Tải bản đầy đủ (.pdf) (5 trang)

Các quyền xã hội trong mô hình phát triển xã hội hiện đại

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (160.51 KB, 5 trang )

Bài tham luận tại cuộc Hội thảo "Phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội ở
một số nước Đông Á : Đặc điểm và kinh nghiệm" tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc
(Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), Hà Nội, ngày 15-10-2009.

Các quyền xã hội trong mô hình
phát triển xã hội hiện đại
Trần Hữu Quang

Một trong những thành tựu lớn lao nhất về mặt xã hội của thế kỷ XX là
xác lập các quyền xã hội như là một trong những loại quyền căn bản của con
người. Một quốc gia ngày nay không thể được xem là văn minh nếu không hình
thành được một hệ thống chính sách xã hội hay một hệ thống phúc lợi xã hội dựa
trên nguyên tắc công bằng và tiến bộ.
Đứng trên bình diện xã hội học, chúng ta có thể phân biệt ba loại quyền
khác nhau : các quyền dân sự, các quyền chính trị, và các quyền xã hội. Khi nói
tới quyền công dân, nhà xã hội học người Anh Thomas H. Marshall (1949) quan
niệm rằng quyền công dân bao gồm ba thành tố : quyền công dân về mặt dân sự,
về mặt chính trị, và về mặt xã hội. Qua một bài viết nổi tiếng vào năm 1949
mang tên là "Citizenship and Social Class", ông có thể được coi là tác giả đầu
tiên gắn khái niệm phúc lợi (welfare) với khái niệm quyền công dân hay tư cách
công dân (citizenship), và cho rằng quyền được hưởng phúc lợi (welfare rights)
là nhóm quyền thứ ba mà các thành viên của xã hội đã giành được trong thế kỷ
XX, sau nhóm các quyền dân sự và nhóm các quyền chính trị. Theo Marshall,
nhà nước phúc lợi (welfare state) chính là kết quả của cả một quá trình lịch sử
đấu tranh cho các quyền công dân (citizenship rights) trong suốt hơn 200 năm
qua, mở rộng từ lĩnh vực dân sự, sang lĩnh vực chính trị, rồi tới lĩnh vực xã hội
[dẫn lại theo Robert Brym, 1998, tr. 470-471].
Vào thế kỷ XVIII, cuộc đấu tranh cho các quyền công dân dân sự (civil
citizenship) – bao gồm quyền tự do ngôn luận, quyền tự do tôn giáo, và quyền
bình đẳng trước pháp luật – đã giành được thắng lợi ở Anh. Vào thế kỷ XIX, đó
là cuộc đấu tranh giành quyền công dân chính trị (political citizenship), bao gồm


quyền ứng cử và bầu cử. Trong thế kỷ XX, đó là cuộc đấu tranh giành quyền
công dân xã hội (social citizenship) – đây là quyền được hưởng một mức độ an
sinh nhất định về mặt kinh tế và quyền được tham gia đầy đủ vào đời sống xã hội
của đất nước [dẫn lại theo Robert Brym, 1998, tr. 470-471, và theo George
-1-


Fallis, 2005].
Quan niệm của Thomas Marshall đã đặc biệt khẳng định rằng việc được
hưởng các khoản phúc lợi xã hội cần được quan niệm như một quyền mang tính
pháp lý, dựa trên nguyên tắc phổ quát (universality), chứ không phải dựa trên
quyền ấn định của những cơ quan có thẩm quyền (discretionary) [Gordon
Marshall, 1998, tr. 702].
Nhà nước phúc lợi, theo George Fallis (2005), là một nhà nước cam kết
trách nhiệm của mình với người dân ít nhất về ba lĩnh vực : (a) bảo đảm công ăn
việc làm cho mọi người (vì thị trường tự do tư nhân không thể bảo đảm được
điều này, nên nhà nước phải can thiệp để giải quyết tình trạng thất nghiệp,
khuyến khích tăng trưởng kinh tế và ổn định giá cả) ; (b) cung ứng một hệ thống
bảo hiểm công cộng nhằm bảo vệ người dân trước những hoàn cảnh bất trắc như
thất nghiệp, già cả và bệnh tật (nhà nước phải có chế độ bảo hiểm thất nghiệp,
chế độ hưu bổng, và chế độ bảo hiểm y tế) ; (c) nhà nước nhìn nhận rằng quyền
công dân trong một chế độ dân chủ không chỉ bao gồm các quyền dân sự và
quyền chính trị, mà cả những quyền xã hội [George Fallis, 2005, tr. 2].
Khái niệm "các quyền xã hội" (social rights, droits sociaux) thường
được hiểu là bao gồm quyền lao động, quyền được hưởng những dịch vụ an
sinh xã hội cơ bản như giáo dục, y tế, quyền có nhà ở…
Theo Nicholas Abercrombie và một số tác giả (1988), "ý tưởng căn bản
của một nhà nước phúc lợi là : chính quyền có trách nhiệm đối với sự phúc lợi
[well-being] của các công dân của mình, và điều này không thể được giao phó
cho cá nhân, công ty tư nhân hay cộng đồng địa phương" [Nicholas

Abercrombie et al., 1988, tr. 269]. Nhà nước phúc lợi là nhà nước bảo đảm cho
người dân không bị nghèo đói, thông qua các khoản trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp
gia cảnh, phụ cấp thu nhập cho những người có lương thấp, có chế độ hưu bổng
và trợ cấp người già ; nhà nước phúc lợi cung ứng đầy đủ các dịch vụ y tế, giáo
dục miễn phí, và nhà ở. Những dịch vụ này được tài trợ bởi các hệ thống bảo
hiểm quốc gia và từ nguồn ngân sách nhà nước [Nicholas Abercrombie et al.,
1988, tr. 269-270].
Còn theo Masayuki Fujimura (2000), một hệ thống nhà nước phúc lợi bao
gồm năm thành tố cơ bản sau đây : (1) một hệ thống an sinh xã hội, (2) chính
quyền trung ương và chính quyền địa phương là người quản lý chủ chốt của hệ
thống này, (3) việc nhìn nhận về mặt xã hội và việc pháp điển hóa các quyền nền
tảng của con người, (4) sự can thiệp chính đáng của nhà nước vào lĩnh vực kinh
tế để tạo ra đủ công ăn việc làm, và (5) việc thực hiện dân chủ rộng rãi dựa trên
cơ sở quốc hội ra quyết định trong lĩnh vực chính trị [Masayuki Fujimura, 2000,
tr. 3].
-2-


Philippe Bénéton cho rằng nhà nước phúc lợi (État providence) là nhà
nước có những hệ thống bảo hộ xã hội (protection sociale) rộng rãi và những
chính sách giảm thiểu những sự bất bình đẳng kinh tế và xã hội. Nhà nước phúc
lợi là nhà nước làm thay thị trường phần nào đó và/hoặc sửa chữa những hậu quả
của thị trường, nhân danh sự an sinh hoặc sự bình đẳng. Theo Bénéton, người ta
có thể phân biệt hai dạng nhà nước phúc lợi kế tiếp nhau tại phần lớn các nước
Tây phương : "nhà nước bảo hộ" (État protecteur), và "nhà nước tái phân phối"
(État redistributif). Nhà nước bảo hộ (bắt đầu phát triển từ thập niên 1930) là nhà
nước mang mục tiêu chủ yếu là hạn chế những cái giá phải trả về mặt xã hội do
thị trường gây ra, và bảo đảm một số điều kiện an sinh trước những bất trắc kinh
tế lớn (thất nghiệp, bệnh tật, già cả, v.v.). Nhà nước tái phân phối (phát triển
trong những thập niên 1960 và 1970) là nhà nước tìm cách thiết lập một sự bình

đẳng nào đó, bằng cách cố gắng làm giảm những sự bất bình đẳng về mặt kinh tế
và xã hội [Raymond Boudon et al., 1999, tr. 90].
Người ta thường xem sự phát triển của các quyền xã hội như là bản chất
của chính sách xã hội. Kế thừa và khai triển các tư tưởng của Karl Polanyi
(1944), Gøsta Esping-Andersen (1990) cho rằng cần xem xét các quyền xã hội
dưới góc độ khả năng "phi hàng hóa hóa" các quyền xã hội, tức là "phi hàng hóa
hóa" các dịch vụ phúc lợi xã hội. "Tiêu chuẩn nổi bật của các quyền xã hội phải
là mức độ mà theo đó chúng cho phép con người có thể xác lập được mức sống
của mình mà không phụ thuộc vào các lực lượng của thị trường. Chính là theo ý
nghĩa này mà các quyền xã hội có thể làm giảm bớt tư cách 'hàng hóa' của các
công dân" [Gøsta Esping-Andersen, 2001, tr. 3].
Esping-Andersen gọi sự "phi hàng hóa hóa" (de-commodification) là tình
trạng trong đó sở dĩ người ta được hưởng các dịch vụ phúc lợi là do người ta có
quyền được hưởng, và người ta có thể duy trì cuộc sống của mình mà không cần
dựa trên thị trường [Gøsta Esping-Andersen, 2001, tr. 21-22]. Ông nói rõ rằng
cho dù có những chính sách trợ giúp xã hội hay bảo hiểm xã hội thì điều này
không nhất thiết dẫn đến một tình hình "phi hàng hóa hóa" thực thụ nếu chúng
không thực sự giải phóng các cá nhân ra khỏi sự phụ thuộc vào thị trường. Khi
người công nhân bị lệ thuộc hoàn toàn vào thị trường, họ sẽ rất khó mà đoàn kết
với nhau và rất khó mà tập hợp lại được trong những phong trào hành động tập
thể. Chỉ khi nào các quyền xã hội của họ được "phi hàng hóa hóa" thì lúc ấy họ
mới thực sự có sức mạnh, và đồng thời, ngược lại, quyền lực tuyệt đối của giới
chủ lúc ấy mới yếu bớt đi [Gøsta Esping-Andersen, 2001, tr. 22].
Ý tưởng về vai trò của thị trường và của nhà nước trong việc bảo đảm
các quyền xã hội của con người cũng đã được nhiều tác giả đề cập. Theo nhà
xã hội học Việt Nam Bùi Đình Thanh, "bản thân kinh tế thị trường không tự
-3-


động đảm bảo cho công bằng xã hội. Phải có những điều tiết của xã hội thông

qua nhà nước để phân phối lại những kết quả hoạt động kinh tế theo hướng
bảo đảm công bằng xã hội (...). Không thể đồng ý với quan niệm cho rằng nếu
coi trọng công bằng xã hội thì khó lòng tập trung các nguồn lực bên trong và
bên ngoài để phát triển kinh tế. (...) Theo tư duy kinh tế mới, đầu tư cho các
lĩnh vực xã hội cũng là trực tiếp đầu tư cho kinh tế, nhất là xét theo triển vọng
dài hạn" [Bùi Đình Thanh, 2004, tr. 48].
Một hệ thống phúc lợi xã hội, lẽ tất nhiên, tự nó và một mình nó, không
thể giải quyết được vấn đề bất bình đẳng trong xã hội, bởi lẽ việc giải quyết
vấn đề này phụ thuộc vào cả một hệ thống các chính sách vĩ mô của nhà nước
như chính sách tài chính, chính sách đầu tư, chính sách thuế khóa, chính sách
lương bổng... Tuy vậy, hệ thống phúc lợi vẫn là một thành tố không thể thiếu
trong một hệ thống chính sách kinh tế-xã hội quốc gia nhằm giúp cho xã hội
có thể "tự bảo vệ mình trước những mối hiểm họa cố hữu của một hệ thống thị
trường tự điều tiết", nói theo ngôn từ của Polanyi [Karl Polanyi, 2001, tr. 7980].
Vì thế, việc xây dựng một hệ thống phúc lợi xã hội vững mạnh là điều cần
thiết và tất yếu của bất cứ xã hội nào thực sự muốn bảo vệ các công dân của
mình. Đặc trưng cốt lõi của hệ thống phúc lợi này chính là bảo vệ các quyền xã
hội của công dân, tức là quyền được đáp ứng những nhu cầu thiết yếu nhất để có
được một cuộc sống tử tế, xứng đáng với phẩm giá con người,
Sở dĩ hệ thống phúc lợi xã hội mang ý nghĩa lớn lao đối với người dân là
vì, trong các xã hội ngày nay, xu hướng áp đảo ở hầu như mọi quốc gia là xã hội
vận hành phụ thuộc vào thị trường, trong khi lẽ ra phải ngược lại. Theo lời Karl
Polanyi, "đáng lý nền kinh tế phải quyện chặt [embedded] vào các mối quan hệ
xã hội, thì các mối quan hệ xã hội lại phải quyện chặt vào hệ thống kinh tế" [Karl
Polanyi, 2001, tr. 60].
Hiểu theo nghĩa đó, có thể nói chính hệ thống phúc lợi xã hội là một định
chế quan trọng giúp cho người dân xác lập được tư thế con người cũng như tư thế
công dân của mình một cách đúng đắn trong một xã hội dân chủ và văn minh.
Hà Nội, ngày 12-10-2009
T.H.Q.


Tài liệu tham khảo :
1. ABERCROMBIE Nicholas, Stephen Hill và Bryan S. Turner, The Penguin
Dictionary of Sociology, 2nd edition, London, Penguin Books, 1988.

-4-


2. BOUDON Raymond, Philippe Besnard, Mohamed Cherkaoui, Bernard-Pierre
Lécuyer (Ed.), Dictionnaire de sociologie, Paris, Larousse, 1999.
3. BRYM Robert J., New Society. Sociology for the 21st Century, 2nd edition,
Toronto, Harcourt Brace, 1998.
4. Bùi Đình Thanh, Xã hội học và chính sách xã hội, Hà Nội, Nxb Khoa học xã
hội, 2004.
5. ESPING-ANDERSEN Gøsta, The Three Worlds of Welfare Capitalism,
Cambridge, Polity Press, 1990.
6. FALLIS George, "Universities and Democracy", COU (Council of Ontario
Universities) Academic Colleagues' Working Papers, April 22, 2005.
7. FUJIMURA Masayuki, "The Welfare State, the Middle Class, and the Welfare
Society", Review of Population and Social Policy, No. 9, 2000, pp. 1-23.
8. MARSHALL Gordon (Ed.), A Dictionary of Sociology, Oxford, New York,
Oxford University Press, 1998.
9. POLANYI Karl, The Great Transformation (1944), Boston, Beacon Press, 2001.
10. Trần Hữu Quang, "Phúc lợi xã hội trên thế giới : Quan niệm và phân loại",
Tạp chí Khoa học xã hội, số 04 (128), 2009, trang 12-31.

-5-




×