Tải bản đầy đủ (.doc) (6 trang)

Bao cao NN thich ung thong minh voi BDKH (tuong)

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (88.91 KB, 6 trang )

BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

CỤC TRỒNG TRỌT

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
________________________________

_________________________

Số: 430 /BC-TT-QLCL

Hà Nội, ngày 28 tháng 02 năm 2013

BÁO CÁO
Nông nghiệp thích ứng thông minh với biến đổi khí hậu
Kính gửi: Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường
Thực hiện Công văn số 891/BNN-KHCN ngày 30/01/2013 của Bộ Nông
nghiệp và PTNT về việc chuẩn bị báo cáo với chủ đề “Nông nghiệp thích ứng thông
minh với biến đổi khí hậu”, Cục Trồng trọt báo cáo như sau:
I. Sơ bộ tác động của biến đổi khí hậu đến ngành trồng trọt
Theo báo cáo lần thứ 4 về biến đổi khí hậu (BĐKH) của Uỷ ban liên chính
phủ về BĐKH (IPCC, 2007), Việt Nam là một trong năm nước chịu ảnh hưởng nặng
nề nhất của BĐKH. BĐKH sẽ có tác động tiêu cực đến nhiều mặt đến môi trường
sống của con người và sinh vật. Trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn,
ngoài thuỷ lợi, thuỷ sản thì trồng trọt được nhận định là ngành chịu ảnh hưởng nặng
nề nhất.
1. Nguy cơ mất đất sản xuất và mất an ninh lương thực
- Mực nước biển dâng cao làm giảm diện tích đất sản xuất nông nghiệp, nhất


là diện tích đất trồng lúa, cây lương thực ngắn ngày tại ĐBSCL, ĐBSH và các tỉnh
duyên hải miền Trung. ĐBSCL chịu tác động của BĐKH nặng nhất so với cả nước
do bị ngập úng và xâm nhập mặn. Kết quả tính toán cho thấy sản lượng tiềm tàng
của vụ lúa Đông-Xuân có nguy cơ giảm khoảng 1,2 triệu tấn vào năm 2030 và 2,16
triệu tấn vào năm 2050. Sản lượng lúa Hè–Thu cũng giảm khoảng 743,8 nghìn tấn
vào năm 2030 và 1.475 nghìn tấn vào năm 2050 (Nguyễn Văn Viết, 2011); đến
năm 2100, vựa lúa ĐBSCL có nguy cơ mất đi 7,6 triệu tấn năm, tương đương với
40,52% tổng sản lượng lúa của cả vùng.
- Nước biển dâng cao cũng làm mặn xâm nhập sâu hơn vào nội địa. Theo dự
báo của Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, khả năng có đến 2,4 triệu ha đất bị
1


nước biển xâm nhập, nhiều diện tích chuyên trồng lúa 2 vụ/năm sẽ không thể sản
xuất được do nước mặn tràn vào nếu mực nước biển dâng cao 1m. Hiện nay, mức
độ nhiễm mặn trên 4‰ đã lấn sâu vào 30-40 km tại một số nơi ở ĐBSCL. Diện tích
bị mặn trên 4‰ hiện nay khoảng 1.303 nghìn ha, diện tích này sẽ tăng lên 1.493
nghìn ha ứng với kịch bản nước biển dâng 0,69 m và 1.637 nghìn ha với kịch bản
nước biển dâng 1m ở ĐBSCL. Còn ở ĐBSH, diện tích nhiễm mặn ít hơn nhưng
mức độ xâm lấn mặn đã cách cửa sông 25-40 km.
2. Áp lực của hạn hán và các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng tăng
- Vùng núi Tây Bắc và Đông Bắc phải đối mặt với nguy cơ gia tăng cường
độ hạn hán do biến đổi khắc nghiệt của thời tiết trong những năm tới; tại Bắc Trung
Bộ, các tháng 5 và 6 có thể trở thành các tháng khô nóng thường xuyên như ở Nam
Trung Bộ, mưa phùn trở nên hiếm hoi. Còn khu vực Tây Nguyên, tính bất ổn trong
chế độ mưa cũng tăng lên khiến vùng này đối mặt với nguy cơ hán hán bất thường.
Xu hướng này ngày càng rõ ràng khi các tỉnh duyên hải miền Trung và Tây Nguyên
đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sản xuất trong vụ Đông Xuân 20122013 và sắp tới là Hè Thu, vụ Mùa năm 2013.
- Miền Trung, nhiệt độ trong các thập kỷ tới được dự báo sẽ cao hơn, mùa
gió Tây khô nóng có xu thế đến sớm và kết thúc muộn hơn. Với khu vực Tây

Nguyên, mùa nóng ở các vùng núi vừa và thấp sẽ dài thêm, ngược lại mùa lạnh sẽ
thu hẹp lại. Ở miền Trung, lượng mưa phổ biến sẽ tăng lên tại các khu vực Nam
Trung Bộ nhưng sẽ phải gánh chịu mùa khô hạn khắc nghiệt từ tháng 12, tháng 1
cho đến tháng 8-9 hàng năm.
- BĐKH làm thay đổi điều kiện sống của các loài sinh vật, làm gia tăng một
số loài dịch hại mới và các đợt dịch bùng phát trên diện rộng. Trong khoảng 3 năm
trở lại đây, dịch rầy nâu và vàng lùn, lùn xoắn lá trên cây lúa đã làm giảm đáng kể
sản lượng lúa ở khu vực ĐBSCL. Năm 2010, tại ĐBSH đã xảy ra dịch sâu cuốn lá
nhỏ gây thiệt hại khoảng 400.000 ha lúa (năng suất lúa giảm từ 30-70%).
Như vậy, BĐKH đã và đang tác động mạnh mẽ đến ngành trồng trọt, rõ ràng
nhất là làm giảm diện tích đất canh tác, gây ra tình trạng hạn hán và sâu bệnh.
Trong khi đó áp lực dân số, kéo theo là nhu cầu về lương thực ngày càng gia tăng,
đòi hỏi cần phải có những giải pháp thích ứng thông minh với BĐKH. Để có được
những giải pháp “thông minh” này, cần phải có nghiên cứu để hiểu rõ những kỹ
thuật khác nhau, xác định được những giải pháp nào có triển vọng và phù hợp với
điều kiện cụ thể của các vùng sinh thái khác nhau. Báo cáo này đề xuất những giải
pháp có tính định hướng để tiếp tục thảo luận, nghiên cứu, đánh giá, hoàn thiện
2


thành những chính sách thích ứng thông minh với BĐKH trong sản xuất nông
nghiệp tại Việt Nam.
II. Đề xuất một số giải pháp thích ứng thông minh với BĐKH
1. Giải pháp dịch chuyển cơ cấu cây trồng
- Đối với sản xuất lúa:
+ Giảm tối đa trà giống dài ngày, tăng cường sản xuất các giống ngắn ngày,
năng suất cao, chất lượng cải tiến, đảm bảo phù hợp với những biến đổi bất thường
của thời tiết;
+ Chuyển một bộ phận đất trồng lúa bấp bênh, chịu áp lực về nước tưới sang
sang trồng cây hoa màu (ngô, lạc, đậu tương… ) để chủ động phòng chống với tình

