Bố cục của luận án
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo và Phụ lục; luận án có bố
cục chia làm 4 chương:
Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài
Chương 2: Khảo sát văn bản Then cấp sắc Nôm Tày tại Viện Nghiên cứu Hán
Nôm Chương 3: Nghiên cứu “đường Then” trong văn bản Then cấp sắc Nôm
Tày Chương 4: Nghiên cứu giá trị của văn bản Then cấp sắc Nôm Tày


Chương 1
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU
LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI
Then nói chung và Then cấp sắc nói riêng là thuộc loại hình dân ca nghi lễ, đã
được các nhà nghiên cứu văn hóa, ngôn ngữ, Hán Nôm... quan tâm nghiên cứu, giới
thiệu ở các góc độ khác nhau. Ở chương này chúng tôi sẽ giới thiệu khái quát về đời
sống văn hóa của người Tày, Then và Then cấp sắc của người Tày; đồng thời, tổng
quan về các công trình đã nghiên cứu về Then Tày nói chung, Then cấp sắc của
người Tày nói riêng. Từ đó, chúng tôi có những đánh giá về những thành tựu của
những công trình nghiên cứu của những người đi trước, để kế thừa và định hướng
triển khai nghiên cứu của luận án.
1.1. Khái quát về dân tộc Tày, Then và Then cấp sắc
1.1.1. Vài nét về đời sống văn hóa của dân tộc Tày
Trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam, người Tày có số dân đông thứ hai
sau người Kinh (1.626.392 người)1, sống tập trung chủ yếu ở các tỉnh miền núi phía
Bắc Việt Nam và một số tỉnh thuộc Tây Nguyên như Đăk Lăk, Lâm Đồng. Ở các
tỉnh miền núi phía Bắc, người Tày cư trú chủ yếu ở các thung lũng màu mỡ, có độ

cao trung bình, thuận tiện cho việc trồng trọt, chăn nuôi và ổn định cuộc sống.
Về phương diện cội nguồn lịch sử, người Tày “vốn thuộc chung một nhóm Âu
Việt, trong khối Bách Việt mà địa bàn cư trú là Miền Bắc Việt Nam và Miền Hoa
Nam Trung Quốc. Vào thế kỷ thứ III (TCN), liên minh bộ lạc Âu Việt (Tày – Nùng)
đã cùng với liên minh bộ lạc Lạc Việt (Việt Mường) thành lập nên Vương quốc Âu
Lạc. Người thủ lĩnh đứng đầu là An Dương Vương Thục Phán... Trong quá trình
chung sống, đấu tranh để xây dựng và gìn giữ đất nước, người Âu Lạc và người Lạc
Việt vốn có những quan hệ gần gũi nhau, dễ hòa hợp nhau, cùng giao lưu và tiếp
thu ảnh hưởng văn hóa của nhau” [131, 22].
Về ngôn ngữ và chữ viết, tiếng Tày thuộc nhóm ngôn ngữ Tày - Thái (ngữ hệ
Thái - Ka Ðai) được sử dụng rộng rãi trong giao tiếp. Do nhu cầu cuộc sống, người
1

Theo kết quả điều tra dân số năm 2009 của Tổng cục thống kê.


Tày đã sáng tạo ra chữ viết riêng của mình là chữ Nôm Tày để ghi chép lại những
câu thành ngữ, tục ngữ, cao dao và các bài thơ, lời ca, truyện cổ... mà ngày nay vẫn
còn lưu giữ được rất nhiều tác phẩm, như: Phong slư, Lượn cọi, truyện thơ Nôm,
Then, v.v... Xét về từ vựng, từ vựng tiếng Tày gồm những từ gốc Tày và những từ
mượn của các ngôn ngữ khác. Bộ phận từ gốc Tày có vị trí quan trọng, bởi nó được
sử dụng nhiều nhất trong đời sống hàng ngày, khiến cho người Tày có thể dễ dàng
giao tiếp với nhau trong sinh hoạt gia đình, làng bản. Để biểu thị các khái niệm xã
hội, chính trị, pháp lý khoa học kỹ thuật... thì tiếng Tày phải vay mượn từ tiếng Hán
và đặc biệt là từ tiếng phổ thông là tiếng Kinh (Việt). Sự vay mượn này phù hợp với
quy luật nên nó làm cho tiếng Tày thêm phong phú, có đủ sức làm công cụ giao tiếp
của người Tày trong xã hội.
Về phương diện hoạt động sản xuất, người Tày là cư dân nông nghiệp lúa
nước, sớm biết thâm canh và áp dụng rộng rãi các biện pháp thuỷ lợi, như: đào
mương, đắp phai, làm cọn lấy nước vào ruộng. Họ có tập quán đập lúa ở ngoài đồng

trên những “loỏng” (máng gỗ) rồi mới đưa thóc về nhà. Ngoài lúa nước, người Tày
còn trồng lúa cạn, hoa màu, cây ăn quả... Bên cạnh việc trồng trọt còn có chăn nuôi
phát triển với nhiều loại gia súc, gia cầm. Thủ công nghiệp là nghề phụ trong các
gia đình. Nhiều nghề thủ công lâu đời đã đạt tới một trình độ kỹ xảo cao, như: Thổ
cẩm ở Hòa An, Hà Quảng (Cao Bằng) cho nhiều mặt hàng dùng làm mặt chăn, địu
trẻ, khăn treo cửa, khăn trải bàn rất đẹp; nghề làm bàn ghế trúc ở Cao Lộc (Lạng
Sơn), Nguyên Bình (Cao Bằng) với nhiều hình mẫu bàn ăn, bàn ghế tiếp khách, bàn
thờ tổ tiên… mà càng dùng lâu thì mầu trúc càng “lên nước” vàng xẫm, bóng lộn;
nghề đan lát phổ biến trong mọi gia đình, bất cứ nhà nào cũng có thể tự đan được
những đồ dùng cần thiết trong sinh hoạt hàng ngày; nghề kéo sợi, dệt vải, bật bông,
nấu mật, ép dầu… cũng là nghề thiết yếu mà hầu hết gia đình nào cũng có.
Về phong tục tập quán và tín ngưỡng dân gian, người Tày có nhiều phong tục
đẹp thể hiện nét văn hóa độc đáo của riêng mình, như: tục nhận họ, tục nhận con
nuôi, tục kết tồng kết đẳm, tục cưới hỏi, v.v… Đối với tục nhận họ, khi gặp những
người có cùng tên họ (như Bế, Hoàng…) kể cả những người thuộc các thành phần
dân tộc khác với mình, người Tày thường kết thân nhận là người cùng họ, bởi nghĩ
rằng “tồng slính slam phăn chăn” (người cùng họ ít nhất cũng có ba phần mười là


thân thích rồi). Sau khi nhận họ, quan hệ hai bên trở nên thân thiết và thiêng liêng,
mọi công việc cùng nhau gánh vách trách nhiệm tựa như một thành viên trong cùng
một tông tộc. Đối với tục nhận con nuôi, khi một gia đình hiếm con hoặc không có
con, họ thường tổ chức việc nhận con nuôi, người con nuôi phải bỏ họ của mình để
lấy họ cha nuôi. Bởi vậy, con nuôi được đối xử như con đẻ, có quyền lợi và nghĩa
vụ như con đẻ. Nếu gia đình không có con trai thì con nuôi được quyền thừa tự
mang vác trọng trách đúng như con đẻ. Với tục kế tồng kết đẳm, khi gặp người có
cùng năm sinh tháng đẻ hợp tính tình (kể cả người có cùng cảnh ngộ: mồ côi, ngóa
bụa…) thì có thể kết tồng (“tồng” nghĩa là giống nhau). Còn “đẳm” là khi hai người
(có thể cùng tuổi hoặc khác tuổi) nhưng cùng tên thì gọi nhau là “đẳm”. Sự giao kết
“tồng” hay “đẳm” là do hai người tự nguyện. Việc kết này được chính thức hóa

trong một bữa cơm thân mật, có sự chứng kiến và công nhận của những người anh
em thân thuộc trong gia đình. V.v…
Vấn đề tín ngưỡng dân gian, người Tày thờ đa thần. Đồng bào thờ cúng tổ
tiên, thần thánh là chính, vì họ tin rằng có rất nhiều thứ thần thánh ma quỷ, được gọi
chung là “phi”. “Phi” có cả ở trên trời lẫn mặt đất, như “phi fạ” (ở trên trời), “phi
đông” (ở trong rừng), “phi pẩu pú” (tổ tiên), v.v… và “phi” được chia làm hai loại
là lành và dữ. Loại lành, như: phi tổ tiên, phi mụ, phi bếp, phi bản… luôn bảo vệ
con người và súc vật, mùa màng, sẵn sàng giúp con người diệt trừ các loài tà ma
quỷ quái. Tuy nhiên, phi này cho dù là lành, nhưng cũng sẽ sẵn sàng trừng phạt ai
đó nếu như không chịu lo việc cúng bái chu đáo. Phi này được thờ ở trong gia đình
hoặc những nơi đền miếu công cộng. Đối với loại phi dữ, như: ma rừng, thuồng
luồng, yêu tinh… có thể về hại người, gia súc và mùa màng. Bởi vậy, người ta
không thờ cúng, song khi có họa nạn (như ốm đau…), nếu Tào, Mo, Then phát hiện
ra phi nào về quấy rầy thì phải làm lễ cúng phi đó. Điều này được thể hiện khá rõ
qua tín ngưỡng dân gian của họ.
1.1.2. Khái quát về Then và Then cấp sắc
1.1.2.1. Các khái niệm cơ bản
* Về khái niệm “Then”, hiện chúng chúng tôi thấy có 7 cách giải thích theo
trình tự thời gian như sau:


(1) Nhóm tác giả Hoàng Văn Ma, Lục Văn Pảo, Hoàng Chí giải thích: Then
tức “hết Pụt hết Then” (làm Bụt làm Then) [77, 423].
(2) Dương Kim Bội quan niệm về Then: Cho dù chưa có cách định nghĩa,
giải thích một cách thoả đáng, cứ coi nó như một danh từ riêng để chỉ một loại
hình mê tín [84, 14].
(3) Nông Văn Hoàn cho rằng: Then là Tiên 仙 (có nơi gọi sliên), là người của
trời. Họ là người giữ mối liên hệ giữa người trần gian với Ngọc hoàng và Long
vương. Khi họ làm Then là họ đại diện cho người của trời giúp cho người trần gian
cầu mong được sự tốt lành, được tai qua nạn khỏi v.v... tức là Then chỉ làm điều

thiện cứu giúp người trần gian [84, 7 - 41].
(4) Triều Ân thì cho rằng: Then là những khúc hát thuộc về thờ cúng (chant
cultuel) do những Then làm nghề (chan-teuse cultuelle) hát trong nghi lễ [17, 7].
(5) Hoàng Phê chủ biên, định nghĩa từ Then có ba nét nghĩa: 1/Lực lượng siêu
tự nhiên sáng tạo ra thế giới, theo quan niệm của một số dân tộc thiểu số miền Bắc
Việt Nam. 2/Người làm nghề cúng bái (thường là nữ) ở vùng các dân tộc thiểu số
nói trên. Bà Then, làm mo, làm Then. 3/Loại hình nghệ thuật tổng hợp gồm đàn,
hát, múa gắn liền với tín ngưỡng của các dân tộc thiểu số nói trên. Hát Then, múa
Then. [94, 931].
(6) Từ điển bách khoa Việt Nam, giải thích: Then tên chung chỉ một loại
hình sinh hoạt văn hóa – văn nghệ dân gian của các dân tộc Tày, Thái. Tùy theo
mục đích của từng kỳ lễ mà Then có tên gọi và kiểu cách trình diễn khác nhau
như Then kỳ yên, Then cầu hoa, Then nối số, v.v… Đầy đủ nhất là Then cấp sắc
hay còn gọi là lẩu Then. Người làm Then gọi là thầy Then, khi đã già, muốn nghỉ
thì làm lễ Then cáo lão. Then có nguồn gốc từ niềm tin của con người vào sự tồn
tại của các siêu linh trong các thế giới trên trời, trên mặt đất và dưới nước. Khi
con người ốm tức là hồn hay vía của họ bay vào các thế giới đó. Muốn khỏi bệnh
họ phải nhờ đến các thầy Then. Các thầy Then dùng giọng hát dẫn đường cho âm
binh đi đến tất cả các thế giới nói trên để tìm hồn trả về cho thân xác và người
ốm sẽ khỏi bệnh. [130, 198].


(7) Nguyễn Thị Yên trong cuốn Then Tày sau khi phân tích sự tương đồng
giữa tên gọi Then (đọc trại từ chữ Hán ... thiên - trời) với các hình thức cúng bái
tương tự của người Tày, Nùng, Thái như Pụt, Sliên, Một mà đã đưa ra giả định
“Tên gọi Then là bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ trời (phạ) của các cư dân Tày,
Thái nói chung”. Tuy nhiên, trong quá trình hình thành và biến đổi Then của
người Tày đã có sự giao lưu tiếp biến với các yếu tố du nhập khác như Phật giáo
và Đạo giáo. [138, 54] Cách hiểu này cũng được tác giả trình bày tương tự trong
cuốn Tín ngưỡng dân gian Tày, Nùng phần viết về “Then, Pụt và sinh hoạt văn

hóa tín ngưỡng Then, Pụt”, mục “Khái niệm, phân loại” [141, 104 - 114]
Tổng hợp từ các nhận định về Then của các nhà nghiên cứu đi trước, khái
niệm “Then” được hiểu là tên gọi một hình thức cúng bái có nguồn gốc từ tín
ngưỡng thờ trời (phạ) của các cư dân Tày, Thái nói chung, gọi chung là văn hóa tín
ngưỡng Then, Pụt (theo giải thích của tác giả Nguyễn Thị Yên). Hiểu theo nghĩa mở
rộng thì “Then” là tên gọi chỉ các khía cạnh cụ thể liên quan đến văn hóa tín ngưỡng
Then. “Then” với nghĩa chỉ thầy Then bao gồm cả nam và nữ (người làm nghề cúng
bái có những phép thuật, có thể chuyển lời giữa người trần gian với một thế giới
tâm linh khác như Ngọc Hoàng, Long Vương... thông qua việc trình diễn nghệ thuật
đàn, hát, múa trong quá trình thực hiện nghi lễ). “Then” gắn với tên gọi các nghi lễ
cụ thể của Văn hóa tín ngưỡng Then như: Then kỳ yên, Then giải hạn, Then cấp
sắc,... “Then” gắn với tên gọi các hình thức nghệ thuật biểu diễn trong Then như:
Hát Then, đàn Then (tính tẩu), múa Then,...
*Về khái niệm “Then cấp sắc”, chúng tôi tán đồng với khái niệm mà Nguyễn
Thị Yên đưa ra: “là nghi lễ công nhận tư cách hành nghề của thày Then là thuộc loại
Then đại lễ có quy mô tổ chức lớn hơn cả và có liên quan đến việc thờ cúng tổ nghề
của Then”[138,11].
* Khái niệm “Văn bản Then” và “Văn bản Then cấp sắc”
Đối với nghi lễ Then nói chung và Then cấp sắc nói riêng thì lời hát Then là
phần quan trọng, chuyển tải toàn bộ nội dung của hành trình Then do thầy Then làm
chủ. Vì vậy, với một người làm Then thì nhất thiết phải thuộc lòng các lời hát trong
các nghi lễ Then, khi đi hành lễ không được dùng sách thì nghi lễ mới “thiêng”.
Trong xã hội Tày truyền thống, nữ giới thường không biết chữ, nếu làm nghề Then


thì họ học thuộc lời Then thông qua truyền khẩu. Riêng đối với dòng Then nam
(còn gọi là “slàng” hoặc “dàng”) vì các thầy biết chữ (Nôm Tày) nên có thể học
nghề bằng cách ghi chép lại các lời hát trong nghi lễ Then để học và truyền lại cho
đời sau.
Theo đó, văn bản Then nói chung và văn bản Then cấp sắc nói riêng, là những

lời hát của Then thực hiện được văn bản hóa bằng chữ Nôm Tày. Với ý nghĩa đó,
“văn bản Then cấp sắc” mà chúng tôi giới hạn sử dụng để khảo sát trong luận án
này là những lời hát Then cấp sắc được văn bản hóa bằng chữ Nôm Tày, được triển
khai nghiên cứu ở góc độ văn bản học, còn các hình thức nghệ thuật khác (âm nhạc,
diễn xướng,…) không được đề cập trong luận án.
1.1.2.2. Nguồn gốc của Then, người làm Then và hệ thống nghi lễ
- Về nguồn gốc của Then: Các nhà nghiên cứu đi trước như Nông Văn Hoàn,
Hoa Cương, Dương Kim Bội, Triều Ân… đều có nhận xét gần giống nhau nhưng
chưa hoàn toàn nhất quán. Sau đây, chúng tôi xin nêu ra một số những luận điểm
tiêu biểu như sau:
Nông Văn Hoàn cho rằng: Then có từ thời Lê - Mạc tức là từ cuối thế kỷ XVI,
đầu thế kỷ XVII, khi Mạc Kính Cung lên chiếm cứ đất Cao Bằng đánh lại nhà Lê
(1598 - 1625). Then do ông Bế Phùng người làng Đám Vạn (Hòa An) đặt ra; Giàng
do ông Hoàng Quỳnh người Trùng Khánh đặt ra. Hai ông đều làm quan cho nhà
Mạc và đặt ra Then, Giàng để tiến hành chầu mua vui cho vua Mạc. Vua thấy Then
múa hát làm cho mình được vui vẻ, khỏe mạnh hơn, bèn truyền cho phổ biến trong
nhân dân. Dần dần biến nó thành thứ cúng lễ cầu khấn cho được khỏi bệnh, đạt
được những ước vọng tốt lành [84, 15]. Đồng quan điểm với ý kiến này, Hoa
Cương cho biết thêm: Ông Bế Văn Phùng rất thông minh tài giỏi, am hiểu cả về
thiên văn địa lý, nên được gọi là quan Tư Thiên Quản nhạc. Còn ông Nông Quỳnh
Vân thì tài nghệ thi phú cũng rất giỏi mà còn có tài lặn xuống nước được lâu nên
nhân dân còn gọi là ông vua Ca Đáng (nghĩa là vua của loài quạ khoang chuyên lặn
bắt cá). Hai ông là bạn thân với nhau và thường xuyên xướng họa thi ca cùng nhau.
Về sau vua Ca Đáng thành lập đội xướng ca nam ở vùng Trùng Khánh gọi là Giàng,
còn quan Tư Thiên thì lập xướng ca nữ ở vùng Hòa An gọi là Then. Thời nhà Mạc
bị nhà Lê đánh đuổi phải chạy lên Cao Bằng vì buồn rầu lo sợ mà sinh phát bệnh


chạy chữa mãi cũng không khỏi. Sau có người tâu với vua rằng: Bệnh của vua chỉ
có ông Tư Thiên đem đội xướng ca đến mới khỏi. Tức khắc vua sai người đem

chiếu chỉ đến mời Trạng. Nhận được chiếu chỉ của vua, Trạng liền chuẩn bị tập tành
và tiến vào chầu vua. Đội xướng ca nữ khi vào chầu vua liền biểu diễn điệu múa
chầu làm cho vua tươi hẳn lên rồi nhỏm dậy ban khen tấm tắc. Múa xong lại cầm
đàn tính vừa gẩy vừa hát điệu Then chúc tụng nhà vua làm cho vua quên hết lo sầu
rồi tự nhiên thấy khỏe hẳn. Sau đó vua liền phong sắc cho Tư Thiên thêm chức
Quản nhạc [84, 341].
Dương Kim Bội sưu tầm ở các nghệ nhân dân gian cho biết: Có một thời gian
nhà Mạc đem quân chạy lên Cao Bằng, vì xa nhà cửa, quê hương, vợ con nên quan
quân sinh bệnh, đau ốm rất nhiều. Giữa lúc bệnh hoạn đang hoành hành như thế,
một viên quan bầy cách cho một nhóm binh sĩ có học thức làm Then để giải khuây.
Việc làm này đã đem lại kết quả một cách không ngờ. Từ khi có nhóm người này
hát then, tự nhiên quan quân khỏi bệnh quá nửa! Từ đó vua nhà Mạc truyền cho
quân sĩ hãy phổ biến ra ngoài dân chúng thật rộng rãi [84, 141].
Ý kiến của Triều Ân: Cây đàn và lời hát Then của dân tộc Tày đã có từ rất lâu,
từ khi tổ tiên ta có nhu cầu sinh hoạt văn hoá… Hát Then là loại hát thuộc về thờ
cúng (chant cultuel) mà thờ cúng, với bất cứ dân tộc nào cũng có rất sớm, theo vũ
trụ quan vạn vật hữu linh của họ [17, 9]
Nguyễn Thị Yên nhận định: Trước khi vào cung, Then tồn tại trong dân gian
dưới hình thức của Sliên - Pụt mang nhiều yếu tố bản địa. Khi vào cung đình, dựa
trên bài bản của Pụt mà các trí thức kiêm nghệ sĩ, nhà thơ và thầy cúng như Bế Văn
Phụng đã bổ sung cho phù hợp với nhu cầu thưởng thức cũng như tâm lý của tầng
lớp vua quan. Chính vì thế mà Then đã được đổi mới và cách tân về phần văn bản
lời hát: từ ngữ trau chuốt, hành văn lưu loát giàu hình ảnh hơn, nhiều tích cổ bằng
từ Hán Việt có pha trộn tiếng Kinh [138, 19]
Như vậy, nhìn lại những đánh giá về nguồn gốc Then của các nhà nghiên cứu
đi trước, có thể nhận thấy các nhà nghiên cứu đều cho rằng, Then chính thức được
phổ biến rộng rãi vào cuối thế kỷ XVI khi nhà Mạc lên cát cứ Cao Bằng; nhưng
thực tế, trước đó đã được tồn tại trong dân gian. Luận án của chúng tôi kế thừa



những thành tựu nghiên cứu này. Tuy nhiên, chúng tôi thấy cần bổ sung thêm, cụ
thể như sau:
Đúng vậy, Then Tày nảy sinh từ thời đại phong kiến Việt Nam đã phát triển,
xã hội Tày đã có sự phân chia đẳng cấp rõ rệt, dân tộc Tày đã có tầng lớp trí thức
Nho học, văn hóa Tày đã có sự giao lưu rộng với các dân tộc anh em khác. Chúng ta
thấy trong Then có sự chồng chất và sự pha tạp của nhiều tầng lớp văn hóa: Tày có,
Kinh có, Hán có, cổ có, mới có, Phật giáo có, Đạo giáo... Chúng tôi cho rằng, ban
đầu sự hình thành của Then rất đơn giản, gắn với các yếu tố sinh hoạt, tập quán,
ngôn ngữ thông thường của người Tày. Dần dần các yếu tố sinh hoạt, tập quán,
ngôn ngữ của người Tày càng phát triển đưa Then phát triển phong phú hơn, điêu
luyện hơn qua những đóng góp và hoàn thiện của một số trí thức kết hợp cùng các
nghệ sĩ dân gian, mà đặc biệt là hai ông Hoàng Quỳnh Vân và Bế Văn Phụng người lập ra phường hát Then, Dàng. Chúng tôi nhất trí với quan điểm của Nguyễn
Thị Yên là khi nhà Mạc tan rã, Then ra ngoài dân gian thâm nhập vào các địa
phương khác nhau, trước hết là các khu vực kề cận như Bắc Kạn, Lạng Sơn rồi từ
đó tỏa đi các nơi khác. Dưới hình thức trao truyền bằng phương thức truyền miệng,
trải qua nhiều thế hệ mà Then đã có sự cải biến, bổ sung tùy vào từng khu vực cư
trú cụ thể [138, 227].
- Về những người làm Then: Người làm Then chủ yếu là nam giới hoặc có thể
là nữ giới và họ đều có khả năng đánh đàn tính rất thuần thục. Nhiệm vụ của họ là
thực hành các nghi lễ thờ cúng chuyển tải những thông điệp của trần gian tới thần
linh thông qua việc đàn và hát. Theo Nông Văn Hoàn trong bài “Bước đầu nghiên
cứu về Then Việt Bắc” in trong Mấy vấn đề về Then Việt Bắc [84, 7 - 41] thì những
người làm Then có thể chia làm ba loại như sau:
Loại thứ nhất: Loại Then nối dõi, tức là dòng dõi đã có người làm Then, nay
người đó đã qua đời nên phải có người nối dõi, nếu không thế người trong gia đình
hay gặp họa nạn, bệnh tật. Trong nhà, ngoài bàn thờ tổ tiên đặt ở gian giữa, còn có
bàn thờ Then đặt ở gian bên cạnh. Bàn thờ của Then gọi là “bàn giả giàng”, của bụt
gọi là “bàn ham”. Trước hết người nối dõi phải học làm Then với một ông sư phụ,
hoặc một bà sư mẫu nào đó. Đến khi có thể làm được thì chuẩn bị làm một đại lễ
cấp sắc để được hành nghề.



Loại thứ hai: Loại tin ở “lục mệnh”, tin ở con “ma then” (phi ham) bắt phải
làm Then, tiếng Tày gọi là “vửt théc”. “Vửt théc” không phải do dòng dõi làm
Then, mà là do một hoàn cảnh đặc biệt họ phải làm. Hoàn cảnh đó là trong một
trường hợp nào đó không bình thường, học cười hát suốt ngày. Có người nhảy
xuống sông, xuống suối ngâm nước, hoặc chạy vào rừng trèo lên cây cao, vách núi
đá mà người bình thường khó làm được. Có khi họ bỏ nhà đi vài ba ngày rồi chạy
đến tìm “sláy” quỳ lạy trước bàn thờ Then của ông hay bà Then nào đó để xin làm
Then và khấn chuẩn bị lễ vật làm đại lễ cấp sắc. Loại này không nhiều lắm, song
người ta cho rằng, những người “mệnh nhẹ” (mỉnh mẩư) mới bị như vậy. Khi trong
gia đình có người như thế xuất hiện thì cũng phải cố chạy vạy chuẩn bị lễ vật làm lễ
cấp sắc để làm Then.
Loại thứ ba: Loại mà tiếng Tày gọi là “vửt đíp”, “Then đíp” (tức Then sống),
là những người yêu thích hát Then. Họ thường hay đi theo Then, giúp Then trong
các đám làm then. Họ biết làm Then như những người làm Then chuyên nghiệp,
nhưng họ không mê tín, không thờ ma Then và cũng không ai mời họ đi làm Then
bao giờ. Trong các buổi làm Then họ có thể thay ông hay bà Then làm từng đoạn,
từng việc. Thực ra loại “Then đíp” cũng không nhiều.
- Về hệ thống nghi lễ: Trong văn hóa tín ngưỡng của người Tày có nhiều
nghi lễ khác nhau như: Then cầu an giải hạn, thường diễn ra vào dịp đầu năm;
Then nàng hai, thường diễn ra vào dịp Trung thu; Then cúng mụ, diễn ra vào dịp
cúng mụ khi đầy tháng sinh con; v.v… Theo cách chia hệ thống nghi lễ của Nông
Văn Hoàn [84, 7 - 41] gồm có 7 loại: 1/Then cầu mong, cầu mong được yên lành,
hạnh phúc, được sống lâu...; 2/Then chữa bệnh, nhà có người ốm đau thì mời Then
về cúng lễ; 3/Then bói toán, bói xem người ốm do ma gì quấy, do hồn vía bị thất
lạc nơi đâu để cúng cho đúng; 4/Then tống tiễn, nhà có người chết sau khi chôn
cất xong, chọn được ngày lành thì đón Then về làm lễ tiễn hồn người chết đi khỏi
nhà để không quấy rầy những người đang sống; 5/Then cầu mùa, cầu đảo, diệt
trùng, cầu cúng để mùa màng được tươi tốt; 6/Then vui mừng, chúc tụng ca ngợi,

chúc tụng những người thăng cấp có địa vị trong xã hội, hoặc làm được nếp nhà
mới, có đám cưới, sinh con đầu lòng...; 7/Then trung lễ, đại lễ cấp sắc, những
người làm Then thường 3 năm hoặc 5 năm phải làm lễ cấp sắc một lần.


Theo cách chia hệ thống nghi lễ qua hình thức diễn xướng của Nguyễn Thị
Yên trong cuốn Then Tày [138, 86 - 87] thì có bốn hình thức là: 1/Diễn xướng
Then chúc tụng, thường tổ chức trong các dịp vui mừng như đám cưới, vào nhà
mới; 2/Diễn xướng Then bói, là công việc thường xuyên của thầy Then; 3/Diễn
xướng Then đi hành nghề, thường được tiến hành khi có yêu cầu của gia chủ;
4/Diễn xướng hội Then (lẩu Then), là các đại lễ của Then, chủ yếu thực hiện ở nhà
thầy Then với các mục đích liên quan nghề nghiệp của nhà thầy Then.
Tuy nhiên, khi khảo sát ở các văn bản Then viết bằng chữ Nôm Tày, Trịnh
Khắc Mạnh trong bài viết “Giới thiệu các văn bản Then Nôm Tày lưu trữ tại Viện
Nghiên cứu Hán Nôm”[82, 3] đã chia hệ thống nghi lễ làm 3 loại chủ yếu là:
1/Then chúc tụng được sử dụng trong các nghi lễ: đầu năm mới, làm nhà mới, khi
làm ăn phát đạt...; 2/Then cầu an, giải hạn: cúng cầu an, cúng giải hạn để cầu mong
an lành và tránh khỏi tai họa; 3/Then lễ hội được sử dụng trong các nghi lễ: cầu
mùa, lễ cấp sắc...
1.1.2.3. Sơ lược về lễ cấp sắc
- Mục đích tổ chức lễ cấp sắc: Đây là nghi lễ công nhận người học nghề làm
Then chính thức được là Then, đủ tư cách làm nghề. Việc tổ chức lễ cấp sắc này
được coi là “chính thống”, bởi vì có được sự đồng ý của Ngọc Hoàng, có được sự
chứng kiến của các đấng thần linh, các Then và đông đảo mọi người gần xa tới dự
lễ. Trong buổi lễ, Then mới sẽ được thày Tào (thày cha) thay mặt Ngọc Hoàng cấp
cho một bản sắc văn cùng các trang bị thiết yếu như trang phục mũ, áo, ấn bản
mệnh, đạo hiệu, lượng âm binh, xích lình,... để Then hành việc cứu nhân độ thế nơi
trần gian. Nếu người nào làm Then mà chưa qua lễ cấp sắc, cho dù cá nhân họ có
giỏi đến đâu đi chăng nữa thì cũng không được cộng đồng cư dân thừa nhận mà
trọng dụng. Do đó, mục đích của lễ cấp sắc vừa là thủ tục bắt buộc đối với người

làm nghề Then vừa là để cộng đồng cư dân thừa nhận là Then. Vì vậy sau khi học
nghề xong và có đủ điều kiện thì người đệ tử sẽ tiến hành làm lễ cấp sắc.
- Về không gian thực hiện nghi lễ cấp sắc: Lễ cấp sắc thực hiện tại nhà người
được cấp sắc làm nghề Then. Không gian này được thực hiện trọng tâm nhất là
trong ngôi nhà sàn, được bài trí thể hiện theo quan niệm của Then về thế giới tâm


linh thông qua nghệ thuật trang trí và nghệ thuật sắp đặt, cùng với các thành tố nghệ
thuật khác làm nên nét riêng đặc sắc của nghi lễ Then.
Nơi diễn ra nghi lễ trong nhà được chia thành 2 khu vực: Khu vực hành lễ và
khu vực ngoài. Khu vực hành lễ là phía trước bàn thờ Tổ tiên và bàn thờ Then. Đây
là khu vực trung tâm của cuộc lễ, là vùng “cấm địa” chỉ có các Then và những
người ăn chay được phép qua lại; khu vực ngoài là nơi dựng cây cầu hào quang, là
phần sân khấu của cuộc lễ, ai cũng có thể vào được, dân làng đến xem sẽ ngồi
quanh khu vực này.
- Về thời gian và nội dung thực hiện nghi lễ: Thời gian tiến hành một nghi lễ
cấp sắc phụ thuộc vào kinh tế của gia chủ, thông thường sẽ được diễn ra vào bốn
ngày ba đêm. Theo Nguyễn Thị Yên [138, 101 - 140] thời gian và nội dung thực
hiện một nghi lễ cấp sắc có trình tự như sau:
Ngày, đêm thứ nhất: Các hoạt động và thủ tục ban đầu như lập đàn cúng, giải
uế, trình báo Thổ công và tổ tiên, mời các tướng, xin binh mã, v.v...
Ngày, đêm thứ hai: Khao binh mã, lên đường vào cửa các tướng nộp lễ, lại
tiếp tục lên đường tới đồng ve sầu thì nghỉ ngơi.
Ngày, đêm thứ ba: Tiếp tục lên đường, tiếp tục vào các cửa nộp lễ vệt, đến cửa
Ngọc Hoàng nộp lễ vật xin được cấp sắc và được cấp sắc, trở về trần gian.
Ngày thứ tư: Mời tổ tiên và chư tướng hưởng cỗ khao và khoản đãi mọi người
tham gia buổi lễ.
Nhìn chung, trong suốt quá trình của một đại lễ cấp sắc, thời gian, không gian
sẽ được diễn ra theo một trình tự có bài bản. Sự liên kết giữa các nội dung rất chặt
chẽ, khi thỉnh mời xong thì mới được vào lễ; khi quân Then lên đường thì phải qua

các cửa thánh, cửa tướng dưới sự điều hành chỉ dẫn của Then thầy; khi xong việc
thì tiễn tướng, khách về trời và quân âm binh về nhà thầy Then; không có công
đoạn này thì không có công đoạn kia. Các nội dung diễn ra rất phong phú, nên rất
cuốn hút người xem. Có thể nói, bối cảnh sinh hoạt của Then cấp sắc không chỉ tạo
nên một không gian tâm linh huyền bí mà còn thể hiện được nét uy nghi, sang
trọng, cũng như niềm hân hoan của gia chủ và mọi người.


1.2. Tổng quan các công trình nghiên cứu liên quan đến đề tài
Trong kho tàng văn hóa của người Tày, Then nói chung, Then cấp sắc nói
riêng thuộc loại dân ca nghi lễ gắn với tín ngưỡng, nên đã sớm thu hút được sự quan
tâm của nhiều nhà nghiên cứu khai thác từ nhiều góc độ, như: văn hóa, tôn giáo, dân
tộc học, v.v... Có thể nói, những thành tựu nghiên cứu này đã mở ra cách nhìn nhận
sâu sắc hơn về Then và Then cấp sắc. Để có cái nhìn tổng quan về những công trình
nghiên cứu này, chúng tôi xin chia làm các lĩnh vực nghiên cứu cơ bản như sau:
1.2.1. Các công trình nghiên cứu từ góc độ văn hóa tín ngưỡng
1.2.1.1. Các công trình nghiên cứu từ góc độ văn hóa tín ngưỡng về Then
Ngay từ nửa đầu thế kỷ XX, học giả Việt Nam đầu tiên là Nguyễn Văn Huyên
đã có sự nhận diện và cách tiếp cận trong việc tìm hiểu tôn giáo tín ngưỡng của
người Tày. Năm 1939, Nguyễn Văn Huyên có hai bài thuyết trình liên quan đến tín
ngưỡng của người Tày đăng trên tạp chí của Pháp: Bài thứ nhất “Về điện thờ Lão
Tử ở người Tày” [65, 767] viết về nỗi kinh sợ rừng núi trong văn học dân gian Việt
nam (ma quỷ, cách yểm bùa); danh sách các thần linh ở Cao Bằng; bảy mươi pháp
thuật được sử dụng ở vùng thượng du Bắc Kỳ; miêu tả một số đền thờ Lão giáo của
người Tày. Bài viết đã được giới học giả Pháp lúc bấy giờ đánh giá cao, trong đó có
câu: “Không chỉ là lượng thông tin phong phú và cái nhìn chắc chắn, là lợi ích của
những vấn đề đưa ra lý giải, tính trong sáng của cách trình bày, mà còn là tính vô tư
khoa học mà trước đó người ta không chờ đợi ở một người Việt Nam nghiên cứu
đời sống tôn giáo của người Tày” [65, 769]. Bài thứ hai “Một dạng ma thuật ở miền
thượng du Bắc kỳ: Những cách chữa bệnh bằng phép lạ” [65, 770]. Trong bài này,

Nguyễn Văn Huyên đã trình bày một cách sinh động từ đầu đến cuối về phương
thuật của thầy Phù thủy trong các nghi lễ chữa bệnh cho người lớn và trẻ con.
- Dương Kim Bội (1974), có bài “Cái cấu cầu bjoóc - những vần thơ đẹp của
dân tộc Tày” in trong cuốn Bước đầu tìm hiểu vốn văn nghệ Việt Bắc (Sở VHTT.
Việt Bắc), tập trung khai thác giá trị nghệ thuật trong các lời ca của Then cầu hoa
(cầu tự).
- Nông Minh Châu (1974), có bài “Khảm hải - một tác phẩm văn học cổ của
dân tộc Tày” in trong Bước đầu tìm hiểu vốn văn nghệ Việt Bắc (Sở VHTT. Việt


Bắc), phân tích giá trị hiện thực của cuộc sống phu phen chèo thuyền vượt biển đầy
dẫy sự khắc nghiệt.
- Nông Quốc Thắng (1977), có bài “Quá trình chuyển hóa của Then và yếu tố
hiện thực trong Then” in trong Tạp chí Văn học, tập trung phân tích vị trí của Then
trong đời sống văn hóa tín ngưỡng của người Tày; giá trị phản ánh hiện thực trong
đời sống người dân trong xã hội có giai cấp của lời hát Then, quá trình chuyển hóa
của Then sang phục vụ đời sống sinh hoạt văn nghệ của người dân.
- Hà Văn Thư, Lã Văn Lô (1984), Văn hóa Tày Nùng (Nxb. Văn hóa), dành
một số trang giới thiệu về những người làm nghề cúng bái, trong đó có Then.
Qua đây các tác giả đã nêu được khá rõ những đặc điểm cơ bản của Then như sự
ảnh hưởng Đạo giáo; mối quan hệ với Tào, Mo, Pụt; đặc điểm làm nghề. Để
nhấn mạnh tính dân tộc của Then, các tác giả cho rằng: “Làm Then (tức là cúng
Then) vừa là một hình thức cúng bái, vừa là một hình thức văn nghệ để cho mọi
người đến thưởng thức” [70, 30]. Có thể nói tuy chưa thật đầy đủ nhưng bước
đầu các tác giả đã giới thiệu được một cách khái quát về nghề làm Then và bản
chất tín ngưỡng của Then mà các công trình trước đây chưa đề cập đến hoặc
chưa đề cập một cách đầy đủ.
- Hoàng Quyết (1995), Phong tục tập quán dân tộc Tày ở Việt Bắc (Nxb. Văn
hóa Dân tộc), tập trung nghiên cứu sâu về đời sống văn hoá tinh thần của dân tộc
Tày ở khu Việt Bắc, với những phong tục tập quán về ăn mặc, tín ngưỡng thờ cúng

tổ tiên, tang ma, cưới hỏi… từ xa xưa của người Tày, song công trình cũng chỉ đề
cập đến vấn đề một cách chung chung của vùng Việt Bắc.
- Hoàng Quyết, Triều Ân, Hoàng Đức Toàn (1996), Từ điển văn hóa cổ truyền
dân tộc Tày (Nxb. Văn hóa Dân tộc), là công trình nghiên cứu về văn hóa cổ truyền
của dân tộc Tày, bố cục được chia làm 3 phần. Phần 1: Phong tục, tập quán, sinh
hoạt, lễ hội. Phần 2: Chùa chiền, đền miếu. Phần 3: Văn hóa, nghệ thuật, sự tích.
- Đỗ Hồng Kỳ (1997), có bài “Những biểu hiện của tôn giáo, tín ngưỡng trong
truyện thơ Nôm Tày, Nùng” in trong Tạp chí Văn hoá dân gian, đã dành một phần
để phân tích truyện thơ Khảm hải dưới hình thức lưu truyền bằng phương pháp hát
trong các nghi lễ tôn giáo. Đây là bài viết đầu tiên đã đặt Khảm hải vào trong một
nghi lễ Then cụ thể để phân tích.


×