Truyện Kiều: 5 kỷ lục thế giới và 7 kỷ lục Việt Nam
Hơn 200 năm trước, khi cụ Tố Như hoàn thành Truyện Kiều với 3.254 câu thơ chắc
chắn cụ đã rất tâm đắc với tác phẩm này. Thế nhưng, có lẽ cụ không bao giờ nghĩ rằng
đám hậu bối lại bày ra "đủ thứ chuyện" chung quanh tác phẩm của cụ. Nào là tập Kiều,
bói Kiều, lẩy Kiều, bình Kiều, vịnh Kiều, đố Kiều, viết tiếp Truyện Kiều, Truyện Kiều
đọc ngược, giai thoại Truyện Kiều... và cả Những kỷ lục của Truyện Kiều do Phạm Đan
Quế nêu ra.
Nếu trong phần kỷ lục thế giới 1 (xem số báo trước) Phạm Đan Quế đã chứng minh
một cách rõ nét sức thu hút mạnh mẽ của Truyện Kiều đối với các văn nhân thi sĩ qua
bao thế kỷ bằng hiện tượng tập Kiều, thì những kỷ lục được giới thiệu trong phần cuối
này sẽ một lần nữa cho thấy những giá trị và ảnh hưởng của tác phẩm Truyện Kiều đối
với nền văn học và văn hóa Việt Nam.
Kỷ lục thế giới
Kỷ lục thế giới 2: Tác phẩm có nhiều bản dịch (10 bản) ra cùng một ngoại ngữ (tiếng
Pháp) với nhiều thể loại khác nhau.
Trên thế giới, hiếm có trường hợp một tác phẩm được nhiều người dịch ra cùng một
thứ tiếng như Truyện Kiều với 10 bản dịch tiếng Pháp khác nhau, gồm các thể loại văn
xuôi, thơ - thơ tự do hoặc thơ 12 chữ (En alexandrins): 1) Bản Abel des Michels (2 tập-
Paris 1884-1885, Ernest Leroux). 2) Bản Thu Giang (Paris 1915, Challamel): Bản này
hiện Phạm Đan Quế chưa tìm được, chỉ căn cứ theo phần "Danh mục" trong cuốn Tập
Văn họa kỷ niệm Nguyễn Du (Hội Quảng Trị - Huế, 1942) do Đào Duy Anh chủ
trương. 3) Bản René Crayssac (Kim Vân Kiều - bài thơ An Nam nổi tiếng của Nguyễn
Du do René Crayssac dịch sang thơ Pháp - NXB Lê Văn Tân 1926) dịch hơn 100 trang
thơ Kiều thành 384 trang thơ tiếng Pháp 12 chữ. 4) Bản L.Masse ("Kim, Ven, Kièou"
do L.Masse dịch từ tiếng An Nam, NXB Bossard, 140 Paris, 1926). Đây chỉ là bản lược
dịch thành văn xuôi (không theo sát nguyên văn) với 140 trang sách. 5) Bản M.R: Kim
Vân Kiều, bản dịch sang tiếng Pháp mới, 2 NXB Hà Nội - NXB Alexandre de Rhodes
1944: Không rõ lần xuất bản thứ nhất vào năm nào, bìa sách in lần hai không ghi tên
người dịch mà chỉ ghi cuối phần lời nói đầu: M.R. Trong "Danh mục" sách của Tập
Văn họa kỷ niệm Nguyễn Du (1942) không đề cập đến bản dịch này. 6) Bản Nguyễn
Văn Vĩnh: Kim Vân Kiều - do Nguyễn Văn Vĩnh dịch sang tiếng Pháp, NXB
Alexandre de Rhodes ấn hành các năm 1942 (tập I), 1943 (tập II): Đây là bản dịch được
đầu tư công sức và thời gian nhiều nhất (gần 30 năm, từ 1908 đến 1936 - với 3 lần
dịch). Bảy năm sau khi Nguyễn Văn Vĩnh mất, bản dịch cuối cùng của ông mới được
xuất bản, được đánh giá là bản dịch văn xuôi tỉ mỉ và tinh tế nhất. Bởi giá trị như thế
nên bản dịch này còn được tái bản 4 lần nữa (Vĩnh Bảo 1951, Khai Trí 1970, NXB Văn
học 1994 và NXB Văn nghệ TP.HCM 2002). 7) Bản Nguyễn Khắc Viện: Nguyễn Du -
Kiều, NXB Văn học 1970, NXB Ngoại văn Hà Nội tái bản 1974... Từ năm 1979 sách
được in lại nhiều lần bằng song ngữ Việt-Pháp (thể thơ tự do). 8) Bản Xuân Phúc -
Xuân Việt: Kim Vân Kiêu, Xuân Phúc và Xuân Việt dịch từ tiếng Việt sang tiếng Pháp
gồm 192 trang do Gallimart xuất bản trong tủ sách Connaissances de l"Orient, Paris
1961. Đây là bản dịch theo thể văn xuôi. 9) Bản Lê Cao Phan: Truyện Kiều - Histoire
de Kiều, dịch từ tiếng Việt sang thể thơ 12 chữ với phần chú và bình của Lê Cao Phan.