trạng thiếu nước sản xuất, đồng thời vẫn đảm bảo an ninh lương thực, thu nhập và
đời sống cho nông dân.
- Đối với sản xuất ngô:
+ Vùng ĐBSH, Trung du miền núi phía Bắc và Bắc Trung: mở rộng diện tích
ngô vụ Đông trên đất 2 lúa, chuyển đổi diện tích đất trồng lúa Đông Xuân khó khăn
về nước tưới sang trồng ngô Xuân. Mở rộng diện tích ngô Xuân trên những chân
đất ruộng 01 vụ lúa; ngô Hè Thu trên đất nương rẫy trồng lúa nương, sắn và các
loại cây màu khác kém hiệu quả.
+ Đối với các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên: mở rộng diện
tích ngô Đông Xuân trên chân đất lúa Đông Xuân bị bỏ hoá do khó khăn về nước
tưới, đất nương rẫy trồng lúa nương, sắn và các loại cây màu khác kém hiệu quả.
+ Đối với các tỉnh Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long: mở rộng
diện tích ngô vụ Đông Xuân trên đất trồng sắn, cây công nghiệp ngắn ngày có hiệu
quả kinh tế thấp.
- Đối với sản xuất cà phê: chuyển đổi diện tích cà phê già cỗi trên 20 năm đã
trồng ở nơi có điều kiện sinh thái ít thích hợp, không nằm trong vùng quy hoạch đã
được phê duyệt cần sang trồng cây khác đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn như ngô,
cây công nghiệp khác;
- Đối với đất ruộng 1 vụ: các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc hiện có
khoảng 180 nghìn ha đất ruộng chỉ canh tác một vụ do bị thiếu nước, không có các
công trình thủy lợi. Đất ruộng 1 vụ chủ yếu thuộc các huyện vùng cao, trình độ dân
trí thấp và còn nhiều khó khăn. Diện tích này cần tiếp tục nghiên cứu để bố trí các
3


cây trồng trong vụ Xuân hoặc vụ Thu Đông như lúa cạn, lạc, đậu tương, ngô và đặc
biệt là chuyển sang trồng cỏ phục vụ chăn nuôi đại gia súc.
2. Giải pháp về chọn giống và dịch chuyển cơ cấu giống
Đầu tư cho nghiên cứu chọn tạo, phổ biến và đưa vào cơ cấu sản xuất các
giống cây trồng mới thích nghi với BĐKH, chống chịu được các điều kiện ngoại

cảnh bất thuận như rét, nóng, hạn hán, ngập úng và phèn mặn.
- Đối với giống lúa:
+ Chọn tạo bộ giống lúa thích nghi với điều kiện úng ngập như U17, U20,
U21 và một số giống đang được đưa vào thử nghiệm tại ĐBSCL như IR66876;
IR82355, IR07F102 có khả năng chịu được ngập 2 tuần;
+ Chọn tạo các giống chịu mặn như M6, Bàu tép, OM5464 và một số giống
triển vọng như OM5629, OM5981 và OM7368-14; các giống chịu phèn như Tép
lai, các giống chịu hạn như CH207, CH208, các giống lúa cạn LC93-1, LC93-2…
+ Tăng cường khuyến cáo bộ giống lúa có khả năng chống chịu bệnh rầy
nâu, vàng lùn, lùn xoắn lá ở các tỉnh ĐBSCL, giống lúa có khả năng chống chịu
bệnh bạc lá cho vụ Hè Thu, vụ Mùa ở các tỉnh phía Bắc.
- Đối với giống ngô:
+ Nghiên cứu chọn tạo các giống ngô lai chịu hạn tốt, năng suất cao, chống
bệnh và phù hợp cơ cấu cây trồng;
+ Chọn tạo bộ giống ngô chống chịu hạn, phèn, rét, úng, đầu tư thâm canh
thấp, kháng thuốc trừ cỏ và sâu đục thân (ngô Bt) có năng suất từ 10-12 tấn/ha phục
vụ các vùng khó khăn; bộ giống ngô có năng suất từ 7-9 tấn/ha, chín sớm cho vùng
có cơ cấu luân canh, tăng vụ.
+ Tăng cường công tác nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học trong chọn
giống, phấn đấu đến năm 2015 chính thức đưa ngô chuyển gen vào sản xuất thử;
đến năm 2020 có từ 20-30% diện tích trồng ngô chuyển gen.
- Đối với các cây trồng khác: Tăng cường đầu tư cho phát triển các giống
chống chịu với điều kiện thời tiết bất thuận (úng, hạn) và chống chịu sâu bệnh.
3. Giải pháp về kỹ thuật canh tác
Sử dụng các biện pháp canh tác bền vững trên đất dốc, hạn chế xói mòn, tăng
nguồn hữu cơ cho đất; sử dụng các biện pháp chăm sóc, bón phân cân đối, theo nhu
cầu dinh dưỡng của cây trồng nhằm làm giảm tối đa sự mất đạm trong đất, giảm

4



phát thải khí nhà kính; giải pháp tưới nước tiết kiệm đối với các loại cây trồng, đặc
biệt đối với lúa để giảm phát thải CH4.
- Đối với sản xuất lúa:
+ Đẩy mạnh áp dụng Mô hình 3 giảm – 3 tăng, trồng lúa theo phương thức
cải tiến SRI, IPM, ICM, làm đất tối thiểu, tưới tiết kiệm tạo điều kiện cho lúa sinh
trưởng phát triển tốt, năng suất cao, ít nhiễm sâu bệnh, giảm giá thành; đồng thời
cũng làm giảm đáng kể lượng phát thải khí nhà kính.
+ Triển khai mạnh Mô hình “lúa-tôm”: ĐBSCL hiện có hơn 120.000 ha đất
nông nghiệp sản xuất theo mô hình này. Qua thực tế, mô hình “lúa-tôm” đã được
khẳng định có tính thích ứng cao và bền vững với diễn biến bất thường của BĐKH,
sản phẩm đảm bảo an toàn và chất lượng do sử dụng hạn chế thuốc bảo vệ thực vật.
- Đối với sản xuất ngô:
+ Xây dựng quy trình kỹ thuật thâm canh tổng hợp (giống, phân bón, mật độ,
chế độ nước, sâu bệnh, luân canh, trồng xen, trồng gối…) phù hợp cho từng vùng
sinh thái.
+ Mở rộng áp dụng quy trình thâm canh ngô trên đất dốc kết hợp che phủ,
các loại thân cây họ đậu, cây ngô, phân xanh hoặc dùng rơm, rạ, cỏ khô, bã mía…
vừa đảm bảo năng suất lại hạn chế được hiện tượng xói mòn đất, góp phần cải tạo
độ phì đất. Ngoài ra, kỹ thuật tạo tiểu bậc thang đối với những nương ngô có độ
dốc cao kết hợp các biện pháp chống xói mòn cũng rất có triển vọng để mở rộng,
nhất là vùng miền núi phía Bắc.
- Đối với sản xuất sắn:
+ Tương tự như đối với ngô, trồng sắn xen với các loại cây họ đậu, cây phân
xanh theo đường đồng mức hoặc dùng xác thực vật để che phủ đất cũng là biện
pháp sản xuất bền vững cần được tiếp tục nhân rộng.
+ Tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, phân vi sinh trong thâm canh sắn.
+ Khuyến khích chuyển đổi một số diện tích trồng sắn ở vùng đất có độ dốc
trên 150 sang trồng một số cây trồng có hiệu quả kinh tế, ổn định hơn như mía, cao
su, cây lâm nghiệp… ở một số vùng có điều kiện sinh thái, đất đai phù hợp như Tây

Nguyên, Đông Nam bộ và miền núi phía Bắc.
- Đối với sản xuất cà phê: Áp dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm, bón phân
cân đối để giảm áp lực về nước tưới và giảm phát thải khí nhà kính nhất là vùng
Tây Nguyên;
5


- Đối với sản xuất chè:
+ Đẩy mạnh áp dụng các kỹ thuật: thiết kế nương đồi theo đúng yêu cầu kỹ
thuật, xác định thời vụ trồng thích hơp, làm đất kỹ, bón phân cân đối, trong đó chú
ý đến phân hữu cơ để tăng khả năng chịu hạn cho cây;
+ Đối với sản xuất chè kinh doanh: tăng cường trồng cây che bóng, ép xanh,
tủ gốc giữ ẩm; thực hiện biện pháp tưới nước tiết kiệm đối với những vùng có tưới.
Trên đây là Báo cáo của Cục Trồng trọt về nông nghiệp thích ứng thông
minh với BĐKH, kính gửi Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường tổng hợp./.

Nơi nhận:
- Như trên;
- Cục trưởng (để b/c);
- Phòng CLT;
- Lưu: VT, QLCL.

KT. CỤC TRƯỞNG
PHÓ CỤC TRƯỞNG

Đã ký

Phạm Đồng Quảng

6




×