NXB Khoa học xã hội Hà Nội 1994. Ưu điểm lớn của bản dịch này là dịch giả đã bỏ ra
nhiều công sức để dịch mỗi câu thơ tiếng Việt ra một câu thơ tiếng Pháp (đồng thời ông
còn thực hiện một bản dịch Truyện Kiều sang tiếng Anh). 10) Bản Lưu Hòa: (thơ tự do)
- NXB Hà Nội 1999. Bản này dùng văn bản Truyện Kiều và chú thích của bản Bùi Kỷ -
Trần Trọng Kim (NXB Tân Việt).
Kỷ lục thế giới 3: Tác phẩm có 7 cuốn "hậu"
Ở đây là "hậu Truyện Kiều". Xin lược sơ: Đào Hoa Mộng Ký (1) của tác giả Mộng
Liên Đình, với khoảng 3.000 câu thơ lục bát và Đào Hoa Mộng Ký diễn ca (2) chưa rõ
bản gốc, ông Phạm văn Phương dịch ra quốc ngữ (Nhà Mạc Đình Tư xuất bản năm
1917) gồm 1.910 câu thơ lục bát. Đây là 2 cuốn hậu Truyện Kiều được viết vào thế kỷ
thứ 19, tuy cùng một câu chuyện về giấc mộng hoa đào nhưng nội dung lại khác. 3)
Kiều Tân thời (Hài văn) gồm 304 câu lục bát của Bạch Diện (Nhà in Trung Bắc, Hà
Nội 1935) mang tính châm biếm hài hước, đả phá các thói xấu của xã hội ở thập kỷ ba
mươi của thế kỷ trước. 4) Kiều-Bình dân học vụ (2.050 câu lục bát, tác giả Nguyễn Văn
Trinh, Sở Giáo dục Hà Nội 1985) nhằm phục vụ cho phong trào xóa nạn mù chữ. 5)
Đoạn Trường Vô Thanh gồm 3.296 câu lục bát (Truyện Kiều dài 3.254 câu) của Phạm
Thiên Thư là cuốn hậu Truyện Kiều đúng nghĩa và thành công hơn cả, tác phẩm này đã
được trao giải nhất văn chương tại miền Nam năm 1973. 6) Đoạn Trường Nhất Thanh
với 1.028 câu lục bát của Trần Thanh Vân (NXB Kiên Giang): Từ Hải xây dựng triều
đình riêng, Kiều là hoàng hậu. Kim Trọng thi đỗ Trạng võ, được triều đình nhà Minh
cử đi đánh dẹp Từ Hải... 7) Truyện Kiều đọc ngược gồm toàn bộ 3.254 câu Kiều xếp
dần ngược lại do Phạm Đan Quế thực hiện (NXB Thanh Niên 2002).
Kỷ lục thế giới thứ 4: Cuốn sách duy nhất trên thế giới có thể đọc ngược từ cuối đến
đầu để câu chuyện về nàng Kiều diễn ra theo chiều thời gian ngược lại, như đang xem
một cuốn phim tua ngược chiều (đúng với nội dung trong tác phẩm của Nguyễn Du).
Kỷ lục thế giới 5: Tác phẩm tạo ra quanh nó một loạt những nhiều loại hình văn hóa
nhất: bình Kiều, vịnh Kiều, bói Kiều, tập Kiều, đố Kiều, câu đối Kiều, hát nói tập Kiều,
phú-văn tế Kiều, án Kim Vân Kiều, những cuốn hậu Truyện Kiều, giai thoại về Truyện
Kiều… Kiều trên điện ảnh, sân khấu, trong âm nhạc, hội họa…
Và kỷ lục Việt Nam:
1) Truyện Kiều là một tác phẩm văn học đã đưa nhà thơ Nguyễn Du lên hàng danh
nhân văn hóa thế giới (do Unesco công nhận).
2) Là cuốn sách duy nhất không viết ra để... bói nhưng người dân vẫn thường xuyên
dùng để bói.
3) Cuốn sách có hiện tượng vịnh Kiều với hàng ngàn bài thơ vịnh Kiều đã từng được
đăng báo hoặc in sách. Từ các vị vua say mê Truyện Kiều như Minh Mạng, Tự Đức
đến các nhà Nho như Phạm Quý Thích, Hà Tôn Quyền, Nguyễn Công Trứ, Tôn Thọ
Tường, Phan Văn Trị, Tản Đà...
4) Bộ phim đầu tiên của Việt Nam ra đời năm 1924 tại Hà Nội với cốt truyện và tựa đề
Kim Vân Kiều (phim câm).
5) Thi phẩm có sách viết về nó nhiều nhất Việt Nam với hàng trăm cuốn.
6) Cuốn sách tạo ra nhiều giai thoại nhất Việt Nam vượt qua con số hàng trăm. Chỉ
trong cuốn Kho tàng giai thoại Việt Nam của Vũ Ngọc Khánh (NXB Văn Hóa 1994),
đã có tới 53 giai thoại về Truyện Kiều và trong cuốn Đố vui tìm hiểu Truyện Kiều của
Nguyễn Thiện Văn (NXB Thanh Niên 2000) đã có 101 câu đố (và đáp án).
7) Cuốn sách nặng nhất Việt Nam (tính đến thời điểm hiện nay) có lẽ là Truyện Kiều
độc bản do nhà thư pháp Nguyệt Đình viết chữ quốc ngữ trên 300 trang giấy cossin 120
khổ 1m x 1,6m. Sách nặng 50 kg. Cuốn sách này hiện đặt tại Khu di tích Nguyễn Du
(xã Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh).